Print Page | Close Window

GIẤC MƠ VỀ NGUỒN

In từ Trang nhà: Hội Thân Hữu Gò Công
Category: Văn Học - Nghệ thuật
Tên Chủ Đề: Thơ Văn
Forum Discription: Những bài văn bài thơ hay
URL: http://www.gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=805
Ngày in: 25/May/2025 lúc 7:29am
Software Version: Web Wiz Forums 8.05a - http://www.webwizforums.com


Chủ đề: GIẤC MƠ VỀ NGUỒN
Người gởi: Ngoc An
Chủ đề: GIẤC MƠ VỀ NGUỒN
Ngày gởi: 15/Apr/2008 lúc 6:58pm

BIỂN NHỚ

 

Vũng Tàu biển sóng vây quanh

Em về tìm lại ngày xanh tuổi hồng

Bao nhiêu năm cuộc phiêu bồng

Quê hương vời vợi đau lòng đỗ quyên

 

Rì rào gió cát hàn huyên

Từ em cất bước truân chuyên dập dồn

Rặng dừa rũ bóng hoài mong

Mà người đi mãi cánh hồng bay xa

 

Thôi đành dấu mộng hải hà

Thuyền neo bến đợi trăng tà quạnh hiu

Bao nhiêu hạnh phúc chắt chiu

Ðào nguyên một thuở Nguyễn Lưu lạc đường

 

Ai về gối mộng tơ vương

Ai đi biền biệt một phương ngóng chờ

Con đường kỷ niệm ngẩn ngơ

Tương lai, hiện tại … thẫn thờ … chiêm bao

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam



Trả lời:
Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 16/Apr/2008 lúc 7:37pm

CÁNH ÉN MÙA XUÂN

 

Có con chim én về đâu đó

Gợi nhớ xuân nào nơi cố hương

Năm tháng yên bình trong dĩ vãng

Bâng khuâng nghe giọng hát lên đường

 

Những khúc bình ca từ cuối ngỏ

Ngọt ngào âm hưởng mẹ yêu thương

Sông núi bao mùa yên giấc ngủ

Chiến tranh ly loạn cõi vô thường

 

Giọt máu anh hùng cho vận nước

Chôn vùi xuân với tóc pha sương

Cánh én mang niềm vui trở dậy

Mùa xuân luân vũ khúc nghê thường

 

Đồng ruộng nào còn trơ gốc rạ

Đau lòng chim quốc khóc tha phương

Thầm hỏi đêm dài nào gắn bó

Trăm con nước đổ lệ sầu vương

 

Cố xứ người về, xuân vẫn đợi

Hành trang mờ cả dấu sa trường

Dẫu chẳng Kinh Kha soi dấu sử

Triệu, Trưng, Phù Đổng với Hùng Vương

 

Lung linh hạt cát trên sa mạc

Hay chiếc thuyền con giữa đại dương

Ngược thủy triều nước vồ sóng dập

Vẫn mơ màng hát khúc ly hương …

 

Nguyễn Phan Ngọc An



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 18/Apr/2008 lúc 8:05pm

ÐÊM BA MƯƠI

 

Ðêm ba mươi, đêm dài như vô tận

Chiến sĩ buồn dõi mắt phía trời xa

Quê hương xưa thăm thẳm giải ngân hà

Trong tiềm thức niềm đau đang trổi dậy

Chiến sĩ không quên bão giông ngày ấy

Máu loang dòng trên chiến địa xông pha

Vợ mất chồng và con lại mất cha

Bao thảm cảnh quanh vòng khăn tang trắng

Người chiến sĩ đâu quản gì mưa nắng

Xả thân mình cho hạnh phúc muôn dân

Có bao giờ vui hưởng được mùa Xuân

Giữa bất hạnh núi rừng pha máu đỏ

Xác chiến hữu dập vùi qua lớp cỏ

Cuối cuộc đời thê thảm chẳng người thân

Chẳng khói hương bay cũng chẳng mộ phần

Thân mục rữa tan dần vào cát bụi !

Còn nữa...đau thương chiến tranh dung rủi

Hy sinh bao phần thân thể ngọc ngà

Là ngọc là vàng quý giá của ông cha

Nay bỏ lại trên chiến trường uất hận !

Nỗi khổ niềm đau dài như bất tận

Biển đông buồn ôm xác vạn dân ta

Máu lửa ngập trời bão dậy can qua

Còn thảm họa nào cao hơn thế nhỉ ???

 

Ðêm ba mươi dài như bao thế kỷ

Anh gục đầu nước mắt đọng rèm mi

Là chiến binh anh dũng có sợ gì

Nay ứa lệ từ tâm linh uất nghẹn

Nay anh khóc cho đời trai tủi thẹn

Chí khí hùng chẳng giữ được non sông

Ðể máu xương dân Việt phải chất chồng

Cao như núi và sâu lòng biển cả...

 

Ðêm ba mươi trắng đêm dài không ngủ

Phút chạnh lòng lệ rơi ướt vần thơ

Tôi cũng như anh lây lất kiếp bơ vơ

Hoài cố xứ mà tơ lòng...đứt đoạn !!!

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 20/Apr/2008 lúc 12:38am

Tùy Bút  : Nguyễn Phan Ngọc An

 

NHỮNG CƠN BÃO TRONG ĐỜI

                                                  

Viết tặng hiền huynh John Nguyễn

  

Rặng phi lao xào xạc…người đàn bà giật mình run rẩy, hơi lạnh từ biển bốc lên, toàn thân nàng co rúm lại với khí trời giá buốt đêm nay. Nàng nhìn đồng hồ, còn 20 phút nữa là đến giờ hẹn của Kiệt, chàng đã hứa là bỏ vợ con ở lại Việt Nam để vượt biên với nàng và hai con riêng của nàng.

Người đàn bà đó không ai xa lạ…cách đây gần mười năm,  Viên Chi tên của nàng ! Viên Chi là một cô gái đẹp, dịu dàng, hiền hậu. Nàng làm việc cho một văn phòng hành chánh tại thị trấn…Rồi một dịp tình cờ Chi quen Hữu, một thanh niên độc thân, hiện là trưởng ban thâu nhận nhân viên của văn phòng người Mỹ tại đây. Hai người sau thời gian tìm hiểu đã yêu nhau chân thành và một đám cưới linh đình đã diễn ra sáu tháng sau đó.

Hữu đưa Chi vào làm việc chung sở với chàng, nhờ vào trí thông minh nên chỉ một thời gian học hỏi Chi đã nói tiếng Anh lưu loát và làm việc rất tích cực . Hữu một mực yêu thương vợ, chiều chuộng nàng bởi chàng là hiện thân của giai cấp văn minh mới – Chàng rất ga lăng và lịch sự với mọi người, nhất là đàn bà, con gái…Vì vậy bạn bè đã tặng cho chàng một biệt danh là H lập phương tức là Hữu hào hoa. Chàng quý trọng và hiếu thảo với mẹ cha hai bên, xem cha mẹ vợ như cha mẹ mình…bởi vậy chàng được cảm tình nồng hậu phía bên vợ thật  nhiều.

Ngày nhập ngũ đã đến, Hữu cũng như bao thanh niên thời loạn, chàng phải lên đường tòng quân. Mẹ chàng, một người đàn bà phúc hậu tiễn chân chàng với những gói hành trang và thực phẩm thu xếp sẵn trước cả tuần cho con…nước mắt bà chan hòa trên đôi gò má nhăn nheo. Hữu hôn mẹ và vợ từ giã với hai giọt lệ vừa âm thầm rơi xuống ! Trời mỗi lúc mỗi tối…xung quanh chàng không còn một người thân yêu nào nữa…những  anh em ngồi trên chuyến xe cũng một tâm trạng như chàng, họ lặng im và buồn bã. Chàng  nghĩ  tới Chi, chàng phải đi xa trong lúc Viên Chi vừa mang thai đứa con đầu lòng, một cấu tạo của tình yêu, một sợi giây thiêng liêng của tình nghĩa vợ chồng. Hữu thở dài ngao ngán…ngày mai sẽ ra sao ? đất nước chiến tranh người thanh niên không có quyền nghĩ đến hạnh phúc riêng tư nhưng ai cấm được nỗi đau đang trào dâng như sóng vỗ trong lòng ! chàng nhắm mắt lại để tự kềm chế cơn xúc động khi đoàn xe mỗi lúc một rời xa mái ấm thân yêu của chàng…

Ròng rã hai ngày đêm, đoàn xe chở quân nhân nhập ngũ đã đến điểm cuối để vào quân trường nhập khóa học. Những ngày đầu ai cũng ngại ngùng bỡ ngỡ với những kỷ luật khắc khe, quân phong, quân kỷ…Rồi thời gian cũng quen dần đi, Hữu bây giờ dạn dày sương nắng, da chàng đen sạm và vóc dáng trông rắn chắc khỏe mạnh hơn xưa nhiều . Cuộc sống quân ngũ bận rộn bù đầu không cho chàng có thời gian suy nghĩ nhiều về gia đình, có chăng là sau những giờ tập luyện về đêm, chàng thường ngồi thừ người hàng giờ mà không sao giỗ được giấc ngủ muộn màng!

Buổi sáng hôm nay, tất cả sinh viên sĩ quan mặt mày rạng rỡ, tóc tai cắt ngắn gọn gàng, nghiêm chỉnh trong bộ quân phục thẳng nếp…ai cũng quên hết những nhọc nhằn cơ cực của đời lính, bởi hôm nay có lệnh lần đầu cho thân nhân thăm viếng. Hữu cuống cả người lên khi nhìn thấy mẹ và vợ lên thăm chàng với những xách tay nặng trĩu thức ăn và quà bánh…Đời lính còn gì sung sướng hơn ? Hữu mĩm cười đắc ý hân hoan ôm mẹ và vợ hôn lấy hôn đề.

Ngày mãn khóa học đã đến, buổi lễ long trọng trang nghiêm. Hữu cũng như tất cả anh em cùng khóa được cấp chỉ huy gắn chiếc lon Chuẩn Úy lên cầu vai áo, đồng thanh tuyên thệ sống chết bảo vệ quê hương, hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho tiền đồ tổ quốc. Hữu chọn đơn vị pháo binh nên được thuyên chuyển về sư đoàn 18 đơn vị 181 Pháo Binh đóng tại Long Khánh. Thỉnh thoảng Viên Chi ẵm con lên thăm chàng tại đơn vị mới. Đời sống chàng cảm thấy thú vị quá rồi còn dám mơ ước gì hơn ?

Thời gian trôi đi, tuổi lính cũng lên cao theo ngày tháng, Hữu bây giờ là Trung Úy Trung Đội Trưởng Pháo Binh, dưới tay chàng có 30 người Hạ Sĩ Quan và binh sĩ cùng 2 cây Đại Bác 105 vá 155 ly làm việc không ngưng nghỉ. Pháo đội của chàng đóng tại Gia Ray vùng đồng bằng tỉnh Long Khánh.

Một đêm kia được tin Viên Chi đang chuyển bụng sanh đứa con thứ 2 , Hữu tức tốc một  mình lái chiếc xe Jeep về quê thăm vợ. Đường thì xa, đèo gốc gồ ghề, không gian âm u tĩnh mịch không có một âm thanh nào ngoài tiếng xe đang chạy của chàng. Hữu thoáng rùng mình lo ngại, dường như tâm linh báo cho chàng biết sẽ có việc chẳng lành…Chàng hồi hộp lạ thường, ngồi trên xe mà cứ muốn như bay bỗng cho mau đến nhà, chàng lo cho vợ gặp chuyện không may, ruột gan chàng nóng như lửa đốt !

Gần đến chân cầu đột nhiên có tiếng súng nổ rồi tiếp theo tiếng pháo kích ầm vang một góc rừng đêm tĩnh mịch, Hữu thắng gấp chiếc xe…Ầm ! trúng đạn pháo kích chiếc xe Jeep phát hỏa bốc cháy, Hữu vội vàng nhảy khỏi xe nhưng không còn kịp nữa ! bộ quân phục đang bị thần hỏa tấn công mảnh liệt , toàn thân chàng như ai xé, ai cắt từng mảnh thịt da, chàng cố chồm đến chiếc máy truyền tin khẩn cấp  trên xe, nhưng nó đã bị cháy toàn bộ  thống điện…Trong giờ phút tử sinh con người thường có nhân sinh quan bén nhạy, can đảm tột cùng bất chấp đớn đau, chàng lăn tròn trên cỏ bao nhiêu vòng đến khi ngọn lửa trên người tắt lịm và chàng cũng…lịm người đi !

Đoàn xe cứu thương đến…Hữu đã bất tỉnh không còn biết gì nữa…

Hữu định thần nhớ lại những gì xãy ra trong đêm qua, chàng cựa mình, toàn thân nhức buốt đớn đau, mở mắt ra chỉ thấy một màn đêm dày đặc…loáng thoáng bên tai chàng có những tiếng thầm thì rồi tiếng khóc ! Chàng đang ở đâu ? Chàng còn sống hay đã về thế giới bên kia, một thế giới lặng im miên viễn ! Còn tiếng khóc kia của loài người hay của những hồn hoang bất hạnh chốn a tỳ ? Hữu mở miệng nhưng không nói được…miệng chàng bị băng kín, trực giác bén nhạy cho chàng biết chàng còn sống và bị băng bó từ đầu đến chân…Rồi những tiếng lao xao ồn ào tiếp theo và Hữu thấy người bị nhấc bỗng lên và đặt xuống một vị trí khác, người ta đẩy chàng đi rất nhanh…Con ơi là con…con của tôi ! Trời ơi…anh ơi ! Tiếng của mẹ chàng, tiếng của vợ chàng ! Hữu bàng hoàng…làm sao cho người thân yêu biết rằng tôi còn sống ? Họ đã buộc chặt mắt miệng tôi, thân thể tôi. Hữu cố vẫy vùng nhưng chỉ làm chàng đau đớn hơn, chàng hiểu vết thương trên mình rất nặng…Hữu khe khẻ cầu nguyện ơn trên cho chàng được sống để báo đáp nghĩa sanh thành và tròn trách nhiệm với vợ dại con thơ.

Hai tháng nằm viện Hữu đã phục hồi sức khỏe, tuy gương mặt và thân thể vẫn loang lỗ những vết phỏng còn đỏ ửng. Ngày trở về đơn vị, ông Chỉ huy Trưởng và tất cả anh em Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh tổ chức tiệc ăn mừng và tung hô Hữu là “ Người về từ cõi chết “.

 

Rồi chiến trận bùng nổ khắp nơi trên đất nước đau thương của chàng, Hữu cùng pháo đội di tản ra vùng biên giới để bảo vệ các tiền đồn. Chàng chỉ còn biết tin gia đình qua những bức thư do Viên Chi gửi đến không thường xuyên qua những người lính về phép thăm gia đình. Hàng ngày chàng chỉ nhìn thấy khói súng và xác người ngã gục…Một đêm kia, Hữu không sao ngủ được nằm xuống nhắm mắt lại là thấy hình ảnh Bích Phượng, đứa con gái đầu lòng xinh đẹp vừa lên 3 tuổi của chàng oằn oại trên vũng máu, chàng giật mình kinh hải…nhớ lại lời tiên đoán của một ông thầy người Miên ! Khi Viên Chi sinh ra Bích Phượng, cha chàng một mực yêu quý cháu nội và bắt ở với ông để ông chăm sóc, ông thương yêu cháu hơn tất cả mọi thứ trên đời. Một hôm ông thầy Người Miên tình cờ ghé vào nhà và đã nói : “ Ông cụ nên trả nó về cho cha mẹ nó nuôi, nếu không ông cụ sẽ là người giết chết nó và sau nầy khi tuổi già ông cụ không sống với con cái mà chỉ sống với người dưng “. Chỉ mấy lời rồi ông thầy lầm lủi bỏ đi, cả nhà đều cho rằng ông ta nói xàm nên không ai lưu ý, bây giờ…bỗng dưng Hữu bật dậy, một cảm giác sợ hãi khiến chàng nổi da gà…chàng vội vàng quay số điện thoại tổng đài để gọi về nhà. Đầu giây bên kia tiếng Viên Chi nức nở: “ Anh về được không ? Bích Phượng bị xe cán chết rồi ! chết chiều hôm qua” !

Hữu bàng hoàng đau đớn gục xuống nền nhà, đầu óc chàng quay cuồng hỗn loạn, thế là hết ! đứa con đầu lòng yêu quý của chàng đã không còn nữa !…

Ngoài trời mưa càng lúc càng lớn…những giọt rơi rơi như những mũi kim đâm xé tâm hồn người sĩ quan gan dạ. Trước kẻ thù chàng chưa hề nao núng, trước cái chết chàng không hề run sợ, mà bây giờ trước nỗi đau mất mát này, chàng đã khóc…chàng khóc thật nhiều thương tiếc đứa con yêu dấu ra đi không bao giờ trở lại nữa rồi ! Hữu nhắm nghiền đôi mắt lại để hình dung lần cuối cùng hình ảnh đứa con gái thân yêu, những dòng lệ cứ thi nhau tuôn tràn không dứt…

Ngày tháng trôi đi theo nỗi đau nhức buốt, cuộc chiến tranh Nam Bắc thì mỗi ngày một lan rộng trên khắp miền đất nước thân yêu…biết bao người con của Mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, biết bao kẻ đã vùi thây oan uổng vì trận chiến nồi da xáo thịt này ? Hữu may mắn vẫn bình yên sau những cuộc hành quân ác liệt với quân thù, pháo đội chàng đã di chuyển để yểm trợ khắp bốn vùng chiến thuật…

Sau những chiến công dài chàng được tưởng thưởng và chỉ huy một pháo đội vùng ven đô. Một đêm kia, một đêm bão tố kinh hoàng…tất cả mơ ước của chàng đều sụp đổ ! Chàng lặng lẽ sếp hàng ra trình diện đi học tập cải tạo và chàng được đưa đến vùng Suối Máu thuộc tỉnh Biên Hòa. Nơi đây chàng gặp rất đông chiến hữu…tất cả nhìn nhau trong tâm trạng nghẹn ngào câm lặng !

Hạ về thiêu đốt đời nam tử

Một nửa sơn hà xóa chí trai

Giấc mộng vá trời ôm bốn bể

Biển dâu hóa kiếp bậc anh tài…

 

Một thoáng tìm về giấc mộng xưa

Vườn thưa trong nắng, áo ai bay

Sao ta một cõi nhìn sông núi

Thương tiếc đời trai kiếp đọa đày !

 

Đớn đau cho giống nòi Hồng Lạc

Một cuộc trầm luân, cuộc bể dâu

Bao kẻ vùi thây trên đất mẹ

Rồng tiên một thuở ngậm thương sầu…

 

Chiến quốc ngàn năm soi dấu sử

Anh hùng máu đỏ ngập trường sa

Canh gà giục giã hồn trai Việt

Mơ bóng cờ vàng…dậy tiếng ca

 

Thân ta, cá chậu chim lồng

Chờ trông cánh nhạn phương đông mịt mù

Nghìn gian khó, kẻ tội tù

Thì thôi phó mặc phù du kiếp tằm

Viên Chi nàng chẳng đến thăm

Phải chăng tình nghĩa bao năm chẳng còn ?

Sóng lòng vỡ, ngọn sầu tuôn

Đất bằng biển động…điên cuồng thế nhân !

