Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: CƠM ÂM PHỦ Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Chủ đề: CƠM ÂM PHỦ
    Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:19pm
Cơm Âm Phủ
35 Nguyễn Thái Học- Huế
 
Đến Huế, ngoài việc tham quan những cung điện, lăng tẩm của các bậc đế vương bạn đừng quên thưởng thức những món đặc sản của vùng đất cố đô. Trong số đó, có một món ăn không chỉ hấp dẫn với du khách nước ngoài đến với Việt Nam, mà còn ngày càng được phổ biến ở nhiều quốc gia nơi có người Việt sinh sống, đó là: cơm Âm Phủ.
 
Quán cơm Âm Phủ trước đây là một quán nhỏ được mở ở vùng Đất Mới, nơi nổi danh một thời với sân vận động Tự Do hay còn có tên là sân Bảo Long. Dưới thời vua Bảo Đại đây là một sân vận động độc đáo với vòng chảo đua xe đạp. Ban đầu, quán chỉ bán một món cơm bình dân duy nhất được trộn lẫn các loại chả, nem, thịt nướng, tôm cháy, dưa gang, dưa chuột...dùng kèm với nước mắm pha loãng. Khách hàng chủ yếu là những người lao động nghèo, các phu kéo xe hay những người đi xem hát về khuya. Cũng chính vì quán hoạt động trong đêm khuya dưới những ngọn đèn mờ ảo nên dần dần tên gọi Âm Phủ ra đời. Và cho đến năm 1939 khi sân vận động Tự Do tổ chức những giải thi đấu thì quán cơm này đã khá nổi tiếng, trở thành địa chỉ tụ họp những người đến bàn luận hay cá cược về các cuộc thi đấu



Trải qua bao thăng trầm và đổi thay của thời gian, ngày nay đến Huế bạn chỉ có thể tìm về quán cơm Âm Phủ ở tầng lầu của ngôi nhà số 35 đường Nguyễn Thái Học. Tại đây, ngoài món cơm Âm Phủ truyền thống còn có các món mới như lươn um, dồi trường, mép bò chấm nắm nêm...Trên dĩa cơm thơm dẻo, bạn có thể thưởng thức món ngon này cùng cùng thịt ba rọi thái sợi mỏng, chả lụa Huế, tôm xay nhuyễn, nem Huế nướng, trứng đổ chả, rau thơm, dưa leo... tất cả được sắt sợi và trình bày theo nghệ thuật phối màu hài hòa. Cơm Âm Phủ sẽ tạo cho bạn một cảm quan rất Huế bởi từ nguyên liệu đến khâu bày biện, trang trí đều mang tính thôn dã của dân gian vừa phảng phất phong cách cung đình.

Cơm Âm Phủ ăn với nước mắm chua ngọt thực sự là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:20pm

7 Cao Thắng, P.2, Q.3 Sài Gòn
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:22pm

778/45 Nguyễn Kiệm Sài Gòn

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:25pm

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:26pm

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:42pm

CƠM ÂM PHỦ HUẾ, SÀI GÒN

...đều đã có bề dày ngót gần cả thế kỷ, không chỉ được du khách trong nước mà cả người nước ngoài cũng biết đến.


1. Quán Âm Phủ ở Huế ban đầu có tên Đất Mới nằm trong vùng đồng An Cựu. Sau khi sân vận động đổi tên Tự Do thì quán Đất Mới cũng đổi tên thành Âm Phủ.


Thời đó, tên Âm Phủ, do quán mở vào đêm khuya, leo lắt bóng đèn dầu, chỉ độc món cơm chiên giá rẻ. Nói cơm chiên, nhưng thực chất là cơm trộn với các món ăn còn lại của các hiệu cơm Tây gần Morin sau mỗi ngày.
 
Khách chuyên của quán cơm Âm Phủ là giới bình dân ăn khuya hoặc những người đi xem hát bội rạp Bà Tuần hay chơi cine rạp Tân Tân về khuya đói bụng.
 
