Nhan sắc Gò Công
Thứ hai, 09 Tháng mười 2006, 07:32 GMT+7
//
Những miền gái đẹp (kỳ cuối)
Đó
là vùng đất hiền hòa lặng lẽ nơi miền cửa biển với những ngôi nhà cổ,
dinh thự xưa và bóng dáng thiếu nữ hoài nét duyên xưa. Nhưng đất Gò Công
trầm mặc lại là nơi có nhiều đệ nhất phu nhân, hoàng hậu ở miền Nam
nước Việt...
Kỳ 6: Kinh đô mỹ nhân
>> Kỳ 5: Trong “lò” hoa hậu
>> Kỳ 4: Làng cung nữ dưới chân núi Yên Tử
Kỳ 3: “Chè Thái, gái Tuyên”
Kỳ 2: "Giải mã" người đẹp Phong Thổ
Kỳ 1: Vũ điệu sơn cước
Vùng đất hai hoàng hậu
Nhà
sử học Nguyễn Phước Nghiệp (Trường ĐH Tiền Giang) cho biết xứ Gò Công
tuy nhỏ, đất đai không trù phú nhưng lại sản sinh nhiều bậc phu nhân
hương sắc, đức tài. Cả miền Nam thời triều Nguyễn có ba người đẹp được
tiến cung và sau đó trở thành hoàng hậu thì đất Gò Công chiếm đến hai.
Một là bà Phạm Thị Hằng - thái hậu Từ Dũ và hai là bà Nguyễn Hữu Thị Lan
- Nam Phương hoàng hậu.
Thái hậu Từ Dũ sinh năm 1810 tại giồng
Sơn Qui, nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Bà là
ái nữ của thượng thư bộ lễ Phạm Đăng Hưng. Thuở nhỏ rất xinh đẹp, thông
minh, giỏi cầm, kỳ, thi, họa.
Ông Phạm Đăng Được - cháu nội bảy
đời của ông Phạm Đăng Hưng, hiện đang ở khu phố 2, Hòa Thôn, thị trấn
Tân Hòa, huyện Gò Công Đông - nói: “Đức Từ Dũ rất đẹp, mới 14 tuổi bà đã
được tiến cung và trở thành vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Năm
1841, khi hoàng tử lên ngôi vua lấy đế hiệu là Thiệu Trị, bà được tấn
phong là hoàng phi. Bà là mẹ hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là
vua Tự Đức. Vốn là người thông tuệ, bà rất chú trọng đến việc giáo dục
vua con, nhất là đạo làm vua, đạo làm người. Những lời răn dạy của bà
được nhà vua ghi chép thành một cuốn sách, gọi là Từ huấn lục”.
Người đẹp Gò Công Nguyễn Hữu Thị Lan - Nam Phương hoàng hậu - Ảnh tư liệu
Hoàng
hậu thứ hai của đất Gò là Nam Phương hoàng hậu. Trước khi trở thành đệ
nhất phu nhân của hoàng đế Bảo Đại vào năm 1934, bà đã ba năm liền trúng
giải hoa hậu Đông Dương. Nam Phương hoàng hậu sinh năm 1914, ở làng
Đồng Sơn, nay là xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bà
là người có nhân cách và nổi tiếng về đức độ.
Sau Cách mạng Tháng Tám
(1945), bà vẫn sinh sống ở Huế. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ
cách mạng non trẻ phát động, bà đã đến cơ quan chính quyền cách mạng
tỉnh Thừa Thiên tự nguyện hiến toàn bộ nữ trang để góp phần vào công
cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập của đất nước vừa mới ra đời.
Hành
động đáng quí và gương mẫu của bà đã tác động tích cực đến tinh thần
hăng hái đóng góp của người dân Huế nói riêng và của nhân dân cả nước
nói chung.
Cô Tấm ngày nay
Trần Thị Kim Uyên, 23 tuổi,
gương mặt tròn, miệng cười tươi, dáng mảnh mai, vừa đăng quang giải nhất
hội thi “Cô Tấm ngày nay năm 2006”. Hội thi được tỉnh tổ chức hằng năm,
với hàng trăm thôn nữ tham gia sơ tuyển từ 39 khóm, ấp trong thị xã Gò
Công.
Người đẹp Trần Thị Thu Trang bình dị cùng các chị, các má trên đường ra đồng - Ảnh: Quang Vinh
Để
trở thành “cô Tấm ngày nay”, các thôn nữ Gò Công phải hương sắc và đức
hạnh vẹn toàn. Uyên không nói nhiều về mình, chỉ thỏ thẻ: “Xóm em còn
nhiều chị đẹp hơn em nhiều, sinh một hai con rồi mà vẫn đẹp như hoa
hậu”.
Những người đẹp Gò Công không cao xa, lộng lẫy. Đó là cô thôn
nữ quanh năm sống với ruộng đồng Trần Thị Thu Trang - giải nhất “Người
đẹp Gò Công năm 2003”, Trần Ngọc Điểm với giải “Cô Tấm có giọng hát hay
năm 2006”, cô giáo tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Long Thuận Trần
Hoàng Trang - á hậu “Người đẹp Gò Công năm 2003”...
Ấp Long Phước
có 264 phụ nữ thì đã có trên 30 thôn nữ đoạt được các danh hiệu nhan
sắc Gò Công. Họ không kiêu kỳ, không nói những câu cao xa, lạ lẫm với sự
bình dị của làng quê mà mộc mạc chân thành.
Người đẹp Gò Công
Nguyễn Phong Lan - giải “Áo dài duyên dáng tỉnh Tiền Giang năm 2000”,
giải nhì “Cô Tấm ngày nay năm 2006” - hiện đang là giáo viên THCS ở thị
xã Gò Công. Phong Lan ít nói về nhan sắc, mà thường nhắc đến câu chuyện
ơn nghĩa sinh thành: “Đến bây giờ em cũng chưa biết cha mẹ ruột của mình
là ai. Mẹ em bây giờ là một nữ hộ sinh của bệnh viện huyện, thấy em bị
bỏ rơi đã đem về nuôi. Em được chăm sóc trong tình yêu thương còn hơn cả
mẹ ruột, mọi người khen em đẹp không đúng đâu, mẹ em mới là người đẹp
nhất”.
QUANG VINH
Người đẹp Phong Lan - cô giáo THCS ở thị xã Gò Công - Ảnh: Quang Vinh
Đất
Gò Công đã chuộng và tôn vinh sắc đẹp từ rất lâu. Ở Tăng Hòa (Gò Công
Đông) hiện vẫn còn một ngôi mộ khắc ghi phần mộ của “hoa hậu tỉnh Gò
Công” - bà Nguyễn Thanh Tùng (1919-1951).
Ông Nguyễn Văn Chín, em của
“hoa hậu Gò Công”, cho biết ngày trước các quan lại trong vùng vẫn
thường tổ chức hội thi hoa hậu người đẹp, còn gọi là “hội thi đấu sắc
đẹp”, người của làng đến từng nhà tuyển mộ người đẹp đại diện cho làng
ra tỉnh thi.
Làng của ông Chín đã may mắn đoạt hai giải nhất, nhì hoa hậu tỉnh Gò Công.
(Theo_TuoiTre)
Chỉnh sửa lại bởi Nhân Kiệt - 10/Apr/2013 lúc 9:48pm