Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG | |
<< phần trước Trang of 156 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 27/Dec/2023 lúc 1:25pm |
Gió qua thềm
“Thằn lằn cụt đuôi ai nuôi mày lớn,
Dạ thưa thầy con lớn mình ên”. Bà Chín Xì cất tiếng ru nghe buồn thắt ruột. Con Xương dừng tay rọc lá dừa khô, mắt nó nhìn ra bến sông buồn lơ lửng. Bên trong nhà, thằng Đẹt đã ngủ từ lâu, chiếc võng vẫn đều đều theo quán tính cứ như chỉ cần ngưng lại một nhịp thằng Đẹt sẽ òa lên khóc tức tưởi, dỗ kiểu gì cũng không nín. Kể từ ngày con Xương ẵm nó về nhà, bà Chín Xì luôn tìm đủ mọi cách để dỗ nín thằng Đẹt như thể không muốn cho bất ai biết đến sự hiện diện của nó trong căn nhà. Điều đó càng khiến cho người trong xóm xì xầm “hổng chừng con của con Xương đó, chứ em út nỗi gì”. Bà Chín khép hờ đôi mắt, nhớ lại ngày má con Xương dứt nó ra khỏi tay bà Chín Xì bằng câu nói gọn đeo: “Ở đây biết chừng nào mới ngóc đầu lên nổi”. Sau câu nói đó, con Xương quyết định nghỉ học làm người thành phố. Bà Chín Xì khóc muốn hết nước mắt nhưng vẫn không thể nào ngăn được đứa con gái cứng đầu. Bữa con Xương gom đồ đi, bà Chín Xì còn nhét vào tay con Xương chai dầu gió, mếu máo nhìn nó. – Ở lại với ngoại đi con. Lên đó xe cộ, đường sá không biết đường đâu mà lần. Con Xương cầm lấy chai dầu gió, nhưng hình ảnh về thành phố trong chiếc ti vi bé xíu cứ quanh quẩn trong đầu. Những ngọn đèn sáng rực, con đường đông đúc người xe trở thành niềm mong mỏi trong nó. Ở xóm Củ Năng này, đã có đứa trẻ nào có dịp đi thành phố đâu. Cho nên con Xương dúi chai dầu lại vào tay bà Chín Xì. – Ngoại giữ lại phòng khi đau nhức. Ở thành phố cái gì mà không có, ngoại hơi sức đâu mà lo. Chiếc đò Khánh Hội cập bến Củ Năng, mẹ con con Xương nắm níu nhau bước xuống đò, bỏ lại bà Chín Xì đứng thẫn thờ bên bụi bần già hiu hắt. Nghĩ, đoạn đó mà đưa lên phim chiếu trên truyền hình chắc khán giả khóc hết nước mắt. Bà Chín sống lủi thủi một mình trong căn chòi nhỏ với con chó già ngơ ngác. Chiếc cặp da bà xin của đứa cháu ở tuốt miệt Cần Đăng cho con Xương đi học vẫn còn treo tòn ten trên vách. Bữa đi, con Xương nói Tết sẽ về thăm nhà mà bà ăn đến cái Tết thứ tư nhưng bóng dáng con Xương vẫn còn xa hun hút. *** Con Xương trở về xóm Củ Năng vào một ngày mưa như trút. Người nó quấn bít bùng đủ thứ, đứa nhỏ trên tay nó môi mỏ xanh chành. Bà Chín Xì tay chân lóng ngóng hết xách ghế rồi lại phụ con Xương cất đồ. Miệng bà run run như thể không phát ra thành lời. Đứa bé trên tay con Xương khóc ré, bà Chín Xì buông cái khăn xuống đất nhìn con Xương rã rời sau trận mưa dài. – Đứa nhỏ này ở đâu vậy con? Con Xương nhìn bà Chín Xì thở dài. Ngoài trời cơn mưa vẫn không ngừng trút nước. – Con của má con với ông chồng mới. – Rồi má mày đâu? Sao mày bồng nó về làm chi? – Ở trển sống không nổi ngoại ơi. Con Xương vuốt lưng vỗ cho đứa bé, động tác trông rất thuần thục. Đặt thằng bé xuống võng, con Xương vói lấy cái mềm rồi cẩn thận gấp lại đắp cho nó. Thằng bé lại nghẹo đầu ngủ thiếp đi. Bà Chín Xì vén tóc lại cho con Xương, bà như lần từng ngõ ngách trong người nó xem có sự đổi thay nào mà bà chưa kịp nhận ra. Ba năm xa cách, con Xương trổ mã hơn nhiều. Nó cao gần bằng bà Chín, giọng nói cũng khác đi, mặt nó bắt đầu nổi mụn li ti. Riêng chỉ có nước da đen là không thay đổi. Bất chợt con Xương sà vào lòng bà Chín, nước mắt nó chảy dài bết cả vào tóc. Bà Chín Xì ngồi vuốt tóc cho nó như ngày nào. Bên ngoài cơn mưa cũng vừa dứt hột. Con Xương ngủ một giấc ngon lành. Bà Chín tê cứng cả chân nhưng cũng không nỡ đánh thức con Xương dậy. Nó chỉ giật mình thức dậy khi thằng Đẹt kêu khóc. Nó lồm cồm ngồi dậy bồng thằng Đẹt lên xi đái. Bà Chín Xì tá hỏa giật đứa nhỏ từ tay của con Xương, bà vạch miệng của thằng Đẹt ra nhìn. Con Xương nhìn bà Chín thở dài. – Nó bị từ lúc mới sanh ra rồi ngoại. Người ta nói nó bị hở hàm ếch. Bà Chín ôm thằng Đẹt vào lòng khóc ngất. Con Xương lặng lẽ ra sau bếp bắc nước sôi pha sữa, nước đã rộn ràng kêu ấm mà nó vẫn ngồi thẫn thờ nhìn những bọt nước trắng xóa ở đầu cây củi ướt. – Nước sôi rồi kìa con? Tiếng gọi với của bà Chín Xì làm con Xương giật mình. Nó châm nước vào bình rồi lắc đều. Đoạn nó nhúng bình sữa vào thau nước lạnh, chốc chốc lại đưa lên bóp sữa đổ ra tay coi nóng nguội thế nào, bà Chín Xì coi bận tìm trong bóng hình đó đứa cháu gái nhỏ ngây thơ ngày nào. Thằng Đẹt vẫn khóc ngằn ngặt trên tay bà Chín, con Xương nóng ruột, nó đặt chai sữa xuống bộ vạc rồi chùi hai tay vào quần ẵm thằng Đẹt từ tay bà Chín. Con Xương đỡ thằng Đẹt ngồi vào lòng, hai chân thằng Đẹt giạng ra, nó từ từ đút núm sữa vào miệng thằng Đẹt. Bà Chín Xì lấy gối đặt lên võng ra hiệu cho con Xương đặt thằng Đẹt nằm lên. Con Xương nhìn bà Chín lắc đầu. – Con phải giữ như vầy để sữa không chảy vào mũi làm nó sặc. Bà Chín Xì buông gối xuống ngồi sát lại hai đứa cháu tội nghiệp. Thằng Đẹt bú một hơi rồi ngoẹo đầu vào lòng con Xương. Bà Chín lui cui dưới bếp nấu cơm chiều, tiếng hát ru của con Xương làm cho buổi chiều ở xóm Củ Năng thêm chút cô đơn. Hàng xóm ghé mắt vào nhà nhìn con Xương đưa võng hát ru. Người xóm Củ Năng đinh ninh “con nhỏ bị dụ lên thành phố có con rồi người ta bỏ, giờ phải ôm con về quê”. Bà Chín Xì đứng trong nhà chửi đổng ra mà con Xương chẳng thèm để ý đến chuyện người ta bàn tán ra sao. Nó bới lại đầu tóc, xuống bếp dọn cơm. Lúc đi, nó cũng không quên nói với theo dáng bà Chín đang cầm chổi cùn quét hất ra phía những tiếng người xôn xao. – Người ta có sức thì người ta nói mà ngoại. Hơi sức đâu mà ngoại bận tâm. *** Suốt một tháng giấu thằng Đẹt trong nhà, bà Chín Xì luôn canh không cho ai bước vô nhà. Mấy lần con Xương định bồng thằng Đẹt ra ngoài sân tắm nắng mà bà Chín một mực không chịu. Con Xương đành bắc ghế ra sau hè ngồi nhìn đàn cò trắng chập chờn dưới cánh đồng, thằng Đẹt có vẻ thích thú cái khung cảnh bình yên đó, nó cứ nảy ngược ra phía trước mỗi khi thấy con cò, con cá quẫy nước. Con Xương lấy khăn lau nước mũi cho em, tay nó chạm vào vết hở ở môi của thằng Đẹt. Nước mắt nó rơi xuống đất mà thằng Đẹt cứ mải mê nhìn theo cánh cò cõng nắng bay đi. Bữa bà chủ hụi Mười Thạnh tạt qua nhà nhìn thấy con Xương ẵm thằng Đẹt trên tay, bà đồn khắp xóm chuyện con Xương ẵm về thằng nhỏ bị sứt môi. Người xóm Củ Năng dồn mọi sự chú ý vào căn nhà nhỏ cặp mé mương, những cái chỉ tay khiến bà Chín Xì buồn tan nát. Con Xương nắm tay bà Chín nói giọng buồn buồn: – Trước sau gì người ta cũng biết mà ngoại. Mình ráng kiếm tiền đưa thằng Đẹt lên Sài Gòn phẫu thuật cho nó nha ngoại. Bà Chín Xì mếu máo nhìn nó. – Bộ người ta chữa được hả con? – Con hỏi rồi, chỉ cần mình có đủ tiền là làm được hà ngoại. Bà Chín Xì chỉnh lại cái đầu lại cho thằng Đẹt, bà khẽ hôn lên mặt đứa cháu trai đáng thương. – Thằng nhỏ bảnh quá chừng. Vậy mà… Đám trẻ con xóm Củ Năng vẫn thường núp ngoài đầu ngõ, chờ cơ hội vào nhìn thằng Đẹt. Bà Chín Xì cũng không còn khó chịu trước hành động của mọi người trong xóm. Điều bà bận tâm bây giờ là làm sao kiếm đủ tiền để tìm lại nụ cười cho đứa cháu trai tội nghiệp. Nhìn riết rồi quen, người xóm Củ Năng không còn bận tâm đến chuyện của bà cháu con Xương nữa. Đám trẻ con trong xóm cũng không còn hiếu kỳ thập thò ngoài cửa nữa, có đứa còn vào nhà nựng thằng Đẹt, phụ con Xương đưa võng. Tụi thằng Tí, con Lài còn đem đồ chơi qua cho thằng Đẹt hay có bữa tụi nó còn bồng thằng Đẹt đi bắn đạn, tạt lon ngoài ngã tư. Những người già trong xóm, cứ chậc lưỡi nhìn thằng Đẹt “nhìn thương gì đâu”. Con Xương được bà chủ vựa tôm mướn dọn dẹp trong nhà. Bà chủ vựa tôm cười hề hề lúc người ta nói “nhỏ đó mới ở trên thành phố về, biết có tin được không?”. Bà chủ còn hay biểu con Xương múc đồ ăn về cho thằng Đẹt hay có bữa buồn buồn bà rủ con Xương bồng thằng Đẹt lại nhà cho nó bò qua bò lại trong nhà cho vui. Bà chủ còn tiện tay dúi vào tay con Xương mấy bộ quần áo mới, bà lật thằng Đẹt ra hôn hít đủ đường, thằng Đẹt cười sặc sụa lúc bà chủ vựa tôm “cút hà” làm mặt xấu… Bà Chín Xì bắc cái bếp lò, kê thêm cái bàn đổ bánh xèo bán trước nhà kiếm đồng vô đồng ra. Những bữa trời mưa, bà cháu con Xương toàn phải ăn bánh xèo thay cơm. Tụi thằng Tí, con Lài cũng được ké phần, tụi nó trả công bằng các đi lượm dừa khô, hái lá chuối giúp cho bà Chín. Hai bà cháu con Xương tằn tiện từng đồng một nhưng mỗi lần nhìn lại chỉ nghe thấy những tiếng thở dài mênh mông… *** Má con Xương dắt chồng mới về ra mắt gia đình. Bà Chín Xì không thèm quan tâm đến mặt mũi của thằng rể ngang hông ra sao (chắc bà nghĩ sớm muộn gì nó cũng thay thằng khác, nhớ chi cho mắc công). Con Xương lầm lì không thèm để ý đến động tỉnh trong nhà, nó ngồi ôm khư khư thằng Đẹt vào lòng. Má con Xương lắc lắc cái lục lạc đưa về phía thằng Đẹt trong khi ông chồng mới nhảy lên võng nằm khoanh tay, ngáy khò khò. Con Xương kéo thằng Đẹt vào lòng lúc nó định quờ tay lấy cái lục lạc, má con Xương bỏ lục lạc xuống nhào lại ẵm thằng Đẹt. Vừa rời khỏi vòng tay của con Xương, thằng Đẹt đã khóc rống lên, má con Xương dỗ bằng đủ thứ đồ chơi mua về vẫn không thể nào làm thằng Đẹt ngưng khóc. Má con Xương đành trả thằng Đẹt cho nó lúc ông chồng nằm trong võng cằn nhằn: – Um sùm vậy ai mà ngủ nghê cho được? Mâm cơm chiều trở nên nặng nề hơn khi ông chồng mới chê ỏng chê ẹo thức ăn trên mâm. Vẻ mặt dửng dửng của bà Chín Xì với con Xương càng làm cho ông chồng mới tức anh ách. Ông chồng lườm nguýt vợ rồi bỏ ra ngoài sân. Tụi thằng Tí với con Lài chạy bán sống bán chết về nhà lúc thấy bộ mặt bặm trợn của ba mới con Xương; thằng Tí còn sém tè trong quần khi thấy ổng cầm khư khư cây kim tiêm chích vào tay, mắt lim dim ngước mặt lên trời. Chồng mới gãi cổ ngáp hơi dài, nhướng mắt về phía má con Xương. Vẻ mặt sốt ruột muốn rời đi của ông chồng làm má con Xương bối rối. Má nó bước xuống ngồi gần bà Chín Xì, giọng xởi lởi: – Con tính với má vầy. Má coi thử có được không nha. Má cũng lớn tuổi rồi, má để con dắt hai đứa nhỏ lên Sài Gòn tiện bề chăm sóc. Lâu lâu, con dắt tụi nó về thăm má. Bà Chín Xì nhìn má con Xương ngạc nhiên, có bao giờ con nhỏ dùng cái giọng nhẹ nhàng này đâu. Bà Chín Xì còn chưa kịp nói gì, con Xương đã bồng thằng Đẹt lên giọng vang vang: – Con với thằng Đẹt ở lại đây. Không đi đâu nha ngoại. Ông chồng mới không còn đủ kiên nhẫn với cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu. Chồng mới ngồi trên bàn phì phà khói thuốc. – Nó không chịu đi thì bắt thằng nhỏ đi. Con Xương bước lùi lại đứng sau lưng bà Chín Xì trong khi thằng Đẹt không ngừng lắc cái lục lạc trên tay. Con Xương lú đầu ra. – Không ai được bắt em con đi hết. Má con Xương với tay bồng thằng Đẹt, con Xương dây lưng ra đỡ. Bà Chín Xì kéo má con Xương ra đến nỗi ngã nhào xuống đất. Con Xương cắn vào tay cha dượng hờ, ông tức giận tát cho nó một cú như trời giáng. Chị em con Xương té nhào vô cự củi, thằng Đẹt khóc rống lên mà trên tay vẫn cầm khư khư cái lục lạc. Má con Xương vẫn không bỏ ý định lấy thằng Đẹt ra khỏi tay con Xương. Vừa thấy má nó định cúi xuống bồng thằng Đẹt đi, con Xương đã bồng thằng Đẹt chạy ra ngoài kêu khóc. Hàng xóm chạy sang nhà đông nghẹt, tụi thằng Tí, con Lài còn cầm trên tay một nắm đá. Mấy chú hàng xóm bước vào nhà xem động tĩnh, thím Năm đỡ bà Chín Xì ngồi dậy. Má con Xương cười hề hề: – Không có chuyện gì đâu. Mấy chú mấy thím về nhà đi. Tui về đây định dẫn hai đứa nó lên Sài Gòn nuôi nấng mà con Xương không chịu đi. Tui đành dẫn thằng Đẹt theo. Chứ má tui già cả rồi, sao chăm sóc cho nó được. Con Xương bồng thằng Đẹt đứng ở ngoài cửa nói vọng vào. – Mấy chú thím đừng có tin lời của má con. Má con bắt thằng Đẹt lên Sài Gòn để dẫn nó đi xin tiền người ta đó. Con Xương nước mắt nước mũi lòng thòng. – Lúc con ở Sài Gòn, má bắt con ẵm em ngồi ngoài đường xin tiền người ta. Má nói ráng xin được nhiều, má đưa em đi phẫu thuật. Vậy mà con xin được bao nhiêu tiền má cũng đem đi đánh