Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Tình Sử Bùi Giáng Kim Cương Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 2
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 23/Sep/2011 lúc 6:39pm


 

Bùi Giáng & di cảo để lại Lê gia trang

Hữu Bảo

Những ngày yên nghỉ thênh thênh

Lê gia trang ấy nghĩa tình xiết bao

Cỏ cây hồ cá thì thào

Mai sau tâm sự chốn nào nơi đây

Xa trời gần đất tuổi này

Tao phùng đầm ấm những ngày tương giao...

Hẳn nhiều người nhận ra giọng Bùi Giáng trong bài thơ này. Bài thơ được viết năm 1991, tên của nó là “Những ngày yên nghỉ Lê gia trang”, bên cạnh bài thơ tác giả chua thêm dòng chữ: “Tôi về chỗ tôi đã ra đi. Ở đó có một bầu trời xanh”. Câu viết gợi nhớ đến Hoàng tử bé – cuốn sách mà Bùi Giáng dịch xuất thần từ Saint Exupery. Vậy Lê gia trang là đâu mà Hoàng tử bé ấy đã có lúc chọn làm nơi trú chân trong đoạn cuối cuộc hành trình trở về với tinh cầu của mình? Mười bảy cuốn vở chứa đầy di cảo thơ Bùi Giáng được cất giữ suốt 15 năm qua trong một ngôi nhà ở Xóm Gà, Bình Thạnh đã hé lộ thêm đôi điều về một tài thơ trác tuyệt dù luôn miệng “vui thôi mà” nhưng để lại nhân gian những tâm sự buồn quá đỗi...

Gương mặt đời: “Điên phi thường”

Có thể nói người Sài-Gòn nào tuổi trung niên trở lên và thường di chuyển trên đường hẳn cũng có lúc vô tình bắt gặp thi sĩ Bùi Giáng trong hình dáng một người điên lang thang khắp chốn từ Ngã Bảy, Gò Vấp đến Chợ Lớn, An Lạc. Lần đầu tôi nhìn thấy Bùi Giáng là khi ông đang làm cảnh sát công lộ, một chiếc xe hơi chạy qua vội dừng lại, người trên xe bước xuống cung kính “Thưa thầy” rồi mời vị “cảnh sát” lên xe. Về nhà hỏi ba tôi, ông bảo chắc đó là người dịch “Hoàng tử bé”. Tôi nghĩ ba tôi lầm, vì thật khó tin cái người điên lôi thôi lếch thếch ấy lại dịch được những dòng trong trẻo dường kia từ Saint Exupery. Nhưng hình ảnh những người sang trọng ngồi xe hơi gọi một người điên bằng “thầy” khai mở cho trí óc non trẻ của tôi hiểu được rằng phẩm chất thực sự của một con người được ẩn giấu trong bất kỳ một nhân dạng hình hài nào. Lần thứ hai là khi thi sĩ chọn Ngã Bảy để điều khiển giao thông, nghe tiếng huyên náo ngoài đường ba tôi ra xem, lát sau ông dẫn về một người điên với chiếc dép lủng lẳng trên cổ, mời vào nhà uống nước. Áo hai ba lớp, tóc tai rũ rượi vẫn không che được đôi mắt sáng đến kỳ lạ. Người điên im lặng ngồi một lúc rồi đi, vẫn chiếc dép toòng teng như Đạt ma tái thế, tỉnh táo như chẳng phải vừa cách đó ít phút ông làm náo động cả sáu ngả đường. Lần nay thì tôi tin mình vừa diện kiến tác giả “Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại”- cuốn sách tôi từng đánh vật cả tuần lễ mà chỉ hiểu được có vài trang. Lần cuối cùng là khi tôi vừa bước chân vào nghề báo, bắt gặp ông đang ngồi một mình một bàn trong quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng khu Đa Kao, và sửng sốt nghe tác giả “Mưa nguồn” buột miệng ứng họa tức thì một bài thơ lãnh tụ đang được bình từ radio. Đó là Tết năm 1989, hai năm trước khi ông về ngụ tại nơi được thi sĩ gọi là Lê gia trang.

Lê gia trang- nghĩa là nhà vườn của một người họ Lê. Văn phong đặc trưng của Bùi Giáng là sự pha trộn tài tình ngôn ngữ bác học với khẩu ngữ dân gian, từ Hán Việt với tiếng lóng, với thuật ngữ triết học và kinh Phật, với cả những từ...không được thanh tao mấy. Nhiều người cứ ngỡ ông đùa hay điên khi chuồn chuồn châu chấu trong cảm thức ngôn ngữ của ông cũng quan trọng ngang với mọi dạng thức sinh tồn khác của vũ trụ. Nhưng nhớ chăng, “Hoàng tử bé, con cừu ăn đóa hoa, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao! Con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa?”. Cũng nghiêm trọng như thế, khi ông gọi ngôi nhà tôn ở Xóm Gà của nhà quay phim-biên kịch Lê Trác là Lê gia trang.

Hôm đó, tôi đang đạp xe từ Hãng phim Giải Phóng về ngang ngã tư Xóm Gà thì gặp Bùi Giáng bị xua ra khỏi quán rượu Thọ Nguyên vì không trả tiền rượu chịu, thế là tôi trả hộ rồi rủ Bùi Giáng về nhà uống tiếp. Ông ta nhảy lên yên sau, nhưng ngồi đâu lưng với tôi, và không ngừng múa may quay cuồng”- Ông Trác kể. Cuộc rượu tại nhà ông Trác kéo dài đến...sáu tháng, và thử hình dung một gia đình gồm hai vợ chồng với bốn con nhỏ trong một mái nhà không tươm tất mấy nay lại chứa thêm một người điên đúng nghĩa. “Tôi không quan tâm đến việc ông ta là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư đại học trước 1975, tôi chỉ thấy đó là một người đáng thương, đôn hậu và tử tế”- lý do ấy đủ để gia đình này chịu đựng một người khách luôn có những hành vi kỳ dị, la hét bất thường, chỉ ăn được thức ăn mềm, tắm suốt ngày, thích ra đi ngay giữa đêm khuya và có thể làm thơ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu...Cuộc gặp tại quán rượu ấy tất nhiên cũng được Bùi Giáng viết thành thơ:

Rượu Thọ Nguyên- nhậu lu bù

Cho đời tàn xế tuyệt mù cuối năm

Rượu vào vắng bặt bóng tăm

Của chim cá với choằm hoằm tử sinh

Đôi phen sực tỉnh thình lình

Hỏi cây cỏ với thể hình người ta

- Ta là quỉ, hay là ma

Hay thần tiên dịch chuyển ra vô cùng

Chuyển vào thực thể mê cung

Dịch vào thể lệ song trùng tồn sinh...

