Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Điển Hay Tích Lạ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 4 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 27/Nov/2010 lúc 5:55am

Nguyễn Tử Quang

Điển hay tích lạ

Liễu Chương Đài


Liễu Chương Đài trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn ta nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ (tức là nàng Kiều).
Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:
Đời nhà Đường, Hàn Hoành tuổi trẻ nổi tiếng là một người tài danh. Nhà nghèo kiết, lấy một nàng kỵ nữ họ Liễu ở Chương Đài.
Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở châu Thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ, đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu đi theo, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải qua ba năm trời, Hàn vẫn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một cái túi gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:
Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài,
Ngày xưa xanh biếc, hỏi nay có còn?
Ví tơ buông vẫn xanh rờn,
Hay vào tay khác, khó còn nguyên xưa!

Nguyên văn:
Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.

Liễu được thơ cũng đáp lại:
Xanh non cành liễu đương tươi,
Năm năm luống để tặng người biệt ly.
Thu sang quyện lá vàng đi,
Chàng về biết có còn gì bẻ vin!

(Bản dịch của Trúc Khê)
Nguyên văn:
Dương liễu chi, phương chi tiết,
Khả hận niên niên tặng ly biệt.
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
Túng sử quân lai khởi kham chiết!

Lời thơ trao đổi thành một điềm gở báo trước.
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu cả. Dò hỏi tin tức, thì ra Liễu đã bị viên tướng Phiên rất có công trạng với triều đình tên Sa Tra Lợi thấy nàng có sắc đẹp nên cướp mất. Nàng bấy giờ được luyến ái hơn hết cả mọi phòng. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.
May có một tráng sĩ trẻ tuổi tên Hứa Tuấn thương xót tình cảnh của Hàn, tìm mẹo cứu được Liễu. Bấy giờ vợ chồng được xum họp đầm ấm như xưa.

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 27/Nov/2010 lúc 6:02am

Nguyễn Tử Quang

Điển hay tích lạ

Tuyệt Diệu Hảo Từ


Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: "Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng". Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở với Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.
Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài "Bi phẫn thi" dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.
 
Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!
Nghĩa:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!

Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!
Nghĩa:
Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)


Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:
- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viếc ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần... Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.
Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu".
Tháo hỏi Diễm:
- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?
Nàng thưa:
- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng hiểu ý nghĩa ra sao.
Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:
- Tôi hiểu ra rồi.
Tu giải:
- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. "Hoàng quyến" là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ "ti" với chữ "sắc" hợp lại thành chữ "tuyệt". "Ấu phụ" nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là "thiếu nữ". Chữ "thiếu" đứng bên chữ "nữ" hợp thành chữ "diệu". "Ngoại tôn" là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ "nữ" chắp với chữ "tử" thành chữ "hảo". "Tê cửu" là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ "thụ" đặt bên chữ "tân" thành chữ "từ". Tóm lại, đó là ẩn chữ "Tuyệt diệu hảo từ", tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp.

