***
Phải chi còn Má!
Bà ‘chằn’ của người viết hồi xửa, hồi xưa là con gái Cần Thơ. Con gái Cần Thơ thì không cắc cớ, nhưng em là trường hợp ‘ngoại lệ’! Yêu là phải lựa ‘thằng’ thông minh, học giỏi, con nhà giàu rồi mới chịu ‘ưng’ cho nó ‘phẻ’! Làm như là Hoa Hậu Venezuela không bằng?
Mà muốn biết thông minh hay không thì ‘em’ thường ra câu đố cho ‘chàng’ giải đáp; để coi cái IQ (xin đọc theo kiểu Việt Nam mình) của ‘chàng’ ra sao? Giống như bây giờ mấy thằng Úc, trước khi mướn người làm, thường ‘interview’. Không qua được ‘interview’ là mình tiêu. Vậy thôi!
“Tiếng anh ăn học làu thông! Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường?” Câu trả lời dễ ợt: “Em về đếm sạch cỏ vườn! Ra đây anh nói: mấy đường khăn lông!” Hỏi vậy mà cũng bày đặt hỏi!
Nhưng có lần em chơi khó, hỏi: “Anh là dân Mỹ Tho. Anh nói: Má anh có quầy bán cơm tấm để nuôi anh ăn học trên đường Huyện Toại. Mà anh có biết Huyện Toại là ông nào vậy hông?”
Mình bí! Nhém chút nữa là em cho mình rớt rồi! Nhưng có lẽ nhờ ‘đẹp trai’ và nói hơi ‘dai’ nên em cho đậu vớt.
Dù em cho đậu vớt nhưng không trả lời được cho em: “Huyện Toại là ông nào?” Người viết rất tức tối! Rất: ‘Hận đời đen bạc! Hận kẻ bạc tình! Hận cả gia đình! Hận luôn hàng xóm!’ Nghĩa là hận hết ráo! Và trong trường hợp nầy người viết còn hận luôn mấy ông soạn sách giáo khoa nữa đó!
Như quý độc giả thân mến từng biết: Trước 1975, thời trung học, từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhứt, năm nào cũng có môn Sử Địa, 2 giờ một tuần. Một giờ Sử, một giờ Địa. Giờ học đã ít, mà chương trình học thì ‘thiên la địa võng’. Học Sử Việt từ thuở ‘Được Voi đòi Hai Bà Trưng’ cho tới thời ‘Bảo Đại’! Học từ ‘Tây mũi lõ’ cho tới ‘Tàu khựa, Tàu phù’. Học thiệt nhiều nhưng biết chẳng bao nhiêu vì ‘lớt lớt bên ngoài như xài thuốc đỏ’. Nhưng có cái ngộ, kỳ kỳ là địa phương mình, nơi mình ăn dầm nằm dề thì bù trất? Học trò hổng biết xa hơn cái lỗ mũi. Sử anh hùng dân tộc ngay chính quê hương bản thổ của mình thì mấy ổng không cho vô chương trình. Không học! Sao biết? Nên thấy tên ông Huyện Toại mình cứ tưởng người dưng?
Phàm muốn dạy dân yêu nước phải bắt nguồn từ gia đình. Gia đình là rường cột quốc gia mà! Phải thương yêu cha mẹ, anh em trước. Lớn lên một chút thì bà con cô bác… rồi láng giềng thôn ấp. Lúc ‘dậy thì’, râu măng ‘tí chút’, bể tiếng khàn khàn như con vịt đực… mới ngó qua cô em láng giềng, người em cách giậu mồng tơi xanh rờn chớ! Thương như vậy mới tuần tự nhi tiến và hợp lẽ giềng mối với Đất và Trời!
Vì là phe ta, nên người viết mới bỏ công ‘buồn’ mấy ông soạn chương trình giáo khoa Sử Địa hồi trước 75 lắm nha! ‘Mấy thầy soạn chung chung, ta bà thế giới quá! Còn học trò như ‘em’ lại không biết ất giáp gì về địa phương, về cuống rún chưa lìa, về quê hương bản thổ hết trơn hết trọi á!’
Gần 40 năm sau, xa quê, xa cái xã Điều Hòa, cái Thị Xã Mỹ Tho, quê người, Melbourne, đêm nay viết bài nầy thì con đường Huyện Toại mới trở lại mà hành hạ đứa học trò từ lúc tóc còn xanh mơn mởn ngày xưa cho đến đầu chớm bạc bây giờ!
Ổng là ai? Ông là ai? Là ai? Là ai? Bèn làm cái nghiên cứu, lục lọi thì thấy rằng: Ông Huyện Toại thực ra là Huyện Thoại. Tây, nó viết bỏ chữ h nên thành Toại. Tên họ ổng là: Đỗ Trình Thoại, người thôn Yên Luông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (thời VC thì thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Năm Quý Mão (1843), đậu Cử nhân tại Trường Hương Gia Định, được bổ làm Tri huyện Tân Hòa (bao gồm khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) nên được mọi người quen gọi là Huyện Thoại.
Tây đánh Lục Tỉnh Nam Kỳ, ông chống lại. Vào tờ mờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu), ông cùng 600 nghĩa quân đánh đồn Gò Công do một sĩ quan hải quân Pháp là Paulin Vial và 27 quân sĩ trú đóng.
Huyện Toại dùng gươm giết được một tên lính Hải Quân Bodiez và đâm trọng thương trung úy Paulin Vial, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công. Nhưng sau đó, bị trúng đạn, ông hy sinh tại trận tiền cùng với 14 chiến sĩ khác.
Để trả lời một câu hỏi về chính quê nhà mình… mà cần tới 40 năm mới làm được! Thiệt nghĩ mắc cỡ quá! Nhưng trễ còn hơn không!