(rượu thọ nguyên)

Trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, nhà thơ kiêm dịch giả kiêm biên khảo kiêm phê bình văn chương kiêm cảnh sát công lộ tự xưng là Bàng Giúi không ngừng làm thơ, nhiều đến mức lắm khi gia chủ phải khiến ông tiu nghỉu khi kịp giành lại những bức ảnh kỷ niệm của gia đình mà Bùi thi sĩ định lật mặt trái để...đề thơ. Cô bé 9 tuổi nhỏ nhất nhà là người tìm ra giải pháp: cô tặng Bùi Giáng những cuốn tập 100 trang cho ông thỏa thích phóng bút. Khi mười bảy cuốn vở đã đầy thì ông bỏ đi...

Không ai biết mặt TTKH và nhà thơ này chỉ để lại một dấu hỏi, còn Bùi Giáng dù lang thang khắp chốn trước mắt bao người nhưng gieo rắc hàng loạt câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: Ông điên thật hay giả vờ? Tự học khi nào để có thể dịch được bốn thứ tiếng Anh-Đức-Pháp-Hán? Sáng tác ra sao mà trở thành một trong những tác gia nhiều đầu sách nhất của miền Nam trước 1975: hơn 50 cuốn? Qua lời thuật lại của ông Lê Trác về những gì thi sĩ Bùi Giáng tiết lộ trong sáu tháng ngụ tại nhà ông, có thể chắp nhặt đôi điều giúp được cho giới nghiên cứu văn học sử (xin không nhắc lại những điều đã nhiều người biết): Tên ông lý ra là Bùi Dán, nhưng khi đi làm khai sinh thì nhân viên hộ tịch viết sai thành Giáng. Năm ông lên hai, trong một lần cãi nhau người cha đã giành Bùi Giáng từ tay vợ ném ra cửa, trúng nhằm một cây đinh cắm sâu vào trán, vết thương rất nặng khiến ông chết đi sống lại, nhờ người vú nuôi tận tình chăm sóc mà đến lúc ông lên chín mới lành hẳn. Chi tiết này trùng khớp với “tiểu sử tự ghi” mà Bùi Giáng để lại ở chùa Pháp Vân - Gia Định hai năm sau đó - tháng 8 năm 1993, và phù hợp với vết sẹo trên trán thi sĩ. Như vậy tổn thương ở vùng đầu này có thể là căn nguyên cho chứng điên phát tác về sau. Nghĩ cũng lạ: xưa nay nhiều người tỉnh bị ngờ là điên, nhưng mấy ai điên lại bị người đời nghi là tỉnh như Bùi Giáng. Cũng theo ông Trác thì sau người vợ Phạm Thị Ninh mà nhiều tư liệu đã nhắc đến, Bùi Giáng còn một người vợ hiện vẫn sống ở Hội An, và hai người có với nhau một con gái (?).

Nhiều người thường thắc mắc mỗi khi bắt gặp Bùi Giáng múa may ngoài đường là cái thân hình gầy nhom khô đét ấy lấy đâu ra năng lượng để quay vù vù như một cái chong chóng đủ màu suốt từ sáng đến tối, bất kể nắng hay mưa, thì nay thắc mắc ấy phần nào được giải đáp: Bùi Giáng thường xuyên tập yoga trong thời gian ngụ tại nhà ông Trác, nên có lẽ nhờ đó mà dù ăn rất ít vì răng cỏ không còn bao lăm nhưng thi sĩ chẳng mấy khi bệnh tật và đủ sức uống rượu tì tì. Và cũng đừng tưởng nhà thơ điên này là bẩn nhé: Ông tắm rất nhiều lần trong ngày.

Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi không thể không hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời không mới: “Quả tình tôi không biết Bùi Giáng điên hay tỉnh, vì khi điên thì ông điên dễ sợ, còn khi tỉnh thì thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ phi phàm!”- ông Trác thú thật.

Chân dung thơ: Nhiều sầu muộn

Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết dùng lời lẽ hồn nhiên đối đáp với trẻ nhỏ. Rất nhiều khi, đóa Tường Vy nhỏ là cô con gái út của ông Trác và nhà thơ cuồng đã có những đoạn đối thoại thường xuất hiện trong các tập di cảo như những ốc đảo xanh giữa sa mạc chữ:

Tường Vy bất chợt bần thần

Hỏi ông Bàng Giúi: “Ông gần hay xa?

Ông về trong cõi người ta

Ông là kẻ lạ hay là người quen?”

(Tường Vy chất vấn)

Đáp rằng: có lẽ ông quên

Hoặc là có nhớ rồi quên mất rồi

(Đáp lời Tường Vy)

Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết hì hục khiêng từng hòn đá nặng về xếp thành giả sơn tặng gia chủ, để cảm tạ cái ơn đã dám “rước về riêng một thằng điên” như trong bài thơ mà Bùi Giáng đặt tựa là “Thần tiên Trác Cẩm gia đình”:

Gia đình rất mực thần tiên

Rước về riêng một thằng điên phi thường

Từ trên tới dưới tượng mường

Tượng mơ như mán như mường tường minh

Đầu tiên rất mực gập ghềnh

Tương cầu cảm ứng ưu phiền cảm ưu

Y ư nghệ- du ư ngưu

Tần thân sư tử dê cừu liếm la

Mím môi miệng mỉm răng nhe

Rằng tần thân ấy nghìn nghe ra ngoài

Bao dong tiếp cận gà choai

Láng giềng vịt bé tình hoài Tường Vy

Trong bài này, câu thơ cuối ban đầu là “Láng giềng vịt bé tình hoài Cẩm Vân” đã được tác giả gạch bỏ chữ “Cẩm Vân” (tên vợ ông Trác), để thay bằng “Tường Vy”: Có bao nhiêu người tỉnh biết giữ lễ để không bước qua cái ranh giới mong manh giữa cợt đùa và sỗ sàng như Bùi Giáng?

