Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 92 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Oct/2022 lúc 4:43am

Con Đường Đi Tới Golden Gate 


Tôi không nhớ quyển sách nào có bài học Anh ngữ gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi, đó là bài nói về cầu Golden Gate ở San Francisco. Cầu được bắt đầu xây cất vào năm 1933, dưới thời Tổng thống Roosevelt. Bốn năm sau, 1937 mới hoàn tất. Đây không phải là một cây cầu dài, vì nó chỉ có 2.737m. Bề ngang 27m, nhưng việc đáng nói là chiếc cầu nặng 811.500.000 kg được treo trên 2 dây cáp. Cây cầu treo bằng 2 dây cáp chính buộc chặt ở hai đầu cầu rồi gác lên trên 2 tháp cao ngoài biển, mà đỉnh tháp cách mặt nước tới 227m.

Từ cầu xuống nước là 67m.( Treo vì muốn nâng cao để tàu lớn giao thông qua lại. Đây là hành lang thủy đạo nối liền Thái Bình Dương với vịnh Cựu Kim Sơn). Sợi dây cáp có đường kính 0m92 được bện bởi 61 tao kim khí, do 27.572 sợi thép kết lại. Chiều dài của dây kim loại dùng trong 2 dây cáp là 129.000 km và chỉ nội công tác bện 2 dây cáp này đã mất 6 tháng, 9 ngày. Để sơn cầu, phải dùng hết 37.800 lít sơn màu cam. Ngày khánh thành 26.5.1937 chỉ cho người đi bộ qua cầu thôi. Trên 200.000 người đi qua trong 12 giờ đầu tiên.

Ngày hôm sau tới phiên xe hơi, trong ngày đếm được 32.300 chiếc. Kỹ sư trưởng đảm nhận công trình xây cất là Joseph Baerman Strauss và cũng là người đã suy nghĩ suốt 22 năm để vẽ ra kiểu mẫu cây cầu. Sách cho rằng Golden Gate là một công trình có kiến trúc kỹ thuật xuất sắc, hoành tráng, hùng vĩ và được yêu chuộng nhất của nước Mỹ. Lại thêm ông thầy Anh văn là người đã du học Mỹ, từng tham quan Golden Gate "tán" thêm vào, khiến tôi hạ quyết tâm phải đến đó cho bằng được.

Tôi có tên chuẩn bị đi tu nghiệp ở Nữu Ước 2 năm Tháng 6 -1975 mới đi, tháng 4 miền Nam đã sụp đổ. Mộng tham quan Golden Gate của tôi tan tành theo vận nước.

Năm 1979, vợ chồng tôi và đứa con gái đầu lòng mới 9 tháng bị ở tù vì tội vượt biên tại huyện Châu Thành, Bà Rịa. Được thả ra, tôi lại tiếp tục tính chuyện ra đi. Khi tôi làm chủ ghe, khi làm tài công, lúc làm chủ bãi, lúc mua vé...19 lần thất bại, nhà tan cửa nát. Ông hàng xóm quen một đường dây đi bộ qua Kampuchia. Nhiều chuyến đã tới.

Vì đi học tập mới về, còn bị quản chế, mọi di chuyển đều gặp khó khăn. Cho nên ông đề nghị cho tôi mượn tiền, với điều kiện dẫn Lộc, con trai 10 tuổi của ông cùng đi. Vùng trước cho người dẫn đường 5 chỉ để dẫn qua Miên. Khi tới Thái Lan, người tổ chức sẽ lấy mật mã từng người đem về Việt Nam, người nhà sẽ thanh toán. Ông hàng xóm bảo đảm sẽ trả giúp, và thân nhân của tôi ở nước ngoài cũng cam kết trả lại cho thân nhân của ông ở Canada 3.000 mỹ-kim.

Lần thứ 20, tôi ra đi một mình vì không còn khả năng đài thọ vợ con. Nửa chỉ vàng cuối cùng là chiếc nhẫn đính hôn, vợ tôi trao cho tôi để phòng thân. Tôi để lại nhà vì thật ra không biết sống chết thế nào. Dù sao nhờ nó, 4 mẹ con ở nhà cũng có cái ăn được đôi ba tuần để chờ tin tôi.

Lộc và tôi rời nhà vào ngày 16/7/1987. Người Miên dẫn đường phát cho chúng tôi một ít tiền riel. Y lên xe nào, chúng tôi lên xe đó. Y xuống đâu, chúng tôi xuống đó. Xuống Châu Đốc, qua phà, rồi đi thuyền dọc sông Mékong. Gần tới biên giới, lợi dụng đêm tối trăng, theo đường tắt băng qua rừng. Bỗng nhiên có tiếng chó sủa. Lúc đầu một con. Dần dà 4, 5 con sủa inh ỏi chạy phía sau. Tôi than thầm khổ mạng. Chắc chắn là chó của công an biên phòng Việt-Nam. Bị bắt lại lần này, ở tù lâu lắm. Trong tột cùng vô vọng, tôi quay phắt lại chỉ đám chó: 

- Đứng lại. Tao không ăn thịt chó, tụi bây không được hại người! 

Tự nhiên đám chó chúc cái mõm lên cao rồi gừ gừ đứng lại. Lộc nói: 

- Phép chú Mai ngầu quá. 

- Phép khỉ gì, đi lẹ lên.

Lọt qua biên giới, người dẫn đường đón chiếc xe Daihatsu . Chúng tôi vào thủ đô Phnom Penh. Họ ếm chúng tôi trên lầu cùng với mười mấy người khác. Ban tổ chức dặn dò không được đi đâu, nhưng tôi cũng trốn ra tìm tới ông cậu vợ, người Long An đi tập kết về đang làm chỉ huy trưởng kiểm soát quân sự, (tức là quân cảnh) để xin theo xe bộ đội đi Siem Riep. Mục đích là để tham quan đền Đế Thiên Đế Thích. Sợ rằng chuyến đi này chưa chắc còn sống để trở lại Miên, nên đánh liều để xem cái kỳ quan thế giới này ra làm sao. Mấy ngày sau trở về, mới biết lẽ ra nhóm chúng tôi đã lên đường, nhưng còn thiếu người.

Họ phải thế cái nhóm ở Sài Gòn mới qua, vì nhóm này đã gom đủ. (Sau này khi qua tới Thái Lan, mới biết nhóm 30 người ấy đã xuống thuyền rồi, nhưng mất tích vĩnh viễn luôn!). Một ngày trước khi xuất phát, nhóm chúng tôi được dặn dò kế hoạch ra đi. Khi giới nghiêm chấm dứt lúc 5 giờ sáng, từng 2 người một mở cửa bước ra đường đón xe xích lô đi chung. Xe này đi xong, 2 người khác mới bước ra đón xe tiếp, không ra đông người sợ bị lộ. Các thanh niên rời nhà lên xe. Tới phiên tôi và Lộc đi chung. Tôi đón nhằm một ông già. Chiếc xích lô của ông rít lên cót két rồi lẹt đẹt phía sau. Những người kia đón nhằm thanh niên sung sức, nên họ đạp xe bon bon đi xa mất dạng.

Sương mù dày đặc không trông thấy gì hết. Tôi hoang mang vì làm sao thấy được cây cầu mà xuống xe. Đã 40 phút rồi mà tứ bề sương giăng mù mịt. Tôi bảo Lộc ráng nhìn bên trái, tôi nhìn bên phải để tìm cây cầu. Tôi cố mở to mắt nhìn xuyên qua màn sương. Bỗng tôi thấy một cô gái mặc áo dài trắng băng qua đường. Làm gì trên đất Miên lại có con gái mặc áo dài trắng. Tôi hỏi: 

- Lộc có thấy một cô áo trắng đi ngang qua không? 

- Có thấy ai đâu chú Mai!

Nhanh như cắt, tôi đưa tay ra dấu dừng xe. Tại sao? "Vì ...

 

******

Năm 1963, tôi đến quận Hòa Vang, để thị thực các bản sao bằng Tú tài 1. Lúc vào lại thành phố Đà Nẵng, trời đổ mưa. Cơn mưa mùa hạ trút xuống như cầm chỉnh đổ. Bên tay trái tôi là dãy núi Phước Tường. Nước trên núi tràn qua quốc lộ. Nước ngập luôn cái ống bô của chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki dame. Bu ji ướt, xe chết máy. Tôi đành dầm mưa chịu trận. Khi mưa tạnh đã 6 giờ chiều. Bấm nút démareur, xe vẫn không nổ. Nhờ đám trẻ chăn trâu nhào vô đẩy dùm rất lâu xe mới chạy được. Gần tới Ngã Ba Huế, tức là ngã rẽ bên trái sẽ ra Huế, cách 120km. Quẹo phải 5, 7 cây số là vào Đà Nẵng.

Nơi ấy có một cây cầu, người địa phương gọi là Cầu Đỏ. Từ xa, tôi đã thấy một nữ sinh đứng đón xe ở đầu cầu. Ở ngoài Trung, đồng phục nữ sinh là áo dài trắng. Cô gái mặc quần trắng, đội nón lá, chân đi guốc, tay xách cặp đen. Tôi nghĩ bụng nếu là xe ra Huế, sẽ không bao giờ chịu dừng lại để chở học sinh một đoạn ngắn. Còn nếu xe Hội An, Tam Kỳ ra, thì sắp đến bến xe rồi, họ cũng không rước khách chỗ này. Trời sắp tối, đi bộ cũng xa lắm. Tôi dừng xe lại hỏi: 

- Em về đâu? Nếu quẹo trái ra Nam Ô thì không tiện đường. Quẹo phải vô Đà Nẵng thì quá giang được. 

- Dạ em về ngã tư Thanh Khê.

Tôi mừng rỡ: 

- Được. Lên xe đi. 

Cô gái rụt rè leo lên ngồi ở phía sau. Một tay ôm chặt cặp da, tay phải vòng qua eo ếch của tôi. Xe chạy từ từ. Tôi hỏi: 

- Em tên gì?

- Dạ Đ.T. Mỵ. 

- Em học lớp mấy, trường nào? 

- Dạ lớp đệ lục trường Hòa Vang. 

Mỵ còn nói lí nhí gì thêm, nhưng tôi đã chạy nhanh, gió tạt không nghe rõ. Chưa tới 10 phút, Suzukie đã tới Ngã Tư Thanh Khê. Tôi dừng lại, hứa hẹn. Chiều mai thứ bảy, nghỉ học, anh có xe đạp, sẽ về An Ngãi. Có gì anh sẽ ghé nhà em chơi. Bây giờ tối rồi, anh phải đem xe về trả cho ông anh đi trực. Mỵ nói:

-Nhà em dễ tìm lắm. Đi vô hết con đường đất ni. Gặp một ngã ba, thấy mấy cây dừa lửa thì quẹo phải.

Đi tiếp, hồi mô thấy cái nhà có bồn gỗ đựng nước mắm ở trước sân là tới.

Chiều thứ bảy hôm sau, theo đúng lời chỉ dẫn của Mỵ, tôi dắt xe đạp tìm đúng nhà không mấy khó khăn. Tôi dựng xe, tựa vào bồn nước mắm trước sân và bước vào nhà. Căn nhà tranh vách đất. Giữa nhà có chiếc bàn gỗ, trên bàn có bát nhang, hai bên có một nải chuối và một bát cơm có cắm đôi đũa. Trên bát cơm có quả trứng. Nghe tiếng tôi gọi, một người đàn bà bước ra từ phía sau. Bà hỏi: 

- Thầy tìm ai?

- Dạ cháu hỏi thăm, có phải nhà Đ.T. Mỵ đây không?

- Dạ phải. mà thầy dạy trường của cháu hả?

- Dạ... không!

- Vậy cậu là bạn học ở trường Hoà Vang hả? 

- Dạ cũng không phải. Chiều hôm qua, cháu lên quận về, gặp Mỵ đứng đón xe ở Cầu Đỏ, sẵn có xe gắn máy, cháu cho quá giang chở về đây. Mỵ có chỉ nhà, chiều ni nghỉ học, cháu đi An Ngãi, nên ghé vô thăm rứa thôi. 

Người đàn bà oà lên khóc: 

- Cậu ơi! Con tôi bị xe Mỹ cán chết rồi cậu ơi! Trưa hôm qua, tôi mở cửa mả cho hắn đá. Tan học về hắn đi xe đạp ngang qua chỗ Cầu Đỏ, gió thổi lật cái nón che mặt không thấy đường. Xe đạp quờ quạng, chao đảo giữa đường, bị xe cán chết ngay chỗ cầu đó.

Người đàn bà tiếp tục kể lể bi thiết, đau thương:  

- Mẹ chỉ có mình con, con ơi. Con chết bỏ mẹ con ơi... 

Lúc ấy tôi mới nhìn kỹ khung hình để đằng sau bát nhang. Đúng là Mỵ rồi ! Đôi mắt đẹp như đang nhìn tôi ngơ ngác, thăm thẳm. Tôi bủn rủn tay chân, cố gắng lắm mới lấy được bó nhang trên bàn đốt lên 3 cây và thầm khấn: 

- Mỵ ơi. Em đã chết thật rồi. Trong cõi u minh, thần thức của em cứ tưởng mình còn sống. Hãy về với thế giới tâm linh huyền diệu của em. Đừng gặp ai nữa. Anh sợ lắm. Anh sẽ tụng kinh cầu siêu thoát cho em.

Rồi tôi đã giữ lời hứa đó sau nhiều năm... 

*****

Tôi đưa tay ngăn ông già dừng xe lại, vì liên tưởng tới Mỵ 24 năm trước. Tôi định thần độ 5 phút sau. Qua màn sương tôi lờ mờ thấy quả có một cây cầu đúng như linh tính của tôi. Tứ bề im phăng phắc. Tôi e dè bước tới gốc cây lớn bên đường. Lúc ấy tôi mới phác giác ra chiếc xe molotova của quân đội, phủ một tấm bạt, đã nằm im lìm từ lúc nào. Tôi vòng tới trước cabin bước lên thử nhìn vào trong. Tôi giật mình vì trong tay lái đang có một gương mặt đen sì lỏ mắt nhìn ra tôi.

Tôi đánh liều hỏi đại: 

- Chiếc xe này chờ chúng tôi phải không? 

Câu hỏi không được trả lời. Tôi hỏi tiếp: 

- Parlez vous Francais? Do you speak English?

Tên lính Miên lắc đầu. Vừa hồi hộp, vừa hoang mang, tôi đáo ra sau dở tấm bạt thò tay vào trong, thì ra người ngồi lúc nhúc trong đó. Tôi hối Lộc leo lên và tôi cũng chui vào. Tôi lên tiếng hỏi: 

- Có Dung trong này không?

Im phăng phắc. Vậy là nguyên toán mười mấy người cùng nhà với tôi đã không nhìn thấy cây cầu. (Về sau này, khi có liên lạc, mới biết nguyên nhóm chạy mãi tới sáng thì bị công an Miên bắt, giao cho công an biên phòng Việt Nam.)

Trong tối tăm, tôi nắm tay Lộc ngồi xuống thì xe nổ máy. Xe chạy hơi nhanh, dằn lên xóc xuống vì đường đầy hầm hố, ổ gà. Người trong xe đổ mồ hôi nhễ nhại, ngộp thở, u đầu rên rĩ. 

Chạy suốt ngày, đến chạng vạng thì dừng lại để tránh trạm kiểm soát cảng Kompong Som do bộ đội biên phòng Việt Nam trấn đóng. Tài xế đổ người xuống ngay chỗ một người Miên dẫn đường đã chờ sẳn. 25 người nhanh chóng lủi vô rừng đi thành hàng một, sau lưng người Miên. Người dẫn đường có buộc một ngọn đèn đi săn trên đầu để soi đường. Một tay cầm cái liềm để chặt những gai góc. Một tay cầm gậy thọc vào đám lá khô để tránh những vực sâu. Vài người rú lên sợ hãi khi thấy bộ xương nằm gục bên đường. Hai lần trông thấy hai bộ xương đều không có đầu ! Nửa đêm bỗng nghe tiếng á...á... dài, rồi tiếp theo là tiếng ầm ầm. 

Biết ngay là có người ngủ gục, bước lọt ra khỏi dấu chân người đi trước và đã rơi xuống vực. Độ 2 giờ sáng, lại thêm một tiếng á...ầm...ầm nữa. Có người làm dấu thánh giá. Tôi chấp tay cầu nguyện cho hai nạn nhân xấu số. Ra khỏi rừng đếm lại, quả nhiên chỉ còn 23 người. Thoát khỏi rừng rậm, chúng tôi băng qua một đầm lầy. Người dẫn đường ra hiệu cho biết có cá sấu, phải đi nhanh. Trời tối mịt. Thình lình, một ngọn đèn pha phực lên rọi thẳng vào đoàn người chúng tôi. Sình lầy lún quá bắp vế, chúng tôi đã bị du kích Khmer bắt trọn. Nhiều người đã xỉu ngay xuống sình. Bảy, tám họng súng AK đen ngòm chỉa thẳng vào chúng tôi. Kẻ cầu Chúa, người niệm Quan Âm cứu khổ để chờ chết. Thình lình, một tên ngửa cái nón sắt, nói lơ lớ không có dấu: 

- Môt chi vang bo vo cai non sat, cho qua. Không có mot chi vang, chat đâu. 