 

Nhân tình thế thái…Sau ngày Hữu vào trại tù đến nay, Viên chi chỉ đi cùng mẹ chàng và đứa em gái chàng đến thăm chàng được 3 lần rồi biền biệt trên một năm nay. Kinh nghiệm cuộc đời đã cho Hữu đoán được những gì xãy ra trong tình cảm Viên Chi ? Sợi giây oan trái cột chặt bước chân ! Hữu là kẻ tội tù không biết được ngày mai ? Hữu không dám hỏi han hay tìm hiểu mỗi khi mẹ và em gái lên thăm, vì sự thật sẽ làm Hữu đau lòng thêm mà thôi…

Bảy năm dài đằng đẳng trôi qua trong ngục tù kẻ chiến bại, những nỗi uất hờn cơ cực không bút mực nào tả xiết…thôi thì trời cao còn phải chịu những cơn giông bão, sấm sét xé không gian thì nhân thế, ôi làm sao tránh khỏi hình phạt của kiếp người ! Hữu thầm tưởng tượng nỗi đau này có lẽ là nỗi đau chung cả một dân tộc bị lưu đày từ tiền kiếp xa xưa mà ngày nay hậu quả phải gánh chịu…

Lê Nguyên Hữu.

Đang cuốc đất Hữu giật mình đánh thót, người cán bộ Cộng Sản cầm trên tay một tờ giấy và tiếp tục đọc tên…anh em nhìn nhau tái mặt không hiểu việc gì ? Sau khi đọc tên 11 người xong họ cho biết đã học tập cải tạo tốt và được trở về với gia đình. Hữu mừng chảy nước mắt, liệng vội cái cuốc vào bụi bước tới cảm ơn người cán bộ, lăng xăng chạy về trại thu dọn áo quần cho chuyến hồi quê sáng ngày mai.

Trên chuyến xe trở về quê cũ, chàng suy nghĩ miên man đến Viên Chi và thở dài áo não, nếu thật tình nàng đã phụ chàng thì còn gì chua chát hơn ! Những năm chung sống  mặn nồng, trọn vẹn cho nhau, chàng chưa làm điều gì cho Viên Chi phật ý bởi chàng cưng quý vợ khó ai sánh kịp. Chưa bao giờ Hữu to tiếng với Viên Chi chớ đừng nói chi chuyện gây gỗ, đánh mắng…thì tại sao ? Viên Chi nỡ phản bội chàng ! Chàng cưng vợ đến nỗi lên xuống xe Jeep hoặc xe đò chàng luôn ẵm xuống không để nàng tự bước vào những khi thai nghén,  bây giờ có lẽ nàng đang hạnh phúc bên người đàn ông khác, Hữu thấy xót xa trong lòng, chàng thương các con chàng không hiểu hiện giờ chúng sống ra sao ?

Về đến quê nhà chàng mới am tường cớ sự, vợ chàng đã bỏ nước ra đi từ năm 1977 mang theo đứa con gái thứ 2 và thằng út của chàng, bỏ lại hai đứa con gái giữa ở lại Việt  Nam cho dì Bông là chị hai của Viên Chi nuôi dưỡng…chàng còn được biết rằng vợ chàng đã đi với nhân tình, trong lúc ông ta bỏ vợ con ở lại để vượt biên với vợ của chàng !

Số phận hẩm hiu, Hữu đem hai con về ở với chàng để bà nội và cô chăm sóc, chàng đã chịu vất vả trong đời sống mới tuy rằng gia đình chàng cũng khá giả. Hữu muốn sớm được trả quyền công dân nên chàng đã mua xe ba bánh đạp chở hàng cho con buôn, lúc không có hàng chở chàng đi theo các xe tải lớn khiêng những cây nước đá nặng nề. Nhờ lao động tốt và giao tế khéo chỉ 6 tháng sau chàng đã được trả quyền công dân. Từ đó ngày đêm Hữu âm thầm tìm cách quan hệ các ghe tàu và đã mua được một chiếc ghe Kubota xanh, chàng khôn ngoan tinh tế nên đã nghiễm nhiên đứng tên chủ tàu.

Hữu cho hai cháu ruột của chàng vào danh sách thuyền viên tuy rằng chúng còn rất nhỏ, còn hai con chàng vì là gái nên đành chịu không thể cho đứng tên trên tàu. Ba cậu cháu và hai thuyền viên ngày đêm đi đánh cá, bắt tôm che mắt mọi người và chính quyền, chỉ mong một ngày đoạt thành ý nguyện.

Vào một đêm không trăng, trời tối đen như mực, chàng tổ chức một cuộc vượt biển…trên ghe chỉ vỏn vẹn 5 người. Khi tấp vào bãi để đón hai con và vài người bạn chí thân thì mới hay tất cả đã bị bắt ! Chàng chỉ biết kêu trời và chết điếng trong lòng…chàng biết không thể trở về nhà vì cớ sự đã đổ bể và chàng sẽ trở vào tù không có ngày ra. Hữu dặn dò hai thuyền viên và hai  cháu cho ghe vào núp trong miệng hang hai đáy để chàng tìm cách vào bờ lo liệu mọi việc…

Chiều hôm đó Hữu mượn xe Vespa của chị Bông phóng về nhà thăm dò tình hình, em gái Hữu đã chận chàng lại khi còn cách nhà 3 cây số và báo cho chàng biết những nguy hiểm sẽ xãy ra vì hiện giờ chính quyền đang theo dõi chàng chặt chẽ. Hữu ngỡ ngàng quay đầu xe mà lòng dâng lên một nỗi buồn vô hạn ! từ bây giờ tôi sẽ sống ra sao nếu tôi không thực hiện được ước nguyện vượt biển của mình ?

Hữu không còn cách nào khác hơn, chàng phải vượt biển ngay đêm nay. Chàng mướn ghe nhỏ để ra sông tìm ghe của chàng, ba ngày ròng rã không tìm thấy chiếc ghe, Hữu lo lắng vô cùng ! không biết điều gì đã xãy ra cho hai cháu và hai thuyền viên bởi vì chàng biết trên ghe không lương thực thuốc men hay nước uống gì cả, hoặc có thể ghe đã bị bắt ?

Khi thất vọng đè lên tột độ thì Nghĩa xuất hiện. Hữu mừng như vừa trúng số độc đắc, Nghĩa là thuyền viên trên ghe chàng, Nghĩa bất chấp hiểm nguy lội 5 cây số vào bờ tìm Hữu vì không có Hữu như rắn không đầu và bốn người trên ghe đã nhịn đói nhịn khát hai ngày qua. Khi Hữu hiểu vì sao tìm không gặp ghe mới rõ Nghĩa nghe lầm nên đợi chàng ở miệng hang ba đáy…anh em ôm nhau nghẹn ngào rơi lệ !

Tốc hành cho một chuyến vượt biển ngay đêm nay, em gái Hữu đã giúp chàng không ít, nhờ thế chàng có được bãi bến, lương thưcï và nhiên liệu ra đi…Đêm 30 tháng 6 năm 1983 âm lịch, một đêm giông tố bão bùng, đất trời nổi cơn thịnh nộ giương oai, chàng và các bạn phải vất vả lắm mới tiếp cận được ghe và âm thấm vượt biển trong bầu trời không có một vì sao…

Trời vẫn còn thương tưởng cho đoàn người tỵ nạn, không có người lái, không có hoa tiêu, Hữu đã làm tất cả công việc đó với hết sức cố gắng của mình trong hồi hộp tận cùng bởi chàng đâu phải lính Hải Quân, lính Thủy, chàng là lính Pháo Binh chỉ sống trên đất liền.

Sau nửa tháng chống chọi với phong ba, bão táp hiểm nguy giữa đại dương bao la, mấy phen tưởng đã làm mồi cho biển cả, cho cá sấu, cá mập…gặp qua 8 chiến hạm nước ngoài kêu gào thảm thiết họ vẫn dửng dưng không cứu vớt nhưng vẫn còn hồng ân hộ độ, chiếc thứ chín đã dừng lại cứu nguy vớt đoàn người lên chiến hạm đem về đảo Singapore tỵ nạn .

Ngày tháng trôi đi trong buồn bã chán chường, ba cậu cháu cũng quen dần với những gian lao thiếu thốn, với mì gói, đồ hộp qua ngày để mong được sớm vào Mỹ với diện quân nhân cải tạo. Nhờ vào tài tháo vát, trí thông minh Hữu đã nhận vai trò quan trọng tại đảo và giúp đỡ nhiều đồng hương tỵ nạn như chàng. Phần đông ai cũng thương mến Hữu nên cũng an ủi được phần nào tâm hồn kẻ lưu vong xa xứ…

Hữu nhớ lại lá thư Viên Chi đã viết cho chàng cách nay 6 tháng “ Em vẫn chờ anh và hai con” cũng vì bức thư đó đã thúc đẩy chàng liều lĩnh ra đi coi thường sinh mạng, bất chấp tội tù. Khi ở đảo liên lạc với Viên Chi rất khó khăn, nàng chỉ một lần gửi chút tiền và nhắn trong thư là hãy nhận nhau là anh em…Điều đó đủ cho Hữu hiểu những gì xãy ra trong cuộc sống hiện tại của vợ chàng ! Hữu đau đớn và chẳng màng cuộc tao phùng, chàng xin vào Mỹ cùng hai cháu và ngày ấy đã đến…

Ngoài trời từng đợt mưa rả rich, trong lòng như sóng vỗ từng cơn…đến Mỹ đã hơn tháng trời chẳng gặp mặt các con, gặp vợ chỉ thỉnh thoảng thăm hỏi trên phone mà thôi, Hữu hiểu tất cả và chàng chấp nhận số phận đã an bài. Chàng chịu khó chịu cực làm đủ mọi công việc vất vả để kiếm tiền 3 cậu cháu sống qua ngày, hai cháu chàng còn quá nhỏ nên chỉ đi học mà thôi. Hữu làm xe lunch, cắt cỏ, đi hái trái cây cho các farm và cuối cùng chàng cố tâm học hành lấy bằng cấp đi làm việc Bảo Hiểm – Thuế Vụ – Địa ốc và Du Lịch.

Một chiều kia Viên Chi báo tin sẽ bay qua thăm chàng, nàng không đến một  mình mà với cả hai đứa con riêng của nàng và ông chồng sau, người đã đưa nàng đi vượt biển năm xưa…Viên Chi hối hận mong được sống lại với Hữu nhưng Hữu quyết tâm từ chối, chàng không thể làm một việc trái lương tâm để phá hạnh phúc người khác dù rằng hiện tại là kẻ đã cướp đi lẽ sống của đời chàng. Hữu khuyên Viên Chi trở về với chồng và các con, cố gắng chăm sóc các con chàng và nếu được hãy giao chúng cho chàng nuôi.

Tám năm dài lặng lẽ trôi qua, nơi đất khách quê người đã buồn Hữu lại càng buồn thêm. Chàng quyết định một chuyến về thăm quê hương, thăm cha mẹ. Chưa đi thì đã được tin mẹ mất ! Hữu cầm tờ điện tín trong tay mà chết lặng hồi lâu, tám năm dài vết thương tình còn đang rỉ máu chưa lành, giờ nhận thêm một vết chém ngang đầu ! Mẹ mất là chàng mất tất cả rồi, bầu trời hoa gấm thương yêu bao năm chàng ấp ủ  ngày gặp lại, giờ chỉ còn trong ảo ảnh mà thôi ! Hữu tưởng như mình không còn khóc được nữa, nỗi đau đến tê liệt óc tim chàng. Đôi mắt Hữu hoa lên và chàng cảm thấy tối đen cả mặt mày…chứng bệnh tim đã trở lại với Hữu  sau quá nhiều giai đoạn thương tâm của cuộc đời chàng !

Dù sao cũng phải về thăm mộ me, thăm cha già tuổi đã bát tuần, thăm hai đưÙa con gái thân yêu còn ở quê nhà tuy chàng đã làm giấy tờ bão lãnh từ lâu nhưng vẫn chưa được đoàn tụ. Hữu cũng làm giấy tờ bãọ cha sau khi mẹ mất, cha chàng học rộng biết nhiều hẵn ông rất vui lòng theo chàng đến Mỹ.Nhưng Hữu có ngờ đâu cha từ chối không đi, cha yêu thương mảnh đất quê hương, cha không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn…

Từ phi trường San Francisco Hữu đã thấy nôn nao trong dạ, chỉ hai mươi giờ nữa thôi Hữu có mặt trong mái ấm thân yêu bao năm xa cách dù biết rằng lòng đau như cắt khi hình ảnh mẹ chỉ còn trên bia đá mà thôi !

Sau một tháng về thăm quê Hữu quen với Loan, cô giáo dạy cắt may của hai đứa con gái chàng. Loan nhanh nhẹn bặt thiệp và đã đặt tình cảm tha thiết với Hữu, với hy vọng được đi Mỹ như bao người đàn bà khác…Hữu bây giờ còn có gì rung động được trái tim bởi không bao giờ chàng quên hình ảnh Viên Chi tuy nàng đã phản bội chàng ! Thời gian trở về Mỹ Hữu đã quên Loan dễ dàng, lăn bổ vào cuộc sống như cái máy mà mọi người nơi đây ai cũng phải chấp nhận. Một hôm Hữu nhận được thư cha gửi qua, ôngkhen lấy khen để cô Loan và ngỏ ý muốn Hữu cưới cô làm vợ để có người chăm sóc cho ông khi đứa em gái của chàng cũng sắp đi Mỹ với diện con bão lãnh. Hữu lặng im không trả lời thư cha về việc đó mà chỉ thăm hỏi sức khỏe cha mà thôi…

Ngày hai con đến Mỹ Hữu thấy cuộc sống có thêm sinh khí, chàng vui hơn xưa và đồng ý với hoàn cảnh gà trống nuôi con mặc dù cũng có nhiều cô, nhiều bà muốn xây dựng gia đình với Hữu. Một năm sau đó em gái chàng cũng đến Mỹ và theo lời năn nỉ, nhờ vả của Loan cũng như nhìn thấy Loan tử tế với cha, em gái chàng cũng vì muốn có người chăm sóc cho cha nên khuyên anh mình về Việt Nam cưới Loan…vì chữ hiếu Hữu đã bay ngay về sau đó một tuần tổ chức đám cưới với Thụy Loan. Hữu cũng bày tỏ cho Loan biết về ý định của chàng là Loan sẽ không đi Mỹ và mỗi năm Hữu về một lần, Loan đồng ý và sống riêng nơi tiệm may, hàng ngày về thăm cha chồng, cha chàng thì hiện sống với đứa cháu gái trong căn nhà của ông.

Một ngày nọ Loan gọi phone qua Mỹ nửa đêm, bảo Hữu phải đuổi vợ chồng đứa cháu gái ra khỏi nhà vì bảo rằng thằng cháu rể hỗn với ông ngoại. Hữu không hiểu hư thực thế nào nên cho Loan tự giải quyết. Loan đã đuổi vợ chồng đứa cháu với lý do lệnh của cậu 5 ( Hữu). Một tháng sau đó, cha Hữu gọi qua than thở về sự cư xử tệ bạc của con dâu. Loan bỏ nhà đi ngày đêm không lo lắng cơm nước cho ông lại còn hỗn xược mắng nhiếc ông với những ngôn từ thậm tệ, ông buồn đâm ra bệnh nặng. Loan xúi ông đưa hết giấy tờ nhà sang tên qua cho cô ta và lấy tiền của ông xài phí…Thời gian sau em gái Hữu sốt ruột thương con không nhà cửa sống vất vả lang thang nên bay về Việt Nam cho rõ sự tình. Em gái Hữu đau buồn trước cảnh không ngờ, Loan đã bỏ nhà đi hai tuần lễ bỏ mặc cha Hữu đói khát chẳng ai lo chỉ nhờ chút nào vào sự giúp đỡ của hàng xóm, ông chỉ còn xương bọc da nằm liệt trên giường ! nếu em gái Hữu không về kịp chắc gì còn gặp được cha…đã thế trong nhà không còn một món gì ? cô Loan dọn sạch sẽ đồ đạc quý giá cho đến những thứ thường dùng của cha Hữu…vợ chồng đứa cháu ở nhờ chỗ nầy, ở tạm chỗ kia, muỗi cắn nát tay chân, nửa đêm còn phải ẵm con ngồi ngoài cột đèn điện chờ quán caphê khách về hết mới vào ngủ nhờ ngoài hiên…có đêm ngủ nhờ nhà bạn nghèo không có giường, trải chiếu nằm dưới đất, nửa đêm mưa lớn hai vợ chồng và đứa con nhỏ nằm trên vũng nước. Ba tháng sau vì bị muỗi độc chích nhiều đứa bé bị nhiễm Siêu vi B tình trạng rất nguy hiểm !

Em gái Hữu hận thù đi tìm Loan nhưng cô ta đã trốn biệt tăm, lo cho cha lành mạnh cô em trở về Mỹ cho Hữu biết nội tình. Hữu căm giận và ly hôn từ đó…

Lại một vết thương lòng tuy muộn màng nhưng vẫn không thiếu xót xa, bởi Hữu nào có yêu Loan chẳng qua vì chữ hiếu chàng phải hy sinh cái công hàm độc thân mà bấy lâu nay chàng cố gìn giữ. Nhìn lại mình, tóc đã bạc, 50 tuổi chưa tìm được chốn an thân, tình đời nghĩ ra càng ngao ngán. Nơi chốn phồn hoa vật chất nầy chàng thấy cô độc và cô độc lạ lùng bởi biết còn tin ai nữa, sợ những người đàn bà trên đầt Mỹ để rồi gặp phải kẻ ác tâm nơi đất mẹ ! Buồn như chưa bao giờ buồn, chán như chưa bao giờ chán, các con chàng lần lượt lập gia đình theo chồng đi xa., Hữu trở về cuộc sống độc thân nơi xứ người với tâm hồn sỏi đá lạnh băng như tuyết mỗi chiều rơi rơi tản mạn trên những đồi núi xa xa…một màu trắng bạc như vôi chẳng khác chi lòng dạ con người ?…

Nắng đã tắt trên đồi cây ngọn cỏ, bóng hoàng hôn đang dần chiếm không gian…Hữu quên hết thời gian quanh mình chỉ còn một nhận thức duy nhất là chàng đang sống trên đất Mỹ, thế giới của xa hoa, giàu có và hiện đại…nhưng chẳng có được những tình cảm yêu thương, đùm bọc nhau như chốn quê nhà, nơi đó, mẹ hiền đang nằm lặng yên trong giấc ngủ nghìn thu…nơi đó có người cha thân yêu gầy còm, khập khểnh từng chiều ngồi trông ngóng tin con nơi vạn lý xa xôi !

Hữu chợt rùng mình ứa nước mắt, phần vì khí trời buốt lạnh đêm nay, phần vì lo cho cha đang lâm trọng bệnh nơi quê nhà, không biết qua khỏi hay không ? Nghĩ điều đó Hữu lo sợ vì tuổi cha đã cao, chàng đứng phắt dậy nhìn xuyên qua đại dương để mong hình dung ra dáng cha già và mái nhà thân yêu cũ…nhưng chàng có thấy gì đâu ? bát ngát một màu mây trắng đục ẩn hiện trên những đồi núi ngút ngàn xa tắp chân trời ! xa quá cha ơi…cả một nửa địa cầu con biết phải làm sao săn sóc cho cha, con chỉ còn biết cầu xin nơi đấng thiêng liêng ban phép nhiệm màu cho cha lành mạnh và con sẽ về thăm cha một ngày thật gần…

Chàng lủi thủi bước lại chiếc xe, mở cửa bước lên rồ máy rồi lại bước xuống nhìn chiếc xe. Sang trọng quá, lịch sự quá! Có ai biết cho rằng người ngồi trong chiếc xe này đang chua chát từng cơn cho những bất hạnh của đời mình…

           

 NPNA

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 20/Apr/2008 lúc 12:47am

PHIẾN ÐÁ VÔ TÌNH

 

Ðêm thần thoại

Dư âm xưa hiển hiện

Phút hồi sinh cung điệu ru tình

Em chẳng thể quên những niềm đau xa cũ

Em vẫn nghe buồn …

Khi đời tắt lịm ánh bình minh

Em ngồi đây giữa mênh mông một cõi

Nhịp tim em như xao động từng cơn

Em, phiến đá vô tình

Anh. lạnh lùng thác đổ

Cả hai ta

Có chi là mộng tưởng

Ðến bên nhau là khổ

Dệt tình yêu thêm sầu

Ðể nắng buồn vạn cổ

Cát trắng buồn thiên thu

Trào dâng như sóng cả

Lớp từng lớp vô tư

Cuốn trôi mơ ước chôn vùi xuân xanh

Ngày lại ngày qua như cơn nắng hạ

Ðong đầy nung nóng xoáy mòn tim ta

Rồi những dư âm kết thành bụi đỏ

Bám chặt âm thầm trên bờ môi nhỏ

Từng bước lặng câm đi trên đá sỏi

Nhức buốt đôi chân cho lòng mệt mỏi

Rồi những dư âm tan vào trong gió

Biến vào trong mây nên đời bỏ ngỏ …

 

NPNA

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 22/Apr/2008 lúc 10:46pm

TÂM TƯ NGƯỜI

CHIẾN SĨ QLVNCH

 

Tôi quý trọng anh như bao người lính khác

Bởi giữa căm hờn anh vẫn sống hiên ngang

Máu đổ xương rơi, bầu trời Nam tan tác

Bình địa phủ tràn non nước một màu tang

 

Tôi trân trọng những tấm lòng vì tổ quốc

Ðã nằm yên nơi lòng đất quê hương

Chiến sĩ vô danh một đời bất khuất

Xác thân vùi quên lãng giữa đau thương !