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 27/Nov/2010 lúc 6:34am

Hát Quan Họ


Đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh miền Trung du Bắc Việt có loại dân ca trữ tình gọi là "Hát quan họ".
Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng và tình tứ của phụ nữ, về thông minh hay chữ và thành đạt của danh thần, văn sĩ.
Cũng như hầu hết các loại dân ca trữ tình ở Việt Nam, hát Quan họ vay mượn nhiều ở phong dao. Hầu hết các bài Quan họ đều theo thể lục bát hay lục bát biến thể. Đó là những bài tình ca do nam nữ thanh niên Bắc Ninh hát lên để ca tụng tình yêu, nói lên những oán trách, hờn ghen và giận tủi về yêu đương hoặc biểu lộ những tâm tình sôi sục về yêu đương.
Tính chất trữ tình của các điệu hát ấy có thể chia thành nhiều loại. Loại bài có tính chất nhẹ nhàng, chân thật vui tươi, cởi mở, hoạt bát, thoải mái. Có loại bài có tính chất bày tỏ, tin tưởng, lạc quan, yêu đời, trìu mến. Có loại bài tình tứ, duyên dáng, thắm thiết, say sưa. Có loại mang tính chất vui tươi nửa trào phúng, nửa tình tứ một cách ý nhị. Có loại đượm nỗi nhớ nhung, trách móc. Trong các bài Quan họ, nhiều nhứt là những bài để tỏ tình. Rất ít bài nói lên sự thất tình. Nhưng trong sự tỏ tình có nhiều hình thức: khi thổ lộ tâm tình, khi thăm dò lòng bạn, khi hy vọng, mong mỏi nhớ nhung người tình, khi trách hờn giận, ghen tuông người tình; nhưng rốt cuộc những câu thổ lộ tâm sự cùng là để thăm dò tình bạn là nhiều hơn cả. Ví dụ:
Anh như cây gỗ xoan đào,
Em như câu đối dán vào nên chăng?
Em như cây cảnh trên chùa,
Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?
Văn thể của hát Quan họ tuy là lối lục bát, nhưng khi hát, vì những chỗ lên bổng xuống trầm, vì những nhu cầu của sự chuyển giọng, chuyển lời nên loại dân ca này có mang vài đặc tính là bài hát bao giờ cũng có thêm vào nhiều tiếng không có trong nguyên văn. Đó là những tiếng vô nghĩa, hoặc những chữ hát chệch hẳn đi, hoặc những tiếng dùng để đưa hơi như: y, a, ư, ô, ơ, a ha, ôi hôi, ư hư, ối a, ý a, này a, i ì ... hoặc những tiếng đệm (đệm lót và đệm nghĩa) như: thời, mà, tình chung, ô mấy, ai ơi, là rằng, tình rằng, tình tang, tình bằng... Nhờ những tiếng đệm, tiếng láy lập lại như thế mà và nhất nhịp điệu tiết tấu của câu thơ lục bát được thay đổi luôn, trở nên phong phú vô cùng.
Ví dụ phong dào có bài "Trống cơm":
Trống cơm khéo vỗ nên bông,
Một bầy con nít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện giăng tơ đi tìm,
Thương ai duyên nợ tang bồng.
Khi trở thành hát Quan họ Bắc Ninh là:
1/ (Tình bằng có cái) trống cơm (khen ai) khéo vỗ (ố mấy bông) nên bông.
2/ Một bầy (tang tình) con nít (ố mấy lội lội) lội sông (ố mấy) đi tìm.
3/ (Em nhớ) thương ai (đôi) con mắt (ố mấy) lim dim,
4/ Một bầy (tang tình) con nhện (ớ ớ ớ ố mấy) giăng tơ (giăng tơ ố mấy) đi tìm.
5/ (Em nhớ) thương ai duyên nợ (khách) tang bồng.
Đó là chưa kể những chỗ hát lại hai lần như ở phần đầu câu 2 và ở phần cuối những câu 1, 2, 3, 5.
Ngoài những tiếng đưa hơi, tiếng đệm, tiếng láy, có khi trong bài hát có cả những tiếng dùng để ghi hệ thống âm giai của cổ nhạc là hò, xự, xàng, xê, cống,... Ví dụ trong bài "Xe chỉ luồn kim":
May quần (tình chung là vuông) nhiễu tím (í a, í a).
Gởi ra (gởi ra chồng) cho chồng.
Ứ xáng, ú xáng u cái liu xê phàn
(thời cái nỗi gởi ra cho chồng)
Ngày xưa, trai gái vùng Bắc Ninh có thể hát Quan họ quanh năm. Mỗi khi có dịp lễ là họ mời nhau đến hát. Cả đến khi không có việc gì, họ cũng rủ nhau đến một làng nào đó trong vùng để cùng nhau vui hát. Chỉ cốt là trước khi đến, họ bảo cho nhau biết trước để có thì giờ gọi người. Nhưng hát Quan họ đặc biệt thịnh hành vào mùa thu tháng 8 và nhất là vào tiết xuân trong ba tháng: giêng, hai, ba ...
Dịp hát quan trọng nhứt là những dịp đám cưới, đám khao, đám giỗ, đám hội.
Hát Quan họ là lối hát không dính dáng đến lao động, trái với nhiều loại dân ca khác như hò, hát ví, vì thế không hát ở ngoài đồng trong khi làm lụng. Có thể hát tại nhà trong các dịp cưới hỏi, giỗ khao; hay sau khi hát ở hội đình, hội chùa rồi mời nhau về nhà. Tại nhà có khi gái ngồi trong nhà hát ra, và trai ngồi trên bờ hát vọng xuống. Có k hi họ cùng ngồi trong thuyền thúng trên mặt hồ để vui hát trong một đêm hè hay một chiều thu.
Tại hội đình, trai gái hát trước bàn thờ Thanh hoàng. Lắm khi các bài hát, lúc đầu chỉ có tính chất tôn giáo một ít, còn về sau đều có tính chất tình tứ. Tại hội chùa, họ hát ở trước cửa chùa, giữa sân chùa, có khi cả ở trong chùa. Nhưng thường hát ở các sườn đồi hay giữa các đám ruộng, hoặc trên những bờ đê bên cạnh chùa.
Hát chia làm từng bọn. Mỗi bọn, trai hay gái, phải có ít nhứt bốn người để thay phiên nhau hát, vì hát rất hao hơi. Quan họ phải hát giọng đôi, nghĩa là hai người cùng hát một lúc, một người "dẫn" (chính) và một người "luồn" (phụ). Mỗi bọn quan họ có một người đứng đầu đại diện, được cả bọn tôn làm anh Hai hay chị Hai. Những người khác cứ theo thứ tự hát hay, hát kém mà lấy tên là anh Ba, anh Tư, anh Năm hay chị Ba, chị Tư, chị Năm. Chỉ cần bốn người hát được, còn bao nhiêu dự vào cho đông cũng không sao.
Khi hai bên hát với nhau, bên hát trước hát giọng nào thì bên hát sau phải theo giọng ấy để trả lời và phải theo cho đúng; không được bỏ một tí ngân nga. Như thế mới là đối chọi. Không đối được là tỏ cái kém cỏi của mình.
Trai gái hát Quan họ không phải sống về nghề hát, không thể gọi là những người hát chuyên nghiệp. Nhưng không phải bất cứ ai ai cũng có thể hát được Quan họ. Muốn hát Quan họ phải có nhiều điều kiện, phải có giọng tốt, phải chịu khó luyện tập, phải có trí nhớ và ít nhiều thông minh, nghĩa là có ít nhiều tài đối đáp, biết bình tĩnh để trả lời người đối diện, không những trong ý câu hát mà nhứt là trong giọng bài hát.

