Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 116 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Sep/2020 lúc 11:02am

NHỚ QUÊ      <<<<<

Minh Vy -Thiện Nhân -NDD


Ngày%20mùa


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Sep/2020 lúc 12:34pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Sep/2020 lúc 12:41pm

Vì sao người miền Tây
ăn cơm cùng với trái cây?







Có dịp về miền Tây, đến nhà bạn chơi thân thiết, rất có thể bạn sẽ được ăn bữa cơm gia đình giản dị cùng với trái cây, tha hồ mắt tròn mắt dẹt và kêu sao ngon thế.

Miền Tây nổi tiếng bao đời nay là xứ sở của những loại trái cây thơm ngon, ai đến miền Tây cũng mong muốn được một lần về miệt vườn để được hòa vào không khí miền quê đặc trưng và thưởng thức những loại hoa quả đa dạng và hấp dẫn ngay tại vườn.

Nhưng ít ai biết được, trái cây không chỉ để ăn chơi tráng miệng, mà còn được người miền Tây ăn cùng với cơm thay thế cho món ăn chính.

Được xem là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, trái cây tươi luôn nằm vị trí đầu tiên trong danh sách đi chợ của các bà nội trợ vì sự đa dạng và dễ dàng chọn lựa. Trái cây cũng là cứu cánh cho những ngày ba đi công tác và má muốn nghỉ xả hơi không muốn nấu nướng gì, trong nhà chỉ có cơm nguội, tủ lạnh có trái gì có thể ăn cùng với cơm được thì sẽ được tận dụng để thay thế cho món chính.

Trái cây các loại trong bữa ăn miền Tây

Ăn cơm với trái cây, nghe có vẻ xa lạ với các bạn miền khác, nhưng đối với người dân miền Tây đó là chuyện hết sức bình thường và từ tuổi thơ cho đến hiện tại, ai cũng đã ít nhất một lần có trải nghiệm thú vị này.

Lý giải cho việc người miền Tây ăn cơm cùng với trái cây, ông nội tôi, một nông dân miền Tây chính hiệu cho biết: Người miền Tây khá phóng khoáng, thoải mái trong sinh hoạt, ăn gì cũng được miễn no bụng, vì cơm là tinh bột, tính nóng, ăn kèm với trái cây thanh mát tạo cảm giác khi ăn dễ trôi, dễ nuốt, có thể ăn nhanh ăn vội cho những hôm có công việc gấp phải đi, việc đồng áng đang dang dở, tranh thủ lùa cho lẹ chén cơm với miếng dưa hấu hay vài trái chuối tiêu là có thể coi như no bụng xong bữa ăn, tiếp tục quay lại với công việc thay vì phải mất thời gian suy nghĩ chế biến nấu nướng.

Cùng với sự sáng tạo đa dạng của mình mà người miền Tây có thể biến tấu kết hợp đủ loại trái cây để có thể ăn cùng với cơm nhưng dưa hấu, chuối, xoài vẫn là lựa chọn hàng đầu vì dễ ăn.

Ăn cơm với xoài

Không giống kiểu xôi xoài của người Thái mà món độc miền Tây chính là cơm trắng trộn thịt kho, cá kho cùng với xoài chín hoặc sống. Xoài sắp chín hay xoài chín đều có thể ăn cùng với cơm. Xoài thái sợi, nhúng vào tô cá kho, cái vị chua chua ngọt ngọt của xoài, vị mằn mặn ngọt ngọt của món cá kho hoà quyện với vị ngọt bùi nóng hổi của cơm làm nên một món ăn ngon khó tưởng.

