Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN NGẮN Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 6
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Apr/2010 lúc 9:24am
Ngày Về
Ông Hớn ngồi ở nhà hàng gần bờ biển Huntington Beach, một mình với mấy chai bia trên bàn. Sóng biển vỗ dào dạt vô bờ đá, thủy triều đang lên. Ông nhớ con sông Tiền ở quê, cuồn cuộn nước chảy, khi nước lên, tràn đến bậc tam cấp sân sau nhà.
Nhà ông sau này dọn ra gần chợ để tiện việc đi lại, vậy mà qua Mỹ 5 năm rồi, khi nào nằm mơ, ông chỉ mơ thấy căn nhà cũ, mặt tiền ngó ra đường lộ, bờ sông phía sau, hừng đông có nhiều tàu ghe qua lại, tiếng người nói lao xao, tiếng máy đuôi tôm xình xịch, ánh đèn dầu lấp lánh mặt nước.
Khi không sao chiều nay nhớ nhà da diết.
Ông vớ chai bia trước mặt, cụng vô chai trên bàn, nói với nó như bạn nhậu đang ngồi đối mặt:
- Dzô nữa ! Mới có mấy chai, nhằm nhò gì.
Ông ngó vô trong quán, gọi:
- Thêm chai nữa, bà chủ.
Bà chủ lững thững đi ra, đem ra bàn chai bia lạnh, tự động thêm dĩa tôm khô củ kiệu.
- Bữa nay sầu đời sao mà nhậu một mình vậy anh Tư?
Tư Hớn làm thinh. Bà mặc cái váy dài màu đen, áo cánh ngắn cũng đen. “Màu đen làm cho người ốm đi.” Bà nói như vậy, cân nặng của bà sơ sơ 80 kg, đã trừ bì ! Màu đen dường như chẳng làm bà xuống bớt kí lô nào, vòng số 2 với vòng số 3 bằng nhau.
Đàn ông đến đây gọi bà là “bông hồng nhỏ”, ghẹo chơi để nhìn bà cười, rung rinh bộ ngực đồ sộ. Hồi trẻ, bà từng là hoa khôi ở một trường trung học tỉnh lẻ, giờ về già chỉ còn duyên ở nụ cười. Buồn tình đời, có lần “bông hồng nhỏ” tâm sự với ông Hớn:
- Hồi mới qua Mỹ em còn thon thả lắm, chỉ có 48 kí, (ông Hớn tính nhẩm, chắc phải cộng thêm ít nhất 10 kí cho sự thật) hổng biết sao mà mỗi ngày lên cân vù vù. Có lần đi xin việc, phải ngồi chờ hơi lâu. Cái ghế nhỏ có hai tay dựa, chật chội.
Đến lượt mình vào interview, em lật đật đứng dậy, thì hỡi ơi, cái ghế ôm chặt luôn vô mông! Em phải vừa lắc, vừa dậm chân, ông Sếp ra tay, kéo cái ghế ra, em thì muốn khóc mà ông ta tủm tỉm cười. Lần đó không cần chờ kết quả, cũng biết số phận mình ra sao. Thôi đành về nhà mở quán làm ăn.
- Vậy mà hay, em làm ăn mình ên, phất lên ngon lành, có chi mà ân hận?
- Nhờ Trời cũng đủ sống.
Ông bạn nghệ sĩ lang thang hay cùng ông đến đây, có lần say xỉn, nắm tay bà chủ quán, nói:
- Này bông hồng nhỏ của đời anh, nếu em chịu khó m bớt 10 kí lô thôi anh thề yêu em trọn đời.
Đâu dễ chịu thua, bông hồng nhỏ đốp lại:
- Này ông anh ca sĩ hạng ruồi của em, nếu anh chịu khó nhuộm tóc, trẻ lại chừng 10 tuổi thôi, em thề bỏ người yêu theo anh suốt đời.
Hắn ngậm câm. Tư Hớn khoái trá cười thầm“ đáng đời già dịch”, cho hắn bỏ cái thói cợt nhã, coi thường phụ nữ.
Thử một ngày trái đất này không có đàn bà xem sao, chắc hoang tàn hết. Cái gì mất rồi mới biết là quí. No woman no love. Không có đàn bà thì ta yêu ai, sống với ai !?
Như ông “năm năm rồi đi biệt, đường xưa chưa lối về ” chưa một lần về thăm quê, thăm đám con, thăm vợ. Gia đình còn nguyên đó, chỉ cách có nửa vòng trái đất, hằng tuần gọi điện thoại về nhà, sao vẫn thấy mình bơ vơ quá.
Nhớ tới vợ con, ông Hớn thấy cay cay con mắt. Phải làm thêm ngụm bia nữa. Trời nhá nhem tối rồi, sao không nghe tiếng bà Tư nói đám con câu quen thuộc:
- Đứa nào ra mời cha bây vô ăn cơm.
Hồi ông sắp ra đi, bà Tư Huệ, vợ ông, nửa chơi nửa thật nói:
- Coi chừng qua bển rồi, vợ giả dám thành vợ thiệt, lửa gần rơm mà.
Ông Hớn hỏi dò:
- Rủi ro xảy ra thiệt thì bà tính sao?
- Còn biết tính sao, ông làm sao coi cho được thì thôi. Xin ông làm ơn nhớ sấp nhỏ, chứ tôi đành an phận.
Bà nói rồi quay đi.
Ngày ông lên xe hoa lần thứ hai với bà Kiều Mộng Ngọc, bà Việt kiều từ Mỹ về, chính tay bà Tư Huệ, vợ ông, sắm sửa đồ trang sức, áo cưới, đến tận Hotel bà Mộng Ngọc đang ở, trang điểm cho bà dâu mới, cưới vợ nhỏ cho ông Hớn!

- “Sao kỳ vậy ta?” Hàng xóm thắc mắc. Bà Huệ cười:
- Ổng muốn du lịch thế giới cho biết đời, nên phen này bỏ tôi để theo tiếng gọi con tim! Bà con bên nội, ngoại cũng thắc mắc, ông Hớn với vợ giữ im lặng cho êm xuôi mọi việc. Giấy tờ ly hôn được chứng nhận, Tư Hớn tách hộ khẩu ra căn nhà thuê tạm ở chợ, nhưng vẫn cơm ăn ba bữa, tối ngủ ở nhà. Cho đến khi bà Mộng Ngọc về quê, ký giấy hôn thú với ông. Chuyện khó êm xuôi lại ở bà Việt kiều.
Tư Hớn than thở với Hai Sự, cháu ông, người có công lớn trong chuyện mai mối, từ xứ Cali bên Mỹ về thăm quê hương cùng với bà Mộng Ngọc:
- Tao đau đầu với bà Mỹ da vàng này quá, đám cưới giả mà bả làm như thiệt, đòi đốt pháo dài 10 thước, đòi có năm, bẩy cái xe hơi rước dâu chạy lòng vòng thành phố, bấm còi tin tin, trong khi tao chỉ muốn làm cái lễ ra mắt nhỏ, chụp mấy tấm hình làm bằng chứng. Tao mà còn làm chủ tịch xã như trước dám bả đòi bắn pháo bông chào mừng đám cưới !
Quân sư Sự an ủi cậu mình, giảng giải :
- Sá gì mấy cái lặt vặt đó, cậu ráng chiều bả đi, miễn sao chuyện lớn thành công là được. Đời người có mấy lần lên xe hoa. Đời bả, tính sơ sơ, mới có ba ông Mỹ đi qua đời tôi, chưa có ông Viêt nam nào, nên nay bả muốn làm đám cưới rình rang ở quê, cho nở mày nở mặt đó mà.

