Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: MỘT CHUYỆN TÌNH CHUNG THỦY Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Chủ đề: MỘT CHUYỆN TÌNH CHUNG THỦY
    Gởi ngày: 09/Apr/2009 lúc 5:24am

Một Chuyện Tình Chung Thủy  

 
Tôi rất hâm mộ những chuyện tình chung thủy. Những chuyện tình chung thủy, hay thủy chung viết trẹo lại để tránh điệp ngữ, tôi đọc khá nhiều qua tiểu thuyết, qua văn thơ, hay coi khá nhiều qua phim ảnh, nhưng chưa có một chuyện tình nào lâm ly, bi đát, và thật như cuộc tình của Khanh và Hồng bạn tôi. Tôi là một nhân chứng trong chuyện tình này, và vì là bạn, nên xin được dấu tên tuổi và thay đổi đôi chút về không gian và thời gian để trân quý một cuộc tình hiếm hoi. Mong rằng ở một nơi nào đó, tình cờ Khanh và Hồng đọc được bài viết này sẽ mỉm cười.

Một buổi sáng mùa Thu, cách đây ba năm, khoảng 9 giờ, tôi ghé vào ăn sáng tại một quán phở có tên hết sức quen thuộc trên đường Rainier. Theo thói quen, cũng để tránh khói thuốc, tôi chọn ngồi nơi cánh cửa ra vào, gọi một tô phở chín-nạm-gầu-nước béo, và một ly cà phê phin mà người cách mạng gọi là cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc. Trong tất cả các món ăn của người mình, không cần phải nói, phở là một món ăn được ưa chuộng nhất. Ưa chuộng bởi không những người mình, mà còn bởi mọi người, Ta, Tàu, Mỹ, Ấn… ai ai cũng thích phở vì phở vừa dể ăn, vừa đầy đủ -đôi khi hơi quá- chất bổ dưỡng. Chừng không quá mười phút, một cô bé mang ra cho tôi ly cà phê và một tờ báo xuất bản tại địa phương, dày cộm. Không cần nhìn, tôi cũng đoán được hơn ba phần tư số trang là dành cho quảng cáo.

Chẳng có gì lạ, báo chí bên này sống nhờ quảng cáo, miễn có tiền là họ đăng, mà người mình dạo này hay đăng báo lắm. Nếu người Á Rập có một ngàn lẻ một chuyện thần thoại, người mình có hơn bấy nhiêu đó lý do để đăng báo. Này nhé, đám cưới, đám hỏi: đăng báo; Ðám chết: đăng báo; Sinh nhật: đăng báo; Cách ly, ly dị: đăng báo; Sanh con trai, sanh con gái, con đầy tháng , con giáp thôi nôi: đăng báo; Tốt nghiệp đại học, ra trường trung học: đăng báo; Bắt được job: đăng báo; Mua nhà mới, bán nhà: đăng báo, nhà dư chổ cho share: đăng báo; Vợ chồng lấy nhau một năm: đăng báo; Lấy năm năm: đăng báo; Già mất đất làm lễ hấp hôn: đăng báo… Tờ báo nào cũng dày như quyển tự điển là vì vậy.

Sáng sớm, tiệm vắng thưa người. Thỉnh thoảng, cánh cửa nơi tôi ngồi mở tàng quạt, một vài người khách bước vô vội vã, lùa theo làn hơi mát lạnh từ bên ngoài. Tôi chăm chú đưa mắt nhìn những giọt cà phê rơi trong tách, dùng chiếc muỗng khuấy đều, tai lắng nghe tiếng kêu lanh canh của chiếc muỗng chạm vào thành ly. Thật là tĩnh lặng. Tôi vừa thưởng thức hương vị cà phê vừa chúi mũi vào tờ báo trong lúc cặp loa che kín trên trần nhà văng vẳng tiếng hát Gia Huy nhè nhẹ lời Phượng Hồng:

“… những giỏ xe chất đầy hoa phượng, anh chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu … mối tình đầu của tôi… là cơn mưa…”

Tôi nhìn qua khung cửa, ngoài trời mưa thu bay bay. Trên lề đường, lúp xúp những tàng dù đủ màu qua lại như trên sân khấu một màn kịch câm. “Mưa hoài ngàn năm” Câu nói chợt thoáng qua đầu làm tôi mỉm cười với mình và với tô phở vừa mới mang ra đang bốc hơi trước mặt.
-"Mời chú!"
Tôi gấp vội tờ báo, không quên làm dấu trang đã đọc lở dở.
- "Cám ơn cô".

Cô bé mỉm cười, tiện tay, cô vói lấy tờ báo. Thật là bất ngờ cho cả tôi và cô bé, tô phở chao ngiêng, một ít nước phở tràn, thấm ướt trang báo.

- "Ô… Sorry. Cháu xin lỗi!"
- "Không sao."
- "Ðể cháu đưa chú tờ báo khác."
- "Ướt chút xíu … vẫn còn đọc được. Chắc không cần."

Cô bé cười, ngại ngùng cất bước, tôi nhìn theo, mái tóc đuôi ngựa đong đưa che một phần cái eo thon nhỏ, đợi chờ.

Tôi gắp mấy lát ớt mỏng cho vào tô phở. Những lát ớt đỏ tươi, hòa lẫn với hành xanh trên mặt nước béo, sóng sánh váng mỡ làm tôi chảy nước miếng. Mùi thơm của rau quế, của ngò gai, trộn cái thanh thanh của chanh làm tôi không thể nào kéo dài thêm cơn kích thích. Tôi ăn ngấu nghiến cạn tô phở. Bên ngoài trời vẫn mưa bay bay.

Uống cạn ly cà phê, tôi đứng dậy, cầm tờ báo. Tôi định dùng nó che mưa, nhưng trang báo, bị nước phở làm ướt nhiều hơn tôi nghĩ, rơi xuống đất. Tôi cuối người lượm tờ báo. Giữa trang báo ướt, nằm chình ình một thiệp báo tin đám cưới. Mắt tôi chăm chăm không rời nơi đã bị lem, hai cái tên tuổi rất quen: N. T Khanh và N. T Hồng. “Không thể nào. Không thể nào.” Tôi nghĩ có một sự trùng hợp tên tuổi. Nhưng cho ăn chắc, tôi hỏi cô bé đổi tờ báo khác. Y chang, rõ ràng là tên của bạn tôi Khanh, N T Khanh, khóa X Hải Quân Nha Trang, và Hồng, cô Hai của câu lạc bộ Thanh Minh; Hôn lễ đã cữ hành vào lúc 10 giờ sáng, ngày … tháng … năm … tại Virginia. Lúc đầu thì tôi không tin tưởng mấy, nhưng sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi đi từ ngạc nhiên sang vui mừng thích thú, như đứa trẻ tìm lại được món đồ chơi quý giá đã bị mất khá lâu.