bài, hút chích. Con phải ẵm em trốn về ở với ngoại. Mấy cô chú ơi! Đừng để má con bắt em đi. Bà Chín Xì kêu khóc, gom hết đồ chọi ra sân. Bà lao vào đấm lên ngực má con Xương thình thịch: – Tại sao mày ác quá vậy. Nó là con mày đứt ruột đẻ ra mà. Chồng mới đẩy bà Chín ra, hét lớn: – Con của người ta. Người ta có quyền bắt, ai dám cản. Gánh đàn ông xóm Củ Năng đứng xung quanh chị em con Xương, thím Năm giữ bà Chín lại, chỉ tay về phía thằng Tí. – Bây chạy ù lại ủy ban kêu công an xã lại cho tao. Coi thử ai bắt thằng nhỏ đi được. Ngó thấy hàng xóm bu quanh, má con Xương nhặt cặp đồ dưới đất kéo tay ông chồng đi về. Ông chồng vừa bước ra khỏi mé lộ đã quay mặt vô nhà chỉ tay về phía gánh đàn ông trong xóm ra chiều thách thức. Bà Chín Xì ôm hai chị em con Xương vào lòng, hàng xóm xung quanh cũng không cầm được nước mắt. Chiều bắt đầu buông xuống trên từng nóc nhà, con Lài lượm lại cái lục lạc đưa cho thằng Đẹt. Cái lục lạc sau mấy lần rơi xuống đất đã không còn phát ra những âm thanh rộn ràng. Tiếng má của má con Xương chắc cũng vậy… *** Từ dạo má con Xương cùng người đàn ông lạ mặt bước xuống đò rời khỏi xóm Củ Năng, nhà con Xương cũng nhiều người lui tới. Hàng xóm còn tự động xách cây, lá qua nhà phụ bà Chín cơi nới thêm cái quán bánh xèo. Đám trẻ xóm Củ Năng trưa nào cũng tạt qua nhà ngồi… hát ru. Thằng Đẹt được tụi nó bồng đi khắp xóm, lăn lộn nắng nôi mà nó vẫn mạnh cui cui. Bà chủ vựa tôm biểu con Xương xuống vỏ lãi theo bà đi cân tôm. Chẳng bao lâu, con Xương đã lựa hàng tôm một cách ngon lành, nhớ cả chủ vuông này thiếu bao nhiêu, chủ vuông kia hay chỉnh cân lệch ra sao Bữa bà Chín Xì với con Xương bồng thằng Đẹt lên Sài Gòn phẫu thuật người trong xóm đưa ra tận bến đò. Tụi thằng Tí, con Lài cứ nắm tay thằng Đẹt lắc lắc. Thím Năm dặn dò không biết bao nhiêu chuyện trên đời. Bà chủ vựa tôm còn gọi điện cho thằng con trai học trên đó lại đón, bà tấp vỏ lại dúi vào tay bà Chín Xì một xấp tiền. – Để dành phòng thân. Bà Chín nhét tiền lại túi bà chủ vựa tôm. – Bây làm vậy. Tao ngại lắm. – Chín cầm lấy đi. Lên trên đó lỡ thiếu thốn cái gì rồi biết sao? Có gì thì nữa con Xương về làm trả lại cho con. Đó còn đó chứ có mất mát gì đâu. Tụi thằng Tí, con Lài đứng trên bờ vẫy tay chào theo chiếc đò Khánh Hội đến lúc nó khuất dần sau đám quao giòn xanh biếc. Thím Năm đứng chắp tay ngước mặt lên trời cầu nguyện, bà chủ vựa tôm tháo dây buộc vỏ rời đi. Bến sông trở nên bình yên đến lạ, chỉ còn lại những dấu chân người hằn lên cỏ và nỗi lòng của người ở lại. *** Thằng con trai của bà chủ vựa tôm gọi điện về nói, hôm nay bà cháu con Xương xuất viện. Cả xóm Củ Năng bắc ghế ra sân ngồi đợi, tụi thằng Tí, con Lài cứ chạy ra sông ngóng từng chiếc đò qua. Thím Năm còn nấu sẵn cơm nước chờ bà cháu con Xương về. Chiếc đò cuối ngày cập bến, bà cháu con Xương dìu nhau bước lên bờ; tụi thằng Tí, con Lài tranh nhau chạy xuống mũi đò xách đồ lên tiếp. Con Xương nở nụ cười tươi rói làm ai nấy cũng cảm thấy nhẹ lòng. Bà Chín ôm thằng Đẹt vào lòng đi thật chậm như sợ chỉ cần bà bước mạnh thêm một chút nữa sẽ làm thằng Đẹt giật mình. Hay tin bà Chín về, người trong xóm kéo lại mỗi lúc một đông, người lon sữa, người bịch đường, người câu hỏi thăm như làm cho mọi sự mệt nhọc trong người bà cháu con Xương vơi đi phần nào. Con Xương bới tô cơm ăn ngon lành, nó cười hề hề. – Ngán cơm bệnh viện gần chết. Con Lài cất tiếng hát ru mỗi khi nghe thằng Đẹt ọ ẹ. Cả xóm nhìn ba má con Lài cắc cớ “con nhỏ thèm em dữ lắm rồi đó chú thím”. Thằng Tí ôm cổ má nó “con cũng muốn có em”. Những tiếng cười rộ lên không ngớt trong căn nhà bé xíu. Bà Chín nói, bác sĩ dặn tuần sau lên tái khám. Cuộc phẫu thuật rất thành công, ổng còn nói để ổng trả lại nụ cười cho thằng bé, chứ ổng “giữ lại” làm gì. Nghe bà Chín thuật lại, thím Năm thở phào nhẹ nhõm. Thím nói để tháng sau đi chùa trả lễ cho người ta. Bà chủ vựa tôm tạt qua nhà, cho một mớ tôm cua. Bà còn dặn đi dặn lại bà Chín: – Con có quen mấy đứa y tá ở trạm xá. Sáng, Chín chở nó lên cho tụi nó coi thay băng nha. Đừng rửa bậy bạ ở nhà. Ngọn gió từ mé sông thổi qua thềm nhà mát rượi. Bầy chim trên cành khẽ hót líu lo. Chắc chẳng bao lâu nữa, người xóm Củ Năng sẽ được nhìn thấy nụ cười của thằng Đẹt. Con Xương nằm trên đùi bà Chín Xì ngủ sau một chuyến đi dài, không biết lúc ngủ nó đã mơ thấy gì mà môi nó khẽ nở một nụ cười trong vắt…ST Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Dec/2023 lúc 1:51pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 02/Jan/2024 lúc 7:25pm |
Là… Tôi Đó Sao ?Bạn bè đặt biệt danh cho tôi là “độc cô bại bại” – chứ không phải độc cô cầu bại. Có nghĩa là trong gia đình của bạn bè tôi, vợ là số một. Mỗi khi vợ chồng giận nhau, anh chồng luôn phải xuống nước xin lỗi dù có lỗi hay không. Còn tôi, chuyện đó… còn khuya!. Cứ mỗi lần khẩu chiến với chồng xong, bụng bảo dạ “phải để anh ta làm hòa trước”, thế mà… cuối cùng, tôi cũng là người mở miệng đầu tiên. Lạ hén. Chắc tại ông trời cho tôi cái tính mau quên, nên nhiều khi đùng đùng giận chồng, tôi nói thầm: “Đi đến tối luôn. Không nấu nướng gì hết, bỏ đói một bữa cho biết thân”. Nhưng vừa đề máy xe xong thì lại tự hỏi: “Ủa! đi đâu bây giờ, rồi.. lỡ anh đói bụng thì sao?”. Thế là nỗi giận hờn như tan biến đâu mất và tôi lại quày quả trở vào nhà. Mẹ cưng tôi nên rất tức giận khi thấy con gái bị chồng ăn hiếp, nhưng ba lại phán đoán công minh hơn: “Con gái của bà có chồng rồi mà vẫn còn lanh chanh, lốc chốc. Thằng Vinh chững chạc đàng hoàng, nên phải để cho chồng nó dạy dỗ”. Dì Chín thì nói, tại cái mạng của chồng lớn hơn nên mới cầm quyền được tôi, chứ “con nhỏ này đâu có vừa gì”. Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng như thế. Nhớ trước ngày đám cưới, dì Chín và chị Mây đã dạy cho tôi những
cái “mánh” để “nắm cổ chồng”. Tôi nhớ lời nên khi đàng trai sang
rước dâu, đi bên cạnh Vinh tôi cứ nhắm cái bóng của anh mà đạp lên đầu. Vinh
níu tay kéo tôi đi chậm lại, nói nhỏ: – Đừng đạp lên đầu anh, mai mốt anh bị bệnh nhức đầu tội nghiệp anh.
Chưa hết, khi nhập phòng, theo đúng kế hoạch, tôi chạy đến bên giường, giả vờ sắp xếp mềm gối lại cho thẳng thóm, chờ khi Vinh quay đi, tôi kéo chiếc gối của anh, mới vừa định đặt “bàn tọa” lên ngồi thì Vinh quay lại cười hóm hỉnh: – Đứng lên, để anh trải áo của anh cho em ngồi lên luôn. Bảo đảm, sau này anh sẽ sợ em một phép. Thì ra, những cái mánh này Vinh đã biết hết. Bị bắt tại trận, tôi “quê độ” đành phải cười ruồi. “Ngay bước đầu đã bị đối phương lật tẩy nên thua dài dài là phải”, chị Mây nhăn mặt chì chiết. Chuyện gì xảy ra, tôi cũng giận dữ, la lối để làm theo ý mình. Vinh không nói gì chỉ nhìn tôi tủm tỉm cười... rồi im lặng hai ba ngày không thèm nói một tiếng. Bầu không khí vắng lặng, rợn người ấy tôi không sao chịu nổi, bèn quay sang gọi điện thoại cho bạn bè trút bầu tâm sự. Nhưng đâu ai rảnh rỗi mà nghe tôi nói suốt ngày, nên tôi đành phải xuống nước làm hòa để có người nói chuyện hay đúng hơn là có người nghe tôi nói. Khi mới cưới nhau khoảng 2 tháng, tôi nghe lời nhỏ bạn – được
tôi phong làm “quân sư” – ngỏ ý muốn đi thẩm mỹ viện để làm 2
cái lúm đồng tiền cho thêm duyên. Vinh trợn mắt: – Em đừng nhiều chuyện, có sao cứ để y như vậy cho anh.
Không đợi tôi phân trần, Vinh đi một mạch vào phòng, đóng cửa lại.
Tôi ngồi trơ ra đó với nỗi bực tức mà không làm gì được ngoài việc gọi cho “quân
sư” để bị đinh tai, nhức óc khi phải nghe giọng the thé trong điện thoại: – Trời đất! sao bà khờ thế. Cứ lẳng lặng đi làm, đến lúc ổng nhìn thấy thì
“ván đã đóng thuyền” khỏi ý kiến, ý ruồi gì cả.
Tôi ngớ ra: – Ùm… ù… m… – Ùm… ùm cái gì. Phải hiên ngang đứng thẳng, ưỡn ngực mà nói cho chồng biết
rằng, anh đã xâm phạm quyền tự do cá nhân của tôi. Đây là xứ tự do, nhân quyền
phải được tôn trọng một cách tuyệt đối. Nói thiệt nha, bà dại quá, cứ để cho hắn
ăn hiếp. Được đằng chân lân đằng đầu, rồi sẽ có ngày bà không ngóc đầu lên nổi.
Nghe xong, tôi nổi máu anh hùng, xồng xộc vào phòng, lặp lại
nguyên văn lời nói của “quân sư”. Không thiếu một câu. Không thừa một chữ: – Anh đã xâm phạm quyền tự do cá nhân của tôi. Đây là xứ tự do, nhân quyền
phải được tôn trọng một cách tuyệt đối… cho anh biết, bây giờ tôi muốn làm gì
thì làm, anh không có quyền ngăn cản!
Đóng ầm cửa lại tôi đi ra ngoài và quyết định ngủ trên “sofa”.
Tôi đắc ý với những gì mình đã làm. Ừ! ít ra cũng phải có thái độ để cho chồng
biết là mình đang giận chứ. Tưởng Vinh sẽ năn nỉ để tôi được dịp làm mưa làm
gió, ai ngờ chờ hoài chẳng thấy tăm hơi. Tôi rón rén vào phòng thì nghe tiếng
ngáy khò khò. Nhìn tới, ngó lui, vừa đặt mình xuống giường thì Vinh tỉnh giấc.
Nhìn sang tôi, anh hỏi giọng tỉnh queo: – “Sofa” không êm hả em?
Tôi giận cành hông, nhưng không lẽ nửa khuya lại kéo nhau ra gây gổ nên đành im lặng nhịn thua.
***** Vừa bước vào nhà đã nghe tiếng khóc hù hụ của mẹ. Tôi tuột nhanh
đôi giày cao gót, hớt hải chạy vào: – Chuyện gì đó mẹ?
Chị Mây khoát tay, ra dấu im lặng rồi nhỏ nhẹ nói: – Mẹ à! bác Tri là bác Tri, còn mẹ là mẹ. Với lại... con của mẹ đâu giống
con bác Tri mà mẹ lo.
Mẹ không khóc nữa nhưng vẫn còn tiếng thút thít. Tôi ghé vào tai
chị Mây thì thầm hỏi: – Đã xảy ra chuyện gì?
Chị Mây trả lời khe khẽ: – Bác Tri đang ở trong nhà dưỡng lão, bác gọi điện thoại cho mẹ khóc lóc, kể
lể mấy ngày nay. Bây giờ lại nghe tin trên TV, một nhân viên của “Nursing home”
ngắt véo, bạc đãi một người già nên mẹ bị khủng hoảng tinh thần. Mẹ sợ sau này
bọn mình sẽ đưa mẹ vào đó…
Tôi bật cười: – Mẹ ơi! ở đất Mỹ này đâu phải như ở Việt Nam. Đến tuổi già, không tự chăm
sóc mình được nữa thì phải chấp nhận vào viện dưỡng lão thôi. Nhập gia tùy…. – Tâm… mày có điên không?
Tôi còn ớ ra vì tiếng la “thống thiết” của chị Mây
thì mẹ đã òa lên vật vã: – Đó! nghe chưa, ngay con Tâm cũng nói vậy. Trời ơi là trời! sao mà khổ cái
thân già…
Chị Mây đứng thẳng người, giơ tay phải lên, nói thật nghiêm
trang: – Con xin thề, con sẽ chăm sóc mẹ chu đáo cho đến ngày mẹ về với Chúa.
Trước khi đưa mẹ vào phòng, chị Mây quay lại, quắc mắt nhìn tôi.
Tôi hơi chột dạ “hình như mình… sai sai”. Khoảng 10 phút sau chị Mây trở
ra, xồng xộc bước đến đấm vào vai tôi: – Con khỉ, mày có đầu óc không? có biết là mẹ đang hãi hùng, khiếp vía về việc
đó không… mày muốn giết mẹ à? – Em nghĩ…
Chị Mây gạt ngang: – Nghĩ cái gì, những ý nghĩ khác người của mày chẳng hay ho gì đâu.Toàn là
chuyện quái chiêu. – Ơ! thực tế là thế mà! – Nhưng thực tế không đúng chỗ là giết người biết không? Làm ơn nghe lời tôi,
ráng giữ mồm giữ miệng. Nói với mẹ mình thì không sao nhưng nói với mẹ chồng
như thế thì có ngày ăn đòn đó em! – Ơ!…
Thật nhanh tôi liên tưởng đến chuyện vừa xảy ra. Chợt có tiếng
chuông nhạc reo lanh lảnh, tôi với lấy chiếc xách tay và không giấu được vẻ
lúng túng khi nhìn vào điện thoại. Liếc mắt nhanh về phía chị Mây, tôi tắt máy.
Chị nhìn tôi ngờ vực: – Ai gọi thế? – Ơ… bạn. Thôi em về, mai em đến thăm mẹ.
Chị Mây nhìn thẳng vào mắt tôi, nghiêm khắc dặn dò: – Có nói chuyện với mẹ thì phải cẩn thận nghe chưa. Em đâu còn nhỏ
nhít gì mà sao nói năng lung tung, không nhìn trước, ngó sau gì cả.
Tôi dạ liền miệng rồi lẹ làng rút lui. Ra đến xe, ngẫm nghĩ một lúc tôi chợt thấy lo lắng nên lấy điện thoại, bấm máy nghe tin nhắn. Giọng Vinh có vẻ gắt gỏng: “Em gọi cho anh, có chuyện quan trọng. Nếu gọi anh không được thì chiều qua nhà má… mình gặp nhau ở đó”. Vinh gọi tôi trong giờ làm việc chắc chắn là có chuyện bất thường. Và chuyện bất thường ấy có thể là… Nhớ đến mẹ và những lời của chị Mây tôi thấy hoảng. Chắc chắn một
trăm phần trăm là tôi đã gây họa. Chết rồi, phải làm sao đây? Tôi bứt tóc, bứt
tai khi nhớ lại lời chị Mây: “ráng giữ mồm giữ miệng, nói với mẹ mình thì
không sao nhưng nói với mẹ chồng như thế thì có ngày ăn đòn!”. Không xong rồi,
tôi hý hoáy bấm số gọi “quân sư” để cầu cứu: – Hello! tôi gặp nạn rồi bà phải giúp tôi mới được!
