Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 72 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 14/Aug/2014 lúc 10:42am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23663
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Aug/2014 lúc 11:34am
Tuổi già tha hương
 

clip_image001
Người già sống ở hải ngoại không phụ thuộc con cháu về tài chính vì phần đông được tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng. Số tiền này không nhiều nhưng nếu biết gói ghém hai vợ chồng già có thể sống thoải mái, và còn dành dụm được chút ít gửi về cho thân nhân bên nhà khi cần...

Cái thật sự là rào cản giữa họ và thế giới bên ngoài, làm chậm khả năng hội nhập của họ với cộng đồng chính là ngôn ngữ để giao tiếp. Nhiều người lớn tuổi không thể tự mình lái xe một mình nên phải nhờ vào con cháu...
Do vậy, ở xứ người tuy là văn minh hiện đại nhưng cuộc sống của người cao niên thường chỉ gói gọn trong bốn bức tường của căn nhà, dẫu có tiện nghi cách mấy chắc cũng không bù đắp được cái “quyền” được nói và đi lại của họ!
Dì tôi năm nay ngoài 70, chồng mất, hồi mới qua Mỹ dì bảo rằng: “Ngồi đâu khóc đó!”. Giờ dì cũng đã quen với cuộc sống bên này, mỗi ngày con cháu đi làm hết chỉ có mình dì với cái võng và những đĩa cải lương chất đầy trong tủ. Cuộc sống của dì cũng không có gì khác mấy so với hồi ở VN, dì không ăn được pizza, hot dog hay hamburger... Sống ở Mỹ gần 20 năm nhưng chưa bao giờ dì đặt chân vào một cửa hàng fast-food nào cả. Dì có đông con cháu nên năm nào họ cũng thay phiên đưa dì về VN ăn tết; bởi họ biết nếu không về được thì dì sẽ buồn và bệnh suốt cả một năm!
Tôi biết có hai vợ chồng già sang Mỹ theo diện HO ở tuổi ngoài 60. Tất cả con cái của họ đều ở lại VN vì đã trên 21 tuổi! Người chồng hồi mới sang được chính phủ giúp tìm được việc làm, còn người vợ lớn tuổi nên chỉ ở nhà giữ trẻ cho những gia đình người Việt gần đấy để kiếm thêm thu nhập.
Hai vợ chồng già sống hết sức tiết kiệm, những vật dụng họ xài đa số được tái sử dụng từ những nhà lân cận mang về mà tiếng bình dân gọi là “rác”. Từ cái máy hút bụi, lò vi ba, cho đến bộ bàn ăn, chiếc giường... đều từ thiên niên kỷ trước còn sót lại! Nhưng thật sự họ không nghèo chút nào! Ở Mỹ hơn mười năm, họ đã xây cho mỗi người con một căn nhà khá khang trang ở miền Trung quê họ! Họ bảo sẽ cố gắng làm và dành dụm một thời gian ngắn nữa để xin hồi hương về VN sống với con cháu. Ở xứ người bao năm họ mới thấm thía hết nỗi cô độc của tuổi già khi phải sống tha hương!
Có biết bao người lớn tuổi đã chết ở xứ người nhưng họ lại muốn được trở về yên nghỉ tại quê nhà. Một số không ít đã trăng trối với con cháu sau khi mất phải đem tro của họ rải ở biển Đông để họ được trôi về đất mẹ một mình. Chết là coi như đã hoàn tất một chu kỳ của sự sống, nhưng trước khi chết là bệnh tật và đau đớn khôn cùng. Do vậy, chỉ có viện dưỡng lão (nursing home) mới có đủ các y, bác sĩ và máy móc tối tân điều trị người cao niên. Còn con cái, có thương cha mẹ cách mấy cũng chỉ đến thăm trong những khoảng thời gian nhất định rồi về, vì họ còn phải đi làm kiếm tiền để trả những núi hóa đơn hằng tháng!
Tôi nhớ đến mẹ tôi đang còn ở bên nhà nay đã ngoài 70. Nhiều lần tôi muốn bảo lãnh mẹ sang ở với chúng tôi cho bà đỡ nhớ con cháu ở bên này, nhưng kịp nghĩ lại mẹ sẽ làm gì từ ngày này sang ngày khác trong căn nhà của tôi? Mẹ tôi sẽ không thể tự đi tập dưỡng sinh mỗi sáng, không thể đi chợ, đi chùa, đi bác sĩ một mình. Mẹ tôi thích sự độc lập, nếu phải lệ thuộc vào người khác những việc bà hoàn toàn có thể làm tốt một mình như đang làm ở VN, thì chắc có lẽ mẹ tôi sẽ buồn lắm vì mặc cảm vô dụng...
Thôi thì hãy cứ để mẹ tôi ở lại quê hương với niềm vui tuổi già của bà, bởi tôi hiểu người ta có thể chết vì buồn trước khi thật sự chết vì bệnh!

THỦY NGUYỄN
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23663
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 28/Aug/2014 lúc 4:37pm
Một ngày ở Nursing Home
Hình minh họa
clip_image001
Thương những bà mẹ ở nursing home
"Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày..."
Sau ba tháng du lịch ở Mỹ về, những người quen hỏi tôi điều gì làm tôi tâm đắc nhất. Không chút do dự hay suy nghĩ, tôi trả lời: đó là cái Nursing Home.
Họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đề cập đến những địa danh nổi tiếng: như Las vegas, Hollywood, Disney-land, những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hoặc những cái Mall rộng lớn đi cả ngày chưa hết, những viện bảo tàng, những đại lộ thênh thang, chồng chéo lên nhau như những sợi mì....
Tôi đã hưởng một chuỗi ngày dài thật tuyệt vời,với biết bao điều mới lạ, hiện đại, tối tân mà từ trước đến giờ tôi chưa hình dung hay tưởng tượng ra nổi.
Thế mà khi trở về Việt Nam, tâm trí tôi chỉ còn lắng đọng một điều làm tôi ưu tu, trăn trở, ray rức: cái Nursing Home mà mẹ chồng tôi đang sống.
Chặng cuối cùng của chuyến du lịch, chúng tôi đã ở Los Angeles mười lăm ngày để thăm viếng mẹ chồng. Hằng ngày, chúng tôi phải chuyển hai chuyến xe bus, Garden Grove, Westminster, Bolsa và bao nhiêu đại lộ nữa mà tôi không nhớ hết tên, đưa chúng tôi gần trạm cuối cùng của lộ trình.
Chúng tôi phải đi bộ khoảng năm trăm mét để đến khu dưỡng lão của một tổ chức tư nhân. Đó là một khoảng đất rộng, nằm khuất sau đại lộ Hungtington hai con đường, cách bờ biển Hungtington chưa tới hai cây số. Một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, với hai hàng cây sồi đưa vào cái ngõ cụt.

