Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: CÀ PHÊ NHẠCTHƠ VĂN......... Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 30 phần sau >>
Người gởi Nội dung
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Gởi ngày: 30/Jun/2009 lúc 10:13pm
Rượu%20Trái%20Cây 

Chim Bay Còn Để Vết Tìm

   Chẳng biết từ lúc nào giàn bông giấy nhà tôi trở nên dễ thương như Yên vậy. Lả tả cánh hồng lắt lay trong gió, chùm cao chùm thấp bay quấn quít trên giàn. Như hình ảnh của Yên, kỷ niệm với Yên tụm năm tụm bảy trong ký ức tôi.
Sáng chủ nhật mỗi tuần, Yên theo mẹ tới giao thuốc ở phòng mạch anh tôi. Cô hay tinh nghịch đưa tay với cành dâm bụt, rung mạnh để làm kinh động đám chim trên giàn bông giấy. Chim bay ào lên, hoa sà xuống, Yên xoè tay ra hứng. Trông tướng cô cũng chằn ăn nhưng ngộ nghĩnh, vui vui. Chợt ngước lên bắt gặp tôi ở góc lầu, tiểu thư hĩnh mũi thách thức rồi đi thẳng vào trong. Mười lần như một, tôi tự nhủ mình đã “trao tim lầm nữ tướng… cướp”. Vậy mà đám chim sẻ kia, đối với tôi, chỉ dễ thương và giàn bông giấy chỉ dễ mến khi Yên xuất hiện.
Biết Yên học chung trường, tuy cùng năm nhưng khác buổi nên chẳng mấy khi tôi được gặp Yên. Mà cho dù có gặp, Yên cũng vác cái mặt kênh kiệu đó ra mà biểu diễn với tôi. Thằng Thạnh bạn tôi bảo, gia đình Yên bị đánh tư sản chạy về thị xã. Yên giỏi Văn, được tuyển vào lớp chuyên. Nó nói con gái chuyên Văn kiểu cách khó chịu lắm, ghét dân chuyên Toán chúng tôi lắm, chê là một lũ khô-khan.
Rồi nó gào lên chọc tôi:
“Em chuyên Văn lớp sáng
Tôi chuyên Toán lớp chiều
Chưa bao lâu làm bạn
Đã sập bẫy tình yêu!”
Nói “làm bạn” cho oai, chứ mỗi lần tôi dợm bước định chạy xuống bắt chuyện thì Yên đã khoát tay vô cùng “Lục Vân Tiên: khoan khoan dừng đó chớ ra, ta là phận gái, chàng là phận trai!”
- Ông đứng đó nói chuyện tui cũng nghe được mờ!
Cứ thế mà mỗi sáng chủ nhật tôi lại buồn, lại tức anh ách. Chỉ chờ cái xe đạp mi-ni đỏ của Yên lăn bánh ngang qua giàn bông giấy hồng thì tôi lẩm nhẩm đọc thơ con cóc năn nỉ thầm:
“Người ta đồn sai bét
Dân học Toán khô khan
Xin em đừng có ghét
Tội nghiệp người khác ban”.
Giàn hoa giấy nở rồi tàn. Chim bay đi rồi về họp bầy. Như Yên, đến rồi đi, không thân thiện với tôi thêm chút nào. Nhưng tôi vẫn tự an ủi mình, ít ra vẫn còn nhìn thấy Yên mỗi tuần một lần, có chim, có hoa, bình an trong nắng. Hạnh phúc sao chừng như giản dị. Giản dị như chuyện dưng không tôi yêu Yên.
Thị trấn dứt nạn cúp điện đêm. Đèn đường sáng trở lại chiếu rộn rã trên giàn hoa giấy sum-sêu, lan vào trong sân những bóng hoa li ti. Nếu có ai hỏi tôi yêu gì nhất (dĩ nhiên là sau Yên), tôi sẽ nói tôi yêu những ngọn đèn đường. Nhẩn nha chờ hoàng hôn xuống để được xem những trụ đèn trước nhà vụt sáng, tôi gặp Yên thay mẹ tới giao thuốc. Chiều nay, chim đã bay về tổ mà tôi nghe lòng mình ríu rít, hoa chiều đã tàn mà tưởng vườn đang xuân. Chỉ vì Yên thân thiện, khác hẳn với mọi lần.
- Ông đi chơi đâu, sao về trể vậy?
- Không, tui ra đây để ngó đèn đường.
Yên tròn mắt phượng, nói như reo:
- Trời ơi! Sao ông cũng thích đèn đường, giống…tui vậy?
- Tui sợ… bóng đêm lắm!
- Tui khác! Tui nhớ nhà tui ở Sài Gòn. Hồi mới tới đây tui khóc hoài. Thị trấn gì mà tối mù mù, buồn căm căm. Chỉ khi đèn đường sáng lên mới làm tui đỡ cô đơn, đỡ nhớ Sài Gòn.
Có lẽ tôi quê mùa lắm, ngớ ngẩn lắm trước tâm hồn đa sầu đa cảm rất thành thị của Yên. Thoáng nhìn tôi, không hiểu sao Yên lại thở dài:
- Ông không biết đâu! Không ở đâu có đèn đường đẹp như Sài Gòn, tình như Sài Gòn. Phải chi tui là chim, là sáo tui sẽ lập tức bay khỏi cái huyện lỵ đìu hiu nầy liền.
Vô duyên có thừa, tôi hỏi một câu không ăn nhập gì tới đề tài:
- Sao lâu nay Yên…ghét tui dữ vậy?
- Tui đâu có ghét ông. Tui chỉ không thích ông thôi! Ai biểu ông nhà cao cửa rộng làm gì?
Tôi nghe tôi rít trong cổ họng: “Đặng Hà Yên, cô ngang như cua! Mấy đời ông nội tui, ba tui rồi anh tui hành nghề Đông y ở đây. Yên “đánh tư sản” kiểu đó thì chết tui rồi. Tui yêu Yên mà Yên!”
Yên chào tôi, quay lưng, “em đi áo mỏng buông hờn tủi”. Tôi nhìn theo câm nín, hờn hờn, tủi tủi mênh mông…
Đang năm thi đại học mà thằng Thạnh nó xúi tôi:
- Trường đang tuyển gấp thêm học sinh vào chuyên Văn lớp 12 vì có đứa mới đi ODP, mầy đi không? biết đâu…chó ngáp phải ruồi, được học chung với Yên của mầy.
Thế mà tôi vác đơn đi thi thật. Tụi bạn sỉ vả tôi thậm tệ nào là “tên Việt gian”, nào là “quân bán lớp”, nào là vì tình bỏ bạn. Người xưa anh hùng còn khó qua ải mỹ nhân, huống gì kẻ hậu sinh tôi đây. Tôi chẳng dám có mộng văn chương thi thố với người ta. Chỉ muốn được gặp Yên mỗi ngày.
Có lẽ vì bận lo học thi mà lâu rồi không thấy Yên chở mẹ tới giao thuốc. Yên không tới, đám chim sẻ và giàn bông giấy trở lại vô duyên như cũ, đèn đường vàng ngọn buồn bã.
Tội nghiệp văn chương như con ruồi, bị tôi ngáp phải. Tôi đậu!
Mà buồn thay, tình trường tôi rớt. Yên học chung với tôi một mạch hết lớp 12. Học một lèo tới khi thi đại học, rồi chưa tới hai phút Yên tóm tắt chuyện riêng của Yên cho tôi nghe:
- Ông nè, tui… có bồ rồi! Gia đình anh Định là bạn cũ của nhà tui ở Sài Gòn. Anh Định là sinh viên khóa 13, Đại học Kinh Tế, lo cho tui lắm. Thỉnh thoảng tui kể với ảnh về ông, khoe là ông bị tui ăn hiếp hoài nhưng rất tốt với tui. Tui muốn nói cám ơn ông lâu rồi. Ông cho tui cám ơn nghe. €, quên nói cho ông biết, tui sẽ thi vô Đại học Kinh Tế….
Trời đất quỉ thần ơi! Cái thị trấn đất đỏ miền đông nầy sao bỗng dưng mưa giông ầm ầm đổ xuống đời tôi, mưa dai dẳng, mưa triền miên. Tôi đâm ra thù ghét cái Đại học Kinh Tế chết tiệt nào đó ở Sài Gòn. Thù ghét cái khoá 13 có anh sinh viên tên Định học cao hơn, cướp đi Yên của tôi. Con chim, con sáo nào đó bỏ giàn bay đi, chút xíu bay về, còn Yên chưa bay mà đã mất!..
Tôi ngó xuống giàn bông giấy, nhìn mưa tạt mù mù qua sân mà rưng rức trong lòng:
“Tìm người ảo ảnh đầy tay
Mắt môi từng nét chảy lai láng buồn.”
Thị trấn nhiều năm không có Yên bình thản trong cái buồn đất đỏ ảm đạm. Như tôi bình thản sống tiếp đời mình có vết thương tình cảm mưng mủ nhức nhối. Cái ông nhà thơ nào đó chỉ thất tình có hai tháng trong năm:
“Kỷ niệm cũ còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau”
chứ tôi thì mỗi một năm có tới sáu cái tháng giêng, sáu cái tháng bảy như nhau buồn trước nối buồn sau.
Tôi không thi Đại học, không xuống Sài Gòn phồn hoa mà an phận cha truyền con nối trong cái cơ ngơi nồng mùi thuốc bắc của gia đình. Tôi sợ phải thấy Sài Gòn của Yên tình như Paris của Nguyên Sa “có bao nhiêu ngọn đèn xanh đèn đỏ” để anh Định hỏi “em có nhớ mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em”.
Tội nghiệp những ngọn đèn đường thị xã. Leo lét mãi cũng mối tình tỉnh lỵ bọt bèo. Em về vui bên ấy, mốt mai sẽ nhớ gì? Hỏi tức là trả lời. Làm sao Yên nhớ nỗi. Cái thị trấn mưa nhiều hơn nắng nầy và tôi ở trong Yên nhỏ xíu, bé tí như cây kim châm.
Chúng tôi rớt xuống lỗ hỗng ký ức Yên, như cây kim rớt xuống lạch nước. Mất dấu. Nên chẳng bao giờ Yên phải chạnh lòng vì nhớ tới tôi. Còn tôi, chao ôi, còn sáng sáng ngó giàn bông giấy, ngó bóng chim bay, còn đêm đêm thức cùng ngọn đèn đường làm thơ, viết văn rao bán chuyện mình. Gặp Yên đau buốt. Tôi cam lòng thấy em như con chim sẻ, con sáo sậu xổ lồng bay xa. Nhưng sao bay đi còn để vết tìm!…

