Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn  
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 190 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Aug/2020 lúc 8:38am

Nhớ Mẹ

Tâm%20Thư%20Của%20Người%20Mẹ%20Già%2080%20Tuổi:%20“Cảm%20Ơn%20Con%20Đã%20Báo%20Hiếu,%20Nhưng%20...

Không biết cha mẹ tôi có nợ nần oan khiên gì với đất nước của tôi, dân vốn đã nghèo lại hay chia rẽ, cha tôi qua đời lại đúng vào những năm đất nước chia hai, gia đình tan tác. Sau cái chết của cha tôi được ba hôm, mẹ tôi lặng lẽ dẫn ba đứa con nhỏ đầu chít khăn tang, với đôi tay không xuống tàu theo đoàn người di cư vào Nam. Ðến hơn hai mươi năm sau khi mẹ tôi chết, lại cũng là những năm "gạo châu củi quế", con cái đều nghèo, không đến nỗi bữa đói bữa no nhưng đời sống thật là đạm bạc, lúc mẹ nằm xuống chỉ mang theo nỗi buồn về bên kia thế giới.

Sau chiến tranh, mẹ tôi theo người con trai cả về quê vợ lập nghiệp, làm lại cuộc đời của anh bằng đôi chân đất lội suốt ngày trên những thửa ruộng. Hôm nào lúa đã xong, cha con lẵng nhẵng theo nhau ra đồng đi lưới cá. Gặp lúc được mùa cá, cá lớn cá bé chui vào cái lưới của anh, đem về nhà cho mẹ tôi làm mắm, phơi khô để dành ăn dần cho những ngày chợ quê èo uột, không mua được thức ăn thì đã có sẵn thực phẩm ở trong nhà.

Bữa cơm nhà quê thường chẳng có gì, chỉ cá mắm sống qua ngày, cùng những thứ rau trồng tỉa được, riêng rau muống thì mọc đầy, lan tràn trên những bờ ruộng như cỏ. Ngày xưa người dân quê miền Nam ít ăn rau muống, thứ rau muống ruộng chỉ để nuôi heo, sau thiếu thực phẩm họ bắt chước người Bắc làm món rau muống luộc chấm nước cá kho, rau muống xào tỏi với chút tóp mỡ, người nội trợ giỏi chế biến được món dưa rau muống, thẩu dưa màu hơi tim tím ăn chua chua ngọt ngọt cũng bắt cơm lắm. Ðược cái tuy thức ăn đơn sơ, nhưng gạo nhà quê ăn ngon và ngọt cơm hơn thứ gạo lưu cữu lâu năm cất trong kho của dân thành phố, cho nên bữa cơm nhà quê tuy không cao lương mỹ vị nhưng vẫn ngon miệng.

Những món ăn tầm thường ở miền quê qua tay mẹ tôi chế biến, bỗng trở thành những món khoái khẩu cho cả nhà. Mấy con cá rô mề, rổ ốc bươu, thùng cua đồng thêm vào những thứ rau cỏ và gia vị, bỗng chốc từ món ăn chơi ra món ăn thiệt, đầy hương vị thơm ngon cho con cháu. Món cá rô nấu xôi sắn ( gọi theo tiếng miền Bắc) hay xôi khoai mì( gọi theo miền Nam) của mẹ tôi ngon tuyệt trần đời, có một không hai ở cái miền quê hẻo lánh đó. Chỉ có mẹ tôi ở nhà quanh quẩn trong căn nhà bếp với mấy cái chuồng heo chuồng gà, phiá sau là hàng rào trồng khoai mì, đất ẩm và tốt, cây khoai mì lên sơi sởi, chỉ ít lâu là đã có củ để nấu xôi cá cho cả nhà thưởng thức. Cách nấu xôi sắn ( hay khoai mì) của mẹ tôi cũng đơn giản. Cá rô làm sạch luộc chín gỡ lấy thịt, phần nước để nấu canh cải xanh , cho thêm mấy lát gừng là cả nhà đã có món canh rau mát bụng. Sắn lột vỏ, cắt ra từng miếng nhỏ, trộn chung với nếp rồi đồ xôi cho vừa chín, khi ấy cá rô đã được ướp chút nước mắm, hành xanh, mỡ nước, mẹ tôi đổ vào chõ xôi rồi đảo nhanh để cá, mỡ hành, muối thấm đều vào nồi xôi sắn, đậy nắp lại. Bấy nhiêu thứ thấm với nhau, sau khi bắc xuống đổ ra mâm, trên mặt được phủ đều một lớp hành phi thơm điếc mũi.

Mấy ai nghĩ ra được món xôi cá như mẹ tôi, ăn rất ngon mà cũng rất đậm đà, chưa kể món bún riêu cua đồng, kiểu nhà quê không màu mè như nơi thành thị người ta cho đủ thứ vào đó, canh cua bị biến chất không còn nguyên mùi vị đồng quê của nó. Canh cua đồng phải có cây chuối non xắt mỏng, ăn kèm với rau kinh giới, phải có gạch cua còn tươi xào với mỡ hành đổ vào nồi khi nấu xong, không phải dùng thứ bột điều để làm màu cho nồi canh, nhưng đã có cà chua, gạch cua làm sóng sánh một màu vàng óng ả. Một buổi chiều miền quê khi mặt trời ngả bóng đằng Tây, công việc đồng áng, vườn tược đã xong, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, thưởng thức món bún riêu cua nhà quê miền Bắc, không có gì ngon hơn.

Món ốc bươu nấu khế chua với chút cơm mẻ của mẹ tôi, cá nướng quấn lá lốt đều là những món được chế biến từ những rau cỏ mọc quanh vườn. Rồi cua đồng rang muối, cá trê vàng nấu canh dưa cải ăn với rau sống vừa mát vừa lành, không có trong thực đơn cuả những cửa hàng sang trọng, giờ này theo thời gian đã bị tam sao thất bổn trong lũ con cháu tản mát khắp nơi. Tổ Quốc vẫn như bà mẹ hiền nhưng đã thay hình đổi dạng theo trào lưu tiến hoá của con người và xã hội, hình ảnh bà mẹ quê hiền lành, chịu thương chịu khó như mẹ tôi, lần hồi chìm lỉm trong hồi tưởng cuả những người con còn bám vào những đềm êm của quá khứ. Những người con tha phương cuả mẹ, bây giờ được làm con nuôi khắp xứ, quen dần với những tiện nghi, miếng cơm con cá xứ người, dễ dầu gì được thưởng thức trọn vẹn mùi vị "hương đồng cỏ nội" của những bà mẹ quê tần tảo hôm sớm ngày xưa.

Quanh đi quẩn lại nhà nhà cứ "liệu cơm gắp mắm" mà sống qua ngày, nhưng "một bà mẹ già bằng ba công ruộng", thật chỉ có bà mẹ quê Việt Nam mới diễn tả được hết cái thâm trầm của câu ví ấy. Các cháu con anh tôi lớn lên sơi sởi nhờ sự vun khéo của bà nội, con cua con ốc cũng trở thành những món ngon lành cho con nhà nghèo ở miền quê. Không làm sao nói hết được công lao của người mẹ trong gia đình, dù chỉ là một cái bóng mờ thấp thoáng, lủi thủi trong căn nhà bếp đầy bồ hóng, ngoài bến nước để gọi vịt về chuồng, suốt ngày con gà, con heo luẩn quẩn đi theo để xin ăn, mới thấy được hình ảnh người mẹ quê Việt Nam đẹp biết chừng nào.

Tấm tình của mẹ tôi như lan tỏa được đến với những con vật nuôi trong nhà, từ con chó Tony hiền lành đứng nhìn bầy con tranh ăn dường như cũng ảnh hưởng bởi cái tính hiền lành của mẹ tôi. Con gà mẹ sắp chết cũng biết xòe đôi cánh gọi bầy con chui vào đôi cánh mẹ rồi mới rũ xuống lìa đời. Con heo con gà nhà quê cũng ngộ, vẫn được thả rông để sinh hoạt thong thả như con người, vì thế mà một lần mẹ tôi ốm, hai con heo con dù được người khác cho ăn no, vẫn ụt ịt đi tìm mẹ tôi đang nằm trên chiếc giường con ở nhà trên. Y như hai đứa trẻ con thiếu hơi mẹ, khi mẹ tôi qua chơi nhà hàng xóm, hai chú heo con đã vội vã chạy theo luẩn quẩn bên cạnh bà, nằm bẹp xuống chờ đợi. Con heo con gà được nuôi để bán lấy tiền, để làm thịt ăn mà chúng còn tình nghiã với mẹ tôi như vậy, còn lũ con cháu cứ dần dần bỏ mẹ mà đi, thật qủa đáng trách. . .

* * *

Trước khi mẹ tôi qua đời độ một tháng, chị em tôi có về thăm mẹ. Mẹ tôi gầy lắm, không đi được nữa, căn bịnh già và mấy thứ thuốc bổ dưỡng Dân Tộc không làm bà khoẻ hơn, cứ từ từ xụm xuống rồi lưng cong lại và không đứng dậy được. Bây giờ thì tôi mới biết đó là chứng loãng xương ở tuổi già, cũng do lao lực làm việc và ăn uống không đủ chất. Thời buổi ấy chỉ nghĩ đến cơm ăn ngày hai bữa, đâu có ai chú ý đến sự săn sóc, bồi dưỡng cơ thể để được sống lâu, sống khoẻ như bây giờ. Hễ máu cao đứt mạch mà "đi" bất tử thì gọi là chết vì trúng gió, còn già mà chết lần chết mòn thì gọi là bịnh già, chưa kể còn trăm thứ bịnh không được chữa trị tới nơi tới chốn, hễ may mà hết bịnh thì được cho là phép lạ, ơn trên độ cho mà khỏi bịnh.

Mẹ tôi tỉnh cho tới lúc chết, nằm trên giường nhưng vẫn nhắc cho heo ăn, gà ăn, thấy ngả bóng chiều là nhắc con, cháu cho gà lên chuồng, lấy quần áo phơi ngoài sân vào nhà vì sợ sương đêm, khi trời mưa nhắc hứng nước mưa vào lu để dành uống. Không biết mẹ tôi lo chuyện đời làm chi cho khổ thân, chẳng qua cái lòng cuả người mẹ lúc nào cũng băn khoăn từng ly từng tý cho con cháu.

Những lúc gần gũi hai cô con gái ở xa về, mẹ tôi vui lắm. Mẹ tôi trìu mến nhìn tôi rồi khen cô con Uùt tuy không còn trẻ mà trông vẫn còn xinh, chị tôi gầy ốm hơn, nhan săc tiều tuỵ vì nặng gánh chồng con, mẹ tôi nhìn rồi thở dài thương sót. Chúng tôi hồi còn bé, mẹ goá con mồ côi nên nhà cửa xuyềnh xoàng, sa sút, nhưng đi đâu mẹ tôi vẫn cho chị em tôi ăn mặc tươm tất lắm, áo gấm kiềng vàng, chứ không lôi thôi lếch thếch, mấy tấm hình hồi bé tôi mũm mĩm như con búp bê, đôi má lúm đồng tiền trông thật xinh. Mẹ tôi tiếc rằng không còn gì để lại cho các con, bao nhiêu năm chắt chiu tiện tặn bỗng chốc mà tay trắng vì thời cuộc đảo điên. Chúng tôi biết ngày đi của mẹ gần kề, chỉ khuyên mẹ đừng nghĩ ngợi, để lúc ra đi lòng được thanh thản mà gặp lại cha tôi bên kia thế giới.

Nhân nhắc đến cha tôi, mẹ tôi mới nhớ lại giấc chiêm bao vừa xảy ra được ít lâu trước ngày mẹ ốm nặng. Mẹ tôi thấy cha tôi trở về, có lẽ là giấc mơ cuối cùng mẹ nhìn thấy cha trong giấc mơ của đời người sắp tàn ấy, lại là một giấc mơ dường như báo trước ngày cha rước mẹ đi, như ngày cha rước mẹ về thời còn trẻ để bước vào đời nhau, sinh sản được một lũ con giờ tan tác như nghé lạc bầy.

Mẹ tôi kể gặp lại cha tôi trong giấc chiêm bao. Ông hỏi bà còn gì không? Mẹ tôi chực nhớ lại những món nữ trang mà cha tôi mua cho mẹ hồi mới cưới. Ðôi bông tai vàng y hột đá, có hai cái đuôi như đuôi cá thả xuống đằng sau tai, sợi dây chuyền có cây thánh giá, đôi xuyến đeo tay cũng bằng vàng, kể ra thời ấy cha mẹ tôi phải khá giả lắm mới sắm sưả được như vậy. Mẹ tôi lắc đầu nhưng cha tôi không trách móc, ông bảo mẹ tôi đưa tay ra để tặng cho bà những món quà mới, lúc mẹ xoè tay ra nhận thì chỉ là đôi bông tai, sợi giây chuyền và cây Thánh giá kết bằng cỏ. Giấc mơ ấy như nói trước ngày giờ của mẹ đã tới, cát bụi lại trở về cát bụi, những gì cuả cha mua cho mẹ thì cũng chỉ là tro bụi khi con người buông xuôi hai tay để đi vào lòng đất . . .

Thấy mẹ buồn vì không còn gì để chia cho các con đang vất vả vì miếng cơm manh áo, chị em tôi vin vào giấc chiêm bao ấy để an ủi mẹ. Tôi vốn tính hay đùa, trước cảnh chia ly tử biệt sắp đến tôi vẫn hay pha trò để mẹ tôi phải cười mà quên nghĩ đến nỗi buồn kẻ ở, người đi. Tôi còn hát cho mẹ nghe, trong khi chị tôi cầm chiếc quạt phe phẩy cho mẹ nằm yên, có lẽ mẹ tôi đang lắng nghe những lời hát êm êm ru hồn mẹ vào những giờ phút cuối cùng khi mẹ con gần gũi.

Mẹ tôi bảo hai chị em khuân chiếc rương gỗ ra để mẹ tôi ngắm nghiá những kỷ vật của mẹ . Chiếc áo dài gấm còn mới tinh ít khi xỏ tay, mẹ tôi khi đi nhà thờ chỉ mặc có mỗi chiếc áo dài soa màu cánh dán, lấm tấm những chấm thâm kim trên lưng áo. Ðôi quần sa tanh còn mới tinh, đôi dép da đen thấp gót và mấy cái áo bà ba còn mới được xếp gọn trong rương, vài khúc vải chưa kịp may mẹ tôi dặn đừng chôn, để dành may áo cho các cháu đi học. Ngoài ra là những tấm hình cũ hồi tụi tôi còn bé, nay đã bị loang lổ, hình bóng cũng mập mờ với thời gian.

Trong số những đồ vật lặt vặt ấy, có chiếc khăn voan màu đen choàng đầu tôi mua cho mẹ tôi bằng món tiền đầu tiên kiếm được, ngày xưa thỉnh thoảng những hôm trời lạnh, mẹ tôi hay phủ nó ra ngoài chiếc khăn vành dây trên mái tóc. Chiếc khăn voan quấn bên ngoài vài món nho nhỏ khác, trong ấy có cây thập giá mạ vàng. Nhắc tới cây thập giá này tôi lại nhớ chị tôi, đó là món quà muà Giáng Sinh chị đi học xa gửi về làm quà cho cô em bé bỏng út ít của mình. Món quà gồm một cái quạt nhựa xoè ra bằng bàn tay, một con búp bê rẻ tiền cũng chỉ độ bằng gang tay và cây thập giá mạ vàng khoảng một tấc. Tôi dạo ấy còn bé nên chỉ thích chiếc quạt nhựa và con búp bê, không thiết gì tới cây thập giá mạ vàng kia, nhờ vậy mà nó mới còn đó, trong cái rương gỗ của mẹ tôi.

Khi nhìn thấy cây thập giá mạ vàng, trong tôi như sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, tình chị em khắn khít với nhau qua những món quà nho nhỏ còn kia. Mẹ tôi bảo tôi đưa cho bà cây thập giá, món quà duy nhất còn lại hồi tôi mới lên mười. Chúng tôi lớn dần lên, ra khỏi nhà và vứt lại cho mẹ tôi những món kỷ niệm nhỏ bé, mẹ tôi cứ như "ông từ giữ đền" ngồi gom góp nhặt nhạnh những kỷ niệm cuả các con, ôm mang chất chồng trong lòng trong khi các con phủi tay mà đi. Tôi còn tìm được dưới đáy rương những tấm ảnh thời đi học, vài lá thư của bạn bè gửi cho nhau , vài tấm thiệp chúc Xuân có cây mai vàng, có bầy én lượn mẹ tôi cũng lượm lặt gói vào cái túi ny lông cột lại cẩn thận, những kỷ niệm dễ thương của một tuổi thanh xuân chúng tôi làm rơi rớt, mẹ tôi cũng nâng niu gìn giữ.

Bắt đầu từ đấy, mẹ tôi giữ cây thập giá trên tay cho tới giây phút cuối cùng của đời người, và khi liệm xác mẹ, nó đã được trở về với tôi sau bao nhiêu năm ròng rã tôi đã quên mất không nghĩ tới. Tôi không nghĩ là mẹ tôi đã chuyển cho tôi nỗi đau khổ cuả cây thập giá mà mẹ tôi đeo mang suốt một đời, nhưng từ đấy tôi xem cây thập giá như một nỗi bình yên khi mỗi lần gặp chuyện buồn phiền, đau khổ. Tôi để cây thập giá mạ vàng trong một chỗ trang trọng nhất, để mỗi lần nhìn thấy là tôi hình dung ra cái tình ấm áp của mẹ tôi và chị tôi, vẫn là điểm tựa tinh thần để tôi vượt qua những nỗi buồn của đời vậy.

* * *

Khi chôn cất mẹ xong, chị em tôi ở lại vài ngày, vẫn hay hụt hẫng khi nhìn vào chiếc giường nhỏ của mẹ, chỗ mẹ nằm và tưởng như mẹ vẫn còn đó. Thế là hết một kiếp người. Ðêm đầu tiên ngồi cầu kinh cho mẹ, có con bướm đêm bay vào nhà, đậu trên bàn thờ quấn quýt dưới ngọn đèn dầu leo lét. Tôi nói với chị tôi cầu nguyện cho mẹ đi bình yên, đừng nắm nuối cõi trần tạm bợ khổ đau này, ăn bữa sáng lo bữa tối, ốm đau bịnh tật, con người chỉ tìm cách hành hạ nhau. Biết mẹ tôi thích nghe tôi hát, lúc ấy trong căn nhà miền quê giữa khu vườn đầy bóng cây âm u, thỉnh thoảng nghe tiếng chim kêu dưới mảnh trăng khuya vừa nhô lên nền trời đen thẫm, tôi hát say sưa bài " Lòng Mẹ", nghẹn ngào mà hát khi nước mắt tuôn ướt đầm trên mặt gối. . .

