Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 110
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23798
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 8:38am

Tưởng Chừng Đã Quên

 

Tình đồng đội ngàn năm vẫn nhớ

Nghĩa đồng bào vạn thuở khó quên.

------

Chỉ còn 2 ngày nữa là Tết, hôm nay đã 28 rồi, Hải ngồi sau cái sạp bán vé số, lơ đãng nhìn những chiếc xe đò tấp nập ngừng trước mấy quán cơm đã ăn chia với đám tài xế và bọn công an khu vực, mọi người dường như hối hả vào ăn cho nhanh, để còn kịp về dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Đã mấy năm nay, kể từ ngày tạm gọi là "mở cửa" thì sinh hoạt ở cái quận Định Quán này trở nên tấp nập vì đây là trung tâm của tuyến đường Sàigòn - Đà lạt, dù là lên hay xuống thì cũng là lúc phải dừng lại, để khách ăn uống và xả hơi cho thư giãn gân cốt. Sạp vé số của Hải mấy năm trước đây còn được đặt ngay trước cửa mấy quán cơm đó, thì cuộc sống cũng tạm xoay sở qua ngày, ngờ đâu một tên bộ đội "phục viên", khi thấy địa điểm có vẻ khấm khá, nên nó đã móc nối với mấy thằng công an khu vực áp lực với chủ quán, đuổi chàng đi để nó chiếm chỗ, cho dù bà chủ quán không muốn, nhưng vì việc làm ăn, nên bà đành phải ngậm ngùi nói với Hải:

 - Chú Hải à! Thật tình tôi không muốn, nhưng hoàn cảnh làm ăn, mong chú thông cảm, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng nghĩ đến mấy chú. Khi nào khó khăn quá chú cứ đến, giúp được chú cái gì, tôi sẽ giúp. Riêng thím thì lúc nào khỏe, cứ đến làm giúp tôi, thôi chú cầm đỡ 20 ngàn này, sang hỏi thuê cái hiên nhà phía bên kia đường xem sao.

Hải biết bà nói với chàng bằng cả tấm lòng, nên chàng tỏ lời cám ơn, nhưng kiên quyết không nhận 20 ngàn đồng của bà. Chàng hiểu hoàn cảnh làm ăn của bà, gió chiều nào che chiều nấy. Chàng chỉ giận bọn chó bất lương, lợi dụng thế của kẻ mạnh để hà hiếp kẻ thế cô, loại công dân hạng bét như chàng trong cái xã hội chó má này. Chàng xin được đặt sạp vé số xế bên kia đường, cách mấy quán ăn chừng hơn trăm mét, nhưng chỉ còn bán được cho những người quen ở địa phương, còn khách vãng lai thì mất hẳn. Họa hoằn có vài người biết chàng trước đây tạt sang thăm hỏi và mua giúp vài tờ, nhưng cũng không tránh khỏi sự hầm hè, soi mói của bọn công an hay đảo qua, đảo lại. Trước sự lộng hành của bọn này, nhiều lúc chàng ước ao có được trái lựu đạn để cưa đôi với chúng cho đỡ tức. Với tấm thân tàn phế sau cuộc chiến, chàng không ân hận gì vì đã hy sinh một phần thân thể cho mảnh đất miền Nam này, mà chỉ hận tên Tổng Thống 3 ngày, cam tâm đầu hàng giặc, để cả nước thống khổ điêu linh.


Cách đây hơn nửa năm, Đồng, vợ chàng bịnh nặng, chàng đưa vợ lên Sàigòn khám bệnh, cũng may bác sĩ cho biết là nàng vì làm việc quá vất vả, ăn uống thiếu thốn nên bị kiệt sức, cần phải được nghỉ ngơi và ăn uống cho lại sức. Trên đường ra bến xe miền Đông, tình cờ Hải gặp một Thương Phế Binh VNCH, anh cho Hải một địa chỉ ở nước ngoài của một cộng đồng có chương trình yểm trợ anh em TPB. Về đến nhà, anh liền mở chiếc rương gỗ đóng bằng thùng đạn pháo binh, lục lọi tìm lại mớ giấy tờ, hình ảnh cũ, cẩn thận kín đáo đi nhờ photocopy, chàng nhờ địa chỉ nơi chàng đặt sạp bán vé số rồi gởi đi. Kể từ hôm đó chàng sống trong hy vọng, Hải thầm van vái tiếng kêu cứu của chàng sẽ được đồng bào hải ngoại tiếp cứu. Cứ mỗi lần có một khách lạ ghé xe Honda vào là tim chàng lại đập nhanh hơn, chàng sống trong nỗi khắc khoải mong chờ. Rồi cách đây hơn 1 tháng, Hải nhận được 50 đô của cộng đồng người Việt ở New Mexico gửi tặng, cái tên nghe quá lạ đối với anh, với lời nhắn: "Đã chuyển hồ sơ của anh cho ông chủ hãng nước tương Con Mèo, chắc sẽ được giúp thêm". Đọc xong chàng mừng thầm và hy vọng sẽ được ông chủ nào đó đoái thương đến. Buổi chiều Hải vội dọn dẹp rồi chống nạng khập khiễng về, hối hả khoe với Đồng:

- Em ơi! Chiều nay có người đến giao cho anh 50 đô, mừng quá. Ngày mai anh sẽ đi đổi, rồi em mua ít thịt cá tẩm bổ cho khoẻ.