Tôi không nhớ bao lâu,chỉ biết rằng khoảng năm 1971, lúc đó chiến trường U Minh hoàn toàn đã lắng dịu, một U Minh “bất khả xâm” chỉ còn là huyền thoại. Ngay giữa lòng kênh thứ 9 dựng lên một căn cứ to lớn, bao quanh bộ chỉ huy đầu não của tướng “Nón Sắt” Sư Ðoàn 7. Hai Giang Ðoàn Thủy Bộ 70 và 71, với trách nhiệm đổ quân đường thủy, không còn lý do để có mặt trên con kênh Cán Gáo đặc sệch phù sa lẫn xác tàu. Ðất nước đã bình định, trách nhiệm đã hoàn tất, chúng tôi theo Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Nhiệm, Chấm 1, của tướng Hoàng cơ Minh về mặt trận Cà Mau.

Ðây là thời gian tốt để bảo trì chiến đĩnh. Tôi nhận Sự Vụ Lệnh đưa một đoàn tàu què quặc về Căn Cứ Hải Quân Thanh Bình, bắt đầu đời sống của một sĩ quan liên lạc sửa chữa, an toàn và nhàn hạ, nhưng lại rất là buồn nản. Tại đây tôi gặp Toàn của 71 và Khanh, Sĩ Quan Liên Lạc của Giang Ðoàn 63 Tuần Thám. Công việc của ba thằng chúng tôi rất đơn giản: sáng điểm danh, cắt đặt công tác, liên lạc thủy xưởng, đến Quân Cảnh ký nhận lính về… ngoài ra là … tà tà. Chúng tôi là con “bà phước”, ăn nhờ ở đậu, mọi thứ đều phải tự lo. Có tiền, chúng tôi lân la ra Cần Thơ, hết tiền chúng tôi la cà câu lạc bộ căn cứ. Mà hình như chúng tôi lúc nào cũng hết tiền, tối ngày chỉ biết nhịn thèm. Tôi không còn nhớ dạo đó lương tháng của một Thiếu Úy là bao nhiêu, chỉ biết rằng sau ngày nhận lương là đã hết tiền.

Từ cổng chính đi vào, câu lạc bộ sĩ quan nằm lúp lúp sau dãy nhà tiền chế, cách bờ Hậu Giang vài chục thước. Chưng bày trang nhã, nơi đây qui tụ hầu hết các sĩ quan Hải Quân địa phương. Ða số quý vị này độc thân đến ăn cơm tháng, một số không nhỏ đến để tìm cơ hội làm quen với cái nhân tố quan trọng trong việc chiêu dụ các quan tàu sắt đến với câu lạc bộ này.  Nhân tố đó là Hồng, cô cashier duyên dáng, con gái ông bà chủ. Hồng đẹp một cách hiền dịu. Dáng người cao ráo, tóc dài óng mượt, nước da trắng Vĩnh Long, Hồng nổi bật trong bộ bà ba đơn giản. Thật ra Hồng ăn mặc thứ gì cũng đẹp, áo dài, quần tây hay không mặc quần …tây, thứ gì cũng bắt mắt Thêm vào những chi tiết đó, việc Hồng bằng lòng cho tôi và Toàn ký sổ -ăn nhậu trước, thanh toán sau- cũng đáng cho tôi phải dong dài khen ngợi Hồng không tiếc lời!

Tôi phải dừng lại ở đây để cám ơn Hồng đã ra tay tương trợ, cứu tôi trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. Không liên can gì đến chuyện chiến tranh hết, tôi chỉ muốn nói đến cái lần đầu tiên ấy … cái lần đầu tiên Hồng bằng lòng cho tên tôi vào trong sổ … nợ của Hồng.

Lần đó, tôi chỉ có trong túi vài xấp, vừa đủ một phần ăn cho riêng tôi, nhưng bất ngờ nhận ra hai thằng trời đánh, Toàn và Khanh nên hoạn nạn mới đến. Ðối với Toàn và Khanh, tôi có nhiều thâm niên “địa phương” hơn. Tôi đến đây lâu hơn, biết nhiều luật lệ tại đây hơn, nên hai thằng bạn đã dành cho tôi cái danh dự “chi tiền”. Ban đầu, tôi chỉ gọi hai ly đá chanh cho hai thằng trong khi đấu láo chờ chuyến xe ra phố, không ngờ hai thằng này đã ngẫu hứng nhậu thả giàn, gọi là để mừng ngày gặp gỡ. Tôi cản không được nên cũng xuôi theo, tuy vậy, lòng cứ phải miên man tìm cách thoát thân. Trong lúc tôi phân vân, ráng nhớ tên một thằng bạn xấu số nào đó để có thể mượn được tiền thanh toán buổi gặp gỡ, Toàn và Khanh cứ liên tục kéo bia. Tôi nghĩ hoài không ra, bia tiếp tục ra không nghỉ. Trời đã về khuya, anh bồi bàn ngồi ngáp dài chờ đóng cửa, gương mặt dài buồn nản. Cuối cùng thì “cái gì đến cứ đến”, tôi dõng dạt gọi tính tiền và xin gặp chủ câu lạc bộ. Bên sau cánh gà, Hồng bước ra, đẹp và duyên dáng làm tôi chỉ muốn độn thổ! Trong lúc tôi ú ớ, không ra lời, Toàn và Khanh biến nhanh ra cửa bỏ tôi một mình, số phận hẩm hiu. Cô chủ quán, nhìn tôi mỉm cười một cách bí hiểm càng làm tôi hoang mang. Tôi đành làm mặt dày:

- "Cô Hồng, hai thằng bạn tôi lỡ đường. Lâu quá mới gặp nên hơi lố. Tôi không đủ tiền trả bữa nhậu. Có thể nào tôi ghi nợ, đến kỳ lương tới tôi đến đây thanh toán không?"
- "Thiếu Úy … từ Cà Mau đến?"
- "Phải. Tôi tên Hào, dân Thủy Bộ … sửa tàu ở đây hơn tháng rồi."