“Quân sư” gằn giọng: – Chuyện gì? – Hồi sáng, tôi đến thăm má chồng. Thấy bà đang ăn bánh mì và hai lát xúc xích
tổ bố, miệng mồm dính mỡ láng bóng. Tuần trước, bác sĩ dặn bà phải kiêng ăn vì
bà bị bệnh tim mà “cholesterol” cao quá rất nguy hiểm, nên tôi nhắc nhở “Đây là
món có hại cho sức khỏe, má ăn kiểu này coi chừng bị bệnh”. Má chồng tôi hứ hé:
“Ối già rồi, bất quá thì chết chứ cữ kiêng chi cho mệt”. Tôi thật thà: “Lỡ má
không chết mà nằm một chỗ thì ai lo cho má, vì tụi con đứa nào cũng đi làm. Lúc
đó, chỉ có nước đưa má vô viện dưỡng lão. Ở trong đó mà má không biết tiếng Mỹ
thì thê thảm lắm…
“Quân sư” kêu lên, giọng thảng thốt: – Trời! bà còn ác hơn quân khủng bố, nỡ lòng nào dọa dẫm má chồng bằng
câu nói trắng trợn, phũ phàng như vậy? Bây giờ, chắc là câu nói đó bay tới tai
ông Vinh rồi phải không? Chỉ có ổng mới làm bà sợ quắn đít như thế? Người
ta nói, nồi nào úp vung đó nhưng vợ chồng bà nồi vung gì trật lất hết trơn…
Không để cho “quân sư” có cơ hội xài xể thêm, tôi hối
hả: – Tôi biết rồi… bây giờ bà giúp ý kiến dùm… tôi phải làm sao cho bà già bớt
giận. Nói thiệt, hồi nãy cũng vì cái chuyện viện dưỡng lão mà mẹ tôi vật vã
khóc lóc thấy ớn.
Im lặng một hồi “quân sư” thở hắt ra, giọng pha chút chán chường: – Được rồi, bà chạy qua nhà tôi lấy CD cổ nhạc về tặng cho má chồng. Tôi mới vừa lùng được hôm chúa nhật. Bảo đảm, toàn là những giọng ca thần tượng của bà già. Của hiếm, quý lắm đó nghe. Hy vọng nó sẽ cứu bà khỏi tội “tứ mã phanh thây”. Tôi chán bà quá nhưng cũng phải ráng giúp bà để tích đức mai sau, hầu về già không gặp con dâu vừa đoảng, vừa ác như bà. Tôi hí hửng: – He! he! Tôi chưa thấy ai tốt hơn bà.
Theo đúng kế hoạch của “quân sư” tôi đến nhà má chồng
sớm hơn Vinh với 2 túi thức ăn, toàn những món khoái khẩu của bà và món quà
đúng sở thích. Bước vào nhà, tôi lăng xăng mở máy nhạc. Trước khi nhạc trổi lên
tôi đánh đòn tâm lý: – Má biết không, con tìm biết bao lâu mới được cái CD này, toàn là những giọng
ca trứ danh. Con nói với bà chủ, đây là những nghệ sĩ má tôi thích nhất. Bà ấy
nói, má cô đúng là người điệu nghệ. Nghe cổ nhạc phải nghe cỡ Thành Được, Út Bạch
Lan, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Phượng Liên… chứ cái đám trẻ bây giờ, nó hát vọng cổ
cái gì mà uốn éo, lên đồi xuống dốc nghe không vô. Bả còn đòi xin số điện thoại
của má để kể chuyện cải lương thời xa xưa.
Tôi liếc qua, thấy khuôn mặt nặng chịch của má chồng khi nãy bỗng nhẹ nhàng, tươi tắn ra. Tiếng hát thần tượng vừa cất lên, bà tựa đầu vào “sofa”, đôi mắt mơ màng như đang bước vào vùng kỷ niệm êm đềm của những ngày xa xưa. Tôi thở hắt ra như trút được gánh nặng. Chưa bao giờ tôi dốc lòng cầu xin cho má chồng quên hết những gì tôi nói sáng nay để tôi được yên thân, không thôi… tối nay, ngày mai, ngày mốt, chồng tôi lại trở thành “người câm bất đắc dĩ”. Có tiếng mở cửa, tôi chưa kịp đứng lên Vinh đã bước vào, nhìn
tôi bằng ánh mắt lạnh lùng: – Hồi sáng, em nói gì…
Nghe tiếng Vinh, má chồng ngồi bật dậy, vui vẻ khoe: – Vợ con mua cho má cái CD này hay quá. Má thích lắm. Con nhớ “in” ra thêm một
bản nữa, để lỡ cái này hư thì còn cái khác. Con Tâm tốn công lắm mới tìm
được mấy cái CD này đó!
Vinh tròn mắt nhìn má chồng, nói vừa đủ cho tôi nghe: – Em hay thiệt. Mới hồi nãy má khóc la như trời sập, nói anh phải về ngay tức
khắc để “xử tội” em. Thế mà bây giờ… giống như không có chuyện gì.
Tôi lẹ làng dọn thức ăn lên bàn. Bữa ăn thịnh soạn với những món
ăn ngon làm má chồng và chồng tôi vui ra mặt, nhưng người vui nhất là tôi. Tạ
Ơn Trên đã cho má chồng tôi “mất trí nhớ” kịp thời, chứ không thì
giờ này chắc tôi đang sửa soạn bước lên pháp trường. Tôi vào phòng gọi điện thoại
cho “quân sư”: – Kế hoạch thành công mỹ mãn. Cám ơn bà đã cứu tôi. – Khỏi cám ơn. Có rảnh thì đi ra chợ mua cái gương to tướng về treo đầu giường,
rồi mỗi lần muốn nói gì thì làm ơn đứng trước gương mà uốn lưỡi. Người ta chỉ cần
uốn lưỡi 7 lần nhưng bà thì phải tới 70 lần.
Tôi giả nai: – Ủa! tôi đâu có định làm MC mà phải tập uốn dẻo cái lưỡi. – Làm thế để bớt phát ngôn bừa bãi, bớt tào lao thiên địa, bớt làm phiền người
khác… và tôi cũng bớt rùng mình, nổi da gà mỗi khi nghe bà gọi điện thoại.
Tôi ngẩn người khi nghe những điều mà “quân sư” đang tả về tôi và tự hỏi là… tôi đó sao?
Ngân Bình |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 06/Jan/2024 lúc 4:16pm |
Lụy vì tình! Nghe tin tài tử Ryan O’Neal qua đời tối 8 tháng 12 năm 2023 tại một bệnh viện ở Santa Monica, tiểu bang California, Hoa Kỳ, tui buồn biết bao trong tấc dạ. Tui nhớ năm 1970 lúc đang đi học ở Sài Gòn, em yêu dắt tui tới rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ để xem phim Love Story. Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Erich Segal kể lại một chuyện tình lãng mạn đầy kịch tính, Love Story (Chuyện tình) do Arthur Hiller đạo diễn, Ryan O’Neal trong vai Oliver Barrett IV, một sinh viên luật Harvard con nhà quyền thế. Anh yêu Jennifer Cavalieri (tài tử Ali MacGraw), một sinh viên âm nhạc thuộc tầng lớp lao động. Họ kết hôn trái với ý muốn của người cha giàu có. Kết cuộc Jennifer Cavalieri qua đời vì bệnh ung thư. Trong ‘Love Story’ có một lời thoại nổi tiếng: “Love means never having to say you’re sorry” (Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói lời xin lỗi). Câu thoại được nói 2 lần trong phim: một lần ở giữa phim, khi Oliver Barrett xin lỗi Jennifer Cavalieri vì sự tức giận của mình; và như dòng cuối cùng của bộ phim, khi cha anh nói: “I’m sorry” sau khi biết về cái chết của Jennifer. Thì câu nói nầy có tới 2 nghĩa khác nhau tùy theo tình huống: Lúc yêu nhau hãy cư xử chân thật theo cảm xúc thì mình chấp nhận lỗi lầm của người mình yêu mà không cần anh phải xin lỗi! Hai là tình yêu đích thực có làm mình đau đớn mình cũng không hối tiếc. Hồi thời thanh niên, mấy anh mình ai cũng biết ngoài ‘Love Story’ của Mỹ ra, bên Anh có ‘Roméo và Juliette’. Tàu có Lương Sơn Bá; Chúc Anh Đài. Việt Nam có chuyện tình Lan và Điệp. Poster phim Love Story – nguồn pinterest Lan và Điệp dựa theo tiểu thuyết ‘Tắt Lửa Lòng’ của Nguyễn Công Hoan (1903-1997). Đây là một mối tình tay 3, hai trái bầu một con cua, giữa Điệp, Lan và Thúy Liễu. Điệp học trò nghèo. Lan, con ông Tú. Điệp và Lan yêu nhau; được gia đình hai bên tác hợp. Tuy nhiên, Thúy Liễu con quan Phủ ham vui sớm nên có bầu, người trồng bầu đã quất ngựa truy phong. Điệp khoái nhậu nên mắc mưu quan Phủ, phải phụ tình Lan để cưới Thúy Liễu. Lan ôm mối tình tuyệt vọng, vào chùa cắt tóc đi tu … Không hạnh phúc, tình tay 3 tan vỡ. Điệp đã nhiều lần đến chùa nhưng Lan cắt đứt dây chuông không cho gặp. Mãi đến mười mấy năm sau, khi Lan lâm bạo bệnh do quá sầu não, Điệp mới được phép đưa nàng về nhà chữa trị, nhưng đó cũng là những giây phút cuối cùng của Lan. Nàng lìa đời bỏ lại một mối tình đầy ray rứt. Đây là một chuyện tình sướt mướt rất hợp khẩu vị của đôi lứa lãng mạn yêu nhau. Nên nhiều người làm văn nghệ từ soạn giả cải lương, thoại kịch, phim ảnh dựa theo đó viết tuồng, viết kịch, làm phim kiếm bộn bạc. Như năm 1936, Tư Trang, tức Trần Hữu Trang soạn tuồng cải lương với Năm Phỉ vai Lan, Thanh Tao vai Điệp. Năm 1945, hãng dĩa Asia phát hành Hoa Rơi Cửa Phật (tức Chuyện tình Lan và Điệp) Tư Sạng vai Lan, Năm Nghĩa vai Điệp. Năm 1959, trên sân khấu Thanh Minh với Thanh Nga vai Lan, Thành Được vai Điệp. Năm 1970, ban kịch Kim Cương với Kim Cương thủ vai Lan. Hãng phim Dạ Lý Hương, Lê Dân đạo diễn, với Thanh Nga (vai Lan), Thanh Tú (vai Điệp). Còn bài vọng cổ lẻ của Loan Thảo thâu dĩa với Chí Tâm (vai Điệp), Thanh Kim Huệ (vai Lan) nổi tiếng. Năm 1970, Viễn Châu sáng tác bản tân cổ giao duyên: “Điệp ơi cánh bướm năm xưa hãy bay đi đừng trở lại, vì em hiện nay chỉ là một đoá Lan tàn… Em biết anh chẳng dạ phũ phàng…Nhưng kiếp nầy đã lỡ xin Điệp đừng lưu luyến chi Lan… Con dao kia với xác bướm khô nầy. Lan chôn lấp dưới cội cây ngoài cửa Phật! Con tên là Nguyễn Thị Lan, Xác thân còn đó mà hồn tan lâu rồi!” Thấy ăn khách quá xá quà xa bên tân nhạc Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh cũng nhào vô với “Chuyện tình Lan và Điệp” 1, 2, 3. Với Trang Mỹ Dung: “Lần cuối gặp nhau Lan khẽ nói: Thương mãi nghe anh, em yêu anh chân tình, nếu duyên không thành? Điệp ơi, Lan cắt tóc quên đời vì anh …” Nhưng anh bạn văn của tui chỉ trích nhà văn Nguyễn Công Hoan, sau nầy làm bồi bút cho CS, không hiểu gì về triết lý thâm sâu của Phật giáo. Đi tu là giúp đời. Đi tu không phải là vì thất tình. Chuyện tình Lan và Diệp – nguồn youtube Để phê phán Lan của Nguyễn Công Hoan ảnh kể tui nghe một truyện nhuốm mùi trần tục như vầy nè: Một hôm xuống phố và cần sử dụng nhà vệ sinh, Lan bước vào một quán rượu đang rộn ràng tiếng nhạc, lời ca ồn ào, rôm rả. Thỉnh thoảng đèn trong quán lại tắt. Mỗi khi đèn tắt, cả quán rượu lại bùng lên những tiếng reo hò. Nhưng khi nhìn thấy Lan, một nữ tu, cả quán rượu im lặng như tờ, mọi người dường như đã chết. Lan hỏi người phục vụ: – Bần đạo có thể sử dụng phòng vệ sinh không? Người phục vụ trả lời: – Được, nhưng tôi nên cảnh báo trước với ‘ni cô’ rằng trong phòng vệ sinh có một bức tượng đàn ông khỏa thân chỉ dính trên mình một “chiếc lá.” – Chà, nếu như thế thì tôi sẽ nhìn theo hướng khác. Lan nói. Người phục vụ đã chỉ lối cho Lan. Sau một vài phút, Lan quay lại, và tất cả những người đang chè chén ngừng đưa ly lên miệng để cho Lan một tràng pháo tay ròn rã! Lan hỏi: – Thưa ông, tôi không hiểu. Tại sao họ vỗ tay hoan hô tôi chỉ vì tôi vào phòng vệ sinh? – Chà, bây giờ mấy thằng nhậu nhẹt hư đốn, tửu sắc say sưa nầy, biết ni cô cũng nhuốm mùi tục lụy như họ vậy. Ni cô có muốn làm một ly không? – Không, cảm ơn, nhưng tôi vẫn chưa hiểu. Lan bối rối nói. – Ni cô thấy đấy. Người phục vụ cười: – Mỗi khi ai đó, đang ở trong phòng vệ sinh mà giở chiếc lá che phần nhạy cảm của bức tượng khỏa thân đó ra, thì đèn trong quán nầy sẽ tắt! Bây giờ thì ‘ni cô’ làm một ly nhé? Đoàn Xuân Thu Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Jan/2024 lúc 4:20pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 08/Jan/2024 lúc 8:52am |
Tình Yêu Của MẹBà vừa bưng chén cơm lên, gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén. Con dâu liền trường người tới lấy tay đè đôi đũa của mẹ chồng, rồi ngọt ngào nói - Ấy. . . Ấy mẹ già rồi không có làm gì nặng nhọc, đừng nên ăn những thứ này khó tiêu lắm. Ăn chừng nửa chén cơm với ít nước tương là đủ rồi mẹ ạ Bà tiu nghỉu buông miếng thịt gà ra, cay đắng và vội những hột cơm vào miệng mà tưởng chừng như đang nhai đá, cố nút giọt nước mắt muốn trào ra ngoài, bà buông tiếng thở dài. Con dâu vừa gắp miếng thịt bỏ vào chén cho thằng Tý, con trai nàng vừa nói với mẹ chồng bằng một chất giọng dịu dàng êm ái - Con cũng chỉ lo cho sức khỏe mẹ mà thôi. Thằng Tý liền chen vào - Mẹ nói nội ăn nhiều, ăn thịt không tốt cho sức khoẻ, sao mẹ lại ép con ăn nhiều vào là sao Nàng trừng mắt lên quát - Đồ con nít ranh. Mày biết gì mà nói. Có ăn không thì bảo Có tiếng chuông cửa. Con dâu đứng dậy mở cửa. Thằng Tý ngước nhìn nội, thấy mắt nội ướt ướt, nó biết nội muốn khóc, liền thỏ thẻ với nội - Nội đừng có buồn, để con dấu miếng thịt gà này lát mẹ con đi làm rồi con lấy cho nội ăn ha Nói xong, thằng Tý bỏ miếng thịt gà vào chén rồi chạy ù xuống bếp dấu miếng thịt gà vào một góc bếp. Bà nhìn theo mắt rưng rưng. Lấy vạt áo lau vội giọt nước mắt. Con trai vừa bước vào thấy vậy vội hỏi - Mắt mẹ sao vậy? Bà gượng cười - Ờ. . . Ờ hạt bụi nó bay vào mắt thôi mà Con dâu cắt ngang - Em đã bảo anh về sớm để còn đi công việc, giờ mới vát xác về. Nhà bao việc mà anh lúc nào cũng thông thả. Thôi ngồi vào ăn nhanh mà đi kẻo người ta đợi Hắn vội trả lời - Em làm như anh ở không à. Ở cơ quan cũng bao việc chứ rảnh rỗi gì đâu ******* Đang làm việc với đối tác thì vợ hắn gọi - Alo. Chiều anh ghé trường đón con rồi chở con đi ăn luôn nhé. Cơ quan em có đoàn thanh tra đến nên em phải tiếp khách về hơi trễ Thằng Tý vui mừng vì Hôm nay được ba đón, nó líu lo. Hắn soa đầu thằng con trai cưng của mình - Hôm nay con trai cưng của ba ăn gì để ba mua về ba con mình ăn với nội cho vui Thằng Tý ngước nhìn ba hỏi - Ủa. . . Mẹ đâu hả ba? Hắn hôn chụt vào má con trai trả lời - Hôm nay mẹ bận công việc cơ quan về hơi trễ, cha con mình tự ăn Tý mừng rỡ thốt lên - Ồ de. Hôm nay không có mẹ ở nhà ba phải mua thật nhiều đồ ăn về cho nội ăn nhé. Ba đừng cho mẹ biết nha. Con thương nội lắm. Hắn ngạc nhiên - Tại sao phải dấu mẹ? Tý hồn nhiên trả lời - Bởi vì mẹ nói nội già rồi ăn nhiều thức ăn không tốt. Mỗi bữa ăn nên ăn nửa chén cơm là đủ rồi. Hắn nghe như sét đánh ngang tai. Ruột gan như có ai đang xát muối, Da thịt như có ngàn con kiến chích. Hắn chở vội con trai đi mua thức ăn rồi hối hả chạy về nhà mong gặp mẹ. Bao nhiêu hình ảnh tuổi thơ của hắn và mẹ như cuốn phim quay chậm hiện về trong tâm trí hắn. Hắn tức giận chen lẫn xót xa, hắn hối hận vì thời gian qua hắn lao vào công việc mà không quan tâm đến mẹ. Lúc này đây, hắn mong muốn có đôi cánh để bay thật nhanh về bên mẹ, để chui vào lòng mẹ như thuở ấu thơ, để xin mẹ tha thứ cho sự thờ ơ của đứa con mà mẹ khổ cực nâng niu nuôi dạy hắn trưởng thành như hôm nay. Mắt hắn cay xè. Mở cửa lao vội vào nhà. Hắn đứng chết lặng nhìn thấy mẹ vịn quanh thành bếp lò mò bước từng những bước chậm chạp, hắn lao đến ôm hai bờ vai của mẹ lo lắng hỏi - Mẹ. . .Mẹ sao vậy? Bà giật mình cười cười nói -À. . .À đôi mắt của mẹ mấy hôm nay nó lờ mờ không nhìn rõ cho lắm. Chắc tuổi già nó vậy nên con đừng có mà lo lắng. . . Nó nghẹn ngào -Sao mẹ không nói con chở đi khám Bà cười hiền nói: -Ta thấy bay lu bu công việc, nói ra sợ bay lo lắng mà ảnh hưởng đến
công việc Hắn nghẹn đắng nơi cổ họng, nước mắt trào ra, hắn nức nở -Con xin lỗi mẹ. . .Mẹ tha thứ tội bất hiếu cho con. . .Con cõng mẹ đi bệnh viện mẹ nhé. . . Hắn bồng Mẹ lên chạy bay ra sân ********* Bác sĩ nói - Đôi mắt mẹ anh bị đục thủy tinh thể. Tại sao phải để lâu như vậy. Ngày mai anh chở cụ đến làm thủ tục nhập viện để chúng tôi tiến hành thay thủy tinh thể gấp cho cụ may ra còn cứu kịp. Nhưng độ sáng không được trăm phần trăm. Chỉ sáu mươi là may mắn lắm rồi Nhìn mẹ mò mẫn bước từng bước, nét mặt bà ngẩn ngơ mà hắn chết lặng, hắn hối hận đau đớn. Dìu mẹ từng bước mà lòng đau như cắt. Hắn khóc như một đứa trẻ, thằng Tý cũng khóc to ********** Hắn thức cả đêm chỉ để viết một lá thư. Xong, hắn ôm cây đàn lên sân thượng ngồi đến sáng Vợ hắn thức dậy nhìn quanh không thấy chồng đâu càm ràm - Mới sáng sớm mà đi đâu không biết. Có công chuyện cũng phải nói cho người ta biết chừng chứ Vợ hắn đi đến bàn trang điểm thì thấy một lá thư và một cái USB. Nàng tò mò cầm lá thư lên và mở xem thì thấy nét chữ của chồng. Nàng cười khẩy - Gớm. Thời buổi bây giờ còn thư với từ, cần gì thì nhắn tin là xong, cần phải mất thời gian như thế này không. Hay là muốn hâm nóng tình cảm chăng? Nhưng với bản tính tò mò của người phụ nữ. Nàng mở ra đọc " Vợ yêu Từ ngày mình yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ. Anh rất mãn nguyện, anh rất tự
tin khoe với bạn bè và đồng nghiệp về vợ yêu của mình, anh vui lắm, anh hạnh
phúc lắm. Hạnh phúc hơn nữa là em sinh cho anh một đứa con trai kháu khỉnh
thông minh. Anh thầm cảm ơn ông trời đã bang tặng em cho anh. Cảm ơn em đã đem
đến cho anh niềm hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. . ."
