Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: DIỄM XƯA - DIỄM NAY Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Chủ đề: DIỄM XƯA - DIỄM NAY
    Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:00am

.

 

Bích Diễm

 

Diễm

và cuộc gặp sau 50 năm ở Huế

 
TT - Sau gần 50 năm, Diễm trong ca khúc Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bất ngờ xuất hiện trong chương trình giao lưu tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế vào tối 12-3. 

Bà Bích Diễm - Ảnh: Thái Lộc

Buổi giao lưu đầy bất ngờ vì là quyết định trong thoáng chốc của GS.TS Thái Kim Lan - chớp thời cơ bà Ngô Vũ Bích Diễm ghé Huế theo đoàn Phật giáo làm từ thiện đến từ Los Angeles, California, Mỹ.

Có đến hơn 100 thân hữu của nhạc sĩ quá cố và công chúng Huế tập trung, và nói như nhà văn Bửu Ý, "nhiều người tới đây để nhìn mặt Bích Diễm xem có thật hay chỉ là huyền thoại...".

Ðêm giao lưu diễn ra trong không khí đầm ấm, thân mật, với những giọng ca đồng thời là những người mê nhạc Trịnh qua những cung trầm, cung bổng mượt mà, đầy chất thơ, chất triết lý với Ca dao mẹ, Ở trọ, Tiến thoái lưỡng nan, Ðể gió cuốn đi, và tất nhiên, với Diễm xưa như là chủ đề chính xuyên suốt.

Về "huyền thoại Diễm" trong bài hát Diễm xưa, "người xưa" tâm sự: "Trong bài này anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về... tôi. Tôi nghĩ vậy. Ðó là bóng dáng của Thành nội cổ kính, của dòng sông Hương xanh mát và huyền hoặc, là không khí lãng đãng của thơ, của nhạc".

"Nhiều người tò mò vì sao Diễm im lặng trong suốt mấy mươi năm?". "Vì tính tôi như vậy, không muốn ra trước công chúng. Tôi cũng không biết nói gì và không biết có ai cần gì ở mình hay không. Và cũng bởi vì bóng dáng to lớn của anh Trịnh Công Sơn đã đủ rồi!".

THÁI LỘC



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 22/Mar/2010 lúc 11:08am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:13am

Ca sỹ Khánh Ly và huyền thoại Diễm

 

Chuyện như thế này:

"Yêu Ly là thích khách người nước Ngô đời Xuân Thu . Công tử Quang giết vua Ngô rồi lên ngôi, tức là Hạp Lư . Con vua Ngô là công tử Khánh Kỵ (tên Liêu) trốn sang nước khác, chiêu nạp hào kiệt kết liên lân quốc tìm cơ hội báo thù . Hạp Lư nghe chuyện Khánh Kỵ, ăn không ngon ngủ chẳng yên, bèn lập kế dùng Yêu Ly giết Khánh Kỵ . Hạp Lư khép tội Yêu Ly rồi chặt mất cánh tay phải và giết hết vợ con Yêu Ly để Khánh Kỵ tin . Yêu Ly gặp Khánh Kỵ, được tin dùng . Tới lúc Khánh Kỵ cùng quân sĩ xuôi dòng sông về đánh Ngô, Yêu Ly ngồi chung thuyền đợi lúc gió mạnh cầm giáo đâm suốt bụng Khánh Kỵ . Khánh Kỵ xách ngược đầu Yêu Ly lên dìm xuống nước ba lần rồi lại để lên đầu gối, cúi nhìn, cười mà rằng “thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta !” Quân sĩ lúc đó xúm lại đòi giết Yêu Ly, nhưng Khánh Kỵ gạt đi mà bảo, “người này là một dũng sĩ ! Chớ nên trong một ngày mà để chết hai dũng sĩ của thiên hạ . Đừng giết y, tha cho y về Ngô để cho y được tỏ lòng trung .”

Sau đó, Yêu Ly tự cho mình là kẻ bất nhân bất nghĩa bất trí, thẹn với Khánh Kỵ mà tự sát chết …"

-------------------

Tại sao lại có nghệ danh là Khánh Ly? Đó là câu hỏi của không ít người yêu mến giọng ca "liêu trai" này. Hãy nghe chính Khánh Ly giải thích: năm 16 tuổi, tình cờ đọc "Đông Châu Liệt Quốc" thấy có hai nhân vật Yêu Ly và Khánh Kỵ, là mẫu người kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc: trả thù cho chủ rồi chịu chết. Cô thiếu nữ lãng mạn ngày xưa ấy thấy hai nhân vật đó “đẹp” quá, sống tình nghĩa, chết thủy chung, nên thích quá bèn ráp hai cái tên đó lại thành tên... nữ ca sĩ Khánh Ly. Sau này khi Khánh Ly đã nổi tiếng, nhiều người nghĩ hai chữ "Khánh Ly" còn mang những ý nghĩa to, đẹp khác... Người nữ ca sĩ nay đã 60 tuổi cười: "Sau này có người giảng giải cho mình nghe “khánh ly” là tiếng “chuông ngân vang...” thì mình cũng biết vậy, có ông còn “chiết tự” theo kiểu “đem ly mà gõ khánh” thì chỉ có nước bể tan tành... thì mình cũng xin... vâng.

khanhly.jpgKhánh Ly sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945, tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Hiện cư ngụ tại Cerritos California, Hoa Kỳ. Phu quân của Khánh Ly là cựu ký giả, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan. Khánh Ly có 4 người con, 2 trai 2 gái, đều đã trưởng thành.

Năm 1954, lúc 9 tuổi - trước khi theo mẹ di cư vào Nam - trong một Kermesse được tổ chức ở Hà Nội, Khánh Ly đã leo lên sân khấu tham dự cuộc thi hát được dựng lên theo kiểu tuyển lựa ca sĩ bây giờ. Ngày ấy, bé Lệ Mai hát bài "Thơ Ngây" học lóm từ những cửa hàng trên con phố Hàng Bông, nhưng bé không được giải gì cả.

Cuối năm 1956, dù mới khoảng 11-12 tuổi nhưng với niềm đam mê ca hát có được từ bé, một lần nữa Lệ Mai quyết định đi thi hát. Lệ Mai chuẩn bị đến với cuộc thi quan trọng của mình bằng cuộc quá giang xe rau chở bắp cải đi từ Đà Lạt về Sài Gòn để ghi danh dự buổi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do đài Pháp-Á tổ chức tại rạp Norodom. Em bé Lệ Mai hát bài "Ngày Trở Về" của nhạc sĩ Phạm Duy và đoạt giải nhì, sau thần đồng Quốc Thắng.

Năm 1962, Khánh Ly thật sự bước vào cuộc đời ca hát của mình. Cô bắt đầu trình diễn ở phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Khoảng cuối năm 1962, Khánh Ly rời Sài Gòn lên hát cho một Night Club ở Đà Lạt và cô ở lại đó suốt 6 năm.

Năm 1964, tại Đà Lạt, Khánh Ly gặp một người nhạc sĩ nghèo. Anh đến với cô bình thản như cơn mưa dầm của Đà Lạt vào đêm hôm đó. Qua vài câu chuyện, cô và nhạc sĩ trở thành hai người bạn. Người bạn ấy không ai khác, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều lần Trịnh Công Sơn đề nghị Khánh Ly về Sài Gòn đi hát với ông nhưng cô đều từ chối bởi cô yêu Đà Lạt, sự yên tĩnh thanh bình của Đà Lạt đã quyến luyến bước chân cô, không như Sài Gòn vốn đông người và luôn nhộn nhịp. Nhưng nếu tin vào định mệnh thì cuộc gặp gỡ của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tuy bình thản, giản dị là thế song đã trở thành định mệnh của cuộc đời Khánh Ly, là khoảnh khắc lịch sử không riêng của Khánh Ly mà còn của nền âm nhạc nước nhà.

Bởi định mệnh nên đến năm 1967, như một sự tình cờ, Khánh Ly gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa giòng người đi lại trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, vào một buổi chiều êm ả. Từ một đêm mưa của Đà Lạt đến một buổi chiều trên đường phố Sài Gòn, tất cả đã bắt đầu. Ngay chiều ấy, trên nền gạch đổ nát có một quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn. Ca sĩ Khánh Ly bắt đầu hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đây.

Kể từ năm 1967, Khánh Ly chính thức đi hát với Trịnh Công Sơn. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời cho sinh viên tại Quán Văn nằm trên bãi đất rộng sau trường đại học Văn Khoa Saigon. Qua giọng hát khàn đục và quyến rũ của Khánh Ly với những tình khúc và ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn đã làm bàng hoàng ngây ngất cả một thế hệ trẻ vào hai năm cuối của thập niên 60 và tiếp tục như thế ở những năm đầu của thập niên 70, đánh dấu sự thành công tuyệt đỉnh vinh quang của giòng nhạc Trịnh Công Sơn-tiếng hát Khánh Ly. Sau đó, họ tiếp tục trình diễn khắp nơi trên đất nước Việt Nam và nhất là trong sân cỏ trường đại học - nơi Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ Hoàng Chân Đất" hay "Nữ Hoàng Sân Cỏ".

Năm 1969, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn được mời đi lưu diễn tại Âu Châu. Khánh Ly là nữ ca sĩ Việt Nam đầu tiên trình diễn tại đây cũng như các nước trên toàn cầu.

Cuối năm 1970, Khánh Ly trình diễn tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Nippon Columbia đã mời Khánh Ly trực tiếp cộng tác tại Nhật Bản để trình diễn ở Osaka Fair. Khánh Ly đã thu vào đĩa vàng tại Nhật hai nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đó là "Diễm Xưa" và "Ca Dao Mẹ" được chuyển dịch sang tiếng Nhật. Tiếp tục cuộc "du ca" với cây đàn của Trịnh Công Sơn, họ đã có những buổi trình diễn trong các trường đại học lớn. Những buổi này, Khánh Ly trở thành "Nữ Hoàng có giọng ca nhừa nhựa".

Trong những lần trình diễn như thế, có khi kéo dài đén cả 4-5 giờ đồng hồ, Khánh Ly đã hát say mê hơn 45 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn để đáp lại lời yêu cầu của giới thưởng ngoạn.

Năm 1979, hãng đĩa Nippon Columbia đã mời Khánh Ly thu băng lần thứ nhì qua các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần này, đĩa vàng được ấn bản hơn 2 triệu đĩa tại Nhật.

Năm 1996, Đài truyền hình NKH ở Nhật Bản đã chọn Khánh Ly là một trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm phim tài liệu về cuộc đời và gia đình Khánh Ly. Cuốn phim tài liệu này dài 50 phút, được đạo diễn bởi Hideo Kado.

Năm 1997, NKH chọn cuốn phim tài liệu cuộc đời Khánh Ly, người đầu tiên trong 10 nhân vật nổi tiếng như Gandhi, Gucci, Martin Luther King Jr's wife... đề chiếu trên đài truyền hình Nhật Bản ngày 29 tháng 4 năm 1997.

Vào tháng 9 năm 1997, quyển sách về cuộc đời của Khánh Ly, dày 270 trang, viêt bằng tiếng Nhật được đài truyền hình NKH phát hành và bán tại Nhật Bản.

Cuối mùa Xuân năm 2001 - ngày 1 tháng 4, tại quê nhà, một người đã vĩnh viễn ra đi. Ông ra đi để lại nỗi nhớ mênh mang cho bao người ở lại, để lại gia tài nghệ thuật vô giá cho người, cho đời. Vậy mà, với một người, một nửa đã mất đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời vào ngày 1 tháng 4 năm 2001. Hồn lìa khỏi xác người ta có còn sống được không. Bóng và Hình chia lìa nhau như thế.

Khánh Ly bày tỏ nỗi đau thương, lòng biết ơn qua từng lời ca, giọng nói. Bao năm rồi, những bài hát ấy chất chứa nhiều kỷ niệm của cô và nhạc sĩ. Bất cứ nơi nào, buổi hát nào cô cũng hát bài nào đó của ông vậy mà sao lời ca quen thuộc lại đứt quãng nửa chừng, "cổ họng bằng vàng" không vượt qua nổi những cái nấc âm thầm, lặng lẽ....

------------------------------------

Diễm của những ngày xưa

Bich%20Diem%20-%20thoi%20sinh%20vien.jpgThuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua.

Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.
Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.

Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng.

Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
 
SAGA
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:17am

 

 

Cám ơn Giáo sư Hoàng Ngọc Hùng và mời các bạn thưởng thức bài hát nầy qua giọng hát của Khánh Ly

 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 22/Mar/2010 lúc 11:21am
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:18am

CON ĐƯỜNG

RỢP BÓNG CÂY LONG NÃO

“Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Đại học Văn Khoa Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não”.

Tôi thích nghe Diễm Xưa và cũng mơ hồ biết đến cây Long Não qua lời tựa  trong bài hát này của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những thắc mắc về con đường đến trường của Diễm cũng như loài cây có “lá li ti xanh mướt” kia ngày một lớn lên trong tôi. Nhưng sau một thời gian dài tìm kiếm và trăn trở tôi vẫn chưa tìm được nó. Người thì chỉ ở đường Lê Lợi, người khác lại chỉ ở đường 23.8. Họ tưởng tôi quan tâm đến hình ảnh khoa học của loài cây đó mà không hiểu rằng cây Long Não đi vào hồn tôi là hình ảnh lãng mạn gắn liền với con đường đến trường của Diễm, đến người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn,  đến những thanh âm và triết lý sống trong nhạc của ông. Hình ảnh con đường thơ mộng với hai hàng cây Long Não lá li ti xanh mướt vẫn như đang đợi chờ tôi.

Hàng Long não lấp lánh dưới ánh nắng

Vào một sáng mùa thu đầy nắng, khi đang nhâm nhi ly cà phê nơi quán cóc trên đường Nguyễn Trường Tộ, con đường quen thuộc để đến chỗ làm. Chợt một người bạn hỏi tôi: “Em thích uống café ở đây bởi sở thích muốn ngồi dưới hàng cây Long Não à?” Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi ngày nào cũng ngồi dưới cây Long Não mà không biết. Hóa ra con đường mà bấy lâu tôi kiếm tìm lại là con đường tôi ngày ngày đi qua. Miên man nhớ lại những lời tựa của Trịnh Công Sơn tôi mới chợt nhận ra con đường này đây. Con đường nhỏ nhỏ xinh xinh với hai hàng cây cao vút lá li ti xanh mướt.

Tôi miên man tưởng tượng ra hình ảnh của cô Diễm ngày xưa thong dong đi bộ qua con đường. Ngày mưa cũng như nắng lúc nào cũng thư thái, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đi để được ngắm nhìn để được hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ. Cô đâu biết rằng xa xa kia ở một ban công nào đó đang có một kẻ si tình ngày ngày ngắm nhìn và dõi theo từng bước đi của cô. Con đường có lúc rộn tiếng ve râm ran, có lúc xanh mướt với những chồi non, có lúc lại lá bay la đà, có lúc lại mịt mù trong mưa. Nhưng con đường ấy luôn có bước chân của người con gái kia, mỗi ngày bốn bận đi về rất đều đặn. Và nhờ bóng hồng đó con đường trở nên lãng mạn hơn thơ mộng hơn. Con đường rợp bóng cây Long não và đất trời Huế đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Để mỗi con đường góc phố trở thành những hình ảnh lãng mạn đi vào thơ, vào nhạc.

Con đường này không những gắn với bài hát của Trịnh Công Sơn, với cô gái tên Diễm của những ngày xưa mà còn gắn với các thế hệ học trò Quốc Học và Đồng Khánh xưa. Bởi con đường nằm giữa hai ngôi trường cổ kính Quốc Học và Đồng Khánh. Tôi vẫn thường nghe kể đoạn đường này đã có biết bao kỷ niệm vui buồn của các nam thanh nữ tú. Vì ngày xưa Quốc Học là trường nam, Đồng Khánh là trường nữ, con đường này là nơi để các cô cậu được gặp nhau. Có những trò đùa nghịch của tuổi học trò đôi khi làm các nữ sinh phải đỏ mặt thẹn thùng hay có khi phải rơi nước mắt. Nhưng con đường này cũng chứng kiến và làm chứng cho nhiều mối tình thơ mộng và lãng mạn của tuổi học trò.

Con đường nhỏ xinh giữa hai ngôi trường cổ kính

Qua thời gian những cây Long não già đi cùng năm tháng. Thân cây cao hơn, vững chãi hơn, rồi tán cây rậm rạp sum suê hơn nhưng lá của cây Long não thì vẫn vậy, lúc nào cũng li ti xanh mướt. Màu xanh của sự sống tinh khôi, của nhiều hy vọng. Nó vẫn quyến rũ và làm đẹp cho con đường lãng mạn ngày ấy. Vẫn làm cho tôi và nhiều người khác thêm yêu con đường. Giờ tôi không được đi bộ thong dong như Diễm để thả hồn ngắm nhìn trời đất hòa cùng cây cỏ, để ngắm những tia nắng chiếu long lanh trên hàng Long não. Nhưng lúc nào tôi cũng chạy xe máy chầm chậm để hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai và ngắm hai hàng cây Long não bên đường. Cùng một con đường nhưng có biết bao hình ảnh và sắc thái. Nhưng tất cả đều đẹp và làm say lòng người. Khi thì long lanh lấp lánh trong nắng sớm mai, lúc thì la đà trong gió làm nên những tiếng xào xạc ở vệ đường, lúc khác lại mịt mù trong sương, nhạt nhòa trong mưa.

Những cây Long não lá li ti xanh mướt

Những lúc rãnh rỗi tôi thường ngồi ở quán Cóc ven đường cùng bạn bè. Bắt đầu ngày mới bằng ly café ngào ngạt dưới hàng cây Long não. Thỉnh thoảng được ngắm nhìn những bước chân thong dong đến trường của những sinh viên Y khoa. Họ vẫn ung dung và thướt tha như Diễm của những ngày xưa. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đi đến trường dưới vòm cây Long não. Và con đường như vẫn chờ đợi những bước chân đi qua. Ghi nhớ từng người. Chờ đợi họ quay trở về. Con đường rợp bóng cây Long não vẫn mãi đẹp, mãi mãi thơ mộng và là con đường của kỷ niệm, con đường lãng mạn. Con đường gắn liền với Diễm của ngày xưa, với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với bài hát Diễm Xưa, với tôi, với bạn bè tôi, với những ai yêu mến con đường này. Với tôi con đường này còn gắn với những buổi sáng tinh khôi bên quán cóc liêu xiêu cùng những người bạn với những câu chuyện ngắn ngủi, với ly café nhiều sữa, với chị bán hàng thân thiện, với những người biết mà không quen nhưng thú vị biết bao. Nửa tiếng ngồi uống café buổi sáng nhưng lạ thay nó cung cấp năng lượng cho cả ngày và giúp tôi thêm yêu đời, hứng thú làm việc hơn. Vẫn sống vội theo nhịp sống bộn bề của công việc nhưng cám ơn con đường thơ mộng đã đem lại cho tôi những giây phút ngắn ngủi để sống chậm, để hòa mình vào thiên nhiên và làm đẹp thêm cho tâm hồn. Và con đường rợp bóng cây Long não đó chính là đường Nguyễn Trường Tộ, con đường vẫn ngày ngày gắn bó với tôi.

