Kính tặng Mẹ nhân ngày lễ Mother’s Day
Chắc chắn suốt đời trong chúng ta không ai có thể quên được Mẹ, dù Mẹ còn hay Mẹ đã mất. Cái nỗi nhớ mong của một người con khi xa Mẹ mặc dù rất nhiều, nhưng tuyệt đối không thể nào bằng cái nỗi nhớ thương của một người Mẹ khi xa con. Cái nỗi nhớ thương đó nó ghê gớm, nó da diết, nó ray rức làm sao ấy! Cái nỗi nhớ thương đó rất khó mà diễn tả qua lời nói hay viết bằng chữ nghĩa của văn chương.

Con thương Mẹ đã nhiều, nhưng Mẹ thương con lại càng nhiều hơn. Con thương Mẹ và Mẹ thương con, đó là một thứ tình thương bất di, bất diệt và nó là một thứ tình thương thiêng liêng cao quí nhất trong các loại tình thương mà trời đất đã ban cho. Ðó là một thứ tình thương vĩnh cửu của con người: của con đối với Mẹ và của Mẹ đối với con. Hiển nhiên, trời đất đã tạo ra một qui luật chung cho con người, ấy là chắc chắn rằng không ai có thể thương Mẹ bằng con, và cũng chẳng có ai thương con bằng Mẹ, dù đó là một đứa con rất hư, rất xấu. Bởi vậy, ở trên quê hương miền trung đất nước Việt Nam chúng ta đã có câu:
“Không có chi bằng cơm với cá,
Không có chi bằng Mạ* với con”, nghe qua rất chí lý!
Tình thương của người Mẹ đối với con rất ư là bao la vô bờ bến, nhất là các người Mẹ Việt Nam. Có rất nhiều nhà tâm lý học, phân tâm học, cổ điển triết lý và phong tục học rất nổi tiếng đã nghiên cứu khá kỷ lưỡng về môn nhân chủng học, tập tục học và nhân sinh học, nhưng cho đến bây giờ họ vẫn chưa tìm ra được một giải thích nào cụ thể về tình thương gắn bó giữa Mẹ với con và giữa con với Mẹ. Họ vẫn chưa phân tích rõ ràng về sợi giây vô hình níu kéo giữa con với Mẹ và giữa Mẹ với con. Nôm na chung chung họ chỉ diễn giải một vài lý thuyết căn bản đó là bởi vì người Mẹ sanh ra con, người Mẹ hay nâng niu, chìu chuộng, và bồng bế con, người Mẹ bú mớm cho con, người Mẹ nuôi dưỡng và dạy dỗ con, vv... Nhưng đối với tôi, ngoài các vấn đề giải thích căn bản trên vẫn chưa đủ. Tôi vẫn nghĩ rằng, giữa Mẹ với con và giữa con với Mẹ còn có một sợi dây tình thương vô hình nào đó đã gắn bó mà chúng ta và khoa học hiện đại chưa thể phanh phui ra được.
Tôi là một người Việt Nam và tất nhiên Mẹ tôi phải là một người Việt Nam, một người Mẹ Việt Nam suốt đời lam lũ tận tụy vì con. Từ ngày rời bỏ quê hương mang kiếp sống tha phương, tôi có cái rất bất hạnh đó là ít khi được sống gần Mẹ, được gần gũi với Mẹ, mặc dù tôi rất muốn. Tôi luôn luôn bị sống xa nhà và xa Mẹ. Tôi không may mắn được hưởng cái diễm phúc yêu quí như bao nhiêu người con khác đã được hưởng khi đang sống gần Mẹ. Cho nên, tôi rất hiểu rõ về tâm trạng của một người con khi sống xa Mẹ, khi sống xa nhà bơ vơ, cô đơn và lạc lõng. Tôi cũng hiểu biết rất nhiều về tâm sự của một người Mẹ khi xa con, qua sự thể hiện trong tận cùng ánh mắt của Mẹ tôi khi mỗi chiều vào thu Mẹ nhìn ra khung cửa mờ sương đợi đứa con yêu trở về. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà Mẹ tôi thường hay lo lắng cho tôi và thương tôi nhiều hơn các em tôi. Tất nhiên, tâm lý chung của những người Mẹ có những đứa con sống xa nhà lâu lâu về thăm Mẹ thì lúc nào Mẹ cũng dành giụm tình thương cho những đứa con ấy nhiều hơn các đứa on đang sống gần Mẹ.
Ngược dòng thời gian, tôi xin ghi lại một vài hình ảnh kỷ niệm yêu dấu của Mẹ tôi khi tôi còn bé sống gần bên Mẹ. Những hình ảnh mà suốt đời tôi, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên được. Hình ảnh khi mỗi chiều tôi nhìn thấy Mẹ tôi chạy chợ về với đôi dép mòn sát gót, quyện theo cát bụi nhịp nhàng với tiếng kêu kẻo kẹt của chiếc đòn gánh oằn nặng trên vai. Hình ảnh Mẹ tôi khi mỗi sáng Mẹ nhẹ nhàng thỏ thẻ đánh thức tôi dậy học bài sau mỗi lần con gà trống sau hè cất tiếng gáy đầu canh. Hình ảnh Mẹ tôi khom lưng cho đàn heo ăn khi mỗi sáng chúng kêu la inh ỏi. Hình ảnh Mẹ tôi ngồi nhai trầu cười nói vui vẻ mỗi khi có ngày cúng giỗ ông bà. Hình ảnh Mẹ tôi hò ru các em tôi ngủ trong những trưa hè oi ã rộn rã tiếng ve kêu. Hình ảnh Mẹ tôi cầm roi dọa đánh các em tôi khi tụi chúng đuổi bắt đàn gà, đùa phá đàn vịt. Hình ảnh Mẹ tôi gánh nước chạy lấp xấp trên con đường làng rợp lá hàng tre xanh. Hình ảnh Mẹ tôi ôm tôi vào lòng dỗ dành khi mỗi lần bị Ba tôi bắt nạt, vv... Ôi, những hình ảnh rất “quê mùa” và “cũ kỷ” ấy đã chứa đầy những kỷ niệm yêu thương làm sao tôi quên được! Ôi, tuổi thơ của tôi đã qua nhanh như nắng sớm, mưa chiều, qua nhanh như khói thuốc lụi tàn trên tay. Những hình ảnh đó suốt đời sẽ lưu đọng mãi trong tôi - tôi đã mất và tuổi thơ Việt Nam ở hải ngoại đã mất. Chúng ta đã mất tất cả những hình ảnh đó; những hình ảnh đẹp, những hình ảnh rất quê hương, rất xứ sở, rất chất phát, rất hiền hòa, và ... rất Mẹ. Chúng ta, tuổi trẻ Việt Nam chúng ta, không thể nào tìm lại được ở nơi đây.
Mười bảy năm sau, vì vận mệnh đất nước gia đình tôi phải tạm chối bỏ quê hương đi tìm tự do ở đất lạ quê người. Tôi tập tễnh bước vào đời với một cuộc sống lưu vong đầy xa lạ. Kể từ đó tôi bắt đầu vát lên vai một hành trang với hai bàn tay chưa đầy tì vết, trống rỗng, chấp nhận cho mình một cuộc hành trình sống xa nhà và xa Mẹ. Tôi bỏ lại Mẹ và Mẹ đành gạt nước mắt tiễn đưa tôi. Tôi đơn độc một mình khập khểnh truy hành từ đông sang tây. Tôi bôn ba mạo hiểm từ bắc xuống nam. Tôi đi, đi khắp các bang, các miền, các hang cùng, ngõ cụt, và tôi đã nhớ hết tên các con đường gạch đỏ, các sân trường đại học đã một thời rũ kín rêu phong.
