Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn  
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 195 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/May/2024 lúc 2:37pm

Tour%20du%20lịch%20Bắc%20Âu%20|%20Tour%20Bắc%20Âu%20trọn%20gói%202023


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 09/May/2024 lúc 2:40pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/May/2024 lúc 3:40pm

Má Chồng


Lúc nàng chuẩn bị sanh đứa con thứ hai cũng là lúc vợ chồng nàng bảo lãnh bà má chồng qua đoàn tụ. Bà vốn là dân Nam kỳ thứ thiệt, quê ngoài miệt vườn Mỹ Tho, bao nhiêu năm được nuôi nấng bởi phù sa trù phú nên tâm hồn bà mang nặng hương sắc sông nước miền Tây.

Đầu tiên là chuyện ăn nói, bà có giọng nói sang sảng, to như trống làng ngày hội. Có lần nàng đang ở trong phòng ngủ, nghe bà đang to tiếng với chồng nàng ở dưới nhà bếp. Nàng lo sợ không biết có chuyện gì xảy ra khiến bà phải lên tiếng la mắng, bèn ra cửa lắng nghe, mới biết bà đang nói chuyện rất...bình thường và vui vẻ.

Đứa con gái đầu lòng của nàng tên Camila, bà gọi không rành rẽ, nên gọi nó là Cam cho gọn. Đến khi sanh thằng con trai, Thomas, bà ẵm cháu ngắm nghía, nói với vợ chồng nàng:
- Tô Mát là Cà Tô Mát hả, thôi để má gọi nó là là thằng Cà, nghen!?
Mấy đứa bạn của nàng vừa cười vừa chế diễu nàng:
- Tên các con nhà bà nghe cũng dzui tai, rộn ràng hen, Cam và Cà, rồi Cà và Cam.
Nàng chống chế:
- Thì chị tên Cam, em tên Cà, nghe cũng …ý nghĩa lắm chớ, dạt dào hương vị cây trái vườn nhà.
Chúng lại bảo:
- Tên Cam nghe còn… đặng, gợi nhớ dòng thác Cam Ly thơ mộng, lãng mạn. Còn cái tên Cà, nói mày đừng buồn, hổng giống ai hết ráo.

Nghe vậy, nàng quên ngày bà vào bệnh viện khi nàng chuyển bụng, rồi bà mừng vui, hối hả về nhà nấu nồi thịt kho tiêu. Và đêm đêm khi em bé thức giấc, bà là người đầu tiên chạy vào phòng phụ nàng dỗ dành con nhỏ. Vậy mà nàng quên dễ dàng như quên một chiếc lá rơi bên đường, rồi giận bà vì cái tên Cà đến mấy ngày.

Bà là người nấu ăn trong nhà, trăm lần như một, ngày nào cũng có rất nhiều thức ăn dư thừa vì nấu quá nhiều. Bà lại bỏ chúng vào những hũ nhựa để trong tủ lạnh. Dù nàng có nhiều lần nhắc nhở, bà gật gù nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Thức ăn vẫn dư ra ê hề, dần dần cái tủ lạnh ngập đầy những hũ to hũ bé. Chồng nàng nói vui, nếu có một con ruồi bay vào tủ lạnh, thì nó sẽ bị lạc đường. Mà ngay chính bà, người tự tay bỏ những đồ ăn dư vào đó, khi cần tìm một món gì, bà cũng... ngơ ngác, không biết nó nằm trong hũ nào, nói chi đến con ruồi. Khi nào hết chỗ trong tủ lạnh thì lại vứt bỏ những thức ăn cũ vào thùng rác. Nàng góp ý thì bà cười, bảo:
- Tại má quen từ nào giờ dưới quê, nấu ăn phải rộng rãi, đặng có khách khứa bất chợt, hoặc xóm giềng ghé qua thì mời ăn luôn cho vui.

Giống như nhiều người lớn tuổi khác, bà có niềm vui xem phim Tàu khi rảnh rỗi. Bà thường xem vào buổi tối khi con Cam thằng Cà đã vào giường ngủ say (vì ban ngày bà còn lo nấu nướng dọn dẹp nhà cửa). Nói có Chúa làm chứng, trong đời nàng chưa bao giờ xem phim Tàu được mười phút, chẳng hiểu tại sao, có lẽ vì cái giọng thuyết minh nghe nhão nhẹt và chói tai chăng? (Thành thật xin lỗi quý vị nào mê phim Tàu). Bà xem triền miên hết tập này qua tập khác, hết đêm này qua đêm khác rất hào hứng say mê. Cho dù xứ Tàu có hơn một một tỷ dân, có sản xuất ra nhiều trường quay và đạo diễn làm phim, cũng không thể nào đáp ứng nổi tốc độ xem phim của bà.

Thế là trong lúc chờ đợi có phim mới, bà chuyển qua xem cải lương Việt Nam. Lại xin Chúa làm chứng một lần nữa, từ hồi cha sanh mẹ đẻ, nàng chưa bao giờ xem trọn vẹn một tuồng cải lương nào. Hồi ở Việt Nam đầu thập niên 80s, chương trình Tivi còn nghèo nàn, nhà nước chiếu cái nào thì xem cái nấy, hình như có hai tuồng cải lương nàng xem được... một nửa, đó là tuồng “Tiếng Trống Mê Linh” do Thanh Nga diễn vai chính, và tuồng “Đời Cô Lựu” của cô đào Bạch Tuyết.

Đôi lúc rảnh rỗi, bà thường tâm sự với nàng về những kỷ niệm của bà với cải lương. Thuở xưa, anh trai của bà là một quận trưởng ở Mỹ Tho, lại quen biết với ngôi sao cải lương Thành Được. Cứ mỗi lần về Mỹ Tho biểu diễn, Thành Được lái xe hơi đến gia đình bà chơi, cho cả chục vé hạng nhất, tối tối bà lại được cắp theo ô trầu tháp tùng mẹ của bà đi coi cải lương. Bà thích nhất tuồng “Đời cô Lựu” mà bà đã xem rất nhiều lần vẫn không thấy chán. Mà lần nào cũng vậy, vừa xem hai mẹ con vừa khóc ròng, mang theo mấy cái khăn mùi-xoa cũng chưa đủ. Bây giờ bà cũng chỉ tìm những tuồng cải lương nổi danh một thời để xem lại, vì bà cho rằng đám diễn viên cải lương trẻ bây giờ ca không hay, mà diễn cũng không tới.

Không biết bà có lãng tai hay không, nhưng bà rất thích xem phim Tàu hoặc cải lương với volume khá to. Một đêm kia, nàng chợt thấy ánh trăng phủ đầy trên giường ngủ. Nàng bước ra cửa sổ, mới hay rằng hôm ấy có trăng mười sáu, đẹp dịu dàng và sáng tươi cả bầu trời. Những ngọn cây trong đêm huyền hoặc dưới ánh trăng, mây im lặng, lững lờ trôi để tôn vinh ngày trăng tròn. Đẹp quá! Trong nàng cảm xúc dâng trào, ngồi xuống bàn lấy giấy viết ra tìm vần thơ, thì bỗng nghe văng vẳng tiếng…sáu câu vọng cổ của Thành Được ở ngoài phòng khách. Nàng lắng nghe thì đến lượt cô đào cải lương chi bảo Bạch Tuyết nức nở, rên rỉ đau thương ở cảnh bà hội đồng gặp lại người chồng sau hơn hai mươi năm tù tội oan uổng. Thế là bao cảm hứng thơ thẩn của nàng tiêu tan như cơn mưa rào bất chợt đổ xuống đường xua tan bụi bặm của thành phố. Thật là bực mình! Có lẽ “sự nghiệp văn chương” của nàng, vì bị “phá đám” thường xuyên, nên cứ mãi mãi lềnh bềnh, vật vờ như những đám lục bình trôi trên sông Tiền sông Hậu mà thôi.

Trưa thứ Sáu, chồng gọi phone cho nàng ở chỗ làm:
- Chút nữa em nhớ đón mấy đứa nhỏ nghen. Má bị đau bụng, chắc hôm qua ăn lại món mắm và rau còn dư, anh đang đưa má vào bệnh viện, rồi chiều anh đi làm ca tối luôn.

Nàng xin nghỉ sớm, đón hai đứa nhỏ về nhà, bắt tay vào việc cơm nước. Trong tủ lạnh, nàng thấy để sẵn một con cá, giá, cà chua, rau ôm, bạc hà đã rửa sạch sẽ, má chồng đã chuẩn bị từ sáng. Nàng bèn nấu món canh chua và cá kho tiêu. Thằng Cà nhất định không chịu ăn nếu không có bà nội đút cơm như mọi ngày. Nàng phải vừa dỗ dành, vừa hăm dọa nó mới ăn được một ít. Còn con Cam vừa ăn miếng đầu tiên đã phán ngay một câu xanh rờn:
- Mẹ nấu canh chua không ngon như... bà nội!

Ủa, hổng lẽ nàng phải giải bày phân bua với đứa con nít, rằng nàng là gái bắc kỳ, món canh chua nào phải sở trường của nàng? (Mà thiệt ra, nàng chẳng có món sở trường nào cả).

Đến giờ tắm cho chúng nó thì đúng là một kinh nghiệm đau thương. Hai đứa vừa chơi vừa đánh nhau chí chóe trong bồn tắm ngập đầy bọt xà phòng. Nàng vừa la hét vừa lấy khăn lau chùi “hiện trường”, thì thằng Cà cởi trần như nhộng chạy ra khỏi phòng tắm, nàng phải rượt theo nó khắp nhà, cuối cùng mới tóm được nó ở nhà bếp để mặc quần áo vào. (Nàng không thể nào hiểu nổi bà má chồng đã tắm cho chúng nó như thế nào).

Rồi cũng đến lúc lùa chúng nó vào phòng ngủ. Sau khi nằm yên ấm, chúng yêu cầu nàng kể chuyện cổ tích như bà nội vẫn thường làm. Hai đứa nằm im nghe kể xong, vẫn là con Cam tà lanh nhanh nhẩu:
- Mẹ kể sai rồi! Cô Cám không chết! Cô Cám không chết! Cô Cám và bà mẹ ghẻ đã ăn năn hối lỗi nên được cô Tấm và nhà vua đón về ở chung trong lâu đài. Bà nội kể như vậy mà?!

Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Quý vị nào từng đọc cổ tích Việt Nam thì xin làm chứng cho nàng với. Rõ ràng là Cám bị Tấm trả thù bằng cách đun nồi nước sôi, lừa Cám xuống hố rồi dội cho chết tươi không kịp ngáp (ai bảo cô Tấm hiền lành phải xem lại nha). Chưa hết, Tấm còn lột da Cám rồi lấy xác Cám ướp làm mắm “biếu” bà dì ghẻ, bà ăn xong lăn đùng ra tắt thở (ai bảo Tấm nhân hậu vậy cà?!). Có ai giải thích giùm nàng không, tại sao hầu hết các truyện cổ tích Việt Nam đều có cái kết nhân ái hiền hòa, nhưng riêng cô Tấm này quá dữ dằn, ác độc có thua gì mẹ con cô Cám đâu chớ! Dám phanh thây xác chết để chèn làm mắm cho người khác ăn thì Tấm này cũng chẳng phải dạng vừa.

Cũng may, má chồng nàng đã dũng cảm sửa đổi cổ tích. Nhưng nàng vẫn nổi sùng, giận cá chém thớt:
- Thôi, hai đứa ngủ đi. Cả ngày hôm nay mẹ mệt muốn phát điên vì chúng mày rồi.

Nhân vụ kể chuyện cổ tích của má chồng, nàng nhớ mới đây, thằng Cà vào lớp một, cô giáo gọi phone mời hai vợ chồng nàng đến họp, vì cả mấy tháng đến lớp mà Cà vẫn chưa nói nhiều tiếng Mỹ, vẫn chỉ quanh quẩn “yes” hoặc “no”, còn thì toàn là dùng tiếng Việt, cũng may có cô phụ giáo là người gốc Việt giúp thông dịch cho “hai bên” hiểu nhau. Cô phụ giáo kể:
- Cô giáo kêu các em lên giới thiệu tên, cậu bé nhà mình đứng trước lớp ngây thơ tự tin, dõng dạc nói một tràng tiếng Việt: “Dạ thưa cô, tên của con là Cà Tô Mát nhưng ở nhà ai cũng gọi con là Cà!”

Về nhà, nàng nói với chồng:
- Tại má anh hết đó, suốt ngày cứ dạy chúng nó nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, kể chuyện cổ tích Việt, ca dao Việt, nói chung cái gì cũng Việt, thành ra mới ra nông nỗi này đó, em mắc cỡ với cô giáo hết sức, không có đường mà chui xuống đất.

Chồng nàng tỉnh bơ:
- Ơ kìa, từ nhỏ nó nghe tiếng Việt thì khi mới vào trường Mỹ nó chưa quen, nay mai nó nói nhuyễn như cháo cho em xem. Người ta biết vài ngôn ngữ thì càng có lợi, anh chưa nghe ai nói là bất lợi bao giờ.
- Anh không nhớ chị Hai hàng xóm mình sao, con gái vào College về nhà than thở, vì nó nói rành hai tiếng Việt-Mỹ, nên khi học môn English ở trường bị thua điểm mấy đứa Mỹ da trắng 100%.
- Công bằng mà nói, con nhà Việt về nhà chỉ nghe ba má Việt nói tiếng Việt, còn con nhà Mỹ nghe ba má nói tiếng Mỹ, thì giúp nó nhiều hơn, sâu sắc hơn trong môn English là chuyện bình thường. Nhưng không thể lấy một trường hợp mà kết luận cho tất cả, vì thực tế cũng có những con nhà gốc Việt học môn English không thua kém gì, thậm chí còn giỏi hơn con nhà Mỹ chính gốc.
- Tóm lại, là anh vẫn ủng hộ má dạy tụi nhỏ Tiếng Việt?
Chồng nhìn nàng cười:
- Anh nhớ có lần em thì thầm với anh rằng, nhờ má kể chuyện cổ tích cho tụi nhỏ mà em nhớ lại tuổi thơ và những chuyện cổ tích xa xưa như Sọ Dừa, Thạch Sanh Lý Thông tưởng đã lãng quên theo thời gian, vậy hà cớ gì mà mình không truyền những câu chuyện tinh hoa dân tộc cho đám nhỏ? Anh biết hôm nay em bực mình chuyện đến họp vì thằng Cà không nói English, chớ anh tin là em cũng cùng suy nghĩ với anh, đúng không nào?

Đến nước này thì nàng hết đường chối cãi, vì chồng nàng nói... chẳng sai. Ngoài chuyện được sống lại ký ức tuổi thơ bằng những lần nghe má chồng kể chuyện cổ tích, mà nhiều lần nàng còn bồi hồi xúc động từ khi thằng Cà còn đỏ hỏn, bà đã ru nó ngủ bằng những điệu hò mà hồi đó trong mấy chuyến chờ vượt biển ngoài Miền Tây nàng đã từng nghe:

Hò ...ơ ...ơ...
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Chứ đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi mưa nắng sớm chiều
Lên doi xuống vịnh...
À... ơ... ờ.
Chứ lên doi xuống vịnh... cũng chèo... thăm e.