 

Chúng ta được gì trong cuộc tương tàn

Nồi da xáo thịt bẽ bàng từng cơn

Hơn ba mươi năm tha hương đất khách

Nhìn trong mắt người u uẩn nào hơn …

 

Mùa xuân đến chiến binh ngồi lặng lẽ

Ðếm gian nan trên mái tóc bạc màu

Tự thâm tâm niềm đau đang vọng khẻ

Ðã hết rồi … xuân đến chỉ thêm sầu !

 

Trời mùa hạ mang mang niềm thống hận

Tháng tư xưa… người chiến sĩ gục đầu

Thảm cảnh xưa xoáy mòn trong vô tận

Thương phận lạc loài cơn lốc bể dâu

 

Rồi thu đến lá vàng rơi lả tả

Ngập biển trời nỗi buồn đến thiên thu

Mắt mờ lệ xuyên vời dòng biển cả

Thấy gì đâu … trùng điệp khói sương mù !

 

Tiết đông phong cho lòng thêm giá lạnh

Biết ngày nào thực hiện giấc đoàn viên

Thời gian trôi giết mòn đời bất hạnh

Lớp lớp rồi chiến sĩ đã nằm yên !

 

Tôi gửi các anh bài thơ từ tim óc

Cùng ly hương cùng cảm nhận niềm đau

Tôi quý các anh một lòng vì tổ quốc

Hãy chung mơ ngày hạnh phúc bên nhau …

 

Nguyễn Phan Ngọc An  - San Jose



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 22/Apr/2008 lúc 10:58pm

TRONG HỒI ỨC SA MÙ

 

Công cha mẹ sánh dày hơn non biển

Phận làm con phải báo đáp cho tròn

Lời thầy dạy con luôn luôn ghi nhớ

Tạc trong tâm lời giáo huấn sắt son

 

Nhớ năm xưa thời gian còn thơ ấu

Làng quê con tắm mát khói lam chiều

Một nhà sư bỗng từ đâu xuất hiện

Nét uy nghi như Hạng Võ đương triều

 

Ðường bôn ba thầy truyền kinh giảng đạo

Ðem phép màu mong cảm hóa chúng sinh

Nhìn thế sự lòng thầy đau quặn thắt

Biết làm sao hóa giải kiếp lưu linh

 

Con đã thấy hằn trong đôi mắt ấy

Vẻ đăm chiêu lộng giữa những lời kinh

Nhìn một lượt tín đồ đang vọng ngưỡng

Thầy mĩm cười, tim rạng ánh bình minh

 

Theo kiếp sống lăn mình trong gió bão

Dối trá, lọc lừa vận nước nổi trôi

Vẫn còn đây bao tấm lòng hướng thiện

Thì lo gì … bờ giác chẳng xa xôi

 

Thuyền bát nhã cặp bến sông tế độ

Mau lên con, kẻo trể bước nhàn du

Tu là tâm thoát xa vùng khổ lụy

Nắng rạng ngời trên mỗi bước con đi

 

Kiếp nhân sinh trầm mình trong bể ái

Lặn hụp trong vùng nước đục sông mê

Hãy nghe thầy các con ơi chớ ngại

Gắng công tu, thầy dẫn dắt đường về

 

Rồi từ đó con theo thầy học đạo

Mỗi lời kinh sen nở ngát hồn con

Chắp đôi tay con âm thầm cầu nguyện

Thầy giúp con đường tu được vuông tròn

 

Con ngờ đâu đèn hoa giăng lối nhỏ

Xác pháo hồng đưa tiễn bước con đi

Con xa thầy lòng con buồn vô hạn

Lời thầy khuyên tâm con mãi khắc ghi

 

Thầy nơi đâu trên bước đường luân lạc

Chiến tranh dài trên khắp nẻo quê hương

Vì gian nan vì chén cơm manh áo

Và kiếp tằm con vướng nỗi đau thương

 

Lời kinh cầu con lãng quên từ đấy

Ðời con buồn như những giọt sương mù

Rồi một sớm tim con dường vỡ vụn

Mẹ thân yêu đã vĩnh biệt nghìn thu

 

Tâm hồn con rã rời như xác lá

Từ bây giờ bóng mẹ có còn đâu

Và lãng đãng mây trời không định hướng

Biết về đâu …con biết phải về đâu

 

Tránh một kiếp để dồn bao nhiêu kiếp

Thân con đây thêm tội nghiệp dẫy đầy

Ðường tình ái con vương nhiều khổ lụy

Bể trần ai tan tác những hao gầy

 

Mừng lắm thay – hôm nay con gặp lại

Người thầy xưa hằng tôn kính biết bao

Da thay sắc với tháng năm dầu dãi

Dáng gầy nhiều, lòng đệ tử xót đau

 

Thời gian là bóng câu qua cửa sổ

Biết làm sao che dấu được hư hao

Cũng như con, mới hôm nào nhỏ dại

Ôi cuộc đời như một giấc chiêm bao

 

Công cha mẹ con khắc trong tâm não

Và ơn thầy con tạc dạ ghi sâu

Lời thầy dạy muôn đời con vẫn nhớ

Mong thầy con tuổi thọ được dài lâu …

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 24/Apr/2008 lúc 10:24pm

Những ngày gai lửa

    Hồi ký một chuyện thật của tác giả viết về trận chiến  30 - 4 - 1975

                                     

                                                            Hồi ký :  Nguyễn Phan Ngọc An

 

 Ầm!ầm !Những tiếng nổ như long trời lở đất , nàng bồng vội con thơ chạy ra sân nhìn về hướng trước mặt, cả một vùng trời khói bay nghi ngút- Mới hôm qua nơi đây là một thành phố đẹp, hôm nay đã thành bãi chiến trường !

Thảo sống nơi đây cũng gần được ba năm, chồng nàng, một vị Quận Trưởng của Quận nầy, tuy gia đình không mấy gì hạnh phúc nhưng vợ chồng Thảo không để mất lòng một người dân. Sáng qua, có tin mật báo về, Tuấn, chồng nàng đã vào Quận ứng chiến suốt ngày đêm.

Giữa trưa hôm qua, một trận pháo kích tới tấp vào thành phố nầy, phá tan cuộc sống yên lành của người dân , phá tan bao mơ ước xây dựng cơ đồ sự nghiệp. Từng loạt dãy nhà sụp đổ tan hoang ! bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người đã chết ở ngoài kia ! Thảo rùng mình lo sợ, nàng không thể hiểu được những gì xảy ra bên ngoài vì không còn ai dám bước ra khỏi nhà. Những căn nhà có hầm trú ẩn coi như tạm bình yên còn nhà Thảo không có hầm trú ẩn, Thảo biết làm sao đây ? Một thân nàng với bốn con thơ dại, Tuấn thì không thể về nhà trong giai đoạn này, sinh mạng mẹ con nàng như chỉ mành treo chuông.

Ngoài kia tiếng lao xao ầm ỉ, trên đường lộ hàng loạt người gánh gồng tị nạn, họ bất chấp những hiểm nguy, những đợt pháo kích giết người tàn khốc đang đổ trút xuống thành phố thân yêu một thời của họ. Thế còn Thảo, nàng phải làm sao ? nếu ở lì lại đây chắc gì đã sống ? còn dìu dắt bốn con thơ xông pha ngoài lửa đạn cũng chắc gì thoát được hiểm nguy ? thôi thì một phen liều mạng, Thảo không mang theo được một của cải gì ngoài chút tiền sẵn có trong túi áo. Chiến tranh đã làm Thảo đảo điên, nàng đã mất trọn số tiền lớn của kỳ thu nhập Câu lạc Bộ cuối tháng ba này. Hôm nay là 23 còn hai ngày nữa là đến kỳ phát lương của các Tiểu Ðoàn- Chiến tranh tàn ác, chiến tranh dã man, giành giựt xâm chiếm để máu đồng loại đổ tuôn, để xác người cao hơn non núi, để thảm họa đói rách cho muôn người !

Thảo nghẹn ngào nhìn căn nhà lần cuối rồi kéo vội các con chạy theo đoàn người tỵ nạn, đứa nhỏ nhất còn ẵm trên tay. Ðến giữa lộ, một tiếng nổ long trời, rồi hai tiếng, ba tiếng, bụi cát bay mịt mù, Thảo không còn trông thấy gì nữa, mấy mẹ con té nhào xuống lộ rồi kéo dìu nhau đứng dậy tiếp tục chạy.

Tiếng pháo kích như đuổi theo sau từng loạt, từng loạt nghe như xé cả không gian. Trước bước chân nàng bao xác nằm ngổn ngang, bao tiếng thét gào do hậu quả đợt pháo kích vừa qua, nàng thầm cầu nguyện Phật Trời thương tưởng, cứu nhân gian cứu cả mẹ con nàng thoát qua cơn lửa đạn...

Thảo chạy tấp vào căn nhà quen phía chợ khi bên tai nàng vẫn còn nghe tiếng depart của loại hỏa tiễn 122 giặc pháo tới. Ðã bao năm sônág trong tiền đồn , quận lỵ nàng đã rành rọt như những người lính. Nàng cũng biết bắn súng, biết xử dụng lựu đạn, biết lái đủ loại xe trong quân đội và cũng biết các mật mã truyền tin nữa.

Lại một tràng pháo kích vang dậy đất trời, thế giới quanh nàng là bãi tha ma, là đất chết , biết lấy ai cứu mẹ con nàng trong cõi chết, nàng không còn lối thoát thân !

Thảo gục xuống nền gạch, đôi mắt chan hòa ngấn lệ! Nàng thương các con nàng, tuổi măng non nào có tội tình chi ! nàng muốn các con nàng được sống dù phải đánh đổi đi sinh mạng của nàng- Thảo nhìn các con mà không kềm được tiếng nấc nghẹn...

Tiếng pháo kích tạm ngưng vì đã 3 giờ sáng. Tiếng đập cửa thình lình vội vã, Thảo điếng người, tưởng họ đã xông vào nhà thì chỉ còn lên trời mà trốn- Dì Năm chủ nhà vội mở cửa, Tuấn hiện ra nơi cửa, bế xốc các con nàng bỏ lên xe thiết giáp, kéo vội Thảo lên xe phóng thẳng về hướng Quận lỵ, Thảo la to : Không được, không được, em và các con phải ra khỏi nơi này, hãy quay xe chở em ra hướng khác để đón xe đò thoát khỏi nơi đây, mau lên, mau lên...

Tuấn gạt phăng : Không còn lối ra nữa, chúng đã chận hết các nẻo đường, cứ tạm vào Quận rồi tính sau !

Tuấn đưa Thảo và các con xuống hầm tử thủ cuối cùng của Quận. Ðường đi xuống ngoằn ngoèo sâu thẳm, ánh sáng chập chờn của những cây đèn pin không đủ rọi cho các con nàng, chúng té liên hồi trên những bậc tam cấp, khi xuống đến cuối hầm mẹ con nàng ngất xỉu !

Tiếng điện đàm vang vang làm Thảo giật mình choàng tỉnh, nàng đã rõ đây là nơi trú ẩn duy nhất cho mẹ con nàng. Xung quanh nàng là những người lính truyền tin làm việc không ngưng nghỉ với nét mặt nghiêm trọng khẩn cấp từng hồi. Bảy ngày đêâm dưới hầm trú ẩn Thảo chỉ biết thời gian qua chiếc đồng hồ đeo tay của nàng, mẹ con nàng tạm sống với những gói mì và những bịt gạo sấy- Qua ngày thứ tám Tuấn liên lạc được phi cơ tải thương để đem xác chết ra khỏi Quận lỵ, chàng vội dẫn mẹ con nàng ra khỏi hầm trú ẩn kéo lên xe Jeep phóng nhanh ra cửa Quận. Tiếng depart của hỏa tiễn giặc vút lên, Tuấn đạp thắng gấp kéo tuột mẹ con nàng chạy vào ẩn nấp trong lô cốt tuần canh ngay cửa Quận . Ðịch pháo kích ngay phi trường, chiếc trực thăng vừa hạ cánh đã phải cất cánh lên ngay, những xác chết lại một lần thứ hai trúng miểng hỏa tiễn của giặc, những người lính hào hùng buông băng ca ngã quỵ tại phi trường , từ lổ chiến hào nhìn ra lòng Thảo đau lên từng đoạn, thương cho người chiến sĩ xã thân vì đất nước, giờ tử biệt không có một người thân bên cạnh, xác sưng phồng hôi thối không biết đến ngày nào mới được chôn cất mảnh xương tàn? Cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, anh em giòng họ giết nhau, cuộc chiến triền miên từ ngày Thảo mở mắt chào đời, nàng chưa thấy một ngày bình yên trên quê hương của nàng ?

Tuấn đưa mẹ con nàng trở xuống hầm tử thủ, Thảo khóc nức nở, nàng không còn hy vọng gì về với mẹ cha , mẹ con nàng sẽ phải vùi thây đau đớn như những chiến binh đã bỏ xác giữa sa trường !

Sau một tiếng đồng hồ Tuấn bắt được liên lạc với phi cơ, chàng chuẩn bị sẵn cho vợ con một chiếc xe thiết giáp rồi kéo nhau đến tọa độ mới để phi cơ có thể đáp xuống an toàn. Một khu sân rộng đủ để máy bay hạ cánh. Bên kia những người lính đang khệ nệ khiêng ba chiếc băng ca của ba vị sĩ quan tử trận bó bằng ba lá cờ vàng ba sọc đỏ, xác để lâu ngày nên phồng to và có mùi hôi- Bên nay là mẹ con Thảo, Tuấn và hai chú lính trong tư thế sẵn sàng khi máy bay hạ cánh.

Tiếng phi cơ đến gần, Thảo hồi hộp từng giây, không biết bình yên hay tai họa nữa đây ? Loại tải thương H20 trên cao thẳng xuống và lên thẳng vội vàng và cấp bách vì sợ địch khám phá mục tiêu. Bên kia thảy ba xác chết lên phi cơ, Tuấn và hai chú lính liệng nàng và các con nàng lên phi cơ, nàng và các con ngồi trọn trên ba xác chết cứng đờ, bíu chặt vào những mảnh vải lá cờ để được sống vì phi cơ hai bên không có cửa- Máy bay lên thẳng ruột gan mẹ con nàng lộn nhào, một tay Thảo níu xác chết, một tay Thảo níu các con !

Véo ! véo ! véo... những âm thanh nghe rợn người, những đóm lửa bay tung tóe hai bên phi cơ, trước mắt nàng không gian cơ hồ sụp đổ ! trời ơi , ai cứu mẹ con tôi ! Phi cơ lên độ cao để tránh tầm đạn lửa của địch, tiếng đạn lửa rít xung quanh làm phi cơ chao đảo nhưng rồi viên phi công đã lấy lại bình tỉnh lái thoát ra vùng đạn lửa đang đuổi theo sau .

Thảo hoàn hồn, nàng lâm râm cảm ơn Thượng Ðế, cảm ơn Trời Phật đã xót thương cứu độ mẹ con nàng qua cơn tai biến, nàng tưởng tượng mẹ con nàng vừa chết đi và sống lại nhờ vào phép nhiệm mầu của đất trời một kiếp đoái thương !

Phi cơ hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vẫn tấp nập xe cộ vì tình hình nơi đây chưa đến hồi nguy ngập, mọi người chen chúc bán buôn tuy nhìn lên gương mặt ai cũng thoáng nét lo âu. Thảo cùng các con đón xe về Vũng Tàu nơi cha mẹ nàng cư ngụ.

Chiều chiều, nàng tựa cửa chờ mong tin tức Tuấn với cả sự nôn nóng lo âu, chợt sáng nay có tin chàng gọi về từ chiến trận. Thảo vội chạy đến điện đài của Tỉnh để nói chuyện với chồng. Ðầu giây bên kia tiếng chàng thảng thốt :

-           Em và các con vẫn còn sống đấy chứ ? Lạy trời cho đây là sự thật ! em biết không ? khi anh nhìn thấy những viên đạn lửa bắn theo máy bay anh không còn một hy vọng gì mẹ con em sống sót, anh quỳ xuống khóc ngất và liên tưởng ra những hình ảnh hãi hùng, anh tưởng em và các con đã chết cháy và không tìm được xác ! bây giờ anh yên tâm rồi, Quận đã mất , anh dẫn tàn quân đang tìm lối thoát thân về Tỉnh. Em yên tâm, anh vẫn mạnh.

Tuấn cúp phone ! Thảo bàng hoàng se sắt, cả cuộc đời nàng chưa bao giờ trải qua những kinh hoàng đến thế cũng chưa bao giờ thấy lo lắng xót xa và thương Tuấn như bây giờ, cầu xin cho chàng được bình yên để có ngày xum họp.

Ðêm nay trời u ám lạ thường, cơn mưa thình lình trút xuống như thác đổ, đã buồn Thảo lại buồn thêm , phải chăng trời cũng xót thương nhân gian nên đẫm lệ ? phải chăng dân tộc Việt Nam đã đến buổi tương tàn ?

Thảo nhìn vào khoảng  không xa vắng, mới hôm nào cũng tại mái nhà nầy Thảo là một cô bé ngây thơ, bên mẹ cha dỗi hờn nũng nịu, tung tăng trong chiếc áo dài màu trắng học trò. Bây giờ, tay dắt tay bồng dạn dày sương gió, trải qua biết bao khủng khiếp của cuộc đời, một thiếu phụ tuổi đang xuân nhưng tâm hồn như già đi trước tuổi...

Ngoài hiên, mưa vẫn rơi tí tách không ngừng - Thảo đưa tay gạt đôi dòng lệ ! mưa khóc cho người hay mưa khóc đời ta ?!!!