Mọi người đều hiểu hết câu nói của y. (Một chỉ vàng bỏ vô cái nón sắt, cho qua. Không có một chỉ vàng, chặt đầu!) Ai nấy đều run lẩy bẩy, moi móc đâu trong đồ lót, lấy ra ném vào nón sắt. Tôi dắt tay Lộc lùi lại sau cùng. Nước mắt tuôn rơi. Nửa chỉ vàng cuối cùng tôi đã để lại nhà. Vợ tôi sẽ đau lòng lắm khi biết tại sao tôi bỏ xác nơi đây. Nhưng nếu tôi có đem theo cũng không giải quyết được vấn đề, vì nhận lời ủy thác của cha mẹ Lộc, tôi không thể làm người, khi để cho nó chết.

Tôi thầm khấn: 

- Mỵ ơi, đã làm ơn, xin làm ơn cho trót. Có hiển linh, xin giúp anh thoát chết phen này.

Bỗng tôi đạp phải một hòn sỏi dưới bàn chân. Vừa niệm Quan Âm cứu nạn, vừa kín đáo dùng 2 ngón chân kẹp hòn sỏi đưa lên. Tôi vói tay nắm được hòn sỏi, chùi vào áo cho sạch sình. Một tiếng cạch trong nón sắt là một người được bước qua. Nắm hòn sỏi thật kín trong bàn tay, tôi bảo Lộc leo lên lưng cho tôi cõng để 2 người tính 1 và là người cuối cùng bước ngang qua cái nón sắt. Tôi nhanh chóng ném hòn sỏi vào nón. Một kiếng keng vang lên, và tôi cõng Lộc bước qua. Tôi vái van, xin sao đám du kích đừng vì thiếu mất một chiếc nhẫn mà đuổi theo. Nếu không thoát, tôi phải nhận tội để chết, chứ không thể gây họa cho người. Cuối cùng, chúng tôi ra tới bờ biển. 

Không biết Mỵ đã cứu tôi hay hòn sỏi duy nhất giữa đầm lầy. Hai người Miên lực lưỡng lôi chúng tôi nhét vào dưới hầm ướp cá đậy nắp lại và ra khơi. Gió rất mạnh, có đến cấp 6. Trong hầm kín, người này ói lên đầu người kia. Mùi chua hòa với mùi mồ hôi nồng nặc xông lên. Mồ hôi bốc thành hơi nước đọng trên thành hầm, rồi nhỏ từng giọt cay xuống đám người chen chúc như cá mòi trong hộp. Tôi không bị say sóng, nên đủ sức đẩy nắp hầm và leo lên trên boong. Sóng đánh lên làm trơn trợt. Tôi cẩn thận men lần ra sau buồng lái. Tìm thấy nước, tôi uống một bụng thật no nê. Một sợi dây thừng nằm lăn lóc trên sàn. Tôi buộc chặt vào bụng và kiễm soát lại đầu dây bên kia. Tôi sợ bị sóng đánh văng xuống biển. Mỗi lần sóng tới, đầu mũi thuyền cất lên, chỉ ngay những ngôi sao nhấp nhánh trên bầu trời. Thuyền kêu răng rắc, bập bềnh. Sóng đi qua, mũi thuyền hụp xuống. Ruột gan tôi như muốn nhào lên để trào ra ngoài. 

Thà chết sạch sẽ giữa trời cao biển rộng, hơn là chết thối trong hầm cá. Thuyền từ từ đi vào một đảo hoang. Thuyền mắc cạn, hình như tôi nghe chân vịt chạm mạnh vào đá. Hai người Miên lật đật chạy lại mở nắp hầm lôi mọi người lên và lặp đi lặp lại: "Thái lan, Thái Lan". Họ ra hiệu đòi mật mã. Mật mã của tôi là cái chứng minh nhân dân không đục lỗ. Nếu đưa lên thấy có một lỗ thủng trong tấm hình, vợ tôi sẽ biết là bị gạt, chưa tới Thái. Thu thập mật mã xong, người Miên buộc chúng tôi rời ghe. Họ vội vả quày trở ra biển để trở về Miên, vì sợ bị Thái tịch thu ghe. Có người không biết bơi còn trù trừ, bị xô xuống biển, đầu va nhằm đá ngầm, máu tuông xối xả. Cuối cùng nhóm người đói khát lạnh lẽo cũng dắt díu nhau lên được hết trên bờ. Sáng hôm sau, chúng tôi gom cành khô đốt lửa cầu cứu. 

Ngoài khơi, một chiếc thuyền xuất hiện. Hy vọng chúng tôi thoát khỏi hoang đảo này. Thuyền cập vào bờ. Nhảy lên là 3 thanh niên mặt bôi đen tay cầm súng. Mọi người la lên "hải tặc" và bàn cách đối phó. Nếu chúng chỉ cướp của thì thôi, còn nếu mấy người phụ nữ bị hiếp thì nhóm đàn ông sẽ liều mình giật súng rồi dùng đá và cành cây chống trả.

Trong tích tắc, bọn hải tặc đã áp sát. Hai tên chỉa súng vào nhóm chúng tôi. Còn một tên dí súng dẫn từng người một ra sau một lùm cây, buột cởi hết quần áo cho nó xét. Chúng mò mẫm từng cái quần, cái áo để tìm của. Cái gì nó cũng lấy. Rất may là quần áo chúng tôi bị rách tả tơi hết nên nó cho lại để mặc lên người. Sau khi vơ vét, bọn hải tặc ra dấu bảo chúng tôi đi vòng qua đảo, rồi bọn chúng lên thuyền ra khơi. Chúng tôi đi tiếp theo hướng chúng chỉ. Không ai còn giày dép gì cả nên bàn chân rách nát, bê bết máu. Đến tối mới tới một xóm chài. Dân chài cho cơm cháo và trú ngụ qua đêm. Cảnh sát Thái đưa chúng tôi vào trạm KlongGiai ngày 1/8/1987. Một tuần sau, có xe chở vào trại tị nạn Panat Nikhom. 

Ở trại mọi người đều thuộc nằm lòng câu "vượt biên có số, định cư có phần". Có người ôm cả đống giấy tờ chứng minh là sĩ quan cảnh sát, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa... vẫn bị Mỹ từ chối. Tôi rét lắm vì không còn giấy tờ gì để chứng minh là thông dịch viên sở Mỹ RMK cả. 

Tôi lên sơ vấn, rồi tái phỏng vấn. Người có quyết định tối hậu là ông Harris. Ông chỉ hỏi tôi có vài câu rồi đóng dấu "Approved". Tôi quá cảm động và mừng vui đến rơi lệ khi ông chìa tay bắt và chúc tôi được nhận vào Mỹ. Tôi quá ngạc nhiên với lối interview của Mỹ. Không phải như ở nhà, năm 1978, vợ tôi sanh con đầu lòng bị mất sữa, phải làm đơn xin mua thêm sữa bò. Trên đơn phải hội đủ 6 cái mộc, tức là 6 con dấu của 6 cơ quan. Điều đáng nói là cán bộ y tế bắt vợ tôi ra mua gói xôi ngồi ăn trước mặt họ. Nửa giờ sau, họ vắt thử xem có sữa không rồi mới chịu ký tên đóng dấu cho phép mua 12 lon sữa bò giá chính thức. 

Rời Bataan, tôi đến Mỹ ngày 21/12/1988. Khi máy bay đáp xuống Los Angeles, lòng tôi dâng lên một niềm xúc cảm bàng hoàng. Cái xúc động tự nhiên của bất cứ người nào bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn tự do trên một đất nước giàu mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, cái cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên trông thấy cầu Golden Gate 31/12/88, lại mênh mông không diễn đạt được. Tôi dụi mắt để chắc chắn rằng không phải còn nằm mơ. Một giấc mơ dài suốt 26 năm từ khi học bài anh văn về Golden Gate năm 1962. 

Mặc dù kim tự tháp Ai Cập là một kỳ diệu vì cho đến bây giờ, với những máy móc hiện đại tối tân, với trực thăng mạnh nhất, chưa chắc Mỹ nâng được những tảng đá khổng lồ lên cao để ráp lại nhau. Nhưng viếng kim tự tháp là đến một sa mạc nóng bỏng đầy cát bụi.
Đền Đế Thích ở Miên thật rộng lớn. Đi hết chu vi của đền có đến 120km. Đền đài chạm trổ bằng tay. Vào thế kỷ thứ 6, có thể phải dùng tới 50 ngàn nhân công, xây cất 50 năm mới xong. Cái thất vọng là phòng ngủ của vua và hoàng hậu nhỏ xíu, tưởng chừng không đủ lọt cái giường queen size! Vả lại, một cảm giác lành lạnh như oan hồn, tử khí còn lẩn khuất đâu đây.

Vạn Lý Trường Thành cũng là một trong 7 kỳ quan của thế giới. Nhưng du khách hình như còn bồi hồi khi tưởng tượng cảnh núi xương sông máu của dân lành vô tội dưới ách bạo tàn của Tần Thủy Hoàng. Người Pháp cũng hãnh diện về tháp Effel của họ. Nhưng nếu du khách mãi ngước nhìn lên, đế giày sẽ dẫm phải "bom" của chó phóng uế bừa bải khắp nơi. Tham quan Eiffel, du khách nào cũng trải qua cái đau khổ khi cần đi tiêu, tiểu. Dù có người hướng dẫn, sẵn sàng mất tiền cũng rất bất tiện vì xa, mất thời gian. 

Mời quí vị tham quan Golden Gate. Thoải mái lắm. Không những công viên này mà khắp xa lộ của Mỹ, đâu đâu cũng có bảng chỉ dẫn rõ ràng những rest area, đầy đủ tiện nghi để giải quyết vấn đề cá nhân. Du khách không bao giờ bị "hành hạ và tra tấn" đau khổ như ở Paris. 

Có lẽ ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có người mơ ước như tôi là được bước đi trên cầu treo Golden Gate. Buổi sáng sương mù la đà, lảng đảng trôi ngang, nhịp cầu khi ẩn khi hiện. Xế chiều dưới ánh nắng chói chan, một cánh cung vàng như cái mống bắt ngang bầu trời xanh lơ đầy mây giang hồ và những cánh hải âu trắng mướt. Dưới kia, biển xanh um. Tàu thuyền qua lại xé nước, để lại phía sau những vạch trắng như đuôi sao chổi. Buổi tối lại bày ra một khung cảnh tráng lệ, rực rỡ huy hoàng dưới ánh đèn vàng tân kỳ mỹ lệ. 

Cao quá. Hùng vĩ quá, làm con người thành nhỏ bé như muốn bay bổng. Xe cộ lũ lượt nối đuôi nhau qua lại. Bộ hành cũng có chỗ tản bộ trên side walk rộng 3m ở hai bên thành cầu. Đủ loại y phục màu sắc đặc thù dân tộc được mặc trên người, đủ thứ ngôn ngữ khác nhau được nói qua đường. Chứng tỏ họ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Dòng sinh động huyền diệu đó đã từng tồn tại từ ngày 26/5/1937 và tiếp diễn không ngừng nghỉ suốt 64 năm qua.

Mặc dù Joseph Baermann Strauss đã qua đời một năm sau khi khánh thành Golden Gate. 
Nhưng tác phẩm của ông vẫn sừng sững với thời gian và cùng với Chunnel Tunnel xứng đáng là 2 thành tựu đứng đầu của thế kỷ 20. Mọi người từ Quận Cam đến Golden Gate quá dễ dàng bằng freeway 5 North, chỉ mất có 7 giờ lái xe, trong khi tôi phải mất 26 năm mới tới đó.

PHẠM ĐÌNH MAI

(Nguyên cựu GĐ Ngân Hàng, vượt biển 20 lần mới thành công).
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Oct/2022 lúc 11:08am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Oct/2022 lúc 8:16am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Nov/2022 lúc 4:30am

Người Chài Lưới (Hai Cua)


Truyện ngắn dưới đây có nhiều chi tiết giả tưởng.  Tên gọi của một số địa danh cũng được thay đổi.  Nếu danh tánh và hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện có sự trùng hợp ngoài đời thì chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.

*****

Tả ngạn sông Ngang Dừa là một xã ấp lớn, rất trù phú.  Lại có cả một khu chợ, đông người mua bán từ sáng sớm cho tới quá trưa.  Thêm hai tiệm cà-phê hủ tiếu và vài tiệm tạp hóa của người Hoa, càng làm cho khu chợ đông người lui tới.

Hữu ngạn có nhiều đồng ruộng, thôn xóm thưa và rải rác.  Xa hơn chút nữa, độ ba bốn cây số đường thủy, gần bên Sông Lớn, là một khu làng của những người đánh cá, dân ở đây gọi là Xóm Chài.  Nói là xóm, nhưng chính ra phải gọi là làng mới đúng. Dân số của Xóm Chài chừng trên một ngàn năm trăm người, với khoảng trên ba trăm gia đình.  Nhiều nhà sàn, dựng ven bờ sông nước.  Vài ngôi nhà gạch, lợp ngói đỏ.  Những gia đình chài lưới, hàng ngày đem cá tôm đánh được sang bán bên khu chợ Ngang Dừa.  Khi được mùa lưới, dân chài bán thủy sản không hết, họ đem phơi khô.  Những tàu đò đem tôm khô, cá khô lên tỉnh bán.  Trên đường về, họ lại chở những nhu yếu phẩm như đường, sữa hộp, dầu hôi, săng nhớt để chạy máy tàu, máy xay lúa...về cho các tiệm buôn trong vùng.

Nhưng câu chuyện không phải là nói về địa dư và sinh hoạt của cư dân tại một vùng nhỏ thuộc đồng bằng Hậu Giang.  Câu chuyện kể sau đây là sự tương quan rất ngẫu nhiên giữa một y-sĩ mới ra trường, còn phong cách thư sinh, và một người dân chài, chuyên đi câu cua.  Mọi người trong vùng vẫn quen gọi anh ta là Hai Cua.

Vào thời gian ấy, giữa thập niên sáu mươi, An theo đơn vị đến đóng quân tại Ngang Dừa được chừng vài tháng.  Nếu không đi hành quân, thì công việc của An rất nhẹ nhàng.  Mỗi sáng anh đến trạm y tế, sát bên bờ sông, khám bệnh cho thuốc những quân nhân trong đơn vị.  Thỉnh thoảng săn sóc giúp cho những nhân viên hành chánh bên quận.  Gần như ngày nào cũng có một số cư dân trong vùng đi ghe thuyền, đem thân nhân đến xin khám bệnh, chữa thuốc.  Chương trình dân sự vụ, cốt tranh thủ lòng dân và cũng thêm cơ hội lấy tin tức tình báo của bên kia, cho phép An làm công tác y tế miễn phí cho dân chúng trong vùng.  An đã hai lần đi dân sự vụ tại Xóm Chài.  Cùng đi với anh, mỗi lần đều có toán y tá quân y, Trung Úy Hậu ban tình báo cùng một số nhân viên, và một toán nghĩa quân bên quận.  Mỗi khi thi hành công tác y tế như vậy, An cũng như nhiều đồng đội khác, hay mặc đồ bà ba vải sẫm mầu cho hòa mình với dân chúng.

Nhiều buổi trưa, An nằm nghỉ trên võng, trong lều vải dựng ở ven sông.  Anh thường thấy Hai Cua, ngồi trên chiếc ghe nhỏ đơn độc, kiên nhẫn thả những bẫy cua dọc theo giòng sông.  Sông ở đây, gần biển, nửa năm nước mặn, và cua cá rất nhiều. Những cái bẫy cua hình dáng như những chiếc vó nhỏ, bên dưới có mảnh lưới thưa và một cục đá to bằng nắm tay.  Người chài cột mồi bằng cá ươn hay một con nhái nhỏ vào bẫy.  Cua có nhiều càng, bò vào lưới kiếm ăn.  Một vài càng vướng mắc vào mạng lưới, cua không thoát đi đâu được.  Thế là một lát sau, Hai Cua chèo ghe lại, dùng một cán cây dài có móc, kéo bẫy lên, ngon lành bắt một hoặc hai con cua mắc lưới. An quan sát, thấy việc chài lưới này cũng nhẹ nhàng.  Nhưng An phục tài Hai Cua ở chỗ anh ta có cả mấy chục cái lưới, không phao đánh dấu, thế mà lại nhớ từng “tọa độ”, từng địa điểm của mỗi chỗ đặt bẫy.  Anh ta dùng móc, kéo bẫy lên, lần nào cũng trúng.

Hai Cua khoảng hai mươi lăm tuổi, dáng dấp mạnh khỏe, nước da nâu sậm vì nắng miền tây và vì nghề chài lưới trên sông nước.  Vài lần An ra bờ sông, vẫy Hai Cua vào bến để mua hàng.  An chưa thấy cua ở đâu to, ngon, chắc thịt như ở đây.  Kể cả cua biển An được ăn khi còn nhỏ ở Hải Phòng, vùng cảng miền Bắc, hay cua ở Vũng Tàu, hoặc cua tại nhà hàng Diamond Chợ Lớn An hay dùng cùng bạn bè cũng không ngon bằng.  Có khi An mua cả hai chục con cua, rồi thưởng thức những món cua hấp, cua xào me cùng với toán y tá của anh.