Đang suy nghĩ về chuyện cũ thì có tiếng phone reng. Bên đầu dây kia là tiếng của bà:
- Bác sĩ nói má bị ngộ độc thức ăn, phải ăn cháo lỏng trong vài ngày để họ kiểm tra lại cái bao tử của má xem có vấn đề gì không, hai đứa nhỏ ngủ chưa con?
Nàng méc bà, (cháu hư tại... bà mà!):
- Chúng nó hư lắm bà ạ. Cơm không chịu ăn, lại nghịch phá, bây giờ lại chưa chịu ngủ nữa.
- Má biết vậy nên mới phone về thăm hai đứa. Thôi, con mở speaker để má kể chuyện cho tụi nó ngủ.

Hai đứa nghe tiếng bà thì rú lên mừng rỡ, rồi ngoan ngoãn nằm xuống giường đắp mền nghe bà kể chuyện. Nàng tắt đèn, khép cửa, đi xuống lầu dọn dẹp nhà cửa. Khi nàng trở lại phòng thì hai đứa đã ngủ say sưa tự lúc nào, mà tiếng của bà vẫn đều đều trong speaker:
“Kể từ đó, Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương sống với nhau tràn đầy hạnh phúc. Thủy Tinh vẫn tiếc nhớ cuộc thi năm xưa, hàng năm cho nước dâng cao lên, gây nên những trận lũ lụt khắp nơi...”

Nàng chợt nhận ra giọng nói của bà đã yếu hẳn, không còn to vang như trống đình ngày xưa nữa. (Vậy mà bấy lâu nay nàng vô tình, có hay biết gì đâu!). Một cảm giác vừa quen, vừa lạ xâm chiếm lòng nàng, để trái tim nàng dịu dàng dâng lên một tình thương mến. Nàng cũng nhớ ra rằng, mấy năm qua, kể từ khi bà qua đây, nàng chưa hề nấu cho bà một món gì, kể cả nồi cháo, vì bà dành làm hết mọi việc cơm nước cho vợ chồng nàng thảnh thơi đi làm.

Nàng lặng lẽ đi xuống bếp, lấy ra miếng thịt thăn ngon nhất. Sáng mai, trước khi đưa con Cam thằng Cà đi thăm bà nội, nàng sẽ dậy sớm để nấu cho bà nồi cháo thịt bằm, ít gạo, nhiều nước, rắc đầy hành hoa và rắc chút tiêu trắng... đúng như sở thích của bà.

Kim Loan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/May/2024 lúc 10:33am


MÙI CỦA MẸ
Hít%20hà%20"mùi%20của%20con"%20giúp%20mẹ%20giảm%20stress



Tác giả Nguyễn Văn Anh là một giáo viên, cư dân thành phố biển Nha Trang. Bài thơ được sáng tác trong những ngày mẹ ông bệnh nằm một chỗ, và ông là người tự tay tắm rửa cho mẹ sau những giờ đi dạy về. Đối diện với thân thể già nua bệnh tật của mẹ và cái mùi đi cùng nó, ông nhớ về mẹ mình với tất cả ký ức về cái mùi từ bi mà mẹ đã trút hết cho con, và bài thơ Mùi của Mẹ ra đời từ đó.
=======
Thời son trẻ
Mẹ thơm mùi con gái
Mùi tằm dâu rơm rạ quê nhà
Mùi bồ kết hương cau thơm lắm
Mùi thanh xuân đồng nội
Mẹ trao cho cha
Ngày vỡ ối con ra
Mẹ còn thơm mùi chăn gối
Mùi tro than hột muối củ gừng
Con bú mớm
Mẹ thơm mùi vú mọng
Con đi lẫm chẫm
Mẹ thơm mùi cơm nhão, cháo hoa
Con đến trường làng
Mẹ thơm mùi lúa rơm gạo mới
Con lên trường huyện
Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau
Khi con ốm đau
Mẹ thơm mùi của Phật
À ơi…
Ôm con mùi Mẹ tỏa ra
Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi
Ngày nắng hạn
Mẹ thơm mùi me đất
Tháng mưa dầm
Mẹ thơm mùi con cá chột nưa
Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông đoài nam bắc
Là con đi đất bằng biển lặng
Là con đi chân cứng đá mềm
Ơi những kẻ đi xa
Có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà
Mùi của Mẹ là mùi rất thật
Ngày con thành gia thất
Mẹ thơm mùi treo cưới
Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau
Ngày tháng qua mau
Thoảng chút hương đời con hể hả
Mẹ còn giữ một mùi dân dã như rơm
Đời con lận đận áo cơm
Mẹ là áo gấm, tám thơm, nồi đồng
Đời con mỏi gối chồn chân
Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non
Con mấy mặt con
Vẫn ngỡ mình bé dại
Vì nhà ta còn mùi Mẹ, mùi Bà
Mùi Bà – mùi cái vú da
Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng
Mẹ ơi
Mẹ mới đó
Bốn mùa mặc áo the thâm
Sao nỡ vội già không trẻ mãi
Để vãn buổi chợ chiều tất bật đi mau
Vì biết cháu chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối
Ôi cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu
Có con cu kêu đầu hồi để thời gian qua chi vội
Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò
Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn
Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi đã lạnh toàn thân...Mất rồi!
Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài giậu mồng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời
Con thành đứa trẻ mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền!
Mẹ ơi...!

st.


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 17/May/2024 lúc 10:39am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/May/2024 lúc 9:16am

Chiếc Cầu Thời Thơ Ấu 


Mỗi khi lái xe qua chiếc cầu Causeway dài 40 cây số bắc qua hồ Pontchartrain của tiểu bang Louisiana nơi tôi đang sinh sống thì tôi đều nhớ đến chiếc cầu Dinh ngẳn củn dài chưa đầy 100 mét bắc qua thị trấn Ninh Hòa là nơi tôi được sinh ra đời . Chiếc cầu Causeway được xây vô cùng hiện đại và kiên cố nối liền hai thành phố Metarie và Mendevill, Chiếc cầu Dinh xây bằng xi măng bắt qua sông nối liền xóm chợ và Vĩnh Phú.

Cầu Dinh trấn thủ giữa phố Ninh Hòa như một cái rốn trên vuông bụng của một thiếu nữ xuân thì và chính vì vị trí toạ lạc biệt đó mà nó trở thành hình tượng quê hương. Nhờ có nó nằm gác mình từ phía bên này phố chợ nên tôi mới có thể bước qua bên kia Vĩnh Phú để những lá thư tình có cớ tuôn về Phước Đa rồi quẹo lên Cầu Sắt, Quang Đông. Nó cũng là cái cớ cho tất cả những nhà văn thơ Ninh Hòa đem vào sáng tác.

 

Vào mùa hè lòng sông cạn rong xanh đọng lại thành những mãng rêu màu xanh đậm trôi lềnh bềnh, mùi nước nồng mùi cá biển. Cái mùi kỳ cục thật trừu tượng ngửi được mà không tả được . Những ngày đầu tiên đến Mỹ suốt ngày ru rú trong nhà với máy lạnh có lần vừa mở cửa bước ra, không khí ập đến đã cho tôi cái cảm giác rất đột ngột. Tôi ngửi được cái mùi đó và bất giác kêu lên "mùi cầu Dinh". Sau này cái mùi cầu Dinh đại trà phổ quát hơn, tôi ngửi được khắp mọi nơi, trong những cơn mưa bất chợt làm con đường khuya thêm u ám khi lái xe một mình âm thầm đến hãng vào giờ ca ba , trong những giấc mơ nhất là vào những ngày giáp tết. Nói cho cùng chiếc cầu ngắn củn bé nhỏ ở tận nơi cùng trời cuối đất toạ lạc ở một địa thế gần như vô danh tên gọi là Ninh Hòa giống y như cái ngăn đông đá trong tủ lạnh mỗi khi bất chợt tay chạm phải , hơi lạnh chuyền đột ngột qua các sợi tế bào trên từng ngón tay rồi chuyển lẹ làng vào tim vào óc. Mỗi lần chạm phải như thế tôi phát giác ra một điều chân lý, đó là chiếc cầu với rong rêu trôi lềnh bềnh vào những mùa nước cạn không có chút gì thơ mộng kia chính là cái tủ lạnh kiên cố đặt sâu trong tiềm ức. Nó gắn liền với cuộc sống , những khi vui vẻ yên lành thì tôi quên bén nó đi, mỗi khi trái gió trở trời thì hơi lạnh quê nhà tỏa ra làm da dẽ nổi đầy gai góc.


Tôi lừng khừng lớn lên trong cái xóm nhỏ khoảng hai, ba chục gia đình trú ngụ tên gọi là "Đường luồng cây Thị" . Xóm nằm trong hẽm rộng vừa lọt một chiếc xe đạp. Những gia đình chen lấn san sát nhau không ngày nào là không xảy ra chuyện để nói, và vì có quá nhiều chuyện để nói nên thét rồi được mọi người xem như chẳng có nói chuyện gì. Người lớn ban ngày kiếm một cái gì đó bưng ra chợ để buôn bán, chiều về mạnh nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng chửi mắng nhau vì chuyện không đâu xem như là một cách để thay đổi không khí . Lách ra khỏi hẻm là con đường Võ Tánh rộng hơn, nhưng cũng đủ vừa hai chiếc xe đạp tránh né. Giáp góc đường cạnh nhà bác Hai Thiện có một trụ điện với bóng đèn 80 watt trên cao tỏa xuống vàng vọt . Đám con trai ban đêm thường tụ tập để chia phe bắn lộn với " đám Tàu " xóm chợ. Tụi tôi bẻ gấp đôi cọng phượng lại rồi dùng dây thun bắn nhau, đứa nào cũng muốn trở thành anh hùng. Đọc sử ký thấy Tàu đô hộ Việt Nam cả ngàn năm đó là kẻ thù . Xóm chợ là nơi ở của người Tàu cho nên thù thì phải trả . Nghe nói đứa nào trả được thù thì mới là anh hùng . Trở thành anh hùng rồi thì diện mạo tự nhiên sẽ trở thành khôi ngô tuấn tú và không cần phải lo chuyện ăn uống , thậm chí không phải cả chuyện đi cầu mà vẫn oai phong . Thuở đó xóm tôi nghèo nên không nhà nào là có cầu tiêu . Mỗi lúc đau bụng cả đám kéo nhau chạy một lèo đến những lùm bụi cạnh Lăng Bà Vú cách đó chừng 500 mét . Thét rồi Lăng Bà trở thành căn cứ cho đám con nít chúng tôi tập họp để bàn luận chuyện đánh Tàu.


Lăng Bà Vú được vua Gia Long sau khi đoạt ngôi từ Tây Sơn ra lệnh xây lên để ghi ơn người đàn bà đã chứa chấp khi người còn là bại tướng bị truy đuổi . Nội tôi khi còn sống thường kể về nhiều huyền thoại linh thiêng của Lăng Bà . Nhưng trong trí óc non nớt của tôi đó chỉ là một cái gò có bờ thành xây bằng vôi bao bọc chung quanh , cỏ và cây cối không người cai quản mọc chen chúc nhau um tùm . Hai con kỳ lân xây bằng vôi ngồi chồm hổm trên bờ thành theo truyền thuyết vào những đêm rằm biến thành kỳ lân thực xuống tắm quậy nước ầm ầm trong ao sen . Đám nhóc chúng tôi nghịch ngợm trèo đầu cỡi cổ mà hai con kỳ lân chẳng dám có phản ứng gì. Trong các huyền thoại tôi teo nhất về chuyện một cặp rắn thần sống từ mấy trăm năm nay , một con có mồng màu xanh. một con có mồng màu đỏ tía nằm giữ mộ . Bợm bãi cách mấy đứa nào cũng ngán rắn cắn cho nên mỗi khi bất chợt đau bụng thì rũ nhau cả bầy đi cầu tập thể cho vui . Trẻ con vô tư lự, ngồi xếp hàng nhìn chim nhau cười khúc khích. Sau này lớn thêm một chút, đến tuổi biết mắc cở không còn cái thú đi cầu tập thể nữa nhưng máu muốn trở thành anh hùng thì không hề nguội lạnh . Bới vì thế giới có nhiều kẻ xấu nên làm anh hùng mới có ý nghĩa . Anh hùng chưa kịp thấy đâu chỉ biết nhiều đêm mò ra xóm chợ bị tụi tàu phục kích đánh cho tơi tả, ôm đầu chạy không kịp thở. Chỉ tội nghiệp những cây phượng ở sân trường tiểu học Ninh Hoà bên Vĩnh Phú bị chúng tôi leo lên bẻ cọng làm vũ khí không kịp mọc lá non.


Năm đó tôi lên lớp đệ tứ . Đám con trai tự cho là mình đã trưởng thành, đứa nào cũng bước vào đời với điếu thuốc ngất ngưỡng trên môi . Năm này thì xóm tôi xảy ra một biến cố vô cùng trọng đại, đó là sự xuất hiện của Phan với gia đình từ Tu Bông dọn vào ở . Phan có mái tóc quăn cắt ngắn úp vào khuôn mặt thanh tú với nút ruồi bên gò má bên phải trông thật bắt mắt . Nhất là thân hình đang chớm nẫy nỡ ở tuổi dậy thì với hai cái vú tròm ủm chưa biết mặc xú chiêng . Phan dọn đến không tuyên bố chiến tranh cũng không kêu gọi hòa bình nhưng phe ta tự nhiên hoàn toàn tan rã. Đứa nào cũng bận rộn theo Phan để thành thi sĩ nên không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau. Con đường vào tình yêu là con đường ăn không no, mặc không ấm, nhưng không hiểu sao đứa nào cũng thích. Dù chiến tranh bạo lực không còn nhưng đứa nào cũng âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh lạnh với phe mình để mong lọt vào đôi mắt của Phan.

Cuối cùng trong cuộc tuyển chọn không hiểu sao tôi được Phan chấm trúng . Tôi vốn học không giỏi lại không siêng, yêu Phan tôi lại càng thêm phần lười biếng. Ba má tôi suốt ngày ngoài chợ đâu có rỗi rãnh mà kềm kẹp đám con. Tôi như được tháo cũi xổ lồng. Những mãng rêu xanh dưới dòng sông Dinh bình thường trông dơ dáy như thế, nhưng có tình yêu vào rồi ban đêm nhìn xuống dưới ánh trăng trông lấp lánh như màu ngọc bích . Tôi và Phan trốn cha, trốn mẹ, trốn cả bạn bè hẹn nhau mỗi đêm ở sân đánh tenis Trường Tàu, ngồi ngay dưới gốc cây phượng mà mới hôm nào suốt ngày tôi giống như con khỉ đu trên đó . Cái sân tráng xi măng vô cùng sạch sẽ lý tưởng, bốn phía đều có thành bao bọc kín đáo, ở đây mặc sức tôi và Phan thề non hẹn biển.


