Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chúc Mừng - Chia Buồn - Cảm Tạ
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Tổng Quát :Chúc Mừng - Chia Buồn - Cảm Tạ
Message Icon Chủ đề: Vĩnh Biệt Phạm Huỳnh Tam Lang Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Chủ đề: Vĩnh Biệt Phạm Huỳnh Tam Lang
    Gởi ngày: 02/Jun/2014 lúc 5:00am

Tuổi Già Của Cựu Cầu Thủ Lừng Danh Việt Nam

Tuổi ngoài thất thập, cựu huấn luyện viên bóng đá Phạm Huỳnh Tam Lang một ngày 3 cữ thuốc trị bệnh gút, ấm êm với vợ trong nếp nhà nhỏ. Trí nhớ giảm nhưng ký ức về một thời xông pha sân cỏ vẫn vẹn nguyên trong ông.

Nhận phần thuốc buổi sáng từ tay vợ, danh thủ lừng lẫy một thời chậm rãi uống hết. 7 năm nay, bệnh gút khiến cử động của ông khó khăn, phải bầu bạn với thuốc men liên tục. 

Từng là cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam, giữ vai trò thủ quân giành cúp Merdeka năm 1966 và vô số giải thưởng khác, là huấn luyện viên trưởng đội bóng Cảng Sài Gòn, huấn luyện viên Đội tuyển quốc gia Việt Nam, Phạm Huỳnh Tam Lang được coi là một trong những trung vệ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam và châu Á. Nổi tiếng với lối chơi tài hoa, phong thái điềm đạm, đức độ, ông là một trong số ít cầu thủ và huấn luyện viên nhận được sự nể trọng của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn. 

Ngày nay trí nhớ kém hẳn do tuổi tác và sử dụng quá nhiều thuốc, những chuyện vừa xảy ra có thể ông quên ngay, nhưng ký ức xa xưa về bóng đá thì ông vẫn lưu giữ vẹn nguyên. Đó là những tháng ngày chàng trai đất Gò Công (Tiền Giang) đội mưa nắng luyện tập cùng trái bóng tròn với bạn bè ở quê. Với lối đá điêu luyện, nhiệt huyết, "bọ cạp" Tam Lang từ đội bóng sân trường mau chóng bén duyên sân cỏ đội tỉnh rồi đội bóng quốc gia. Đó còn là ký ức về chiếc cúp vô địch giải đấu danh tiếng Merdeka, quy tụ những đội mạnh nhất của châu Á mà khi ấy việc được mời tham dự giải đã là vinh dự.

Với ông, khoảnh khắc được sống trong vòng tay của người hâm mộ, được khán giả yêu thương, tràn xuống sân ôm chặt, tung hô, sân vận động lúc nào cũng chật kín khán giả cả 4 khán đài... là những ký ức không thể nào quên. 

Những%20kỷ%20niệm%20về%20một%20thời%20sân%20cỏ%20vẫn%20được%20lưu%20giữ%20ở%20những%20vị%20trí%20trang%20trọng%20trong%20căn%20nhà%20nhỏ%20của%20danh%20thủ%20Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang.%20Ảnh:%20Lê%20Phương.

Những kỷ vật thời sân cỏ được lưu giữ cẩn thận ở những vị trí trang trọng trong căn nhà nhỏ của danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Ảnh: Lê Phương.

Nửa thế kỷ trong nghề, chứng kiến không ít thăng trầm của bóng đá nước nhà, có cả những người quý mến và không ít những nhận xét nghiệt ngã, Phạm Huỳnh Tam Lang vẫn âm thầm cống hiến, bình thản chấp nhận mọi thứ như bản tính vốn có của mình, để mọi thứ cho thời gian phán xét. 

Sau khi về hưu, lúc bệnh chưa trở nặng, ông là một trong những người âm thầm đứng ra kêu gọi các cựu tuyển thủ đến với nhau để tập luyện, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hiện tại, thành lập hội tương tế cựu cầu thủ...

Tuổi già của ông Phạm Huỳnh Tam Lang là niềm hạnh phúc đơn sơ bên người vợ hiền. Bà Tô Thị Minh Hồng, người vợ gắn bó gần 30 năm, đã giúp ông yên tâm cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp quần đùi áo số.

Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang%20và%20người%20vợ%20đã%20gắn%20bó%20hơn%2030%20năm%20qua.%20Ảnh:%20NVCC.

Phạm Huỳnh Tam Lang và người vợ đã gắn bó hơn 30 năm qua. Ảnh: NVCC.

Trước bà Minh Hồng, chàng cầu thủ điển trai, tài hoa ngày nào từng gặp tiếng sét ái tình với nghệ sĩ Bạch Tuyết, người được mệnh danh là "cải lương chi bảo" thời bấy giờ. Hai người kết hôn sau hơn một năm hẹn hò và chia tay sau 7 năm chung sống. Đến tuổi 40, "nghệ sĩ sân cỏ" Tam Lang lập gia đình với người vợ kém ông 15 tuổi, sinh được một con gái đi du học ngành dược và đã ra trường đi làm tại Australia. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng lập gia đình và có một con trai. Hai gia đình hiện vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Không có cuộc sống giàu sang phú quý nhưng vợ chồng ông Tam Lang đều hài lòng với hạnh phúc giản dị của mình và cùng gìn giữ những ký ức đẹp. Sắp xếp ngăn nắp những kỷ niệm chương, cất giữ từng album ảnh, từng bài báo về chồng, bà Minh Hồng thú nhận thời trẻ vốn không ghiền bóng đá, không biết nhiều đến hào quang, sự nổi tiếng của chồng mà cảm mến ông từ tính điềm đạm, hiền hòa.

Sự nghiệp của người cầu thủ gắn liền với những chuyến đi xa nhà, bao nhiêu năm một tay bà Minh Hồng đảm đang việc nhà để ông trọn vẹn cống hiến cho bóng đá. Đặc biệt là sau những chuyến đi theo cổ vũ, sát cánh cùng những trận đấu của chồng, bà lại mê bóng đá lúc nào không hay. Dần dà những câu chuyện liên quan đến bóng đá, bà đều nói chuyện, bàn luận rất sâu sắc.


Trí nhớ giảm sút, nhưng ký ức của danh thủ Tam Lang về một thời quần đùi áo số trên sân cỏ vẫn vẹn nguyên. Ảnh: Lê Phương.

Trở về với nhịp sống bình yên tuổi già, danh thủ lừng lẫy vẫn đau đáu vì đâu đó vẫn còn những câu chuyện khiến khán giả mất lòng tin vào cầu thủ, người hâm mộ thất vọng với môn thể thao vua.

"Khi ấy mỗi lần vào sân ai nấy lăn xả hết mình với một khí thế hừng hực, đặt tình yêu bóng đá lên trên hết chứ không phải là lợi ích cá nhân. Thời đó không có chuyện chuyển nhượng, các cầu thủ được đãi ngộ như nhau nên lúc vào sân chỉ biết dồn hết tâm sức vào trái bóng, vì tinh thần thể thao, vì sự tin yêu cổ vũ của người hâm mộ mà cố gắng hết mình", cựu danh thủ hồi tưởng.

Sinh năm 1942 tại Gò Công (Tiền Giang), Phạm Huỳnh Tam Lang tham gia đá bóng từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường. 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam. Ông sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam.

Năm 1966, Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và cùng đội tuyển giành được cúp Merdeka. Trong năm này, ông đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu Á".

Năm 1981, ông được ngành Thể dục thể thao TP HCM cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Đức. Kết thúc khóa học, Tam Lang nhận bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu. 

Trên cương vị huấn luyện viên, Phạm Huỳnh Tam Lang giành phần lớn sự nghiệp của mình ở đội Cảng Sài Gòn và giành được nhiều danh hiệu quan trọng nhất trong lịch sử của đội này, với nhiều lần giữ vững danh hiệu vô địch. Ông nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam. Ông cũng đảm nhận vai trò huấn luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.

Năm 2003, Tam Lang chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên. Ông được AFC trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến trong suốt 50 năm với bóng đá Việt Nam và khu vực.