Tình cờ, chị em tôi lục lọi trên chiếc kệ để quần áo cũ, mới mò ra hai chiếc áo cũ của mẹ tôi còn sót lại. Một chiếc áo cánh nâu bằng vải ngắn tay và chiếc áo dài soa Thái Lan màu cánh dán đã cũ, có khi chưa kịp giặt và được xếp vào đấy rồi quên bẵng đi. Nhìn thấy hai cái áo cũ của mẹ tôi, hai đứa con gái mồ côi như bắt được vàng. Chị tôi hiền lành, hay nhường nhịn dành cho tôi chiếc áo dài của mẹ, có lẽ mẹ tôi chỉ mặc khi đi nhà thờ, về lại treo lên đó. Chiếc áo ướt mồ hôi đã bị nhiều chấm thâm kim trên lưng áo, dường như vẫn còn giữ được chút hơi của mẹ ủ trong hai chiếc áo cũ.

Chiếc áo cánh màu nâu đã bạc hai bên vai, tấm thân gầy gò của mẹ tôi như còn in trên lằn vải những nếp nhăn ở hai bên nách áo, cái túi áo còn đầy những dấu kim băng, mẹ tôi vẫn cẩn thận gài vì sợ rơi mất mấy đồng bạc lẻ và chuỗi tràng hạt bằng đá. Chiếc áo dài cũng đã cũ, những đường chỉ luồn trên vạt áo cũng bạc màu, theo năm tháng cuộc đời cái gì cũng tàn phai cả, chẳng giữ lại được gì. Hai chị em vùi mặt vào hai tấm áo cũ của mẹ, thút thít khóc . . .

Mẹ tôi về với cha tôi ở bên kia thế giới lâu rồi, lâu lắm rồi, chỉ còn để lại trần gian hai tấm áo cũ cho hai đứa con gái, mà mỗi đưá lại ở một phương cách nửa vòng trái đất. Tôi quên hỏi chị tôi ở bên kia về tấm áo cánh nâu của mẹ có còn không, riêng tôi, đi đâu cũng đem theo chiếc áo dài màu cánh dán đã thâm kim vì những giọt mồ hôi của mẹ trên lưng áo. Tôi cắt cho người chị lớn một mảnh nhỏ, chị em chia nhau gia tài cuả mẹ, lòng vẫn bồi hồi thương nhớ.

Nguyên Nhung

 

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Aug/2020 lúc 11:37am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Sep/2020 lúc 12:51pm

Bà Năm

Nhạc%20Dân%20Ca:%20Bà%20Năm%20-%20Cẩm%20Ly

 Ngày xưa, trong xóm tui không có gia đình nào nghèo như nhà Bà Năm, Hai ông bà tuổi khá cao, ông Năm thì mang trong người căn bệnh Lao phổi nên ho hen tối ngày, bà Năm có hơi khỏe hơn một chút, nên hàng ngày bà mang cái rổ tre ra chợ Gò Vấp, bà mua ít rau cải hoặc trái cây gì đó ở chợ đầu dưới, rồi bà lên chợ đầu trên chỗ gần Bưu điện hồi xưa để ngồi bán lại, tuy không có " lời lãi " bao nhiêu, nhưng cũng tạm đủ cho gia đình bà sống đắp đổi qua ngày, còn thằng Thành con bà nó tuy còn nhỏ tuổi nhưng, sức vóc cao ráo nên nó chạy xe ba gác đạp để kiếm tiền phụ giúp thêm cho gia đình.
                         ***
  Nói theo thuyết của nhà Phật, không biết bà Năm có "Nợ nần tiền kiếp" gì  với cái đám "xây lố cố" tụi tui hay không, mà tại sao trong xóm thiếu gì nhà tụi tui không chọc phá, mà chỉ quanh đi quẩn lại phá bà Năm tối ngày, tui nghĩ lại chắc cũng một phần bà Năm hay nói nhiều, phần nữa mỗi khi bà la rầy thằng Thành việc gì đó, tụi tui xúm lại xem rồi "Chế thêm dầu vào lửa" cho bà chửi tiếp, khiến cả đám khoái chí cười vui thích thú, cũng chưa chịu dừng lại chỗ đó, đôi lúc tụi tui phá bà những chuyện lặt vặt khác nữa, một vài lần đầu bà không để ý, nhưng sự việc cứ lập đi lập lại hoài khiến bà nghi ngờ, bà nghiệm đi nghiệm lại cuối cùng bà cũng biết đám "Quỷ nhỏ" phá làng phá xóm chứ còn "Ai trồng khoai đất này".
                          ***
 Bữa nọ khi bán xong rổ hàng hóa, bà Năm mua đem về một ít thức ăn, để lo cho thằng Thành buổi cơm trưa, vừa bước chân vô nhà bà nhìn lên bàn thờ ông Năm (Ông mất được vài tháng), bà thấy cây đèn dầu Hoa kỳ ai đốt lên và vặn tim đèn cháy cao nghiệu, khói đen từ ngọn lửa của tim đèn bay lên giống như : "Ống khói tàu" khiến bà phát hoảng la lên:

 - Chèn ơi, ai đốt đèn kiểu này cháy nhà có ngày chứ chẳng chơi đâu nha, phá gì phá dữ thần vậy.

 Nghe tiếng bà Năm la, cô Sáu Láng mở cánh cửa sổ phía lưng nhà của cô, nó đối diện với trước nhà bà Năm, cô Sáu hỏi:

 -Vụ gì đó chị Năm, nghe bà la tui hết hồn hết vía hà.

Bà Năm chỉ tay về hướng cây đèn dầu đang cháy cho cô Sáu thấy:

- Đó cô Sáu coi đi, hồi sớm khi ra khỏi nhà tui tắt hết đèn đuốc, vậy mà giờ tự nhiên đèn cháy dữ dội luôn.

Biết bà Năm cũng hay nhớ trước quên sau, cô Sáu nói:

-Chị Năm nhớ kỹ đi, coi chừng chị quên tắt đó chứ ai mà phá kỳ cục như vậy .

Bà Năm quả quyết:

- Tui chờ thằng Thành đi khỏi nhà rồi tui mới đi bán, tui nhớ tắt đèn hết ráo mà, kể cả cây đèn dầu "Hột vịt" thờ ổng tui cũng thổi tắt luôn, tui sợ ba con mèo, con chuột nó leo lên làm đỗ đèn thì cháy nhà như không hà.

Cô Sáu nghe vậy, bèn nêu thắc mắc :

- Vậy ai làm ta?

Bà Năm nói không cần suy nghĩ:

- Đám quỷ nhỏ xóm mình đó, chứ ai vô đây cô Sáu.

 Đang núp trong cái đường chẹt bên hông nhà bà Năm, khi nghe bà nghi ngờ như vậy, đám tụi tui ló đầu ra rồi làm bộ "Ngây thơ cụ", tui lên tiếng hỏi:

- Có chuyện gì vậy bà Năm.

Không nói không rằng, bà cầm chiếc guốc vong chọi về phía tụi tui, rồi bà nói:

- Mấy thằng bây phá chứ ai, bày đặt hỏi nữa hả, chơi gì chứ chơi vầy là nguy hiểm lắm đó, lỡ cháy nhà có phải khổ cả xóm không.

Nghe bà Năm rủa dữ quá, nhưng muốn cho bà hạ hỏa, tui làm bộ lái câu chuyện sang hướng khác, tui nói:

-Chèn ơi! Có khi nào bà mần cái gì đó khiến ông Năm giận hông , tui nghe nói người chết họ cũng linh thiêng lắm đó bà Năm, họ không vừa lòng chuyện gì họ hay làm những hiện tượng lạ, nhằm cho người nhà biết thái độ không vừa lòng đó .

Bà Năm đang chú ý thằng Cảnh, nhưng nghe tui "Đế" vô chuyện huyền bí này, bà xoay qua nói:

- Ý thằng Phương bây nói, vụ cây đèn hôm nay là do ông Năm tự làm cháy hả, thôi đừng bá láp nữa bây ơi, tao không tin ba cái chuyện đó đâu.

Như cố "Thanh minh" sự trong sạch vô can của đám mình, thằng Cảnh cháu cậu Tư tắc xi lên tiếng :

 - Bà Năm nghi oan cho tụi con quá, nãy giờ tụi con chơi đánh đáo phía sân nhà cô Ba Sao chứ có vô đây đâu, bà Năm hổng tin tụi con thề cho bà Năm coi.

 Để chắc ăn, thằng Cảnh thề cho bà Tin, Cảnh nhà ta nhanh chóng giơ tay lên khỏi đầu rồi thề:

-Tụi con có làm vậy cho Chó cắn đi, rồi đó bà Năm tin chưa?

Tuy đang bực bội, bà Năm cũng bật lên tiếng cười:

- Thôi tao sợ tụi bây quá rồi, lần nào cũng thề kiểu này hết trơn á, có ngày đó nha mấy đứa, tao thấy con "Bẹc grê"nhà cô Năm má con Phương kế bên kìa, nó biết bây thề cũng có ngày nó táp sứt (dái) hết, lúc đó đừng kêu trời nghe chưa.

 Chú Ba Thợ mộc, người hàng xóm kế bên nhà bà Năm đang cưa rọc mấy cây gỗ Dầu để làm đố cửa, nghe bà Năm rủa xả mấy đứa nhỏ như vậy, chú Ba nỗi máu tiếu lâm chú bèn ngưng tay rồi lên tiếng:

 - Chèn ơi, bà Năm nói vậy tụi nghiệp mấy đứa, chó nhà con Phương mà cắn như bà nói thì tụi nhỏ bị mất giống hết sao.

Bà Năm chưa hết giận, nghe chú Ba thợ mộc bênh vực tụi tui bà tức khí nói lớn:

-Cũng Dượng Ba nữa, dượng cứ bênh tụi nó hoài, nó phá riết sao tui chịu được.

 Thím Ba nghe bà Năm nói vậy, thím lấy tay vỗ nhẹ vô vai chú Ba rồi thím nói:

- Cái ông này, đừng có cà rỡn nữa, không khéo bà Năm nói ông "Bắt cầu" cho mấy đứa quậy bả cho coi.

Chú Ba làm bộ sửa sai, chú Ba nói :

- Tui biết rồi mình ơi, nói giỡn cho vui đó mà, thôi mấy đứa xin lỗi bà Năm đi.

 Nói xong chú nháy con mắt lia lịa, ngầm ra hiệu cho đám tụi tui tìm cách hạ hỏa bà Năm cho yên chuyện.

Thằng Lạc Lớn nhanh miệng, nó vội tới trước mặt bà Năm lễ phép khoanh tay và cúi đầu để xin lỗi:

- Dạ con xin đại diện mấy đứa tụi nó, xin lỗi bà Năm, từ rày trở đi tụi con  không dám phá phách bà Năm nữa.

 Công nhận  lời xin lỗi của thằng Lạc linh nghiệm vô cùng, bà Năm đang ở trạng thái giận dữ, khi thằng Lạc dứt lời, bà Năm cười tươi rói, bà vỗ vai thằng Lạc, bà nói:

- Cha chả , mấy đứa xin lỗi tao  lần thứ mấy rồi nhớ không?

Tui xía cái miệng vô :

- Thì áng chừng năm sáu lần gì đó bà Năm ơi!.

Bà Năm cười gằn giọng:

- Hổng dám năm sáu lần đâu, tụi bây quậy tao cũng chục lần rồi đó, gần đây nhứt là lấy quần áo của thằng Thành độn mền vô rồi thả trên giường, tao tưởng nó còn ngủ nướng quất cho mấy roi, dè đâu "Hình nhân thế mạng" , mấy bây phá phách " Trời gần đất lỡ " chứ chẳng chơi à nghe.

 Thằng Cảnh bước tới bên thờ ông Năm, nó  thò tay tắt cây đèn dầu rồi nói:

 Thôi tụi mình dìa đi, để bà Năm còn lo cơm nước cho thằng Thành nữa.
                        ***
 Chiều nọ khi cơm nước xong, cả đám tụi tui tụ tập trước hàng ba nhà chú Ba thợ mộc để tán dóc, sau một ngày làm việc vất vả chú ba ngồi lai rai xị rượu với dượng Sáu và chú Năm Hải trong xóm, còn mấy nhóc tỳ tụi tui thì ngồi coi thằng Mẫm và thằng Thành đấu cờ tướng, cờ thằng Mẫm mới dòm vô thấy đang thắng thế, nó đang "gáy" rân với thằng Thành, bổng thằng Cảnh xía vô chỉ nước đi cho thằng Thành, chỉ vài nước đi tiếp theo thì Mẫm bị Thành chiếu bí, tức tối vì bị thằng Cảnh phá đám, người ta hay nói câu "Bên ngoài thì sáng, bên trong thì quáng" ,vì đánh cờ Tướng thường thì kẻ ngồi bên ngoài lúc nào cũng nhìn bao quát hơn người đang chơi, nên họ giao kèo với nhau, cấm không cho người bên ngoài chỉ chỏ,  nên thằng Mẫm trả thù liền, nó đứng dậy rồi đến trước cửa nhà bà Năm nó réo lên:

- Bà Năm ơi, ra đây con nói bà nghe vụ này hay lắm nè.

Đang luu cui dọn dẹp dưới nhà, bà Năm đi lên nhà trên, rồi bà hỏi thằng Mẫm:

 -Vụ gì nữa đây ông con, mấy ông tính phá gì nữa đây.

Mẫn nhanh chóng nói:

-  Hổm rày bà khui lon hộp "Cốc tai" chưa.

 Nghe Mẫm nói vậy, bà Năm nói:

-Phải cái lon trái cây thập cẩm thím Ba cho tao hôm trước phải không? Chưa khui đâu, mà có gì hông sao tự nhiên hôm nay lại hỏi nó vậy.

- Bà Năm cứ đem ra khui liền đi, sẳn có mấy thằng nó ở đây nè. Bà mần liền đi bà Năm.

 Nể lời Mẫm vì chính tay nó cầm hộp "Cốc tai" này trao cho bà Năm cách đây mấy hôm, do thím Ba chị của Mẫm tặng cho bà Năm ăn lấy thảo, bà liền đi vô mang ra khui liền theo yêu cầu của thằng Mẫm.

 Khi khui cái lon đồ hộp này, nó cứ bị trật vuột hoài không trơn tru như những lần bà khui các lon đồ hộp khác, bà mắng vốn với thằng Mẫm:

Chèn đéc ơi, sao cái lon này khui khó thấy tía luôn, đâu bây khui giùm tao cái coi.

 Mẫm đón lấy cái lon đồ hộp và cái đồ khui, thay vì nó khui giùm cho bà Năm, đàng này nó đưa cho Thành con bà khui giúp,.

 Thằng Thành ngắm nghía lon đồ hộp , bổng gương mặt nó châu lại, rồi nó nói:

- Nghi cái lon này giả mạo quá, sao cái nắp trong kẹt nó cộm cộm không như mấy lon đồ hộp bình thường.

Nó lật cái đít hộp lên so sánh với cái nắp phía trên, rồi nó quyết định khui dưới đáy cái hộp Cốc tai kia, chừng cái nắp được mở bung ra, thay vì có nước đường và các loại trái cây thập cẩm bên trong, đàng này nó thấy mấy đồng bạc chì nằm dưới đáy lon chìm trong nước lả.

Thằng Thành la lên:

-Ủa sao vầy nè, chỉ có tiền mà không có Cốc tai.

Bà Năm biết ngay nguyên nhân như thằng Thành mới la lên, bà nói:

-Rồi à. Quỷ sứ nó phá nữa rồi chứ ai.

Bà Năm chụp vai áo thằng Mẫm liền một khi, rồi bà truy vấn nó:

-Thằng Mẫm chắc chắn biết vụ này, ai làm nói mau.

Thằng Mẫm khai liền:

-Bà Năm hỏi thằng Cảnh, Thằng Lạc, thằng Phương kìa.

Nghe Mẫm bung cái bí mật ra, tụi tui đành khai thật...

 Số là bữa nọ trưa Hè buồn quá, khi qua nhà bà Năm chơi với thằng Thành, tui với Thằng Lạc tình cờ thấy hộp Cốc tai sơn màu nhà binh bỏ trong tủ kiếng, tui khều thằng Lạc ra ngoài bàn tính với nó để "Chôm" cái lon đồ hộp kia ăn chơi.

 Khi Thành đi công chuyện khỏi nhà, hai thằng tui rủ thêm thằng Cảnh quơ liền lon đồ hộp này khui ra thưởng thức liền, sau khi ăn xong, "Lòng chợt từ bi bất ngờ" .Thằng Lạc nó kéo tui lại bàn tính để tìm cách đền bồi lại lon đồ hộp cho bà Năm, vốn là người giỏi giang, thằng Lạc biết sử dụng mỏ hàn điện, nó lấy giấy nhám chà sạch nắp lon và cái thành miệng lon đồ hộp , sau đó đỗ nước lạnh và thả tiền cắc vô coi như mua và trả tiền cho bà Năm.

 Thằng Lạc hàn khéo léo vô cùng , khi nắp lon kín lại nó dùng giấy nhám vuốt lại mối hàn cho đẹp, còn tui thì về nhà lấy miếng sơn màu nhà binh để sơn lại cái nắp hộp rồi trả về cho khổ chủ coi như không có chuyện gì xảy ra. 

Sở dĩ thằng Mẫm méc bà Năm vì nó ức chuyện thằng Cảnh chỉ nước cờ chiếu bí nói trên. Khi nghe xong câu chuyện này bà Năm chẳng những không giận mà bà còn vui nữa là đàng khác , vì đám quỷ này phá phách dữ tợn, nhưng cũng đền bù thỏa đáng thì bà Năm đổi giận làm vui là chuyện bình thường .
                     ***
 Rồi cũng một sáng nọ, bà vừa lôi ổ bánh mỳ và miếng chả lụa nhỏ trong "Gạc măng rê" ra, bà dự định làm một ổ bánh mỳ nhét chả lụa cho Thành ăn để có sức đạp xe.

 Khi đem bánh mỳ ra cái dĩa bàn, bà Năm mới phát hiện ra đám kiến bu đầy, bà chợt ngó bốn cái "Chén" kê chân gạc măng rê đã khô rang, bà nói :

- Sao kỳ cục vậy cà , sáng qua tui châm đầy nước hết mà mới có một bữa sao cạn sệt hết vậy cà.

 Cũng không thắc mắc gì, bà bỏ ổ bánh mỳ nọ rồi bà lội bộ xuống xóm dưới, nơi gần hảng ép dầu Đại nam (một phân xưởng ép dầu hột cao su để làm ra xà bông cục cu hảng Trương văn Bền ngày xưa )để mua ổ bánh mỳ khác.

 Sáng hôm sau bà lại lôi trong Gạc măng rê cái nồi cơm nguội đjnh hâm lại cho Thành ăn với cá lóc kho, khi nhìn nồi cơm nguội bà lại thấy kiến bu đầy,  cũng đưa mắt  dòm lại bốn cái chén kê Gạc Măng Rê cũng "Cạn nhách" bà không nói không rằng qua nhà thím Ba xin tạm tô cơm nguội cho thằng Thành.

 Các bạn biết sao không, phá riết không còn cái gì ghẹo bà Năm nữa, thằng Lạc nói mình rút hết nước mấy cái chén kê "Gạc măng rê" đi,  cho bà kiến nó vô ăn đồ ăn của bà Năm vậy cũng vui. 