Mãi đến sau này trong những ngày lầm than của đất nước, ở tù về cứ mỗi lần đứng xếp hàng ở bến xe Ninh Hoà đợi mua được cái vé đi Nha Trang phản ứng của tâm ức vẫn còn xui khiến hai con mắt tôi bâng khuâng nhìn về hướng đó, nơi của tôi và Phan với mối tình đầu . Sân tenis thành bao quanh bốn phía chỉ thấy được những cành khẳng khiu chĩa ngang chĩa dọc của cây phượng già in dưới màu trời đen thẩm . Thỉnh thoảng đôi khi hai đứa tôi đổi chổ, đạp xe đèo nhau chun rào vô sân trường Trần Bình Trọng, ngồi ở những mé thềm trước những lớp học nào khuất ánh sáng . Phan thua tôi hai lớp, học cùng trường nên tất cả ngóc ngách chung quanh hai đứa tôi rành như đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Chúng tôi mê mẫn dọ dẫm bằng một tình yêu ở ngưỡng cửa dậy thì không so tính xem như bổn phận của hai đứa khi trời xui đất khiến gặp nhau là phải yêu nhau vậy. Có thể nói tôi hãy còn quá nhỏ để có thể hội đủ trình độ lắng nghe để còn phân tách cái cảm giác lãng mạn mà tôi vẫn thường gặp trong tự lực văn đoàn . Chỉ biết khi kề cận bên nhau , được hôn phớt lên gò má trắng ngần ẩn hiện nhiều sợi lông tơ của Phan là trong lòng tôi vô cùng rộn rã .Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc bị Phan bỏ hoặc là tôi phụ bỏ Phan . Như là Phan vĩnh viễn thuộc về tôi . Trời có sập xuống, biển có thể trồi lên nhưng Phan không thể là của người khác. Dưới nhiều cặp mắt của người lớn tôi đúng là thằng con nít ranh, là con chim chưa dập bụng cứt , không lo học hành bày đặt mọc lông làm người lớn . Dưới những cặp mắt bạn bè đồng trang lứa thì tôi là thằng ngáp phải ruồi, Phan đui nên mới chấm trúng tôi. Tôi không thích ai xem tôi còn con nít, nhưng lại không dám tự cho mình đã là người lớn . Tôi lươn ươn ở trạng thái dùng dằng làm con nít không xong mà làm người lớn không được. Hình như ngay cả chính má tôi cũng không khẳng định được lằn ranh đó , bởi vì mỗi khi sai tôi làm hư một chuyện gì thì thế nào cũng bị mắng " lớn đầu rồi mà cái chuyện bé tí tẹo đó làm không được " Còn hễ mỗi khi bắt gặp tôi lén la lén lút chải tóc sắp sửa trốn đi mèo thì câu mắng quẹo liền một góc 180 độ " còn con nít con nôi không lo học hành chỉ lo trai gái đàn đúm .. "


Tôi và Phan yêu nhau ở lứa tuổi học trò chỉ là yêu để gọi là yêu . Giản dị vậy thôi . Yêu nhau giống như hai con ngựa bị bịt mắt đi giữa đám rừng thì thế nào cũng có ngày đầu tột vô góc cây . Chuyện lao vào nhau không cần tính toán tương lai đó đến một hôm thì bị ông già của Phan phát giác . Một trong những lá thư tình Phan giắt cạp quần bị sơ ý rớt xuống đất, ông già lượm được thế là ông nổi trận lôi đình, tên tôi được liệt kê đầu sổ phong thần. Tôi teo quá trốn biệt, đi học không dám hiên ngang đạp xe cái vù ngang qua trước cửa nhà Phan như trước nữa mà phải vòng qua đường luồn nước mía của chú sáu Dẹo . Cái kiểu vưa cầm cự mê gái vừa cầm cự với bài vở ở trường không cần diễn tả ai cũng biết sức học của tôi tệ lậu đến chừng nào vậy mà không bị đội sổ hoặc ở lại lớp, đúng là phước đức ông bà ba đời để lại


Năm tôi leo lên lớp đệ nhị vì sợ rớt tú tài bị nắm đầu đi trung sỉ, tôi hối hả lao vào ôn bài vở. Thư từ qua lại của hai đứa tôi vì thế mà thưa hơn trước vả lại cộng thêm sự kiểm soát chặt chẻ của ba Phan đám bạn bè chim xanh không đứa nào dám hó hé. Cuối năm đó hú hồn tôi thi đậu tú tài chưa kịp leo lên võng về làng báo tin mừng thì Phan sau mấy tháng xa mặt cách lòng hát bản tình xa .Tôi chưa kịp vui thì cõi lòng đã nặng trĩu nỗi buồn. Mỗi một người, mỗi một ngày đều đứng trước nhiều sự lựa chọn khác nhau . Nếu không biết bỏ đi những thứ yếu để nhanh tay lẹ chân chụp giựt riêng mình những thứ cần thiết thì sẽ vĩnh viễn thất bại . May mắn không đến với đời người hai lần nhất là may mắn của tình yêu, mà tình yêu thì khó mà chơi màn chụp giựt cho nên tôi đành thất bại. Tôi đã thất bại vì hồn quá còn non nớt không dự trù sẽ ra sao nếu có một ngày bỗng nhiên Phan biến mất khỏi đời mình . Tôi đi tìm Phan để hỏi xem như để giải tỏa một ấm ức, nhưng Phan trốn biệt. Đến nước này thì đã rõ ràng, tôi là thằng bị bồ đá.


Khi những thứ còn trong tầm tay thì mình không biết quí, đến khi nó mất đi thì mới thấy cần thiết, cái chân lý cũ mèm bất cứ ai học i tờ trong bài vỡ lòng của tình yêu cũng đều biết được vậy mà tôi lại vấp té thiệt đúng là vô duyên. Trong nỗi buồn sâu thẳm tôi ngửi được mùi tóc mùi hương con gái phảng phất đâu đây. Tôi ôm khoảng không khí trống rỗng trước mặt vẫn có cảm giác đang ôm Phan với hơi ấm da thịt ngọt ngào còn sót lại. Tôi vừa kịp trưởng thành để có thể chính chắn nói chuyện tương lai thì tôi không còn gì nữa hết .Tôi đau khổ tựa chừng bị ai đâm cho nhiều nhát dao . Đường đời có trăm vạn hướng đi, tôi không biết phải đi theo đường nào, cuối cùng tôi chọn con đường vào lính . Chỉ có vào lính ký thác đời mình cho sương gió thì mới có thể rời xa Ninh Hoà với mối tình học trò không còn muốn nhớ . Không có sự đau buồn khi phải chia tay thì làm sao hiểu được niềm vui khi sum họp , nhưng tôi thì không còn hy vọng có một ngày được gặp lại Phan . Tôi ra đi bỏ lại Ninh Hoà với bờ sông Dinh đỏ thấm giọt máu đầu đời với lòng ấm ức là Phan chia tay không một lời giải thích, thậm chí không nói một câu giã từ.


Thế rồi biến cố tháng 4/75 ập đến . Tôi bị phe thắng trận bắt đi ở tù . Năm 1985 sau khi được thả ra vì đói quá tôi đi buôn lậu cà phê từ Ninh Hoà vào Sài Gòn . Mỗi chuyến đi buôn chừng 5 ký cà phê nếu trót lọt tiền lời chỉ vừa đủ mua vài ký gạo nhưng bầm dập trầy trụa bao phen . Trời xui đất khiến sao đó tôi gặp lại Phan trên đường Phan Thanh Giản . Phan cũng xơ xác te tua vì chạy chợ trời kiếm tiền nuôi chồng đang bị ở tù ngoài Bắc chưa về . Chồng của Phan cấp bậc thiếu tá xuất thân từ Thủ Đức khoá đàn anh của tôi . Hai chúng tôi nhìn nhau ngậm ngùi . Mọi oán trách của thuở đầu đời không còn nữa thay vào đó là một thứ tình cảm khoan dung phủ trùm lên thứ tình yêu trai gái . Chồng của Phan và tôi là những kê thất thế bị thời cuộc đẩy vào cùng khốn . Chúng tôi là những quân nhân cùng màu cờ sắc áo là chiến hữu với nhau . Tôi và Phan ngồi bên nhau như hai người bạn tri âm tri kỷ kể về một con sông chảy qua thị trấn nơi chúng tôi lớn lên . Đồng thời cũng gặp đám bạn Tàu ngày xưa cũng thua trận vừa mới ra tù . Tụi tôi kể cho Phan nghe lúc phe ta đang đánh nhau chí choé ngon lành bỗng có Phan xuất hiện nên chiến tranh chấm dứt ngang xương . Phan rơi nước mắt khi nghe chúng tôi nhắc chuyện cũ . Chúng tôi cũng cười khi mấy thằng gốc Tàu nhắc đến Tàu thì tụi nó còn ghét Tàu hơn cả tôi . Thấy thương tất cả chúng tôi những người chiến bại của một đất nước khốn khổ . Chúng tôi là những chứng nhân của lịch sử từ chết tới bị thương


Giờ đây tôi không còn bơi trên dòng sông Dinh của thị trấn Ninh Hoà bé nhỏ hiền hoà nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương . Tôi đã trở thành người biệt xứ . Những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục thì cây cầu hiền lành kia vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ . Bên này cầu là bờ dĩ vãng bên kia cầu là bến tương lai . Trong chiêm bao tôi thấy mình đang khập khễnh bước lên . Ngày xưa lúc còn đi học thầy dạy té ngã từ chổ nào thì nên đứng dậy từ chổ đó, nhưng từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà . Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một gã thất thập cổ lai hy

Mảnh đất hồn em, tôi cất chòi ở lậu

Bị bắt quả tang nên tống cổ ra ngoài


Quan Dương

* Hình Cầu Causeway dài 40 cây số là chiếc cầu bắc qua biển dài nhất thế giới hiện nay.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/May/2024 lúc 7:45am

Hoàng Hôn Trên Biển Vắng

Những%20điểm%20ngắm%20hoàng%20hôn%20tuyệt%20đẹp%20trên%20đảo%20Phú%20Quốc%20-%20Ảnh%201

Quán ẩn mình dưới bóng mát của một hàng dương trên một mảnh đất gần con đường  xuyên Viêt, nơi du khách thường dừng lại nghỉ ngơi đón gió biển vì từ đó về tới Sài Gòn cũng còn mất vài giờ lái xe. 


Trước đây quán rất đông khách nhưng từ ngày kinh tế khó khăn xe du lịch qua lại không nhiều, chỉ còn bọn trẻ địa phương thỉnh thoảng ra tắm biển, khi mệt nằm dài trên bãi cát trước quán. Đôi lúc họ cũng vào quán mua vài lon nước ngọt, nhưng hình như họ là sinh viên nên không tiêu xài rộng rãi như những du khách, nhất là du khách Việt kiều. Những buổi chiều vắng lặng bà chủ quán chỉ biết buồn buồn thở dài, và cô tiếp viên cũng buồn không kém, hết đứng lại ngồi, phủi bụi bàn ghế ngoài mái hiên, mặc dù chúng vẫn sạch sẽ vì mới được lau chùi.

Ông ta thường tới vào những lúc hoàng hôn, ngồi tại cái bàn ngoài cùng gần bãi cát và chỉ gọi độc nhất một món cà phê sữa. Ông ta ngồi đó nhìn ra biển, trầm lặng đến u buồn, và hầu như không biết đến người xung quanh. Ly cà phê nhiều khi còn nguyên vẹn khi ông ta đứng lên ra về.

Khi ông ta tới lần đầu tiên Liễu tường ông ta cũng chỉ là một du khách như mọi người. Ông ta đi chậm chạp, tay cầm cây gậy ngắn vì đã có tuổi. Thế nhưng khi ông ta trở lại nhiều lần sau đó thì Liễu biết rằng ông ta chỉ là một người khách địa phương. Kể ra cũng lạ, chỗ này hẻo lánh, không có mấy khách sang trọng như ông ta. Chiếc Toyota đen bóng đậu lại bên đường, người tài xế nhanh nhẹn mở cửa xe đỡ ông ta xuống, cúi đầu khi ông ta nhỏ nhẹ cám ơn, và yên lặng đứng nhìn ông ta ngồi hẳn xuống ghế rồi mới đem xe đi đậu ở một chỗ nào đó, một vài giờ sau mới trở lại đón ông ta về.


Ông ta trở thành thân quen đến độ thấy ông ta là Liễu tự động pha cà phê mang ra, không cần ông ta gọi, và lần nào cũng thế, ông ta chỉ nhỏ nhẹ cám ơn. Ông ta ngồi lâu hơn bất cứ người khách nào nhưng bà chủ cũng như Liễu không bao giờ phiền lòng vì quán vắng, và khi đứng lên ông ta luôn luôn để lại một món tiền cho Liễu, đôi khi nhiều hơn cả giá của ly cà phê.

Một lần thấy ông ta khó khăn cúi lượm cây gậy rơi dưới đất, Liệu chạy lại nhặt dùm, và đỡ ông ta ngồi ngay ngắn lại trên ghế. Ông ta mỉm cười:

- Cám ơn cô nhé. Có tuổi rồi nên làm cái gì cũng khó khăn.

Liễu vội vàng:

- Dạ, không có chi.

Được dịp, Liễu hỏi thăm người khách quen nhưng vẫn còn rất xa lạ:

- Bác ở gần đây?

Ông ta gật đầu:

- Cũng gần, ngay ngoại ô Phan Rang đây thôi.

Lần đầu tiên nghe ông khách nói nhiều, Liễu ngạc nhiên nhận ra giọng nói của ông ta không phải là của người điạ phương:

- Quê bác chắc không phải ở vùng này?

Ông ta ngước mắt nhìn Liễu mỉm cười, một tay vẫn vịn đầu gậy, một tay chìa ra chỉ chiếc ghế trống:

- Nếu cô không bận, mời cô ngồi.

Liễu cám ơn và rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nụ cười của ông ta thật hiền từ, nhưng giọng nói thoáng buồn:

- Quê tôi tuốt ngoài Bắc Ninh. Về thăm một lần đã khá lâu. Chắc là tôi chẳng bao giờ trở lại.

Liễu gật đầu:

- Cháu cũng đoán bác là người Bắc. Chắc bác vô đây sau ngày “giải phóng”?

Ông ta lắc đầu, nụ cười buồn trên môi:

- Không. Tôi là “bắc kỳ 54”, gia đình tôi di cư vào Nam khi tôi còn bé tí!

- Ồ! Thế ra bác lập nghiệp ở đây hả? Cháu ít thấy người Bắc ở vùng này, bây giờ gia đình bác ra sao?

