Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Tình Sử Bùi Giáng Kim Cương Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 2 phần sau >>
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Tình Sử Bùi Giáng Kim Cương
    Gởi ngày: 23/Dec/2010 lúc 7:30pm
 
 
Tình Sử Bùi Giáng Kim Cương
(Hoàng Kim)

 

 

Tình sử Bùi Giáng Kim Cương:Duyên nợ (kì 1)

Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là "đệ nhất mỹ nhân" trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.

Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với Báo Thanh Niên một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng… Chúng tôi tạm gác những phần cuối của loạt bài Bùi Giáng ̵; thi sĩ kỳ dị để giới thiệu riêng cùng bạn đọc những tiết lộ của Kim Cương. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nghệ sĩ Kim Cương. Những tiết lộ này sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn con người và sự nghiệp của một thi sĩ độc đáo vào bậc nhất của đất nước.
Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với NSƯT Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất. Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng vừa qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề "mua" những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói: "Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của Báo Thanh Niên, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung của đất nước, cần có thêm nhiều thông tin về ông. Và vì không lên tiếng nên có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu đúng ông hơn".
Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng đã được mệnh danh là "kỳ nữ". Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh ̵- Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương: "Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị". Kim Cương trả lời: "Ừ, thì mời ổng tới". Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có "điên điên" như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi". Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới… 8 tuổi. KimCương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: "Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?". Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu… cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi: "Bùi Giáng phải không?". Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu: "Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá".
Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông "quậy" quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng "nương tử Kim Cương". Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.
   ̵1; Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
    Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
    Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
  
   ̵1; Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
     Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
     Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
      Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
 
 
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương: "Quyền lực" của Kim Cương (kì 2)

Phải nói là Kim Cương có "quyền lực" rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm "chim bay cò bay" giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được.
 
Tình cờ có ông bạn Đoàn Thạch Hãn trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông: "Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa!". Lập tức ông riu ríu đi theo Đoàn Thạch Hãn.
Ông còn "ái mộ" bà theo kiểu "kinh khủng" của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin... quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.
Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài - cháu gọi ông bằng bác họ - tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà: "Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra! Đi ra hết!".
  
Nghệ sĩ Kim Cương nói: "Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc". Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng "cô" đàng hoàng chứ không "nương tử", không "Hằng Nga" gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: "Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả?". Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà.
Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.
Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: "Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt". Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: "Thân mẫu tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...". Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ "khai báo" y như vậy. Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu: "Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi". Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.
Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà:
     - Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
     - Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
     - Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ

    ...
Hư vô và vĩnh viễn
Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh
Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn
Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu
Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không
Thơ Bùi Giáng
Hoàng Kim  
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương:
Ba lời cảm tạ của Kim Cương (kì 3)

Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo: "Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh". Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu: "Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột".
Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai "say", như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã... ngủ khò.
Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài: "Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè?". "Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!". "Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây!". "Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng". Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.
Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt: "Tôi mua cho anh kính mới nghen". Ông lắc đầu: "Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi".
Bốn, năm năm cuối đời, ông gần như tỉnh hẳn, và cứ sáng mùng 1 Tết là ông xông đất nhà Kim Cương. Riết rồi biết ý, đêm giao thừa Kim Cương tự xông đất trước cho mình, để tảng sáng mở cửa đón ông vào. Ông vô nhà, ngồi bệt xuống nền, không bao giờ chịu ngồi trên ghế. Rồi ông lì xì cho Kim Cương, khi 5.000đ, khi 10.000đ. Bà xẻ dưa hấu đãi ông ăn. Ông hớn hở trong sự nâng niu của bà.
Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà: "Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!". Bà đáp vui trở lại: "Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!". Những lúc tỉnh táo, ông nói: "Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!". Nhân đó bạn bè hỏi: "Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy?". Ông đáp: "Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh - Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa".
15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:
- Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
- Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu
Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: "Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng". Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi. Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ:
"Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống".
Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:
Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương.
Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.
 
 
(HOÀNG KIM)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 29/Dec/2010 lúc 8:42pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 23/Dec/2010 lúc 7:44pm
mk
IP IP Logged
trankimbau
Moderator Group
Moderator Group


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 424
Quote trankimbau Replybullet Gởi ngày: 24/Dec/2010 lúc 10:55am
 
 Năm 1973-1974 gì đó, Bùi Giáng về Gò Công. Theo ông có 6 con khỉ và 6 con chó. Lúc ăn trưa, ông vào quán kêu 13 tô hủ tíu, yêu cầu chủ quán dọn 12 tô kia lên bàn giống như dọn cho ông. Người hiếu kỳ đến xem rất đông, làm xáo trộn an ninh của thành phố yên tĩnh nầy. Cảnh Sát có đến định "can thiệp", may nhờ ông Cò NGUYỄN PHƯỚC TƯỜNG biết danh Thầy nên Bùi Giáng không sao. Cò Tường giải thích cho mọi người hiểu Bùi Giáng là ai, cái NGÔNG của ông ra sao.
kb
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 24/Dec/2010 lúc 7:07pm
 
 
Tôi nghe nói có một lần (năm 1975) Bùi Giáng về Gò Công để gởi mấy con chó cho một người quen mà người nầy từ chối vì lúc đó tình hình đang thật "căng thẳng". Người quen chỉ tặng nhà thơ bộ đồ lính. Ông ta mừng lắm mặc hoài. Tội nghiệp quá đi thôi !!!
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 24/Dec/2010 lúc 8:58pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 27/Dec/2010 lúc 11:21pm
`
 

Bài thơ l lùng ca anh chăn bò

(Trần Đình Thu)

 

Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền.

Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Sau này trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết:

"- Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
- Và cô có phải cô Bông năm nào?
- Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu"
.

Mặc dù là người gặp may mắn trên đường học vấn nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Bùi Giáng từng viết rằng ông không có ý định học để lấy bằng cấp. Ông Bùi Văn Vịnh, một người em ruột cùng cha cùng mẹ khác của Bùi Giáng cho biết, sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Rồi Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học. Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam.

Bỏ học trở về nhà, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tập Mưa nguồn để kỷ niệm cho khoảng thời gian này. Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm chăn bò, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Và ông đã gọi quãng thời gian này là 15 năm chăn dê, như Tô Vũ ngày xưa. Nhớ lại những tháng ngày này, ông viết: "Tôi bỏ học, chẳng biết chi sách vở. Chạy về quê làm thằng chăn bò. Bao nhiêu thơ làm ra, tôi âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu!".

Bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ dài đến 60 câu, được nhiều người thích đọc. Bài thơ với những lời thơ hết sức thiết tha, đằm thắm, ông dành cho những nàng thơ đặc biệt của ông là những con bò, đọc lên nghe rất thú vị. Trong bài thơ, ông xưng anh với những con bò mà ông đã biến chúng thành dê cho giống chuyện Tô Vũ ngày xưa và gọi chúng là em:

"Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi".

Ông tặng các nàng thơ của ông những chiếc vòng bằng mây mà ông tự đan đủ màu sắc như người ta tặng kỷ vật cho người mình yêu:

"Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu".

Mỗi nàng dê một chiếc vòng, ông tự tay đeo vào cổ các nàng và thủ thỉ:

"Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên".

Tặng xong kỷ vật cho các nàng dê rồi ông mới thề thốt:

"Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha".

Lấy dê, thực chất là bò, làm nàng thơ quả là một chuyện xưa nay chưa có ai làm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn nữa là ông so sánh chuyện đeo vòng mây cho dê với việc trao vòng cầu hôn cho vị hôn thê của mình:

"Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi".

Trong lần xuất bản đầu tiên của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn ghi chú rõ ý khổ thơ này là, ngày xưa khi ông cưới vợ, thì cái giây phút đeo chiếc vòng đính hôn kỳ diệu ấy không làm ông xúc động bằng bây giờ đeo vòng mây cho dê! Thật là một cảm xúc khác người. Sau này chúng ta sẽ thấy, thứ cảm xúc này không phải do ông cố nặn ra cho thành bài thơ lạ mà đó là những gì diễn ra thực tế trong tâm trí ông.

Nỗi lòng Tô Vũ là một bài thơ độc đáo bởi đối tượng cảm xúc của tác giả không phải là cảnh đẹp, là người thơ mà là những con dê. Bài thơ không giống ai đó có những đoạn thơ đẹp lạ lùng:

"Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"...