Nghĩ và làm ngay, hai ngày liên tiếp thấy kiến cứ vô và chén nước kê chân thì cứ cạn, người ta nói "Ăn quen chồn đèn mắc bẫy",khi phá ngày thứ hai khiến bốn cái chén kê chân Gạc măng rê không còn chút nước, thấy bà Năm im re không có la lối như mọi lần, tụi tui nghĩ chắc bà chưa nghĩ đến đám quỷ nhỏ tụi tui phá phách.

 Hôm sau bà Năm không ra chợ bán nữa, bà xin thím Ba thợ mộc cho phép ra sau bếp nhà thím Ba để rình nhằm bắt tại trận thủ phạm quậy phá hai hôm trước, cứ tưởng bà Năm đi vắng như mọi lần, tụi tui lẻn vô nhà bà rồi bổn cũ soạn lại, thằng Lạc lấy cái ống chích bằng thủy tinh cũ cũ bác Tư ba nó bỏ ra, đem qua nhà bà Năm rút cạn sạch mấy chén nước kê chân Gạc Măng rê, công việc sắp hoàn thành, bổng từ đâu hai cái nắp nồi gang bay vèo vô trúng ngay tủ chén kêu rầm rầm, thời may không đứa nào bị trúng "Chưởng" , bằng không cũng thương tích trầm trọng chứ chẳng phải chuyện chơi, tui với thằng Lạc vừa dọt chạy ra cửa trước thoát thân, bà Năm xuất hiện cản đường cùng  cây đòn gánh trên tay và gương mặt hầm hầm thấy phát ớn.

 - Bắt tại trận rồi nha, hèn chi mấy ngày nay kiến bò vô riết, bây phá quá tao chịu hết nổi rồi, hôm nay phải khệnh cho mỗi đứa một cây đòn gánh mới được.

 Năn nỉ bà Năm thiếu điều muốn thụt lưỡi, bà mới chấp nhận không qua nhà méc với ba má tụi tui, nhưng phải bồi thường cho bà ổ bánh mỳ và nồi cơm nguội, chưa hết phải thêm tiền lời buổi chợ do bà mất sở hụi để rình rập bắt quả tang.

 Hai đứa tui về đập con heo đất gom tiền qua gửi lại cho bà Năm, nhưng điều bất ngờ khiến tui với thằng Lạc ngỡ ngàng vô cùng, bà Năm không nhận tiền đền bồi, bà khuyên :

- Nói vậy thôi tao không có lấy tiền mấy bây đâu, từ giờ trở đi quậy phá gì cũng nên nghĩ đến hậu quả,,bây thì vui rồi còn bà Năm không vui khi bị đám kiến bò vô đồ ăn.

 Nghe bà Năm nói vậy, hai đứa tui hổ thẹn lắm, tự hứa với lòng không phá phách nữa để bà Năm toàn tâm toàn ý kiếm tiền sinh sống.

  Mấy mươi năm qua rồi, Bà Năm thành người Thiên cổ nơi miên viễn, còn đám bạn ngày xưa cùng phá phách với tui giờ tứ tán, lâu lâu tui còn gặp lại thằng Mẫm, thằng Lạc Lớn, còn mấy đứa bạn khác thì bặc tin từ đó đến giờ ....Buồn ơi là buồn .

  Viết xong. 1.9.2020. Lúc 19h25


HAI HÙNG SG
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Sep/2020 lúc 3:11pm

Hến


ngheuso%20oc%20hen
Hồi nhỏ mẹ và hàng xóm gọi em là Bé. Đến trường em tên Hận.
Em là diễn viên của đội văn nghệ huyện với nghệ danh Tình Ly.

 

Trên những cuộc tình không điểm đích, người ta gọi em là Hến.
Thị Hến là nhân vật em đóng vai rất đạt trong những buổi diễn văn nghệ quần chúng nên em cười vui chấp nhận cái tên này, dù biết có người gọi với ẩn ý khiêu dâm.

Hận nghỉ ngang ở lớp 11 vì một giáo viên toán thô lỗ, mắng em ngu như bò. Em cũng không vừa, nói thầm:
“Dở môn toán đâu có gì tệ lắm, sao trên đời có thằng giáo viên ngu si, lỗ mãng. Mà, bò chưa phải là con vật ngu nhất, thầy à”.

Mẹ con Hận ở trong căn nhà ngói vách đất, thấp tè, nằm giữa khoảnh vườn rộng trồng dừa.
Từ đường cái quan vô nhà là đoạn đường đất chạy giữa đồng xanh, hai bên trồng hai hàng cau, như một nét quê thanh bình. Nhà chỉ hai mẹ con nên hơi buồn, dù không giàu, không lo đói.

Mẹ không muốn em phải xuống ruộng, xin cho em làm cô nuôi dạy trẻ. Hận hát hay, múa dẻo nên được phòng văn hóa huyện bổ sung vô đội văn nghệ.
Hồi tuổi con nít, mẹ có đôi lần đi lấy thư mật trên gò Da, giờ hòa bình đã lâu, khi cãi lộn với ai, mẹ vẫn cứ vỗ ngực xưng ta đây cộng sản nòi, thiên hạ ớn óc.
Nghệ danh Tình Ly do mẹ gợi ý đặt. Hận Tình Ly chính thức hưởng lương năm mười chín tuổi, thứ lương ít đến nỗi người ta nghĩ nó chỉ để làm cảnh, cho vui.
Hận Tình Ly, cái tên chất chứa sầu muộn mẹ trút lên vai em. Ngày đêm mẹ rót vào tai em, gieo vào đầu em đủ thứ gian manh, giả trá của bọn đàn ông.
Hai mẹ con với nhau, hạch tội đàn ông là đề tài được sử dụng nhiều nhất. Mẹ nói em nghe, nghe riết chắc tới lúc lỡ thì, ở vậy luôn!

Em đang tuổi soi gương, thấy mình chẳng có chút rực rỡ, buồn lắm. Đêm nằm nghe sương rơi lộp bộp trên lá dừa quanh nhà, càng buồn hơn.
Em thích đàn ông, mong được họ để mắt, lời mẹ bảo tránh xa nhưng em càng tìm cách xáp tới, vừa khao khát vừa nghi ngờ.

Em không biết rằng vì nước da tai tái, lại mảnh mai nên không thấy mình đẹp. Mọi người cũng không thấy em đẹp. Bọn đàn ông chỉ kháo nhau em này em kia thịt cá ngon lành.
Nhưng lạ, cứ môi son má phấn cộng ánh đèn sân khấu là em đẹp như tiên. Em có gương mặt ăn son phấn, ăn đèn sân khấu. Đàn ông cứ bu quanh em, muốn đụng chạm, hôn em.

Đội văn nghệ huyện đi thi Tiếng hát 200 năm thành lập tỉnh. Đoàn thuê khách sạn ở ba ngày bốn đêm. Hến tươi trẻ, trinh nguyên, như hoa dại ven đường dễ dàng sở hữu.
Cán bộ huyện theo ủng hộ đợi văn nghệ, không bị vợ bám đuôi, như chim sổ lồng thi nhau săn đón Hến: rủ Hến đi siêu thị, đi ăn, đi thăm thú bảo tàng, danh thắng…
Hến đẹp nhất đoàn, thỏa khao khát đàn ông bấy lâu. Ai cũng lịch sự hào hoa với Hến.
Son phấn không rời,Hến đẹp nhất đoàn, thỏa khao khát đàn ông bấy lâu. Ai cũng lịch sự hào hoa với Hến.
Hến với thân liễu, chân cheo, bỗng một ngày thành “bộ sử ký dục tình” về đàn ông trong ủy ban để cánh chị em tra cứu hằng ngày.

“Con Hến có chửa rồi”. Chuyện được toàn bộ nhân viên ban ngành cơ quan huyện chuyền tai, thích thú…
Khi mẹ phát hiện Hến có thai thì đã khá muộn. Hến đến cơ quan với cái bụng lum lúp, bà chị kết nghĩa lôi vô phòng chỉ cái bụng, hỏi:
- Ai?
- Em hổng biết.
- Con này hay quá ta. Ai thì nói ra để chị nắm tóc cho.
Bà chị nghĩ Hến giấu. Bà chị liệt kê: Phó chủ tịch huyện phụ trách văn hóa, thể thao? Trưởng phòng tổ chức? Trưởng phòng địa chính? Trưởng đài phát thanh?…  Hến đều lắc đầu. Hến không chửa hoang, Hến chửa có địa chỉ ngay trong cơ quan này. Bà chị dữ dằn la lối.

Cái bụng Hến lớn từng ngày như cái án treo lơ lửng trên đầu các quan huyện. Hến đủng đỉnh mang cái bụng vừa xinh đẹp vừa khiêu khích vừa dọa nạt.
Nhờ thế, các quan dạo này rất nhã nhặn với cấp dưới, lại chí tình với bà con có việc đến hầu cửa quan.
Một bà già không ở được với con, tới ủy ban năm hồi mười hịch xin cất cái nhà trên vườn rau mãi không được, bèn gặp Hến, Hến dẫn đến trưởng phòng địa chính ký đơn cái rẹt, xong.

Suốt thời gian Hến mang thai, dân đồn Hến đang làm cò, cứ tới gặp con Hến thì chuyện gì cũng xong. Tội tình chưa lộ làm các quan bỗng thiện tính, hầu mong sự vớt vát cảm thông.
Phải chi có năm bảy con Hến vậy cho dân nhờ. Cái thời chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, bị thả song làm nhục… đã xa rồi, Hến có biết?

Hến đến cơ quan chẳng phải làm gì ngoài chơi games, nghe nhạc. Lâu lâu Hến ra khỏi phòng, thong thả chu du toàn bộ tòa nhà làm việc đồ sộ nguy nga của ủy ban huyện, hiên ngang như bà lớn, xinh đẹp như nữ thần.
Ai thấy Hến cũng gật đầu chào, cười tươi.

Cái bụng Hến kéo căng áo xống về phía trước, phía sau lộ cặp mông săn coóng. Phía trước dành cho cánh phụ nữ xoa: “Của ai đây?”.
Phía sau dành cho những tay được phép lẫn vô phép vỗ yêu.
Đàn ông nào chưa kịp “chấm mút” cứ mong một ngày Hến chỉ mặt đặt tên chủ cái bụng bầu để mình có cơ leo ghế cao hơn khi kẻ kia phải rời cơ quan về đuổi gà cho vợ.


Người đã lên giường với Hến bụng cứ giật thót, niềm nở lời chào. Hến cứ lẳng lặng nhìn chăm chăm, làm hồn vía các vị tẩu tán cả.
Hến bèn bỏ nhỏ vô tai:
- Em quyết định để đẻ.
- Tình Ly, có phải của anh không?
- Không của anh thì của ai? – Hến nguýt mắt, làm nũng.
- Chết anh rồi, hại anh rồi.

Các quan dấm dúi đưa tiền Hến sắm sửa, bồi bổ và để dành sinh con. Anh nào cũng lo sốt vó cái bụng Hến đang mang là con mình.
Có người đưa Hến nguyên tháng lương rồi kiếm khoản khác bù vô. Lâu nay X cứ ngỡ Y mới là kẻ sẽ hất mình văng khỏi ghế, ai ngờ con Hến lại có quyền năng này.
Nó chỉ cần chỉ vô bụng nói con ai thì kẻ đó tiêu tan sự nghiệp.

Nhưng Hến vẫn im lặng. Tay này cứ nghĩ chắc của tay kia, nếu không nó chịu để mình yên à?
Ôi, sướng chỗ đó mà họa cũng chỗ đó.
Anh chàng kia kể lúc học hệ sinh sản của người, thầy giáo vẽ cái “cái đó” lên bảng theo mô phỏng của Bà chúa thơ Nôm: Phành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa. Rồi thầy bảo bao nhiêu lúa thóc đổ vô đó, bao nhiêu tiền của đổ vô đó, nó nuốt hết. Sinh ra từ chỗ đó rồi sống chết cũng chỗ đó.

Mẹ Hến thấy hàng xóm cứ xầm xì chuyện con gái có chửa, sùng gan, chửi: “Cái đó của con tao, nó muốn cho ai thì cho, mắc gì đến các mụ”.
Mẹ sẵn sàng cho tắt ngúm mọi “làn sóng FM” chung quanh. Có bà mẹ dữ cũng yên lòng.
Hến sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản, ủng hộ phụ nữ làm mẹ đơn thân.
Cơ quan cử người đi thăm, cử “tai mắt” dòm coi con của Hến giống ai.

Mẹ Hến tra hỏi thằng Cún là con đứa nào? Hến thở ra, lúc thì nghĩ nó con anh Q. chủ tịch, lúc thấy nó giống anh T. trưởng phòng văn hóa…
Mà thôi, con không dám khẳng định đâu… Mẹ Hến chép miệng, người ta nói con của ai thì chỉ đàn bà mới biết, sao thế con? Hay con cứ chỉ đại một thằng để thằng Cún còn nhờ vả sau này?
Nhưng Hến không nỡ.

Hến còn ngâm thơ cho nhà thơ quèn, nhà thơ ưu tú và nhà thơ nhân dân từ huyện lên tỉnh.
Hến thành hội viên hội văn học nghệ thuật, chẳng phải đơn trương gì ráo.
Hàng năm đài phát thanh – truyền hình tổng kết, có mặt Hến.
Báo tỉnh tổng kết, có mặt Hến. Hội văn học nghệ thuật tổ chức tham quan hay thực tế sáng tác, có mặt Hến…

Hến đẻ được đứa con, mọi bộ phận trên cơ thể bỗng mây mẩy, nở căng hoàn mỹ.
Sao nó không lấy tấm chồng cho ổn định? Cỡ nó kiếm anh trai tơ khó gì. Vậy mà không, Hến thích những tay có vợ. Những tay có vợ đẹp, vợ học cao, Hến càng ưa.
Hến có cái khoái phá đám thiên hạ.
Làng xóm bảo mẹ nào con nấy. Mẹ Hến chẳng chấp, cứ ngầm cổ võ cho Hến trả thù giùm bà ngày xưa bị bọn đàn ông hắt hủi.

Hội văn nghệ mở trại sáng tác ở Tam Vịnh, Hến được mời theo đoàn làm thủ quỹ tạm nắm dạ dày “các vị chữ nghĩa”.
Theo phản xạ, loại có chữ lại hay quí nể kẻ giữ hầu bao, nên Hến thành nhân vật quan trọng.
Các vị chữ nghĩa đang nhàn cư, Hến trở thành nhân tình ngủ mơ của các vị cách mỗi vách tường khách sạn.

Tam Vịnh đầu thu mây núi bồng bềnh quyện lấy nhau, lòng văn nghệ sĩ cũng bồng bềnh mơ mơ thực thực rất phù hợp cho sáng tác.
Chủ tịch hội là trưởng đoàn, nhân lúc vắng người, bảo Hến:
- Hết đợt, Tình Ly ráng làm bài thơ nghen em.
- Em yêu thơ chứ hồi giờ có biết làm thơ đâu. Nhưng kể anh nghe nè, hồi học phổ thông năm nào em cũng mua vài tập thơ của mấy ông nhà thơ vô trường bán dạo đó.

Trưởng đoàn bẹo má Hến rồi vồ ôm, vuốt lưng Hến, ấm áp thơm tho:
- Em nói nghe dễ thương quá hà. Thôi khỏi lo, để anh làm thơ rồi ký tên em nhé.
Nói vậy chứ Hến cũng làm được bài thơ, thấy chẳng khó khăn gì:
Gặp anh, gặp anh một chiều nắng hạ.
Bên hiên nhà.
Quen anh, quen anh tình em như trái trứng cá.
Tròn căng.
Mến anh, mến anh tình em như mây trời.
Trắng nõn.
Thương anh, thương anh tình em như con gà mái.
Thiệt thà.
Yêu anh, yêu anh tình em như trái phá.
Sáng rực một góc trời.
Ôi người ơi!
Ôi tình ơi!

Trưởng đoàn nói bài thơ thuộc hạng khá, có cách tân, hợp logic nhưng cái chỗ “tình em như con gà mái” nghe hơi thô, anh sẽ sửa lại chỗ đó. Em có năng khiếu đấy.

Và nếu tách mấy câu thơ hàng chẵn ra, ta có một bài thơ khác, tách các câu thơ hàng lẻ lại cũng một bài thơ khác. “Bên hiên nhà. Tròn căng. Trắng nõn. Thiệt thà. Sáng rực một góc trời. Ôi tình ơi!”. Tuyệt.
 Nào, lại đây với anh nào, thương quá, đáng yêu quá…

Từ đó, Hến có thơ đăng lai rai trên tạp chí của hội. Hội còn tự hào có nữ nhà thơ xinh đẹp, luôn có mặt trong các buổi tiếp tân.
Hình như làm thơ là công việc dễ nhất, Hến nói.

Bịnh đậu mùa đang trở lại.
Hến vừa nghe tin ngày trước, ngày sau đã sốt, mụn bong bóng nổi lên, phải nhập viện.
Người bị đậu mùa nhập viện cùng lúc với Hến, sau Hến, đều đã  lành lặn ra về.
Riêng Hến mấy mụn đỏ cứ chảy nước hoài. Bệnh viện thử máu, cho biết do nhiễm HIV, nhân bệnh đậu mùa đã nhanh chóng chuyển sang AIDS.

Hến không kịp hoảng hốt. Chết ư, chết là thế nào? Hến còn mải nghĩ xem ai lây bịnh cho mình.
Nhưng Hến có thai với ai còn chưa biết, làm sao biết ai đã lây HIV?
Bệnh viện nhờ công an địa phương vào cuộc truy xét, họ hỏi Hến quan hệ tình dục cùng những ai để “khoanh vùng”. Danh sách Hến khai dài cả trang giấy A4, Hến khai với tư thế của quan tòa chứ không phải thụt thò như bị cáo.

Tin rúng động cả huyện, cũng lắm kẻ hả hê. Kỳ này SIDA hàng loạt nhé.
Kẻ thạo tin còn bảo cả một nhóm quan văn nghệ trên tỉnh dính líu tới Hến.
Tin đến tai cán bộ. Ruột gan tuy tê điếng nhưng ngoài mặt làm bộ tỉnh bơ: “Vậy à, Tình Ly bị AIDS à, tội chưa…”.

Khi còn một mình, cán bộ khép cửa phòng làm việc, cài chốt, tụt quần ra xem. Vẫn bình thường, không lẽ vầy mà sắp tiêu tán đường sao?
Từng nhóm rủ đi công tác đột xuất, lẻn sang tỉnh khác thử HIV.
Cán bộ đến cơ quan, người này ngó người kia dò xét, không biết thằng này dính AIDS chưa, trong bụng lại mở cờ.

Hến không kịp hình dung cái gì sau cái chết.
Bây giờ người ta chết đủ kiểu, chết vì AIDS chưa hẳn đã tệ.
Việc đầu tiên, mẹ Hến ra chợ không ai chào. Bà đi đến đâu, người ta chừa cả một luồng thông thoáng cho riêng bà.
Bà về kêu trời kêu đất, Hến ơi Hến ơi mẹ phải sống sao đây.