Trong mười bảy cuốn thơ Bùi Giáng viết trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, vẫn là những câu thơ mang tính nhị nguyên: đầu tiên - cuối cùng, hỏi - đáp, một - muôn ngàn, sát na - thiên thu, đi - về...Vẫn là những cái tên kỳ nữ Kim Cương, Bạch Tuyết. Vẫn là Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu và những những câu thơ tâm đắc nhất của chính mình từ các tập Mưa nguồn, Lá Hoa cồn, Màu hoa trên ngàn...Nhưng rải rác đó đây giữa những lời bỡn cợt quàng xiên lại chen những tâm sự buồn quá thể, của một người thường giữa khuya thức giấc nhớ chuyện xưa: “Nhớ thương từng phút từng giây. Những mùi hương cũ tàn phai bao giờ” (Giữa đêm), “Buồn vui như thể thân mình. Ai chia nửa máu ai giành nửa xương...” (Buồn vui như thể), “Xưa kia một tỉnh mười say. Bây giờ mười tỉnh một say một mình...” (Ăn năn)... Bài thơ dài nhất tìm thấy trong số di cảo này (cũng là bài thơ dài nhất của Bùi Giáng - được tác giả ghi chú đến hai lần, đầu và cuối bài là “Bài thơ dài nhất (122 câu)” cũng thật buồn với cái tựa “Quá khứ của anh”, mở đầu bằng: “Anh đau đớn nhưng không bao giờ khóc. Nuốt lệ vào cho vĩnh viễn thương yêu...”.

Hàng trăm bài thơ để lại trong những cuốn vở học trò như một thứ nhật ký tiết lộ nhiều điều về một nhà thơ vốn lắm giai thoại nhưng ít ai tường tận thân thế. Nó cho biết Bùi Giáng trong quá khứ có lúc ở tù:

Nằm đây nhớ phố bên ngoài

Nhớ chân trời mộng tình hoài lang thang

Nhớ trăm vạn, nhớ muôn vàn

Từ thân yêu tới điêu tàn nhớ nhung

Đường qua ngôn ngữ cuối cùng

Đường thân thiết gọi điệp trùng trùng điên

(Niềm đau ở tù)

từng đi Đà Lạt đóng phim:

Nó sắm cho ta nhiều áo quần

Đóng phim rất mực cuộc thênh thang

Cuộc chơi kỳ vĩ thông Đà Lạt

Trăng núi muôn vàn dội dư vang

Giao hưởng thần tiên nhớ mãi ngày

Tuyệt trù thy vận nở đầu tay

Trần gian như thể thiên đường vậy

Vĩnh biệt muôn vàn nhớ mảy may

(Nhớ mãi một lần)

rồi từng bị gãy tay, từng bị công an làm khó dễ, từng có những mối quan hệ bí hiểm từ thuyền quyên kỳ nữ đến giới đầu đường xó chợ...Để cuối cùng, hình ảnh hiện lên khi đọc xong tất cả những di cảo này là một chân dung sầu thảm chẳng có chút liên hệ gì với một người điên thường quay cuồng la hét giữa đường phố trong một cơn phấn khích bất tuyệt. Rất nhiều những giai thoại vẽ nên một Bùi Giáng thi sĩ tự do tuyệt đối, không thê triền tử phược, không hệ lụy áo cơm. Nhưng những gì ông để lại trong ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm 482 Lê Quang Định này là chân dung hai mặt của một kẻ hò hét nhảy nhót ban ngày để lặng lẽ thức giấc trong đêm nhìn trăng ngậm ngùi hoài nhớ về một thời xa xưa tươi đẹp và mơ về một mùa Lễ hội sau cùng. Trong những di cảo này hay lập đi lập lại những từ “một cõi đi về” và “Lễ hội”. Cõi người ta thì đã rõ, còn Lễ hội nào vậy? Có phải miền đất mà các tôn giáo đều nói đến, nhiều triết gia từng tưởng tượng ra, được thi nhân Đông-Tây truyền tụng như lời sấm truyền về nơi con người tìm thấy lại địa đàng đã mất?

Đọc xong tất cả những di cảo ấy, có cảm giác như vừa xem lại một cuốn phim của Charles Chaplin: bật cười rồi chợt thấy mắt cay...Nếu không tin, bạn hãy thử đọc cùng tôi lời của một người từng gặp nhiều khổ đau mất mát (vợ mất, nhà cháy, mắc bệnh nan y...) nhưng chưa có lúc nào ngừng yêu thương cuộc đời:

Hỏi: Bình sinh mi yêu thương ai nhất?

Đáp: Tao yêu thương nhất là những cô gái giang hồ.

Hỏi: Vì sao như vậy?

Đáp: Hà tất phải hỏi vì sao.

Hỏi: Vì sao không phải hỏi?

Đáp: Vì bởi từ lâu những đứa như Nguyễn Du, Đỗ Mục, Gerard de Nerval...đã đưa ra lời giải đáp quá sức thỏa đáng rồi.

Hỏi: Đồng ý. Thế thì bây giờ tao xin hỏi tiếp: Mày yêu nhất là gái giang hồ, còn yêu thứ nhì- đệ nhị yêu đương- thì mày yêu ai?

Đáp: Đệ nhị yêu đương tao yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường- thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ.

Hỏi: Vì sao mi yêu chúng nó?

Đáp: Vì tao biết tâm hồn họ mênh mông.

Hỏi: Mênh mông như thế nào nói nghe chút ít thử.

Đáp: Đại khái như thế này: Khi thấy tao đi ngang qua họ hỏi tao: “Ông già đi đâu đó? Ông có đói không?”. Tao hỏi lại: “Cô hỏi như thế làm gì?”. Cô ta đáp: “Nếu ông đói thì con cho ông ăn chút ít. Con bán xôi, bán cơm tấm- bán bún riêu- bán bánh bèo- bán xoài chuối- ông thích ăn thứ gì?”...