Hải cũng không quên cho vợ biết về lời nhắn chàng đã đọc. Nghe xong, Đồng nước mắt lưng tròng nhìn chồng nói:

- Ngộ quá anh hé,ở bên Mỹ,người mình cũng làm nước tương bán nữa ta. Mà sao cái tiếng này em nghe quen quen, nước tương Con Mèo hay Con Mèo nước tương.

Hải ngắt lời vợ:

- Cả hai đứa mình đều tứ cố vô thân, làm gì có ai mà quen với biết, nhưng họ là người mình, chứ đâu có phải cái bọn khỉ lên thành người này.

Hai chữ "người mình" đã gần 30 năm nay Đồng mới được nghe chồng nói lại, nó thân thương làm sao, gần gũi làm sao, nàng quay sang hỏi chồng:

- Anh còn nhớ hôm mình gặp nhau không? Sao mà nhanh quá há! Đã gần 30 năm rồi.

Hải âu yếm vỗ vai vợ:

- Làm sao anh quên được. Chuyện chúng mình thì như mới xảy ra hôm nào, nhưng 30 năm phải sống đọa đày trong tủi nhục đắng cay, anh tưởng như đã phải sống mấy mươi kiếp rồi.

Hải nhắm mắt lại, hai dòng nước mắt lăn dài trên má, cả quãng đời như một cuốn phim lại hiện ra.

******

Ngày ấy, gia đình Hải có 3 anh em, bố Hải mất sớm khi anh em Hải còn quá nhỏ, bà Hậu mẹ chàng đã ở vậy nuôi nấng, chăm sóc con . Năm 1966, Hoàng, anh của Hải nhập ngũ khóa 23 Thủ Đức, rồi về phục vụ tại Sư Đoàn 23 Bộ Binh, ở miền cao nguyên. Còn Hải, sau khi rớt liền hai kỳ Tú tài, thì Mậu Thân nổ ra, nên chàng được động viên theo học khóa Hạ Sĩ Quan ở Đồng Đế, rồi về phục vụ ở Tiểu đoàn 52 BĐQ, chỉ còn Thủy, đứa em gái út, đang học lớp đệ tứ, ở nhà chăm sóc mẹ.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, anh Hoàng hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, trong lúc Hải đang tử thủ ở An Lộc, tin anh Hoàng chết chỉ đến với Hải sau khi An Lộc được giải tỏa, nên Hải không có dịp để tiễn anh lần cuối. Cái chết của anh khiến cho mẹ chàng xọp hẳn đi, phần quá thương con, phần lo cho Hải, đã đôi lần bà nói với Hải: - Anh con chết rồi, giờ mẹ chỉ còn mình con là trai, hay con liệu xin về phục vụ ở gần nhà để mẹ yên tâm, rồi con liệu lập gia đình, để cho mẹ có đứa cháu nội an ủi tuổi già....


Thương mẹ nhưng Hải cứ ậm ừ khất lần cho qua chuyện, chứ thực ra chàng không muốn rời đơn vị. Đã hơn 4 năm dạn dày trận mạc, đã quen rồi xem chuyện sống chết như chuyện thường tình, và tình đồng đội keo sơn gắn bó, chia sẻ gian nguy, những cái đó khiến chàng không th dứt bỏ để ra đi được. Sau hiệp định Paris, đơn vị chàng đồn trú ở Bình Long, rồi đầu năm 74 chuyển xuống Chơn Thành. Cuối tháng 3/75, sau những trận chiến long trời lở đất, giữa hai TĐ31 và 52 BĐQ, với cả 1 sư đoàn quân Bắc Việt, có chiến xa yểm trợ, đơn vị chàng phải bỏ Chơn Thành để triệt thoái về Lai Khê và chỉ sau 3 ngày chưa kịp bổ sung, thì cả Liên đoàn lại được bốc ra mặt trận Phan Rang, không may khi vừa xuống tới phi trường Phan Rang, thì 1 trái pháo đã rơi xuống ngay Trung đội của chàng, Hải bị thương và được đi thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hòa, sau khi tỉnh dậy, chàng thấy mình đã mất đi chân trái, qua khỏi đầu gối, đồng thời xương bả vai bên trái cũng bị bể, khiến cánh tay không cử động được.