Đọc đến đây vợ hắn cười mỉm đầy sung sướng " ai nói chồng tôi không biết nịnh đầm này" nàng cười thành tiếng và đọc tiếp ". . . Vì thế. Anh nguyện với lòng sẽ không để cho em và con cực khổ thiếu thốn như tuổi thơ của anh và mẹ anh. Nên anh không quản khó nhọc ngày đêm lao đầu vào công việc. Đến nay thì nhìn lên vợ chồng mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì nhiều người mơ ước Để anh kể cho vợ yêu nghe. Thời thơ ấu của anh rất cơ cực. Anh sinh ra
thì đã không thấy mặt bố. Mẹ anh tần tảo nuôi anh, mẹ không ngại nắng mưa, mồ hôi nước mắt chan với
cơm. Nhưng mẹ luôn mỉm cười khi nhìn thấy anh khôn lớn mỗi ngày. Anh còn nhớ
như in không thể nào quên, năm đó anh lên 8 mẹ đi làm thuê cho người ta tối mịt
mới về, vừa bước vào nhà , mẹ liền móc trong túi áo ra đưa cho anh miếng thịt
gà gói trong miếng lá chuối, mẹ nói anh ăn đi cho khỏe, anh nói mẹ cùng ăn với
anh. Mẹ xoa bụng nói " Mẹ no quá, đi làm thuê cho người ta, họ cho mẹ ăn
nhiều lắm rồi, đây là phần của con, con ăn đi". Thế là anh ăn ngấu nghiến
còn lại xương không là xương. Một lác sau anh ra sau hè nhìn thấy mẹ gặm từng
miếng xương mà anh vừa bỏ ra lúc nãy. Anh đứng chết lặng nhìn mẹ. Mẹ thấy anh
cười giả lả " Ơ. . .Mẹ thấy còn tí thịt nên ăn chứ bỏ uổng quá, chứ mẹ no
lắm rồi. Không tin đến rờ bụng mẹ mà coi" nói xong mẹ đứng lên xoa bụng cười
cười nói " ôi no quá" Mẹ anh dại quá phải không em, giá như lúc đó mẹ vứt anh qua một bên mà đi thêm
bước nữa thì mẹ đâu phải chịu khổ chịu cực như vậy. Hay trời sinh ra người mẹ
là thế đấy hả em?""
Đọc tới đây, mắt vợ hắn nhòe đi, nước mắt của vợ hắn rơi xuống làm ướt một góc của lá thư. Nàng đọc tiếp ". . .Mẹ anh hy sinh cho anh nhiều lắm. Kể không hết đâu. Nếu kể ra
hết thì cả một trăm cuốn vở hai trăm trang họa may mới đủ. Anh chỉ kể cho em
chuyện này nữa thôi nhé. Lúc anh lên mười, anh bị một cơn bạo bệnh tưởng đâu
không qua khỏi. Mẹ anh thì không có một đồng dính túi, bà chạy từ đầu làng đến
cuối thôn vay mượn, nhưng không ai cho mượn. Họ không cho mượn là phải. Bởi vì
nhà anh quá nghèo, cho mượn lấy gì mà trả. Mẹ anh vừa cõng anh vừa khóc chạy
vào bệnh viện. Chân không mang dép bị gai đâm chảy máu mà mẹ không thấy đau. Đến
bệnh viện mẹ anh liền chạy tìm chổ bán máu rồi nộp viện phí chữa chạy cho anh.
Khi anh khỏe lại, nhìn thấy mẹ xanh xao vì thiếu máu, quần áo thì xọc sệch,
chân thì rách tùm lum vì gai đâm, nhưng mẹ vẫn cười tươi khi nhìn thấy anh khỏe
lại. Bà mừng quá khóc to. Rồi anh khôn lớn trưởng thành trong vòng tay mẹ, để đến
khi chúng mình gặp nhau rồi cưới nhau. . . Anh cứ ngỡ cuộc đời anh đã bước sang
một trang mới khi gặp em. Mà thật, anh đã bước sang một trang mới. Nhưng mẹ anh
thì không, bà vẫn sống trong sự thiếu thốn, không được ăn no, ăn những món mà
bà thích. Anh đúng là đứa con bất hiếu, anh là một thằng đàn ông không ra gì.
Thằng Tý con chúng mình tuy còn nhỏ, nhưng nó biết và thấy hết, nên anh từ nay
về sau, phải chăm sóc mẹ chu đáo, nếu không nó sẽ học tính anh đấy em ạ Hôm qua đón thằng Tý về, anh phát hiện ra mẹ bị mắt mờ và chở mẹ đi khám, bác sỹ
nói mẹ bị đục thủy tinh thể mà để quá lâu, nên sáng nay anh chở mẹ vào viện để
nhập viện thay cườm mà không kịp báo cho em biết.cầu Trời Phật cho mọi đều tốt
đẹp đến với mẹ. Đừng để mẹ của anh khổ nữa Ah. Khi Hôm buồn quá, nên anh cầm cây đàn lên sân thường ngồi hát bài về mẹ để
tặng mẹ khi xuất viện anh có quay và copy vào USB em nghe thử có Ok không
nhé"
Vợ nó khóc ngất, khóc cho sự hối hận của mình.tiện tay nàng đút cái USB vào máy tính. Giọng hắn vang lên. Phải công nhận, trời phú cho nó một giọng ca quá tuyệt vời. Hắn vừa hát vừa rưng rưng đầy xúc cảm Cho con gánh mẹ một lần Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con Cho con gánh mẹ đầu non Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời Ngày xưa mẹ gánh à ơi Con xin gánh lại những lời mẹ ru Đường đời sương gió mịt mù Vì con hạnh phúc chẳng từ gian lao Để con gánh mẹ đừng can Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai Cho con gánh cả tháng dài Gánh qua năm ròng những ngày đắng cay
Cho con gánh cả đôi vai Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy Mẹ già lá sắp xa cây Lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao Mẹ ơi sóng biển dạt dào Con sao gánh hết công lao một đời Bông hồng cài áo đúng nơi Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la Cho con gánh lại mẹ già Để sau người gánh chính là con. con
Mặt không trang điểm, mặc nguyên bộ đồ ngủ. Nàng dắt thằng Tý chạy ào ra đường đón tắc xi đi thẳng đến bệnh viện. Vào tới bệnh viện. Nhìn thấy chồng đi tới đi lui trước phòng mổ với khun mặt lo lắng. Nàng chạy ào đến bên chồng nức nở - Em xin lỗi anh, xin lỗi mẹ, em hối hận lắm rồi. Từ rày về sau em sẽ cùng anh gánh mẹ anh nhé Hắn ôm ghì vợ vào lòng nở nụ cười và âu yếm nói -Như thế mới là vợ yêu của anh chứ. . . Thằng Tý chen vào - Vậy từ rày về sau nội có được ăn gà không hả mẹ? Nàng cúi mặt thẹn thùng pha lẫn xấu hổ ****** Cửa phòng mổ mở toang. Cô hộ lý đẩy bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn ra. Cô hộ lý liền cất tiếng - Chúc mừng gia đình. Ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Đôi mắt của cụ được trăm phần trăm độ sáng Con dâu chạy ào đến ôm mẹ chồng lo lắng. Con dâu rưng rưng - Con xin lỗi mẹ những hành động vừa qua của con đã làm cho mẹ buồn. Mong mẹ tha thứ cho con Thoáng chút ngỡ ngàng. Nhưng bà kịp lấy lại trạng thái và đã hiểu ra vấn đề. Bà liếc nhìn thằng con trai rồi nở một nụ cười rất tươi và rất mãn nguyện. Điều lo sợ của bà đã tiêu tan. Bà lo sợ một điều, nếu con trai mình biết chuyện, vì bà, nó sẽ cãi vã với vợ nó, rồi dần dần vợ chồng nó sẽ mất hạnh phúc, rồi sẽ dẫn nhau ra toà ly dị thì cháu bà sẽ như thế nào đây, nó sẽ thiếu cha hoặc thiếu mẹ,cháu nội bà không ai dậy bảo, sẽ trở nên hư hỏng hay đau buồn vì chuyện ly dị của cha mẹ. Còn con trai bà lấy người khác có được hạnh phúc hay không, hay hết cưới người này rồi tới người khác, hay chán đời mà bê tha. Bà mừng lắm. Không phải mừng vì được sáng mắt, mà bà mừng vì con bà đủ trí thông minh để xử lý tình huống. Chứ việc gì không hài lòng thì đưa nhau ra toà ly dị là sẽ tan nát cả một gia đình. Biết chịu khó ngồi lại gỡ rối thì mới là vẹn toàn. Bà vuốt tóc con dâu âu yếm nói - Mẹ tha thứ và bỏ qua cho con từ lúc con về làm dâu mẹ rồi mà Cả nhà đều nở nụ cười tươi. Hắn kề vai vào cõng mẹ ra giường bệnh. Miệng nghêu ngao - Cho con gánh lại mẹ già Để sau người gánh chính là con con
Thằng tý vố tay - Ba hát hay quá. . . Thằng Tý chạy lại kéo tay mẹ của nó - Mẹ ơi. Ba cõng nội kìa. . . Ba rất là năm bờ quoanh. . . Sau này này ba mẹ già già bằng nội, con sẽ cõng cõng ba mẹ giống như ba cõng nội. . . Ha ha. Con vui quá mẹ ơi. Con vui quá nội ơi Câu nói ngây thơ của cu Tý đã chạm sâu vào trái tim
nàng. Nét mặt con dâu tái đi, thoáng chút giựt mình và run sợ. Nàng lí nhí
trong cổ họng.... Cảm ơn Người đã đưa đường chỉ lối để
con kịp tĩnh ngộ mà sám hối. Sưu tầm
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 11/Jan/2024 lúc 9:25am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 12/Jan/2024 lúc 3:15pm |
Áo lụa vàng
Trâm
ngừng tay đan, cặp mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ. Cây phong trước nhà chỉ
còn trơ những cành khẳng khiu. Hôm qua vừa đổ một trận tuyết khá dày,
trời lạnh nên ngoài đường chỉ lác đác vài người bộ hành, co ro trong
chiếc mùa đông dày cộm! Trâm thở dài. Bữa nay hai mươi ba tháng chạp,
đưa ông Táo về trời. Chỉ còn một tuần nữa là Tết. Mùng một sẽ rơi vào
ngày thứ ba. Không biết Hải có xin nghỉ được không? Ừ, mà nghỉ ở nhà để
làm gì kìa? Tụi nhóc vẫn đi học bình thường. Không lẽ kiêng như hồi còn ở
Việt Nam, mùng một không làm gì cả cho suốt năm được thảnh thơi. Kiêng
cử cái điệu này lỡ ông Trời chơi khăm, cho “thảnh thơi” thiệt thì không
biết đào đâu ra tiền để thanh toán đống bill hằng tháng? Thôi thì lại
một ngày như mọi ngày! Nhớ tới những ngày cận Tết tưng bừng ngày xưa bên quê nhà. Cái Tết cuối cùng vào năm 75. Cũng là lần cuối Trâm gặp Thanh. Trên con đường Lê Lợi đông nghịt người là người, Trâm, Hải và bé Thúy, đứa con gái đầu lòng, đang đi sắm tết, bỗng thấy Thanh đứng trước một tiệm vải, mắt lơ đãng nhìn ông đi qua bà đi lại. Trâm mừng quá kêu : – Anh Thanh. Thanh tươi cười: – Ủa, Trâm đi sắm Tết hả? Không đợi Trâm trả lời, chàng cúi xuống nựng cằm bé Thúy: – Cháu bác dễ thương quá, mi bác Thanh một cái lấy hên coi. Vừa lúc đó một thiếu nữ từ trong tiệm bước ra, tới bên cạnh và ôm cánh tay Thanh đầy vẻ thân mật. Chàng tươi cười giới thiệu: -Yến, hôn thê của anh. Còn đây là Trâm em gái của Cường và đây là Hải, ông xã của Trâm. Yến gật đầu chào vợ chồng Trâm. Bỗng dưng nàng có cảm giác chông chênh. Hôn thê của anh…hôn thê của anh… Mấy tiếng này vang lồng lộng bên tai Trâm… Ráng bình tĩnh! Trâm tự nhủ và mĩm cười chào lại Yến. Cao, mãnh mai trong chiếc áo lụa màu ngà. Cặp mắt đen láy, chiếc mũi nhỏ nhắn dễ thương trên cặp môi tô son hồng lợt. Cả người Yến toát ra một sự dịu dàng, thanh thoát. Đúng là mẫu người của Thanh và cũng là một hình ảnh trái ngược với Trâm. Con nhỏ ngổ ngáo, nghịch ngợm, luôn luôn kiếm cách chọc phá mọi người và cái miệng ăn hàng không đợi lành da non! Trao đổi vài câu vô thưởng vô phạt, vợ chồng Trâm từ giả Yến và Thanh. Trâm dặn : – Chừng nào đám cưới nhớ cho hay sớm sớm để em còn chuẩn bị may áo mới nghe… Thanh nháy mắt với Trâm: -Dĩ nhiên, Cường và Trâm sẽ là người được tin sớm nhất.