                         

NPNA   California Hoa Kỳ

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 27/Apr/2008 lúc 2:00pm

Những  giờ phút cuối cùng tại

Xuân Lộc Long Khánh

Trung Úy  Nguyễn Hữu Nhân Tiểu đoàn 181 Pháo BinhSư Doàn 18 BB

 

 

     

         Sau khi tham dự Hành quân để giải tỏa Quận lỵ Võ Đắt với Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, Pháo đội A 181 Pháo Binh  giờ  thì chỉ còn   4 khẩu 105 ly mà thôi, chúng tôi đang đợi để nhận bổ sung   thay thế 01  khẩu đại bác đã bị Cộng quân đánh phục kích và kéo đi ở Chánh Tâm 2 đường đi Võ Đắt. Hai  trung dội ở hai vị trí khác nhau,  một trung đội đóng ở  Hậu cứ Tiểu đoàn 181 Pháo Binh, nằm cuối phi trường, còn một trung đội được đóng ở căn cứ Núi Thị cách Bộ chỉ huy hậu cứ của Tiểu đoàn độ 5 cây số,  Pháo đội  chúng tôi ở lại Long Khánh với Thiếu tá Nguyễn Tiến Hạnh trong những giờ phút sau cùng,  Thiếu tá Nguyễn Tiến Hạnh xuất thân Khóa 13 trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam về thay thế Thiếu tá Tôn xuân nhận thuyên chuyển đến Tiểu đoàn 47 Pháo Binh tại Long Xuyên.. Được biết ông từ Pháo Binh Thuy quân Lục Chiến, sau cùng về Pháo Binh Biệt Khu Thủ Đô trước khi về nhận  Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 181 Pháo Binh .  Ngay từ khi mới về nhận đơn vị, Thiếu Tá Nguyễn Tiến Hạnh đã tỏ ra rất  vui vẻ và rất  dễ dải với các Sĩ quan và binh sĩ trong đơn vị, mỗi khi có tiệc tùng hay tổ chức ăn nhậu, ông thường kêu các sĩ quan cùng ngồi nhậu và ăn uống  chung với ông, không cần biết có mấy sĩ quan, cứ khui một két bia lớn ra, ông chỉ uống những chai có nhãn hiệu  trái thơm mà thôi, và số còn laị thì các sĩ quan phải chia nhau uống cho hết.Thường thường mỗi két chỉ có chừng 2 đến 3 chai có nhãn hiệu trái thơm mà thôi.

       Vào nhữg giờ phút chót, tôi được điều động lên Núi Thị với một trung đội của Trung Uý Trung . Còn một trung đội  đóng chung với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn cho đến giờ nầy tôi cũng không còn nhớ rõ trung đội nầy là trung đội mấy của Pháo đội A nữa. Tôi cũng không nhớ rõ lúc đó các Pháo đội B của Đại Úy Vũ Huy Thiện và Pháo Đội C của Trung Úy Trần hữu Rật đang tham dự hành quân ở đâu nữa. vì sau gần 7 năm tù và qua đây phải vất vả với cuộc sống cho nên trí óc tôi không còn được sang suốt nữa. Nếu tôi nhớ không lầm thì sáng ngày 8 tháng 04 năm 1975, khoảng 04 giờ sáng Cộng quân đã chận xe đò và chiếm cua Heo đướng vào Quận lỵ Long Khánh, cũng kể từ ngày tháng nầy, con đường xe chạy Saìgòn Bình Tuy hay Sàigòn Võ Đắt – Tánh Linh đã không còn lưu thông nữa, xe chạy trên tuyến đường nầy đã phải đậu laị nối đuôi nhau để chờ giải tỏa, thế nhưng cho đến chiều cũng vẫn chưa được phép chạy, vì vậy các xe đã trở đầu để quay trở lại. Trên hệ thống vô tuyến chúng tôi nghe tin Cộng quân đang chiếm dinh Tỉnh Trưởng, hiện chúng đang quần thảo với Bộ chỉ huy Tiểu khu, chưa biết tình hình tỉnh trưởng như thế naò, tin trên loan ra làm cho chúng tôi vô cùng hoang mang, ngay cả dinh Tỉnh trưởng mà cộng quân đã chiếm được thì còn chỗ nào an toàn nữa. Tình hình Long Khánh trong lúc bấy giờ thật hết sức nguy ngập.Các đơn vị ở miền Trung đã di tản chiến thuật, bây giờ Long Khánh là cứ điểm cuối cùng, nếu Long Khánh thất thủ thì cộng quân sẽ tiến chiếm vào Sàigòn, vì vậy bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng phải giữ cho được Long Khánh.  Các đơn vị trực thuộc Tiểu khu đã chạm sung ác liệt với Cộng quân từ sáng đến giờ, những tiếng sung lớn nhỏ nổ dòn như bắp rang  ở hướng dinh tỉnh trưởng, tình hình ta và địch lẫn lộn, chúng tôi cũng không còn biết tin tức chính xác là như thế nào nữa., đến trưa thì chúng tôi được tin quân  ta đã làm chủ được tình hình, đã đẩy lui Cộng quân ra khỏi dinh Tỉnh trưởng, như vậy dinh tỉnh trưởng đã được giải toa  sau gần 6 tiếng đồng hồ đã bị cộng quân vây hảm.

       Trung đội Pháo binh 1A của chúng tôi lúc đó đang được yểm trợ trực tiếp cho tiểu đoàn 2/43 đang trú đóng tại Núi Thị, cùng lúc ấy tôi được lệnh tác xạ trực tiếp từ một sĩ quan Pháo binh của Tiểu đoàn chúng tôi, Trung úy Đinh văn Phùng, sĩ quan Thủ khoa của Khóa 4/68 Căn bản sĩ quan Pháo binh,Phùng gia đình ở  Láng cát  Bà Rịa , tôi và Phùng thường về phép chung với nhau và Phùng đang là sĩ quan Liên lạc và ngay sáng sớm hôm đó, tôi đã tác xạ yểm trợ trực tiếp cho Phùng, có lẽ số phận gắn liền nhau cho nên sau khi Cộng quân cưỡng chi61m miền Nam rồi, chúng tôi  phải trình diện để đi tù, thì cũng lại gặp nhau tại trại Hoàng Diệu ở Long Khánh, gặp nhau trong cảnh tù gồm có Nguyễn thanh Liêm, Nguyễn Phước Lễ, Trần văn Tuyến, Dinh van Phung  các anh là những bạn học với tôi trong những năm tháng chúng tôi ở mái trường Châu Văn Tiếp Phước Tuy.  Những trái đạn điều chỉnh thật chính xác và chỉ mấy phút sau chúng tôi đã được nghe Phùng báo cáo oang oang trên máy:

-Trúng ngay chiếc xe tăng T-54 rồi, bây giờ chiếc xe tăng đã bị lật nằm ngang trên ụ đất phiá ngoài vòng đai  phi trường.

- Tin bắn trúng xe tăng của địch đã làm cho binh sĩ trong Trung đội lên tinh thần, tôi dặn các binh sĩ phải tháo đạn thật lẹ, giật cò cho nhanh để yểm trợ thật chính xác.

       Những chiếc xe tăng của chúng đã bị Pháo binh bắn trúng lật nghiêng, và những chiếc khác đã bị bắn đứt dây xích nằm môt chỗ không chạy được, chúng đã rồ máy kêu inh ỏi, chúng tôi đã được nghe tiếng máy của xe tăng trong combinê trên máy vô tuyến.  Cho đến giờ nầy chúng tôi  mới tạm được nghỉ để cho binh sĩ ăn uống, kiểm điểm lại, từ sang đến giờ chúng tôi đã xử dụng rất nhiều đạn để yểm trợ cho đơn vị đẩy lui Cộng quân ra khỏi vòng đai của Tỉnh lỵ, cũng kể từ ngày hôm nay, chúng tôi đã không còn được đi chợ nấu ăn như trước nữa mà chỉ tòan dùng thực phẩm khô mà thôi. Con đường từ Núi Thị xuống tỉnh lỵ Long Khánh đã không còn xử dụng được nữa, Pháo binh Núi Thị đã trở thành đơn vị Pháo binh duy nhất để yểm trợ cho Sư đoàn và tỉnh lỵLong Khánh và Chi Khu xuân Lộc.

       Cũng kể từ ngày nầy, chúng tôi đơn vị nào ở đâu thì đóng ở đó, chỉ liên lạc với nhau qua hệ thống vô tuyến mà thôi. Mỗi ngày chúng tôi đếm từng ngày để mong được xuống núi đi chợ thay đổi mua thức ăn tươi, chứ nằm ở trên nầy hoài ăn uống thiếu thốn nên tinh thần binh sĩ rất xuống dốc, qua radio mỗi ngày chúng ta lại nhận them tin tức mất thêm một vài quận lỵ và tỉnh lỵ từ miền Trung trở vào, vì thế càng làm cho chúng tôi hết sức lo lắng và dự đóan tình hình thật xấu, riêng bản thân và sự suy nghĩ của riêng tôi, với sự ngây thơ về chính trị, tôi vẫn luôn luôn tin rằng không bao giờ có chuyện Cộng quân chiếm Sàigòn, và luôn luôn tin tưởng quốc gia ta sẽ thắng, Cộng quân trước sau gì cũng sẽ phải rút lui mà thôi, vì vậy chúng tôi rất yên tâm chiến đấu, Sau  khi đẩy lui cộng quân ra khỏi bờ đai tỉnh lỵ, chúng tôi cảm thấy yên tâm và tin rằng chúng ta sẽ cố thủ Long Khánh cho đến giờ phút sau cùng và nhất la chúng ta đã đẩy lùi bọn chúng ra khỏi vòng đai, Long Khánh sẽ được sống trở lại bình thường, mỗi ngày chúng tôi vẫn bắn liên tục để yểm trợ cho các đơn vị bạn. Thế rồi hôm đó ngày 20 tháng 04 năm 1975, tôi được lệnh của Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho tội xuống đồi và gặp ông ở Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 181 Pháo Binh, để trung dội do Trung Úy Trung điều hành, tôi có hỏi đoạn đường qua cua Heo đã đi được chưa vì từ ngay 08 tháng 04 đến giờ chúng tôi chưa hề xuống được núi, nhà binh lệnh là phải thi hành, vì vậy dù rất lo sợ, tuy nhiên tôi vẫn phải xuống núi, tôi đã để lại xe Jeep của tôi tại vị trí Núi Thị và nhờ một binh sĩ chở tôi về trình diện Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng bằng xe Honda của anh ta, tôi biết rằng đi xuống bằng xe Jeep thì qúa nguy hiểm cho nên đi xe Honda có lẽ cũng đỡ nguy hiểm hơn, tôi trang bị cho mình áo giáp, nón sắt  dây ba chạc và súng colt 45 và đạn được đầy đủ,  trên vai còn mang theo một khẩu M-79 và  trên tay cầm một khẩu M-16, gỉa từ Trung Úy Trung trung đội trưởng của trung đội nầy và các binh bĩ của trung đội, các binh sĩ cũng rất lo lắng cho tôi trên đường đi, tôi nói với trung úy Trung cho súng hướng về đoạn đường mà tôi sẽ xuống núi và yểm trợ cho tôi ngay khi tôi gọi, Hạ sĩ nhất Vũ văn Soạn  nhà ở Kiệm Tân nên đem xe Honda để ở trại vị trí trung đội, độ vài tuần thì về phép bằng xe Honda, tôi bảo Soạn đeo them máy PRC-25 trên vai và thầy trò tôi bắt đầu xuống núi. Phải chi như bây giờ có điện thoại di động thì còn gì sung sướng cho bằng, vừa gọn nhẹ và dể dàng cất dấu.

         Sau gần nửa tháng không xuống núi, giờ lần đầu tiên trở laị con đường nầy tôi cũng cảm thấy sờ sợ, mong sao cho mau được đến vị trí của bộ chỉ huy tiểu đoàn để chờ ông có lện lạc gì mới cho tôi?

         Đã lâu lắm rồi, từ ngày làm trung đội trưởng Pháo binh đến giờ, tôi hầu như không còn đi xe Honda nữa, ngay cả những lần về phép tôi cũng dùng xe Jeep để đi phép, ký sự vụ lệnh cho tài xế đưa tôi đi chỗ nầy, chỗ nọ. Tôi ngoại giao rất giỏi, vì thế xe Jeep của tôi lúc nào cũng có xăng đầy đủ để chạy, có những tháng tiểu đòan cấp cho xe Jeep nhưng không cấp nhiên liệu, các sĩ quan khác đành không nhận xe vì không có xăng để xử dụng, nhưng riêng tôi chưa bao giờ không có xe jeep  cả, và ngay cả phương tiện truyền tin tôi cũng đã có máy VRC-34 trên xe ngoài cấp số.

       Thật may mắn cho tôi, sau khi từ Núi Thị hai thầy trò tôi chạy thật nhanh,  Soạn  chạy hết ga sau khi xuống được con đường chánh của quốc lộ, tôi ôm chặt lấy soạn và mắt nhìn xung quanh rất nhanh, hai bên đường cảnh trí hoang tàn, tiêu điều sau những trận pháo của chúng tôi, đi ngang cua Heo tôi còn thấy chiếc xe tăng bị bắn cháy đang nằm trơ trọi nơi đó, Soạn chạy riết ở đường ngoài để xuống Chi Khu xuân Lộc, vì lúc bấy giờ bộ chỉ huy Tiểu đoàn đang đóng ở rừng cao su trước quận lỵ.

Tôi vào gặp Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và được tin tối nay chúng tôi sẽ rút khỏi Long Khánh và bàn giao vùng hành quân nầy lại cho Lữ Đoàn 1 Dù sẽ thay thế chúng tôi.Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng đưa cho tôi những mục tiêu, và tôi chấm lại trên bản đồ toàn là YS nằm trên trục lộ về Đức Thạnh, sau khi chấm những điểm nầy lên bản đồ tôi đã đoán ra được lộ trình mình sẽ đi. Con đường từ Xuân Lộc về Đức Thanh gần 10 năm nay không được xử dụng, thế mà tối nay chúng tôi sẽ đi lại bằng con đường đó, tôi băng khoăn tự hỏi, bỏ đi cả 10 năm rồi, giờ làm sao đi lại cho được?

        Phối hợp một trung đội của Pháo đội A(-) còn lại ở đây và bộ chỉ huy của Tiểu đoàn, tôi tập hợp tất cả lại và chỉ thị cho tất cả chuẩn bị lên đường khi có lệnh, không được mang theo gì cả, ngoaì việc phải kéo hai khẩu 105 ly, móc hậu gạo và móc hậu nước cũng bỏ lại. Tôi không còn nhớ rõ trưởng ban 3 của tiểu đoàn lúc đó là ai nữa, duy chỉ biết Thiếu tá Hạnh nói sẽ đi với tôi và ông nói rằng đi với tôi ông ta thấy yên tâm hơn. Thiếu tá Hạnh sẽ đi xe Jeep sau chiếc xe kéo súng của trung đội, tôi sẽ đi trên chiếc xe GMC kéo súng đầu tiên.

Lúc đó hơn 4 giờ, tôi ra lệnh cho các binh sĩ sẵn sang di chuyển khi có lệnh, Soạn nói với tôi xin phép cho mang theo chiếc xe Honda, tuy nhiên tôi đã ra lệnh không ai được mang theo gì cả, vì vậy tôi nói với HS1 Soạn là tôi rất tiếc không thể để Soạn mang theo chiếc xe Honda dược. Soạn nói với tôi rằng, thôi em sẽ chạy Honda theo hai xe kéo sung của mình và tôi đã đồng ý. Tôi đã cho sắp xếp tất cả x e của đơn vị Pháo binh của chúng tôi ra ngoài  đường từ 5 giờ chiều ngày 20 tháng 04 năm 1975. Và ngày đó chúng tôi coi như là một ngày kỷ niệm, cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ đến ngày đó.

Tất cả đoàn xe đều nổ máy và chờ lệnh, chúng tôi được biết Thiếu tướng Lê Minh Đảo tư lệnh sư đoàn đã đi với 81 Biệt cách Dù từ buổi trưa, và bây giờ chúng tôi đang đợi lệnh ông để di chuyển. Thời giờ chờ đợi lúc nào cũng đi thật chậm, chúng tôi càng sốt ruột hơn vẫn chưa được lệnh di chuyển, rồi từ hướng sân bay chúng tôi nghe những tiếng  bụp … bụp  bụp.. là tiếng depart của pháo địch, chừng vài giây sau những tiếng nổ chát chúa ngay tại vị trí chuẩn bị di chuyển của chúng tôi, trái đạn đầu tiên đã rớt trúng ngay xe jeep của Thiếu tá Hạnh Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 181 Pháo binh, và những trái pháo kích khác đã  rớt xung quanh đoàn xe của  chúng tôi, lúc đó chẳng còn lệnh lạc gì nữa, mạnh ai nấy chạy, xe của thiếu tá Hạnh đã bị pháo nên không đi được nữa, ông chạy ngay lại xe GMC kéo sung của tôi và chúng tôi di chuyển ngay lúc đó, chạy về hướng trung đoàn 48 bộ binh đóng ở Long Giao, tôi thiết nghĩ nếu như lúc đó chỉ cần một tràng AK nữa thì tôi tin rằng đơn vị sẽ rả ngủ, chúng tôi  cố cho xe chạy thật nhanh,  trong khi đó những tiếng nổ vẫn tiếp tục sau lưng chúng tôi, nếu không có phản ứng cấp thời  và di chuyển ngay thì có lẽ chúng tôi đã ăn những qủa đạn pháo đó rồi, hai bên đường mùi xác chết xông lên nồng năc, thiếu tá Hạnh ngồi bên trong xe GMC kéo sung làm trưởng xa, tôi nghĩ rằng có lẽ đây là lần đầu tiên một vị tiểu đoàn trưởng pháo binh ngồi trên xe GMC kéo sung, vì pháo binh xe cộ rất đầy đủ, và tiểu đoàn trưởng thì muốn xe gì mà  không có, thế nhưng đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng vì sau trận nầy chúng tôi không còn được đi xe GMC nữa mà phải vào các trại tù mà chúng gọi là đi cải tạo. Tôi đứng phía ngoài xe GMC tiếp tục chạy trên đường về Long giao, vừa chạy tôi vừa liên lạc với bộ tư lệnh sư đoàn để nhận chỉ thị, cũng may sau đợt pháo đầu tiên, tôi lien lạc với các xe và được biết tất cả anh em sị quan và  binh sị của chúng tôi hoàn toàn vô sự, duy chỉ co chiếc xe jeep của thiếu tá Hạnh là bị trúng pháo kích và  đã bỏ lại ngay lúc khởi hành. Khảng 09 giờ tối chúng tôi đến Long Giao, tôi không còn nhớ rõ nữa nhưng hình như chúng tôi là đơn vị pháo binh được di chuyển có xe còn các đơn vị khác đã di chuyển bộ, vì vậy khi dừng lại Long Giao tôi không thấy một đơn vị nào hộ tống chúng tôi cả, bộ chỉ huy Pháo binh sư đoàn lúc đó là Đại tá Ngô văn Hưng, tôi không được nghe tiếng nói của ông lúc đó, nhưng tôi nghe giọng nói của Trung úy Hà phương Đính. Lệnh cho tôi phải ở lại Long Giao và sẵn sàng tác xạ để yểm trợ cho lữ đoàn 1 Dù đang ở lại để thay thế chúng tôi. Tôi cho dừng xe và ra lệnh cho trung dội đưa súng vào vị trí để chuẩn bị gióng hướng và sẵn sang tác xạ, hai khẩu pháo nằm chênh vênh trên đường trước cổng Trung đòan 48 tại Long giao (Black Horse) khẩu nầy cách khẩu kia không đầy 5 mét, gióng hướng súng xong và sẵn sang tác xạ, cọc ngắn 1 mét và cọc dài 3 mét thay vì cọc ngắn 50 mét và cọc dài 100 mét. Tất cả sách vở học trong trường pháo binh đều được bỏ hết mà chỉ thực hành theo điều kiện cho phép, tôi được lệnh qua tần số củ Dù và liên lạc để yểm trợ cho họ, lúc nầy mà họ xin tác xạ mới mệt cho chúng tôi quá, nhưng chúng tôi vẫn nhận lệnh và đã bắn yểm trợ cho họ khoảng 10 quả đạn 105 ly trước khi chúng tôi tiếp tục di chuyển. Lúc nầy khỏang 11:30 tối, tôi được lệnh tiếp tục di chuyển để về điểm hẹn, Tôi được biét đơn vị Dù thay thế chúng tôi cũng sẽ đến Long Giao sau khi tôi đi khỏi nơi nầy, tôi liên lạc qua trung dội pháo binh ở Núi thị để hỏi thăm tình trạng của  trung đội nầy ra sao? Trung úy Trung cho tôi biết, bây giờ trung đội đang chuẩn bị xử dụng M-14 (đây là loại đạn chỉ dùng khi có lệnh để phá hủy  đaị bác, tôi từ ngày gia nhập vào binh chủng Pháo Binh cho đến giờ, tôi cũng chưa hề xử dụng đến loại đạn nầy). Trung đội sẽ nhận lệnh trực tiếp của Bảo Định ( Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 /43. Tôi dặn dò Trung úy Trung cố gắng bảo tòan đơn vị và liên lạc chặt chẻ với Bảo Định, sau đó tôi trở qua hệ thống để liên lạc với BCH pháo binh sư đoàn 18 Bộ binh. Đoạn đường đã bỏ  từ nhiều năm nên cỏ mọc hai bên đường ngăn cả lối đi, trời thật tối, tôi đứng bên hông xe khoảng 50 thước tôi lại bật đèn Pin lên rọi về hướng trước để tài xế  liếc nhìn đoạn đường  mà chạy, và cứ thế  chúng tôi tiếp tục di chuyển trên con đường đã bỏ trống cả gần 10 năm nay.Lúc tôi di chuyển có đơn vị của bộ chỉ huy tiểu khu cùng di chuyển theo chúng tôi, tôi dừng lại  và ra lệnh cho  đơn vị nầy phải di chuyển xa chúng tôi và không được mở đèn, đến sang hôm sau khoảng 9 giò, chúng tôi đã về đến Đức Thạnh, đơn vị tôi tới nơi an toàn, duy chỉ có Trung Tá Long tham mưu trưởng Tiểu khu Long Khánh,  ông là người chỉ huy đoàn xe chạy theo tôi lúc đêm qua đã không may bị cộng quân phục kích và ông đã tử thương, tất cả chúng tôi đều hoàn hồn và nghĩ rằng ông tham mưu trưởng đã mở đèn và vì vậy bọn Việt cộng đã phục kích bắn trúng xe ông ta. Vừa vào đến vị trí, tôi được lệnh phải sẵn sang tác xạ.