Lần hồi quán nổi tiếng, thu hút thêm khách vãng lai rồi trở thành nổi tiếng như chè bắp Cồn Hến, bánh bèo Tây Thượng, bánh canh Nam Phổ, cơm sen Tịnh Tâm, xôi gà Nguyệt Biều, bánh ướt Kim Long... mà những nhà thơ gốc Huế như Trụ Vũ, Hỷ Khương... từng làm thơ ca ngợi. Nhà thơ Hữu Thụ, trong một bài vè có đoạn:

Muốn ăn cơm dĩa trữ tình,
Có quán Âm phủ ma rình phía sau.

Nay, trên cái nền cũ số 35, Nguyễn Thái Học (Huế) là Nhà hàng Âm phủ mở cửa từ sáng đến khuya và vẫn giữ món cơm chiên “cổ truyền” thời 1914; tất nhiên đã xuất hiện rất nhiều món tân kỳ như mép môi bò chấm với mắm sò hay món nướng kiểu Hibachi...

2. Quán Âm Phủ của Sài Gòn ra đời cùng thời với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Gần chùa, nơi con dốc xuống bến tắm ngựa, có một quán bán các món chay trong nhà.


Quán không bán cơm, chỉ bán mì, cháo, cari, cuốn và sữa đậu nành nguyên chất. Quán do ông bà cụ thân sinh của cô Bé mở, nên khách quen gọi là quán Âm Phủ cô Bé.

Tên Âm Phủ chính thức xuất hiện từ hôm cô Bé thay chỗ bà cụ quản lí quán, với một nguyên tắc “bất di bất dịch”: tất cả các nồi soong thức ăn dù đã sẵn sàng, lớp lớp khách đã ngồi chờ, nhưng cô cứ đủng đỉnh chờ đúng 9 giờ cô mới chịu múc thức ăn dù khách có năn nỉ mấy cũng mặc.


Khách đến theo từng đoàn, theo giờ lao động, kéo dài từ tối đến 2 giờ sáng mới chấm dứt. Tuy là món chay, nhưng hấp dẫn đậm đà hơn cả món mặn, giá lại bình dân: mỗi tô bình quân 8.000 đồng, nóng sốt, ngon bổ và rất sạch. Chỉ ngặt một điều, khách Tây “cao giò cao cẳng” vào quán phải ngồi ghế thấp nên rất khó xoay trở...


Thành



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 28/Feb/2009 lúc 11:47pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:44pm
Thành phố Cần thơ, quán COM đường 30 tháng Tư cũng có món Cơm Âm phủ
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2009 lúc 11:54pm
Trần Kiêm Đoàn kể..
 
Cuối năm 1885, kinh đô thất thủ, Huế đã quặn mình gánh chịu những tang thương trực tiếp trên tấm thân gầy “mùa Đông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn.” Tổng tư lệnh Pháp, Roussel De Courcy ra lệnh cho lính Pháp tự do hành động.
 
Mặc sức cướp phá tài sản Hoàng Cung, vơ vét của cải nhà quan. Gặp ai tha hồ giết nấy, đốt cái gì có thể đốt được, cướp cái gì có thể cướp được, hiếp ai có thể hiếp được... Bao kẻ hiền tài, người lương thiện chỉ qua một đêm là có thể thành tên tử tội, cơ nghiệp tan tành, chỉ vì bị bắn tiếng là theo Cần Vương mà không cần chứng cớ.
 
Sông Hương biến thành “nhất giang lưỡng quốc.” Bên kia sông là giang sơn của Pháp với tòa Khâm Sứ, phố Mô-Ranh, nhà hàng Sạc-Măng-Rông, sàn nhảy, hồ bơi “Xẹc-Xì-Bo”... thế giới nhởn nhơ hưởng thụ của Tây Đầm. Bên nầy sông vẫn là Hoàng Thành rêu phong sương phủ... là thế giới u trầm, cúi mặt của vua quan.
 