(Đệ tứ đối thoại)

*

Chủ nhân của ngôi nhà đang lưu giữ 17 tập di cảo này là một nhà quay phim-biên kịch-đạo diễn kỳ cựu. Ông sinh năm 1930 tại Hải Dương, năm 1956 học lớp biên kịch khóa 1 trường Điện ảnh Sài Gòn, từ 1960 sang Nhật tu nghiệp nghề đạo diễn trong hãng phim Dei Ei của Kurosawa, sau đó về nước làm một số phim ngắn chủ yếu là phim thời sự, làm diễn viên đóng vai Hamlet trong kịch W. Shakespeare, đóng Thành Cát Tư Hãn trong kịch Vi Huyền Đắc, là người có công phát hiện các kịch sĩ Trần Quang, Tâm Phan...Năm 1973, ông có chân trong đoàn quay phim của chính quyền Sài Gòn ghi hình hội nghị Paris. Năm 1975, khi vợ chồng ông từ Pháp về, căn nhà họ ngụ tại Xóm Gà này còn trơ trọi giữa bãi tha ma, nhưng họ vẫn trụ lại nơi đây với niềm tin vào cuộc sống mới...Sau đó ông công tác tại Hãng phim Giải phóng cho đến lúc nghỉ già, từng cộng tác làm nhiều phim được trao giải Bông sen bạc, từng dự liên hoan phim quốc tế tại CHDC Đức, Hà Lan.... Tài năng nhưng bất đắc chí, cũng bởi hai chữ mà nhà biên kịch Nguyễn Hồ dùng để gói gọn tính cách ông Trác trước khi đưa tôi đến giới thiệu với ông: “tiết tháo”. Nay cuối đời, sổ hưu không có, bảo hiểm các thứ càng không, nhưng tính khí xưa của những ngày ông cám cảnh mà dắt về một người điên làm khổ vợ con thì vẫn nguyên vẹn.

Ông Trác rất miễn cưỡng khi trao cho chúng tôi 17 cuốn thơ Bùi Giáng, dẫu biết nó là tài sản chung của công chúng yêu thơ, như món quà muộn mà bảy năm sau khi thi hào rời cõi người ta mới phát lộ. Bởi ông không muốn bất kỳ ai hiểu lầm chữ “duyên” mà ông tìm thấy cùng Bùi Giáng trong quán rượu Thọ Nguyên năm ấy. Ông cũng từ chối mọi cơ hội được đền bù cho công lao gìn giữ những tập di cảo quí giá kia trong hơn mười lăm năm.

Nhiều đêm, tôi lắng nghe tiếng gõ rao mì nay đã hỗn loạn vì cuộc mưu sinh thúc bách chứ không còn khoan thai đều đặn như nhịp phách ngày xưa trong tay những người đồng hương Quảng Nam của Bùi Giáng, rồi băn khoăn có phải thời đại của những con người không sống theo nhịp mưu sinh như thế đã vĩnh viễn qua đi?


Hữu Bảo




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 24/Sep/2011 lúc 5:24am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 23/Sep/2011 lúc 6:43pm


http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110912/Ra-mat-di-cao-tho-cua-Bui-Giang.aspx




mk
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 20/Oct/2011 lúc 4:51pm
.
 