        Gióng hướng súng vừa xong thì tôi nhận được lệnh  tác xạ yểm trợ cho lữ đoàn 1 dù. Các mục tiêu nằm ngoài tầm pháo, vì vậy chúng tôi chỉ bắn vài chục quả để dọn mục tiêu, trong lúc đang tác xạ tôi lại nhận được lệnh trung đội lại chuẩn bị lên đường. Đại Úy Hoàng Uông Lễ trưởng ban 4 tiểu đoàn sẽ tiếp tế cho tôi 10 xe đạn vào chiều nay tại ví trí hành quân mà tôi sắp sửa di chuyển đến. 02:00 chiều tôi nhận được lệnh sẽ di chuyển Trung đội trở ngược về hướng Chi Khu xuân Lộc để yểm trợ cho Lữ đoàn 1 dù đang hành quân ở Cẩm Tâm, Cẩm Mỹ. Đơn vị hộ tống cho tôi lúc bấy giờ là một đơn vị của Chi khu Đức Thạnh với  một trung dội , tôi chỉ thấy họ đưa hộ tống đơn vị tôi bằng 02 xe cơ giới mà thôi, tôi trở laị trên con đường mà sáng nay tôi đã đi qua,  trở lại được khoảng hơn 10 cây số, tôi được lệnh đóng tại đây để yểm trợ cho Lữ đoàn 1 dù.  Tôi cho  02 khẩu pháo đóng ngay bên đường đi, chỉ cách đường không đầy  5 thước, gióng hướng sung, thiết lậ xạ bảng và  sẵn sang tác xạ.  Khi vừa chiếm đóng vị trí xong không đầy nửa giờ, tôi nhận được lệnh tác xạ từ sĩ quan liên lạc của Lữ đoàn 1 dù, “Đích thân” là danh hiệu của Lữ đoàn trưởng vô hệ thống và ông đã trực tiếp liên lạc với tôi. Tôi đã bắn yểm trợ cho lữ đoàn vào bìa rừng cao su được chừng 20 tràng thì cùng lúc ấy đại Úy Hoàng Uông Lễ  ông đa dẫn một đoàn xe quân vận  và tiếp tế cho tôi thêm 10 xe đạn nửa. Binh sĩ quá  mệt mỏi sau một đêm không ngủ, giờ lại vừa tác xạ và vừa tháo đạn nên rất mệt, tôi liên lạc với Bộ chỉ huy pháo binh sư đoàn xin tăng cường  người để phụ giúp tháo đạn, tôi được tăng cường thêm 10 loài chim đi biển (Lao công đào binh) để phụ giúp cho các khẩu đội.  Tôi cũng không còn nhớ rõ các Lao công đào binh nầy đã đến bằng phương tiện gì nữa,  tôi tiếp tục vừa tác xạ yểm trợ cho lữ đoàn dù cho mãi đến 07 giờ tối, trong lúc tác xạ, đồng bào đã di chuyển từ hướng Long khánh đi ngang qua vị trí cuả tôi rất nhiều từng đợt, từng đợt, tôi nghĩ ngay biết đâu trong đám dân di chuyển nầy lại không có những tên cộng sản trà trộn, và như vậy chúng nó sẽ báo cáo vị trí của tôi thì chỉ có chết mà thôi,  nghĩ như vậy nhưng không làm cách nào ngăn cản người dân di chuyển được, tôi đành nhắm mắt mặc cho mọi việc gì đến thì phải đến mà thôi.

       Trời đã quá tối, đơn vị cơ giới bảo vệ cho tôi họ đã đi từ lúc nào chúng tôi cũng không biết, tôi lien lạc với BCH Pháo binh sư đoàn để báo cáo tình hình và xin lệnh rút lui nhưng lúc đó BCH pháo binh sư đoàn không có lệnh gì cho tôi cả mà bảo tôi chờ ở đó đợi lệnh. Trời bắt đầu tối, những cơn gió lạnh thổi đến, lại them những đoàn người di chuyển ngang qua vị trí, càng làm cho chúng tôi càng lo lắng hơn, giá như trong đoàn người di chuyển nầy có vài tên Việt cộng trà trộn, và khi đi ngang qua vị trí của tôi chúng bắn vài phát AK vào vị trí đóng quân của tôi lúc bấy giờ thì tôi không biết sẽ phải giải quyết như thế nào nữ, đơn vị bạn yểm trợ cho tôi thì họ đã đi từ lúc nào, chúng tôi mãi mê tác xạ mà không để ý đến đơn vị bạn đã bỏ chúng tôi đi từ lúc nào rồi,  chưa bao giờ một đơn vị Pháo binh yểm trợ mà không có đơn vị bộ binh bảo vệ vị trí như đêm nay. Sauk hi biết được  đơn vị cơ giới đã bỏ chúng tôi và đã rút lui trước, thật sự lúc đó tôi vô cùng lo lắng, nếu cộng quân tấn công chúng tôi ngay lúc bấy giờ thì không biết chúng tôi sẽ phải đối phó ra sao nữa.

      Trời càng tối rất mau, quá nguy hiểm mà đơn vị pháo binh của tôi giờ lại không có ai bảo vệ, không chờ được nửa, tôi ra lệnh cho binh sĩ móc súng vào xe và tự động chạy trở lại Đức Thạnh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi  tôi đã quyết định một cách liều lĩnh mà không chờ lệnh lạt gì cả, khoảng cách chỉ 10 cây số mà tôi bổng thấy thật xa, xe chạy trong đêm tối, thỉnh thoảng có tiếng sung nổ phía sau lưng càng làm cho chúng tôi lo sợ hơn. Chúng th6i chạy thụt mạng, chạy trong đêm tối và chỉ mong sao cho mau về đến vị trí. Đơn vị tôi thật sự may mắn, tôi về đến vị trí Đức Thạnh lúc đó khỏang gần 10 gờ đêm, tôi báo cáo tình hình cho Bộ chỉ huy Pháo binh Sư Đoàn, va lúc dó sĩ quan trực là Trung Úy Hà Phương Đính  vẫn còn cho lệnh tôi ở ngoài vị trí và đợi lệnh. Gần 15 phút đứng ở ngoài cổng, tôi được lệnh cho Pháo vào vị trí, tôi cho lệnh các khẩu vào vị trí, going hướng sung và xuống đạn dược, an hem binh sĩ và tôi mệ lã người sau 2 ngày di chuyển, cũng may tôi kịp trở về chứ nếu cứ ở đó đợi lệnh thì có lẽ hôm nay  tôi không còn để viết trang hồi ký nầy.

     Đêm hôm đó chúng tôi tạm ở lại Đức Thạnh và sáng sớm hôm sau đơn vị di chuyển về Long Bình, Thấy tôi qúa vất vả trong những ngày cuối, vì vậy Thiếu tá Tiểu  đoàn trưởng đã ký giấy phép cho tôi về thăm nhà, còn đơn vị sáng sớm hôm sau trở về Long Bình, vì vậy vào những giờ phút chót của đơn vị tại Long Bình  tôi không được tham dự.

     Bài viết nầy tôi muốn nói lên tinh thần chiến đấu của chúng tôi nói riêng và cũng là tinh thần chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong những giờ phút chót ở chiến trường Xuân Lộc. Cho đến những giây phút chót chúng tôi vẫn thi hành lệnh một cách tuyệt đối .Tôi cũng cảm ơn Thiếu Tá Nguyễn tiến Hạnh, vị tiểu  đoàn trưởng sau cùng của tôi, cũng nhờ ông ra lệnh cho tôi  từ Núi Thị  xuống gặp ông và đã được di chuyển cùng ông trong những giờ phút cuối  của Sư đoàn 18 tại xuân Lộc. Tôi được biết trung đội pháo binh ở Núi thị sau khi phá huỷ súng bằng đạn M-14, Trung Úy Trung đã theo tiểu đoàn 2/43 rút lui xuống núi và  đơn vị nầy đã chịu tổn thất rất nhiều, sau đó tôi tập trung vào các trại tù với các sĩ quan trong đơn vị như: Trung Úy Nguyễn Đắc Tài, Trung Úy Nguyễn tiến Hiệp trong suốt thời gian ở các trại tù GK3 Long Khánh, rồi di chuyển lên Phước Long chúng tôi đều được ở chung trong một tiểu đoàn,  cho đến năm 1979 trong lúc đơn vi lên Trung đoàn để chặt tre và gặt lúa, trên đường về các anh đã vượt trại và cho đến nay chúng tôi không nhận được tin tức gì về các anh nữa. Khi vượt biên qua đây, tôi cũng không được tin tức của Trung Úy Trung Trung đội trưởng Pháo Binh đóng tại Núi Thị và các binh sĩ cùa Trung đội nầy.

      Tôi đã được gặp lại Bảo Định (Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế) tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/43 tại San Jose, Thiếu tá Nguyễn hữu Chế xuất thân  khóa 13 Trừ bị Thủ Đức, Ông là một sĩ quan gan dạ, một sĩ quan ưu tú của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Ông luôn luôn được đề nghị là chiến sĩ xuất sắc của Sư đoàn 18 Bộ binh nói riêng, và là sĩ quan xuất sắc của QLVNCH nói chung.  Ông đã viết những bài thật xúc động và chúng tôi không thể ngờ ông không những  là một sĩ quan tài ba trên chiến trường    còn là một cây bút tuyệt tác nữa. Chúng tôi đã được đọc những bài viết của ông như: Võ Đắc trong biển lửa, lui binh, đi tìm xác chồng v.v…Tôi cũng đã được gặp lại  Thiếu Tá Nguyễn Tiến Hạnh  con chim đầu đàn của Tiểu đoàn 181 Pháo Binh, vị tiểu đoàn trưởng cuối cùng trong đời binh nghiệp của chúng tôi, ông là một sĩ quan trẻ, gan dạ và rất được các sĩ quan trong đơn vị thương mến, tôi cũng đã được gặp lạ Đại úy Đặng Hồng Tâm, Đại Úy Hoàng Uông Lễ, Trung Úy Trần Ngọc, Trung Úy Trần ngọc Thông, Trung Úy Dinh văn Phùng, Trung úy Nguyễn Phi Hùng, Trung Úy Cao Ngọc Tú, Trung úy Đoàn thanh Bình, Trung úy Trần hữu Rật, tôi cũng được nói chuyện qua điện thoại với Thiếu Tá Vòng Phát Sáng Tiểu đoàn Phó, Đại úy Vũ huy Thiện, Trung Úy Ngô thanh Lệ, Thiếu uý Hoa tuy nhiên cho đến giờ phút nầy  tôi cũng chưa có dịp để ghé thăm quý vị nầy.

     Ước mong có một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại gặp lại nhau trên mảnh đất Việt Nam quê hương yêu dấu của chúng ta, để nhớ lại những kỹ niệm của thời xa xưa khi quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta  thật sự hoàn toàn tự do.

 

Nguyen Huu Nhan - California



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/Apr/2008 lúc 10:44am

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ

 

Bỗng dưng lòng cảm thấy buồn

Nhớ quê, nhớ phố, nhớ nguồn nhớ sông

Nhớ trời phương cũ mênh mông

Bao nhiêu kỷ niệm sầu chong ngọn đèn

Nhớ bàn tay ấm thân quen

Nhớ lần tiễn biệt bạn hiền năm xưa

Sài Gòn sớm nắng chiều mưa

Ðường khuya phố nhỏ chân khua nhịp buồn

Chuyện đời ôm giấc cô miên

Người đi còn lại ưu phiền trong tim

Tháng ngày in dấu chân chim

Buồn theo nỗi nhớ im lìm hư không

Mộng xưa chôn chặt trong lòng

Người đi biền biệt vời trông bóng hình

Ðêm nay trời nước lặng thinh

Bâng khuâng nỗi nhớ riêng mình … ai hay…

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/Apr/2008 lúc 10:57am

ẢO MỘNG ÐÊM NAY

 

Chiếc lá lìa cành lặng lẽ rơi

Ðêm nay trăng sáng một khung trời

Thu phong trở giấc mang hơi lạnh

Thương áo phong trần rách tả tơi

 

Một cõi đi về ta với ta

Nghìn trùng mây nước mịt mờ xa

Vẳng trong hư ảo vang lời gọi

Âm hưởng vọng về, ôi thiết tha

 

Ta có còn chi ở cõi này

Khối tình theo gió đã xa bay

Sông hồ ngược sóng, thân phiêu bạt

Ðất khách tha phương tủi phận thay

 

Chẳng khách tài hoa, chẳng kiếm cung

Chẳng thân tù tội chẳng cùm gông

Chẳng quen gió chướng dầm mưa nắng

Chẳng chiến công dày đẹp tổ tông

 

Liễu yếu quần thoa phận má hồng

Ly hương một kiếp vẫn hoài mong

Thu ba chớ gợn trong màu mắt

Góp một chút gì … rạng núi sông

 

Ðông phong trở tiết, se se lạnh

Thao thức canh trường dạ ngẩn ngơ

Tiếc nuối xuân xanh, buồn tuổi ngọc

Chỉ còn ảo mộng đến trong mơ …

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/May/2008 lúc 4:36pm

BAO GIỜ TÔI QUÊN

 

Tôi nhớ lại ngày tôi lên ba tuổi

Giặc Pháp bạo tàn xâm chiếm miền Nam

Máu lửa ngập trời dân chúng lầm than

Biết bao cảnh sống màn trời chiếu đất

 

Tôi chạy theo Cha băng qua đồn giặc

Những tiếng hét hò hòa lẫn tiếng súng vang

Ðoàng…đoàng ! ôi dòng máu đỏ tuôn tràn

Cha tôi đã mê man vì trúng đạn !

 

Hơn một tháng thuốc thang Cha khỏe lại

Mẹ thay Cha ròng rã suốt bao ngày

Rồi dìu dắt nhau lánh nạn

Mẹ, tay dắt tay bồng

Cha, vai mang vai gánh

Băng súng đạn hầm chông

Giặc đuổi theo sau … đạn bay tứ phía

Một vùng mịt mù chẳng thấy Cha đâu  ?

Sáu mẹ con tôi khóc ngất thảm sầu !!!

 

Trời vừa sụp tối

Giặc không còn nhìn thấy mẹ con tôi

Có lẽ Phật Trời thương tưởng

Chỉ phút giây mạng sống chẳng ai còn

Nhưng còn Cha, đang lạc chốn đầu non

Hay Cha đã … đã không còn nữa !

 

Một mình thân Mẹ

Xác xơ dìu dắt năm con

Sức yếu, lực tàn thân xác héo hon

Ðến nửa khuya

Mẹ con tôi đói mòn nằm lã

Bỗng tiếng thét gầm vọng đến từ xa

Sáu mẹ con như đã

Hồn bay phách lạc …

 

Tiếng gầm thét càng gần

Ðàn voi đã đến

Mẹ kéo lết đàn con

Vào núp kín giữa rặng nương mì

Mọi người đều nín thở

Mắt nhìn nhau như đã đứng tròng

Em út tôi dù một tuổi

Nhờ ơn trên phò hộ, nó lặng thinh

 

Ðàn voi đến sát bên mình

Mẹ quỳ sụp xuống ngước nhìn trời cao

Lâm râm lời Mẹ khẩn cầu

Nhờ ơn Trời Phật nhiệm mầu cứu nguy

Chị, anh tôi ôm tôi và út

Nước mắt trào tuôn … giờ phút tử thần

 

Bỗng, một loạt gầm vang

Ðàn voi rẽ sang ngã khác

Mẹ ôm các con giọt lệ tuôn tràn

Trời Phật đoái hoài

Cứu mạng mẹ con tôi

 

Một hình ảnh hãi hùng

Một linh thiêng mầu nhiệm

Sẽ theo tôi …

Ðến mãn kiếp cuộc đời !!!

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/May/2008 lúc 4:41pm

BA MƯƠI NĂM

 

Rồi một hôm tình cờ anh khẻ hỏi

Em là ai, từ đâu đến nơi đây

Và muốn hiểu về em thêm chút nữa

Cuộc tình riêng ngang trái tự bao ngày

 

Em vội vã gom than hồng bếp lửa

Gọi tim về nhen nhúm chuyện ngày xưa

Ôi, chóng quá thời gian trôi lặng lẽ

Ba mươi năm đau xót nói sao vừa !

 

Ba mươi năm, một thân cò cơ cực

Ba mươi năm nghe ngập đắng bờ môi

Nhưng hỡi anh, xin anh đừng hỏi nữa

Hiểu làm chi những năm tháng đơn côi

 

Em chỉ muốn riêng mình ôm kỷ niệm

Từ mắt xanh đến lúc tóc bạc màu

Một kiếp người bóng câu qua cửa sổ

Thời gian nào che giấu được hư hao

 

Ngẫm cuộc đời thoáng như cơn gió lốc

Ðã hết rồi mơ mộng với kiêu sa

Em bây giờ mắt môi xưa phai nhạt

Ba mươi năm rồi … cứ tưởng mới hôm qua

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/May/2008 lúc 10:07pm

BIỂN TÌNH

 

gửi đến người

một mối tình muôn thuở chẳng thành …

 

dài như biển bao la như núi

tựa chiếc nôi biển cả quê hương

dạt dào ân ái

dồn dập yêu thương

mặn mà chung thủy

vô vàn vấn vương

biển những chứa yêu thương

thương yêu bao giờ cạn

biển giữ dùm ân ái

ái ân mãi vơi đầy

biển đừng cho ta thấy

khô cạn tình thủy chung

biển vấn vương những sóng

vấn vương hoài nhớ mong …

 

từ lòng biển trắng trong

một khối tình cay đắng

từ lòng biển giận hờn

những đớn đau dồn dập

từ lòng biển thì thầm

nhớ…nhớ ai tha thiết

biển ơi, nào có biết

người mang hận tình ta

một nấm mồ êm ả

vùi mối tình hư vô !

 

đêm nay - người ơi

người êm đềm giấc ngủ

ta ôm hận vỗ về

hồn anh đi đâu đó

ta mòn mỏi đợi chờ

người ơi … thương tự bao giờ

để ta ôm mãi giấc mơ suốt đời

đến, đi, đến chẳng đến nơi

ai dìu ai hết … đoạn đời của nhau  ?...

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngo Phu
Ngày gởi: 03/May/2008 lúc 5:52pm

PHỔ MỘT VẦN THƠ

Tái tê một mảnh tình xưa
Để bao ngày tháng vào mưa gió rồi
Tuổi xuân bàng bạc phương trời
Chắt chiu thầm gửi ngậm ngùi cho nhau
 
Trôi đi giọt nắng chân cầu
Thời gian lặng lẽ... đọng sầu trên tay
Sợi buồn khóe mắt men cay
Cho ta mệt mỏi tháng ngày lặng câm
 
Vần thơ ai nhỏ giọt thầm
Ta xin ta với tháng năm đợi chờ
Tình anh ta phổ vào thơ
Thời gian ngừng lại trên bờ... môi anh...
 
NPNA
 
 


Người gởi: Ngo Phu
Ngày gởi: 03/May/2008 lúc 6:01pm
TẠ TÌNH THƠ
 
Đời còn gì đẹp để trao nhau
Lớp phấn son xưa cũng nhạt màu
Nhan sắc khuynh thành rồi cũng úa
Hồn thơ còn mãi đến ngàn sau
 
Đa tạ duyên thơ, đa tạ thơ
Như con thuyền mộng tạ dòng mơ
Thi nhân tạ nghĩa tình thi sĩ
Em nhận thơ rồi... mãi ngẩn ngơ
 
Xin cảm ơn đời quá dễ thương
Đời cho cuộc sống lẽ vô thường
Em cam tâm chịu nhiều cay đắng
Anh viết thơ chia xẻ đoạn trường
 
Thơ tạ tình thơ, lòng tạ lòng
Nghĩa ân, ân nghĩa nợ tao nhân
Bút hoa, ý ngọc hồn trên giấy
Tặng phẩm tình thơ đẹp má hồng
 
Xin gửi về anh, anh của em
Bài thơ viết vội để anh xem
Là tình em đó, trao anh đó
Lệ ứa... em cười với bóng đêm
 
NPNA


Người gởi: Ngo Phu
Ngày gởi: 03/May/2008 lúc 6:53pm
Thưa quý bạn đọc yêu thơ
Thưa thi sĩ Ngọc An
 
Ngô phủ tình cờ xem qua trang Đêm Sông Ba của nhà thơ Thy Lan Thảo- Thấy tấm hình nữ sĩ Ngọc An ra mắt thi tập " Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng"- NP sực nhớ đến cuốn Thơ này đã có trong tay mười mấy năm qua dịp tham dự- Nhiều bài thơ gây cảm xúc cho NP- Xin phép t/g NPNA cho NP đưa lên 2 bài thơ TẠ TÌNH THƠ & PHỔ MỘT VẦN THƠ đầy xúc cảm để quý bạn cùng xem và đây xin có đôi lời kính gửi :
 
XIN CẢM THÔNG
 
" TẠ TÌNH THƠ " - " PHỔ MỘT VẦN THƠ "
Nhân đã xem qua dịp bất ngờ
Khó nén lời thơ văn kết kén
Khôn ngăn câu tặng ý vương tơ
Người xem xao xuyến lòng man mác
Kẻ đọc bâng khuâng dạ thẩn thờ
Mạn phép gửi lên cùng bạn đọc
Mong nhà nữ sĩ cảm thông cho
 
Ngô Phủ


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/May/2008 lúc 8:03pm

ĐỊNH MỆNH

                                  

Tùy bút : Nguyễn Phan Ngọc An

                                     

Tiếng gà gáy vang vang hòa theo tiếng xe chạy rần rật ngoài lộ, anh đã thừa biết trời gần sáng…Anh tung chăn ngồi dậy nhìn đồng hồ, đã 5 giờ rưỡi, anh còn nhớ kỹ lời dặn của mẹ anh, hôm nay lúc 7 giờ sáng có chuyến tàu đi theo ngã sông Hương vượt biển. Mẹ anh đã đóng 3 cây vàng cho anh và thu xếp một ít hành trang cần thiết cho anh trong chuyến vượt biên này…Anh không thể nào quên hình ảnh người mẹ hiền từ nhân hậu, từ khi nhận thức được anh đã thấy mẹ luôn luôn thương yêu chăm sóc anh chu đáo mọi bề, anh cũng không thể nào quên được những hình ảnh phá phách của anh từ tiền bạc đến của cải do hậu quả ăn chơi quá đáng của anh, 13 tuổi anh đã đua đòi bè bạn thụt bi da cá độ, đánh bài phé, đua xe ăn tiền…Anh thuộc về hạng cậu ấm, con nhà khá giả, anh vung tiền qua cửa sổ từ khi mới 13 tuổi. Bây giờ sắp lià xa mẹ để chọn cho mình một con đường, may thì có tương lai rực rỡ, rủi thì làm mồi cho cá sấu, cá mập hay vùi thân trong trại tù giam “ Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con” Anh ta không còn con đường nào để chọn lựa…năm nay 19 tuổi rồi, học hành dang dỡ, mãi theo bạn bè con nhà giầu chơi những trò nguy hiểm, hôm tuần rồi trong cuộc đua xe thằng Tâm con chủ tiệm vàng Kim Thanh đã té xe và chết liền tại chỗ, tháng trước thằng Dũng con ông bà Viện Trưởng Viện Kiểm Sát đã gẫy một chân, thằng Hào con cô Nữ chủ lò bánh mì cũng đã vong mạng vì đua xe…anh ta vẫn còn may mắn bình yên sau nhiều cuộc đua xe chết người…Anh mê cờ bạc, mê bi da đến độ cầm bán không biết bao nhiêu là của cải của mẹ anh, có một lần anh chơi bi da cá độ với một việt kiều về nước, ỷ mình tài đánh bi da có hạng, anh cá chấp người bạn việt kiều 20 điểm, thế là sau trận giao tranh bi da lỗ, anh thua đứt 20 triệu đồng VN – Lần đó anh cầm chiếc xe Dream rồi bán đứt luôn, mẹ buồn mẹ khóc…anh hăm dọa phá nhà tan hoang ! Sau đó anh hối hận trong lòng nhưng rồi chứng nào tật nấy, anh vẫn làm mẹ khổ sỡ tiếp tục vì những phá phách của anh không có cơ may được biến đổi ! Năm 16 tuổi, trong một buổi chiều anh và các bạn trong xóm rủ nhau lấy xe chạy vòng vòng xa lộ, mỗi một chiếc xe chở hai chạy bon bon trên lộ, đi ngang một cô bé xinh xinh, bạn anh ngồi đàng sau đưa tay ôm choàng eo cô bé khiến cô bé té lộn nhào trên đường. Cha mẹ cô bé thưa kiện, thế là cả bọn bị Công An bắt giam cả người lẫn xe – Mẹ anh hay tin chạy vào trại giam hỏi cớ sự, người Công An trả lời :

-           Con trai cô đã bị thưa về tội chọc gái ngoài đường gây thương tích, phải bị giam cảnh cáo một tuần và bồi thường 5 triệu đồng thiệt hại cho nạn nhân.

-           Thưa anh, lỗi không phải do con tôi mà là người ngồi đàng sau hành động, sao lại bắt con tôi bồi thường ? Mẹ anh ta thắc mắc hỏi lại tên Công An.

-           Chị hiểu cho, chúng tôi nắm kẻ có tóc, không nắm kẻ trọc đầu…Con chị dại dột chở vào thằng bạn lưu manh thì rán mà chịu. Nếu chị không giao số tiền 5 triệu bồi thường thì chiếc xe và con chị chúng tôi xin phép phải giam giữ theo luật hiện hành.

Anh ta lúc ấy đứng bên trong phòng nhìn thấy sự việc, bước ra nói với mẹ :

-           Mẹ đền đi cho rồi, để cho con về và lấy xe ra chứ mấy thằng kia nhà nghèo đâu có tiền đền !

Lúc đó, mẹ anh ta không làm cách nào hơn vì người Công An đã nói thẳng “ nắm kẻ có tóc, không nắm kẻ trọc đầu” thế là phải bồi thường 5 triệu để cho anh và xe được về…

Anh là người rất được cảm tình mọi người và bè bạn, chỉ tội phá của thì không ai bằng, anh vẫn nhớ chiếc xe tốc hành của mẹ dùng để chở khách hàng ngày, anh lấy chở 20 thằng bạn đi Long Hải ăn nhậu, nhét cứng một xe đầy như nhét cá mòi hộp, anh đã bắt mẹ phải cho tiền đưa bạn đi chơi, anh mua 2 cây thuốc ngoại 555 chia cho mỗi thằng 1 gói, xuống đến Long Hải anh bao toàn bộ ăn uống, nhậu nhẹt đến cả bao gái cho các bạn luôn…Ngày đó mẹ mất sở hụi chuyến xe chở khách mà lại còn phải tốn cho anh một số tiền khá nhiều. Mẹ chiều anh quá nên anh hư, mà cũng do anh hung dữ áp đảo nên mẹ phải chiều cho xong chuyện, thành ra càng ngày anh càng hư hỏng, nghĩ mà thương mẹ…Bây giờ sắp xa mẹ để bước vào con đường rủi may của mệnh số, lòng anh bùi ngùi vô hạn, mẹ có hiểu cho sự hối hận tràn đầy trong anh, mai này cầu xin cho anh đến được bến bờ tự do, anh nguyện trong lòng sẽ đền ơn báo hiếu hầu an ủi phần nào cho mẹ nơi quê nhà…

Đã đến giờ ấn định, anh vội vã bước ra đường nhìn về hướng sông Hương. Đêm qua, anh từ giã mẹ xuống nhà quen ngủ cho gần sông Hương, bến sông vắng tanh, không một bóng người ! Anh lặng lẽ đi dọc theo bờ sông Hương, bầu trời mùa thu mát mẻ, thỉnh thoảng những chiếc lá khô rơi rụng bay lả tả uốn tròn trong gió sớm, nhìn cảnh thấy đẹp như một bức tranh sống, anh buồn trong lòng, chỉ phút chốc nữa anh phải lià xa quê hương, lià xa những phong cảnh tuyệt vời đã cùng anh ấp yêu bao kỷ niệm cùng gia đình, bè bạn thân thương…Lòng anh chùng xuống nặng nề, anh ngồi qụy trên mõm đá sát bờ sông để nghe từ tâm thức mình đang dâng lên cơn bão động ! Anh chợt thấy lo sợ cho một cuộc hành trình phú cho định mệnh, một cuộc hành trình bấp bênh hoàn toàn nhờ vào sự rủi may…Làm sao anh có thể quên được những hình ảnh hãi hùng trong ký ức chỉ hơn hai năm qua, bến sông này đã trôi giạt vào hơn một trăm xác chết, nổi lềnh bềnh ghê rợn, cả thành phố ai cũng túa bủa ra để tìm kiếm thân nhân, những tiếng khóc nức nở vang dậy một khúc sông buồn, một người đàn ông trạc gần 50 tuổi, tay dẫn hai đứa con thơ ra tìm xác vợ, ông ta đứng chết lặng bên một tử thi người đàn bà đã cứng đờ…thành phố này không ai còn xa lạ với ông ta, ông là một sĩ quan vừa đi tù Cộng Sản về, vợ ông là cô Linh, một người phụ nữ đẹp chuyên nghề buôn bán thuốc tây tại tỉnh nhà để nuôi hai đứa con và nuôi chồng tù tội – Cuộc đời là những đổi thay, tráo trở nào ai biết được nên ông Trời đã đặt cho nhân loại một câu nhắc nhở “ Thiên bất dung gian” để cảnh cáo loài người nhưng chẳng ai biết sợ cứ thản nhiên hành động bất nhân gian dối để rồi lãnh hậu quả tức thì – Anh vẫn nhớ mãi câu này Mẹ anh thường nói để khuyên anh trong cuộc sống đảo điên trăm bề, anh tuy phá của phá tiền nhưng không làm điều gian dối, lường gạt ai bao giờ mà trái lại anh rất thương người, giúp đỡ người, rộng rãi với mọi người…

Mọi người đứng xung quanh cha con ông sĩ quan mà ứa nước mắt, ông tên Quân, ông Quân không khóc, gương mặt đầy nỗi khắc khổ đến thương tâm, từ trái tim cằn cỗi khổ đau kia đang chồng chất thương yêu và thù hận ! Chị Linh vợ anh đã tàn nhẫn bỏ ông và hai con, trốn đi vượt biên với nhân tình, ông đã nghe trong thời gian qua là vợ đang cặp bồ với một người đàn ông khác và hay lân la cùng người đó quan hệ ghe tàu – Ông Quân đã nghe phong phanh cả 4 tháng qua nhưng chỉ biết cầu nguyện ơn trên cho đây là chuyện bịa đặt, hơn thế nữa, ông là một kẻ tội tù vừa được hồi sinh từ địa ngục trần gian, ông cần phải sống, ông đã từng mơ ước bao năm ngày xum họp vợ con, ông không thể làm điều gì khác hơn là im lặng và buồn tủi trong lòng mà thôi ….Ông Quân và hai đứa con quỳ xuống lạy xác chị Linh rồi thuê xe mang xác về tẫn liệm, một người phụ nữ đẹp đã đi vào thiên cổ lúc tuổi còn xuân xanh ! phải chăng đây là hình phạt mà ông trời dành cho những kẻ sống vô nhân, bạc nghĩa, bạc tình ?

Lần lượt trong ký ức anh sống lại những chuyện hãi hùng của những chuyến vượt biên xãy ra liên tiếp tại ngay tỉnh nhà của anh, anh cảm thấy hồi hộp khác thường cho chuyến đi mạo hiểm này, anh còn nhớ cách đây hơn bốn năm, cách nhà anh chừng 200 mét, cô Ánh dẫn 4 đứa con đi vượt biên, các con của cô đứa lớn nhất cũng đã 14 tuổi, là bạn quen của anh. Chú Soi chồng cô Ánh làm nghề sửa tủ lạnh, máy giặt rất chuyên nghiệp - Chú Soi, Cô Ánh ly dị đã 5 năm, cô cặp bồ với chú chủ ghe còn trẻ hơn cô 7 tuổi, trong một đêm không trăng, không sao, chiếc ghe rời bến, chiếc ghe đã ra đi mãi mãi không bờ bến đậu, chiếc ghe đã đưa những con người đang mơn mởn yêu cuộc sống về vùng đất nghìn trùng, về với biển cả bao la ! Hơn bốn năm rồi không tin tức, cả đoàn người trên chiếc ghe không có một tin tức nào về cho gia đình, cho thân nhân hay cho bạn hữu…Anh càng không quên chuyến ra đi vượt biển đầy gian lao của vợ chồng Chú Nghĩa cô Phụng ngay sau lưng nhà anh cũng cách nay chừng 3 năm – Chuyến ghe khoảng hơn 80 người , vợ chồng chú Nghĩa mang theo hai con nhỏ, giữa biển lớn gặp cơn bão cấp 12 tàn bạo, chiếc ghe chống chọi không nỗi với thần biển nên bị sóng lớn đánh lật úp – Anh Nghĩa vì quá lo cho hai đứa con, anh cố bám kéo hai con nên cùng ngập xuống biển sâu, chị Phụng may mắn chụp được cái can không bằng nhựa, chị bíu chặt bơi theo dòng nước xoáy, chị là gái miền tây bơi rất giỏi, cuối cùng trên chiếc ghe định mệnh chỉ còn sống sót một mình chị Phụng, tất cả đã ra đi không một lời từ giã, không hẹn ngày trở lại bao giờ !!!

Nhớ lại và hình dung lại, anh rùng mình sợ hãi tháo bước quay lui, những mơ ước về chân trời hoa gấm đã nhạt nhoà trong anh, bầu trời tự do như không còn ý nghĩa gì để có thể níu kéo bước chân đứng lại, anh chạy một mạch về nhà người bạn, thu gom vài món đồ của mình rồi ra xe Honda ôm về nhà – Mẹ thấy anh về, hốt hoảng hỏi :

-           Cớ sao con lại trở về nhà ?

-           Con chờ hoài chả thấy ghe đâu cả, không lẽ đứng đó chờ Công An lại bắt ? Anh trả lời.

Chợt có tiếng xôn xao ngoài đường lộ trước nhà, anh chạy ra nghe ngóng, họ đang bàn tán về chiếc ghe vượt biên bị bắt vào buổi sáng hôm nay, tất cả có 49 người, bị bắt đem nhốt trong trại giam của Công An Tỉnh, trong đó có cô ca sĩ nổi tiếng Thanh Lan, vừa đẹp vừa hát hay mọi người ai cũng thích cô cả…Anh bàng hoàng, hỏi ra tên chủ ghe anh mới xác định đúng là chiếc ghe mẹ đã lo cho anh đi, ghe đã bị bắt còn anh thì cứ đứng trên bờ sông trông ngóng ! May mắn từ đâu đem đến cho anh, anh lầm thầm cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn Trời Phật đã cứu anh thoát tù tội…

Thời gian trôi qua, anh vẫn quen thói ăn chơi phá của phá tiền, mẹ lại gởi anh đi…lần này đi ghe lớn. Ông chủ ghe tên Chú Ba Hạnh, nhà tại Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, theo như mẹ anh nói thì chiếc tàu chứ không phải chiếc ghe vì lớn lắm tới 6 máy đầu xanh Kubota – Đêm tới, một chiếc xe cam nhông đổ tại chợ để chờ bốc khách, mẹ anh cũng là một trong những người lo lương thực và bãi bến nên anh không phải tốn vàng đóng cho chú Hạnh. Anh leo lên xe cam nhông theo đoàn người lên trước, tự nhiên như hành khách đi xe đò không thấy ai sợ hãi bắt bớ, thì ra chú Hạnh đã mua đứt Công An tại đây…Trên đường xe chạy đến cầu Phú Mỹ thì thấy đàng trước có công an chận lại tuần tra về đêm vì lúc đó là 2 giờ sáng, mẹ anh thì chạy xe Honda phiá trước để dò đường xem tình hình an ninh hay trở ngại cho xe cam nhông – Trước mặt mẹ là hai chú công an đang cầm đèn pin dọi xa về phiá chiếc xe cam nhông, mẹ anh lanh trí tốp xe Honda lại sát vào hai anh Công An, làm bộ hỏi han lăng xăng nhờ các anh chỉ tìm mụ đở đẻ cho người chị đang chuyển bụng, các anh đêm khuya gặp phụ nữ xinh xắn nên vồn vã nói chuyện làm quen…thế là xe cam nhông vượt qua thoát nạn ! Lên một quãng xa đến chỗ quẹo trái để vào bãi bến, khách vừa đổ xuống để đi bộ xuống bãi thì chó hai bên đường sủa vang làm chấn động đêm khuya tĩnh mịch…mọi người sợ hãi chạy nhanh, anh cũng chạy theo họ. Khi đến bến bãi, anh đã nhìn thấy chiếc tàu to lớn nằm chờ ngoài xa, sát bờ là 4 chiếc ghe nhỏ lần lượt đưa khách ra tàu lớn…tưởng đã an toàn, mọi người hăm hở bước sang tàu lớn, chú Hạnh là người lên tàu sau cùng sau khi đã chuyển hết người nhà và khách lên tàu. Bỗng một loạt súng nổ vang, một toán khoảng gần 10 người công an bô đội du kích gì không rõ chạy nhanh tới, bắn ào ạt xuống tàu lớn la to “đứng lại, đứng lại”…Người tài công không dám chạy khi những phát đạn ria gần tàu tứ tung làm ông khiếp đảm và tung tóe cả mặt nước đen ngòm về đêm nhưng chú Ba Hạnh giục tài công phải chạy vì cả tài sản lớn lao này ông không thể để mất vào tay họ, ông đã bán nhà, bán vườn và còn lấy một số vàng của bạn bè bỏ vào mua tàu và cho gia đình họ cùng đi trên chuyến tàu này !

-           Lái mau đi, tụi nó không có ghe đâu thể rượt bắt mình kịp, tăng tốc độ lên, mau lên…Chú Ba Hạnh hổn hển vừa thở vừa gấp gáp nói.

Tàu chạy được một khoảng xa, chưa kịp mừng thì từ đàng xa một chiếc ghe chạy với tốc độ thật nhanh tiến tới, trên ghe tới gần thấy rõ hàng chữ “ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt  Nam” , “thôi chết rồi” chú Hạnh buột miệng thở dài…tài sản của chú sẽ thành tro bụi! Họ bước lên tàu trong khí thế hung hăng, súng chĩa vào từng người, chú Hạnh là người bị mang còng số 8 trước tiên ! Họ ra lệnh cho tàu quay trở lại chỗ cũ, bao nhiêu con người trên tàu đau đớn nhìn nhau, những người đã bỏ vàng chung vào mua ghe để cùng đi, họ chết lặng cả tâm hồn và não giác, họ bước đi không nổi…thím Hạnh và một bầy con nhỏ 8 đứa, đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi, thím khóc gào thê lương thảm thiết khi nhìn chồng bị khóa đôi tay !

Tàu trở vào chỗ cũ, bọn họ đã giữ hết 4 chiếc ghe nhỏ và bắt giữ 4 người chủ ghe này – thì ra khi tàu lớn cố tình vượt thoát, họ đã về trạm điện đàm cho Công An Biên Phòng ngoài khơi để bắt lại – Tình thế bắt buộc Công An Biên Phòng phải bắt, nếu không hoạ lây cả đám biên phòng, chứ nội tình bên trong là chú Hạnh chủ ghe đã đút tiền cho đám biên phòng rồi và cũng đã cho tiền mấy đứa du kích tại xã này …chú Hạnh ỷ lại mình quen lớn nào ngờ giờ chót bầy chó sủa vang làm bể hỏng một cuộc hành trình đã xếp đặt bằng mồ hôi, nước mắt, bằng cả những tài sản bạc vàng của cải lớn lao !

Khi đoàn người bị đưa lên bờ để chuẩn bị vào trại giam, anh nhìn quanh quất không thấy mẹ anh đâu, trong lòng anh lo lắng bồn chồn, lo sợ không biết mẹ anh có bị bắt hay không ? Khi những người công an biên phòng bước lên bờ nói chuyện to nhỏ cùng đám công an du kích, thì đột nhiên họ ra lệnh cho giải tán, ai về nhà nấy, không bắt một ai chỉ riêng bắt mình ông chủ tàu là chú Hạnh mà thôi ! Tàu bị kéo về Sài Gòn trong đêm và giam giữ tại xa cảng Cầu Sài Gòn.

Trên tàu chú Hạnh có cất ở một góc dưới ghế tài công 30 lượng vàng đem theo phòng khi đến xứ người có mà ăn tiêu qua ngày lúc ban đầu khó khăn, chú tiếc hùi hụi mà không biết cách nào để lấy, nước mắt chú tuôn trào nhìn con tàu dần dần xa khuất trong màn sương đục mà nghẹn đắng cổ họng, chú không còn gì nữa rồi ! ba mươi năm lăn lóc khổ cực, một phút giây thành tro bụi ! Vợ con chú bây giờ sẽ cư ngụ nơi đâu ? Một vợ tám con thơ, liệu sống làm sao đây trong tình thế chú bị tù đày, từ xưa nay thím Hạnh chỉ là người đàn bà lo cho chồng cho con trong nhà, thím hiền hậu, nhu mì, chưa một ngày va chạm xã hội bên ngoài, làm sao sống được khi không nhà cửa, không tiền bạc, một tay nách 8 con thơ còn nhỏ dại !!!

Chú Hạnh bị tống giam vào trại giam Phan Đăng Lưu gần chợ Bà Chiểu, thỉnh thoảng mẹ anh đi cùng vợ chú Hạnh lên thăm – cũng còn may mắn khi đi chú Hạnh để lại đứa con gái lớn có chồng, nó không chịu đi và ở bên nhà chồng, thằng No chồng nó tối ngày cày sâu cuốc bẩm, ai nói tới chuyện vượt biên là nó phản đối kịch liệt, bởi vậy khi biết cha vợ toan tính đi vượt biên là nó cấm không cho con Thủy vợ nó về nhà thăm cha mẹ ruột – Bây giờ thím Hạnh và 8 đứa nhỏ tá túc đỡ trong gia đình xui gia, ba má chồng của Thủy. Chiều đến là thím Hạnh ngồi ngoài hè nhà khóc rấm rức, thương chồng tù tội, thương con lê lết đói khổ, thiếu thốn trăm bề…mẹ anh những lúc rảnh thường chở anh lên thăm thím Hạnh, mang những món quà cho các đứa bé đáng thương kia !

Thế là hai lần vượt biên không thành, anh chán ngán không còn nghĩ đến chuyện ấy nữa, thì bỗng nhiên mẹ được giấy bão lãnh từ Mỹ gởi về, anh yên lòng chờ ngày đi bằng máy bay cho sung sướng cuộc đời, không lo chết chóc, bắt bớ tù tội…Tháng rồi thằng cha thầy bói ghé ngang nhà, tự dưng gặp anh, ông ta dừng lại nói chuyện hỏi han, anh vui miệng nói “ chuẩn bị đi bão lãnh với mẹ và chị”, ông ta nghiêm mặt nói “ cậu không có số ở nước ngoài, còn cô này mới có đường đi xuất ngoại” ông chỉ vào người chị của anh và nói như thế…Anh cười khì chẳng tin mà còn thách “ ông mà nói đúng tôi biếu ông cả gia tài này”.

Và…một ngày anh đã xuất ngoại bằng máy bay, sung sướng như anh mong muốn, và…một ngày anh đã phải trở về quê hương trong đen tối mịt mù bên bốn bức tường tù tội, anh hối hận đến tận cùng xương tuỷ, nhưng tất cả đã muộn màng ! Anh vô tội, nhưng một chế độ theo luật rừng, nhất là anh, một người từ nước ngoài về, anh là miếng mồi ngon cho chúng chụp, nỗi oan tình này biết tỏ cùng ai, mẹ đã xa anh hơn nửa quả địa cầu ! Bản án 7 năm đối với anh là tiếng sét đánh giữa đầu, anh là kẻ từ phương xa về thăm quê hương vài tuần thì biết gì mà tổ chức, thế mà họ đã cột anh vào tội nặng nề đó, anh đã quá rõ về cái xã hội kim tiền này, và anh cũng đã biết rằng vì cái mác Việt Kiều mà anh lãnh bán án oan tình 7 năm nơi lao lý, anh đã làm đơn chống án nhưng chả ai xét xử cho anh, anh ngồi trong bóng đêm hằng giờ để tự ngẫm suy dày vò tim óc mình, anh chưa tạo được điều gì tốt đẹp cho gia đình, cho xã hội như lòng anh mong ước…

Anh chợt nhớ lại lời ông thầy bói, quả tình ông ta nói đúng vì anh đâu còn cơ hội trở về Mỹ, ngày nào đó đủ hạn 7 năm tù anh cũng là người của Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà thôi, bởi anh qua Mỹ theo diện PIP ( gọi là diện nhân đạo, diện ăn theo) ra khỏi nước Mỹ 7 năm lại vướng lao tù, chắc chắn anh muôn đời “ lục quân Việt Nam” thôi.

Anh có ân hận không vì những nông nổi trong cuộc đời đưa anh sa lầy thê thảm, hay là số mệnh của mỗi con người không ai tránh khỏi, ông thầy bói linh thiêng kia ơi, tôi có còn tài sản gì nữa đâu mà biếu ông như tôi đã thách thức ông mười năm về trước, hay là tại tôi gây nhiều nghiệp chướng, vung tiền phá của, ngày nay phải chịu hậu quả của đất trời…Anh gục đầu nức nở bên bốn bức tường lạnh ngắt, đành buông xuôi cho định mệnh an bài…

Bên ngoài trời tối đen như mực, xung quanh anh có vài tiếng thở dài, những bạn tù cũng đang thao thức trăn trở như anh, những người tuổi trẻ đáng thương của một xã hội chậm tiến, bảo thủ, anh đã từng sống bao năm trên đất nước tự do, văn minh, phú cường, sao anh lại về đây chôn đời trong lao lý ? thật là vô lý !!! Anh hận thù chế độ phi nhân, giận cho số mệnh và…giận chính bản thân mình nên đã nhiều đêm thức trắng…

Trời đang lặng gió bỗng nổi cơn thịnh nộ, sấm chớp lập lòe như xé không gian, mưa trút xuống như thác đổ, anh ngồi bó gối khổ sở, anh cảm nhận trong anh một niềm hối tiếc vô vàn…anh nhớ những con đường freeway thênh thang, những siêu thị rực rỡ đèn màu, cửa hiệu thâu băng nhạc của anh và…anh nhớ nhất là chiếc xe Lexus  mới mua chưa đầy một năm ! tất cả bây giờ chỉ còn là ảo tưởng, anh đã đánh mất tất cả rồi, ngay chính con người anh, anh cũng không còn là sỡ hữu, tự nhiên nước mắt anh tuôn trào, anh khóc như chưa bao giờ được khóc…ngoài trời mưa vẫn chưa dứt, cây lá rung xào xạt giữa đêm khuya, anh nghe như có luồng gió lạnh tràn vào thấm buốt tận buồng tim…

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/May/2008 lúc 8:13pm

MOTHER’S DAY NHỚ MẸ

 

Ta xa quê muời sáu năm có lẻ

Hai mươi năm bóng mẹ biết đâu tìm

Mother’s Day về nghe buốt giá trong tim

Thương nhớ mẹ dòng lệ nhòa khóe mắt

 

Ðêm cô lẻ giữa hạ nồng đất khách

Ngày bơ vơ dưới bóng nắng quê người

Mẹ còn đâu để an ủi riêng tôi

Nhìn hạnh phúc của người thêm tủi phận

 

Trời cho tôi, một kiếp người lận đận

Bàn tay gầy che dấu mãi niềm đau

Bóng nguyệt tàn năm tháng cũng trôi mau

Chỉ thoáng chốc, tóc bạc màu sương gió

 

Thương thân mẹ trải một đời khốn khó

Có bình yên nơi lòng đất quê hương

Có lạnh nhiều khi trời phủ tuyết sương

Ðêm rả rích tiếng côn trùng cô quạnh

 

Giờ nhớ mẹ nghe lòng thêm giá lạnh

Biết bao giờ đền đáp được ân sâu

Xót xa nhiều dáng mẹ biết tìm đâu

Mother’s Day hỡi, đau lòng con nhớ mẹ !

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/May/2008 lúc 8:17pm

CÀNH HOA TRẮNG VU LAN

 

Hăm mốt năm Mẹ về cõi Phật

Mộ phần lạnh lẽo giữa hoang sơ

Những đêm cô tịch trăng huyền ảo

Con nhớ vô cùng thuở ấu thơ …

 

Ngày xưa mỗi độ chớm thu sang

Ngọn gió heo may rụng lá vàng

Tháng bảy ngày rằm mùa xá tội

Những linh hồn lạc giữa trần gian !

 

Mẹ dắt con, nghiêm trang áo trắng

Ðường lên chùa cũ dấu rêu mòn

Chấp tay trước Phật con cầu nguyện

Soi sáng tâm hồn kẻ sắt son …

 

Trên ngực áo con một đóa hồng

Mẹ cười mẹ hỏi có vui không ?

Mỗi năm vào dịp Vu Lan hội

Mẹ sẽ tặng con một nụ hồng

 

Thế rồi …hăm mốt mùa mưa nắng

Ðằng đẵng bao trăng chết cõi lòng

Bóng mẹ hiền trần gian khuất dạng

Hoa hồng đâu nữa … để mà mong !

 

Tháng bảy Vu Lan lại đến rồi

Áo cài hoa trắng đời mồ côi

Con buồn nhớ mẹ lòng ray rứt

Tủi phận bơ vơ giữa chợ đời !!!

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/May/2008 lúc 8:24pm

MẸ LÀ MÙA XUÂN BẤT TẬN

 

Chín chữ cù lao cao ngất trời

Làm sao đền đáp mẹ hiền ơi

Cưu mang chín tháng đầy gian khổ

Sinh nở nuôi bồng thân tả tơi …

 

Vừa thoát thai nào khác trứng non

Trắng đêm mẹ thức dỗ dành con

Mẹ lo con đói lo con lạnh

Quên cả cơn đau đến mõi mòn

 

Kỳ quan tuyệt xảo nhất nhân gian

Là trái tim yêu của mẹ hiền

Ðến lúc tuổi cao gần xế bóng

Vẫn thân cò vất vả triền miên

 

Hỡi anh, hỡi chị hỡi em ơi

Mẹ sống cùng ta chỉ một thời

Bỏ lỡ cơ may lo chữ hiếu

Biết làm sao báo đáp ơn người

 

Công cha nặng ví thái sơn cao

Tình mẹ bao la tựa biển trời

Ly xứ vời trông về đất mẹ

Ðau lòng lả chả giọt châu rơi

 

Mùa xuân bất tận đã ra đi

Từ dạo ôm sầu khóc biệt ly

Hăm mốt năm vùi trong huyệt lạnh

Mẹ đâu rồi … thân xác còn chi !...

 

NPNA

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 09/May/2008 lúc 7:51am
 
 
 
                    Nói làm sao hết Ngọc An ơi !
                    Tình Mẹ cho con vút tận trời
                    Nhắc nhớ ! Muôn trùng, không nhớ trọn
                    Thôi đành tĩnh lặng... bóng trăng soi.
 
                    Bóng trăng soi...
                    Bóng trăng soi...
                    Người mồ côi
                    Buồn bã lắm
                    Dù sáu mươi năm làm kiếp con người !


-------------
bx


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 09/May/2008 lúc 8:12am
 
               BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ
 
 
             "Đêm nay trời nước lặng thinh
          Bâng khuâng nỗi nhớ riêng mình...ai hay"
              Gió nhẹ lay, cành nhẹ lay
          Đường về hun hút, Chương Đài còn xa
              Liễu xanh xanh, liễu mượt mà
          Thoáng rung tấu nhạc, bài ca năm nào
              Sài Gòn một thuở, còn đâu
          Can chi níu lại mối sầu tương tư?


-------------
bx


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 09/May/2008 lúc 8:31am
 
 
              ẢO MỘNG ĐÊM NAY
 
 
             Trăng rụng nhà ai, trời rựng sáng
             Dường như chim hót phía sau vườn
             Ngập ngừng tiếng thở bay theo gió
             Và một đêm, tình kẽ ly hương
 
             Trăng rụng nhà ai, trăng lạnh quá
             Từ ngàn năm vẫn nỗi cô đơn
             Trăng không cảm được vì sao lạ
             Nên mãi chênh vênh giữ khoảng buồn


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 09/May/2008 lúc 8:40pm
Rất cảm động với mấy đoạn thơ của anh Ðông Quyên chia xẻ niềm đau không còn Mẹ trong dịp lễ Mother's Day- Chúng ta với tuổi này làm sao còn Mẹ phải không anh- NA sẽ tiếp tục gửi lên những bài thơ về Mẹ để anh cùng các bạn mồ côi như chúng ta ngậm ngùi... đọc nha - NPNA
 

GIAO THỪA NHỚ MẸ

 

Hai mươi năm con không còn gặp mẹ

Gió giao thừa buốt lạnh cả tim con

Đón xuân về mà trong dạ héo hon

Nhìn di ảnh lệ trào dâng khóe mắt

 

Hai mươi năm con giữ lòng son sắt

Lời mẹ khuyên còn vang vọng đâu đây

Thương con tôi thân cơ cực dạn dày

Nghe lời mẹ trọn bề câu tiết hạnh

 

Thân nhi nữ tình duyên con lận đận

Âu số trời nào đâu chỉ riêng con

Phải sống sao câu đạo lý vẹn tròn

Dẫu có thác gương son còn ghi tạc

 

Con vẫn sống nơi chân trời phiêu bạt

Từng đêm về nhớ mẹ lệ con rơi

Từng xuân về lòng ray rứt khôn nguôi

Thương thân mẹ nấm mồ hoang xương rũ

 

Thương thân mẹ dầm chan mưa nắng phủ

Hai mươi năm gặp mẹ chỉ trong mơ

Hai mươi năm con phải sống bơ vơ

Khi xuân đến là tim hồng thổn thức

 

Cúng giao thừa chẳng bánh chưng, chè, mức

Ba nén hương tâm nguyện với trời cao

Cho đời con thôi sóng gió ba đào

Cho hồn mẹ thanh nhàn nơi cõi Phật

 

Cho nhân thế bớt tranh đua giành giật

Mong bình yên nơi quê mẹ thân yêu

Cho tha nhân mơ một sớm một chiều

Con của mẹ về chung bầu sữa mẹ …

 

Nguyễn Phan Ngọc An



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 09/May/2008 lúc 10:36pm

NIỀM ÐAU MẤT MẸ

 

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ bồng ẳm cưng chiều

Ðến lúc tôi khôn lớn

Mẹ lo lắng đủ điều

 

Ngày tôi lên xe hoa

Mắt mẹ nhòa ngấn lệ

Nay tôi đã hiểu ra

Biển trời công đức mẹ …

 

Biết thuở nào đền đáp

Muôn một nghĩa cưu mang

Mẹ vội vàng vắng bóng

Bỏ tôi giữa dương gian

Với muôn ngàn cay đắng

Mỗi khi nhớ đến mẹ

Lòng hối hận dâng tràn

Vì trách nhiệm con thơ

Không chu toàn ơn mẹ

Lúc mẹ còn tại thế

Không lo lắng được gì

Ðể nay mẹ mất đi

Tâm hồn tôi ngất lịm

Có hối hận dường bao

Mẹ cũng chẳng nhìn thấy

Có nức nở nghẹn ngào

Mẹ cũng không nghe được

Có cổ rộng mâm cao

Mẹ cũng không hưởng được

Có hối tiếc lệ trào

Chỉ đau đớn dâng cao …

 

Mẹ ơi ! mẹ có biết

Ðã nửa phần tim óc

Con tê liệt hao mòn

Kể từ khi mất mẹ …

 

NPNA

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 10/May/2008 lúc 8:10pm

LỜI BUỒN BÊN MỘ VẮNG

 

Trời tháng ba tiết thanh minh nắng ấm

Con về đây thăm mộ Mẹ thân yêu

Cỏ xác xơ quanh mộ Mẹ tiêu điều

Sương phủ trắng hoen mờ di ảnh Mẹ !

 

Mẹ nằm đó cách con vài tấc đất

Con quỳ đây Mẹ nhìn thấy con không

Hai mươi năm con tan nát cõi lòng

Thân ly xứ từng đêm thầm gạt lệ …

 

Ngày tháng ấy con đau buồn khôn kể

Vóc mẫu thân nằm lịm giữa hôn mê

Con ôm Mẹ con khóc ròng kể lể

Mẹ lặng im thoi thóp níu hơi tàn !

 

Sáu ngày qua dạ con rất hoang mang

Mẹ thiêm thiếp không một lần tỉnh lại

Những Bác Sĩ nhìn con như ái ngại

Khiến tim con thêm quặn thắt từng cơn …

 

Con hoảng hốt cấp thời xin phép họ

Chuyển Mẹ ngay lên Chợ Rẫy Sài Gòn

Bác Sĩ Diệp lắc đầu … không thể được

Muộn màng rồi không còn kịp nữa đâu

 

Ðúng lúc ấy Mẹ của con mở mắt

Nhìn vào con Mẹ hỏi : Có chuyện chi ?

Lời nói nhẹ như từ trong cõi khác

Chưa kịp mừng Mẹ đã bỏ ra đi  !