Một buổi sáng, An đang làm việc tại trạm y tế thì Hai Cua cùng người em gái độ mười lăm tuổi, đem bà mẹ lại nhờ chữa bệnh.  Bà mẹ khoảng gần sáu mươi, nằm yếu mệt trên chiếc cáng.  Bà còn tỉnh nhưng có vẻ đau nặng, bịnh đã ba ngày, ói mửa, nóng sốt và than đau nơi bụng.  An chẩn bệnh.  Lưỡi bệnh nhân đóng trắng và khô.  Mạch nhanh, tim phổi bình thường. Bụng mềm, nhưng đau đều khi ấn chẩn.  Một vài nốt lốm đốm đỏ trên da ngực và da bụng.  Vì ở xa các trung tâm y tế, An không có phương tiện thử nghiệm để định bệnh qua huyết thanh.  Anh tạm đoán là bệnh nhân bị thương hàn.  “Trung-sĩ y tá trưởng” của An đồng ý ngay, mẹ một người bán cua bị bệnh "ban cua" chắc là phải ... đúng!  Người bệnh có vẻ bị thiếu nước vì nóng và ói, không ăn uống đã hai ngày.  An cho y tá chuyền hai chai nước biển, có pha thuốc, qua tĩnh mạch, cho bệnh nhân.  Sau đó cho thêm một loại thuốc trụ sinh và thuốc trị nóng để uống trong một tuần.  Hai Cua chăm chú nghe lời dặn dò, cám ơn An rồi dùng ghe đem mẹ về nhà.

Hơn một tuần sau, An thấy Hai Cua đi chài lại.  Anh ta đến tìm An ở trạm cứu thương, biếu An một buồng chuối cau và cả chục con cua lớn.  Anh ta nói bà mẹ đã thuyên giảm nhiều, đang hồi phục.  An vui vẻ nhận quà và cũng cảm thấy vui.

******

       Trong số những sĩ quan tại Trung đoàn, An quen nhiều với Trung úy Hậu.  An hay chơi Domino hoặc cờ tướng với người sĩ quan trẻ này.  Trung úy Hậu trước kia là sinh viên luật khoa năm thứ hai ở Sài Gòn.  Hậu không may mắn, thi rớt và bị gọi nhập ngũ Thủ Ðức khoảng mấy năm trứớc.  Có sẵn quá khứ học Luật, anh được cho đi học khóa tình báo, rồi về làm Ban Hai của Trung Ðoàn bộ binh tác chiến mà An đang phục vụ.  Cùng một cỡ tuổi, lại cùng có quá khứ sống đời sinh viên Sài Gòn, An và Hậu dễ thông cảm nên chuyện trò rất hợp.

Vào một xế trưa, Trung úy Hậu và vài nhân viên đem anh chàng Hai Cua vào lều thẩm vấn của đơn vị.  An tình cờ cũng có mặt.  An được biết một nhân viên quân báo thấy Hai Cua vừa đi chài, vừa ghi chép và vẽ những gì trên một mảnh giấy, nên tạm giữ anh ta và đem trình Trung úy Hậu.  Khai thác sơ khởi cho biết Hai Cua ở Xóm Chài với mẹ và một đứa em.  Anh ta có giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh.  Ai cũng biết rõ là ở miền quê, nếu biết lo lót, nhiều người có giấy này!  An được xem tờ giấy “tang vật” mà Hai Cua đã vẽ.  An thấy hình vẽ sơ sài con sông, dãy nhà bên phía bờ bên kia, địa điểm trạm cứu thương, và một hàng những chấm chấm nhỏ trên giòng nước.  Không thấy vẽ doanh trại bộ chỉ huy, không ghi vị trí hai khẩu đại bác.  Bị thẩm vấn, Hai Cua nói là vẽ những chấm trên sông để nhớ mhững địa điểm hay đặt bẫy cua.

Trung úy Hậu hỏi An:

-  Bác sĩ nghĩ sao?

An không muốn lãnh trách nhiệm về việc tha hay bắt giữ anh câu cua này.  An cũng chẳng có kinh nghiệm gì về khai thác các nghi can hay về tình báo.  Việc bắt giữ, khai thác những người phía bên kia cũng không phải là nhiệm vụ của An An.  Anh đáp lời:

- Trung úy cứ tính sao cho đúng.  Riêng tôi thấy chưa có gì để xác thực tội trạng anh này.  Nhưng nếu Trung úy nghi ngờ thì kế tiếp mình sẽ làm gì?

Trung úy Hậu hơi ngần ngừ:

- Nếu nghi ngờ hay có nhiều bằng chứng, mình cho giải về Sư đoàn, để khai thác thêm.  Khai thác không có gì thì lại thả ra, thường là vài tháng.  Bắt đi khai thác thì cũng tội cho người ta, chỉ vì mảnh giấy sơ sài này.  Hay là thôi, mình thả tên này.

An cũng nghĩ thêm về người mẹ và người em của Hai Cua.  Người đàn bà miền quê mộc mạc, đứng tuổi, đơn chiếc, mới lành bệnh.  Nếu anh chàng này bị bắt mang đi, hai người thân của anh ta chắc sẽ không có ai giúp đỡ.  Vì thế An cũng nói theo người Trung úy phòng nhì:

-  Tôi cũng nghĩ vậy, thôi cho người ta về.

Hai Cua được cho đi, nhìn An, không nói, nhưng có vẻ như ngầm cảm ơn.

*********

Tin điện báo từ Vị Thanh, bằng siêu tần số, cho biết cha của An trở bệnh nặng, nằm bệnh viện Ðồn Ðất Sài Gòn, chắc khó qua khỏi, cả nhà cần An về gấp.  An được vị chỉ huy cấp giấy cho phép về ngay, nhưng anh chờ trực thăng hai ngày rồi, không có.  Chiều hôm trước, có một chuyến trực thăng, nhưng điểm về lại là Cà Mau, còn xa Sài Gòn hơn.  Không có đường bộ cho xe chạy, vì cả một vùng xung quanh nơi đồn trú toàn là xã ấp, đồng ruộng và kinh rạch.  Nếu không dùng trực thăng, chỉ còn đường thủy.  An chưa bao giờ dám đi ghe tàu từ đây về Cần Thơ vì vài sĩ quan và binh sĩ gấp đi về nghỉ phép bằng tàu đò đã bị du kích bắt giữ đem đi mật khu, mất tích.  Nhưng An không thể chờ lâu hơn được.  Những tháng trước, An đã biết về bệnh nặng của cha anh, chắc cha An khó qua khỏi lần trở bệnh này.  An đành liều, tính toán rời Ngang Dừa về Cần Thơ bằng đường thủy.  An có quen thân ông Phó hành chánh Hưng, bên quận.  Ông ta làm gấp ngay cho An một căn cước dân sự, một giấy chứng nhận là giáo viên trường tiểu học Ngang Dừa, và một sự vụ lệnh nói An về họp với Khu học chánh tỉnh Phong Dinh.  An nhờ cô giáo Hương cho mượn chiếc cặp da của Cô và vài cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học.  An mặc đồ dân sự, như một thày giáo làng và ngay buổi sáng sớm, đáp tàu đò để đi Cần Thơ.  Anh dự tính sẽ kịp chuyến chót của xe đò Ðức Hiệp từ Cần Thơ về Sài Gòn cùng ngày.

Chiếc tàu đò rời bến từ khu chợ Ngang Dừa.  Khói của động cơ dầu cặn bay tỏa mùi hắc.  An muốn kín đáo nên ngồi trong khoang tàu.  Nhưng hơi khói làm ngột ngạt, anh phải ra phía đầu tàu, hứng gió mát và tìm không khí trong lành.  Hành khách trên tàu chỉ có sáu người đàn bà, buôn bán, nói chuyện ồn ào, tuổi của họ khoảng chừng từ hai mươi đến bốn mươi.  Có hai người trông khá đẹp, trẻ trung, nước da mặn mà.  An thầm nghĩ, một cách thơ thẩn và khôi hài, như muốn quên đi nỗi lo âu trong lòng cho một chuyến đi có thể coi là nguy hiểm cho anh: không ngờ tại Bến Ngang Dừa mình lại có dịp đi chung thuyền với các thương nữ như chàng Tư Mã Áo Xanh ngày xưa ở Bến Tầm Dương.  Khác biệt rất xa là An vô danh tiểu tốt về thơ văn, mà người xưa thì thi tài lừng lẫy một thời.  Thi sĩ họ Bạch tới bến vào lúc canh khuya.  An rời bến vào buổi sớm mai.  Tư Mã Áo Xanh đất Giang Châu ngày trước gặp có một thương nữ đàn hát tài hoa. An gặp tới sáu bà buôn bán ồn ào.  Cô nào, bà nấy cũng lo chuyện làm ăn, chẳng ai đàn hay, hát ngọt!

Ông chủ tàu, cũng là tài công, độ ngoài năm mươi, còn tráng kiện.  Ðã có người gửi gấm An cho ông nên ông tiếp An rất thân tình, cởi mở.   An thấy mấy hành khách trên tàu, quen thuộc kêu ông ta là Chú Tư.  Phụ với ông là đứa con trai, độ mười bốn, mười lăm tuổi.  Cậu giúp cha bằng cách dùng sào chống đỡ hai bên lúc tàu rời bến.  Khi tàu di chuyển, An thấy cậu bé thỉnh thoảng lấy bình nước, tưới nước nơi động cơ, có lẽ để làm cho máy bớt nóng.  Như vậy, kể cả An, trên tàu chỉ có ba người là đàn ông, còn sáu hành khách kia là phụ nữ.  An nghĩ thầm là tàu có chín người, con số này hên.

Chiếc tàu đò qua Cồn Dừa, rồi qua Xóm Chài, sắp sửa vào Sông Lớn.  Tên gọi là Sông Lớn, nhưng đây cũng chỉ là một nhánh của giòng Hậu Giang. Lần đầu tiên, An rời xa vị trí của đơn vị bằng đường sông nước.

Mấy người hành khách phụ nữ bắt đầu nói chuyện lời lỗ, buôn bán. Các “thương nữ” này lo việc hàng họ, không để ý gì tới An.  Có lẽ họ cũng quen vơí cảnh có người quá giang kiểu này.  Chú Tư chủ tàu mời An một ly trà nóng.  Có gió mát, hơi lạnh trên sông vào buổi sáng, được ly trà ấm, An thấy dễ chịu.  An hỏi chuyện vài câu với chú Tư và cậu bé, nhưng anh hạn chế đối thoại, sợ nói nhiều lộ tung tích của mình.  Có lẽ trên chiếc tàu đò nhỏ này, chỉ mình Chú Tư biết An là ai.  Nhưng chú cũng gọi lại An là chú, có nghĩa là chú em.  An thầm cám ơn vì Chú Tư đã muốn giữ kín tông tích cho mình.

Tàu ra tới sông lớn, tăng thêm tốc độ, gió như mát hơn.  Hai bên bờ là những lùm cây xanh tươi, phần nhiều là cây cần đước và dừa nước.  Lâu lâu, tàu lại qua những xóm làng nho nhỏ, xanh những bóng dừa.  Nhiều hàng dừa, quả trái chĩu chịt dưới những tàu lá xanh phía gần ngọn cây.  Cảnh trí sông nước miền Hậu Giang thật là đẹp, và có dáng an bình quá.  Lác đác vài ghe tàu suôi ngược trên giòng sông.  An mở chiếc cạc-táp Cô Hương cho mượn, lấy mấy cuốn sách giáo khoa tiểu học ra coi cho qua thời giờ.  Những sách tập đọc, sách dạy làm toán sơ đẳng cộng trừ nhân chia, vài trang lại có những dòng chữ viết tay ghi chú của Hương.  Nét chữ đẹp và mềm mại, hiền như người con gái chủ nhân những dòng chữ.  An cũng mới quen Cô Giáo Hương được một hai tháng nay.

Tàu đã chạy được độ trên hai mươi cây số đường sông, chợt có ba tiếng kẻng từ ven bờ vọng ra.  Một bà hành khách nói:

-  Lại “mấy ổng” đòi kiểm soát, thu thuế rồi!

An nhìn ra phía trước.  Bờ phía bên phải có một chiếc cờ xanh đỏ, cột vào một cây sào dài, đang đưa qua đưa lại bên sông.  Cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam !  An biết ngay là tàu của anh bị phía bên kia chặn lại.  An thực sự lo sợ, phen này bị bắt ra bưng thì hết hy vọng gặp lại Cha đang đau nặng.  Có khi vĩnh viễn xa mẹ và các người thân.  Sẽ gian khổ và nhục nhằn.  An nghĩ thầm nếu bị cầm tù trong một chế độ không có tự do cho ngay cả những người chưa bị bắt giữ, quả sẽ là một tai họa nặng nề cho anh, có khi còn mất mạng.  Tim An đập mạnh, nhưng ngoài mặt anh cố giữ bình tĩnh.  Chú Tư chủ tàu và mấy bà buôn bán thì rất thản nhiên.  Họ đã quá quen với cảnh “kiểm soát” này.

Tàu cặp vào bến, sát bên một chiếc cầu nhỏ đưa ra mặt sông.  Cầu làm bằng thân hai cây dừa, không có tay vịn.  Bốn năm người du kích đứng ở trên bờ, chờ đợi, mặt mày họ cũng như thường, không có gì là dữ dằn như An thầm nghĩ từ trước.  Có người mới độ mười sáu, mười bảy tuổi, có người trạc gần ba mươi.  Trong đám chỉ có hai người võ trang bằng súng carbine, những người khác mang lựu đạn nội hóa, và tất cả đều mặc đồ bà ba.  An đoán là xung quanh đây, phải có những toán yểm trợ của họ, đang nằm trong những lùm cây đây đó, với súng đạn đã lên nòng, sẵn sàng hành động ứng phó với mọi biến cố.

Hai người du kích lên tàu kiểm soát, một người hỏi chủ tàu:

-  Có gì lạ không Chú Tư?

-  Cũng thường thôi.  Tàu chở mấy bà con đem hàng lên Cần Thơ.

-  Chú và bà con có gì yểm trợ Mặt Trận không?

Ðây là một cách đòi nộp thuế.  Một bà nói:

-  Tôi đem tôm khô đi bán trên tỉnh.  Ðể tôi tặng mấy chú ít kí.

Bà này lấy một bịch lớn tôm khô, bọc kỹ càng trong bịch giấy dầu, đưa cho người du kích trẻ.  Anh ta nói ngắn: “Cám ơn cô bác”.

Chưa ai để ý gì đến An và anh đang tạm mừng thầm.

Một bà khác tặng cá khô.  Một bà cho một thùng giấy đựng đầy rau cải ... Những người du kích nhận hết, không từ chối một món gì.  Việc “thu thuế” có lẽ là công tác chính, kiểm soát chỉ là việc phụ.  Thấy “thuế” nộp đã đầy đủ, họ không hỏi gì thêm mấy người kia.  Một người du kích bây giờ mới quay lại nhìn An:

-  Chú Tư, còn anh này là ai dzậy?

Chú Tư thản nhiên đáp lại:

- “Ông thầy giáo" quá giang đi Cần Thơ, lo việc trường học cho mấy trẻ.

Người du kích nhìn An, quan sát, giọng nghiêm nghị:

-  Anh cho coi giấy tờ, chứng minh thư.

Bao nhiêu giấy tờ quan hệ, căn cước quân đội, An đã dấu kỹ giữa hai lớp da của chiếc cạc-táp, dán keo kỹ chỗ cất dấu.  An đưa tấm căn cước mà ông Phó quận Hưng mới làm dùm, và tờ sự vụ lệnh về họp với Ty Học Chánh Phong Dinh.

Người du kích coi giấy tờ, rồi nói nhỏ gì với người kia, An không rõ. Rồi anh ta nói:

-  Trường hợp này phải hỏi Anh Hai.

Họ giữ tàu lại, ra lệnh cho An lên bờ, đứng bên một gốc dừa.  Một người lục những túi áo và chiếc bóp của An.  Một người khác nắn người anh xem có mang võ khí gì không.  Không có gì để họ nghi ngờ, một du kích nói với người khác:

-  Mậy vô trỏng, mời anh Hai.

An hồi hộp thêm, nhưng ráng làm vẻ bình tĩnh.  Chỉ ba phút, nhưng An thấy rất lâu, “Anh Hai” từ mấy lùm cây phía xa bước tới.  An bàng hoàng cả người vì nhận ra Anh Hai chỉ huy toán du kích là Hai Cua.  An đã có dịp chữa bệnh cho mẹ anh ta và đã nhiều lần mua cua của anh.   Hai Cua chỉ hơi sững người vài giây, nhưng rồi anh ta làm như không có chuyện gì quan trọng, như chẳng hề quen biết gì với An.  Anh ta nói với mấy đàn em:

-  Có chuyện gì dzậy, tụi bây?

Một người du kích nói:

-  Anh Hai, anh này khai là thày giáo.  Tụi em thấy anh ta còn trẻ, tóc lại cắt ngắn, dám là sĩ quan Ngụy lắm.  Mà thầy giáo thì cũng là công chức Ngụy rồi, tụi em phải hỏi anh tính sao.

An lo lắng nhưng cố giữ bình tĩnh.  Anh không thể ngờ rằng cả vận mạng và tương lai của anh bây giờ lại éo le nằm trong tay người chài lưới Hai Cua này.

Hai Cua quay sang An:

-  Anh đưa lại giấy tờ coi.

An hồi hộp nhìn Hai Cua, đang coi chứng minh thư “thày giáo giả” của mình.  Tuy mặt Hai Cua lúc này lạnh lùng, An phải tinh ý lắm mới thấy một khóe cười rất là thầm kín trên miệng hắn.

Cùng lúc, mấy người phụ nữ buôn bán chờ lâu trên tàu, coi bộ nóng ruột.  Bà đã “yểm trợ Mặt Trận” bọc tôm khô lúc nãy, đứng ở mũi tàu nói vọng lên:

-  Chú Hai mạnh giỏi, hôm nào có cua lớn, dành bán cho tôi vài con nghe.

