Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Những miền hương Tết Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Chủ đề: Những miền hương Tết
    Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:39pm
Những miền hương Tết
Gia Hưng

Tết về trong những miền hương. Hương bánh chưng, hương hoa đào, hoa mai, hương mực tàu của ông đồ cho chữ... Một cuộc dạo chơi trong ký ức, trong hương Tết xưa và nay...

Như bao buổi sớm, trên đường tới công sở, tôi vẫn miên man suy nghĩ và nhìn tìm vẩn vơ. Và rồi bất chợt nhìn thấy dòng chữ được viết bằng phấn mầu trên nền giấy trắng nhạt: Nhận gói bánh chưng Tết.

Ô, sắp Tết thật rồi! Tết đã rất gần! Dòng chữ Nhận gói bánh chưng Tết cứ ám ảnh, gợi lên trong tôi những cảm xúc mơ hồ, xưa cũ về Tết, về bánh chưng...Hồi khốn khó, cùng với thịt mỡ, dưa hành, cân thịt phân phối, bánh chưng chiếm một vị trí quan trọng trong ngày Tết của nhiều gia đình. Thậm chí, bánh chưng Tết phần nào còn là thước đo “chất” sống của từng nhà.

Nhà khá giả thì gói nhiều bánh. Còn nhà khó khăn chỉ mươi mười lăm cái là cùng. Không kể gói nhiều hay ít, giàu hay nghèo, cái để lại trong tâm trí tôi và bạn bè cùng trang lứa chính là lúc ngồi quây quần bên bếp lửa hồng từ chiều cho đến đêm ba mươi trông nồi bánh chưng, thấp thỏm chờ đón giao thừa. Bên nồi bánh đang sôi, tôi thường mơ tới những ngày tháng tốt đẹp, chí ít là cơm đủ ăn, áo đủ mặc.

Rồi ngày đó đến, đất nước đổi thay, đời sống kinh tế được cải thiện, kỷ niệm đẹp thời ấy...chỉ còn là kỷ niệm. Bánh chưng, giờ đây không còn là thứ “chủ đạo” trong thực đơn ngày Tết, vì đã có rất nhiều thứ ngon hơn, đẹp hơn, sang trọng hơn. Có vẻ như, bánh chưng bây giờ chỉ là có để gọi là ra cái không khí ngày Tết. Vì người ta ăn bánh chưng cả năm cơ mà! Cuộc sống thời công nghiệp hối hả, bề bộn, nhiều gia đình đã không còn thời gian để gói bánh, nếu có chỉ gói dăm ba cái là đủ. Nên trước Tết mấy hôm cứ kiếm một chỗ chuyên gói, luộc bánh chưng và đặt ít tiền...Thế là ổn. Bánh chưng... Dù sao cũng vẫn là hương vị ngọt ngào của Tết.

Rồi một buổi khác, sau Tết ông Công ông Táo, có bạn nhắn tin rủ về quê đi chơi chợ Tết. Chợ quê được “quy hoạch” trên một bãi cỏ rộng, hai bên là hai dãy nhà cấp 4 cũ kỹ thông thống không có gian, mà cũng chẳng có cửa, để mặc cho gió lùa, Ở chợ Tết quê, cái tôi tìm không phải là những thứ hàng ngày người ta bán, mua kiểu như: quần, áo, dày, dép, xoong, nồi, cuốc, xẻng, ti vi, tủ lạnh hay mấy thứ hàng xa xỉ khác - nếu có, mà cái tôi cần là thứ đơn giản hơn, hồn hậu hơn, “quê hơn”. Tôi đi tìm nét xưa cũ đã lâu không còn thấy tại chợ Tết thành phố hoặc thị xã

Soạn:%20HA%201035821%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này
Ông đồ và ngày Tết

Kia chăng? Ở một góc chợ nằm sát bờ mương cái, có nhiều người tụ tập tò mò, hí hửng, say sưa ngắm nghía gì đó. Một ông già đầu đội khăn xếp, mặc bộ quần áo nâu sòng, râu bạc trắng đang mê mẩn viết chữ Nho, chữ Hán. Nhìn đôi tay nhỏ nhắn, gân guốc ấy chấm mực, nhẹ nhàng phẩy những nét chữ trên nền giấy hồng mỏng mảnh mới điệu nghệ, mới tài hoa làm sao. Chữ cụ viết vẫn là những chữ từ đời nảo đời nào nhưng giá trị giáo dục, thẩm mỹ của nó thì luôn mới, đến mức người thành phố mấy năm nay lại thích treo trong nhà: Tâm, Phúc, Đức, Trí, Lễ, Nghĩa...Chữ cụ vừa bán, vừa cho. Bán là để lấy chút tiền mua quà, mừng tuổi cho cháu, chắt.