Thơ

Bùi Giáng

Một buổi trưa

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời lá rụng uá thu phai.

Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh

Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình

Anh quên mất bò đương gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cọ rì rào
Có hay không ? bò đương gặm đó ?
Hay là đây tiếng gió thì thào ?
Hay là đây tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống ?

Mùi thoang thoảng lách lau sương đượm
Mùi gây gây gấy gấy của hương rừng
Mùi lên men phủ ngập mông lung
Không biết nữa mà cần chi biết nữa

Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không

(Vĩnh Trinh - Thạch Bàn 1950)

Chiều

Em ngó buổi chiều buồn có phải
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa
Tròng con mắt đã mỏi mòn có phải
Sắc của trời hương của đất lưa thưa

Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm

Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm.

(Bùi Giáng)

Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 28/Dec/2010 lúc 9:16pm
.
 
 

Gặp Bùi Giáng tháng 05/1975

(Trần Đình Thu)

Tôi đã gặp Bùi Giáng nhiều lần trên trang sách trước khi thực sự được gặp ông. Cơ may ấy có được chính là nhờ tôi đi chiến trường. Chứ nếu cứ ở Hà Nội, thì chắc mãi sau ngày giải phóng tôi mới đọc được Bùi Giáng.

Hồi chiến tranh, sách vở của miền Nam ra được Hà Nội rất ít. Nhưng ở chiến trường, tôi lại có điều kiện đọc rất nhiều sách xuất bản ở Sài Gòn từ tủ sách của ông Nguyễn Văn Linh chủ trương sắm cho Ban tuyên huấn Trung ương cục R (TWC/R). Tôi có người bạn làm "thủ thư" của tủ sách ấy, vì vậy không chỉ được đọc thơ Bùi Giáng, tôi còn được đọc nhiều tác phẩm của A.Camus và Saint-Exupery mà ông dịch.

Tôi không thuộc số người làm thơ chịu ảnh hưởng Bùi Giáng - số này tôi biết khá đông - nhưng tôi chịu lối làm thơ ngẫu hứng của Bùi Giáng. Nó rất gần với "thơ tự động" của phương Tây, nhưng lại đặc Việt Nam, vì đó thường là thơ lục bát. Lục bát thì không thể là thơ... Tây được rồi! Bùi Giáng chơi với thơ lục bát như kiểu trẻ con chơi với những con giống hay những mẩu gỗ nhỏ - chơi trò xếp đặt.

Những câu lục bát bất thần của ông có thể khiến ta phải giật mình. Không biết Mưa nguồn có phải là tập thơ đầu tay của Bùi Giáng không, nhưng tôi đã đọc trong đó những câu thơ tinh khiết, những câu thơ tự nguồn mà thường ở những tập thơ đầu tay - như một mối tình đầu - nhà thơ có được một cách hoàn toàn không cố gắng, thậm chí không ý thức.

Ngày còn ở chiến trường, tôi đã biết Bùi Giáng rất mê thơ Huy Cận do đọc những lời "tán" đầy đam mê của ông về thơ Huy Cận.

Tôi không ngờ, tháng 5/1975, khi vào Sài Gòn và tình cờ được gặp Bùi Giáng, thì chính ông đã đưa thơ Huy Cận ra đố tôi.

Dạo đó mới giải phóng, người ta thì bận năm bận mười, còn đám phóng viên binh vận chúng tôi thì... thất nghiệp. Chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng không còn "đối tượng" để tuyên truyền nữa. Vậy là suốt ngày tôi lang thang la cà ngoài đường, mê mẩn với những "quầy sách dã chiến" trên các con phố lớn của Sài Gòn.

Một buổi tối, anh Hoàng Liên - một cây bút sắc sảo của "đội ngũ tuyên truyền binh vận" chúng tôi - xuất thân từ một ký giả Sài Gòn - mời mấy anh em chúng tôi đến nhà anh uống rượu mừng sum họp. Tôi nhớ nhà anh Hai Hoàng ở một con hẻm thuộc khu Nguyễn Thông - Hòa Hưng gì đó, nhà cũng khiêm nhường thôi. Anh Hoàng Liên là người Quảng Nam, trước khi vào chiến khu hình như khá thân với nhà văn Vũ Hạnh.

Dĩ nhiên anh cũng là đồng hương của Bùi Giáng thi sĩ, nhưng tiệc rượu hôm đó thì chỉ Vũ Hạnh, nhà láng giềng, lại là "dân công tác thành" - tức "VC nằm vùng" là được mời. Thủ trưởng của chúng tôi hôm ấy cũng có mặt, và tỏ ra hứng khởi. Thì lúc ấy ai mà chẳng hứng khởi: chiến tranh đã chấm dứt, gia đình sum họp, "Miền Nam nhận họ" cơ mà! Chúng tôi và nhà văn Vũ Hạnh vừa uống rượu vừa nói với nhau nhiều chuyện một cách từ tốn và giữ lễ.

Anh Vũ Hạnh thì tôi đã biết tiếng và đã đọc nhiều trước đó, biết cả anh là "Việt Cộng nằm vùng" do đọc báo Sài Gòn. Có lẽ do mới giải phóng, người ở rừng và người ở thành lần đầu gặp nhau hay sao đó mà anh Vũ Hạnh có vẻ dè dặt. Chúng tôi thì vô tư, cứ uống và nói to, vui vẻ thoải mái.

Bỗng cửa nhà anh Hai Hoàng mở toang, và một vị khách bất ngờ xuất hiện. Một người râu tóc tung bay, già thì không hẳn vì dáng đi còn phong độ lắm, mà trẻ thì không phải do có rất nhiều... râu (!). Anh Vũ Hạnh nhỏ nhẹ giới thiệu: "Anh Bùi Giáng, nhà thơ".

Tôi nhớ, hình như lúc ấy Bùi tiên sinh đang quẩy trên vai cái gì đó, trông nửa như Bồ Đề Đạt Ma, nửa như... bác hành khất. Bùi tiên sinh không đợi mời, ông ngồi luôn xuống sàn nhà cùng chúng tôi, và... đọc thơ.

Không phải thơ ông, tôi nhớ, mà hình như là thơ Huy Cận. Đọc thơ và nói huyên thuyên, rất vui, chẳng giữ ý hay để ý đến bất cứ thứ gì. Anh Vũ Hạnh có vẻ hơi ngại, nhất là khi có mặt vị thủ trưởng của chúng tôi. Nhưng Bùi Giáng thì chẳng ngại ngần. Ông cũng nâng ly, uống một chút rượu cho vui, và nhắm với món... nói.

Thấy trong chiếu rượu chỉ có tôi là còn trẻ và tôi tỏ ra phấn khởi khi gặp ông, Bùi tiên sinh quay sang bắt chuyện với tôi. Ông nói như Hoàng Liên đây thì ông tin là VC, vì nhà Hoàng Liên nghèo. Còn Vũ Hạnh, ông không tin, vì Vũ Hạnh có nhà ba hay bốn lầu gì đó! Anh Hoàng Liên phải thanh minh cho khách là nhà văn Vũ Hạnh có được ngôi nhà này do nuôi chim cút chứ không phải làm áp-phe hay bóc lột ai.

Bùi Giáng cười khà khà và chuyển sang... đố thơ. Dĩ nhiên không phải đố thủ trưởng của tôi vì thủ trưởng hơi nghiêm và có vẻ không hưởng ứng lắm. Bùi Giáng bèn đố tôi. Ông đọc mỗi lần mấy câu thơ và hỏi tôi có biết thơ của ai không? Có đoạn tôi biết là thơ Huy Cận, có đoạn tôi không biết.

Tất cả đều là thơ Huy Cận. Bùi tiên sinh chê tôi, ông không hiểu tại sao một người trẻ được giới thiệu là "nhà thơ" như tôi mà không thuộc hết thơ Huy Cận (?).

Đúng là tôi dở, nhưng tôi cãi cố với Bùi tiên sinh là tôi chưa thuộc chứ không hẳn là không thuộc. Chưa thuộc vì tôi chưa có điều kiện đọc hết thơ Huy Cận, chứ nếu đã đọc thì có khi cũng thuộc (?).