 
Cung đình cũng là cá chậu chim lồng nhốt vua Thành Thái, vua Khải Định, vua Bảo Đại trong chiếc ngai vàng lấp lánh kiếm quang của toàn quyền và mật thám. Giấc mơ “xênh xang áo gấm về làng, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau” chỉ còn là vang bóng của ngày qua.
 
Thời kỳ đó đã có lác đác những nhóm dân nghèo từ làng quê lên Dinh (phố) làm thuê, ở mướn cho các ông Tây, bà Đầm, mong thoát khỏi cảnh bùn lầy nước đọng. Trong dân gian, người ta bỗng nghe câu vè buồn buồn dưới đây:

Tây qua giăng giây thép, họa địa đồ nước Nam.
Lên Dinh ở tớ Tòa Khâm,
chén “cơm âm phủ” áo đầm mồ hôi…!

Trong tâm thức của người bình dân xứ Huế lúc đó “Cơm Âm Phủ” là miếng cơm kiếm được bằng nỗi nhục nhằn, lao khổ; miếng cơm đổ mồ hôi, sôi nước mắt của kiếp người gian nan bất hạnh.
 
Thời gian trôi qua, hoàn cảnh mới đã tạo nên vùng đất mới. Vùng đất lau lách phía Đông tiếp giáp với đồng An Cựu trở thành vùng Đất Mới và nơi vùng đất chưa thuần đó, mọc lên những đồn lính Tây Khố Xanh, Săng Đá; nổi lên những khu nhà mới chứa gái giang hồ; chỗ trọ qua đêm của những con buôn tứ xứ.
 
Trên một gò đất cao tiếp giáp với con đường mòn có hai dãy hàng me dẫn ra bến sông Hương là chòi tranh mới mọc, xung quanh là ruộng nước mênh mông. Đó là quán cơm bên đường lộng gió mùa hè và khép nép gió mùa đông.
 
Quán cơm bình dân không tên không tuổi mọc lên cùng thời với sự khởi công xây dựng sân vận động Huế (Stade Olympique). Quán cơm bình dân nầy là tiền thân của quán Cơm Âm Phủ, nằm ngay trước mặt Stade Olympique Huế. Quán hoạt động từ 11giờ đêm đến 5 giờ sáng, khi có 3 phát súng lệnh của thành phố nổ rền báo hiệu sinh hoạt của một ngày mới bắt đầu. Đương lúc cả thành phố ngủ say là lúc quán và khách bắt đầu sinh hoạt.
 
Giữa vùng đồng hoang hiu quạnh tối đen, ánh đèn dầu leo lét và bếp lửa lập lòe nhảy múa theo gió khuya, soi bóng nhạt nhòa của những khuôn mặt mệt mỏi, xanh xao vì mất ngủ; hay những dáng dấp còm cõi, mắt sâu, má hóp của những người lao động no sương nắng, mà đói áo cơm. Trong chòi tranh không bàn, không ghế, chỉ có những đòn thô sơ trên nền đất. Đòn tre vừa đủ giúp cho khách tựa mông ngồi chò hõ mỗi tụm năm ba người; chia nhau chút ánh sáng vàng vọt và mảnh không gian trong quán xào xạc mái lá với bốn bề gió lộng.
 
Trong vắng lặng hoang sơ của vùng đất mới, có một thế giới nhỏ bé đang sống về đêm với một nếp sống âm u, ẩn hiện trong ánh sáng mờ mờ gần như tan loãng vào bóng tối mông lung. Thế giới kia vụt biến mất giữa ánh sáng ban ngày như những hồn ma đã tìm về cổ mộ trước bình minh: Đó là thế giới lạ lùng, cô quạnh và kỳ bí của Âm Phủ. Cho nên quán cơm nhỏ bé vô danh sống về đêm đó, đã được người đời đặt tên là “quán Cơm Âm Phủ.”