Tiếp – con trai Hến, trắng trẻo, xinh xắn, mập mạnh, vậy mà nhiều phụ huynh tới trường xin cho con mình chuyển sang lớp khác, cô giáo giải thích mãi họ mới chịu thôi.
Hến kiệt sức quá mau, người teo lại như que củi, da trắng bệch.

Mẹ gặng: “Con nói cho mẹ biết thằng Cún con ai, nay mai còn để lá rụng về cội”.
Hến ràn rụa nước mắt: “Thôi mẹ, nó là con của riêng con, mẹ cứ nuôi nó giùm con. Nó là trai, mẹ khỏi lo bị đàn ông dụ tình…”.


Vậy là Hến đi, nhẹ nhàng, không có người tình nào đủ gan đến tiễn.

Phùng Hi
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Sep/2020 lúc 10:20am

Mặt hồ êm đềm


Êm%20đềm%20Đại%20Lải



Tôi vẫn thường nói với các bạn rằng tôi và anh ấy là anh em. Việc dễ hiểu thôi. Anh ấy là em anh rể tôi, còn tôi thì em chị tôi.


Tôi và anh ấy cả hai đều gọi hai người ấy là anh chị, như vậy chúng tôi là anh em. Có đứa bạn thì tin lời tôi, có đứa lắc đầu không tin.


Mỗi khi thấy tôi và anh ấy dắt tay nhau đi phố, chúng nói là “bồ”. Tôi không tin vậy. Tôi và anh ấy không phải là “bồ” mà chính là anh em.

Quả thật tôi cần một người anh trai. Mẹ tôi chỉ sinh có hai người con gái: Chị tôi và tôi. Chị tôi đã có chồng, anh rể tôi là của chị ấy. Còn tôi, tôi còn nhỏ, chưa lấy chồng, nhưng tôi thấy trong nhà cũng như cuộc sống riêng tôi, trống vắng lắm.

Tôi cần một người anh trai, một người anh trai mà tôi có thể nói với anh tôi những chuyện học hành, vui buồn ở lớp, ở trường, chuyện chơi đùa với bạn bè, chuyện ăn, chuyện mặc, có khi có những bài học, bài toán, tôi cần được giảng lại, để tôi hỏi những cái khó, những cái tôi chưa hiểu và còn nhiều chuyện nữa, như để có thể đi chơi, đi phố với anh trai.

Có biết bao nhiêu điều cần có đấy, thế mà mẹ tôi lại chẳng đẻ ra cho tôi một người anh trai. Tôi thèm một người anh trai, để bù đắp vào những điều thiếu vắng mà tôi đã nói.
Quả thật, nhiều khi thấy bạn tôi đi chơi, đi phố, đi ciné với anh trai, tôi thích lắm.
Tôi thèm được như bạn tôi, thèm một người anh trai. Đó chính là cái thật, cái sâu kín trong lòng tôi vậy.

Anh ấy là em của anh rể tôi, học trên tôi mấy lớp, bên trường Quốc Học, còn tôi học năm đầu tiên, lớp Đệ Thất trường Đồng Khánh.
Hai ngôi trường nầy cũng như hai anh em. Anh ấy không phải người Huế, từ xa đến Huế trọ học. Thường cuối tuần, anh đến thăm mẹ tôi và chuyện trò chơi với tôi.

Lúc ấy, tôi cũng không ở nhà mẹ tôi mà ở nhà một người chú, gần bến xe Phú-Văn-Lâu. Chú tôi có hai đứa con gái nhỏ, đang học lớp Ba và lớp Tư. Mỗi tối, tôi biểu chúng học bài, tôi dò bài. Thuộc rồi, tôi cho chúng đi ngủ.

Còn chú tôi thì cứ mỗi tối đọc cho tôi viết một bài dictée ngắn, cở năm bảy hàng. Rồi tôi dịch, chú ấy sửa, và chỉ cho tôi những chỗ sai, về ngữ vựng cũng như văn phạm vì tôi chọn Pháp Văn làm sinh ngữ 1 và Anh Văn làm sinh ngữ 2.
Tôi cần học Pháp Văn nhiều hơn. Vã lại, chú tôi là những người đi học hồi còn Pháp thuộc nên không biết gì về Anh Văn.

Tôi có xe đạp, nhưng tôi đi bộ đến trường. Từ nhà chú ở gần bến xe Phú Văn Lâu, tôi đi bộ băng qua vườn hoa bên bờ sông rồi xuống đò Thừa Phủ.
Đò chèo qua bên kia sông, chỉ mấy bước là tới trường.

Bọn học trò Đồng Khánh chúng tôi ưa đi bộ đến trường, tuy có nhiều đứa, như tôi vậy, có xe đạp. Tôi ở gần bến đò, đi bộ đã tiện.
Có đứa ở trong thành nội, trên “thượng thành” phía trong cửa Thượng Tứ, hay gần cửa Đông Ba, hay quá phía trên cột cờ Ngọ Môn, chúng đều đi bộ hết.
 Bọn chúng tôi ở bên nầy sông, phải qua đò. Những đứa bạn ở đường Hàng Me, An Cựu, Phú Cam hay Ga Huế, cũng đều đi bộ.
Chúng đi dọc theo đường Lê Lợi –đường dọc theo bờ sông Hương. Tiếng giày, tiếng guốc lóc cóc, tiếng chuyện trò, tiếng gọi, tiếng cười làm cho tôi thấy vui vô…

Chiều thứ sáu, tôi về nhà tôi ở gần hồ Tịnh Tâm vì ngày hôm sau, thứ bảy, khỏi đi học, tôi và các em con chú tôi khỏi học bài buổi tối.
Tôi ăn cơm với mẹ, vui chơi ở nhà, và chờ đợi… Ngày hôm sau, thứ bảy, thế nào anh ấy cũng đến thăm tôi.
Khi anh ấy đến thì qua một tuần, tôi có biết bao nhiêu điều để hỏi, để chuyện trò với anh ấy. Nhiều chuyện thật vui, ngộ nghĩnh, tôi cứ giữ trong lòng để chờ cuối tuần, kể cho anh ấy nghe và chúng tôi cười khúc khích với nhau.

Có một người anh trai thật thú vị. Tôi kể cho anh ấy tất cả mọi chuyện, kể cả những chuyện rất riêng tư. Có một lần, chiều Chủ Nhật, tôi không ra nhà chú tôi như thường lệ. Anh ấy hơi ngạc nhiên, hỏi. Tôi trả lời, rất tỉnh, như các bạn tôi trả lời cho anh của chúng vậy:
– “Em bị “to be”.
Nghe tôi nói, anh ấy ngạc nhiên, nhưng một lúc sau, anh ấy hiểu ra liền. Như tôi thường nghĩ, anh ấy thông minh lắm…

Không biết từ lúc nào, có lẽ là từ các lớp đàn chị, trước tôi, từ khi họ học Anh-Văn. Trong tiếng Anh, “to be” có nghĩa là “bị”, là thụ động từ.
Vì vậy, cứ mỗi tháng, khi chúng tôi bị chuyện ấy, thì chúng tôi gọi là “to be”. Đó là một thứ tiếng lóng của bọn học trò Đồng Khánh, từ khi họ bắt đầu học tiếng Anh.

Tôi cũng như các bạn, dùng động từ ấy để chỉ chuyện ấy. Và tôi cũng dùng chữ ấy với anh ấy một cách rất tự nhiên, như các bạn tôi nói với anh của họ vậy, để tránh một danh từ, dù bằng tiếng Hán-Việt, nhưng nghe vẫn không thấy hay.
Vì mẹ tôi có một ngôi hàng nhỏ, nên cuối tuần, tôi vẫn thường đi phố để mua hàng cho mẹ bán. Những món hàng rất thông thường như dầu Nhị Thiên Đường, thuốc Aspirine, nút, kim chỉ, v.v…

Những ngày đi phố, tôi không mặc áo trắng đi học mà thường mặc áo màu. Tôi thích mặc màu tím, nhất là màu tím da-lan, và màu vàng hoàng yến.
Đi bên anh, có khi cầm tay nhau, tôi thấy vui, ấm áp, như được che chở.
Chúng tôi đạp xe đạp từ phía hồ Tịnh Tâm, ra cửa Ngăn rồi ra phố. Con đường Hộ Thành trong Thành Nội dài và đẹp, rợpbóng những cây nhãn.
Hai chúng tôi đạp xe song song bên nhau, y như trong câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Hai xe cùng dong ruỗi, Hồn mơ về một phương.” (1)
Riêng tôi, tôi vui vì đi chơi với anh tôi và tôi không mơ gì hết.

Một lần vào một cửa hàng, không thấy món hàng muốn mua, tôi nói với anh ấy qua cửa hàng bên cạnh. Anh ấy đi trước, tôi đi sau khá xa vì bận coi một món hàng khác.
Qua đến nơi, không cần xem hàng, tôi nắm cánh tay anh ấy, kéo sát vào tôi rồi đi ra cửa. Anh ấy nhìn tôi nhưng không nói gì. Khi ra cửa, tôi nguýt mấy anh chàng đang đứng ở cửa một cái thật dài. Ra đến vĩa hè, tôi nói:
– “Anh biết tại sao em kéo anh đi ra ngay không?”
– “Không.” Anh ấy trả lời.
– “Tại vì.” Tôi nói, “mấy thằng đứng ngay cửa, thấy em đi vào, có đứa nói: “Mặt đẹp như vậy mà đi với cái thằng mặc cái áo dơ òm.” Xấu hay đẹp, sạch hay dơ, mắc gì chúng nó. Em nắm tay anh kéo cho thật gần cho bỏ ghét mấy thằng ngứa miệng nói bậy.”

Năm tôi học Đệ Tứ, mẹ tôi mua một căn nhà bên bờ hồ Tịnh Tâm cho anh chị tôi ở.
Năm ấy, anh ấy đã học đại học, buổi chiều thường ghé lại nhà anh chị tôi chơi.

Nhà đẹp lắm, mặt ngó ra hồ. Sân trước có trồng mấy cây chanh và hai cây dừa thân nghiêng ra mặt nước, thả từng tàu lá dừa xanh mướt la đà trên mặt hồ. Nước hồ xanh thẳm, lố nhố phía xa xa những búp sen đầu mùa chưa nở, những lá sen non còn xanh mướt.
 Gió xuân thổi rất nhẹ, phải nhìn kỹ người ta mới thấy được vài ngọn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Những buổi chiều đến chơi, anh thường ngồi trên một cái ghế xích đu sát bờ nước, nhìn ra mặt hồ mà không nói một lời.

Khi trời gần tối, có con chim chích chòe đến đậu trên ngọn lá dừa, cất lên tiếng hót thật dài và vô cùng thanh thót. Con chim bắt đầu một tiếng “chích” nhỏ, càng lúc âm độ càng lên cao và kéo dài ra, như một cánh diều gặp gió, vút cao, vút cao lên…
Đến tột đỉnh của tiếng hót, tiếng chim ngừng lại để một khoảng lặng đột ngột như tiếng đàn bỗng ngưng bặt trong mộtbản nhạc; rồi tiếng hót vỡ ra, bùng một tiếng “chòe” như một cái bong bóng căng đến độ cao nhứt bỗng xì hơi, giải tỏa sự căng thẳng.

Cái xì hơi trả lại sự hòa dịu, thư giản cho bầu không khí êm đềm của một buổi chiều xuân.
Trong cảnh im lặng ấy, trong tiếng chim chích chòe thánh thót ấy, tôi ngồi bên anh, lòng không thấy êm ả chút nào mà có khi tưởng như nôn nóng.
Tôi muốn anh ấy nói với tôi một lời, hay tôi muốn vội vàng kể những chuyện vui trong một ngày đi học của tôi. Tuy nhiên, khi đến ngồi bên cạnh, thấy anh ấy đăm đăm nhìn ra mặt hồ êm ả, tôi kính trọng sự im lặng ấy mà không nói một lời gì.

 Một lần, cũng trong cái cảnh lặng im như vậy, anh bỗng nói với tôi: “Em thấy không, mặt hồ êm quá. Ai ai cũng mong có một cuộc đời êm đềm như thế!” Khi ấy, còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói đó.
Tính tôi hiếu động và nghịch ngợm nên nhiều khi tôi không chơi với anh ấy nữa. Tôi gọi vài đứa bạn đến nhà anh chị tôi, căng ngang sân một cái lưới vũ cầu và đánh vũ cầu với các bạn.

 Trong khi chúng tôi ầm ĩ, cười đùa, tranh cãi hơn thua một đường banh, anh vẫn một mình ngồi im lặng bên mặt hồ, nhìn ra khung cảnh mông lung, nhìn hòn non bộ giữa hồ hay một áng mây chiều thướt tha trôi trên bầu trời xuân xanh thẳm.
Có khi bỗng con chim chích chòe bay đến, cất lên tiếng hót trong veo, anh ấy ra hiệu cho chúng tôi im để cùng nghe tiếng chim.
Con chim đậu trên ngọn lá dừa, cất lên vài hồi hót thánh thót, chờ một con chim mái đến đậu ở cây dừa bên cạnh, nhảy nhót quanh quẩn chờ con chim trống hót xong, cả hai ruỗi cánh bay về phía trời xa, nơi có tổ ấm của chúng để ngủ qua đêm.

Có khi vài đứa bạn tôi hỏi tôi về anh. Tôi cười làm vẻ bí mật. Rồi tôi gọi chúng đến đánh vũ cầu với tôi, lại gọi cả anh ấy đánh vũ cầu với chúng.
Trong cách sắp đặt ấy, tôi thường tỏ một vẻ tinh nghịch khác thường. Anh chỉ cười nhìn tôi, từ chối.
Sau vài lần như thế, anh ôn tồn nói: “Em đừng làm như thế mất đi cái trong sáng của tuổi xuân.”

Tôi yêu cái tuổi xuân của tôi, tôi muốn gìn giữ nó trong sáng nên nghe lời anh ấy, không bao giờ tôi đùa nghịch theo cách ấy nữa.

Tuy nhiên, vài khi, tôi thấy anh như một người rất trầm lặng, hay đưa tâm hồn mình vào một cõi mơ mộng xa xăm nào đó, thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại, không chú ý đến những điều xảy ra chung quanh, làm cho tôi bực mình.

Có khi tôi tự hỏi hay anh ấy là một trích tiên, như Lý Bạch vậy. Rồi tôi tự cười thầm vì ý nghĩ vớ vẩn của mình.
Một lần tôi nói: “Anh có biết chỉ với anh là em xưng em. Với tất cả mọi người, em xưng tên. Anh biết không?”
Anh ấy không trả lời, nhìn tôi âu yếm như thầm cám ơn.

Cuộc sống êm đềm như mặt hồ Tịnh Tâm ấy kéo dài không lâu. Sau ít năm học đại học, anh nhập ngũ. Học hết trung học, tôi vào trường sư phạm và đi dạy.
Ở tất cả những nơi tôi đến dạy, bao giờ tôi cũng nhớ đến anh. Khi dạy ở Cẩm Phô, buổi chiều đi ngang một cây cầu gỗ bắt ngang một con sông nhỏ, tôi thường dừng lại trên cầu, nhìn giòng nước chảy lặng lẽ qua cầu mà nhớ đến hồ Tịnh Tâm và nhớ nhất những chiều anh ấy ngồi im bên mặt hồ êm đềm.

Tôi vói nhìn xuống lòng con sông nhỏ tìm những đám mây trôi lững lờ dưới đáy sông, nghĩ tới những đám mây trôi trên mặt hồ Tịnh Tâm mà có lần anh ấy gọi tôi tới chỉ cho tôi ngắm xem.
Nhớ anh ấy vô cùng, một người anh hay một người yêu chưa bao giờ tỏ tình, một mối tình câm, trong sáng và lặng lẽ của hai tâm hồn ngây thơ trong những ngày niên thiếu sống bên nhau?

Vậy mà tôi lại được các cụ già trong Hội Đồng Xã khen là cô giáo có lương tâm, biết kiểm soát cây cầu có an toàn vì mỗi ngày đi học, các em đều phải đi về qua chiếc cầu ấy. Tôi được một cái giấy khen. Buồn cười thật.
Năm 1972, anh ấy tử trận. Sống làm sao nỗi! Anh cứ đi hết chiến trường nầy qua chiến trường khác: Kampuchia, Snoul, Dambe, Hạ-Lào, Tây ninh, Long Khánh…

Cứ nghe có trận lớn là có tên đơn vị của anh ấy. Âm thầm theo bước chân anh, tôi bỗng trở thành một người hay đọc báo.
Rồi một hôm tôi thấy cáo tang. Tôi âm thầm với nỗi dau khổ của tôi trong cảnh dạy học xa nhà.
Đám ma anh ấy ở Huế, tôi không về được. Năm ấy, Quảng Trị vừa mới mất, dân Huế hoảng sợ chạy tán loạn vào Đà-Nẵng, làm sao tôi về Huế?!

Rồi tôi lấy chồng. Người chồng tôi hơn tôi những gần chục tuổi, nhưng anh ấy cũng yêu tôi khi tôi còn bé. Anh cũng âm thầm và chờ đến khi anh ấy tử trận thì người chồng của tôi sau nầy mới ngỏ lời xin cưới tôi.
Tôi lấy chồng như là “cho xong chuyện”. Ai cũng phải có chồng. Một người yêu mình khi mình còn niên thiếu, âm thầm chờ đợi những gần mười năm. Tôi còn kén chọn gì nữa. Tôi rất trung thành với chồng.

Chắc chắn tôi không sống trong cái cảnh “Đêm đêm bên cạnh chồng già, và bên cạnh bóng người xa hiện về” (2) Nhưng quả thật, tôi vẫn còn nhớ anh ấy, nhớ thời niên thiếu, nhớ khi tôi thèm một người anh trai và tôi đã “được” anh ấy.
Trời ban cho tôi một người anh trai. Vì vậy, hôm nay, khi chồng đã chết, khi con đã lớn, tôi đi nửa vòng trái đất trở lại quê nhà.

Anh thân yêu!
Vậy là em đã trở về căn nhà cũ, nơi anh em mình chia tay nhau đã hơn 40 năm. Cũng may, qua bao nhiêu năm chinh chiến, căn nhà cũ vẫn còn.
May mà mẹ em đã không bán căn nhà nầy trước khi mẹ qua đời. Mẹ để lại làm nhà từ đường, đặt trên bàn thờ những bình hương, tượng trưng cho những người đã khuất.
Mỗi tối, khi chuông chùa vang lên từng tiếng rời rạc và lặng lẽ, em thắp đèn trên bàn thờ và đốt hương cắm lên những bình hương ấy.
Dĩ nhiên, không có bình hương nào là của anh ở đây. Vì vậy, mỗi khi thắp hương trên bàn thờ, em lại nhớ đến anh.
Mộ anh chôn ở đâu? Em đâu biết! Có phải là ở nghĩa trang Biên Hòa hay một nghĩa trang, một bãi tha ma nào đó mà nay đã thành bình địa.

Tên anh có khắc trên một đài kỷ niệm nào đó bên dưới hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” thì nay cũng đã bị đập phá mất rồi.
Làng quê anh không còn. Mẹ anh đã qua đời, anh chị em anh người đã mất, người lưu lạc đất khách.
Có thể họ còn nhớ ngày anh tử trận nhưng không chắc ai có thể đốt cho anh một nén hương. Càng nghĩ, em càng thêm đau lòng!