Tôi đi, tôi đi tìm tôi trong chính tôi. Tôi đi, đi mãi mà tôi chẳng định hướng cho mình hoặc sắp xếp cho mình một ý huớng tương lai nào cả. Vạn vật quanh tôi như giật lùi, giật lùi và rồi tôi tháo chạy và tôi vẫn luôn tiếp tục là một đứa con sống xa nhà và xa Mẹ. Không có Mẹ, tôi sống lây lất đó đây đối mặt với cuộc đời đầy hư dại. Tôi có nhà nhưng tôi không được ở. Tôi có Mẹ nhưng tôi không muốn được Mẹ nâng niu. Tôi là một đứa con kỳ quái lạ đời. Tôi u mê. Tôi khờ khạo. Mẹ tôi thường hay “mắng” tôi là một đứa con lạ kỳ, nghịch tặc. Tôi biết, nhưng tôi thả lỳ. Tôi không sửa tính. Tôi thích nghe Mẹ tôi mắng tôi. Cứ mỗi lần như vậy, tôi thường hay thấy lòng tôi ấm lên hạnh phúc và tôi thương Mẹ lạ kỳ. Có như thế, khi xa nhà một mình đơn côi, tôi mới nhớ Mẹ nhiều hơn. Có như thế, khi một mình quấn chăn trong những đêm đông lạnh giá, tôi mới nhớ thương Mẹ nhiều hơn. Ðôi khi, một thoáng chợt qua, một phút giây chợt đến, tôi ngồi một mình khoanh tay, bó gối, gục đầu nghe tiếng mưa rơi lát đát mà lòng cảm thấy thổn thức, trống vắng, cô đơn và ngậm ngùi cho số phận. Rồi, tôi chợt nhớ ra một cái gì đó, một hình ảnh nào đó từ Mẹ tôi, và ... rồi, tôi nhớ thương Mẹ một cách lạ kỳ không diễn tả được. Một ngọn gió lạnh bạt ngang qua khung cửa sổ Lăng Đô, một chiếc lá vàng rớt rụng trong đêm Sa Mân, những tiếng dế kêu the thé trong đêm trường tịch mịch ở chốn Mô Đô, những cái nhìn của sự hiện hữu Đô Thần, những xúc cảm của ý nghĩ hư vô ở Tố Tân và những âm thanh của sự nguyền rủa, những ác tính của hiện hửu nhân sinh và tất cả những lần như vậy, tôi hay vùng vẫy, tôi hay quằn quọai, giẫy giụa để mong trốn thoát, và rồi, tôi thường hay khóc...cùng mưa.
Mẹ tôi lúc nào cũng thương tôi và nhớ tới tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng khuyên tôi về sống bên cạnh Mẹ. Nhưng tôi là một đứa con hư, một đứa con cứng đầu mang tật xấu. Tôi luôn luôn đi tìm những gì rất lạ trong cuộc sống. Tôi tò mò. Tôi tinh quái. Tôi thích đi tìm những gì ở trên thế giới này mà người ta không tìm được. Tôi thích đi tìm niềm hạnh phúc cho chính tôi hơn là phó mặc cho định mệnh cuộc đời. Tôi thích đi rong dại trên các vỉa hè, đường phố Chi Ca. Tôi thích đi lang thang trên vùng núi vắng Rô Ki. Núi cùng mưa. Tôi thích một mình lê lết trong những đêm mưa. Tôi ghét và chán ngán sự ồn ào, náo nhiệt của loài người động tính si mê. Tôi đã bỏ lại sau lưng những cuộc chơi và những lần họp bạn cuối tuần ở sảnh đường đại học Sa Mân, Tố Tân. Ðể rồi, tất cả chúng tôi, chúng ta cũng phải quay đầu về với Mẹ.
Tôi thích cô đơn. Tôi thích cô độc. Có như thế, tôi mới nghiệm ra được ý nghĩa của hai chữ yêu thương. Có như thế, tôi mới thấm nhuần và thấu triệt hết ý nghĩa của tình mẫu tử thiêng liêng. Có như thế, khi ngày đoàn tụ về, khi đêm sum họp đến, tôi mới thật sự thấy được giá trị chân chính của tình thương mà Mẹ tôi dành cho tôi. Có như thế, tôi mới được ôm ấp, được vỗ về, được khóc trên vai và khóc trong vòng tay ấm áp trìu mến thương yêu của Mẹ.
Bây giờ tuổi đời đã chồng hơn nửa, tôi vẫn đang sống xa nhà và xa Mẹ. Với tôi, ý nghĩa của nhà luôn luôn đi đôi với Mẹ. Khi nói đến nhà là tôi nghĩ ngay đến Mẹ. Khi nói đến Mẹ là tôi liên tưởng ngay đến mái ấm của nhà. Trong ngôn ngữ Việt Nam chúng ta, chữ nhà rất kín đáo, thâm trầm và khó hiểu, nó không giống như trong Anh ngữ có house và home, phân biệt một cách rất dễ dàng. Cho nên, dù bất cứ ở đâu đi nữa, dù bất cứ ở một chân trời nào đó đi nữa, tôi vẫn xem nơi mà Mẹ tôi đang ở vẫn là nhà của tôi. Nơi đó mới thật sự là nhà của tôi, mới thật sự là một mái nhà, một tổ ấm của tình thương gia đình và tình thương ruột thịt.