Tôi nói lấy được chứ thuộc thơ vốn là điểm yếu nhất của tôi. Ngay thơ mình tôi cũng không thuộc, nói gì đến thơ người! Bùi tiên sinh có vẻ rất vui, ông nói đủ chuyện mà giờ tôi cũng không nhớ là những chuyện gì.

Tất nhiên với Bùi Giáng thì không có "vùng cấm" trong những câu chuyện không đầu không đũa như thế. Do đó thủ trưởng của tôi có vẻ không hài lòng. Ông không nói gì, nhưng tôi và anh Hai Hoàng đều biết.

Thủ trưởng của tôi dĩ nhiên không biết Bùi Giáng là ai, có những đặc điểm gì, lại mới giải phóng, tình hình Sài Gòn chưa ổn định, nên ông cảnh giác là chuyện không khó hiểu.

Nhưng với Bùi Giáng, đó cũng không là trở ngại gì lớn! Ông vẫn nói, vẫn vui, vẫn hoa chân múa tay như ở chỗ không người. Và ông chuyển sang... coi bói. Cho tôi.

 

Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 28/Dec/2010 lúc 11:00pm
 
~::Trích Dẫn nguyên văn từ trankimbau

 
 Năm 1973-1974 gì đó, Bùi Giáng về Gò Công. Theo ông có 6 con khỉ và 6 con chó. Lúc ăn trưa, ông vào quán kêu 13 tô hủ tíu, yêu cầu chủ quán dọn 12 tô kia lên bàn giống như dọn cho ông. Người hiếu kỳ đến xem rất đông, làm xáo trộn an ninh của thành phố yên tĩnh nầy. Cảnh Sát có đến định "can thiệp", may nhờ ông Cò NGUYỄN PHƯỚC TƯỜNG biết danh Thầy nên Bùi Giáng không sao. Cò Tường giải thích cho mọi người hiểu Bùi Giáng là ai, cái NGÔNG của ông ra sao.
 

 

 
~::Trích Dẫn nguyên văn từ lo cong

  
Tôi nghe nói có một lần (năm 1975) Bùi Giáng về Gò Công để gởi mấy con chó cho một người quen mà người nầy từ chối vì lúc đó tình hình đang thật "căng thẳng". Người quen chỉ tặng nhà thơ bộ đồ lính. Ông ta mừng lắm mặc hoài. Tội nghiệp quá đi thôi !!!
  
 
 
 
 
Bài "Tình sử Bủi Giáng - Kim Cương" mk gửi lên DĐ ngày 23-12-2010 ; ngay sau đó , mk nhận ược nhiều khích lệ của các Thân Hữu Thành Viên : anh Trần Kim Báu, anh Lộ Công 15, anh Thủy Lan Vy , anh Đoái NAM UY, anh Mặc Thủy . Qua các hình thức : reply bài viết ngay trên DĐ , email kể về Bùi Giáng , Tùy Bút (Ký sự ?) liên quan đến Bùi Giang.
 
mk thật cảm kích và cảm động . Xin chân thành cám ơn !.
Nhất là bài "HUYỄN MỘNG BƯỚC ĐỜI" của anh Thủy Lan Vy , đúng là một bi kịch HUYỄN MỘNG !. Bi kịch đầy nước mắt vào thời điểm hấp hồi của Miền Nam , liên quan trực tiếp đến Đồng Hương GoCong và xảy ra ngay tại Quê Hương Xứ Gò ! mk vô cùng cảm động !
mk hy vọng sẽ có dịp trở lại bài này trong một mục khác và một thời điểm khác.
 
Vào thời điểm "căng thẳng" ( lời anh LC15 ) như thế, mà Bùi Giáng xuất hiện trong trạng thái "tỉnh bơ như đất nước không có chuyện gì xảy ra" ( Huyễn mộng bước đời -ThuyLanVy- ) , vẫn vô tư , ung dung tự tại  của ...."người điên" (?).
 
NHƯNG MÀ , THẬT RA , AI TỈNH ? AI ĐIÊN ? TRONG BỐI CẢNH HỖN LOẠN ĐAU THƯƠNG NGÀY ẤY !?
 
mk xin trích gửi lên diễn đàn, bổ sung dữ liệu về thi sĩ Bùi Giáng. Mời cả nhà đọc để hiểu thêm "Nhà Thơ Điên" tuyệt vời này .
 
Trân trọng,
mk
 
 
 
Ghi chú : chữ nghiêng, màu xanh , trong ngoặc do mk chú thích thêm.
 
 

".....

Anh Sự (Thiếu tá Nguyễn Duy Sự, Chi khu truởng quận Hòa Tân , tỉnh Gò Công, bấy giờ ) chở ông Đỉnh ( Trung tá Đỉnh, nhảy dù ) về lại chi khu Hòa Tân  , cả hai đều im lặng , tiếng máy sau xe báo cáo có cờ giải phóng xuất hiện xa xa ở mé rừng . Vừa tới cổng quận thì thấy một bầy chó rất đẹp, loại chó nhà giàu không biết của ai ? Thấy Anh Sự xuống xe, thầy Bùi Giáng tinh bơ nhu đất nuớc không có chuyện gì xãy ra, kéo bầy chó lại gần anh Sự :

-Bữa nay thầy đem mấy con chó nầy giao thiếu tá nuôi nó, tụi nó khôn lắm, con nầy là sứ giả của Thích ca nè…con nầy là sứ giả của Jesus…con nầy là sứ giả của…

Anh Sự vội vàng từ chối :
-Thầy ơi, tôi không thể nào tiếp Thầy trong ngày hôm nay . 
Rồi Anh Sự móc tiền nhét vào túi nhà thơ bảo
"Thầy tìm xe về Sài Gòn ngay lập tức vì ở đây nguy hiểm lắm , tình hình nặng nề lắm rồi…bữa khác hãy xuống chơi…".
Bữa khác trong lời hẹn cũng là mốc thời gian vô định . Cũng từ hôm đó, Anh Sự vinh viễn không còn gặp lại Ông Thầy Bùi Giáng kính mến lần nào nữa....
....................
Bản tin đầu hàng của tuớng Minh thuờng xuyên phát lại, vậy mà tới giờ nầy hai anh mới đuợc nghe…mà vẫn không muốn tin…

Không còn biết phải làm gì nữa, Anh Sự vội vã tiễn vợ con ra xe về bên ngọai ở làng Tăng Hòa rồi cùng Ông Đỉnh ra Vàm Láng, nơi đơn vị Dù vẫn còn đang chờ thuợng cấp

.............
Ông Đỉnh đứng dựa vào đầu xe jeep, nuớc mắt ông chảy dài trên đôi má dạn dày phong sương, mắt Anh Sự cũng đỏ hoe, không phải chỉ có hai nguời khóc, mà còn nhiều, nhiều lắm, bao nhiêu là nuớc mắt nghẹn ngào, tức tửi .

Họ khóc cho ai ? Cho tổ quốc ? Cho Chánh Phủ ?...hay cho đời mình ? Họ khóc cho tất cả…!

......................"
 
(Trích "HUYỄN MỘNG BƯỚC ĐỜI- Thủy Lan Vy- ; email của anh LoCong15  gửi mk ngày 25-12-2010 )
 
 
 
******
 
 
Và đây , email của anh Nguyễn Duy Sự , gửi cho mk ngày 25-12-2010 , cung cấp thêm những "giai thoại" Bùi Giáng :
 
"..............
 
BÙI GIÁNG
Bài Huyễn Mộng Bước Đời của Sơn đã đăng trên nhiều báo bên này đã 2 năm trước rồi. Nó không phải là chuyện vui trong đời nên anh không nhắc lại.(trong email này)
 
Anh không học Bùi Giáng ngày nào và anh cũng không hiểu sao Thầy mến anh ngay lần đầu mới biết qua sự giới thiệu của nhà thơ Huy Trâm ( Biện Lý Gò Công ) .
Bộ đồ lính anh đưa Thầy mặc trong lần gặp đầu tiên 74 .
Bộ kaki anh mang về ngày du học Mỹ, còn nguyên nếp ủi hồ . Anh cắt hai cầu vai cho mất dấu nhà binh . Thầy thích quá nhưng vò nhàu ra cho mất nếp ủi hồ rồi thay đồ mặc luôn từ đó .
Sau 75 nghe nói Thầy vẫn còn mặc bộ kaki đó lơn tơn ở Sài Gòn .
 
Lần nào xuống Gò Công, ngoài thời gian của cơn điên loạn, Thầy xuống với anh đi nhậu suốt . Thầy uống chậm rãi, ít nói , nhưng... có lúc bỗng nhiên Thầy nói như rao giảng những gì cao lắm , anh nghe mà không hiểu nỗi . Thầy nói vế thời kỳ  "Đệ Nhất Bình Minh " của nhân loại.... Rồi  qua  thời kỳ "Đệ Nhị Bình Minh " ... con người sẽ gì đó...anh chịu thua luôn .
Có bài thơ ngắn không biết của ai Thầy ngâm say sưa , bây giờ anh còn thuộc :
 
Mai kia tôi có về Trời
Tôi đem hai nhánh hương đời thắp nhang
Mai kia tôi sẽ về rừng
Tôi chôn tôi ở trên từng ngọn cây
 
Một lần khác, ban đêm , đang uống trong quán cháo vịt , Thầy đi ra sau lâu quá không thấy trở vào , anh ra theo... nhìn quanh.... Thầy đang nằm tựạ đầu vào đống rơm , và kéo rơm phủ lên đầy người , mắt nhìn lên Trăng( trăng ngoại ô rất đẹp )...
--  Thầy ơi , Thầy nằm đây bệnh chết  
Thầy cười nói
-- MẪU HẬU trên trăng đẹp quá  (Thầy gọi KIM CƯƠNG là MẪU HẬU )
 
Thầy có bị cảnh sát Gò Công bắt giữ vài lần vì ngông...
Ở tù về anh không gặp lại Thầy lần nào nữa , nhưng có nghe nhiều về Thầy , ngưới anh kính mến muôn vàn....
Qua đây thì anh nghe Thầy mất .
............... "
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 29/Dec/2010 lúc 9:15pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 30/Dec/2010 lúc 9:41pm
 
VÀI GIAI THOẠI BÙI GIÁNG
 

Người ta chứng kiến, trong cuộc sống, Bùi Giáng thỉnh thoảng có những hành vi, sinh hoạt khác thường, chẳng hạn mặc một lần nhiều bộ quần áo lên người; ra đường hò hét, huơ gậy giữa đám đông; thản nhiên đứng tắm nơi vòi nước công cộng..., rồi kết luận là ông điên (cũng do một phần, ông thường tự nói là mình điên trong nhiều bài viết, bài thơ). Thật ra, có lẽ đó chỉ là biểu hiện của một tâm hồn linh nhạy thái quá, do tố chất (khuynh hướng) siêu hình sung mãn ẩn chứa bên trong "đẩy đưa" mà thành ra bên ngoài như vậy.

.........
 
Một đối tượng của siêu hình ám ảnh ông nặng nhất chính là việc con người sinh ra. Vì sao sinh ra ? Sinh ra rồi tại sao lại chết ?
Thuở đầu đời cầm bút, ông đã có 2 câu thơ hay nói về điều này:
 
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
 
Ông cho rằng sinh ra đời đã là "lỡ từ lạc bước bước ra" và phải đi tiếp mãi trên đường đời không thể chống chọi lại. Và "chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn" cũng là cách ông nói về sự gắn kết tâm thức mình với những rừng hoa trên núi ngàn quê ông, cái đẹp của chúng mà ông lần đầu được ngắm đã thành cái mênh mông xa vắng mãi trong tâm hồn ông.
Lại có lần ông viết về mình:
 
"Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn và sẽ chết đi giữa cây cỏ gây cấn ly kỳ"
 
Đó là cách nói quá thiết tha mẫn nhạy về cái cảm trạng ông sinh ra đời và làm thơ, nó đứng ở mép rìa cõi... điên, và ông bị cho "nói điên" là vì vậy.
 
 
 
Người trời ?!
 
Cũng vì "cái tật" hay vào quán... hò hét, chỉ trỏ, Bùi Giáng có lần bị một người bán hủ tiếu đánh bị thương khá nặng, phải vào bệnh viện. Người thân của ông định "trả thù", nghe vậy, nằm trên giường bệnh, ông nói: "Hãy tha cho họ, họ là người thường mới đánh mình, vì họ không biết mình là con nhà trời. Nếu kiện, họ đi tù, lấy ai bán hủ tiếu cho bà con ăn".

Nghe hai chữ "người trời", ai cũng lén cười, nhưng có lẽ Bùi Giáng nói... thật. Trong tâm thức ông luôn có những "giọng nói", "hình ảnh" siêu hình chất chứa. Nhiều lần, ông bật thốt những cái tên như Thích ca, Jesus, Khổng Tử, Trang Tử... cho đến Shakespeare, Nietzsche, Heideger... một cách tự nhiên để giải thích một điều gì đó trong câu chuyện đang nói, như thể những vị đó đã luôn là "bạn" của ông trong mọi lúc mọi nơi.

Những khi Bùi Giáng đứng chỉ tay rối rít giữa những ngã tư, nhiều người quen rất lo có ngày ông bị đụng xe (nhưng có cái lạ là ông không bao giờ bị đụng). Hỏi: "Đã có công an làm trật tự giao thông rồi, nhà thơ làm vậy chi nữa?", ông chỉ tay lên trời đáp: "Ta đâu có chỉ đường cho loài người. Ta chỉ đường cho các thiên thần đang đi lại trên trời kia kìa". Hồi giữa những năm 1960, có lần nhà văn - thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đi tìm ông và thấy ông đang ngủ cạnh một ngôi mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nhà văn đánh thức ông dậy, quát to: "Về nhà ngủ". Ông ngồi dậy, đưa tay lên miệng suỵt suỵt mấy tiếng, bảo "Mi nói nhỏ thôi để những người dưới mộ ngủ ngon".

.........
 
 
Thiền tọa và tịnh khẩu
 
có những lúc Bùi Giáng ở hẳn trong nhà cả tháng trời. Suốt tháng đó, ông không hề mở miệng nói một câu, thậm chí cũng không đọc thơ vốn là nhu cầu "máu thịt" của ông. Ông chỉ nói một, hai từ trong những lúc cần thiết trao đổi. Ví dụ "ăn cơm không?", đáp "ừ"; "ăn thêm chén nữa?", đáp "không"... Và hình như "công án" tịnh khẩu dài lâu như thế không phải là điều dễ thực hành (ngay cả với người tu chân chính), cho nên người nhà thỉnh thoảng lại thấy ông lấy những áo quần cũ rách ra để ngồi vá. Ông vá thật khéo tay, miếng nào miếng nấy "đẹp như người ta vẽ". Chúng ta đồ rằng, với "công án" vá may đó, ông đã thực hành pháp chánh niệm của Phật giáo (chăm chú an trú trong hiện tiền, với việc mình đang làm từng giây phút) để rồi mới có những miếng vá "tuyệt vời" như vậy.
Bùi Giáng thường thức dậy rất sớm, mới tù mù sáng, ông đã ra khỏi nhà. Và thường thì đến khi tối mịt, ông mới về. Nhưng trong nhiều năm cuối đời, dù dậy sớm "phiêu bồng" đâu đó đến khuya, mỗi ngày ông đều ngồi thiền khoảng một tiếng vào hai "thời": khuya và sáng sớm. Nhiều vị tu sĩ cho biết: "Ngồi thiền đều đặn như thế giúp cho tâm trí và cơ thể cân bằng, có nhiều năng lượng sống". Chúng ta lại đồ rằng, Bùi Giáng đã rất "tỉnh táo" khi chọn cách tịnh khẩu và ngồi thiền như thế. Tố chất siêu hình nhiều khi khiến ông có vẻ "điên", nhưng cũng chính cái đó "đẩy" ông đến gần hơn với thế giới của tôn giáo nghiêm mật và minh triết.
 