Sau khi dựng em yêu đang ‘ngáy như sấm’ dậy, để nghe ‘trả lời một câu hỏi’ 40 năm về trước. Người viết còn nhắc cho ‘em yêu’ về quan niệm hồi xưa đi chọn vợ của mình như thế này: chỉ cần có hai điều kiện thôi. Một chánh, một phụ. Chánh là phải đẹp! He he! (con vợ nghe, nó khoái quá trời?) Phụ là phải biết nấu cơm tấm để về nhà tiếp Má mình đi bán… để nuôi mình!
Nhớ ngày xưa em nói em yêu có anh thôi! Không ai ngoài anh nữa? Và em là con gái Cần Thơ chỉ biết làm bánh cống. Còn cơm tấm, chịu thua! Thua thì bỏ. Em nghe hăm; sợ không được làm ‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’, nên năn nỉ ỉ ôi: “Anh dạy em đi!”
Người viết từng chạy bàn cho quầy cơm tấm của Má mòn gần chục đôi dép nên rành sáu câu vọng cổ, bèn soạn cái ‘giáo án’ nầy để ‘Dạy con dạy thuở còn thơ. Dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về!’ Trước hết là bày cách cho em lấy lòng Má của mình; sau là cho em biết thế nào là lễ độ! Chớ hổng phải bất cứ cái gì cũng ong óng lên: “Tui biết hết” đâu nha!
Người viết dạy em rằng: Dĩa cơm bì sườn ngon phải nhiều màu sắc đẹp mắt như tranh Pic***o. Trắng của cơm, vàng ươm của sườn nướng, đỏ của cà rốt, xanh của dưa leo. Sườn nướng phải mềm, thơm. Bì thịt, thính và bông da ăn phải ngứa răng. Đồ chua phải giòn, nhai rau ráu. Nếu muốn, chơi thêm một trứng gà ốp la nữa cho nó bổ… ‘thận’?
Sườn nướng phải là thịt ‘cốt lết’ ngon, tẩm mật ong, muối, nước mắm, dầu hào, dầu mè, tỏi, hành khô, hạt tiêu cho ngấm rồi đem nướng vỉ than. Chu choa, mỡ cháy xèo xèo, khói thơm bay xa… ba cây số!
Còn bì thịt là thịt nạc mông hoặc thịt nạc vai, ướp muối, hạt tiêu, tỏi, đường, nước mắm. Xong đem ram cho vàng rồi xắt sợi.
Phần nước mắm: nước mắm ngon Phú Quốc, hiệu ba con cá cơm, đựng trong tỉn. Nấu sôi, vớt bọt, nêm đường, giấm, tỏi với ớt bằm pha thêm vài trái dừa xiêm.
Còn đồ chua là cà rốt, đường, giấm, muối, có thể thêm củ cải trắng với dưa leo và cà chua ăn kèm cho đỡ ngán.
Còn phi mỡ hành: hành lá rửa sạch, thái nhỏ, trộn vào tô hành một ít dầu ăn, phi trên bếp khoảng 30 giây để hành vừa chín tới.
Nấu cơm tấm, sau khi đã nhặt hết mấy hạt sạn nho nhỏ còn lẫn trong tấm. Làm ẩu tả, còn sót sạn, cắn nghe cái ‘bốp’ là gãy răng. Không nấu kiểu thường, trừ trường hợp muốn ăn cơm cháy với tép mỡ rắc đường, mà phải đổ tấm, sau khi vo sạch, vào từng vỉ nhỏ, xăm xắp nước, bỏ vào nồi lớn, hấp. Thêm vài cái lá dứa cho thơm ‘râu’!
Sau khi hướng dẫn em yêu thật tỉ mỉ phần lý thuyết, tính dắt ‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’ về thưa với Má là: con đi học ở Cần Thơ kiếm được một đứa về đỡ tay đỡ chân cho Má nè! Nhưng chưa lần nào em được ‘hân hạnh’(?) làm dâu thì Má bị tai biến mạch máu não và ra đi khi tuổi mới 40. Má ơi!
Tháng Sáu, Melbourne, trời cuối thu, sắp sang đông. Gió nhiều, mưa cũng lắm. Tới ngày giỗ má rồi. Năm nay như mọi năm, vợ con sẽ làm cơm tấm sườn bì cúng má. Chính tay con sẽ làm nước mắm với ‘bí quyết gia truyền’ nầy cho hai thằng con, hai đứa con dâu và 4 đứa cháu nội ăn, để tụi nó ngả nón cúi đầu mà khâm phục Tía nó cũng biết làm… chớ không phải chỉ chuyên ‘dóc tổ’!
Con đường Huyện Toại, quầy cơm tấm của má ngày xưa đi suốt theo con cả thời niên thiếu cho mãi đến bây giờ!
Thu Melbourne, lá vàng đã đầy trên lối! Dĩa cơm tấm ngày xưa, con đường Huyện Toại và bài hồi ức nầy làm con nhớ Má biết bao nhiêu!
Vợ con, ‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’, nói rằng: nó cám ơn Má nhiều biết bao nhiêu vì Má đã đẻ ra con và cho nó một người chồng rất dễ thương… và dễ dạy!
‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’ nói một câu rất ăn tiền là: “Phải chi Má còn sống! Giờ dẫu Má có già, có quên trước quên sau hoặc tánh tình khó khăn gì đi chăng nữa, em nhứt định làm bổn phận dâu con… mà dâu ‘ngọt’ chớ hổng có chua; hết lòng phụng dưỡng Má của anh như Má của em! Nhứt định không bao giờ ‘xúi bẩy’ anh đưa Má vô Nhà Dưỡng Lão (Nursing Home) đâu nha?!”
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.