clip_image002
Gồm ba dẫy nhà trệt, ghép thành hình chữ U, nó êm dịu với những cánh cửa sơn màu xanh da trời, nổi bật màu sơn trắng của những bức tường, với những khung kính to trong suốt, lịch sự và trang nhã, bằng những tấm màn voan trắng che rủ. Những khóm hoa hồng, cẩm tú cầu được trồng một cách mỹ thuật trước hàng hiên, dưới cửa sổ, tạo cảm giác vui tươi, hưng phấn khi ngồi trên bộ bàn ghế để phơi nắng hoặc hóng mát dưới tàng cây.
Khi vợ chồng tôi đến nơi, kim đồng hồ của phòng trực chỉ 8 giờ 30 phút, bác sĩ và y tá đang đi từng phòng kiểm tra sức khỏe cho các cụ già. Mẹ chồng tôi tươm tất, sạch sẽ trong bộ quần áo mới thay, nét mặt tươi tỉnh. Họ đã làm vệ sinh cá nhân cho bà từ sáng sớm, trước khi dùng điểm tâm. Mâm thức ăn sáng chưa dọn, còn để trên bàn. Cô y tá người Việt vào kiểm tra huyết áp, đo lượng đường trong máu, rồi rót nước, bỏ thuốc vào miệng bà, ân cần thăm hỏi.
Mẹ chồng tôi không còn nhiều trí nhớ để trò chuyện. Bà hờ hững trả lời những câu hỏi không chính xác, mạch lạc. Những ngày đằng đẳng ở đây đã làm bà trở nên câm lặng. Trái ngược với thuở sinh thời, bà nổi tiếng là người nói nhiều. Ánh mắt vô hồn, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà và tách biệt với cảnh vật chung quanh.
Thời gian đầu cách đây mười bảy năm, cô em chồng đã bảo lãnh bà sang Mỹ. Bà đã sống một mình trong một căn phòng mà chính phủ ưu tiên cho người già thuê. Ban ngày bà ở đó, chiều đến con cháu thay phiên đón về nhà ăn, ngủ, tắm rửa. Sáng hôm sau lại tiếp tục, như một em bé đi nhà trẻ, đều đặn từ tháng nọ sang năm kia.
Gần đây, do tuổi tác quá cao (93 tuổi), bà bị té gãy xương đùi, không thể đi lại được,và không thể tự lo vệ sinh cá nhân, nên cô em chồng sau khi bàn tính với các anh chị đã quyết định đưa bà vào đây. Anh em chúng tôi như bị dồn vào ngõ cụt, tiến thoái đều lưỡng nan. Khó tìm một giải pháp vẹn toàn, con đường nào cũng trắc trở, chông gai. Phải chăng là do số phận, do định mệnh hay do nghiệp lực? Cuối cùng phải tự an ủi và chấp nhận, đó là quy luật đời thường mà xã hội đặt ra để giải quyết.

clip_image003
Lúc chưa sang Mỹ, tôi rất có thành kiến không mấy tốt đẹp và phản đối việc đem gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Giờ đây tôi mới biết rằng tôi hiểu chưa thấu. Luật pháp ở đây không cho người già yếu và trẻ con ở nhà một mình. Thuê người giúp việc thì không có, hoặc rất là đắc đỏ. Con người ở đây chịu rất nhiều áp lực về công việc làm ăn, tiền bạc.
Để đáp ứng nhu cầu vật chất gọi là thiên đường của sự hưởng thụ, người ta phải đánh đổi bằng những món nợ khổng lồ, mà người ta truyền miệng nhau: "không mắc nợ không phải là người Mỹ", đánh đổi sự mất mát tình cảm, đổ vỡ hạnh phúc gia đinh, có khi luôn cả sinh mạng.
Những tấm gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu: "thờ cha sớm viếng khuya hầu" sẽ không có chỗ đứng trong thời khóa biểu của các người con ở thời hiện đại này. Chỉ có những viện dưỡng lão mới đáp ứng những lỗ hổng mà người con không thể lấp đầy được.

clip_image004
Ở đây, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sẵn sàng đáp ứng, giải quyết điều mình yêu cầu. Mẹ chồng tôi kêu đau bụng, là có ngay hai cô điều dưỡng người Mễ cao to, khỏe mạnh bồng bà đặt lên cái ghế dành cho người khuyết tật, đẩy vào nhà vệ sinh. Tiểu tiện thì tự do thải vào tả lót, đến giờ họ đi thay.
10 giờ sáng và 3giờ 30 phút chiều, các cụ được tập trung ở phòng giải trí. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp thứ tự quanh chiếc bàn dài. Họ tham gia những trò chơi đố chữ, chuyền banh, những trò chơi vận động tay chân, nghe nhạc, xem tivi, và kết thúc bằng bánh ngọt hay trái cây với nước giải khát.

clip_image005
11 giờ 30 và 5 giờ chiều các cụ tập trung ở phòng ăn. Những mâm thức ăn dư thừa năng lượng. Ai không thích ngồi tại đây, thì yêu cầu mang vào phòng. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp quanh cái bàn tròn. Bàn này có tám người, ba người đàn ông và năm người đàn bà.
Chỉ có mẹ chồng tôi là người Việt. Ông Mỹ đen trên bốn mươi tuổi, bị tai biến mạch máu não, tay không cử động được, nên người điều dưỡng phải đút cho ông và hai bà kế bên. Tôi đặc biệt chú ý đến một bà Mỹ trắng, tuổi trên độ "thất thập cổ lai hi", nét mặt thanh tú, dáng người thon nhỏ, mảnh mai. Thời con gái chắc bà được xếp vào hàng mỹ nhân. Đôi mắt to và buồn. . . . đôi mắt như biết nói, khi đối diện với một người nào.
Ngày đầu tiên, bà nhìn tôi cười và chỉ mẹ chồng tôi hỏi "tôi là gì". Tôi trả lời là “con dâu”. Câu chuyện giữa tôi và bà chỉ dừng lại ở những câu xã giao thông thường. Vốn liếng Anh ngữ nghèo nàn của tôi, không cho phép tôi tìm hiểu sâu hơn nữa. Hoặc nếu bà có tâm sự, tôi cũng không thể hiểu hết được.
Một bữa, tôi thấy bà không chịu ăn, bà ngồi trầm ngâm, rồi những giọt nước mắt liên tục tuôn trào trên gò má xanh xao. . .Bà khóc nức nở. Những người bạn cùng bàn an ủi, làm bà càng khóc to hơn. Tôi nắm tay bà, lau nước mắt và đút cho bà ăn. Bà vẫn khóc như một đứa trẻ. Liên tiếp ba ngày như vậy.

clip_image006
Hình minh họa Tôi được biết qua cô y tá người Việt, là lâu rồi con bà không đến thăm. Hình ảnh tôi đút cơm cho mẹ chồng, làm bà nhớ con và chạnh lòng buồn tủi. Những ngày sau cùng, tôi không dám đưa mẹ chồng ra phòng ăn. Tôi không dám nhìn bà khóc thêm nữa. Lòng tôi cũng xao động, nước mắt tôi cũng chảy dài. Bởi tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc động.
Tôi rón rén ra nhìn. Bà ngồi đó, đôi mắt xa xăm, tư lự. Chắc chắn bà đang nghĩ về con bà. Biết bao câu hỏi, đang quay cuồng trong tâm trí: sao lâu rồi con không đến, bận rộn hay có sự bất trắc gì đã xảy ra? Bà vừa lo, vừa buồn, rồi giận, rồi thương, nhớ, làm bà không tự chủ, đè nén những cảm xúc của mình.

clip_image007
Chắc chắn, không biết bao nhiêu lần, cuốn phim dĩ vãng của một thời vàng son đã lần lượt, thường xuyên quay lại trong ký ức của bà. Bà nhớ đến người chồng quá cố, nhớ những đứa con bà hết lòng thương yêu, nhớ những ngày đầm ấm hạnh phúc, nhớ những lo toan, thăng trầm trong cuộc sống. Giờ này con bà có biết bà đang mỏi mòn trông đợi hay không?
Ở đây, cái viện dưỡng lão này chỉ giúp người già cải thiện, bù đắp những thiếu sót về vật chất, mà con cái không thể hoàn thiện được. Bác sĩ, y tá, thức ăn, thuốc men, máy móc, chỉ giúp họ hết đau đớn về thể xác. Cái tensionmètre chỉ đo được chỉ số huyết áp giao động trong ngày, các máy móc kỹ thuật cao phát hiện những tổn thương sâu trong cơ thể.