Liễu nghĩ tới chiếc xe hơi mới tinh, tới người tài xế lễ phép, và đoán là nếu ông ta không phải là một thứ “đại gia” thì cũng là một cán bộ cao cấp vừa hồi hưu, tuy nhiên Liễu ngạc nhiên không hiểu là vùng đất khô cằn này có gì cho ông ta lưu luyến.

Đưa mắt nhìn ra khơi, đôi mắt tinh anh sâu thẳm nhưng lúc nào cũng thoáng buồn, ông ta nhỏ nhẹ:

- Chỉ có mình tôi ở đây.

- Sao bác lại chọn chỗ này? Sài Gòn hay Hà Nội có phải vui hơn không.

Bất chợt ông ta hỏi:

- Cô biết bãi biển Ninh Chữ không?

- Dạ, cháu biết.

Giọng của ông ta trầm xuống hầu như đang nhớ tới cái gì rất xa xôi:

- Ngày xưa thời VNCH có một duyên đoàn của Hải Quân đóng ở đó. Tôi là lính duyên đoàn, mấy năm rồi mới đổi xuống tàu đi biển.

Liễu thở ra:

- Vậy là cháu hiểu rồi. Bác về đây sống vì những kỷ niệm cũ.

Ông ta bật cười:

- Nghe cô nói như là đang đọc một truyện tình.

Liễu cũng cười, chống chế:

- Hồi học cấp ba cháu cũng giỏi văn lắm. Chỉ tiếc là không có điều kiện theo học đại học. Mà thôi, bác nói tiếp đi. Cháu nói vậy có đúng không?

- Cũng đúng một phần. Tôi quả có một mối tình ở nơi này, về đây vì tôi cũng còn rất yêu biển, và cần khí hậu ấm áp để dưỡng bệnh.

Liễu ái ngại:

- Bác bệnh gì vậy? Trông bác quả có hơi yếu.

- Nhiều thứ lắm. Áp huyết cao, phong thấp, mới đây lại bị “stroke”, may mắn không chết, dù đã gần khỏi nhưng đi đứng vẫn còn khó khăn. Ở bên Mỹ các con tôi đều bận rộn với gia đình riêng nên tôivề bên nàyđể chữa trị.

- À, bác là Việt kiều, thảo nào…

Liễu ngập ngừng không nói tiếp. Ông ta cũng không nói gì thêm, mắt vẫn nhìn xa vắng. Đúng lúc đó người tài xế trở lại. Anh ta cũng đã khá nhiều tuổi, người thấp bé  nhưng còn rất tráng kiện, lúc nào cũng như cái bóng, yên lặng đứng sau lưng ông ta đợi chờ. Ông ta vịn vào cạnh bàn đứng lên:

- Cám ơn cô nhiều lắm. Nghe bà chủ gọi cô là cô Liễu, phải không?

Liễu cũng đứng lên:

- Dạ. Cháu chào bác. Lần tới bác nói chuyện bên Mỹ cho cháu nghe nhé. Chắc là vui lắm.

- Ở đâu cũng có những chuyện vui buồn. Thôi, chào cô nhé.

Người tài xế đỡ nhẹ cánh tay để ông ta đứng vững, nhưng rồi lùi lại phía sau, để mặc ông ta chậm chạp bước vì hình như ông ta quyết tâm, không muốn ai phải nâng đỡ mình. Liễu nhìn theo bóng dáng ông ta cho đến khi người tài xế mở cửa xe đỡ ông ta lên mới tần ngần xếp lại ghế ngồi, và mang đổ ly cà phê còn gần như nguyên vẹn.


******

Khi người khách trở lại lần sau đó, Liễu rụt rẻ hỏi thăm và được biết tên ông ta là Nguyễn. Vẫn đôi mắt nhìn xa xôi nhưng ông Nguyễn đã bớt lạnh lùng, mời Liễu ngồi và thân mật nói chuyện đời với Liễu như thể là đã quen biết từ lâu.

“Hồi đó tôi còn trẻ lắm,mới hơn 20 tuổi! Người ta cứ nói lính Hải Quân đa tình bay bướm, nhưng tôi chỉ yêu một mình cô ấy, và đến tuổi này nghĩ lại những ngày hoa bướm đó tôi vẫn cảm thấy êm đềm. Cô ấy là nữ sinh, thỉnh thoảng mặc áo dài trắng đến thăm tôi tại đơn vị vì tôi ít khi được ra ngoài. 

Lúc đó làm gì có cell phone cho chúng tôi hẹn hò, chiều chiều nếu không bận công vụ tôi đứng bên hàng rào doanh trại, lóng ngóng đợi chờ. Hôm nào thấy bóng cô ấy tôi vui như chưa bao giờ vui thế. Gặp nhau cũng chỉ để ngồi với nhau trong câu lạc bộ, thủ thỉ chuyện trò cho đến khi hoàng hôn xuống là cô ấy phải ra về.

Ngày tôi phải đổi xuống tàu biển, tôi cuống quít cầu hôn với cô ấy, và may mà được gia đình cô ấy bằng lòng. Mẹ cô ấy vẫn ngại đời lính tráng, và chiến tranh lúc đó đang khốc liệt, nhưng cũng đành để tôi mang cô ấy về Sài Gòn sống với gia đình tôi, trong lúc tôi đi biển, lâu lâu mới được về thăm nhà một lần.


ThángTư năm1975 tàu tôi được biệt phái ra Phan Rang ngăn chặn bước tiến của Bắc quân. Pháo từ xe tăng trên bờ bắn ra trúng đài chỉ huy, một mảnh đạn nhỏ văng trúng đầu tôi, đi vào óc, và vẫn còn nằm trong đó đến bây giờ. Tôi chỉ bị thương nhẹ nhưng mảnh đạn oan nghiệt đó không thể lấy ra vì giải phẫu óc rất nguy hiểm. Lâu lâu tôi vẫn có những cơn đau buốt tưởng như không chịu được nhưng trông tôi vẫn bình thường, và tôi vẫn làm việc như thể là chưa bao giờ bị thương.

Cũng may mắn là dù bị bắn, tàu tôi cũng giải cứu được một đơn vị bộ binh, đưa họ về Sài Gòn, và tôi kịp đón gia đinh di tản vào cuối tháng Tư. Lúc đó chúng tôi đã có đứa con trai đầu lòng mới sinh được vài tháng. Cha mẹ tôi không chịu đi theo chúng tôi vì cứ sợ qua Mỹ không biết làm gì để nuôi nhau!

10 năm sau tôi mới đón được bố mẹ sang, sau khi tôi đã tốt nghiệp một trường cao đẳng chuyên nghiệp, và đi làm cho Cisco, một hãng hi-tech tại thành phố San Jose, California. Tôi may mắn gia nhập công ty từ thuở ban đầu,công ty lớn mạnh và cũng như bao nhiêu nhân viên khác, tôi được tưởng thưởng một số cổ phần, trở nên sung túc, và sớm thành một triệu phú ở nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi cũng có thêm hai cháu gái, và cả ba cháu bây giờ đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng và đều có một cuộc sống trung lưu khá vững vàng. Thế nhưng trời cho cái này thì lấy đi cái khác cô Liễu à. Cơn đau trong óc càng ngày càng mãnh liệt và xảy ra thường xuyên hơn. Những lúc như vậy tôi chỉ muốn chết. Nhà tôi thương tôi nhưng cũng không biết làm gì hơn là ngồi trước bàn thờ, đọc kinh cứu khổ cứu nạn, mong Phật Bà Quan Thế Âm thương xót tôi mà xoa dịu bớt cơn đau. Có nhiều hôm tôi thiếp đi, khi tỉnh dậy vẫn thấy nhà tôi ngồi im lìm cúi đầu, hai tay chắp trước ngực, cầu nguyện cho tôi suốt đêm thâu.


Tôi bỏ việc làm, và nhà tôi cũng vậy, để ở nhà chăm sóc tôi. Tôi được bệnh viện Stanford cho thử nghiệm một thứ thuốc mà họ mới phát minh nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao. Tôi tình nguyện vì nghĩ rằng ít ra cũng có chút hy vọng dù không rõ hậu quả của thuốc có gì tai hại hay không. Thuốc làm tôi hết đau nhưng chỉ được vài giờ, và tôi phải uống vài lần mỗi ngày. Mỗi lần uống xong tôi muốn như mê đi, nhưng dù sao cũng giúp tôi sinh hoạt gần như bình thường. Nhà tôi vẫn cầu nguyện, nhưng không còn phải thức suốt đêm như xưa, cho đến một ngày…

Cơn đột quỵ đến bất thình lình, không biết có phải vì hậu quả của thuốc hay không, tôi ngã gục ngay lúc sáng sớm, khi vừa ra khỏi giường. May mà nhà tôi gọi được xe cấp cứu, đưa tôi vào bệnh viện điều trị nên tôi sống sót, nhưng cũng phải tập luyện cả năm mới đi lại được như bây giờ. Sau cơn bạo bệnh đó tôi thấy cái chết như gần kề, tôi bỗng nhớ quê hương, nhớ đường biển xưa, nhớ nơi tôi đã có một mối tình vĩnh cửu, nên tìm về chỗ này. Người già sống với dĩ vãng cô ạ. Cô thấy tôi thường ra đây ngắm biển, vì lúc nào tôi cũng tưởng nhớ đến những ngày tháng êm đềm năm xưa.”

Liễu ngắt lời ông Nguyễn:

- Bác gái đâu, có về VN với bác không?

Ông Nguyễn lắc đầu:

- Không. Nhà tôi ở lại bên đó trông nom đứa cháu ngoại mới sanh vì con gái út của tôi không được khoẻ.

- Ồ, thế thì ai chăm sóc bác ở bên này?

- Có đứa cháu gái bên vợ, và anh Hiệp, người lái xe cho tôi.

Ngừng lại một phút, ông Nguyễn thở dài nói tiếp:

- Tôi cũng đã bình phục gần như xưa, dù chậm chạp nhưng có thể tự chăm sóc vệ sinh cho chính mình. Khi tôi đòi về VN sống, nhà tôi cũng băn khoăn lắm nhưng nhờ có tài chính đầy đủ và lương hưu, nên chúng tôi xoay sở cũng dễ dàng. Vài tháng tôi lại qua Mỹ một lần, thăm con cháu và khám bệnh lại cho nhà tôi yên tâm.

- Bác vẫn còn uống thuốc giảm đau mà bệnh viện đang thí nghiệm?

Ông Nguyễn gật đầu:

- Biết làm sao bây giờ. Không có thuốc tôi như người chết dở. Được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi.


******

Ông Nguyễn trở thành người bạn vong niên của Liễu. Thoáng thấy bóng chiếc xe hơi là cô vội vã chạy ra, phụ với anh Hiệp mở cửa xe cho ông, và mỗi lần ông ra về, cô theo ra tận xe, quyến luyến đứng nhìn cho đến khi chiếc Toyota khuất bóng. Chiếc bàn nơi ông Nguyễn ngồi lúc nào cũng sạch bóng, và cô muốn dành riêng cho ông, không bao giờ đưa khách lạ tới đó. Ông Nguyễn vẫn tới đó rất đều đặn, vẫn xa vắng nhìn ra biển khơi, thỉnh thoảng nói với Liễu về những bến bờ xa lạ mà ông ta đã có dịp ghé qua hơn một lần. 

Ông cũng cho Liễu xem tấm hình đứa cháu gái lên 10 đang ngồi chơi Piano. Liễu hỏi con bé có biết nói tiếng Việt không, ông lắc đầu, cười tủm tỉm:

- Nó chỉ nói được ba tiếng: “Ông”, “Bà” và... “Phở”.

Liễu bật cười, và ông Nguyễn cũng cười.

Cứ như thế, ngày nào Liễu cũng chờ ông khi trời vừa tắt nắng. Thế nhưng hơn tuần nay không thấy ông Nguyễn tới. Liễu băn khoăn nhưng đoán là trái gió trở trời, ông ta đau ốm nên nằm nhà. Mỗi lần nghe tiếng xe hơi ngoài xa lộ là Liễu đưa mắt nhìn. Những chiếc xe vụt qua như bóng thời gian, hơn tháng trời, mới lại thấy chiếc xe Toyota đen bóng. Không đợi cho xe ngừng hẳn, Liễu chạy vụt ra nhưng rồi chợt thấy hụt hẫng vì chỉ có chú Hiệp lái xe, không thấy ông Nguyễn ở băng sau, chỗ ông thường ngồi.

Hiệp mất hẳn vẻ nhanh nhẹn thường ngày, chập chạp ra khỏi xe, cúi đầu khi gặp ánh mắt dò hỏi của Liễu. Chừng như lâu lắm chú mới khẽ thở dài:

- Ông cụ về Mỹ rồi.

Liễu hỏi tới:

- Rồi bao giờ trở lại?

Hiệp lắc đầu:

- Không trở lại nữa đâu... ông cụ mất rồi.

Liễu thảng thốt đưa tay che miệng:

- Trời!

Hiệp buồn bã:

- Hơn tháng trước bỗng dưng những cơn đau càng ngày càng dồn dập. Thuốc uống hầu như liên tục, cuối cùng ông cụ quyết định trở về Mỹ để giải phẫu. Bà cụ đã ngăn cản ông cụ nhiều năm vì sợ nguy hiểm, nhưng cuối cùng cũng đành. Giải phẫu xong ông cụ đi vào hôn mê, và vài ngày sau thì mất.

Liễu đứng thẫn thờ trong lúc Hiệp cố ngăn niềm xúc động, nói như thì thầm:

- Ông cụ tốt với tôi lắm, thường cho tôi tiền để tôi gửi về Bắc tặng mẹ tôi. Nguyên tôi là bộ đội phục viên, nghèo không nuôi nổi thân, lang bạt đến tận nơi này, may được người nhà ông cụ mướn lái xe. Ông cụ coi tôi như người nhà, kể chuyện đời mình, tôi cũng chẳng giấu ông cụ, nói cho ông cụ biết là tháng Tư năm 75 tôi là người lái xe tăng tiến quân qua vùng này. Tăng của chúng tôi bắn vào chiếc chiến hạm của VNCH đang ủi bãi vớt người, và có thể tôi là người đã gây ra mảnh đạn oan nghiệt đó trong đầu ông cụ. Tôi thật là ân hận.

Nghe tôi nói thế ông cụ chỉ cười, vỗ vai tôi: “Đâu có phải lỗi tại chú. Chúng mình đều là chiến binh... Chiến tranh ngày đó đã qua rồi.”

Hiệp dụi mắt, móc trong túi quần đưa cho Liễu một phong bì dầy:

- Ông cụ để lại di chúc, tặng tôi chiếc xe này để tôi chạy taxi, làm kế sinh nhai. Ông cụ cũng nhờ tôi đưa tặng cô ít tiền, để cô đi học đại học, và cám ơn cô đã bầu bạn với ông cụ những ngày qua.

Liễu đưa tay nhận chiếc phong bì, lòng nặng trĩu u buồn:

- Cám ơn chú. Gia đình có đưa ông cụ về an táng tại VN không chú?

