Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: SAU NHỮNG BÀI HÒ CẤY GÒ CÔNG Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Chủ đề: SAU NHỮNG BÀI HÒ CẤY GÒ CÔNG
    Gởi ngày: 19/May/2013 lúc 10:31pm

Hò (hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp) là một trong các nghệ thuật ca hát dân gian rất được ưa chuộng ở Miền Tây). Hò trên cạn có hò cấy, hò giọng đồng, hò bản đờn, hò cống chùa v.v...



Hò cấy là điệu hò mái ngắn (còn gọi là mái đoản, mái cụt) thường diễn ra ngay trên đồng ruộng, có thể kéo dài từ sáng cho đến chiều tối. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô, vừa lao động, vừa trổ tài đối đáp.

Xưa kia, mỗi vạn cấy thường tập trung từ 20 đến 30 người, đứng đầu là một "trùm vạn" - người trung gian giữa chủ ruộng và thợ cấy. Những thợ cấy hò giỏi thường được mọi người trọng vọng, công xá bao giờ cũng được nhận phần cao hơn so với các người khác trong vạn. Trong tên các điệu hò Miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) mỗi câu hò có lớp trống, lớp mái: Lớp trống mang nội dung chính, có vai trò “hò cái”, do 1 giọng chính cất lên; lớp trống được gọi là vế kể với mục đích thông báo, ngỏ lời, mời gọi.Lớp mái mang nội dung phụ, có vai trò “hò con”, do nhiều giọng phụ; lớp mái được gọi là vế xô với mục đích phụ họa. Từ “mái” trong mái đẩy, mái nhì… có nghĩa khác. Ví dụ:
Mái đẩy: Quy ước hò đến lớp mái thì đẩy thuyền tới.
Mái nhì, mái ba: Quy ước đến lớp mái thì phải lặp lại hai lần (đối với mái nhì), ba lần (đối với mái ba).
Mái xắp: Quy ước lớp mái (phần phụ) sắp xếp lời thế nào đó để tiết tấu bảo đảm nội dung và làn điệu của điệu hò.

Hò cấy Miền Tây Nam Bộ trước đây diễn khắp các tỉnh, nhất là ở miệt ruộng của huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày, Bình Đại, Giồng Lãnh, Trại Cá, Bình Ân.... Nay hò cấy có thể coi là điệu hò cổ nhất hiện còn được gìn giữ ở Tiền Giang.

Hò cấy Gò Công được chia thành 3 loại: hò đối đáp, hò đậu, hò hội (phải có đông người tham dự hơn). Về âm điệu, tiết tấu và tiếng hò (hay vế xô) sau mỗi nhịp trong hò cấy Gò Công là “hò... .hò...ơ..ơ...”. Ở Gò Công trước có cụ Trương Văn Nghĩa và nay có nghệ nhân Đặng Văn Hiệp (xã Kiểng Phước, Gò Công Đông) còn giữ hàng trăm câu hò.

Đêm 13-4 vừa qua, tại vòng chung kết Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2013 khu vực Nam bộ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và các đài truyền hình trong khu vực. Liên hoan lần này quy tụ nhiều tiết mục dân ca - dân nhạc - dân vũ đặc trưng của 14 tỉnh, thành trong khu vực, với khoảng 300 nghệ nhân tham gia.

Đây là dịp để các địa phương giới thiệu những nét văn hóa dân gian đặc sắc, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của mỗi vùng, miền. Kết quả “Hò cấy Gò Công” của đoàn Tiền Giang đã vinh dự được Ban tổ chức trao giải tiết mục xuất sắc.




Lại nhớ Mỹ Duyên, nữ tiến sĩ một đời trăn trở với văn hóa dân gian. Chị 4 tuổi đã lên sân khấu ca bài Lưu thuỷ hành vân, Tam pháp nhập môn; 5 tuổi ca được Ngựa Ô Nam, Ngựa Ô Bắc, Lý Tâm thất, Lý Giao duyên; 6 tuổi biết ca bản Vọng cổ nhịp 32, 12 câu Phụng hoàng; 8 tuổi ca được 3 bản Nam, Giang Nam, Bình sa lạc nhạn,... qua ngón đờn kìm của cha là nghệ nhân Ba Thế, còn gọi là soạn giả Thế Hữu hay Bầu Thế.