clip_image008
Tất cả những thứ đó không giải quyết, chữa trị được những đau đớn tinh thần, những giao động tâm lý, những khắc khoải triền miên của lòng khát khao yêu thương. Đó là căn bệnh trầm kha mà không máy móc, bác sĩ, y tá nào chữa trị được. Đó là thứ thức ăn linh nghiệm và hiệu quả mà con người đã mỏi mòn tìm kiếm và chưa bao giờ thấy no đủ.
Mẹ chồng tôi có sáu người con: bốn trai hai gái. Một mình bà nuôi nấng sáu người con khôn lớn trưởng thành. Giờ đây khi tuổi tác chồng chất, sáu người con không chăm sóc được một mẹ già. Dù rất thương mẹ, dù biết công đức sinh thành dưỡng dục, sâu rộng như trời biển; nhưng không thể nào làm tròn bổn phận, bởi những tất bật, căng thẳng và đa đoan của cuộc sống.
Bên Mỹ có ngày Mother's day và Father's day. Việt Nam có ngày Vu Lan-Bông hồng cài áo. Ai còn cha mẹ thì cài một đóa hoa cẩm chướng đỏ hay hoa hồng đỏ. Ai mất mẹ thì cái một bông cẩm chướng trắng hay hoa hồng trắng. Một hình ảnh biểu trưng, chọn một ngày để nhắc nhở những ai diễm phúc còn có mẹ, để mà yêu thương và trân quý. Với tôi một ngày trong một năm như thế là quá ít ỏi. Chẳng khác nào hạt muối trong đại dương.

clip_image009
Mỗi ngày, ít lắm mỗi tuần, tệ lắm mỗi tháng, ta phải tự cài lên áo một hoa hồng đỏ, qua một món quà mà mẹ yêu thích: cái bánh, củ khoai, trái chuối, ly sữa. . . . một lời thăm hỏi ân cần, một câu nói ngọt ngào, một ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương, một cử chỉ âu yếm, quan tâm, lo lắng. Đó là đóa hoa hồng đỏ, đã tự nở trên áo của ta, không đợi đến ngày Vu Lan được mọi người nhắc nhở.
Em chồng tôi, đều đặn mỗi ngày ghé thăm mẹ, với những món quà mà bà mẹ Việt Nam yêu thích. Mỗi tuần cô cài đủ bảy hoa hồng đỏ thắm. Bảy ngày hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn cái đặc ân còn có mẹ để mà tự nguyện và hiến dâng. Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu đựng được sự trống vắng, cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng. Lúc nào bà cũng muốn về nhà, khẩn khoản muốn về nhà.
Cùng phòng với mẹ chồng tôi là một bà cụ người Bắc năm 54, mới đưa vào ba hôm. Người con gái lấy chồng lính Mỹ, đã bảo lãnh bà sang đây mười mấy năm về trước. Bà chỉ còn da bọc xương, lưng còng gần 90 độ. Bà nằm co quắp như con tôm luộc chín. Bà không còn đủ sức để ngồi lâu.
Bà chỉ ăn cháo và uống sữa. Buổi trưa, người con gái đem cháo đến đút cho bà, phát hiện đầu bà không ngẩng lên được. Cô ta hốt hoảng la toáng lên: "tại sao bà không ngẩng đầu lên được, tụi nó đã làm gì bà ?  Có phải tụi nó giật đầu, giật tóc bà không ? Để tôi đi hỏi cho ra lẽ?". Bà không còn hơi sức mà trả lời.
Từ khi bà đến nằm trên cái giường này, tôi chưa nghe bà nói gì ngoài tiếng thều thào yếu ớt: "cho con về nhà, con muốn về nhà". Bà nhìn tôi cầu cứu, tôi nắm bàn tay khô đét, lạnh ngắt và hỏi bà cần gì. Bà chỉ nói một câu đó, lập đi, lập lại không biết bao nhiêu lần.

clip_image010
Bà tới đây từ một cái viện dưỡng lão khác, mà cô con gái chê là tệ quá. Cô ta sốt ruột vì thấy mẹ mình suy sụp nhanh chóng. Cô phản ứng lồng lộn. Lòng thương mẹ mù quáng làm cô thốt ra những câu nói không tế nhị. Bác sĩ và xe cấp cứu đến, người ta đưa bà vào bệnh viện lớn để rà soát lại cơ thể. Căn phòng chỉ còn lại một mình mẹ chồng tôi.
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Sáng khuya trưa tối, nhìn quanh một mình
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình

Đó là những câu hát não nùng, thật chua chát và đắng cay mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết cho số phận của mình vào cuối đời, với những dư chứng của bệnh tai biến mạch máu não.
Chúng tôi về lại Việt Nam, với linh tính biết đây là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy mẹ. Buổi chia tay đẫm nước mắt và đau buồn trĩu nặng tâm tư. Mười ngày sau, vào một đêm cuối mùa hạ 2006, mẹ chồng tôi đã vĩnh viễn không mở mắt nhìn cái trần nhà, mà mấy tháng ròng rã bà ít khi rời nó. Bà ra đi trong sự an giấc của mọi người, âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết. Còn biết bao bà mẹ khác cũng đã và sẽ ra đi trong cô đơn tẻ lạnh như thế này.
Tất cả con cháu ở rải rác ở nhiều tiểu bang đau đớn khi nhận được tin khủng khiếp này. Cô em chồng tức tưởi vì bà không đợi cô. Chỉ vài tháng nữa cô sẽ nghĩ hưu non, sẽ đem mẹ về nhà phụng dưỡng. Cô đã không điều đình được với Thần Chết. Mọi người câm lặng chịu đựng.
Trong thâm tâm ai cũng trăn trở, ray rứt, xót xa vì biết bao điều chưa thực hiện: "địa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp".
Làm sao cân bằng lại tâm lý, tìm lại an bình, một khi lòng cứ khắc khoải bởi những dằn vặt, ăn năn.
Thời gian trôi theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người ta đã chế tạo ra nhiều thứ.. kể cả người máy, nhưng có một thứ họ không chế tạo được là trái tim người mẹ. Con người vẫn ăn ngủ, làm việc, theo cái đà tiến hóa. Không biết đủ, không vừa lòng, họ có thể bị con lốc cuốn trôi theo cái thảm họa đua đòi vật chất.

clip_image011
Nếu không cảnh giác không dừng lại đúng lúc, họ sẽ là một thứ nô lệ mà suốt cuộc đời họ không hề biết hạnh phúc đích thực là gì. Quên bản thân, quên quyến thuộc, quên luôn cả tử thần đang rình rập, chờ đợi, bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi sinh mạng vốn đã mong manh trong từng hơi thở.
Tại ai ? Tại con người ? Tại xã hội hay tại ta sinh lầm thế kỹ ?

Nguyên Thúy

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 15/Sep/2014 lúc 10:03am
Một Ngày Không Thể Quên

Tác giả: Phương Lan
Người đọc: Nguyệt Hân


user%20posted%20image


http://k007.kiwi6.com/hotlink/r6u9okm4ju/M...guyetHandoc.mp3

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 29/Nov/2014 lúc 11:37pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 05/Dec/2014 lúc 9:02pm

Lẫn



Bà già đó, tóc bạc trắng lưng khòm khòm, đi khệnh khạng chậm chạp một mình trên đường Đồng Khởi ( Đường này ngày xưa tên là Tự Do. Sau 1975, chánh quyền mới, có lẽ thấy hai tiếng “Tự Do” nó… phản cách mạng, nên đã xóa “Tự Do” đi và thay vào bằng “Đồng Khởi”. Có điều là trong từ ngữ thông dụng, nói “tự do”, một đứa con nít cũng hiểu. Còn nói “đồng khởi”, tới… ông già cũng bí luôn ! Nhiều người nghĩ là một địa danh. Nhưng có người rành “bài bản” cho là tên một “đồng chí”, bởi vì cách mạng hay vinh danh các lảnh tụ, các đồng chí kể luôn những đồng chí Liên Xô với những cái tên nghe lạ hoắc như Ku-ba-móp, Bu-măng-lép… vv. Về sau, mới biết là biệt danh của tỉnh Bến Tre ! Nhưng, cho dù là nghĩa gì đi nữa, nghe riết rồi cũng quen lỗ tai, kêu riết rồi cũng quen lỗ miệng. Hai chữ “Tự Do”, vì vậy, đã đi vào quên lãng…).