Phan Hoàng

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:25am
 
 
Và đây là DIỄM XƯA vói 2 giọng hát trong 2 tiếng khác nhau
 
 
 
 
 
 
 life-in-picture%20pictures
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 22/Mar/2010 lúc 11:28am
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:27am
- Thưa bà, vì sao một mối tình sâu đậm với một người nổi tiếng như vậy mà đến nay mới được tiết lộ?

- Tôi là một người ít nói, tính tôi rất ít nói. Vả lại, cái bóng của anh Trịnh quá lớn nên tôi không nghĩ người ta biết Trịnh Công Sơn thì biết về tôi. Bởi vì Diễm xưa đã đi vào huyền thoại, tôi vẫn biết người ta thường hay nói câu "xưa rồi Diễm ơi". Diễm chọn cách im lặng để lắng nghe người ta nói về anh ấy.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bao la bất tận, tôi yêu anh Trịnh như yêu Huế và ôm Huế vào lòng. Huế sinh ra Diễm xưa. Đây là lần đầu tiên tôi tiết lộ về chuyện tình cảm của mình với anh ấy. Từ khi anh ấy qua đời, tôi rất ít về Huế vì có quá nhiều kỷ niệm, nhưng linh hồn tôi đã gửi trọn vào Huế.

Bà Ngô Thị Bích Diễm. Ảnh: Nd.

- Bà có thể cho biết về hoàn cảnh khi Trịnh Công Sơn sáng tác bài Diễm xưa?

- Tôi quen anh Sơn trong một trường hợp rất tình cờ, anh ấy thường hay sang nhà nhạc sĩ Đinh Cường, nhà tôi ở gần nhà anh Cường. Ngày xưa, nhà tôi ở bên này sông và nhà anh Sơn bên kia sông, hằng ngày tôi thường đi qua dưới những vòm cây long não ở hai bên đường Nguyễn Trường Tộ.

Mỗi ngày phải băng qua một cây cầu, hai bên đường là hàng cây long não rồi đến trường. Anh Sơn lúc ấy thường hay đứng lấp ló ở ban-công nhìn he hé liếc qua bên kia sông, thấy bóng dáng tôi đi đi về về. Anh ấy thường hay ngắm nhìn tôi mỗi khi tôi bước qua đoạn đường ấy. Chúng tôi có những kỷ niệm rất khó nói, tôi tặng anh ấy cánh Dạ lan hương rất lớn nên có thể đã gây "chấn động" trong lòng anh.

Và tôi biết, rất nhiều người muốn tận mắt nhìn thấy "Diễm xưa", để xem có thật ở trên đời này có Diễm hay không?

-
Bà có thể nói rõ hơn kỷ niệm về những ngày bà ở Huế?

- Mười năm gắn bó với Huế, tôi có một kỷ niệm rất đẹp ở đó, đồng thời cũng là một đau thương. Đó là vào năm 1986, những gì đã xảy ra trong gia đình tôi và với tôi là những mất mát quá lớn, nên bây giờ Huế đối với tôi như là một quê hương thứ hai vậy, là một phần trong cuộc đời của tôi. Tôi rất tự hào vì mình là một phần của Huế.

-
Nhiều người cho rằng, một thời gian dài "Diễm xưa" đã yên lặng? Và bà quyết tâm không lập gia đình để giữ trọn mối tình với Trịnh Công Sơn?

- Tính tôi là thế, rất ít nói, mỗi lần về quê, lòng tôi bàng bạc. Trịnh Công Sơn như một dòng sông vậy. Nên khi được trở về quê hương tôi rất hạnh phúc, và thay vì nói ra, tôi chọn cách im lặng. Còn chuyện hơn 50 năm qua tôi không lập gia đình thì không phải đâu, tôi thích cuộc sống như vậy, còn tình cảm tôi dành cho anh ấy là mãi mãi. Tôi vẫn sống một mình, đang làm việc cho một Trung tâm vật lý trị liệu tại Mỹ. Ngoài thời gian rảnh tôi đi làm từ thiện cho nhiều nơi.

- Cảm ơn bà .

Nguyễn Phương

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 11:56am
Dạ ! Cảm ơn Lộ tiên sinh.
Tặng thầy và THGC một số bài thơ về bài hát Diễm xưa.
Trời đã khuya rồi đây ...  
 
