Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 136
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22139
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Apr/2024 lúc 8:47am

Nỗi Buồn Cuối Đời Của Một Người Lính Già Lưu Lạc


(Viết tặng Song Vũ Ngô Văn Xuân và những người vợ lính trung hậu)


Dạo sau này, anh không thường gọi tôi để hàn huyên như những năm trước. Ở cái tuổi trên 80, chồng chất bao nỗi đau buồn từ sau ngày gãy súng, tan hàng, tù tội, ly hương, rồi trải qua bao nhân tình thế thái, mới đây lại phải chứng kiến cảnh chiến hữu, huynh đệ đồng môn, chỉ vì có chút bất đồng mà nặng lời nhau, rồi quay lưng, chia ba xẻ bảy, nỗi chán chường càng đè nặng trong lòng, cộng thêm một vài chứng bệnh tuổi già, làm cho anh không còn thiết tha một điều gì nữa. Nói chuyện với anh, tôi cũng trở nên dè dặt, chỉ nghe giọng nói để đoán anh đang vui hay buồn và không dám nhắc lại những biến cố nào có thể làm vết thương trong lòng anh nhói đau trở lại, dù biết anh vẫn luôn quí mến tôi như ngày xưa, cả một thời cùng vui buồn, sống chết bên nhau. Đặc biệt, chúng tôi ở cạnh nhau trong khu cư xá của đơn vị, nên hai gia đình lại càng thân tình, gắn bó. Sau này trở thành cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, nhưng lúc nào anh cũng xem tôi như em hay một người bạn nhỏ. Anh lớn hơn tôi đúng ba tuổi. Lúc ấy chúng tôi đều còn khá trẻ, cả hai vừa mới có hai đứa con đầu. Vợ anh là người đàn bà trẻ xuân sắc, hiền thục, đảm đang, hết mực lo lắng, chăm sóc chồng con, và cũng như những người vợ lính khác, luôn âm thầm cầu nguyện và hồi hộp trông chờ chồng bình an trở về sau các cuộc hành quân.


Buổi sáng ngày 6 tháng 12 năm 2023, đang giữa mùa đông Cali, ngoài trời mưa lạnh, tôi thức dậy sớm nhưng vẫn còn trùm chăn nằm nán trên giường. Nghe tiếng điện thoại reo, nhìn trên mặt điện thoại, đồng hồ chỉ 6 giờ kém 15 phút và tên anh hiện ra, tôi nghĩ chắc phải có điều gì đặc biệt lắm anh mới gọi vào giờ này. Tôi ngần ngừ với một chút lo âu và nghe giọng nói đầy cảm xúc:

– Bà xã anh vừa mới mất. Anh báo tin em biết.

Dù đã đoán trước có điều không lành, nhưng tôi vẫn mất chút bình tĩnh, khựng lại giây lát rồi buột miệng:

– Chị mất lúc nào, anh?

– Mới sáng sớm hôm nay, khoảng gần 2 giờ trước.

Hình dung đến hình ảnh của anh chị trong lần vợ chồng tôi mới đến thăm cách đây hơn một tháng, muốn hỏi đôi điều về sự ra đi của chị, nhưng tôi nghẹn ngào nên chỉ nói thêm được một câu:

    -Vợ chồng em xin chia buồn với anh và các cháu. Anh cố gắng giữ gìn sức khỏe để lo cho chị!

Hai hôm sau tôi gọi lại để được nghe anh nói về nguyên nhân sự ra đi của chị và chương trình dự trù cho ngày tang lễ,


Sáng ngày 26.12.2023, cùng vài người bạn đơn vị xưa, từ nhiều nơi, chúng tôi có mặt tại Oak Hill Memorial Park ở thành phố San Jose để tiễn đưa chị về cõi vô cùng và trực tiếp nói lời phân ưu đến anh cùng các cháu.

Đứng bên di ảnh của chị đặt phía trước quan tài, đầu bịt khăn tang trắng, trông anh thật tiều tụy, làm chúng tôi đau xót, nghẹn lời. Định tâm tình với anh nhiều điều nhưng rồi cũng chỉ thốt được đôi câu trong nghẹn ngào, nước mắt. Anh đứng bất động, tôi có cảm giác như nhìn thấy được bao đau đớn, xót xa đang tràn ngập trong lòng anh. Hướng về phía chúng tôi, nhưng chắc trong sâu thẳm từ ký ức, anh đang hình dung đến chị, với cả một đời hy sinh, thua thiệt, đặc biệt khi chồng mình bất ngờ trở thành người bại trận, tù tội oan khiên, và chị cùng các con cũng trở thành nạn nhân trả thù hèn hạ của đám người thắng trận.


Tháng 9 năm 1983, tôi ra tù trước anh. Trước khi về quê ở miền Trung tôi ghé vội lại Sài gòn tìm thăm chị và các cháu. Sau nhiều năm nên trí nhớ khá mơ hồ, nhưng rồi tôi cũng tìm đến đúng nhà của anh chị. Một ngôi nhà nhỏ trong khu Khánh Hội, bên kia cầu Calmette, mà bà cụ, mẹ anh đã để lại sau lúc qui tiên. Cửa đóng. Tôi gõ nhẹ, ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà lạ bước ra, nói giọng Bắc rất khó nghe. Tôi bảo đến tìm thăm bà chị, nhưng không ngờ nhà đã đổi chủ. Người đàn bà lắc đầu, nhưng lại bảo mẹ con bà ấy vẫn còn ở đây, và chỉ tôi xuống cái chái bếp phía sau nhà. Tôi ngỡ ngàng khi trông thấy chị và bốn đứa con nhỏ sống chật chội trong căn bếp, chỉ đủ kê một cái giường nhỏ. Chị bảo căn nhà trên đã bị tịch thu và mẹ con chị bị đuổi xuống xó bếp này. Chị nở một nụ cười chua chát: “cũng còn may là không phải đi vùng kinh tế mới, nhờ mấy đứa con còn quá nhỏ!”


Mồ côi cha khá sớm. Năm 1954, gia đình anh kẹt lại miền Bắc. Mãi đến năm 1957, anh cùng mẹ và cậu em trai mới rời quê Hải Phòng, theo một vài người bà con, vượt biển vào Nam bằng chiêc thuyền buồm. Khi đến Quảng Bình, tưởng đã qua khỏi sông Bến Hải, cặp vào bờ thì bị bắt. Nhờ sự khôn khéo của mẹ, cả ba mẹ con được thả sớm. Năm sau mẹ lại quyết tâm đưa các con ra đi lần nữa, và lần này may mắn đã đến Cửa Việt. Ba mẹ con được sắp xếp tạm cư ở thành phố Huế. Anh tiếp tục đến trường. Cậu học trò vừa tròn 18 gặp cô học trò hàng xóm, nhỏ hơn mình một tuổi, từ xứ Quảng ra Huế trọ học ở nhà bà chị có chồng làm công chức. Thấy cô bé xinh xắn dễ thương nên chàng trai Hải Phòng đem lòng cảm mến, chứ khi ấy cả hai đang còn đi học nên đâu dám tính chuyện yêu đương, Nhưng chỉ hơn một năm sau, vì không thuận tiện cho việc sinh nhai, bà mẹ lại dẫn hai con vào Sài gòn tái nghiệp. Thời ấy phượng tiện liên lạc khó khăn nên hai người mất tin nhau. Sau khi đậu tú tài, anh tình nguyện vào Khóa 17 Trường Võ Bị Đà Lạt. Ngày nhập học, anh bất ngờ gặp lại một người bạn học cùng xóm cũ lúc còn ở Huế, và bất ngờ hơn khi nghe anh bạn cùng khóa này nhắc tới cô bé học trò xứ Quảng ngày xưa, bảo “con bé bây giờ xinh lắm” rồi cho địa chỉ khuyên anh nên viết thư thăm “mi cố giữ đừng để mất con bé này, uổng lắm!” Người bạn đồng môn ấy sau này là Đại Tá Võ Toàn, đã ra đi trong những giờ phút cuối cùng theo vận nước.

Nhờ người bạn này mà anh gặp lại người xưa. Rồi theo tiếng gọi của con tim, chị rời miền Trung vào Sài gòn trọ học ở nhà một bà chị khác có chồng đang là Trưởng ty Cảnh Sát Gia Định. Anh ghé thăm vội vã trong bộ quân phục SVSQ khi về thủ đô tham dự cuộc diễn hành nhân ngày Quốc Khánh 26.10 năm ấy.


Cuối tháng 3-1963 ra trường, anh về trình diện Sư Đoàn 7.BB để chính thức bắt đầu cuộc đời lính chiến. Anh làm đám cưới khi đang là đại đội trưởng trinh sát, và chị bắt đầu cuộc đời làm người vợ lính. Đơn vị anh hoạt động quanh vùng Mỹ Tho, Kiến Phong, Hậu Nghĩa, Bình Dương…Thời gian hạnh phúc ngắn ngủi là những lần anh trở về vội vã sau các cuộc hành quân, để sau đó là những ngày đêm triền miên nhớ nhung, âu lo, cầu nguyện. Sau khi sanh đứa con đầu lòng, theo lời khuyên của mẹ chồng, chị bồng con theo anh từ đó. Hết miền Tây sông nước, đến miền Trung nắng gió, rồi cuối cùng là Cao Nguyên bụi đỏ, mưa mùa. Sống trong các trại gia binh, chia sớt khổ nhọc lo âu với vợ con đồng đội đang cùng chiến đấu với chồng mình. Cũng lại xa vắng, đợi chờ và cầu nguyện theo bước chân chồng trong các cuộc hành quân, và đau đớn mỗi lần trong trại gia binh có thêm những vành tang trắng.


Anh làm đại đội trưởng, tiểu đoàn truởng rồi trung đoàn phó cho một đơn vị tác chiến lưu động, đêm ngày sống chết cùng đồng đội anh em. Lần điều động đơn vị tạo được nhiều chiến công hiển hách trong trận chiến Mùa Hè 1972 tại chiến trường ngập đầy khói lửa Kontum, anh được thăng cấp đặc cách và lên nắm trung đoàn.

Trước kia, khi cuộc chiến chưa khốc liệt thì đơn vị có khá nhiều thời gian sinh hoạt tại bản doanh, các vị trung đoàn trưởng có nhiều thời gian hơn để sống yên ả bên gia đình, nhưng giờ thì cả trung đoàn miệt mài nơi trận tuyến Kontum, Pleiku, trong khi hậu cứ cùng trại gia binh lại ở tận Ban Mê Thuột, xa tít mịt mùng. Nếu thi thoảng có dịp ghé thăm vợ con, cũng chỉ trong chốc lát. Cuộc chiến ngày một khốc liệt, đặc biệt sau ngày Hoa Kỳ đơn phương cùng CSBV ký Hiệp Định Paris quái đản vào cuối tháng 1/1973, cắt giảm gần hết viện trợ quân sự cho đồng minh VNCH, người chỉ huy như bị trói cả hai tay, đau đớn nhìn đồng đội phải chiến đấu trong cam go thiếu thốn. Đạn dược, phương tiện, Không yểm bị hạn chế tối đa, cấp chỉ huy lại càng đau đớn hơn khi em út phải hy sinh ngày một nhiều hơn trong ngậm ngùi, tức tưởi.


Trong mấy năm đi tìm chiến thắng tại các chiến trường khốc liệt Tây Nguyên này, anh đã mất khá nhiều những đàn em, những sĩ quan niên đệ và cả những người lính trung thành, từng bao năm cùng bên nhau sống chết mà anh hết lòng yêu thương, tin cậy, xem như anh em trong một đại gia đình. Giờ mỗi lúc nhìn lại đơn vị với nhiều khuôn mặt mới, anh cảm thấy buồn, xót xa vô hạn. Ngay từ thời điểm ấy, mỗi khi hai anh em có dịp ngồi tâm tình, anh đã buồn bã nhìn ra viễn cảnh bất hạnh, đau buồn về số phận những người lính chúng tôi cùng với cả quê hương đất nước. Dù vậy, anh vẫn âm thầm, kiên định một lòng chiến đấu bên cạnh đồng đội cho đến giờ phút cuối cùng. Trong giờ khắc tuyệt vọng nhất, đôi lần anh thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng lại không đành lòng khi nhớ tới vợ con.


Ngày 11.3.1975 Ban Mê Thuột mất vào tay giặc. Trại gia binh trở nên bất an. Những người vợ lính vừa lo lắng cho sự an nguy của con cái vừa lo lắng cho chồng, không biết thân phận mình rồi sẽ ra sao. Được tin cả trung đoàn sẽ trở về tái chiếm Ban Mê Thuột, những người vợ lính lại thấp thỏm lo âu. Họ cũng có ít nhiều hiểu biết về kẻ thù và tìm cách đối phó. Họ nghĩ, sau khi chiếm được Ban Mê Thuột, chắc chắn Cộng quân sẽ cô lập và cho người trà trộn vào trại gia binh để theo dõi tin tức, tình hình, và biết đâu có cả nội tuyến. Có thể bọn họ biết anh đang chỉ huy đại đơn vị trở về tái chiếm, nên tìm bắt vợ con anh để làm con tin hầu gây áp lực, một số các chị đã âm thầm đưa chị và các cháu đi ẩn trốn, rồi sau đó tìm cách ra khỏi vùng Cộng quân tạm chiếm.


Sau một thời gian vất vả đói khát, chị và các cháu về đến nhà sau khi Sài gòn đã nằm trong tay giặc. Sau này, có dịp gặp lại các chị vợ của một số hạ sĩ quan và binh sĩ, tôi rất cảm kích khi nghe họ kể về lòng kính quí mà họ đã dành cho chị, vì chị sống rất bình dị, thân thiện và luôn giúp đỡ mọi người, cho dù chồng chị đang là cấp chỉ huy của trên dưới ba ngàn quân sĩ dưới quyền. Họ còn biết anh là một cấp chỉ huy trẻ tuổi, thao lược, liêm khiết, và cuộc sống của mẹ con chị cũng rất bình dân, đạm bạc.

Rồi hơn 13 năm anh bị tù đày, chị phải bươn chải từng ngày nuôi đàn con nhỏ giữa vòng vây thù hận chất chồng. Trong hoàn cảnh này, người vợ lính còn khốn cùng khổ nhục hơn so với chồng mình đang phải sống trong tù ngục. Ngày xưa, chắc người phụ nữ Việt nam chưa có thời nào phải khốn khổ bằng lúc này, vậy mà nhà thơ Hồ Dzếnh đã vinh danh bằng mấy câu thơ để đời:

Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt nam tươi

Nếu còn sống đến bây giờ, không biết ông nhà thơ sẽ nạm những gì cho xứng đáng với tấm lòng của những người vợ lính miền Nam trung hậu thủy chung?

Rồi anh cũng được trở về với tấm thân tiều tụy và một tương lai mờ mịt. May mắn nhờ có chương trình HO, anh đưa chị cùng các cháu, đành lòng rời bỏ quê hương cùng mồ mả mẹ cha để sang vùng đất hứa. Mang theo bao thương tích đang còn trên thân xác lẫn trong tâm hồn, với cái tuổi đã hơn nửa đời, người ta sẽ chẳng dễ dàng gì để làm lại cuộc đời trên vùng đất lạ – lạ từ con người, ngôn ngữ, đến khí hậu lẫn tập quán. Khi cố gắng hội nhập và lo cho các con tạm ổn định đời sống, học hành, thì tuổi già cũng vừa ập đến. Niềm vui vừa mới lóe lên thì nỗi buồn vì bệnh hoạn và những ký ức từ quá khứ trỗi dậy, đau nhói trong lòng.

Anh giải sầu bằng cách đọc sách, viết lách và nghiên cứu về thiền học. Niềm an ủi duy nhất là sự thành đạt của các cháu nội ngoại cùng tình huynh đệ đồng môn, chiến hữu. Anh thường bảo với tôi là, bọn mình đã mất hết giờ chỉ còn lại cái tình này. Nhưng rồi cách nay mấy năm, bất ngờ xảy ra chuyện bất hòa giữa những đồng môn mà anh từng xem trọng như huynh đệ một nhà, giờ quay lưng, chia ba xẻ bảy.

Sự kiện đau buồn này như một nhát dao cuối cùng chém vào tim óc vốn đã đớn đau già cỗi, làm anh muốn quỵ ngã. Có lần anh  bảo nhỏ tôi: đừng nhắc lại chuyện đau lòng này nữa. Anh không chịu được!


Hôm nay, nhìn anh đứng thẫn thờ trước linh cữu của chị, chúng tôi biết anh buồn và đau xót lắm, bởi từ ngày đón cô con gái xinh đẹp xứ Quảng về làm vợ, anh đã trót nặng với lời thề quyết “không mưu cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”, để rồi khi “chí vẫn còn mong tiến bước mà sức thì không kham nổi đoạn đường”, nên cả cuộc đời chị cũng phải vì anh, khổ lụy.