Nguyễn Thị Lộc Quy




Chỉnh sửa lại bởi LanH - 30/Jun/2009 lúc 10:14pm
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 01/Jul/2009 lúc 8:51am
 
EM SẼ BỎ ANH NGAY CẢ KHI EM RẤT YÊU ANH !!!
 
 

 
 
Hôm nay anh đã chạm phải lòng tự trọng của em... Vì thế em sẽ cho anh biết rằng:

Khi em yêu, tình yêu không phải là đồ vật. Em chẳng là của ai vì thế đừng mong sở hữu em. Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải là vật trang trí. Đừng mang em ra trưng bày với thiên hạ để vênh mặt "chú có con người yêu ngon như anh không?". Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không là tiền. Đừng bảo em "anh có nhiều tiền lắm, em thích gì anh chiều". Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải là sex. Đừng đặt điều kiện "em yêu anh thì em phải cho anh". Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải là của chung. Em rất ích kỉ nên đừng bao giờ chơi trò bắt cá. Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải là mệnh lệnh. Đừng hy vọng ra lệnh cho em "em phải thế nọ em phải thế kia". Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phụ thuộc vào nhà em mấy tầng, bố mẹ em làm ở đâu. Chỉ cần một câu chê bai gia đình em. Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải để cho có. Hãy để em cảm nhận tình yêu của anh nếu không, em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Khi em yêu, tình yêu không phải là duy nhất. Em còn phải quan tâm đến rất nhiều người. Đừng bắt em lựa chọn. Em sẽ bỏ anh ngay cả khi em rất yêu anh.

Anh sẽ hỏi với em anh là gì?

Tim em có muôn nghìn mảnh. Nó phải được tiếp máu từ nhiều nguồn. Không có anh, em vẫn sống vui vẻ, vẫn sống có ích, vẫn cười nhăn răng. Không có anh em vẫn hùng hục kiếm tiền, vẫn chăm sóc gia đình, vẫn đi chơi với bạn bè, hứng lên vẫn đong đưa, vẫn "đú đởn" đêm hôm. Tóm lại không có anh em không chết. Em sẽ sống vì mọi người.

Vì em đã chết khi không có anh.
Vì tim em sẽ rất đau.
Vì em yêu anh.
Rất yêu...
Mãi mãi...

Em biết gọi anh như thế nào đây
Là bạn?
Là anh?
Hay là gì khác?
Và trong anh... Trời ơi, em không biết
Em là gì giữa bề bộn đời anh.

Gọi thế nào cho thỏa nỗi riêng chung
Để không ai khổ tâm, không ai thấy mình có lỗi
Tất cả tại cuộc đời, cuộc đời tự cho là mình rộng rãi
Nhưng rồi cuộc đời có chứa nổi mình đâu!

Không thể gọi đích danh ta là gì của nhau
Đau lòng em,
Đau lòng anh,
Đau lòng người
Tội lắm...

Nhưng em tin cuộc đời này sâu rộng
Sâu rộng đến vô cùng nên lạc mất hai ta...

SƯU TẦM



Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 01/Jul/2009 lúc 8:56am
IP IP Logged
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Gởi ngày: 03/Jul/2009 lúc 10:04pm
 
 
Ly cafe nhạt màu...
1. Người khách tình cờ

Tôi biết đến quán cà phê này do một người bạn giới thiệu. Đó là một nơi khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, nơi tôi cảm thấy yên bình cũng như thanh thản trong tâm hồn vốn mệt mỏi với công việc từ lúc bình minh chào ngày mới.

Tôi bắt đầu để ý đến cô gái trẻ ngồi ở bàn đối diện khi cô ta đi một mình vào quán nhưng anh nhân viên lại đem ra hai ly nước. Một ly cà phê sữa cho cô và một ly đen đá ít đường cho người - nào- đấy sẽ ngồi ở chiếc ghế đối diện. Có lẽ, cô ấy đang chờ một người bạn nào đó, là bạn trai chăng? Phải rồi, vì hôm nay là cuối tuần mà! Các cặp tình nhân trẻ thì thường hay hẹn hò ở các quán cà phê lãng mạn vào dịp cuối tuần. Bỗng nhiên tôi phì cười, không hiểu sao tôi lại bắt đầu có sở thích để ý chuyện người khác. Phải chăng vì đôi mắt buồn trên gương mặt lạnh lùng của cô gái trẻ có một sức hút mãnh liệt với tôi?