Ăn cơm với chuối

Tương tự như xoài, chuối cũng là một món trái cây được ăn cùng với cơm nhiều nhất. Trẻ con thường thích ăn cơm với loại chuối tiêu ngọt ngọt, trong ký ức tuổi thơ của tôi, đây là món ăn xuất hiện khá nhiều lần vào. Giờ ngẫm lại thấy hơi khó hiểu, không biết vì sao ngày xưa mặc dù trên mâm cơm ê hề thức ăn mà vẫn thấy ông ngoại ăn cơm với chuối ngon lành, thấy thế nên cũng bắt chước ăn theo, riết rồi trở thành món ăn để dành đối phó vào những ngày mẹ nấu những món mà mình không ăn được, đành phải ăn cơm với chuối thay vì ăn đòn.

Ngoài ra ăn cơm với chuối cũng là một món ăn quen thuộc của những người ăn chay trường, một trái chuối, một chén cơm, thêm tí nước tương là xong một bữa ăn tương đối đủ chất. Nghe có vẻ khắc khổ chẳng ngon lành gì, nhưng chỉ có bản thân người ăn mới cảm nhận được cái ngon ẩn giấu bên trong đấy.

Ăn cơm cùng với dưa hấu

Bạn đã thử ăn cơm với dưa hấu chưa? Dưa hấu vốn dĩ nhiều nước, có độ xốp giòn, khi nhai cùng cơm sẽ có vịt ngọt thanh, làm cho cơm mềm ra nuốt dễ trôi hơn khi ăn bình thường.

Những bữa cơm trên những cánh đồng đang vào mùa thu hoạch, tiện tay hái một quả dưa hấu bổ ra để ăn cùng với cơm nguội mang theo, ngoài ra có thể làm món tráng miệng mời những bác nông dân khác khi ngồi nghỉ trưa tán gẫu chuyện đồng áng.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi miền tổ quốc mỗi bữa cơm đều có sự kết hợp phong phú đa dạng khác nhau tạo nên điều thú vị và độc đáo. Có lẽ, hiện tại phần lớn các bạn trẻ thế hệ sau này không còn những bữa ăn cơm với trái cây kiểu như thế nữa, nhưng những người trẻ thế hệ trước đã được nuôi lớn những bữa cơm mộc mạc như thế này.

st.


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 12/Sep/2020 lúc 12:42pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Sep/2020 lúc 11:35am


Bình%20minh%20trên%20làng%20chài%20Lý%20Sơn%20-%20Địa%20điểm%20du%20lịch


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 18/Sep/2020 lúc 11:47am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 26/Sep/2020 lúc 10:56am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 01/Oct/2020 lúc 8:58am

Mùa Thu Hoạch Hoa Súng Của Nông Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long

Mỗi mùa thu về, đồng bằng sông Cửu Long lại tràn ngập biển hoa súng dài, tuyệt đẹp. Từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, nông dân ở tỉnh Long An dành cả ngày để thu hoạch những bông hoa súng mỏng manh.

Nhiếp ảnh gia Phạm Trung Huy đã giúp chúng ta tái hiện lại cảnh thu hoạch hoa đầy ấn tượng qua những bức ảnh chụp trên không.

Hình ảnh người nông dân đội nón lá ngâm mình dưới nước bên cạnh những bông hoa rực rỡ trên nền nước tối màu làm nổi bật lên vẻ đẹp lam lũ của người phụ nữ Việt Nam. Phần lớn hoa súng có màu hồng đậm hoặc màu trắng. Hoa súng trắng chỉ nở vào ban đêm, người ta gọi nó là “ hoa ma”. Còn hoa súng hồng nở vào ban ngày, thân dài, không chỉ được dùng trang trí mà còn làm nguyên liệu cho các món lẩu của người dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Hoa súng không cần bất kì công đoạn chăm sóc đặc biệt nào, chúng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Qua những bức hình sống động này, nhiếp ảnh gia hy vọng truyền tải giá trị truyền thống quý giá và vẻ đẹp lam lũ của người dân Việt Nam.




Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 06/Oct/2020 lúc 7:46am

Tôi Và Sài Gòn 


Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.

Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ.

Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Đinh Tiên Hoàng, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.

Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm(bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.

Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.

Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.

Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể quên.

Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.

Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.

Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của người Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.

Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.

Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.

Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.

Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.

Đỗ Duy Ngọc
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 08/Oct/2020 lúc 3:40pm

Giăng Lưới Mùa Nước Nổi

 

Vào tháng tám,  tháng  chín âm lịch vì hứng chịu con nước từ Tân Châu,  Hồng Ngự đổ về,  vùng tôi cư ngụ nước tràn lan khắp nơi, đường sá, nhà cửa thường bị ngập lụt. Mùa nước nổi, trong khi người lớn lo sốt vó:  Ông Hai đầu xóm la ơi ới,  bà con ơi phụ dời giùm bồ lúa nước sắp ngập tới nơi;  bà Ba xóm dưới thiếu điều chổng khu la làng, nhà bà nước linh láng không còn chỗ nấu cơm, hai chân bộ ngựa gãy một:  chú Tư, chú Năm giúp giùm để tối còn có chỗ ngủ nghê. Trái với nỗi lo của người lớn,  bọn trẻ chúng tôi cảm thấy vui vì được lợi. Nước nổi tha hồ giăng câu, thả lưới, ai không câu, không lưới tối có thể đi soi cá, hoặc sắm cần câu câu cá rô, những bà những cô không muốn lội nước thì  tìm chỗ khô ráo cạnh bờ sông rải cám câu vụt một hồi cũng đủ cá lòng tong kho khô ăn buổi sáng.


Những thứ như câu, lưới tôi đã chuẩn bị từ những tháng trước. Tối thứ sáu tôi đã học bài làm bài đâu đó đàng hoàng, sáng thứ bảy  thức dậy đã có cơm má tôi nấu sẵn còn nóng hổi. Ăn sơ ba hột bỏ bụng, tôi còn giở theo một phần cơm để ăn trưa. Tôi đem lưới,  đài lưới, mười mấy cần câu cắm,  một sô để rộng cá, một  lon lúa,  một cần câu cá rô.  Xuống xuồng tôi chống một hơi đã tới ruộng nhà. Vì là chỗ tôi thường xuyên tới lui từ hồi còn cỏ đứng,  nay dù lúa cây đã chiếm toàn bộ nhưng tôi nhớ như in những nơi cá thường lội tới lui. Tìm những luồng giăng hai chục tay lưới cũng mất hơn tiếng đồng hồ. Lưới thả xong trước khi mặt trời mọc, tôi còn tham công nên tìm những con cua nhỏ làm mồi cắm câu.  Cắm câu xong thì bắt đầu thăm lưới.  Kinh nghiệm cho biết vào buổi sáng cá đói lội kiếm mồi, nên đợt đầu khi thăm lưới thế nào cũng được mười hoặc mười lăm con rô mề.

Những người giăng lưới chuyên nghiệp họ thường chọn lưới mặt thưa, mỗi lỗ lưới hơn ba phân, cá rô nhỏ không dính lưới những con cá mắc lưới thường là cá cỡ ba ngón tay trở lên. Dân nhà giàu mua cá rô lớn về kho, nấu canh chua, hay cặp gắp nướng ăn với nước mắm me đã miệng làm sao! Tôi thì khác,  tôi giăng lưới mong bắt được nhiều cá bất kể lớn nhỏ,  lưới của tôi mặt lưới lỗ nhỏ cỡ ba phân vì vậy tôi giăng được nhiều cá hơn những tay chuyên nghiệp.

Chống xuồng gần tới chỗ giăng tay lưới, chỉ nhìn hai đài lưới thấy như đánh nhịp quân hành:  khi chụm vào rồi trở về vị trí ban đầu,  lúc nhanh khi chẫm rãi, ta đinh ninh là được hai con cá rô hay nhiều hơn.  Cảnh đó khiến tôi say mê nên miệt mài giăng lưới mà không bao giờ biết mệt.