Năm 2013, ông được nhận giải thưởng “Vinh danh Fair Play” nhằm tôn vinh những cá nhân tiêu biểu thể hiện tinh thần Fair Play do một tờ báo trao tặng.

Cựu Danh Thủ Phạm Huỳnh Tam Lang Qua Đời

Cựu cầu thủ và huấn luyện viên nổi tiếng của đội Cảng Sài Gòn mất lúc 9h sáng nay 2/6, thọ 72 tuổi.

Sinh-nhat-Tam-Lang-1002-9762-1-3177-1897

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang (phải) được các học trò chúc mừng trong trận đấu mừng sinh nhật 72 tuổi của ông, tổ chức tại sân Tao Đàn, TP HCM ngày 12/2/2014. Ảnh: Đức Đồng.

Cựu HLV Tam Lang bị đột quỵ khi đang ở nhà. Ông được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không qua khỏi. Những năm cuối đời cựu danh thủ tài hoa vốn đã phải chống chọi với bệnh tim.

Sinh ngày 14/2/1942 tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Phạm Huỳnh Tam Lang bắt đầu nghiệp bóng đá ở đội tuyển của trường Trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, TP HCM). Năm 15 tuổi ông thi đấu cho đội Ngôi sao Chợ Lớn và ba năm sau được gọi vào đội tuyển miền Nam. Với tài năng và đức độ, ông nhanh chóng chiếm được vị trí trung vệ chính thức và mang băng đội trưởng đội tuyển miền Nam.

Trong sự nghiệp thi đấu, ông cùng các đồng đội vô địch Merdeka Cup 1966 tại Malaysia. Tam Lang là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được chọn vào đội hình Các ngôi sao châu Á năm 1967.

Sau năm 1975, ông thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn và giải nghệ sau đó hai năm để chuyển qua công tác huấn luyện.

Sau các lớp học tại Đức, Tam Lang trở về nước làm HLV trưởng CLB Cảng Sài Gòn. Dưới sự dẫn dắt của ông, đội bóng lừng danh một thuở đoạt chức vô địch quốc gia năm 1986, 1993, 1994 và 2002.

Đội bóng này rớt hạng vào năm 2002 nhưng với tài cầm quân của mình, ông và các học trò lên ngôi vô địch Giải hạng nhất và trở lại V-League một năm sau. Sau đó Tam Lang tuyên bố giải nghệ.

Sau khi rời Cảng Sài Gòn, ông được mời về làm cố vấn kỹ thuật, tư vấn phát triển bóng đá trẻ ở nhiều trung tâm bóng đá và các câu lạc bộ.

Phạm Huỳnh Tam Lang từng được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến suốt 50 năm cho bóng đá Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. 

Ngày mai 3/6 thi hài của cố HLV Tam Lang sẽ được chuyển về nhà tang lễ TP HCM và tổ chức lễ viếng tại đây. Ông được chôn cất ở nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh, TP HCM ngày 6/6.

Phạm Huỳnh Tam Lang và những nỗi buồn sau ánh hào quang

Người hâm mộ biết đến một Tam Lang tài năng và đức độ cả trong lẫn ngoài sân cỏ, nhưng ít ai hiểu được tường tận những u uẩn trong đời ông.

Phạm Huỳnh Tam Lang từ nhỏ đã đam mê bóng đá. Khi lên TP HCM học trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), chàng trai sinh năm 1942 được ông Nguyễn Văn Tư, vốn là một người có tên tuổi trong làng bóng đá Sài Gòn, hướng dẫn và cho tập luyện chung với đội AJS nổi tiếng thời bấy giờ.

Niềm đam mê trái bóng tròn lớn đến nỗi Tam Lang quyết định bỏ kế hoạch thi vào đại học để theo nghiệp cầu thủ. Năm 1960, khi mới 18 tuổi ông đã được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sáu năm sau, ông cùng đồng đội tạo ra kỳ tích khi giành chức vô địch Merdeka Cup ở Kualur Lumpur - giải đấu danh tiếng được thành lập năm 1957 để chào mừng ngày quốc khánh của Malaysia.