Anh nhân viên trong quán tiến đến gần chỗ ngồi của cô , mỉm cười nhìn cô rồi hỏi:

- Tuần này của hai anh chị thế nào?
+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên.
 
Cô gái trẻ vẫn chắp tay vào nhau, mỉm cười rồi nhẹ nhàng đáp trả. Vậy ra, tôi đã đoán đúng. Cô ấy đang chờ người yêu. Và hai người họ là khách quen của quán cà phê này.
 

Cô gái trẻ đến quán cafe một mình...


Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi nóng lòng muốn xem mặt anh chàng người yêu tốt số ấy là ai, nhưng vẫn không thấy anh ta đến. Đàn ông con trai mà lại để người yêu mình chờ đợi mỏi mòn như thế, thật không lịch sự chút nào.

Cô gái trẻ từ nãy giờ vẫn chăm chú nhìn vào màn hình di động trên tay, lâu lâu lại khẽ cười, nhưng đôi mắt vẫn đượm một chút gì đấy buồn và day dứt. Thỉnh thoảng cô liếc nhìn ly cà phê đen như màu mắt đang từ từ nhạt màu đi khi đá dần tan ra. Thời gian làm nhạt phai mọi thứ...?

Rồi tôi bỡ ngỡ khi cô gái trẻ gọi tính tiền và bước ra cửa, anh nhân viên buông một câu chào khó hiểu :

- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

Tôi vẫn tròn xoe đôi mắt và cố gắng hiểu những gì đang diễn ra. Cô gái bỗng quay lại nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười. Có lẽ cô ấy đã biết có một kẻ tò mò đã trộm nhìn mình từ nãy đến giờ.

2. Nhân viên lâu năm

Tôi làm part-time cho quán cà phê này từ khi là sinh viên năm nhất. Tôi thích làm vào buổi tối, nhất là cuối tuần, khi những cặp tình nhân chọn nơi đây làm điểm hẹn hò, tôi đã chứng kiến được những chuyện tình lãng mạn, hài hước, và cả đau đớn nữa..

Vẫn như mọi buổi tối thứ bảy, cô gái ấy đến cùng với người yêu của mình. Tôi lập tức pha nước cho cả hai, như thường lệ, anh- cà phê đen và cô- cà phê sữa. Đã lâu rồi tôi không được nói chuyện với anh. Anh ấy là một người vui tính, nhưng rất điềm đạm và cư xử lịch thiệp, cũng như chiều chuộng người yêu mình hết lòng.

Tôi đặt ly cà phê sữa cho cô, và ly cà phê đá cho anh. Tôi vẫn pha cho anh nhiều cà phê hơn những người khách khác - vì anh là một người khách đặc biệt của quán chúng tôi.

- Tuần này của hai anh chị thế nào? - Tôi hỏi một câu quen thuộc như thường lệ. Thường thì anh sẽ là người trả lời. Nhưng bây giờ thì không.
+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên - Cố ấy mỉm cười nhìn tôi và đáp trả.
 

...nhưng điều kỳ lạ là người phục vụ vẫn đưa ra 2 ly cafe...


Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi để ý có một vị khách ngồi gần cửa sổ suốt từ nãy đến giờ vẫn nhìn chăm chăm vào hai người họ. À không, chính xác là vào cô ấy. Cô đang mở điện thoại di động và xem lại hình ảnh hoặc tin nhắn gì đấy - tôi đoán thế - có lẽ là những tin nhắn của anh và hình hai người chụp bằng máy di động.

Khi ly cà phê đen của anh đã tan hết đá. Cô gọi tính tiền và bước ra cửa. Tôi mỉm cười chào hai người :

- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

Cô nhìn về phía cửa sổ, mỉm cười với vị khách đang tròn xoe đôi mắt vì câu chào của tôi. Tôi không mấy ngạc nhiên, vì luôn có những vị khách tò mò về câu chuyện tình yêu của hai người họ.

3. Cô gái trẻ

Tôi và anh là bạn thân từ nhỏ. Đến hết năm cấp 3, chúng tôi quen nhau và hạnh phúc đến tận bây giờ. Nửa năm trước, anh dắt tôi vào một quán cà phê khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, làm thanh thản và dịu mát tâm hồn tôi. Khi tôi và anh cãi nhau, chúng tôi thường đến quán cà phê này, và sau đó thì lại làm lành với nhau, rất dễ dàng.

Sau một thời gian lui tới quán cà phê này vào mỗi tối cuối tuần thì chúng tôi đã trở thành khách quen của quán. Anh bắt chuyện với một nhân viên trạc tuổi chúng tôi, cậu ấy có vẻ thích cách nói chuyện của anh, và sau đó thì ba chúng tôi quen nhau.

Hôm nay, tôi lại đến đây cùng với anh. Tôi không cần gọi nước vì khi thấy chúng tôi, cậu nhân viên ấy sẽ biết mình nên pha nước gì. Ly cà phê đen cho anh lúc nào cũng được pha với rất nhiều cà phê, và chỉ bỏ một ít đường, vì anh thích uống như thế, cậu nhân viên cũng biết như thế.

- Tuần này của hai anh chị thế nào?- Cậu ấy hỏi chúng tôi một câu hỏi quen thuộc như thường lệ. Nếu như mọi khi, tôi sẽ để anh trả lời. Nhưng bây giờ thì không.
+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên… - Tôi trả lời cậu ấy thật tự nhiên...
 

... và cô để đá trong ly cafe tan dần theo thời gian.


Một tiếng đồng hồ trôi qua, vị khách ở bàn đối diện gần cửa sổ vẫn nhìn vào tôi chăm chăm từ nãy giờ. Tôi cười nhạt, chẳng để tâm nữa, rồi lại mở di động và đọc những tin nhắn của anh từ nửa năm trước. Bây giờ, anh không còn nhắn tin cho tôi nữa, nhưng đọc lại những tin nhắn của anh, tôi vẫn cảm thấy hanh phúc. Mỗi khi chúng tôi giận nhau, anh luôn nhắn tin làm lành trước, và khi kết thúc một tin nhắn, anh thường để câu này vào cuối tin. "Hãy yêu anh như thể hôm nay là ngày cuối cùng ta bên nhau, em nhé..!"

Tôi nhìn ly cà phê đen đang dần đổi màu, với lớp đá đã tan thành nước ở phía trên, anh vẫn không uống dù chỉ một ít cùng tôi. Tôi thấy đắng ở cổ, nhưng vẫn cố kìm nén để nước mắt không rơi, vì tôi không muốn anh nhìn thấy tôi khóc.

Khi tôi gọi tính tiền và bước ra cửa, cậu nhân viên mỉm cười chào chúng tôi :

- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

Thường thì anh sẽ quay lại và nói với cậu ấy rằng "Tất nhiên rồi! Vì chúng tôi là cặp tình nhân hạnh phúc nhất thế gian này…" Nhưng hôm nay, anh vẫn không nói gì.