 
Mất ngủ vì bỗng dưng… “gặp” cụ Bùi Giáng

Ôi một người con gái, album gồm những ca khúc phổ thơ “thi sĩ điên” Bùi Giáng của Quang Hào chính thức ra mắt khán giả yêu nhạc ngày 12/10 cùng một mini show tại Hà Nội. Đây là dự án âm nhạc mà Quang Hào rất kỳ vọng, một dự án mà anh đã chờ đợi, tìm kiếm từ rất nhiều năm nay, bây giờ mới thành hiện thực.
Để thực hiện dự án này, Quang Hào đã gác lại một dự án khá đặc biệt với nhạc sĩ Nguyễn Cường, album về Huế đậm chất trữ tình mà anh sắp hoàn thành...
Là chính mình, khi gặp ca khúc phổ thơ Bùi Giáng
* Quang Hào đã dồn rất nhiều tâm sức, trí lực của mình vào album Ôi một người con gái này và hy vọng nó sẽ trở thành một dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc, liệu những hy vọng ấy có bị “vượt tầm”?
- Có những thời điểm tôi bị bế tắc, ngỡ mình đi nhầm đường, lạc lối. Tôi bị rối, bị khó chịu trong sự luẩn quẩn của mình. Album về Huế của tôi cũng đã gần xong, chỉ còn một ít công đoạn nữa là phát hành. Nhưng, thời điểm đó tôi vẫn thấy rối chưa tìm được điều mình thực sự mong chờ.
Rồi bỗng dưng cơ duyên đến, tôi bất chợt nghe anh nhạc sĩ Trần Quế Sơn nghêu nghao hát những giai điệu phổ thơ Bùi Giáng “Mình ơi, tôi gọi là nhà. Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi”, “Con kiến bé có bao giờ lận đận/Lúc đi về trong cổ lục chiêm bao”... Tôi bỗng thấy đó đúng là mình, thực sự là mình và tôi lập tức bàn với anh Trần Quế Sơn về dự án này, xác định đó là dự án lớn. Thế rồi tôi mê luôn thơ Bùi Giáng và bị ám ảnh từng vần thơ của ông.
Ca sĩ Quang Hào bên tượng Bùi Giáng
* Và như Quang Hào nói thì Hào đã dồn hết tất cả tài chính của mình vào album này?
- Tôi không gọi đây là album vì như thế thì... thường quá, mà đây là một dự án cuộc đời của Quang Hào cho nên dồn tiền là chuyện đã đành, tôi dồn hết tâm sức của mình vào đó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm mini show ra mắt album. Trước đây, khi làm album nhạc Huế tôi cũng đã đầu tư khá nhiều tiền rồi, nhưng sẵn sàng gác lại để chuyển sang dự án này. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng thông cảm để tôi dừng dự án lại. Có nhiều người nói rằng đây là dự án “khủng” của tôi, nhưng tôi nghĩ không phải khủng về tiền mà là khủng vì lần đầu tiên văn học xuất hiện đậm đặc như thế trong một album nhạc.
* Vẫn muốn hỏi lại Quang Hào một câu: hát ca khúc phổ thơ Bùi Giáng Hào có hiểu sâu sắc thơ của cụ không?
- Nói chung để cảm được thơ của cụ là cả một vấn đề. Nhưng tôi thấy giữa cụ Bùi Giáng, tôi và anh Trần Quế Sơn có một điểm chung như lương duyên là cùng người Quảng Nam, nên ca từ khi hát lên rất gần gũi, quá hợp với chất của tôi. Tôi và nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã lang thang khắp nẻo đường Sài thành tìm những nơi bước chân “thi sĩ điên” Bùi Giáng từng đến. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn của thi sĩ, hay những người yêu thơ Bùi Giáng ngây ngất đến mức tự đúc tượng đồng nhà thơ... Tất cả, để tôi cảm hơn những ý tứ sâu xa trong thơ ông. Thậm chí, tôi đã để tập thơ Mưa nguồn của ông làm thơ gối đầu giường. Lúc đầu, tôi cũng không cảm nhận được nhiều, nhưng càng tìm hiểu thì càng thấm, càng mở ra nhiều tầng ý nghĩa... Cũng may là trước đây chưa đọc thơ cụ nên gặp bài hát thì thích liền và tìm hiểu ngược trở lại, chứ đọc rồi thì chắc tôi không dám... liều để hát đâu. Trong quá trình làm album tôi thực sự mất ăn, mất ngủ vì vừa hát vừa đi tìm hiểu những từ ngữ, ý nghĩa những bài thơ của cụ để làm sao hát đúng được tinh thần.
Ê-kíp thực hiện là những người yêu Bùi Giáng
* Vậy theo Quang Hào, tinh thần thơ Bùi Giáng mà anh hiểu là gì?
- Đó là sự hồn nhiên và bao dung với cuộc đời. Chính vì vậy khi thu âm, tôi cũng phải giải tỏa hết mọi phiền muộn để hát. Có lẽ sự hồn nhiên, vui tươi của thơ cụ đã lây lan sang tôi, tôi giờ cũng thấy yêu đời, lạc quan lắm. Cũng chính vì vấn đề cần phải hiểu thơ thì mới làm nhạc được nên tôi cũng kỹ tính vô cùng trong việc chọn người phối khí. Nếu chọn người không biết Bùi Giáng thì chắc là sẽ không ra được cái tinh thần thơ cụ. Cuối cùng tôi chọn nhạc sĩ Nhật Trung, cãi vã nhau, bất đồng đủ thứ, cuối cùng mới ra được những điều mình mong muốn. Tôi cầu kỳ, thiết kế album cũng cần người hiểu thơ cụ, chọn mãi thế nào mà như cụ dẫn dắt, tôi tới gặp NTK Công Trí và nhiếp ảnh gia Tang Tang, hóa ra họ đều là người miền Trung và yêu thơ Bùi Giáng. Thật sự tôi quá bất ngờ và thấy mình có duyên để làm nên sản phẩm này.
* Bùi Giáng vẫn được gọi là “thi sĩ điên”, thơ của ông nhiều khi có những từ đặc biệt, những vần trúc trắc... không phải ai cũng hiểu, bản thân Quang Hào cũng nói ở trên là nhiều khi rất khó hiểu. Quang Hào không ngại hát những điều khó hiểu sẽ khó làm người nghe nhập tâm?
- Tôi tin là những bài hát trong album này rất đơn giản và dễ cảm thụ. Những ai thích bài hát ca từ đẹp, sâu sắc sẽ yêu thích các bài hát trong album. Ví như câu hát: “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau” là câu thơ hay, dễ hiểu chỉ hơi khó ở từ miên trường, Hào cũng phải hỏi câu này. Khi được “dịch” ra là “giấc ngủ dài” thì lại càng thấy câu hát có ý nghĩa sâu sắc, hay quá. Có lẽ tôi bị nghiện thơ Bùi Giáng rồi, mỗi câu thơ đọc ra, hát lên đều thấy nó đẹp lắm, ý nghĩa lắm. Tôi chờ đợi từng giây phút về những phản hồi từ phía khán giả với dự án đặc biệt này của mình.
 
Theo Kim Cang (TT&VH)


 
 
 
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 21/Oct/2011 lúc 8:52pm

"Hình ảnh ấy in thật đậm trong lòng tôi, mặc dù tôi không nhìn thấy một lần. “Ổng dẫn một đàn chó đi ngang bùng binh chợ Bến Thành, con nào cũng được chằng lại bằng dây xích, kéo những cái lon rỗng, kêu rổn rảng. Lúc này trên nóc chợ đã cắm cờ đỏ sao vàng. Bộ đội canh gác bùng binh xô lại, dộng ông bằng báng súng. Tại vì ông mặc áo rằn ri của lính Việt Nam Cộng Hòa, chân đi giày saut... (Bùi Giáng, tiếng ca chung cục-Viên Linh-)”


Có phải sau khi rời Gò Công, những ngày sau đó, Ông dẫn đàn chó lang thang SG, qua chợ Bến Thành rồi bị  bộ đội đánh ??


(Anh Sự chở ông Đỉnh về lại chi khu Hòa Tân, cả hai đều im lặng , tiếng máy sau xe báo cáo có cờ giải phóng xuất hiện xa xa ở mé rừng .Vừa tới cổng quận thì thấy một bầy chó rất đẹp, loại chó nhà giàu không biết của ai ? . Thấy Anh Sự xuống xe, thầy Bùi Giáng tỉnh bơ như đất nuớc không có chuyện gì xãy ra, kéo bầy chó lại gần anh Sự :

- Bữa nay thầy đem mấy con chó nầy giao thiếu tá nuôi nó, tụi nó khôn lắm, con nầy là sứ giả của Thích Ca nè…con nầy là sứ giả của Jesus … con nầy là sứ giả của…

Anh Sự vội vàng từ chối :

-Thầy ơi , tôi không thể nào tiếp Thầy trong ngày hôm nay, rồi Anh Sự móc tiền nhét vào túi nhà thơ bảo, thầy tìm xe về Sài Gòn ngay lập tức vì ở đây nguy hiểm lắm , tình hình nặng nề lắm rồi…bữa khác hãy xuống chơi… .