Ngày đó, Merdeka là một giải đấu tiếng tăm, luôn quy tụ những đội mạnh nhất của châu Á. Việc được mời tham dự đã là một vinh dự. Chính vì vậy, sau khi đoạt chức vô địch, Tam Lang và các đồng đội được chào đón như những người hùng. Mỗi người được đứng trên một xe mui trần diễu hành về tòa đô chính - nơi có hàng nghìn người hâm mộ chờ đón. Mỗi cầu thủ sau đó được tặng một chiếc lắc năm chỉ vàng.

tam-lang-5223-1401696923.jpg

Đội trưởng Tam Lang với chiếc Cup Merdeka năm 1966.

Sau chiến tích trên đất Malaysia, Phạm Huỳnh Tam Lang được truyền thông quốc tế gọi với biệt danh "Mũi tên vàng". Ông Thới Vinh, người đồng đội cùng được bầu vào đội "Ngôi sao châu Á" với Tam Lang năm 1967, nhớ lại: "Biệt danh đó xuất phát từ việc ông ấy thường xuyên cầm bóng băng lên, hướng tới khung thành đối phương với tốc độ dũng mãnh dù là một hậu vệ".

Sau năm 1975, hậu vệ quê Tiền Giang thi đấu cho đội cho đội Cảng Sài Gòn, rồi giải nghệ hai năm sau đó.

Năm 1981, Tam Lang được ngành thể dục thể thao TP HCM cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Cộng hòa dân chủ Đức. Sau khi nhận được tấm bằng loại ưu, ông về dẫn dắt Cảng Sài Gòn và cùng đội bóng giành được nhiều danh hiệu cao quý, như bốn chức vô địch năm 1986, 1994, 1997, 2002 và hai Cup quốc gia năm 1992 và 2000...

Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý ở đội tuyển Việt Nam, bên cạnh một số lần đảm trách vai trò huấn luyện viên trưởng đội tuyển ở các kỳ SEA Games và Tiger Cup. Năm 2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn xuống hạng, Tam Lang chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, kết thúc 28 năm nắm đội.

Là tượng đài của bóng đá Việt Nam nhưng cuộc đời của Phạm Huỳnh Tam Lang cũng trải qua nhiều nốt trầm. Sau này nhớ lại, ông từng phải thốt lên: "Số phận của tôi hẩm hiu lắm chứ không đầy rẫy vinh quang như nhiều người lầm tưởng".

tam-lang-2-9052-1401696924.jpg

HLV Tam Lang trong bức ảnh chụp năm ngoái tại nhà của ông. Ảnh: Lê Phương.

Nỗi buồn lớn nhất của ông là mồ côi cha - vốn là chiến sĩ cách mạng, bị lực lượng đối địch bắt và thủ tiêu năm Tam Lang mới ba tuổi. Suốt cuộc đời ông không thể biết tường tận gương mặt cha mình, ngoài cảm nhận qua bức di ảnh còn sót lại. Nỗi đau đáu lúc sinh thời của Tam Lang là tìm mộ của cha, nhưng không thành.

Đường tình duyên của cựu hậu vệ sinh năm 1942 cũng không được vẹn toàn. Ông quen nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết ba ngày trước khi đi Malaysia dự Merdeka 1966, và họ thành vợ thành chồng một năm sau. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài được bảy năm. Lần lập gia đình thứ hai với người vợ sau này cũng để lại nhiều uẩn khúc.

Trong nghiệp cầm quân, cựu danh thủ cũng nếm trải không ít chua chát - nhất là khi tuyển Việt Nam ba năm liền thất bại khi ông làm trợ lý cho Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Bên cạnh đó là nỗi đau về việc đội bóng mà ông coi như máu thịt Cảng Sài Gòn phải xuống hạng năm 2003.

Những năm cuối đời Tam Lang phải chống chọi với bệnh tim bằng tất cả sự kiên cường của một người trải nhiều sương gió. Tuy nhiên, sáng nay (2/6) người cựu cầu thủ ấy đã ra đi sau một cơn đột quỵ.