NHỚ DIỄM XƯA
Mai Hoài Thu
Thể Đường Luật
***

Tháng Sáu bây giờ, trời vẫn mưa,
Đường về heo hút lạnh hương đưa…
Chơi vơi mấy ngã, đời lưu lạc,
Biền biệt đôi bờ, tiếng nhặt thưa,
Kẻ nhớ tình xưa sầu ủ rủ,
Người thương cảnh cũ hết say sưa,
Về đâu lỡ bước, mười năm hận?
Mưa vẫn mưa hoài, nhớ Diễm Xưa*

*Ca khúc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn.

 

 
***
 
Chuyển qua thể Lục Bát

Bây giờ tháng Sáu còn mưa,
Đường về xa vắng hương đưa vọng đầy.
Mênh mang lưu lạc nơi này,
Đường xa heo hút phủ đầy gió sương.
Nhớ người tình cũ sầu vương,
Vọng âm còn đó, người thương đâu rồi?
Về đâu lạc bưóc mây trôi,
Mưa rơi nặng hạt, rã rời Diễm Xưa..
.

***
Chuyển qua thể Ngũ Ngôn

Tháng Sáu vẫn trời mưa,
Đường về hương vọng đưa…
Mênh mang đời lạc lối,
Heo hút gió lưa thưa.
Nhớ quá người trong mộng,
Dư âm còn vọng thừa,
Về đâu sầu lẻ bóng,
Mưa rã rời tình xưa…

***
Chuyển qua thể thơ tám chữ

Chừ tháng Sáu bây giờ trời mưa nhỉ,
Em một mình lạc bước chốn tha hương.
Mưa nhạt nhoà, đẫm mái tóc phong sương,
Buồn cố quạnh, mảnh đời tình rách nát…

Lòng gảy lại nốt nhạc sầu tan tác,
Người xa rồi chỉ còn lại dư âm…
Kỷ niệm xa xưa khơi lại thật gần,
Tim đau buốt, bên trời… mưa lận đận…

Chuyển qua thể Song Thất Lục Bát

Hè tháng Sáu, mưa tuôn nặng hạt,
Phượng đỏ đường tan nát nỗi buồn.
Nhớ thương bạn cũ bồn chồn,
Trường xưa khuất bóng hoàng hôn cuối trời…
Nước ngược dòng, mây trôi về cội,
Chút hồn hoang xin gởi lại đời.
Tháng ngày phiêu lãng rong chơi,
Trăm năm một cõi…chơi vơi…lệ nhoà…

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2010 lúc 12:08pm

Trịnh Công Sơn và chân dung của Diễm xưa

"Tôi uống tách cà phê sáng, ngắm nhìn bức tranh Trịnh Công Sơn tự họa năm 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh", Tiến sĩ Nguyễn Công Phú (*) kể về những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trong một chừng mực nào đó, tôi có thể được xem là một nhà kỹ thuật, một nhà khoa học, một nhà quản trị thành đạt trong con mắt của một số đồng nghiệp quốc tế. Sự thành công này có được cũng nhờ một phần nào đó ảnh hưởng của lời thơ, điệu nhạc, nét họa chấm phá của Trịnh Công Sơn, một người anh, một người bạn.

Điều này, khi anh nghe tôi kể, lúc tôi ngồi cạnh anh trong một buổi ăn trưa trầm lặng tại nhà anh, đem đến cho anh một chút gì vui lóe qua trong ánh mắt, qua nét mặt với nụ cười hiền hậu.

Tôi kể rằng hơn 30 năm nay tôi ròng rã nghe nhạc của anh. Lần đầu tiên tại Huế, một đêm mưa rét lạnh mùa đông, lúc tôi lên 17 tuổi. Tôi yêu thích liền lời thơ, điệu nhạc dung dị và bức tranh "nhạc", mặc dù phải thú thật là không hiểu gì cả. Thật ra tôi cảm nhận mơ hồ nhưng không biết diễn đạt là hiểu cái gì và như thế nào. Chỉ thấy là rất thích. À, vết lăn, vết lăn trầm..., đàn bò vào thành phố...

Và cứ như thế, tôi "nghe" nhạc anh, "gặm nhấm" lời thơ nhạc anh và "ngắm" những bức nhạc họa của anh những lúc uống cà phê buổi sáng, những ngày xuống đường, những đêm không ngủ và sau này, những lúc một mình lái xe cả 1.000 cây số trong đêm khuya ở những nơi rất xa quê nhà...

Nói là nghe mà rất nhiều lúc có âm có tiếng nhưng không để ý là mình có nghe hay không. Đôi lúc, bất chợt nghe lại một câu mà mình đã nghe biết bao nhiêu lần, lại tự nói: thế là mình "tưởng" nhầm rồi.