Bữa khác trong lời hẹn cũng là mốc thời gian vô định. Cũng từ hôm đó, Anh Sự vĩnh viễn không còn gặp lại Ông Thầy Bùi Giáng kính mến lần nào nữa .

Trích ,Huyễn Mộng Bước Đời (Thủy Lan Vy)

http://gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=2456&PN=4 )


Chiếc áo "rằn ri của lính VNCH" Ông mặc là do anh Nguyễn Duy Sự (bấy giờ là Thiếu Tá quận trưởng Hòa Tân, GC)  tặng cho Ông ??

"Anh không học Bùi Giáng ngày nào và anh cũng không hiểu sao Thầy mến anh ngay lần đầu mới biết qua sự giới thiệu của nhà thơ Huy Trâm ( Biện Lý Gò Công ) .
Bộ đồ lính anh đưa Thầy mặc trong lần gặp đầu tiên 74 . Bộ kaki này anh mang về ngày du học Mỹ, còn nguyên nếp ủi hồ . Anh cắt hai cầu vai cho mất dấu nhà binh . Thầy thích quá nhưng vò nhàu ra cho mất nếp ủi hồ rồi thay đồ mặc luôn từ đó .
Sau 75 nghe nói Thầy vẫn còn mặc bộ kaki đó lơn tơn ở Sài Gòn ."

Trích
, email của anh Nguyễn Duy Sự gửi  MyKieu  ngày 25-12-2010 cung cấp thêm những giai thoại về Bùi Giáng .
http://gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=3970&PN=1
  ) 

mk






Bùi Giáng, tiếng ca chung cục
Wednesday, October 19, 2011 6:16:55 PM






Viên Linh

“Có những tác giả khép một chu kỳ và tiến tới vì một Tiếng Ca Chung Cục, vì một đối chiếu cuối cùng.”
Bùi Giáng (1926 - 7 tháng 10, 1998)
Thư Gửi René Char.

Kỳ nữ Kim Cương (nàng thơ của Bùi Giáng) tại đám tang thi sĩ, cử hành vào lúc 7 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 10, 1998 tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức. (Hình: Khởi Hành cung cấp)


I. Hình ảnh nào anh nhớ nhất về nhà thơ Bùi Giáng?
Câu hỏi ấy của nhà văn trẻ Hoàng Mai Ðạt đặt ra cho tôi, qua điện thoại từ Ðài Phát Thanh Little Saigon Radio, vào sáng ngày Thứ Tư, 7 tháng 10, 1998, khi tin Bùi Giáng qua đời bắt đầu loan truyền. Tin ấy chuyển đến máy fax của tôi vào lúc sáng sớm. Mấy ngày trước tôi có gọi điện thoại nói chuyện với ông Bùi Văn Nam Sơn, chú của thi sĩ ở Sài Gòn. Cũng số điện thoại này, tôi nói chuyện thêm với cháu Thông, nên đã biết ai tín. Với câu hỏi của Ðạt, hình ảnh ấy hiện lên. Hình ảnh ấy in thật đậm trong lòng tôi, mặc dù tôi không nhìn thấy một lần. “Ổng dẫn một đàn chó đi ngang bùng binh chợ Bến Thành, con nào cũng được chằng lại bằng dây xích, kéo những cái lon rỗng, kêu rổn rảng. Lúc này trên nóc chợ đã cắm cờ đỏ sao vàng. Bộ đội canh gác bùng binh xô lại, dộng ông bằng báng súng. Tại vì ông mặc áo rằn ri của lính Việt Nam Cộng Hòa, chân đi giày saut...”
Ở ngoài nước, tôi nghe tin Bùi Giáng điên. Thời gian nghe tin này cũng là thời gian tới tấp bay đến những tin khác, như nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi đã được san bằng, không biết có ai kịp dời đi chăng xương cốt của Ðinh Hùng. Như anh Nguyễn Mạnh Côn đã chết ở Xuyên Mộc. Như anh Vũ Hoàng Chương đã không còn, như cháu Thúy Anh của tôi đã chìm châu Ðông Hải. Như ký giả Trần Ðại đã lỡ mọi bến bờ. Như nhà thơ (Trung tá) Mạc Ly Châu đã dùng súng tự sát ngay hồi tháng 5, 1975. Không điên cũng uổng, khi có tin nhà báo Tô Yến Châu thuốc chết bầy heo của anh, vì muốn ngả thịt một con, cán bộ bảo phải làm đơn xin phép. Như từ Khánh Hội qua nhà bạn ở Chí Hòa ngủ một đêm, phải làm đơn đủ ba con dấu...
Nhưng tin Bùi Giáng điên cũng không điên bằng những tin làm Bùi Giáng tỉnh. Một chú em có làm thơ ở Los Angeles nói trong quán cà phê: “Xì, Bùi Giáng là Việt Cộng. Chính tôi nhìn thấy cái giấy ổng khoe chứng nhận ổng là trung tá Quân Ðội Nhân Dân”... Tôi hiểu vì sao thi sĩ tôi yêu, Francois Villon, bị gọi là côn đồ ở Ba Lê. Tôi hiểu vì sao họa sĩ Gaughin, chủ soái hội họa dã thú, lột da gót chân một tên nói láo. Hình ảnh nào tôi nhớ nhất về nhà thơ Bùi Giáng?
 
II.Giải tỏ cái điên

Ông điên cuồng bữa hôm nay
Bởi từ Vô Cực ông cày bừa điên.
Con từ thục nữ thuyền quyên
Buồn vui bất chợt diện tiền giai nhân.

Cõi xa xôi?
Cõi gụi gần
Thành thân thiên hạ
thanh tân láng giềng.
Tuyệt vời quốc sắc thuyền quyên
Mòn con mắt đợi rã riêng cánh hồng.