Các vết thương vẫn còn rỉ máu thì ngày 30/4/1975 xảy đến. Sáng mồng 1/5/75, bọn chúng đuổi hết mọi người ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, anh em dìu nhau bò lết, bò càng, hoang mang lo sợ, Hải tìm được một chiếc nạng, cố lết, nhưng giữa đường thì bị khụy xuống, cũng may, nhờ có bà con phía bên kia đường, cũng như một số "chị em ta" giúp đỡ. Các anh em nhẹ thì được giúp tiền tàu, xe để về quê, một số anh em nặng, được băng bó, săn sóc lại vết thương, nghỉ đỡ một vài ngày, trong số anh em này có Hải, chàng được khiêng về nghỉ trong một căn nhà tôn, ở sâu trong hẻm, một cô gái trạc ngoài 20 chăm sóc cho Hải. Băng bó lại vết thương và giúp chàng ăn vài muỗng cơm lót dạ, rồi vì vết thương đau quá, nên chàng mệt thiếp đi, đến lúc tỉnh dậy đã quá nửa đêm. Chợt thấy cô gái đang nằm co quắp trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà, tiếng cựa mình của Hải khiến cô gái thức giấc ngồi dậy:

- Thấy anh mệt thiếp đi nên em để anh nghỉ, anh có đói để em lấy cơm cho, còn ít cơm hồi chiều để phần cho anh, em đi hâm lại cho nóng.

Nói rồi nàng ra phía sau, một lát quay trở lại với tô cơm, trên có vài miếng thịt, vài miếng đậu hũ chiên, ngồi ghé xuống giường, nàng dành lấy việc đút cơm cho chàng, khiến Hải vừa áy náy, vừa cảm động, chàng nói mấy lời cám ơn thật chân tình, khiến cho nàng vô cùng xúc động:

- Ơn nghĩa gì anh ơi! Cùng cảnh khổ thì giúp nhau chứ có gì đâu. Cuộc đời em nào cũng có sung sướng gì, giờ hoàn cảnh này, cũng không biết ngày mai sẽ ra sao.

Rồi như gặp được người tâm sự, nàng kể hết những gì xảy đến trong cuộc đời của nàng cho Hải nghe.

******

Gia đình nàng quê quán ở Đồng Hới. Năm 1954 di cư vào lập nghiệp tại Lộc Ninh, nàng và đứa em trai đã ra đời tại đây, nhưng để luôn nhớ về quê nhà, nên ông bà đã đặt tên cho nàng là Đồng và thằng em là Hới, bố nàng làm cảnh sát, còn mẹ nàng mở một tiệm bán chạp phô tại chợ Lộc Ninh. Cuộc sống đang yên ổn thì mùa hè đỏ lửa 1972,Việt cộng chiếm quận, cha nàng hy sinh trong lúc giao tranh. Nàng cùng mẹ và em cố chạy về An Lộc, nhưng không may giữa đường mẹ và em nàng bị trúng đạn pháo chết, còn nàng bị chúng bắt lại đem về Lộc Ninh. Tại đây nàng đã bị mấy tên sĩ quan bộ đội hiếp, sau đó chúng bắt nàng lấy một tên thương binh trong một đám cưới tập thể. Cô dâu hầu hết là những cô gái hay các bà vợ lính không chạy thoát được, còn chú rể là những tên thương binh cộng sản Bắc Việt, cho nên vừa là vợ bất đắc dĩ, họ còn phải đóng luôn vai y tá. Đã mấy lần nàng định tự tử chết cho xong, nhưng rồi cứ lưỡng lự, sau cùng ý nghĩ chạy trốn lại đến. Nàng cất giấu ít củ khoai lang và một đôi giày vải bata, của mấy người đi cạo mủ cao su hay mang.

Một đêm sau khi tên VC dày vò thân xác nàng, quá thỏa mãn, nó lăn quay ra, há hốc miệng ngủ. Nàng yên lặng lén ra khỏi nhà, băng về phía làng 2, rồi cứ nhắm hướng súng nổ ở An Lộc mà đi. Sau hơn 2 ngày đêm vừa đi vừa lẩn tránh, nàng đã đến được An Lộc, khi thành phố cũng vừa mới được giải tỏa ít hôm. Nàng được anh em BĐQ tiếp nhận, sau đó được trực thăng đưa về Lai Khê. Nhưng rồi vì tứ cố vô thân, cuộc sống đưa đẩy, đã xô nàng vào cái nghề buôn hương bán phấn tại khu bệnh viện Cộng Hòa này. Nàng kết luận:

- Số em sao đó anh ơi, chạy trời không khỏi nắng. Nhìn thấy bọn chúng là em nổi da gà rồi, em giờ không biết tính sao nữa.

Nãy giờ, Hải chăm chú nghe nàng nói, chàng cũng thấy ái ngại và thương cảm, nhưng quả thật, chàng cũng không biết phải góp ý thế nào với nàng, bỗng Đồng nói với chàng bằng một giọng thật tha thiết:

- Em nói điều này thiệt tình anh đừng cười, em khổ quá rồi, chẳng còn ai thân thích, lại chẳng còn một chỗ để về, hay là anh nghỉ đây ít bữa cho khỏe, rồi anh cho em theo về quê anh, tạm thời ở đó ít tháng, rồi em sẽ liệu sau.

Trước thái độ chân thành của Đồng, Hải vô cùng lúng túng. Hơn nữa hoàn cảnh của chàng hiện nay lại càng bi đát hơn, nên chàng không dám nhận lời, nhưng cũng không muốn làm nàng phật ý, nên anh chỉ nói:

- Anh sợ vùng quê anh chỉ làm nương rẫy cực khổ, nên anh e em không kham nổi thôi.