Chủ nhân đời thứ ba của quán Cơm Âm Phủ là ông Tống Phước Thôi, một cầu thủ đá banh xuất sắc của đội bóng tròn thuộc thế hệ “Tây Tiến” hơn năm mươi năm về trước. Nay đã là ông già tuổi ngoại lục tuần nho nhã, ngồi nhớ lại chuyện ngày qua để giở lần từng trang quá khứ... về quán cơm âm phủ, kể tiếp.

Thời đó, thực khách là loài chim ăn đêm. Những người kéo xe, những cô gái ăn sương mà tụ điểm là những quán tranh lụp xụp quanh khu Xóm Mới. Đội ngũ gái ăn sương thuở đó có gần cả trăm nàng, được nhà nước Tây “bảo hộ” cấp giấy môn bài, thu thuế du dương.
 
Khách khuya khoắt nhất là các chú lính tuần canh; những nghệ nhân lang thang đờn ca xướng hát, phục dịch những trò vui suốt sáng, trận cười thâu đêm cho người mua vui. Khách nửa đêm về sáng là những con bạc đò đêm xuôi ngược lên về sòng bạc lớn ở Kim Long mà chủ sòng là một bà chúa.
 
Khách ăn đêm phần lớn là sản phẩm của một xã hội thời Tây đô hộ: Cơ cực, lang bạt, chẳng buồn nghĩ đến ngày mai. Thực khách từng chặng, từng nhóm trong đêm mà quán phải phục vụ thâu đêm. Mỗi người khách đều có một cảnh đời khác biệt, nhưng lại gặp gỡ nhau qua hai món ăn “âm phủ” vừa hợp với khẩu vị cao lương cũng tốt, muối hột cũng xong; vừa hợp túi tiền khi xu hào rủng rỉnh, khi không còn dính một trự ăn ba; vừa no lâu, vừa đằm bụng: Đó là thịt heo dưa giá và cá sông “7 món” ăn với cơm nóng thơm phưng phức suốt bốn mùa. Thức uống có rượu đế từng ly hay nước chè xanh có vài miếng gừng đập dí.
 
Quán Cơm Âm Phủ đã trở thành điểm hẹn cho những “con ma sống” dọc đường gió bụi rủ nhau về dừng chân ăn đêm. Món đưa cơm chủ lực, dưa giá Huế, là một tổng hợp cây trái thổ sản địa phương đầy màu sắc.
 
Chủ nhân đầu tiên của quán Cơm Âm Phủ tuy chỉ dựng chòi tranh sơ sài nơi Xóm Mới, nhưng đã biết dựa trên nền móng vững vàng của thủy thổ và sản vật phong phú địa phương. Thêm vào đó, là sự khai thác khéo léo nhu cầu sinh sống của một tầng lớp khách hàng có nếp sinh hoạt “bềnh bồng” độc đáo về đêm: Làm về đêm, ăn về đêm, chơi về đêm, bán mình về đêm... và đêm về mới sống thật.

Lịch sử Huế, trong suốt thời Pháp thuộc đến hôm nay, là một giòng lịch sử đầy biến cố nổi trôi theo số phận chung của toàn đất nước. Nhưng quán Cơm Âm Phủ trong lịch sử lâu dài đó vẫn không có gì thay đổi.
 
Cũng theo Đoàn Tuyền Châu, nhà dịch lý đất Lương Y, tên Âm Phủ vốn đã mang sẵn tính “tiền định.” Âm Phủ là cõi siêu hình, tồn tại như một “linh thể,” biến dịch chỉ dành cho dương thế.

Ngày nay, quán Cơm Âm Phủ không còn dừng lại trên hai món chủ lực đầu nguồn là dưa giá thịt heo và cá sông kho “7 món” nữa, mà đang chế biến các đặc sản thực phẩm của Huế theo sát với khẩu vị và nhịp sống của con người “dương gian” trước mắt. Từ dĩa cơm thập cẩm đến khúc cá chình, dĩa lươn um hay món dồi trường và môi mép bò chấm mắm nêm... vẫn còn mang một hương vị hay hay, trong một khung cảnh là lạ riêng, rất chi là... âm phủ.
 