Tình bạn hữu, tình anh chị em giữa những người cùng chung "gia đình" Quan họ thật thân thiết. Họ coi cha mẹ của nhau như cha mẹ của mình. Những dịp hiếu, hỷ, buồn vui, họ đều đến thăm hỏi, biếu tặng. Cha mẹ bạn có yếu đau, họ tìm đến săn sóc an ủi.

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 7:56pm

Can Tương Mạc Tà

Can Tương Cùng với thầy dạy nghề của họ là Âu Dã Tử, Can Tương Mạc Tà được coi là những thợ rèn kiếm giỏi nhất thời Xuân Thu mà sản phẩm tiêu biểu là hai thanh kiếm Can Tương, Mạc Tà. Quá trình rèn gian khổ cùng độ sắc bén lạ thường của kiếm Can Tương và Mạc Tà đã được ghi lại trong sách vở và chúng trở thành tượng trưng cho những thanh kiếm sắc bén huyền thoại.

Can Tương vốn là một thợ rèn kiếm người nước Ngô thời Xuân Thu có vợ là Mạc Tà. Biết tiếng rèn kiếm của Can Tương, Ngô vương là Hạp Lư ra lệnh cho ông rèn kiếm. Thấy nung mãi trong lò bễ mà quặng sắt chưa nóng chảy để rèn kiếm, Mạc Tà hỏi Can Tương: "Sắt không nung chảy giờ phải làm sao?", Can Tương trả lời: "Xưa đại sư Âu Dã Tử rèn kiếm, quặng sắt không chảy phải để một người phụ nữ nhảy vào lò thì việc rèn sau mới thành công". Nghe thấy vậy Mạc Tà bèn tự mình nhảy vào lò bễ, quả nhiên quặng sắt chảy ra và cho ra đời hai thanh kiếm, hùng kiếm (kiếm đực) là Can Tương, thư kiếm (kiếm cái) là Mạc Tà nổi tiếng sắc bén.
 