Ngày mai 3/6, thi hài của cố HLV Tam Lang sẽ được chuyển về nhà tang lễ TP HCM và tổ chức lễ viếng tại đây. Ông được chôn cất ở nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh, TP HCM ngày 6/6.

Hải Thịnh

Lê Phương & Đức Đồng





Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23632
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2014 lúc 8:43am
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

Cựu Danh Thủ Phạm Huỳnh Tam Lang


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2014 lúc 10:11am


VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

Cựu Danh Thủ Tài Đức Vẹn Toàn

PHẠM HUỲNH TAM LANG


Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang,%20cựu%20danh%20thủ%20Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang,%20Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang%20qua%20đời,%20HLV%20Phạm%20Huỳnh%20Tam%20Lang,%20Cảng%20sài%20Gòn,%20CLB%20bóng%20đá%20TP.HCM

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang (thứ 2 từ phải sang trái)

 trong buổi trao giải thưởng Fair-Play năm 2013


Nhập%20mô%20tả%20cho%20ảnh

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang (giữa)
 nhận giải thưởng "Vinh danh Fair Play" 2013 của báo Pháp Luật TP.HCM.

--

Ông Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14.2.1942. Ông là một trong những huyền thoại của bóng đá Sài Gòn nói riêng và cả miền Nam nói chung.

Sinh thời, thủ quân của đội tuyển miền Nam Việt Nam từng giành cúp Merdeka được xem là biểu tượng đẹp nhất của thương hiệu Cảng Sài Gòn lừng danh một thời.

Ngoài dẫn dắt Cảng Sài Gòn, ông Tam Lang cũng từng làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Với rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam, ông Tam Lang là một trong những trung vệ tài hoa và xuất sắc bậc nhất Việt Nam lẫn cả ở châu Á.

(http://thethao.thanhnien.com.vn)

---

Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong số ít các cầu thủ và HLV nhận được sự kính trọng của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn. Ông nổi tiếng là người điềm đạm và luôn đề cao đạo đức trong giới cầu thủ.


Phạm Huỳnh Tam Lang đã làm thay đổi khái niệm “quần đùi áo số” của rất nhiều người và là thần tượng của nhiều giới qua nhiều thế hệ vì phẩm chất ông để lại trên sân cỏ lẫn dạy dỗ nhiều thế hệ cầu thủ…"_báo Pháp Luật Thành phố ************ 

"Sử sách của bóng đá châu Á từng ghi nhận ông là một hậu vệ tài hoa thi đấu rất quyết liệt, hiệu quả nhưng không phạm luật. Ông nổi tiếng là một trung vệ thép nhưng rất thư sinh với màu áo trắng tuyền ít lấm lem bùn đất và mái tóc chải chuốt"


(http://vi.wikipedia.org)



mk
IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 03/Jun/2014 lúc 3:45am


CHUNG MỘT NIỀM THƯƠNG TIẾC HUYỀN THOẠI TAM LANG

(Dân trí) - Khi đã nằm xuống rồi, sức ảnh hưởng của huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang vẫn lớn khủng khiếp. Bạn bè, đồng nghiệp, học trò và cả người đã đi qua đời ông đều bần thần khi nghe ông mất. Họ muốn nói nhiều lắm, nhưng giọng họ cứ như nghẹn lại…
>> VFF sẽ trang trải toàn bộ chi phí cho tang lễ của huyền thoại Tam Lang
>> Phạm Huỳnh Tam Lang: Một đời tài hoa

Người học trò ruột của ông, cựu thủ môn đội tuyển quốc gia Nguyễn Hồng Phẩm trần tình đầy xúc động: “Xác ở Gia Lai, hồn ở cạnh thầy! Đau buồn chia sẻ, cảm nhận những đau đớn về sức khỏe, về tinh thần trong những ngày gần đây”.

“Có những niềm đau, nỗi buồn khiến chúng ta chết lặng. Thầy hãy yên giấc ngàn thu. Hãy thanh thản về những gì mà thầy đã đem đến cho đời, cho người, cho con…Vĩnh biệt thầy Phạm Huỳnh Tam Lang” - vẫn là lời Nguyễn Hồng Phẩm.