“Cơm âm phủ” khi ra đến hải ngoại lại càng đi xa hơn, theo với đà thực phẩm phong phú xứ người. Hình như nó đã mất đi tính chất huyền ảo ngày nào của đôi tình nhân Thành Nội xứ Huế, hẹn hò: “Chiều tối gặp nhau ở ngã tư Âm Hồn rồi đi ăn cơm Âm Phủ!”
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 01/Mar/2009 lúc 12:26am

Cơm Âm Phủ ở Huế: Xưa và Nay

BS Lê Văn Lân

Gần 50 năm xa cách, khi về lại Huế, một trong những chỗ mà tôi muốn thăm nhất là Quán Cơm Âm Phủ, một quán cơm nghèo mở ở vùng Đất Mới, nơi nổi danh một thời có Sân Vận Động Tự Do và có “ xóm đĩ“.

Tôi thăm lại nó không phải là nó được nhắc tên trong sách Hướng dẫn Du lịch Cố Đô hay là câu nói của anh phu xích-lô thuê bao: “Ăn Cơm Âm Phủ, ngủ Khách sạn Thiên Đường“. Động lực khiến tôi thăm lại nó có lẽ cũng bắt nguồn từ cái đặc tính nhiễu sự tới mức cầu kỳ của những người bạn Huế của tôi. Về tận Huế thì phải kiếm ăn món Huế nhưng “ Nghĩ cho cùng thì sự thưởng thức này không chỉ yêu cầu ở khẩu vị mà chủ yếu là niềm mong ước được sống, được “nếm“ Huế của những ngày cũ đã vời xa“. ( Trần thị Linh Chi- truyện Quán Gió- Mây Lủng lơ). Khẩu vị của món ăn ngon hay không - theo những “con người Huế khó tính“ dai dẳng cỡ như Gustave Flaubert nhớ hoài món bánh Madeleine đầu đời - thường dính liền với những địa danh hay tên người làm ra mà họ nếm lần đầu, chẳng hạn như chàng thi sĩ Trụ Vũ làm thơ về những Bánh ướt Kim long, Bánh Nậm La khê, Chạo tôm Thuận An, Cơm nem An Định, Xôi gà Nguyệt Biều, Cơm sen Tịnh Tâm hay này nàng T.N. Hỷ Khương ca tụng Bánh bèo Tây Thượng, Chè Cồn Hến...

Quán cơm Âm Phủ là một điều huyền sử nhỏ nhoi chấm phá trớ trêu trên trang sử của xứ Huế, bên cạnh những cung điện lăng tẩm đế vương. Tuy nguyên thủy là quán nghèo, nghe nói quán này có gia phả hẳn hoi, ra đời đâu đó vào năm cuối của đệ nhị Thế chiến 1914-1918 do ông Tống Phước Kỷ Cái tên “Âm phủ“ chỉ là một cái tên đặt do những người khách bình dân làm công lam lũ hay ở đợ thời đó, chứ ai buôn bán mà chọn cái tên ma quái làm gì! Tên này đã lọt tự nhiên vào câu vè của xứ Huế xưa:

Kể từ ngày thất thủ Kinh đô,
Tây qua giăng giây thép, họa địa đồ nước Nam
Lên Dinh, ở tớ Tòa Khâm
Chén Cơm Âm Phủ, áo đầm mồ hôi!