 Gỡ cá ra khỏi lưới cũng phải có kinh nghiệm, nắm cá rô phải nắm chặt chỗ hai mang, ta từ từ gỡ ngược để khỏi rách lưới.  Những người mới không quen thường bị cá nẹt trúng tay thành vết như dấu cắt, hôm sau sẽ tươm mủ đau nhức.  Ai từng giăng lưới chắc chắn sẽ bị gai ở lưng hoăc mang  cá rô nẹt trúng.  Gỡ cá xong sửa lại tay lưới cho ngay ngắn, rải mớ lúa mới cho cá ở gần đó đến ăn và sẽ mắc lưới tiếp.  Hôm nào trúng, thăm đợt đầu cũng thấy ham vì được nhiều cá và phải cố gắng thăm đủ hêt số lưới đã giăng không bỏ sót. Nếu quên một lần thăm có thể cá ở tay lưới đó sẽ ngộp nước chết. Hết thăm lưới lại thăm câu,  may mắn được vài con lóc bự, ngày ấy thật khỏe re. Thời gian qua mau quá,  mới thăm lưới vài lần đã trưa rồi. Cá thường kiếm mồi lúc sáng sớm tới chín giờ, buổi chiều, bốn năm giờ cá tìm mồi tiếp. Vì vậy  người ta thường cuốn lưới trễ. Riêng tôi tới năm giờ tôi cuốn lưới và câu.

Tôi thường tìm chỗ có bóng mát nghỉ trưa, ăn cơm. Nếu gần chỗ nghỉ, thấy cá ăn móng nhiều thì còn cách bắt khác: dùng cần câu để câu. Chống xuồng một chút bắt cào cào làm mồi. Mỗi bữa tôi thường câu năm bảy con cá rô. Cá rô cắn câu giựt lên thấy đả tay, nhưng so với cá mắc lưới nó  nhỏ hơn.  Hôm nào trời nắng gắt, cá mắc lưới thường chết nhiều. Tôi làm sạch sẽ các con cá chết để chiều má tôi khỏi mắc công và cũng bảo đảm cá không bị ươn.

Có hôm không nóng lắm, bầu trời như sắp sửa đổ mưa,  tôi rải lúa chỗ tay lưới,  chưa kịp chống xuồng đi, đã thấy cả đàn đủ loại: rô,  he, cá mè nhỏ lội qua, không con nào mắc lưới vì cơ thể chúng không đủ kích cỡ với các mặt lưới. Tại đây tôi chứng kiến vài con cá rô đóng vai Don Quichotte,  tiếng Việt dịch là anh hùng rơm, những tên anh hùng cá nầy lội qua, lội lại cũng không bị lưới cản trở thì nên theo bầy lội luôn đi cho được việc, đàng nầy các anh hùng tức giận  vì có lưới cản trở bước đường anh ta đi nên cương quyết sẽ phá lưới cho rách toạt để không còn chướng mắt. Cá nhà ta dùng mỏ xắn qua xắn lại, lưới vẫn trơ trơ như cũ không hề hấn gì, sau cùng ”anh hùng cá” dùng đến ngón cẩu xực xí quách, hy vọng những tao chỉ cản trở phải rách hoặc biến mất, than ôi răng cá rô có gai,  cắn lưới lưới không đứt, không rách những sợi lưới lại mắc răng, cá ta muốn bỏ đi cũng không được cứ nhủng nhẳng với tay lưới, nếu người giăng lưới đi thăm sớm thì cá hi vọng còn sống, còn trễ thì vì sức yếu không dễ dàng trồi lên để thở do đó bị chết ngạt.  Dù may mắn người giăng lưới đi thăm sớm, chàng cá không bị chết ngạt nhưng liệu người ta có thả nó xuống nước đợi khi nó lớn mới bắt lại chăng?. Chắc ít người tốt như thế, thông thường ai cũng nhớ câu: Một nắm trong tay bằng hai cái chưa có,  nhỏ  cách mấy vẫn hơn con lòng tong kia mà, thịt của nó giúp người ta một miếng cơm ngon.