Hiệp lắc đầu:

- Nói chuyện điện thoại với gia đình bên đó tôi mới được biết là ông cụ đã được hỏa táng, tro rắc ngoài biển… Thôi thế cũng là xong.

- Có liên lạc qua bên đó chú cho Liễu gửi lời phân ưu tới bà cụ, và xin cám ơn tấm lòng rộng lượng của ông cụ cùng gia đình.

- Vâng. Thế nào tôi cũng sẽ chuyển lời. Bây giờ tôi về nhé. À, còn một ít sách vở của ông cụ, tôi biết là ông cụ rất muốn để lại cho cô. Tôi sẽ mang ra đây để cô giữ làm kỷ niệm.

- Cám ơn chú.

Hiệp gật đầu chào, lủi thủi chui vào xe. Khi xe đã lăn bánh và mất hút trên xa lộ Liễu mới buồn bã đi tới cái bàn và ngồi xuống cái ghế ông Nguyễn thường ngồi. Cô đưa mắt nhìn ra biển và nói như thể là ông Nguyễn đang ngồi bên:

- Cuối cùng thì bác cũng về với biển, nơi chốn bác yêu thương.

Liễu mở chiếc phong bì. Xấp tiền có lẽ thừa cho cô theo đuổi mộng văn chương ở đại học như cô từng ước mơ, thế nhưng cô không thấy vui. Cô cúi mặt, và một giọt nước mắt ứa ra, đọng nơi khoé mắt cùng với tiếng thở dài.

 

Trần Quang Thiệu



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/May/2024 lúc 8:28am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/May/2024 lúc 3:14pm


DẠO VỀ QUÁ KHỨ.

     Hai Hùng SG

Mấy bữa rày khí trời oi bức, phần thì mình mẫy bị rêm mấy năm nay, phần thì lu bu công việc nên tui ít có dịp đi "Ta bà" trong xóm, sẵn hôm nay có cơn mưa khá nặng hạt, nó đã đẩy lùi cái nóng hàng ngày khiến tui hứng chí cuốc bộ một vòng trong xóm để nhớ về những ngày xưa của mình.
                 *
  Vừa bước khỏi cổng nhà tui ngó ra đầu hẻm, trong tâm trí tui lại quay về thập niên sáu mươi, vì bên phải hẻm nhà tui ở hiện nay, ngày xưa là tiệm cà phê "Cây Điệp", tiệm này do ông bà Tư làm chủ, ông Tư có tài pha cà phê vợt ngon số dách, tui còn nhờ hồi đó cứ trời vừa hừng sáng là tui đã thấy ông già tía mình lọ mọ thức dậy để đi uống cà phê ở tiệm ông bà Tư, có hôm tui kèo nài tía tui:

- Ba cho con đi uống cà phê với, con nghe nói cà phê thơm ngon lắm đó.

 Ba tui rầy liền:

-Thôi đi bây, con nít con nôi mà uống cái giống gì, uống vô lỡ ghiền thì mắc công lắm.

 Tui đâu dễ chịu thua, tui giậm chân ỏng ẹo rồi kèo nài tiếp:

 - Ba cho con uống đi, chứ sao Bác Tư Chuông cho thằng Lạc Lớn uống cà phê hà rầm có sao đâu.

 Biết có cự tuyệt với thằng con cũng khó, hơn nữa tui đã chứng minh bạn tui, thằng Lạc Lớn nó uống được thì tui uống được, nên tía tui chắc lưỡi rồi nói:

-Thôi được, ba cho bây đi nhưng không được đòi đi mỗi ngày nghe chưa, ghiền là chết luôn đó biết không?

 Dĩ nhiên tui gật đầu một cái rụp, vậy là tui được  theo tía đến tiệm cà phê của ông bà Tư là như vậy đó.

 Lần đầu ngồi trong tiệm cà phê tui hồi hộp lắm, vì toàn chú bác cô dì lớn tuổi trong xóm có mặt nơi này, họ vừa uống cà phê vừa nói chuyện với nhau, uống cà phê cũng có nhóm, mấy bà thì ngồi chung cái bàn tròn, bên cạnh là bàn của mấy người chạy xích lô hoặc xe Lam ba bánh, thỉnh thoảng có một vài ông đánh xe ngựa ở đâu đó ghé lại đậu sát hàng rào phía bên kia đường, rồi vô tiệm ráp với mấy ông tài xế kia, tui thấy nào là chú Hai Hữu, Chú Hai (Ba Tàu) ba của thằng Tàu Móm là dân xích lô máy, còn chạy xe Lam tui thấy ông Tám Sanh, chú Hai Lợi, còn vài ba người nữa mà tui chẳng nhớ tên, phía bàn dân "Thầy chú" thì có Ông Bê Thiếu tá, chú Kỳ, tía tui, bác Tư Chuông, Đại úy Bình, ông Năm Vàng.

 Còn dân thợ thuyền thì có ông Tư "Đờ mi", chú Năm Hải, chú Ba Thợ mộc.

 Tui kể ra các thành phần như vậy, không phải họ cố tình phân biệt, nhưng họ ngồi  như vậy mọi người nói chuyện với nhau mới hợp "rơ".

 Ông Tư cà Phê thấy lần đầu tiên tui tới đây, ông bèn chọc ghẹo:

 -Cha chả, nay anh Năm (Tía tui) dẫn "Anh nhỏ" này uống cà phê hả, biết uống hông "ông", thôi để tui pha bạc xỉu cho dễ uống, mơi mốt từ từ hãy uống cà phê sữa, lần đầu uống cà phê đậm nó ép tim lắm đó đa.

 Nghe ông Tư nói vậy, ba tui gật đầu ra hiệu cho ông Tư làm theo lời ông mới nói.

 Ly bạc xỉu được đem ra,  tui lấy muỗng khuấy cho đều rồi bưng ly kê miệng hớp, cái vị bạc xỉu nó ngon vô cùng, tía tui lấy cái "Giò cháo quảy" đưa cho tui rồi ông nói:

 -Bây chấm vô bạc xỉu ăn thử coi, ngon lắm đó nghe.

 Tui làm theo lời tía, phải nói nó ngon tận mạng, vì cái béo của bánh "Giò cháo quảy" nó cộng với hương vị bạc xỉu vừa thấm vô đầu lưỡi tui thấy ngon quá chừng, thấy bộ dạng tui ăn ngon lành khiến ba tui vui lòng.

 Vừa ăn vừa liếc qua bàn của mấy bà mấy cô, tui thấy có người đỗ cà phê ra cái dĩa nhỏ rồi kê lên miệng hút nghe rồn rột, tui thắc mắc liền hỏi ông già tía mình,  được ông cho biết :

 -Cà phê còn nóng bưng cái ly uống có khi bị phỏng miệng, nên họ đỗ ra cái dĩa cho nó nguội lẹ một chút rồi uống cho dễ đó mà.

  (Thì ra là vậy, sau này khi đi vô mấy tiệm nước của người Hoa trên chợ Gò vấp, tui thấy họ cũng uống cà phê kiểu như vậy, có lẽ vì mắc công chuyện gấp gáp nên họ uống kiểu đó cho kịp thời gian để đi mần việc.)

  Ngồi một lúc tui nghe Thiếu tá Bê lên tiếng:

  - Nghe nói ấp mình lập cái trạm gác cho Thanh niên Cộng Hòa chỗ hàng rào Tầm vong nhà ông Hai Biểu phải không anh Năm.

  Ông già Tía tui vốn chơi thân với mấy ông làng xã, nên khi nghe Thiếu tá Bê hỏi thì tía tui nói:

  - Tui cũng nghe mấy anh trên ấp Chí Linh nói lập một vài chỗ để canh phòng, lóng rày hỏa hoạn tứ tung nên cắt cử gác để đề phòng đó mà. Vậy ngoài Cần giờ chỗ Thiếu tá có tổ chức canh gác gì không?

 Ông Bê chậm rãi nói:

 - Chi khu tụi tui cũng đang cho mấy làng xã tổ chức canh gác vậy đó..

  Câu chuyện chưa tới đâu thì ông Hai Biểu từ bên ngoài bước vô tiệm,ông lên tiếng chào mọi người rồi kéo cái ghế đẩu sề xuống ngồi kế bên ông già tía tui, thấy tui ngồi kế bên, ông Hai Biểu lấy tay vuốt đầu tui rồi ông lên tiếng:

 - Trên ấp mấy anh có ghé gặp tui rồi, tui sẽ đốn bớt một vài bụi tầm vong rồi cất cái chòi nho nhỏ cho mấy anh em gác đêm có chỗ tránh sương tránh gió...

  Thấy bàn bên đây bàn chuyện thời sự có phần rôm rả, nên phía bàn mấy bà mấy cô cũng lên tiếng phụ họa, bà Sáu Giày lên tiếng:

 -Chèn ơi tổ chức vậy tốt lắm đó đa, tiếc cái tụi tui đã già khú đế bằng không tui kêu mấy bà phụ gác với mấy ông cho vui.

 Chú Năm Hải ngồi gần đó nghe bà Sáu Giày nói vậy chú cười sằng sặc rồi nói:

 - Chị Sáu nói giỡn chơi (quài), mần gì có vụ cho mấy bà đi gác chung với đám tụi tui, làm (dậy)lỡ đêm hôm hứng bất tử thì ...

 Chú Năm Hải mới nói được nhiêu đó, liền bị ông Tư "Đờ mi" giơ tay bụm miệng lại, ông Tư nói nhỏ:

 - Chú Năm nè, chỗ đám đông nói huỵch toẹt thì ky cục lắm đó...

  Mấy bà mấy cô cũng đoán được chú Năm Hải dự định nói cái gì, mặc dầu bị ông Tư Đờ Mi bụm miệng nên các bà cùng cười muốn xập cái tiệm cà phê...

  Tiệm cà phê của ông bà Tư là vậy đó, vừa là nơi để mỗi sáng mọi người trong xóm xúm xít lại với nhau để vừa cà phê cà pháo vừa thăm hỏi nhau hàng ngày. 

 Các món ăn trong tiệm của bà Tư tui thích nhất là món bánh mỳ hấp ăn với bì, cuốn chút rau sống , mỡ hành, rồi chấm vô chén nước mắm chua ngọt, nhớ lại món này đến giờ tui vẫn còn chảy nước miếng, vì lâu lắm rồi chưa được ăn lại món này, món cơm Tấm ông bà Tư bán cũng rất ngon, tui thích nhất là dĩa cơm sườn bì chả, cái mùi thơm đặt biệt của dĩa cơm ngày xưa  ông bà Tư bán, cho tận đến bây giờ tui chưa bao giờ được thưởng thức lại cái hương vị đó khi ăn cơm tấm ở nơi nào, tiếc rằng ông bà Tư đã xa rời nhân thế, họ mang theo công thức riêng của mình xuống Tuyền đài coi như thất truyền từ đó...

 Mấy chục năm trôi qua như "Bóng Câu cửa sổ", những ông bà cô chú tui kể tên phía trên họ không còn hiện diện trên cõi đời này, nhưng trong tâm trí tui lúc nào cũng còn nhớ như in khuôn mặt của họ.

                *
 Rồi đây đến một ngày nào đó , lứa của tụi tui như thằng Lạc Lớn bạn tui cũng trở thành quá khứ, nhưng liệu đám hậu thế có còn nhớ đến tụi tui như tui đã nhớ đến các ông bà cô chú ngày xưa không.

  Thời thế thay đổi con người ngày càng tiến bộ, có thể các em cháu sau này nó sẽ hướng đến tương lai nhiều hơn thay vì dạo về quá khư như tui hiện tại.

  Ngẫm nghĩ lại thấy buồn buồn lắm thay...
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Jun/2024 lúc 11:54am

10 bài học dành cho bố


 

Làm cha không hề dễ. Không hề có “hướng dẫn làm cha” nào kèm theo khi bạn chính thức lên chức bố, bạn chỉ có thể tìm hiểu qua cuộc sống hàng ngày cùng con.


chacon%201Ảnh: Gloredel.Deviantart.

Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo 10 bài học quan trọng mà mỗi người cha cần thấu hiểu trong suốt hành trình nuôi dạy con của mình.

1. Yêu con vô điều kiện

Tình phụ tử không nên đi kèm với một phép thử. Không phải lúc nào bạn cũng có thể thích những gì con bạn làm hay những lời con nói. Bạn có thể ghét một số hành động của con mình nhưng bạn vẫn yêu thương bé, đó là điều không phải bàn cãi. Hãy chắc chắn rằng bé biết mình không bao giờ đánh mất tình yêu của bố. Mỗi ngày bạn nên nói với bé, bạn yêu bé biết bao.

2. Dạy bé qua các ví dụ cụ thể

Trẻ em dễ xem những gì bạn làm hơn là nghe những gì bạn nói. Nếu bạn muốn bé thực sự để tâm đến những bài học cuộc sống của mình, không chỉ nói mà hãy cho bé thấy những ví dụ cụ thể.

3. Không nói dối con

Hãy trung thực với con cái của bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chia sẻ tất cả mọi chi tiết trong cuộc sống với bé, hoặc nói với bé tất cả những tham vọng, những nỗi sợ hãi hay những thất vọng của bạn. Nên nhớ, bé chỉ là con của bạn, không phải là vợ và cũng không phải là cha xứ rửa tội của bạn. Chỉ cần tất cả những gì bạn nói với con là đúng sự thật.

4. Không đòi hỏi sự hoàn hảo

Trẻ em cũng giống như tất cả mọi người, đều mắc sai lầm. Con của bạn cũng không phải là ngoại lệ. Một trong những cách hữu hiệu mà bé có thể học để trở thành một đứa trẻ tốt hơn và sau này trở thành một người lớn tuyệt vời là học qua những trải nghiệm của chính bé và thử lại những bài học ấy. Hãy tha thứ cho những sai lầm của bé, và sau này bé cũng sẽ biết tha thứ cho bạn.

chacon%2025. Hãy quan tâm đến bé

Hãy dành sự quan tâm cho con của bạn. Nếu bé muốn nói điều gì đó với bạn, bạn không nên lắng nghe chỉ bằng một tai. Có thể bạn rất gần gũi với con cái nhưng bé vẫn không nói cho bố tất cả mọi điều bé nghĩ hay bé cảm thấy. Chỉ bằng cách quan tâm chú ý đến bé, bạn mới nắm bắt được những dấu hiệu mà bạn không bao giờ muốn bỏ lỡ, bạn mới kịp thời có được một cái ôm hay những lời khuyến khích động viên vào lúc bé cần nhất.

6. Hãy là một tấm gương

Dù muốn hay không, bạn chính là hình ảnh người đàn ông mà con trai của bạn muốn giống thế khi trưởng thành và con gái của bạn muốn kết hôn với. Hãy chắc chắn rằng bạn xứng đáng với sự tin tưởng của bé, bé sẽ bước theo dấu chân bạn, hoặc chia sẻ cuộc sống với một người giống như bạn. Hãy chính trực, giữ các lời hứa của mình, tập thể dục và ăn uống đúng cách, tận tâm với những việc mình làm, yêu quý và tôn trọng người bạn đời của mình.