Bà mặc áo bà ba vải trắng, quần lãnh đen, mang dép nhựt. Vừa đi vừa nhìn chung quanh. Bà đi một lúc lại ngồi xuống bệ gạch xây tròn chung quanh góc cây vỉa hè. Có khi bà ngồi chồm hổm cạnh bệ gạch, thay vì ngồi lên bệ gạch ! Đi hay ngồi, bà cũng nhìn quanh. Bà nhìn mấy cửa hàng, bà nhìn từng người qua lại. Cái nhìn trống rỗng.

Đường Đồng Khởi, cửa hàng san sát. Phần lớn bán nữ trang, đồ thủ công nghệ, đồ xú-vơ-nia, tranh sơn mài sơn dầu… Thiên hạ đi lại cũng nhiều, nhưng phần đông là du khách ngoại quốc. Không ai để ý đến bà già đó hết. Những người qua đường có lẽ nghĩ rằng bả ở trong một tiệm nào đó trên đường này, đi tới đi lui hóng mát. Còn những người buôn bán thì bận lo chào đón khách, “hơi đâu” mà để ý đến một bà già ? Ngược lại, có vài du khách ngoại quốc theo dõi bà một lúc, rồi chắc thấy đó là hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam nên đưa máy ảnh lên mắt bấm lia ! Nhứt là khi bà ngồi chồm hổm chống tay lên má…

Đang chạy xe Honda xuống đường Đồng Khởi, cô giáo Kiều để ý thấy trên lề bên mặt phía trước, đèn flash chớp lia chia, giống như các phóng viên đang chụp một minh tinh sân khấu. Rề rề vào xem, cô nhìn thấy bà già. Cô bỗng nhớ ra là đã thấy bà này cách đây nửa tiếng đồng hồ, đi khệnh khạng ở đầu dưới kia. Sao bây giờ bả lại ở phía trên này ? Mà cũng chỉ thấy có một mình thôi, không ai đi với bả hết. Bả cũng chẳng có vẻ gì lo lắng hay đợi chờ ai. Chỉ thấy nhìn quanh, nhứt là nhìn từng người, kể cả những du khách ngoại quốc ! Cô giáo Kiều chắc lưỡi, nghĩ: “Bà già đi dạo phố mà…”. Rồi rồ ga chạy thẳng.

Cô giáo Kiều dạy trung học. Lương không đủ sống nên phải chạy thêm áp-phe cho mấy hãng máy bay để ăn tiền “còm”. Mấy hãng này nằm trên khu đường Đồng Khởi, vì vậy cô thường chạy tới chạy lui ở đây. Cho nên, cô mới nhìn thấy bà già tóc trắng hồi nãy.

Sau gần một giờ đồng hồ giải quyết mấy hồ sơ chót cho hãng máy bay, cô giáo Kiều thơ thới ra về. Lần này, cô nhìn thấy bà già đang đi thất thểu cũng trên vỉa hè đó, nhưng ở vào khoảng giữa đường Đồng Khởi, vẫn đi một mình. Mấy người ngoại quốc không còn bám theo bà nữa. Cô nghĩ: “Có cái gì không ổn ! Cứ đi lên đi xuống như vậy mấy tiếng đồng hồ thì đâu phải là đi dạo phố !”. Cô quày xe trở lại rà vào gọi:

- Bà cụ ! Bà cụ !

Bà già dừng chân, nhìn cô mỉm cười. Cô giáo dựng xe Honda cạnh lề, bước tới chưa kịp mở miệng thì bà già đã hỏi:

- Bộ quen hả ?

- Dạ không. Cháu không có quen bà. Nhưng cháu muốn hỏi coi bà đi đâu vậy ?

- Đi chơi.

- Bộ nhà bà ở trên đường này hả ?

Bà nhìn quanh :

- Đâu có.

Đến đây thì cô giáo nghĩ có lẽ bà già này đi lạc. Nhưng vẫn hỏi tiếp:

- Bà đi chơi một mình hả ?

- Đi với hai thằng nhỏ.

- Hai thằng nhỏ ?

- Ờ… Thằng nhỏ của tôi với thằng nhỏ của nó.

- Vậy… Họ đâu rồi ?

- Đâu biết ! Nãy giờ đợi muốn chết !

Tiếng “nãy giờ” làm cô giáo phì cười. Bà đi trên đường này hơn hai tiếng đồng hồ mà bà coi như chỉ mới có… “nãy giờ” thôi !” Thấy tội nghiệp, cô hỏi tiếp:

- Rồi nhà bà ở đâu ?

- Ở gần nhà thờ.

- Nhà thờ Đức Bà hả ? (Cô nghĩ ngay đến nhà thờ nằm gần khu này nhứt).

- Ai biết đâu nà !

Cô giáo suy nghĩ một chút rồi hỏi:

- Nếu cháu chở bà tới nhà thờ, bà có biết đường về không ?

- Về đâu ?

- Về nhà bà, ớ !

- Biết.

- Mà bây giờ bà muốn về nhà hay ở đây đợi hai người kia ?

- Hai người nào ?

- Hai người mà bà kêu là “hai thằng nhỏ” đó !

- Ợ… Tụi nó chắc đi chơi đâu rồi.

- Bà có hẹn với họ ở đây không ?

- Không.

- Vậy sao hồi nãy bà nói bà đợi họ muốn chết ?

- Ủa ? Vậy hả ?

Thấy bà già quá lẫn, cô thương hại:

- Bây giờ bà có muốn về nhà bà không ?

- Muốn.

- Để cháu chở bà lại nhà thờ, nghen.

- Ờ.

Cô định đỡ bà lên Honda, thì nghĩ lại: “Không được ! Rủi bả ngồi không vững té xuống thì đổ nợ !”. Nên đề nghị:

- Bà ở đây đợi cháu chạy về nhà chở con gái của cháu lại phụ mới được.

Bà già “ờ” rồi ngồi chồm hổm xuống, chống tay lên má. Bà làm như cái máy !

Độ mười lăm phút sau, cô giáo Kiều trở lại với đứa con. Trên đường đi, cô đã thuật lại câu chuyện, nên khi vừa ngừng xe, cô nhỏ – tuổi độ 13 – đã nhảy xuống nhanh nhẩu:

- Chào bà. Để con đỡ bà lên ngồi với con, nghen.

Cô bé đặt bà già ngồi “cặp gắp” giữa hai mẹ con. Bà già bỗng nói:

- Hai thằng nhỏ cũng chở tôi như vầy nè !

À… Thì ra đúng là bà có đi chung với hai người nữa ! Vậy, hai người đó đâu ? Hay là họ cùng tới một nơi nào đó, rồi trong khi hai người kia lo làm gì đó thì bà già đi lang bang, đi riết tới đây ? Nhưng sao không thấy ai đi tìm bà hết ? Cô giáo Kiều phân vân, không biết nên để bà ở lại đây hay nên đưa bà đi kiếm “cái nhà thờ gần nhà” ?