Như vậy hành động anh hùng rơm không phải loài người độc quyền thậm chí loài vật cũng có.

Chiều xuống cuốn lưới cuốn câu, tính nhẩm biết mình sẽ có bao nhiêu tiền, trên đường chống xuồng về nhà nhiều khi trong bụng như mở cờ vì biết có bạn hàng mua cá đợi ở nhà. Khi xuồng vừa cập bến họ giúp xách thùng rộng cá lên và đổ vào rổ xúc, những con không đúng kích cỡ họ bỏ riêng một rổ khác, còn lại đếm đầu tính tiền,  mỗi ngày giăng lưới chưa kể cắm câu tôi kiếm tệ lắm cũng mười lăm đồng, có hôm được hai mươi đồng. Vào những năm 1952-53-54 mỗi ngày có mấy chục đồng thì số tiền không phải nhỏ. Những tháng chưa giăng câu, giăng lưới nếu đi học ở trường làng mỗi ngày tôi ăn xôi hết năm cắc, học Tiếp Liên vì phải ở trọ ngoài tỉnh, tiền hàng bánh, xe cộ gần một trăm đồng, chỉ hai ngày thứ Bảy và chúa Nhựt tôi tự túc cũng gần bằng nửa số tiền cho một tháng. Tiền bạc là động cơ khiến tôi say mê, bắt cá. Ngoài ra bắt cá dường như là một đam mê của tôi từ ngày lên tám tuổi. Những hôm trời quang mây tạnh một mình ngoài cánh đồng nước mênh mông tha hồ nhìn cảnh mặt trời mọc từ khi còn là một vầng đỏ rực rồi  lớn dần, lúc bấy giờ cánh đồng toàn lúa xanh mơn mởn, gió nhẹ đong đưa, ngọn lúa như một tấm thảm màu xanh biếc uốn lượn, đuổi bắt theo từng cơn gió. Nếu chú ý bạn sẽ bắt gặp vô số bông súng nở rộ như chào mừng buổi bình minh với màu trắng hòa lẫn màu tím tạo cho cánh đồng đẹp đẽ và quyến rũ.

Bạn muốn ăn canh chua bông súng hay ăn mắm kho chấm bông súng, xin bạn đừng vội. Những bông súng với màu sắc đẹp đẽ như vừa nói đó toàn là bông súng ma, cọng dòn khó tước vỏ, ăn không ngon.  Khoảng tám giờ sáng, mặt trời lên cao một con sào, bấy giờ bông súng cơm mới bắt đầu mở mắt khoe màu trắng, vàng.  Đấy là loại bông súng thích hợp cho nấu canh chua hoặc chấm mắm kho. Chỉ bỏ công chừng vài chục phút bạn sẽ có thể nhổ một mớ bông súng cho cả nhà ăn vài ngày. Trong đầu óc non trẻ của tôi lúc bấy giờ, tôi ước ao sao cả năm toàn mùa nước nổi để tôi tha hồ giăng lưới giăng câu.


Nguyễn Thành Sơn


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 08/Oct/2020 lúc 3:40pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 09/Oct/2020 lúc 8:14am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Oct/2020 lúc 10:16am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 20/Oct/2020 lúc 8:04am

Đào Hầm Bắt Cá



Nhìn qua tựa bài chắc nhiều bạn cho là tôi ngớ ngẩn,  trong thời chiến người ta thường đào hầm trốn pháo kích,  riêng tôi chắc rảnh rang lắm nên mới đào hầm bắt cá.  Muốn bắt cá thì thiếu gì cách như:  cắm câu, giăng lưới, tát mương, tát đìa v.v. Vậy đào hầm thế nào mới bắt cá được?