7. Không nhạo báng, sỉ nhục và làm bé phải xấu hổ

Con cái cần sự hỗ trợ chứ không cần những chỉ trích của bạn. Có nhiều vấn đề trong cuộc sống hoặc thời thơ ấu có thể khiến con bạn sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ. Là một người cha, bạn phải có trách nhiệm nâng đỡ bé, để bé phát triển chứ không phải khiến con mình nhụt chí. Đừng bao giờ cố ý chế nhạo, sỉ nhục khiến con bạn xấu hổ, tự ti. Hãy nhớ quy tắc vàng bạn đối xử với ai như thế nào, người đó sẽ đối xử như thế với bạn.

8. Hãy cười, nhảy múa và ca hát

Cuộc sống có thể gây áp lực, khiến bạn mệt mỏi và chán nản nhưng điều đó không thể ngăn cản bạn tận hưởng những khoảnh khắc quý giá bên con. Hãy chỉ ra cho bé thấy bé đã mang lại niềm vui như thế nào cho bạn. Đừng bao giờ để mình bị cuốn theo những mối bận tâm riêng mà bỏ lỡ những cơ hội được cười vui bên con. Hãy nhảy múa và ca hát với con bất cứ khi nào bạn có thể. Nếu bạn đang bị một điều gì chi phối, gây áp lực, mặc kệ nó, hãy cứ vui vẻ và mỉm cười. Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ.

9. Chuẩn bị tinh thần cho rủi ro

Trong khi dạy con cách ăn uống hay chơi bóng, đừng quên dạy bé cách chấp nhận rủi ro. Một trong những phương pháp tốt nhất dạy bé việc chấp nhận rủi ro chính là chia sẻ một vài câu chuyện và kinh nghiệm của chính bạn. Không nên gắn bó với một công việc mà bạn đã chán ghét chỉ vì những đồng lương hàng tháng nếu bạn thực sự đã mong muốn có một công việc kinh doanh riêng. Hãy nắm lấy cuộc sống và thực hiện theo những giấc mơ của bạn. Hãy đi tìm những niềm vui. Và hãy chỉ cho con của bạn biết điều đó.

10. Tôn trọng sự lựa chọn của con

Bạn có thể là một thần tượng với con nhưng điều đó không có nghĩa là bé sẽ làm theo tất cả những gì bạn làm hay thích tất cả những gì bạn thích. Nếu bạn là một fan cuồng nhiệt của thể thao nhưng con trai hay con gái bạn thích đàn dương cầm hơn, hãy tôn trọng bé và học cách hiểu các bản nhạc của Mozart. Mỗi đứa trẻ là duy nhất. Học những gì khiến con bạn trở nên đặc biệt và khác với mọi người cũng chính là một trong những trách nhiệm quan trọng của một người cha.

st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jul/2024 lúc 8:15am

Nơi Sông Về Với Biển


Câu%20cá%20vược%20đỏ%20hay%20còn%20gọi%20là%20cá%20răng%20chó%20ở%20chân%20kè%20đá%20nơi%20sông%20Hồng%20đổ%20ra%20%20biển%20ở%20Thái%20Bình

 
Căn nhà mẹ tôi nằm dọc theo con sông Bình Hòa Phước. Có lẽ người ta lấy tên làng gọi tên cho khúc sông nhỏ chảy xuyên qua cù lao của huyện. Để về Bình Hòa Phước có thể đón đò máy từ Cái Bè hay bến đò từ chợ Vĩnh Long. Thường thì tôi thích đi ngõ Vĩnh Long hơn, vì nếu trễ đò còn có thể đón xe lam qua bắc Cổ Chiên, rồi theo lộ Thầy Cai đi bộ về Bình Hòa Phước. Chớ trễ đò ở Cái Bè là phải bao đò hoặc ngủ qua đêm chờ chuyến đò ngày hôm sau.
Nối liền với sàn nước bên hông nhà mẹ tôi là cây cầu dừa bắt ra mé sông. Mỗi năm vào mùa nước nổi, khoảng sau tết Trung Thu, là mẹ tôi chuẩn bị giăng đám chà để giữ lục bình và cá chạy. Thường thì bà mướn người trong làng cắm hàng loạt những cây bần, cây tràm khô chận quanh, bên trong là những đám lục bình dạt theo dọc bờ. Nên suốt mùa này, bên hông nhà mẹ tôi lúc nào cũng có đám lục bình sinh sống, nhảy bụi đơm bông. Rất nhiều loại cá thích sống, sinh sản dưới những cụm lục bình, nhất là lá mè dinh, cá rô phi, cá linh... trong mùa nước nổi. Đây cũng chính là thời gian lục bình trổ nhiều hoa, rất đẹp. Hoa lục bình màu tim tím nhạt, mọc thành chùm chung quanh chồi hoa vươn lên cao. Nhiều buổi chiều nước lớn, tôi thường ngồi ngẩn ngơ nhìn từng đám hoa lục bình tím nhạt trôi mênh mông trên dòng sông rộng trước nhà. Tôi đã biết mơ mộng, biết bồn chồn... thương nhớ vu vơ từ những buổi chiều đầy hoa tím.

Năm đó tôi học đệ nhất (lớp 12) trường trung học ở Sài Gòn, chuẩn bị thi tú tài hai cuối năm. Bấy giờ trai gái chưa học chung, trường trung học công lập nam và nữ tách riêng, cách nhau cả mấy con đường phố lớn. Nên những buổi sáng đi học hay những buổi chiều tan trường, tôi thường theo đám bạn đạp xe sang trường con gái để nhìn, để lẽo đẽo theo sau và để làm quen. Đám bạn đã có đứa thư tình qua lại, vậy mà tôi chẳng tìm được một “bóng hình” để thương để nhớ. Có lẽ tâm trí tôi không còn khoảng trống nào ngoài những đám lục bình và người con gái phía bên kia bờ sông nhỏ. Lệ, Nguyễn Thị Lệ là tên của chị, vừa dọn về làng mấy tháng nay. Cha tử trận, mẹ chị đem đàn con sáu đứa về quê ngoại ở Bình Hòa Phước sinh sống. Chị là con gái lớn hơn tôi ba tuổi, làm thư ký cho hội đồng hành chánh xã. Lần đầu tiên gặp chị Lệ, tôi lúng túng trước dáng dấp thướt tha, khuôn mặt thanh tú và nụ cười thật đẹp. Chừng như đôi mắt chị lúc nào cũng ươm ướt, long lanh nên tên chị là Lệ? Cái tên đẹp mà buồn buồn làm sao. Trước mặt chị, tôi chỉ là một “cậu em” đang tập làm người lớn. Đám thanh niên, công chức, quân nhân trong xã, huyện theo đuổi chị Lệ không đếm hết. Thế là không đợi đến hè mà những cuối tuần, ngày lễ nghỉ học là tôi vội vã ra bến xe đò về thăm nhà không lời giải thích với đám bạn của mình. Làng nhỏ nên quen nhau dễ dàng trên cùng một chuyến đò, tôi về thăm nhà còn chị thì đi chợ tỉnh. Điều làm tôi xúc động, bâng khuâng là mỗi lần gặp và nói chuyện, chị đều xưng tên mà không là chị. “Hôm nào Hoàng ghé qua nhà Lệ chơi nghen”, chị cười cười nói.
 
Nhiều đêm, rất nhiều đêm tôi trằn trọc trong căn nhà trọ nằm thương nhớ hình bóng chị khôn nguôi. Nhớ dáng thon cao của chị Lệ trong chiếc áo dài màu xanh biển nhạt. Mẹ nói con gái cao “lén”, nên tôi thấy chị rất người lớn và cao hơn tôi nhiều. Có lần nghỉ hè chị rủ tôi đi Chợ Lách của huyện. Theo con đường làng dọc bờ sông, chị chợt nắm tay tôi nói: “Hoàng làm con trai sướng thiệt. Không như Lệ là thân con gái, thua thiệt trăm đường”. Ngừng một chút rồi chị khẽ thở dài: “Thân phận con gái giống như những cụm hoa lục bình đó vậy”. Chị đưa tay chỉ những đám lục bình hoa tim tím nhạt, đang trôi mênh mông trên dòng sông phía trước. Lúc đó tôi chưa hiểu chị nói gì nhưng thấy thương chị vô cùng. Bàn tay tôi đang trong bàn tay mềm ấm của chị, trái tim tôi chừng đập nhanh và mạnh đến chị có thể nghe thấy. Tôi muốn mình mãi sẽ không hiểu để được nghe tiếng chị nói, được nghe chị giải thích không thôi. Bỗng chị lắc lắc bàn tay tôi, hỏi: “Hoàng có biết những cụm lục bình này sẽ trôi về đâu hông?”. Bất ngờ, tôi lúng túng, choáng ngột không nói được lời nào. “Nếu không dạt tấp được một bến bờ, những cụm lục bình này sẽ héo chết, nơi sông về với biển”, tiếng chị chầm chậm, nhẹ thênh. “Sao lục bình lại héo chết nơi sông về với biển?” tôi hỏi chỉ để hỏi. “Sông nước ngọt, biển nước mặn. Lục bình chỉ sống trên sông và sẽ héo chết khi trôi về biển mặn, không phải môi trường sống của nó”, giọng chị thoáng buồn. Buổi trưa hôm đó gió sông nhè nhe, thổi hương vài sợi tóc chị bám trên mắt mũi tôi. Chừng như tôi định nói điều gì đó, nhưng lại im lặng bước bâng quơ theo dọc một ngày đường đan trong tay chị.
 
Đêm ở trọ thành phố dài và mênh mông, tôi nghiêng mặt vào bàn tay có hơi hám người.  Lòng rạo rực khi đôi môi màu hồng nhạt của chị thoáng hiện về. Tôi trằn trọc và mong đêm qua mau để ngày sẽ tới. Để tuần lễ học thoáng qua, để tôi gói trọn hành lý nhớ thương trên chuyến đò cuối tuần về gặp chị. Và hình như chị cũng biết điều này, nên hai ngày cuối tuần chị thường xuyên ra đứng phía bên kia chiếc cầu vẫy tay và cười với tôi. Tuần nào có báo Tuổi Ngọc hoặc tạp chí Văn mới là tôi đem qua cho chị.  Những hôm đó, chị Lệ thường rủ tôi ra phía sau nhà, ngồi nói chuyện văn thơ và cả chuyện bâng quơ. Tôi chỉ nghe và nhìn ngắm chị thì nhiều hơn là nói. Có hôm tôi và chị ngồi yên lặng, không nói năng gì chỉ nhìn con nước trôi lững lờ từng cụm lục bình về cuối khúc sông con. Bên chị lúc nào cũng có một mùi thơm thoang thoảng. Mùi thơm tương tư của con gái. Mùi thơm của ngàn trùng nhớ thương, như những cơn gió mùa trở ngọn trong đêm mùa nước nổi. Đôi khi chị chợt quay qua để bắt gặp đôi mắt tôi đang nhìn trộm. Tôi và chị nhìn nhau thật lâu, thật lâu đủ để tôi thấy từng sóng nước long lanh trong ánh mắt chị, chừng như có bóng hình tôi đang chìm đắm, chơi vơi.

Đó có phải là tình yêu? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc đó là tình cảm của tôi dành cho chị. Cả một năm học, cả một mùa thi. Có những lần mới về tuần trước, cuối tuần sau tôi lại mượn tiền thắng bạn để chạy về thăm nhà. Để buổi chiều, tình cờ bên kia sông chị nhìn thấy tôi ngạc nhiên rổi nở nụ cười thật tươi với cả đôi mắt... Mẹ và bà nội đã nhận ra những bất thường của tôi, hỏi loanh quanh. Tôi cũng tìm nhiều lời bịa đặt vu vơ cho qua chuyện. Một lần bà nội tôi chép miệng: “Thời buổi này đẹp như con Lệ, không biết là may hay rủi?”. Nhà chị nghèo, mẹ góa con côi nhưng khách ra vào tấp nập. Có hôm tôi gặp chị và người đàn ông ngồi trong một quán ăn chợ huyện. Chị vẫy tay chào gọi nhưng tôi cứ đi thẳng, làm ngơ. Trở lại Sài Gòn tôi buồn vô cùng và đã không về nhà mấy cuối tuần sau đó. Tôi giận chị hay tôi giận chính mình? Dù thế nào tôi cũng chỉ giận vu vơ và vô lý. Nhưng khi gặp lại, nụ cười và ánh mắt chị tan biến mọi “vô lý” của tôi. Lại hạnh phúc, lại vô tư bên mùi hương chanh thoang thoảng từ tóc chị. Thời gian cứ vậy mà trôi, theo từng con nước bên dòng sông nhỏ in hình bóng chị êm đềm, lặng lẽ.
 
*** *** *** ***
 
Mùa hè quê tôi không có hoa phượng rơi, mà bắt đầu một mùa nước nổi. Nước lên cao, mênh mông ngập khắp cánh đồng và cả khoảng sân nhà mẹ. Những cơn gió trở mùa mát dịu dàng bao đêm dài mộng tưởng. Ngày sẽ lên, đời ập tới cho dù chúng ta có chờ đợi hay lãng quên. Mẹ tôi báo tin, “Tháng tới là đám cưới con Lệ. Cũng mừng cho con nhỏ, gia đình chồng giàu có. Chỉ tội là nó phải theo chồng đi xa”. Tôi nghe tin, thấy lòng trống trải vô cùng. Một khoảng trống mênh mông, cứ tràn ngập mỗi ngày một lớn. Tôi biết mình đã yêu chị thiết tha... Một buổi tối cuối tuần, có đoàn hát về huyện, mọi người háo hức đi coi. Trừ tôi và chị.

Ngọn đèn dầu trên bàn soi bóng chị đổ dài trên vách. Khuôn mặt chị thật gần, để tôi có thể nghe rõ từng hơi thở nhẹ, ngập ngừng của chị. Đôi mắt chị thỉnh thoảng nhìn tôi, rồi nhìn vào ngọn đèn bấc khâu đêm, khe khẽ thở dài.
- "Đừng chê trách, ghét bỏ Lệ nghen Hoàng! Một ngày, Hoàng sẽ hiểu những gì Lệ muốn nói..."

Giọng nói chị hụt hẫng, nghẹn lời. Bên ngoài, từng cơn gió hắt hiu thổi vào, mang theo chút hơi sương lạnh từ con sông nhỏ trước nhà. Đêm chìm sâu, lặng lẽ. Giữa tiếng côn trùng nỉ non, xa vắng:
- "Rồi một ngày, Hoàng sẽ quên Lệ... Hoàng sẽ quên cái làng bé nhỏ nầy và quên cả đêm nay. Nhưng Lệ sẽ không bao giờ..."