Quán cơm dựng nên trên một vùng đất hoang vu trong thời đầu thế kỷ 20, tiếp giáp với cánh đồng An Cựu nên gọi nôm na là Đất Mới. Nhìn vào bản đồ Huế cũ, Đất Mới là vùng ngoại biên hẻo lánh về phía đông của Tòa Khâm được bảo vệ kỹ bằng những đồn lính Tây săng-đá De Courcy, lính Khố Đỏ, Khố Xanh, lính tập, lính kèn, sở Mật Thám... Do đó, Đất Mới trở thành khu chứa gái điếm. Gái của xóm Bình Khang này chưa chắc là “đĩ có giấy“ phải khám “lục-xì“( look & see), nhưng nghe đâu có bốn năm Tú Bà có thế lực như các bà L. (chồng là Hoàng phái), bà Bộ T., bà Ch., bà C ( sau này nấu bếp cho Thủ hiến Phan văn Giáo) như lời kể của Ông Tống Phước Thôi với giáo sư Nguyễn Hữu Thứ trong bài Quán Cơm Âm phủ ở Huế ( Tuyển tập Nhớ Huế số 11 - năm 2000). Trường hợp cũng giống như sòng bạc của bà Chúa Tám ở Kim Long nghe đâu cũng được trùm Mật thám Pháp Sogny đỡ đầu. Tại vùng Đất Mới hồi Tây chắc đêm đêm có những cảnh chia tay giữa người lính về đồn với nàng thương nữ lâm ly:

Chín giờ kèn thổi “cu-sê“ (coucher: đi ngủ)
Thôi em ở lại, anh về “áp-bên“ (appel: điểm danh)

Quán cơm Âm phủ chính là nơi mà người ta đến ăn bồi dưỡng trong những giờ khuya khoắt ở cái xã hội của những con vạc ăn đêm giống như ăn “sú-dề“ ( tiêu dạ) ở Chợ Lớn: đó là những khách làng chơi, những con bạc, những người đi coi hát về khuya từ rạp hát Bà Tuần, những rạp xi-nê Morin, Tân Tân...

Trong không khí đêm khuya, đèn đuốc hiu hắt của một quán ăn bình dân giữa một vùng không có nhiều cột đèn điện vào đầu thế kỷ qua mới nẩy sinh ra cái tên “ Cơm Âm Phủ“ gợi hứng cho ông Bửu Thụ làm câu vè sau:

Muốn ăn cơm đĩa trữ tình,
Có quán Âm Phủ, ma rình phía trong.

Quán Âm Phủ thuở đầu đã bán một thứ “ cơm dĩa“ gọi riêng là Món Cơm Âm Phủ. Đó là một loại cơm thập cẩm trộn trong đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt, nướng, tôm chấy, thịt heo, dưa gang, dưa chuột bóp... với chén nước mắm pha loãng để chan vào mà ăn. Đây là một phát kiến “ fast food“ để đáp lại một nhu cầu tiện, rẻ, đủ mau của những khách ăn vội vã về khuya, thay vì làm nhiều món nóng sốt khác nhau. Có người xấu miệng nói dèm là một dĩa xào bần của những thứ quà rong Huế bán ế trong ngày được mua lại rẻ, nên mới xắt nhỏ trộn với cơm mà dọn cho những người chơi đêm dễ tính ăn dằn bao tử về khuya. Tình trạng cũng như tại Sài gòn hồi Tây mới qua, có bán món cơm “ lâm-vố“ ( rabiot), tức là loại thức ăn dư từ các nhà hàng, cao lâu được nhà thầu mua rồi bán lại cho quán lề đường xào nấu lại thêm gia vị làm cơm cho người bình dân như câu quen nói:“ Ăn cơm lâm-vố, uống nước phông-tên, ngủ lề đường“ ( Rabiot là phần ăn ngoài tiêu chuẩn của lính Pháp). [Cái truyền thống “ fast food“ này cũng được lập lại với tài chế biến của Quán Cơm Âm Phủ qua món “Cháo bo- bo“ sau 1975 khi mà Việt Nam được các nước anh em viện trợ những bao lúa đại mạch rẻ tiền, ít bổ. Bo-bo được nấu lâu hằng giờ cho nhừ rồi để sẵn, mỗi khi khách gọi thì cho thịt và gia vị, rồi hầm nóng lên.]