Bờ mây trắng cuối chơn không
Chân trời diệu hữu phiêu bồng bê tha.
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ
Màu Hoa Cuối Cùng.
(Bùi Giáng, 1994, Chớp Biển, tr.145)
Cũng vẫn lại câu hỏi vào sáng ngày 7 tháng 10, hỏi tôi qua điện thoại của Ðài Phát Thanh. Anh có nghĩ là nhà thơ Bùi Giáng điên không? Tôi nói với người biên tập viên trẻ: Bùi Giáng không điên. Không hiểu tại sao tôi cứ nhớ tài tử Hoàng Vĩnh Lộc trong phim “Khi Người Ðiên Biết Yêu,” hơn là những vai trò đau khổ khác của anh. Có thể trí nhớ lầm lẫn, song mưa đổ ào ạt, đất trời giận dữ, người điên gào thét hay gầm gừ, chân tay bị xiềng xích và thân thể giam hãm trong một chiếc lồng, hay ít ra là sau những hàng chấn song sắt. Thế thì không được, không ai giam hãm được trái tim ta. Thế thì không được, Tình Yêu là tài sản của Thanh Xuân, kẻ đó phải bỏ xuống vạc dầu.
Bùi Giáng điên? Bùi Giáng có điên không? Người ta có đưa ông vào bệnh viện tâm thần, có tin như thế. Ðưa vào bệnh viện tâm thần không phải để chữa trị cái điên, vì bệnh chứng nào là bệnh chứng điên để hòng chữa trị, trừ phi bệnh chứng ấy gây ra từ một khiếm khuyết thể xác. Những ứng xử, hay từ khước ứng xử ở đời, nhìn chung như một triệu chứng bất thường, không thể chữa trị trong một bệnh viện. Bệnh viện có thể làm tê liệt đi những triệu chứng ấy, qua những trị liệu vật lý, chưa thấy từ bệnh viện điên hớn hở ra về một kẻ bình thường.
Nhà thơ Bùi Giáng. (Hình: Khởi Hành cung cấp)

Tôi thích bài thơ trên của Bùi Giáng. “Giải Tỏ Cái Ðiên.” Anh làm bài thơ này năm 1994. Anh giải tỏ cái điên bằng cách nói: “Bữa nay ông điên đây. Bữa nay ông điên bởi vì từ xưa ông điên. Ông điên bữa nay như giai nhân vui bữa nọ. Giai nhân vui bữa nọ vì bữa nay giai nhân buồn. Vui buồn của giai nhân cũng như khóe mắt của thuyền quyên không phải là cái nhìn của thục nữ. Nếu cái nhìn của thục nữ là khóe mắt của thuyền quyên, thì không điên cũng uổng. Mà thục nữ vui bất chợt, thuyền quyên buồn vô chừng. Hay thục nữ vui vô chừng, mà thuyền quyên buồn bất chợt, cứ diện tiền mà nhìn, thì cứ nhìn thôi cũng điên.”
 
Ông điên cuồng bữa hôm nay
Bởi từ vô cực ông cày bừa điên
Con từ thục nữ thuyền quyên
Buồn vui bất chợt diện tiền giai nhân.
 
Sao lại Ông với Con? Sao lại giải tỏ? Giải tỏ với ai, sao lại giải tỏ với người quốc sắc? Cứ người quốc sắc thì phải thuyền quyên, mà đã thuyền quyên thì hỡi ôi, làm sao thục nữ? Mà sao lại giải tỏ với thuyền quyên nay (thục nữ xưa) về cái điên? Hiểu được Ông thì Con phải điên lắm đấy con mới hiểu được.
Nhìn nhau trước mắt đã điên, thì mất nhau từ vô cực làm sao tỉnh. Ông cày bừa gì, ruộng đồng Trung Phước, mây trắng Lương Sơn? Cày bừa điên từ bờ Bắc tới bờ Nam, hay từ bờ hôm nay, tới bờ vô cực?
 
1. Người điên cái bóng cũng điên,
Người khùng cái mộng oan khiên cũng khùng
(Bùi Giáng, Xinh Tươi Ở Buồn Bã, Chớp Biển, tr.144)
 
2. Lúc xưa từng đã một lần
Nhìn con ngủ gục chín tầng say sưa
Ông điên từ bấy đến giờ...
(Bùi Giáng, Kể Từ Lúc, Chớp Biển, tr.20)
 
3. Tôi điên là bởi tôi điên
Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau
Tôi điên từ trước đến sau
(Bùi Giáng, Thơ Bùi Giáng, 1990, tr.204)
 
Ðoạn 3 Bùi Giáng làm trong năm 1990, in trong cuốn thơ do nhóm Việt Thường ở Montréal, Gia Nã Ðại xuất bản. Ðoạn thơ này như thế được làm vào 15 năm sau ngày miền Nam thay đổi một màu cờ. Cũng trong năm này, một lần nữa ông nói về cái điên của mình:
 
Ngu đần mà tưởng thông minh
Ồ vầng trăng ạ, bực mình làm sao
Ðập đầu tự tử thế nào
Cảo thơm lần giở mai sau một tờ
Ðiên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần...
(Tặng Bạn Ðiên, tr.173)

Thơ ấy tặng bạn điên, của một người đã tỉnh. Có ai ngờ đây là thơ Bùi Giáng:
 
Chào mừng xí nghiệp cao su
Huy hoàng hiền đức hức dù dương toa
(tr. 56)
 
Bài thơ xây dựng mộng người
Kỷ nguyên khắc phục vẹn mười cảo thơm
Xin chào lãnh tụ chon von
Nghìn thu lịch sử vuông tròn chữ O
Chữ O chứa chất ngàn kho
Hình cong chữ S còn to hơn nhiều.
(tr. 157)
 
Giảng nghĩa: Việt Nam bây giờ là một con số không. Bài thơ trên người cộng sản có thể nói: Ông thi sĩ này điên rồi. Ông ta chê cả lãnh tụ cao siêu và đất nước là những con số O. Ai điên được như thế ở Sài Gòn mà không bị nhốt vào nhà thương điên?
 
Người điên ta có gặp người
Người không điên, cũng là người gặp ta.
(Bùi Giáng)

Viên Linh







Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 24/Oct/2011 lúc 11:27pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/Feb/2013 lúc 7:15pm

Người vợ của thi sĩ Bùi Giáng.

Vũ Đức Sao Biển

09/02/2013 11:00

 

Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.
Tháng 7.2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông - làng Thanh Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện, tôi khẳng định một điều mới mẻ: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 - 1964).




