Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: VO GO CONG- MỘT THỜI VANG BÓNG Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Nhân Kiệt
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 23/Mar/2013
Thành viên: OffLine
Số bài: 32
Quote Nhân Kiệt Replybullet Chủ đề: VO GO CONG- MỘT THỜI VANG BÓNG
    Gởi ngày: 24/Mar/2013 lúc 4:35am

Huyền thoại võ Gò Công: Còn đâu ngày ấy!

Đăng lúc: Thứ ba - 17/04/2012 15:16
Võ%20sư%20Trần%20Bình%20Long

Võ sư Trần Bình Long

Là vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”, Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là nơi phát tích, sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài và cũng là cứ địa của người anh hùng dân tộc Trương Định dấy binh khởi nghĩa chống Pháp. Phong trào khởi nghĩa yêu nước này là nền tảng ra đời của hệ phái võ Gò Công đã trở thành huyền thoại với những võ sư cùng các thế võ hiểm hóc độc đáo từng làm các hệ phái võ trong và ngoài nước kiêng dè.

Một thời vang bóng

Theo tài liệu tham khảo từ website “Võ công Việt”, ở Gò Công có hệ phái Lâm Sơn phát nguồn từ lực lượng kháng chiến của Trương Định. Sau nhiều thế hệ truyền nhân, hệ phái này cũng phân mảnh thành nhiều chi phái khác nhau, trong đó có hệ phái võ Triệu Tử Long (hay còn gọi là võ Gò Công). Sư tổ của hệ phái võ này là võ sư Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Chí, mất năm 1972).

Tương truyền rằng ông là người đi học võ từ một nghĩa quân của Trương Định đã về mai danh ẩn tích tại vùng Gò Công sau khi cuộc kháng chiến thất bại. Ngoài ra, ông còn đi học nhiều thầy võ khác để cuối cùng chọn lọc, sáng tạo ra bài quyền cùng những thế đánh riêng cho hệ phái võ Gò Công sau này. Lúc sinh thời, ông mở võ đường Gò Công, đào tạo nhiều võ sĩ, sau này trở thành võ sư nổi tiếng, trong đó có cả mấy người con của ông.

Thế hệ học trò đầu của võ đường lúc bấy giờ là võ sư Hồng Long (tên thật là Phạm Văn Thời), võ sư Sơn Long (tên thật Phạm Văn Chơi), võ sư Hồng Yên (tên thật Nguyễn Văn Yên), võ sư Hồng Cầm (tên thật Nguyễn Thanh Hồng), võ sư Trần Bình Long (tên thật Nguyễn Văn Mừng), võ sư Hắc Long, võ sư Ngọc Long, võ sư Huỳnh Long…

Sau khi tổ sư Triệu Tử Long mất vào năm 1972, người con của ông là võ sư Hồng Long tiếp quản võ đường (đổi tên là võ đường Hồng Long) và tiếp tục truyền dạy võ nghệ cho đến thập niên 90 thì nghỉ vì sức khỏe. Được biết, sau năm 1975, thế hệ võ sư đầu tiên của võ sư Triệu Tử Long đã mở võ đường rải rác trong tỉnh, đồng thời có nhiều võ sĩ tham gia nhiều trận đấu trong và ngoài nước, mang lại nhiều danh hiệu cao quý về cho hệ phái võ Gò Công.

Đặc biệt, người mang lại đỉnh cao vinh quang cho võ Gò Công vào thời điểm trước năm 1975 là võ sĩ Trần Bình Long (hiện nay đã 56 tuổi, đang sống ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), người đoạt và bảo vệ thành công danh hiệu võ sĩ vô địch quốc gia trước năm 1975. Bắt đầu học võ từ lớp 9, võ sĩ Trần Bình Long đã thượng đài tất cả 21 trận, trong đó có 17 trận thắng bằng đòn hạ nockout đối thủ bằng những thế đánh gia truyền của phái võ Gò Công.

Với thế đánh dũng mạnh, ra đòn khỏe, dứt khoát, võ sĩ Trần Bình Long được báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng là “tay đấm chưa biết mệt ở Việt Nam”. Đối với võ sĩ Trần Bình Long, kỷ niệm sâu đậm nhất trong nghiệp võ mà cũng là huyền thoại để người ta truyền miệng về ông, đó là trận đấu với các võ sĩ Hồng Kông, Campuchia, Trung Quốc (với võ sĩ Lý Diệu Quang – môn đồ của Lý Tiểu Long) mà chiến thắng đã thuộc về ông.