Vị khách ở gần cửa sổ vẫn cứ nhìn hai chúng tôi. Tôi mỉm cười với ông ta rồi bước ra khỏi quán, hoà vào dòng người tấp nập ngoài kia, với những tiếng xe cộ réo lên inh ỏi, những ngọn đèn đường làm mắt tôi nhạt nhoà đẫm lệ…

Cuối cùng thì, tôi vẫn phải khóc, vì nhớ anh... Một người đã ra đi vĩnh viễn từ nửa năm trước.
 
Theo: kenh14.vn


Chỉnh sửa lại bởi LanH - 03/Jul/2009 lúc 10:08pm
IP IP Logged
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2009 lúc 4:17pm
 

Tâm Bịnh

Nguyễn Lê Hồng Hưng        

 

Hải cảng Delta Rotterdam mới khánh thành vài năm gần đây. Kè đá, cần trục, xe vận tải... tất cả đều mới và sạch sẽ. Giờ làm việc không xôn xao bóng người, những chiếc xe không người lái chạy tới chạy lui lúc nhúc phát ra tiếng tíc tíc tíc... Cần trục di chuyển lên xuống đều đặn, nhanh chóng, không va chạm mạnh nên không gây ồn ào như những bến cảng khác.

Tôi lên căn–tin uống cà phê chớ không có ý gọi điện về thăm nhà, vì thấy hộp điện thoại treo bên vách mới toan, bóng loáng bèn gắn thẻ vô quay chơi. Nhưng Thanh, vợ tôi, không có ở nhà. Sẵn tay bấm số thăm người bạn. Bên kia đầu dây, vợ anh bạn bắt điện thoại. Nghe tiếng tôi, chị reo lên:

– Tấn hả, chừng nào dìa?

– Tuần sau chị.

Không đợi tôi hỏi thăm sức khoẻ gia đình, như nguồn thác đổ, chị sổ một tràng:

– Anh dìa lần nầy ở nhà luôn đi, tội nghiệp con Thanh, hôm trước mẹ con chở nhau lên tui nè, qua hồi nói chuyện, tui thấy hình như nó bị stress hơi nặng, anh mà đi hoài có ngày nó bị điên mất.

– Ừa chuyện gì cũng từ từ chớ chị, tánh tình vợ tôi khi mưa khi nắng, chắc hổng sao đâu chị.

– Từ từ gì, tại anh hổng biết tánh nó, hơn nữa anh đi hoài đâu thấy được nỗi cơ cực khi đàn bà có con nhỏ. Như tui đây nè, mới có một đứa vậy mà vợ chồng thay phiên nhau lo còn hổng xuể. Huống hồ chi con Thanh mình ên mà ôm tới hai đứa.

Trong lúc chị ngưng lấy hơi, tôi lái câu chuyện qua bằng cách hỏi thăm sức khoẻ gia đình chị. Như con tàu xuôi dòng gặp chướng ngại vật, chị trả lời qua loa ngắn gọn rồi lái lại câu chuyện. Một hai chị thuyết phục tôi phải bỏ việc làm dưới tàu về nhà sau chuyến đi nầy. Theo chị, qua bên nầy rồi không mần cũng có ăn, đi làm chi xa nhà xa cửa bỏ vợ bỏ con... Chị nói tràng giang đại hải, tôi có muốn ngừng cũng không được. Cúp ngang thì mích lòng, tôi đành phải cầm chặt ống nghe nghe chị dạy bảo, tới khi điện thoại báo thẻ sắp hết, chị còn ráng thòng thêm một câu:

– Về bờ sống tiện tặng cũng được mà, anh coi trong nghĩa địa có ai chết vì bị thất nghiệp không.

Điện thoại cúp, hết sạch tấm thẻ mười đồng. Gát ống nghe, tôi ngơ ngẩn nhìn ra bến cảng. Những chiếc xe giống như những con bọ khổng lồ, cõng trên lưng vừa vặn một container hình chữ nhựt, từ dưới bến lần lượt bò ngay hàng thẳng lối lên sân rộng và dừng lại cho cần cẩu móc xếp ngay ngắn vô các ô đã vạch sẵn trên một khoảng sân. Tôi đương ở trong thế giới máy móc mới mẻ mà trước đây chỉ có trong những phim khoa học giả tưởng. Cho nên khi nghe giọng điệu của chị ‘nó’ gợi trong tôi nỗi nhớ nhung về những chốn xa xôi còn đương nghèo khổ. Ngay bây giờ, trên đất nước tôi, biết bao nhiêu người đàn ông đi làm ăn xa. Vợ ở nhà ôm con chờ đợi mau thì hàng tháng, lâu thì hàng năm, bảy năm nhưng khi chồng trở về, biết có tiền bạc để xây dựng gia đình hay chỉ là hai bàn tay trắng? Mỗi bận chồng ra đi vợ cứ nơm nớp lo âu, không biết ngày về anh có còn là chồng mình nữa hay không? Cực khổ trăm bề nhưng vẫn chờ vẫn đợi.

Việt Nam cũng có lúc thây người chết đầy đường vì thiếu ăn, Phi Châu người chết đói thây phơi như rạ khô trên cánh đồng sau mùa gặt, Bắc Hàn đói khát lạnh lẽo và nhiều nước nghèo mồ chôn tập thể vì nạn đói... Hổng biết chị còn nhớ hay không? Hơn hai mươi năm trước chị cũng nằm dài trong trại tị nạn thiếu ăn, thiếu mặc. Nếu không có những người hảo tâm trên thế giới nầy góp phần giúp đỡ và được vương quốc Hoà Lan cho định cư chắc chắn chị cũng bỏ thây trên hải đảo hoang vu nào đó trong vùng biển Nam. Người ta mời chị qua tị nạn chớ có phải mời qua tiệc tùng nào đâu mà ngồi ăn khơi khơi và còn lớn lối. Sống trên đất nước nạn thất nghiệp coi như trận giặc, người đông việc ít, có một việc làm đàng hoàng để khỏi sanh "giặc" là lương thiện lắm rồi. Nghề thủy thủ đâu đến nỗi bất lương nhưng không hiểu sao nhiều người gặp thủy thủ làm như gặp hải tặc không bằng. 

Ba tháng trên tàu, tuần nào tôi cũng điện thoại về thăm vợ thăm con. Thỉnh thoảng tàu về Hoà Lan, Thanh cũng có chở con xuống thăm. Mới hôm kia điện thoại về mẹ con cười, nói vui vẻ và bàn tính chuyện qua Tây Ban Nha nghỉ hè sắp tới, tôi đâu nghe thấy triệu chứng tâm thần nào đâu. Chẳng lẽ đương không nổi khùng bất tử. Hơn nữa Thanh có chuyện rắc rối hoặc tinh thần bất ổn thì điện thoại nói với tôi, có đâu chạy xe cả giờ đồng hồ lên nhà chị than thở. Nhà ở cách nhau cả trăm cây số, xuân, thu nhị kỳ mới gặp nhau, ăn một bữa, nói chuyện vài câu. Chị hiểu được gì mà quả quyết hiểu vợ tôi còn hơn tôi nữa.

Muốn bấm số gọi về nhà nhưng thẻ không còn. Hôm nay nắng đẹp, mới hơn mười giờ sáng, có lẽ Thanh vừa dẫn con đi chơi đâu đó. Tôi lững thững bước ra khỏi căn tin trong không khí đầu mùa hè ấm áp.

– Papa kìa.. papa kìa.. papa kìa....