Ở thành phố, cứ mỗi dịp trước và sau Tết, tôi cũng đi xem chữ, xin chữ. Nhưng trong cái ồn ào, xô bồ của phố xá, việc xem chữ, xin chữ nó cứ chóng vánh, chợ búa làm sao ấy. Trong không gian quê kệch, thanh bình này, lòng tôi trống trải, thả tâm tư trong gió lạnh, theo nét phẩy của “người muôn năm cũ”. Chợt hình ảnh ông gợi lên trong tôi ông đồ già của Vũ Đình Liên thuở trước: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...

Rồi một ngày sát Tết, tôi cũng giành thời gian ra phố sắm Tết. Ra khỏi ngõ một chút thôi, tôi bị đắm ngay vào những dòng sông hoa muôn ngàn sắc thắm dập dềnh. Trong vô vàn hương hoa ấy, nổi nhất vẫn là hoa đào với đủ loại: đào bích, đào phai, đào rừng... Để đáp ứng thú chơi ngày càng cầu kỳ, đa dạng của người chơi, nhiều “quái kiệt về đào” đã kỳ công tạo ra các kiểu dáng lạ lẫm ở đào thế, đào gốc, đào hạt, đào thốn...Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc chơi là phải ướm được đào nở vào lúc giao thừa, hoặc sáng mồng một. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù thú chơi ngày càng đa dạng, nhưng tôi tin rằng đào vẫn là thứ hoa không thể thiếu trong ngày Tết của đa số gia đình Việt Nam - kể cả những gia đình không có dịp đón năm mới ở quê hương.

Soạn:%20HA%201035823%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này
Đường hoa đào. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau hoa đào là quất. Quất cũng vô vàn. Quất xếp thành hàng dài dọc hai bên hè phố. Quả quất căng, mọng với hai màu đỏ, vàng tạo thành một vệt dài lung linh ngoằn nghèo theo chiều cong, thẳng của phố như không có điểm đầu, điểm cuối. Chơi quất cũng cầu kỳ, một cây quất đẹp, ngoài giá trị vật chất, còn phải hội tủ đủ các yếu tố: quả xanh, quả chín, lá xanh, lộc nõn, hoa thơm. Thế mới có lộc!

Bên cạnh thú chơi hoa truyền thống như đào miền Bắc, mai vàng miền Nam, quất, lay ơn, thược dược, đồng tiền, đỗ quyên... quãng mươi năm gần đây, ngày Tết, người ta còn chơi cả các thứ hoa quý khác như phong lan, thủy tiên, hồng Đà Lạt, hoa lys...

Một chút hương ấy là chưa đủ, nó chỉ phần nào điểm xuyết thêm cho bức tranh phong phú, nhiều màu sắc của Tết, của mùa xuân... Mỗi người có thể tìm thêm những miền hương khác nữa, ấn tượng nhất gắn bó với những kỷ niệm sâu sắc của đời mình.   

  •  
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:42pm

THU TRANG.

Hương Tết miệt vườn

Bánh tét là một thực phẩm không thể thiếu trên cỗ bàn ngày Tết ở Nam bộ, nó hòa vào nhưng không mất hút trong hàng trăm thứ thực phẩm ê hề ngày Tết. Là bánh mà không giống bánh, là xôi lại chẳng phải xôi, là chè nhưng không phải chè...

Tại sao "kỳ" vậy? Không sao cả; vì nó chính là bánh tét, một loại bánh được làm từ gạo nếp, gói thành đòn rồi nấu. Bánh tét có đủ thứ nhân: đậu, mỡ, mặn, ngọt... và cả bánh không nhân.

Gói và nấu bánh tét ngày Tết...

Gói và nấu bánh tét là món nghề nữ công gia chánh; con gái miệt vườn những ngày cuối năm đâu có ai ăn không ngồi rồi, núp ló dưới tán mận hồng đào để lo làm duyên làm dáng. Càng kế cận ngày Nguyên Đán thì mọi công việc càng trở nên tất bật và bộn bề, vừa bỏ tay sên mứt là phải lo ngâm gạo nếp, rọc lá chuối... để gói bánh tét. Ông bà xưa có câu: "Học ăn học nói" thì đến "học gói học mở...". Gói bánh tét thì phải học nhiều thứ hơn nữa kia.

Học từ cách ngâm gạo nếp, nước để ngâm phải ấm khoảng 30 độ, muốn cho nếp có vị béo thì phải chao nếp với nước cốt dừa, muốn nếp thơm thì nấu nước lá dứa để ngâm gạo nếp, ngâm khoảng 4 giờ đồng hồ mới đem ra gói, rồi cũng phải tốn chừng đó thời gian bận tay, bận chân làm mấy thứ nhân cho bánh tét.

Đơn giản thì có bánh tét chay không trộn đậu, bánh chay trộn đậu đen, rồi bánh tét nhân chuối (bánh nhân ngọt); phải trộn chuối xiêm với muối hột và một ít đường trước khi gói vào trong gạo nếp. Bánh tét nhân mặn công phu hơn, phải chịu khó xách giỏ ra chợ làng, chợ xã... mà mua đôi ký mỡ chống hoặc thịt ba chỉ, ba rọi mang về lọc bỏ da rồi ướp một ít gia vị để thấm cho trong miếng mỡ, đỏ đỏ miếng thịt nạc thì nấu đậu xanh đã đãi vỏ đem ra tán nhuyễn, gói ngoài miếng thịt cắt dọc (tùy theo đòn bánh tét lớn hay nhỏ mà cắt miếng thịt cho vừa ăn).