Ngoài ra, tùy theo túi tiền của khách, quán về sau càng phát đạt lại càng thêm những thức khác cũng ngon và rẻ như cơm gạo de An Cựu hay tám thơm, ăn với “ Cá bống thệ kho khô, cá rô kho tộ“, hay dưa cải với thịt phay chấm nước mắm ngon Nam Ô ... Quán còn bán nem Huế, loại tươi mới thì nướng lên và luộc cho khách ăn ngay, loại chín chua vài ngày cho khách nhâm nhi cũng sẵn.

Dù sao thì mọi thứ cũng tươi và rẻ vì toàn là đặc sản mua tận gốc tại Huế như cá bống, hanh, hến từ Sông Hương, cá đối, dìa, sòng, nục từ Thuận An; thịt heo thịt bò có lò thịt Abattoir Cầu Thanh long, nem thì có Mụ Tôn cầu Đông Ba bỏ mối...

Giai đoạn “nhổ giò“ của Quán Âm Phủ là vào khoảng năm 1936 khi Vua Bảo Đại khánh thành sân Vận Động ( Stade olympique) tại vùng Đất Mới lấy tên là Sân Bảo Long để kỷ niệm vị hoàng tử này mới ra đời, nhưng dân chúng quen gọi là Sân Tự do hay Sân Đất mới rộng hơn sân vận động người bình dân quen gọi là sân “ sép“ bên chợ Đông Ba. Đây là một sân vận động độc nhất của xứ Đông Pháp với vòng chảo đua xe đạp ( stade vélodrome).

Vào năm 1936, nơi này có tổ chức trận chung kết Giải bóng tròn Đông Dương nên Quán Âm Phủ bấy giờ đã thịnh vượng như một cô gái trổ mã trở thành ngôi nhà ngói khang trang, làm nơi ăn uống giải khát bình luận sôi nổi của những người hâm mộ thể thao hay của dân cá độ nhỏ to. Cùng với sự lặn mình lén lút của những ổ mại dâm, cái không khí u tối tịch mịch của quán cơm Âm phủ ban đầu đã biến hẳn với đèn điện sáng choang. Chính trong thời gian những năm đầu thập niên 40, bản thân tôi đã tới sân Vận Động Đất Mới này đi diễn hành mỗi khi trường học tổ chức ngày lễ Nữ anh hùng Pháp Jeanne d'Arc hay để hát tung hô Thống Chế Pétain với các bài như “ Maréchal! Nous-voilà! devant toi de la France” hay bài “ Debout! Belle Jeunesse” ( Bài sau nghĩa là Này Thanh Niên ! Hãy đứng lên!, nhưng lũ trẻ con lại hát bậy là “ Rờ bụ ben-lơ giơ nét xờ!”).
 
Thời này, Thực dân Pháp bị quân phiệt Nhật uy hiếp nên mở phong trào Thể thao Ducouroy rầm rộ để làm dân Việt mải tranh tài mà quên sự đối kháng và vùng lên. Có những trận đấu bóng tròn lớn, nhưng chúng tôi trẻ con không có tiền mua vé vào cửa, nên thích “ chui rào” và thường bị bắt xách tai ra ngoài, hay bị đá đít tội nghiệp. Với con mắt ấu thơ, Sân Vận Động Tự do sao mà vĩ đại như một đấu trường La mã vậy. Chính nơi đây cũng đã tổ chức buổi biểu tình lớn khi Việt Minh mới cướp chính quyền, diễn hành với những lá cờ đỏ mà mắt tôi mới thấy lần đầu.

Trong thời nay, hiếm hoi vài lần tôi được người lớn cho ăn ở Quán Cơm Âm Phủ. Món ăn thơm phức của quán khiến tôi ước ao sau này lớn lên sẽ có dịp có nhiều tiền thưởng thức nhiều món khác để “trả thù” đời.