Và cụ Thế đã bán hàng chục mẫu đất thừa kế để lập gánh cải lương Sống chung (ông tên thật là Phạm Hữu Thế, cháu nội ông Phạm Hữu Hằng tức Bộ Ninh - người nổi tiếng về tài ăn nói). Cuộc đời ông tuy có bao sự thăng trầm nhưng cây đờn kìm vẫn trên tay ông cho đến lúc nhắm mắt. Năm 2006, Mai Mỹ Duyên đã tặng cây đờn 150 tuổi ấy cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Biết cha mẹ không muốn con nối nghiệp cầm ca, chị Mỹ Duyên (Cai Lậy) đã cố gắng học tập. Năm 1982, chị tốt nghiệp Đại học Văn hóa (ngành Văn hóa quần chúng ở Hà Nội; năm 1997 bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ văn hóa với đề tài "Đờn ca tài tử ở Tiền Giang".

Năm 2007, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ văn hóa với đề tài "Đờn ca tài tử trong đời sống văn hoá của dân cư miền Tây Nam Bộ". Hiện nay, chị là Phó khoa Sau đại học của Trường Đại học Văn hóa tp HCM.

Mùa lũ năm 1978, Mỹ Duyên giã biệt quê nhà lên đường vào đại học. Hà Nội năm ấy rét như cắt da, áo quần đem theo không đủ ấm, Duyên quấn luôn chiếc mền cũ lên giảng đường. Má biết được, bán hai công đất ruộng trả nợ, dành lại ít tiền gửi cho con gái bộ đồ và một gói chuối ngào đường nhưng bọn trộm cũng chẳng buông tha! Đồ đạt, áo quần bị chúng dọn sạch. Bạn học sáng cho mượn áo mặc, tối cho đắp chung mền. Nhưng chẳng lẽ cứ mặc "đồ khính" bạn hoài, nghĩ vậy Duyên nhờ các anh ở nhà xin bao đựng đồ tiếp tế nhu yếu phẩm (món này được ngành Thương nghiệp thời bao cấp duyệt mua 8m mỗi khi gia đình nào có đám tang) và chị thức liền mấy đêm tháo ra, tự cắt quần áo rồi may tay để mặc. Thuốc nhuộm xanh lè, mỗi lần giặt dính đầy tay rửa không ra. Thấy chị không đủ áo ấm, anh Nguyễn Đắc Hỷ (nguyên Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Tiền Giang, lúc đó đang học Đại học Văn hóa Hà Nội trên chị một khóa) cho biết: "Anh có cái áo ruột bông của anh bạn học chung, ảnh về Nam bị bệnh chết rồi. Duyên dám mặc anh đưa!". Chị đem chiếc áo cáu bẩn về giặt sạch (đó là chiếc lỏi áo bông thô dùng mặc lót bên trong áo khoác cho ấm), nhờ chiếc áo ấy mà qua được 4 mùa đông giá lạnh. Nhờ vào biên chế trước khi đi học, Duyên được lãnh học bổng mỗi tháng là 36 đồng. Mặc dù hết sức tiện tặn, nhưng vẫn không đủ trang trải, chị và người bạn cùng phòng cùng ăn chung một suất lương thực, còn một suất đem bán, chia nhau mua đồ dùng học tập. Lúc ấy, một tô phở cũng là món xa xỉ của đời sinh viên. Những ngày chủ nhật, Duyên rủ bạn đi khiêng gạch mướn,...nhưng chỉ khi thiếu công nhân Duyên mới có việc làm.