Ở quê tôi đào hầm bắt cá không phải là chuyện mới lạ gì.  Mọi người đều biết nhưng đa số chỉ nghe nói,  thực hành cách bắt cá thế nầy không phải nhiều người làm và cũng không phải khi nào đào hầm bắt cá cũng được. Lúc nhỏ tôi thường theo ba thăm hầm vào mỗi buỗi sáng, bắt được chừng mười con cá lóc tôi đã mừng quýnh mang giỏ chạy vô nhà  la lớn cho má và các em cùng biết. Thời đó qua mau vì bom đạn, giặc giã. Việt Minh và lính Tây thường đánh nhau vùng tôi ở,  cũng vào thời buổi đó mọi sinh hoạt của nhà nông bị hoàn toàn đình trệ,  ruộng đất bỏ hoang không ai cày cấy,  người ta lánh nạn ở vùng thật xa đồn bót,  hoặc đến vùng Tây chiếm đóng ít ra cũng tránh được máy bay hoặc pháo binh.  Như đã trình bày: dân chúng bỏ hoang ruộng đất,  cá ở các mương,  đìa, vùng này coi như được giải phóng..

Con kinh cạnh nhà tôi,  dẫn nước lên ruộng vào tháng tư đến tháng mười một để nhà nông cày cấy,  nước  để nuôi cây lúa;  chắt nước từ ruộng đổ xuống vào những tháng chạp giêng cho ruộng khô ráo hết chất phèn và trong tháng hai con kinh đó đã đem đến cho gia đình tôi chừng bốn năm giạ cá gồm:  sặc,  lóc,  rô,  đó là chưa kể những mương đìa phụ thuộc,  gia đình tôi tát bắt cá từ từ cho tới lúc trời đổ mưa, vào khoảng tháng tư âm lịch.

Năm1952 Việt Minh lập những xã chiến đấu, họ bắt dân cặm nhánh vông đồng hai bên bờ con kinh cạnh nhà tôi từ mé sông cho tới ruộng,  mỗi nhánh vông cách nhau vài ba tấc để cho Tây không qua được, lâu ngày chúng trở thành những cây vông tua tủa gai,  đứng xa nhìn chẳng khác một đám rừng,  lá vông rụng xuống hai bên bờ cũng như dưới lòng kinh đầy gai không ai có thể lội qua được,  đã vậy trên bờ Việt Minh cho biết đã gài lựu đạn. Họ không bảo mình tản cư , nhưng nhà ở ngay con kinh chiến đấu thử hỏi có ai dám sống ở đó.  Gia đình tôi tản cư qua Tân Hạnh,  quê ngoại của tôi rồi đến Bà Lang tức xã Phú Quới thuộc tỉnh Vĩnh Long.  Sau 1954,  lợi dụng lúc đình chiến,  ba tôi làm gan về mướn người đắp đập,  chắt kinh.  Phải khó khăn lắm mới dọn sạch vông hai bên bờ kinh. Ba tôi cho người ta đốn vông làm củi, lá, nhánh nhỏ, gai góc phơi nắng cả tháng cho khô rồi đốt. Dưới lòng kinh phải chắt đập,  mướn người dùng gàu xúc bùn từ từ, lẽ dĩ nhiên không ai chịu lãnh thầu,  họ chỉ làm ăn công nhựt. Trong số người xúc đất  có bác Năm Hương trước kia bác là công an xã phía Việt Minh, bây giờ bác bỏ hàng ngũ về ở gần đồn Phú Quới,  có bác phụ việc nên những người khác mới dám làm,  họ nghĩ bác trước kia có dự phần gài lựu đạn chắc bác còn nhớ chỗ mà bác và đàn em bác gài.  Giải quyết được con kinh mới làm ruộng được, trong năm đó ba tôi phải vất vả vô cùng để làm mấy chục công đất nhà. Vì bỏ hoang nhiều ngày,  cỏ lác mọc dày bịt không ai dám lãnh công phát chỉ còn cách mướn máy cày. Thằng cháu  phải “xâm mình“ mới dám cày vì nghe đâu V.M gài lựu đạn ra tận ngoài ruộng.  Cày hết mấy chục công đất lựu đạn phát nổ một lần may là loại nội hóa nên máy cày và người đều bình yên. Những năm sau đó ruộng trúng mùa,  kinh cũng bắt được nhiều cá.  Nguồn lợi đào hầm bắt cá dường như cả nhà đều quên.  Đầu năm 1959 tôi đang học Sư Phạm,  về nhà  ăn Tết, tôi nhắc tới đào hầm bắt cá. Ba tôi cho biết mình ở xa làm hầm người ta bắt trộm hết. Tôi đề nghị ba tôi bắt đầu làm hầm vào thứ sáu tháng giêng này vì tôi được nghỉ  ba ngày, nội trong ngày đã định ba tôi lo rút bộng xả nước, lấy đăng cũ đăng ngang kinh ở ngoài sân lúa, một bên bờ kinh cao có trâm bầu dày cá không thể nhảy bên được, như vậy ba chỉ cần đào một hầm khá rộng và sâu,  điều nầy ba tôi rành hơn tôi.  Nhân tiện tôi xin sơ lược về việc đào hầm đợi bắt cá,  hầm sâu độ ngang lưng quần, rộng đủ cho một người xuống đó xoay xở được. Xung quanh hầm ba phía đều cao chỉ một chỗ thấp làm một đường trơn,  láng cho cá có thể trường theo đó rồi phóng vô hầm. Cá thấy đập rút cạn nước,  nguy đến nơi,  chúng (cá) nương theo lòng con kinh hy vọng ra sông,  gặp đăng chận ngang chúng mò mẫm tìm chỗ nào dễ để chui qua vô tình lại mắc mớp của người.