Xong phần chuẩn bị rồi thì hò nhau mà gói. Bánh tét gói theo hai kiểu, gói đầu nem thì 2 đầu đòn bánh phải vuông góc, thẳng cạnh, còn gói thường thì đầu bánh sau khi nấu sẽ có hình tam giác... Quan trọng là phải gói cho khéo, đừng để méo nhân, lòi nếp, lộn đậu... người ta sẽ cười con gái miệt vườn không khéo tay. Rồi còn phải biết thắt nuộc dây bàng làm dấu, để biết bánh nào là nhân mặn, nhân ngọt hay bánh chay... Gói vừa tay thôi. Đừng quá lớn đến hàng ký nếp, cũng đừng quá nhỏ không đầy một lon gạo nếp một đòn, để còn cắt khoanh vừa miếng.

Ngày xưa (khoảng 3 thập niên về trước) người ta nấu bánh bằng trã, một loại nồi đất nung, tròn lẳn, không có quai), chứ không nấu bằng thùng nhôm, nồi gang như bây giờ. Nấu bánh bằng trã, lửa táp lên tới miệng nồi, cuốn vòng theo chiều cong thành nồi đỏ rực đêm 29 Tết, nhìn đã con mắt mà bánh lại ngon. Nhưng đừng có tưởng cứ đẩy lửa, lùi củi cho nó cháy lên, là nồi bánh sẽ ngon.

Nhớ đừng có ngủ gục, phải canh lửa cháy đều, nhét, ém kỹ miệng trã, không để "hớt hơi" ra ngoài, cứ khoảng 2-3 giờ sau khi nổi lửa thì mới được trở bánh cho lớp trên, lớp dưới chín đều, không có đòn bánh nào bị "nín" (một kiểu nếp không chín, còn sượng sượng ở đầu đòn bánh). Nếp mà "nín" thì bánh rã bèn, ăn vào xừng xực coi chừng bị đầy bụng nữa là. Cho nên con gái miệt vườn không ngại khô môi, đỏ má vì háp lửa mà chỉ sợ mắc cỡ đỏ mặt với thực khách vì bánh "nín khe"!

Bánh tét trên cỗ bàn...

Sau khi đã vớt bánh tét treo lên sào tầm vông; chay, mặn, ngọt... có đôi, có cặp, lửa đã tàn, trã đã úp... thì trời đã đâm mây ngang, ngôi sao mai cũng chừng lấp lánh trên đọt mận.

Vậy là chuẩn bị mâm, bàn để rước ông bà sớm. Lại phải tất bật với nồi thịt lợn kho tàu, săm soi lại hũ dưa kiệu, dưa sả; xắt thêm mấy cây cải chua, gói vài cuốn gỏi tép bạc, thịt phay (nhớ để lòi "râu hẹ" ra ngoài cuốn gỏi, coi cho hấp dẫn). Pha chén nước mắm tỏi ớt, xắt vài miếng ruột khìa, phá lấu... Bấy giờ đi lấy bánh tét mỗi thứ một đòn mang vào. Và lúc này phải "học mở".

Người miệt vườn không dùng dao để cắt bánh trên thớt mà chỉ cắt một đầu dây ngoài, sau đó thì gỡ bỏ dây thắt, chừa lại một sợi dây bàng chín dẻo, rồi lột lá từng lớp, từng đoạn... rồi cảm phiền người bạn mới đến cầm giúp một đầu sợi dây bàng, còn mình với đôi tay con gái, khẽ khàng một tay cầm bánh, một tay vòng sợi dây bàng mà thắt, bánh tét chín đều rất dẻo, ngon... sẽ đứt ngọt lịm từng khoanh, từng khoanh.

Hãy nhìn 3 loại bánh tét đã cắt khoanh, ra đĩa, sắp chung trên mâm cỗ. Kia có phải là nhụy mãn đình hồng? Xin thưa, đó là nhân bánh tét chuối, cái màu hồng hồng, tia tía lẩn khuất giữa đám mây nếp bàng bạc trắng, và nổi lên trong màu lá non vành ngoài của khoanh bánh tét.

Còn đây khoanh bánh tét nhân mỡ, cái màu trắng trong của miếng nhân mỡ nằm giữa khuôn vàng của lớp đậu xanh bọc ngoài như hào quang của bóng đèn hạt đỗ, như tâm hồn người dân đồng nội tròn trẻo, ấm áp tình đời.

Loại bánh tét thứ ba là bánh tét chay đậu đen. Những hạt đậu nổi bật lên một cách ấn tượng, đó là bức tranh siêu thực gói gọn trong mỗi khoanh bánh tét.