Nói thiệt với mày, tao rán nín thở qua sông, chứ thấy bả cứ õng ẹo đòi thêm điều này, điều nọ, tao phát ớn lạnh.
- Cậu Tư lo làm chi, bả chỉ muốn hình thức rắc rối vậy thôi, chứ tiền bạc đâu có đòi thêm, vậy là đẹp rồi. Cậu cứ nhớ mục đích tối thượng của mình mà bỏ qua đi.
Với Tư Hớn, 20.000 dollar cho cái giấy hôn thú không phải là mắc, ông đã đưa trước phân nửa, phần còn lại sẽ đưa hết cho bà Mộng Ngọc khi ông đặt chân lên nước Mỹ, có được thẻ xanh. Ông phải đi qua ba nước mới biến kế hoạch lớn của mình thành hiện thực, thôi đành nhắm mắt trao thân gửi phận cho bà Mỹ da vàng này. Bả có lẽ cần tiền, mình cần giấy tờ, làm khó chi đời nhau. Qua được xứ Mỹ rồi thì đường ai nấy đi.
Trước khi xin Visa, đặt vé máy bay, Tư Hớn coi lịch chọn ngày cẩn thận. Ngày ông đặt chân xuống phi trường Frankfurt, đúng hôm nước Đức gặp cơn bão tuyết. Vợ chồng Sang đi đón, chu đáo đem theo áo mantel dầy cho chú Tư. Ở trong phi trường còn ấm, ra ngoài mới thấy rét run, tuyết bay lả tả đầy trời như bông gòn. Tuy lạnh cóng nhưng Tư Hớn thấy xứ này vẫn đẹp, người nào cũng áo len dầy, găng tay, khăn quàng cổ đủ màu, gương mặt ai nấy sáng, tươi vui.
Xa lộ êm ru, chạy hoài không rơi vô ổ gà lớn nhỏ nào gài bẫy trên đường, không thấy núi rác nào lù lù án ngữ bên đường. Xe cộ chạy trật tự, bình tĩnh, không bị điếc tai vì tiếng còi xe inh ỏi như bên nhà. Dù mùa đông, vợ chồng Sang cũng đưa ông đi chơi phố, gặp bạn bè, thăm vài thắng cảnh: khu phố cổ, những lâu đài trên núi dọc theo sông Rhein.

Tuần sau ông thôi không so sánh bên này với bên nhà, chuẩn bị tư thế ra mắt bà chủ nhà hàng Kim Tiền. Sang đưa ông tới nhà hàng tối thứ hai, lúc nghỉ bán. Dù ít chú ý bề ngoài, Tư Hớn phải kề tai Sang hỏi nhỏ:
- Bà này làm sao mà cứ lấy khăn chậm nước mắt hoài ?
- Chú Tư không biết sao, bả mới về VN đi mỹ viện sửa mắt, cắt cao mí mắt, để mắt to hơn, ra vẻ nai vàng ngơ ngác, ai ngờ đụng hạch nước mắt, nên chưa khóc mà lệ cứ dâng tràn.
- Hèn chi. Tao tưởng đâu bả cảm động vì có người bảnh như tao đến xin cưới...giả.
Dáng ông Tư cao lớn, mặt chữ điền, chân mày tướng. Thời trẻ theo ghe chài sống đời sông nước, đến nay tuy hơn sáu mươi, tóc muối tiêu, trông ông vẫn còn phong độ. Bà Kim Tiền ưng thầm ông ngay từ bữa gặp đầu tiên, nhưng vẫn làm cao.
- Tôi thông cảm hoàn cảnh nên muốn giúp anh thôi, tiền bạc là chuyện phụ, tình cảm mới là chính. Anh đưa 30.000 Mark để lo giấy tờ là được rồi.
Sang nói với chú Tư Hớn khi ra xe:
- Giá đó chẳng phải tình cảm gì ráo, đúng giá thị trường. Được cái bảo đảm, chứ nhiều người ký phải giấy hôn thú với mấy tay Đức nghiện rượu, xì ke ma túy, phiền phức lắm. Có khi giao tiền rồi, có giấy tạm trú rồi mà đâu yên, nó bắt trả tiền nhà, mua xe cho nó, tới lui hăm dọa đòi đưa tiền thêm, không đưa nó tố cáo mình ra Tòa là dụ dỗ, lường gạt nó.
- Bộ rồi không biết tố ngược lại sao, tiền mất tật mang, chịu thua sao?
- Đâu có dễ chú Tư. Nó là dân Đức có thể bị phạt vạ chút ít, còn mình dám bị trục xuất về nước, nên phải cắn răng chi thêm, chờ đủ thời hạn được thường trú thì mới Tschüss (chia tay) nó được. Có khi muốn ly dị phải chi thêm tiền nữa.
Với bà chủ đồng hương này coi bộ cũng không bảo đảm. Mấy hôm sau bà kêu điện thoại ngã giá, chịu bớt chút ít, 5.000 Mark, với điều kiện, ông Tư phải làm việc tại nhà hàng giúp bà một thời gian vì tình cảnh bà đơn chiếc. Tư Hớn nổi dóa:
- Bà này cứ leo lẻo cái miệng tình cảm là chính, nhưng tiền bạc tới mười, y chang tên bả. Một thời gian là bao lâu, tiền trao cháo múc, đâu phải cho không mà bắt tao ở rể không công? Phần nào thôi, bộ bả tính chơi trên cơ tao sao chớ?
Vợ Sang nghiên cứu tình hình kỹ hơn, bàn thêm:
- Giả dụ bà Tiền chịu ký giấy, chú Tư có giấy tạm trú, nnhưng phải ít nhất 5 năm sau mới vô được quốc tịch, phải có việc làm, mới đón được con sang, luật ở đây khó khăn lắm.
Tư Hớn đành tay không giã từ nước Đức, buồn lòng vì mộng lớn chưa thành, nhưng quyết chí không chào thua số phận. Hôm tiễn ông ở phi trường, Sang bất ngờ tiết lộ nguồn tin mới:
- Chú Tư yên chí đi, con mới bắt liên lạc được với Hai Sự, con dì Ba Sử, đang sống bên Cali, để nó tìm mối khác cho chú.
Hai Sự - cái phao của đời ông. Ông nhớ như in: nó mặc cái quần xanh rách gấu, cái áo có miếng vá lớn sau lưng. Nhà nghèo, cha chết sớm, lẽ ra nên theo ghe chài với ông sinh sống, nó nói:
- Con muốn học lên nữa, cậu Tư giúp con, con đội ơn. Đời trai mà cứ lẩn quẩn ở cái hóc bò tó bên con sông này, không ngóc đầu lên được.
Ông hỏi:
- Mày lấy gì ăn mà đòi học tiếp?
- Con lên Saigon vừa đi học, vừa làm nghề đóng giày ở nhà đứa bạn. Người ta sống được thì mình sống được, lo gì.

camlyy
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 28/Apr/2010 lúc 10:14am
 
Nụ hôn  nước mắt
 
 

Cách đây sáu tháng, Hào nói với tôi:


- Anh sẽ lấy em, với điều kiện cả đời này em chỉ ngồi sau xe một người đàn ông duy nhất là anh. Và anh sẽ không chấp nhận bất cứ sự phản bội nào nếu anh tận mắt chứng kiến.
 

Hào trọng danh dự! Một người đàn ông quá trọng danh dự đôi khi lại khiến sự ra đi của người phụ nữ dễ dàng hơn. Vậy tức là, nếu muốn ly hôn, tôi chỉ cần ngồi sau xe ai đó một lần? Dễ thật!
 

Tôi bình thản nhìn Hào, dĩ nhiên tôi biết chưa bao giờ  anh nói hai lời. Thậm chí, Hào còn lạnh lùng gấp đôi lời anh nói ra. Ba mươi tuổi, tôi không hồn nhiên hứa hẹn mọi điều, để rồi khi phạm phải lại sụt sùi xin tha thứ. Tôi không muốn ràng buộc hôn nhân, điều tôi ao ước là được chuyên tâm nghiên cứu những công trình khoa học đang dở dang. Nhưng ba tôi thì khác, ông muốn con gái duy nhất có gia đình trước khi căn bệnh ung thư gan mang ông ra đi vĩnh viễn. Ba là cả cuộc đời của tôi, vì lẽ đó mà tôi có thể đánh đổi tất cả để được ở bên cạnh ông và nhìn thấy ông hài lòng. Ba tôi quý Hào, ông bảo Hào có thể chăm sóc cho tôi suốt đời. Đó là nhận định duy nhất của ba mà tôi thấy sai trái sau 30 năm làm con gái của ông. Nhưng tôi vẫn gật đầu chấp thuận:

 
- Nếu anh ấy đồng ý lấy con, chúng con sẽ tổ chức trong thời gian sớm nhất có thể.
 

Và bây giờ thì Hào đồng ý lấy tôi, kèm theo một điều kiện nhạt nhẽo ấy. Tôi gật đầu không đắn đo:
 

- Em sẽ làm như thế, trong thời gian làm vợ anh.

Hào cười nhưng gương mặt nhăn nhúm như được nhặt lên từ trong hầm mộ:

 
- Vậy thì được, em có thể làm gì tùy thích. Chỉ cần không để anh nhìn thấy. Chúng ta sẽ cưới trong tháng này, em nghĩ sao?
 

Một cái gì đó, bén nhọn như lưỡi dao lia vào tim tôi. Không khí tôi đang hít thở sực mùi cay nồng. Dưới bầu trời này, có hàng vạn cặp vợ chồng không tìm được hạnh phúc, đâu riêng gì tôi. Chẳng có gì phải đau khổ vì một việc mà mình đã lựa chọn. Tôi thản nhiên giương đôi mắt đầy hân hoan nhìn Hào:

- Em muốn cưới ngay chủ nhật tuần sau.

 

Hào khẽ nhíu mày nhìn tôi trong khoảng 30 giây, rồi những cơ mặt của anh giãn ra một cách khó hiểu:

- Cũng được! Chúng ta sẽ gấp rút chuẩn bị. Còn bây giờ anh phải về, anh có việc quan trọng cần giải quyết.

 

Và không cần quay lại nhìn tôi dù chỉ một giây, Hào tất tả ra khỏi quán cà phê. Còn lại một mình, tôi lôi cuốn sổ tay và bắt đầu gạch đầu dòng những thứ cần chuẩn bị. Một đám cưới nhẹ tênh như người ta chọn mua món hàng rẻ tiền. Tôi không biết tới bao giờ mình sẽ ân hận vì quyết định này.

 

 


Minh họa: Hoàng Tường

 

Ba vui khi tôi báo tin sẽ làm đám cưới, nhưng ông bất ngờ khi biết ngày ấy quá sớm so với dự tính của ông. Thì tôi còn gì để lần lữa nữa, ba tôi chẳng biết sẽ ra đi lúc nào.

 

Đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng sang trọng, đúng theo ý định của cả hai gia đình. Tôi và Hào đều rạng rỡ trong vỏ bọc hạnh phúc. Mà có gì để không hạnh phúc kia chứ? Giữa chúng tôi không có người thứ ba hay thứ tư. Vả lại, chúng tôi cũng đã quen nhau hai năm nay. Tôi không yêu, nhưng cũng không ghét. Còn Hào, anh bên cạnh nhưng lại dửng dưng với sự tồn tại của tôi. Giống như khi biết tôi gặp tai nạn gãy chân, Hào bình thản:

- Em không chết là được rồi. Cuộc sống còn nhiều thứ đau đớn hơn nhiều.

 
Là chồng tôi nói đấy, mà lại là chồng mới cưới nữa chứ. Tôi lì lợm:

- Anh nói phải!

 
Sau đó thì Hào chở ba tôi về nhà để ông nghỉ ngơi. Anh dọn bữa và lo cho ba tôi tươm tất rồi mới thong thả cầm tờ báo vào với tôi. Tôi trơ ra như một khúc gỗ, suốt đêm đau nhức mà không thể rên rỉ nửa lời. Hào chẳng thèm đả động đến tôi, thì tôi yếu đuối để làm gì? Lạ một điều, ba luôn xem sự lạnh nhạt của Hào chẳng có gì đáng phàn nàn, dù rằng ba rất yêu tôi. Đã vậy, mỗi khi thấy tôi ngồi rầu rĩ vì đau nhức, Hào lại nhăn mặt:

- Em phải vận động nhiều vào, không ai thương mình ngoài bản thân mình đâu.

 
Tôi miễn cưỡng gật đầu, vẫn là câu quen thuộc:

- Anh nói phải!

 
Đó là sự phục tùng để chuẩn bị cho một kết thúc toang hoang sau này. Tôi biết thế, nhưng cũng không mong đợi ngày ấy. Không phải vì tôi luyến tiếc người đàn ông của mình, mà điều đó đồng nghĩa với việc ba sẽ rời bỏ tôi vĩnh viễn. Cái ngày ấy, cả đến trong mơ cũng khiến tôi rơi nước mắt. Nhiều đêm tôi giật mình vì cơn hoảng loạn, Hào sững sờ bật dậy định ôm tôi vào lòng. Nhưng chẳng biết nghĩ thế nào, anh lại kéo chăn đắp ngang người và quay lưng như trốn tránh:

- Chỉ là mơ thôi! Em ngủ đi.

 
Tôi thù ghét tấm lưng ấy. Giá có thể gào lên hoặc xé nát anh ta ra thì tôi cũng làm. Nhưng mà, ba đang nằm phòng bên cạnh, vì vậy mà tôi phải tự dỗ giấc ngủ của mình. Chỉ hy vọng, suốt cuộc đời tôi cứ được nằm bên cạnh mà thù ghét tấm lưng này. Bởi vì, ba còn có thể nhìn ngắm tôi mỗi ngày.
 

Vậy mà ba lại không cảm thông cho cố gắng của tôi. Bốn tháng sau khi chúng tôi cưới, ba lên cơn đau nặng và ra đi sau khi nhập viện hai ngày. Khi ba trút hơi thở cuối cùng, tôi cũng hụt hơi và chìm vào cơn mê. Giá được quyền lựa chọn, tôi nhất định sẽ không tỉnh lại sau một ngày bất tỉnh. Tôi ước ao mình có thể là bạn đồng hành với ba trong thế giới hỗn mang mịt mù mà ba phải đi. Hào cẩn trọng và lo tươm tất tang lễ của ba. Tôi lặng im ngắm nhìn trong sự đau buốt đến tận tâm can.