Những năm đó Tiền Giang lũ lụt mất mùa, nhà lại nghèo, má không có tiền gởi cho chị. Mỗi năm sinh viên miền Nam chỉ được thanh toán tiền về quê nghỉ hè, về ăn tết thì xe tỉnh rước. Có năm xe không rước, các bạn miền Bắc, bàn nhau đưa Duyên về nhà mình ăn tết. Duyên khăn gói theo bạn về bản Mường ở Sông Thao - Vĩnh Phú. Tủi thân trước cảnh sum họp gia đình của bạn, chị lặn lội về ký túc xá ở một mình. Sống trong cảnh da diết nhớ nhà và thiếu thốn mọi bề, nhưng năm học nào Duyên cũng vượt qua, là tấm gương vượt khó học tập của các bạn. Lớp học có 63 sinh viên, Duyên là một trong 13 người được chọn làm luận văn tốt nghiệp. Bài luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài "Bàn về chức năng, nhiệm vụ nhà văn hoá thiếu nhi cấp thành phố", do thầy Đoàn Văn Chúc hướng dẫn, đã mở ra cho chị một cánh cửa để bước vào con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Năm 1997, chị với tư cách quản lý nghiệp vụ và nhà nghiên cứu đã kết hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam thực hiện và hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như:
• Lễ giỗ các họ người Việt ở Tiền Giang,
• Hò cấy Gò Công,
• Lễ hội Kỳ yên,
• Nghệ thuật đờn ca tài tử,
• Các món bánh dân gian Nam bộ,
• Kiểng cổ Tiền Giang,
• Mắm còng lột Phú Thạnh,...

Say mê nghiên cứu, chị đã dành thời gian, kể cả ngày nghỉ, cùng với những đồng nghiệp của mình miệt mài đi xuống tận xã - ấp để thực hiện những chuyến điền dã, khảo sát, điều tra và sưu tầm. Cụ Trương Văn Nghĩa 90 tuổi - nghệ nhân hò cấy nổi tiếng của Tân Tây - Gò Công nghe tin chị xuống thăm, đã chống gậy đi từ nhà ra Ủy ban xã gần 5 cây số để hò cho chị nghe. Ông cảm động rơi nước mắt khi biết có người còn quan tâm đến câu hò, mà từ lâu, nó đã không còn hiện diện trên đồng ruộng quê hương!

Mỗi lần xuống cơ sở, chị thường tìm đến các nghệ nhân, thăm hỏi sức khoẻ, lắng nghe nghệ nhân tâm tình, kể lể, chia sẻ với họ những nỗi buồn lo trước xu thế xa rời nguồn cội văn hóa và những khát vọng về một tương lai phục hồi giá trị cổ truyền.

Chị yêu tiếng đàn, lời ca chân quê của nghệ nhân đờn ca tài tử, mê tay nghề khéo léo của những nghệ nhân làm bánh, chưng nghi, múa bóng rỗi,... Chị sợ tất cả sẽ bị mai một, mất đi, cho nên chị đã làm những việc gì mình có thể làm, để bảo tồn và phát huy, chớ không chỉ vì trách nhiệm.

Việc làm của chị đã được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp hỗ trợ và chính quyền địa phương cũng như tất cả nghệ nhân trong tỉnh đồng lòng ủng hộ. Người Tiền Giang còn biết chị qua nhiều chương trình lễ hội đại chúng. Với giọng dẫn chương trình rành mạch, truyền cảm, với những kịch bản sân khấu hóa giàu hình tượng, như:
• Đường ta đi tới (kỷ niệm 30 năm ngày 30/4/2005);
• Hào khí Sông Tiền (220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút - 2005);
• Gò Công hồng trang sử (40 năm xuân Mậu Thân 2008);
• Con cháu Rồng Tiên (Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương 2008);
• Mỹ Tho khát vọng vươn lên (330 năm Mỹ Tho Đại phố - 2009);
• Những trang sử vẻ vang (65 năm thành lập ngành Công an nhân dân - 2010)...

Khán giả truyền hình trong và ngoài nước còn biết chị qua các chương trình giới thiệu về văn hóa Nam bộ và quê hương Tiền Giang mà chị đã cùng với những cán bộ biên tập, quay phim tâm huyết của Đài VTV, HTV thực hiện.