Nhìn đồng hồ tay thấy còn thời giờ để chạy tới mấy nhà thờ gần gần, cô giáo chắc lưỡi quyết định: “Kệ ! Cứ đi cầu may. Rồi sẽ tính !”.

Đến nhà thờ Đức Bà, cô hỏi:

- Phải nhà thờ này không bà ?

- Cha… Lớn quá há ! Mà có cái tượng của ai cao nghệu vậy ?

Như vậy là không phải ở đây rồi ! Chắc ở Tân Định quá. Cô giáo vừa nghĩ vừa rồ ga. Đến nhà thờ Tân Định, cô lại hỏi:

- Còn nhà thờ này ? Phải không ?

Bà già nhìn, có vẻ suy nghĩ. Một lúc bà mới nói:

- Xây tường làm chi mà cao quá há ?

- Dạ. Mà bà có nhìn ra cái nhà thờ này không ?

- Không biết nữa à ! Chỗ đó có trồng bông…

Cô bé góp ý:

- Hay là nhà thờ tin lành ở Phú Nhuận ?

Cô giáo gật đầu:

- Ờ ! Thì cũng thử coi !

Cô ráng lòn lách trong rừng xe cộ để cho mau tới nơi, bởi vì cô không biết còn phải đi bao nhiêu chỗ nữa !

Đến trước nhà thờ tin lành, cô hỏi:

- Phải đây không, bà ?

- Chỗ đó có mấy cái chuông.

- Chết cha ! Nhà thờ nào lại không có chuông !

Cô bé lại góp ý:

- Chắc nhà thờ ba chuông quá, má à !

- Cũng có thể lắm ! Nhưng hơi xa à. Để ghé đâu uống miếng nước cái đã.

Bà già gật gật đầu:

- Ờ… Cho uống đi ! Nãy giờ… khát muốn chết !

Cô giáo phì cười:

- Cứ “nãy giờ” hoài. Mà bà có đói không ?

- Không ! Khát hè !

Trong khi ghé uống nước sâm, cô hỏi:

- Bà có nhớ bà tên gì không ?

- Nhớ chớ ! Tên bà Sáu !

- Con của bà tên gì ?

- Tên thằng Đực.

Mỗi lần bà trả lời là một lần cô bé cười hắc hắc. Trái lại, cô giáo Kiều không cười được nữa. Cô chỉ thấy càng thương hại bà già. Bà lẫn như vậy mà người nhà không chú ý gì hết. Để cho bà đi lang bang… Thật là tắc trách ! Cô lại hỏi:

-Vậy chớ… xóm của bà tên là xóm gì ?

- Cầu Ngang.

Hai mẹ con cô giáo nhìn nhau. Ở thành phố, chưa nghe nói “xóm Cầu Ngang” bao giờ. Có “Cầu Kinh”, “Cầu Bông”, “Cầu Kiệu”, “Cầu Chữ Y”, “Cầu Tre”… vv. Chớ làm gì có “Cầu Ngang” ? Nhưng không sao. Miễn là bà già nhìn ra được cái nhà thờ của bả, là có thể phăn ra cái xóm.

Uống nước xong, lại chở nhau đi. Lại phải lòn lách, bóp kèn liên hồi. Đến nhà thờ ba chuông, bà già cũng nói không phải ! Lần này, cô bé đề nghị:

- Mình chở bà đi vòng vòng như vầy, rủi người nhà đi kiếm thì làm sao mà gặp ? Thà trở lại đường Đồng Khởi, ngồi một chỗ mà đợi, con thấy chắc ăn hơn, à má !

Cô giáo đồng ý. Vả lại trời cũng đã xế bóng rồi. Vậy là chở nhau đi nữa. Lần này, đường từ nhà thờ ba chuông về nhà thờ Đức Bà cũng khá xa, nên cô giáo chạy có hơi nhanh. Bà già sợ, nhắm mắt, không dám nhìn quanh nhìn quất nữa !

Đang đổ xuống đường Đồng Khởi bỗng có một thanh niên chạy Honda ngược chiều, gọi lớn: “Ê ! Ê !”. Rồi gã quành xe lại chạy theo. Chạy đến ngang xe cô giáo, hắn la: “Bà nội ! Bà nội !”. Bà già mở mắt nhìn sang:

- Ờ ! Mầy đó hả ?

Cô giáo và hắn rề xe vô lề, ngừng lại. Hắn hỏi, có vẻ bực tức:

- Cô chở bà nội tôi đi đâu vậy ?

Cô giáo cũng bực tức, to tiếng:

- Bộ anh tưởng tôi có thì giờ ở không để chở bả đi chơi, hả ? Thấy bả đi lạc mà muốn về nhà nên mẹ con tôi tội nghiệp mới chở bả đi giùm. Anh hiểu chưa ? Nè ! Tôi trả bả lại cho anh đó !

Thanh niên dịu giọng:

- Vậy hả ? Làm từ trưa tới giờ, cha con tụi này chạy kiếm tùm lum. Mất cha nó mấy cái áp phe !

Trong lúc cô bé đỡ bà già lên vỉa hè, hắn vẫn ngồi chàng hảng trên Honda, vừa kể vừa huơi tay ra bộ:

- Bả kỳ lắm ! Hồi trưa này, trên đường chở bả lại gởi ở nhà cô Út, tụi này ghé Ủy Ban Nhân Dân có chút việc. Biểu bả đứng coi chừng xe, mà một hồi ra thấy bả đâu mất ! Có hẹn mấy áp phe “xịn” mà phải bỏ để chạy đi kiếm. Í hị… Mấy bà già… Thiệt… Khổ quá !

Cô giáo Kiều phát ghét, không muốn nói thêm một lời. Nhưng vì tò mò nên vẫn hỏi:

- Bà nói nhà bà ở xóm Cầu Ngang gần nhà thờ… Là ở đâu vậy ?

Gã thanh niên cười hắc hắc:

- Đó là nhà bả ở dưới quê gần Vĩnh Long, á ! Bây giờ tiêu hết rồi. Hồi đó biểu bán không chịu bán để bây giờ đất đai nhà cửa bị lấy hết. Lên đây, tối ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ !

Vừa nói hắn vừa nhìn quanh như tìm cái gì. Hắn thấy ngang chỗ hai người đậu Honda, có một cửa hàng cho mướn điện thoại. Hắn dựng xe, bước xuống:

- Để tôi kêu về nhà cho ba tôi hay.

Hắn điện thoại mà nói lớn tiếng như sợ ở đầu kia không nghe.

- A-lô ! A-lô ! Ờ ! Kiếm được bà nội rồi, nghen ! Không có sao hết. Bây giờ ba đi vụ cái Toyota, đi ! Để cái Mercedes tôi lo. Tôi đưa bả lại cho cô Út rồi chạy vụ cái xe này. Thôi ! Cúp !

Trả tiền điện thoại xong, hắn bước lại bà già cằn nhằn:

- Nói đứng đâu thì đứng đó giùm một cái. Bà nội đi đâu báo hại người ta kiếm muốn chết. Thôi ! Mình đi !

Hắn đỡ bà già lên xe, đặt hai chân của bà lên bàn đạp, vừa làm vừa nói:

- Để chân đây cho chắc. Đừng huơi huơi rồi làm rớt dép như hôm trước, tôi không lượm đâu, nghen !

Bà già làm thinh. Hắn trèo lên ngồi:

- Ôm eo ếch cho kỹ nghen. Chạy à !

Rồi hắn quay sang cô giáo Kiều:

- Thôi. Đi nghen !