Tiếng nói chị mờ đi. Bàn tay tôi đã nằm gọn trong những ngón tay thon dài của chị lúc nào không hay. Tôi muốn nói thật nhiều, nhưng mọi ngôn ngữ chừng như thừa thãi, vô dụng. Khuôn mặt đẹp não nùng của chị làm đong đặc khoảng không gian nhỏ bé chung quanh.  Tôi thoáng nghe hơi thở chị thật gần. Thật gần để bất chợt, bờ môi nhỏ, mềm mại của chị đã gắn chặt môi tôi hốt hoảng, dại khờ. Thời gian lịm chết, ngừng trôi. Không gian mù lòa, tan vỡ. Nụ hôn đầu đời của tôi và mùi hương da thịt con gái. Bờ môi tôi ngây ngất, tham lam. Thân thể ấm áp, mềm mại của chị rung nhè nhẹ trong vòng tay tôi cuống quít. Đêm chìm sâu, khuất lấp...
              - “Hoàng ngừng chút đi, Lệ thở không được…”, chị khẽ kéo mặt tôi ra. Ánh mắt chị nhìn thiết tha, vời vợi. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy buồn. Nỗi buồn như chứa chan ngay trong nụ hôn dài ngây ngất. Chợt như số phận mỗi con người tựa hạt bụi bay bơ vơ trong sa mạc đời vô tận, hạt muối nhỏ nhoi tan lẫn giữa lòng biển rộng bao la. “Đừng quên Lệ, đừng quên đêm nay và ngôi làng nhỏ bé này, nghen Hoàng…”. Tôi cúi mặt, tránh ánh mắt chị, hỏi nhỏ: “Rồi ngày mai... mai này chị sẽ về đâu?”. Chị nâng khuôn mặt hôn nhanh bờ môi tôi, nói thật chậm, mơ hồ: “Mai này... mai này, Hoàng còn nhớ không? Lệ sẽ như những cụm hoa lục bình trôi đến nơi sông về với biển...”!
 
*****  *****  *****
 
Nhiều năm tháng trôi qua, hơn bốn mươi năm thoáng chốc. Người đàn ông mái tóc bạc màu, đứng lặng lẽ nhìn con sông nhỏ bơ vơ hòa vào lòng biển rộng. Nơi có chị, nơi tôi đã tìm về. Nơi tôi tận mắt nhìn thấy những cụm lục bình xơ xác, trôi quẩn quanh chết khô trước biển đời tay hẹp. Và tôi đã hiểu, hiểu lời chị, hiểu bờ môi chị trao đêm hôm đó. Sự mất mát trong tình yêu là điều có được lớn nhất của đời này... Tôi đã già theo năm tháng, nhưng tình yêu và hình ảnh chị vẫn tuổi đôi mươi. Tôi đi loanh quanh trong khu chợ huyện, nơi cuối nhánh sông dài. Những khu phố mới xây sầm quất, cao tầng chen lẫn với những con đường nhỏ, uốn quanh dọc ven bờ. Nhìn đâu tôi cũng thấy hình bóng chị. Đôi mắt chị nhắn nhủ tôi hãy nhìn đời độ lượng. Đôi môi nhỏ, phơn phớt hồng, gửi tôi niềm tin yêu thắm mãi không nguôi. Nụ hôn đầu của chị dạy tôi tiếng nói yêu người, hun đút trong trái tim tôi tình yêu đời không dứt... Những năm tháng đối đầu với bao khổ đau, hệ lụy tôi vẫn giữ trên môi tình yêu của chị thiết tha. Chị đang ở đâu, có nhớ lời hẹn ước? Có còn nhớ đến tôi, nhớ con sông nhỏ quê nhà?

Một lần, chị đã đến với đời nầy hệ lụy cưu mang. Một đời, chị đã để lại trong tôi một nhánh sông, một nhánh sông dài cuối ngõ. Nhánh sông tôi đã qua bao bến bờ chờ đợi, lướt trôi qua bao nhiêu khúc sông bên lỡ bên bồi. Trên dòng cạn mai nầy hay trong tiếng chim gọi chiều nước lớn, tôi vẫn nhớ thương chị mãi ở một nơi sông về với biển

NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jul/2024 lúc 8:43am

Chiều Nay Tôi Đưa Bà Ra Đầu Làng

 


Bà nội không có anh em thân thích, nghe kể bà người gốc Nam Định, chạy giặc về làng đỏ thành Vinh, gặp rồi lấy ông nội, bà sinh được một mình ba rồi tảo tần chợ búa chừng ấy năm ròng.

Ba được ông bà nội nuôi ăn học thành tài, ba làm cán bộ nhà nước, sau ba nằm trong đội kỹ sư về quê mẹ xây dựng công trình gì to lắm, gặp rồi lấy mẹ rồi sinh ba anh em, em là út. Mới sinh em được vài tháng thì ba được cơ quan cử sang Liên Xô học chuyên ngành, và thế là ba đi biền biệt từ đó.

Ông nội đã mất trước khi em ra đời mấy năm, nên lớn lên em chỉ thấy có bà nội, mẹ và mấy anh chị em với nhau chấy rận. Ba đi rồi bà nội lãnh trách nhiệm chạy chợ nuôi cả nhà, mẹ phụ.


Bà nội có một tình thương đặc biệt lạ lùng dành cho mấy anh em, vừa nuông chiều, vừa nghiêm khắc. Hồ như tự căn cốt giống nòi bà hiểu rằng sau đứa con trai độc đinh thì lũ cháu lốc nhốc thơ dại này là những máu mủ ruột thịt duy nhất mà bà có, đấy là sau này em suy nghĩ thế, chứ bà nội chắc cũng chẳng bao giờ cần bận bịu cắt nghĩa tình thương vô điều kiện đó của bà làm chi.

Ngày đó tiếng là thành phố nhưng nhà ai cũng nghèo như nhau. Bà nội có một sạp hàng ở chợ bán nhiều thứ, nhưng thứ đắt khách nhất là món nộm đu đủ mà bất cứ đám cưới hay tiệc tùng gì thời đó cũng đều phải có. Khi em lên sáu tuổi là bắt đầu biết phụ anh trai chiều chiều gọt vỏ đu đủ, cạo hột sạch sẽ, ngâm nước phèn chua cho miếng đu đủ cứng giòn, rồi vớt ra để ráo. Sáng hôm sau tinh mơ bà và mẹ sẽ dậy để dùng bàn nạo nạo ra thành sợi, đem lên bán cho khách trên chợ. Thường thì khách phải đặt hàng từ hôm trước, cuối chiều mỗi ngày bà nội sẽ báo về số lượng hôm nay phải gọt bao nhiêu. Có những hôm khách đặt nhiều anh em em phải gọt hàng tạ quả, rã rời, muỗi cắn ngứa râm ran, bàn tay bị mủ đu đủ ăn đến mòn, nhưng không đứa nào kêu than vì biết đấy là những hôm bà bán được hàng.


Có những buổi sáng, bà và mẹ phải dậy từ một hai giờ, ngồi nạo đu đủ, tay mỏi rũ, nhiều khi chà vào bàn nạo rướm máu. Xong xuôi thì sẽ có một ông già trong xóm làm nghề gánh thuê qua nhà gánh lên chợ cho bà. Ngày đó trong giấc ngủ của em lúc nào cũng có tiếng sột soạt của bàn nạo, nhiều khi nhìn bàn tay bà nội và mẹ chai sần rướm máu, em cứ ao ước có một cái máy gì đó có thể làm hàng thật nhanh giúp cho bà và mẹ đỡ vất vả.

Bà nội nhuộm răng đen, ăn trầu, tóc vấn khăn trần, mặc quần lụa, áo cánh. Mùa đông bà mặc áo bông to và trùm thêm khăn nhung. Ký ức về bà luôn thơm mùi trầu và đẹp đẽ. Bà rất sạch sẽ, nấu ăn ngon và hay lo toan. Bà thích tắm. Cứ mỗi buổi trưa nhất là mùa hè bà đều đi xe lai từ chợ về nhà để tắm. Anh em em được dặn trước, anh trai thì sẽ múc nước giếng mát lạnh đổ đầy hết chậu đến thùng đến vại, còn em thì ngâm bồ kết cho bà, đầu tiên nướng thơm lên rồi bẻ vụn hoà vào chậu nước đem ra phơi nắng. Đến khi bà về chậu bồ kết đã chuyển sang màu vàng sậm. Những buổi tắm của bà nội sẽ có một chút hò hét thét lác khá om sòm, nào múc nước nào kỳ lưng nào lấy khăn lấy áo, nhưng sau đó sẽ là cảnh bà ngồi trên cái chõng tre trong vườn xoã tóc hong, miệng bỏm bẻm nhai trầu, em thì lăng xăng nhổ tóc sâu cho bà, bà ôm em thơm tho hít hà em một chốc rồi lại lật đật lên cho kịp buổi chợ. Nắng vàng như cũng xấp xải theo từng bước bà đi.


Lại nhớ những trưa hè đó, nắng lộng thênh thang, anh em em mải theo chúng bạn chạy chơi không biết mệt, nào là vác sào bắt cào cào châu chấu về nuôi gà, nào là bắt cóc bắt kỳ giông bỏ vào thùng cho ăn muỗi, nào là chơi ô ăn quan, nhảy dây đánh chuyền. Những con đường làng rợp bóng tre mát rượi bướm bay hoa nở cỏ dại mọc đầy, vĩnh viễn in dấu những bàn chân bé bỏng rong chơi hồn nhiên suốt một thời thơ ấu.

Cứ thế mải chơi đến khi trời nhá nhem mới hớt hải chạy về, một xíu kịp ngay trước khi bà về chợ. Bao nhiêu năm là mấy ngàn buổi chợ bà về chưa một ngày nào thiếu bánh quà cho mấy anh em, khi thì củ khoai củ sắn luộc, khi thì bánh gói bánh nếp bánh đậu bánh vừng hoặc hoa trái mùa nào thức ấy. Cả lũ ùa vào bà vòi quà, em bé nhất nên lúc nào cũng được phần hơn. Bà nhìn mấy anh em ăn âu yếm, rồi ôm em rờ tóc rờ tai, thấy còn nóng bừng và đẫm mồ hôi là bà mắng yêu cho một chập. Rồi lôi em đi tắm táp thay quần áo ăn cơm. Có những hôm em vừa bê bát cơm ăn vừa ngủ gật đánh rơi cả bát, bà lại bế em vào giường đặt cho em ngủ. Cơn mơ em thơm mùi trầu và bàn tay bà quạt mát.


Lại nhớ những mùa mưa bão, tầm tháng bảy tháng tám hàng năm, bà sẽ lo mua tích trữ rất nhiều mấy thứ quan trọng nhất là gạo củi mắm muối, rồi bà sẽ cùng mẹ làm vừng lạc cất trong hũ thủy tinh, kho cá cất trong nồi đất, muối dưa, muối cà cất trong vại sành hết to đến nhỏ, rồi lại nhờ người ta kê giùm một góc cao ráo trong bếp để làm chỗ nấu và là chỗ để dành cho những chum nước trong. Xong xuôi cả thảy đó bà mới yên tâm cho được. Em không bao giờ quên những ngày lụt bão, xung quanh ngập mênh mông, bà và mẹ bì bõm chợ búa cơm nước, cấm không cho anh em em ra ngoài vì nước băng hà băng hải bà sợ nhỡ đứa nào sụt cống sụt giếng sụt mương. Được nghỉ học lội chơi lép nhép cả ngày trong sân, đến tối ăn kễnh một bụng cơm nóng ngon lành rồi chui vào chăn êm ấm, nằm nghe mưa gió quật rào rào ngoài cửa sổ, lơ mơ tiếng bà kể chuyện - thường bắt đầu về một mốc thời gian kiểu là “hồi còn mồ ma ông cụ Tích” - em đã biết cảm thấy sung sướng một nỗi niềm con trẻ mà đến tận bây giờ khó có thể tìm lại được.


Có một buổi chiều em đi học về, thấy bà về chợ sớm, loay hoay với một mảnh giấy và cây bút chì. Thì ra bà viết thư cho ba, bà ít học, chữ nghĩa chỉ vừa đủ đánh vần và đọc được một ít sách kinh. Thế nên bà loay hoay mãi không xong, rút cục đành gọi em viết hộ thật đẹp nhé bà đọc cho em chép mà phải chép đúng như bà bảo đấy. Đến giờ em vẫn nhớ mấy câu bà đọc “Ku Tồ cái Sim cái Tí ở nhà ngoan học giỏi biết giúp bà nhiều việc. Thời buổi loạn lạc con bên ấy giữ gìn. Mẹ ở nhà ruột héo gan khô vì thương nhớ con”

Ngày đó em còn quá nhỏ, không hiểu vì sao ba đi biền biệt không về. Thỉnh thoảng mới có người chuyển giúp cho nhà vài lá thư viết vào những thời gian khác nhau, một ít quà cáp, đồ dùng, quần áo và rất nhiều sách - tiếng Nga có, tiếng Anh có, tiếng Việt có - cho anh em em. Em cũng không để tâm cho lắm tại sao mẹ lại cứ lặng lẽ như một cái bóng bên bà, chăm chỉ và yêu thương phục tùng vô điều kiện. Có những lý do lớn lao vì cuộc đời, vì thời đại, vì lý tưởng của người lớn mà một đứa trẻ bé bỏng như em nào muốn biết làm gì.


Rồi đến một buổi chiều mùa thu năm đó, anh em em học ở trường buổi sáng nên đang thơ thẩn học bài trong nhà thì nghe tiếng cô Linh hàng xóm hét râm ran, ối mọi người ơi ai như anh Trọng về rồi đây này, thế là về thật rồi đây này làng nước ơi.

Anh Trọng đó là ba em.

Ngày ấy đi lại xa xôi, em không hề có khái niệm về Hà Nội, về sân bay, về bến xe bến tàu hay bất kỳ phương tiện nào ngoài đi bộ và xe đạp, vậy mà em thấy ba trở về sau mười năm xa cách từ một nơi nào tít mù trên bản đồ thế giới mà thỉnh thoảng anh trai chỉ cho em. Ba cao lớn lực lưỡng, để râu quai nón, tay xách nách mang nào vali nào túi, người ba toả ra mùi thơm của nước hoa hoặc nước giặt quần áo hay một thứ mùi gì đó mà sau này em gọi chung là: mùi Tây. Bà nội và mẹ lật đật bỏ buổi chợ chạy về, cả nhà mừng mừng tủi tủi, hàng xóm đến thăm đông như hội, ba nhìn em gọi em lại bế em vào lòng nhưng em oà khóc quẫy ra và chạy đến bên bà. Không quen, em không quen con người xa lạ này một tí nào.