Lúc đó dù bận bịu cách mấy, chị cũng gác công việc lại để cùng nhà Đài lặn lội qua cù lao, ra cửa biển, lội ruộng sâu, ... để tìm cho được một câu hò mái trường, mái đoản còn lẫn khuất trong những cánh đồng; những khuôn mặt đầy vết chân chim đã qua thời xuân sắc mà giọng hò, giọng ca tài tử vẫn còn da diết nỗi niềm chân quê; những mái đầu như mây trắng và đôi tay run run nắn nót trên phím đàn để nhả những sợi tơ cuối mùa nghệ thuật,...

Khi hỏi vì sao chị lại làm như vậy? Chị cười bỏ lửng câu : "Mỗi người phải mê một thứ gì đó..." Nữ tiến sĩ Mỹ Duyên như anh nông dân cần mẫn không thể đếm được mồ hôi cho những đường cày trên mảnh đất quê hương. Hơn 30 năm với ngành Văn hóa Tiền Giang, bạn bè đồng nghiệp quen thấy chị làm việc không phân biệt thứ bảy hay chủ nhật.

Suốt ngần ấy thời gian, từ một cán bộ bình thường đến khi trở thành Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, chị chưa hề đòi hỏi phải có một sự biệt đãi nào về vật chất hay cương vị xã hội. Người yêu nhạc Trịnh không thể quên câu hát: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...", nói theo kiểu Việt Nam là sống cho tử tế. Sống cho tử tế thật không dễ dàng! Nhưng chị đã làm được những điều tử tế cho cuộc đời, cho nghệ thuật, cho những người mà chị luôn yêu mến, kính trọng và cho quê hương Tiền Giang - nơi mà tuổi thơ của chị đã đắm mình trong nghệ thuật dân gian, nơi mà tình yêu văn hóa dân gian của chị đã truyền được cảm xúc cho nghệ nhân, cho các cộng tác viên, cho những học trò thân yêu của chị!

VẪN CÒN
Câu hò mái đoản thơm hương mạ
Trăng nước mái trường vỗ bến thương
Thuở ấy bây giờ thôi dĩ vãng
Ngàn năm sông núi vẫn còn vương


(Tình Mặc)

(Tổng hợp từ net)
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 20/May/2013 lúc 9:28am
Người đứng ở "hậu trường sân khấu"

Nhiều năm qua, qua các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ do ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức, đơn vị thị xã Gò Công luôn đạt được thứ hạng cao với nhiều chương trình - tiết mục văn nghệ ấn tượng. Và người biên tập chương trình, đứng sau "hậu trường sân khấu", nhưng có những đóng góp đáng kể vào thành công các chương trình văn nghệ của thị xã phải kể đến chị Công Minh - cán bộ nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa - Thông tin thị xã Gò Công.

Là địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh, nên Trung tâm Văn hóa - Thông tin thị xã "rộng đường" lựa chọn lực lượng cộng tác viên cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại chỗ và tham dự các cuộc hội thi - hội diễn văn nghệ cấp tỉnh. Song, để đạt giải ở các cuộc hội thi - hội diễn thì ngoài yếu tố diễn viên, nhạc công, dàn dựng... thì công tác biên tập chương trình giữ vai trò quyết định, bởi một chương trình văn nghệ quần chúng hay phải có ý tưởng của người biên tập về nội dung, kết cấu, phương thức thể hiện để mang lại hiệu quả sân khấu - và nhiều năm qua Công Minh đã thể hiện thật tốt vai trò này.

Gò Công là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, nên trong kết cấu của nhiều chương trình văn nghệ, Công Minh luôn chú ý khai thác các câu hò, điệu lý ở địa phương như hò cấy Gò Công, Lý Con Sáo Gò Công...

Có những bài hát vọng cổ, tân nhạc viết về Gò Công từ rất lâu như bài "Tiếng sóng biển tiếng quê hương" của Thanh Hiền, bài "Gửi em cô gái Gò Công" của Lê Anh Vũ và một số bài của nhạc sĩ Hoàng Phương viết về Gò Công được Công Minh đưa vào các chương trình văn nghệ với nhiều tìm tòi trong thể hiện, nên tạo được hiệu quả nghệ thuật qua các cuộc hội thi - hội diễn. Thanh Hải thời gian qua được Công Minh "đặt hàng" viết một số bài vọng cổ cho các chương trình văn nghệ của thị xã do chị biên tập.