- Anh quên em là gái Lộc Ninh, đã từng quen rẫy bái đã từng băng rừng lội suối chạy cộng sản sao? Cho nên việc làm rẫy cực khổ thì em dư sức qua cầu. Em quyết bỏ cái nghề này rồi anh à, thấy cái nón cối là em muốn băm vằm ra làm trăm mảnh để trả thù cho cha mẹ và em của em. Hay anh cho rằng em là một con đĩ. Em có xin anh cho em sống với anh đâu. Em chỉ xin anh có một chỗ để về, có vài người thân, dù chỉ tạm thời trong lúc này. 

Thấy nàng có vẻ cay đắng, Hải cũng có một chút ân hận, chàng vội phân trần:

- Đồng hiểu sai ý anh rồi, anh không có ý như em vừa nói. Em là người đã cứu giúp anh, chăm sóc anh, em là bạn và là ân nhân của anh.

Đồng cảm thấy được an ủi, nàng vui hẳn lên:

- Cám ơn anh đã coi em như bạn. Em đề nghị anh bỏ tiếng ân nhân đi, vậy thì bạn có đồng ý cho tôi về quê với bạn không? 

Vừa nói nàng vừa cười nũng nịu. Hải cảm động xoa nhẹ vai Đồng nói khẽ:

- Ngày mai mình về! 


Ngày hôm sau, Đồng từ giã vài người quen, rồi cùng Hải ra bến xe miền Đông. Mấy hôm nay vẫn còn vắng vẻ, nên rất khó có xe, sau nhiều lần chuyển đổi xe, gần tối hai người mới về đến Định Quán.

Đồng dìu Hải chậm rãi từng bước dọc theo con hẻm nhỏ. Bà Hậu và Thủy đã nghe lũ trẻ con chạy về báo, nên hớt hải chạy ra, gặp Hải bà quá xót xa, òa khóc nức nở:

- Sao con ra nông nỗi này mà không cho mẹ hay. Tôi có làm gì nên tội đâu, mà trời bắt các con tôi phải chịu thế này!!!

Nói xong bà tiếp dìu Hải, còn Thủy xách cái giỏ cói đựng ít quần áo của Đồng. Sau khi đã vào trong nhà, bà Hậu mới chợt nhận ra có một người con gái lạ, mà nãy giờ vì xót con, bà không để ý. Bà đưa mắt nhìn Đồng rồi lại nhìn Hải. Hiểu ý mẹ, chàng nói:

- Mẹ! Đây là Đồng bạn con.

Quay sang Đồng chàng bảo:

- Em chào mẹ đi. Còn đây là Thủy, em gái anh.

Dường như cùng trong hoàn cảnh khổ đau, con người dễ cảm thông và gần gũi nhau hơn, chỉ sau vài phút, đã như ngưi một nhà. Hải nói với mẹ nguyên do nào chàng gặp Đồng, cũng như cảnh ngộ của nàng. Chỉ một điều duy nhất chàng không cho mẹ biết Đồng là gái mãi dâm thôi.


Về nhà được hơn một tháng thì ủy ban nhân dân huyện ra thông cáo trình diện "học tập cải tạo", Hải cũng phải đi hết 10 ngày và để tránh sự theo dõi, cả nhà phải tỏ ra giác ngộ cách mạng, nên Hải, Đồng và Thủy đã vào khai phá rừng để làm rẫy trồng ngô, khoai, sắn, cách nhà gần chục cây số. Chàng dựng một cái chòi ở luôn ngoài rẫy, còn bà mẹ Hải vì tuổi già nên ở luôn ngoài phố, vài ba ngày lại thay phiên về thăm mẹ.

Công việc thật quá vất vả, phần thì Hải cũng không làm được những công việc nặng như chặt cây, cuốc đất, vì vết thương chưa lành hẳn, hơn nữa, chàng chỉ còn có một chân và một cánh tay xử dụng được, còn chiếc tay kia bị ảnh hưởng của vết thương trên bả vai, thì hầu như đã bị liệt, nên chàng đảm nhiệm việc cơm nước, cũng như vùi mấy cái hom sắn, gieo mấy hạt ngô. Sống gần nhau một thời gian, tình cảm giữa Đồng và Hải ngày càng nảy nở. Một hôm nhân lúc Thủy về thăm mẹ, chỉ còn hai người ở ngoài rẫy, Hải đã nói với Đồng:

- Anh muốn em ở lại đây vĩnh viễn, nếu em không ngại anh là người tàn tật, thì hãy nhận lời làm vợ anh. Mình sẽ nương tựa nhau, dìu nhau đi hết đoạn đường đầy chông gai cơ cực này.

Nghe Hải nói, Đồng rướm nước mắt:

- Như anh đã biết, em đã coi gia đình này là của em. Em chờ đợi câu nói này của em từ khi em xin theo anh về đây. Em đã gắn bó với gia đình này rồi. Giờ đây em đã có anh, để cùng yêu thương săn sóc cho nhau.

Sau đó Hải đem việc này nói với mẹ, bà Hậu thật mừng, bà nói với Đồng:

- Mẹ rất sung sướng khi con nhận lời làm vợ nó. Từ hôm con về đây, mẹ chỉ ước chi con là con dâu của mẹ, giờ thì mẹ thật an tâm.

Rồi bà nắm tay Đồng và Hải lại chỗ bàn thờ ông Hậu và Hoàng, thầm thì nói:

 - Tôi dắt hai đứa lại đây để ông và thằng Hoàng chứng dám. Ngày hôm nay, chúng thành vợ, thành chồng. Ông và thằng Hoàng có linh thiêng thì phù hộ cho vợ chồng nó. 

Bà cúi đầu, chắp tay vái ba ly, Hải và Đồng cũng làm theo. Thế là Hải và Đồng thành vợ chồng. Thật đơn giản đến tội nghiệp! Bà Hậu nhìn hai con mà nước mắt cứ lăn dài trên đôi má nhăn nheo, bà suy nghĩ miên man. Giá ông Hậu đừng mất sớm thì mẹ con bà đâu đến nỗi khổ, giá đừng có loài quỷ đỏ thì thằng Hoàng đâu có chết, thằng Hải đâu có phải què cụt, con Thủy đâu có phải chai da, cháy mặt, đổ mồ hôi nước mắt mới được vài ba củ khoai, củ sắn. Những năm 78-79, cảnh nhà càng khó khăn hơn, quanh năm ăn độn khoai, sắn. Bà Hậu đã cho bán hết những tấm tôn trên mái nhà và lợp vào đó bằng nhng phên tranh, do mấy mẹ con bà cắt, tự đan và lợp lấy. Vì quá buồn rầu, lam lũ, cực khổ, bà Hậu ngã bệnh nằm liệt giường, khiến cho cả nhà càng thêm cơ quẫn. Bà chịu đựng đến giữa năm 80 thì qua đời. Hôm chôn bà chỉ có vài ba người hàng xóm đến phụ đưa ra nghĩa địa, vì hầu hết trai tráng đều ở sâu trong rẫy. Từ ngày bà Hậu mất, Thủy ở ngoài này buôn bán chui lủi đủ thứ, thượng vàng hạ cảm, từ ít cân đậu đến vài hũ đường, mật, đôi bánh thuốc rê, sau đó nàng đi buôn hàng chuyến về Sàigòn và ngược lại, cứ thoát được một hai chuyến thì lại bị đám quản lý thị trường vồ mất một chuyến, mất cả vốn lẫn lời.

Còn vợ chồng Hải thì ở luôn trong rẫy, chỉ ra ngoài phố khi có việc cần. Cuộc sống cơ cực quá nên cũng chẳng ai nghĩ đến việc nên có một đứa con. Có một lần, gia đình của người làm rẫy bên cạnh anh có thêm một đứa con, Hải đã ngao ngán nói với vợ:

- Nếu có con mà nó phải sống trong cái xã hội như mình đang sống thì không nên có. Còn mình thì chỉ vì không đủ can đảm để tự kết liễu đời mình, nên phải gắng gượng mà đi cho trọn đường trần.

Nghe Hải nói vậy nên Đồng cũng chẳng bao giờ gợi ý điều đó với chàng. Nàng thấy mấy đứa bé ở trong rẫy, sống lam lũ, mới 7, 8 tuổi đã phải vác cuốc ra đồng, chẳng được học hành, nên nàng cũng rất ngao ngán. Đôi khi nàng tự hỏi, trên trái đất này có người dân ở đâu sống khốn khổ như ở đây không?

Năm 83, Thủy quen với một thanh niên. Họ yêu nhau và rủ nhau đi vượt biên, rồi chẳng có tin tức gì, còn vợ chồng Hải không kham nổi công việc ruộng rẫy nên đã bỏ về. Lúc này các tỉnh đang thi nhau mở các trò xổ số, nên Hải bèn chống nạng đi bán vé số dạo, còn Đồng vào làm công cho một quán ăn, vừa phụ bếp, vừa rửa chén, cuộc sống cũng tạm đắp đỗi qua ngày.Đầu những năm 90, khi tạm gọi là mở cửa, lưu thông trên tuyến đường trở nên nhộn nhịp hơn, Hải được bà chủ quán ăn nơi Đồng làm thuê, cho đặt 1 sạp vé số trước cửa, cuộc sống đã tạm ổn định, nhưng cũng chỉ được vài năm thì lại bị chúng cấu kết với nhau để đẩy chàng ra.

******

Đang chuẩn bị dọn dẹp để ra về thì một chiếc Honda lao đến ngừng ngay trước mặt, Hải nhận ra đây cũng chính là người đã đến giao cho chàng 50 đô lần trước, hắn ta nhanh nhẩu nói:

- May quá chú còn đây, cháu mang tiền đến giao chú này. Nhờ chú ký vào đã nhận đủ 100 đô la giúp cháu. Kể ra mấy người bên Mỹ họ tốt thiệt đó chú. Cháu chuyên đi giao tiền nên biết được rất nhiều thương phế binh chế độ cũ đã nhận được giúp đỡ.

Hải liếc vội sang chỗ ghi tên người gởi, anh đọc thấy hàng chữ "Nguyễn Minh Chánh, BĐQ?", anh liền ký nhận và lấy miếng giấy ghi tên và địa chỉ người gởi để còn thư sang cám ơn.

Khi người giao tiền đi khỏi, Hải cũng xếp vội cái bàn và cái dù vào góc hiên nhà, rồi vội vã đi về. Trên đường đi, chàng vừa ngẫm nghĩ vừa cười một mình: "Như vậy là anh em Biệt Động Quân đã gởi về giúp mình. Thảo nào lần trước họ bảo là đã chuyển hồ sơ cho ông chủ hãng nước tương Con Mèo.Mình nghĩ không ra, nhưng Đồng lại bảo nghe quen quen. Mình cũng quên khuấy đi là ngày xưa anh em thường gọi đùa huy hiệu BĐQ là con mèo nước tương, vậy mà không nghĩ ra."

Hải thầm cám ơn Trời, Phật, cám ơn anh em đồng đội, cám ơn người mình vẫn còn nghĩ đến những anh em bất hạnh, khốn khó nơi quê nhà, anh vừa đi vừa hát nhỏ đủ cho mình nghe và lập đi, lập lại câu hát mà thỉnh thoảng anh vẫn nghe lén trên đài Á Châu Tự Do: "Hãy hát cho mọi người cùng nghe, người đã cứu người"...

 

BĐQ Đoàn Trọng Hiếu

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23798
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 9:44am
Nửa%20Hồn%20Xuân%20Lộc-%20Lê%20Nguyễn


Hôm nay 
đọc “NỬA HỒN XUÂN LỘC”
Nước mắt từ lâu tưởng cạn rồi
Ta khóc
Như chưa từng được khóc
Như nhìn chiến trận mới đây thôi

Mây Xuân Lộc đỏ như màu lửa
Đã dịu trong màn nước mắt rơi
Người đi không nở câu chia biệt
“Em giữ dùm ta nửa cuộc đời!”
“Cổ lai chinh chiến!..Ừ! Ta biết…
Lính trận…thì ai cũng vậy thôi!”

Cắn răng bỏ lại hồn Xuân Lộc
Ghìm súng
Trông theo bốn hướng trời
“Lỡ mai…ta có không về được
Em hãy quên…từng mơ lứa đôi!”
                            *
Hôm nay gặp lại trời Xuân Lộc
Một nửa trăm năm
vẫn có người
Nhớ màu áo chiến
mùi sương gió
Ký ức vẹn nguyên của một thời
SÀI GÒN chết điếng
nhìn Xuân Lộc
Nghẹn ngào…
đành phải phụ em thôi!
                            *
Bao năm gặp lại hồn Xuân Lộc
Nghe nhịp tim xưa lạc mấy lần
Nghe gió SÀI GÒN như tức tưởi
Thương đời kiêu bạc 
nhớ chinh nhân.
Một nửa trăm năm 
đầu bạc trắng
Nhắc thời binh lửa vẫn còn đau!
Nhiều đêm
mơ thấy về Xuân Lộc.
Pháo sáng chia đường…
lạc mất nhau…
                            *
Người ơi! 
có nhớ về Xuân Lộc
Nhớ màu mây lửa đốt quê hương
Đốt tim người Lính đi ngày ấy
Gởi hẹn thề 
trong khúc đoạn trường…
Người ơi!
có nhớ về Xuân Lộc
Trận đánh đầu tiên
đến cuối cùng.
Rút quân!
chỉ muốn quay đầu súng
Máu nóng tuôn trào…
muốn vỡ tung…!
                           *
Hôm nay đọc 
“NỬA HỒN XUÂN LỘC.
Người Lính năm xưa biết có còn?
Đã nghe Người hận 
vì buông súng
“Lẽ ra phải chết giữa Sài Gòn!”
Người mang theo
nửa hồn Xuân Lộc
Trên bước ly hương cuối dốc đời
Còn ta
giữ nửa hồn Xuân Lộc
Trong trái tim
từng mơ lứa đôi…

LÝ THỤY Ý


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - Hôm nay lúc 9:50am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23798
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 9:59am

NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUÈN

 Ký%20ức%20Tháng%20Tư%20của%20một%20hạ%20sĩ%20quèn%20Ông%20Tạ

Thông thường khi nói về quân ngũ ngày xưa, các tác giả hay ca ngợi những vị sỹ quan tài ba và gan dạ đã đành, bên cạnh đó người ta cũng ca ngợi những anh lính tác chiến trực tiếp khi họ lập được chiến công oanh liệt ở mặt trận, nhưng có những người lính quèn trong các đơn vị, tuy họ không trực tiếp ra chiến trường, nhưng họ đã âm thầm góp sức vào những chiến tích kia một cách thầm lặng, mà xưa nay hiếm khi họ được phóng viên chiến trường, hay báo chí ở hậu phương đề cập đến.

Nay tui kể ra các việc các anh lính quèn trong đơn vị tui ngày xưa, để coi như an ủi tinh thần phần nào cho họ nhé .