Thế rồi, tuế nguyệt trôi qua với những biến cố quan trọng như tản cư, hồi cư, chánh quyền quốc gia, Việt Cộng du kích, Tây càn quét... Còn tôi thì vô tư dần dà lớn lên học Trung học, để chẳng bao giờ có dịp lai vãng vùng Đất Mới với Quán Cơm Âm Phủ và Sân Vận Động nữa, mặc dù những ngôi trường tôi học như Lycéum Việt Anh, trường Thuận Hóa cách xa nơi này không quá một cây số. Tôi vào Saigon học thuốc năm 1952 rồi biền biệt không bao giờ trở lại xứ Huế mà tôi đã sống suốt thuở ấu thiếu niên cho đến tháng hai năm ngoái mới có dịp về thăm lại sau 49 năm xa cách.

Thăm lại cảnh cũ thì cái Sân Vận Động Đất Mới ngày xưa mà tôi coi là mênh mông bây giờ sao nhỏ hẹp khi thu vào ống kính trông như là một bãi thao trường trung bình ở Mỹ. Còn cái lòng chảo đua xe đạp xây bằng xi măng của nó ngày xưa tôi thấy nó cao vời vợi như bức thành của một đập nước, bây giờ không làm tôi ngợp nữa,

Còn Quán Cơm Âm Phủ chỉ là căn nhà một tầng lầu ở số 35 đường Nguyễn Thái Học, diện tích của hai tầng trệt và lầu đủ rộng để tổ chức một tiệc cưới dưới 30 bàn. Rõ ràng về phương diện ẩm thực, có một sự nâng cấp về sở thích yêu cầu từ món ăn của cái thuở ban sơ là dưa chua thịt heo phay cùng với những món cá kho, cơm dĩa lên đến các món mới hơn như dĩa lươn um, dồi trường, môi mép bò chấm mắm nêm, các món mắm tôm, mắm sò ăn với vả..., món thịt bò nướng vỉ kiểu hibachi ướp gia vị thơm ngon nức mũi khiến dân Việt Kiều hải ngoại khen rối rít.

 Quán vào loại đông khách vì ở vị trí trong quần thể nhiều nhà hàng ăn nằm gần những khách sạn lớn nhất Huế trên hữu ngạn Sông Hương từ Đập Đá lên Khách Sạn Morin. Nguyên nhân của sự phát đạt nói chung ở Huế là nhờ vào cái điều mà người ta gọi là “ kinh tế thị trường“ với sự mở cửa đón tư bản và du khách cọng với sự Quần thể Di tích Huế được UNESCO công nhận là tài sản văn hóa của nhân loại.

Đối với tôi, đa số cảnh cũ ở Huế đã hoàn toàn thay đổi, nên không còn mang những dấu tích kỷ niệm của tôi ngày xưa. Dân cư càng đông đúc xô bồ, nhà cửa cất bừa bãi không mấy gì mỹ quan nhưng không tệ như Sài gòn, Hà nội. Dầu sao, nhờ vào sự mở cửa du lịch, nói công bằng ra, xứ Huế cũng có nhiều mặt cải tiến khả quan như hai bờ sông Hương trông đẹp hơn... Tuy rằng cung điện lăng tẩm có tu bổ nhưng hình như chưa đủ phục hồi những nét cổ kính lắm.

Riêng quán Âm Phủ theo tôi quả là một sự thích nghi tốt từ một quán nghèo xóm Bình Khang đầu thế kỷ qua thành một nhà ăn khang trang đón du khách khắp nơi với những món ăn càng ngày càng ngon nhưng phần nào vẫn giữ những đặc thù khẩu vị cổ truyền Huế.

Còn khách sạn Thiên Đường mới mẻ ở bên cạnh (47 Nguyễn Thái Học - Huế) dù chưa vào ngủ nhưng tôi còn nghi ngờ là một cái tên quảng cáo cho vui.

 



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 01/Mar/2009 lúc 12:34am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.188 seconds.