Bây giờ chị đã ra đi, bỏ anh ở lại với sự cô đơn, cùng bao tiếc thương, trăn trở. Vết thương cũ trong lòng vẫn chưa lành, giờ đớn đau trở lại.

Vốn là một Phật tử thuần thành, chắc chắn anh đã ngộ được cái nghĩa “sắc không” của lẽ vô thường, nhưng tôi biết là anh vẫn đang xót xa đau đớn lắm, bởi từ lý thuyết, giáo lý, tới cảm xúc thực tế luôn là một khoảng cách khá xa. Thương và nhớ anh, nhưng tôi không dám gọi, ngại phải khuấy động thêm những con sóng ngầm còn lại đâu đó trong lòng anh. Cần có một thời gian nhất định nào đó để anh có thể bình ổn được tâm hồn.

 Hình dung mai này, đặc biệt về đời sống tinh thần của anh sau ngày chị ra đi, lòng tôi bỗng lặng xuống khi nhớ tới một đoạn anh viết ở đâu đó trong “Sau Cơn Binh Lửa”, tác phẩm đầu tay của anh, xuất bản trước đây đúng mười năm:

“Tuổi đời chồng chất, sức khỏe và những hăng say của tuổi thanh xuân ngày tháng nguội dần. Tôi thấy cuộc sống mình hụt hẫng hoang mang. Mỗi năm lại vắng thêm đồng đội và rồi một ngày nào đó, cũng sẽ tới lượt mình. Điều tự nhiên này, thực chất chẳng phải là nỗi ưu tư bởi vì đó là quy luật. Nhưng điều làm tôi suy ngẫm là ý nghĩa về cuộc đời của chính mình, thế hệ chúng tôi, qua những việc đã làm, những đau thương đã trải…thực sự là gì? Hoặc chẳng là gì hết?”

Cầu xin ông Trời ban cho anh, và cho cả những người lính già lưu lạc chúng tôi, thêm nhiều nghị lực, để tiếp tục sống nốt những tháng ngày còn lại, dù chỉ trong vô vị khi bất lực nhìn quê hương, dân tộc mình tiếp tục điêu linh


Đầu năm 2024
Phạm Tín An Ninh

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22139
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 7:37am

Đời Người...

Đời người tựa như cánh cửa, có người lạc quan khi ở bên trong, có người lại vui vẻ khi đứng bên ngoài. Kỳ thực, có rất nhiều thứ không biết như thế nào mới là tốt nhất, chỉ cần bạn cho là đáng giá thì mới là tốt nhất…

photo%20Life%20-Love_zpsokzsdrvo.jpg

1. Bốn cái khổ

Một là nhìn không thông: Không nhìn thấy được bản thân mình lạc trong vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương của mình sau mỗi lần tranh đấu, không nhìn thấy nơi yên tĩnh ở phía sau sự sầm uất vô vị, chính là một nỗi khổ lớn của đời người.

Hai là luyến tiếc: Luyến tiếc sự ưu việt của bản thân trong quá khứ, luyến tiếc những sự việc không tới nơi tới chốn đã từng làm, luyến tiếc những hư vinh, những tiếng vỗ tay đắc thắng. Sống trong luyến tiếc thì cả đời sẽ dằn vặt không yên.

Ba là không thể đứng dậy sau thất bại: Cuộc sống ai mà chưa từng thất bại, nhưng nếu thất bại mà lại gục ngã, không thể đứng dậy được thì phần đời còn lại có lẽ chỉ là những lời than trách mà thôi.

Bốn là không thể vứt bỏ: Không buông bỏ được người và sự việc đã đi xa, không vứt bỏ được những mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ sẽ giống như mang theo tảng đá khi đi đường dài vậy, thật khổ, thật mệt.


2. Nỗi đau

Một đời người, không phải tốt đẹp như trong mơ, cũng không xấu như trong tưởng tượng.

Phía sau mỗi người đều có nỗi đau ẩn chứa, đều có nỗi khổ không thể nói ra bằng lời.

Mỗi người đều bước đi trên con đường của mình. Chỉ cần nhớ:

– Khi lạnh hãy mặc thêm áo khoác cho mình;
– Khi đói mua cho mình một cái bánh;
– Khi đau hãy tự cho mình một chút kiên cường;
– Khi thất bại thì tự đặt cho mình một mục tiêu, hãy chịu đau đứng dậy sau khi bị té ngã, hãy đích thực là chính mình.
 

3. Tiêu chuẩn

Không nên lấy tiêu chuẩn của mình để đặt yêu cầu cho người khác, cũng không nên đeo kính màu để nhìn người khác. Bởi vì mỗi người đều có sở thích, cá tính, cũng như giá trị của riêng họ. Những điều bạn thấy không thuận mắt, cũng không nhất định là điều không tốt.

Lý giải về hạnh phúc có hàng ngàn vạn loại, quan niệm về hạnh phúc của mỗi người cũng không giống nhau. Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời chính là có thể được làm chính mình.

Tin tưởng chính mình, đi theo tiếng gọi của tâm hồn mình, không viễn tưởng đặt ra mục tiêu vượt xa khả năng bản thân, không mù quáng ganh đua, bạn chính là người hạnh phúc nhất.

Không có vàng nguyên chất, cũng không có người hoàn mỹ, bởi vì không hoàn mỹ mới là chúng ta đích thực nhất.


4. Hạnh phúc

Hạnh phúc là sự gom góp từng chút từng chút, là được thực hiện từng ngày từng ngày. Đừng làm tổn thương người yêu mến bạn, cũng đừng làm người bạn yêu mến bị tổn thương.

Một người dẫu có tốt đến mấy, nhưng nếu họ không nguyện ý cùng bạn đồng hành cho đến hết cuộc đời, thì họ chính là người khách ghé thăm bạn mà thôi.

Một người dẫu có nhiều nhược điểm, nhưng lại có thể luôn nhường nhịn bạn, chăm sóc bạn, nguyên ý suốt đời ở bên bạn, đó chính là hạnh phúc của bạn.

Ai cũng muốn tìm một người thập toàn thập mỹ, nhưng con ngươi ai cũng có khuyết điểm. Yêu chính là nhường nhịn, thành thật với nhau, trọn đời bên nhau.

Có được một người có thể làm cho bạn vui vẻ cả đời, mới chính là mục tiêu của cuộc sống.


5. Buông bỏ

Khi những thứ mà ta sở hữu và những chấp nhất của chúng ta trở thành một loại “vũ khí” gây tổn thương, thì buông bỏ chính là giải pháp tốt nhất cho cuộc đời.

Mấy ai có thể biết được mình có bao nhiêu đau khổ, ai biết được mình bị bao nhiêu tổn thương. Nếu nước mắt không đọng lại ở trên mặt thì không ai biết được nó lạnh giá đến chừng nào, cái đau không nằm trên thân thể thì không thể biết nó đau đớn nhường nào.

Bạn có thể nhìn thấy giọt lệ đọng nơi khóe mắt, vết sẹo ở trên thân nhưng không nhất định hiểu được nỗi đau buồn và bi thương ở trong tâm hồn.

Hãy ngoảnh mặt bước đi trước khi rơi lệ, để lại sau lưng một hình bóng kiên cường, bạn sẽ thấy tâm hồn thật nhẹ nhõm trên hành trình kế tiếp của cuộc đời mình.

photo%20Nature_zpsvjsioxmg.jpg

6. Được và mất

Khi còn trẻ không hiểu biết, trung niên sẽ luyến tiếc.

Có một số thứ, khi bạn hoàn toàn sở hữu được, lại cảm thấy buồn tẻ vô vị; có một số thứ, khi vĩnh viễn mất đi, mới phát hiện ra nó trân quý vô cùng.

Khi lâm vào giai đoạn khốn khổ của cuộc đời, cái gì tới thì muốn ngăn cản cũng không ngăn được, cái gì đi thì muốn giữ cũng giữ không được.

Trong cái được và mất, có những sự việc nhỏ bé không đáng kể, nhưng chúng khiến bạn đau, khiến bạn yêu, bạn hận, khiến bạn cả đời phải đau khổ, cả đời phải khác cốt ghi tâm.

photo%20let-go-_zpshngb0fq1.jpg

7. Cánh cửa cuộc đời

Đời người tựa như một cánh cửa, có người cảm thấy bi quan khi ở trong cánh cửa tối om, có người lạc quan khi được ở trong cánh cửa tĩnh mịch, có người ưu sầu vì mưa gió khi đứng bên ngoài cánh cửa, có người thấy vui vẻ bởi vì được tự do khi đứng ngoài cánh cửa.

photo%20the_door_of_life__zpsdalarhc5.jpeg

Kỳ thực trong đời người, có rất nhiều thứ không biết như thế nào mới là tốt nhất, chỉ cần bạn cho là đáng giá thì nó là tốt nhất.

Thành công và thất bại, hạnh phúc và bất hạnh, định nghĩa trong nội tâm của mỗi người là không giống nhau. Mấu chốt là phải năm chắc được điều bạn muốn là cái gì, đừng để nó tuột khỏi tay bạn, đừng để mình phải hối tiếc quá nhiều.


8. Tình bạn

Tình nghĩa bạn bè, cuối cùng sẽ dần dần phai nhạt. Để có một người bạn đích thực thường phải mất vài năm hoặc vài chục năm, mà đắc tội với một người bạn có thể chỉ trong vài phút, hoặc chỉ vì một chuyện.

.photo%20friendships_zpswm2e9qcd.jpg

Thế tục phù phiếm, lòng người phức tạp, rất mẫn cảm với những lặt vặt nhỏ nhoi, đều là trở ngại cho sự tiến triển của tình bạn.

Có lẽ bởi vì là bạn bè, nên đã thiếu đi một chút băn khoăn, thiếu đi một chút tôn trọng, vì thế mới thành ra như vậy. Giữa bạn bè với nhau khi thân cận quá, quan hệ sẽ trở nên phức tạp, khoảng cách quá xa thì lại mất đi liên lạc.

Hãy biết quan tâm, trân quý, che chở cho tình bạn. Cho dù không trường tồn muôn thủa, thì ít nhất đã từng có một tình bạn khắc cốt ghi tâm.

photo%20Friend_zpsktsdwthw.jpg

9. Thấu hiểu

“Thấu hiểu” là thuật ngữ thâm tình nhất, khắc sâu nhất trong thế giới tình cảm.
– Thấu hiểu, chính là dùng ánh mắt của ta để an ủi nỗi ưu thương của người khác.
– Thấu hiểu, chính là để nhịp tim đập theo nhịp tim của người khác.
– Thấu hiểu, chính là im lăng lắng nghe âm thanh của tâm hồn.
– Thấu hiểu, chính là trong mắt của tôi luôn có hình bóng của bạn.
– Người thấu hiểu, chính là yêu hết mức có thể. Bởi vì chỉ có “thấu hiểu”, mới có thể trầm tĩnh, mới có thể ung dung, mới biết thế nào là trân quý.

photo%20Thu%20hiu_zpszugstiv6.jpg

10. Lựa chọn

Người coi cuộc đời người như một hành trình, thì sẽ luôn nhìn thấy phong cảnh. Người coi cuộc đời như một chiến trường, thì gặp phải luôn là những tranh đấu.

Cuộc đời chính là như vậy, lựa chọn cái gì thì sẽ gặp cái đấy, không có đúng hay sai, chỉ có chấp nhận hay không.

Học cách quên đi những chuyện làm mình không vui, học cách rời xa những người làm cho mình trở nên hèn mọn. Chỉ cần vẫn có ngày mai, thì ngày hôm nay mãi mãi vẫn là khởi điểm.


Những điều đáng quý
– Gặp gỡ nhiều người thì biết sự đáng quý của tình bạn.
– Va vấp nhiều thì biết được sự đáng quý của hiểu biết.
– Thất bại nhiều mới biết sự đáng quý của tư tưởng.
– Thành công nhiều thì biết được sự đáng quý của dũng khí.
– Mâu thuẫn nhiều thì biết sự đáng quý của ý chí.
– Không thuận mắt nhiều thì biết sự đáng quý của tu dưỡng.
– Nịnh nọt nhiều mới biết sự đáng quý của chân thành.
– Danh lợi nhiều mới biết sự đáng quý của xem nhẹ.
– Xã giao nhiều mới biết sự đáng quý của thanh tịnh.


Theo  Tinh Hoa

Anh Thập chuyển
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 136
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.527 seconds.