Chiều thứ sáu tan học tôi đi xe thẳng về Phú Quới,  không ghé nhà trọ,  tôi rủ mấy thằng bạn thân về quê tôi chờ cá nhảy hầm bắt nướng ăn nếu cần thì mua ít rượu lai rai tới sáng,  mấy ông bạn Sĩ, Đạt,  Tượng đều từ chối vì phải về Trà Vinh thăm nhà.  Tới nhà cũng gần sáu giờ chiều,  tôi ăn ba hột cơm rồi vội vã bơi xuồng lên ruộng.  Mấy năm không làm ruộng nên không cất chòi trên vườn,  tôi tới chỗ đã đỏ đèn,  đậu xuồng cẩn thận tôi lội ra sân lúa xem hầm thế nào,  mấy hôm trước mới vừa đạp lúa xong nên ở đó có cây rơm cao nghệu.  Chỗ sân lúa tới bờ sông xa khoảng hơn ba trăm thước toàn trăm bầu như rừng vì lâu ngày không ai đốn, kế đó là vườn chuối cũng khá rộng.  Một mình ban đêm qua vùng rậm rạp cũng thấy ớn . Hồi nhỏ tôi từng nghe những người hàng xóm kể chuyện ma ở khu vườn tôi đang nói.  Lâu quá không tới lui nay đi một mình cũng hơi sợ,  tôi rủ thằng em kế cùng đi, chẳng những không hưởng ứng nó còn nhát tôi nữa, nó nói:

            - Lúc trước đụng trận ở khu nhà mình, chắc là nhiều ma Tây lẫn ma ta, tôi không dám đâu.

Tôi nói cứng:

            - Thời buổi nầy mà còn nói chuyện ma  không sợ người ta cười cho sao.

Tật lớn của tôi là khi bị ai nói khích tôi càng làm tới. Tôi quảy cái nóp để ngủ trong đó có gối và mền, tay xách cái giỏ lớn,  lấy  rế  nhắc nồi cũng lớn bằng miệng giỏ làm nắp tạm, trời chưa tối hẳn, vào khoảng chín giờ,  tôi bỏ đồ ngủ ở sân lúa lội vô nhà thằng em họ nói dóc và uống trà. Kinh nghiệm cho biết cá nhảy hầm khi sương bắt đầu xuống,  thời gian lý tưởng là từ một giờ khuya tới sáng..