Hai mẹ con cô giáo không còn lời để nói ! Nhìn theo, thấy bà già tóc trắng ôm chặt lưng thằng cháu nội, giống như người ta ôm một cái phao !..

Trên đường Đồng Khởi, người qua kẻ lại…

tieutu_sign

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Dec/2014 lúc 4:56pm

Một Buổi Chiều, Hai Người Già

vo-chong-gia

Tiếng đánh máy lọc cọc từ phòng khách, lúc khoan, lúc nhặt. Ông chồng già thản nhiên ngồi trước computer nhìn nhìn, ngó ngó mấy cái nút chữ trên bàn đánh máy, rồi gõ, gõ, gõ... Trông giống như ông chỉ còn biết có mỗi một mình mình!

Bà vợ đang loay hoay trong bếp, lo bửa cơm chiều. Vừa gọt trái su để làm món xào, bà lên tiếng nói với chồng:

- Anh à, lát nữa anh gọt trái khóm giùm em! Khóm chín mùi quá rồi, cả đám fruit flies bay đầy trong bếp, thấy ớn quá!

Nói một hơi dài xong, chờ mãi chẳng nghe chồng mình ừ hử, bà ngưng tay, quay sang nhìn ông chồng ngồi bên kia khung cửa ra phòng khách. Tiếng là hai phòng khác nhau, nhưng nhìn thấy nhau qua khung cửa để trống, và hai ông bà chỉ cách nhau chừng vài ba bước ngắn. Bà mỉm cười nhìn cái dáng bình thản quá quen thuộc của chồng rồi kêu lên:

- Anh!...

- Anh!

Đến tiếng thứ hai thì may sao ông chồng nghe. Ông quay nhìn vợ trong bếp hỏi thăm:

- Gì hả em?

Bà lắc đầu ngán ngẩm:

- Nói chuyện với anh mệt quá đi!... em phải kêu, phải gọi hai ba lần anh mới chịu nghe!

Nghe vợ trách thế, ông cười cười, cái kiểu cười trừ của mấy ông ấy mà, rồi đứng dậy bước vào trong bếp với vợ, bổng nhảy mũi ba bốn cái liên tục mới ngưng được. Thấy bà nhìn ông lo lắng, ông nói cho vợ yên tâm:

- Không sao đâu em, anh chỉ bị dị ứng....

Ông ngó bà cười cười và tiếp lời:

- Chắc là dị ứng với... vợ!

Bà trố mắt ngó ông chồng:

- Chắc... vợ già nên ông dễ bị dị ứng?!

Ông bình thản cười và gật gù ra điều rất vừa ý:

- Chắc vậy quá em!... à! em kêu anh, em nói cái gì lúc nảy?

Chẳng thèm đối đáp với ông chồng về cái chuyện dị ứng ấy, bà thân mật chỉ trái khóm:

- Khóm chín quá rồi, anh gọt giùm em, để cho vô tủ lạnh cho khỏi hư, với lại... anh coi kìa fruit flies đầy hết!... ghê quá!

Biết bà không có cảm tình với mấy con "flies" nhỏ như hạt mè đen này, ông chưa kịp nhận lời thì bà thao thao tiếp ngay:

-... với lại anh nhớ ra sân trước, tưới giùm cây của em với cây của Mai gởi nha anh!

Mai, cô con gái lớn, kỳ này đi họp ở Toronto. Hai hôm trước, Mai gọi điện thoại cho Mẹ:

- Mẹ ơi, cho con đem gởi Mẹ mấy chậu cây của con. Mẹ chăm sóc cây giùm con một tuần, đến khi con về...

Cô con gái lớn giống tánh mẹ, thích cây kiểng, hoa lá. Nhắc tưới cây, bà mỉm cười khi nhớ chuyện đi chơi với hai cô con gái hồi thứ bảy vừa rồi. Dừng xe cho ba mẹ con đi vào khu chợ, biết mấy mẹ con thế nào cũng sẽ ghé thăm viếng mấy tiệm bán bông hoa, ông chồng ân cần dặn vói theo:

- Nhớ đừng mua thêm cây nữa nghe em,... nhà mình giống Art Knapp quá rồi!

Ý ông ấy ám chỉ cái nhà với chậu lớn, chậu nhỏ, những bông với hoa, những cây với kiểng, bà để từ trong các phòng ra đến sân trước, nhà trông giống như nơi chuyên bán cây kiểng nổi tiếng trong thành phố có tên là Art Knapp.

Bà biết tính chồng. Ông ấy lúc nào cũng vậy, nói thì nói, căn dặn vậy, nhưng khi bà và con đem thêm cây về, ông lắc đầu cười, rồi cũng mang ra sân cho vợ lo việc sang cây vào chậu.

Vài món ăn bình dị cho hai vợ chồng, nên không bao lâu bà đã lo xong buổi ăn chiều. Vừa soạn chén đũa, bà lên tiếng:

- Em xong rồi, mình ăn cơm nghen!

Nghe thế, ông nhanh nhẹn bước vào bếp tiếp bưng chảo đồ xào ra bàn, rồi mở ngăn tủ lạnh lấy trái ớt dầm với nước mắm.
Dĩa nước mắm nho nhỏ với ớt đỏ, nồng nàn, mặn mà. Hương vị quê hương thật mộc mạc, thật thân mật, thật đậm đà.

Có lần ông nói với mấy mẹ con:

- Trong ngục tù cộng sản, làm gì có được miếng nước mắm thơm ngon như thế này. Mình may mắn lắm!

Ăn được một lúc, bà chợt nhớ chuyện, giọng lo lắng:

- Anh à!... tuần tới Nam đi Seattle họp một tuần

- Vậy à!

Tính ông ấy vậy, thương lo cho vợ con ít chịu để lộ ra, cố ý để cho con quen tính tự lập. Còn bà vẫn thế, hai đứa con gái đã quá tuổi trưởng thành, đi làm mấy năm nay rồi, bà vẫn thấy lo khi nghe tin con đi công tác xa. Mới lo lúc Mai đi họp ở Toronto, rồi bây giờ lại lo khi Nam sắp đi họp ở Seattle. Lòng mẹ thương lo cho con, thương hoài, lo hoài, vô hạn định.

Bà ngẫm nghĩ rồi bàn với chồng:

- Chắc mình nên nhắc Nam ghé thăm cô Ba và dượng Ba!

Người em gái thứ ba của ông, có gia đình ở ngay Seattle, mấy đứa con gọi là cô Ba, dượng Ba. Con mình có dịp đi công tác sang Seattle, biết ghé thăm cô dượng là điều nên khuyên dạy con. Ông đồng ý với bà ngay:

- Nên lắm em, em nhắc anh ghi cho Nam địa chỉ và số phone của dượng Ba.

Cơm nước, dọn dẹp xong, bà ra phòng khách ngồi với mấy tờ báo và quyển sách đọc dở dang, như thường lệ. Ông chồng ăn xong, lại quay trở về với cái máy computer thân thích của ông, cũng như thường lệ!

Bên ngoài khung cửa kiếng, lá cây phong dọc theo lối đi đã chuyển màu trông thật đẹp và thật thơ mộng.

Bà nghĩ, cứ gì phải còn trẻ, còn lãng mạn với mơ mộng mới thấy mùa thu đầy quyến rũ. Thu tình tứ vô cùng!

Cứ xem mùa thu tạo cảm hứng cho mấy ông bà nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ sáng tác nhiều vô số kể. Nhiều tác phẩm để đời. Bà còn nhớ bài thơ thời còn đi học, như Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư đã từng làm thổn thức lòng người, “thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây":

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Thế mà ông chồng cứ hay trêu chọc là tại bà mến cây cỏ, yêu văn thơ nên thích mùa thu. Đã thế, ông lại còn thiếu tình tứ, phán một câu cụt ngủn rằng:

- Mùa thu... buồn lắm, bà ơi!