 Ảnh: Tư liệu



Bà nhớ lại Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền - cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”.

Tất cả thành viên trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng - tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp biển của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.

Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Làng Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới ba chục cây số. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:  Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!

Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.

“Bỏ qua chuyện cũ” là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông Bùi Luân tiết lộ: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng đã… đi trước thời đại chúng ta về chủ trương… ăn chay. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn gà, bò - hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.

Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.

Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết:

 “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.

Hai năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:

 “Em chết bên bờ lúa. Để lại trên lối mòn. Một dấu chân bước của. Một bàn chân bé con! Anh qua trời cao nguyên. Nhìn mây buồn bữa nọ. Gió cuồng mưa khóc điên. Trăng cuồng khuya trốn gió. Mười năm sau xuống ruộng. Đếm lại lúa bờ liền. Máu trong mình mòn ruỗng. Xương trong mình rả riêng. Anh đi về đô hội. Ngắm phố thị mơ màng. Anh vùi thân trong tội lỗi. Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.

Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ khổ.

Ông gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông chỉ yêu và chỉ nhớ mỗi mình bà, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm thức cô đơn của mình:

 “Đùa với Tuyết, giỡn với Vân. Một mình nhớ mãi gái trần gian xa. Sương buổi sớm, nắng chiều tà. Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.

Thứ hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi người ấy là “con mọi”, “thằng mọi”. Tôi lấy làm tiếc khi có vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng:

 “Mọi em là mọi sương xuân. Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”. Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu:

 “Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc. Nào phải không? Lệ chảy có vui gì? Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi dòng, ngàn thu hận ra đi”.

Ông phong tặng người vợ của mình - con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san:

 “Em thành Mẹ của giang san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. 

Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông:

 “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề. Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.

Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt:

 “Trung niên thi sĩ uống trà. Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?”. Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ bà.

Vũ Đức Sao Biển


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130124/nguoi-vo-cua-bui-giang.aspx






Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 18/Feb/2013 lúc 7:18pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 18/Feb/2013 lúc 7:21pm


Tuyển tập về
nhà thơ Bùi Giáng,
xin mời vào link:
 
 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 16/Oct/2013 lúc 8:34am

 

Thi sĩ Bùi Giáng

Tuesday, 15 October 2013 00:00 


Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ông là con của ông Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

alt

Bùi Giáng - Oil on paper 1998 - 14”x18” - Tranh Đinh Cường

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông “bắt đầu điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông “lang thang du hành Lục tỉnh” (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất vào ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy.

alt

Chân dung tự họa


Tác phẩm

Tập thơ:

- Mưa nguồn (1962)
- Lá hoa cồn (1963)
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Ngàn thu rớt hột (1963)
- Bài ca quần đảo (1963)
- Sa mạc trường ca (1963)
- Sa mạc phát tiết (1969)
- Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
- Rong rêu (1995)
- Đêm ngắm trăng (1997)
- Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
- Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
- Mười hai con mắt (2001)
- Thơ vô tận vui (2005)
- Mùa màng tháng tư (2007)

Triết học:

- Tư tưởng hiện đại (1962)
- Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
- Sao gọi là không có triết học Heidegger? (1963)
- Dialoque (viết chung, 1965)

Tạp văn:

Xuất bản năm 1969:

- Đi vào cõi thơ
- Thi ca tư tưởng
- Sa mạc phát tiết
- Sương bình nguyên
- Trăng châu thổ
- Mùa xuân trong thi ca.
- Thúy Vân

Xuất bản năm 1970:

- Biển Đông xe cát
- Mùa thu trong thi ca.

Xuất bản năm 1971:

- Ngày tháng ngao du
- Đường đi trong rừng
- Lời cố quận
- Lễ hội tháng Ba
- Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…

Sách dịch:

Xuất bản năm 1966:

- Trăng Tỳ hải
- Cõi người ta
- Khung cửa hẹp
- Hoa ngõ hạnh
- Othello

Xuất bản năm 1967:

- Bạo chúa Caligula
- Ngộ nhận
- Kim kiếm điêu linh

Xuất bản năm 1968:

- Con đường phản kháng
- Mùa hè sa mạc
- Kẻ vô luân

Xuất bản năm 1969:

- Nhà sư vướng luỵ
- Ophélia Hamlet
- Hòa âm điền dã

Xuất bản năm 1973 và 1974:

- Hoàng tử Bé (1973)
- Mùa xuân hương sắc (1974)...

Bùi Giáng mất đi như vậy là đã 15 năm, nhưng hình ảnh và thi ca của ông vẫn còn trong trí nhớ người đọc. Hải ngoại đã nhiều lần tưởng niệm ông. Vừa qua, tháng chín 2013, tại thành phố Houston Texas, Hội Quảng Đà cũng đã tổ chức tìm hiểu và vinh danh Bùi Giáng với các diễn giả nhà thơ Ngu Yên, nhà thơ Phan Xuân Sinh và nhà văn Dương Như Nguyện. Ở trong nước, lần đầu tiên kể từ năm 1975, một tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng cũng đã được tổ chức, vào hôm 14-9 với tham luận của GSTS Huỳnh Như Phương, TS Hồ Thế Hà, nhà văn Nhật Chiêu…

Tổng kết những nhận định của các thức giả trên, ta có được cái nhìn về Bùi Giáng: Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả; cuộc đời và số phận biến ông thành hiền giả. Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả trong ông. Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn ông tràn ra ngoài những ranh giới của lý trí. 
Thơ Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại. Về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Có những trang thơ, trang văn Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động, viết trong giấc thụy du.  
Hành trình nghệ thuật của Bùi Giáng là sự tương tác giữa nghĩ, viết và chơi. Ông đúng là “người nghịch chữ”. Là thiên tài khó định nghĩa, có một không hai trên thế giới.

NGUYỄN & BẠN HỮU



*****xem thêm:

http://chuaphuclam.vn/index.php?/nghe-thuat/ky-niem-15-nam-vang-bong-thi-si-thien-tai-bui-giang-nhung-ngay-xua-ay.html







Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 16/Oct/2013 lúc 8:39am
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 16/Oct/2013 lúc 8:37am


Tuyển tập về nhà thơ Bùi Giáng, xin mời vào link:
 

mk
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 2
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.125 seconds.