Em lại trở về căn nhà cũ, bên bờ hồ Tịnh Tâm, sau khi em lưu lạc quá nửa vòng địa cầu. Em sợ xứ người, sau khi chồng em qua đời, các con em đã lớn đều có nhà cửa và có cuộc sống riêng.
Em bỏ căn nhà quạnh quẽ nơi xứ người để trở về đây, không phải vì quê hương là chùm khế ngọt. Nó còn quá chua hơn một chùm khế chua và cũng không phải để tìm lại những kỷ niệm của thời niên thiếu.

Tuy nhiên, anh hiểu đấy, với những người đã khuất, như anh, dù có muốn quên cũng không thể nào quên được!
Bắt chước anh, buổi chiều, em lại ngồi trên một chiếc ghế xích đu bên bờ nước, nhìn ra mặt hồ Tịnh Tâm như anh ngày xưa vậy.
Mùa xuân đã về, mặt hồ êm đềm và xanh trong. Ngoài kia, lại lú lên những búp sen đầu mùa, những lá sen non. Cũng như anh, em nhìn mặt hồ thật kỹ, để có thể thấy được những ngọn sóng lăn tăn trên mặt hồ xanh.

Anh thân yêu!
Có những đám mây trắng giăng ngang từng sợi nhỏ, trôi lững lơ trên bầu trời xanh thẳm, đang soi xuống mặt hồ. Em nhìn lên bầu trời, lại cũng những đám mây ấy đang chầm chậm trôi về hướng Tây, về dãy núi Trường Sơn.
Tiếc rằng ở đây, không như ngồi ở bờ sông Hương, để em có thể thấy núi xanh chạy dài tới cuối chân mây.
Những đám mây ấy, một thời anh cũng ngồi đây, mãi mê theo dõi.
Ngày ấy, anh nghĩ gì về những đám mây trôi lững lờ kia? Còn em, ngày nay, ngồi đây, cũng nhìn những đám mây ấy, em lại nghĩ đến anh.

Em nghĩ đến những đám mây tượng trưng cho những linh hồn. Và linh hồn nào là linh hồn của anh, sẽ trôi vào một khoảng hư vô, một nơi mình cũng không còn nhận ra mình vì tất cả mọi linh hồn đều hòa nhập vào một cõi không gian vô tận.
Cũng như mọi chiều, em đang chờ con chích chòe đến đậu trên cành lá dừa. Nó sẽ hót thánh thót như ngày xưa ấy. Em cũng lắng nghe tiếng chim ấy. Cái âm thanh khởi đầu trong sáng, kéo dài mãi ra và lên cao vút.
Tới chỗ tột cùng, tiếng “chích” ấy ngừng lại, bỏ một khoảng im lặng ngộp thở rồi “chòe” ra một tiếng thư giản, dịu dàng.

Không như ngày xưa, em ít lắng nghe tiếng chim. Nhưng mấy chiều hôm nay em cứ ngồi chờ con chim trở về, lắng nghe nó hót một cách chăm chú như anh đã từng nghe ngày xưa ấy.
Em tưởng như trong tiếng hót của con chim chích chòe có cái gì là của anh. Trong đó có tiếng anh nói dịu dàng với em hay linh hồn anh tiềm ẩn?

Em ngất ngây với tiếng hót của con chim trống, trong khi nhìn con chim mái nhảy nhót ở tàu lá dừa bên cạnh.
Thỉnh thoảng, con chim mái quay đầu ngước nhìn con chim trống, như chờ đợi màn trình diễn chấm dứt để hai người yêu nhau dắt tay nhau ra về.
Bỗng nhiên em mong cho buổi trình diễn hãy khoan chấm dứt. Tiếng hót con chim chích chòe đang đưa hồn em vào một cõi xa xăm. Nhưng hết rồi anh ơi! Hai con chim đã ruổi cánh bay về phương trời xa mất dạng.

Em nhìn ra mặt hồ và lại nghĩ đến anh. Anh từng nói ai ai cũng muốn có một đời êm đềm như mặt hồ xuân. Có lẽ anh cũng vậy. Nhưng rồi anh đã phải đi. Tiếng gọi linh thiêng của tổ quốc đã đánh thức anh dậy, kéo anh ra khỏi mặt hồ êm đềm, đưa anh vào những trận tiền binh đao súng đạn.
Anh đã đi trong chiến tranh, trong vòng lửa đạn bời bời và anh đã nằm lại đó, một nơi nào đó, để lại cho em, chiều hôm nay, trong cảnh muộn phiền của một tuổi già đầy nhung nhớ!

Em lại nhìn ra mặt hồ êm. Và “Chiều lên dần dần, chiều không xuống…” (3) Đầu tiên, mặt hồ đen thẫm lại. Bóng tối từ đó lên cao dần.
Hàng cây bên kia hồ trở thành một vệt đen dài, khiến em không còn trông rõ bóng người qua lại trên con đường cạnh bờ hồ bên ấy.
Chỉ có mấy ngọn dừa vươn cao là còn níu lại được chút nắng muộn màn, trông “như những cây nến khổng lồ” (3).
Rồi những ngọn nến ấy cũng tắt nốt. Chỉ còn những đám mây trên vòm trời cao thẳm đang hòa màu đỏ cam rực rỡ với ánh nắng chiều.
Bỗng những đám mây ấy trôi đi xa và chuyển sang màu tím rồi tối sẫm lại.

Anh thân yêu,
Khi giã từ, anh đã “quên” không nói với em một lời từ biệt, cái ý nghĩ ấy khiến em nhìn lên trời và kìa. Anh hãy xem…
…Mây đã đi xa rồi! Ước chi linh hồn em là đám mây ấy để có thể tìm thấy anh ở cuối chân mây!

Hoàng Long Hải


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Sep/2020 lúc 7:30am
Hai người đàn bà


Nỗi%20lòng%20người%20đàn%20bà%20cô%20đơn%20|%20Báo%20Dân%20trí


Mới sáng tinh mơ, cả làng đã nhốn nháo bởi một tin dữ: ông Lân chết. Xác đang ở bệnh viện đợi mổ khám nghiệm. Chuyện ông Lân bỏ vợ con đi theo gái ai cũng biết, nhưng cái tin ông chết như sét ngang tai. Cha tôi vừa đi ngoài ngõ về vừa nói:
- Tội hắn ghê. Hôm qua tao còn ngồi uống rượu với hắn.
Mẹ tôi hớt ha hớt hải:
- Hôm qua khi đi vào trong xóm gọi ba mày, tao có lời qua tiếng lại với ông ấy. Tao nói ông đi đâu thì đi, đừng có cù rủ cha mày uống rượu, ông bảo “tui rủ rê chồng chị khi nào?”, rồi còn đòi đánh tao nữa. Vậy mà…
Nguyên nhân cái chết được cho là ngộ độc rượu. Cũng khá hãi hùng. Cái làng này, đàn ông tuổi cha tôi trở lên, ai cũng làm bạn với rượu. Qua chuyện này, những bà vợ có cớ để hù dọa chồng con mỗi khi họ tụ tập chè chén. Mọi người thắc mắc, cả làng uống rượu xưa nay chẳng có ai chết vì ngộ độc, sao ông Lân lại chết? Rồi người ta đồn nhau về cái thứ rượu trong vắt, được pha từ cồn và nước, hay thứ rượu được làm từ men Trung Quốc. Chẳng ai biết ông Lân đã uống hơn một lít rượu loại nào, chỉ biết nửa đêm á khẩu, đưa vào bệnh viện thì hết đường cứu.
Bà Nga, vợ ông Lân vẫn đôi co với ông anh chồng. Bà đi tới đi lui nơi chái bếp, vẻ mặt tỏ ra cương quyết:
- Anh vào trong đó mà gọi con đó đem xác ông về làm đám. Ông ở với con đó chứ không ở với tui. Với lại, tui cũng không có tiền lo đám tang cho lão.
Ông Phú gay gắt:
- Hắn chết rồi. Mày với hắn trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng. Mày nói hay nhở, nhà nó ở đây, không đưa nó về đây thì đưa về đâu? Không có tiền thì cầm sổ đỏ mà lo. Nhà này hắn xây trên đất cha mẹ tao đấy.
Con bé Yến nghe tin cha chết khóc bù lu bù loa. Thằng Khánh thì không. Hắn hận ông như mẹ nó hận ba nó vậy. Nó ghét cái kiểu ông chăm sóc con của “con đó” mà không ngó ngàng đến anh em hắn. Tranh cãi một hồi, cuối cùng ông Phú và con bé Yến leo lên xe xuống bệnh viện nhận xác. Người ta bảo, nếu không xuống xin xác về sớm thì họ sẽ mổ để khám nghiệm tử thi. Ông Phú quay đi sau khi đã chốt được một câu với bà Nga:
- Hết tình hết nghĩa như mày hèn gì nó đi là phải. Mày sân si vừa thôi. Còn để đức cho con.
Bà Nga chẳng nói chẳng rằng. Mọi người ai về nhà nấy. Thằng Khánh đứng dậy lững thững đi về phía nhà chùa nhờ mấy sư.

Đám tang diễn ra trong một tuần. Ở quê tôi, đám tang thường được để rất lâu. Có khi vì thương mà để, có khi chỉ vì không có ngày tốt để chôn. Đám ông Lân rơi vào trường hợp thứ hai. Ngày sống, ông Lân thường xuyên qua lại với chùa trong làng, ai kêu gì ông cũng làm, nên thường mấy sư kêu ông vào giúp, khi thì xây lại cái tường, lúc thì chặt bỏ mấy cái cây, có khi lại đào cái gốc. Trong chùa có lễ lạt gì ông cũng tham gia, vì thế khi ông chết, mấy sư trong chùa ra cúng cơm và tụng kinh, nhờ vậy đám tang bớt phần lạc
Bà Nga lúc đầu không muốn nhận xác về làm đám, giờ bà lấy cái quyền là vợ, không cho người phụ nữ kia đến viếng, thắp nhang cho ông. Bà xua đuổi, đay nghiến người phụ nữ kia. Hàng xóm chẳng ai dám nói gì, có người cũng thấy thương người đàn bà đó, có tình có nghĩa người ta mới vậy, bằng không thì đến làm gì cho mất mặt.
Người đàn bà đó không còn trẻ, đã ly hôn chồng và nuôi năm đứa con nheo nhóc. Từ khi ông Lân chuyển về sống với người này, bà bỏ hẳn cái nghề bán thân nuôi con, quay sang cùng ông Lân đi phụ hồ kiếm cơm. Có lẽ ông Lân thương bà thật. Ông chăm lo cho đàn con của bà rất chu đáo, lũ chúng nó, có khi còn gọi ông là cha. Vậy mà ông tự nhiên lăn đùng ra chết.
Cha tôi thường trực ở đám tang. Dù gì cũng hàng xóm láng giềng với nhau. Với lại cha tôi và ông ấy cũng có mối thâm tình “bạn rượu”, nên càng có cớ để ở lại. Những ngày trong làng có đám ảo não vô cùng. Mưa cứ dầm dề từ ngày này sang ngày khác, mưa đến đâu, lạnh đến đó. Bà ấy cứ quỳ ngoài ngõ, đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi, khi nào cũng ầng ậc nước mắt ngước nhìn vào trong nhà, nơi cái khoảng sân, sau cái di ảnh là người đàn ông đã từng đầu ấp tay gối.
Được bốn đêm thì người đàn bà đó ngã quỵ. Ông Phú phải nhờ người gọi cô con gái lớn của bà đến đưa về. Mọi người trong làng tuy không ai nói ra nhưng cái nhìn họ dành cho người đàn bà cướp chồng người khác không còn gay gắt nữa.
Từ hôm không còn người đàn bà quỳ ngoài ngõ, bà Nga có vẻ thoải mái hơn. Bà nói chuyện nhiều hơn với người tới viếng. Bà kể với họ việc ông đã từng đối xử với bà như thế nào. Bà đã bị ông đánh đập đến mất đứa con bốn tháng đang mang trong bụng ra sao. Bà cũng bảo vì cái dạ con bị cắt đi nên ông Lân mới theo gái. Những người đến viếng rồi cũng chẳng buồn nghe. Kể làm gì cho người nằm xuống chẳng được yên thân.
Hôm đưa đám, trời cũng mưa. Đất nhão nhoẹt dưới chân. Người ta thấy người đàn bà kia đứng lấp ló từ xa, ôm gốc cây mà khóc. Bà Nga thì mong sớm xong mọi chuyện, cho rảnh nợ. Mọi người về hết, chỉ còn vài người đắp nấm ở lại, người đàn bà đó mon men tới gần, rồi nằm dài ôm cái mồ mới mà khóc, mà kêu: “Đã mấy ngày rồi giờ em mới được ôm anh”, nghe thê lương vô cùng.
Khi bà mở mắt ra đã thấy nhòe nhoẹt mặt trời…


Nam Giao


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Sep/2020 lúc 8:18am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Sep/2020 lúc 12:23pm

Đường Về Quê Mẹ


Cổng%20sau%20Bến%20xe%20Chợ%20Lớn,%20Q.%206%20%28TpHCM%29.%20-%20Picture%20of%20Cho%20Lon%20Bus%20Terminal,%20%20Ho%20Chi%20Minh%20City%20-%20Tripadvisor
       Bến xe Chợ Lớn ồn ào người đến người đi vì nằm ngay trước cổng chính của chợ Bình Tây. Mỗi khi về thăm Ngoại, Mẹ dẫn tôi vào bến xe này. Mọi người trú ngụ ở thành phố để dễ mưu sinh. Khi về quê, họ đều mua sắm đủ thứ các thức ăn như món quà cho gia đình. Mẹ tôi thì bận rộn với sinh nhai và gia đình, chỉ về Ngoại khi có đám giỗ mà thôi. Mấy mươi năm xưa, giỗ quải thường được tổ chức rất đình đám, mời nhiều cô bác trong làng, nên mua thức ăn nhiều hơn là chỉ vài món làm quà. Một năm có ba tháng nghỉ hè nên tôi được thong dong ở lại chơi lâu ngày hơn.

                                                                          3883%201%20DuongVeQueNgoaiBLien

       Xe đò lăn bánh hướng về vùng trời đầy ắp hương đồng cỏ nội. Gió mát phe phẩy hai bên đồng ruộng xanh rì trông đẹp mắt lắm. Nhà miệt vườn không san sát nhau như ở thành phố Sài Gòn. Xe đò tò te chạy trên đường với tốc độ vừa phải nên tôi được dịp ngắm nhìn quang cảnh hai bên khoảng trời mênh mông. Những căn chòi tranh nho nhỏ mọc lên, chen chúc giữa thảm nhung mượt mà, được ngăn chia bởi bờ đê thật ngăn nắp.
       Ngày xưa, khi còn là bé con ngây thơ, với đôi mắt non dại, lúc ấy tôi chưa biết phân biệt giữa nét đẹp và nét tầm thường. Tâm hồn sạch trong quá nên nhìn chỉ là để nhìn mà thôi. Bây giờ ngồi thẫn thờ nhớ về Mẹ, tôi mới cảm nhận quê ngoại của tôi đẹp như bức tranh mộc mạc hiền hòa.

Mãn%20nhãn%20trước%20vườn%20chim%20hàng%20nghìn%20con%20bên%20sông%20Hoàng%20Long%20|%20Báo%20Dân%20trí

• Khung cảnh sống động với đàn chim thong dong bay trên bầu trời trong xanh
• Tiếng vó ngựa nhún nhảy lọc cọc lạch cạch trên con đường đất đá lồi lõm.
• Tiếng bò kêu…ọ..oẹ…ọ…ọe…trên cánh đồng cỏ hoang.
• Tiếng gà trống gọi sáng ò ó o o…
• Tiếng vịt ù ù cạc cạc vui tai
• Tiếng gà tây ót ót…ọt ọt..
• Nhiều nhất hình như là tiếng chó sủa quấu quấu vang trời, mỗi khi có ai đi ngang qua nhà của mình.
       Tất cả âm thanh quen thuộc này đã lùi tàn vào dĩ vãng của năm tháng an bình. Hoài nhớ này đã nhạt nhòa theo bước chân thời gian. Những dấu yêu ngọt ngào chỉ còn tồn đọng, in khắc trong ngăn ký ức mà thôi. Kỷ niệm vàng son một thuở hồn nhiên, tôi không thể tìm được ở quê hương thứ hai, nơi tôi đang sinh sống.


***


Cầu%20ao%20quê%20nhà%20-%20Vườn%20CVA%205461%20-%20HAQH



      Những ngày nắng hạ California khơi gợi trong tôi bao kỷ niệm êm đềm. Hình ảnh thân quen của vùng trời thương nhớ lẳng lặng dìu tôi trở về cái ao sau nhà, cái giếng sau vườn, cái chuồng trâu bên hè. Những cánh đồng ruộng xanh màu ngọc bích, bát ngát trải dài như tấm thảm nhung tuyệt diệu. Tôi cũng không thể nào quên được dòng sông lững lờ chảy phía sau nhà dì Sáu của tôi. Hoa sóng nước gờn gợn nở rồi tan, dịu dàng đẩy nhẹ cụm lục bình trôi theo mực thủy triều lên xuống. Vạt lục bình xanh mơ, đằm thắm lút thút bơi sau đuôi vài chiếc xuồng ba lá. Vóc dáng thon nhỏ mảnh mai của các cô thôn nữ nhu mì, nghiêng mình đong đưa mái chèo. Khuôn mặt duyên dáng ửng màu da nâu bánh ích e thẹn, giấu kín dưới cái nón lá tròn xoe.
       Từng khúc phim hoài niệm năm xưa, hôm nay hiện ra một thước phim êm đềm trong khoảnh khắc này.