*******
 
 
Năm 1978 Bùi Giáng về ở với ông Võ, nhưng đến năm 1985 ông mới gặp được người bạn vong niên, không ngờ cũng là người thừa kế của mình sau này. Đó là đứa cháu rể tên Hoài, con rể của ông Võ, cất nhà trong khuôn viên của gia đình.

Anh Hoài thật sự ngỡ ngàng trước một ông bác vợ "kỳ quặc" nhưng vốn không có cha từ 18 tuổi, nên anh rất quấn quýt, thương yêu và kính trọng ông. Mãi đến năm 1990, anh mới bắt đầu đồng cảm với Bùi Giáng, và động viên ông sáng tác trở lại. Bùi Giáng là một cõi riêng huyền diệu, cả thế gian này chưa chắc được mấy người hiểu ông, huống chi một kẻ "ngoại đạo" với văn chương như anh Hoài. Với tấm lòng thương quý thôi, anh đã xâm nhập được vào cõi riêng ấy, và giữ lại cho đời một bóng hình Bùi Giáng thiên thu.

......................
 
Nhớ lại, anh Hoài thở dài: "Tiếc là tôi không thấu nổi tư tưởng của bác. Có lần thu băng nghe ông nói, mở ra nghe, cũng không theo nổi. Ông nói đủ chuyện cổ kim, bên Tây bên Tàu, rất uyên bác. Lại còn dạy chữ Phạn cho các sư trong chùa nữa". Anh chỉ còn biết động viên bác sáng tác để làm vui.

Nhưng Bùi Giáng không sáng tác cho vui, mà ông làm trối chết. Ông họa một lèo hết trơn tập thơ của Thân Thị Ngọc Quế, lấy tên Tuyết băng vô tận xứ. Và ông ngồi ngay cái bàn trước cửa nhà anh Hoài mà dịch cuốn Thục nữ học đường của André Gide, đêm nào cũng thức trắng, chỉ một tháng là xong. Đây là quyển tiểu thuyết nói về tâm lý phụ nữ rất hay, mà tính ông vốn yêu phụ nữ, nên say mê là lẽ đương nhiên. Đến cuốn thứ hai cũng của André Gide là Dưỡng chất trần gian, thì anh Hoài hoảng quá không cho bác làm việc kiểu đó nữa, bỏ dở dang nửa cuốn.

"Thôi thôi, bác làm thơ cho vui đi!". Anh "dụ dỗ" Bùi Giáng, và ông nghe lời. Nhờ vậy mà ông có gần chục tập thơ vào lúc cuối đời, như Tâm sự tuổi già, Trúc mai, Rớt hột phiêu bồng... anh Hoài sẽ cho xuất bản nay mai cùng với Tuyết băng vô tận xứThục nữ học đường.
 
Người ta không thấy Bùi Giáng làm việc lúc nào, vậy mà vẫn có tác phẩm, hóa ra ông chỉ làm việc về đêm, thường là thức trắng. Bộ não ông rất lạ kỳ, say đó, rồi tỉnh như không. Bác Võ kể: "Một hôm ông Ngô Văn Tao đến nhờ Bùi Giáng dịch dùm một quyển sách, thấy ông nằm võng dưới gốc xoài, say khướt, ông Tao bảo thôi đi về. Bùi Giáng mở mắt, đưa đây, đưa đây. Rồi dịch một lèo mấy trang, xõa hai tay giấy rơi lả tả xuống đất, xong ngủ khò".

Giai đoạn 1994 - 1996, Bùi Giáng sáng tác rất dữ. Và ông cẩn thận làm giấy ủy quyền cho đứa cháu rể quản lý toàn bộ tác phẩm của mình. "Sau này mày in sách lo cho mấy đứa nhỏ". Đó là những đứa cháu nhỏ xíu mà ông cũng dành cho nhiều câu thơ chân thành:

Ngày mai ông sẽ lìa đời
Các con ở lại buồn vui thế nào
Ông về chín suối chiêm bao
Thần tiên mộng mị mừng chào các con

 
****
 
(Nguồn : internet)


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 30/Dec/2010 lúc 11:48pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 30/Dec/2010 lúc 9:57pm
 
 
 
Bức thư tình chưa "công bố"

Bùi Giáng viết thư và làm thơ cho Kim Cương nhiều vô kể, nhưng trong đó có một bức thư Kim Cương chưa hề trông thấy.
 
Đó là bức thư ông viết năm 1998 (trước khi chết vài tháng) rất tỉnh táo, nhưng lại không đưa cho Kim Cương, chỉ anh Hoài cất giữ. Sau này, anh Hoài có kể cho Kim Cương nghe về lá thư này, nhưng vì quá bận bịu nên lá thư lại trôi vào quên lãng. Mãi đến khi chúng tôi thực hiện loạt bài này anh mới đưa cho chúng tôi đăng tải, cũng là "ra mắt" Kim Cương lần đầu tiên.

Cô Kim Cương yêu quý,
Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến nhà viếng thăm tôi. Ấy thật bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ. Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu dâu, cháu ruột chúng xúm xít trầm trồ: "Cô Kim Cương ngoài đời đẹp hơn trên ti vi... Lạ quá! Lạ quá!".
Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên trông cô còn trẻ hơn xưa nay?
Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỉ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu... ở với tụi cháu sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la rầy để nghe cho vui vẻ lỗ tai... đỡ buồn hiu quạnh... Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa? Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu. Chúc cô suốt đời sung sướng.
Bùi Giáng 98
 
 
(Hoàng Kim)
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 30/Dec/2010 lúc 11:50pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 07/Jan/2011 lúc 7:30pm
 
 
Thử phác họa đôi nét về cõi thơ Bùi Giáng

(Huỳnh Hữu Ủy)


 
Bùi Giáng (1926-1998)

x…

Một ngôi văn tinh kỳ dị,  lạ lùng, quái đản vừa rụng trên bầu trời văn học. Chỉ cần nói như vậy thì có lẽ  bất kỳ ai cũng biết ngay là thi sĩ Bùi Giáng vừa qua đời.
Trong vòng nửa thế  kỷ vừa qua, chưa có nhà thơ nào tạo được một bóng dáng lồng lộng trên vòm trời  thơ như Bùi Giáng. Ông làm được thơ, viết văn, bàn luận về
văn học, triết học,  chuyển dịch nhiều tác phẩm văn chương của thế giới sang Việt ngữ.
Tất cả đều  theo một thể điệu riêng biệt của ông. Văn nghiệp của Bùi Giáng vô cùng đồ sộ.  Nội chuyện làm một bảng thư mục Bùi Giáng cũng đòi hỏi chúng ta mất nhiều thì  giờ và công phu lắm, chứ chưa nói đến vấn đề gì khác.
Bùi Giáng có một sức  đọc và viết vô cùng kinh khủng. Viết liên tu bất tận, ngưng viết thì đọc, ngưng  đọc thì viết. Dịch sách Tây, sách Tàu, Đức ngữ, Pháp ngữ.
Cái lạ lùng vô cùng  quí báo mà Bùi Giáng mang lại cho chúng ta chính là sự uyên bác, tài hoa, thâm  trầm, bí ẩn của ông, tất cả đều nhào biến một cách vô cùng tự nhiên rồi hiện ra  trong một vẻ giản dị tài tình của một tâm hồn và ngôn ngữ Việt.
Trước bế tắc tư  tưởng của Phương Tây cùng sự tràn lan của chủ nghĩa hư vô, ông đã trở về ngọn  nguồn phương Đông nhất thể, trở lại với cái hài hòa của đạo tự nhiên, đạo vũ  trụ, mộc mạc, sơ nguyên, ẩn mật nơi tư tưởng vô cùng trầm trọng. Ông gom hết mọi  chuyện lại rồi đưa đẩy tuôn trào thành một chuyển động tư tưởng bát ngát, một  dòng thơ yêu kiều, thâm thúy.
Tư tưởng và chất thơ cổ kim đông tây tuôn chảy  qua tâm hồn Bùi Giáng, biểu hiện thành một dòng thơ độc đáo và tuyệt vời nhất  mực. Tinh thể thi ca di động qua
một vài đỉnh núi chon von cô độc như Nguyễn Du,  Holderlin Heidegger,  Nietzsche, càng bát ngát hơn khi chuyển động qua hồn thơ  mênh mông của Bùi
Giáng. Mỗi chữ, mỗi lời, từng câu từng tiếng đều là thơ. Lời  nói thiệt với tinh thể ngôn ngữ là thơ, mà lời nói giỡn dưới chiếc áo dùng dằng  của ngôn ngữ cũng
là thơ. Đi, đứng, nằm, ngồi, cười khóc, vui đùa đều là thơ.  Lúc không điên là thơ, mà lúc điên vẫn cứ là thơ. Đi cho tới cùng cái sâu thẳm  nhất của ngôn ngữ, tới đỉnh cao chót vót của nó, sống với nó trong từng mỗi giây  mỗi phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ chỉ mới có Bùi Giáng là một.

Từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, đường bay của thơ thực là kỳ diệu, mênh mông, vô  lượng. Ông là chiếc bóng của Nguyễn Du, hay chính ông đã đẩy Nguyễn Du đến cùng 
thể tính của thi ca, làm lồng lộng, chất ngất một hồn thơ nước Việt.
Sống với  thơ, giỡn chơi với ngôn ngữ để tạo nên thơ. Chữ nghĩa của Bùi Giáng lúc nào cũng  có một điều gì đó rất dị thường. Ông chỉ cần sắp đặt những đề tựa tư mục lục một  tập thơ của một tác giả khác thì đã mang lại cho chúng ta một bài thơ tuyệt đẹp.  Nhưng sắp đặt và xô đẩy chữ nghĩa phải là theo cách của ông, chớ không thể của  người nào khác được. Hay ông ngắt câu, ngắt đoạn từ bài thơ lục bát của một  người làm thơ khác, biến đổi hình thức thành một bài thơ tự do, tức thời bài thơ  ấy sẽ trở nên kỳ dị và đẹp đẽ lạ lùng. Rất nhiều người làm thơ  đã biến đổi thể  lục bát 6/8 thành 3/3/2/6, 4/2/6/2/ hay2/4/8, hay 6/4/4, hay còn biến đổi nhiều  hơn nữa thành 1/2/3/2/2/2/2 thì có lẽ là đều bắt nguồn từ cách giỡn chơi của Bùi  Giáng
Cuộc đời của Bùi Giáng và thơ của ông, ngay từ khởi đầu dường như đã có  nhiều điều bất thường:

Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa  cuối cùng

Gần đây, thân nhân Bùi Giáng xuất bản tập thơ “Chớp Biển”, kỷ niệm  Bùi Giáng vừa đúng 70 tuổi, giúp cho chúng ta nhiều dữ kiện để hiểu biết ông  hơn.
Hiểu một tác giả qua cuộc đời và hoàn toàn sống của tác giả ấy như phương  pháp phê bình của Saint Beuve vẫn còn là một trong những cách thẩm thấu với văn  chương
rất thông tình đạt lý.
Bà Bùi Giáng qua đời cách đây nửa thế kỷ, cảnh ly  tan đó đã xô đẩy Bùi Giáng đến những đổ vỡ cùng cực. Bóng dáng người nữ ám ảnh  ông suốt đời, để rồi từ đó ông sẽ nghiệm ra được một cách vô cùng sâu thẳm về  tính
nữ, về nguyên lý mẹ.
Nói như Nguyễn Xuân Hoàng ai cũng cần một bà mẹ. Bà mẹ  đó cũng có thể hiện ra trong một bóng dáng khác là người chị, cô em gái nhỏ hay  chính là đứa con gái của mình. Tất cả cái thiêng liêng và tục lụy của mẫu người 
nữ đã biến hiện chập chùng qua hình ảnh người vợ, để rồi chuyển động nhiều hơn  mà trở thành bà mẹ uyên nguyên của đất trời.

Nhiều lúc ông kể lễ nghiêm  trang, đạo mạo, có lúc lại đùa giỡn, cười cợt với hình bóng các mẫu thân, tuy  vẫn có pha đôi chút ngậm ngùi:

Mẹ về trong cõi người ta
Một hôm mẹ gọi  con ra bảo rằng
Trần gian vui sướng lắm chăng
Hay là đau khổ hỡi thằng  chiêm bao.

Giữa những vần thơ điên của ông, dôi lúc chúng ta sẽ tìm thấy  những câu thơ vô cùng kỳ diệu nói về bà mẹ thiêng liêng ấy, tất cả đều như rạo  rực, sinh sôi, triển nở.

Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây  giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu  tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ

Nhắc đến các hình ảnh mẫu  thân của Bùi Giáng, tôi cũng muốn nhân đây chép thêm mấy câu thơ rất đẹp của ông  về cô em gái nhỏ, mà đọc lên hẳn rằng chúng ta dễ
liên tưởng ít nhiều đến người  vợ cũ năm xưa đã chia lìa với ông quá sớm, khi họ cùng mới nhau bước chân vào  đời. Dĩ nhiên, cô em gái nhỏ ấy cũng có thể là một
trong những người nữ Bùi  Giáng tiếp tục gặp về sau:

Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười  buồn mây mọng
Em có là mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh  soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!
......
Em ở lại với đời  ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng rất êm đềm
Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
Để  nhìn em qua khe hở du dương
Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt
Ồ thưa  em ta thấy mộng không thường

Cái tang bà Bùi Giáng đóng đinh suốt đời ông.  Rồi cùng lúc, ông gặp nhiều điều bất ưng ý giữa một thời đại mà bạo lực là  phương tiện hàng đầu của con người.

Thời kháng chiến, ông đi chăn bò giữa  những đồi sim ở một vùng đồi núi nào đó giữa miền Trung đất nước, để tự thấy  mình là một thứ Tô Vũ của thời đại. Ông kết những vòng hoa dại đeo vào cổ bò, cổ  dê, và đùa giỡn suốt ngày với đàn thú hiền từ.
Cho mình là Tô Vũ, có lẽ đó cũng  là một cách Bùi Giáng nói cho chúng ta biết ông là người bị lưu đày ngay chính  nơi quê nhà của mình chứ không cần biệt xứ nơi đâu.
Sau này, thỉnh thoảng ông  cũng nhẹ nhàng vẽ lại cho chúng ta thấy đôi chút cảnh quan rùng rợn, tang thương  của những ngày ấy:

Hãi hùng bi kịch đồi tranh
Trùng quan vó ngựa tế  nhanh trong mù
Thây người nát ở phía sau
Nhìn thu khép mắt khổ đau khôn  hàn

Rồi hòa bình được lập lại, nhưng Bùi Giáng không còn thể nào trở lại  sống cuộc đời bình thường như chúng ta nữa, Những chấn động dữ dội của thời tuổi  trẻ đã
góp phần dồn đẩy ông tới bờ vực chon von.
Định mệnh đã chọn ông là một  thiên tài điên của dân tộc, đẩy ông bước theo Nguyễn Du, để ông kết bạn với  Gerard de  Nerval, Saint Exupéry, Khuất Nguyên, Tô Đông Pha, Apollinaire, André  Gide, Camus, René Char, để đôi khi nghiêm trang đàm đạo với Khổng Tử,  Heracleitus,   Parmenides, để sống cuộc đời quỉ khốc thần sầu cũa một cuồng sĩ  ngoài chợ, và tuyệt vời nhất vẫn là để viết lại cho đất nước những dòng thơ kỳ  diệu độc nhất vô nhị.