 

Từ khi kết hôn với Hào, tôi luôn có cảm giác chỉ riêng mình tồn tại giữa cuộc đời này. Vốn dĩ, trong ngôi nhà chung này, Hào chỉ thường xuyên trò chuyện cùng ba và xem tôi như một người vô hình. Thì bây giờ, sự lạnh lẽo ấy càng nặng nề hơn. Chúng tôi bên cạnh nhau mà như những người không có khả năng nhìn và nói. Nhưng ngày nào Hào về muộn, tim tôi lại nhen nhóm một nỗi lo lắng. Tôi ngồi viết đơn ly dị theo đúng dự tính từ trước khi cưới, mà như thể bị ai đó ép buộc làm cái việc ấy. Và rồi, tôi nhận ra cơ thể có những bất thường. Bác sĩ bảo tôi có thai, bảy tuần tuổi, trước ngày ba mất không lâu. Tôi quyết định sẽ nói với Hào, chỉ để nhìn xem cảm xúc của chồng ra sao:

- Em đã có thai, anh nghĩ sao?

 
Hào sững sờ nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ vui sướng  tột cùng nhưng lại vội vã cụp xuống:

- Ý em thế nào?

Tôi nhìn bâng quơ lên bầu trời. Có người mẹ nào muốn giết chết đứa con của mình bao giờ? Tôi sẽ kín đáo giữ lại giọt máu của mình và ra đi thật xa. Tuy vậy, tôi thản nhiên như một con đàn bà máu lạnh:

- Em sẽ phá, vì chúng ta sẽ chia tay nhau.

 
Hào nuốt nước bọt một cách khô khốc, đứng bật dậy:

- Em muốn thế nào thì cứ làm.

Rồi Hào vội vã ra khỏi nhà. Đêm ấy Hào không về, cả hôm sau và hôm sau nữa. Đến đêm thứ năm thì tôi không thể chịu đựng được, tôi bỏ tờ đơn ly hôn vào giỏ xách rồi bắt taxi đến cơ quan tìm Hào. Đúng là Hào ở cơ quan thật, trong căn phòng trước khi lấy tôi Hào vẫn thường nghỉ lại. Anh chàng bảo vệ tỏ ra hết sức vui mừng:

- Chị ạ! Mấy ngày nay giám đốc không bước ra khỏi cơ quan, em lo lắm.

 
Tôi gật đầu cảm ơn và cố gắng bước đi thật thong thả. Đằng nào thì đêm nay chúng tôi cũng kết thúc tất cả, tôi vội vàng, nóng nảy làm gì. Căn phòng của Hào hắt ra thứ ánh sáng yếu ớt, buồn thảm. Hình ảnh trước mắt tôi thật không thể ngờ: Hào nằm ngửa mặt trên ghế sofa, nước mắt lã chã. Cạnh đó lủng củng vô số vỏ bia. Hào say và khóc, một điều chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở người đàn ông mà mình gọi là chồng. Có cái gì đó chặn đứng bước chân tôi. Bào thai trong bụng cũng như đang thót tim nghe ngóng. Tiếng nấc rất nhẹ của Hào sao lại khiến trái tim tôi nhức nhối đến thế? Không thể đợi được lâu, tôi gõ cửa và dặn lòng sẽ làm một phép thử trước khi nói lời chia tay. Hào giật mình khi thấy tôi, anh loạng choạng ngồi dậy nhưng lại đổ sầm vì không thể làm chủ cơ thể:

- Em... em đến đây... làm gì?

 
Tôi cố tỏ ra điềm tĩnh:

- Em đi tìm anh.

Lần  đầu tiên Hào nhìn tôi một cách chăm chú, khắc khoải và khổ sở. Rồi Hào vùng dậy, lao đến ôm chặt tôi như sợ tôi sẽ biến mất bất cứ lúc nào:

- Em... em đừng bỏ anh có được không... Em đừng bỏ con có được không? Anh yêu em, Yến ạ... Anh yêu em...

 
Người đàn ông luôn luôn lạnh nhạt và thờ ơ, giờ đang khóc trên vai tôi. Rõ ràng là tôi nên hả hê lắm, nhưng sao tim tôi lại buốt nhói thế này? Tôi khẽ khàng:

- Anh thực sự cần em?

Hào ôm riết tôi hơn, giọng nói của anh vỡ ra từng mảng:

- Vì anh không muốn ràng buộc em, không muốn em cảm thấy có lỗi và đau khổ khi chia tay anh... Anh biết, em lấy anh vì ba... Anh cố làm đau em... để em có thể cứng cỏi khi rời xa anh...

 
Một cảm giác rất lạ tràn vào hồn tôi, khiến thân thể tôi run rẩy trong vòng tay của chồng:

- Anh biết chúng ta sẽ chia tay... thì lấy em để làm gì?

Thật khốn khổ khi phải thừa nhận, giây phút này tôi chỉ muốn suốt cuộc đời được Hào ôm. Ba tôi đã mất, người thân thương nhất của tôi chính là Hào. Làm sao Hào có thể biết rằng, tôi đã đau khổ biết bao khi đối diện với sự lạnh nhạt của anh và thổn thức bởi cái ý nghĩ một ngày nào đó phải rời xa chồng vĩnh viễn. Đúng là tôi lấy Hào vì ba, nhưng thời gian qua đi và tôi nhận ra trái tim mình đã thuộc về Hào từ lúc nào không hay. Giọng Hào nghe thật xót xa:

- Anh yêu em và anh có thể làm bất cứ điều gì vì em...

 
Anh biết em không yêu anh và sẽ chia tay ngay khi ba mất... Thế nên anh đã cố sống để em không thấy có lỗi khi bỏ anh...
 
Cánh tay tôi bất giác đưa lên vòng qua eo chồng, dịu dàng đến mức tôi không ý thức được việc mình đang làm. Chồng tôi đấy! Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao ánh mắt của Hào lại ẩn ức buồn bã ngay cả khi chúng tôi dịu dàng bên nhau. Có người phụ nữ nào lại dửng dưng và đau đớn vì cái nghĩa vợ chồng như tôi? Nước mắt tôi đã chảy ướt môi:

- Em cũng yêu anh... Và nếu phải chia tay chắc chắn em cũng đau khổ vô cùng...

 
Hào sững sờ! Cái sững sờ mà tôi có thể cảm nhận một cách rõ ràng. Anh nhìn thật sâu vào mắt tôi trong trạng thái của một người hạnh phúc tột cùng:

- Em có nói thật không? Em yêu anh thật không?

Tôi gật  đầu, ép người vào thân thể ấm áp của anh:

- Đúng vậy! Em đến đây vì muốn anh đừng bỏ em và con.

 
Hào gần như không thể đứng vững. Một lần nữa, anh ôm tôi thật chặt, giọng nghẹn ngào:

- Cảm ơn em! Sẽ không bao giờ có chuyện đó. Anh yêu em, mãi mãi...

 

Tôi dịu dàng đáp lại nụ hôn ướt đẫm nước mắt của chồng. Đó là nụ hôn có vị ngọt của tình yêu. Nước mắt không phải lúc nào cũng mặn chát như tôi vẫn tưởng. Tờ đơn ly dị có sẵn chữ ký vẫn nằm yên trong giỏ xách, nhưng bây giờ nó thật thừa thãi. Ba tôi đã mất, nhưng người đàn ông ba chọn cho tôi thì vẫn còn. Quan trọng là tôi chỉ yêu người ấy, như ba đã tin tưởng người ấy sẽ bên tôi suốt cuộc đời này.