Nghe ông chồng nói thế, bà yên lặng nhìn đám lá vàng quanh gốc cây. Bà biết, ông liên tưởng đến cuộc đời, cuối đời nơi đất nước tạm cư này. Ông ấy nói thế cũng có cái lý. Nhưng ai bảo nhắc chi, nghĩ chi cái chuyện buồn ấy để thấy buồn!

Căn phòng gần như yên lặng, chỉ có tiếng đánh máy của chồng là ồn ào hơn hết. Những tiếng lọc cọc rời rạc, nhanh chậm bất thường của người già mà lại đánh máy không chuyên nghiệp, vừa gõ vừa mò đọc nút chữ trên bàn phím.

Quay sang nhìn ông chồng, vẫn cái dáng ngồi thẳng lưng cố hữu trước màn hình của máy điện tính, bà thở dài với mình:

- Bạn bè chi mà nhiều quá vậy hỏng biết!

Bà biết ông đang tâm tình với những người bạn lính, những bạn bè "Bất Khuất" của ông. Ông say mê họ như những "old flames", những người tình cũ của ông ấy, chắc hẳn hơn cả bà vợ của mình. Đã thế, ông ấy cứ tưởng như mình còn là lính, tự "cấm trại" mình, không cho mình đi phép. Mấy lần, mẹ con bà cùng gia đình em trai của bà đi theo đoàn du lịch thăm viếng nước Mỹ, sang châu Âu, ông chồng cũng chưa chịu đi phép, để đi cùng gia đình. Ông ấy cứ làm, cứ gõ. Lúc nào ông cũng có "công chuyện cần thiết".

Bà hiểu ý ông chồng gàn bướng, chỉ mong muốn được về thăm Việt Nam trước, rồi mới chịu đi du lịch đâu đó, nơi khác. Nhưng Việt Nam vẫn còn cộng sản hoài, nên ông ấy không chịu về, để rồi cũng chẳng chịu đi đâu chơi hết!

Thấy ông ngưng tay gõ, ngồi thừ người tư lự, bà lên tiếng:

- Anh à!... Anh!

May quá, ông ấy nghe, quay lại:

- Chi đó em?!

Bà nhìn chồng ngần ngừ một lúc rồi nhắc lại ước mơ của mình:

- Chỉ còn vài năm nữa mình về hưu, rồi... em dẫn anh đi xe lửa xuyên Canada, ngắm cảnh mùa thu nha!

Ông nhìn bà vui vẻ:

- Ờ!... mình đi!... nhưng em phải lo mà dẫn ông chồng già này đi nha!

Bà mỉm cười với lời nói đùa của ông, với niềm ước mơ và hạnh phúc của mình.

Thu Canada, 2014
Bích Phượng

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23663
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Dec/2014 lúc 9:17am
Thương thay cái tuổi già !!!




Vợ chồng nay đã về già
Lưng còng gối mỏi, làn da đồi mồi
Khó khăn lúc đứng khi ngồi
Mắt mờ, tai điếc, răng thời lung lay
Về hưu rảnh rỗi cả ngày
Cụ bà đổi tính nên hay nói nhiều
Thôi thì cụ nói đủ điều
Trời mưa trời nắng, từ chiều tới khuya
Trách ông già: vẫn không chừa
Tính tình gàn dở, khó ưa quá trời
Lỗi ông cụ nhớ thật dai
Lâu lâu lại nhắc một vài tật xưa
Đi đâu hai cụ chung xe
Cụ ông cầm lái cụ bà chỉ huy
Hãy nhìn đèn đỏ đằng kia
Ông mà vượt nó hồn lìa thế gian
Lái xe cốt giữ an toàn
Chạy nhanh lái ẩu là tan thân già
Những ngày hai cụ ở nhà
Đứng ngồi quanh quẩn vào ra đụng đầu
Truyện trò chỉ được vài câu
Thế là các cụ bắt đầu xùng lên
Bà rằng: ông dở chứng điên
Ông rằng: bà mới vô duyên trên đời
Hôm nao khó ở trong người
Không gây nhau thấy buồn ơi là buồn
Gây hoài riết trở thành quen
Gây xong lại nắm tay em cười hòa
Cãi nhau cái thú người già
Không gây không cãi, cửa nhà buồn tênh.
st.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Dec/2014 lúc 9:18am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 08/Jan/2015 lúc 8:06am
Bà mẹ ghẻ


1. Đám giỗ

Ngày giỗ mẹ lần thứ hai mươi lăm, bố lệnh cho bốn đứa chúng tôi phải về đông đủ. Lý do là lễ giỗ bạc, một phần tư thế kỷ chứ có tầm thường đâu. Bố còn dặn đi dặn lại rằng có chuyện quan trọng phải bàn. Chúng tôi đoán già đoán non là chắc bố già rồi, có tí của chìm của nổi nào muốn chia cho con cháu chăng? Thế là bốn chị em chúng tôi cùng với vợ, chồng, cháu nội, cháu ngoại về không thiếu một ai.

Đọc kinh tối xong, quây quần bên mâm cơm mà chúng tôi gọi đùa là mâm cơm cúng, chúng tôi hỏi thăm nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện: chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện ngày xưa năm giờ sáng đốt đuốc làm bằng xương cây bô, nhịn đói cuốc bộ đi học, chuyện câu cá, thả diều… Cuối cùng là chuyện “quan trọng” của bố. Bố ngập ngừng, ngọng nghịu như một đứa trẻ lên ba. Khó khăn lắm, bố mới thốt được ba chữ:
-Bố… lấy… vợ…

Phải, chỉ ba chữ thôi, ba chữ mở đầu một vở kịch không đạo diễn, nhưng mang đủ yếu tố bi, hài. Đầu tiên chúng tôi cười ngặt nghẽo, cười ngả nghiêng làm rơi cả đũa bát, cười như chưa bao giờ được cười, cười ra nước mắt. Khi mọi người lấy khăn lau mặt, trận cười mới chấm dứt. Tôi vội lấy điện thoại di động, ghi âm được vở kịch nói như sau:
-Bố ở vậy, nuôi chúng con, bữa đói, bữa no đã hai mươi lăm năm nay. Bây giờ chúng con khôn lớn. Vì sinh nhai, làm ăn xa, phải để bố ở nhà một mình. Nhưng chúng con có để bố thiếu thốn gì không? Sáu mươi bảy tuổi đời, gần đất xa trời rồi, bố lấy vợ không sợ thiên hạ cười cho.
-Cười hở mười cái răng. Với lại “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” chứ đâu phải ánh lửa từ trái tim người khác?
-Lại còn tim gan phèo phổi lòng mề nữa cơ đấy?
-Ăn nói thế mà nghe được?!
-Đành rằng “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nhưng bố lấy ai xứng đáng để chúng con gọi là mẹ, các cháu gọi là bà?
-Bà Thơ, bạn của ba thời học trung học, được không?
-Cái bà tu xuất ấy hả? Yêu thương gì? Vợ chồng gì? Chắc lại muốn đào, đục, đẽo gì đây?
-Em xin lỗi. Bố mình đau yếu rề rề, hết cao máu lại tiểu đường, hết gai cột sống lại gút. Đồng lương hưu : không, của nổi : không, của chìm : chắc cũng không. Trên răng, dưới cạc tút, đào đục đẽo được đấy?!
-Ông bà nội mất cả rồi, ai đứng chủ hôn cho bố. Không lẽ trên thiệp mời lại ghi là: Trân trọng báo tin lễ thành hôn của cha chúng tôi?
-Cái đó thì dễ thôi.
-Bố có sai lời với ai bao giờ không?
-Không, bố có nhiều thói hư, tật xấu. Nhưng đời bố, các con biết đấy, bố luôn luôn giữ lời, dù là chỉ hứa với một đứa trẻ.
-Bố có hứa gì với mẹ không?
-Hứa gì?
-Cuốn băng video đám cưới bố mẹ, con đã copy sang đĩa VCD, bố muốn coi lại không? Trước mặt cha chủ tế và cộng đoàn, bố đã hứa một cách trọng thể với mẹ, nguyên văn thế này: “Anh Giuse Trần Thạch Cao nhận em Maria Tô Mực Tím làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”… Mọi ngày là gì, suốt đời là gì, hả bố?
-Đó là công thức khi cử hành Bí tích Hôn phối. Nhưng theo Giáo luật, khi một trong hai người phối ngẫu mệnh một, mối dây ràng buộc hôn nhân được tháo gỡ.
-Con không nói đến Bí tích và Giáo luật, con chỉ muốn hỏi: Bố có hứa không, bố có giữ lời không?