Sau khi ông đánh thắng ở giải đấu võ tranh chức vô địch quốc gia vào ngày 27-4-1974 tại Sài Gòn, võ sĩ Trần Bình Long còn nhận lời thách đấu của nhiều võ sĩ trong nước như võ sĩ Lâm Điền Vũ (võ đường Xuân Bình ở Sài Gòn), võ sĩ Nguyễn Tiến Dũng (võ đường nguyễn Hoàng ở Quảng Ngãi)…; ông đã bảo vệ thành công danh hiệu võ sĩ vô địch mà không một lần bị đánh bại.

Bên cạnh võ sĩ Trần Bình Long còn phải kể đến võ sĩ Sơn Long (Phạm Thành Chơi), Hồng Yên (Nguyễn Văn Yên), Hồng Cầm (Nguyễn Thanh Hồng)… của võ đường Triệu Tử Long đã chiến thắng ở nhiều trận đấu võ đài trong nước kể cả trước và sau năm 1975. Những võ sư thuộc thế hệ đầu của võ đường còn nổi tiếng về đào tạo một thế hệ võ sĩ trẻ mang lại chiến thắng khi thi đấu tại các giải võ cổ truyền ở khu vực trong nước sau này.

Còn đâu một huyền thoại?

Võ sư Trần Bình Long (đứng giữa)

Sau năm 1975, võ đường Hồng Long do võ sư Nguyễn Văn Thời (Bảy Thời) làm chưởng môn cũng còn thu nhận học trò và đã góp phần cho phong trào võ thuật ở tỉnh nhà phát triển, đặc biệt là có ảnh hưởng rất lớn ở các huyện phía đông. Nhờ học hỏi và tìm hiểu kiến thức võ thuật của nhiều môn phái nên võ sư Bảy Thời đã chắt lọc được nhiều thế đánh, chiêu thức độc đáo.

Do đó, khi được mời về làm huấn luyện viên cho Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), ông đã rèn luyện được một đội ngũ võ sĩ của tỉnh nhà nổi tiếng là “đánh đâu thắng đó” khi tham gia các giải đấu võ thuật cổ truyền trong và ngoài tỉnh, khu vực. Các sư đệ của ông như võ sư Sơn Long (Hai Chơi) tham gia công tác ở Phòng VHTT-TDTT huyện Gò Công Đông cũng mở sân võ để dạy võ sinh. Võ sư Sơn Long còn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Võ cổ truyền của tỉnh 2 nhiệm kỳ và hiện là thành viên của Liên đoàn võ thuật tỉnh.

Võ sư Trần Bình Long nguyên là giáo viên dạy thể dục nên khi về dạy ở trường THPT Trương Định cũng có mở lớp dạy võ cho học sinh trong trường và những người yêu thích môn võ Gò Công. Sau đó, ông còn được mời về làm huấn luyện viên cho Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch huyện Gò Công Tây và cũng đào tạo được nhiều võ sinh có năng khiếu về võ học, thi đấu các giải trong tỉnh đạt kết quả cao. Hay võ sư Hồng Cầm (Nguyễn Thanh Hồng, là Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch TX. Gò Công) cũng có mở sân võ ở thị xã để dạy võ…

Càng về sau, phần lý do khách quan về tình hình kinh tế gặp khó khăn, phần vì chuyện “cơm áo gạo tiền” nên phong trào học võ cổ truyền Gò Công dần dần giảm sút. Võ sư Bảy Thời do tuổi đã cao nên nay đã đóng cửa võ đường, nghỉ dưỡng. Hầu hết các võ sư còn lại đều gác lại niềm đam mê và nhiệt huyết của mình với nghiệp võ để tìm kế sinh nhai; các sân võ hầu như nghỉ gần hết, chỉ còn hai sân võ còn duy trì đến nay là của võ sư Hai Thời (TT. Tân Hòa, Gò Công Đông) và võ sư Hồng Cầm (TX. Gò Công).

Đến nay, hầu hết các võ sư hệ phái võ Gò Công đã có đời sống ổn định, giàu có nhưng ngặt nỗi tuổi cũng đã lớn theo thời gian nên chuyện khôi phục lại hệ phái võ cổ truyền Gò Công là chuyện “lực bất tòng tâm”.

Gặp nhau tại nhà anh bạn gần ao Trường Đua (TX. Gò Công) vào một ngày đầu năm, võ sư Hồng Yên bồi hồi kể lại chuyện nổi danh của làng võ Gò Công ngày xưa, đồng thời không nén được tiếng thở dài khi thấy hệ phái võ đã dần mai một, có nguy cơ bị thất truyền.

Nhắp một hơi rượu, nhìn ra mặt nước ao Trường Đua đang phản chiếu một vài tia nắng hiếm hoi của buổi chiều tà, võ sư Hồng Yên tâm tư: Trước đây, anh Mười Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (nay là Phó Giám đốc Sở Nội vụ) đã từng có ý tưởng khôi phục lại làng võ Gò Công nhưng khi anh ấy về tỉnh thì ở địa phương không thấy ai đả động đến. Chắc là do gặp khó khăn về kinh phí!?

Võ sư Trần Bình Long, võ sĩ vô địch quốc gia một thời, tiếc nuối: Tôi cũng rất muốn truyền chiêu thức (miễn phí) lại cho những anh em khoái võ cổ truyền nhưng ngặt nỗi sức khỏe cũng như điều kiện làm kinh tế không cho phép. Tuy nhiên, nếu có anh em nào đứng ra mở sân, đảm trách vai trò chính thì tôi sẽ hỗ trợ.

Riêng võ sư Phạm Văn Chơi, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch huyện Gò Công Đông thì cho biết: Nếu ngành thể dục thể thao tỉnh nhà không có hướng đầu tư để khôi phục môn võ cổ truyền Gò Công thì khả năng mai một là điều không tránh khỏi. Sau khi võ sư Bảy Thời nghỉ không làm huấn luyện viên môn võ cổ truyền của tỉnh thì thành tích của các vận động viên thi đấu môn võ cổ truyền này đã bị giảm sút vì các HLV khác dẫn dắt không có hiệu quả. Hơn nữa, theo tôi được biết, trong quy hoạch các môn thể thao để đầu tư cho các giải thi đấu khu vực và trong nước thì lại không có môn võ cổ truyền nên chuyện khôi phục hệ phái võ Gò Công là điều rất khó!

Chia tay với các võ sư của hệ phái võ sư huyền thoại Gò Công, trên đường về, tôi đồng cảm với họ về một ước muốn khôi phục lại làng võ cổ truyền cũng như nỗi buồn của họ khi tiên liệu rằng hệ phái võ này sẽ bị thất truyền trong tương lai!

Hữu Chí
(Theo Ấp Bắc)
( Đây là bài báo có những tư liệu đã được kiểm chứng nhưng cũng có một chỗ nhần lẫn là ảnh của Võ sư Hồng Long lại có chú thích là " Võ sư Trần Bình Long", Nhân Kiệt mạn phép tải lên để quý vị rộng đường tham khảo)
 

Chỉnh sửa lại bởi Nhân Kiệt - 25/Mar/2013 lúc 3:57am
IP IP Logged
Nhân Kiệt
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 23/Mar/2013
Thành viên: OffLine
Số bài: 32
Quote Nhân Kiệt Replybullet Gởi ngày: 25/Mar/2013 lúc 3:48am

Võ Gò Công trước nguy cơ “mất tích”

27.12.2012 | 23:51

Trong khi võ sư Hồng Long do tuổi đã cao nên nay đã đóng cửa võ đường, nghỉ dưỡng thì hầu hết các võ sư còn lại đều gác niềm đam mê và nhiệt huyết của mình với nghiệp võ để tìm kế sinh nhai.

http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/huyhoang/nguoiduatin-66605506-anhchantrang.jpg

Võ sư Bình Long một thời vang bóng

Đang phát triển là thế nhưng càng về sau phong trào học võ cổ truyền Gò Công dần dần giảm sút. Trong khi võ sư Hồng Long do tuổi đã cao nên nay đã đóng cửa võ đường, nghỉ dưỡng thì hầu hết các võ sư còn lại đều gác niềm đam mê và nhiệt huyết của mình với nghiệp võ để tìm kế sinh nhai. Các sân võ này nào sôi động thì nay hầu như nghỉ gần hết.

Võ sư Hồng Yên tâm sự, trước đây, UBND huyện Gò Công Đông đã từng có ý tưởng khôi phục lại làng võ Gò Công nhưng sau này không thấy đả động đến. Chắc là do gặp khó khăn về kinh phí!?

Võ sư Trần Bình Long tiếc nuối: Tôi cũng rất muốn truyền chiêu thức miễn phí lại cho những anh em yêu thích võ cổ truyền nhưng ngặt nỗi sức khỏe cũng như điều kiện làm kinh tế không cho phép. Nếu có anh em nào đứng ra mở sân, đảm trách vai trò chính thì tôi sẽ hỗ trợ.