Nguyễn Quỳnh



Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 28/Apr/2010 lúc 10:15am

IP IP Logged
SaoMai
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jul/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 331
Quote SaoMai Replybullet Gởi ngày: 28/Apr/2010 lúc 10:57am
Nụ hôn nước mắt


bộn bề cảm xúc cho một câu chuyện...
Cảm ơn bé Rắn cho đọc...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/May/2010 lúc 7:50am
 

Giọt mưa trên tóc 

Đường Hai Bà Trưng. Chiều. Một trai một gái tuổi độ 17, 18, đạp xe về hướng Tân Định, đi song song. Bỗng, trời nổi gió ào ào rồi mây đen kéo về vần vũ. Mọi người đều hối hả, đi như

chạy, để tránh mưa. Đứa con trai giục:

- Đạp lẹ lên Kim! Qua khỏi đoạn này mới có chỗ đụt.

Đứa con gái gật đầu, chồm lên nhấn mạnh bàn đạp, nhưng chỉ vài phút sau mưa đã rơi lắc rắc xuống hai đứa làm chúng nó cười lên hăng hắc, cái cười hồn nhiên thanh thoát khi thấy mình bị mưa đuổi kịp, cái cười còn nguyên nét trẻ con trong trò chơi “cút bắt”! Chúng nó vội tấp vào mái hiên một tiệm giày. Sau khi dựng xe đạp lại ngay ngắn, Kim nhìn bạn, hơi ân hận:

- Tại Nghĩa đợi Kim mới bị mưa ướt đó. Phải hồi nãy Nghĩa đạp đi trước thì đâu có sao?

Đứa con trai tên Nghĩa vừa nhìn quanh vừa trả lời, người hơi lắc qua lắc lại giống như cành cây đong đưa trong cơn gió thoảng:

- Mình đi chung mà Kim.

Nghe bạn nói, Kim yên lặng nhìn ra mưa mà nghe lòng thật ấm cúng. Sự nhạy cảm của người con gái ở tuổi đó đã giúp Kim nhận thấy một tình yêu nho nhỏ đang nhen nhúm giữa hai đứa, một “cái gì” vừa nhẹ nhàng vừa tinh khiết, mà lại vừa thật là rung động. Một “cái gì” cứ bắt phải cần có nhau; một “cái gì” cứ bắt phải nghĩ đến nhau. Một “cái gì”... Một “cái gì”... Không biết nữa! Kim cảm thấy nóng hai vành tai. Kim nhìn xuống chiếc áo bà ba trắng đang dán vào người từng mảng nhỏ. Tự nhiên, Kim khoanh tay lại che ngực, rồi tự trách thầm: “Phải nghe lời má đội nón thì bây giờ đã có cái gì để ôm cho đỡ ngượng. Con gái gì mà đi đâu cũng đầu trần! Cho đáng...”. Thật ra, Kim thấy đội nón bực bội quá, cứ nghe ngứa ngáy trên đầu như mấy ngày chưa gội và sau đó khi lấy nón ra tóc cứ như bị dán keo nằm nhẹp xuống coi thật chướng mắt. Cho nên, thảng hoặc có đi đâu với má thì Kim cầm theo cái nón lá cho khỏi bị rầy, kỳ dư là đi đầu trần – dù đi học hay đi lao động cũng vậy. Thành ra, tóc Kim bồng lên thật đẹp, đen huyền xõa xuống ngang vai, chao qua chao lại khi Kim nghiêng đầu và lúc nào cũng tự do phất phơ theo chiều gió. Mấy thằng bạn cùng lứa – nhứt là Nghĩa – thường hát ghẹo: “Nắng lên, gió lên cho tóc em bồng...” Và Kim thấy hãnh diện với “mái tóc em bồng”  đó.

Cơn mưa thật lớn. Vỉa hè, mặt đường... đều lai láng nước. Làm như là nước từ dưới đất dâng lên!

Bên kia đường là nhà thờ Tân Định với bức tường cao kéo dài. Bên này, chỗ nào có mái hiên là có người đứng đụt. Cách chỗ hai đứa đứng vài căn phố là tiệm nước mà phía trước là chiếc xe mì với hàng ghế đẩu đứng trong mưa chờ khách.

Mái hiên chỗ hai đứa đụt bỗng nghiêng triền qua một bên, đổ ào nước xuống như một dòng thác. Không bảo nhau mà cả hai đứa cùng nhảy lùi vào trong và cùng đứng về phía mái hiên không đổ nước. Khoảng trống không bị ướt dưới mái hiên bây giờ thu hẹp lại chỉ còn một góc nhỏ vừa đủ cho hai đứa đứng. Không đứng sát vào nhau, nhưng đứng thật gần nhau...

Nghĩa quay nhìn phía sau: cửa lưới sắt tiệm giày đóng im lạnh ngắt. Bên trong tủ kiếng, kệ hàng trống bốc, bụi đầy. Nhìn sang Kim, Nghĩa nói:

- Kim biết không? Ông chủ tiệm giày này đã đưa gia đình vượt biên cách đây ba bốn tháng...

- Sao Nghĩa biết?

Kim ngạc nhiên, bởi vì nhà Nghĩa ở xóm Chi Lăng, còn đây là chợ Tân Định.

Nghĩa chỉ tay sang nhà thờ:

- Con nhỏ em của Nghĩa học ở trường nhà thờ bên kia. Chiều nào Nghĩa cũng tới đón nó. Trong khi chờ đợi, nghe mấy anh xích lô nói chuyện với nhau mới biết.

- Họ đi thoát không?

- Không biết nữa. Mà không phải có tiệm giày đi thôi đâu. Cả dãy phố này đều lần lượt chui hết. Cho nên nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, Kim thấy không? Nhà Nước tịch thâu lâu rồi sao không thấy cấp cho ai hết.

Kim nhìn ra mưa, bâng khuâng:

- Không biết họ đi có thoát không?

Im một lúc, bỗng Nghĩa ngập ngừng hỏi nhỏ:

- Gia đình Kim có định... có định... đi không Kim?

Kim nhìn bạn, nửa ngạc nhiên, nửa dò xét. Rồi khi thấy không có gì khác lạ trên gương mặt của người bạn trai, Kim thở dài nhìn ra mưa:

- Gia đình Kim mà đi đâu, Nghĩa! Chạy gạo hằng ngày thì lấy vàng đâu mà đi chui?

Nghĩa bối rối, người hơi lắc lư:

- Thì... hỏi là hỏi vậy thôi, chớ Nghĩa cũng biết...

Ba của Kim làm thầy giáo. Hồi thời “ngụy”, bị động viên, rồi chạy chọt được biệt phái trở về đi dạy học – để khỏi đi đánh giặc. Qua trào Việt Cộng, hai chữ “biệt phái” đã làm cho họ nghi là CIA nên bắt đi học tập từ đó đến giờ. Ở nhà, má và chị Hai của Kim chạy ngược chạy xuôi lảnh đồ về may để nuôi năm miệng ăn và góp nhóm chút đỉnh để lâu lâu đi thăm ba của Kim một chuyến. Cho nên, nói chuyện “lo đi vượt biên” cũng như chuyện xuống biển mò trăng...