Đi ngang tiệm kem Mai Hương, Thúy đòi ăn. Cả hai đành chìu con. Ly kem chocolat bữa nay sao đắng lạ kỳ! Trâm ăn uể oải không tới nửa ly, tâm hồn lơ lửng đâu đâu, đến nỗi Hải hỏi gì đó đến hai ba lần Trâm mới giật mình. Cuối cùng nàng đành nói : – Em nhức đầu quá, hay tụi mình về, hôm khác đi kiếm giày cho con cũng được. Hải gật đầu, đứng dậy ra quầy trả tiền. Nhìn theo chồng, Trâm bỗng thấy giận mình quá đỗi. Bao nhiêu năm qua vẫn không quên được mối tình đầu… …Nói cho ngay, lúc còn cắp sách đến trường ngày hai buổi, nhỏ Trâm tuy nhan sắc không thuộc vào loại chim sa cá lặn, nhưng cũng có hàng tá chàng theo dài dài. Mái tóc ngắn kiểu Sylvie Vartan ôm lấy khuôn mặt trắng hồng. Đôi mắt tuy không phải thuộc loại nai tơ ngơ ngác hay hồ thu sóng lặng như các ngài thi sĩ vẫn tả trong những vần thơ sầu rụng, nhưng đôi khi “cần” cũng biết long lanh, mơ màng hết biết! Cái mũi thon gọn hơi huếch thật hợp với tánh ngổ ngáo, nghịch ngợm của cô nàng. Còn những lúc Trâm muốn xin xỏ điều gì đó thì cái vẻ nũng nịu và nụ cười cầu tài của nhỏ thiệt tình không ai từ chối nỗi. Anh Cường là nạn nhân thường trực của Trâm. Lần nào trước khi móc túi, anh Cường cũng cú lên đầu Trâm một cái…nhẹ hều rồi lầu bầu: -Cái con khỉ nhỏ này. Không hiểu kiếp trước tao có mắc nợ mày không mà hễ gặp mặt là nẹo tiền!? Trâm chu mỏ : – Được rồi, hổng cho, em nói xấu anh với chị Hạnh cho coi… Cứ nghe câu thần chú này là nhỏ muốn bao nhiêu anh Cường cũng phải bầm gan tím ruột mà xì ra! Bởi chị Hạnh là chị của Trúc, con bạn nối khố của Trâm. Chị đang học năm thứ ba Dược và mấy tháng nay anh Cường đang cua chị ráo riết. Dĩ nhiên có sự hổ trợ đắc lực của hai con nhỏ “táo xọn” Trúc và Trâm. Đối phó với một cô đã mệt cầm canh, huống chi hai mạng. Thôi chịu khó thua tụi nó trước cho khỏe. Chừng nào chiếm được mục tiêu rồi “ông” sẽ cho tụi bay biết đá biết vàng. Đừng hòng “bắt địa” ông nữa! …Trong lớp Trâm, nữ sinh chỉ có một phần ba tổng số, nên chỉ chiếm bốn bàn đầu, phần còn lại là nam sinh. Một hôm Trúc bệnh, Trâm đi học một mình. Bên phía nữ sinh giờ này mới có một mình Trâm. Đang cắm cúi dò bài vạn vật – năm thi tú tài nên đứa nào cũng học phờ râu tôm- chợt có tiếng hỏi: -Sao bữa nay Trâm đi học sớm vậy? Trâm ngạc nhiên ngẩng lên, thì ra Dũng. Muốn tới chỗ ngồi, anh chàng phải đi ngang qua bàn của Trâm. Tuy cùng lớp nhưng Dũng phải hơn Trâm ít ra hai tuổi và có tiếng là nghiêm nghị. Nhỏ không trả lời chỉ mĩm cười rồi cúi xuống tiếp tục dò bài. Tưởng chỉ có vậy. Hai hôm sau trong hộc bàn có một phong bì đề tên Trâm. Cho lẹ vô cặp, kẻo Đài phát thanh vô tuyến truyền…miệng tên Kim Phượng ngồi bên cạnh nhìn thấy là cả lớp sẽ biết hết trơn! Tan
trường về đến nhà, chưa kịp cởi áo dài Trâm rút vội phong thơ ra coi.
Quái, sao không có tên người gởi? Nhỏ nhíu mày thử đoán mò: Vũ? Không,
tên này chỉ thích nói bóng gió, hoặc nhờ chị Kim “chuyển lời” cho Trâm
chớ không có khiếu viết thơ tình! Vũ thường bét lớp về việt văn và được
nhỏ Trúc gắn cho cái biệt danh “Vũ Tình Gởi”. Sơn? Chắc cũng không phải.
Tên này chuyên môn nhìn lén Trâm, mỗi lần nhỏ nhìn lại là hắn vội vàng
ngó chỗ khác. Không bao giờ dám thổ lộ dù những lời bóng gió! Trúc gắn
cho hắn cái tên “Sơn Tình Câm”. Hưng? Có thể . Tên này khoái viết thơ
lắm mà. Có lần hắn gởi cho Trâm một lá thơ dài 17 trang. Chữ nhỏ chi
chít đến nổi Trúc và Trâm đọc muốn mờ con mắt luôn. Bao giờ Trâm và Trúc
cũng đồng lòng…mổ xẻ tới nơi tới chốn những cánh thư tình xanh đỏ tím
vàng mà hai cô nhận được! Tốn bao nhiêu thì giờ và giấy mực đó, chỉ để
nói cho Trâm biết là hắn yêu Trâm! Nhỏ Trúc bèn gán cho cái tên” Hưng
Văn Tự” – có nghĩa là dài dòng văn tự!- Nhưng trên bao thơ không phải
chữ của Hưng. Cuối cùng Trâm rút mấy tờ giấy pelure màu xanh da trời ra,
lật đàng sau xem chữ ký. A ha, té ra anh chàng Dũng! Trâm sững sốt,
không ngờ anh chàng coi nghiêm nghị đạo mạo, thường ngày chưa bao giờ
thấy nói chuyện với cô nào trong lớp (trừ buổi sáng hôm đó…), bữa nay
lại cả gan, dám viết thơ cho Trâm. Trong thơ Dũng thố lộ là có rất nhiều
cảm tình tốt đẹp với Trâm vv…và vv…Nhưng có một đoạn làm nhỏ không khỏi
chớp mắt cảm động:…” Trâm biết không, buổi sáng hôm đó thấy Trâm một
mình nên Dũng mới dám thu hết can đảm (!) hỏi chuyện. Mặc dù Trâm không
trả lời, nhưng nụ cười của Trâm làm Dũng xao xuyến suốt buổi học. Chiều
về Dũng ăn cơm không được và đêm đó cũng không ngủ được. Cứ nhắm mắt là
thấy nụ cười của Trâm. Dũng giống như người đang đi trên mây…” Đọc đến đây Trâm lo sợ cho số phận của Dũng. Anh chàng đang ở trên mây, lúc té xuống đất thì chắc chắn …hổng dzui, vì Trâm biết rõ dù rất cảm động trước tấm thịnh tình của anh chàng, nhưng cô không thể nào đáp lại được! Nhỏ Trúc đọc xong thơ cũng lè lưỡi: -Úi cha mẹ ơi, không ngờ nụ cười Dracula của mi mà cũng có nhiều ma lực đến thế! Rồi nhỏ gắn ngay cho anh chàng cái tên “Dũng Đằng Vân”. Đương nhiên là Dũng không bao giờ nhận được hồi âm của Trâm và ít lâu sau cũng tránh không đi ngang qua bàn của nàng. Đối với những anh chàng cùng lớp hoặc cùng tuổi, Trâm thấy lòng dững dưng. Người yêu của Trâm? Ít nhất phải hơn Trâm độ năm hoặc sáu tuổi nè, có tính khôi hài càng tốt, nhưng chắc chắn phải độ lượng.. Nhỏ không mơ mộng một túp lều tranh với hai quả tim vàng đâu nghe. Không phải ham giàu hay ham bằng cấp, nhưng mẹ vẫn nói với cái tài ăn hàng như mỏ khoét của con Trâm, đứa nào làm ít lương chắc vợ chồng chỉ có nước húp cháo cầm hơi, vì bao nhiêu tiền nó ăn hàng sạch rồi!…Mà sao cũng lạ, cậu con Ngân là dược sĩ, có nhà thuốc tây đàng hoàng, mặt mũi lại sáng sủa. Tuy là cậu nhỏ Ngân nhưng út ít, nên chỉ hơn tụi Trâm sáu, bảy tuổi gì đó. Hôm nào làm về sớm là Định vác “ếch bà” đến đậu trước cửa trường, đợi tụi Trâm ra là tà tà chạy theo. Ban đầu Trâm không để ý, cho đến hôm đi về một mình, vì nhỏ Trúc đã lặn trước với kép, Định rà xe bên cạnh : – Trâm lên xe…anh đưa về. Nhỏ giậtt mình chới với, trống ngực đánh ầm ầm như trống trận…Mặc cho Định lải nhải, Trâm cắm cúi đi không trả lời một tiếng. Tuy có tiếng là ngổ ngáo, nhưng bữa nay cu ky một mình, nhỏ…sợ! Từ đó mỗi lần có Định tà tà theo bên cạnh là Trâm tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Riết rồi Ngân cũng biết và đùng đùng về mét mẹ: – Cậu út kỳ quá, cứ đeo theo con Trâm hoài hà. Mẹ la cậu đi mẹ. Ai ngờ bà già trợn mắt: – Con nhỏ này dô diên chưa! Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta ngắm. Cậu mày chưa vợ, con Trâm chưa chồng. Nó thương thì theo, chớ kỳ cái nổi gì? Nhỏ Ngân bị mẹ xát xà bông thì tịt ngòi, nhưng cũng cố lầu bầu: – Xí, bộ cậu út muốn con kêu nhỏ Trâm bằng mợ hả? Còn lâu! May cho Ngân là Trâm không hề có ý định làm mợ của nó… Năm đó Trâm, Trúc đều đậu Tú tài. Thấy Trâm học cực, lại nhân dịp sinh nhật thứ mười tám, mẹ cho mở party mời bạn bè. Tụi bạn Trâm biết Thanh là bạn thân của anh Cường nên xúi Trâm mời anh đến dự. Thanh là một nhạc sĩ trẻ đang nổi tiếng như cồn. Nhạc của anh ngày nào cũng vang vang trên làn sóng điện và trên đài truyền hình. Trâm phải năn nỉ anh Cường mời dùm. Anh hứa nhưng còn thòng một câu: – Không chắc đâu nhá. Thanh nó bận lắm. Vả lại già như tụi anh dễ thấy lạc lõng giữa đám “nhi đồng” của tụi em! Trâm xì một tiếng: – Tụi em mười tám tuổi rồi chớ bộ. Trâm không hy vọng lắm, nên khi ra mở cửa, thấy Thanh đứng đó với mười tám bông hồng Baccara trên tay, Trâm kêu lên sung sướng: – Ô anh Thanh. Cám ơn anh đến chung vui với em. Đôi mắt nâu của anh cười với Trâm: – Chúc Trâm một sinh nhật thật vui. Bắt đầu từ hôm nay sẽ gặp mọi sự may mắn trên đường đời. ..Muốn gì được nấy… Trâm ôm bó hồng trên tay, cười dòn dã: – Nếu được vậy thì hay quá, vì em muốn nhiều thứ lắm!.. Trâm lôi tay anh vào phòng khách. Anh Cường đang đấu láo với tụi bạn của Trâm, thấy Thanh vội chạy lại: – Tớ tưởng cậu bận không đến được. Thanh cười: – Bận thì lúc nào chẳng bận. Nhưng sinh nhật Trâm thì đặc biệt… Tự nhiên trái tim Trâm nhảy đến thịch một cái trong lồng ngực. Nhỏ thấy lòng mình lâng lâng và mọi người bỗng trở nên rất dễ thương. Trâm nghĩ có lẽ hôm nay sinh nhật mình nên mới cảm thấy sung sướng “nhiều” như vậy!… Ban đầu các cô còn hơi ngượng, nhưng với tài nói chuyện tếu của anh Cường, không khí từ từ cởi mở. Sau đó, chính Thanh mới là cây đinh của buổi tiệc! Phe húi cua có vẻ “kỵ” Thanh, nên trong lúc đám con gái vây anh, thì anh Cường lại đấu hót rất hào hứng với mấy chàng này. Nói tới đá banh là gãi đúng chỗ ngứa của anh Cường mà lị! Trâm lăng xăng dọn thức ăn, nhưng thỉnh thoảng “liếc” về phía anh Thanh. Coi kìa cái con Diễm cà chớn! Làm gì mà “bám sát” anh Thanh dữ vậy? Còn con khỉ Hà nữa, cứ chớp chớp cặp mắt, liếm liếm cặp môi, thấy ghét! Con nhỏ Nga miệng “cá trèn bầu” mà cứ toét ra cười. Kỳ thiệt, cái đám bạn mà chỉ mới lúc nảy Trâm thấy dễ thương, sao bây giờ biến thành dễ ghét quá sức! Trâm vội lấy một dĩa đầy đem đến mời Thanh. Anh cắn miếng chả giò dòn rụm rồi hỏi: – Ai làm chả giò ngon quá vậy Trâm? -Trâm chớ ai. Anh thấy ngon thiệt hả? Thanh gật gù: – Ngon lắm. Kế vị bác gái được rồi đó… Trâm sung sướng đỏ hồng đôi má. Bao nhiêu bực bội bỗng biến đâu mất tiêu!.. Sau khi cắt bánh, có mục văn nghệ bỏ túi. Ôm cây đàn guitare của anh Cường, Thanh hát tặng Trâm một sáng tác mới nhất của anh. Thả hồn theo tiếng hát, Trâm như đang trôi bềnh bồng trên mây…Nhiều ánh mắt ném về phía Trâm. Ghen tị lẫn ngưỡng mộ. Nhỏ thấy nhưng phớt lờ. Anh Thanh tuyệt cú mèo!.. Tiếng hát vừa dứt, tràng pháo tay nổi lên rào rào: bis, bis… nhưng anh Thanh mỉm cười, xin lỗi phải rút lui. Ngày mai anh trở về đơn vị sớm. Khách về rồi, Trâm phụ chị người làm thu dọn bãi chiến trường. Ngang qua chiếc bình pha lê cắm 18 bông hồng Baccara, Trâm vùi mặt vào hít hít. Bông thơm lạ lùng mà lòng Trâm cũng vui lạ lùng! Cám ơn anh… Từ đó, mỗi lần Thanh đến chơi, Trâm thấy như ngày đẹp hơn, trời xanh hơn và nắng cũng vàng hơn. Nhỏ không còn đòi kẹo, đòi bánh như trước mà lại đâm ra làm…điệu mới chết! Bẵng đi vài tháng Thanh không tới, Trâm hỏi dò anh Cường, chỉ được tiết lộ: nó đang có chuyện buồn. Trâm đoán chắc anh đang hát bài “Anh Đưa Em Sang Sông” hay “Dứt Đường Tơ” gì gì đây. Ba hôm sau, anh Cường đi làm chưa về. Trâm đang phụ chị người làm sửa soạn bữa cơm chiều. Có tiếng bấm chuông, Trâm ra mở cửa. Nhỏ không khỏi thấy lòng se lại khi nhìn bộ mặt hốc hác của Thanh. Trâm nói: – Anh vô phòng khách ngồi chơi. Anh Cường sắp về rồi. Để em đi pha nước anh uống. Thanh khoác tay: – Trâm cứ để mặc anh. Khi bưng ly cam vắt ra phòng khách, không thấy Thanh đâu, Trâm đoán anh ra vườn. Đến bên cửa sổ vén màn nhìn ra, Trâm thấy Thanh đứng tựa lưng vào cây bông sứ già cỗi trong góc vườn. Nàng kín đáo nép sau bức màn cửa quan sát anh. Miệng ngậm điếu thuốc lá, cặp mắt thật buồn lơ đãng nhìn trời. Thanh ốm nhiều so với hôm sinh nhật Trâm. Bỗng dưng Trâm muốn đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa phủ trên vầng trán của anh. Trâm muốn nói ngàn lời an ủi, vỗ về cặp mắt buồn vời vợi kia, để nụ cười của Thanh lại rạng rỡ như hôm nào anh đến chúc mừng Trâm. Trong lòng cô nhỏ bỗng rộn lên một tình cảm khó tả. Từ trước tới giờ Trâm chưa hề có cái “cảm giác kỳ lạ” này. Trâm chưa kịp phân tách cái cảm giác quái dị đó thì tiếng giày cồm cộp của anh Cường đã vang lên. Trâm vội quay lại: – Có anh Thanh đang chờ anh ngoài vườn. Anh Cường nói vậy hả rồi mở cửa hông định bước ra. Trâm dặn với theo: – Anh mời anh Thanh ở lại ăn cơm nghe. Bữa nay có món tôm lăn bột ngon lắm. Anh Cường ờ ờ rồi bước luôn. Cường và Thanh học chung với nhau từ tiểu học. Thanh mồ côi mẹ sớm nên hay đến nhà Cường chơi và xem ba mẹ Cường như ba mẹ mình. Bữa nay Thanh ăn uống uể oải và chỉ góp chuyện cầm chừng. Trâm phải ép: – Ăn thêm đi. Lúc này anh ốm lắm đó. Mấy nhỏ bạn em hỏi thăm anh hoài. Tụi nó nói bản nhạc mới nhất của anh sao mà buồn thảm thiết! Tụi nó hỏi em không biết có phải tại… Vừa nói đến đây anh Cường bỗng át giọng: – Mấy nhỏ này chỉ tổ lộn xộn! Hổng lo học cuối năm thi rớt rồi kêu xui! Trâm chu mỏ định cãi thì Thanh đã nhìn Trâm cười gượng: – Không có gì đâu Trâm. Chỉ tại lúc này tinh thần anh hơi…xáo trộn. Cám ơn các bạn em đã nghĩ đến anh. Em là đứa nghĩ đến anh nhiều nhất đó. Trâm bỗng giựt mình. Gì vậy? Tại sao mình lại nghĩ đến anh Thanh nhiều nhất? Chết! không lẽ ??? Trâm lắc lắc đầu, cố xua đuổi cái “sự” mà nàng không dám nghĩ tới. Trâm len lén đưa mắt nhìn Thanh, đúng lúc chàng cũng nhìn lại. Bỗng dưng Trâm đỏ bừng mặt, tim đập loạn xạ. Trước điệu bộ lúng túng của Trâm, Thanh nhướng cặp lông mày như thầm hỏi nhỏ sao vậy? Trâm càng lúng túng, vội cầm ly nước đá lên uống để lấy lại tinh thần. Ăn vội vàng cho hết chén cơm, Trâm đứng lên xin phép đi ra. Mẹ ngạc nhiên hỏi: – Ủa, bữa nay sao Trâm ăn ít vậy con? Trâm vội trả lời : – Con no rồi mẹ. Tại lúc bốn giờ ăn chè thưng nhiều quá. Mẹ quay qua cười với Thanh: – Thiệt tình. Tới tuổi lấy chồng rồi mà cũng không bỏ được cái tật ăn hàng! Thanh tủm tỉm cười nheo mắt với Trâm. Nhỏ mắc cở chạy một mạch lên lầu đóng cửa lại. Ngồi trước bàn học Trâm cố định thần. Bao nhiêu ý nghĩ lộn xộn trong đầu: Tại sao mấy tháng nay mình hay nghĩ đến anh?