Tôi day lại, ngạc nhiên thấy đứa con gái đầu lòng giọng đớt đát kêu Papa vừa a tầm phù chạy tới, con nhỏ mới hơn năm tuổi mà lanh quá chừng miệng tía lia. Tôi cúi xuống đón bồng nó lên. Thanh tay bồng đứa nhỏ, tay xách giỏ đồ đi tới:

– Anh thấy em tìm đường giỏi không ?

– Ai chớ vợ anh là số một rồi.

Đứa con gái thứ hai cũng chồm qua đòi papa, tôi vói tay ẵm luôn nó và dắt mẹ con xuống tàu. Mấy thủy thủ thấy gia đình tôi lục đục kéo xuống, có người chồm ra boong vẫy tay chào và hô lớn:

– Mày là thằng không tốt, vợ xuống thăm mà không cho biết.

Tôi nói:

– Tình cờ ông à.

Lisal thủy thủ người In đô chạy lên đón lấy giỏ đồ bắt tay chào và hỏi thăm sức khoẻ. Thanh nói với nó:

– Hồi nãy tôi có ghé tiệm Tàu mua cho mấy ông bịch ớt và mớ rau muống, định mua thêm mì gói nhưng tôi xách không hết.

– Bao nhiêu đó cũng đủ chúng tôi ăn tiệc lớn rồi.

Ban đêm trên tàu chỉ có tiếng rè rè của máy phát điện. Hai đứa con tôi nằm cạnh bên, bắt tôi gãi lưng cho chúng. Sau một hồi rờ mặt, móc mũi, móc mắt tôi đã rồi hai đứa mới chịu ngủ. Tôi nhìn hai đứa nhỏ ngủ ngon, con nít hồn nhiên, vô tư lúc nào cũng hiện lên trên gương mặt. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, sống trong một xóm lưới nghèo ven biển, lòng con người ta thẳng như ruột ngựa. Ngôn ngữ của dân đánh cá dùng trao đổi, tâm tình hoặc khuyên bảo thậm chí họ chửi bới nhau cũng đâu đến đổi khó nghe. Không lẽ sống trong xã hội càng văn minh ngôn ngữ và lòng dạ con người ta càng sanh ra phức tạp? Tôi kê gối, đắp mền cho hai đứa con, day qua hỏi vợ:

– Vừa rồi em có lên nhà chị Lắm phải không?

– Đâu có.

– Ủa.

– Sao anh ?

– Vậy ai bị stress ?

– Anh nói ai stress gì ?

 Tôi không muốn khui ra ba chuyện tào lao làm cho tổ ấm chúng tôi chộn rộn. Tôi bèn nói lảng sang chuyện khác.

– Anh nói với em tuần tớì anh về, sao em còn chạy lên làm chi cho mất công?

– Mấy bữa nay Lệ đòi đi thăm anh, hôm nay trời nắng đẹp, biết tàu anh vô, em điện lên công ty hỏi. Họ nói tàu anh đậu lại đây mai mới chạy, em xin họ số bến cảng rồi sửa soạn đem con xuống cho nó chơi với anh. Người ta nhớ xuống thăm mà cũng cằn nhằn.

– Anh sợ em cực chớ cằn nhằn em đâu.

– Hồi nhỏ em theo má thăm ba cải tạo lên xe, xuống đò, đi ngày đi đêm nhịn đói, nhịn khát cực khổ trăm bề. Ở đây lên xe hơi nỗ máy chạy có hơn giờ đồng hồ gặp anh sướng thấy mồ, cực khổ gì đâu.

Tôi lòn tay qua ôm và áp mặt vợ sát vô ngực mình. Cả hai yên lặng nằm nghe hơi thở của hai đứa con. Tội nghiệp, tôi làm ăn xa nhà, để một mình vợ ôm con xoay sở giữa cuộc đời đầy náo động. Dường như lúc nào gặp đồng hương, Thanh phải lắng nghe những lời dạy bảo. Có bà khuyên Thanh nên bỏ tôi đi cho rảnh cái nợ đời. May mắn cho chúng tôi, đã sống với tôi ngót mười năm nhưng chưa lần nào gặp sóng to gió lớn. Hạnh phúc được như vậy đúng ra tôi phải hãnh diện mà tin tưởng vợ. Nhưng không hiểu sao ôm cái hạnh phúc trong tay mà lòng tôi cứ ngai ngái lo cho những ngày sắp tới.

– Anh, anh.

– Gì em?

– Em thấy anh kỳ kỳ sao ấy?

Nghe giọng Thanh lo lắng, tôi giựt mình hối hận cho những suy tư vớ vẩn. Tôi xoa xoa lưng vợ nói nói như vỗ về:

– Anh đương nghĩ trong một xả hội quá an bình lại sanh ra nhiều chứng tâm thần, riết rồi anh không biết ai bịnh ai không.

Giọng Thanh có hơi trách hờn:

– Em dẫn con xuống thăm anh, anh không lo mà anh lo chuyện đâu đâu không, có ngày anh

bịnh chớ ai.

– Ha ha ... em nói đúng, vợ anh lúc nào cũng đúng.



Chỉnh sửa lại bởi LanH - 04/Jul/2009 lúc 4:18pm
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2009 lúc 6:03pm

      Đừng vội xét đoán

 
 
Chúng ta thường hay xét đoán người khác khi chưa hoàn toàn hiểu hết về họ. Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau :

“Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.

Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.

Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận.

Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó.

Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.”

Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa.

Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta.


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 04/Jul/2009 lúc 6:20pm
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2009 lúc 6:18pm

               Nhà gương

 
 
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng xa xôi có một ngôi nhà lớn với 1.000 chiếc gương.

Một con chó nhỏ tính tình vui vẻ biết được điều đó và quyết định đi thăm ngôi nhà. Nó bước vào cửa với guơng mặt vui vẻ hạnh phúc, đuôi vẫy nhanh và tai dỏng lên.

Con chó nhỏ hết sức ngạc nhiên vì có tới 1.000 người bạn khác cũng đang nhìn và vẫy đuôi y như mình. Nó mỉm cười, và 1.000 con chó kia cũng mỉm cười thân ái đáp lại. Khi rời ngôi nhà, con chó nghĩ : “Thật là một nơi tuyệt vời. Mình sẽ còn quay lại nhiều lần nữa”.

Ở cùng một ngôi làng cũng có một con chó khác, không vui vẻ hạnh phúc lắm. Nó cũng quyết định đi thăm ngôi nhà gương.

Nó chậm chạp trèo lên những bậc thang, đầu cúi gằm và nhìn vào phía trong. Khi nó thấy 1.000 gương mặt không thân thiện đang nhìn mình, con chó sủa và lấy làm khiếp sợ khi thấy 1.000 con chó kia cũng sủa lại. Và khi đi khỏi ngôi nhà gương, nó nghĩ thầm : “Thật là một nơi kinh khủng, mình sẽ không bao giờ trở lại đây nữa”.

Tất cả những khuôn mặt mà bạn gặp trên cuộc đời này là những chiếc gương soi rọi hình ảnh của chính bạn.

Và bạn, những gì phản chiếu trên gương mặt những người mà bạn gặp là như thế nào?

Bài sưu tầm
Nguồn: Xitrum.net



Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 04/Jul/2009 lúc 6:20pm
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2009 lúc 6:24pm
Hay quá Rán vui vẻ ơi.
Chị Thủy đi VN đã trở về rồi. Đang xem những bài của RVV thấy nhiều bài thật hay . Lại cám ơn.
Lần này về VN không tìm được cá thính nhưng đi Phan Thiết ăn một món gỏi cá tái trộn thính , tên là gỏi cá Nha Trang cũng rất ngon .


Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 04/Jul/2009 lúc 6:24pm
PhanThuy-CA
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 05/Jul/2009 lúc 10:38am
Dạ, cháu xin chào cô Phan Thủy !
 
Chuyến đi về VN của cô vui chứ ? Cháu chúc cô luôn vui vẻ và hạnh phúc.
IP IP Logged
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Gởi ngày: 05/Jul/2009 lúc 9:15pm
 
Tình xưa nghĩa cũ.
Võ đức Tiến

Trên khuôn mặt người đàn ông hiện rõ những lo âu, những nôn nao, chờ đợi. Ðè nặng trong khuôn mặt xạm nắng, bóng loáng mồ hôi. Trên vầng trán, những nếp  nhăn, vẽ những đường hằn xâu hoắm. Mài tòc mầu muối tiêu, bồng bềnh, dáng người cao, gầy, chững chạc trong bộ đồ vét cũ. Tất cả đều gìa cỗi. Trừ đôi mắt sâu dưới hàng mi rậm vẫn sáng long lanh đầy tự tin, tỏa ra sức sống mãnh liệt. Có lẽ sự khác biệt là như thế. Nhưng vẫn không dấu được vẻ lúng túng giữa sự rộn rịp, giữa hành lang rộng lớn, giữa những người xa lạ. Người đàn ông đẩy chiếc xe chở hành lý to kềnh càng, trên xe vỏn vẹn hai cái valy nhỏ, một chiếc túi xách, bước từng bước dài thong thả. Cô gái mặc áo dài mầu trắng, rụt rè đi bên cạnh, tay ôm bó hoa. Một bó Cẩm Chướng, những cánh hoa nở rộ. Cả hai đứng lại ở một góc vắng người. Có vẻ chờ ai. Thỉnh thoảng người đàn ông xoay đầu từ từ nhìn bên phải, rồi nhìn bên trái. Dừng lại một lúc rồi lại nhìn từ trái sang phải. Cô gái kín đáo hơn chỉ liếc mắt thật nhanh. Thời gian như ngừng lại. Bỗng hai bàn tay của người đàn ông đang nắm chặt tay cầm, nắm chặt hơn, những sợi gân tay nổi lên, đôi mắt sáng hơn, cả thân người còm cõi vùng dậy chồm về phía trước, nhanh như một con báo. Nhìn thấy phản ứng của ông. Cô gái cũng giật mình mở to đôi mắt, dáng đứng thẳng hơn, bó hoa được ôm sát vào ngực, che lại những rung động theo hơi thở dồn trên lớp vải áo mỏng. Không lâu lắm, người đàn ông thở ra. Quay sang nhìn cô gái không nói gì. Ðôi vai chùn lại. Cúi nhìn nền gạch bóng loáng, hình như ông thấy cả những thất vọng của mình trải trên nền nhà. Ông ngẩng đầu nhìn lên trần nhà. Những người đi cùng chuyến bay đã được đón. Từng đôi, từng nhóm, ôm nhau mừng rỡ, những  người được tặng hoa cười rạng rỡ, họ hôn lên má của nhau, lên môi nhau, những ánh mắt chan chứa tình, long lanh. Vòng tay mở rộng. Ngả đầu lên vai. Hay tựa vào ngực nhau. Cô gái cúi đầu nhìn xuống chân. Hành lang nhộn nhịp còn trơ lại hai người. Thỉnh thoảng một vài người đi qua, bước những bước dài,vội vã. Người đàn ông đẩy chiếc xe qua một bên. Nhìn hàng ghế trống, rồi nhìn cô gái. Ông ngồi xuống lưng cong vòng. Cô gái vén vạt áo dài ngồi xuống bên cạnh. Ðể bó hoa lên đùi. Bó hoa cô nâng niu chăm sóc cẩn thận từ khi cô chọn mua. Hơn hai mươi giờ, vừa chờ dưới đất, vừa trên máy bay, chẳng mấy khi cô để bó hoa một mình. Cô thì thầm, vuốt ve rất nhẹ. Thỉnh thoảng ghé mũi hít. Liếc mắt nhìn người đàn ông đang thở từng hơi khói thuốc, pha lẫn tiếng thở dài. Cô gái cúi đầu vân vê những cánh hoa. Những ngón tay gầy xạm nắng. Mái tóc dài rủ xuống mỏi mệt.

Người đàn ông xoay đầu nhìn và hỏi?

_ Uống một chút nước nhá?

Cô gái lắc đầu, mái tóc đong đưa.

_ Dạ không. Mẫu đối thoại ngắn duy nhất của buổi trưa. Từng người lững thững đi, từng nhóm nhỏ tụ lại cười nói ngả nghiêng. Hành lang lại đầy người. Những giọt nước mắt từ đôi mắt phờ phạc thiếu ngủ của cô gái, rơi trên giấy gói bó hoa, từng giọt, từng giọt. Cô đưa ngón tay xoay vòng trên những giọt nước mắt, vết loang lớn dần dần. Người dàn ông hướng ánh mắt bắt lực nhìn. Ðưa bàn tay gân guốc, vuốt mhẹ mái tóc dài óng mượt. Cô gái đưa khăn tay lên chặm mắt, đôi vai run run thổn thức. Từ lúc đó cô không còn liếc mắt nhìn quanh không còn những phản ứng theo người đàn ông. Cô chỉ nhìn xuống sàn. Không nói nhưng có vẻ không còn tin vào những cú giật mình của người đàn ông nữa. Mặc cho người đàn ông đứng lên ngồi uống, mặc cho người đàn ông bồn chồn hụt hẫng. Càng lâu người đàn ông càng bối rối, đôi mắt đăm chiêu nhìn. Ông ta móc ra điếu thuốc cuối cùng, đưa lên môi ngậm. Bóp bao thuốc rỗng. Khi chiếc bao vuông vắn trở thành một cục giấy tròn nhỏ, người đàn ông xoay người bỏ vào thùng rác bên cạnh. Môi vẫn ngậm điếu thuốc chưa mồi. Cánh cửa lại rộng mở, nhả ra từng nhóm người, kẻ vội vã dõi mắt nhìn dáo dác, người nhởn nhơ, ngơ ngác nhìn. Bên cạnh những xe chở hành lý đầy ắp, lăn bánh nặng nề. Ðể lại trên khuôn mặt ngưòi đàn ông thêm những lo âu. Ông thôi không còn bồn chồn nôn nóng, và những khi nhìn ai thì có vẻ lừ đừ . Khi bóng đêm thấp thoáng bên ngoài khung cửa kính, ông ta lấy trong túi xách một cái bánh mì nhỏ, phần ăn để dành từ trên máy bay, gói cẩn thận trong khăn giấy.

_ Ăn một tí nhá?

_ Dạ không.

 Cô nghiêng người tìm chỗ tựa. Người đàn ông dang tay kéo vào, khoát tay lên vai, vỗ nhè nhẹ, nhìn xa vắng đôi mắt trở nên buồn, long lanh.

_  Bố ơi! Nhỡ Mẹ không đến đón thì mình làm sao hở Bố?

_ Sao lại không đến.

Người đàn ông trả lời nhanh và chắc.

 _ Hãy cố thêm tí nữa nhá!