Chiếc GMC của ban quân xa chuyên lo việc chuyên chở hàng hóa cho ban Hỏa Đầu vụ của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân tụi tui nó trở chứng mấy ngày qua, anh Hạ sỹ nhất Lập và anh Binh nhì Võ Thành Quế cùng tài xế Hạ Sỹ Nghé " Vật lộn" với nó đến nay vẫn chưa xong.

Trên ngọn đèo Phù Cũ này những ngày mưa gió bão bùng thì mọi sinh hoạt trong đơn vị tui đều gặp khó khăn, do đó khi chiếc GMC của "Nhà bếp" do ông Thượng sỹ Nghiệp làm sếp nằm vạ tại ban Quân xa, tui thấy anh Quế, anh Lập lui cui dưới tấm bạt để sửa chữa lại cái máy xe này, hai anh quần áo lấm lem dầu mỡ, tuy trời mưa lất phất mà tui thấy quần áo hai anh và gương mặt họ đều ướt đẫm mồ hôi, tui đem cái ca inox cà phê mua ở câu lạc bộ do hạ sỹ Đắc mới vợt xong, tui mời hai anh:

-Anh Lập anh Quế ngưng tay chút đi, làm miếng cà phê cho tỉnh táo rồi mần tiếp.

Lấy giẻ lau tay cho sạch dầu mỡ ,anh Lập đón lấy ca cà Phê còn nóng hổi hớp một ngụm rồi anh khen.

- Cha chả thằng Đắc pha cà phê nay ngon ác luôn, anh Quế làm miếng đi.

Anh Quế cũng hớp một ngụm rồi anh hỏi tui :

- Ủa hôm nay không trực máy mà xuống đây vậy "anh Hai".

Nghe cái giọng kêu mình một cách thân thương như vậy khiến tui vui lắm, tui đáp lời:

- Nay thằng Bùi Đức Kết nó trực máy trả nợ cho em, vì mấy ngày trước nó vù xuống chợ Bồng Sơn hẹn hò với em Nhi bồ nó, nên nó kêu em trực giùm .

Anh Lập nghe vậy anh liền lên tiếng:

- Đám truyền tin của mấy đứa, anh thấy sướng thấy mồ, ngồi trong mát không hà , chỉ cái tội ít tiền thôi chứ nói về sướng thì không thua công tử Bạc Liêu chút nào.

Nghe anh lập đề cao cái nghề trong lính của mình làm trong bụng tui khoái chí tử, chưa kịp đáp lời anh Lập "tố" thêm.

- Hùng thấy ban quân xa anh cực khỗ ghê chưa, bình thường xe cộ ngon lành thì không nói gì, một khi nó "Trở quẻ" thì mệt mỏi vô cùng.

Thật vậy , không chỉ chiếc GMC này không, mà còn những chiếc xe khác như chiếc Jeep lùn M151 A2 của Sếp lớn 639 (Ám danh đàm thoại của Trung tá,Tống Viết Lạc), mỗi khi nó trục trặc nho nhỏ thì Tài xế Hổ còn sửa được, nhưng một khi máy móc có vấn đề thì anh Lập và anh Quế phải đích thân ra tay, do xe của sếp lớp phải di chuyển liên tục, lúc thì ông đi họp ở Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 22, lúc thì ông chạy ra tận Đèo Bình Đê giáp Sa huỳnh để cùng tiểu đoàn 35 điều nghiên các mục tiêu hành quân, do tính chất quan trọng như vậy nên một khi "con chiến mã" của sếp kiếm chuyện thì hai anh phải tức tốc sửa chữa cho kịp thời bất chấp ngày đêm.

Sửa xe cộ cho mấy sếp ngoài hành quân tuy có cực nhọc do thời gian thúc ép dữ lắm, bù lại sau khi con "Chiến mã" nọ hết "nhức đầu sổ mũi" thì mấy sếp hay "Boa" cho hai ông Lính quèn này một ít tiền "cà phê cà pháo", những lúc này tui đều được hai anh Thợ máy cho đi theo để ăn ké khi thì chai (Larue con cọp) hoặc ly chè đậu xanh ngọt ngào ở tiệm cà phê của em Hồng ở gần Chi khu Tam Quan.

Chẳng những chỉ sửa chữa quân xa mà còn làm thêm những việc linh tinh khác, một hôm nó khi hoàng hôn buông xuống, cã vùng đèo Phù cũ chìm trong bóng đêm, chỉ có một vài căn hầm có được ánh điện chiếu sáng từ cái máy phát điện dã chiến ba klowatt nằm trong hầm ở lưng đèo, ưu tiên nhất là Trung Tâm Hành Quân của tụi tui, vì nó là nơi chứa trái tim của một đơn vị, mọi điều kiện tốt nhất đều ưu ái dành cho nơi này, hầm sếp trưởng ,sếp phó, hầm quân y...