… Mỗi khi anh đến lòng mình lại rộn ràng khó tả?…Thôi đúng rồi, mình đã yêu anh Thanh! Trâm nhắm mắt lập đi lập lại mấy tiếng này, vừa sung sướng lại vừa sợ hãi! Nhưng nếu anh Thanh không yêu mình? Chỉ mới nghĩ đến đó thôi, lòng Trâm đã quặn thắt như bị cắt ruột! Anh Cường đã từng nói thằng Thanh có số đào hoa quá trời. Thấy mấy cô đeo nó mà bắt thèm! Trâm đã gặp vài cô gọi là “bạn gái suông thôi mờ” của anh, cô nào cũng tóc dài lả lướt, áo tơ dịu dàng…Nhỏ gật gù: mẹ cũng có lý khi giảng mô ran” yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu”, con gái như cô ai dám rước! Lúc đó sao Trâm thấy mẹ cổ lổ sĩ cách gì. Té ra người xưa nói câu nào trúng phóc câu đó. Vậy chỉ còn con đường duy nhất. .. Từ đó, chú Sồi của tiệm uốn tóc Lyly ngoài đường Phan Đình Phùng tháng tháng không còn gặp cô Trâm nữa. Trâm nhịn ăn quà để may hai cái áo lụa. Một màu ngà có chữ thọ tròn, một màu vàng tươi tơ trời, nổi bông mai lan cúc trúc. Quần tây áo đầm được cẩn thận xếp vào đáy tủ. Cái màn đi đứng mới là khổ! Trâm phải đội cuốn tự điển dày cộm lên đầu để tập đi thật dịu dàng, khoan thai. Trâm thay đổi đến nỗi tụi bạn phải ngạc nhiên. Trúc tra vấn: – Khai thiệt đi. Có “vấn đề” gì mà mày thay đổi tới 360 độ hả nhỏ? Tao nghi quá… chắc em đã…? Trâm mắc cở đập vai Trúc: – Con khỉ chỉ đoán mò. Có gì tao đã cho mày hay rồi. Trúc vẫn không chịu thua: – Nhưng lúc này tao thấy mày kỳ kỳ. Khi vui khi buồn, khi thì như đang ở trên mây. Tóm lại mày không còn… như xưa! Trâm ngập ngừng một phút, định thổ lộ với Trúc nhưng lại thôi. Chưa tới lúc. Liên hệ giữa Trâm và Thanh không có gì thay đổi. Anh vẫn đến chơi và đã vui vẻ trở lại. Trâm cũng tỏ ra săn sóc anh hơn trước. Nàng học mẹ nhiều món ngon để đãi Thanh (Một nhà tư tưởng lớn đã từng phán: Muốn chinh phục trái tim người đàn ông, hãy chinh phục cái bao tử của họ trước!). Trâm tìm mọi cách cho anh để ý đến sự thay đổi của của nàng, nhưng hình như Thanh không thấy gì hết! Đến hôm Trâm và Trúc hẹn nhau đi ciné. Thanh đến bất chợt thấy Trâm từ trên lầu đi xuống. Mái tóc tơ mềm óng mượt chấm vai. Tà áo lụa vàng quấn quít đôi chân. Thanh trợn tròn mắt: – Ô, công chúa bữa nay xinh quá. Điệu này chắc mấy chàng phải sắp hàng xin làm quen với Trâm? Ờ, mà sao tới giờ này anh cũng chưa được Trâm giới thiệu bạn trai cho anh biết vậy kìa… Trâm bực bội ngang: – Em thì ai mà thèm! Còn anh nữa, có khi nào anh giới thiệu người yêu của anh cho em biết đâu? Mắt Thanh chợt sáng lên: – Sắp rồi đó. Lần này nghiêm chỉnh. Anh sẽ đưa chị Huyền tới ra mắt cả nhà… Trời sập xống lúc này chắc cũng không làm Trâm kinh hoàng hơn! Mặt Trâm tái nhợt. Thì ra mọi cố gắng của nàng từ trước tới nay chỉ là công dã tràng!!! Cảm thấy nước mắt sắp trào ra, Trâm lôi tay nhỏ Trúc, mắt không dám nhìn Thanh: – Anh ngồi chơi, anh Cường sắp về tới rồi. Tụi em đi ciné nhé. Ra ngoài leo lên yên sau chiếc xe solex của Trúc, lòng Trâm rối bời.Trúc hỏi hai ba lần không thấy Trâm trả lời, ngạc nhiên ngoáy cổ lại nhìn, thấy hai má bạn đầm đìa nước mắt, nhỏ chợt hiểu, rồi thở dài: – Tao biết ngay mà. Mày yêu anh Thanh phải không? Thôi nín đi, người ta nhìn kìa . Bây giờ về nhà tao, chớ mặt mũi mày tèm lem đi chơi sao được. Trúc quay hướng xe về nhà. Vào đến phòng đóng cửa lại là Trâm để cho nước mắt tuôn ra. Trúc ôm đầu Trâm vỗ về: – Khóc đi, khóc cho hả… Khóc một hơi, Trâm lau nước mắt nhưng vẫn tức tưởi: – Tao khờ thiệt! Nhưng mà mày biết mà, chuyện đó tới tự nhiên, tao không sao cưỡng được, dù trong thâm tâm tao vẫn biết anh Thanh chỉ xem tao như em gái…chung quanh anh có hàng tá người đẹp chỉ chờ anh ghé mắt tới! Trúc chợt nhớ ra: – Trời đất, mới mấy tháng trước ảnh buồn khủng khiếp vì chuyện chị Mai. Mà bây giờ đã có chị Huyền thế vô. Tao cũng phục luôn! Trâm giải thích: – Theo lời anh Cường kể, anh Thanh với chị Mai yêu nhau ghê lắm. Nhưng gia đình chị chê anh Thanh chỉ là trung uý quèn. Nhạc sĩ chỉ có tiếng chớ không có tiền! Trong khi một anh kỹ sư tốt nghiệp bên Mỹ về đeo chị dính cứng. Họ còn dọa nếu anh Thanh không rút lui, một ngày đẹp trời sẽ có màn khăn gói quả mướp, xách đàn lên rừng hát cho… khỉ nghe! Anh Thanh yêu chị Mai, nhưng lần đó tự ái bị tổn thương nặng nề. Trúc triết lý vụn: – Có thể gia đình chị Mai cũng có lý. Theo tao thấy, mấy chàng có máu nghệ sĩ không… bảo đảm lắm! Tao nghe kể vợ mấy ổng khổ lên khổ xuống vì ghen. Người của quần chúng mà mày. Mà đôi khi cũng khó tránh, mèo nào chê mỡ? Thí dụ cụ thể: anh Thanh của mày vừa mới thất tình chị Mai, bây giờ đã có một cô Huyền thế vào cái rụp. Nhỏ liếc Trâm rồi ngập ngừng: Nếu bây giờ tình cảm mày chưa sâu đậm lắm thì ráng mà dứt. Nếu không còn khổ dài dài đó em ơi! Trâm thở dài não nuột: – Mày có lý. Nhưng bây giờ tao biết chắc rằng từ xưa tới nay tao không hề rung cảm với những người theo tao, vì trong lòng tao chỉ có anh Thanh… -Tao hiểu. Trúc an ủi.Thôi hy vọng thời gian sẽ làm mày nguôi ngoai. Rồi nhỏ đổi giọng diễu:- Bây giờ mình tính chuyện hiện tại. A lê hấp, đứng lên đi rửa mặt rồi thẳng tiến ra hẽm Casino, tao bao mày một chầu bún thịt nướng. Chỉ nghe mùi thơm thôi là đủ quên hết cuộc đời! Trâm cười gượng: – Ừ thì bún thịt nướng. Tao đang cần quên cuộc đời… ô trọc! … Bắt đầu từ đó Trâm thay đổi nhiều. Vui đó rồi buồn đó. Nàng không còn reo vui mỗi khi Thanh đến, trái lại thường tránh mặt chàng. Thanh chắc đang say duyên mới nên không để ý. Anh Cường còn tệ hơn. Chỉ có chị Hạnh thôi. Dưới mắt anh, Trâm chỉ là đứa -con -nít chưa – biết – gì ! …Noel năm đó nhỏ Nga mở bùm mời đám bạn cũ tới chơi. Lên Đại học mỗi đứa một phân khoa, tản lạc tùm lum. Trừ Trúc và Trâm cùng chọn Văn khoa.Trúc kéo mãi Trâm mới chịu đi… Tự dưng nàng thấy lạc lõng giữa đám người ồn ào và quay cuồng theo tiếng nhạc. Trâm đứng một mình cạnh cửa sổ nhìn ra vườn. Mùi dạ lý thơm ngát. Sát bên bờ tường, những cành hồng trĩu bông đong đưa trong bóng đêm. Có tiếng hỏi sau lưng, nhẹ nhàng: – Xin lỗi cô Trâm. Cô không thích nhẩy sao? Nàng giật mình quay lại. Một chàng trạc tuổi anh Cường. Cao hơn Trâm gần một cái đầu. Trong bóng tối lờ mờ, không nhìn rõ mặt, nhưng qua giọng nói và cách ăn mặc thì cũng có vẻ…tử tế! Anh chàng tự giới thiệu: – Tôi là Hải, anh họ của Nga. Nếu không ngại, tôi xin được mời Trâm bản Rumba này ( Ngại? Tại sao ngại?). Trâm mĩm cười nhận lời. Hải đưa Trâm đi trong tiếng nhạc dìu dặt. Trâm nhận xét: nhảy khá lắm. Dở như mình mà nảy giờ chưa dẫm lên chân anh chàng lần nào. Nói ít nhưng khôi hài có duyên… Sau bản Rumba, Hải không rời Trâm nửa bước. Cuối buổi tiệc còn xin phép được tới nhà thăm. Nàng lịch sự ừ ào cho có lệ… Trên đường chở Trâm về, Trúc mở máy: – Cám ơn tao không nhỏ. Tối nay tao thấy mày vui quá trời. Suốt buổi tối, anh chàng Hải bám mày hơi kỹ đó nghe. Thấy vậy tao đã làm một cuộc điều tra chớp nhoáng. Vảnh lổ tai lên nghe cho kỹ nè em. Hải bà con chú bác với con Nga. Vừa xong Cao Học Hành Chánh. Thành phần c.o.c.c. nên hy vọng sẽ vô nằm ở một bộ nào đó tại Sègòn. Độc thân vui tính và rất đễ thương. Đó là theo lời con Nga, chớ tao chưa kiểm chứng. Có vài mối tình vớ vẩn. Nhưng theo tao thấy, tối nay anh chàng đã gặp đúng “mối tình lớn” rồi đó… Trâm đập tay lên vai bạn: – Con khỉ! Lúc nào cũng giỡn được. Về đến nhà, lên giường nằm, nghĩ ngợi lan man một lúc, Trâm lại nghĩ đến Thanh. Quên sao được mà quên. Dáng dấp đó, nụ cười đó, cặp mắt đó đã khắc sâu vào tâm khảm của Trâm dám từ hồi con nhỏ mới lên bảy, lên tám!! Nhưng bây giờ nghĩ đến Thanh, Trâm đã bớt đau. Ừ biết đâu tác giả câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” lại không có lý? Lấy nhau rồi liệu Trâm có đương đầu nổi với cái tính bay bướm của Thanh không? Hay ba bữa, nửa tháng đã xách valy về nhà mẹ xin…tị nạn! Ghen tương, khóc lóc chắc chắn sẽ làm Trâm mau già, mau xấu. Lúc đó có gì bảo đảm Thanh sẽ không quăng bỏ Trâm như một tấm giẻ rách?…Thôi đành…Trâm bực bội úp mặt vào gối. Giấc ngủ chỉ tới khi đồng hồ dưới phòng khách gõ bong bong ba tiếng!… Hôm sau khi Trâm mở mắt, ánh nắng đã tràn trề qua cửa sổ. Chắc phải hơn 10 giờ trưa. Nhớ tới cái hẹn đi ciné với nhỏ Trúc, Trâm lật đật nhảy xuống giường. Rửa mặt mũi xong xuôi, đang pha ly sữa chocolat thì chuông cửa reng. Tưởng Trúc tới, Trâm vừa đi ra vừa lẩm bẩm nhỏ này sao tới sớm vậy kìa? Hẹn xuất 12g30 lận mờ. Vừa mở cửa, há miệng định hỏi, Trâm ngậm lại liền vì người đứng trước mặt Trâm là…Hải! Nàng lúng túng nhìn xuống bộ quần áo ngủ. Hải cũng lúng túng không kém: – Sẵn có việc đi ngang qua đây nên ghé vô thăm Trâm một tí. Có phiền gì không? Trâm đã lấy lại bình tĩnh: – Dạ không phiền gì hết. Mời anh vô nhà. Anh ngồi đây đợi Trâm chút xíu nghe. Trâm nhờ chị người làm pha nước mời Hải rồi chạy vội lên lầu thay quần áo. Trở xuống phòng khách, nàng thấy Hải đang đứng nơi cửa sổ nhìn ra vườn. Chàng khen: – Vườn nhà Trâm nhiều hồng quá. Chắc Trâm thích hồng lắm phải không? Trâm sắp buột miệng trả lời thích nhất là hồng Baccara, may sao thắng lại kịp! Nhớ đây là Hải chớ không phải Thanh đâu nghe nhỏ. Trâm từ tốn trả lời: – Dạ hoa nào Trâm cũng thích, nhưng đặc biệt là hồng. Hải cũng đồng ý. Chàng nói hồng vừa có sắc vừa có hương. Trâm tự hỏi không biết anh chàng bắt đầu thích hồng từ lúc nào? Trâm mĩm cười với ý nghĩ này và kín đáo quan sát Hải. Người tầm thước, nước da bánh mật, mặt chữ điền với vầng trán rộng. Không thể nói là đẹp trai như anh Thanh hoặc anh Cường, nhưng có một cái gì toát ra khiến người đối diện dễ có cảm tình lẫn tin cậy. Hai người nói chuyện trời trăng mây nước một lúc thì nhỏ Trúc tới. Thấy Hải, Trúc chào anh chàng rồi quay qua nháy mắt với Trâm, ỏn ẻn: – Xin lỗi, không biết Trúc có làm phiền hai người không? – Không, không. Sẵn có chuyện đi ngang đây nên ghé thăm cô Trâm thôi. Thôi xin phép để hai cô tự nhiên. Hải vừa nói vừa đứng dậy. Trúc vẫn không tha: – Uả, vậy mà Trúc tưởng… Hải hơi đỏ mặt (sau này anh chàng thú thật với Trâm là ngay từ lúc thấy Trâm tại nhà Nga, cái dáng gầy gầy, đôi mắt hơi xa vắng và cái vẻ lạc lõng của nàng làm Hải thấy…thương liền! Đêm đó về nhà chàng nghĩ đến Trâm mãi và quyết định sáng hôm sau phải kiếm cớ đến thăm). Trâm đưa Hải ra cửa. Chàng nói nhỏ: – Nếu Trâm cho phép, thỉnh thoảng…anh sẽ đến chơi. Nàng lắc đầu chào thua trước sự đánh mau đánh mạnh của Hải!.. Thấy Trâm trở vô, nhỏ Trúc hất mặt: – Tao nói có đúng phóc không nè? Anh chàng đã bị bị trúng thương nặng rồi. Không ngờ con Nga “cá ngão” mà có ông anh…uy tín quá xá. Cô nàng nhìn Trâm dò xét: – Mày thấy sao? Trâm nhún vai: – Mới nói chuyện có hai lần, mi muốn tao thấy cái gì đây? Thôi dẹp chuyện đó một bên. Sửa soạn đi sắp hàng mua vé ciné là vừa. Từ đó, không phải thỉnh thoảng mà tuần nào Hải cũng đến thăm Trâm. Lúc đầu còn kiếm cớ này cớ nọ. Riết rồi thành chuyện…tự nhiên! Anh chàng khôn khéo ra gì. Biết lấy lòng mẹ Trâm bằng cách thỉnh thoảng lái xe đưa bà đi chùa. Lâu lâu đánh vài ván cờ tướng với ba. Hiếm lắm mới “dám” thắng một trận! Ba mẹ đều khen Hải