Võ sư Phạm Văn Chơi trăn trở, nếu ngành thể dục thể thao tỉnh nhà không có hướng đầu tư khôi phục môn võ cổ truyền Gò Công thì khả năng mai một là vấn đề ngay trước mắt. Điều khiến chúng tôi lo lắng là trong nhiều môn thi đấu giải tại khu vực và trong nước không có môn võ cổ truyền nên chuyện khôi phục hệ phái võ Gò Công là điều rất khó.

Nói đến đây, tất cả các võ sư cúi mặt ngậm ngùi. Còn đâu những võ sư uy danh một thời, còn đâu những chiêu thức khiến giới võ thuật kinh sợ. Những con người trước kia làm vang danh võ cổ truyền Việt đang phải từng ngày, từng giờ chứng kiến võ thuật Gò Công dần mai một. Võ sư Bình Long xúc động” Có lẽ thế hệ chúng tôi mất đi thì môn võ này sẽ biến mất”.

Lực bất tòng tâm

Được biết, hai sân võ còn lại hiện nay là của võ sư Hai Thời (thị trấn Tân Hòa, Gò Công Đông) và võ sư Hồng Cầm (thị xã Gò Công). Người mà trước kia là nỗi kiếp sợ của võ sư trong nước cũng như thế giới là võ sư Trần Bình Long hiện làm đủ các nghề từ ấp vịt, nuôi tôm đến xay xát lúa. Võ sư Hồng Yên thì chạy xe ôm để phụ nuôi gia đình với 4 đứa con... Đến nay, hầu hết các võ sư hệ phái võ Gò Công đã có đời sống ổn định nhưng ngặt nỗi tuổi họ cũng đã lớn theo thời gian nên chuyện khôi phục lại hệ phái võ cổ truyền Gò Công là chuyện lực bất tòng tâm...

Đoàn Gia ( Tap chí Người đưa tin- Cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam )

 

( Bài báo này có sự nhầm lẫn : Ảnh của võ sư Hồng Long nhưng lại chú thích là " Võ sư Bình Long một thời vang bóng" )
IP IP Logged
Nhân Kiệt
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 23/Mar/2013
Thành viên: OffLine
Số bài: 32
Quote Nhân Kiệt Replybullet Gởi ngày: 28/Mar/2013 lúc 5:07pm


Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

27.12.2012 | 23:49 Người dưa tin

Giờ đây, người dân xứ võ Gò Công không còn thấy người võ sĩ bách chiến bách thắng ngày nào với khuôn mặt ưa nhìn, thanh tú nữa. Cơn tai biến bất ngờ ập đến khiến ông chẳng thể đi lại, nói năng. Từ đó, vị võ sư vang danh một thời này quyết định “đóng cửa” với cuộc đời. Nhưng, những mảnh ghép quá khứ oai hùng về người võ sĩ thanh sắc, mưu lược toàn tài ấy vẫn luôn được các môn đồ truyền tụng....

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là võ sư Hồng Long. Được biết, vị võ sư này góp phần rất lớn vào việc “phát dương quang đại” cho hệ phái võ kinh xứ Gò Công.

Hình ảnh hiếm hoi của Hồng Long thời trai trẻ mà môn sinh của ông còn gìn giữ

Bách chiến bách thắng

Hồng Long tên thật là Phạm Văn Thời, con trai thứ bảy của võ sư Phạm Văn Chí, người sáng lập ra võ đường Triệu Tử Long. Nơi ông cất tiếng khóc chào đời chính là cái nôi của nhiều võ sĩ một thời danh chấn miền lục tỉnh. Từ thuở nhỏ, cậu bé Bảy Thời đã nức tiếng thông minh. Hằng ngày được sống bên cạnh người cha, cũng là người thầy tinh thông võ học, Bảy Thời đã sớm am tường và say mê các chiêu thức võ cổ truyền bấy giờ.

Từ thuở niên thiếu đến lúc trưởng thành, Bảy Thời theo học và làm việc tại Sài Gòn - Gia Định (cũ). Năm 1972, cha của ông, võ sư Phạm Văn Chí không may bị mất trong một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhận được tin dữ, Bảy Thời tức tốc khăn gói về Tiền Giang. Tuy nhiên, khi ông chưa về đến nhà thì bố đã nhắm mắt xuôi tay. Ông yên nghỉ lúc 61 tuổi. Sự ra đi của vị võ sư Gò Công tài ba khiến giới võ học miền Tây không khỏi bàng hoàng thương tiếc.