Những lần có dịp về thăm nhà. Mẹ tôi mừng lắm lắm. Mẹ tôi hay hối thúc tôi mau về thật sớm để thấy tôi lâu hơn. Ðể rồi Mẹ tôi đi chợ mua đồ về lụi cụi làm bánh cho tôi ăn. Những thứ bánh thật ngon mà tôi không tìm đâu ra được ngoài bàn tay khéo léo của Mẹ tôi đó là bánh quai vạc, bánh ít, bánh bột lọc, và bánh khoái chấm nước lèo. Ôi những chiếc bánh rất đơn sơ, rất mỏng manh nhưng nó gói trọn cả một trời yêu thương không bờ bến. Không có lúc nào về nhà thăm Mẹ mà tôi không được ăn.
“Con thèm ăn và con thích về nhà lắm, nhưng Mẹ ơi, con chưa về được!”
Hình ảnh Mẹ tôi ngồi gói bánh cho tôi ăn, đó là hình ảnh mà mỗi lần nhìn thấy tôi rất ứa nước mắt. Hình ảnh Mẹ tôi trách tôi sao con không về sớm để được gần Mẹ lâu hơn. Hình ảnh Mẹ tôi nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến sau bao tháng năm dài xa cách không về thăm Mẹ. Hình ảnh Mẹ tôi đứng tựa cửa ngóng nhìn bóng dáng tôi về để mừng, để tủi, để vui, và để rồi cuối cùng giờ phút ra đi, Mẹ tôi cũng phải tựa cửa đứng nhìn tôi, buồn bã gạt nước mắt chia tay cho đến lúc nào bóng tôi khuất dạng. Tất cả những hình ảnh đó làm sao tôi không buồn, không nhớ, không thương, không ngậm ngùi, không xót xa, không quyến luyến Mẹ của tôi? Làm sao tôi không rưng rưng nước mắt vì Mẹ của tôi?
Hôm nay là ngày lễ Mẹ và là ngày riêng của Mẹ. Tôi rất hảnh diện, rất may mắn, rất sung sướng, rất vinh hạnh, rất hạnh phúc được còn Mẹ để thương, để nhớ, và để được gắn lên ngực một đóa hoa hồng đỏ. Tôi xin chúc cho tất cả những ai đó đang còn Mẹ, hãy yêu thương Mẹ, hãy biết quí mến Mẹ, hãy ôm Mẹ, hãy hôn Mẹ, hãy nói với Mẹ một lời là con thương Mẹ lắm vì
“...lỡ mai này Mẹ hiền có mất đi,
như đóa hoa không mặt trời,
như trẻ thơ không nụ cười...”
thì chúng ta sẽ mất đi tất cả và sẽ không bao giờ tìm lại được Mẹ thân yêu của chúng ta.
Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ nghịch cảnh nào đã và đang xảy ra ở trên trái đất này đi nữa, thì tất cả Mẹ vẫn là Mẹ của ta và ta vẫn là con của Mẹ. Mẹ vẫn mãi mãi thương ta và ta vẫn mãi mãi thương Mẹ. Không ai có quyền ngăn cách cái tình thương yêu thiêng liêng cao quí ấy. Người mà Mẹ thương yêu nhiều nhất không ai khác hơn cũng chính là ta.
Tôi cũng xin san sẻ nỗi buồn hiu quạnh thiếu vắng tình thương của Mẹ đến với tất cả những ai đã không còn Mẹ. Xin chúc cho tất cả hãy mãi mãi giữ được những gì ở nơi Mẹ, những hình ảnh cao đẹp nhất của Mẹ. Xin kính tưởng niệm và lòng thành thắp một nén hương đến với tất cả những người Mẹ đã nằm xuống vì đời, vì con, suốt cả một đời phải tận tụy vì con.