hết lời. Anh Cường cũng nói thằng này coi giò coi cẳng được lắm. Trâm nguýt anh: – Làm như anh Hải là con gà con vịt không bằng! Anh Cường cốc đầu Trâm: – Nhỏ khờ ơi, tao coi tướng nó đó. Thằng này có tướng… râu quặp. Đứa nào lấy nó sẽ sướng suốt đời hiểu chưa? Mày không lẹ tay coi chừng mất uổng lắm. Nói rồi anh cười hà hà ra vẻ khoái chí. Trâm mắc cở: – Xí, em có thương anh Hải đâu mà lấy. Tuy nói vậy nhưng sự săn sóc, sự chìu chuộng hết lòng của Hải, khiến Trâm thấy cảm động. Nhưng chưa bao giờ nàng đi chơi một mình với Hải. Trâm sợ, dù không định nghĩa được mình sợ cái gì? Thanh vẫn ghé chơi như thường lệ. Cái tật dậm chân tại chỗ một lần nữa khiến anh nghêu ngao “Lên Xe Tiễn Em Đi”! Lại ủ ê mất một thời gian. Có lần tức mình quá Trâm nói anh cứ lăng nhăng như vậy mai mốt thành trai già, khỏi cô nào thèm lấy anh … Thanh cười: – Trâm đừng lo. Thầy bói có nói anh tuy tình duyên lận đận, nhưng tiền hung hậu kiết! Trâm trêu coi chừng hậu kiết…lỵ thì còn khổ hơn! Thanh nắm lọn tóc dài, bây giờ đã quá vai, của Trâm giựt giựt: – Trâm hư, dám trù anh hả? Miệng kêu đau quá, nhưng thật sự Trâm chỉ ao ước được ngã vào lòng anh, được anh ôm chặt trong vòng tay, dù chỉ một lần! Tim Trâm nhói đau khi cảm thấy rõ ràng tình yêu của mình đối với Thanh vẫn nguyên vẹn! Trâm bất lực… …Hè năm đó Hải ngỏ lời cầu hôn Trâm. Bị hỏi bất ngờ Trâm đành hứa sẽ trả lời Hải sau khi suy nghĩ chín chắn. Trâm kể Trúc nghe lời cầu hôn của Hải. Nhỏ hỏi: – Quen Hải bấy lâu nay, cảm tình của mày đối với hắn ra sao? Trâm trầm ngâm: – Tao thấy Hải không có điều gì đáng chê. Đúng ra tao cũng có nhìều cảm tình với anh chàng. Nhưng cảm tình khác với tình yêu… Trúc cắt ngang: – Nghe đây nhỏ: tình yêu quan trọng thậtt, nhưng theo tao một người chồng tốt quan trọng hơn. Tình yêu có thể tự nó sẽ đến sau. Trâm nghĩ thầm thiệt tình, con bé này không có một cà ram romantic nào trong máu! – Sao mày dám chắc vậy? Trong hôn nhân không có tình yêu làm sao mà…sống? Trúc quả quyết: – Có gì khó. Tao cứ quan sát những người chung quanh là thấy liền tù tì! Bà Diễm chị họ tao, trước kia nằng nặc đòi lấy ông Quân. Gia đình cản, bà dọa tự tử. Chỉ mới đứa con đầu là ổng trổ mòi. Bỏ cô này bắt bà kia. Bà Diễm khổ như điên mà đâu dám than. Mình làm mình chịu mà mày. Trong khi đó chị Hà tao lại bị gia đình ép lấy anh Sinh. Lúc đầu bả khóc lóc ghê quá. Nhưng ông bà via tao nói lỡ hứa với gia đình bên kia. Mà mày biết đó, ba tao nghiêm một cây. Vậy mà bây giờ anh chị lại yêu nhau ra rít, dính nhau như sam. Sản xuất cả lũ nhi đồng. Nhà chị Hà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, trong khi nhà chị Diễm cứ buồn như bãi tha ma! Thành thử đối với tao, lấy được người mình yêu cũng tốt. Nhưng lấy được người yêu mình thì…khoẻ hơn. Tao chủ trương hưởng nhàn mày ơi! Trâm gật gù: – Ở một khía cạnh nào đó mày có lý. Nhưng tao vẫn thấy…không yên tâm. Trúc nhìn Trâm cười cười: – Tao thấy tốt nhất từ tình cảm tiến sang tình yêu, hơn là từ tình yêu biến thành…tình hận! Mà đàn bà thì lỗ trăm phần trăm. Mày nghĩ cho kỹ kẻo hối hận sau này. Nên nhớ tình của mày đối với anh Thanh chỉ là tình một chiều. – Làm người khó quá hả mày!? Trâm thở dài. Trúc gật gù: – Nếu không sao cụ Nguyễn công Trứ lại ao ước: Kiếp sau xin chớ làm người Làm cây thông đứng giữa trời mà reo… Sau mấy hôm liền suy nghĩ cặn kẽ, Trâm kể mẹ nghe lời cầu hôn của Hải. Dĩ nhiên bà tán đồng cả hai tay. Trâm nói con chưa nhận lời vì không yêu Hải thì mẹ cũng khuyên y như nhỏ Trúc. Bà còn thêm: – Như ba mẹ hồi xưa còn tệ hơn. Ông bà ngoại chỉ cần tuyên bố gả mẹ cho ba, mẹ không có quyền phát biểu ý kiến, cảm tưởng gì ráo! Lễ vấn danh rồi lễ hỏi, mẹ có dám nhìn ngay mặt ba tụi bây đâu. Vậy mà ba mẹ cũng sống hạnh phúc tới bây giờ. Ăn thua mình thôi con à. Vợ chồng biết nhường nhịn mỗi người một chút là xong hết. Thằng Hải tánh hiền lành, trung hậu. Con lấy nó không khổ đâu. Anh Cường cũng đốc vô. Không hiểu anh có biết Trâm yêu Thanh không, nhưng anh khuyên một câu làm Trâm giựt mình: – Nếu Trâm muốn có một cuộc sống bình yên thì nên lấy thằng Hải. Những týp nghệ sĩ lãng mạn như thằng Thanh chỉ đem sóng gió đến cho gia đình. Nhỏ đủ khôn để chọn. Sau cùng Trâm đã chọn Hải. Trước đám cưới độ một tuần, Thanh từ Biên Hòa về. Anh hỏi Trâm muốn gì cho ngày cưới. Trâm đáp không suy nghĩ Trâm chỉ muốn anh tặng hồng Baccara. Tự dưng cảm giác nghẹn ngào dâng lên khiến đôi môi Trâm run run. Cặp mắt buồn rười rượi của Trâm lần đầu dám nhìn thật sâu vào mắt Thanh. Anh có hiểu không, mười tám nụ hồng ngày nào đã mở cửa cho mối tình vô vọng của em. Em ao ước cũng chính những nụ hồng này sẽ đánh dấu ngày em vĩnh biệt mối tình đó! Trâm thấy Thanh hơi sửng sốt. Anh cũng nhìn lại Trâm đăm đăm ra chiều nghĩ ngợi. Trâm nghĩ là anh đã hiểu và Trâm hài lòng. Ít nhứt anh cũng đã hiểu. Ích lợi gì Trâm không cần biết. Điều quan trọng là anh hiểu… Đúng hôm cưới, ngay từ sáng sớm, Thanh tới với hai chục bông hồng Baccara còn hàm tiếu. Ghì bó bông vào ngực, nước mắt chực trào ra, Trâm lắp bắp cám ơn anh. Thanh nói vội: – Coi kìa, ngày cưới phải vui. Cười lên anh coi có đẹp không. Trâm chớp chớp mắt, hai giọt lệ lăn dài. Không biết nghĩ sao mà Thanh rút mùi soa nhẹ nhàng lau hai gò má đẫm ướt của Trâm, rồi cố pha trò: – Thậtt đúng câu “khấp như thiếu nữ vu qui nhật”. Anh không hiểu sao cô nào đi lấy chồng, trong ngày cưới cũng khóc lóc như vậy? Coi chừng cặp mắt sưng đỏ xấu lắm. Trâm gượng cười mời anh ngồi chơi, nhưng Thanh nói có việc phải đi, hẹn tối gặp lại ở nhà hàng. Trâm đem hoa vô cắm trong phòng… Rồi trước khi rời căn phòng của một thời con gái đầy ắp kỷ niệm để lên xe hoa, một lần nữa Trâm cúi xuống âu yếm hôn mấy đóa hồng… Trúc nhìn Trâm với cặp mắt đầy trách móc: – Nhỏ này thiệt. Nhớ bữa nay là ngày gì không? Lộn xộn! – Tội nghiệp tao mà. Trâm cười buồn. Chỉ còn lần này rồi… nghìn trùng xa cách! Trúc thở dài không nói gì. Nàng thấy thương bạn và hối hận khi nhớ có lần đã nói đùa “bao nhiêu người khổ vì mày. Coi chừng bị quả báo đó em!” Không biết có phải vì “lời nguyền” này mà…? Hôm sau Hải và Trâm bay lên Đalạt một tuần. Hải đưa nàng đi cùng khắp. Thác Prenn, thác Cam Ly, hồ Than Thở…Khí hậu ĐàLạt mát mẻ, lý tưởng cho những cặp vợ chồng mới cưới. Dễ hiểu thôi, trời lạnh, muốn ấm cần phải…xích lại gần nhau tí nữa đi em (anh)!. Hải rất dịu dàng và tế nhị. Về lại Sàigòn, trước những câu hỏi đượm mùi tò mò tọc mạch của Trúc, Trâm thú thật cũng không đến nổi “khủng khiếp” như các nàng đã tưởng tượng!..Khi Trúc muốn đi sâu vào chi tiết, Trâm dẫy nẫy: – Không được. Ráng chờ rồi sẽ biết. Nếu tao tiết lộ hết, chừng đó mi sẽ mất thú vị!… …Cuộc sống hai vợ chồng bình thản. Hải làm ở Bộ Nội Vụ. Trâm vẫn cắp sách đến trường. Cuối tuần hoặc về nhà ba má Hải, hoặc về đằng ba mẹ Trâm. Hè tới anh Cường sẽ làm đám cưới với chị Hạnh. Trước hạnh phúc của hai người Trâm cũng cảm thấy vui lây, tuy trường hợp của nàng và Hải không giống như của “đôi chim cu” Cường- Hạnh. Thanh vẫn đến chơi với anh Cường. Một hôm Hải đánh cờ với ba trong phòng khách, Trâm đang lúi húi tỉa hồng thì Thanh đẩy cửa bước ra vườn. Trâm ngước nhìn anh. Nụ cười làm sáng cặp mắt nâu của anh khiến lòng Trâm se sắt. Thanh chỉ mấy khóm hồng: -Trâm thấy không, từ khi Trâm xa nhà anh thấy mấy cụm hồng cũng bớt đẹp. Có lẽ nó nhớ Trâm đó… Không hiểu trời xui đất khiến gì Trâm buột miệng: – Còn anh thì sao, có giống mấy cụm hồng này không? Hỏi xong mới thấy mình táo bạo, mặt Trâm đỏ bừng. Thanh không trả lời mà hỏi lại: – Lúc này Trâm mập ra, chắc có tin mừng phải không? Trâm e lệ gật đầu: – Dạ, hơn ba tháng rồi anh. Thanh gật gù như nói một mình: – Điều này chứng tỏ Trâm hạnh phúc. Anh mừng… Hạnh phúc! Ôi hạnh phúc là điều rất mơ hồ…Trước tình yêu chân thành và nồng nàn của Hải, Trâm đáp lại với tất cả tấm lòng của một người vợ hiền thục. Chỉ vậy thôi. Hải không đòi hỏi gì hơn. Chắc anh chàng rất hạnh phúc vì lấy được người mình yêu. Trâm bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Có lẽ đó cũng là một khuôn mặt của hạnh phúc. Nhạc sĩ Vũ Thành An chẳng từng viết: đời một người con gái ước mơ đã nhiều, Trời cho không được mấy… Nếu tất cả ước mơ đều được toại nguyện thì trái đất này là một thiên đàng! Trâm đã chọn cuộc đời bình lặng và hy vọng mình không lầm. Nàng nói với Thanh giọng đượm buồn: – Dạ, có thể là em hạnh phúc. Anh thì sao? Chừng nào cho em ăn cưới? Thanh nhăn nhó ra vẻ đau khổ: – Số anh là số con rệp. Các cô bỏ anh đi lấy chồng hết trơn! Trâm ngắt lời: – Đừng đổ tội cho các cô. Tại anh, cứ tiến một bước lại lùi hai bước! Thanh nhìn Trâm, cặp mắt xa vắng, giọng bỗng ngậm ngùi: – Trâm có lý. Có thể là anh đã thả mồi bắt bóng. Cũng có thể vì anh không hiểu rõ lòng mình. Lúc “Tình Yêu Thật Sự” của anh đi lấy chồng, anh hiểu ra thì quá muộn! Lòng Trâm chùng xuống: – Có ai uống được hai lần cùng một giòng nước, ở cùng một con sông, cũng như ly nước đổ xuống đất rồi làm sao hốt lại được hả anh?! Thanh chưa kịp trả lời thì anh Cường gọi vào ăn cơm. …Thúy ra đời trong sự mong chờ của mọi người. Trâm bận hơn trước nên thưa về nhà mẹ, thành cũng ít gặp Thanh hơn…Tết 74, vợ chồng Trâm đem con về chúc Tết ba mẹ, gặp Thanh cũng đến chúc Tết ông bà. Tuy ít gặp, nhưng mỗi lần gặp được bác chìu chuộng và chơi với bé hàng giờ, Thúy rất yêu bác Thanh. Nhìn con cười ngặt ngẽo trên vai chàng, Trâm nghĩ sao Thúy không là con của Thanh? Nhưng khi nhìn khuôn mặt hiền hậu của chồng, Trâm cảm thấy hối hận, tự cấm mình không được nghĩ vớ vẩn như vậy nữa… Hôm gặp Thanh ngoài phố với Yến, biết họ sắp lấy nhau, Trâm buồn hết mấy ngày. Sau cùng Trâm nghĩ khi Thanh đã thuộc hẳn về một người đàn bà khác, chắc nàng sẽ quên Thanh dễ dàng hơn… …Cuối
tháng 4 năm 75, vợ chồng Trâm may mắn thoát khỏi Việt Nam và qua định
cư tại Québéc. Anh Cường và Thanh đều kẹt lại. Khi liên lạc được với bên
nhà, Trâm được biết một năm sau ngày vợ chồng Trâm ra đi, Thanh cưới
Yến và bây giờ họ có hai con. Hôm nay ngồi một mình giữa mùa đông vây quanh, nơi xứ lạ, cách quê nhà hàng vạn dậm, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, Trâm chợt nghĩ đến Thanh. Nàng tự hỏi không biết mình có quên được chàng? Chắc là không, nhưng Trâm không còn xót xa khi nghĩ đến Thanh nữa. Chàng bây giờ chỉ còn là một kỷ niệm. Kỷ niệm nào lại không đẹp, dù là kỷ niệm buồn?!. Trâm vẫn sống bình yên trong tình yêu tuyệt vời của Hải. Nàng không dám đòi hỏi gì hơn ở cuộc đời. Bên ngoài, muôn ngàn đoá hoa trắng rụng đầy trời. Nhìn những bông tuyết lạnh lùng, Trâm chợt nhớ tới mùa thu. Mùa thu nơi đây đẹp lạ thường. Hai hàng cây trên con đường nhà Trâm rực rỡ lá vàng. Bỗng dưng nàng thèm tha thiết được mặc lại chiếc áo lụa vàng ngày xưa. Mặc chiếc áo này, đi trong nắng vàng mùa thu, giữa hai hàng cây rực rỡ vàng, gió thu lay nhẹ hai tà áo…Đôi mắt Trâm thoáng mơ màng…Ngoài kia tuyết vẫn nhẹ nhàng rơi.. Trâm thấy lòng thật thanh thản. Tình yêu năm xưa chắc vẫn còn đó, nhưng đã ngủ yên… Tiểu Thu
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 12/Jan/2024 lúc 3:50pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 16/Jan/2024 lúc 11:10am |
Người Ði Tìm Mùa Xuân
Lê Việt Ðiểu |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 18/Jan/2024 lúc 10:04am |
QUÊ NHÀ, QUÊ NGƯỜI, QUÊ MỸ, QUÊ VIỆT NAM ?!? Có phải nếu
mình ở một nơi nào trên dưới ba mươi năm thì mình là người thuộc địa
phương đó, đúng không? Đã biết bao nhiêu lần tôi đặt ra câu hỏi đó sau
một ngày nhìn vào lịch thấy con số ghi năm đã bước vào năm thứ ba mươi
của một người tị nạn.
Bây giờ có ai
mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở đâu đến vậy? Thì chắc tôi sẽ trả lời rất tự
nhiên, tôi ở San Jose, hay khi đang đi du lịch thì sẽ trả lời, tôi ở Mỹ
đến. Tôi sẽ không trả lời là tôi ở Việt Nam đến
nữa, chỉ trừ người ta hỏi, bà là người nước nào? Thì lúc đó tôi chắc
chắn nói, tôi là người Việt Nam, để cho họ không nhầm với người Trung
Hoa, Nhật, hay Phi.
Đúng, tôi ở Mỹ trên dưới ba mươi năm rồi, tôi là một người Mỹ. Bây giờ thử xem lại con người Mỹ của tôi.