Một thuyết khác trong Ngô Việt Xuân Thu (吳越春秋) lại nói rằng Can Tương mất ba năm để rèn hai thanh kiếm báu nhưng ông chỉ dâng vua thanh thư kiếm Mạc Tà mà giữ lại thanh hùng kiếm Can Tương. Vua nước Sở biết được bèn giết Can Tương, trước khi bị giết Can Tương dặn lại vợ rằng nếu sau này có sinh con trai thì dặn lại với nó: "Ra khỏi cửa, nhìn về phía Nam sơn, kiếm báu giấu trong tảng đá ở phía Nam trên núi". Về sau Mạc Tà sinh ra một đứa con trai có tên là Xích, sau khi nghe mẹ kể chuyện về Can Tương, Xích quyết định đi tìm kiếm báu trả thù. Tìm được kiếm Can Tương, Xích bèn dâng cả kiếm và đầu của mình cho một người để ông ta dùng kế lừa giết vua Sở. Người đó cuối cùng giết được vua Sở và tự luôn đầu của mình, cả ba cái đầu của Xích, vua Sở và người khách được chôn trung trong một ngôi mộ có tên "Tam vương mộ" (三王墓).

Sách Tấn Thư phần "Trương Hoa truyện" có ghi lại rằng đầu thờiTây Tấn cả hai thanh Can Tương, Mạc Tà đã xuất hiện trở lại rồi chúng lại biến mất ở Diên Bình Tân tại đây người ta đã cho dựng một đài tưởng niệm về hai thanh kiếm hóa rồng ("Song kiếm hóa long", 双剑化龙). kí tái

Theo sách Ngô Việt Xuân Thu, phần "Hạp Lư nội truyện" thì Can Tương và Mạc Tà đều là kiếm sắt, tuy nhiên năm 1965 người ta đã đào được thanh Kiếm Câu Tiển có cùng niên đại với Can Tương Mạc Tà, thanh kiếm này có cấu tạo chủ yếu lại là từ Đồng. Vì thế các nhà khảo cổ cho rằng có thể Ngô Việt xuân thu, vốn được viết thời Đông Hán rất có thể đã nhầm lẫn về thành phần cấu tạo chính của kiếm. Cho đến nay người ta vẫn không tìm lại được bất cứ dấu vết nào về hai thanh kiếm huyền thoại này.

 Trong văn hóa

Kiếm Can Tương và Mạc Tà đã đi vào sách vở như là biểu tượng của những thanh kiếm huyền thoại, sắc bén. Trong sáchMặc Tử và Tuân Tử đều có nhắc tới hai thanh kiếm này. Hồi 74 tiểu thuyết Đông Châu Liệt Quốc của Phùng Mộng Long  cũng tả rất kỹ câu chuyện làm kiếm của hai vợ chồng Can Tương, Mạc Tà. Nhà thơLý Thương Ần thờiVãn Đường trong bài thơ Tặng tư huân Đỗ thập tam viên ngoại đã có câu thơ:

Danh tổng hoàn tằng tự Tổng Trì.
Tâm thiết dĩ tòng Can Mạc lợi,
Dịch:
Tên Tổng mà mang tự Tổng Trì
Lòng thép đã như gươm báu sắc.
Nhà văn Kim Dung trong tác phẩmViệt Nữ Kiếm của mình cũng đã nhiều lần nhắc tới hai thanh Can Tương và Mạc Tà. Ngọn núi tương truyền là nơi đúc kiếm của Can Tương và Mạc Tà, nay thuộc DứcDĐức Thanh, Chiếc Giang về sau đã được đặt tên là Mạc Can Sơn (莫干山) để kỷ niệm câu chuyện về hai vợ chồng. Ngày nay Mạc Can sơn đã trở thành địa điểm nghỉ dưỡng thu hút đông khách du lịch ở tỉnh Chiết Giang.
 


Chỉnh sửa lại bởi Hoa Hạ - 28/Nov/2010 lúc 8:08pm

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 8:10pm
Chuyện bên lề " Can Tương Mạc Tà "


Thái Bút Mạc Tà .



Ông là một nhà báo lớn, tên tuổi ông gắn với những sự kiện lớn và nhất là những vụ chống tham nhũng tiêu cực. Mấy chục năm tiên phong trong một mảng đề tài chông gai, đầy cạm bẫy nhưng ông đã vượt qua với nhiều thắng lợi mà không hề bị trầy xước. Ông quả là một nhà báo bậc thầy. Mãi cho đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” trong ông vẫn đầy ăm ắp. Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6 năm nay, tôi muốn tặng ông một bức thư pháp với nội dung toát lên được tính cách và khí phách của ông, cũng như của đội ngũ những người làm báo chân chính. “Bút trực, tâm thanh”- bút thẳng lòng trong chăng?! Đúng nhưng đơn giản quá. “Thiết thạch can trường”- kiên trinh như sắt đá chăng?! Khô khan quá, cũng không hợp với tính cách rất nghệ sĩ của ông…

Mang tất cả tâm sự ấy đến nhà cụ Nguyễn Văn Bách- nhà nho thâm hậu, đại thư pháp gia, tôi xin cụ cho mấy chữ. “Để bác nghĩ thêm nhé”- bàn mãi rồi cụ hẹn đến chiều. Buổi chiều, cụ viết mấy chữ tuyệt hay “Thái Bút Mạc Tà”. “Thái bút” là chữ của Đỗ Phủ (712-770) viết trong bài Thu Hứng, cụ Nguyễn Văn Bách giải thích:

Thái bút tích tằng can khí tượng
Bạch đầu ngâm vọng khổ đê thùy
Xưa từng vẫy bút vua kinh động
Đầu bạc ngâm thơ não khổ đa.

Những câu trước Đỗ Phủ nhớ lại những gì bút ông đã từng viết lên, nào là
Đất cũ Côn Ngô vua ngự qua
Mỹ Bi Tử Các bóng non sa
Phụng hoàng đậu mãi cành ngô biếc
Anh vũ mổ hoài hạt nếp hoa
Người đẹp mừng xuân gom cánh trả
Quần tiên thuyền lướt ngắm chiều tà.

Mà không chỉ Đỗ Phủ, trong văn chương chữ “Thái Bút” xuất hiện không ít:
Phong phi phi
Vũ phi phi
Phong vũ tần thôi thái bút huy
- Mưa trôi đi, Gió trôi đi , Mưa gió giục hoài cầm bút thơ…

Hay trong một bài từ, Hạ Chú (1063- 1120) có câu
” Thái bút tân đề đoạn trường cú
Thí vấn nhàn sầu đô kỷ hử?
Thái bút đoạn trường mới đề câu, Thử hỏi nhàn sầu chừng mấy hả?!

“Thái bút” còn có điển cố nói là “cây bút năm màu” thần diệu. Ngày xưa các cụ không làm báo, bút chủ yếu để sáng tác thơ văn, rồi ghi chép từ chương tấu sớ, và để lại nhiều giai thoại nhất là những người làm sử. Không ít người đã mang cả mạng sống của mình ra để cây bút được viết đúng sự thật, đúng nỗi lòng mình đang chất chứa, bất chấp cả uy quyền của vua chúa.
Nhà báo hôm nay cũng đang có “Thái Bút” trong tay, không chỉ bút bi, bút sắt mà cả bút điện tử, với những cú di chuột trên bàn là cây bút của họ kết nối với cả thế giới.

“Mạc Tà” nghĩa là không thay đổi, không bị uốn cong, nhưng nó còn là tên một bảo kiếm lừng danh. Truyền thuyết kể rằng, Can Tướng phụng mệnh Ngô Vương Hạp Lư đúc kiếm, nung đã lâu mà kim loại không dung hợp được với nhau, sau cùng người vợ ông là Mạc Tà phải nhảy vào lò (để tế thần lửa). Hai thanh kiếm đúc thành công, một dương một âm tên gọi là Can Tướng và Mạc Tà, trở thành cặp song kiếm nổi danh của nước Trung Hoa xưa.

Nói đến kiếm, lại nhớ “Thái Bút Hoa My” là một thế võ tuyệt chiêu mà Tiểu Long Nữ và Dương Quá đấu với lão già Công Tôn trong “ Thần Điêu Đại Hiệp” của Kim Dung.

“Thái Bút Mạc Tà”, dùng bút như dùng kiếm. Ngày xưa Nguyễn Đình Chiểu đã viết
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”,

tức là cụ cũng coi bút như kiếm vậy. Đã dùng kiếm để thi đấu thì kiếm thuật phải tinh thông, khi công khi thủ phải khéo léo để không bị hở sườn, không bị thua cuộc. Đó là sự nhanh nhạy, sắc bén trong kỹ thuật, dũng cảm trong ý chí… Hơn nữa, nội lực phải cao mới bền sức và đường kiếm mới mạnh mẽ. Mạnh mẽ để bảo vệ được lẽ phải, bảo vệ được công lý và để đấu tranh có hiệu quả trước tham nhũng, tiêu cực, bất công. Nhờ những thanh kiếm mạnh mẽ và ngay thẳng như thế mà người ta biết đến “sức mạnh của báo chí”, sức mạnh có sức công phá và lan truyền ghê gớm, nhất là trong thời buổi của thông tin hiện nay.

Nếu không có đủ những phẩm chất đó thì có kiếm đấy mà chả làm gì được ai, như ngày xưa Hàn Tín đeo kiếm mà phải chui qua háng con nhà bán thịt. Đeo kiếm đấy mà bị làm nhục như chơi. Chưa kể, không khéo “chơi dao dễ đứt tay”…
*“ Sự giám sát của công chúng và báo chí là con đường tốt nhất để toàn xã hội hợp sức xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh”-
* “báo chí là tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”…
* “là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước”.


Để hoàn thành được nhiệm vụ này thì báo chí lại càng phải mạnh và phải sắt bén như kiếm.
Hơn nữa, cũng phải có một hành lang pháp lý thật tốt để báo chí được phát huy sức mạnh của mình, để bảo vệ được các nhà báo. Đấu kiếm mà không có luật, hay có nhưng "lờ mờ" thì cao thủ cũng thua kẻ tiểu nhân…
“Thái Bút Mạc Tà”- với mục tiêu cụ thể là những tác phẩm báo chí hay, có tác động thiết thực, có ý nghĩa với đời sống xã hội, ngòi bút không bị bẻ cong là một khát vọng của mỗi nhà báo và cũng là kỳ vọng của toàn dân…

Ảnh: Bức thư pháp “Thái Bút Mạc Tà”- . Thủ bút của cụ Lỗ Công Nguyễn Văn Bách.

Tài liệu sưu tầm trên internet

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 9:09pm

Nguyễn Tử Quang

Điển hay tích lạ

Lão tiều phu hay con hạc đen


Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u. Đời nhà Trần, Hồ (1225-1407) có một tiều phu ẩn cư ở đấy. Người ta gọi là Hoàng My tiên sinh.
Một hôm Hồ Hán Thương đi săn đến đấy, bỗng gặp một lão tiều phu vừa đi vừa hát:
    Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
    Thụ thương thương
    Yên tịch mịch
    Thủy sàn sàn
    Triêu hề ngô xuất
    Mộ hề ngô hoàn
    Hữu y hề chế kỹ,
    Hữu bội hề nhận lan
    Thát bài thanh hề bình hiểu chướng,
    Điền hộ lục hề chẩm tình than.
    Nhậm tha triều thị
    Nhậm tha sa mã
    Tri trần bất đáo thử giang san,
    U thảo Tống triều cung kiếm
    Cổ khâu Tấn đại y quan.
    Vương Tạ phong lưu
    Triệu Tào sự nghiệp,
    Toán vãng cổ lai kim khanh tướng
    Trạch triện đài man
    Tranh như ngã trạo đầu nhất giác
    Hồng nhật tam can.

Tạm dịch: (Bản dịch của Trúc Khê)
    Núi Na đá mọc chênh vênh,
    Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
    Đi về hôm sớm thẩn thơ,
    Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
    Non xanh bao bọc quanh nhà,
    Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.
    Ngựa xe võng lọng thây ai,
    Nước non riêng chiếm, bụi đời khôn vương.
    Áo đai đời Tấn gò hoang,
    Kiếm cung triều Tống dưới làn cỏ xanh
    Sự đời bao xiết mong manh,
    Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào
    Từ xưa khanh tướng ngôi cao,
    Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
    Sao bằng ta được thảnh thơi,
    Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.