Cuộc đời Bùi Giáng và thơ Bùi Giáng chỉ còn chập chùng  lên nhau giữa những giấc chiêm bao, phù du, mộng mị.
Ông sống ở đời lúc tỉnh lúc  điên: lúc tỉnh đã là chiêm bao nhưng lúc điên thì càng là chiêm bao quá cỡ. 
Trước năm 75, thỉnh thoảng ông mới lên cơn điên nhưng sau 75 cơn điên kéo dài  lâu quá.
Bà Irina, một phụ nữ người Nga có nhiều liên hệ mật thiết với Việt Nam,  khi gặp Bùi Giáng, đã lặng lẽ tuôn chảy những dòng lệ nóng hổi cho một thiên tài  mà bà nhìn thấy như hình bóng một Diogenes thời đại, cầm cây đuốc đi giữa ban  ngày để tìm chân lý.
Chân lý đã bị khuất lấp cả hai mươi thế kỷ rồi, chứ phải  đâu chỉ là những ngày trước mắt.
Vậy nên, nơi chiếc bàn viết lữ thứ, khi cầm bút  viết lại
để sống đời của một nhà văn lưu vong, Mai Thảo nhắc đến Bùi Giáng, phác  thảo đôi nét về Bùi Giáng rất hay, sống động và tài tình, nhưng tôi cho là Mai  Thảo
rất nhầm lẫn khi qui tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại:

Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca  múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi
(Mai Thảo, Viết văn trở  lại)

Hãy thử đọc lại vài câu thơ Của Bùi Giáng tự nói về mình. Ông gần như  sống giữa một lớp sương mù dày đặc của những giấc mộng chồng chất. Ông sống như  một ông đạo, như một trích tiên, như ma quỉ, hay như một đứa trẻ hồn nhiên, ngây  thơ cùng cực:

Đi về với gió phù du
Mở trang mộng mị cho mù sa bay

Quê nhà chỉ còn là giấc mộng đã qua, thân thế cũng chỉ là một nỗi đời hư  huyễn:

Hỏi tên, rằng biển xanh đâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghị tâm!
 
Ông đã  tự hỏi tự đáp về tên tuổi và quê hương thực của mình:
Hỏi tên? – Cổ lục  phong trần
Hỏi quê? – Mộng tưởng tiền trình bơ vơ
Ông luôn lập đi lập  lại ý tưởng ấy khi có dịp:
Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận tên  là chiêm bao

Cái thế giới chiêm bao mộng mị ấy, có lúc ông chợp bắt được  thành những câu thơ rất đẹp:

Ta gọi chiêm bao về mộng mị
Chắp ân tình  cho nghĩa rộng tinh sương
Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có  nghe tang hải réo vô thường?
 
Sống và mơ giữa thế giới đó, ông vác cần đi câu  cá hư vô ngoài biển đông:

Tôi làm Nam hải Điếu đồ
Ngồi câu con cá hư vô  giữa trời

Ông yêu mến, quí trọng từng đốm nhỏ li ti của trời đất và sự sống,  từng cây cỏ
dại, từng cánh bướm, cánh chuồn chuồn:

Xin yêu mãi và yêu nhau  mãi mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa  hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Khi tỉnh táo mà  viết được Tôi nói điệu điên rồ / Ấy là vui vậy thì quả là ông đã thoát ra khỏi  mọi phiền trược của cuộc đời, chẳng còn câu chấp chi cả, ông sống hoang hỉ như  một đứa trẻ với một nguồn thơ tinh khôi, hồn hiên, đầy hoan lạc.

Đọc thơ  Bùi Giáng để cảm cái tình và ý của nó, để sống cái thâm diệu của tư tưởng đã hé  mở và như luôn hứa hẹn một cõi mênh mông bát ngát dị thường sau đó.
Đọc thơ ông  cũng là để thưởng thức chữ dùng cực kỳ tài tình của ông. Có những chữ rất thông  tục, tầm thường, nhiều khi chúng ta không muốn sử dụng vì không
được nhã, nghe  hơi nặng tai. Vậy mà khi những chữ ấy rớt vào tai họ Bùi, không cần tỉa gọt,  trau chuốt gì cả, chỉ xô đẩy tự nhiên như hít vào thở ra, thì nó sẽ trở thành  thơ. Hãy đọc thử bốn câu thơ sau, chúng ta sẽ thấy ngay cái tài hoa lạ lùng của  Bùi giáng khi biến đổi một chữ tầm thường thành chữ của thơ như thế nào. Ông phả  vào những cái tài hoa ẩn mật của hồn thơ để mang lại cho nó một sức mạnh vô cùng  ký bí:

Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè

Chữ  khe, rồi lại chữ đè thực là đắc địa. Dùng chữ đến như vậy thì không còn là viết  văn, làm thơ nữa, mà đã là thợ trời của chữ.
Ngay khi ông lên cơn điên, nhưng  chưa điên quá độ, mà mới chỉ trôi nổi giữa những cơn điên nhẹ, ông cũng
mang lại  cho chúng ta những câu vần vè quàng xiên rất vui vẻ.
Nhớ lại những ngày đi chăn  bò chăn dê giữa núi rừng, thời trai trẻ, rồi liên kết với việc làm thơ và một số  hình ảnh khác, tức thời những hình ảnh và các con chữ sẽ xô đẩy nhau.
Ông viết  mấy dòng sau, như một bức tranh của trẻ con vẽ, không đầu không đuôi, không luật  tắc, thấy và thích thì cứ quẹt bừa, cứ bôi bác bừa những vệt màu và đường nét,  vậy mà sẽ mang lại cho người xem nhiều điều lý thú.

Làm thơ như thể chăn  trâu
Chăn bò, chăn ngựa, ngõ hầu chăn dê
Chăn hùm thiên mệt chán chê,
Chăn beo, chăn gấu, nghiệp nghề chăn voi.
 
Đi vào cõi thơ Bùi Giáng, bên  những cơn điên dài của ông, giữa những cơn chiêm bao mộng mị, đôi lúc thấy ông  điên vậy mà nhìn kỷ lại thì ông chẳng điên chút
nào. Vậy nên, có nhiều người cho  là Bùi Giáng không điên, như Viên Linh cho rằng ông chỉ chọn một thái độ sống  như vậy mà thôi.
Trước thế giới Bùi Giáng, chúng ta như đứng nơi một ngã ba  đường, hay những lối mòn trong rừng thẩm mà
cần phải chọn một hướng đi, mỗi  người phải tự định hướng cho riêng mình.

Riêng tôi, lúc nào tôi cũng thấy  Bùi Giáng là một thiên tài điên.
Điên nhưng rất hiền hòa, rất thơ mộng, điên như  thánh.
 Giữa những cơn điên kéo dài lâu quá, ông như không còn phân biệt cái thực  và hư.
Có một bữa, ông đòi tôi chở về một căn nhà nào đó bên miệt Phú Nhuận để  ông cho vịt ăn, vì nhiều ngày quá rồi ông chưa trở về chắc là vịt đói lắm.
Trên  căn gác tôi đưa ông về, ông rào một chuồn vịt khoảng mấy thước vuông, ông ném  gạo cho vịt ăn, nói nói cười cười, rất hoan hỉ, nhưng đàn vịt ấy chỉ toàn là một  bày vịt bằng nhựa.
Trước năm 75, tôi gặp ông rất thường vì mỗi buổi chiều rảnh  rỗi tôi thường ghé Đại học Vạn Hạnh viếng thăm thầy Tuệ Sĩ rồi cũng tạt qua thăm  ông. Lúc nào cũng thấy ông làm việc. Nằm ở một góc nhà, chung quanh đẩy sách vở,  đọc đọc chép chép không ngừng nghỉ. Ngoài những cơn cuồng, Bùi Giáng rất lặng  lẽ, ghét chuyện thị phi, tranh chấp ô trọc.
Tôi còn nhớ khoảng năm 1971, tuần  báo tìm hiểu của cô Phan Lâm Hương (con gái út cụ Phan Huy Quát) có thực hiện  một cuộc nói chuyện với Bùi Giáng rất hay và nghiêm trang, có thể giúp cho người  đọc chia sẽ được nhiều điều với Bùi Giáng. Nhưng sau đó thì có vấn đề, vì bài  báo ấy mà một thi sỉ khác, cũng là loại cô phong đỉnh của vòm thơ Việt hiện đại  gây hấn với Bùi
Giáng quá cỡ. Bùi Giáng sau đó rất sợ mấy nhà báo. Ông than  phiền hoài, cho rằng mấy ông làm báo đã kéo Bùi Giáng vào việc thi phi ở đời, từ  đó ông không
còn muốn gặp mấy người ký giả, viết báo thường thích gây chuyện  chộn rộn ở đời.