Ăn bằng mắt là nghệ thuật ẩm thực không thể không có ở miệt vườn, nhất là trong những khoảnh khắc giao thời được thưởng thức sự nhàn tản hiếm hoi qua một năm dài chân bùn tay lấm.

 

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:43pm
Hương Tết giữa đồng      

(Baobinhdinh) 

Tối mùng Ba, có khi chỉ mới tối mùng Hai tết, bọn nhỏ chúng tôi chơi tết chưa đã, vẫn còn mặc bộ quần áo mới, pháo chuột còn đầy túi chưa đốt hết, đã nghe ba tôi dặn: "Sửa soạn sớm mai tết bò". Tôi biết vậy là hết Tết, phải theo người lớn ra đồng rồi.

Tết bò phải khiêng bàn ra sân, bày gần phía chuồng bò để cúng. Trong các món bánh trái, thì không thể thiếu bánh tét. Má tôi đã gói riêng bánh tét cho bò, mỗi con được chia phần một cái. Cả mấy con nghé cũng có phần, gọi là bánh nghé. Bánh nghé thì nhỏ hơn, chỉ bằng phân nửa bánh lớn. Chờ ba tôi khấn vái xong, tôi với anh tôi lục ra xấp vàng mã, thi nhau phết bột vào giấy vàng rồi dán lên sừng bò, mỗi con cũng được một miếng. Mấy nghé con chưa có sừng thì được dán ngay giữa trán, mắt chúng cứ tròn xoe không biết cậu chủ làm gì.

                   Đồng quê. Tranh của Nguyễn Xuân Bình

 

Thường tết bò xong, là ra đồng cắt lúa. Người lớn quảy thúng gióng đi trước. Bọn nhỏ lùa bò theo sau. Đứa nào cũng tranh thủ xí phần để đeo trên vai một chiếc bánh nghé cột bằng dây chuối. Cho oách. Mấy con bò đứng lâu trong chuồng rần chân, giờ lồng lên nhảy rửng mỡ, ù ò gọi nhau. Hăng nhất là mấy con bò đực mới phát ụ ngứa sừng, cứ giáy đầu vào mấy bụi cây. Chỉ vài lần vậy là tờ giấy vàng mới dán khi sáng rơi ra. Thế là tôi không kiềm được, phải quất cho chúng mấy roi.

Ruộng lúa đang chín ở bên kia sông, trên cánh đồng mênh mông giáp tận chân núi. Hồi đó, ruộng 2 vụ lấy nước từ mương dẫn thủy còn ít. Nhà tôi cùng bà con trong xóm phải làm thêm ruộng 1 vụ, còn gọi là ruộng nước trời. Tôi nhớ mấy năm còn làm lúa gòn, thứ lúa cao đến ngực người lớn, chúng tôi đánh trận giả còn núp vào đó được. Giống lúa này giờ tuyệt giống. Ruộng nhà tôi làm không nhiều, nhưng ba tôi thường kêu cô bác chú dì, có người ở tận miệt biển, về cắt phụ. Đến trưa là vui nhất. Má tôi bưng thúng thức ăn gánh theo hồi sáng bày ra chiếc nia tròn vốn dùng để giê lúa. Mọi người nghỉ tay ngồi quây lại. Có mấy người trong xóm ở mấy đám ruộng chung quanh cũng được mời đến ăn cho vui. Nia thức ăn có đủ thứ: thịt, dưa, bánh tráng, cốm mứt... Ai cũng gật gù rằng: Hôm nay ăn thế này mới ngon. Mấy bữa tết làm nhiều món quá, thấy cái gì cũng ớn. Hương tết trong bữa ăn giữa đồng ngất ngây mùi lúa chín, trong tiết trời nắng ấm đầu xuân, nghe thật rộn rạo.

Xế chiều mấy anh chị thanh niên làm hăng hái hơn cả. Đấy là họ muốn xong việc sớm để về chuẩn bị coi hát. Mùa tết nào, cũng có đoàn cải lương về xã diễn. Mới nửa buổi chiều, tiếng loa rao hát di động từ xóm ngoài đã vọng vào tiếng được tiếng mất. Mọi người dỏng tai lên đoán sẽ diễn tuồng gì, nhưng đoán mãi chẳng ra. Bọn nhỏ chúng tôi cũng dỏng tai thích thú không kém gì các anh chị lớn. Mấy anh chị lớn đi coi hát thì ít nhưng để tán tỉnh hẹn hò thì nhiều, còn bọn tôi chẳng mấy để ý chuyện tuồng tích lâm ly, ai ca thanh ca mùi, mà chỉ khoái mấy màn đánh võ đánh kiếm...