Lúc sinh thời, cùng với Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm là học trò cưng nhất của ông Tam Lang. Trong những năm tháng mà ông yếu nhất, đi lại khó khăn nhất, Nguyễn Hồng Phẩm chính là người ở gần ông nhất.

Hỏi về Tam Lang, người ta cứ hỏi Phẩm, cần tìm Tam Lang trong những ngày cuối đời của ông, người ta cũng tìm Phẩm, nhờ chở Tam Lang đến chỗ này chỗ kia, cũng cứ việc gọi cho Phẩm là ông Phẩm sang đến tận nhà dìu thầy đi.

Ông về bên kia thế giới để lại niềm tiếc thương cho nhiều thế hệ mê bóng đá

Những cơn tai biến quái ác trong những năm gần đây khiến huyền thoại Tam Lang cứ nhớ nhớ quên quên. Thế là chỗ nào và người nào mà thầy quên, Nguyễn Hồng Phẩm lại nhắc cho thầy nhớ.

Đang ở Gia Lai tập trung cùng đội tuyển U19 Việt Nam trong vai trò HLV thủ môn, Nguyễn Hồng Phẩm tâm sự: “Không có thầy, chắc tôi không có ngày hôm nay. Tôi học từ thầy không chỉ là cái nghề đá bóng, mà còn học làm người. Đấy là sự tận tụy, là đạo đức. Thầy dạy tôi không được đá bậy, không được làm bậy, phải đi đường chính đạo và tôi tự hào không làm thầy phải thất vọng”.

“Tôi chỉ mong sắp xếp được công việc để ngày 6/6 kịp về tiễn thầy. Thầy đã ra đi thanh thản. Nhưng thầy nằm xuống rồi mới thấy cái đức độ của thầy lớn lắm! Được sự mến mộ của người trong và ngoài nước” - Nguyễn Hồng Phẩm chia sẻ thêm.

Trong khi đó, người vợ cũ của ông, cũng là người vợ nổi tiếng nhất, nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết bồi hồi: “Dẫu biết đời người ai cũng phải đến lúc phải ra đi vĩnh viễn. Nhưng tôi đón nhận tin anh mất với tâm trạng khó tả và quá đỗi bất ngờ”.

“Nhân đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn những người đã giúp đỡ, chia sẻ cùng anh trong suốt thời gian anh bệnh tật cho đến lúc anh nhắm mắt xuôi tay. Vĩnh biệt anh, người có nhân cách sống cao cả. Tôi cho rằng anh không chỉ là cầu thủ lớn mà còn là một nhân cách lớn!” – bà Bạch Tuyết nói thêm.

Đúng như nghệ sĩ Bạch Tuyết nói, ông Tam Lang không chỉ là một tượng đài trong bóng đá, mà sức ảnh hưởng của ông còn vượt xa phạm vi của bóng đá.

Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Trần Duy Long cho biết: “Tuy tôi với anh Tam Lang đá bóng cùng thời, nhưng do điều kiện thời chúng tôi đất nước còn chia cắt, các phương tiện truyền thông chưa nở rộ như bây giờ, nên thông tin về nhau khá ít”.

“Chỉ đến những năm 1980, khi chuyển vào Nam công tác, tôi mới có dịp làm việc với Tam Lang. Lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng những gì mà người ta đồn đại về anh quả không ngoa chút nào. Anh sống mực thước, tận tụy, nhưng cũng rất nghiêm khắc với nghề” – ông Trần Duy Long nói thêm.

“Tôi cho rằng ít có nhân vật có sức ảnh hưởng lớn như anh Tam Lang, không chỉ trong vai một cầu thủ, trong vai trò một người thầy có nhiều học trò giỏi, mà trong tư cách một con người. Tôi biết nhiều anh em ở nước ngoài cũng bồi hồi khi nghe tin anh vĩnh viễn đi xa” - vẫn là lời ông Long.

Trong khi đó, phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á Dương Vũ Lâm mô tả: “Hồi còn trẻ, tôi có được may mắn được xem ông thi đấu. Thời ông khoác áo Cảng Sài Gòn, ông cũng lớn tuổi rồi. Nhưng quả thật ở ông toát lên cái phong cách khác lắm, khác hẳn các cầu thủ khác”.

“Tôi biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi xem anh thi đấu rất thích, hệt như những gì người ta mô tả về trung vệ huyền thoại Beckenbauer (Đức) thời bấy giờ. Anh đá trung vệ, nhưng hiếm khi phạm lỗi, mà đá bằng đầu óc và bằng kỹ thuật” – ông Lâm nói thêm.

Họ còn muốn nói nhiều, nhiều lắm về Tam Lang, nhưng càng nói giọng họ càng nghẹn lại vì họ không muốn tin rằng tượng đài ấy đã vĩnh viễn về với cõi vĩnh hằng!


Trọng Vũ


Chỉnh sửa lại bởi Hoa Hạ - 03/Jun/2014 lúc 4:06am

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 03/Jun/2014 lúc 4:17am
Phạm Huỳnh Tam Lang: Một đời tài hoa



(Dân trí) - Cho đến tận giờ này, tức là đã gần 1 ngày sau khi cái tin ông Tam Lang ra đi vĩnh viễn, nhiều người vẫn không muốn tin đó là sự thật. Bạn bè, học trò và những ai ái mộ không muốn tin cầu thủ lỗi lạc ấy đã về bên kia thế giới…
>> Huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang vĩnh viễn ra đi

Nhiều thế hệ người hâm mộ bóng đá bây giờ không có cái may mắn được xem chú Tam Lang thi đấu. Nhưng trong những câu chuyện mà cha, anh của các thế hệ sau này kể lại, lớp trẻ được nghe rằng chú Tam Lang đá bóng hay lắm.

Cái hay nhất trong những câu chuyện ấy, điều khiến người ta mê nhất ở chú chính là cái vẻ lịch lãm trên sân cỏ. Ông chơi bóng đá theo phong cách của một quý ông, chứ không phải mẫu hậu vệ đá theo kiểu chém đinh chặt sắt.

Nhiều lớp người hâm mộ thế hệ sau này vẫn cứ hay thắc mắc, rằng nếu chú Tam Lang thi đấu ở thời này, ông sẽ có đoạt được bao nhiêu danh hiệu?

Mọi so sánh dĩ nhiên luôn khập khiễng, nhưng có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thời đấy, cách đây những 50 năm, báo chí châu Á đã đánh giá ông là một trong những trung vệ hay nhất của bóng đá châu lục.

Ông từng cùng với cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội tuyển các ngôi sao châu Á năm 1966, ngay sau khi giành cúp Merdeka ở Malaysia. Rồi hơn nửa thế kỷ sau ngày ấy, ông lại được LĐBĐ châu Á AFC tôn vinh là một trong những cầu thủ vàng của châu lục.


Thầy Tam Lang tài danh từ tạo nên biết bao thế hệ học trò xuất chúng
Nói đến chú Tam Lang là nói đến chất tài hoa. Bởi ông tài hoa nên ông cũng là người tạo nên Cảng Sài Gòn tài hoa thuộc vào loại bậc nhất nước. Các học trò của ông sau này ngoài tài đá bóng, cũng có không ít người mang phong cách lịch lãm như chính ông. Đấy là những cái tên như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Lư Đình Tuấn…

Rồi cũng biết bao nhiêu cầu thủ tài danh khác thời bấy giờ, cái tên Tam Lang hồi năm những 1960 của thế kỷ trước đã làm thổn thức biết bao nhiêu con tim phụ nữ.

Chuyện tình của ông với nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết (họ cưới nhau năm 1967) hồi ấy cũng làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí Sài Gòn. Họ là cặp trai tài gái sắc bậc nhất mà người ta từng biết đến không chỉ trong thời điểm vừa nêu, mà còn cho đến tận bây giờ.


Cái tên Tam Lang có lẽ sẽ mãi ở trong lòng người hâm mộ

Dẫu hai người không thể đi đến bến cuối, nhưng người hâm mộ ở cả hai lĩnh vực là bóng đá và nghệ thuật đều lưu giữ những ký ức đẹp về họ, nhất là về chàng cầu thủ mang phong thái lịch lãm Tam Lang.