Nếu đó là lời hứa, thì đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, bố thất hứa. Chúng tôi can ngăn cũng chẳng được. Thế là bố đi bước nữa.

           2. Đám cưới

Đám cưới của bố được tổ chức vào một ngày Chúa Nhật để không ảnh hưởng đến công ăn việc làm cũng như việc học hành của con cháu. Nhưng không một ai trong chúng tôi về tham dự được. Mỗi người đều có lý do riêng, mà lý do nào cũng chính đáng, cũng hợp tình, hợp lý. Nhưng tôi biết lý do duy nhất đúng, là không ai muốn về, vì không ai muốn bố lấy vợ, thế thôi. Tuy nhiên, nhưng mà, dù sao chăng nữa…, chúng tôi cũng bảo nhau gom góp được một cây vàng gởi về làm quà đám cưới. Một cây vàng, lại trong thời buổi khó khăn, đâu phải chuyện nhỏ. Cô Út cẩn thận bỏ vào một cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, lại còn nghịch ngợm lấy bút lông, nắn nót viết bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau. Chúng tôi nhìn nhau, cười khúc khích. Chị Cả thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy:
-Già đầu rồi còn ham hố, đòi lấy vợ, lại lấy con mẹ Thơ. Cứ nghĩ tới con đĩ ấy là lộn cả ruột gan, ăn cơm mất ngon. Lại còn…

Chị chưa nói hết câu, đã bị chồng mắng:
-Em phải giữ lời ăn tiếng nói. Muốn hay không thì người ta cũng ở bậc trên, là cha mẹ mình. Bảo người ta là con đĩ, hóa ra bố mình kết thân với người ta, bố mình là thằng điếm, là ma cô hay sao?

           3. Đám tang

Bố bị ung thư gan, chắc là do uống rượu và hút thuốc lào nhiều quá. Khi bố chuyển bệnh, chúng tôi về đông đủ. Nhìn dì Thơ cho bố ăn, cho bố uống thuốc, tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc bố từng li từng tí, chúng tôi mới thấy mình có lỗi với bố nhiều quá, có lỗi với cả dì nữa.

Khi bố lâm chung, dì Thơ bắt mạch tay, mạch chân, còn chúng tôi đo huyết áp và nhịp tim. Bố thều thào:
-Không biết được đâu. Giúp kẻ liệt nhiều nhiều năm, bố biết khi nào bệnh nhân thoát dương là gần rồi đấy.

Bố vừa nói xong thì trán, rồi mặt, rồi người bố mồ hôi đổ ra như tắm. Ông trùm khu phó linh hồn cho bố. Bố dùng chút hơi tàn bảo hát cho bố bài “Lạy Mẹ Xin Yên Ủi”. Mọi người hát đi hát lại. Lần thứ ba, tới câu: “Đến giờ chết xin Mẹ ngự đến bên giường khuyên con” thì bố trút linh hồn.

Bác Hai bảo:
-“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, phải lo cho chú Cao không bằng thì cũng đừng thua kém người ta.

Dì Thơ nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết:
-Đối với em, và các cháu cũng vậy, di ngôn của người chết là mệnh lệnh tuyệt đối.

Thế là đám tang của bố được tổ chức giản dị theo công thức bốn không: không hoa, không đèn, không kèn, không trống. Dì Thơ kính báo, rồi nhã nhặn và khéo léo từ chối tất cả mọi vòng hoa, liễn, trướng, và mọi phẩm vật phúng viếng. Sự từ chối của dì gặp không ít phiền toái, nhưng khi dì nhỏ nhẹ: “Đó là ý muốn của bố các cháu, gia đình phải tôn trọng”, thì rồi đâu cũng vào đấy cả.

Dì chào đón và cám ơn thân bằng quến thuộc các nơi xa gần một cách vui vẻ, bặt thiệp. Đến nỗi chị Cả lại lỡ lời:
-Đúng là “khác máu tanh lòng”. Bố mình mất, mà bà ấy có đau buồn tí nào đâu!

Dì ra vào, vững vàng sắp xếp mọi việc chu đáo có khi còn hơn cả đàn ông. Nhưng từ khi di quan ra khỏi nhà thì nghị lực của dì tan chảy hết, dì mềm như một cọng bún, sụp đổ hoàn toàn. Dì sụt sùi khóc không thành tiếng, mặt mày xanh như một tàu lá chuối. Dì ngất lên, xỉu xuông không biết mấy lần. Tôi ngộ ra được rằng: Dì yêu bố biết bao.

Tối hôm ấy, về đến nhà, dì Thơ vào phòng nằm vật ra, cánh cửa phòng khép hờ. Tôi sai con bé Bòn Bon mời dì ra dùng cơm. Nó nói bô bô, không ai ngăn kịp:
-Mời bà ngoại ghẻ xơi cơm.

Dì Thơ vừa đi ra vừa lau nước mắt. Con bé Bòn Bon lại bô bô, cũng không ai ngăn kịp:
-Bà ngoại ghẻ lớn rồi còn nhè kìa, mẹ ơi!

Chỉ hai câu nói, đúng hơn chỉ hai lần dùng cụm từ “bà ngoại ghẻ” của đứa trẻ bốn tuổi, đủ tố cáo, lột trần hết tình cảm của chúng tôi đối với dì tệ bạc đến đâu. Dì đã buồn, càng buồn thêm:
-Bố các con là người duy nhất mà dì yêu thương và kính trọng. Chỉ tiếc là dì phận mỏng, Chúa không cho dì săn sóc, phục vụ bố các con nhiều hơn. Dì về đây với bố các con với hai bàn tay trắng, thì dì cũng ra đi trắng tay. Món quà cưới của các con, dì không dùng đến, các con cho dì gởi lại.

Dì đưa cho chúng tôi cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, chưa mở ra lần nào, bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau vẫn còn đó, mới mỉa mai làm sao!

Chị Cả lại phổi bò, nghĩ sao nói vậy, nhưng lần này, tôi tin là chị rất chân thành:
-Dì không phải đi đâu cả, cứ ở đây, hay lên ở với con cũng được. Sống con nuôi, chết con chôn.

Dì Thơ lại rút khăn lau nước mắt.

                      4. Lời cuối

Dì Thơ ơi! Con mong dì đọc chuyện này. Xin dì xem đây là lời tạ lỗi của chúng con, cho dẫu muộn màng.

ngulãonhân


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 08/Jan/2015 lúc 8:58am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Jan/2015 lúc 7:21am
BÍ QUYẾT SỐNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Xem slides xin click tại đây



Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 72 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.408 seconds.