NGƯT Phan Thanh Sắc năm nay 74 tuổi, vốn là giáo viên tiếng Anh, tiếng Pháp, dù tốt nghiệp Cử nhơn Văn Khoa (Đại học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975), về hưu từ tháng 3 năm 2000, ông viết văn như là cách để không lão hóa trí tuệ. Năm ngoái, theo động viên khuyến khích của bạn bè, đồng nghiệp, nhất là chị ông, cô Trần Thanh Mỹ, hiện sống với gia đình ở Belgium (Bỉ), ông gom các bài viết lại, phần lớn, các bài viết theo ký ức, trãi nghiệm, rồi thêm bớt, chỉnh tu. Nhìn lại, thấy rất rõ phần địa dư, địa danh, lịch sử, vùng Gò Công, rồi 11 ký ức Gò Công ngày cũ và kết lại là lời tâm tình sau khi đã có 570 trang tâm tình dọc theo nỗi nhớ.
Đọc Gò Công Vọng Tiếng Đất Lành, đọc giả được gợi lại một miền đất phủ Lôi Lạp mấy trăm năm, là nơi dung thân cho đa phần dân xứ Quảng xuôi Nam từ trước thời Thuận Ngãi, Thuận Tắc. Những cây cầu bị lãng quên và con kênh Salicetti trầm mặc, con đường Trương Định, con đường Lộ Dương, đường Bến Xe Ngựa ngày ngày ta đi qua, sinh sống mà không để ý chuyện xưa - chuyện mới, người cũ - người nay. Một xóm Đạo Long Chánh, một Gò Tre - Bà Phù, một trận bão năm Thìn, một bài vè đám cưới … đầy sự tích trong truyện kể mà tác giả viết rồi, lại viết thêm, chăm chút tỉ mẫn đến mức khi in thành sách rồi, từng nét chữ nở hoa, từng dòng chữ thơm mùi mực đã đành, mà còn mang theo hơi thở, mang theo vóc dáng, hình ảnh, tâm tình, nỗi niềm mà suốt 70 năm tác giả khắc họa lại câu văn (giống như câu nói) mà tác giả tự nhận mình là chân quê, khiến ta đối diện trang sách mà như ngồi kế bên một cụ già tâm tình. Từng trang từng đoạn là tâm tình, nói rồi lại nói thêm, nói thêm rồi nói thêm nữa, mỗi lần thêm là một lần mới, mới trên chỗ cũ, mới trên cái còn và mới trên cái đã mất.
Dường như tác giả quên mình đã già, mà đúng là bạn đọc cũng không hình dung một thầy giáo 74 tuổi, ngày ngày vẫn đi, vẫn nghe, vẫn nhìn, vẫn đọc, vẫn cặm cụi trên computer, vẫn hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi. Đâu có ai dè, trong căn nhà ông có một thư hiên, ông đặt tên Thanh Trước, ông lặng lẽ mà sôi động, dạt dào, chấp vá, không, ông kết nối, sắp đặt, tỉa tót để có một nhành hoa, không, một vườn hoa mang tên “Gò Công Vọng Tiếng Đất Lành”.
So với những quyển sách ra đời trước đây viết về Gò Công như Gò Công Cảnh Cũ Người Xưa của cụ Việt Cúc hay như Gò Công Xưa và Nay của NNC Huỳnh Minh, Võ Tánh và Người Dân Gò Công của Đặng Thanh Xuân, Vọng Tiếng Đất Lành không dàn trãi bằng, dường như tác giả cũng không muốn dàn trãi, Tác giả Phan Thanh Sắc khắc họa nét nào đầy nét đó, rõ nét đó, việc gì, người nào cặn kẽ người và việc đó, từ Phạm Đăng Hưng đến Bà Từ Dũ, từ Trương Định đến Trần Thị Sanh, từ họ Dương Yên Luông tới họ Huỳnh bà Phủ Hải … cái gì bạn muốn biết hãy đọc, có khi cái biết của bạn qua tác phẩm làm bạn ngỡ ngàng. Bản thân tôi, đọc “Con Đường Bao Điều Không Nhớ”, “Những Chiếc Cầu Trên Dòng Kinh”, hay “Con Đường Bến Xe Ngựa” hoặc “Xóm Đạo Long Chánh”, tôi đều ngỡ ngàng ngừng lại, đầy thú vị rồi hăm hở đọc tiếp đến tận cùng con chữ và thốt lên : phải chi còn nữa để đọc nữa !.
Tất nhiên, ta không đòi hỏi thêm gì giá trị văn chương của tác phẩm, bởi vì thực tế nó vẫn là một quyển hồi ký mang dáng dấp một miền quê, một đời người nhất định. Tôi xin trích một chút tình tự của tác giả ở cuối tác phẩm, để gút lại bài viết này, như là một ước mơ, một khát khao chung cho người con Gò Công xa xứ :
“Tôi mừng thị xã Gò Công mở rộng, tôi hy vọng tương lai, đừng quá xa, Thị xã Gò Công cùng với các huyện Gò Công của trọn vùng Gò Công cũ, khi củng cố hạ tầng, dân sinh no ấm, dân trí nâng cao do truyền thống hiếu học, bốn miền gò Công họp lại sẽ thành, không phải là một tỉnh nhỏ như xưa, mà là một vùng đất mang văn minh văn hóa miền biển, như một thành phố Hải Phòng ở miền Nam : một thành phố bắc Soi Rạp - Nam cửa Tiểu - cửa Trung và chừng đó, có một Đại học Gò Công chuyên ngành Văn Minh Biển”.
T.A.T