Cuộc liên hoan Văn nghệ - Thể thao các xã (phường, thị trấn) văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 7/2011 vừa qua, thị xã Gò Công có 9 đơn vị xã - phường văn hóa tham dự, thì có đến 8 tiết mục bắt buộc của 9 đơn vị đạt giải xuất sắc ở liên hoan và 8 tiết mục này hầu hết đều mang dấu ấn biên tập của Công Minh, cả việc chị gợi ý về nội dung, chọn diễn viên thể hiện. Cũng ở liên hoan này, Công Minh đã đưa cặp vợ chồng ông Chí Trung - Hoa Hồng là gia đình văn hóa tiêu biểu của phường 2 (thị xã Gò Công) vừa đệm đàn vừa hát bài "Niềm vui tuổi cao niên", tiết mục này đạt giải xuất sắc ở liên hoan. Có thể nói đây là tiết mục phản ánh được nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bằng những con người cụ thể trong hoạt động văn hóa tại địa phương.

Hay như tiết mục song ca vọng cổ "Tâm sự với quê hương" của tác giả Nguyễn Tám (đơn vị xã Tân Trung) giới thiệu về nghề làm tủ thờ ở Gò Công đạt giải xuất sắc ở liên hoan, được chọn công diễn, tiết mục này cũng do Công Minh gợi ý sáng tác - dàn dựng.

Sinh năm 1966, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, từ năm 1988 đến năm 1995, Công Minh học trung cấp, rồi đại học ngành Văn hóa quần chúng ở tp HCM và theo chồng về Gò Công công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin thị xã từ năm 1990 đến nay.

Ngoài công tác biên tập chương trình văn nghệ tham dự các cuộc hội thi - hội diễn cấp tỉnh đạt nhiều thành tích, Công Minh còn biên tập chương trình cho nhiều hoạt động văn hóa, các lễ hội lớn của thị xã, phát hiện nhiều gương mặt văn nghệ trẻ cho phong trào, góp vào phong trào chung của tỉnh.

Ở liên hoan văn nghệ - thể thao các xã (phường, thị trấn) văn hóa, thị xã Gò Công còn đạt được 3 giải cá nhân xuất sắc về diễn viên, dàn dựng, sáng tác. Dù là người ở "hậu trường sân khấu", nhưng có thể nói không ngoa rằng, cùng với Tuyết Hằng, Hoàng Anh, Công Minh, 3 cán bộ nghiệp vụ này của Trung tâm Văn hóa - Thông tin là linh hồn của phong trào văn nghệ quần chúng thị xã trong nhiều năm qua. Được sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên, của ngành Văn hóa và với nội lực về chuyên môn mạnh, thị xã Gò Công tiếp tục sẽ là "đối thủ" đáng nể "cạnh tranh" giải thưởng với các đơn vị khác trong tỉnh ở các cuộc hội thi - hội diễn văn nghệ cấp tỉnh thời gian tới.
Thanh Hải


Chỉnh sửa lại bởi hoangngochung - 20/May/2013 lúc 9:36am
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 05/Jun/2013 lúc 2:14am
3 “bảo tàng sống” của hò cấy Gò Công
Đó là:

Cụ ông Nguyễn Văn Thành (75 tuổi, ngụ ấp Hưng Hòa), cụ bà Mai Thị Tiềm (79 tuổi) và cụ bà Huỳnh Thị Thắm (76 tuổi), cùng ngụ ấp Thới An B. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, Mai Thị Tiềm và Huỳnh Thị Thắm (từ trái qua).

3 cụ được nhiều người biết đến như là “nghệ sĩ” trên những cánh đồng lúa với những câu hò giao duyên, làm cho không khí lao động càng thêm rộn rã, góp phần xua tan những mệt nhọc đời thường.