Trước tiên mặt
mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít
góc cạnh của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen,
khi có tóc bạc thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm.
Đối với người
Á Đông thì tôi được gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này
thực ra là mầu ngà, và đứng cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho
cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm
vẫn có vấn đề, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ vấp phải lỗi nói tiếng Anh
theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê là nói tiếng Anh bể
(broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài, tôi có thể
không kém một người Mỹ chính gốc.
Nhưng khi bước vào nhà
tôi, từ những bức tranh treo ở phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai
nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất là sách, báo tiếng Việt ở khắp
nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay đó là một gia đình Việt
Nam. Như thế thì tôi là người San Jose hay người Hà Nội, người Mỹ hay
người Việt? Tôi ở đất này đến ba mươi năm rồi cơ mà.
Người ở Lạng
Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội ở trên dưới ba mươi năm thì tự nhận mình là
người Hà Nội; người ở Hải Phòng, Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm
75, 76 tự nhận mình là người trong Nam.
Tôi ở Mỹ tìm
về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù tôi có yêu quê
hương đến quặn thắt cả ruột gan, có gặp lại họ hàng nước mắt khôn cầm
thì khi thăm viếng, hỏi han, họ vẫn thỉnh thoảng nói rất tự nhiên: chị
đâu có phải là người Việt nữa, bây giờ chị là người Mỹ rồi, chắc cái này
không hạp với chị, cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết
đâu.
Những lúc đó
tôi chẳng biết mình phải phản ứng thế nào cho đúng. Cứ cãi tôi vẫn
Việt, hay nhận đúng rồi tôi là Mỹ? Không, cả hai cùng sai cả. Những khi
cần quyên tiền đóng góp vào việc công ích nào ở Việt Nam thì ai ai cũng
nhắc lại cho tôi đến ngàn lần tôi là một người Việt Nam chính gốc. Rằng
tôi phải có bổn phận và tình thương với đất nước, đồng bào. Tình thương
thì nhất định lúc nào tôi cũng đầy ắp trong ngực rồi, tôi chẳng cần ai
nhắc nữa, nhưng bổn phận thì cho tôi… nghĩ lại.
Tôi đã đóng góp bổn phận
của tôi cho đất nước đó rồi. Một mối tình chết tức tưởi trong chiến
tranh hơn ba mươi năm về trước, xương thịt của người tôi yêu nằm trong
lòng đất, rồi lại phải đào lên, đốt thành tro than, bị đuổi mộ như đuổi
nhà, đã trả bổn phận đó thay tôi rồi. Không đủ hay sao?
Bây giờ tôi
phải có bổn phận đóng thuế hàng năm ở đất nước tôi đang sống để phụ với
chính phủ sửa đường, xây trường học và nuôi những người ở khắp nơi mới
tới, như trước kia đất nước này đã nuôi người Việt, vì giấy tờ cá nhân
hiện tại xác định tôi là người Mỹ. Tôi phải làm bổn phận công dân.
Có những
ngày tôi lái xe bị kẹt ở xa lộ vào một buổi chiều mưa mùa thu; hay một
buổi sáng mùa xuân vắng lặng, êm ả, đứng trong nhà nhìn ra mặt hồ, tôi
cảm nhận được nơi mình đang hiện diện không phải là quê mình, không phải
nước mình.
Chẳng có một
lý do gì cụ thể, chỉ là những giọt mưa đập vào kính xe, chỉ là mặt nước
hồ gờn gợn sóng. Mưa trên xa lộ Mỹ nhắc nhớ đến những cơn mưa tháng Năm
ở Thị Nghè, nhà mình ở Trần Quý Cáp, nhà anh ở trước rạp ciné Eden đứng
trú mưa với nhau.
Nước ở hồ
San Jose trước nhà nhắc đến nước sông ở bến Bạch Đằng mỗi lần qua phà
sang bên kia Thủ Thiêm chơi với bạn, hay sóng nước ở bắc Mỹ Thuận những
lần qua phà đi thăm họ hàng ở tận Bạc Liêu. Những lúc đó tôi bất chợt
bắt gặp mình Việt Nam quá, vì những cái bóng Việt Nam thật mờ, thật xa
lại chồng lên hình ảnh rõ rệt ngay trước mặt mình. Và kỳ diệu làm sao,
những cái bóng đó nó mạnh đến nỗi mình quên mất là mình đang ở Mỹ. Chắc
tại tôi là người Việt Nam.
Lại có
những lần ở Việt Nam, tôi bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng
liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết
mình từ đâu đến và đang đi lạc. Tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi
đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê
hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao
không giống Việt Nam của mình, hình như đã có điều gì rất lạ.
Ngôn ngữ
Việt thì thay đổi quá nhiều, pha trộn nửa Hán nửa Ta, chắp đầu của chữ
này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”.
Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của
ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, và họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp.
Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời
xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.
Ngửng mặt
lên nhìn bầu trời, vẫn bầu trời xanh biếc của thời tuổi trẻ, cúi xuống
nhìn mặt đất, vẫn mặt đất thân quen, nhưng sao lòng hoang mang quá đỗi,
và thấy đã có một khoảng cách nghìn trùng vô hình giữa mình và quê hương
đất Việt. Chắc tôi là người Mỹ!
So sánh thời
gian tôi sinh ra, sống ở Việt Nam và thời gian tôi bỏ Việt Nam ra đi,
sống ở Mỹ, hai con số đó đã gần ngang nhau. Tôi được học từ nhỏ quê
hương là nơi tổ tiên lập nghiệp, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ở trong nước
có bài hát nổi tiếng “Quê hương mỗi người có một”, như là chỉ một mẹ
thôi. Nhưng có người lại nói: Nơi nào mình sống ở đó suốt một quãng đời
dài, có những người thân chung quanh mình, hưởng những ân huệ của phần
đất cưu mang mình, thì nơi đó cũng được gọi là quê hương mình. Như vậy
thì tôi có một hay hai quê?
Tôi sống ở
Mỹ thì bạn bè gặp nhau thường nói: Cái này người Việt mình không hạp,
hoặc người Mỹ họ mới thích nghi được việc này, người Việt mình không
quen.
Khi đi dự
buổi tiệc cuối năm của một công ty lớn ở Mỹ, toàn là những người Mỹ sang
trọng thì thấy rõ ngay mình là người Việt đi lạc, dù mình có sang
trọng, lịch sự như họ. Hóa ra ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả.
Tôi nhớ mấy
năm trước có lần trò chuyện với mẹ của một người bạn, lúc đó cụ ngoài
80 hãy còn minh mẫn, cụ theo đạo Phật. Trưởng nam của cụ và con dâu cụ
tự nhiên rủ nhau theo đạo Công giáo. Găp tôi, cụ hỏi: Không biết anh
Bình nhà tôi khi chết thì đi đâu? Phật giận anh ấy, vì anh ấy bỏ đi,
Chúa chắc gì cho anh ấy vào, vì anh ấy mới quá! Năm nay cụ ngoài 90 tuổi
rồi và không may, cụ bị Alzheimer. Vậy là cụ không còn minh mẫn để lo
con mình không có chỗ dung thân cho phần hồn. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ
lại những lời cụ nói, thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt
nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái
thân cỏ bồng.
Nhưng lạ
lắm, tôi biết chắc mình là người Việt, nhất là khi tôi nằm mơ. Trong
giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt
Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và
bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy đôi khi vẫn ứa
nước mắt, dù là một giấc mơ vui. Thấy nhớ quê nhà quá đỗi!
Tôi nhớ
lại trong những truyện ngắn, những bài thơ Đường tôi đọc thời rất xa xưa
về người bỏ làng đi xa lâu năm trở về không ai nhận ra nữa. Hồi đó sao
mà mình thương những ông già trong thơ đó thế! Bây giờ nghĩ lại thì
người trong sách đó còn may mắn hơn mình, họ đâu có đi đến tận một nước
khác như mình. Họ chỉ bỏ làng, chứ không bỏ nước. Thế mà khi về còn ngơ
ngác, bùi ngùi, tủi thân vì lạc chỗ ngay trong làng mình.
So sánh
tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của
tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận
quốc tịch của một nước khác.
"Khi về đổi họ thay tên.
"Núi chùng bóng tủi, sông ghen cạn dòng"
st.
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 24/Jan/2024 lúc 3:17pm |
Học trò thời nayThảo gọi phôn cho tôi và mở đầu bằng một câu than thở: – Khiếp quá, nếu mình là cô giáo ở Việt Nam thời buổi này là không yên thân với lũ học trò và cả phụ huynh luôn. Nghề dạy học cao quý bây giờ khác rồi. Thảo bạn học Trung học với tôi ở Việt Nam. Trước 1975 nàng vào ngành sư phạm và yêu nghề này lắm. Tôi hỏi: – Chắc bạn mới đọc tin trên báo mạng Việt Nam vụ học trò ở Tuyên Quang nhốt cô giáo trong lớp và ném rác ném đồ vào cô giáo hả? – Ừ, ở Đồng Tháp có vụ phụ huynh túm tóc đánh cô giáo giữa sân trường nữa cơ, hành xử “bạo lực” như giang hồ ấy. – Vụ này mình cũng đọc. Bố và bà Nội thể hiện… “tình thương con thương cháu vô bờ bến”, đến “xử tội” cô giáo vì dám tát con cháu họ, dù cô giáo đã biết điều gọi phôn đến nhà xin lỗi. – Cô giáo Tuyên Quang và cô giáo Đồng Tháp kia dù có sai trái gì, đám học trò và phụ huynh tấn công cô giáo càng sai trái hơn… Thảo kể thêm: – Vì mình từng là dân sư phạm nên luôn quan tâm đến những việc này thấy mà buồn. Đấy là phần thầy cô giáo là nạn nhân của học sinh, còn học sinh là nạn nhân của chính bạn học thì đếm không xuể. Tại thành phố HCM nam sinh bị bạn đâm dao thủng cổ. Tại Long An nữ sinh lớp 8 bị nhóm bạn lột áo, đánh bằng mũ bảo hiểm đến chấn thương. Đứa thì đánh, đứa thì đứng quay video lát sau phát tán lên mạng. Chúng chẳng sợ gì ai, coi trời bằng vung. Tôi cũng đã từng xem trên báo net Việt Nam những đoạn video nhóm nữ sinh xúm vào đánh hội đồng 1 đứa bạn vì tội gì đó, các nữ sinh mặc áo dài mà “vũ phu” giơ chân múa tay “tung chưởng” tấn công đấm đá tới tấp vào người nạn nhân mặc cho nạn nhân bò lê bò càng ra chịu trận, khóc lóc và hết lời van xin tha tội. Ôi, tội nghiệp những tà áo dài Việt Nam, dịu dàng tha thướt mà kẻ mặc nó tính cách hung dữ côn đồ mang danh là nữ sinh. Những học sinh này không biết đến “Tiên học lễ hậu học văn” và môn Công Dân Giáo Dục là gì. Dĩ nhiên đó chỉ là một thiểu số học sinh nhưng vẫn đáng lo đáng buồn cho ngành giáo dục nơi quê nhà. Thảo tiếc nuối nhớ về quá khứ: – Ngày xưa học trò tụi mình thật là ngoan, thầy cô giáo là thần tượng, một lòng yêu kính, tin cậy và vâng lời. Gặp thầy cô ngoài đường mình còn rụt rè e ngại nào dám lại gần, nói chi chuyện động tay động chân như học trò ngày nay. Tôi thêm vào: – Với bạn bè nếu có xích mích chỉ giận hờn nhẹ nhàng như mưa bóng mây, chẳng mấy khi chúng ta giận dữ cãi nhau chứ đừng nói là “thượng cẳng tay…”. Thảo tỉ tê kể: – Mình nhớ hồi cấp II lúc tan học có lần thầy giáo nhờ mình giữ giùm cái cặp táp khi thầy bận ôm một đống sách vở lên phòng Học Vụ. Ôi, mình đứng trước cửa lớp khư khư ôm chiếc cặp của thầy với niềm sung sướng và hãnh diện vô biên, vì cả lớp mấy chục học trò mà thầy chỉ nhờ mình, thế mới oai. Giá ngay lúc ấy có kẻ cướp đến giựt chắc chắn mình sẽ gào khóc và bảo vệ chiếc cặp đến … hơi thở cuối cùng luôn Tôi cũng có kỷ niệm để khoe với Thảo, những kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên: – Còn mình hồi lớp Nhất ban đầu mình học thầy Muôn, thầy bệnh, mình và Tới, nhỏ bạn cùng xóm đã lò mò đến Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm thầy, rồi thầy Muôn nghỉ dạy, sau đó học với cô giáo Bích. Một buổi chiều mình và Tới rủ nhau đến nhà cô chơi, 2 đứa đi bộ từ nhà đến hẻm chùa Huỳnh Kim, Hạnh Thông Tây, quẹo vào xóm nhỏ vừa đi vừa hỏi thăm, đến được nhà cô giáo Bích 2 đứa mừng như bắt được vàng. Thầy cô vừa ăn cơm xong, thầy nằm võng tòn ten nghe đài radio bên cạnh, cô Bích đang dọn dẹp bàn ăn, thế là mình và bạn cùng phụ cô, đứa rửa bát, đứa quét nhà sạch sẽ, sạch hơn khi quét nhà mình nữa cơ. Nhà cô Bích có một cây chùm ruột trước sân, chẳng có gì làm quà cho 2 đứa học trò, cô bèn ra hái một rổ chùm ruột chín vàng trên cây vào chấm muối ớt. Chùm ruột chua mà 2 đứa cùng hí hửng ăn, vì chua thì chua nhưng của nhà cô giáo vẫn quý và ngon hơn mua ở chợ. Thảo cười khúc khích: – Mình cũng thế, đi ngang nhà cô giáo, nhìn vào sân thấy con chó nhà cô cũng… dễ thương làm sao. -oOo- Sau 1975, hàng xóm tôi có gia đình bác Tâm, đời cha bác, đời bác đều là nhà giáo. Bác Tâm có 3 người con gái là Lan, Huệ, Cúc. Bác khuyên 3 con thi vào sư phạm “nối nghiệp” cha ông. Các cô Lan, Huệ, Cúc ngoan ngoãn vâng lời cha dù ngày nay không phải ai cũng quan niệm nghề giáo cao cả như suy nghĩ của cha mình, dù “Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo đều là nhà…nghèo” có mấy ai giàu đâu, chưa kể nghề giáo phần nhiều là phái nữ ít đồng nghiệp nam, nên cô giáo thường bị… ế chồng. Mỗi năm đến ngày Nhà Giáo học trò tặng hoa, tặng quà cho thầy cô. Nhà bác Tâm đầy hoa không biết cắm vào đâu nữa, bác gái bảo mấy nhà hàng xóm sang nhà bác lấy hoa về mà cắm cho bớt chật nhà. Thế là hàng xóm được hoa đẹp miễn phí, được “thơm” lây vinh dự ngày Nhà Giáo. Tôi cũng có 2 người em là nhà giáo nên thông cảm vụ này lắm. Thời bao cấp cả nước đói nghèo, học sinh nào tặng thầy cô hiện vật hay hiện kim thì quý biết bao còn hoa thì đẹp đấy nhưng chỉ nhìn bằng mắt, nhiều hoa quá mà bụng đói thì thầy cô cũng … hoa cả mắt. Hai bác Tâm luôn hãnh diện gia đình mình từ cha ông đến con, cái nghề nghiệp trí thức này. Ngày ấy cô Lan, con gái lớn quen và yêu một anh công nhân trong xóm nhưng 2 bác nhất định phản đối, chê anh công nhân không xứng với con gái của họ. Vài năm sau anh công nhân lấy vợ, có 2 con rồi mà cô Lan vẫn ế chưa có một tấm chồng tương xứng. Lúc ấy bà giáo Tâm mới kinh nghiệm “xuống nước” để gả 2 cô con gái còn lại kẻo…bị lây cái ế của cô chị. Cô Lan, Huệ, Cúc ở nhà hiền ngoan đến trường lại là cô giáo giỏi, tư cách đàng hoàng nên được học trò yêu mến, học trò các cô thường đến nhà chơi. Những thầy cô tư cách như thế thì trò nào dám lờn mặt giở thói côn đồ cho được. -oOo- Ngày nay lứa tuổi học trò của hơn nửa thế kỷ trước, các cựu học sinh trường lớn, trường nhỏ, trường ở ngay Thủ Đô Sài Gòn hay ở những tỉnh thành xa, hiện đang sống tại hải ngoại, dù tuổi đời những học trò đã cao, có “trò” đã lưng đau, gối mỏi… ngày uống mấy loại thuốc nhưng các “trò” vẫn háo hức chờ mong ngày họp mặt hàng năm hoặc vài ba năm một lần để gặp lại thầy cô bạn bè, cùng nhớ lại những kỷ niệm đẹp thuở áo trắng học trò. Không biết đến nửa thế kỷ sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam, họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thầy cô, bạn bè, nhưng bên cạnh những kỷ niệm đẹp ấy, họ có quên được không những vụ bạo lực học đường mà họ đã là nạn nhân hoặc nhân chứng một thời?
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 27/Jan/2024 lúc 9:00am |
Đường Đến Mùa Xuân
Nàng cầm chặt chiếc điện thoại trong tay, đầu
dây bên kia đã tắt mà giọng nói của anh như vẫn còn bên tai, vang vang
lập lại trong đầu nàng như vọng âm từ một nơi nào xa xăm lắm : Hồ Thụy Mỹ Hạnh |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 156 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |