Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 153 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/May/2018 lúc 9:53am

Phía Bên Kia Chiếc Cầu

Ngày thoi thóp thả ráng chiều còn lại ngả nhạt theo bóng lưng của ngươì đàn ông gầy gò đang gập mình nghiêng ngả theo vòng bánh xe quay của chiếc cyclo cà tàng.

“Cuốc xe này xong là ta về thôi! kẻo 2 đứa nhỏ đang chờ cha mòn mắt”, người đàn ông thầm thì trong miệng…

Ông rướn người lấy trớn để tăng nhanh vòng đạp nhưng dường như lực bất tòng tâm, khi phía đẩu xe đang thồ mớ hàng hoá lẫn bạn hàng quá sức chịu.

Đoạn đường ước lượng tưởng gần mà hóa xa. Mệt! khiến đôi chân run, tiếng ong ong cứ bập bùng trong tai khó chịu, nước mắt sống nhạt nhòa loang đến tận khoé rãnh chân chim dầy sâu đuôi mắt.

Cuối cùng thì thân người và ngựa sắt cũng thở phào trút gánh nặng và hài lòng với số tiền khá hậu hĩnh trả công của mối khách buổi đầu làm quen.

Chưa kịp vuốt mồ môi trán, thì từ đâu nhẩy xổ ra trước mặt ông một con bé đen nhẻm. Nó ghì vòng bánh xe, rồi hướng tia nhìn thảm não phía ông.

- Mua vé số giùm chú ơi! sáng giờ con đi rã chân, năn nỉ hoài cũng hổng có khách ghé mắt… tối nay hết được ăn cơm, còn bị mẹ nuôi đánh một trận chắc chết!

Nhìn đứa con gái nhỏ thất thểu, tóc hoe vàng nồng mùi nắng khét giãi dầu lòa xòa chấm tận mí của đôi hạt nhãn long lanh chực khóc làm ông động lòng, đồng thời nụ cười tưởng được mau về nhà bỗng nửa vời méo mó…

Là trẻ mồ côi mới thấu hiểu tình trạng lúc này, y như ông đã từng… lớn lên từ nhà bà phước, sớm quăng ra đời, khổ trăm bề!

Không đợi nó năn nỉ thêm lời nào, ông gục gặc thông cảm, rộng lượng chìa số tiền vừa mới nhận từ khách đưa cả cho con bé rồi xua tay…

- Thôi về đi, chú lấy hết xấp này cho mày.

Đôi mắt trẻ con bừng sáng, rót vội một tràng cám ơn rối rít. Ngó đôi chân nó chạy đi, ông thấy rõ cả niềm vui hạnh phúc khó tả gì đâu.

Chiều tắt hẳn. Màu của hoàng hôn tô lên sâm sẫm đằng đặc, bám len lỏi theo những tàng lá hàng cây hai bên đường, trèo tuốt tận ngọn cao chót vót để báo cho ông biết cái tối đang lan rộng đến độ nào. Có muôn thì cũng đành, ông tự nhủ, quyết rằng phải thêm một cuốc nữa mới đủ sở hụi hôm nay…

Chắc Trời chiều lòng người nhân.

Không phải thương lượng kỳ nèo chi giá cả cuốc xe cuối ngày này, thiệt là êm xuôi ngon ơ! Chỗ khách muốn đến thuận đường về của ông, chỉ khúc dưới bên này chiếc cầu, đồ đạc là cái túi xách du lịch nhẹ tênh, cộng thêm sức nặng doi doi của người đàn ông trung niên. Đỡ khổ thân ông rồi!

Chiếc xích lô đạp đang phoong phoong trên lộ bỗng bất thần ra hiệu buộc ngừng lại vừa khi sắp quẹo gần đến chỗ khuất của chân cầu. Cái xách tay du lịch của người khách không biết cầm đu đưa thế nào lại trợt vuột văng ngay xuống đưòng, chiếc dây kéo cũ hư khép không kín miệng túi xách nên mọi thứ lặt vặt từ trong đó xổ tung ra.

Ngưòi khách lầm bầm bực mình xuống xe để thu lượm lại đồ đạc. Muốn cho nhanh, vừa lòng khách, ông cũng nhảy xuống trờ đến giúp một tay.

Đang lúi húi, ông cảm nhận như cái gì đó đập mạnh trên đầu đến điếng hồn choáng váng.

Chưa hiểu ất giáp gì, ngước lên đã gặp ngay khách quý bây giờ trở mặt hoá thành tên du côn bặm trợn…

Vắng người, hắn tha hồ đập liên tục vào mình mẩy ông bao cú như trời giáng, vừa thọc bàn tay thô nhám lục túi quần ông cốt cướp bằng hết số tiền ông chạy cả buổi trời…

- Tha cho tui, đừng lấy số tiền này cậu ơi! con tôi chờ tui về cứu mạng, tội nghiệp tui… úi… úi… đau quá!... đừng đánh nữa… lạy cậu mà!!!

Mặc cho tên cướp cạn vô hồn nạt nộ đánh đấm khắp thân, ông vẫn cố thủ giữ chặt như đinh miệng túi, rồi nỗi sợ hãi sẽ mất trọn công khó hôm nay khiến sức lực cạn kiệt tưởng như cây khô thiếu nước của ông bỗng bật lên như cây cung vô hình búng loạt tên cà phóng ra những mũi nhọn sấm sét của cơn giông giận dữ.

Ông bặm môi hết sức bình sinh đạp mạnh chân tên côn đồ ỷ mạnh hiếp yếu, một tay vừa phản công vừa đỡ đòn, gân cổ gào rống lên như heo bị chạm nọc cầu cứu. Có tiếng còi xe và bóng đèn pha xa chói lòa kịp cứu ông thoát cảnh khốn cùng.

May quá! Không sao rồi, tiền còn nguyên, ông quên cả cơn đau dần người… run rẩy leo lên chiếc xe, xiêu vẹo thất thần hướng về chiếc cầu, đạp tới…

Con đường về ngắn lại như xa dịu vợi!

Gió từ con sông thổi lên mát rượi, vạt áo đang đẫm mổ hôi, tuột cả hàng khuy do đánh nhau lúc nãy, ướt át dính bệt áp sát chiếc lưng xương xẩu, giờ bung ra như cánh buồm căng, mát quá, gió có thổi đi tất cả cay đắng, tuyệt vọng?

Chỉ còn leo lên cái dốc cầu này nữa, đạp qua bên kia là về nhà rồi, nhanh thôi, các con ơi đừng sốt ruột! cha chỉ trễ hơn thường ngày một chút.

Gió nhiều như vậy, mà ông thấy sao mặt mình cứ đẫm mồ hôi lạnh từng dòng chảy xuống má rít rịt… Đôi chân ông bời rời cạn sức, cứ như bay chơi vơi trên không vậy.

Mồ hôi chảy mạnh hơn, đầu ông lâng lâng, chân nhẹ bổng, cái bàn đạp sứt ra hay sao đây? Việc gì thế này? Lên dốc vài ba vòng nữa là gặp con, phải rán… rán…

Đầu ông lơ lửng, mắt nổ đom đóm hào quang, gió vẫn vô tình phả cơn lạnh buốt tận tim, ngực ông đau rát và như thắt lại từng cơn…

Ối! đất trời chao đảo đen thui, rồi giống như con diều đứt giây, ông chúi mình xuống đất, vừa kịp chiếc xe lảo đảo và quay mấy vòng trước khi đổ ụp.

Bên kia chiếc cầu, trong mái lá te tua dựng chống sơ sài, có những đôi mắt ngây dại chực chờ.

Bờ vai đứa 7 tuổi làm gối tựa cho đứa em lên 5 đang sốt đỏ mặt, li bì.

Chúng đợi cha đem tiền về mua thuốc, thức ăn. Muỗi dày đặc om sòm vo ve tranh nhau đòi hút máu trên da mặt 2 dứa bé tội nghiệp.

Đêm không trăng đổ nỗi sợ hãi đến tột đỉnh lên 2 gương mặt nức nở. Đôi bàn tay xám nghoẹt khua khua quờ quạng. Đói rã rượi ngưòi! Cha có bề gì, chúng biết ra sao?

Tận cùng đau thương! Hai đứa nhỏ, vốn chẳng phải ruột rà chi của ông đạp xích lô nghèo hèn chạy ăn từng bữa, là trẻ mồ côi do ông thưong hại đem về nuôi từ nhỏ xíu, lại mồ côi lần nữa!

Có ai biết số phận của dòng kinh đen kịt dưới chiếc cầu dập dềnh xuôi ngược về đâu không?

Đêm ơi! làm sao xoa dịu, vỗ về được tiếng khóc ngất của trẻ đang vang rần gọi cha giữa cái đen… một cái hố sâu đen vô tận như địa ngục của đất trời…

Hồng Thúy

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/May/2018 lúc 12:43pm

Đường Xưa Lối Cũ

Ở trại tỵ nạn sao mà dễ buồn! Mưa cũng buồn, nắng cũng không vui! Nhìn ra ngoài bầu trời chói chang, tôi tính bỏ văn phòng đi về nhà nghỉ trưa thì bà Pimpa, người Thái, là nhân viên Cao Ủy Xã Hội đến hỏi:
-Mày rảnh không, đi vào nhà tù với tao. Tao cần phỏng vấn vài người và làm lại danh sách tù nhân để báo cáo.
Như người buồn ngủ gặp được chiếu manh, tôi vui vẻ nhận lời. Cũng như các trại tỵ nạn khác, ở Thailand cũng có một khu “nhà tù” dành cho những người tỵ nạn không chấp hành quy định của Bộ Nội Vụ Thái hay của Cao Ủy tỵ nạn. Thời hạn ở tù tùy theo mức độ phạm quy, có khi từ một vài ngày cho tới một hai tuần. “Tù nhân” cũng đủ loại, nhẹ thì có những người mua lén đồ ngoài hàng rào, thức quá giờ giới nghiêm, quên làm vệ sinh khu nhà được phân công, nặng hơn là thành phần đánh lộn, gây mất trật tự trong trại, trộm cắp vặt, trốn ra ngoài trại đi chơi .v.v..
Đi bộ qua khu đồi bãi đá, đến bệnh viện, là tới khu nhà tù được xây dựng khá kiên cố và cách biệt với những khu nhà ở khác trong trại. Sau khi trình giấy tờ nơi cửa, bà Pimpa và tôi bước vào nhà tù đã thấy hơn mười mấy người, đa số là thanh niên đàn ông đang ngồi rải rác trong tư thế chờ đợi, hình như họ biết trước có cuộc viếng thăm này. Bà Pimpa rủ tôi đi cho vui, chớ ở trong khu tù, có nhân viên người Việt tỵ nạn rất sành sỏi tiếng Thái, anh ta làm thông dịch cho bà ấy, còn tôi đi lòng vòng hỏi thăm, làm quen và kiểm tra danh sách người tù.
Trại tuy nhỏ, nhưng có hơn chục ngàn người nên đâu phải ai cũng biết nhau. Tôi nhìn vào danh sách, để ý một cái tên khá đẹp, Lê Nguyễn Anh Vân, giới tính “nam”, rồi nhìn lên người đàn ông ngay góc phòng. Anh có dáng rất cao, gầy, nước da đen sạm, khuôn mặt góc cạnh với đôi mắt nâu đẹp nhưng khá lạnh lùng, mái tóc hơi dài màu nâu, và đôi cánh tay in hình xăm đậm, không khó nhận ra đó là “Vân Đại Bàng” mà tôi có nghe qua tiếng tăm. Vân Đại Bàng cũng kịp bắt gặp ánh nhìn của tôi, tôi mỉm cười bước đến gần hơn, không phải vì anh là “đại bàng” mà chỉ vì cách đây hai tuần, trong đêm văn nghệ mừng sinh nhật Đức Vua Thái, anh lên sân khấu hát một bài ca quen thuộc của nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, giọng hát đầm ấm của anh đã gây bất ngờ cho nhiều người, trong đó có tôi và cô bạn ở chung nhà.
-Chào cô Kim!
-Sao anh biết tên em?
-Cô làm trên văn phòng Cao Ủy, ai mà không biết!
-Còn anh là ….?
Anh ta nhếch mép cười:
-Vân Đại Bàng!
Tôi ngồi xuống kế bên anh, làm quen:
-Hôm bữa anh ca bài “Đường Xưa Lối Cũ” hay quá chừng, ai cũng khen và mong bài hát thật dài.
Anh lắc đầu: -Tại bài hát hay, mang đúng tâm trạng xa nhà của dân tỵ nạn, chứ tôi hát cũng thường thôi!
-Anh khiêm nhường không đúng chỗ rồi đó. Giọng hát hay là giọng hát được nhiều người công nhận, hôm đó hàng ngàn người im lặng nghe từng câu hát của anh.
Bây giờ thì Vân Đại Bàng im lặng, tôi nói tiếp:
-Em và nhỏ bạn mê bài đó lắm, nếu anh có thể chép bài hát đó cho tụi em, được không?
-Được chớ! Cô có giấy và viết chì thì cho tôi xin, khi nào viết xong tôi gửi ra cho cô.
Tôi lục giỏ đưa cho anh xấp giấy và mấy cây viết, chưa biết sẽ tiếp tục câu chuyện ra sao, bởi tôi và anh chẳng hề quen biết nhau, và tôi vào thăm nhà tù hôm nay chỉ là cho vui thôi, chứ không có nhiệm vụ gì. Anh ta cất mấy tờ giấy vào góc tường, rồi lôi ra một bọc giấy, đưa ra mời:
-Cô ăn bánh bột mì chiên nhe, vợ tôi mới gửi vô hồi sáng.
Ở trại tỵ nạn, khi thấy nhiều cặp vợ chồng sống chung với nhau, khó ai biết được họ là vợ chồng thật từ Việt Nam có hôn thú hẳn hoi, hay chỉ là vợ chồng mới ghép vào ở chung ở trại, hoặc quen nhau trên đường vượt biên. Trong trường hợp của Vân Đại Bàng và chị Tuyết, ai cũng biết họ là “vợ chồng mới”, nghe đâu họ gặp nhau bên Kampuchia, đúng nghĩa câu “trai tứ chiếng gặp gái giang hồ”, rồi cùng đi trên con thuyền qua xứ Thái này. Ở trại, chị mở quán nước nhỏ bán café, anh thì như các thanh niên rảnh rang khác, chẳng làm gì, hay tụ tập tại quán nhà uống nước, thỉnh thoảng nhậu nhẹt, bàn chuyện thời sự tỵ nạn, điều khiển đám đàn em chạy mua lén đồ ngoài hàng rào rồi bán lại cho dân tỵ nạn kiếm lời.
Tình hình đi định cư rất khó khăn cho những người tỵ nạn cuối mùa như chúng tôi, ai cũng phải qua cuộc thanh lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, nếu vượt qua được cuộc phỏng vấn này, thì mới có cơ hội qua trại khác chờ các nước phương tây cho đi định cư. Nhiều người bị đánh rớt từ vòng này, được Cao Ủy khuyến khích hồi hương. Vân Đại Bàng và chị Tuyết cũng ở trong nhóm người đăng ký hồi hương, được sống trong khu riêng chờ đến ngày lên xe bus về trại Hồi Hương, làm thủ tục ra Bangkok bay về Việt Nam. Một số người trong nhóm này tự xem mình là “cùi không sợ lở”, không còn gì để mất, nên trong thời gian chờ ngày về, họ ăn nhậu xả láng và sẵn sàng quậy phá. Hàng tuần, hễ sáng mai có chuyến xe hồi hương , là y như đêm trước họ ăn uống, ca hát, quậy phá rồi đánh nhau với người ở khu khác. Mới nhất là một đêm hỗn chiến tưng bừng, chúng tôi ở khu bên này chỉ dám đứng xa bên hàng rào kẽm gai nghe ngóng, đến khi nghe tiếng súng nổ từ văn phòng trại, mọi người hoảng hốt chạy về khu nhà mình, những vẫn nghe những âm thanh đánh nhau từ gậy gộc, dao búa và cả vài tiếng súng nổ thị uy của lính Thái. Cho đến gần nửa khuya, tình hình mới im ắng trở lại, và qua lời bàn tán lao xao của mấy “bà tám” trong trại, chúng tôi được biết có mấy người bị thương phải đưa vào bệnh viện bên ngoài, vài người cầm đầu cuộc hỗn chiến bị vào tù, trong đó có Vân Đại Bàng.
Tôi vừa ăn bánh chiên, vừa tiếp tục câu chuyện làm quen:
-Tên của anh đẹp lắm đó! Ý em nói “Lê Nguyễn Anh Vân” chớ không phải “Vân Đại Bàng” nghen!
Anh ta bật cười:
-Tên ba tôi là Lê Anh Quân, hồi trẻ ổng có mối tình đầu với người tên Vân, nên khi sinh ra tôi, ba muốn đặt tên tôi là Lê Anh Vân, nhưng má tôi ghen, đòi để thêm họ Nguyễn của má tôi vào, thành ra tên tôi dài lê thê vậy đó!
Câu chuyện tới đây phải đứt ngang vì tới giờ bà Pimpa kêu tôi về lại văn phòng làm việc.

Hai ngày sau, cũng trong giờ nghỉ trưa ở phòng Cao Ủy, có người mang đến cho tôi tờ giấy ghi bài “Đường Xưa Lối Cũ”. Tôi ngắm nhìn với niềm thích thú bất ngờ, vì tựa đề bài hát được viết theo lối thư pháp mới, bay bướm lãng mạn, nét chữ bút chì trong toàn bài nhạc rất đẹp, đều đặn, có chút lả lơi trên từng con chữ, mà đặc biệt nhất là bài hát được viết trên một bức tranh, cũng vẽ bằng bút chì, trong đó có đủ ánh trăng treo trên đồi, có lũy tre xa mờ, và bóng mái tranh nghèo bên đồng lúa chin. Ở góc phải cuối bức tranh ký tên “Anh Vân” rất điệu nghệ, chứng tỏ người vẽ phải có một tâm hồn nghệ sỹ mới trau chuốt tác phẩm của mình đến như vậy. Tôi vui sướng nghĩ thầm, Vân Đại Bàng có một trái tim nghệ sỹ, mà tôi luôn tin rằng, những người có tâm hồn nghệ sỹ thường là người tốt.
Tôi chạy vội đến nhà tù để nói lời cám ơn thì được biết anh đã được về nhà. Từ ngày đó, chúng tôi trở nên quen biết, thỉnh thoảng tôi và nhỏ bạn hay tạt qua nhà anh chơi, có khi nghe anh đàn hát ( anh thường được yêu cầu ca bài “tủ” Đường Xưa Lối Cũ), hoặc chúng tôi ngồi trao đổi chuyện thời sự của trại, chuyện văn nghệ văn gừng đó đây.
Có lần anh nói với chúng tôi:
-Nếu trong trại có ai gây gỗ, ăn hiếp tụi em thì cho anh hay, anh sẽ cho người đến “nói chuyện”.
Chúng tôi cười:
-Tụi em nhát như thỏ đế, cả đời chẳng dám gây lộn với ai, chắc không phiền anh ra tay.
Lần khác, thấy hai đứa tôi đi lãnh nước, anh nói:
-Kể từ bữa nay, anh sẽ cho người gánh nước đầy lu nhà em mỗi ngày, khỏi cần xách nước nữa! Chúng tôi giẫy nẩy:
-Không sao đâu anh, tụi em xách nước là tập thể dục luôn đó!
Anh trợn mắt:
-Thôi đi cô nương! Tôi đã thấy hai cô xách chung một thùng nước, chỉ vài lô nhà mà phải dừng lại nghỉ hai ba lần …
Lúc này tôi đành phải thú nhận:
-Dạ, chẳng dấu gì anh, tụi em thuộc loại “tiểu thơ con nhà… nghèo”! Gia đình không giàu có gì nhưng được ba má cưng chiều, chưa làm việc nặng bao giờ.
Tết năm đó, chúng tôi tập làm kẹo pháo và mang đến biếu anh chiều ba mươi Tết. Buổi chiều cuối năm ở trại tỵ nạn dễ làm lòng người nao nao, nhớ nhà da diết, nên người ta cũng muốn có người để trải lòng tâm sự.
-Gia đinh tôi ở một xóm quê xinh đẹp miền An Giang, ba tôi là thầy giáo làng, nhưng ông mất sớm, tôi phải nghỉ học ngang phụ mẹ kiếm tiền lo cho đứa em gái. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu sự dạy dỗ của ba khiến tôi trở nên lầm lì, đôi khi ngang bướng. Tới năm mười chín tuổi, tôi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, qua bên Kampuchia đánh nhau với quân Polpot được hai năm thì tôi đào ngũ vì không muốn lãng phí tuổi xuân cho cuộc chiến đầy bất công và nhiều bạo lực, tôi sợ hàng ngày phải chứng kiến cảnh chết chóc dù là của phía Việt Nam hay Kampuchia, tôi bị ám ảnh bởi những trò tàn ác dã man của quân Polpot, tôi căm ghét quy luật của chiến tranh… Nhưng tôi đâu có đường trở về nhà, tôi phải trốn qua khu Bắc Loong, đảo ven biển thuộc tỉnh Koh Kong, Kampuchia rất gần với đất Thái. Ở đó một thời gian dài, vật lộn với đủ nghề kiếm sống, biết thêm luật giang hồ để sống còn nơi vùng đất hỗn tạp đó, vì đó là nơi dừng chân của các tàu viễn dương quanh vùng Châu Á, các thủy thủ lên nghỉ ngơi và tìm thú vui chơi nên gái làng chơi tìm về ngày càng đông đúc. Tôi sinh sống bằng nghề buôn lậu, mua hàng trên các tàu viễn dương, rồi mang vào trong đất liền Kampuchia bán lại kiếm lời. Tôi thực sự đã bị dòng đời cuốn đi mà không biết khi nào sẽ được dừng lại, trở về thăm quê cũ, có mẹ già và em gái đang đêm ngày mong ngóng tin tôi, đó là lý do tôi hát bài “Đường Xưa Lối Cũ” với sự thổn thức từ trong đáy tim.
Tôi tò mò:
-Anh hát hay mà còn vẽ đẹp lắm đó, anh là họa sỹ hả?
-Không, tôi chỉ có khiếu hội họa từ hồi còn học cấp hai, rồi tự vẽ khi thấy thích chứ không qua trường lớp nào hết.
Tôi đổi đề tài:
-Vậy tại sao anh có tên “Vân Đại Bàng”?
Anh đưa cho chúng tôi xem hình xăm hai con đại bàng hai bên cánh tay:
-Ồ, đêm đó chúng tôi hành quân và đóng đô tại một làng hẻo lánh bên Siêm Riệp, ông chủ ngôi nhà sàn nơi chúng tôi trú ngụ cả tuần lễ là một nghệ nhân xăm nổi tiếng trong vùng. Không hiểu do nhậu say vì rượu hay phút cao hứng của thằng đàn ông lang bạt chinh chiến, tôi đã đồng ý cho ổng xăm hai con đại bàng trên tay …Mà cũng nhờ nó mà khi phiêu bạt giang hồ nơi Bắc Loong, trong những trận đánh nhau với các nhóm buôn bán khác, tôi được nhìn với chút e dè sợ sệt nể nang, từ đó tôi có tên “Vân Đại Bàng” cho tới bây giờ!
Anh rít một hơi thuốc lá rồi nhìn ra ngoài mông lung:
-Tôi như người leo lưng cọp không có đường thối lui! Nhiều lúc buồn tủi và cay đắng cho thân phận không nhà, không quê hương, nhưng biết làm gì hơn? Cho đến lúc tôi gặp Tuyết, vợ tôi đây. Cô ấy trong nhóm gái ăn sương chuyên phục vụ khách thủy thủ viễn dương. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự nỗi đau xót xa quê hương, chúng tôi quyết định rời bỏ Bắc Loong, đi thuyền qua Thailand, hy vọng cuộc đời bước sang chương mới, tươi sáng hơn.
Tôi nhìn anh, phân vân:
-Ở trại tỵ nạn rồi, anh làm “đại bàng” làm chi nữa?
Anh trầm ngâm:
-Tôi cũng có muốn đâu! Qua đây gặp lại mấy người quen cũ làm ăn bên Bắc Loong, khi họ gặp sự ức hiếp từ ban trật tự, ban cộng đồng của trại, họ nhờ tôi can thiệp, rồi bao nhiêu chuyện bất công, đụng chạm khác xảy ra hàng ngày, khiến tôi lại nổi máu “Lục Vân Tiên”, thấy chuyện bất bình giữa đường chẳng tha …
Chị Tuyết xen vào, góp chuyện:
-Nhưng em thấy đó, tỵ nạn cuối mùa không còn tương lai nào chờ đón cả. Anh chị đều bị rớt thanh lọc, nên mới đăng ký hồi hương.
Tôi an ủi:
-Thôi thì cũng là dịp anh chị về với gia đĩnh.
Chị Tuyết giọng buồn thiu:
-Chỉ có một mình chị về thôi em à! Anh Vân dự tính tìm đường ra ngoài Thái sinh sống.
Anh Vân nhìn tôi, giải thích:
-Có thể tôi về sẽ bị bắt vì tội đào ngũ xưa kia, vả lại, tôi đã từng thề không bao giờ trở về với hai bàn tay trắng.
-Vậy sao anh không đưa chị Tuyết đi theo?
-Đi trốn chớ có phải đi chơi đâu! Mới đây, ba má Tuyết gửi thư sang kêu Tuyết về nhà, cả gia đình đã tha thứ và đón chờ Tuyết trở về, làm lại cuộc đời.
Sau đó vài tuần tôi may mắn đậu thanh lọc, được chuyển qua trại khác chờ ngày lên đường định cư. Trong thời gian này, tôi nghe nói chị Tuyết cũng đã rời trại trở về Việt Nam, còn anh Vân thì trong một lần đụng độ với nhóm người Khmer trong trại, anh lại bị bắt vào tù, nhưng lần này là nhà tù ngoài Thái chứ không phải nhà tù trong trại tỵ nạn. Thế rồi tôi lên đường đi Canada, bỏ lại Thailand sau lưng với bao nhiêu niềm vui nỗi buồn không nhớ hết.

Chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ đến cái tên Vân Đại Bàng dù bao nhiêu năm đã trôi qua? Có phải vì bài Đường Xưa Lối Cũ vừa tình cờ nghe được, hay cái tin từ người quen cũ cho biết trong chuyến về Việt Nam thăm nhà, họ có ghé qua Thailand chơi và gặp Anh Vân ngồi vẽ tranh chân dung trên đường phố phục vụ khách du lịch ở thành phố biển Pattaya? Còn một người khác thì khẳng định với tôi rằng đã thấy Anh Vân hành nghề chạy xe tuk tuk ở thủ đô Bangkok.
Chẳng biết chuyện thực hư ra sao, nhưng cả hai người đều nói Anh Vân có vợ người bản xứ, có hai đứa con, và chí thú làm ăn sinh sống như bao người lao động lương thiện khác trên đất Thái. Vậy thì tôi mừng cho anh đó, Anh Vân ơi! Mừng vì cuối cùng anh đã thực sự trở về “đường xưa lối cũ” của con người anh, của cuộc đời anh. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, anh đã có dịp nào trở về quê, thăm lại “đường xưa lối cũ” mà anh từng khát khao ấp ủ, nơi vẫn có bóng tre che thôn nghèo, có ánh trăng soi đường đi, mặc dù có thể giờ đây mẹ anh đã ra đi bên kia cuộc đời và người em gái cũng đã theo chồng sang ngang?

Kim Loan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/May/2018 lúc 9:25am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 31/May/2018 lúc 5:02pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2018 lúc 9:41am

Rau Đồng Quê   <<<<<


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Jun/2018 lúc 10:50am

Chùm Phượng Vĩ…


2540%20Van%20ChumPhuongViTrucNg%20ST

    Lời nhạc xưa sống dậy trong ký ức phôi phai… “chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”

     Sáng nay trên đường xuôi nam về Houston. Xa lộ 45 South ngập nắng vàng, những cánh đồng bất tận cỏ mới như tuổi trẻ vui hè về cùng nhau cười với gió. Cỏ làm sao biết gió vô tình từ vạn đại sẽ làm cỏ khô thành những vuông cỏ tháng mười cho lễ Ma quỷ hằng năm; tuổi trẻ làm sao biết trong nụ cười tháng năm vào hạ đã chứa sẵn mầm nắng vỡ tháng tám, rồi nhạt phai tháng mười như những hồn nhiên, ngây thơ, và chân thiện của tuổi học trò sẽ bụi mờ thời gian…

     Những ý nghĩ chợt đến vì trước mắt là tháng năm mùa về trên tay côbé tôi đã gặp ở cây xăng. Có lẽ cô cùng gia đình từ Houston đổ ngược lên Dallas để cùng họ hàng, bà con nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong. Cô cầm trên tay nhánh phượng hồng, phe phẩy thay cho cây quạt giấy. Nhớ bài thơ “Chút tình đầu” của Đỗ Trung Quân. Mới đó đã nhiều năm không gặp lại người bạn văn của thời mạt vận ở quê nhà. Còn chăng chút lòng vui vì anh vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên của tâm hồn thi sĩ qua những hình ảnh bạn bè về thăm quê hương đem qua Mỹ cho anh em coi chơi…

     Cô gái phe phẩy mãi nhánh phượng hồng thay cây quạt giấy cho đến lúc lên xe, rồi mất hút trên xa lộ 45 North hướng về Dallas. Làm tôi nhớ:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu?

Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám

Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…

     Rồi tôi cũng phải lên xe để tiếp tục chuyến xuôi nam theo dòng sống lo toan bất tận của đời thường. Nhưng hoài niệm miên man như những đồng cỏ xuôi nam hai bên đường…

Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp

Là áo người trắng cả giấc ngủ mê

Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp

Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây

Người con gái mùa sau biết còn có gặp lại

Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…

     Nhớ Đỗ Trung Quân một đêm ở nông trường Nhị Xuân xa thẳm. Thời “đôi dép râu giẫm tan đời trai trẻ/ vành nón tai bèo úp gọn cả tương lai”, nhưng với cây đàn nhỏ trong trí tưởng, anh đã cất lên được tiếng hát, (nỗi lòng) của một thời hoa mộng của bao thế hệ lần lượt giã từ mái trường, thầy cô, bạn học… để đi theo ngã rẽ của cuộc đời mỗi người theo định mệnh, theo nghiệp dĩ, theo lý lịch (sau hoà bình) nữa chứ!

     Cảm ơn anh lời thơ mộc mạc nhưng gói trọn tâm tình một thời tuổi trẻ mà ai cũng trân quý, càng trân quý hơn giữa bể dâu đổi đời lúc bấy giờ; càng trân quý nhất khi quỹ thời gian của đời người không còn nhiều mà quê nhà thì vẫn như thơ Nguyễn Bính, “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay…”

     Thơ Đỗ Trung Quân (thuở ấy) không giàu hình tượng, thơ từ cũng chẳng cao siêu. Mà để làm gì những chất liệu không cần thiết cho bài thơ cứ còn hoài trong cặp/ giữa giờ chơi mang đến lại mang về… Nói cách khác là thơ từ của chân tình, ngây thơ thật tuyệt đến rung động lòng người.

Chỉ một cây đàn nhỏ

Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm

Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu

Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi thành câm

     Hình như trong lời nhạc phổ thơ, nhạc sĩ đã thơ hơn cả thi sĩ nên sửa thành “Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ”. Nghe thơ hơn…

Dù sao,

Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng

Em hái mùa hè trên cây

Chở kỷ niệm về nhà

Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại

Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.

     Giá Đỗ Trung Quân ở Mỹ, chắc anh cũng ngậm ngùi thôi chứ biết nói sao với văn hóa cách quê nhà nửa vòng trái đất, cô bé mặc áo hai dây với quần cộc không thể cộc hơn. Thay cho những chiếc giỏ xe (đạp) trưa nay chở đầy hoa phượng, là chiếc xe van Toyota mới toanh. Nhưng em vẫn chở (được) mùa hè đi qua còn tôi đứng lại/ nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa… như Đỗ Trung Quân đã nhớ về thời còn đi học. Tôi thì đứng ngẩn trông vời (như) nhớ Huy Cận, “một hôm ngọn gió tình yêu lạ/ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ…”Cả Huy Cận và Đỗ Trung Quân đều không biết ở Mỹ chỉ có làn da trắng ngọc trong ngà, không nhiều vải vóc như quê xa. Ở đây, người ta ăn mặc cũn cỡn đến bốn, năm mươi tuổi, và gọi là mốt…

     Có những tháng năm không hẹn trong đời thì gặp lại, để tháng năm mong chờ lại gặp hư không khi gió mang mùi tanh rong rêu của biển, vị mặn trong không khí thấm vào khứu giác, những cây phượng vĩ bên đường Houston như những người bạn nhỏ gặp lại. Nhớ tháng năm Dallas với những con đường hun hút lá xanh cây, nhưng tìm đâu cho thấy màu hoa phượng, và biết gởi về đâu nhớ nhung này khi nhớ tháng năm quê nhà, hoa phượng rợp trời, bằng lăng rụng tím con đường tình ta đi… Ôi, những con đường dài suốt như đêm dài thao thức, hàng câyđiệp vàng chấm phá bầu trời xanh tháng năm, nắng vàng nghệ và gió hanh hao gầy tiếng ve sầu khúchát chia xa…

     Tháng Năm ký ức chập chùng nắng gắt mưa mau trên những tấm lưng thợ cấy bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những cánh đồng quê xanhư ẩn hiện lại những giọt mồ hôi lao khổ xa xưa là oan khiên thời đại của người nông dân có sung sướng gì đâu mà đổi đời cònthêm đổ máu, tù đày với cường quyền cướp đất, chiếm ruộngcủa nông dân trong nước bây giờ.

     Tháng năm lại nhớ những cơn mưa rào nặng hạt xé toạc áo tơi dân nghèo, chênh chao bao mái nhà xiêu vẹo dọc bờ biển miền trung vì gió mưa đột ngột, không ngờ thường đến vào tháng năm.Gió nam Lào tháng năm vượt Trường Sơn phả xuống dải đất miền Trung làm phai áo mẹ,bạc tóc cha;tháng năm vẫn về miền Trung thương khó, gió nam Lào người ở nhớngười đi…

     Những dòng nhớ như muôn sông tuôn ra biển mẹ lòng trắc ẩn: Ta từ ấy ra đi, nhưng chỉ còn là con mèo lười hải ngoại, nằm tắm nắng sau gió mưabạc lòngtrước bạo lực cường quyềnđang cuồng lũ quê xa. Nỗi nhớ tháng năm thật khó quên vì kỷ niệm êm đềm khi đời chưa vướng bận, ký ức trong veo trước bạo lực, cường quyền. Để tháng năm chai sạn luyến thương tuổi nhỏ mà ai cũng chỉ có một lần trong đời dài áy náy khi ký ức về mái hiên, hè phố đã đụt mưa tránh nắng của lòng người đi đổi thay, kẻ ở hao gầy.Những hoài niệm tháng năm luôn đẹp với kỷ niệm khi tay trắng mộng đầy, hoài bão mênh mông. Để chỉ còn nỗi buồn đọng lại ký ức những cảm xúc đầu đời và tâm khảm gào thét trên mui xe như cơn mưa vào hạ của Houston mà nhớ mưa rào cố thổ. Kỷ niệm đọng lại chỉ còn nỗi khổ tâm với quê nhà lầm sai chế độ.

Nhưng không đi làm sao thấy, chẳng có khoảng thời gian nào êm đềm bằng ký ức tháng năm với bạn bètuổi nhỏ qua từng cái nắm tay chia xa khi đời chưa phải cân đo đong đếm những thiệt hơn trong cõi người, khi đêm về lòng không khắc khoải với quê xa…

Chút kỷ niệm học trò như mưa vẫn mưa bay qua làn tóc rối, tháng năm hằng về cho lá xanh cây, mùa phượng vĩ rợp trời tháng năm xa thẳm đã là màu máu con tim của bạn bè ở lại.

     Tạm biệt tháng Năm mãi hoài là tạm biệt hơi ấm bàn tay chia chung cơn mưa hạ còn hoài trong ký ức, ánh mắt thay lời mãi mãi xa nhau; nỗi nhớ học trò mong manh như cánh phượng nên tháng năm gió mưa về bất luận vẫn mãi là ngày mai và hy vọng, vì hầu như ai cũng đã gần chạm tới ước mơ của tháng năm xưa cũ để thương hoài những tháng năm lại về, rồi tháng năm khép lại êm đềm vì hiển nhiên của đời sống không như là mơ. Đời người khép lại không như là mơ thì tháng năm vẫn về – không ồn ào cũng không tĩnh lặng, chỉ hết bon chen nhưng vẫn dại khờ khi bằng lăng phai màu tháng sáu, những cánh phượng đỏ ối cả bầu trời tạm biệt tháng năm…

Phan

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Jun/2018 lúc 1:09pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Jun/2018 lúc 1:07pm

Con gái rượu



Như con hổ già trong gánh xiếc bỗng nhiên nhớ rừng, người già thường cô đơn, dễ tủi. Họ cần sự cảm thông và chia sẻ, mỏng manh trước những bất cần. Tiện nghi vật chất hờ hững. Thế giới tâm linh trở nên gần gũi hơn
Tôi gặp cha con họ trong một quán phở gần nhà thờ Ba Chuông, hồi năm 80 hay 81 gì đó.
Tối đó trời mưa. Đi chơi về khuya, tôi táp vào quá phở. Quán vắng khách, chỉ có 2 người: ông già và cô gái. Họ đang uống rượu, thủ thỉ nói chuyện. Hơi lạ!

Không khí bàn nhậu thường làm tâm hồn người ta chùng lại, đôi khi nói với khoảng không, nói mà như không nói.
Tô phở đã kết thúc mà mưa chưa dứt. Sàigòn mưa tháng bảy nhì nhằng bất kể lúc nào, tối khuya hay nửa đêm về sáng cũng chẳng chừa.
“Chú em qua đây làm một ly cho ấm bụng”, ông già nâng ly nói vói qua. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Mưa rả rích thế này, đang thèm rượu, mà uống một mình, cay ai chịu nổi. Không khách sáo, tôi bước qua bàn ông và cạn ly.
Ông chỉ qua cô gái với chút hãnh diện: “Đây là con gái tôi. Nó làm ở tổ hợp đan lát. Hôm nay nó lãnh lương, rủ bố đi nhậu”. Cô gái trạc hai mươi, tóc ngắn, có da thịt, trông có vẻ quyết đoán.

Ông tự giới thiệu là họa sĩ. Trước năm 75, có triển lãm tranh ở nhiều nơi, kiếm tiền rủng rỉnh, tay chơi một thời. Bây giờ chẳng ai mua tranh, đi vẽ thuê panô, áp phích qua ngày. Tôi dốt hội họa bẩm sinh, dốt thời đi học, và bây giờ vẫn dốt, nên không hào hứng lắm với chuyện tranh ảnh, nhưng nghe ông kể cuộc đời lãng tử của ông, chuyện văn nghệ sĩ Sàigòn cũng thấy vui vui. Chuyện vãn tôi đoán ông khoảng ngoài năm mươi, tóc dài chấm vai, thưa, nhiều sợi bạc, mắt hõm sâu, tinh anh, mặt gầy, xương xẩu, áo sơ mi đuôi tôm rộng thùng thình. Trông ông có vẻ già hơn tuổi nhiều.
Tô mồi gân bò còn hơi đầy, nhưng xị rượu gần cạn. Có vẻ như cha con họ uống nhiều, nói nhiều và nghe nhiều hơn là ăn. Tôi gọi thêm xị rượu: “ Xin phép chú, từ chai này cháu tính, mời chú và cô em…”. Ông xua tay, hơi to giọng: “Chú em gọi rượu được, tính tiền được, nhưng không được gọi tôi bằng chú, phải gọi là anh, mình là dân nghệ sĩ…”. Ông già chơi thế mới…nghiệt. Tôi hơn cô gái chừng năm, sáu tuổi chứ nhiêu, lỡ cỡ… Tôi rót rượu mời ông, mời cô gái. Cô chỉ nhấp môi, lí nhí : “Cám ơn…chú”. Lỡ cỡ là ở chỗ đó! Ông già cười ha hả: “Con này nó chỉ đá mồi”.
Rượu ngấm qua bờ môi… Bỗng nhiên ông đứng dậy, lảo đảo, một tay vịn mép bàn, ông hát:
“Ngày mai lênh đênh trên sông Hương.
Theo gió mơ hồ hồn về đâu?
Sóng sầu dâng theo bao năm tháng.
Ngóng về đường lối cũ tìm em…”
 
Tiếng hát không cần nhịp, lúc ngắn lúc dài, khi hát khi nói, lúc nhỏ lúc to,… Lưng ông còng, khom người xuống, tay phải áp vào tim, dang ra diễn đạt, trông ông còng đến thảm hại.
Ông hát không cần người nghe, ông hát cho chính ông, hát để trang trải nỗi lòng. Rồi ông thẳng người lên:
“ Thương em thì thương rất nhiều,
mà duyên kiếp lỡ làng rồi.
Xa em, lòng anh muốn nói….”.
 
Giọng ông khàn, gào lên như tiếng con gà bị cắt tiết. Tôi nhìn sang cô gái, mắt cô chăm chăm nhìn ông. Tôi buột miệng: “Mẹ đâu?”. Mắt cô vẫn không rời cha, môi mím chặt: “Bỏ đi rồi!”. Tôi thấy khóe mắt cô có giọt nước…
Những năm tháng đó, lòng người đổ vỡ nhiều, kẻ đi người ở, tâm trạng lao đao, nhân tình thế thái. Giọng hát của ông họa sĩ dở nhất trên đời, nhưng nghe ông hát, nhìn ông diễn mới cảm ra được số phận thế nào. Tiếng hát không đi vào lòng người thì đi về đâu? Ánh mắt của cô con gái nhìn cha đã ám ảnh tôi cả một đoạn đường dài.
Cách đây không lâu, tôi có đọc một truyện ngắn của một cô gái kể về cha mình. Cha cô là một người đàn ông có trách nhiệm, nghiêm khắc, thương con. Từ ngày qua Mỹ, ông làm quần quật để lo cho các con ăn học. Mục tiêu của ông là thế, rồi dựng vợ gả chồng. Mẹ cô tiếng Anh kém, nên chỉ ở nhà nội trợ.
Đến tuổi, mẹ cô lãnh tiền già, ba cô lãnh lương hưu. Mẹ cô bỗng đổi tính đổi nết, ăn nói ngang ngược, suy diễn lung tung. Ba cô trở nên ít nói, suốt ngày trong phòng, niềm vui duy nhất là đứa cháu ngoại. Rồi một hôm, cha cô bỏ đi, để lại mảnh giấy nhắn, đừng lo cho ông và cũng đừng tìm ông. Cô lo lắng, dọ hỏi khắp nơi. Không ai biết tin về ông.
Một hôm cô nhận được thiệp mừng sinh nhật của ông gửi cho con gái cô. Ông nhớ cháu ngoại. Thư không có địa chỉ người gửi. Cô xin nghỉ phép, lần theo dấu bưu điện tìm cha. Hai cha con gặp nhau ở quán cà phê. Cô mời ông về nhà để cô chăm sóc, nhưng ông từ chối. Ông cho biết ông đang trông cửa hàng cho một người bạn học. Bà ta đã góa chồng, hiện ở với đứa con gái trạc tuổi cô. Cả hai đều quý ông, và ông cảm thấy thoải mái khi ở đó. Trông cha cô khỏe ra, vui hơn, cô thấy yên tâm.
Vài năm sau, ông về thăm nhà, ngày hôm sau bị đột quỵ, rồi mất ở bệnh viện vài ngày sau đó. Mẹ cô cũng than khóc như bất cứ bà vợ mất chồng nào khác. Ở nghĩa trang, cô thấy xa xa, hai người phụ nữ mặc đồ đen, một già, một trung niên, lặng lẽ đứng dưới gốc cây, một trong hai người đang dùng khăn chậm nước mắt. Linh cảm cho cô biết họ là ai. Cô tiến về phía họ, định nói lời cám ơn vì đã chăm sóc cha cô những năm tháng cuối đời, nhưng cả hai đã quay lưng bước ra khỏi nghĩa trang. Cô cảm thấy có điều gì đó ân hận và nuối tiếc…
Chuyện chấm dứt ở đây.
Cô thương cha, cô muốn phụng dưỡng, chăm lo ăn uống, sức khỏe cho ông. Cô cũng hiểu cha cô buồn bực, khổ tâm vì những lời nói ngang ngược của mẹ. Là con, cô cảm thấy mình khó xử. Cô muốn cha vui. Nhưng liệu cô có hiểu, người già như cha cô, khi xong nghĩa vụ với con cái, thường có xu hướng quay về với quá khứ, với những ước mơ thời trẻ, không phải để thực hiện hay nuối tiếc, mà để sống với nó, đắm chìm với nó như một níu kéo mà phần lớn cuộc đời, vì cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm với gia đình họ không dám phiêu lưu.
Người già thấm thía số phận hơn người trẻ. Lý trí và cảm xúc, cố chấp và khoan dung, tự tôn và nhẫn nhục. Yếu tố mâu thuẫn trong những cặp đôi này đan xen vào nhau, vế sau thường trội hơn vế trước.
Như con hổ già trong gánh xiếc bỗng nhiên nhớ rừng, người già thường cô đơn, dễ tủi. Họ cần sự cảm thông và chia sẻ, mỏng manh trước những bất cần. Tiện nghi vật chất hờ hững. Thế giới tâm linh trở nên gần gũi hơn.
Với người già, thức ăn trở nên nhạt nhẽo, sức khỏe là điều miễn cưỡng. Con cái quan tâm đến cha mẹ già như một đối tượng khách quan, chữ hiếu được làm tròn bằng sự chăm sóc duy ý chí với những kiến thức khoa học hiện đại. Nước mắt chảy xuôi là quy luật, nhưng chảy ngược như thế liệu có phải là những thứ người già cần?
Khi cha mất, cô mới nhận ra nhu cầu tinh thần của ông. Người đàn bà lặng lẽ ở nghĩa trang đã làm cô hiểu ra điều đó. Cô hiểu, nhưng chưa thấu được những giọt nước mắt “không chính danh” của người phụ nữ kia đã phải nuốt ngược vào tim. Tử Kỳ mất rồi, cây đàn Bá Nha còn để làm gì? Cô chưa với tay được tới tri âm.
Chưa với tay được, có lẽ vì cô chưa bao giờ ngồi… nhậu với cha cô. (chữ “nhậu”ở đây mà hiểu theo nghĩa cụng ly chan chát, thì buồn chết). Không khí bàn nhậu thường làm tâm hồn người ta chùng lại, đôi khi nói với khoảng không, nói mà như không nói. Trong những khoảng khắc đó, cô có thể bắt gặp được cha cô. Người già biết quãng đời còn lại của họ như gió thoảng, sống chỉ là sống nốt cho hết tuổi đời…
Tôi không có duyên để gặp cha con ông họa sĩ lần thứ hai. Chẳng biết bây giờ họ ra sao. Nếu gặp lại, có thể tôi vẫn nhận ra ông. Ông không thể già hơn được nữa.
Còn cô gái, bây giờ cũng xấp xỉ 50, nếp nhăn trên khóe mắt, và còn biết bao biến đổi khác. Chỉ một lần gặp, rồi ba mươi năm trôi qua, làm sao có thể nhớ được khuôn mặt. Nhưng nếu gặp nhau ở quán rượu, chỉ cần bắt gặp ánh mắt của cô nhìn cha, có thể tôi sẽ nhận ra. Đó là ánh mắt xót xa thương cảm vô bờ, rõ ràng là ánh mắt của người mẹ, không phải của đứa con. Chắc chắn tôi sẽ nhận ra.
Vũ Thế Thành
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jun/2018 lúc 11:46am

Vấp Ngã   <<<<<


picture-of-girl-with-arms-in-face-feelings-of-broken-heart.jpg


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Jun/2018 lúc 11:52am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Jun/2018 lúc 9:06am

Nước Mắt Học Trò   <<<<<


girl%20crying%20pictures%20painting%20-%20Google%20Search


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Jun/2018 lúc 9:11am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 153 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.720 seconds.