Ông khe khẽ thở dài. Tuy nói vậy, nhưng trong lòng ông thật ra, ông còn nôn nao hơn cả con ông. Ông cũng đã nhiều lần tự hỏi " Nếu Bà không đến đón thì hai Bố con phải làm sao, trên đất nước xa lạ này. Tiền bạc thì chỉ có mấy chục bạc. Không quen ai ? ". Cô gái mỏi mệt, nhắm đôi mắt buồn hiu. Mái tóc loà xoà, những lọn tóc rối vương hờ hững trên vai người đàn ông. Tiếng nhạc văng vẳng phát ra từ chiếc loa treo trên vách tường. Giọng ca của người nữ ca sĩ da đen. Tiếng ca buồn buồn, như rên. Chắc cô có điều gì buồn lắm .  Ru cô vào giấc ngủ. Bàn tay giữ bó hoa lỏng dần. Cánh tay cô buông thõng xuống. Bó hoa cô nâng niu rơi xuống sàn nhà. Tiếng động rất khẽ. Giật mình, mở đôi mắt đỏ hoe. Người đàn ông cúi lượm bó hoa để lên xe. Xoa nhẹ lên vai cô gái, cho gối đầu lên đùi mình.

_ Ngủ một tí nưã đi. Giọng trầm trầm.

Ðắp nhẹ chiếc áo vét lên người cô gái, dáng cong như con tôm kho. Ngưòi đàn ông cắn chặt môi dưới, nhìn nhưng hình như chẳng thấy gì. Cả hai đều dè xẻn lời nói. Người đàn ông mỏi mệt gục đầu thiu thiu ngủ. Những biến động trong lòng trải ra trên khuôn mặt ông, khi nhăn nhíu như những đau đớn nào đó đang dày vò ông. Khi ông nhếch môi, một nụ cười héo hon. Một hai tiếng nấc nho nhỏ làm cả thân người gầy của cô gái run run theo. Những giọt nước mắt đọng trên khóe, chảy theo khuôn mặt nghiêng nghiêng. Một vài tiếng động nhỏ đánh thức. Ông dõi mắt nhìn về phía cuối hành lang nơi dành cho người đến đón. Người lao công da đen đẩy xe lau xàn nhà, chậm rãi đi vào, cười chào.

_ Good night  Sir.

Người đàn ông chào lại. Cúi đầu nhìn cô gái đang ngủ ngon. Ðưa điếu thuốc lên môi, thong thả mồi và hít từng hơi thật dài. Ðôi mắt đăm chiêu nhìn xa xôi theo làn khói thuốc bay lãng đãng. Lồng ngực ông căng lên, tiếng thở não nề tuôn ra, ông xìu xuống đôi mắt khép lại, những khi buồn ông vẫn hay làm như thế và mơ. Cứ như là trong đám khói thuốc kia ẩn hiện những hình ảnh vẫn theo ông. Một dĩ vãng dài nhằng, đầy dẫy những muộn phiền, những hạnh phúc, những đổ vỡ. Có vẻ bằng lòng điều gì đó, ông nhếch mép cười nửa nụ. Nụ cười ông dành dụm cho con gái ông, và mỗi khi nghĩ về thuở xưa. 

Thuở ấy. Ôi ! đẹp làm sao. Ði đến trường người đi trước kẻ đi sau, người đi trước tuy đi không nhanh nhưng người đi sau vẫn không bước kịp. Khoảng cách cứ như thế. Người đi trước có việc phải dừng lại thì người đi sau đành phải bước luôn. Trong lớp nhìn ngang là thấy nhau nhưng thấy nhau thì như bị điện giật, cho nên chỉ lén nhìn. Cho đến một hôm; Nàng đùa với bạn chạy từ ngoài cửa vào, chàng từ trong lớp chay ra đụng nhau, hoảng hồn nàng ôm chàng, chàng ôm nàng, ôm nhau thật chặt. Khi buông tay ra nàng khóc như cả cha  lẫn mẹ vừa.... chết. Chuông reo vào lớp. Ngọc vẫn thút thít khóc. Thầy giáo hỏi chuyện gì? Nhao nhao một đám.

_ Vũ ôm Tơ Ngọc nên Tơ Ngọc khóc đấy thầy. Thầy Phạt......ôm lại trừ đi thầy.

_ Sao lại ôm người ta?

_ Tai nạn lưu thông.

_ Gớm chỉ giỏi nghịch.

Từ đấy mỗi ngày vào lớp, ông nhận được những cái liếc, những cái háy cháy cả lòng. Gặp nhau ngoài đường chàng cúi đầu tránh. Trong lớp chàng chỉ nhìn thẳng phía trước. Ðang là người học giỏi. Chàng từ từ tuột dốc. Hạng năm. Hạng mười. Rồi gần áp chót. Mấy làn bị đuổi ra khỏi lớp. Bàn bè xầm xì. Nàng cũng thấy mình qúa đáng. Mắt lại tìm mắt.

Loanh quanh những cái kiêu, cái nhỏng nhẽo của nàng mất mấy năm. Yêu nhau. Cưới nhau trước khi ông vào lính. Ngày ông đi tù, vợ ông mang thai. Ngày ông về gặp lại thì con gái ông tám tuổi. Vợ chồng xa nhau đến nay thời gian cũng gần bằng khoảng tuổi thuở mới yêu. Bây giờ bà ra sao nhỉ? Lâu quá không gặp. Nhưng chắc thế nào cũng nhận ra. Làm thế nào mà không nhận ra được. Ông tự nhủ lòng, và có vẻ vui ra. Mím môi ông gật gù cười. Những người ra nước ngoài lâu năm hình như ai cũng mập ra, đẹp hơn. Và chắc vợ ông cũng thế! Bà ngày xưa vốn đã đẹp.

Người đàn bà mới đến dáng vội vã, bước những bước thật dài. Ðôi giầy cao gót  gõ những tiếng dồn vang cả hành lang. Bà nhìn quanh, đôi mắt sáng dưới hai hàng lông mày đen đậm, mũi thanh cao, môi hồng nũng nịu. Trang phục sang, thật đẹp. Và như bà nhận ra bà đưa ngón tay chỉ về phía hai người. Khi đứng trước hai người bà cúi đầu chào và cười. Sự xuất hiện của người đàn bà như có luồng điện vô tình nào đó đã khích thích người đàn ông. Mừng rỡ, mở to đôi mắt ngạc nhiên nhìn người đàn bà mới đến. Ông khẽ lay vai cô gái.

_ Linh thức dậy con. Linh vùng ngồi dậy ngơ ngác nhìn. Và nhìn chăm chăm người đàn bà đang đứng trước mặt, như cố moi tìm trong vùng trí nhớ. Cố gắng lắm, cô nhíu cả mày, cổ khô Linh nuốt nghẹn nghe ừng ực.  Nhưng hình như Linh không nhận ra người đang đứng trước mặt mình là ai. Nên cô chỉ cúi đầu chào. Ðôi ba lần cô liếc mắt nhìn người đàn bà rồi nhìn bó hoa.

Người đàn bà nói tiếp.

_ Xin lỗi đã để hai Bố con chờ lâu quá. Vì cứ phải dời đi dời lại ngày đi đón. Nên ngày ông và cháu đến thì tôi đi công tác xa. Tôi cũng vừa xuống máy bay đấy. Trễ qúa.

 Người đàn bà vòng tay ôm vai cô gái cúi đầu hỏi:     

_ Cháu có mệt lắm không?

Cô gái trả lời nhỏ, lẫn nụ cười héo:

_ Dạ thưa không.