Tôi dư biết điều lệ của quán là không cho người ngoài thiếu chịu để tránh bị xù, nhưng không còn cách nào khác. Chỉ một thoáng lo lắng, Hồng lên tiếng trong ngạc nhiên của tôi:

- "Dạ, đúng ra là không được vì Thiếu Úy … anh Hào ở xa. Nhưng Hồng làm đại lần này với điều kiện."
Tôi mừng muốn điên lên được. Ðiều kiện gì cũng chấp nhận hết!
- "Vậy tốt quá. "
- "Hồng sẽ biên tên anh Hào trong sổ tay của Hồng mà thôi, không phải sổ nợ của nhà hàng. Anh Hào không được cho ai biết chuyện này. Khi trả tiền, cứ gặp Hồng"

Tôi như một người chết trôi gặp phao. Trời ơi, trên đời sao có một người dể thương như vậy! Nói cho có vẻ cải lương một chút là nàng đã cứu tôi trong cơn tuyệt vọng. Trong lúc tôi cứ đứng đó như trời trồng, Hồng nói nhỏ thêm một câu làm tôi tỉnh cơn mơ:
- "Hồng là bạn của Yến, Sư Phạm Cần Thơ. Cuối tuần này anh Hào gặp Yến. cho Hồng gởi lời thăm."
-"… ??? … !!!"

Phải, Yến là cô bạn gái tôi mới quen. Thế là hết! Tôi thật sự đã chết. Thân xác tôi đứng đây, nhưng thật sự đang trôi giạt từ nhánh sông này qua nhánh sông khác. Ôi dòng Cữu Long sao chỉ 9 cửa... Tôi ghét cái nhỏ nhoi của trái đất này. Sao cái thành phố Thanh Bình này đã sanh ra Yến bạn tôi còn cho Hồng, cô chủ nợ của tôi làm bạn hữu! Như vậy là mất toi cái uy dũng của một anh quan tàu thủy, lả lướt, phong lưu, mà tôi đã ba hoa với cô bạn mới rồi! Tôi ghét mấy thằng bạn trời đánh của tôi … Tôi ghét mấy chai bia … Ghét tất cả. Nhưng không dám ghét Hồng dù nàng là bạn của Yến. Tôi đỏ mặt, không vì say, lí nhí lời cám ơn, rồi sượng sùng ra về. Gió sông thổi mạnh, mát lạnh. Tôi tự hỏi sao mình không bị trúng lạnh chết ngã ngữa ra như những anh say trúng gió cho rảnh nợ. Trước mặt tôi, con đường nhựa dẫn về khu doanh trại, đèn mờ và trở thành dài, sâu thẩm. Từ khu chung cư sĩ quan, nửa khuya, vọng ra một giọng hát nhừa nhựa, lãng nhách: “… không, không… anh không chết đâu anh…”

Tôi đã không chết, ba thằng tôi chẳng những không chết mà còn sống hùng sống mạnh. Chẳng cần phải tả chưn tả cẳng gì hết, sinh hoạt của tôi, Toàn, và Khanh cứ tăng thêm chất lượng theo chiều với mức độ thân tình với Hồng. Ðó một phần cũng do tôi chơi điệu, đúng bài bản tâm lý giáo khoa thư. Ngày lãnh lương kế, tôi bay qua club với bộ mặt ra cái điều ta đây đầy ân hận và trả ngay cái khoản tiền mình đã ký. Hồng cười thật tươi, nàng cầm xấp bạc liệng vào két, thông cảm: "có gì đâu mà anh ngại, em đâu có sổ sách gì, biết anh là bạn của nhỏ bạn em, em chỉ tin anh thôi." Thật ra, không phải tôi thượng nhân quân tử mà đây là chiến thuật tôi và mấy thằng âm binh đã học và hành rất kỹ, vã lại đòn nghề này thường mang lại lợi lộc về sau. Quả thật vậy, Hồng chịu ngay. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt bồ câu long lanh bóng nước của nàng đọc được lời áy náy: "Ai đời, người đâu mà thiệt tình, nợ tuần trước, tuần sau trả dứt còn bận bịu ơn nghĩa này kiếp sau nguyện làm thân trâu ngựa".

Chuyện làm trâu ngựa nếu có thì phải về sau, còn hiện tại thì sau ngày đó chúng tôi thường xuyên có mặt tại club, ăn ngày hai ba buổi, cà phê, nhậu đều đều mỗi đêm. Có tiền thì trả, không tiền, nhìn Hồng gật đầu là xong, cứ in như là của từ đường, bạc vàng cha mẹ ông bà để lại không bằng. Ðành rằng không nuốt luôn, nhưng ông bà mình vẫn có câu "miếng khi đói bằng gói khi no". Ngặt một nỗi, cứ nhiều miếng thì thành một gói, và cứ thế, chúng tôi hết gói này đến gói khác.

Nhưng như vậy thì có dính dáng gì đến cái "Chuyện Tình Chung Thủy" mà tôi đang kể? Thưa có, nó đèo theo cái số tiền mà chúng tôi ký.

Như đã nói, tình trạng của chúng tôi bắt đầu đổi ngược, khá hơn trước. Chúng tôi đã có chổ vịn, không còn lang thang, đầu tháng cơm tiệm cuối tháng gạo sấy tay cầm, như xưa. Hồng trở thành vừa là bạn vừa là chủ nợ. Trước sự vui vẻ chân tình của ba thằng tôi, nàng dành cho chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Chúng tôi bắt đầu ăn cơm tháng tại đó. Có những buổi ăn tối, Hồng ngồi chung bàn, nói, đùa, vui nhộn. Sự có mặt của Hồng không còn kiểu cách của một chủ quán với khách mà nó phản phất hơi ấm thân tình trong mùi thơm gạo mới. Chiều chiều khi tiếng còi tan nhiệm sở trên chiếc Cơ Xưởng Hạm vang lên giữa lòng sông ồn ào tiếng máy đuôi tôm, chúng tôi hối hả kéo đến câu lạc bộ, hấp tấp như những thương buôn hồi quận sau một chuyến vượt trường giang. Chiếc bàn con trong góc quán, nơi nhìn ra giàn hoa leo có bốn cái bông tím nhỏ, cằn khô, thiếu nước, không biết từ lúc nào đã trở thành chổ riêng của ba thằng tôi... và Hồng. Chúng tôi có cái cảm giác như về nhà và được cô em gái dọn cho một bửa ăn ngon. Mối giao tình của chúng tôi không chỉ giới hạn ở đó, có những ngày cuối tuần đi thử tàu, tôi đưa Toàn, Hồng , và Khanh qua bên kia cồn mận, nơi mà Hồng đã sanh ra và lớn lên trước khi gia đình dọn qua Vĩnh Long. Những trái ổi xanh, chua chua, ngọt ngọt, những trái mận bọng nước màu má ửng hồng. Trong lúc Khanh và Hồng đưa cây khèo những trái mận trên cành, tôi và Toàn lội bì bõm trong dòng kênh nước ngọt, vớt những chùm mận rơi. Khi mặt trời tức giận xuyên qua cành, chúng tôi picnic ngay dưới những gốc cây mận to, sần sùi. Ăn uống no nê, gió sông thổi mát rượi, chúng tôi đánh một giấc ngay trên bờ đê xanh mượt cỏ non, chờ đến giờ nước triều dâng cho tàu về bến.

Không biết tôi thiếp đi bao lâu, chỉ biết rằng khi tôi mở mắt, Khanh và Hồng mất tiêu, cái túi xách nho nhỏ của Hồng vẫn còn đó, miếng vải nhung đỏ theo gió bay bay, Toàn thì đang đưa hơi nhẹ nhàn tiếng ngáy. "Hai người này đi đâu vậy, đã gần đến giờ về rồi" Tôi lầm bầm, lo lắng. Trong đầu tôi đột nhiên nghĩ ngay đến những vụ ám sát của các gián điệp nhị trùng. Có thể nào Hồng là một điệp viên của bên kia, dùng sắc đẹp đưa chúng tôi đến đây để đồng bọn hạ thủ. Nếu đúng vậy thì họ có lợi rồi, chỉ cần nhá một em tươi mát, dung dăng dung dẻ là lượm ba quan tàu sắt ham vui. Những mẫu chuyện suspense của Hoàng Hải Thủy, Ðiệp Viên 008, cứ thế lòng vòng trong đầu tôi. "Chắc không phải vậy" Tôi tự trấn an mình và để ăn chắc, tôi bật gốc, chụp ngay cây súng ngắn mà lúc nào tôi cũng dấu trong cái xách nhỏ bên mình, nhẹ nhàng đi sâu vào rừng mận. Không xa lắm, giữa thinh không vắng lặng, tôi đã nghe được tiếng thầm thì. Tôi sụp người, bò nhẹ về nơi phát ra tiếng nói. Phía bên kia bụi rậm, một cảnh tượng âu yếm đẹp như tranh vẽ. Hồng nằm dài chân co chân dũi, lót bên dưới là cái áo lính của Khanh, cặp lon vàng đã lấm bụi đất. Cái mũ đi biển màu đậm của Khanh nằm trong chiếc nón lá của Hồng chao nghiêng đằng trên những lá mận khô. Khanh, mình trần, vai u thịt bắp, choàng qua Hồng, trên tay chùm mận đang ửng hồng như gò má của người yêu, âu yếm:
- "Anh để dành cho em"
Hồng nhận chùm mận, đặt lên ngực, cẩn thận:
- "Coi chừng anh Hào và anh Toàn thấy đó"
Khanh trấn an người yêu:
- "Sợ gì, chúng nó biết tỏng rồi!"
Vạt áo bà ba màu mỡ gà của Hồng cắt cao để lộ một mãng da thịt trắng toát nơi cái eo thon chổ gặp gỡ cái quần lãnh bóng láng, làm kích thích cơn tò mò. Tôi ma giáo nằm im chờ đợi một cảnh tượng ân ái. Trái với sự mong đợi của tôi, cặp tình nhân này hình như đã bị chích trúng một loại thuốc tê liệt. Năm phút, rồi mười phút trôi qua cũng chẳng thấy cặp này cựa quậy. Khanh vẫn ngồi tựa gốc mận bên cạnh Hồng tay vẫn o bế chùm mận tươi rói. Cả hai không nói một lời. Cả một rừng mận im phăng phắc, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng rơi lịch bịch của những trái mận lìa cành. "Ðúng là tình yêu rồi!" Tôi quyết định rút lui. "kiểu này chúng nó có thể ngồi qua giờ này đến giờ khác, không cơm nước, vẫn thấy ...vui!" Nghĩ thế, tôi quay người, vẫn còn trong thế trườn trên đất, về nơi Toàn nằm. Ngực Toàn nhấp nhô, cái nón ketpi đắp lên mặt, nơi đó phát ra tiếng xè xè như tiếng gió từ họng một con rắn hổ gió trong thế giao tranh. Gương mặt Toàn trông ngây ngô như một đứa con nít đang ngủ. Tôi ngã người bên cạnh, nhớ tới Khanh và Hồng, cười thầm. "Té ra là như vậy! thút thít thì đ...ịt to". Chiều hôm đó, tôi lái chiếc Alpha về lại thủy xưởng, nắng đã tắt trên sông chỉ còn sót một chút tà dương trên bến vắng. Cảnh bến vắng trong chiều tà làm người cảm thấy cô đơn, ngoại trừ Khanh và Hồng, cặp nhân tình đang yêu.

Ngày vui thật sự đã qua mau. Tôi nhận được lệnh thuyên chuyển đi Hải Ðội, Toàn cũng nhận công điện về tàu biển. Ngày cuối cùng dài lên thê. Bữa ăn tối của chúng tôi thành bữa nhậu buồn. Người buồn nhất lại là Khanh mới là lạ. Gương mặt hắn dài thoòng, trong lúc cặp mắt của Hồng cũng đỏ au, long lanh ướt. Hồng rót cho tôi phần còn lại trong chai "33", mái tóc dài rớt xỏa như liễu rũ. Tôi đốt điếu thuốc con mèo cuối cùng, nói lí nhí lời cám ơn, rồi mạnh dạng, như lần đầu van xin Hồng cho ghi sổ nợ:

- "Ngày mai anh và Toàn đi theo xe về Sài Gòn…"
Tôi chưa kịp dứt câu, cánh cửa câu lạc bộ ập mở, ánh đén bên ngoài sáng chói mắt, hai anh Quân Cảnh Hải Quân bên ngoài tiến thẳng đến bàn chúng tôi. Một anh đứng nghiêm trang, đưa tay chào, dõng dạc:
- "Mời Thiếu Úy Khanh theo chúng tôi"
Tôi ngạc nhiên đến tột cùng, Khanh không một dấu hiệu chống cự hay phản ứng, tuồng như hắn đang mong đợi việc này xảy ra, đứng lên lửng thửng đi theo hai người lính Quân Cảnh. Bên ngoài, chiếc xe jeep đang nổ máy chực sẵn. Hồng khóc òa theo tiếng xe. Nàng mếu máo gục vào vai Toàn, nức nở:
- "Em nói ảnh cứ về căn cứ, em sẽ chờ, em sẽ xin ba má em đi Rạch Sỏi thăm mà anh ấy cứ nấng ná tìm cách ở lại. Công điện đơn vị triệu về đã trễ hơn hai ba tháng rồi. Anh ấy dặn em đừng cho hai anh biết."
Tôi choáng váng đến độ sững sờ vì cái ma lực của tình ái đã ngu muội cặp tình nhân. Phải chi chúng tôi biết trước thì cặp này đâu đã bị chia tay kiểu này. Toàn cũng chẳng biết nói gì hơn, gương mặt đanh lại, tái mét -không hiểu vì bia hay vì ấn tượng không mấy vui của lần tạm biệt. Tôi vội vã:
- "Thôi, Hồng cũng đừng buồn nữa, chuyện đến nước này, anh phải đi đến Quân Trấn tìm hiểu họ đưa Khanh đi đâu."
Rồi tôi quay qua Toàn:
- "Nhờ Trung Úy Hưng phòng An Ninh Căn Cứ đưa mình ra Cần Thơ ngay"
Toàn nhanh nhẩu:
- "Tao gọi phone ngay"
Tôi quay qua Hồng, nàng gục xuống như tinh thần của mình, hai vai nàng rung rung, mái tóc xỏa phủ lên bàn với bữa ăn còn dang dở. Hồng cuối đầu, ôm mặt thút thít. Tôi đứng dậy, cắt ngang:
-"Hồng đi với tụi anh ra phố. Nói với hai bác Khanh có chuyện rắc rối, có thể mình về hơi trễ"
Hồng dạ một tiếng trong nghẹn ngào, biến nhanh sau cánh gà...

Không đầy nữa giờ sau chúng tôi có mặt tại phòng tạm giam Phong Dinh. Sau khi nghe chúng tôi trình bày sự việc và tên tuổi của Khanh, người sĩ quan trực tiếp chúng tôi một cách niềm nở, ông nói:
- "Chúng tôi chỉ muốn làm nhiệm vụ. Thiếu Úy Khanh sẽ được đưa về Sài Gòn ngay ngày mai chờ ra tòa quân sự mặt trận. Lẽ ra không ai được vào thăm, nhưng chúng tôi đặc biệt thông cảm cho phép một người tiếp xúc, thời gian là mười lăm phút.

Mười giờ tối đêm đó, con đường từ Phong Dinh về căn cứ Thanh Bình dài như vô tận. Chúng tôi không ai nói với ai một lời vì có nói cũng không cùng, mà biết nói gì bây giờ, ngoài lời trấn an Hồng một cách thừa thải vì ngày mai tôi sẽ theo chuyến xe sớm ra đi tân đáo một đơn vị gần nhà, nơi chất chứa những niềm vui mà tôi thiếu vắng trong hai năm làm lính thú.

Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Hồng và Khanh.

Công việc của tôi, sau gần hai mươi năm qua, chỉ còn là phương tiện để sanh nhai, đều đặn, đúng theo chương trình. Thêm vào đó, làm đã quá lâu trong một công việc, tôi trở thành lười và thụ động. Mỗi năm, vào tháng mười một tôi bận rộn đến qua tháng ba, lo phối hợp với các phần hành giữa hai khối Hành Chánh và Kỹ Thuật Bộ Hướng Nghiệp, điều chỉnh Thuế Thất Nghiệp cho bang Washington. Mỗi ba tháng, tôi bận vào tuần đầu tiên trong tháng cuối, kiểm soát phần kỹ thuật trong lúc chạy các thảo chương. Mỗi tháng, tôi đầu tắt mặt tối ngày tuần lễ đầu tiên, làm y chang bao nhiêu đó công việc; Và hàng ngày... cũng vậy, y chang một công việc cùng với bao nhiêu đó chuyện. Trong nghề của tôi có một câu nói rất có giá trị: "No news is good news", dịch theo kiểu của tôi là: "không có gì xảy ra thì khỏe vô cùng tận". Ngày nào mà không có telephone ren, không Email message, ngày đó trở thành đẹp trời dù bên ngoài có mưa to gió lớn, hay ... động đất như ngày hôm nay. Hôm nay mưa, cũng chẳng có gì lạ vì xứ tôi ở là xứ "Mưa hoài ngàn năm" như đã giới thiệu ngay từ đầu, hạt mưa nặng đập lụp bụp vào mặt cửa gương. Tôi đưa tay điều chỉnh volume cặp loa để lời ca Dạ Nhật Yến chỉ còn xa xa, văng vẳng tiếng mất tiếng còn một bài hát mà tôi chỉ nhớ một đoạn ngắn.

"Anh mãi là hai mươi tuổi, em mãi là mùa Xuân xưa, tóc anh đã thành mây trắng, mắt em dáng thời gian qua...con đường xưa những ngày trút lá... có những cuộc tình không là trăm năm..."

"No news is good news". Tôi nhịp chân, gật gù cái đầu, hát theo nho nhỏ lời ca qua cặp earphone: "...có những cuộc tình ... không là trăm năm..." Khi lập lại câu này đến lần thứ ba thì tôi sực nhớ lại cuộc tình của bạn tôi. Cuộc tình của Hồng và Khanh phải là một ngoại lệ. "Thật là đặc biệt" Càng nghĩ đến câu chuyện về cái đám cưới của Khanh và Hồng càng đánh thức cơn tò mò trong đầu. Tôi mong sao được liên lạc với Toàn.

Tờ báo với cái thiệp báo tin cưới của Hồng và Khanh đang nằm ngay trước mặt, trên bàn làm việc của tôi, trên tất cả những giấy tờ lộn xộn ngổn ngang như cái tánh tình của tôi, đã chứng minh lời tôi nói. Tôi nghĩ đến Toàn, người độc nhất có thể biết được tình tiết này chỉ còn Toàn, nhưng làm thế nào để bắt liên lạc với con người này quả là một thách đố không nhỏ. Toàn chưa lập gia đình, đời sống của một "system specialist" cho một đại công ty như Oracle, nay đây mai đó theo nhu cầu thương mại, làm hắn sợ bận bịu. Toàn nay đây mai đó, xuất hiện rồi biến đi như một bóng ma. Sau năm 75, tình cờ hai đứa gặp nhau trong một cuộc họp nhỏ tại Houston, Texas. Tay bắt mặt mừng, ba hoa đủ thứ chuyện, nhưng chúng tôi không ai nhắc đến Khanh và Hồng. Ngày hôm sau chia tay, chúng tôi trao đổi số điện thoại, địa chỉ Email kèm theo là đủ thứ dặn dò để rồi bặt tin nhau.

- “Tiếc quá, phải chi có thằng Toàn…!” Tôi vừa nói xong lời ướt thì Toàn xuất hiện liền. Một tiếng “bip” nhỏ, chói tai làm tôi quên bài hát. Có người đã gởi Email cho tôi.

- "Chuyện gì đây? Must be something went wrong!"
Tôi lẩm bẩm, bực mình như một ông già khó tánh. Nhưng không, Email của Toàn!

- "Hi. Greeting From Atlanta. Hào, are you still there. Toàn đây. Phone cho tao: (123) 456-7890"
- "Sh...t" Tôi chữi thề "Vừa mới nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới!" Tôi bốc ngay điện thoại, quay mấy con số Toàn vừa cho:
- "Cha, cha chết ở đâu bây giờ mới sống lại?"
Bên kia đầu phone, một giọng cười ha hả quen thuộc:
- "Vẫn nằm đây. Tụi "dot com" xuống quá, tao nằm nhà hơn 6 tháng. Mới có contract đi Seattle, nhớ tới mày"
Tôi chuyển đề câu chuyện:
- "Còn nhớ Khanh và Hồng không?"
- "Nhớ chớ. Tao có đi dự đám cưới của nó. Ảnh chỉ bây giờ yêu khắn khít hơn xưa. Có nhắc đến mày."
Tôi sợ mất dịp may, hỏi liền:
- "Mày biết câu chuyện của tụi nó sau ngày mình rời Cần Thơ không?"
- "Biết! Thằng Khanh kể tao nghe trong buổi tiệc. Mẹ, nó uống không được, nó vừa kể con Hồng vừa khóc sướt mướt, cảm động quá. Mày có thì giờ không? Ðể tao kể lại cho mày nghe."

Giọng của Toàn đều đều, không chờ tôi trả lời:

"... Khanh bị đưa về Hải Quân, nhốt 3 tháng. Trong thời gian này, Hồng đi thăm chàng đều đặn mỗi hai tuần, như một người vợ hiền. Cũng bánh trái, cũng nước ngọt, quà cáp cầm tay. Những lần gặp nhau như vậy, cả hai chỉ biết nhìn nhau buồn buồn tủi tủi, và câu nói võn vẹn vẫn chỉ là "... Khỏe không?" để rồi khi Hồng ra đi, Khanh bực mình vì biết bao điều chưa nói. Tối qua, ngọn đèn mờ trước hàng lang đứt bóng hay sao mà trời tối om, lại có tiếng súng nổ, súng lớn súng nhỏ đủ loại. Người tù ở phòng kế bên la lớn:
- "Ðảo chánh rồi, đảo chánh rồi"
Khanh lớn tiếng cho người bạn nghe:
- "Không đâu, toàn là AK của tụi nó không à"
- "Mậu Thân chăng?"
- "Chờ coi"
Cả hai chờ đến sáng. Giờ điểm danh chẳng thấy mặt mũi ông Thượng Sĩ đâu cả. Chờ đến trưa, giờ ăn cũng chẳng thấy động tịnh gì hết. Người bên cạnh hoang mang như Khanh, hỏi:
- "Chuyện gì xảy ra vậy ông anh?"
- "Chả biết!"
- "Giờ cơm rồi! Hay là họ bỏ đói mình!"
- "Chắc là có chuyện. Chiều nay thì biết"

Chiều nay là đúng ngày thăm, Hồng sẽ có mặt. Ánh sáng và cái oi bức trên trần nhà đã dịu dần. Khanh đoán giờ này có lẽ Hồng đang có mặt tại phòng đợi làm thủ tục giấy tờ. Chàng thấy nhớ Hồng vô cùng, nhớ gương mặt Hồng rạng rỡ lần tỏ tình trong vườn mận, nhớ mùi thơm của tóc người mình yêu, nhớ cái giỏ hoa chất đầy bông phượng buổi chiều hai đứa đi hoang... Ðến đây ánh đèn bật sáng, sáng choang như chưa bao giờ sáng. Cánh cửa phòng Khanh mở rộng: không phải Hồng! Tầng ngầng đứng giữa ngưỡn cửa, hai người lính bộ đội mũ nồi, sao đỏ, AK cầm tay, mặt mày non choẹt. Khanh há hốc, ngạc nhiên không nói nên lời. "Như là một giấc chiêm bao!" Nhưng Khanh không còn thì giờ để mà mơ với mộng nữa, một người trong bọn bước tới, nói như một cái máy những tiếng mà Khanh chưa bao giờ dùng, dù chỉ để đóng một màn kịch khôi hài.
-"Cách mạng đã thành công. Nhà nước luôn luôn khoan hồng cho những người lầm đường lạc lối. Anh theo chúng tôi về trình diện, học tốt trong vòng ba ngày, sẽ được về với gia đình".

Khanh không nói được một lời, chàng riu ríu theo hai anh bộ đội, ngoan ngoãn lên chiếc molotova bịt bùng đang chực sẵn, lòng rối bời.

Thế là người tù NT Khanh được chuyển trại, từ một anh tù chế độ Cọng Hòa thành anh tù của chế độ Cọng Sản. Trong thời gian này, Hồng vẫn lội suối băng rừng thăm nuôi, vẫn nụ cười rạng rỡ trên môi những lần gặp mặt. Hồng là người thân nhân duy nhất và cũng là người thăm đều đặn nhất trong trại. Cho đến một hôm, Hồng báo tin sẽ cùng gia đình vượt biên, hai người không cầm được nước mắt. Nhưng lần này Hồng không khóc như người con gái yếu đuối nhìn người mình yêu bị hai anh lính Quân Cảnh dẫn đi. Hồng nhìn Khanh một cách kiên cường: "Anh còn, em còn, một ngày mình sẽ gặp lại nhau". Câu nói như một lời thệ nguyện trăm năm.

Gần ba năm sau, Khanh được trả tự do. Chàng trở về ngôi nhà của mẹ mình và biết được Hồng và gia đình nàng vượt biên thành công và hiện định cư tại Mỹ. Hồng đã gởi cho chàng rất nhiều thơ từ và hình ảnh qua một người bạn thân. Trong mỗi lá thư, lời nhắc nhở vẫn là câu nói trong lần cuối hai người gặp nhau trong trại thăm nuôi.

Năm 1986, sau bao lần lưỡng lự, Khanh nhất quyết ra đi để gặp người yêu, chấm dứt bao năm đợi chờ trong nhớ nhung và nước mắt.”

... Nghe xong câu chuyện, tôi thấy mình thư thả, nhẹ nhàng như vừa trút đi một gánh nặng. Tiếng nói của Toàn chỉ còn văng vẳng hòa lẫn trong lời nhạc mà tôi chỉ thuộc lòng một đoạn ngắn. Tôi ngã người, gật gù theo điệu nhún của chiếc ghế ngồi, hát nho nhỏ. "Anh mãi là hai mươi tuổi, Em mãi là mùa Xuân xưa, Tóc anh đã là mây trắng, mắt em dáng thời gian qua...con đường xưa những ngày trút lá... có một cuộc tình …đã …là …trăm năm..."

Ðường Du Hào
tháng 5/2003

trang nhà www.ninhhoa.com

<SCRIPT language=JavaScript src="http://us.js2.yimg.com/us.js.yimg.com/lib/smb/js/hosting/cp/js_source/whv2_001.js"> geovisit(); setstats

Chỉnh sửa lại bởi LanH - 09/Apr/2009 lúc 5:25am
IP IP Logged
SaoMai
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jul/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 331
Quote SaoMai Replybullet Gởi ngày: 25/Apr/2009 lúc 8:06am
Chị LanH

Em "góp" với chị 1 chuyện tình chung thủy nữa nè chị nha


Câu hát tìm nhau
(Tác giả: Quế Hương)


****

Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hằng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm bụi đường và tấm mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài!

-Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi... bà có biết người này?

Lão chìa mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975, có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.

-Mơ hồ thế có trời mới biết: không đường, không số... già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác. Đây cũng là dân ngụ cư thôi! Không biết!

Bà chủ quay ngoắc, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm:

-Cả tuần nay... hỏi ai cũng trả lời chừng đó!

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

-Thế bà Xuân người như thế nào?
-Cô ấy người dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp...

Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:

-Ồ! Cháu lão à? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi 'xơ múi' chi không?
-Cô ấy thua tôi một tuổi.

Cái quán ven đường bỗng oà vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la ó, huýt gió, hô hố... náo loa.n.

-Thế thì 'cố' chứ 'cô' gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ!
-Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.
-Mà cố Xuân là gì của lão?

Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.

-Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.
-Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm bạn hát xưa già khú đế à?
-Vâng.
-Trời ơi... là trời... ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời?

Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm nhiên hỏi tiếp:

-Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?
-Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé xe về nhà nằm nghỉ. Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.

-Ngoài tôi chỉ có món xáo và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất. Ăn bốc mới đúng điệu. Đột ngột lão góp ý.
-Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn. Ngồi chơi! Lão giải thích tại sao lại ăn bốc, đựng trong lá mới ngon nào! Nói hay, tụi này chở đi tìm cố Xuân.
-Ăn thịt chó không giống ăn cỗ. Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.
-Mở đầu được đấy! Mần ly rượu tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: Cách chọn chó, nấu chó, ăn chó... Lão sành đến nỗi những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món 'hương nhục' đến thế lại từ chối động đũa đĩa dồi chó bà Tư đích thân mang đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích, hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi... Ăn thì phải đúng điệu và với bạn tri âm để say còn khóc cười cho hả...

-Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này - Bà chủ lên tiếng - Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em... sẽ để lão ăn thịt chó thoả thê không lấy tiền... với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn quán... phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình...

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mề, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món 'hương nhục', thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện, thắp đèn cầy... âm âm u u thế mà mời gọi đáo để! Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ lại ăn uể oải đòi lão có mặt. Bọn họ gọi lão là 'Lão Tầm Xuân'. Cái quán ven đường rôm rả hẳn lên khi ông lão mặt rỗ hoa, ăn mặt nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng đón lão:

-Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay. Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt đèo...

Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem lão ra giải buồn. Họ đổi những tin 'dỏm' về cố Xuân bằng những câu chuyện của lão, hoặc một cú tẩm quất sướng tê người. Nếu quán vắng khách, họ nằm ưỡn ngay trên nền quán, ưỡn tấm thân trẻ trung rã rời cho lão tẩm. Xương bật kêu ròn tan, còn bọn họ lè lưỡi: 'Hồi trẻ, lão phải vật trâu!'.

-Hồi trẻ, tôi giật đến hai giải thi vật - Hứng chí lão khoe.
-Thế mà không vật nổi cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp.

Cả bọn cười ồ còn lão bỗng tiu nghỉu. Lão ngừng đấm hỏi:

-Lần này 'dỏm' không đó?

Chân dung cố Xuân thay đổi xoành xoạch. Khi thì cố ở tận bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hoà Khánh, điếc đặc. Khi thì ở tận Hoà Cường, suốt ngày ho sù sụ... Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già trầu nghễnh ngãng, ré lên: 'Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!'. Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố. Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. Ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Nhưng cuộc gặp ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm! Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ tới nghe. Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột:

-Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Chiêm bao lần chần năm canh. Bao lần anh ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ sầu oanh. Lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ gặp mặt sánh đôi. Suốt năm hoạ là. Duyên bén ngãi, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh.

Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại thoát ra từ lồng ngực ho hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng có đôi chút học vấn để nhận xét: 'Đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí già nua kia là một trái tim Trương Chi bằng ngọc'. Từ khi nghe lão hát, tôi bỗng tin thực có một cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu, không bao giờ chết trong lão!

Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ tôi bỗng trở nên 'ái mộ' lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão mê hoặc như cả quán cầy tơ của bà Tư béo. Lũ con tôi qúy lão vô cùng. Lão bầy chúng hát nghêu ngao những bài quan họ:

-Sớm đi chơi hội, tối về quay tơ. Dải yếm phất phơ. Miếng trầu mồi thuốc. Miếng ăn, miếng buô.c. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy!...

Lão cho chúng những đồ chơi thật ngộ - những con vật bằng lá dừa biết ngúc ngoắc, con gà trống bằng đất sét lòe loẹt xanh đỏ tím vàng kẹp chiếc kèn lá có thể cất tiếng gáy... Bếp nhà ấp áp khi có lão. Lão nếm rượu chính xác như đo, hàn giúp cái xoong, cái nồi rất khéo. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội đồi Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liếng hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu. Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có ba, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội xuân, Hội mùa... Trai thi mạnh, gái thi mềm. Thi hoa, thi vật, kéo co, hát chèo, đánh đu, cờ người...

-Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?

-Vâng. Đó là ngày hội quan họ, cả vùng như bị ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh Cu Rỗ là tôi tròn mười tám tuổi, được cử vào bọn quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới hai trăm giọng thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ, ngày xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ... Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua...

-Đa tình thế sao không lấy?

-Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương, gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân làng hai bên chấp nhận. Tình bạn ấy chân tình, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc, răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau 'xuân thu nhị kỳ', đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Một bên có chuyện vui buồn đều tổ chức đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào... Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man...

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên:

-Ăn qủa nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay...

Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh Cu Rỗ tóc đen như mun, da màu đồng, có giọng hát Trương Chi hát!

-Cô ấy hiểu lòng tôi chú ạ!

-Lão lại ngưng hát kể: Khi tôi hát bài 'Khi tương phùng, khi tương ngộ' ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi... Trước không phải, sau đền duyên ba sinh'. Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.