Đôi khi có dịp, tôi hỏi anh ý nghĩa các câu này là thế nào. Anh nhìn tôi với đôi mắt độ lượng nhưng hóm hỉnh trả lời: Thì là như ri... Tôi lại đáp lời: Vậy mà Phú tưởng như rứa... Anh lại cười và nói: Chắc là Phú có lý! Ừ cũng có thể là thế!

Anh cũng như các nghệ sĩ thiên tài để lại những tác phẩm của mình cho công chúng và công chúng với một sáng tạo riêng lại trở thành "tác giả" của một tác phẩm rất mới cho riêng mình - như câu "Hoa đào năm trước còn cười gió đông" là một bức tranh sống mãi với thời gian và tùy theo cảm nhận của từng người.

Hơn 30 năm, tôi chỉ có duyên gặp anh không đến 10 lần. Phần lớn là các buổi ăn trưa không quá một tiếng đồng hồ và không có rượu.

Thế nhưng anh rất đôn hậu đã cho tôi bức tranh Người con gái và ly rượu đỏ mà tôi hay ngắm lúc đến thăm anh. Và nhất là một đêm anh nhắn tôi đến chọn một bức tranh trong hơn mười bức tranh anh mới vẽ để cho bạn bè, phải thú thực là tôi muốn lấy hết! Nhưng có phải là một linh cảm chăng, tôi chọn một bức tranh tự họa không lớn không nhỏ, vóc dáng của Trịnh Công Sơn của thời 20 tuổi.

Bức tranh "Người con gái và ly rượu đỏ".

Sau đó không lâu anh đã ra đi. Và điều gì đã đến với tôi qua bức tranh tự họa ấy?

Có một buổi sáng, nắng mai xuyên qua hiên cửa chiếu vào bức tranh. Tôi uống tách cà phê sáng, nhìn Trịnh Công Sơn 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh. Tôi khám phá, anh đã vẽ một chân dung của "Diễm xưa" chăng, rồi phết lên một lớp màu, sau đó vẽ chân dung thời xa xưa của mình. Bố cục "2 bức tranh" thật nhẹ như những bài tình ca của anh: hai đôi mắt nhìn nhau xa vời vợi.

Chân dung tự họa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cảm ơn anh đã cho tôi những điều mà tôi cũng không biết, chỉ có cái duyên mới khám phá được một tấm lòng. Anh lại cho tôi một bài thiền - ly cà phê, ngắm tranh, nắng qua khung cửa, ô hay tưởng một mà hai! Nhưng không, tuy hai mà là một! Cũng như Diễm xưa và Trịnh Công Sơn - Diễm xưa Trịnh Công Sơn.

Tôi xin mạo muội trích ngang một bài thơ của một người bạn rất thân mà tôi có thể xem là tôi để kết bài tản mạn này. Mong là rất Trịnh Công Sơn và rất thiền!

"Trong nỗi nhớ mênh mang tôi mới hiểu
Tình và yêu chưa hẳn là tình yêu".

_____________________________________________
(*) Giám đốc Á châu Tập đoàn APAVE Cộng hòa Pháp
ShowArticlebanner();
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 23/Mar/2010 lúc 4:24am

Diễm của những ngày xưa

Người con gái Huế với sự dịu dàng, nét mong manh đến thanh khiết như cơn mưa đầu hạ đã làm xao xuyến trái tim đa cảm của người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, khơi mạch nguồn cảm xúc cho Diễm xưa …

...

Ở Huế, tiết trời luôn thoang thoảng trong không khí của buồn vương mang mác, của những chuyến mưa ngang qua trời giống – những chuyến đò đưa khúc vui buồn của người nghệ sỹ. Tình yêu, đôi khi được khơi nguồn một cách thầm lặng chỉ từ một cơn mưa.

Bức tranh Diễm xưa của họa sỹ Đoàn Thạch Biền


Những cơn mưa ngắn, những cơn mưa dài. Có cơn mưa ào ào gõ sầm sầm đều như mõ trên những tàu lá chuối, có cơn mưa chỉ rả rích nhẹ nhàng như phây phẩy chút ướt át lên mặt đất, tưới vào lòng người những bâng khuâng. Tình yêu của Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông dành trọn vẹn sự chân thành của mình cho Huế, mưa và người con gái dưới hàng cây long não thuở nào. (*)

Trong Diễm xưa ẩn chứa một tình yêu mang đầy nuối tiếc. Vả chăng đó là sự ý thức của thời gian, của sự tàn phai và trong đó bao gồm tất cả những tâm tư người nghệ sĩ.

Mưa vẫn mưa trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thu mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Trong cơn mưa bay nhạc sĩ ôm Huế với những lăng tẩm, đền đài, thành quách vào lòng. Huế với người con gái tà áo dài vương đầy bóng đổ, bay ngang một chiều trong cơn gió lạc, cứ phảng phất cô liêu.