Quê tôi bây giờ không còn mùa lúa chín sau tết. Cánh đồng ngày xưa từ lâu đã thành ruộng hai vụ, đồng mía và những xóm làng ấm áp. Cái cảnh đồng không mông quạnh để thả bò đàn gần ba mươi năm trước biến mất không để lại một dấu vết nào. Như thể nó chưa từng có vậy. Tôi về chúc tết, bà con ai cũng kể chuyện cắt lúa tết ngày trước. Bọn cháu tôi tủm tỉm nháy mắt với nhau, buồn cười nhỉ, chắc là chú quá chén! Dân thành phố rặt ri cũng bày đặt kể chuyện cổ tích nhà quê.

Ừ thì buồn cười. Vừa cười, vừa buồn.

 

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:47pm

echcom

HƯƠNG TẾT


Tết đã về đây em biết chăng
Chung quanh không có những mai vàng
Nắng hong chẵng thấy trên phố lạ
Tết của quê hương, cảnh dửng dưng

Nhưng lòng ta vẫn thoáng bâng khuâng
Hình ảnh ngày xưa vẫn ngập lòng
Thắp những nén hương trong năm mới
Xứ người ăn Tết, nhớ quê hương

Tết đã về đây giữa tuyết đông
Miếng mứt, trà sen tạm ấm lòng
Say sưa kể chuyện xuân năm đó
Bạn bè đóng góp vạn nhớ nhung

Chắc mai xin nghỉ việc một ngày
Cùng em ăn Tết đến hôm nay
Cầm tay em chúc nhau năm mới
Có em, như Tết có cành mai
 
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:51pm

Vui như Tết, ngày ấy...

Khi mùa xuân đang về trên hoa mai, hoa cúc vàng thì nơi đây mùa đông vẫn ru ngủ những cành cây anh đào khẳng khiu, trụi lá. Khoảng thời gian này, ở đây, tuyết trắng một màu đất và mây xám một màu trời, ba má ạ.

Vậy là năm nay con đón cái Tết thứ tám xa nhà. Những bận rộn, lo lắng cho một mùa tốt nghiệp không đủ mạnh để dìm đi phút chạnh lòng khi biết giao thừa sắp về bên ấy. Nơi đây, người ta không ăn Tết Nguyên Đán như mình, xung quanh chỉ một màu lạnh lại làm tăng thêm nỗi tê tái của kẻ tha hương. 

Du học sinh tụi con thức khuya hơn, chỉ để thang thang trên mạng tìm chút không khí Tết. Sau những giờ học, những giờ làm thêm vất vả, một cành mai vàng lung linh, một tin về Tết ở đâu đó trên đất Việt từ những trang báo Xuân điện tử của quê nhà đủ để xoa dịu một ngày mệt nhọc. Bức ảnh bánh chưng xanh bên nhành mai vàng đủ để kéo xuân về trong căn phòng nhỏ. Tết ở rất xa nhưng lại rất gần. “Nắng xuân hồng về nơi nơi. Nhớ ai còn xa cách phương trời…”, câu hát xuân ru con vào giấc ngủ, đưa con về tuổi thơ êm đềm. Kí ức của những mùa xuân quay quần bên nội, bên ba má, bên người thân. Tết với con là bếp lửa hồng với câu hát “trông bánh chưng chờ trời sáng”.

Gói bánh chưng

Ngày ấy, nhà nội rộn ràng chuẩn bị gói bánh tét, bánh chưng. Con biết Tết đang rất gần khi nội bảo: “Con bắc ghế ra tước hết lá hai cây mai trước nhà cho nội”. Rồi nội móm mém nhai trầu, nhìn ba và chú gói bánh. Nhà mình ngày ấy gói hai loại bánh chưng, bánh tét. Con thì chỉ mỏi mắt chờ cho ba và chú gói hết bánh, mong sao dư chút nếp, chút đậu xanh để gói cho mình một cái bánh ú nho nhỏ.

Mùa xuân năm sau, nội biết ý, hay để phần cho con nếp, đậu xanh và lá chuối để con tha hồ gói. Khi nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa cũng là lúc mắt con díu lại vì buồn ngủ. Nội cười, xoa đầu: “ Cha mi, đi ngủ đi, hồi mô bánh được nội gọi dậy cho”.

Hương Tết của con bắt đầu từ mùi bếp lửa của nồi bánh chưng, bánh tét và ẩn trong đó là nụ cười hiền của nội. Nội dạy cho con biết được “vui như tết” quanh nồi bánh. Nhưng rồi nội cũng dạy cho con biết “tết không nội” buồn như thế nào khi nội đi xa ngày ông Táo về trời mùa xuân năm ấy. Và rồi nơi đây, con biết Tết đang về khi nhìn lịch biết sắp đến ngày giỗ nội.