Nhiều ngày sau, ba bắt đầu bắt được nhịp với nếp sống ở nhà, và mấy anh em cũng làm quen lại với ba, em đã để cho ba bế vào lòng, thơm lên mái tóc tơ óng mượt được mẹ cắt hoài một kiểu úp nồi đất mà em cho là rất xấu, em cũng để cho ba cọ cái hàm râu ria vào cặp má bầu bĩnh của em mà không nhột và quẫy ra. Chị gái đã nở mũi khi nấu ăn và được ba khen ngon, anh trai đã chịu chiều chiều bỏ buổi đá bóng để về ngồi cho ba kèm học môn tiếng Nga là môn anh bết bát nhất. Và bà nội mỗi ngày là một đại tiệc bà mua và nấu bao nhiêu món ngon cho cả nhà ăn. Đêm đêm khi anh em em ngủ rồi ba người vẫn ngồi trò chuyện rì rầm cho thoả lòng nhung nhớ chừng ấy năm trời.


Rồi thì như một dĩ nhiên, gánh nặng gia đình từ bà nội san hết sang vai ba. Ba xin bà nghỉ chợ. Nhà đã xây lại mỗi người một phòng. Anh em em dần lớn lên rồi cũng bận bịu học hành sách vở quanh năm ngày tháng và những thú vui bè bạn khác. Bà nội ở nhà đi ra đi vào với bầy chó mèo vườn tược. Làng xóm năm xưa người còn kẻ mất, những con đường rợp bóng tre dần bị thế chỗ bởi những bờ tường xi măng cắm đầy mảnh chai, những mảng bê tông trần trụi, vênh váo, xa cách. Bà nội dần trở thành một người quê trong phố lạc nhịp với thời gian và luôn hoài niệm về nếp sống xưa cũ.

Anh Tồ học đại học Xây dựng rồi đi làm xa giống ba, chị Sim học Báo chí tuyên truyền thỏa ước mơ làm nhà báo. Đến hồi em ôn thi vào đại học, thức đêm ròng rã xanh xao, bà hay dúi cho em ít thức quà như ngày bé. Em ôm bà nũng nịu giờ còn ai ăn mấy thứ này nữa đâu bà ơi, em thức đêm học bài để đỗ đại học như anh Tồ chị Sim đấy cho bà xem.


Và rồi em đỗ đại học như mong đợi, nhưng bà nội đã không kịp chờ ngày nhìn thấy em thành ông nọ bà kia để đáp đền bà. Một chiều tháng mười trời trở lạnh và mưa bụi giăng đầy ngõ, sau một tuần ốm mệt bà luội dần như ngọn đèn hết dầu. Vị bác sĩ của gia đình ngày xưa thường đạp xe đến khám bệnh tiêm thuốc cho anh em em mỗi khi bị ốm, người gần gũi bà nội như người thân, cúi nghe tim nghe huyết áp bà hồi lâu rồi đỏ hoe mắt bảo ba em ừ chú ơi chuẩn bị thôi, đến lúc bà nhà ta được nghỉ ngơi rồi.


Ba vững vàng cắt đặt mọi sự. Cả nhà em và họ mạc đã về đủ quây quần. Mẹ và em sắp sẵn phần nước thơm để tắm cho bà. Thức cho đến cạn đêm ấy, nhìn bà nội nằm lặng yên trên giường, bé nhỏ, đơn độc trong hành trình cuối cùng, em mới hiểu rằng bà nội sẽ cứ thế mà đi, không bao giờ còn tỉnh lại, để nhìn em một cái, nói với em một câu, hay còn có thể nắm tay em nữa. Em đã oà khóc nức nở, khóc như bị ai đánh, khóc vì ngay lúc đó đã thương nhớ về bà như một quá vãng khôn nguôi.


Nhiều năm sau này nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã sáng tác một câu nhạc mà mỗi lần nghe em lại đau đớn nhớ bà đến ứa lệ:

Nhớ làng tôi từng dòng mương xanh bay bay bay bay

Nhớ bà tôi một trăm năm rồi ngọn cỏ hoá mây trời

Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng

Đầu làng mình chợt nổi trận gió to…


Nguyễn Vân Ánh Ngọc

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22890
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jul/2024 lúc 11:04am

Bắc Vàm Cống 


Hồi thời tui còn đi học, hết năm đệ tứ là phải chọn ban. Ðứa nào chọn ban A, Vạn Vật; hoặc ban B, Toán, thì môn Sử Ðịa chỉ có hệ số 1 hè!

Còn ban C, Văn chương, quý Thầy Cô cho môn Sử Ðịa tới hệ số 2 đó nhe! Vì quý Thầy Cô thừa biết rằng muốn mần văn cho hay là phải rành Sử Ðịa!

Nhưng học Sử Ðịa trong trường thôi, thì theo tui, chưa đủ để mần văn cho hay, cho hấp dẫn đâu. Muốn mần văn cho ăn khách, để ông Chủ bút để mắt xanh, (chớ không phải mắt bù lạch ăn), tuyển chọn cho đăng; rồi bà Chủ báo, mở hầu bao, lâu lâu gởi cho tác giả chút tiền ‘còm’ nhuận bút, để mình dắt em yêu đi ăn phở và uống trà đá là mình phải đọc thêm về ‘Ðịa phương chí’ nữa.

Ðịa phương là nơi mình ở. Còn chí là phả, là cuốn sách, cuốn sổ ghi chép, biên soạn. Như vậy Ðịa phương chí là sách giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán, nhân vật nổi cộm (cán), sản vật, kinh tế, văn hoá… của một địa phương, cái làng, xã, quận, tỉnh hay thành phố quê mình.

Cái vụ Ðịa phương chí nầy tác giả Huỳnh Minh là bậc thầy ‘chuyên khoa’ với Sài Gòn,  Mỹ Tho, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng… Xưa và nay.

style="background: white; margin: 0cm 0cm 18pt; outline-style: none; outline-width: 0px; text-align: justify; vertical-align: baseline;">Viết về đề tài tùm lum tà la thì mình gọi là tác giả ‘đa khoa’ còn viết về một đề tài chuyên biệt thì mình gọi là tác giả ‘chuyên khoa’. Nó giống như nghề làm bác sĩ vậy mà.

Chính vì vậy mà trên ‘facebook groups’, bà con bắt chước ổng lấy tên toàn là Sài Gòn, Mỹ Tho, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng… Xưa và nay.

margin: 0cm 0cm 18pt; outline-style: none; outline-width: 0px; text-align: justify; vertical-align: baseline;">Xưa và Nay như Xưa thì hơi bị nhiều vì Nay là một cái thời chán như cơm nếp nát, thì đâu có cái gì để viết. Có viết ra cũng để chửi đổng mà thôi!

Tích xưa Phùng Hưng ‘Bố Cái Ðại Vương’ (761–802) vì dẫn dắt nhân dân nổi dậy, rượt quân Tàu xâm lược chạy sút luôn cái quần Tiều, gợi nhớ câu ca dao:

“Cái cò lặn lội bờ sông /Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. / Em về nuôi Cái cùng con / Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Như vậy Cái cò ở đây là con cò mẹ đó. Rồi em về nuôi Cái là về làm dâu (ngọt), nuôi Mẹ của mình đó, rồi làm Mẹ hiền để nuôi con mình; cho mình an tâm lên tuốt tận Cao Bằng, tỉnh địa đầu giáp biên giới Việt Trung mà chống quân Tàu xâm lược.

Tóm vô một chỗ thì sông lớn như: sông Hồng ngoài Bắc, sông Gianh ngoài Trung, sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long đều được ông bà mình gọi là sông Cái. Vì sông Cái bao giờ cũng có nhiều nước hơn sông con.

“Cái còn có nghĩa là chính, là giữa, là chủ yếu! Như xúm lại gầy sòng bầu cua, đứa nào làm Cái; ắt hẳn nó có nhiều tiền hơn mấy đứa tay con.

Dòng sông Cái như mạch máu chính chằng chịt tỏa ra, mang phù sa bồi cho đất đồng bằng, nơi hạ lưu bình độ đã xuống ngang mực nước biển Ðông.

Hình ảnh dòng sông Cái, sông con đó có lẽ làm tổ tiên mình hồi xửa hồi xưa cảm tác ra cái huyền sử, cái truyền thuyết về Bà Âu Cơ.

Chớ căn theo sản khoa, một bà Mẹ mà đẻ tới trăm con thì chỉ có nước chết! Vú đâu mà cho nó bú?

Một sông con chảy ra con sông Cái như con về với Mẹ, nơi con và Cái gặp nhau thì mình gọi là vàm.

Vậy là có đủ thứ vàm: Vàm Cỏ, Vàm Nao, Vàm Rầy, Vàm Thuận, Vàm Trư, Vàm Láng, Vàm Xáng…! Kể hết cho láng chắc cỡ chục năm dư!

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No. / Anh có thương em thì cho một chiếc đò / Ðể em đi lại mua cò gởi thơ.

(Lỡ thương em rồi mà em xin ‘xỉu xỉu’ có một chiếc đò thôi! Xin kiểu nầy chắc anh mạt!)

Miền Nam mình sụp đổ! Tan hàng! Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, ước vọng hòa bình chưa tàn lại bị một lũ điên làm cho nó vỡ tan!

Thế là lò dò bò ra vàm Nhơn Mỹ, nơi rạch Móp đổ ra sông Hậu, phía bên kia là Cù lao Quốc Gia, quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên, tui lồm cồm rời ‘taxi’, leo lên ‘cá lớn’ rồi dông luôn qua Úc, bỏ em ở lại như dao cắt lòng!

“Ðêm ác mộng nhớ ngày năm cũ / đưa anh buồn, vàm, ngã ba sông / đau xót tình ta, trời vần vũ / Xa anh rồi đời em chỉ bão giông!”

Ôi những vàm sông nước mắt; kẻ ở tiễn người đi về bên kia thế giới… mới!

Quê mình, nhứt là miệt Lục tỉnh Nam kỳ, xưa đường lộ chưa thông! Bà con muốn đi chỗ nầy qua chỗ nọ đa phần là ‘lô ca chân’ hoặc xuống xuồng ba lá, ghe tam bản mà chèo.

Nên địa danh, tên đất cho biết mình chèo tới đâu được ông bà mình đặt tên Vàm có rất nhiều. Nhiều lũ khũ lù khu!

Vàm sông, là nơi hai dòng nước gặp nhau xà quần, luân vũ, nên nước chảy liu riu, cá tôm về quần tụ để sanh con đẻ cái.

Quý anh mình quởn quởn, xách cái cần câu móc mồi trùng ra bờ vàm, gần mấy đống chà mà câu cá. Hổng bao lâu là cá ăn thời giựt để lâu mất mồi, được con cá ba sa mỡ màng đem về cho Má nấu canh chua với bông điên điển mùa nước nổi nhậu để chơi hè! Quá đã!

Năm 1929, thằng Tây làm cái Bắc Vàm Cống. Vàm Cống cách cửa sông Cái Tàu Thượng chưa đầy 2 cây số. Nơi nước sông Hậu từ Biển Hồ bên Miên tràn xuống chảy rề rề , ít sóng to gió lớn, lục bình trôi hàng hàng như duyệt binh ra biển.

Bên nầy là quận Lấp Vò, tỉnh Sa Ðéc. Bờ kia là quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang để xe cộ và bộ hành vượt sông tới Lộ Tẻ về Rạch Giá hay quẹo phải vô thị xã Long Xuyên rồi về Châu Ðốc.

Hồi xa xưa đó, cũng trên sông Hậu, chếch về hạ lưu chưa tới 50 cây số thì Bắc Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây, ì xèo kẻ lại người qua thì Bắc Vàm Cống vẫn còn đìu hiu, quạnh quẽ lắm.

Tuy vậy cũng có tới hàng trăm gia đình ở dọc theo hai bên bến Bắc, hoặc dân tứ xứ đồng bằng tụ về kiếm tiền đong gạo bằng cách bán cơm, nước, hàng rong, cho hành khách lại qua.

Cuối cùng rồi cũng hết! Cái gì mà không chết? Ngày 30, tháng Sáu, năm 2019, Bắc Vàm Cống vĩnh biệt cõi dương trần; vì Cầu Vàm Cống đã cất xong, trịch về hạ lưu tới 3 cây số nữa.

Dõi theo chuyến Bắc cuối cùng là ánh mắt đượm buồn của bà con sở tại khi người tài công kéo tiếng còi dài chào từ giã bà con ở lại mạnh giỏi, trước lúc phải đi xa, tản lạc về Ðại Ngãi (Sóc Trăng), Láng Sắt (Trà Vinh), Ðình Khao (Vĩnh Long).

Cánh cổng xuống phà khép lại và khóa kín. Nhà cửa, hàng quán bên đường giờ cũng đóng im ỉm. Từ nay không còn nghe tiếng máy chạy ‘ùng ục’ một khúc sông, không còn nghe tiếng xe cộ, tiếng bộ hành cười nói xôn xao, hối hả lại qua.

Tới rồi! Xuống Bắc qua sông bà con ơi!” Tiếng của người lơ xe giục khách từ độ ấy đã chìm rất sâu vào miên viễn. Một thời trân quý đã mất đi; chỉ còn là kỷ niệm khiến ai nấy cũng phải ngậm ngùi!

Cất cầu nhưng rầu cho chiếc Bắc! Không còn ponton! Không còn mỏ bàn đò! Không còn đèn pha mù mù trong sương đêm trời sụp tối. Không còn ai bước vội. Không còn người nghệ sĩ mù, cây đàn ghi ta phím lõm và cái nhịp song lang. Không còn ‘Xuân nầy con không về’

Bắc Vàm Cống đã chết, chết ngắc, chết thẳng cẳng nhưng có bài thơ ‘Ðêm Qua Bắc Vàm Cống’ của nhà thơ lính Tô Thùy Yên vẫn làm cho Bắc Vàm Cống sống, sống trong lòng hoài niệm của những kẻ lỡ xa quê.

Bài thơ như một lời tiên tri:

“Ðêm qua Bắc Vàm Cống / Mối sầu như nước sông /Tôi châm điếu thuốc nữa / Ðốt tàn thêm tháng năm.”

Ðúng vậy! Ðời người cuối cùng chỉ là một điếu thuốc cháy dở dang, cháy lụi tàn cho đến hết; chỉ còn lại một nhúm tro than.

Ðêm quê người, ký ức Bắc Vàm Cống cũ, hình ảnh người xưa bỗng lồm cồm sống dậy. Nên trước khi trở thành như một nhúm tro tàn điếu thuốc mà nhà thơ lính Tô Thùy Yên đã hút hết năm qua, tui vẫn còn ước mong không còn bóng giặc để tui về quê cũ.

Về lại bên kia bờ thị xã Long Xuyên, nơi em yêu đã từng tiễn tui  xuống Bắc Vàm Cống để lên đường ra mặt trận vào mùa Hè đỏ lửa 72 năm ấy.

Ðể nói theo nhà thơ Tô Thùy Yên trong bài ‘Ta về’

“Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này!”


Đoàn Xuân Thu

Melbourne

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 195 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.492 seconds.