Huế - mưa...
Nguồn: imeem.com


Huế với mưa!. Tất cả cứ như một điệp khúc trở đi trở lại trong tâm trí người, để nghe và mường tượng ra khung cảnh nên thơ ấy. Một chiều như bất kì chiều nào trên đất Huế, mưa cứ dài thêm, con đường hun hút, có bước chân người con gái xưa ấy đi ngang qua vội vã âm thầm trong chiều thu nặng đầy tiếng mưa…

Mưa như thấm lạnh hình dáng mỏng manh, như thổi dạt tấm thân ngà ngọc, mưa như đẩy lá trút xuống xào xạo phía dưới mòn đôi gót nhỏ, con đường như lại càng dài hơn, xa hơn và mù mịt.

Sắc xanh của lá, màu trắng đục của mưa, sự thâm trầm rêu phong của những tầng tháp cổ và gót chân hồng bước vội vã đã hòa thành một bức tranh nhuộm tâm hồn người nghệ sĩ buồn đến nao lòng. Buồn đến xót xa…

Ngôn từ Diễm xưa tựa như lời luyến tiếc những kỉ niệm đã trôi qua, giống như sau mỗi cơn mưa bụi đường đều được rửa sạch. Thì thời gian cũng như những cơn mưa, đó là sự tàn phai, xóa nhòa dấu vết.

Và đôi khi những kỉ niệm lại trở về trong một khung cảnh cũ cứ khứa sâu thêm vào vết thương xưa chưa kịp lành. Để khiến ta mong chờ, hy vọng, khắc khoải, và rồi dần dần ngập sâu trong màn kí ức chống chếnh những cơn đau

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Thủ bút của Trịnh Công Sơn trong sáng tác Diễm xưa
Nguồn: suutap.com


Trải suốt cuộc tình là những cơn mưa, mưa khiến người con gái nhòa vào khung cảnh bỗng thành nên thơ, mưa khơi gợi kỉ niệm khiến kí ưc rơm rớm nỗi buồn thương lặng lẽ, những hẹn hò nhưng không mang nhiều hứa hẹn dần tàn phai.

Cuộc đời vẫn xoay vần, những cơn mưa đến rồi đi cứ như một lời ru cho cuộc đời tục lụy thoát vui buồn lẩn khuất. Sự dàn trải, bao phủ và thẩm thấu của mưa với những miền đất nơi nó đi qua không chỉ làm mặt đất bớt cằn khô, mưa như song hành với người nghệ sỹ, để mỗi khi bước chân đi qua một thành phố lạ, cơn mưa quen thuộc ấy sẽ làm cho người phiêu lãng quên mình lãng du.

Bởi với Trịnh Công Sơn mỗi cuộc đời là những chuyến đi và có lẽ trong đôi mắt sâu thăm thẳm ấy, trong hình dáng hao gầy ấy hành lí mỗi chuyến đi của đời người là kỉ niệm…

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim ri
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau

Có lẽ những cơn mưa Huế sẽ mãi dai dẳng không bao giờ hết, những tâm hồn khao khát tình yêu, chân thành chờ đợi, dai dẳng âm thầm cũng thế. Thứ tình cảm khiến cho ta có thể yếu mềm đến khóc, lại cũng có thể khiến ta vững chãi đến kì lạ ấy luôn luôn tồn tại trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn tính cách của ông: thâm trầm, lặng lẽ, dõi theo và chờ đợi. Giống như mưa Huế dài đến tư lự và mênh mông bao trùm.

Thu thoáng chút ngập ngừng bên ban công cửa sổ, những hạt mưa long lanh đậu rụt rè nửa muốn ở lại nửa muốn rơi trên mái hiên, tâm hồn được nhuốm xanh màu lá ướt đẫm nhẹ nhàng như hơi thở, con đường sạch bụi nhấp nhoáng nước in bóng dài những hàng cây yên ả. Những rung rộng nhảy nhót trong tim vang lên như tiếng piano thánh thót, đó chính là mùa thu của Huế, có khi nào bạn bắt gặp không?

Mặc dù, hầu như tất cả những nụ hồng trong thế giới nhạc Trịnh đều là những nụ hồng phai, nụ hồng ẩn dấu trong nó ít nhiều phôi pha, héo úa thì ông vẫn trông ngóng một tin vui nào đó sẽ tới, trông mong một hạnh phúc sẽ về … Bước chân em xin về mau

Bởi như như là một triết lí ông đã khẳng định trong âm nhạc của mình rằng: Làm sao em biết bia đá không đau/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

Tình yêu, mưa, Huế và Trịnh Công Sơn là mối duyên kì ngộ được tạo ra bởi Diễm, người con gái của những ngày xưa vẫn thong thả đi về dưới hàng cây long não…

  • An An



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 23/Mar/2010 lúc 4:25am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.121 seconds.