Nội dạy cho con biết nguồn biết cội không từ những mỹ từ mà chỉ từ nồi bánh chưng, bánh tét ngày Tết, từ gốc mai già trước nhà. Con thầm cảm ơn nội, cảm ơn nước Việt mình. Có là người Việt, con mới biết chỉ là hình ảnh của một nhành mai vàng cũng đủ làm ấm lòng người xa xứ. Có là người Việt con mới biết “vui như Tết”, biết hạnh phúc của giờ phút “trông bánh chưng chờ trời sáng”. Có là người Việt con mới biết phút ấm cúng của gia đình quây quần bên mâm cỗ giao thừa. Ôi, Tết Việt ta là nguồn cội, là bao trùm của một nền văn hóa Việt Nam đẹp đẽ. Chỉ một mùa xuân xa nhà này nữa thôi, xuân sau con sẽ gói bánh tét, bánh chưng cùng ba má. Nhớ lắm Tết Việt ta ơi! Thương lắm, Tết Việt ta ơi!

Pham.T.Hanh Tran
Graduate School of Science and Technology
Kobe University (Kobe-Japan)

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 8:54pm
Mùi hương tết

Cứ vào độ thượng tuần tháng 12 âm lịch hàng năm là trong đất trời đã thoang thoảng mùi hương tết. Mùi hương tết rất phong phú và đa dạng, điều lý thú ấy khiến cho ta háo hức muốn đón xuân sớm.

Mùi ta được ngửi thấy đầu tiên là mùi sơn vôi quét nhà, lạ thay thường ngày nghe hăng hắc, rất dễ gây dị ứng khó chịu, thế sao hôm nay lại thấy hay hay, rồi thêm mùi vẹc-ni sơn bàn ghế cho sạch đẹp, bóng loáng ngày nào đáng ghét, khó ưa nay lại thấy dễ chịu, thơm nồng, thì ra tâm trạng con người có ảnh hưởng trong việc cảm nhận mọi vật thật.

Xuống bếp thì có mùi chua chua thanh thanh của gạo nếp ngâm để gói bánh chưng, bánh tét, xen lẫn với mùi ngai ngái của lá dong, lá chuối cho ta cảm giác về một sự bộn bề, rộn ràng, hân hoan của một công đoạn chuẩn bị đón tết.

Ra hiên ngoài ngửi thấy mùi nồng thơm của hành kiệu ngâm dấm chua ngọt, mùi nắng phơi đu đủ, cà rốt, su hào làm dưa món. Vô bếp nghe mùi hăng hắc của măng khô luộc dành hầm giò heo nấu cúng ông bà tổ tiên, chưa cúng mà con cháu đã ngong ngóng muốn hưởng.

Thịt heo được chế biến thành nhiều món và mỗi món có một mùi riêng, thịt heo để quết làm nem chả tré có mùi ngất ngây, thịt heo luộc để dầm nước mắm thì mùi lại ngây ngây.

Huế nhà nào làm món thịt dầm là nay từ đầu ngõ và khắp các gian nhà lan tỏa nưng nức mùi nước mắm, thường làm xong món này các bà nội trợ phải cẩn thận làm vệ sinh thân thể và nhà cửa.

Chiều chiều, thấp thoáng trong không gian có làn khói bếp bay bay và mùi khói củi lửa của nồi bánh chưng đang sôi sùng sục khiến ta vừa bâng khuâng, vừa náo nức dạt dào mà chẳng hiểu vì sao. Hình ảnh cả nhà quây quần bên bếp hồng nghe tiếng lửa cười tí tách gợi lên cái hồn dân dã thiêng liêng của quê nhà ấm áp, đoàn viên.

Hấp dẫn nhất và thú vị vô vàn là mùi đường ngọt thơm của chảo mứt mẹ làm, ngồi học bài nhà trên mà mũi cứ chun chun lại hít lấy hít để mùi thơm thơm của các loại mứt, mỗi mùi thơm đều có sự thi vị khác nhau, mùi nào cũng khiến cho ta thèm rõ dãi, chưa được ăn lòng lại càng háo hức thêm.

Chao ơi, mùi thơm của bánh thuẫn mới nức mũi làm sao, chỉ mới nghe mùi thơm từ nhà hàng xóm bay sang cũng đã thấy xao lòng, tết ơi mau đến!

Có một mùi hương làm cho ta bâng khuâng, ấy là hương hoa trong vườn nhà, hoa báo hỉ lan ngọt ngào, hoa hồng thơm ngát, hoa mai dịu dàng, hoa huệ thanh khiết ai mà khỏi ngẩn ngơ, có khi hồn xiêu phách lạc nữa...

Mùi thơm khó diễn tả bằng lời mà chỉ có thể hiểu từ sự sâu sắc của cõi lòng, một mùi thiêng liêng hương trầm, đặc biệt vào đêm giao thừa, giữa buổi giao thoa cũ - mới của đất trời, xốn xang-kỳ diệu-âm dương gần gũi thân thiết.

Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày - hân hoan ba ngày tết, không hiểu sao khi thoáng nghe mùi hương lòng ta lại bồi hồi xúc động, cảm giác năm nào cũng như mới lần đầu, mỗi năm mỗi mới, lòng luôn đầy ắp cả sự sung sướng thích thú vui vẻ và tràn trề hạnh phúc.

Ôi mùi hương tết!

 TIỂU KIỀU

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 9:20pm

HƯƠNG TẾT ĐẠI NGÀN

Sau khi mùa gặt hái đã hoàn tất, các lễ hội bỏ mả, đâm trâu, Tết cơm mới, Tết giọt nước, Tết lửa... diễn ra suốt mùa khô ở Tây Nguyên. Người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông, Xơđăng, H're... đều tổ chức Tết riêng, và ẩm thực lễ hội Tết của các dân tộc ở Tây Nguyên thật ra đều gần giống nhau, đặc biệt là món thịt nướng, cơm lam và không thể thiếu rượu cần.

Có dịp ăn Tết ở Tây Nguyên, thưởng thức những món ăn đặc trưng của Đại Ngàn và lâng lâng bên chóe rượu cần của nhà Rông, bên ngọn lửa bập bùng giữa âm thanh của cồng chiêng sẽ là một kỷ niệm thật khó quên.

taynguyen.jpg
Đọt bí giã với thịt gà

Dịp Festival cồng chiêng Tây Nguyên vừa qua tại khu du lịch sinh thái Bản Đôn ở Đắc Lắc, những đầu bếp buôn làng người Ê Đê đã giới thiệu những món ăn mùa lễ hội rất ấn tượng với những ai lần đầu tiên thưởng thức.

taynguyen5.jpg
Măng chua xào thịt gà, rau hát và đậu phộng

Đầu tiên là những món nướng đơn giản thịt không tẩm gia vị nào ngoài muối như gà nướng, heo nướng (loại heo mọi thịt thơm, ít mỡ, mỏng da) ăn với cơm lam ngon tuyệt. Kế đến là những món được chế biến công phu từ các loại rau rừng, măng rừng, nám Mmao agha, mật ong các loại rau thơm, rau vườn, hoa bí cà.. cùng các loại thịt (bò, trâu, heo, gà...).

taynguyen1.jpg taynguyen3.jpg taynguyen2.jpg
Rau hát và đậu rồng hấp Cơm lam, thịt nướng Gỏi thân chuối non và thịt gà nướng

Đặc biệt món thịt cầy nướng bóp với mật, riềng, gừng và các loại rau thơm trên cả tuyệt vời, món thịt heo bằm trộn với trứng gà, nhồi chặt vào ống lồ ô sau đó đem nướng trên bếp, ngon và lạ miệng hay món cá trê um với ngò gai, hành, ớt, gói trong lá chuối bỏ vào bếp than vị lại đậm đà lại phảng phất chút hoang sơ của lá chuối tươi, tro khói...

taynguyen4.jpg
Thịt chó bóp mật và rau thơm, gừng, riềng, lá cam, ngò gai

Sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị khác khi bạn đến với ẩm thực mùa lễ hội tết ở Tây Nguyên, chẳng hạn như món rau hát (theo tiếng Ê Đê có nghĩa là the) vị chát và the, càng nhai vị the càng đậm đặc có thể tê cả đầu lưỡi. Loài rau rừng này còn được người dân tộc dùng làm vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp.

Tin Tuc

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2008 lúc 9:29pm

.

 

...Xuân nầy có phải là xuân cuối

Đất khách quê người buốt lạnh căm

Đất nước thanh bình, bao mong đợi

Nhìn xuân về thật với tháng năm

.

THY  LAN  THẢO
(Trich "Cũng vẫn mùa Xuân"- Thi tập "Vết khắc nửa đời")

 

.
Thái Kim Lan.
"Năm nay sẽ về nhà ăn Tết"

Kể từ đã mấy mươi năm xa quê, câu nói ấy hầu như hàng năm được tôi lặp lại, mỗi khi những ngày cuối của tháng 12 bên ni dương lịch lụn dần, theo với mùa tuyết đổ, rồi cũng theo với trận gió thổi tuyết tan bất ngờ, cảm giác mơ hồ như có ai đến sau lưng gõ nhẹ trên vai nhắc nhở rằng bên nớ năm tháng âm lịch cũng đang nghiêng mau, Tết nay mai sắp đến

Có khi tôi nói câu ấy âm thầm, như căn dặn với mình hay như vỗ về một cái tôi tưởng đã mất hút trong vô thức hồi nào đang lững thững trở về  từ một nẻo rất xa, mà hình như nẻo xa ấy chính là con đường đã đi những ngày Tết của tuổi thơ. Có khi tôi nói câu ấy như một lời bâng quơ, ai nghe được thì nghe, có khi câu ấy bỗng trở thành như một lời tuyên bố công khai quả quyết rằng, việc về nhà ăn Tết của tôi là nghiêm trang cần phải thực hiện cho bằng được. Ấy vậy mà những mấy mươi năm đã trôi qua, nhiều lần trở về quê, trong năm có khi hai lần, tôi vẫn vụng về tính ngày tháng làm sao mà cứ hụt hoài cái Tết, đến nỗi chưa được ăn “nó” một lần ở nhà. Nói ra thì mọi chuyện đều lơ mơ, chẳng có cái chi là xác quyết, đến nỗi đã nhiều chuyến định về ăn Tết hóa ra nửa chừng xuân, trở thành chuyện nực cười cho thiên hạ và cả cho người thân. Mơ hồ lắm! Mà quả thật là mơ hồ chỉ nội cái chữ “về nhà ăn tết” ấy. Con tôi sẽ bảo “thì nhà mạ ở Muenchen đây nì”, ăn Tết ở đây cũng là ăn Tết ở nhà, chớ có đi mô xa, nhưng rồi chính con đọc thấy trong mắt mẹ một nỗi ngờ, e chữ “nhà” ấy tuồng như là một cưỡng bách, vì nó chỉ đúng với mẹ một phần, phần bên kia đại dương cũng là nhà mẹ, dù bao nhiêu người thân đã ra đi. Cứ thế “cái nhà” treo lơ lửng lưng chừng, đến nỗi lắm chuyến về ăn Tết thành ra dở dang... cũng vì cái nhà nọ níu kéo cái nhà kia... mà thành ra lỡ chuyện.