Sau đó là chiến tranh... nạn đói... Câu quan họ tan tác trăm phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi hòa bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấp đã theo chồng... nghe nói vào Nam. Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chế t không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn ra phơi nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn nhúm trong cái chăn rách... Tôi có cảm tưởng ông được đem phơi cho chết vi trùng. Có bà, được mua một cỗ hậu sự thật tốt, lâu không chết, áo quan bị mọt đu.c. Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua, lật lại, càu nhàu... Luật đời chú ạ! Già thì lụn tàn, phải chết. Sống lâu thành nợ của mọi người, ngay con cái cũng chán... Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng...'. Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng là đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thi.t. Tôi tỉnh lại, đang mơ mang thì nghe giọng dâu, con thở than: Gần hết ngày tốt mà cha chưa chịu đi, mai mốt ngày trùng phải tốn tiền đổ sâm, cầm hơi đến ngày kia!'. Tôi mở mắt, chúng nó lại líu rít hỏi han, làm ra vẻ vui mừng... Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì sai trái đâu?

Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội đồi Lim. Lúng liếng, đắm say, chan tình lai láng.

Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo níu áo ngoài cửa đòi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi! Tự nguyện theo lão là con chó mập ú của bà Tư cầy. Dường như chán gặm xương đồng loại, nó bỏ theo lão Tầm Xuân.

* * *

Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng Xanh, Sàigon, cách đó hai năm.

Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng:

-Ai hàn soong, hàn nồi, mài dao, mài kéo không...'. Tiếp liền sau, một giọng hát cất lên:

-Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình... thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nha.n. Bạn tình ơi!

Ôi! Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: ”Lão mài dao... Lão Tầm Xuân!”. Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già. Gương mặt chằng chịt nê’p nhăn, lỗ chỗ nô’t rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàn, mài. Câu quan họ lầm lũi theo lão, lạc lõng trong thành phố hoa lệ. Con chó vàng của bà Tư cầy lẽo đẽo theo bên. Chỉ khác là nó không còn mập ú nữa, nó xơ xác gầy nhom như chủ.

Chu’ng tôi tấp vào quán nước bên đường. Ở đó, tôi được biê’t vì sao lão bỏ đi đột ngô.t. Bà chủ qua’n thịt cầy cùng dẫy vơ’i bà Tư be’o bảo co’ gặp một bà người Bă‘c đi xin ở Gia Định, biê’t ha’t quan họ và y hệt cô Xuân của lão. Thê’ là lão đi!... Qua’n bà Tư mâ’t hâ’p lực, đâu lại vào đâ’y. Tôi nghĩ thê’ nhưng không no’i ra sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quê. Không ngờ lão cũng no’i:

-May mà gặp nhau lần cuô’i... Tuần sau tôi về chu’ ạ! Tiền tàu xe đủ rồi... Tôi vê để mười ba tha’ng Giêng tơ’i dự hội Lim lần cuô’i. Hội Lim giờ không như xưa nữa... Nhưng tôi vẫn nghe tiê’ng trô’ng vào giục giã lòng tôi. Tôi yê’u rồi chu’ ạ! Tôi đã nghe đâ’t go.i. Quê go.i. Đành hẹn kiê’p sau vậy...

Tôi nhìn lão, còn lão nhìn dòng xe cộ nườm nượp đê’n cho’ng mă.t. Chiều tà dần trong đôi mă‘t hoàng hôn.

-Lâu ngày gặp lại, tui với lão mần đích đáng một bữa thịt chó đi! Ở đây có Bồng Lai quán nghe nói khá lắm, ăn hoài không đã miê.ng. Tui mời lão.

-Cám ơn chú! Nhưng hai năm rồi tôi không đụng thứ đó. Tôi sẽ không đụng cho đến ngày cuối đời...

Lão cuối xuống vỗ vỗ vào lưng con vàng.Con chó ngước đôi mắt nặng trĩu yêu thương nhìn lão rồi không dằn lòng nổi nó đứng trên hai chân sau, vừa kêu ư ử hài lòng, vừa liếm khắp người lão.

-Chú thấy đấy! Cứ tưởng tượng nó thành những đĩa dồi, đĩa luộc, đĩa xào, xáo... là tôi lợm giọng rồi... Không có nó tôi không sống nổi ở đây đến hai năm... Nó sưởi ấm tôi, kéo tôi đứng dậy, nó bị đánh què cẳng vì ăn cắp của người ta để cho tôi ăn những ngày tôi ốm. Nó từng sung sướng... theo tôi nó mới cực thế này... Nó...

Lão nghẹn ngào, mắt hấp háy. Giọt lệ tuổi già chất mãi mới thành, dành cho kẻ đồng hành bốn chân!

* * *

Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt mẻ, em tôi nhắc lão:

-Không thấy lão mài dao kéo vào xóm... Cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát... Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa. Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miê.ng... Người già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà... nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hoá ra biết hát... cái giọng, cái điệu, cái lời na ná như lão mài dao.

Đâu? Bà ấy đẩu? - Tôi chụp tay nó.

-Ở trỏng, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?

Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm là cố Xuân.

-Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. Ông ta bảo với Ban Quản Đốc ông ta thấy bà già cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà tội nên ông ta thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy sống lặng lẽ như bóng, không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một tháng, như không nén được nỗi đau quá lớn, bà ta khóc rống lên: 'Hắn là con tôi. Cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi' ... Mấy hôm nay thì bà ta hát... không ăn không uống, chỉ phều phào hát... - Em tôi kể.

Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông, vấn vành khăn nhung đã sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc...

'Dong dỏng trắng tươi, hát hay, xinh đẹp...'

Hình ảnh ấy không có nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Thời gian cho, thời gian lấy, hay tôi đã lầm? Tôi định lủi ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đâ.y. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc:

-Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải... sau đền... duyên ba sinh!

Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo giữa những gương mặt già nua ngơ ngác - Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi. Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu?

Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần... yếu dần... Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương và da ấy và tôi lặp lại lời hát của lão Tầm Xuân:

-Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình...

Giọng hát vụng về, thô ráp như đọc của tôi cất lên và, lạ lùng thay, nó tựa như những giọt nước cành dương kỳ diệu... Mi mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hoà với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền già lập tức ngồi dâ.y. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo, họ hò, họ hát ru... Những đôi mắt mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ, mở hai ba lớp nylon bày ra một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân một sợi... Sợi thịt trên miệng cố Xuân bị lời hát đẩy ra còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!

Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm... Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên tivi. Mẩu nhắn tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đ*ờng... Mau lên kẻo không kịp!'. Không kịp thật! Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, một dòng nước mắt.

Có lẽ giờ lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão... Chơi vơi... Chơi vơi...

Quế Hương
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.115 seconds.