Hán Thương nghe hát cho đó là một vị ẩn giả, bèn truyền thị thần đi theo vào động. Thấy trên vách đá có đề hai khúc ca "Ái miên" (Thích ngủ) và khúc "Ái kỳ" (Thích đánh cờ), thị thần xin mời tiều phu về triều.
Tiều phu không bằng lòng nói:
- Nghiêm Tử Lăng không lấy chức Gián nghị ở Đông Đô mà đổi cái thú yên ba sông Đồng Lại. Khương Bá Duy không vì họa đồ của Thiên tử mà làm nhơ cái cảnh sơn thủy Bành Thành.
Sứ thần về tâu lại, nhưng Hán Thương bảo đi mời một lần nữa, mang theo một cỗ an xa, quyết mời cho kỳ được. Nhưng đến nơi chỉ thấy cửa động rêu mọc phủ cả, gai góc lấp mất đường đi, trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây:
    Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
    Cao Vọng đầu khách tứ sầu

Nghĩa:
    Cửa biển Kỳ La hồn sẽ dứt,
    Đầu non Cao Vọng khách đeo sầu.

Sứ thần về kể lại; Hán Thương nổi giận, khiến người đến đốt núi ấy. Chỉ thấy một con hạc đen từ trong núi bay bổng lên, liệng múa giữa không trung, mà không thấy giấu tích tiều phu đâu cả.
Về sau, hai cha con họ Hồ là Quý Ly và Hán Thương đều bị xảy ra tai họa đúng như hai câu thơ báo trước của lão tiều phu.

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 9:11pm

Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ

Hà Đông sư tử

Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.
Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt:
    Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
    Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
    Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
    Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.
Tạm dịch:
    Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu,
    Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu,
    Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
    Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.
"Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn.
Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.
Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu:
    Hậu hạ đã cam phiền cát lũy,
    Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.


Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 9:14pm

Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ


Lá thắm đưa duyên


Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.
Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.
Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:
    Nước chảy sao mà vội?
    Cung sâu suốt buổi nhàn.
    Ân cần nhờ lá thắm
    Trôi tuốt đến nhân gian.
Nguyên văn:
    Lưu thủy hà thái cấp
    Cung trung tận nhật nhàn.
    Ân cần tạ hồng diệp.
    Hảo khứ đáo nhân gian.
Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung.
    Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
    Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
    Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
    Gởi cho ai đó nói không tường.
    (Bản dịch của Phan Như Xuyên)
Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn.
Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu.
Đêm tân hôn, Hựu chợt mở rương của vợ thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định.
Cổ thi có bài: (*)
    Một đôi thi cú theo dòng nước
    Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy.
    Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng
    Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.
Nguyên văn:
    Nhất liên giai cú tùy lưu thủy,
    Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
    Kim nhật khước thành loan phượng lữ,
    Phương tri hồng diệp thị lương môi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

hay:
Dù khi lá thắm chỉ hồng,

và:
Nàng rằng hồng diệp xích thằng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
"Lá thắm", "Hồng diệp" đều do điển tích trên.


Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 28/Nov/2010 lúc 9:18pm

Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ

Lam Kiều


Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở.
Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821-825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời, nhờ con nữ tỳ của giai nhân đưa hộ:
    Kẻ Hồ, người Việt còn thương nhớ,
    Huống cách người tiên chỉ bức mành.
    Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót,
    Xin theo loan hạc đến mây xanh.
    (Bản dịch của Phan Như Xuyên)
    Nguyên văn:
    Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,
    Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
    Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ,
    Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.
Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.
Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ do con nữ tỳ của giai nhân đưa đến:
    Uống rượu Quỳnh Tương trăm cảnh sinh,
    Huyền Sương giã thuốc thấy Vân Anh.
    Lam Kiều vốn thật nơi tiên ở,
    Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.
    Nguyên văn:
    Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh,
    Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh.
    Lam Kiều tự hữu thần tiên quật,
    Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.
Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.
Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt mỏi, mồ hôi nhuễ nhoại. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.
Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo:
- Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.
Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.
Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành.
Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.
Những tác phẩm cổ văn của ta có nhiều đoạn dùng điển tích này:
Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Đoạn trường tân thanh)
Chầy sương chưa nên cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Đoạn trường tân thanh)
Chốn Lam Kiều cách nước mây,
Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào?

"Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp  duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.


Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 29/Nov/2010 lúc 7:55am

Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ


Kê Khang này khúc Quảng Lăng…

 


 Trên đồ sứ Trung Hoa, ta thường thấy vẽ 7 ông cụ già ngồi trong rừng tre, kẻ đánh cờ, gẩy đàn, người uống rượu ngâm thơ. Đó là hình ảnh của Trúc Lâm Thất Hiền đời nhà Ngụy (220-264). Kê Khang là một trong bảy người hiền này.
Kê Khang (223-262) là một người có khí tiết cao khiết giàu lòng nghĩa hiệp và cũng là người có biệt tài trong các môn cầm, kỳ, thi, họa ... Một điều lạ hơn hết là mặc dù có tài như thế, nhưng ông không học qua một thầy nào. Từ nhỏ chí lớn, ông cố công tự học, rèn luyện mà nên.
Kê Khang vốn họ Khuê, người đất Thượng Ngu, huyện Cối Kê (nay là huyện Thiện Hưng, tỉnh Chiết Giang). Vì một sự thù oán nên ông dời về ở ẩn huyện Hoa Dương, tỉnh An Huy Gần chỗ ông ở có núi Kê Sơn nên lấy núi Kê làm họ.
Kê Khang cũng như 6 người bạn kia đều thích an nhàn dật lạc, say mê đạo Lão Có kẻ nói: "Ba ngày không đọc "Đạo Đức kinh" thì miệng thấy hôi". Ông làm đến chức Trung Tán đại phu nhưng luôn luôn chê vua Thang, vua Võ, khinh Văn Vương và Khổng Tử. Thơ của ông có giọng triết lý:
    Mắt tiễn hồng bay,
    Tay gẩy năm dây.
    Cúi ngửa tự đắc,
    U huyền thích thay
    (Bản của Nguyễn Hiến Lê)
Nguyên văn:
    Mục tống phi hồng,
    Thủ huy ngũ huyền.
    Phủ ngưỡng tự đắc,
    Du tâm thái huyền.
Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan đi trú ẩn, để hưởng cảnh tiêu diêu lúc về già. Nhưng thảm thay, ông muốn tránh khỏi điều phiền lụy ở cõi trần thì lại còn lận đận vì trần.
Từ quan, Kê Khang sống một cuộc đời ẩn dật, ngày ngày ngao du sơn thủy, hái thuốc, vui say với vần thơ điệu đàn.
Bấy giờ, nhà Ngụy suy vi, Tư Mã Chiêu có ý muốn soán ngôi nên tìm mọi cách để trừ khử những kẻ nghịch với mình. Lúc ấy ở huyện Đông Bình có người tên Lữ An vì ngưỡng mộ danh tiếng của Kê Khang nên tìm đến ra mắt. Hai người kết bạn tâm giao. Chẳng ngờ Lữ An có một người anh họ tên Lữ Tốn vốn là bộ hạ thân tín của Tư Mã Chiêu, ỷ thế hoành hành, thấy vợ của Lữ An xinh lịch nên chiếm đoạt và bắt Lữ An hạ ngục.
Vì tình bạn, Kê Khang đứng ra minh oan nhưng rồi cũng bị bọn quyền thần bắt giam. Kê Khang vốn con rể trong tông thất nhà Ngụy, nên họ muốn tìm cách trừ tuyệt. Chúng lại dựng chứng Kê Khang khinh vua Thang, vua Võ, Khổng Tử là có ý phản loạn nên kết án tử hình.
Kê Khang vốn có tài đàn. Khúc "Quảng Lăng" do ông sáng tác. Đánh lên khúc đàn nghe lưu loát, thảnh thoát như nước chảy (lưu thủy), mây bay (hành vân).
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả tiếng đàn của Kiều khi nàng gẩy cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ, có câu:
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.
Có người cho rằng đây là hai bản nhạc Lưu thủy và Hành vân, nhưng so với mạch văn thì không phải như thế. Lưu thủy, Hành vân đây là giải thích cái điệu lưu loát của khúc Quảng Lăng.


Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 4 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.143 seconds.