Cái máy phát điện đang chạy ngon lành , tự nhiên nó " ho gục gặc" mấy tiếng rồi im re, cái đèn "Sơ cua" xài bằng mấy cục pin tép của máy PRC 25 bỏ ra được thấp sáng lên, mọi việc cũng tạm yên ổn cho sinh hoạt về đêm nơi đồn vắng , lúc này thì hai " Ông Thần nước mặn" Dương văn Lập, Võ Thành Quế" đang làm bất cứ cái giống gì, hai ông phải quơ tua vít, mõ lết, kềm. V.v.. chạy u đến cái máy đèn liền, vì nếu chậm trể các đơn vị trực thuộc có xãy ra giao chiến thì việc yểm trợ phi pháo cũng có phần bị hạn chế, vì ánh sáng đèn xài pin cũ của máy PRC 25 bỏ ra nó tù mù không sáng lắm, nên khi cần chấm tọa độ hoặc giải mật mã thì khó khăn vô cùng.

Với nghề nghiệp vững chắc không đầy năm phút sau, hai anh đã buộc cái máy phát điện đem lại ánh sáng như cũ, thành thật mà nói nếu đơn vị tui không có hai anh sửa chữa máy móc quân dụng thì cũng mệt cầm canh chứ chẳng chơi, về tình cảm thì các sỹ quan trong đơn vị cũng như các anh em binh sỹ đều quý mến hai anh này, nhưng về quân bạ thì hai anh có phần thiệt thòi, vì qua bao năm dài phục vụ trong liên đoàn mà hai anh chẳng được chiếc huy chương nào tặng thưởng cho hai anh, ngày tui được chiếc Huy chương Anh Dũng Bội Tinh kèm ngôi sao đồng do Chuẩn tướng Phan Đình niệm Tư Lệnh Sư đoàn 22 ấn ký, tui đem xuống ban quân xa khoe với hai anh, khi coi xong chiếc huy chương này anh Lập lập lại câu nói:

- Đó thấy anh nói có trật đâu, Truyền tin mấy bây sướng như Công tử Bạc liêu là đây nè, thôi ngày mai dẫn anh em Quân xa tụi anh xuống Bồng Sơn rửa Huy chương này nghe Hùng.

Vậy là đứt nửa tháng lương cái tội khoe của, phải chi giấu nhẹm nó đi thì tui đâu phải tốn xu nào phải không các bạn, nói vậy thôi chứ ông bà mình có câu " Tốt khoe, xấu che", việc khoe này là niềm vui chung của mấy anh em tụi tui cùng đơn vị chơi chung thì cũng đâu có gì quá đáng.

Không chỉ riêng anh Quế anh Lập, còn những người lính quèn khác như tài xế Bùi Tuyền, Tài xế Huỳnh, hạ sỹ Nghé, Hạ sỹ Tâm tài xế của ban ba hành Quân. Các anh em này ngày đêm cũng dốc lòng với nhiệm vụ, các anh vững tay lái những khi đạn pháo của bên kia rót xuống, nếu không có tinh thần thép của lò luyện thép Dục Mỹ thì có thể các anh không đủ can đảm cầm lái trong vùng lửa đạn nơi đèo heo hút gió này.

Rồi thì những anh em quân y, dưới sự chỉ huy của Y Sỹ Vân một Trung úy trẻ nhiệt huyết thật nhiều nên các bạn Trung sỹ Hồng, hạ sỹ Giỏi, hạ sỹ nhất Ngô Thành chăm sóc thương bịnh binh kịp thời, có lúc lao vào trời mưa gió hoặc đạn pháo đang vang rền, các chàng lính quân y Biệt Động Quân đã giành giật từ tay thần chết để anh em bịnh binh về tới quân y viện kịp thời.

Còn mấy ông lo cho cái bao tử đơn vị cũng không kém phần quan trọng, những người lính trong bếp của thượng sỹ Nghiệp như ông Giáp (Bắc) , anh Thà ( Lao công đào binh) V.v.. họ vác từ bao gạo , lặt từng cọng rau, làm từng con cá, nấu những nồi cơm to tướng để cho ba quân tướng sỹ cùng ăn, đó là những đóng góp thầm lặng vào chiến công chung của Liên đoàn, việc họ để có một huy chương Anh Dũng bội tinh thì khó bao giờ có được. Nhưng với tui mặc dù về binh nghiệp họ chưa có dịp được tưởng thưởng những huy chương cao quý của quân đội, nhưng họ xứng đáng được huy chương danh dự qua những việc làm hàng ngày nơi đơn vi tui ngày xưa.

Cuộc chiến đã tàn đúng nửa thế kỷ, thời gian này cũng đủ làm phôi phai những năm tháng quân hành của những người lính quèn, ngồi đây trong hiện tại, tôi vẫn còn khắc ghi những gương mặt của những anh em trong đơn vị ngày xưa, cho dù bụi thời gian sẽ lấp đầy che đi những dấu tích của một thời, nhưng nó vẫn còn ghi mãi trong miền ký ức của những người một thời khoác chinh y đi vào vùng lửa đạn.

Nhớ những anh bạn lính quèn của tui ngày xưa.

Hai Hùng SG




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - Hôm nay lúc 10:00am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 110
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.320 seconds.