Đó là những câu hò theo kiểu “tức cảnh sinh tình” bằng cảm xúc, ngẫu hứng và sự nhạy bén của mỗi người, không theo một khuôn mẫu nào. Bởi vậy có nghệ nhân đã từng nói “các câu hò được sinh ra từ gốc lúa”. Mặc dù có người là chủ đất, có người là công cấy, nhưng chính sự tâm huyết và tình yêu với nghệ thuật dân gian đã làm cho 3 người hàng xóm này luôn gắn bó, thường xuyên trao đổi và cùng nhau lưu giữ những câu hò quý giá của vùng Gò Công cho đến ngày nay.

Hò cấy Gò Công không giống các điệu hò khác, mà mang một nét đặc trưng rất riêng, không đâu có được.
Hãy hình dung họ cất lên những câu hò đối đáp đã sưu tầm được ở xã Long Vĩnh.

Câu 1 Nam: Bởi là vầy chứ bớ mà em…
Nữ: Ủa sao…kìa…
Nam: Bởi là vầy em ơi ở trển anh xuống tới đây, đường xa xứ lạ anh biết lòng dạ em thế nào, duyên gặp duyên anh đây muốn kết, ở…ờ…
Nữ: Biểu dạng huê chầu…
Nam: Vậy chớ anh sợ em có chốn phòng nào mà anh không hay… đó bớ mà em.

Câu 2 Nữ: Bởi là vầy chứ bớ mà anh…
Nữ: Ủa sao…kìa…
Nữ: Bởi là vầy anh ơi đường đi lên trơn trợt, đường đi xuống gió mát lạnh, thương anh em giăng tay nối sợi chỉ hường, dẫu không đặng bạn ở…ờ…
Nữ: Biểu dạng huê chầu…
Nữ: Vậy chớ em cũng để đường anh xuống lên… đó bớ mà anh.

Theo thời gian việc cấy lúa đã dần thay thế bằng những phương pháp mới. Chính vì thế “đất sống” của hò cấy cũng dần bị thu hẹp, chủ yếu được lưu giữ trong tâm thức của những nông dân cốt cựu như 3 “nghệ sĩ” kể trên. Và chính họ như “bảo tàng sống” vẫn còn thuộc rất nhiều câu hò, có thể cùng nhau hò hàng giờ đồng hồ mà không biết chán. Tuy nhiên, ai cũng trăn trở một điều rằng, loại hình này liệu sẽ được bảo tồn và phát huy như thế nào khi nghề cấy lúa dần biến mất trên những cánh đồng Gò Công trong khi không có người để truyền lại.

Đây cũng là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với nghệ thuật dân gian của tỉnh nhà. Cách đây khoảng 6 năm, 3 cụ được mời tham gia chương trình thể nghiệm các mô hình hoạt động tại Nhà văn hóa xã Yên Luông.

Lần tham gia đó đã để lại trong 3 cụ một ấn tượng và mong có dịp lại được xuất hiện để giới thiệu về loại hình nghệ thuật này đến nhiều người. Đầu năm nay, trong khi chuẩn bị chương trình tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam lần V - năm 2013, một vị lãnh đạo trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gợi ý chọn hò cấy Gò Công.

Thế là 3 cụ được mời về cùng tham gia. Thật khó có thể ngờ rằng, lần đầu tiên trình làng ở một sân chơi lớn, 3 cụ đã chinh phục được Hội đồng Nghệ thuật và khán giả với giải xuất sắc cho hò cấy Gò Công. Hội đồng Nghệ thuật thì đồng cảm bởi tính chất mộc mạc, chân phương, nhất là 3 cụ thể hiện bằng tâm huyết.

Với hò cấy Gò Công, việc bảo tồn bằng hình ảnh và những ghi chép được sưu tầm chỉ là khuôn mẫu; sức sống loại hình văn hóa dân gian này thật sự sống động qua “bảo tàng sống” từ những người đã từng một thời gắn bó với hò cấy mới thể hiện hết nét đặc trưng và tâm hồn của hò cấy Gò Công. Nguồn: Báo Ấp Bắc


Chỉnh sửa lại bởi hoangngochung - 05/Jun/2013 lúc 2:41am
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.102 seconds.