Bên gia đình Nghĩa cũng không hơn. Ngày xưa, ba Nghĩa làm kế toán ngân hàng, bây giờ đan giỏ chầm nón ở tổ “Mây Tre” Phú Nhuận với má Nghĩa. Hai ông bà sáng đi tối về, đèo nhau trên xe đạp. Nghĩa và con nhỏ em đi học, tối về dán bao giấy bỏ mối cho mấy bà ngoài chợ gói hàng. Bữa cơm gia đình thường là tương chao hoặc ba  cái trứng luộc dầm nước mắm. Chuyện “vượt biên” đúng là chuyện mò trăng đáy biển!

Bỗng Kim nhìn Nghĩa, một thoáng tinh ranh nằm trong ánh mắt:

- Còn Nghĩa? Có tính đi không?

Nghĩa phì cười, miệng rộng huệch:

- Kim trả thù hả?

Kim cười bằng mắt, nhái lại câu của Nghĩa khi nãy, người cũng nhẹ lắc lư:

- Thì... hỏi là hỏi vậy thôi.

Không bảo nhau mà cả hai cùng phá lên cười, cái cười che giấu sự sung sướng bên trong của mỗi đứa, cái cười của những người cùng cảnh ngộ gặp nhau, cái cười không phải của niềm vui mà là của sự an ủi. Rồi chúng nó nhìn nhau một thoáng, trước khi quay nhìn đi nơi khác để cảm thấy thật gần gũi nhau vô cùng.

Mưa thôi ồ ạt nhưng vẫn chưa dứt hột thì nửa vùng trời đã hé nắng ở đằng kia. Ánh nắng xiên xiên thật sáng, thật trong làm như vừa được mưa lau sạch  bụi! Nắng chiều mà giống như nắng sáng.

Nắng xuyên mưa đổ xuống chỗ Kim và Nghĩa, giống như vệt đèn pha sân khấu. Nghĩa nhìn Kim đứng trong vùng ánh sáng đó bỗng nhớ tới vở kịch thần thoại Liên Xô mà hai đứa đóng trong trường cách đây mấy tháng, trong đó Nghĩa làm người cùng khổ còn Kim là bà tiên áo trắng, mái tóc đầy kim tuyến lấp lánh như kim cương. Bây giờ, những giọt mưa đọng lại trên tóc Kim cũng lấp lánh như kim cương trong tia nắng chiều nghiêng chụp xuống. Đẹp quá!

Kim chợt bắt gặp cái nhìn ngây dại của bạn, nóng bừng hai tai.

- Nhìn gì kỳ vậy Nghĩa?

Nghĩa giật mình, người hơi lắc lư:

- Nghĩa đang nhìn mấy giọt nước trên tóc Kim. Nó... Nó...

Kim mỉm cười, lắc mạnh đầu mấy cái rồi đưa hai tay vuốt tóc tém vào ót. Tóc được gom lại, dính vào nhau thành một cái đuôi cong cong.

Nghĩa tiếp:

- Nó giống như kim cương. Thật giống kim cương. Uổng quá!

- Cái gì uổng?

Kim ngạc nhiên hỏi. Nghĩa đang tiếc rẻ hình ảnh đẹp của Kim khi nãy với những giọt mưa trên tóc, bất ngờ bị hỏi vặn, không biết phải trả lời làm sao. Nghĩa đưa tay gãi ót, chặc lưỡi:

- Thì...

Mắt Nghĩa bỗng sáng lên, mặt hí hửng. Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu, Nghĩa chụp lấy như người sắp chết đuối chụp lấy cái phao:

- Uổng quá chớ! Nếu là kim cương thiệt thì Kim dư sức đưa gia đình đi vượt biên rồi.

Rồi Nghĩa cười lên ha hả, cái cười của người vừa thoát nạn. Kim cũng cười theo bạn, nhưng cười vì cái ý nghĩ ngộ nghĩnh bắt nguồn từ những giọt mưa trên tóc.

Trời cũng vừa hết mưa. Đường phố khi nãy vắng tanh, bây giờ đầy người trở lại. Làm như mưa ngừng cho nước rút xuống để rừng người mọc lên! Nghĩa và Kim nhập vào đoàn người đạp xe về ngã Phú Nhuận. Không khí sau mưa mát rượi. Hai đứa đều có cảm giác như mặt mũi mình vừa được rửa sạch trong cơn mưa.

Đến ngã tư Phú Nhuận, Nghĩa vẫy tay chào bạn:

- Thôi, “bye” nghe Kim.

Rồi cắm đầu đạp nhanh về hướng Gia Định trong lúc Kim quẹo sang trái để về cổng Phi Long.
 

***

Sau bữa cơm tối, ba gọi Nghĩa và con nhỏ em vào buồng, kéo ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, vẻ nghiêm trọng, thấp giọng nói:

- Hổm rày ba má giấu tụi con. Bây giờ, tới lúc phải cho tụi con biết. Khuya nay mình vượt biên.

Nghĩa cảm thấy choáng váng mày mặt, mồ hôi đổ ra như tắm. Trước mắt Nghĩa bỗng là một khoảng trống không mơ hồ. Nghĩa không còn thấy ba. Nghĩa không còn thấy em. Nhưng Nghĩa còn loáng thoáng nghe tiếng ba nửa xa nửa gần:

- Ba sẽ chở má. Nghĩa chở em. Mình đạp xuống cầu Kinh, bỏ xe ở nhà bác Tám rồi băng ruộng ra bờ sông cách đó chừng năm trăm thước. Ghe chờ ở đó. Tụi con đừng đem gì theo hết. Cứ đi tay không như mình đi thăm bác Tám vậy. Hiểu chưa?

Nghĩa gật đầu như người máy, nhưng Nghĩa không hiểu. Thật tình không hiểu! Ba má vẫn hay than vắn thở dài: “Phải chi nhà mình có chút đỉnh gì để liều một chuyến vượt biên như thiên hạ coi ra sao”. Khi gặp bạn bè, ba thường chép miệng: “Tôi mà biết bị kẹt lại như vầy, tôi đã đưa gia đình di tản cha nó hồi bảy mươi lăm rồi! Bây giờ thì thôi. Đành muôn năm ở lại với Bác!”. Vậy mà bây giờ... bây giờ... Nghĩa không hiểu! Thật tình không hiểu! Mới hồi nãy đây, còn đứng đụt mưa chung với Kim, còn đùa nhau về chuyện vượt biên – lý do để hai đứa thấy gần nhau hơn nữa – còn đạp xe song song trên đường dài – dù đường dài có dài thăm thẳm chắc hai đứa lúc nào cũng đạp xe song song... Vậy mà bây giờ... bây giờ... Sao nó giống như ngã tư Phú Nhuận, mỗi đứa đi về một hướng, hai hướng ngược nhau trên một đường thẳng, nghĩa là chẳng bao giờ gặp lại nhau  dù có kéo mãi về vô tận. Và những giọt mưa trên tóc. Ờ... những giọt mưa trên tóc! Những gì hồi nãy mới thấy đây, mới hiện diện đây, những rung động, những cảm nhận thật rõ ràng mới đây, hồi nãy, khi đứng đụt mưa với Kim dưới mái hiên tiệm giày... bây giờ sao giống như giọt mưa trên tóc, chỉ một cái lắc đầu đã rơi mất trong không gian! Còn Kim?... Kim?... Kim sẽ làm sao? Một câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng nói lên chiều sâu của tình yêu vừa chớm, thứ tình yêu chưa rõ nét như bước chân chập chững của trẻ thơ, thứ tình yêu còn thơm mùi giấy mực học trò, còn thật thà như đọc cửu chương hai! Nghĩa bỗng thấy cần phải gặp Kim. Gặp ngay bây giờ. Không biết để làm gì, nhưng phải gặp. Không biết sẽ nói cái gì, nhưng cứ gặp trước cái đã. Có một cái gì thúc đẩy từ bên trong. Có một cái gì kêu gọi từ bên ngoài. Nghĩa không hiểu nữa. Cảm thấy thật cần thiết, thật cấp bách!