Tan  cử trà,  lúc bấy giờ gần mười một giờ khuya tôi hỏi thằng em có muốn ăn cá nướng trui không.  Nó khoảng tuổi tôi nhưng là một tay nhậu,  chú em nhận lời. Trước khi đi,  nó vào bếp  xúc mớ muối ớt,  đến giàn rau  cắt ít rau thơm rồi cùng tôi ra sân lúa nơi có hầm  cá.  Tôi rọi đèn pin kiểm soát thấy hai con lóc vừa phải và một con rô mề.  Bắt lên đập đầu mang ra chỗ xa cây rơm một đổi nổi lửa nướng ăn sốt dẻo mở hàng.  Cá nướng chín thơm phức,  tụi tôi lấy rơm cạo sơ cho văng hết những vảy cháy khét trên thân cá, như vậy có thể bẻ ra ăn được. Sẵn muối ớt,  rau ăn coi bộ khá hấp dẫn,  chú em cặp nách chai rượu và cái ly tôi đâu hay,  nó bắt đấu rót ra ly mời tôi.  Lâu nay tôi nào biết uống rượu đế chỉ nhâm nhi bia chút đỉnh thôi.  Chú em bắt đầu lên tiếng giọng nhà nghề:

            - Ăn cá nướng trui mà không rượu đế thà chết sướng hơn.

Sương bắt đầu đổ xuống khắp cánh đồng,  trời se lạnh,  ăn cá nướng nhắm chút đế,  rượu chạy tới đâu nóng tới đó, miếng mồi trở nên  đậm đà và ngon miệng hơn. Tôi chỉ đưa cay chút đỉnh còn bao nhiêu chú em thầu,  hết mồi rượu cũng cạn chú em xách chai không và ly lội về còn hứa sáng sớm sẽ giúp tôi khiêng cá vì theo chú ấy đêm nay sương nhiều cá sẽ nhảy hầm bạo lắm. Tôi cũng ậm à không mấy tin tưởng,   rượu vào nên nó nói có vẻ xôm tụ,  tôi cũng buồn ngủ nên chui vào nóp đánh một giấc đên sáu giờ sáng khi nghe tiếng chú em kêu thức dậy bắt cá đi về. Thằng em chê tôi bắt cá chậm nó thay tôi bắt một hơi xem lại gần hai phần giỏ. Nó đề nghị tôi giấu nóp đồ ngủ lại,  khiêng cá ra xuồng về cho kịp bán buổi sáng, tôi không quên bắt cho nó mớ  cá để ăn,  nó hẹn tối hôm sau sẽ có đầy đủ rau cho hai anh em nhậu tới đã thôi. Trên đường bơi xuồng về nhà tôi còn làm một hành động mà mấy anh Tây gọi là Ga lăng,  ghé nhà cô bồ bắt cho gia đình cô vài con cá thuộc hạng to tướng, không biết cô ta có cảm thấy ấm lòng khi người yêu thức đêm đem cá đến tặng?

 Xuồng vừa đến nhà tôi gọi thằng em cùng khiêng cá lên, má tôi mừng lẫn ngạc nhiên,  riêng ba tôi từng đào hầm bắt cá nên ông cũng đoán được ngày đầu sẽ có nhiều cá. Tới đây coi như tôi đã xong công việc,  nghỉ ngơi đợi chiều tối sẽ lên canh hầm chờ cá nhảy tiếp.  Má tôi chừa một mớ để ăn vài ngày,  còn lại bà đem qua chợ bán.  Ngày đầu bán cá cũng bộn tiền. Tôi không chia phần vì tôi vừa lãnh học bỗng hôm thứ sáu cũng trên ngàn đồng.


Nguyễn Thành Sơn
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 116 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.258 seconds.