Vốn tính kiên cường, ngay sau đó Bảy Thời nén lại nỗi đau để dồn tâm luyện võ. Ông từ bỏ công việc ở Sài Gòn, tiếp quản võ đường Triệu Tử Long để thực hiện tâm nguyện của người cha quá cố. Cái tên hiệu Hồng Long thuở xưa do người cha đặt bấy giờ mới được vang danh. Năm ấy Hồng Long vừa tròn 27 tuổi.

Việc xây dựng Võ đường Triệu Tử Long và phát triển bộ môn võ kinh cổ truyền chính là tâm huyết một đời của người cha oanh liệt. Ý thức được điều đó, Hồng Long đã dồn hết tâm sức để gây dựng nên danh tiếng của võ đường và hệ phái võ kinh xứ Gò Công.

Hàng trăm cô gái đi tập võ để gặp Hồng Long

Một buổi chiều Gò Công nắng vàng trên Trường Đua lấp loáng, tôi may mắn có cơ duyên được ngồi với các võ sĩ từng làm nên tiếng tăm của võ đường Triệu Tử Long. Trong lúc cao hứng, võ sĩ Trần Bình Long, người học trò ưu tú của võ sư Hồng Long đã kể những chuyện kỳ thú về dung mạo và tài ăn nói của thầy mình. Được biết, thuở trước, Hồng Long rất hiếm khi thượng đài. Nhưng một khi ông lên sới thì hàng trăm, hàng nghìn cô gái chen chúc đi mua vé. Trước đó, nơi đấu võ đường như chỉ có cánh đàn ông quan tâm, nhưng khi có Hồng Long thì khác. “Nhan sắc” của ông đã khiến không ít cô gái cũng tập tành đến khán đài hay vào võ đường của ông để luyện tập.

Ngày ấy, thầy trò Hồng Long đánh đâu thắng đó nên chẳng mấy chốc tên tuổi đã vang danh từ Nam ra Bắc. Chưa muốn dừng lại, với học vấn và tài thương thảo, Hồng Long không ít lần thuyết phục được Tổng cục võ thuật cho học trò của mình đấu với các võ sĩ nước ngoài. Ông muốn giới thiệu võ thuật cổ truyền Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Sau giải phóng, võ đường Triệu Tử Long do Hồng Long tiếp quản liên tục phát triển, mang tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với nền võ thuật miền Tây Nam Bộ. Với sự thông minh trời phú, Hồng Long không ngừng học hỏi, tìm hiểu kiến thức võ thuật của nhiều môn phái khác nhau. Từ đó, dựa trên cái nền của võ Gò Công mà sáng tạo, cải tạo nên những chiêu thức vô cùng ảo diệu.

Năm 30 tuổi, Hồng Long được mời về làm huấn luyện viên võ thuật cho Sở Thể Dục - Thể thao tỉnh Tiền Giang (nay là Sở VH, TT&DL). Lớp vận động viên dưới tay Hồng Long “thiện chiến” vô cùng. Chẳng mấy chốc võ thuật Tiền Giang được bạn đồng môn trên khắp dải đất hình chữ S nghe danh thán phục. Đây được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao nhất của võ thuật cổ truyền tỉnh Tiền Giang. Võ đường Triệu Tử Long dưới “bàn tay” của vị chưởng môn Hồng Long “thanh sắc, thao lược toàn tài” chính là trang vàng son, rực rỡ nhất của lịch sử võ kinh xứ Gò Công.

Hồng Long (phải) trên võ đài

Nổi danh “người đẹp Gò Công”

Người ta biết đến Hồng Long không chỉ vì tài năng mà còn ông nổi tiếng thanh sắc hơn người. Để tìm hiểu thực hư về cái danh truyền tụng “người đẹp Gò Công”, chúng tôi đã tìm về xứ võ kinh đất Tiền Giang, nơi Hồng Long sinh ra và lớn lên. Không quá khó để hỏi về Hồng Long vì người dân quanh đây hầu như ai cũng từng nghe danh tiếng.

Theo lời thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên trường THPT Bình Long (huyện Gò Công Tây), người từng là môn đồ của Hồng Long thì: Thời còn trẻ Hồng Long cao gần 1m80, da trắng, mắt sáng, sống mũi cao thanh tú, khuôn miệng hay cười. Tuy ngày đêm luyện võ nhưng lạ là sắc vóc, cốt cách Hồng Long không hề “gân guốc” như những võ sĩ khác. Ông viết chữ đẹp, nói chuyện hay, khiến cho người đối diện rất dễ sinh lòng cảm mến. Các học trò của Hồng Long giờ vẫn còn lưu giữ “bút tích” do ông ký tặng.

Ông Lê Minh Trang, môn sinh của Hồng Long cho biết: “Với thanh sắc và tài mạo như Hồng Long mà theo nghiệp võ thì quả thật xưa nay hiếm”. Và cũng chính Lê Minh Trang đã từng tuyên bố rằng: “Với tài mạo, cách ăn nói của mình, Hồng Long hoàn toàn có thể “điều khiển” được hơn 40.000 khán giả tại sân vận động Cộng Hòa (nay là SVĐ Thống Nhất). Khi ông thượng đài, mọi chiêu thức, câu nói của ông mọi người đều chăm chú nghe”. Vì thế, chẳng ngẫu nhiên mà đại hội Thể Dục - Thể Thao năm ấy, Hồng Long được chọn là người cầm cờ dẫn đầu đoàn diễu hành trong lễ khai mạc.

Nhưng với người tài hoa, số phận thường rất truân chuyên. Đến năm 2001 khi đang tập tenis cùng bạn bè thì võ sư Hồng Long đột ngột ngã quỵ do cơn tai biến. Tai nạn này đã khiến ông bị liệt toàn thân nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn, sáng suốt. Có điều, từ đó người ta không còn được gặp Hồng Long nữa. Cửa nhà ông luôn đóng im ỉm, kể cả những người thời xưa từng là học trò của Hồng Long cũng họa hoằn lắm mới được gặp mặt hỏi han.

Chúng tôi ghé ngôi nhà nhỏ của ông cạnh Ao Trường Đua, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu buồn bã của người thân võ sư Hồng Long. Nhìn căn nhà cửa khép, vắng lặng như tờ bỗng miên man buồn khi nhớ lại lúc Bình Long kết thúc câu chuyện. Ông thở dài, cám cảnh cho thầy mà than: “Còn đâu thời oanh liệt”.

Môn phái danh chấn võ lâm

Được biết, ở Gò Công có hệ phái Lâm Sơn phát nguồn từ lực lượng kháng chiến của Trương Định. Sau nhiều thế hệ, hệ phái này phân mảnh thành nhiều chi phái, trong đó có hệ phái võ Gò Công. Sư tổ của hệ phái võ này là võ sư Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Chí, bố của Hồng Long). Tương truyền rằng, ông là người đi học võ từ nghĩa quân của Trương Định. Sau khi nghĩa quân thất bại, Tử Long về mai danh ẩn tích tại vùng Gò Công. Ngoài ra, ông còn đi học nhiều thầy võ khác để cuối cùng chọn lọc, sáng tạo ra bài quyền, thế đánh riêng cho hệ phái võ Gò Công sau này. Nhiều võ sư đã thành danh từ võ đường Gò Công như võ sư Hồng Long, võ sư Sơn Long (tên thật Phạm Văn Chơi), võ sư Hồng Yên (tên thật Nguyễn Văn Yên), võ sư Hồng Cầm (tên thật Nguyễn Thanh Hồng), võ sư Trần Bình Long (tên thật Nguyễn Văn Mừng), võ sư Hắc Long, võ sư Ngọc Long, võ sư Huỳnh Long...

Vân Thiên

* Bị chú

- Viết : Tên thật của Trần Bình Long là Nguyễn Văn Mừng - không đúng.

- Nhân Kiệt khẳng định : Ông Nguyễn Văn Chính, GV trường THPT Long Bình chưa bao giờ là đệ tử của Hồng Long.

- Viết : "Tương truyền rằng, ông là người đi học võ từ nghĩa quân của Trương Định. Sau khi nghĩa quân thất bại, Tử Long về mai danh ẩn tích tại vùng Gò Công" là không có cơ sở lịch sử vì ông Phạm Văn Chí mât năm 1972, tho 61 tuổi. Suy ra ông sinh năm 1911 còn phong trào Trương Định diễn ra từ giữa thế kỷ XIX. Trương Định tuẫn tiết năm 1864, phong trào chỉ kéo dài thêm chưa tới 10 năm là chấm dứt...



Chỉnh sửa lại bởi Nhân Kiệt - 28/Mar/2013 lúc 5:14pm
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.119 seconds.