Nghĩa bước ra phòng khách, với tay lên kệ lấy đại hai quyển sách gì đó rồi nói với ba đang soạn giấy tờ trên bàn:

- Con đem trả sách cho thằng Tuân.

Khi thấy ba nhìn mình soi mói, Nghĩa tiếp:

- Trả cho nó học.

Ba gật đầu:

- Ờ... Nhưng ba cấm con nói “chuyện đó” với bất cứ ai, dù là bạn thân cũng vậy. Nghe chưa?

Nghĩa gật đầu, đẩy xe đạp ra sân. Ba nói với theo:

- Trả rồi về ngay nghe con, Nghĩa.

Nghĩa "dạ" rồi phóng lên xe, đạp thật nhanh. Trên đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), Nghĩa ném hai quyển sách vào một đống rác rồi đi thẳng.

Nhà Kim ở xóm cổng Phi Long. Nghĩa vẫn quen lui tới. Vậy mà bây giờ sao thấy nó xa thăm thẳm. Mặc dù xe đã lao nhanh nhưng Nghĩa vẫn có cảm tưởng như hãy còn quá chậm. Nghĩa vừa nhấn mạnh bàn đạp vừa nghĩ miên man: “Không biết phải nói làm sao đây? Ba đã cấm thì mình làm sao nói? Mà không nói làm sao Kim hiểu? Không biết mình đi có thoát không? Rồi cuộc đời sẽ ra sao? Không có Kim mình sẽ ra sao? Còn Kim? Kim sẽ ra sao? Ra sao?... Ra sao?...”. Thật nhiều câu hỏi để không có được một câu trả lời. Người con trai đó cảm thấy thật chơi vơi, tất cả đều vuột khỏi tầm tay, tất cả đều vượt khỏi tầm suy luận của nó, nó không hiểu được gì hết, không chủ động được chuyện gì hết! Lần đầu tiên, người con trai đó nhận thấy cuộc đời này quá nhiều rắc rối chớ không đơn giản như những bài toán ở trong trường, mà mình thì giống thằng học trò dốt nhìn tấm bảng đen thấy nó rộng bằng cái sân banh...

Khi Nghĩa vừa thắng xe trước cổng nhà Kim thì con chó chạy ra sủa mấy tiếng rồi chồm lên cửa sắt vẫy đuôi mừng. Có tiếng má của Kim hỏi vọng ra:

- Ai đó?

- Dạ thưa cháu.

Nghĩa trả lời.

- Nghĩa hả? Đi đâu tối vậy?

Rồi đèn dưới hiên được bật lên, một bóng đèn nhỏ xíu tỏa ánh sáng vàng vọt như ánh sáng cây đèn dầu. Má của Kim bước ra mở cổng:

- Cháu ngồi chơi. Em nó tắm rồi ra bây giờ. Bác còn phải vô may tiếp mớ đồ để mai giao...

Nghĩa “dạ”, rồi dựng xe vào tường rào. Con chó chạy lại quắn quýt mừng rồi chạy vào trong sủa mấy tiếng như để báo là nhà có khách! Nghĩa nhìn quanh: nhà vắng teo, chỉ nghe có tiếng máy may xành xạch đều đều. Nghĩa nghĩ: “Chắc mấy đứa nhỏ về dưới quê hết rồi. Chớ không thì đã chạy ào ra mừng như mọi khi”. Sân nhà Kim tuy nhỏ nhưng tráng xi măng sạch sẽ. Ở góc sân có cây mận khá lớn, tàng gie ra phủ lấy sân như cây lộng. Dưới gốc mận, có mấy gộc củi to đặt đứng để làm ghế ngồi. Trên thân cây mận, hãy còn treo mấy giỏ phong lan mà ba của Kim trồng hồi đó.

Khi Nghĩa vừa ngồi xuống cạnh gốc mận thì Kim cũng vừa bước ra hiên nhà. Tóc Kim chải ngược về phía sau, để lộ khuôn mặt đều đặn với đôi mắt ngời tinh anh. Kim dừng ở hiên một chút... như để định hướng, rồi mới bước tiếp ra sân. Chỉ trong một thoáng đó thôi – một thoáng dừng lại của Kim – Nghĩa bỗng thấy không gian chìm mất chỉ còn lại gương mặt của người bạn gái là hiện hữu, là sinh động, là rạng rỡ... Nghĩa thấy gương mặt đó thật rõ, thật sáng. Thấy mái tóc hãy còn láng nước, tóc mai còn dán vào má vào tai. Thấy vầng trán rộng, thấy đôi mày dài. Thấy ánh sao trong mắt, thấy nét cười phớt nhẹ làn môi... Chỉ trong có một giây thật ngắn ngủi – như một chớp mắt – mà sao ngần đó nét, ngần đó chi tiết được Nghĩa nhìn thấy hết, thâu nhận rõ hết. Phải chăng đó là hình ảnh của Kim mà Nghĩa muốn ghi lần cuối cùng vào tim vào óc? Ghi lấy để giữ lấy mãi mãi, bởi vì, sẽ không còn có lần nào khác nữa để Nghĩa được nhìn Kim như bây giờ...

Kim vừa bước về hướng Nghĩa, vừa hỏi:

- Ủa? Đi đâu mà tối vậy Nghĩa?

Yên lặng. Từ cái thoáng dừng lại khi nãy của Kim, từ cái thoáng đặt hết tâm tư vào gương mặt của người bạn gái, Nghĩa không còn cảm nhận được sự hiện diện của mình. Tiếng của Kim, Nghĩa nghe loáng thoáng như trong chiêm bao.

Nghĩa chỉ sực tỉnh khi Kim đã ngồi đối diện. Người con gái đó có dáng ngồi thật thẳng, thật ngoan, thật dễ thương với hai bàn tay đặt nằm thoai thoải trên đầu gối. Ở Kim, toát ra một cái gì vừa tươi mát vừa tinh khiết, lại vừa trầm lặng với sức sống căng đầy. Nghĩa cảm thấy bối rối, không biết phải nói cái gì, nói làm sao, rồi miên man nghĩ: “Chắc Kim sẽ buồn lắm khi nghe mình nói. Chắc Kim cũng sẽ... cũng sẽ đau khổ lắm khi biết mình đi. Bây giờ còn ngồi đây với nhau chớ lát nữa đây, rồi ngày mai, rồi mãi mãi sẽ không còn gặp nhau nữa. Vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Vĩnh viễn... Vĩnh viễn...”. Nghĩa thấy thương Kim. Nghĩa thấy thương Nghĩa. Nghĩa thấy thương hai đứa. Nghĩa muốn khóc! Nghĩa không dám nhìn thẳng mặt Kim. Nghĩa nhìn đôi bàn tay thon nhỏ của Kim, đôi bàn tay ngoan hiền nằm trên đầu gối. Đôi bàn tay đó đã từng vẫy gọi Nghĩa trong đám đông, đã từng vỗ vào nhau thành nhịp khi Nghĩa đàn, và một hôm, đã từng kết lại giùm Nghĩa cái nút áo, sau một lần vật lộn với bầy em của Kim. Đôi bàn tay đó, rồi đây, suốt cuộc đời về sau, Nghĩa sẽ không còn được cầm lấy, nắm lấy, hay nhìn thấy, dù là trong giấc mộng. Không tự chủ được, Nghĩa nghiêng người tới cầm lấy hai bàn tay của Kim. Một cử chỉ thật đột ngột làm Kim sửng sốt định rút tay về, nhưng khi thấy Nghĩa chẳng có nét gì sỗ sàng nên để yên. Nghĩa giữ tay Kim trong tay mình như giữ một vật gì đẹp nhứt, quí nhứt của cuộc đời này. Như hơi thở. Như nhịp tim. Như tình yêu... tình yêu... tình yêu...