***


den-la-yeu-top-7-homestay-can-tho-miet-vuon-vua-xinh-lai-vua-re-ivivu-19

      Chắc hẳn chúng ta đều biết, những căn nhà ở miệt vườn làm sao có nguồn nước máy, thông chảy vào nhà như ở thành phố Sài Gòn hoa lệ. Ông bà chủ đất nào cũng phải đào cái ao chứa nước mưa như một gia tài của riêng mình. Tôi còn nhớ, cái ao là nơi tạm trú cho cá cua lang thang chui vào. Thỉnh thoảng cá lóc, cá rô…từ thửa ruộng hàng xóm bên cạnh vẫy vùng đi hoang. Thế là từng nhóm nhỏ tung tăng nhảy vào ao, nấn ná mỗi khi trời mưa lớn.
        Luồng nước đồng ruộng dâng cao, tươm chảy, ngập tràn bờ đất. Chao ơi, cá, tôm, cua được cơ hội tung hoành, tha hồ phóng mình nhảy theo dòng nước lúp xúp đó. Cá, cua,tôm, tuy nhỏ bé nhưng vẫn thông minh như con người. Nhân sinh vật nào có hơi thở cũng đều có trí óc, khao khát tìm nơi ẩn náu rộng rãi hơn, an thân hơn. Và nhất là tự do hơn!
• Cá không muốn tù túng chen chúc trong đám lúa rậm rạp, không muốn bị những cọng lúa chằng chịt cản ngăn. Khi được an cư trong ao rộng rãi, đàn cá sống êm ấm trong ao, từng ngày trôi qua lớn dần theo hơi thở của bình minh. Cái đuôi được tự do uốn lượn. Thân hình trổ mã, vươn dài hơn khi còn quấn quýt, rọ rạy dưới gốc cây lúa hay mạ non.
• Con người thì cũng không muốn bị gò bó chân tay, khổ cực nên cũng thích sinh sống nơi thoáng mát.
• Ngay cả cây cỏ, nếu mọc chùm nhum chật chội cũng sẽ bị ốm còi.
Vài giây phút mơ màng về thăm quê Mẹ xa xăm vừa bay tan. Con đường tráng nhựa thoang thoảng hương lúa mạ non, hình như được làn gió dịu ngọt pha chút phù sa màu mỡ từ con sông hiền hòa, nhịp nhàng phơi bày chuỗi kỷ niệm chưa quên…

3883%203%20DuongVeQueNgoaiBLien

      Ngoài sân, tiếng lá vàng xào xạc, ầu ơ gõ cửa. Nàng Thu bước vào đầu ngõ, điệu đàng rủ theo cơn gió khô rít cào quét vài phiến mỏng rơi rụng. Hơi thở cùa nàng Thu tuy vô hình, nhưng có đủ quyền lực thổi bay bao dấu yêu trong trái tim bé nhỏ của tôi xuôi theo chiều gió, xa tít cuối tận chân trời…
      Cũng như thời gian đã cuốn trôi mẹ tôi, tan loãng vào cõi thiên thu.

Bạch Liên



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 14/Sep/2020 lúc 12:52pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Sep/2020 lúc 8:58am

Bà Năm Tơ Hồng


Tôi còn nhớ trong xóm tôi có bà Năm Tơ Hồng. Tên thật là bà Năm Lương nhưng vì bà thích làm mai làm mối nên chòm xóm kêu bà là bà Năm Tơ Hồng. Thuở đó, bà Năm Tơ Hồng đã năm mươi tuổi, nhưng bà trẻ dai, coi như khoảng ba mươi ngoài. Bà ăn mặc tươm tất, áo lụa quần lãnh hoặc áo xuyến trắng quần xá xị, quần sa-teng, quần lục soạn, coi khác hẳn mấy bà lam lũ trong xóm. Bà Năm Tơ Hồng ưa đi chùa và có mặt thường xuyên ở các đám tiệc, đám giổ, cúng thôi nôi...trong xóm hoặc các làng lân cận.

Bà Năm sống bằng nghề cho vay ăn lời rẻ và làm đầu thảo mấy chơn hụi. Bà có biệt tài lựa kẻ chơi hụi nên không bị úp hụi bao giờ. Nhờ lui tới giao thiệp chỗ nầy chỗ nọ, từ nơi giàu sang tới chốn hạ tiện trong tỉnh nên bà buôn bán cẩm thạch, hột xoàn chút chút, gọi là để cầu vui. Qua câu chuyện, người mới đến xóm tưởng đâu bà chỉ thuộc hạng trung lưu, đủ ăn đủ tiêu vậy thôi. Ai dè có đến nhà bà mới thấy cảnh bài trí xuê xoang hực hỡ: tủ cẩn, đi-văng chân qùy, choé độc bình bằng sứ lâu đời, lư hương, chân đèn bằng đồng, liễn son, liễn mun nỗi chữ thếp vàng...Bà Năm cười khiêm nhượng:
- Tui có cái vỏ bề ngoài chớ cái ruột trống lốc hè. Bà con coi thấy bàn ghế tủ thờ toàn bằng gổ nu, cẩm lai là bởi của ông bà để lại, "hù" láng giềng lối xóm vậy mà!

Lâu lâu bà đeo nữ trang. Gặp kẻ chắc lưỡi hít hà, bà làm bộ nhũn nhặn:
- Ối, có gì đâu, của thiên hạ nhờ tui bán giùm kiếm chút huê hồng đó đa! Nè, thím coi cái hột xoàn nầy đi. Năm ly hai, nước trắng tím, lại tra chiếc vỏ bạch kim nên nó chiếu còn hơn sao Nam Tào Bắc Ðẩu nữa. Thím mua chiếc cà rá nầy đeo vô là chú sắp nhỏ có mấy con vợ bé cũng bỏ tuốt để ở nhà hủ hỉ với thím. Ừa, hay là thím để dành cưới vợ cho thằng con trai đầu lòng của thím, có bảnh hơn không?

Thiệt tình, chẳng ai biết việc làm của bà có xuôi chèo mát mái hay không, nhưng về chuyện làm mai thì hễ bà nhúng tay vào chỗ nào là chém chết ít lâu có chuyện gả cưới ở chỗ đó.

Bà Năm Tơ Hồng thường tuyên bố:
- Tui mát tay làm mai lắm. Tui mà xe duyên cho đám nào thì họ ăn đời ở kiếp với nhau, phu xướng phụ tùy. Gặp mấy thằng con trai thuộc hạng "đâm cha chém chú, lắc vú chị dâu, cạo đầu bà thím" tui cũng ghép được với mấy con "cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai". Tuy hai đàng thuộc hạng trời ơi đất hỡi vậy mà khi họ ăn ở với nhau rồi thì sắt cầm hảo hiệp, chí thú làm ăn, nên cửa nên nhà.

Bà Năm quả có biệt tài làm mai lắm. Làng xóm ai cũng tin miệng lưỡi của bà. Bà có óc quan sát, có cặp mắt nhắm tướng người. Một hôm bà gặp cô Sáu Ngọc Huệ cặp rổ đi vào rẫy mua rau. Cô gái hơi mảnh khảnh nhưng da trắng mịn như cánh hoa ngọc lan, đôi mắt đen láy nổi bật trên khuôn mặt trái soan.
- Nè Sáu, con được mấy tuổi?

Cô Sáu Ngọc Huệ nghiêng cây dù màu đỏ, sắc đỏ dưới nắng trải lên gò má mịn màng của cô một màu hồng tươi đẹp. Cô nhỏ nhẹ:
- Thưa má Năm, năm nay con được mười bảy tuổi.

- Chèng ơi! Con nhỏ nầy trổ mã coi được đến! Sáu à, con chịu lấy chồng không con? Ðể má Năm làm mai cho con nghen con?

Cô Sáu Ngọc Huệ mắc cỡ kiếu từ, đi một nước vô rẫy. Hôm sau, bà Năm Tơ Hồng tìm cách lân la tới nhà ông bà giáo Hạt, song thân cô Sáu Ngọc Huệ. Nhà ông giáo Hạt ở gần khúc quanh Long Hồ, giữa khu vườn trồng ổi xá-lỵ sum sê. Ông bà có cậu trưởng nam tên Hai Hiếu, ăn học thành tài, hiện làm giáo sư toán. Nhưng năm cô con gái kế trước kia làm ông bà lo lắm. May nhờ có bà Năm Tơ Hồng mà ông bà gả trôi cô Ba Ngọc Lan cho một thương gia Minh hương, gả cô Tư Ngọc mai cho một thầy giáo dạy lớp tiếp liên, gả phăng cô Năm Ngọc Cúc cho thầy giám thị trường công lập tỉnh. Vừa khi cô Năm đi lấy chồng thì cô Sáu Ngọc Huệ cũng bắt đầu trổ mã.

Hôm đó cô Sáu Ngọc Huệ đi vào xóm thâu tiền hụi và mua bún, bánh hỏi để dọn bữa trưa cho khách. Mỗi khi có bà Năm Tơ Hồng tới chơi, ông bà giáo Hạt mừng lắm, nhứt là từ khi cô Sáu Ngọc Huệ và cô Bảy Ngọc Lựu ra vẻ thiếu nữ trong chiếc áo dài màu xanh da trời. Hai cô mà luộc đầu heo, lỗ tai heo để ăn với bún, bánh hỏi, rau sống, mắm nêm thì khỏi chê. Miếng thịt luộc vừa mềm vừa giòn, lại trắng phau phau. Dĩ nhiên cái bí quyết luộc thịt đó do bà giáo Hạt truyền cho con gái được giữ kín. Mỗi khi chị em cô luộc thịt thì cả hai lo đóng cửa trước, ngõ sau cẩn thận, sợ có kẻ ăn cắp nghệ thuật luộc thịt gia truyền.

Bà Năm Tơ Hồng súc miệng bằng chén nước trà huế pha lợt, rồi cất giọng:
- Thầy giáo Cảnh năm nay được hai mươi bốn tuổi, người thiệt thà. Thẩy có được rảnh rang là chúi đầu vô sách luyện thi tú tài toán chớ không sanh sứa cờ bạc, rượu chè. Nếu chị với anh giáo bằng lòng thì tui dắt má thẩy lại. Má thẩy có một sở vườn bốn mẫu trồng cây trái, huê lợi mỗi năm cũng khá, lại thêm mười mẫu ruộng tốt ở miệt Lộc Hoà, cách chợ Vãng mười bảy cây số.

Bà giáo Hạt têm một miếng trầu đưa cho bà Năm Tơ Hồng:
- Ờ, con Huệ tui cũng như con của chị. Chị liệu coi chỗ nào tử tế gả nó dùm. Nhưng mà....- Bà giáo Hạt thấp giọng- thầy giáo Cảnh vóc vạc cao lớn, cười có lúm đồng tiền coi cũng có duyên. Có điều thiên hạ đồn rằng tía thẩy vốn lai Chà Và Châu Giang. Bà nội củ thẩy trước kia xinh tốt như tiên nga, kén chồng dữ lắm. Có thằng Chà Và Châu Giang giàu có muốn cưới bả, chẳng những bả không ưng mà còn nhiếc mắng người ta. Thằng Chà Và bèn dùng bùa ngải mê hoặc, rù quến bả tới nước bả có chửa, rồi đẻ ra ông già tía của thầy Cảnh. Chị Năm không thấy sao, nước da thầy Cảnh đen hù, giống như da ông nội thẩy vậy.

Bà Năm Tơ Hồng nói:
- Ối, hơi nào nhắc gốc tích người nầy người nọ, chị giáo! Tía của thầy Cảnh tuy lai Chà Và nhưng là người đàng hoàng, làm công chức ở Kho Bạc, chớ có thua sút ai đâu!

Bà giáo Hạt nói xuôi:

- Ờ, chị nói cũng phải. Song tui cũng cần hỏi lại con Sáu coi nó có ưng không. Thời buổi nầy tụi trẻ khó tánh lắm chị ơi. Lai nữa ông nhà tui thường nói "ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên" đó chị Năm.

Bà Năm cười chúm chím:
- Ai mà thèm ép! Cứ nói phải quấy cho tụi nó nghe cũng đủ rồi. Chị để đó tui. Lưỡi của tui đây nè, ngọt như mật, trơn như mỡ. Tui chỉ nói vài tiếng là đá cũng phải mềm nữa là.

Mâm cơm dọn lên. Ông giáo Hạt cũng vừa ở ngoài vườn bước vào. Vừa thấy bà Năm, ông vui vẻ:
- Ðêm qua có đom đóm vô nhà, tui biết thế nào cũng có điềm lành. Té ra bữa nay chị Năm tới chơi.

Bà Năm Tơ Hồng cười hắc hắc:
- Chớ sao, tui tới đâu là đem chuyện vui tới đó. "Thứ nhứt đom đóm vô nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn" tức là ba điềm hên đó đa anh.

Hai vợ chồng ân cần mời bà Năm ngồi vào mâm. Bà giáo Hạt hỏi cô Sáu Ngọc Huệ:
- Con Bảy làm giống gì mà cứ lúc thúc trong buồng hoài vậy? Biểu nó ra đây chào hỏi má Năm đi chớ.

Cô Sáu Ngọc Huệ trở vào buồng. Một lát, hai chị em cô bước ra. Cô Bảy Ngọc Lựu tròn trịa, xinh xắn. Môi cô tươi, răng cô trắng, cườm tay cô no nưỡng, trắng phau phau, đeo đôi vòng cẩm thạch màu xanh hoa lý.

Bà Năm Tơ Hồng hỏi:
- Con Bảy đây hả chị giáo? Năm nay nó được bao nhiêu tuổi vậy chị?

- Ờ, con Bảy Ngọc Lựu đó đa! Nó mười sáu tuổi rồi đó. Tui sanh năm một mà chị.

Bà Năm Tơ Hồng ngắm nghía cô gái, tấm tắc:
- Da trắng, tóc mịn, tay chân suông đuột, môi đỏ au...Chèng đéc ơi, con nhỏ nầy có thua sút chị nó chỗ nào đâu! Mắt lại lá răm nữa. "Con mắt lá răm, chơn mày lá liễu đáng trăm quan tiền". Ðể tui làm mai giùm chị, chị chịu không chị giáo?

Bà giáo Hạt nói:
- Thì mình lo cho con Sáu xong rồi sẽ tính việc chung thân cho con Bảy.

Bà Năm Tơ Hồng ngon lành:
- Tui có thể làm mai một lượt một trăm đám. Nè, có thầy y tá tên Quỳnh, làm việc ở nhà thương chợ tỉnh, mới có hai mươi lăm tuổi, mặt mày sáng sủa, tánh tình dễ chịu, lại bặt thiệp nữa...Chị biết thẩy không? Thẩy ở dãy phố bà Thông Vịnh đó...

Bà giáo Hạt cười nửa miệng, môi chỉ hé một nửa hàm răng hô:
- Tui cứ lúc thúc trong nhà lo việc bếp núc, đâu có đi ta bà mà biết hết dân tứ xứ mới tới.

Cô Bảy Ngọc Lựu ngứa miệng:
- Con biết thẩy mà. Thẩy mập mạp, trắng như bạch chảng, coi ghê quá!

Bà Năm Tơ Hồng quở:
- Ê, đừng nói tầm bậy nà. Thời buổi nầy khó kiếm ông chồng trắng trẻo, bảnh trai lắm nghe con. Mà từ da trắng muốn làm cho da đen dễ ợt hè. Con cứ bắt thẩy trồng bông kiểng, trồng rau, phơi mình ngoài nắng chừng vài cữ là da thẩy sậm sòi chớ gì.

Mặt cô Bảy vẫn phụng phịu:
- Trắng gì mà trắng như heo cạo. Dẫu thẩy có phơi một trăm cữ nắng thì da thẩy bất quá đỏ thén như mồng gà lôi chớ làm sao mà sậm được!

Bà Năm Tơ Hồng:
- Má Năm cam đoan với con đó. Kỳ hè vừa rồi thẩy đi Vũng Tàu nghỉ mát, da thẩy bắt nắng, coi cũng mặn mòi như ai....

Cô Bảy Ngọc Lựu chỉ cười tủm tỉm không cải nữa. Bà Năm Tơ Hồng hỏi cô Sáu Ngọc Huệ:
- Nè Sáu, má Năm định làm mai con cho thầy giáo Cảnh. Con nghĩ sao đây?

Cô Sáu ngập ngừng:
- Thưa má Năm, thầy giáo Cảnh nào?

- Thầy Cảnh con ông Hát, trưởng kho bạc đó con.

- Có phải cái thầy đen như cột nhà cháy đó không?

- Thẩy đó đa. Thẩy tuy đen đúa nhưng tướng tá mạnh dạn, mặt mày khôi ngô.

Cô Sáu Ngọc Huệ vặn vẹo cái khăn mù-soa trong tay:
- Ý cha, lấy thẩy làm chồng, đố con khỏi bị tụi bạn nó chế nhạo là lấy nhằm ông thần lọ nghẹ hoặc Uất Trì Cung, Hà Ô Lôi...

Bà Năm Tơ Hồng dễ gì chịu thụt lùi trước sụ vùng vằng của cô gái. Bà dỗ ngọt:
- Con nhỏ nầy sao mà dại! Trai đen đúa mới có duyên chớ bộ. Mầy khéo kén cá chọn canh hoài đi, rủi hụt con cá lớn, sẩy con tôm bự thì chừng đó đừng có chắc lưỡi mà tiếc nghe con! Chưa chi mà con chê người ta thiếu điều....muốn ngộp hơi tắt thở vậy đó.

Dù có chê bai kẻ bà Năm Tơ Hồng định làm mai, nhưng đêm đó cả hai cô gái cứ rạo rực, khó ngủ. Cô Sáu Ngọc Huệ từ chiều đã tắm rửa bằng xà-bông cô Ba thơm ngát. Cô bận quần áo trắng lên trung đường đốt đèn, thắp nhang, thay nước trong mấy bình bông sen, bông huệ. Cô lầm thầm khấn vái rất lâu trước bức tranh đức Quán Thế Âm bồ tát. Vừa khi cô vào buồng thay quần áo ngủ thì cô Bảy Ngọc Lựu bận áo tràng màu khói nhang đến bàn thờ Phật Bà. Cô triệt hạ dĩa quít, xuống bếp lấy mận và ổi đơm vô dĩa khác để cúng Phật. Dù cây nhang bạch đàn mà chị cô vừa thắp chưa lụn, cô vẫn đốt thêm cây nhang trầm hương. Cô khấn vái lâu hơn cô Sáu Ngọc Huệ và lạy như tế sao.

Vừa về tới buồng, cô Bảy bắt gặp cô Sáu đang rọi kiếng. Cô Sáu Ngọc Huệ hết nặn mụn tới xỉa răng, rồi chải đầu. Chải đầu xong, không biết làm gì hơn, cô Sáu kéo hộc tủ lấy củ nghệ chấm lên mấy vết mụn vừa mới nặn.

Cô Bảy Ngọc Lựu đương thèm săn sóc tóc da. Da của cô thuộc loại mịn màng. Tóc cô nhỏ sợi, thuộc loại tóc mật, bỏ xoã ngang lưng coi thiệt là thơ mộng.

Dù sao hai chị em cũng phải tính chuyện đi ngủ, vì khóm dạ lý bên hè bắt đầu toả hương thơm ngát tức là gần nửa đêm rồi.

Cô Bảy Ngọc Lựu cứ than dài thở vắn. Cô Sáu Ngọc Huệ cứ ngó mông ngọn đèn. Rốt cuộc cô chị lên tiếng trước:
- Con hà bá, bộ mầy ăn không tiêu hay sao mà cứ thở nghe bắt mệt vậy?

Cô em cười:
- Còn chị, bộ đau bụng máu hay sao mà cứ xăng văng hoài, không chịu đi ngủ cho khoẻ?

Cô Sáu thu dọn gương lược vô cái hộp tròn:
- Nè Bảy, mầy thấy ...thầy Cảnh ra sao?

Cô Bảy Ngọc Lựu lúc nào cũng muốn chị mình lấy ai thì lấy phứt cho rồi, để ba má cô tính tới phần cô. Cô nói:
- Ðờn ông đâu cần đẹp trai. Thầy Cảnh có sống mũi cao, lưng dài, vai rộng, vóc vạc cân đối.. Thẩy có tương lai trước mặt, có quá khứ tốt lành sau lưng, ở đó mà chê bai thẩy rồi đèo bòng nọ kia. Chị sao ưa thói thả mồi bắt bóng!