 
 Phạm Bá Thịnh

Cái nhà đã lơ lửng thinh không... thì “ăn Tết” ở đâu mới là nhà? Hay “ăn Tết” chỉ là một thứ mộng triệu, một ước mơ của những người xa quê?    
Thật tình, hai chữ “ăn Tết” hình như đối với người xa quê có một điều chi lạ lùng, hai chữ ấy không phải đơn giản chỉ là “ăn” như ăn cơm, ăn kẹo, ăn bánh.., một khi ăn xong, thưởng thức xong, được no, được thỏa là có thể quên, bụng dạ và đầu óc thảnh thơi có thể nghĩ đến những bận bịu bổn phận này hay công danh khác. Chúng cũng không có nghĩa bóng của những thứ ăn tạp kiểu ăn gian, ăn tham như ăn hối lộ, ăn bớt, ăn xén, ăn vụng... ăn xong là phải giấu giếm hoặc phải xấu hổ, hay đi sám hối vì cảm thấy tội lỗi đã lỡ phạm vào những cuộc ăn như thế (có người sẽ mỉm cười nói thời kinh tế thị trường này ai có thì giờ đi sám hối, nhưng... đó cũng chỉ là chuyện kinh tế thị trường!). Ở mỗi thứ ăn nói trên, đối tượng ăn cụ thể, được định hình bằng hiện vật rõ ràng, dù phẩm chất ăn khác xa nhau một trời một vực, trong lúc hai chữ ăn Tết đối với người xa quê thường có những âm vang bí nhiệm kêu gọi một sự quay về, một hồi hướng hầu như không thể gọi được gọn ghẽ một tên chính xác, bởi vì chúng nói lên nhiều thứ, nhiều điều, đến nỗi nếu ta thử nói lên một điều nào là lập tức đã thấy thiếu điều kia, vừa kể xong điều này là đã thấy ngay chưa vừa, chưa đủ điều nọ... cho nên... mới gọi là ăn... Tết: ăn cả một cái Tết nhưng ăn gì nơi cái Tết ấy? Chữ Tết nghe như nhiều, nhiều lắm, nhiều đến “ăn” không hết mà lại “ăn” mấy cũng chưa vừa cho những kẻ xa quê, nó vượt lên trên mọi thứ “ăn” thường tục để đến nỗi có thể trở thành thiêng liêng như một thứ đi mà chưa đến, một kiểu hành hương...
Dĩ nhiên mỗi khi xuân về Tết đến, người xa quê nào cũng ráng “ăn một cái tết” ra hồn ngay trên mảnh đất tha phương mà mình đang sống, dù ở nơi hẻo lánh hay nơi chốn phồn hoa tấp nập, dù trong trại tị nạn, ngay cả trong ngục tù, trong căn phòng chật chội hay trong căn nhà rộng lớn, một mình hay với bạn bè đồng hương, lắm khi đầy đủ lễ nghi rình rang còn hơn ở quê nhà, cũng chợ hoa, cũng thiệp chúc Tết tưng bừng, cũng hội chợ ngày xuân, có khi cả bài chòi bài tới, bầu cua cá cọp... Và họ có thể ăn lu bu, ăn kỹ lưỡng, ăn đến nơi, đến chốn, cái gọi là “cliché” ngày Tết, đại khái như “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh...”, và lắm khi cũng “ăn” luôn những “câu đối đỏ”, “nêu cao” ngất nghểu, “pháo nổ” giòn giã nơi những góc trời



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 01/Feb/2008 lúc 9:38pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 02/Feb/2008 lúc 3:28am
Cám ơn thầy phù thủy Hoàng Ngoc Hùng đã chọn dùm những bài về Tết rất đặc sắc. PT muốn tìm đọc những bài này nhưng không có thì giờ đi kiếm trong báo Xuân, nay tìm được và một lúc những 8 bai`luôn cả hình ảnh nữa , quá là vui sướng. Xin cảm ơn thầy thật nhiều.
PhanThuy-CA
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.191 seconds.