Nhìn bó hoa Linh đang ôm trong lòng. Ðôi mắt bà chớp chớp. Mặc dù bà là người rất cứng rắn.

 Nắm tay Linh.

 _ Mình đi thôi.

Ngưòi đàn ông đẩy xe đi phía sau, bước chậm theo hai người. Bây giờ ông mới ngẩng đầu nhìn ngắm chung quanh. Khi cả ba đứng bên cạnh chiếc xe hơi. Loại xe của những người giầu. Chiếc xe sang trọng, lầm lũi đi vào những con đường nhộn nhịp, tràn ngập áng đèn, người đàn ông im lặng. Người đàn bà bận rộn, hết làm việc này đến làm việc khác. Khi thì gọi điện thoại Chiếc xe kềnh kàng nhưng ngoan ngoãn dưới hai bàn tay trắng, những móng tay trau chuốt, lấp lánh ánh kim cương. Linh ngồi phía sau chồm người ra trước hỏi:

_ Thưa Bác mẹ cháu vẫn khỏe chứ?

Người đàn bà chỉ gật gù, không trả lời. Chăn chú nhìn về phía trước. Con đường như một giòng suối tràn ngập ánh sáng. Người đàn ông nhắm mắt tựa vào kính xe lim dim. Dù sao thì cũng đã có người đón. Xe chậm rãi vào bãi đậu của của một khu phố sầm uất. Người đàn bà mời:

_ Mình vào ăn tối. Về đến nhà thì cũng khuya lắm.

Cả hai bố con im lặng làm theo. Nhìn những món ăn ngon được dọn ra, đói thì cũng đói nhưng chẳng muốn ăn. Lòng dạ nào mà ăn. Hai người như vừa từ trên trời rơi xuống.   Thỉnh thoảng người đàn ông nhìn sang người đàn bà rất nhanh. Bà cũng có vài nét quen. Nhưng mũi của vợ ông thì không đẹp bằng, môi thì cũng không mọng thắm như bà. Giọng nói thì có giống, nhưng trầm hơn. Nhưng vẫn có điều gì là lạ. Người đàn bà thì rất dạn dĩ, khi nhìn thì nhìn thẳng người đối diện, và khi nói cũng vậy.

  _ Ông và cháu ăn ít quá! Vậy để tôi bảo họ gói mang về.

Người đàn ông ái ngại nói:

 _ Chúng tôi làm phiền bà quá.

Bà cười thay cho câu trả lời. Rút trong bóp ra một tấm danh thiếp đưa cho người đàn ông, và một phong thư.

_ Trong ấy có ít tiền để ông và cháu tiêu tạm.

Người đàn ông gật đầu cám ơn. Cúi nhìn tấm danh thiếp. Luật sư. Camly Võ. Bên dưới có thêm mấy hàng chữ nhưng nhỏ qúa ông không mang kính nên không đọc được.

Ông có nhiều điều muốn biết, nhưng ông cũng không hỏi gì. Bà là người có học. Dĩ nhiên bà hiểu trong đầu ông, trong đầu con gái ông nghĩ gì. Bà không nói vì bà không muốn nói. Nếu cần thì bà đã nói rồi. Hai bố con cám ơn những việc bà đã làm. Trên con đường về. Ông biết đây là con đường về. Nó sẽ đưa hai bố con ông về đâu, đến đâu? Nơi đó có những gì đang chờ. Ông cố gắng nén tiếng thở dài cứ muốn tuôn ra.

_ Thưa Bác bao giờ thì Bác gặp mẹ cháu?

_ Tôi cũng không biết. Tôi chưa gặp Mẹ cháu bao giờ!! Văn phòng của tôi nhận việc này, và giao cho tôi.

Xe chạy ngang chạy ngược. Ðến đây thì ông không còn biết phương biết hướng nữa. Thả hồn lêng đêng với tiếng nhạc văng vẳng, thân ông ngả ngiêng theo giòng xe cộ. Xe chạy chậm dần.Lúc chạy lúc dừng Bà hạ kiếng xe, nghiêng đầu nhìn ra ngòai, lẩm nhẩm đọc.

_ O.K. Ðây rồi. Bà nhoẻn miệng cười. Lùi xe, đậu gọn bên lề đường.

Cả ba người loay hoay một hồi mới mở được cửa của căn nhà lưu động nho nhỏ.

 Bà Camly Võ ra về và hẹn sẽ gặp lại. Trong căn phòng nhỏ có mọi thứ cần thiết. Linh ngồi ở mé giường hai tay đan vào nhau, để trên đùi. Người đàn ông hai tay thọc trong túi quần đi tới đi lui.

 _ Linh đi tắm và thay áo quần đi con!

Linh không trả lời cũng không đi.

_ Bây giờ mình phải làm sao hở bố? Người đàn ông trần ngâm một lúc lâu. Quay lại nhìn con, nhưng không nói gì. Óng 

_ Bố. Con muốn giữ bó hoa này mãi Bố ạ.

_ Ừ , để đấy Bố làm lại cho đẹp. Ði tắm nhanh lên, xong vào bố lau tóc cho.

Ông lom khom người mở va ly cho con. Linh ôm trên tay mấy thứ cần dùng. Cô đi vào phòng tắm. Còn lại một mình. Ông ngồi lặng lẽ nhìn bóng mình xoi trên vách, và thèm một điếu thuốc. Có lẽ chưa lúc nào ông thèm thuốc lá như bây giờ. Chống cùi chỏ lên bàn tì trán lên tay, những sợi tóc muối tiêu lòa xòa. Những cơn đau bao tử đang dày vò, ông oằn người chịu đựng, mồ hôi ướt trán. Những câu hỏi đang giẫy dụa trong đầu, ông thở dài. Lưng ông cong, những nỗi buồn chất chồng. Ông gục đầu lên bàn như kẻ kiệt sức. 

_  Bố mệt lắm phải không? Bố ngậm kẹo sâm Bố nhá?

Người đàn ông giật mình nhìn quanh.

_Bố ơi! Bố vào giường nằm đi.

Ông chậm rãi đứng dậy, ngả lưng xuống giường. Linh kéo chăn đắp cho bố. Cô quì bên cạnh thì thầm:

_ Bố ngủ đi.

Ông chớp đôi mắt đỏ mấy lần thay câu trả lời. Nhắm mắt tìm giấc ngủ. Ông mỉm cười khi hai bàn tay mát lạnh của con gái nắm chặt tay ông. Ông cố xua đuổi những ý nghĩ đang dày vò ông. Thấm mệt sau chuyến bay dài, chen lẫn những rối ren trong ngày, ông chìm vào giấc ngủ. Ðêm thâu lặng lẽ, cô gái ngồi nhìn chăm chăm vào khoảng không đen đen trước mặt, lẩm nhẩm đọc bài  kinh đêm. Gió khuya lùa những cành dương liễu rủ phủ trên mái nhà xào xạc, như có ai thì thầm. Tiếng thở nặng nề, không đều, khi nặng khi nhẹ, khi thì như tiếng thở dài.

_ Mẹ ơi ! Mẹ ở đâu?



Chỉnh sửa lại bởi LanH - 05/Jul/2009 lúc 9:30pm
IP IP Logged
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Gởi ngày: 05/Jul/2009 lúc 11:29pm
Múa nghệ thuật




















Chỉnh sửa lại bởi LanH - 05/Jul/2009 lúc 11:29pm
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 30 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.197 seconds.