Yên lặng. Nghĩa ngồi như pho tượng. Lưng khom khom, đầu chúc xuống, cùi chỏ chống lên đùi làm hai vai nhô lên. Kim không nhìn thấy mặt Nghĩa, nhưng Kim “nhìn” thấy tâm tư của Nghĩa trong đôi bàn tay và trong dáng ngồi của bạn. Đôi bàn tay muốn nắm thời gian ngừng lại và dáng ngồi nói lên niềm thống khổ vô biên...

Yên lặng. Rồi có tiếng Kim hỏi, thật trầm tĩnh: "Nghĩa đi hả?"

Không có tiếng trả lời. Nhưng Nghĩa gật gật đầu, cái đầu đã ở sẳn tư thế cúi thấp xuống của một người nhận chịu số phận! Rồi vai Nghĩa bỗng run run, Nghĩa gục xuống tay nấc lên khóc. Bấy giờ – và chỉ bấy giờ – những ngón tay của hai đứa mới đan vào nhau, tự nhiên đan vào nhau, giữ lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Không biết tại sao? Không biết để làm gì? Mà cần gì phải biết, khi tất cả đều vô nghĩa? Vô nghĩa!

Yên lặng. Không gian không còn nữa. Thời gian không còn nữa. Vũ trụ bây giờ nằm trọn trong lòng tay hai đứa, một vũ trụ rách nát, đau thương. Ở đó, giữa những ngón tay đan chặt vào nhau, tình yêu vừa mới sinh ra, còn măng non nhưng sao đã thấy già nước mắt....

Yên lặng. Kim không khóc. Kim vẫn ngồi thẳng, nhìn thẳng, tuy tâm hồn đã tê dại. Phải một lúc lâu sau, thật lâu sau, Kim mới trở về với chính mình để nhận thấy rằng bỗng nhiên mình già đi mười mấy tuổi! Kim nhìn xuống Nghĩa, chỉ thấy cái đầu tóc ngắn, cái ót gầy gầy, đôi vai nhô cao. Hình ảnh cuối cùng của Nghĩa là đây chăng? Người con trai có đôi mắt xếch xếch, có cái cười rộng huỵch làm cho một bên má lúm đồng tiền, người con trai đã làm Kim rung động, người con trai đã làm Kim xao xuyến, người con trai đó, bây giờ, Kim chỉ nhìn thấy được có cái ót và đôi vai thôi! Rồi mai mốt... mai mốt... Một chua xót đang trạo trực dâng lên. Kim cắn môi kềm lại. Yên lặng...

Một lúc sau, Kim hỏi, giọng lạc đi:

- Chừng nào?

Nghĩa ngồi thẳng lên, tay vẫn không rời tay Kim, mặt còn đầy nước mắt, giọng cũng lạc đi:

- Khuya!

Kim nhìn gương mặt méo mó vì đau khổ của Nghĩa bỗng nghe xúc động dạt dào. Kim muốn chồm tới ôm lấy Nghĩa, ôm lấy gương mặt đầy nước mắt đó áp vào má mình, ôm thật chặt, xiết thật chặt, để mọi niềm đau được cùng chia sớt, để mọi nỗi hận được cùng xẻ đôi. Nhưng Kim gượng lai, gượng lại vì lễ giáo, và gượng lại vì sợ không rời nhau ra được nữa... Trào lòng dâng dậy miên man, Kim nhắm nghiền mắt lại, siết những ngón tay của Nghĩa, siết với hết sức mình, siết thật mạnh, siết thật đau, siết như để nén một trời thống khổ, siết như để bóp vỡ một cái gì uất nghẹn trong tim, siết như đang cố gắng nuốt một liều thuốc đắng, siết như... siết như để chia tay lần cuối trước khi lìa đời… Kim cắn răng để đừng bật khóc!

Yên lặng. Lâu sau, Nghĩa buông tay Kim đứng lên, lủi thủi lại lấy xe đạp. Kim bước theo, nhẹ như một cái bóng. Kim mở cổng, tiếng cổng rỉ sét rên lên. Nghĩa dẫn xe ra, không dám nhìn lại cũng không dám nói một lời, chỉ phóng lên xe đi thẳng. Kim đóng cổng, cổng sắt lại rên lên trước khi kêu cái rầm khô khan. Kim có cảm tưởng như mình vừa bị nhốt trong tù. Ngoài kia, đã là một thế giới khác.

Khi Kim bước lên cầu thang để lên gác – cái gác lửng ba làm cho Kim ngủ và học riêng một mình trên đó – Kim bỗng nghe hai chân mình yếu đi, chẳng còn chút sức lực nào hết. Kim cố bám từng nấc thang, mồ hôi đổ ra như tắm. Lên đến bên trên, Kim chỉ còn đủ sức gieo mình xuống giường, úp mặt xuống gối, khóc ngất... Bao nhiêu nước mắt trần gian xin gởi hết cho Kim, người con gái mang tâm trạng người góa phụ.
 

***

Trời mưa Paris. Ở đây không có “mưa rồi chợt nắng” như ở Sàigòn. Ở đây, mưa không ngập tràn cống rãnh, mưa không đưa rác trôi quanh phường phố. Cũng không có trẻ con cởi truồng chạy giỡn trong mưa. Cho nên, chẳng có gì để gợi nhớ như mưa Sàigòn...

Nghĩa ngồi một mình uống cà phê trong một bar ở khu Maubert. Hai cô đầm tránh mưa kéo vào ngồi bàn trước mặt. Những giọt mưa trên mái tóc vàng gợi nhớ những giọt mưa trên mái tóc đen của Kim hồi đó. Hồi đó, nghĩa là đã hơn bảy năm. Bảy năm không một tin tức gì hết của Kim, mặc dù đã gởi không biết bao nhiêu thơ, đã nhắn không biết bao nhiêu lời qua bạn bè của hai đứa! Cứ im lìm trống rỗng, làm như những chuyện gì đã xảy ra hồi đó chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ...

Những giọt mưa trên tóc hai cô đầm trước mặt vẫn lấp lánh dưới ánh đèn trong bar càng gợi lại hình ảnh Kim trong lần đụt mưa hồi đó với những giọt mưa trên tóc, rõ ràng như Nghĩa đang nhìn bây giờ. Vậy mà bây giờ….

Nghĩa đốt điếu thuốc. Hít một hơi dài bỗng nghe khói thuốc thật đắng và làm cay chảy nước mắt!

 

Tiểu Tử



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 01/May/2010 lúc 8:18am
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 6
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.145 seconds.