Ông có cái không may là đá bóng trong những ngày đất nước vẫn còn bị chia cắt, nên so với nhiều cầu thủ bậc đàn em, đàn cháu sau này, chú Tam Lang ít có những danh hiệu quốc tế hơn.

Đời sống của giới cầu thủ thời đó cũng không sung túc như hiện nay, không dễ kiếm những bản hợp đồng nhiều tỷ như thế hệ sau này. Đấy chính là lý do mà dù cực kỳ tài danh và nổi tiếng, những năm cuối đời của chú Tam Lang không thể nói là giàu có về mặt vật chất.

Tuy nhiên, cái được lớn nhất mà chú Tam Lang để lại cho đời đấy là cái di sản khổng lồ về tên tuổi của CLB Cảng Sài Gòn lừng lẫy ngày nào, di sản không lồ về lớp lớp học trò cũng rất tài năng nối bước chú.

Và lớn nhất có lẽ là di sản khổng lồ về tình yêu mà người hâm mộ dành cho chú Tam Lang. Người hâm mộ yêu quý chú, kính trọng chú bằng một tình yêu lung linh và một sự kính trọng như kính trọng một nguời thầy mực thước.

Đã có một quỹ mang tên chú Tam Lang do anh em cựu danh thủ và người hâm mộ lập nên, nhằm giúp đỡ ông trong những năm tháng chiều tà bóng xế.

Mới đây, nhân ngồi với một số CĐV trung thành của Cảng Sài Gòn và của bóng đá TPHCM, người viết từng đề cập đến chuyện viết câu chuyện của chú Tam Lang trên mục “Tấm lòng nhân ái” của báo. Mới nghe đến đó, nhiều anh em hâm mộ chú đã sẵn sàng ủng hộ cho chú thông qua báo Dân Trí.

Đã bàn với cơ quan và được cơ quan bật đèn xanh, nhưng chưa kịp sang gặp chú để thưa chuyện thì chú đã vĩnh viễn đi rồi…


Trọng Vũ

Sẽ có phút mặc niệm dành cho huyền thoại Tam Lang



(Dân trí) - Theo thông tin từ phía VFF và VPF, ở các trận đấu trong khuôn khổ vòng tứ kết cúp quốc gia cuối này, các cầu thủ ở khắp các sân bóng trên cả nước sẽ dành 1 phút mặc niệm cho huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang…

Ý tưởng dành 1 phút mặc niệm cho tượng đài bóng đá Phạm Huỳnh Tam Lang được một số anh em trong giới truyền thông nêu ra sáng nay (3/6), trước khi ý tưởng này được VFF và VPF đánh giá cao rồi thông qua.

Khi liên lạc với chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, ông Thắng ghi nhận ý tưởng vừa nêu, đồng thời cho biết sẽ thực hiện ở các trận đấu trong khuôn khổ các giải đấu do VPF quản lý.

Trong khi đó, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau khi được thông báo ý tưởng nọ, đã làm việc nhanh với PCT VFF Trần Quốc Tuấn và các thành viên của thường trực VFF, trước khi cũng nhanh chóng thông qua quyết định.

Theo đó, các trận đấu ở vòng tứ kết cúp quốc gia diễn ra cuối tuần này trên các sân Lạch Tray (Hải Phòng), Bình Dương, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các cầu thủ sẽ dành 1 phút mặc niệm cho huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang, trước khi bóng lăn.

Đây là một hành động cực kỳ ý nghĩa, nhằm tôn vinh cũng như tri ân tượng đài sừng sững của bóng đá Việt Nam.

Trong bối cảnh mà bạo lực sân cỏ tràn lan, đạo đức cầu thủ nội xuống cấp, thì việc tưởng nhớ về một tượng đài mẫu mực như ông Tam Lang có thể cũng là hành động nhắc nhở giới cầu thủ bây giờ tôn trọng nhau trên sân bóng.


Kim Điền

Chỉnh sửa lại bởi Hoa Hạ - 03/Jun/2014 lúc 4:23am

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.113 seconds.