Hai Cua quay lại:

-  Dì Năm.  Tui hồi này mắc bận ở đây, ít đi lưới lắm.  Nhưng nếu có cua ngon, tui cho con Lài đem sang dì.

Một người phụ nữ trẻ trên tàu nói với lên phía bờ:

-  Thôi cho đi đi Chú.  Lỡ phiên chợ chiều của tụi tui mất.  Ông nầy là Thày giáo.  Ðể cho người ta đi.  Không có ổng, con em tụi tui lấy ai dạy học.

Hai Cua xem qua giấy tờ của An, thoáng một chút suy nghĩ, trao trả lại cho An, rồi nói với đàn em:

-  Thày Giáo, chỉ biết dạy học, để cho đi.

Hai Cua nhìn An, không chào từ giã, không nói gì thêm.  Dù đã quen trước, chắn chắn là An không tính chuyện bắt tay cám ơn, hay chào từ biệt, hoặc hẹn “tái ngộ”. Không hợp lúc, và An cũng chẳng bao giờ muốn phải tái ngộ với anh chàng du kích Hai Cua này nữa, nguy hiểm quá.

Ðược tự do, An trở xuống tàu, khẽ thở ra nhẹ nhõm. Khi nhìn lên, An thấy Hai Cua thong thả đi vào phía sâu trong bờ, rồi bóng dáng khuất sau những lùm cây xanh.  Con tàu nhỏ rời bến, một người du kích nói với xuống:

-  Chú Tư ơi, bận về nhớ nói bà con đem đường và sữa hộp cho anh em.

Một anh du kích khác nói thêm:

-  Có la-de Con Cọp nữa càng tốt.

An nghĩ thầm: Hóa ra tất cả họ đã biết nhau, và tâm lý chung, dù ờ bên chiến tuyến nào, con người bình thường có lẽ ai cũng mong bình an, có nhu cầu vật chất, những ham muốn thông thường như nhau.


Trên đường sông về Cần Thơ, An thầm cầu nguyện.  Cầu cho cha anh có một phép lạ nào để sống thêm.  Nhưng sự cầu nguyện khẩn thiết nhất mà An mong được ban cho lúc này là không gặp thêm toán du kích nào chặn đường nữa.

An an toàn tới Cần Thơ bằng đường sông và kịp về Sàigòn cùng ngày bằng chuyến xe đò chót.  Cha An còn nhận được anh, nhưng bệnh đã tới giai đoạn cuối.  Hai ngày sau, cha An qua đời.

 

*******

         Cùng gia đình lo xong tang lễ của cha, An ở lại Sài Gòn ít ngày với mẹ và anh em.  Hai tuần sau, anh trở lại Ngang Dừa, tiếp tục nhiệm vụ của người y sĩ trong quân ngũ.  An tự hứa là sẽ không bao giờ dùng đường thủy để từ đơn vị đi Cần Thơ hay để trở về đơn vị nữa.

Trong ba ngày đầu, sau khi về lại nhiệm sở, An suy tư thật nhiều.  Thấy An ít nói, không linh hoạt như trước kia, mọi người trong đơn vị tỏ ra thông cảm, như hiểu cho sự mất mát lớn lao trong đời anh.   Thực ra, An suy tư nhiều vì nhớ tiếc cha cũng có, nhưng chuyện làm An bận tâm chính là người chài lưới Hai Cua.

Hai Cua biết rõ An là Trung Úy quân đội quốc gia.  Trong ngày An bị chặn giữ bên sông, nếu Hai Cua bắt anh đem ra bưng biền, không biết số phận An bây giờ ra sao.  Giờ đây, rất rõ ràng là An và Hai Cua, mỗi người ở mỗi bên chiến tuyến.  Hai Cua lại hiểu rõ địa hình, vị trí đơn vị của An. Anh ta có thể chỉ điểm hoặc phụ giúp các lực lượng bên kia pháo kích chính xác hay tấn công doanh trại của An khi có dịp thuận lợi.  An và bao nhiêu đồng ngũ có thể tử thương, đơn vị An sẽ tổn thất nặng nề.   Còn nếu An tố cáo Hai Cua với ban tình báo, họ sẽ sang Xóm Chài tìm cách bắt anh ta.  Sẽ khai thác, sẽ tra tấn để tìm thêm những đường dây “phiến Cộng” trong vùng.  Làm vậy chắc là sẽ đưa Hai Cua đến chỗ cùng khổ, luôn cả mẹ và người em của anh ta sẽ không có ai săn sóc, trợ giúp, che trở.  An có nỡ hại một người đã có hành động tốt với anh không.

Trong đời An, anh đã nhiều lần phải cân nhắc, chọn lựa, nhưng chưa bao giờ mất công tính toán, suy nghĩ nhiều như lần này.  Khi còn nhỏ dại, An thường phải chọn một trong hai món đồ chơi cha mẹ đồng ý mua cho, như lựa khẩu súng giả hay chiếc xe chạy bằng giây thiều.  Khi lên trung học, anh phải suy nghĩ mất vài ngày để chọn học ban văn chương hay ban toán…  Xong trung học, anh lại phải chọn học trường kỹ sư Phú Thọ hay trường Y khoa đường Trần Quý Cáp.  Ðậu xong Nội trú tại Sàigòn, anh phải chọn ngành nội thương hay là giải phẫu.  Bây giờ An cần quyết định tố cáo hành tung của Hai Cua hay là dấu nhẹm mọi chuyện, coi như không có gì xẩy ra.

Sau cùng, An có một lựa chọn.  Anh nói cho Trung úy Hậu ban tình báo biết là chuyến về Cần Thơ của anh mấy tuần trước, anh đã bị du kích chặn xét và trưởng nhóm du kích chính là Hai Cua.  Hắn biết An làTrung úy y-sĩ nhưng không bắt giữ.  Trung úy Hậu quyết định rất nhanh chóng:

-  Tôi sẽ không nói chuyện này cho ai, sợ họ lại thẩm vấn bác-sĩ, có khi phải lên trình diện phòng nhì Sư Ðoàn, rất phiền phức lôi thôi.  Nhưng bác-sĩ đã cho tin tức tình báo chính xác, bổn phận tôi phải bắt hắn.  Tôi xin phép Chỉ Huy Trưởng, ngày mai xin thanh sát tuần phòng Xóm Chài, có bác-sĩ đi khám bệnh dân sự vụ cùng với chúng tôi.  Mình phải tìm bắt Hai Cua để khai thác.  Cả một mạng lươí do thám của tụi nó quanh đây!

An đã có những giao hảo khá thân với Trung úy Hậu, anh nói:

-  Vì an ninh chung cho cả đơn vị, tôi nghĩ trung úy làm vậy là đúng.  Nhưng tôi sẽ cho ông sĩ quan trợ y và toán y tá của tôi đi lo dân sự vụ và phát thuốc cho dân lần này.  Toán thám báo và Trung úy sẽ lo việc kia.  Tôi muốn tránh, vì trong lòng thấy không thoải mái nếu tôi hiện diện và chính thức tham dự việc dẫn giải Hai Cua.

Trung úy Hậu đồng ý.

Sáng hôm sau, cả một lực lượng đến Xóm Chài.  Vừa công tác dân vận, vừa truy lùng người du kích cộng sản Hai Cua.   Nhưng không tìm ra hắn, nghe nói Hai Cua đã cùng mẹ và em dọn nhà đến một thôn ấp, một làng xóm nào xa xăm, không ai rõ.  Hay là có rõ, họ cũng không dám nói.  Hắn đã rời Xóm Chài hơn hai tuần trước, chỉ ít ngày sau khi hắn cùng với toán du kích gặp An lần chót bên ven bờ Sông Lớn.

********

Trong một dịp hàn huyên với bạn bè tại Sàigòn, An đem chuyện Hai Cua kể cho các bạn nghe.  Một anh bạn đặt câu hỏi:

-  Hai Cua không bắt giữ bạn, mặc dù biết rõ bạn là sĩ quan bên mình.  Bạn lại tố cáo, để lùng bắt hắn.  Có lúc nào bạn nghĩ là mình hành xử thiếu nhân hậu, kém tình nghĩa, chưa bằng một người du kích Cộng sản không?

An đã có sẵn câu trả lời:

-  Không!  bạn ơi.  Việc liên hệ, mua bán, trị bệnh lúc đầu giữa tôi và Hai Cua là theo tình cảm riêng, giao thiệp hàng ngày rất thông thường, rất tự nhiên của con người.  Chuyện sau này phải báo cáo Hai Cua là du kích bên đối phương khi đã biết chắc chắn tông tích của hắn, chỉ là bổn phận của tôi vơí đơn vị, là việc phải làm của một quân nhân cho sự an toàn của đồng ngũ và của chính mình nữa.  Mặc dù khi làm ơn, trả nghĩa ta không nên kể, cũng chẳng nên tính sổ, chẳng nên "cộng trừ".  Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, lại càng dễ để tôi quyết định.  Tôi lo chữa trị, cưú chữa Mẹ của Hai Cua một lần.  Góp phần thả hắn khi còn nghi ngờ một lần.   Hắn cho lại tôi một buồng chuối cau cùng một chục cua.  Rồi “tha tào” tôi một lần.  Nếu "kết toán" ân nghĩa, "sổ sách" coi như quân bình rồi.  Việc thông báo về tông tích Hai Cua là chuyện tôi phải làm.  Quyết định lùng bắt Hai Cua là trách nhiệm của ông Trung Úy an ninh và của vị chỉ huy.  Hơn nữa Hai Cua có để tôi đi, cũng chẳng hại gì đến cái tổ du kích của hắn.  Trái lại, nếu không báo cáo hành tung của hắn, tôi thấy có lỗi với Trung Ðoàn tôi đang phục vụ và tôi không thể nào ... ngủ yên được.

Tại đơn vị, cũng như với bạn bè, sau này không ai nhắc tới chuyện Hai Cua nữa.  Nhưng An lại gặp một trở ngại nhỏ.  Cho đến bây giờ, mỗi khi dùng món cua, cua hấp, cua xào me, cua rang muối, cua gừng hành, cua farci ..., dù đặc sắc đến đâu, An không bao giờ thưởng thức món hải sản ngon miệng này một cách hồn nhiên, "tận tình" như ngày trước nữa.  Mỗi khi dùng cua, anh luôn luôn nhớ tới người du kích cộng sản, nhiều lần gặp gỡ, khi buồn khi vui, một thời đã xa ...

 

(Trích tập Hai Bên Chiến Tuyến)

 TRẦN VĂN KHANG

 

Thân hữu nào  có nhiều kỷ niệm và yêu mến Miền Tây nam phần, xin mời thưởng thức hay nghe/xem lại ca khúc Miền Hậu Giang.  Nhạc và lời Khanh Phương, Nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm, Ca sĩ Thùy Dương trình bày, music Video do Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu thực hiện: 

https://www.youtube.com/watch?v=tkbNyhyq5u8&list=PLXRqSoCAhHBtiSvxhGzRSOkJeYbRr0uDn&index=14 

 

Kính mến, 

Trần Văn Khang
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Nov/2022 lúc 3:28pm


Tôi được “chuyển trại” về T2 (có lẽ T là Trại), thành Ông Năm ở Hóc Môn (còn gọi Mười Tám Thôn Vườn Trầu), Gia Định, sau 19 tháng ở Long Thành gần suối Tre. Trại này, sau 1975, nghe nói do Đoàn 500 trông coi. Đợt “chuyển trại” này là lần thứ nhất của chúng tôi sau khi học “mười bài”. Đợt này có khá đông người. Khi xe Molotova chở chúng tôi lăn bánh vào trại, đi qua trại tù thành Ông Năm (Liên Ðoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, trước kia do đại tá Dương Công Liêm làm liên đoàn trưởng), thấy có người lố nhố, hỏi ra mới biết đó là T1, bên trong còn có T2, T3, T4 và T5 nữa (?) dành cho nữ cảnh sát và quân đội QLVNCH. Tôi còn đi hai trại nữa ở Phước Long trước khi được “thả” về.

Có lần, tôi thấy một nữ quân nhân VNCH mặc áo bà ba trắng tất tả đi qua. Có người đã bước ra chặn đầu, hỏi thăm. Từ đó, cứ ba bốn ngày, lại thấy anh ta mang theo một hộp sữa bò đưa cho chị ấy. Không thấy mặt vì hai nguời đứng hơi xa. Về sau, hỏi ra mới biết chị ấy có mang theo con nhỏ mới sinh mấy tháng “đi học tập cải tạo” cùng với mình.

B (cấp trung đội) của tôi, do anh Vượng làm B Trưởng. B kế bên, khoảng gần 20 người, toàn là đại úy, ở đây từ trước. Đây là nơi “nhốt” các thiếu tá, trung tá, và các đại úy được “xếp” vào loại “ác ôn” như Lôi Hổ, Biệt Kích, Tình Báo…Trước ngày chúng tôi đến, toán này đã chuyển ra Bắc, chỉ còn lại vài chục người do anh Thức làm C Trưởng (cấp đại đội).

Ở T2, khi mới tới, tôi được “sắp xếp” nằm ngủ và sinh hoạt gần nhà bếp Đội. Một thời gian sau, Trại “biên chế” lại, tôi quyết định ăn cơm chung với ông già Hương cho đỡ buồn. Không biết vì đâu ông già Hương lại chọn tôi ăn chung với ổng, có lẽ vì tôi ít nói, ổng cho là tôi đàng hoàng chăng? Ông Hương kể tôi nghe ổng là thiếu úy Quân Bưu (đúng ra là thiếu úy già) ở Vĩnh Bình. Tuy lớn tuổi, ông Hương vẫn khoẻ mạnh, thân thể cường tráng và giọng nói sang sảng. Ông kể cho tôi nghe ngày ông còn làm ở Quân Bưu. Tôi gọi ông Hương là “bố” cho dễ xưng hô, còn ông cứ gọi tôi giản dị là “mày”. Có lần đưọc trại cho thăm nuôi, mẹ tôi tới thăm. Ông già Hương tưởng buồng chuối của tôi, le te vác một mạch vào trại, bở hơi tai. Khi biết của người khác, ông cứ chửi thề hoài.

Để ngăn ngừa trốn trại, “trên” ra lệnh chúng tôi đào giao thông hào quanh khu vực trại, bề ngang độ 4m, do vệ binh canh giữ ngày đêm. Cũng may, giao thông hào bằng đất cát nên chúng tôi không gặp khó khăn mấy. Khi đào xong, anh Kiếm trong B tôi là người khai mạc đầu tiên. Một đêm nhớ cha mẹ, vợ con quá, anh chui ra ngoài, bị vệ binh gác trong chòi gần đó bắn chết. Sáng hôm sau, mọi người mới đổ xô ra xem. Xác anh không đủ vắt qua bề ngang cái hào, máu loang lổ đầy người và mặt đất.

Anh Vượng cắt cử tôi đọc báo cho anh em nghe, trước khi tắt điện ngủ mỗi đêm. Nhiệm vụ của tôi là phải tự chọn 5- 6 bài báo, khi được phát vào buổi chiều. Nói thật, tôi chọn theo hứng, nghiã là muốn đọc bài nào thì đọc. Không ai thắc mắc gì cả, và tôi vẫn đọc báo cho anh nghe mỗi đêm. Tôi cố tránh những tin “khô khan” và quá dài khiến anh em mệt mỏi, buồn ngủ. Tôi biết có người không muốn nghe, nhưng phải ngồi cho hết giờ.

Có bữa ngay ban ngày, một anh đứng đọc báo đính trong bảng thông báo Đội. Trước mặt anh là bốn tờ QĐ Nhân Dân trang giữa, là trang thường in tiếp theo những bài “tham luận” chính trị khô khan, cùng một sách. Anh nói như phân trần:

– Báo với chí, chẳng có “cái đéo” gì đọc hết.

Xui cho anh, có tay quản giáo đứng sau lưng lúc đó. Gã này bèn sừng sổ:

– Báo thế này mà anh nói “chẳng có cái đéo gì” đọc à? Anh đọc cho tôi xem?

Rồi anh ta chỉ vào mấy tờ báo, nói như ra lệnh:

– Đọc xem?

Nói xong, gã bỏ đi, sau khi không quên nói:

– Không được đi đâu cả, hai giờ lữa, tôi sẽ đến kiểm cha.

Tội nghiệp cho anh bạn của tôi phải đứng ngoài nắng đọc báo. Hai tiếng sau gã trở lại thật. Anh bạn tôi vẫn còn đọc.

– Sao? Có gì đọc không?

Lần này anh bạn mới nhẹ gật đầu.

– Báo như thế mà anh nói là “không có gì để đọc”. Chỉ… nếu náo cho quen.

Nói xong, gã bỏ đi. Anh bạn tôi chỉ biết im lặng.

Một hôm, có người “giới thiệu” anh Hồng với tôi để học tiếng Anh. Anh Hồng là đại úy, trong C tôi. Anh Hồng là sĩ quan an ninh phi trường (Airbase Security Officer), nhưng quản giáo (?) không hiểu, “xuyên tạc” thành “SQ vòng đai Mác Namara). Cả đời anh cũng không biết SQ vòng đai Mác Namara là gì. Cũng vậy, trong Tổ còn có anh là SQ Không trợ Tiểu đoàn (Battalion Airplane Supporting Officer, giúp phi cơ ném bom chính xác hơn) bị đem lên “tra vấn” nhiều lần, vì không ai hiểu đó là chức vụ gì.

Tôi nhận lời vì cũng muốn cho khuây khỏa. Anh Hồng rất siêng năng. Sau giờ làm trên tiểu đoàn, lúc nào rảnh, anh lại giúp tôi “canh tác” luống rau muống Tổ phát, giúp tôi lấy phân bắc bón đất. Anh không quản ngại những việc khó khăn. Tháng đầu tôi “thu hoạch” được 55 kí, ai cũng xúyt xoa khen lời này lời kia, nhưng tôi không dám ăn dù rất đói. Tối nào anh cũng tới gặp tôi để học, bất kể trời mưa bão. Tôi nằm trên cái võng bằng vải, còn anh Hồng ngồi cạnh tôi nhỏ to. Cứ thế. Anh Hồng tiến bộ rõ rệt.

Gần hai năm sau anh về trước tôi trước những con mắt ngạc nhiên và thèm thuồng của mọi người. Đó là đợt về đầu tiên. Chúng tôi tính nhẩm anh “học” không đủ ba năm. Sau này được biết gia đình anh đi theo “diện con lai”, không phải H.O vì có nuôi một đứa con gái lai Mỹ ở Qui Nhơn và có “bảo lãnh”. Anh Hồng không bao giờ nói tôi nghe về vấn đề này.

Trong khi những người khác làm đàn, làm lược… để chơi, hay định có dịp gửi về cho mẹ, cho chị, cho em gái, hay cho người yêu đang đợi anh “tiến bộ trở về với nhân dân,” anh Hồng lại chọn tiếng Anh. Tôi biết anh Hồng học tiếng Anh cho khuây khỏa tâm hồn hay giết thì giờ, vậy thôi.

Nhờ có anh, tôi không bị đói như trước. Anh Hồng xốc vác, nhanh nhẹn, nhỏ con như tôi, làm ở Tổ rau tiểu đoàn. Chiều nào khi ở tiểu đoàn về, anh cũng mang theo “chiến lợi phẩm”, rồi lui cui nấu nướng cho tôi và anh ăn. “Chiến lợi phẩm” của anh thường là một nắm rau sam, rau đắng, hay một bó rau dền mọc hoang, trước sau chỉ là rau, nhưng có thể “cứu đói” chúng tôi nhất thời. Ăn xong, anh lại lo rửa chén, kẻo đến giờ “học”.

Tôi chợt nhớ đến bài thơ Hàn Nho Phong Vị Phú của cụ Nguyễn Công Trứ (hiệu Ngộ Trai) hình như làm cách đây 200 năm: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.” Dù hàng ngày có phải vỗ bụng rau, nhưng cụ Nguyễn Công Trứ cũng còn được vỗ tới ba lần, quá đã, còn chúng tôi không được vỗ lần nào, nghĩ mà tủi. Bỏ mấy cọng rau ít ỏi vào bụng, chưa kịp nuốt, chúng đã đi đâu tuốt luốt, lấy đâu vỗ? Định nghiã của cụ Nguyễn Công Trứ về người quân tử, cần phải xem lại. Ai chẳng “cầu no”. Tất cả mọi người đều là quân tử hết, vì ăn… chẳng cầu no bao giờ. Dù bây giờ đời thái bình, nhưng đêm ngủ rất phập phồng, lo sợ vì sợ trộm cướp có thể lẻn vô nhà, không ai dám bỏ ngỏ cửa nẻo chút nào cả.

Nhớ ngày còn ở trại Long Thành, không biết “các đỉnh cao trí tụê” khám phá ở đâu và lôi về một lô bao bột mì để chúng tôi ăn độn thay gạo. Đó là “sáng kiến” rất tuyệt. Lẽ dĩ nhiên, số bột này sẽ được thanh toán bằng số gạo tương đương. Xã hội công bằng phải như thế. Mỗi sáng khi được phát bánh bao, nhai nhệu nhạo, anh em gọi đùa là “bánh bao bất nhân” vì không có một miếng nhân nào cả. Thịt đâu ra để làm nhân? Có lần các “anh nuôi” đã dùng rau muống làm nhân, nhưng thất bại.

Bỏ đói là một trong những hình phạt dã man nhất của con ngườì từ thời cổ đại. Nạn nhân sẽ chết từ từ, sức khỏe suy kiệt vì không được ăn no, hay vì ăn thiếu chất dinh dưỡng. Nạn nhân cảm thấy mắt hoa, tay chân rệu rạo, bụng rỗng tuếch, mất hết khả năng làm việc, người lúc nào cũng lờ đờ, mệt mỏi.

Đôi lúc tôi cũng “mò mẫm” với anh Hồng nấu cơm bằng lò dầu hắc, nhưng anh nói cứ để anh nấu một mình. Thế là tôi lại đứng hay ngồi nhìn anh nấu. Thỉnh thoảng, miệng anh đọc lại những câu tiếng Anh mới học tối qua. Đó cũng là cách tôi tự giúp tôi ôn luyện thứ tiếng Anh “bát nháo” của mình ngày trước.

Thật ra, có anh Hồng, tôi cũng bớt buồn, vì nhớ mẹ và nhớ người yêu. Năm đó, tôi chưa có gia đình và nhất là… không bị đói.

Trong B của tôi có anh Bơn, người tầm thước, không mập, cũng không ốm, mặt hơi bị rỗ. Nghe nói anh là SQ biệt phái bộ Giáo Dục, dậy Việt văn lớp 8. Anh Bơn kín tiếng với mọi người, vì vậy chúng tôi không biết nhiều về anh. Chúng tôi cứ gọi anh là giáo sư (ngày xưa, ai dậy cấp 1, gọi là giáo viên; dậy cấp 2 lên đến đại học, gọi là giáo sư) cho có vẻ trịnh trọng và thân mật. Anh dậy ở Hố Nai hay Biên Hòa gì đó.

Ngày nào đi lao động, anh cũng đều vác về một khúc chuối dài chừng 3- 4 gang, cất trong đám rau lang, gần connex cũ (thùng làm bằng sắt của quân đội Mỹ, dùng chở và cất đồ quân dụng) để gạo muối của C, trước chỗ bố Hương và tôi ngủ. Thoạt đầu, chúng tôi cứ nghĩ anh Bơn vác chuối về trại để “ăn độn” với cơm cho “chắc” bụng, nên không ai thắc mắc, và đó là chuyện bình thường.

Một hôm mới 4 giờ sáng, bố Hương còn đang trằn trọc, không ngủ được, bố thính tai, nghe thấy tìếng động từ đám khoai lang, bố trở nên vui vẻ, tưởng chuột đã mắc bẫy. Phen này bố sẽ có thịt ăn, dù là “thịt chuột”. Ừ mà, “thịt chuột” thì đã sao? “thịt chuột” cũng là “thịt”. Miễn là có “thịt” là “được”. Đã 3- 4 tháng rồi, bố chưa có một chút thịt trong người, muốn bã cả bắp tay, bắp chân, chẳng muốn làm gì.

Bố Hương rón rén bước ra đám khoai lang, yên lặng đứng chờ, nhưng tuyệt nhiên không có động tĩnh gì. Cái bẫy vẫn còn nguyên như cũ. Không có chú chuột nào dính bẫy cả. Trong lúc bố Hương đang càm ràm chửi thề vì trưa mai hụt ăn một bữa “thịnh soạn”, cái connex cũ xì bắt đầu rung chuyển nhè nhẹ, tiếng người thở dồn dập. Bố Hương đứng lùi lại. “Đéo mẹ, chẳng lẽ có ma?” Bố chờ thêm 2- 3 phút nữa. Một cái đầu từ từ chui ra ngoài. Bố Hương thảng thốt kêu lên:

– Giáo sư Bơn! giáo sư, làm gì ở đây?

Đợi cho giáo sư Bơn chui ra ngoài, với 3 bao cát vải (loại quân đội Mỹ làm công sự), phủi quần áo dính đất bẩn, bố Hương hỏi:

– Giáo sư, giờ này sao ở đây? Có gì trong ba bao cát kia vậy? Mở ra xem.

Anh Bơn ngập ngừng đôi chút rồi bằng giọng nhỏ, anh lên tiếng:

– Đây là hai túi gạo, một túi muối… Bố tha cho con. “Tụi nó” mà biết… là con bị nhốt. Đói quá, bố ơi. Đói quá, con mới làm thế. Bố tha cho con. Con lạy bố.

Giáo sư Bơn lạy ông già Hương như tế sao. Ông già Hương đứng chết trân, không nói được lời nào. Bên cạnh ông là giáo sư Bơn. Vì không nhịn được những cơn đói hành hạ mỗi ngày, anh phải nâng cái connex nặng nề kia lên. Anh lợi dụng những chỗ mục nát ở đáy, kê cái connex lên, chui vào bên trong, hốt gạo và muối.

Bây giờ, ông Hương mới chợt hiểu, vì sao mỗi khi đi “lao động” về, Giáo Sư Bơn lại vác một khúc chuối, đặt ngoài bụi khoai gần cái connex, đợi khi thích hợp.

– Tao làm gì mà mày xin tao? Sao mày gan thế, Bơn? Thôi, cất cái “của nợ” này đi, mai tính.

Biết câu hỏi của mình thừa thãi, ông Hương dợm chân quay vào, nhưng giáo sư Bơn lên tiếng. Anh ngập ngừng:

– Hay là… Hay là…Bố lấy một bao gạo, ăn cho đỡ đói?

Nghe nói tới chuyện đói, bố Hương như người chợt tỉnh cơn ác mộng. Bố nhìn giáo sư Bơn đang cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại, dù lúc đó trời còn hơi lạnh:

– Cất đi. Sáng mai tính.

Bố Hương làm bộ nói, rồi lại quay vào. Bố đã nhìn thấy hai bao gạo căng đầy. Chúng sẽ giúp bố sống lại trong những ngày sắp tới, nếu bố chấp thuận lời đề nghị của giáo sư Bơn. “Ngày mai tao không còn đói nữa! Tao không còn đói nữa!” Bố muốn la lên thật to cho mọi người cùng nghe nhưng cổ họng hình như muốn nghẹt lại.

Bố Hương cười một mình, đi vào, dỗ tiếp giấc ngủ.

Sáng hôm sau, ông già Hương kể chuyện cho tôi nghe. Tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi không ngờ lại có chuyện đó xẩy ra. Tôi nói:

– Con nghĩ, bố không nhận cũng không được. Nếu bố không nhận, anh ấy sẽ cảm thấy áy náy, lo sợ bố tố cáo với “trên”. Hơn nữa, bố con mình cũng chẳng “khá” gì. Theo con, bố cứ nhận một bao gạo đi, để anh ấy yên tâm. Có đìều phải kín tiếng một chút. Đừng để ai biết.

Ông già Huơng gật đầu, cho là tôi nói phải. Mười phút sau, bao gaọ đã nằm bên cạnh tôi. Tuy không nói ra, ai cũng bìết, nhiệm vụ nấu cơm “thêm” mỗi ngày là của tôi.

Tôi với ông già Hương vẫn ăn cơm chung với nhau. Chúng tôi ngồi gần cửa cho mát, vẫn thấy giáo sư Bơn đi ra đi vào. Cả ba nhìn thấy nhau mỗi ngày, nhưng vẫn làm như không quen.

Hà Việt Hùng



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 08/Nov/2022 lúc 3:34pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Nov/2022 lúc 1:21pm

Mỗi Người Chia Nhau Một Chút Khổ 

Ga Hòa Hưng trước 75

Những ngày đầu tháng 5/1975 Sài Gòn lên cơn sốt thuốc tây và xe đạp. Thiên hạ đổ xô đi mua thuốc tây và xe đạp vì có tin đồn rằng tiền miền nam sẽ không còn giá trị và hai mặt hàng này sẽ trở nên khan hiếm trong những ngày sắp tới. Giá thuốc tây và xe đạp tăng vùn vụt nhưng người mua vẫn cứ tranh nhau mua. Trong gia đình tôi, anh Bảy vốn là người nhạy bén với những biến động kinh tế theo kiểu này nên ngay từ lúc bắt đầu cơn sốt anh mua một chiếc xe đạp do Nhật sản xuất, sau đó anh tìm mua các loại thuốc tây thường dùng.

Sáng hôm ấy, anh Bảy tiếp tục đi mua thuốc tây rất sớm. Ở nhà chẳng biết làm gì, tôi lang thang ra chỗ đường Lê Văn Duyệt tìm 1 quán cóc để uống 1 ly cà phê sáng. Khi đi ngang qua tiệm thuốc tây, tôi thoáng thấy anh Bảy trong đó.

Tôi bước vào tiệm thuốc tây.

- Xong chưa? Đi uống cà phê với em.

Anh Bảy quay lại, thay vì trả lời tôi, anh nhìn ra ngoài đường, mặt biến sắc, hốt hoảng, lắp bắp:

- Chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mới mua. Đứa nào lấy rồi. Anh mới vừa bước vào đây thôi mà.

Cạnh tiệm thuốc tây có một con hẻm nhỏ. Tôi phản ứng rất nhanh:

- Chắc nó đi chưa xa. Em đuổi theo con hẻm này, còn anh đuổi theo hướng đường Lê Văn Duyệt.

Nói xong, tôi chạy vào con hẻm. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh như bữa đó. Cứ lao về phía trước. Không thấy gì cả. Được khoảng 200 mét thì thấm mệt. Tôi bắt đầu giảm tốc độ, chạy chậm hơn. Vừa lúc ấy một bé trai khoảng hơn 10 tuổi, dáng vẻ lanh lợi, đang đứng trước cổng nhà, hỏi:

- Có chuyện gì vậy chú?

Tôi dừng lại:

- Cháu có thấy ai đi một chiếc xe đạp mới ngang qua đây không?

-Xe màu gì vậy chú?

-Màu đỏ.

Đôi mắt cậu bé sáng lên:

- Có. Cháu thấy thằng Thảo vừa đi chiếc xe đạp màu đỏ ngang qua đây.

Tôi thoáng thấy một tia hy vọng:

- Cháu này. Hồi nào tới giờ thằng Thảo có xe đạp không?

- Không đâu chú. Nó thường chơi với bọn cháu, cháu biết rõ mà. Nó làm gì có xe đạp.

- Cháu biết nhà nó ở đâu không?

- Biết chứ chú, ở gần đường xe lửa phía sau ga Hòa Hưng.

- Cháu có thể đưa chú đến nhà thằng Thảo không?

- Được mà chú. Cháu sẽ đưa chú đến nhà thằng Thảo.

Trên đường đi, tôi hỏi:

- Cháu tên gì?

- Cháu tên Thắng.

- Cháu học lớp mấy?

- Cháu học lớp năm.

- Thằng Thảo học lớp mấy?

- Nó lớn hơn cháu hai tuổi nhưng nghỉ học lâu rồi. Nhà nó nghèo lắm. Cha nó đi lính chết trận. Nó phải nghỉ học theo mẹ đi lượm ve chai để bán.

- Trước giờ nó có thường ăn cắp không?

- Không đâu chú. Nó chơi thân với cháu, cháu biết rõ mà. Nó rất đàng hoàng. Chú này, lát nữa tới nhà thằng Thảo chú đừng vào. Mẹ nó sẽ đánh nó nếu biết nó ăn cắp. Cháu sẽ vào gọi nó ra gặp chú.

Thắng đưa tôi đi thật xa, dọc theo đường rầy xe lửa, rồi chỉ vào một căn nhà nhỏ tồi tàn, cũ kỹ, mái tôn, vách ván.

- Nhà thằng Thảo đó chú. Chú đứng né vào chỗ lùm cây kia chờ cháu.

Một lát sau Thắng trở ra, chạy nhanh đến chỗ tôi.

- Nó không có ở nhà. Mẹ nó nói nó đi từ sáng sớm đến giờ chưa về.

- Tối nay chú trở lại chỗ này, cháu cố gắng tìm thằng Thảo để chú gặp. Được không?

- Thôi chú. Biết giờ nào nó mới về. Chú cứ để đó cháu tìm nó rồi đưa nó lên phường gặp chú. Cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường” mà.

Câu nói của Thắng làm tôi ngớ ra vì bất ngờ. Tôi là giáo chức trong chính quyền cũ, từ miền trung di tản vào đây, có biết trụ sở phường nằm ở chỗ nào đâu, bỗng dưng cậu bé này lại gọi tôi là “cách mạng đang làm trên phường”.

Tôi hỏi Thắng:

- Sao cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường”?

- Chiều hôm qua cháu theo mấy thằng bạn chơi đá banh ở trên phường. Cháu thấy chú ở trong đó.

Như vậy là Thắng đã lầm tôi với một người nào đó trên phường. Tuy nhiên, tôi không giải thích.

- Thắng này,nếu cháu tìm được thằng Thảo, cháu đừng đưa nó lên phường, mà đưa nó đến nhà chú vào buổi tối. Được không?

- Phải đưa nó lên phường nó mới sợ chú ơi!

- Đừng cháu. Đừng làm nó sợ. Cứ đưa nó đến nhà chú là được rồi. Nhà chú cũng ở gần đây thôi.

Tôi đưa Thắng địa chỉ chỗ tôi và mấy anh em trong gia đình đang ở nhờ và hỏi Thắng:

- Cháu biết địa chỉ này không?

- Biết chứ chú. Dễ mà. Trong xóm này, hẻm nào cháu cũng biết mà.

Về nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho mấy ông anh nghe. Nghe chuyện tôi là “cách mạng đang làm trên phường” anh Năm cười ngặt nghẽo:

- Có khi như vậy cũng hay. Để đó xem sao.

Anh Bảy bàn với tôi sẽ đi mua một chiếc xe đạp khác. Xem như chiếc kia đã mất. Không mua, vài hôm nữa sẽ chẳng còn xe để mua. Chưa chắc thằng Thảo ăn cắp chiếc xe đó, và nếu nó ăn cắp thì chuyện lấy lại chiếc xe cũng không phải là dễ dàng.

Ngay sáng hôm sau, anh Bảy xuống các cửa hàng bán xe đạp để mua xe như đã bàn. Tuy nhiên, dự tính bất thành vì giá xeđạp tăng ngất ngưởng; số tiền ít ỏi còn lại trong túi anh Bảy không đủ để mua chiếc thứ hai.

Buổi tối, trời rất nóng. Tôi và anh Bảy đang ngồi trước hiên nhà bàn công chuyện cho ngày mai bỗng nhiên có 2 cậu bé dừng trước cổng nhà, ngần ngừ một chút rồi bước vào.

Trời hơi tối,chưa kịp nhận ra 2 cậu bé này là ai thì một trong 2 đứa nói lớn:

- Cháu đưa thằng Thảo đến gặp chú. Nó lấy chiếc xe của chú đó chú ơi.

Thì ra là Thắng. Khi đưa địa chỉ nhà cho Thắng, tôi cũng đưa theo kiểu cầu may, không nghĩ Thắng sẽ đến.

Tôi bước ra, nói với Thắng:

- Cháu giỏi thật. Cám ơn cháu rất nhiều.

Để cho Thảo không sợ, tôi đến vỗ vai nó:

- Cháu vào đây chơi, nói chuyện với chú.

Tôi đưa 2 đứa vào hiên nhà, ngồi trên bậc tam cấp. Thảo có khuôn mặt hơi khắc khổ, tóc khô, nước da ngăm đen. Tôi chưa kịp nói gì thì Thắng lại lên tiếng:

- Cháu tìm được nó chiều nay ở ngoài chợ Hòa Hưng. Cháu nói chú là “cách mạng đang làm trên phường” nên nó sợ lắm.

Anh Năm từ trong nhà nói vọng ra:

- Đem nhốt nó lại.

Nghe vậy, Thảo khóc rống lên:

- Cháu sợ lắm. Đừng nhốt cháu.

Anh Năm là sĩ quan trong quân đội vừa tan hàng, chưa biết sẽ bị người ta nhốt lúc nào, bây giờ anh lại dọa, đòi nhốt thằng Thảo. Quả là buồn cười. Tôi không nhịn cười được, nói vọng vào:

- Không nhốt thằng Thảo. Nhốt anh thì có.

Thảo thật thà:

- Thiệt hả chú? Không nhốt cháu hả chú?

Nãy giờ anh Bảy ngồi im nhưng mừng ra mặt. Anh dỗ Thảo:

- Cháu để chiếc xe đạp ở đâu? Cháu đừng sợ. Sẽ không nhốt cháu đâu.

Thắng chen vào:

- Nó bán cho ông Bốn thợ mộc rồi.

- Tiền bán xe cháu để ở đâu?

- Cháu đã lấy một ít để mua thuốc và đồ ăn cho mẹ cháu. Gần 1 tuần nay bán ve chai không ai mua, nhà chẳng còn tiền, mẹ cháu lại bị đau…

Nói xong, nó lấy một gói nhỏ gói bằng giấy từ trong túi quần soọc đưa cho tôi:

- Tiền vẫn còn đây. Xin chú tha tội cho cháu.

Tôi đưa gói tiền cho anh Bảy đếm. Đếm xong, anh Bảy có vẻ không vui. Anh nói với Thảo:

- Chú muốn mua lại chiếc xe đạp này. Cháu dẫn chú đi gặp ông Bốn thợ mộc được không?

Thảo có vẻ do dự:

- Cháu không có tiền để trả lại ông Bốn. Chú ơi, cháu không dám gặp ông Bốn đâu.

- Cháu dẫn chú tới đó, còn mọi việc cứ để chú thương lượng.

- Mấy chú không nhốt cháu thì biểu cháu làm gì cháu cũng làm. Giờ này chắc ông Bốn đã đi ngủ.

- Sáng mai đi được không?

- Dạ được.

Thắng và Thảo chào rồi ra về. Tôi đi với 2 cậu bé một đoạn, vừa đi vừa hỏi Thảo:

- Chú trông cháu cũng là người đàng hoàng, sao lại ăn cắp xe đạp?

- Gần một tuần nay ve chai lượm bao nhiêu cũng có nhưng bán chẳng ai mua. Mẹ cháu lại bị đau, nhà hết tiền, cháu làm liều kiếm tiền mua thức ăn và mua thuốc cho mẹ cháu.

- Cháu tự làm chuyện này hay có ai bày không?

- Thằng Toán ở cùng xóm bày cháu. Thằng này rất giỏi chuyện ăn cắp. Nó nói theo kinh nghiệm của nó, sau khi dựng xe đạp, người ta đi thẳng vào trong tiệm, ít khi quay lưng nhìn lại. Do vậy, mình canh sẵn, họ vừa quay lưng là mình chớp thật nhanh và chạy đi ngay. Cháu làm theo lời thằng Toán bày.

- Cháu có biết là ăn cắp thì sẽ bị ở tù không?

- Cháu không biết, nhưng mẹ cháu thường nói với cháu ăn cắp là không tốt, mai mốt chết xuống sẽ bị trừng phạt. Cháu đi lượm ve chai với mẹ, thấy đồ đạc người ta để quanh nhà nhưng không bao giờ cháu lấy. Chú ơi, chú tha tội cho cháu. Cháu lỡ lần này thôi.

- Chú sẽ chẳng làm gì cháu đâu. Chú cũng không phải là “cách mạng đang làm trên phường đâu”.

Tôi quay sang Thắng:

- Chắc Thắng lầm chú với người nào trên phường.

Thắng cười bẽn lẽn:

- Vậy mà cháu cứ tưởng... Làm thằng Thảo hết hồn.

Tôi hỏi Thảo:

- Nghe nói mẹ cháu bị đau. Mai cho chú ghé thăm mẹ, rồi hẵn đến gặp ông Bốn thợ mộc. Được không?

Thảo lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu chú ơi. Lỡ chú nói với mẹ chuyện cháu làm bậy, mẹ sẽ đánh cháu.

- Chú sẽ không nói gì hết. Chỉ thăm mẹ thôi.

- Thôi chú. Cháu sợ lắm.

Tôi lấy một ít tiền lẻ dúi vào tay Thắng:

- Cho cháu cái này. Cháu mua cái gì cho Thảo cùng ăn. Chắc nó đang đói. Mai 2 đứa nhớ đến, đưa chú đi gặp ông Bốn thợ mộc.

Thắng thích chí:

- Đúng đó chú. Chiều đến giờ thằng Thảo chưa ăn gì. Cháu sẽ mua bánh mì pa-tê. Mai tụi cháu sẽ đến sớm.

Tôi quay về, nói với anh Bảy:

- Có thiếu chút ít nhưng dù sao nó cũng trả tiền lại rồi. Đi tìm ông Bốn thợ mộc làm gì cho mất công?

Anh Bảy lật qua lật lại gói tiền Thảo đưa, cười buồn:

- Hồi nãy chưa kịp nói với chú. Đã nghèo còn gặp cái eo. Tiền thằng Thảo đưa chỉ hơn nửa số tiền anh bỏ ra để mua chiếc xe đạp. Chắc nó bán rẻ. Rẻ người ta mới mua. Bây giờ chỉ còn cách tìm người mua để lấy lại chiếc xe đạp.

Sáng sớm, vừa mở cửa, Thắng và Thảo đã ngồi sẵn trước hiên nhà.

- Các cháu đến sớm vậy?

Thắng nhanh nhẩu:

- Thằng Thảo nói với cháu nó rất hối hận. Nó muốn đưa chú đến gặp ông Bốn thợ mộc ngay để lấy lại chiếc xe. Đêm qua nó chỉ mong trời sáng để sang gặp chú.

- Chờ chú một chút. Chú vào thay quần áo rồi đi.

Anh Bảy và tôi theo 2 cậu bé đi lòng vòng qua nhiều đường hẻm ở phía ga xe lửa Hòa Hưng. Mất hơn 20 phút đi bộ mới đến nhà ông Bốn thợ mộc. Căn nhà không đến nỗi tồi tàn như nhà thằng Thảo nhưng nhìn vào có thể nhận ra ngay nhà của dân nghèo.

Bốn thợ mộc trạc 40 tuổi, người hơi thấp, tóc cắt ngắn, khuôn mặt trông có vẻ thật thà. Đặc biệt, đôi chân của ông hơi khập khiểng. Thấy chúng tôi đi với Thảo và Thắng, có lẽ ông đoán được chúng tôi là ai. Ông bước ra, mặt hơi ngượng ngùng, mời chúng tôi vào. Thắng và Thảo cũng vào theo.

Bước vào nhà, tôi thấy 1 bé trai và 1 bé gái khoảng hơn 10 tuổi, nước da tái, tóc tai bù xù, đang ngồi ăn cháo với cá khô. Nghề ông là thợ mộc, nhưng nhìn quanh nhà không thấy bàn, tủ, hay đồ đạc gì đáng giá. Tôi có ý quan sát để xem ông để chiếc xe đạp ở đâu nhưng không thấy.

Anh Bảy làm ra vẻ thân thiện:

- Chào anh Bốn. Chị đâu rồi? Sao không ăn sáng với mấy cháu?

- Bà ấy bệnh và qua đời cách đây 2 năm. Tôi gà trống nuôi con.

- Anh làm nghề thợ mộc lâu chưa?

- Hơn 10 năm.

- Trước anh cũng ở trong quân đội?

- Không. Chân tôi bị tật nên được miễn dịch vì lý do sức khỏe. Từ khi mẹ cháu qua đời đến giờ, một mình nuôi con, cực khổ quá, có gì không phải mấy anh bỏ qua cho.

Tôi trấn an:

- Không có gì đâu anh Bốn. Thảo nói nó bán chiếc xe đạp cho anh?

Bốn thợ mộc gật đầu:

- Nó bán cho tôi trưa hôm qua. Nó đi ngang nhà, hỏi tôi có muốn mua xe không, nó bán.

- Anh có biết đó là đồ ăn cắp không?

- Thật tình tôi không biết. Tôi thiệt thà, ai nói gì cũng tin. Nó nói đó là xe của nó thì tôi tin là của nó nhưng khi thấy các anh đến đây tôi mới hiểu ra.

- Sao anh không mua xe ngoài tiệm, có hóa đơn, có nguồn gốc đàng hoàng?

Bốn thợ mộc thở dài:

- Bữa trước tôi có tính mua ngoài tiệm nhưng không đủ tiền.

Anh Bảy đứng dậy, nhìn quanh, rồi nói:

- Anh Bốn này. Thằng Thảo đã đưa tiền bán xe cho tôi, bây giờ tôi trả lại anh, anh cho tôi lấy lại chiếc xe đạp.

Nói xong, anh Bảy để gói tiền trên bàn.

Bốn thợ mộc ngồi im một một lúc, khuôn mặt thẫn thờ:

- Tôi bán lại cho người khác rồi.

Anh Bảy không tin:

- Mới trưa hôm qua anh mua của thằng Thảo, bây giờ anh nói anh bán cho người khác rồi. Sao mà nhanh vậy?

Bốn thợ mộc chùng giọng:

- Thấy rẻ thì ham và mua. Mua xong thấy kham không nổi. Gần 1 tuần nay không đi làm vì chẳng ai thuê. Nhà hết gạo, hết đồ ăn. Vốn liếng chỉ có chừng đó. Chiều hôm qua phải bán lại cho một người qua đường, cũng bằng giá tiền đã trả cho thằng Thảo, không lời lỗ gì. Tôi thật có lỗi với các anh.

Anh Bảy quay sang nhìn tôi, lộ vẻ thất vọng. Tôi nhìn Bốn thợ mộc. Khuôn mặt chơn chất hiền hậu thoáng có chút sợ hãi của ông trông thật tội nghiệp. 2 đứa nhỏ vừa ăn cháo xong, đang dọn chén bát mang ra ngoài sân rửa. Thảo đứng khép nép trong góc phòng. Thắng đứng bên cạnh, cầm bàn tay Thảo.

Tôi nói với anh Bảy:

- Thôi anh Bảy. Tiếc làm gì? Đáng lẽ mình đã chết trong chiến tranh, bây giờ vẫn còn sống là may lắm rồi. Còn người còn của mà. Anh Bốn đây thì nghèo, mình cũng khổ, mà mẹ thằng Thảo cũng cơ cực. Thôi thì mỗi người chia nhau một chút khổ trong lúc khó khăn này./.


Phạm Cao Hoàng
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Nov/2022 lúc 1:16pm
Con%20cò%20mà%20đi%20ăn%20đêm%20|%20Thương%20cái%20cò%20lặn%20lội%20bờ%20sông%20|%20Bay%20Nguyen%20|%20Flickr

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Nov/2022 lúc 1:19pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Dec/2022 lúc 4:49am

Chiếc Nhẫn Ân Tình 


Khoảng cuối năm 1967 tôi nhận được sự-vụ-lệnh về cầm một Đại Đội của một Tiểu Đoàn mới thành lập chưa được bao lâu, thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh lúc đó đang đồn trú tại quận Đức-Hòa.

TĐ này trước đó mấy tháng, được đặt dưới quyền chỉ-huy của một vị Th/T rất nổi tiếng bên Biệt-Động-Quân mới chuyển qua. Vì công-sự phòng-thủ chưa hoàn tất, BCH/TĐ phải tạm thời đóng trong một ngôi biệt thự của một nhà máy xay lúa. Lợi dụng cơ hội này, VC đã bất ngờ dùng đặc-công và nội-tuyến, trong một đêm đen tối, chúng đã tràn ngập vào được BCH/TĐ ngay từ những phút đầu, gây thiệt hại rất nặng cho bên ta. Tai hại nhất, chúng đã lấy đi mạng sống của cả hai vợ chồng vị TĐTrưởng mà ai đã từng là Biệt-Động-Quân cũng đều phải nghe danh: “Th/T Cọp-Ba-Đầu-Rằn”! 

Tiếc thương ông và người vợ nữ-lưu anh-hùng, nhưng mọi người thầm tự hỏi: Có phải ông đã quá khinh địch? Hay ông có điều gì bất mãn khi đang trong một binh chủng nổi tiếng, nay phải chuyển về một đơn vị bộ binh khiến ông lơ là thiếu cảnh giác? Điều này chỉ riêng mình ông biết! 

Sau trận thảm bại này, các anh em binh sĩ trong TĐ xuống tinh thần rất nhiều! Tiểu-đoàn phải chờ bổ xung thêm quân số và cần được “hấp” lại. Và tôi được chuyển về đây cũng trong dịp này. 

Trong khoảng thời gian coi như nhàn hạ này, tôi đã quen biết một đứa bé gái tên là Hân, lúc đó khoảng 8, 9 tuổi, là cháu gọi bằng dì của cô Thanh, chủ ngôi nhà mà tôi đã xin phép để đặt BCH/ĐĐ. Tôi chọn nhà cô Thanh vì không những nhà có một sân lớn, mà còn có cả một cái nhà cầu đàng hoàng! Cô Thanh, một phụ nữ khoảng trên dưới ba mươi, không đẹp cũng không xấu, ăn nói rất nhỏ nhẹ, dễ thương. Tôi không thấy chồng cô. Dù cô nghỉ dậy học đã lâu để trông coi việc ruộng nương, nhưng bà con lối xóm vẫn quen gọi cô là Cô Giáo. Dĩ nhiên cô Thanh không hề là đối-tượng của những sỹ-quan còn rất trẻ như chúng tôi hồi đó. 

Còn nhớ ngày đầu tiên gặp và nói chuyện với cô ở ngoài sân, về việc xin tạm dùng căn nhà làm BCH/ĐĐ, tôi thấy có một đứa bé gái đứng dựa lưng một gốc cau gần đó, đang nheo mắt nhìn tôi rất chăm chú. Thấy nó dễ thương, tôi quì một chân xuống ngang tầm nó và ngoắc nó lại. Nó phụng phịu lắc đầu không chịu. Cô Thanh nói như hơi gắt:

- Hân không được hỗn, lại cúi đầu chào Thiếu-úy, đi con! 

Vẫn còn phụng phịu, nó tiến lại gần tôi và lí nhí nói mấy câu gì tôi cũng không nghe rõ!

Tôi thông cảm sự thay đổi quá đột ngột đối với gia đình cô giáo, đang vắng vẻ, neo đơn; nay bỗng dưng ồn ào náo nhiệt, ra vào toàn lính là lính! 

Cô Thanh thì còn bận rộn với ruộng vườn, công thợ... chứ bé Hân thì ngoài giờ đi học, nó đụng độ tụi tôi suốt ngày! Mấy ngày đầu, nó có vẻ còn tránh né, nhưng rồi sau đó, quen hết anh hạ-sĩ y-tá này đến bác thượng-sĩ thường- vụ kia. Nó trở nên vui vẻ và hòa đồng rất nhanh với cái không khí ồn ào nhưng kỷ-luật của đời lính chúng tôi. Đặc biệt, Hân quí tôi hơn cả, vì có mấy lần tôi đã giúp em giải một vài bài toán khó trong lớp. Nó quấn quít bên tôi suốt ngày, chuyện trò líu lo không ngừng nghỉ. Có những lần tôi đi hành quân về, nó núp trong bụi, rồi chợt ùa ra ôm lấy chân tôi cười nức nở... Mới 8, 9 tuổi, mà em đã biết dành dụm tiền để mua đường, nấu đãi chúng tôi những bát chè thật ngọt ngào ấm bụng! Bù lại, những lần đi phép, không lần nào tôi không mua cho em, khi thì đồ chơi, khi khác là sách, tập... 

Hân mồ côi cả cha lẫn mẹ. 

Quê em ở mãi đâu vùng An-Hiệp, Thái-Mỹ. Em kể với tôi, nước mắt lưng tròng: Cha em một hôm đi làm ruộng, đạp nhằm phải mìn VC, chết không kịp trăn trối! Hơn năm sau, người mẹ cũng ra đi vì bịnh! Thế là em phải về núp bóng dì em, là cô giáo Thanh.

Tôi lúc đó chưa lập gia-đình, thực tình, tôi thương Hân như thương người em út, nó còn kém đứa em út của tôi ba, bốn tuổi! 

Tuy ở với dì ruột, tôi biết Hân đang thiếu một tình thương phụ mẫu, nhất là hình bóng của một người cha. Và... không phải là một nhà Tâm-lý-Học, tôi không thể biết nổi: ở tuổi nào sớm nhất, một đứa con gái có thể biết yêu? Vì có một lần, mấy cô bạn gái của tôi từ Sàigòn lên thăm. Khi họ ra về, bé Hân đã đối xử với tôi một cách rất khác thường! Nó lảng tránh và ít nói hẳn, không hồn nhiên như trước nữa! Hình như nó cũng biết hờn, ghen? Tôi nghĩ dù sao, nó chỉ là một đứa con nít! Mà đúng thế, chỉ được hai hôm là cô nàng đã quên hết ! Lại dở trò nghịch ngợm, chọc phá như cũ...


Hồi đó cứ như thế, tôi lấy tình thương yêu của anh em binh sĩ dưới quyền và luôn của bé Hân như một hơi ấm gia đình. Đang ở cái tuổi tràn đầy nhựa sống, mấy anh chàng sỹ-quan lóc chóc như tụi tôi, có thì giờ là la cà tán tỉnh mấy em cỡ tuổi đôi tám, chợt nở rộ như những bông hoa đầy hương sắc miền thôn dã, chẳng hạn như em Huệ con một ông chủ nhà máy xay, hoặc Giáng Tiên, hoa khôi tỉnh Hậu-Nghĩa! 

Thế nhưng mấy tháng nhàn hạ qua nhanh như gió thổi, khi TĐ vừa có một sinh khí mới, thì biến cố Tết Mậu-Thân xẩy ra! TĐ hành quân mệt nghỉ, ngày nào cũng có hành quân, ngày nào cũng có đụng độ, mà trận lớn nhất xẩy ra vào trước Tết khoảng 2, 3 ngày. ĐĐ của thằng bạn cùng khóa nhẩy vào giữa một TĐ VC. Chúng đang ếm quân trong khu vực Rạch Gấu, chờ xâm nhập để đánh vào Phú-Lâm ngày mồng một Tết. Hai trực thăng bị trúng đạn phải quay về, ĐĐ của nó thành ĐĐ trừ! Không đủ trực-thăng, ĐĐ của tôi phải lội bộ vào tiếp cứu. Địch áp đảo về quân số, vũ khí có thừa, nhưng mục tiêu của chúng là vùng Chợ Lớn, ngày Tết, không phải là chúng tôi. Thế nên chúng chỉ cầm cự, chờ đêm xuống là rút. Vậy mà mãi mờ sáng hôm sau, tụi tôi mới thanh toán xong mục tiêu. Nhờ những phi-vụ oanh tạc và pháo binh bắn suốt đêm, VC dù đã cố kéo theo,nhưng cũng đành để lại rất nhiều xác chết và vũ khí. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không vui gì khi phải đem ra xác thằng bạn ĐĐ Trưởng và bốn binh sĩ dưới quyền của anh! Tội nghiệp, anh quê ở HócMôn, ra trường là xin ngay về SĐ25 cho gần nhà! 

Khóa chúng tôi đã có một số nhờ tài thao lược, lòng dũng cảm, cộng thêm sự may mắn, đã vượt qua nhiều gian khổ và nguy hiểm mang lại nhiều chiến công vẻ vang cho quân đội, nổi bật nhất là Tr/T BĐQ Lê-văn-Ngôn với 510 ngày trấn thủ Tống-Lê-Chân. Đa số còn lại đều đã hy sinh khi còn rất trẻ, trong những trận đánh tuy khốc liệt, nhưng không một ai biết, chẳng một ai hay! Tên tuổi và thành tích hiếm khi được xuất hiện trên trang nhất các nhật báo, mà đa phần chỉ thấy nằm trong những khung hình chữ nhật, mầu tang đen nơi trang bốn! 

Qua hai đợt Mậu-Thân, tôi sống sót và được thăng Trung-úy, nghĩa là sớm hơn quy định khoảng gần nửa năm, nhưng đến cuối năm 1969 tôi bị thương nặng, miểng mìn văng đầy người. Tệ nhất, có một miểng chém vào động mạch bên nách phải, máu ra rất nhiều và nếu không nhờ trực thăng tản thương về bệnh viện dã chiến của SĐ25 Hoa-Kỳ, chắc chắn là tôi đã theo mấy thằng bạn vui vẻ về miền quá cố rồi! 

Khi cơn thập tử nhất sinh đã qua, tôi được chuyển về nhà thương Cộng-Hòa. 

Một hôm tôi đang nằm cho y tá rửa vết thương và thay băng thì có mấy anh em Ban 5 Trung và Tiểu Đoàn lên thăm. Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy có cả bé Hân trong đó. Nó chạy ngay lại ôm lấy tôi, nước mắt đầm đìa... Ông Thượng-sĩ thường-vụ của tôi sau khi thăm hỏi xong, nói nhỏ vào tai tôi:

- Ngày nào nó cũng lên TĐ, xin bằng được nếu khi nào TĐ lên thăm thương bịnh binh, nhớ cho phép nó đi theo!

Tôi nhìn xuống con bé đang rúc cái đầu bé nhỏ vào bụng tôi, tấm thân mảnh mai của em thì rung rung theo tiếng nấc. Tôi cúi xuống hôn trên mái tóc mềm mại của nó và cứ để như vậy một lúc lâu, bởi vì chính trong lòng tôi cũng đang ngẹn ngào, xúc động!

Lúc sau, tôi nâng cầm nó lên, trấn an nó:

- Chú không sao đâu. Chỉ một thời gian ngắn nữa là chú sẽ lành vết thương và sẽ được xuất viện.

- Rồi Trung-úy có trở lại Đại đội không? Nó ngước mặt e ngại hỏi tôi điều mà nó quan tâm nhất.

- Chú cũng không biết nữa, chắc là phải ra một hội-đồng quân-y để họ giám định. Sau đó, chú mới biết.

- Vậy khi nào xuất viện, chú xuống thăm Hân nha? Tôi mỉm cười nhìn nó:

- Chắc chắn là chú sẽ đến thăm Hân và các anh em trong đại-đội, ngay khi nào chú có thể đi được.

Lúc này mới thấy nó nở một nụ cười, rồi cúi xuống nhấc lên một túi nhỏ và lấy từ trong đó ra một ít trái cây để trên chiếc bàn nhỏ đầu giường. Thì ra nó cũng biết đem qùa cho thương binh!

Phái đoàn thăm viếng lúc này đã xin phép tôi để qua thăm các anh em thương binh khác. Trước khi ra khỏi phòng, ông thượng-sỹ thường vụ cúi xát tai Hân dặn dò:

- Khoảng nửa tiếng nữa con ra chỗ đậu xe để về nha. Về sớm cho an toàn.

Nó ngoan ngoãn gật đầu, rồi bắt đầu bi bô:

- Tháng trước ai trong đại đội cũng tin là chú đã chết rồi. Tiểu-đoàn không có tin tức gì vì chú nằm ở bệnh viện Mỹ. Mãi sau, khi họ chuyển về Cộng-Hòa mới biết chú còn sống. Dì Thanh có dắt Hân đi cầu nguyện trên chùa hoài. Dì con nói gởi lời thăm chú.

Đến đây, nó bắt đầu quay qua nhìn mấy vị sỹ-quan thương binh khác nằm cùng phòng. Chợt thấy chiếc nhẫn của tôi để trên mặt bàn lúc tháo ra cho y tá rửa vết máu trong các ngón tay, nó cầm lên ngắm nghía rồi hỏi:

- Nhẫn này của chú? Sao bự và đẹp quá vậy?

- Ừa, nhẫn của chú. Đây là chiếc nhẫn lưu-niệm của trường Võ-Bị ĐàLạt, lúc mãn khóa ai cũng có.

- Chú qúi nó lắm?

- Chú rất qúi nó, và chú đã đeo nó từ khi ra trường. 

Nó nhẹ nhàng để lại chiếc nhẫn vào chỗ cũ, rồi quay ra ôm lấy tôi, như thể không muốn xa rời. Nó kể đủ thứ chuyện ở Đức-Hòa, đâu là đại đội đã có ĐĐTrưởng mới, nhưng không còn đóng ở nhà nó nữa, các chú trong BCH/ĐĐ vẫn thường ghé thăm luôn... 

Nửa giờ sau, ông thường-vụ đã xuất hiện ở cửa phòng, nói với vào:

- Chào Trung-úy đi Hân, đến giờ về rồi.

Hân bắt đầu lúng túng, vòng tay bé nhỏ, nó cố ôm lấy tôi. Mấy phút sau, tôi phải nhẹ nhẹ gỡ nó ra:

- Thôi Hân về đi không họ chờ.

Nó nhìn tôi như muốn khóc:

- Chú hứa nha! Đừng quên đến thăm Hân nha, Hân chờ đấy! 

Nói rồi nó buông tôi, từ từ bước ra cửa, hình như nó đã khóc. Đến cửa phòng, nó quay lại nhìn tôi, bàn tay bé nhỏ của nó đang cố chùi những giọt lệ... Không cầm lòng được, tôi gọi nó:

- Hân lại đây với chú.

Tôi cầm chiếc nhẫn lưu-niệm của tôi, nhẹ nhàng để vào lòng bàn tay của nó:

- Hân giữ cho chú chiếc nhẫn này. Giữ thật kỹ và đừng cho ai biết. Hân biết là chú qúi nó như thế nào rồi. Khi nào xuất viện chú sẽ đến thăm Hân và Hân đưa lại cho chú, Thế có được không? 

Thật không ngờ, cái ý-kiến bất chợt đến với tôi lúc đó lại có tác dụng ngay. Hân vui mừng ra mặt, ít nhất nó đã có một vật làm tin kèm theo lời hứa. Lau hết nước mắt nó thủ thỉ:

- Dạ, con sẽ giữ thật kỹ, chờ khi nào Trung-úy đến con giao lại.

Tôi xoa đầu nó rồi đẩy nhẹ nó về phía cửa. Lần này, nó quay lại mỉm cười nhìn tôi và rồi bóng nó từ từ lẫn vào với dòng người thăm viếng bên hành lang bịnh-viện... 

Tôi xuất viện sau đó chừng một tháng, và phục hồi mau lẹ. Tuy vậy, phải chờ đến tháng ba năm 1973 tôi mới nhận được giấy tờ giải ngũ chính thức. Nhìn ngó bên ngoài, tôi may mắn không mất mát gì cả, nhưng những ngón tay bên mặt, nhất là ngón chỏ, không co duỗi bình thường được. Cầm tờ chứng-chỉ giải-ngũ trong tay, tôi ngậm ngùi: thế là vĩnh viễn giã từ vũ khí! 

Trong khoảng thời gian chờ quyết-định của Hội-Đồng Quân-Y, tôi đã đi Đức-Hòa thăm lại chốn xưa. ĐĐ của tôi gần như hoàn toàn mới, chỉ trừ một vài anh em trong BCH/ĐĐ nhận ra tôi, còn lính tráng hầu hết là lính mới, nhìn tôi như nhìn một người xa lạ! Chiến tranh đã làm thay đổi nhanh không thể ngờ được! 

Tôi lần mò đến nhà cô giáo Thanh để thăm cô và bé Hân nhưng thật không may, người nhà cho biết hai dì cháu cô đã đi ăn đám giỗ bên Bình Thủy, có lẽ đến chiều mới về.

Tôi buồn rầu về lại Sàigòn, tự hứa sẽ trở lại vào một dịp khác.

Chiến tranh vẫn còn đó, chiến trận gia tăng khắp mọi nơi, nhưng Sàigòn vẫn còn là một mảnh đất khá bình yên! Nó như một hải đảo nằm giữa một biển lửa. Và tôi đã phải cố gắng để thích ứng với cuộc sống hoàn toàn thay đổi. Dù sao, tôi vẫn còn trẻ. Tôi làm việc như một cái máy, nhưng tôi không còn bị cô đơn, cái cô đơn của một người chỉ huy, dù chỉ là một cấp nhỏ; tôi tự do, không còn bị ràng buộc vào một trách nhiệm có liên can đến sinh mệnh của nhiều người khác. Tâm trạng thả lỏng này đã dẫn tôi đắm mình trong thụ hưởng, để bù lại cho bao năm tháng tuổi xuân đã qua đi trong quân-trường và ngoài trận địa. 

Bận rộn vì công việc lúc ban ngày, say mê trong ánh đèn mầu của các vũ-trường vào ban đêm, tôi gần như đã quên hẳn Hân, một đứa bé đang ở một nơi thiếu an ninh, mà chỉ một năm trước, tôi đã coi nó như một đứa em ruột thịt. Tôi đã tự khất lần, và ngần ngại không muốn ra khỏi Đô-thành, nơi mà lúc nào cũng có những cuộc vui đang chờ sẵn. 

Khoảng đầu năm 1974, nhân một chuyến đi Trảng Bàng, tôi ghé vào Đức-Hòa và gặp lại Hân. Căn nhà vắng vẻ, khu xóm cũng thiếu bóng những người lính, có lẽ họ đang bận rộn trong một cuộc hành-quân nào đó. Khi tôi đến, chỉ có mình Hân ở nhà, cô Thanh có lẽ đang đi coi ruộng vườn.

Hân lúc này không còn bé nữa, em đang là một thiếu-nữ tràn đầy nhựa sống với một vẻ đẹp tự nhiên và tuyệt mỹ mà Thượng-Đế chỉ dành cho những người con gái đương độ thanh xuân. Em mừng đến rơi cả nước mắt khi thấy tôi. Rót nước mời, em vẫn thân mật nhưng tỏ ra hơi e thẹn, cái e thẹn dễ yêu của các cô gái đang dậy thì. 

Hân cho biết em đã trông mong tôi từng ngày, và rất ân hận vì lần trước tôi đến, mà em không được gặp. Lấy chiếc nhẫn dấu kín trong hộc tủ, Hân đưa nó sát mặt tôi, rồi nắm vội nó trong bàn tay và ấp lên ngực:

- Hân biết đây là chiếc nhẫn lưu-niệm của chú, nó lưu lại những kỷ-niệm của chú với quân-trường ĐàLạt; nhưng bây giờ, nó cũng đã trở thành một vật lưu-niệm của Hân. Nó đã lưu lại những kỷ-niệm giữa Hân và chú. Hân muốn được giữ nó lâu hơn nữa, như vậy có được không? 

Tôi cảm động trước những lý lẽ phát ra tự con tim của em:

- Hân cứ giữ nó đi, như vậy khi nào chú đến với Hân, chú sẽ được gặp cả hai.

Quá vui mừng, quên cả e thẹn, Hân chạy lại ôm tôi, và nói trong cảm động:

- Thực ra, khi có chiếc nhẫn bên mình, Hân có linh cảm là chú sẽ luôn luôn quay về tìm Hân, và như vậy Hân sẽ không bao giờ mất chú.

Tôi ôm chặt Hân, và hôn nhẹ trên trán em như vài năm trước, khi em còn rất nhỏ. 

Hình như Hân muốn nhiều hơn thế, em từ từ ngước mặt lên để mong hai làn môi chạm nhau, nhưng tôi đã tự dừng lại bằng cách buông lỏng em. Có phải tôi đang còn bối rối giữa Hân, một đứa bé và Hân, một cô gái đang độ xuân thì? 

Chúng tôi chia tay nhau khi ánh chiều vừa xuống. Tôi hứa với Hân sẽ lên thăm em thường hơn. Cả hai cùng bịn rịn, không nỡ rời nhau, nhưng rồi phút chia ly cũng phải tới, tôi lên xe về lại Sàigòn mang theo một hình ảnh của Hân, đầy nước mắt... 

Những tháng ngày sau đó, thời cuộc biến đổi không ngừng... Tất cả đều thất lợi cho miền Nam chúng ta. Ngay cả con đường từ Sàigòn đi Đức-Hòa cũng không còn an ninh nữa! Tiếp đến là những biến cố dồn dập, nó đến nhanh quá, như dòng thác lũ, như cơn đại hồng thủy, nó cuốn đi hết cả... Không kịp nữa rồi, những gì ta không làm, hoặc chưa làm, đành phải xếp lại trong niềm hối hận khôn nguôi...