Sáu Ngọc Huệ vốn thích lấy chồng trắng trẻo, nho nhã. Nhưng mà cái thầy Quỳnh trắng gì mà trắng lạnh trắng lùng, coi nhột mắt làm sao! Nghe giọng chua lè của em, cô hăm he:
- Coi bộ ba má chíp cái thầy Quỳnh đó rồi đa! Thây kệ, Bảy à! Mặt mày thẩy dù không có mặn mòi nhưng cũng hiền hậu. Duyên phận đã định rồi, mầy có chạy đàng trời cũng không tránh khỏi. Chạy trời không khỏi nắng, Bảy ôi!

Cô Bảy Ngọc Lựu bứt rứt:
- Thầy Quỳnh đâu có tóc đen như người Việt mình. Tóc thẩy hoe hoe đỏ, chắc là giống bạch chảng chứ gì!

Cô Sáu mở hộp thuốc tể, lấy một viên cỡ viên bi đen óng và bát ngát mùi mật ong, nhai nhỏ rồi chiêu một ngụm nước trà. Thấy cô gầy gầy nên cô Ba Ngọc Lan bổ cho cô một tể thuốc có tác dụng làm kinh nguyệt điều hoà. Kinh nguyệt của cô Sáu khi trồi khi sụt như nước thủy triều nên thỉnh thoảng bà giáo Hạt làm món gà ác tiềm sanh địa hay trái tim heo chưng với châu sa, thần sa cho cô ăn. Vậy mà cô chẳng lên được kí-lô nào. Còn cô Bảy dẫu chỉ ăn một hột cơm vẫn không ốm bớt một gờ-ram.

Cô Bảy Ngọc Lựu nhìn bóng trăng lồng ngoài khung cửa sổ, thở dài một cái sượt. Cô Sáu Ngọc Huệ háy:
- Con nầy kỳ cục chưa? Lấy chồng mà nó làm như bị....xử bắn vậy!

Cô Bảy tức mình:
- Chồng con nỗi gì nà. Em chưa kịp lớn để lấy chồng, nay có má Năm a thần phù tới bày chuyện mai mối! Bộ chị tưởng lấy chồng rồi mình nhắm mắt về nhà chồng hay sao? Còn phải chuẩn bị tinh thần nữa chớ. Bô chị hổng lo hay sao, chị Sáu?

Cô Sáu trề môi:
- Ối, lo làm gì cho hao hơi tổn sức, Bảy! Tới đâu hay đó. Có khi mầy tính một đàng, kết quả một nẻo.

Cô Bảy nhìn ngọn đèn lom lom:
- Cha chả, còn cái đêm tân hôn nữa! Chừng đó mình sẽ....tính cách nào đây?

Cô Sáu mắng:
- Ðồ khùng nà! Mầy khỏi cần tính, lúc đó thầy Quỳnh sẽ....tính cho mầy.

Cô Bảy "hứ" một tiếng ghét bỏ:
- Rủi thẩy...không chịu tính thì sao?

Cô Sáu cười ngất:
- Thì ...tới phiên mầy tính.

Cô Bảy cùn quằn:
- Thôi, em không thèm lấy chồng đâu. Hổng có tính toán gì ráo trọi á.

Cô Bảy thay một đồ mát bằng sa-teng xanh dịu rồi chui vô mùng. Cô xoay mặt về khung cửa sổ, hỏi chị:
- Còn chị, trong đêm tân hôn, chị tính sao?

Cô Sáu cười:
- Tao hả? Tao sẽ....nhắm mắt.

- Nhắm mắt hả họng phải không?

- Ừa, tao sẽ nhắm mắt đưa chân, thử xem con Tạo xoay vần đến đâu.

- Rủi con Tạo không chịu xoay vần thì mới làm sao?

- Chừng đó sẽ hay. Mầy quên một điều là ở đời nầy đâu phải ai cũng nhút nhát như mầy.

Cô Bảy hỏi gặng:
- Nếu...con Tạo không xoay vần thì chị phải tính chớ?

Cô Sáu Ngọc Huệ mắng:
- Cái con ôn dịch nầy sao mà ăn nói trặc trẹo quá! Ừa, chừng đó tao sẽ tính một cái rụp.

Vốn có óc tò mò thiệt bự, nghe tới đây cô Bảy Ngọc Lựu lồm cồm ngồi dậy, hỏi dồn:

- Ðâu? Chị tính cách nào, nói em nghe chơi.

Cô Sáu Ngọc Huệ ngon lành:
- Chừng đó tao sẽ xách va-ly về nhà nầy.

Cô Bảy rít lên hai tiếng "Tưởng gì!" rồi nằm xuống. Chưa giập bả trầu mà cô Bảy đã ngáy pho pho. Cô Sáu ngớ đăm đăm về phía em, lắc đầu nghĩ thầm: "May mà nó lo mà nó còn ham ăn ham ngủ như vậy đó! Hèn chi ông bà mình nói tụi nhỏ ăn chưa no lo chưa tới..."


° ° °
Ðời làm mai hễ càng gặp khó khăn là càng thích chí, vì có dịp đem miệng lưỡi ra thuyết phục đôi bên trai gái. Bà Năm Tơ Hồng thường tuyên bố như vậy. Bởi đó, bà cứ trau giồi miệng lưỡi của mình cho càng ngày càng tinh vi, điêu luyện hơn.

Về phía thầy giáo Cảnh, thầy cho rằng cô Sáu Ngọc Huệ hơi gầy, hơi khô. Nhận xét của thầy vừa thoát ra cửa miệng bị bà Năm Tơ Hồng chận liền:
- Con gái lúc chưa chồng thì nó ốm gầy. Chừng đẻ xong vài lượt, máu huyết thay đổi, mình mẩy nó sẽ phốp pháp chớ gì. Cháu có thấy vợ thằng Tám Kéo không? Hồi chưa chồng, nó ốm như cây tre miểu, mình mẩy chỉ có da bọc xương. Vậy mà khi đẻ xong đứa con so, nó mập mạp tròn trịa, da trắng tóc dài, ai thấy cũng lấy làm lạ, cũng khen om sòm.

Ba má thầy y tá Quỳnh sẵn sàng làm suôi với ông bà giáo Hạt vì hai bên đều môn đăng hộ đối. Thầy Quỳnh thì chê cô Bảy Ngọc Lựu hơi mập. Bà Năm Tơ Hồng thuyết phục:

- Ối, con gái mập mạp là tướng vượng phu ích tử đó đa cháu. Như con Bảy Ngọc Lựu, vì là con út được tía má nó cưng chiều, chỉ ăn rồi lo việc thêu đan, sung sướng lắm. Chừng nào nó về với cháu, nó phải lo bếp núc cùng trăm thứ việc nhà, có cực khổ lo lắng là nó ốm bớt đi liền, cháu khéo lo!

Dầu đôi bên chê khen lẫn nhau, dẫu đàng trai và đàng gái không mấy hài lòng về phương diện sắc vóc, bà Năm Tơ Hồng vẫn trổ tài thuyết phục để hai cái đám cưới được cử hành vào tháng giêng năm sau. Thầy giáo Cảnh muôn đời giữ màu da đen, cô Sáu Ngọc Huệ thì không mập thêm chút nào. Vậy mà họ yêu nhau rất mực. Cô Sáu Ngọc Huệ thường nhìn chồng nói giỡn:
- Chắc hồi có chửa anh trong bụng, má anh uống thuốc bắc, ăn chè đậu đen hơi nhiều nên da anh đen quá là đen.

Thầy giáo Cảnh vuốt ve vợ:
- Chắc lúc má em mang em trong bụng, bà ăn cá lòng tong nên em ốm nhom ốm nhách. Phải chi bả ăn cá rô mề, ăn thịt gà thiến thì em sẽ mập mạp dễ thương hơn.

Màu da thầy Cảnh đối với cô Sáu Ngọc Huệ không thành vấn đề từ sau tuần trăng mật. Nó như đứng ngoài bờ rào nhân dạng đầy nam tính của chồng cô. Khi thầy bị sốt rét, thiếu máu, nó trở thành màu mắm. Khi thầy phục sức, hồng hào nó trở nên màu tương tàu. Cô không cần nhìn nó nữa. Cô chỉ thấy ở chồng mình một thân thể dẻo dai, ngập tràn sức sống, óc khôi hài tế nhị, nụ cười cởi mở, bao dung.

Về phía thầy Cảnh, thầy chỉ thấy vợ mình tuy mảnh mai nhưng thân thể mềm mại. Cái yếu ớt của cô đã gợi nơi thầy một sư che chở đầy âu yếm của đấng trượng phu.

Bà Năm Tơ Hồng hài lòng lắm khi thấy cặp vợ chồng nầy yêu thương, hoà thuận. Hễ mua được món quà nào đặc biệt, họ cũng kính biếu bà. Mùa xoài, mùa mận, mùa quít, mùa vú sữa, mùa ốc gạo, mùa chim...Mùa nào thức đó, họ tặng bà đủ các món quà quê hương.

Còn thầy Quỳnh và cô Bảy Ngọc Lựu thì sao? Mỗi xế chiều, thầy Quỳnh thích ra sân vận động để dợt đá banh. Thầy chỉ mặc cái quần cụt nên nước da thầy tiếp xúc với nắng nhiều, trở nên nâu hồng. Ðường banh của thầy khá điêu luyện, nhờ đó hội banh của thầy đã từng thắng hội banh tỉnh Sa Ðéc một cách vẻ vang trong kỳ so tài năm ngoái. Còn cô Bảy Ngọc Lựu vì sợ chồng chê nên không dám ăn uống xô bồ xô bộn. Thân thể cô bớt mập, trở nên tròn lẵn.

Vợ chồng Quỳnh dọn về xóm Cầu Ðào, gần miểu Quan Thánh Ðế Quân. Cô Bảy Ngọc Lựu tỏ ra một người nội trợ xuất sắc. Thầy Quỳnh có nhiều dịp thưởng thức món đầu heo, lỗ tai heo luộc ăn với bánh hỏi rau sống mắm nêm do vợ làm. Nhiều lúc trong cơn chăn gối mặn nồng, cô Bảy Ngọc Lựu nhìn màu da nâu hồng nắng táp của chồng, thỏ thẻ:
- Hồi xưa, khi má Năm tính làm mai anh cho em, em lỡ dại chê anh trắng như con heo cạo.

Thầy Quỳnh ve vuốt đôi vai tròn của vợ, nhìn tấm lưng thon của vợ, thú thiệt:
- Anh cũng vậy. Hồi đó anh chê em mập tròn như con cá bống mú.

Bà Năm Tơ Hồng vui lắm. Gặp chòm xóm láng giềng bà khoe inh ỏi:

- Bà con thấy chưa? Tui nói đâu là trúng đó. Cứ coi thầy Quỳnh và con Bảy Ngọc Lựu... Thiệt xứng đôi vừa lứa. Hồi chưa lấy con Bảy, thẩy trắng ngó mà phát ớn, còn con Bảy thì mập như trái xoài tượng. Bây giờ chồng thì mặn mòi, coi bảnh trai hết sức. Còn vợ thì liễu yếu đào tơ, thiệt đúng là một cặp tiên đồng ngọc nữ. Họ nồng nàn với nhau quá xá cỡ. Tui làm mai mát tay thiệt mà. Chắc kiếp trước tui là đồ đệ của ông Tơ bà Nguyệt đó đa.

Và để chấm dứt sự khoe khoang rất chi là dễ thương của mình, bà chìa tấm ảnh cô Hai Kim Tuyến con của ông bà Bang biện Thuận ra khoe:
- Cô nầy đang kén chồng đây. Cổ học trường Sư phạm ở Thầy gòn. Tui nhứt định làm mai cổ cho thầy đốc công sở Trường tiền tên là Trương Anh Tuấn. Bà con coi họ có xứng cặp với nhau hay không?

Trong ảnh, cô Hai Kim Tuyến đứng bên chậu thược dược, mặt nghiêng nghiêng, miệng cười, mắt liếc có vẻ hớn hở lắm.. Bà Năm Tơ Hồng chắc lưỡi hít hà:

- Thiệt là dễ thương! Hèn chi hồi xưa có một ông thi sĩ nào đó vịnh một mỹ nhơn khi cổ đi dạo vườn huê, xem bông kiểng: "Người ngọc bên hoa, hoa ửng sáng. Hoa cười bên ngọc, ngọc thêm trong". Hai câu thơ nầy vịnh cô Hai Kim Tuyến thiệt là không uổng cái hay, cái đẹp của thơ và nhứt là không phụ cái nhan sắc mặn mòi của cổ.
° ° °
Thưa bà con độc giả xa gần. Trải qua bao lớp sóng phế hưng của lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của tổ quốc, không ngờ mùa xuân năm ngoái tôi có dịp gặp lại bà Năm Tơ Hồng tại chùa Khánh Anh trên đất Pháp. Năm nay bà trên bảy chục tuổi, răng cỏ sệu sạo, tóc bạc như phết vôi, ấy vậy mà sắc mặt bà sáng hồng, mắt đưa đẩy theo câu chuyện dù da mặt bà đã nhăn, vai bà co rút. Tôi hỏi:
- Sao bà qua bên đây được? Ði chánh thức theo quốc tịch Pháp hay đi vượt biên?

Bà Năm Tơ Hồng cười hắc hắc:
- Tui đâu có phải là dân Tây. Tốn mười hai lượng vàng mới được ông chủ tàu đánh cá ở Rạch Giá cho đi hùn đó. Tui đi với vợ chồng thằng Hứa. Cậu còn nhớ nó chớ?

Hứa là con trai độc nhứt của bà. Anh ta làm thợ bạc nổi tiếng về việc tra kim cương vô vỏ bạch kim, mãi tới bốn mươi ngoài mới lấy vợ. Chòm xóm đồn rằng Hứa đi hỏi đám nào là đàng gái chạy tét vì Hứa ăn nói vô duyên. Mẹ làm mai nên con trai mất duyên! Sau cùng Hứa đi cưới cô Sâm vốn gái lỡ thời, ốm tong teo như cây sậy, trái với thân hình mập núc của Hứa. Khi ăn ở với nhau, cô Sâm béo đẹp ra, còn Hứa thì rắn chắc lại.. Cả hai cùng yêu đương, thuận thảo lắm. Bà Năm Tơ Hồng làm mai đám nào cũng suôn sẻ, trơn tru, nhưng tới khi đi hỏi vợ cho con lại phải trầy vi tróc vảy mới cưới được cô gái ế chồng, lạt nhách như cơm nguội cho con.

Bà Năm Tơ Hồng khoe:
- Bây giờ tui mộ đạo lắm cậu à. Chúa nhựt nào tui cũng lên mấy chùa làm công quả. Tui cũng làm áp phe chút chút. Cậu coi ai muốn mua cẩm thạch thì nhớ liên lạc với tui nghe không?

Bà cho tôi số điện thoại rồi dặn:
- Thằng Hứa làm thợ bạc chắc cậu chưa quên. Ai có san hô, mã não, hổ phách, ngọc lựu, ngọc miêu nhỡn, ngọc huyền...muốn tra vỏ bạc, vỏ vàng thì cũng cứ phone theo số điện thoại đó.

Tôi hỏi bà còn tiếp tục làm mai nữa không, bà vỗ vai tôi, cười tít mắt, nói ngon lành:
- Vẫn tiếp tục chớ cậu. Tui thương cho mấy cậu thanh niên, mấy cô gái bơ vơ xứ người mà chưa có đôi bạn. Phải tìm cách "xe duyên chỉ thắm" cho họ để họ đẻ con cho đông, một khi kéo về nước là tấn công tụi cộng sãn một cái rụp để kéo tụi nó xuống địa ngục chầu thằng cha Bác Hồ của tụi nó.

Tràng cười dòn khấm khướu của bà chấm dứt câu nói. Trước khi chia tay bà còn dặn tôi:
- Có rảnh lại tui chơi nghen cậu. Con cháu vợ của thằng Hứa đẹp như đào Thanh Nga hiện cũng đang kén chồng. Cậu lại đàng tui chơi đi. Nó mà nấu canh chua cá "đô-rát" cho cậu ăn là cậu mê liền...  
Hồ Trường An
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Sep/2020 lúc 8:15am

Thêm Lần Lầm Lỡ



Lonely%20Girl%20Stock%20Image%20I1386654%20at%20FeaturePicsChú Hai Nhân bước ra mé rạch vói hái mấy trái bần miệng ngân nga lên câu vọng cổ, trong lòng nghe lâng lâng, chú vừa lờ được mớ cá tôm và có hai con cá lóc cũng to bộn cỡ ký mấy, chú lựa ba mớ ra …cha …và nghĩ, mai lại đở tốn tiền chợ rồi.

Chú định lấy hai con cá lóc một con nướng trui cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm, một con nấu bậy tô canh chua, chú chắc lưởi..ha ha…đủ xôm tụ rồi, xế xế mình hú tụi thằng hai Cường, thằng Hảo, thằng Tiến lai rai nhâm nhi vài xị, kéo vài bản đờn cò đám tài tử nầy khỏi chê đâu, nhứt là thằng Cường nó xuống giọng cổ thì là mùi gì đâu, đám gái làng có mà chết vì nó, thân hình thì lực lưỡng, dân làm vườn mà… sẳn hôm nay có trăng, gió thu lành lạnh ấm lắm đây nha, cứ dọn bày ra chiếc ghe bập bềnh trên sông, chờ trăng lên cũng vui vẻ tuổi già .

Cuộc đời cứ như vậy mà trôi qua theo năm tháng, chú còn nhớ những ngày sau 1975 khi chú học cải tạo về gia đình nghèo khó, chú lao đao lận đận, hết làm phu khuân vác ở bến xe rồi đến bến đò, chạy xích lô, bán vé số, cho đến sửa xe ở góc đường chú không từ chuyện gì khó nhọc cả bởi trên vai chú còn nợ gánh gia đình, vợ chú cũng là người đàn bà hiền hậu biết cần kiệm lại siêng năng khéo léo trong nhà, mấy năm chú không có ở nhà, vợ chú cũng tảo tần hôm sớm nuôi con chờ chồng.

Chú có hai đứa con một trai một gái, bây giờ thì cũng tạm ổn, đứa con trai thì lao động nước ngoài, dành dụm lâu lâu gởi chút đỉnh về nhà, đứa con gái thì học hết cấp ba lúc đó chú không đủ khả năng cho nó học đại học nên nghỉ đi làm xí nghiệp may, nay đã có gia đình thế là chú có hai đứa cháu ngoại cũng một trai một gái nó nói vậy đủ rồi thêm nữa mệt lắm.

Vợ chồng chú chắt mót trở về quê mua được năm công đất, cất nhà, làm ruộng, làm rẫy có chút đỉnh cây ăn trái, mùa nào có trái đấy để ăn, sau bao năm vất vã rồi cái gì cũng qua hết chứ cứ ngồi đó mà than thở buồn chán hoài làm sao chịu nỗi, gặp thời thế, thế thời phải thế, chuyện trần ai, ai biết được ngày mai.
Chú mong sao một đêm thức dậy thấy mình còn thở gia đình bình yên là tốt rồi việc gì đến thì cứ đến chứ còn ngồi đó lo âu mãi chỉ tổ già thêm lên rồi bệnh hoạn rủ nhau đến thì mệt lắm.

Đang trong dòng suy nghĩ chú nghe tiếng ghe máy nổ từ xa chạy đến chú nheo mắt nhìn thì ra thằng Hợi chú hú nó:
– Ê, ê Hợi mầy làm gì mà từ sáng sớm tới giờ mầy cứ chạy qua chạy lại con rạch nầy vậy, có quởn chút ra đây nhập bọn với tụi tao lai rai nha.
Thằng Hợi cho chiếc ghe máy tấp vào gốc bần và nói:
– Chú không hay gì sao?
– Vụ  gì mà hay với không hay.
– Thì cô Lan thợ may con dì  tư Xinh xóm dưới đó mất tích rồi.
– Hồi nào mà cho là mất tích, tao mới gặp nó chiều hôm kia đây mà.
– Dì tư nói hôm qua thấy nó ngồi buồn rồi khóc rấm ra rấm rức hỏi hoài không nói, cơm cũng không ăn uống gì hết, chiều qua tới giờ cũng không thấy, tối cũng chẳng thấy về có khi nào  nó đi đâu mà không nói, nên dì nghĩ bậy kêu con chạy vòng vòng coi có thấy gì không, dì nghi nó thất tình nên…ôi mà chạy từ sáng giờ có thấy xác nào trôi nổi đâu nà.
– Ý cái miệng mày nói gì không nên.
– Thôi để con chạy thêm vòng nữa coi sao sáng giờ hết hai lít xăng rồi , xế chiều con ghé nha chú hai, nói rồi nó giựt máy de ra rồi chạy tuốt.

Chú lắc đầu ngẫm nghĩ, thời nay trai gái không biết đâu mà lường thấy mà mệt cũng may con mình nó cũng ngoan, cũng nên thân chứ không mình cũng khổ, còn nói về con Lan thấy nó cũng đẹp người đẹp nết lại có nghề may,  lễ phép biết kính trên nhường dưới, mình định đi nói cho con trai mình mà sao vậy cà.
Nhớ năm nào hai mẹ con về đây mua miếng xẻo đất nhỏ xóm dưới cất cái nhà nhỏ mở tiệm may và bán chút đỉnh hàng hóa đời sống cũng ổn định mà, sao giờ vụ gì đây ta.

Nhưng chú đâu có biết, có một hôm cô Lan đi mua hàng ở thị xã về, vai mang tay xách về tới đường làng nghỉ chân phe phẩy chiếc nón lá trên tay bên gốc Phượng một bên trồng xen mấy cây mai hoàng hậu mà người ta còn nói có tên là hoa Ưu Đàm buông dài chùm, chùm vàng rực đẹp làm sao, con đường nầy đầy bóng mát, gần đó là trường tiểu học, hôm nay chủ nhật nên cổng trường im vắng, cô liên tưởng đến ngày xưa, cô nhớ tuổi học trò đầy hoa mộng…

Bỗng có tiếng xe gắn máy chạy tới phá tan dòng suy nghĩ và sự yên tỉnh của buổi chiều thu, xe dừng trước mặt cô là một thanh niên khoảng hai lăm hai tám.
– Xin lỗi cho tôi hỏi thăm nhà bà đốc phủ Tuân ở đâu ạ.
Lan đứng lên trả lời:
– Anh đi trờ tới khoảng bảy mươi mét có ngã ba chạy xích lên quẹo trái là thấy cái nhà lớn ngói đỏ trước nhà có trồng mấy cây nầy nè, Lan chỉ cây mai hoàng hậu là đúng nhà đó, nhưng anh coi chừng có chó dữ đó nha, mà anh họ hàng hay quen ai trong đó mà không biết nhà, tôi là bạn học của Tuấn, sẳn hôm nay rảnh tôi ghé chơi, mới lần đầu mà.

Rồi anh bước xuống xe làm quen và tự giới thiệu.
– Tôi tên Tâm ,xin lỗi cho tôi được làm quen và biết tên cô nhé, chắc nhà gần đây phải không?
– Biết tên để làm chi,tôi đâu có quen anh.
– Thì trước lạ sau cũng quen mà, nói đi có chết chốc gì đâu, tên gì vậy cô nương hihi…
 – Tôi tên Lan, Hoài Lan.
– Cha tên đẹp mà người cũng đẹp, thôi thì cho biết nhà luôn đi.
– Cha ngụ ý gì đây.
– Thôi mà nói đi, anh nhìn gỉo xách Lan đi chợ à mua gì nhiều xách nặng quá  
– Nhà Lan ở ngã ba kia kìa chỗ đó đó quẹo phải có hai hàng cây đậu Săn, có cái quán nho nhỏ.
– Thôi Lan về đây trưa rồi.
– Thôi Lan lên anh chở cho mau.
– Không được đâu nha.
Nói Rồi Lan vội vã xách gỉo đi một hơi. Thoảng sau anh chạy qua nói:
 – Tạm biệt Lan nha sẽ còn gặp lại.

Lan rẽ vào đường về nhà, thì thấy dì tư đang vo gạo trước sân  – Thưa má con mới về, má nấu cơm hả má.
– Ừ, thấy trưa rồi nên má bắt ba hột lên con về có ăn liền  
– Phải con về sớm chút má khỏi nấu cơm, con định bửa nay mẹ con mình ăn sang một chút  
– Ăn gì mà sang  
– Hi hi bánh hỏi thịt quay sang hôn má.
– Cha thịt heo quay mắc lắm mà, tằn tiện chút đi con, còn phải lấy chồng rồi có con đủ thứ phải lo.

Lan ôm vai dì và cười nói: – Con hổng lấy chồng đâu ở vậy hoài với má hà.
 – Chắc vậy hôn đó hay duyên tới bỏ má theo chồng.
– Không có đâu, nếu xui thì cũng ở đây với má, mình bắt rễ.
– Trời ạ, tiền đâu mà nuôi rễ chứ.
– Ơi, hơi đâu mà má lo, còn khuya mới lấy chồng, ai nấu cơm cho con ăn mà lấy.
– Bộ mọi cho cô hoài chắc.
Lan cười rữa mặt.
– Thôi lỡ rồi chiều hong lại cơm ăn, giờ má con mình ăn bánh hỏi trước má dọn con rửa rau, công bằng há.
Hai má con vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ.
– Rau, chanh tháng nầy mắc quá, không mua sợ ai hỏi không có mà mua bán sợ họ chê mắc.
– Có gì đâu ai cũng biết mà, mua mắc phải bán cao một chút, má hay mình trồng ít cây chanh đi má.
– Ừ, để coi má cũng định trồng  ít cây cam sành nữa.

Nói tới đây dì tư thấy có bóng ai thấp thoáng trước sân, nhìn kỷ thấy Tuấn và một người nữa bước vào, Lan quay ra thấy Tuấn và Tâm định hỏi thì Tuấn nói:
– Dì và Lan đang ăn cơm hả, ngại quá.
– Không sao con cũng xong rồi,bà vội vã dọn dẹp và mời.
– Con ngồi chơi, cần gì con Lan lấy cho.
– Dạ, Lan cho anh hai ly cà phê đá với gói ba số nhé.

Tiếng Tâm nói khi nhìn chung quanh chắc thợ may nầy khéo tay lắm đây nghe Tuấn khen quá. Lan nói:  
–  Cũng tàm tạm không khéo lắm đâu anh.
– Thì may cho anh đi mặc biết liền, anh để xấp vải lên bàn.

Tâm thầm nghĩ cha chắc muốn lân la tới lui làm quen đây chớ mới đây làm sao có vải mà may, anh Tuấn nầy tính gì đây, nhưng Lan cũng thấy vui vui làm sao trông anh ấy cũng được, Lan đặt hai ly cà phê và gói thuốc xuống bàn, quay đi thì Tuấn nói:  
– Ngồi chơi chút đi Lan, không vội đâu, Lan mới đi bổ hàng về hả, gặp Tâm phải không?
– Dạ.
– Thôi thì kết bạn đi nha nó nhờ anh lên tiếng đó, chịu không?
– Thì cũng trước lạ sau quen.
Tâm nói:  – Rồi thân thương hơn mấy hồi.
Lan cười: – Cũng chưa biết được à nha.

Rồi Tâm nói bâng quơ:  – Hai hàng đậu Săn trồng vầy thấy hay hay mát và đẹp chứ, còn có đậu  rang nấu nước uống thơm và mát, sáng mắt nữa chứ có sáng kiến hay.
– Lan nói : Anh cũng thích uống chứ, nói rồi Lan đi rót mời, anh nói cha thơm thật, nóng hổi thổi, uống trời nầy uống mới đã làm sao.

Ngồi một chút Lan lấy thước đo áo cho Tâm . Khi đứng gần Tâm nhìn kỹ nghĩ Lan đẹp thật nước da mịn hồng, mắt đen huyền, nụ cười mĩm lúm hai đồng tiền nho nhỏ trông rất dể thương, giọng nói dịu dàng thánh thót như oanh, tóc dài mượt và thơm mùi bồ kết, Tâm thấy lòng xao xuyến một niềm đam mê và mơ ước…

Từ dạo đó Tâm thường mượn cớ thăm Tuấn và qua lại ghé thăm Lan, dì tư cũng mến Tâm vì tánh tình hiền lành vui vẽ, hay xông xáo giúp đở những việc nặng nhọc, và ngày tháng cứ thế trôi qua khoãng hai năm, dì cũng có ý nghĩ gã Lan cho Tâm nhưng qua gia thế Tâm nên bà còn ngần ngại vì Tâm là con một cha Tâm là thầu khoán lớn, gia đình bà thì đạm bạc không môn đăng hộ đối, nên bà vẫn lo sợ và nhắc nhở con chừng chừng.

Nhưng chuyện trai gái sao mà giữ được khi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, rồi thì cái gì đến sẽ đến, lòng nhẹ dạ sự mềm yếu của phụ nữ là việc chịu những thua thiệt sau đó.  

Đã hai tháng nay không thấy Tâm ghé Lan lo sợ khi thấy trong người khác lạ biếng ăn khó ngủ càng ngày càng mỏi mệt gầy yếu, Lan biết mình đã có thai khi chu kỳ kinh nguyệt không đúng Lan bắt đầu lo sợ cho sự lạc lầm hư hỏng của mình, Lan khóc thầm trong đêm, cuối cùng Lan quýêt định đi tìm Tâm, nhưng có ngờ đâu khi tìm được nhà Tâm thì hỏi thăm mới biết ba mẹ Tâm vì làm ăn thất bại đã chuyển nhà đi không biết đi đâu, kể cả Tuấn cũng không liên lạc được, Lan cũng chưa cho Tâm biết mình có thai thì không thể cho là Tâm phụ bạc, nhưng làm sao đây khi cái thai mỗi ngày sẽ lớn thiên hạ dị nghị, má Lan sẽ nói gì khi con mình hư hỏng không chồng mà có chửa, Lan đau khổ mấy lần định quyên sinh nhưng sợ mẹ già không ai nuôi.

Cuối cùng Lan suy nghĩ quay về thú thật với má xin được tha thứ và giữ lại đứa con đang lớn dần vô tội, âu cũng là định số cũa nó với hy vọng một ngày nào đó Tâm trở về với lý do chính đáng để Lan tha thứ và con Lan sẽ có cha nhìn nhận.
Khi dì tư nghe Lan thú thật mọi việc bà đau buồn không nói nên lời, nước mắt chảy dài khi nghĩ đến cuộc đời cũa bà, chuyện xưa lại thêm một lần lập lại, con bà đã đi trên bước xe đổ của bà, thương con bà chỉ biết xót xa đau đớn con cháu mình thì mình nuôi, cửa nhà có thêm người rồi cũng vui.

Ngoài kia trời bỗng xuống chiều, gió đong đưa từng cánh hoa rơi rụng, cây phượng gốc nhà cũng nhỏ máu rơi theo, giàn tigôn vẫn thổn thức tiếc thương cho người con gái mang tên Lan…
Mưa rớt hạt dần như khóc cho một đời người thêm lần nữa chung số phận, gió lùa qua phên bà khẻ rùng mình nghe hơi lạnh đến cả trong trái tim nho nhỏ cằn cỗi của  mình…

Trương Thị Thanh Tâm - Mỹ Tho
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22121
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Sep/2020 lúc 8:05am

NÓ SỐ CON RỆP





Mỗi lần có chuyện gì xui xẻo, không may, hoặc không như ý nó đều nói “đúng là tao số con rệp”. Vậy số con rệp là số như thế nào, mà người ta hay đem con côn trùng hút máu người ra so sánh với số phận không may mắn của mình.


Nó cầm chai bia lên tu một hơi. Bất chợt đập mạnh xuống bàn. Bốp!!! Chai bia vỡ nát với sức mạnh của cơn bực tức. Nó chửi thành tiếng: Mẹ nó! Còn thiếu một con nữa không chịu vô luôn. Trúng có mấy ngàn không đủ tiền đổi chiếc xe! Thiệt là số con rệp mà! Chút xíu nữa mình thành triệu phú rồi. Tiếc ơi là tiếc. Trời không cho mình giàu như ba mình. Bất giác Nó thở dài. Đẩy bật cái ghế ngồi, hướng mắt nhìn trần nhà, Nó lim dim ... tiếc nuối ...
Trôi ngược dòng thời gian ...
Nó hồi tưởng những năm dài quá khứ. Gần đến cái tuổi “thất thập cỗ lai hy” mà nó vẫn phải đi làm để duy trì sinh hoạt và sự sống hằng ngày, trong khi bạn bè cùng tuổi, họ đã nghỉ hưu gần hết.
Nó nhớ lại tuổi thơ nó sướng quá, cha mẹ nó ở Sài Gòn may mắn trúng số độc đắc, lúc nó còn nhỏ xíu. Tiền hồi đó lớn lắm. Rồi gia đình nó ăn nên làm ra, tiền đẻ ra tiền. Ba má nó tậu nhà lầu to lớn ngon nhất xóm. Là công tử con nhà giàu, nó chỉ biết ăn với học, chưa bao giờ nó biết cực khổ hay làm công việc lặt vặt. Trong nhà có bà vú, có chị giúp việc làm hết. Qua xứ Úc nầy nó cảm thấy cái thời vàng son của nó không còn nữa. Ước gì ... ước gì ... cái ước của nó không được như nó muốn.
Lúc còn ở Việt Nam cha mẹ nó có tiền. Đến lúc nó trưởng thành, học xong trung học, mộng đi du học theo chương trình Colombo của chính phủ, mà nó mơ ước trước năm 75 tan thành mây khói sau biến cố tháng tư năm 1975. Nó thường tắc lưỡi luyến tiếc. Phải chi không có giải phóng thì tao đi du học rồi, ba tao đã lo sẵn đâu đó, không cần đậu học bổng, lo tiền là xong. Nó quên rằng, thay vì nó đi du học, đổi lại sau nầy nó đi vượt biên và cũng được học ở nước ngoài, có khác gì đâu. Nó có chí lắm! Nó học giỏi và rất siêng năng. Nó quyết tâm đi học lại, ước mơ đỗ Ông Nghè cuối cùng đã được, nó đã trở thành một vị Kỷ Sư, một nhà khoa bảng. Công thành, danh toại.
Cuộc đời mà! Không như ta tưởng. Không phải mình muốn gì là được đó. Sau nầy nó bị trục trặc nhiều thứ, nên cái tâm trạng dường như “bất đắc chí” làm nó khổ sở. Nó suy nghĩ. Nó cho rằng nó số con rệp, mỗi lần không thành công hoặc không được như ý một việc gì, nó đều đổ lỗi cho sự xui xẻo. Không việc gì trong cuộc sống gia đình mà được như ý nó mong muốn. với cái mác khoa bảng của nó, nó không muốn cho vợ đi làm, buộc vợ phải đi học lại cho xứng với nó, con cái của nó thì phải học ngành do nó chọn. Tánh gia trưởng, độc tài của nó là bạn bè ai cũng thấy. Trời không thương nó, vợ nó bị ép học, cuối cùng học không nổi nên bỏ học, con nó thì học không giỏi, học mãi cũng không tới đâu, vì chịu nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày, rất tội nghiệp.
Cái độc tài của nó đã làm nó thất bại trong cuộc sống mà nó không ngờ tới. Nó quá chán nản. Ông trời không công bằng với nó. Buồn đời. Nó mượn rượu giải sầu, lấy rượu làm niềm vui. Tánh độc tài, gia trưởng của nó càng tăng chóng mặt mà nó không biết.
.... Rồi vợ nó bỏ nó đi ... con nó dù không thành tài nhưng cũng thành nhân, trời vẫn không phụ người có lòng. Nhưng nó vẫn bất mản. Nó than tại sao con nó không lấy được cái Gen của nó ? Vợ nó cũng thuộc hàng trí thức mà!
Bạn đồng nghiệp nó lên lương lên chức vù vù, nó nói người ta biết nịnh nọt, lòn lách, còn nó được công ty cho nghỉ, bồi thường một số tiền lớn. Nó than. Sao tao xui xẻo quá! Rồi nó tìm được công việc khác, làm được vài năm cũng bị cho nghỉ. Nó cho rằng nó bị xui. Nó không nghĩ là tại nó không được giỏi lắm, hoặc thời buổi khó khăn, người ta chỉ giữ lại những người thật giỏi. Công ty nào khùng mà cho nghỉ việc những người giỏi, người làm được việc ? Có thể là nó chưa đủ giỏi ? Cái tự hào, cái tôi, cái lúc nào mình cũng “tưởng” mình giỏi làm cho nó thất bại mà nó không ngộ được !
Đời là vậy đó! Mình giỏi hay dở thây kệ.
Thấy người ta chìu vợ, khen vợ, nịnh vợ, nó cười khỉnh, khen thiệt hay móc họng “mầy hay thiệt, tao không làm được”.
Cuối đời của nó mà còn phải đi cày, làm công nhân. Học vị, bằng cấp, thì bị lỗi thời theo năm tháng, treo lên tường “lọng kiếng”. Suốt đời nó rất siêng năng, kiên nhẩn, chịu khó, làm cũng nhiều tiền mà sao không khá, không dư dả nhiều như mọi người. Nó đổ thừa nó có số con rệp?
Nó hy vọng trúng số để đổi đời. Chắc nó đang mò kim dưới đáy biển? Tiền nó làm cực khổ còn không giữ được, nói chi hy vọng tiền trúng số. Người ta thường cho rằng số phận con người 80 phần trăm là do mình định đoạt, 20 phần trăm là do hên xui hay duyên nghiệp. Người ta còn nói “ nhân định thắng thiên “. Con người có thể khắc phục và thay đổi nhân sinh quan. Nó đã không làm được việc nầy. Đừng đổ lỗi cho trời, đừng oán trách trời đất bất công.
Dù sao nó cũng cố gắng hết sức. Lòng kiên nhẩn và sức chịu đựng của nó ít người bì kịp. Mỗi người đều có số phần đã định, do duyên nghiệp, do hên xui. Lực bất tòng tâm. Số con rệp là một cách nói để tự an ủi số phận của mình mà thôi.
17-9-2020
Trần Hàng Ngươn
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 190 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.523 seconds.