Bùi Giáng tránh né việc thi phi, và ông rất ghét bạo lực,  bạo động, bạo quyền.
Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu  cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho luôn hết vào bao  bố và vác trên
vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, chỉ còn kêu hục hục  trong bao.
Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm Bé Ký phải  nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi.  Đàn chó này, mỗi con đều có tên, và tôi rất kinh hoàng thấy ông gọi con chó xấu  xí, nhếch nhát nhất trong đám bằng tên nhân vật số 1 của lịch sử hiện đại.
 
Và sau  năm 75, chẳng lạ gì khi mà cứ những chổ đông người, chợ búa xô bồ, cuồng sĩ họ Bùi thường đứng diễn thuyết, hùng hồn kể tội cụ HCM mà dàn cầm quyền chóp đỉnh hiện nay.

Tôi cũng còn nhớ, có lần nói chuyện với ông, tôi mới chỉ lỡ lời  nhắc đến các nhà nho cách mạng đất Quảng, hai cụ Phan Tây Hồ, Huỳnh Thúc Kháng,  thì ông rất tức giận, rồi lên cơn điên ngay, chộp lấy cổ áo tôi, gần như muốn xô  tôi xuống từ lầu ba trường Vạn Hạnh.

Qua mấy câu chuyện nhỏ này, tôi cảm  thấy rằng, Bùi Giáng chỉ muốn sống với mọi người trong một thế giới thái hòa, an  lạc. Đua tranh rồi bạo động chỉ là mầm
mống của phân ly, mất quân bình và rối  loạn.
Ông yêu thích cuộc sống lặng lẽ tự nhiên, như một đôi lần tôi thấy ông len  lén chào mấy người đệ tử của ông Đạo Dừa với một vẻ hỉ hoan bất tận bộc lộ ra  trên khuôn mặt. Ông chào rất kính cẩn mấy ông đạo này, những người đã tự phát  nguyện tịnh khẩu vài ba năm, có người quyếttịnh khẩu cho đến khi nào hòabình  được lập lại mới sẽ mở miệng, cất tiếng với đời.

Bên trên là vài giai thoại  về Bùi Giáng bởi vì đề cập đến Bùi Giáng mà không nhắc qua các giai thoại dính  dáng đến ông thì quả là thiếu sót.
 
Mới đây, trên việc báo kinh tế số ngày 17  tháng 10 năm 1998, ông La Toàn Vinh, cựu sinh viên trường Mỹ Thuật Gia Định nhắc  lại vài hình ảnh Bùi Giáng mà ông bắt gặp ở Sài Gòn trước đây, đọc rất vui.
Đọc  đến chổ Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên trường Mỹ Thuật, ông đi tới đi  lui ngoài cổng trường và chửi đổng “Mẹ mày Xuân Diệu...Mẹ mày Xuân Diệu”, tôi đã  phải cười phì và nhớ ngay đến dáng đi điệu nói, tiếng cười của ông.

Có thể  không cần đọc Bùi Giáng, mà chỉ cần nghe những giai thoại về ông thì cũng là đủ  để sống được chất thơ và đời thơ của Bùi Giáng.
Những giai thoại như thế, nếu  cất công đi ghi chép lại nơi bạn hữu, thân nhân của Bùi Giáng và trên khắp đường  phố Sài Gòn thì có lẽ chúng ta sẽ có cả một quyển sách dày như tự điển, góp phần  phong phú đời sống văn học đất nước trước mắt và cho cả mai sau.

Chúng ta  vừa đi qua một vài nơi giữa khu vườn bát ngát mênh mông của cõi thơ Bùi Giáng.  Khi viết bài này, chúng tôi rất tiếc là không có trong tay tài liệu gì về Bùi  Giáng, chỉ đành nhặt nhạnh mấy câu thơ nới các bài báo gần đây, tuy nhiên cũng  hy vọng là đã vẽ phác được đôi nét về ông, làm sống lại đôi chút hình ảnh một  thiên tài của dân tộc.

Bùi Giáng là thiên tài nhưng là một nhà thơ điên, vì  vậy ông viết quàng xiên nhiều quá. Nhưng cũng chẳng hề gì, mấy ngàn trang sách  của ông chỉ cần lọc lại thành một tập thơ nhỏ, rồi với tập thơ ấy chỉ cần tinh  lọc thêm một lần nữa để chỉ còn lại chừng mươi bài, thì với mươi bài thơ ấy ông  cũng đã là một nhà thơ lớn bậc nhất của thời hiện đại, một vì sao lấp lánh rạng  rỡ mãi hoài trên vòm
trời thơ của dân tộc Việt


Viết xong ở gác nhỏ đường Hồ  Tây,
Thành phố Vườn, ngày 19.10.1998
Huỳnh Hữu Ủy
 

Tái bút:
Bài viết  trên đây đã gởi đi để kịp chuẩn bị sắp chữ và lên khuôn trong số báo tới vì tình  cờ tôi vừa tìm lại được tờ Tạp Chí thơ số ra mắt vào mùa xuân 1994 có in một bài  viết rất hay của Thanh Tâm Tuyền về Bùi Giáng cùng với hai bài thơ của Bùi  Giáng. Tôi chẳng thể nào không viết thêm mấy giòng tái bút này, dù biết có làm  phiền hà tòa soạn trong việc sắp xếp lại trang báo trước khi đưa đi in, để trích  lại ở đây một đoạn văn của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã trích dẫn cùng một  bài thơ của Bùi Giáng mà Tạp Chí thơ đã chọn để in lại.

Đây là bài thơ  Bao  Giờ
của Bùi Giáng:

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi  trắng

Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng

Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng giờ từng phút

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không

Quả là một bài thơ tuyệt đẹp với những hình ảnh tự động xô đẩy đuổi bắt  nhau.
Những hình ảnh chuyển động trên một đường biên của hữu thức và vô thức. 
Ảnh tượng và sắc màu rất cụ thể mà rõ ràng là vô thực và đầy mộng mị. Tất cả là  để dẫn đến một dấu hỏi về cuộc đời và ý nghĩa nhân sinh, đầy khúc mắc và nhẹ 
nhàng, tế nhị, và vô cùng bao dung.
Có thể nói đó là một bài thơ siêu thực hiện đại mà vẫn chứa chấp một cái hồn cổ kính thơ mộng.

Và đây là mấy ý kiến về  thơ của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã dẫn:

“Thơ là một cái gì không thể  bàn tới, không thể dịch, diễn thì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào  bằng thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phác động một  trận mưa rào, một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ  ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn  dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.

Người xưa am hiểu sự đó,  nên họ chỉ vịnh thơ chứ không điên rồ mà bàn luận về thơ. Người đời nay trái  lại. Họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý không
được “bốc đồng”, vịnh lăng  nhăng cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy”.

Thơ tôi làm chỉ là một  cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì  lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vay áp bức. Tôi gạ
gẫm với châu chấu,  chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên cánh bay  đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire
viếng một vong hồn bát  ngát, rồi quay về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu.

... Trong chiêm bao thơ  về lãng đãng thì từ đó vẫn bất tuyệt cũng lãng đãng
chiêm bao”

Có lẽ chưa  từng có ai bàn về thơ với giọng điệu dị thường như vậy. Ông mở ra một cõi mênh  mông, thăm thẳm, mà mời gọi ngưòi ta bước vào.
Và tôi hết sức đồng ý cũng như  thích thú với mấy lời của Thanh Tâm Tuyền:

“Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo  ông, như ông đã từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc nhở  nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông”.

Xin cảm  ơn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, chỉ với bài viết “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn”  rất ngắn của ông, đã soi sáng cho tôi nhiều điều về cái sâu thẳm không cùng của  nhà thơ Bùi Giáng. Vậy thì, hãy bước vào cõi thơ Bùi Giáng bằng cách trút bỏ tất  cả hệ lụy, vứt bỏ những phân tích phê bình, lý luận để mà hít thở và mơ mộng  cùng ông, để phiêu bồng cùng ông qua những chân trời không cùng của thơ.

(Huỳnh Hữu Ủy)


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 07/Jan/2011 lúc 7:33pm
mk
IP IP Logged
Trang  of 2 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.156 seconds.