Câu “nước mất, nhà tan” thật là thấm thía với tâm trạng của những người bỏ nước ra đi ngày ấy! Ra đi là không bao giờ nghĩ đến ngày trở lại, ra đi là chấp nhận cả một trời mù mịt, đau thương! Tôi cũng ở trong số ít những người “bất hạnh nhưng may mắn” này! Tất cả nhân dân miền Nam coi như gẫy cánh nửa đường; có khác chăng, chỉ là mỗi người “gẫy” một kiểu! 

Riêng tôi đã gẫy một lần rồi, vừa mới bắt đầu xây dựng lại, thì nay lại gẫy thêm một lần nữa... 

o O o 

Vật lộn với cuộc sống đến năm thứ 32 trên nước Mỹ, tôi quyết định nghỉ hưu vì đã thấm mệt, cả thể xác lẫn tinh thần. Những chuyện ngày xưa khi nhớ, khi quên. Nhiều chuyện quên hẳn, như gió thoảng, như mây bay!

Dòng đời thay đổi, cũng chỉ là lẽ tự nhiên của cuộc sống!

Những ngày, tháng buồn tênh, tôi chợt nhớ đến một câu thơ, không biết đã đọc được ở đâu và ai là tác giả:


Khi ta ở, đất chỉ là đất,

Khi ta đi, đất đã hóa linh hồn! 

Vâng, linh hồn của đất, của những nơi ta đã từng đi qua, những nơi ta đã từng dừng lại... Nó đã có một linh-hồn, và linh-hồn đó đã ám ảnh tim ta, như muốn gọi ta về. 

Và ... tôi đã về thăm lại Sàigòn vào năm 2007!

Vẫn biết đổi thay là lẽ tự nhiên của cuộc sống, sao tôi vẫn thấy bàng hoàng, tiếc nuối những ngày xa xưa?!

Lang thang mãi ở Sàigòn, chán! Một hôm, tôi trở lại Đức-Hòa, tò mò muốn biết giờ nó ra sao? và... những người muôn năm cũ...? Hơn ba mươi năm đã trôi qua, vật đổi sao rời, bóng chim tăm cá. 

Đức-Hòa đã thay đổi theo một chiều hướng đi xuống! Ngày xưa, dù đang là thời chiến tranh, nó vui nhộn biết là bao: hàng quán, lính tráng, người mua kẻ bán ồn ào, tấp nập. Những con đường, tuy chỉ nhỏ vừa cho hai xe nhà binh tránh nhau, nhưng đầy bóng mát của những hàng cây cao... Giờ đây, có những con đường mới mở, rộng thênh thang, thẳng tắp, nhưng trống trơn dưới ánh nắng như thiêu như đốt, không một bóng cây; xe cộ thì lẻ loi vài chiếc! Thị-xã giống như một cô gái quê, xấu, đang cố làm dáng với những vết son vụng về tô vội! 

Đến khu Bình Tả, nơi ngày xưa tôi đã đóng quân. Cảnh vật không thay đổi nhiều, nhưng sao trông thật hoang sơ, buồn thảm. Tại một ngã ba, ngày ấy có một cái quán lụp xụp, lúc nào cũng ồn ào những lính. Chính tại nơi đây, tôi đã ăn một tô hủ tíu ngon nhất trong đời! Đi vào sâu hơn khoảng trăm mét là ngôi biệt thự nhà máy xay. Căn nhà hình như đang bỏ hoang. Hỏi thăm thì biết cô Huệ đã định cư bên Úc từ lâu. Cô Giáng Tiên, hoa khôi Hậu-Nghĩa, nghe nói sau này lấy một sỹ-quan Biệt-động-quân đẹp trai, giờ này chắc đang ở bên Mỹ. Đi sâu hơn nữa thì gặp tàn tích của một cái đồn, đồn này là của tiểu-đoàn chúng tôi hồi đó. Gần đấy có cắm một cái bảng nhỏ, trên đề: Di tích lịch-sử - Cấm đến gần!

Tự nhiên, tôi thấy lạnh toát người. Có phải anh linh của bao nhiêu chiến sĩ ngày xưa, vẫn như còn đang phảng phất đâu đây?!

Ra thăm khu trung tâm thị-xã, ở đây có thay đổi chút ít. BTL/SĐ25 BB nay hình như đang là một khu dành cho trẻ em, ngay trước cổng vào có một căn nhà nhỏ, trong đó trưng bầy hình ảnh và những kỷ-vật của ông Võ văn Tần!

Chợ Đức-Hòa có xây một mặt tiền mới, quay về hướng khác, nhưng bức tường mặt tiền cũ vẫn còn nguyên. 

Đang ngơ ngáo nhìn ngó cảnh vật, tôi chợt để ý có một bà cụ cứ chăm chú nhìn tôi. Bước đi vài bước, bà lại quay đầu nhìn lại; cuối cùng bà cụ đến gần nhỏ nhẹ hỏi tôi:

- Nếu không phải, xin ông thứ lỗi. Phải ông đây là Trung-úy Phong không? 

Tôi giật bắn người. Chắc chắn đây là một người quen biết với tôi, nhưng nghĩ mãi, tôi đành chịu:

- Dạ, tôi là Phong đây! Xin lỗi, trí nhớ tôi hơi kém, bà đây là...?

- Trời đất, Mô Phật! Thiệt không ngờ cũng có ngày tôi lại gặp được Trung-úy! Tôi là Thanh đây. Xưa Trung-úy có đóng quân nhà tôi, Trung-úy còn nhớ không? 

Lúc này thì hình ảnh của một cô giáo Thanh ngày xưa đã lờ mờ lẫn vào khuôn mặt già nua của bà cụ, tôi mừng rỡ:

-...Cô giáo Thanh. Tôi nhận ra rồi. Tôi nhận ra rồi. Chà, cô trông còn mạnh lắm, đi không cần chống gậy mà. Xin mời cô vô quán nước đây ta ngồi nói chuyện.

Đôi mắt già nua của cô Thanh đã thấy có ánh nước, cô cầm tay tôi ân cần:

-Thôi, quán xá gì. Chắc là Trung-úy ở nước ngoài về thăm quê hương? Trung-úy có rảnh mời ghé lại tôi uống miếng nước. Nhà cũng gần đây thôi.

- Dạ. Tôi ra khỏi nước từ năm 75, giờ nghỉ hưu rồi mới có dịp về thăm lại. Hồi nãy đi ngang, tôi thấy nhà cũ của cô giờ dường như là một nhà máy gì đó?

- Bị nhà nằm trong khu “quy-hoạch”, nghe đâu họ đã bán đất đó cho Hàn quốc lập nhà máy may gì đó. Tôi phải mua bậy một căn nhà cũng gần chợ đây thôi, cho nó tiện. 

Mời Trung-úy đi theo tôi, chút xíu là tới à.

Lẽo đẽo theo chân bà cụ đi sâu vào một con đường nhỏ ngang hông chợ, tôi ngần ngại ngỏ ý:

- Tôi giã từ quân đội lâu lắm rồi, cô Thanh cứ gọi tôi bằng tên cho tiện.

- Không có sao đâu. Ở đây bà con cỡ tuổi tôi, ai cũng qúi những người lính Cộng-Hoà khi xưa! Lại bởi tôi quen miệng rồi, tôi nhớ trung-úy là trung-úy, gọi khác nghe kỳ lắm.

Đến đây, mặc dù tận đáy lòng, như có một chút gì hơi hổ thẹn vì sự thất hứa năm xưa, nhưng tôi không thể quên được Hân:

- Thế cháu Hân giờ sao rồi? Chắc cũng con cháu rầm rề cả!?

Cô Thanh bỗng như chùng xuống, cô nói rất nhỏ, giọng run run:

- Cháu... cháu nó không còn ở với tôi nữa. 

Vừa lúc đó, cô dừng lại trước một căn nhà, nhà của cô. Phải qua một cái sân nhỏ trước khi vào tới phòng khách. Cô Thanh dơ tay:

- Dạ, mời ngồi. Để tôi lấy nước trà mời trung-úy. 

Trong nhà còn có hai vợ chồng người bà con của cô, tuổi khoảng ngũ tuần. Cô Thanh sai họ châm bình nước trà, đoạn rót ra trân trọng mời tôi. Không giữ được kiên nhẫn, tôi hỏi:

- Hồi nãy cô nói cháu Hân không còn ở với cô. Vậy giờ cháu đang ở đâu?

Sau một hơi thở thật dài, cô Thanh bỗng bật lên khóc nức nở. Hai tay bưng mặt, cô nói trong tiếng nấc:

- Cháu nó đã mất rồi! Nó bỏ tôi đã gần ba chục năm rồi trung-úy ơi! 

Tôi bàng hoàng, choáng ngợp như vừa bị dội cả một thùng nước lạnh vào người! Qua một phút xúc động đến tột cùng, tôi lấy lại bình tĩnh:

- Cháu nó qua đời như thế nào, cô có thể cho tôi biết được không?

- Chuyện cũng hơi dài dòng, vì vậy tôi có ý mời trung-úy tới nhà, mình có nhiều thời gian hơn. Cô Thanh có vẻ đã lấy lại được chút bình tĩnh, cô tiếp:

- Tôi nhớ nó mất năm Mậu Ngọ, 1978. Lúc đó khó khăn lắm, cả nước đói! Ở quê như chúng tôi mà cũng phải ăn độn! Cháu Hân bỏ học ngay từ năm 75. Nó nói học hành gì mà tối ngày họp tổ, họp đoàn, rồi chửi bới chế độ cũ... Vậy mà cũng không thoát, nó phải nhập vào cái gì kêu là thanh-niên xung-phong gì gì đó, đi làm thủy lợi. Nghĩa là đào kinh, đắp mương đó, trung-úy. 

Ngừng lại vài giây như thể để lấy thêm sức, cô tiếp:

- Hồi đó nó đang tuổi con gái, mà ăn uống thì thiếu thốn. Lại thêm thi đua này nọ, nó bị mất sức nhiều lắm, rồi bị sốt xuất huyết. Bịnh cũng không đáng gì, nhưng thuốc men hồi đó hoàn toàn không có. Ăn còn không đủ, nói chi thuốc!... Lúc đó nó mới vừa 19 tuổi. 

Đến đây, cô lại ôm mặt nức nở... Tôi lại gần cô, vỗ về an ủi:

- Số phận đã an bài như vậy, không cho em qua được cơn khó khăn. Cô cũng không nên rầu rĩ quá không có lợi. Tuổi cô cũng như tôi, ngày một yếu kém...

- Tôi cũng biết vậy, và tôi cũng đã cố giữ gìn sức khỏe, để sống đến ngày hôm nay...

Nói tới đây, cô Thanh từ từ đứng dậy, hướng dẫn tôi đi về phía bàn thờ giữa căn nhà. 

Phía trên bàn thờ, tôi thấy có treo hai tấm hình lớn mà tôi đoán là song thân của cô Thanh; đặt trên mặt bàn thờ phía bên trái, có ba tấm hình mà một trong ba tấm đó, tôi nhận ra là em Hân. Hình chụp có lẽ vào lúc em 17, 18 tuổi, trông xinh đẹp như một bông hoa đang nở. 

Khi tôi nhìn em thì đôi mắt của em cũng đã nhìn vào tôi từ lâu lắm rồi, có lẽ ngay từ khi tôi bước vào căn nhà này! Thắp nén nhang, tôi biết tim tôi đang chảy ra thành nước, và dòng nước ấm đó đang chảy ngược lên phía đôi con mắt ... Khói nhang bốc lên không gian và tỏa rộng. Ánh sáng yếu ớt khúc-xạ qua làn khói, làm như em đang mỉm cười nhìn tôi. Có lúc lại không phải là cười, mà đang nhìn tôi như trách móc!? 

Mắt tôi bỗng nhiên hơi mờ đi, hình ảnh của Hân, một buổi chiều xa xưa trong dĩ-vãng bỗng hiện về, bé nhỏ lẫn trong đám người thăm viếng ở bịnh-viện Cộng-Hòa, em quay lại mỉm cười nhìn tôi... Và rồi lần cuối cùng tôi gặp, cánh tay bé nhỏ dơ lên chào tạm biệt khi tôi trở về Sàigòn, mắt em đầy lệ... 

Một âm thanh mơ-hồ như vọng lại từ một nơi nào xa, xa lắm:

- ...Đừng quên đến thăm Hân nha, Hân chờ đấy!...

Người tôi lúc đó như muốn rũ xuống, tôi cố gắng hết sức đứng thẳng người, nhìn tha thiết vào đôi mắt em, cầu xin một tha thứ. 

Ngay trước bức hình của em, tôi thấy có một hộp nhỏ bằng nửa bàn tay, khảm xà cừ mầu đen rất đẹp. Thấy tôi nhìn vào chiếc hộp nhỏ, cô Thanh nói như khuyến khích:

- Trung-úy cứ cầm lên và mở ra coi.

Tôi nhẹ nhẹ cầm chiếc hộp lên bằng hai tay và mở nó. Một thứ ánh sáng như lóe lên: chiếc nhẫn Võ Bị năm xưa của tôi hiện ra, sáng bóng, nằm trong hộp trên một miếng nỉ trắng. 

Cầm chiếc nhẫn trên tay, tôi chợt rùng mình, dường như có một luồng điện nhẹ đang chạy qua khắp châu thân! Qua bao năm tháng, chiếc nhẫn vẫn còn đây mà người xưa đã mất. Chiếc nhẫn như nhắc tôi một lời hứa mà tôi không giữ trọn! Nhìn giọt nước mắt rơi, tôi mới biết mình đang khóc. Thực lòng, tôi cũng không biết tôi đang khóc vì vui mừng thấy lại một kỷ-vật xưa, hay đang khóc vì tràn đầy ân hận. 

Rồi như một phản xạ, tôi đưa nó lên gần miệng, hà một hơi ấm vào viên hồng ngọc rồi chà sát nhẹ nhẹ vào ngực, phía trái tim.

Nhạt nhòa trong nhang khói, tôi thấy Hân như lại mỉm cười. Có phải tôi tưởng tượng không, hay đang có một thần giao cách cảm? 

Cô Thanh từ nãy chỉ đứng yên lặng theo dõi, bỗng cô nói, giọng nhẹ như hơi thở:

- Những lúc còn tỉnh, cháu nó đã kể hết cho tôi nghe vì sao nó có chiếc nhẫn này. Trước đó, nó đã giấu cả tôi, giữ kín và âm thầm chờ mong cho đến những ngày cuối cùng. Trước khi nhắm mắt, nó còn dặn tôi phải để chiếc nhẫn này ngay trước hình thờ của nó, vì nó quả quyết là sẽ có một ngày, một ngày trung-úy sẽ tìm đến. 

Ngừng một phút, cô nói thật nhỏ, như nói với chính mình:

- Cũng phải mất hơn ba chục năm! Giờ thì châu đã lại về hiệp phố!

Đặt lại chiếc nhẫn vào trong hộp và trân trọng để chiếc hộp vào đúng chỗ ban đầu, tôi quay qua cô Thanh: 

- Thưa cô, chắc nó không cần về “hiệp phố” nữa đâu. Tôi giữ nó chỉ có khoảng 5 năm, thế mà chiếc nhẫn này nó đã ở bên em Hân những trên ba mươi năm, những lúc em còn sống và cả những lúc em đã qua đời. Tôi không thể hình dung được rồi mai đây, bên hình của em sẽ chỉ còn là một khoảng trống. Tôi biết khi xưa, em luôn luôn muốn có chiếc nhẫn này ở bên cạnh. Cái chỗ đúng nhất của nó là ở trong cái hộp này, ở tại nơi đây! Xin phép cô, cho tôi cứ để nó bên em Hân mãi mãi... Âm dương là muôn đời cách trở, nhưng tôi muốn mượn chiếc nhẫn này, như một vật xúc-tác giữa hai linh hồn, một linh hồn sống tha-phương nơi đất khách quê người, và một linh hồn mãi mãi trên quê hương... 

o O o 

Cô Thanh ân cần mời tôi ở lại dùng cơm chiều, nhưng tôi phải từ chối vì không muốn trở lại Sàigòn khi quá tối. Tôi hẹn tuần sau sẽ lên để thăm mộ và đốt cho em Hân một nén nhang. 

Khi tiễn tôi qua chợ, cô cười nói với tôi:

- Trung-úy biết không, khi mua lại căn nhà gần chợ này, tôi cũng có chủ ý là được thấy thật nhiều du khách Việt-kiều. Thấy ai có dáng Việt-kiều là tôi ngó thiệt kỹ. Không dè cũng có ngày Trời Phật thương. 

Tôi mỉm cười trước những ý nghĩ chân chất và đôn hậu của một người miền Nam như cô Thanh. Từ giã cô, tôi theo tỉnh lộ 10 để về Sàigòn. Trước kia con đường này ít khi được xử dụng vì luôn luôn bị đắp mô, mìn bẫy... 

Thương hải biến tang điền! Ngàn xưa đến ngàn sau, dù muốn hay không, đổi thay mãi mãi vẫn là một bản chất tự nhiên của cuộc sống!

Chỉ có tình-cảm của con người, có những thứ tình-cảm mà đời đời, không bao giờ thay đổi!

 

...Vậy mà nhiều khi tôi vẫn đinh ninh rằng: Đã mất hết cả rồi!

 

 Bùi Thượng Phong

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Dec/2022 lúc 11:37am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Dec/2022 lúc 11:38am
Pin%20on%20Áo%20bà%20ba%20&%20Áo%20yếm

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 03/Dec/2022 lúc 11:38am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 92 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.926 seconds.