 

Các Bác Sĩ nhồi tim hô hấp vội

Con điên cuồng ôm Mẹ khóc gào lên

Nước mắt con rơi ướt dầm áo Mẹ

Mẹ lạnh dần vào giấc ngủ triền miên …

 

Ôi … nát tâm can áo quan Mẹ mặc

Giờ từ ly tiễn Mẹ đến đồng hoang

Hố đất sâu vùi thân xác Mẹ rồi

Con lảo đảo quay về… tim uất nghẹn

 

Nhà ta đó, nệm giường chăn chiếu ấm

Có còn đâu bóng dáng Mẹ mỗi chiều

Nơi đồng hoang sương trắng phủ cô liêu

Dưới lòng đất thương Mẹ hiền lạnh lẽo !

 

Mẹ âm cảnh, con dương gian đôi nẻo

Hai mươi năm dài con tê liệt óc tim

Ðêm từng đêm nhớ Mẹ biết đâu tìm

Nhìn di ảnh lòng con buồn da diết !

 

Con khổ lắm, Mẹ hiền ơi, có biết

Từ kiếp nào nhân quả trả tội con

Ðòi nợ con đến thân xác héo mòn

Sống vất vưởng với tinh thần suy sụp

 

Mẹ biết đó, duyên phần con tủi cực

Nửa đời người ngậm trái đắng vì đâu

Nửa đời sau phong kín một phương sầu

Con không hiểu … con làm chi nên tội  ?

 

Thượng Ðế hỡi ! Sao người không cứu rỗi

Một xác thân chưa tội lỗi bao giờ

Một hình hài chưa hoen lấm bùn nhơ

Nửa đời còn lại sầu dâng chất ngất

 

Nơi đất khách, một thân con lây lất

Ngày qua ngày gồng gánh nặng đôi vai

Biết cậy ai khi đau yếu nay mai

Chỉ tâm nguyện vào hồn linh của Mẹ

 

Ðã nhiều lúc con gục đầu gọi khẽ :

Cứu khổ cứu nạn Bồ Tát Quan Âm

Cứu con thơ đi những bước sai lầm

Quay trở lại vui tình thâm mẫu tử

 

Ba mươi năm con sống đời cô lữ

Bước độc hành con mỏi mệt chồn chân

Nhìn thế nhân thêm chua xót bội phần

Nghĩ về viễn ảnh lòng se thắt lại !

 

Con về đây với nỗi buồn tê tái

Dưới mộ phần chắc Mẹ cũng xót xa

Mẹ con ta nay cách trở quan hà

Thiên niên vạn kỷ còn đâu gặp nữa …

 

Hoàng hôn phủ bóng đêm đen ngự trị

Con vẫn ngồi nức nở trước mộ bia

Hai mươi năm tình mẫu tử chia lià

Xin gửi gió lời buồn vào huyệt lạnh

 

Mẹ cũng như con, một đời bất hạnh

Gánh thương đau hận tủi mãi đeo mang

Chẳng vơi đi dù thác xuống suối vàng

Chỉ than thở cùng sương sa gió chướng

 

Con vẫn hiểu cuộc đời trăm vạn hướng

Rủi may cũng là định số mà thôi

Con phải gượng vui mà sống với đời

Ðể còn được trở về thăm mộ Mẹ …

 

Nguyễn Phan Ngọc An – California ngày lễ Mẹ 2008



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 11/May/2008 lúc 3:05pm

BƠ VƠ                                                                     

 

Mẹ tôi, một giấc ngủ dài

Ru đời vào mộng thiên thai nửa vời

Hồn linh lơ lửng chơi vơi

Thâu canh có được chốn nơi vui vầy

Mẹ nằm đây, con đứng đây

Sao như xa cách chân mây cuối trời

Xót xa con lắm Mẹ ơi

Vì đâu gây cảnh đổi dời ly tan

Mẹ yên nghỉ chốn đồng hoang

Cô đơn lạnh lẽo chiều tàn bơ vơ

Nơi nầy lòng vẫn mong chờ

Mẹ về tâm sự trong mơ một lần

Biết con nơi chốn dương trần

Bao năm chiếc bóng một thân cõi này

Ðêm đêm dưới mái hiên tây

Con ngồi vọng hướng trời mây quê nhà

Mịt mù đồi núi bao la

Nửa vòng trái đất chia xa đôi bờ

Cho hồn thơ thấy bơ vơ

Cho người thơ chuốc từng giờ thương đau

Cho tim thơ mãi ngậm sầu

Cho tình thơ phải qua cầu … gió bay

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 12/May/2008 lúc 11:43pm

CON MẮT LINH HỒN

 

Một con mắt mở một lần

Hai con mắt mở hai lần cả hai

 

Ðôi tay buông thỏng thật dài

Với lên chẳng tới lâu đài tình yêu

 

Một con mắt nhắm cô liêu

Hai con mắt nhắm thấy chiều hoàng hôn

 

Ðôi tay giữ lấy linh hồn

Buông xuôi ngày ấy nửa hồn vỡ tan

 

Một con mắt mở ngỡ ngàng

Hai con mắt mở phũ phàng chứng nhân

 

Ðôi tay vươn đến thật gần

Nhưng rồi cũng muộn, một lần buông xuôi

 

Một con mắt nhắm ngậm ngùi

Hai con mắt nhắm mù đui linh hồn

 

Ðôi tay quờ quạng hoàng hôn

Hư không còn lại nửa hồn thương đau !...

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 16/May/2008 lúc 11:17am

 CÀNH HOA TRĂM TUỔI KHÔNG TÀN

                                   

                                       Tùy bút Nguyễn Phan Ngọc An

 

Từ ngàn xưa đến nay , con người sống được tới tuổi 70 đã được gọi là thọ nên có câu tiền nhân để lại “ thất thập cổ lai hi”- Vũ trụ dường như cũng có phần tiến triển đổi thay nên đôi lúc có những người thọ đến 80 hoặc 90, nhưng hầu hết họ kéo lê tuổi thọ trong già yếu bệnh hoạn lê thê hay bất đắc chí chán nản chờ ngày về với tổ tiên thôi … Nhưng tại thành phố văn hóa miền Bắc Cali có một nhà văn thơ nữ đã thành danh từ mấy thập niên qua, bà sống khép kín trong cảnh cô đơn với tuổi đời chồng chất – Thơ văn bà đã tung bay khắp vòm trời hải ngoại hiện nay và cả trong nước thời đệ nhị Cộng Hoà … Ðến nay bà đã 96 tuổi vẫn miệt mài làm thơ, viết văn, soạn kịch, chủ trương những tuyển tập viết chung, tổ chức những buổi sinh hoạt, những buổi ra mắt sách, gần đây nhất là bà đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “ BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” và cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỚ NUƠNG TỬ” hiện vẫn chưa trình làng cuốn này vì mới vừa in ấn xong.

 

Cụ bà Trùng Quang, chúng tôi trân trọng để viết về bà, một nữ lưu hiếm có trong trời đất, triệu người may ra được một mà thôi …

Bà sinh năm 1912, bà viết văn làm thơ từ trên nửa thế kỷ tại Hà Nội, bà sinh trưởng tại miền Bắc và thú vui của bà từ dạo còn xuân thời là viết văn và làm thơ tiêu khiển nên đã không ít báo chí thời đó biết đến tên tuổi của bà.

 

Sau khi bà di tản từ Bắc vào Nam, bà cư trú tại thủ đô Sài Gòn, thời gian di tản bỏ hết tài sản lại miền Bắc, bỏ hết những người thân yêu, mất quê hương yêu dấu nơi đã sinh trưởng ra bà, nơi cho bà bao kỷ niệm thân thương, bà đau buồn sinh bệnh và từ đó người thi văn sĩ này đã dường như mất trí nhớ , các Bác Sĩ chẩn đóan bà bị bệnh thần kinh nên đã làm thủ tục đưa bà sang Nhật chữa trị.

Thời gian sống tại nước Nhật bà đã học nói tiếng Nhật và viết Nhật Ngữ như những sinh viên du học thời đó. Ðặc biệt hơn bà đã bỏ công sức nghiên cứu về văn hóa nước Nhật, nhất là về tư tưởng và đời sống của giới phụ nữ Nhật – Bà đã thụ huấn tròn khóa học làm “ nhân hình” búp bê tại nước Nhật và đã thành công được khen ngợi từ những giáo sư chuyên nghề mỹ thuật đã dạy nghề cho bà.

Về lại Sài Gòn sau hai năm học nghề học chữ và di dưỡng tâm thần tại Nhật, cũng là một điều rất đặc biệt là khi bà nhìn được nền văn hóa của nước người, ý chí và niềm tin thúc đẩy tâm hồn yêu chuộng văn hóa đến tột đỉnh, bệnh thần kinh đã chấp cánh xa bay, trả lại cho bà những ngày tháng xa quê tâm hồn bình yên . Khi về nước bà sáng lập ra xưởng làm búp bê tại thủ đô Sài Gòn cốt để tuyên truyền và vinh danh tà áo dài của phụ nữ Việt Nam vì tất cả hình dáng búp bê đều phục sức bằng chiếc áo dài tha thướt của quê hương Việt Nam, do đó bà mới chủ tâm đặt tên là xưởng Búp Bê Văn Hóa.

Lúc đó vào thập niên 50 - 60, bà gia nhập thi đoàn Quỳnh Dao, một thi đoàn toàn là nữ giới là thi nhân do bà Cao Ngọc Anh sáng lập - Vào thời đó, thơ văn rất được trọng vọng nên bà được mọi người mọi giới quý trọng – Cho đến ngày nay học viên của bà phần đông định cư các nước trên thế giới và Hoa Kỳ, quý trọng yêu thương bà có dịp là tìm đến thăm viếng bà – Ðó là niềm an ủi cho bà vui trong cuộc đời còn lại .

 

Thời gian trôi qua trong niềm vui hàng ngày chăm sóc và dạy kềm nghề nghiệp cho học sinh, bà cũng quên đi nỗi trống vắng trong tình cảm riêng tư, bà đúng là một người phụ nữ tiết hạnh khả phong, ở vậy thờ chồng, làm việc lợi ích cho xã hội, bà chưa hề để mang một tai tiếng gì dù là một góa phụ cô đơn khi tuổi còn xuân sắc – Nha Tiểu Công Nghệ và Nha Mỹ Thuật của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó thấy sự thành công của  Búp Bê Văn Hóa và thấy được tài năng của bà đã mời bà cộng tác với chính phủ để mở thêm các cơ sở lớn rộng hơn nhưng bà đã từ chối, bà sống khiêm cung, không tham vọng, chỉ vui với những gì chính bà đã tạo ra.

Với bản tính hoạt động tích cực vào lãnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà, sau nhiều năm công nghệ Búp Bê đã thành công bà đứng ra sáng lập trường dạy về nữ công gia chánh với tiêu đề “ Trường nữ công “PHƯƠNG CHÍNH” ngay tại thành phố hoa lệ Sài Gòn .

Trường Phương Chính chuyên dạy Việt Ngữ, Sinh Ngữ, Nữ Công, về nữ công có các lớp : May, thêu, làm bánh, nấu ăn, cắm hoa, đàn Piano, trang điểm, uốn tóc… Bà còn mở thêm các lớp dạy Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Nhật Ngữ … các lớp đều có các giáo sư chuyên môn phụ trách giảng dạy - Tổng cộng có 15 giáo viên phụ trách trường Phương Chính. Trường Phương Chính thời ấy đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục khen thưởng và công nhận ngang hàng với các trường Trung học dạy chữ, bà đã được lãnh ba bằng khen ngợi vinh danh từ các đơn vị cao cấp của chính phủ VNCH - Bằng cấp tốt nghiệp của trường Phương Chính có giá trị qua các nước Tây Âu như nước Pháp chẳng hạn. Trường Phương Chính ban ngày chuyên dạy về những môn học trên, ban đêm còn dành thì giờ dạy thêm chữ quốc ngữ cho trẻ em và cả phụ nữ nhà nghèo không có tiền và không có phương tiện đến trường ban ngày.

Nói về nữ văn thi sĩ Trùng Quang thì ai cũng một lòng thương kính và ngợi khen, một tâm hồn phụ nữ Việt Nam hiếm có, một tinh thần cao quý vững chãi khác nào nam nhi chi chí , cuộc đời bà đã dành trọn cho văn hóa cho nghệ thuật đến tuổi 96 vẫn không ngừng hoạt động mà lại còn hoạt động thật tích cực… Ðã nhiều lần bà bàn thảo với nhóm chị em phụ nữ chúng tôi những hoài bão trong thâm tâm mà bà chưa thực hiện hoặc không thể thực hiện một mình với số tuổi quá cao, chúng tôi ai cũng nể phục tâm hồn cao cả của bà và luôn xem bà như người mẹ thương kính của mình.

 

Trong suốt thời gian xây dựng và phụ trách xưởng Búp Bê Văn Hóa và Trường Nữ Công  Phương Chính, trường đã đào tạo thành công, thành danh rất nhiều học viên, có những người du học nước ngoài thỉnh thoảng về thăm bà trong tình thương yêu tôn kính, nhưng mọi việc có bao giờ được êm xuôi mãi như hoài bão trong tim óc con người, rồi bà cũng phãi khăn gói ra đi tìm tự do, tìm đất sống nơi phương trời vô định … Bỏ tất cả vì lý tưởng chung, vì thời cuộc đất nước, bà ra đi với hai bàn tay trắng, hiện nay căn nhà của bà với 4 tầng lầu tại thủ đô Sài Gòn vẫn còn đó nhưng đã thay tên đổi chủ từ dạo bà bỏ nước ra đi cách nay gần 30 năm dài đăng đẵng.

Người phụ nữ tài hoa này khi vượt biên đã được tàu Pháp cứu vớt đưa về nước Pháp cho định cư tạm, tên gọi con tàu là “Tàu Ánh Sáng”- Vào đảo được mấy ngày bà bị chứng bệnh tê thấp đau nhức cả người không hoạt động đi đứng được, bà chỉ còn một hoạt động duy nhất bằng tim óc và bàn tay năng nổ cho văn học nước nhà, thế nên thời gian còn nằm trong bệnh viện bà đã viết nhiều bài về giá trị cho cuộc chiến Việt Nam, cuộc nội chiến tương tàn nồi da xáo thịt lẫn nhau, một cuộc chiến đã làm đau thương chủng tộc, đau đớn trái tim bà trong suốt thời gian cư ngụ trên đất Pháp - Ðặc biệt bà đã phụ trách một mục quan trọng trong tờ báo bán nguyệt san tại miền Ðông nước Mỹ với tiêu đề “ NGÀN TRÙNG XA CÁCH HỎI TIN NHAU” trong mục này bà luôn luôn viết về những giai đoạn thăng trầm khổ đau của người Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, những câu chuyện thật đã xãy ra cho cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm không ít người Việt lưu vong rơi lệ !

 

Một thời gian dài định cư tạm nơi nước Pháp, bà được sang Hoa Kỳ và từ đó bà lại tiếp tục nghiệp văn thơ, viết với cả sự say mê không giả tạo, ngoài những giờ giấc dành cho sinh hoạt bản thân bà còn dành thì giờ đi học các lớp ESL và College của các trường Anh Ngữ tại miền Bắc California, một ý chí đáng khâm phục, một tâm hồn luôn muốn vươn lên và tiến thân không ngừng nghỉ, bà chỉ mới bỏ trường khi tuổi đang dần vào cửu thập niên. Bà đã làm nhiều bài thơ xướng và được các thi hữu nhiệt tình họa lại, có khi đến cả  60 bài họa lại từ các tác giả quý mến bà.

Bà đã chủ trương cuốn thơ “Ðồng Tâm Hội Bút” năm 1987 gồm 142 tác giả tham gia phần đông là những thi nhân đã thành danh của nhiều thập niên qua. Năm 2003 bà đã được lãnh giải thưởng danh dự với bài văn “ VIẾT VỀ NƯỚC MỸ” do tờ Việt Báo Kinh Tế miền Nam Cali tổ chức – Năm 2004 bà cho xuất bản cuốn “BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” đây một thành quả hiếm hoi trên vũ trụ này khi một con người hăng say làm việc văn hóa với số tuổi 94 - Cuốn Bình Ngô Ðại Cáo ghi chép về danh nhân Nguyễn Trãi, viết về thành tích chiến thắng chống xâm lăng của ông - Khi bà cho trình làng đã được đông đảo độc giả khắp bốn phương ủng hộ nên hiện tại không còn và có lẽ trong thời gian gần đây bà sẽ cho tái bản theo yêu cầu của một số đông độc giả gần xa. Kềm theo cuốn sách còn có một bức tranh đúng theo văn bản bằng chữ Hán - Bản chữ Hán này được các chuyên gia sưu tầm tại viện Bác Cổ bên nước Pháp.vì khi quân đội Pháp rời Việt Nam đã mang theo tất cả tài liệu văn học Việt Nam về nước Pháp -  Ðây là một công trình gía trị văn học mà chắc chắn đồng hương hải ngoại phải khâm phục ý chí vượt bực của bà, mấy ai cuộc đời gần một thế kỷ mà vẫn không ngừng hoạt động.

 

Năm nay 2006 cụ lại bỏ công sức chủ trương cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ”gồm tất cả tác giả là nữ giới khắp nơi đóng góp những truyện ngắn, tùy bút, bút ký, hồi ký … Nội cái tên của tuyển tập văn này cũng đã nói lên cái ý chí bà Trưng, bà Triệu oai phong lẫm lẫm trong nội tâm bà - Dự tính bà sẽ cho trình làng vào đầu năm 2007 vì mấy tháng vừa qua bà bị té thang lầu chấn thương phần xương phải nằm điều trị mất 3 tháng liền tại bệnh viện miền Bắc California - Bà còn đang dự tính tiếp tục thực hiện cuốn 2 với những cây bút nữ giới đông đảo hơn, chúng ta hãy chờ xem người phụ nữ tài hoa này bao giờ mới chịu ngưng nghỉ hoạt động cho nền văn hóa Việt Nam, phải thành thật mà nói rằng bà Trùng Quang là một biểu tượng đáng quý và hiếm có trong nền văn học Việt Nam, bà xứng đáng là người mẹ tinh thần cao cả của lớp tuổi hậu sinh chúng tôi.

 

Tôi xin thay mặt một số anh chị em thi văn hữu thân thích để viết bài “ CÀNH HOA TRĂM TUỔI KHÔNG TÀN” nhằm mục đích vinh danh nhà văn nhà thơ tài hoa Trùng Quang cả một đời dành cho sự nghiệp văn chương Việt Nam, bà mãi là một đóa hoa thơm trong làng văn học đến trăm tuổi vẫn không tàn.

 

Sau đây thân mời quý độc giả thưởng thức một vài bài thơ tiêu biểu qua bút pháp của nữ văn thi sĩ Trùng Quang :

 

 

Bài thơ độc vận

 

“ Vườn ai hoa bưởi đã thơm lừng

Biếc nụ tầm xuân hoa nhớ không ?

Tản mạn phương trời mây trắng lướt

Mầu cờ ươm nắng gió bay tung

Con thuyền hồ hải đương đầu sóng

Tìm bến phương nào nước ngọt trong

Tâm hướng chẳng phai mầu sắc cũ

Chén mừng xuân mới tạm vui chung

Vui chung để nối tình đồng đạo

Gốc bể chân mây bước não nùng

Mài kiếm nhìn trăng nào mấy kẻ ?

Cùng chung tâm tưởng chuyện non sông

Sương nhuộm mái xanh, đầu trắng bạc

Biển trời man mác ngẩn ngơ trông

Mười hai con giáp lần thay đổi

Chả lẽ riêng mình … con số không ?

Kià trẻ nhỏ vui chơi ngựa gỗ

Khoe tài quyết chí vượt tây đông

Lòng em hãnh diện về thanh sử

Oanh liệt ngàn xưa … giống Lạc Hồng

Này tích vua Hùng xây dựng nước

Trưng Vương, Triệu Nữ với Quang Trung

Ngây thơ ta ước như con trẻ

Hay cũng vô tri tựa gốc tùng

Sừng sững đầu ghềnh đùa cợt gió

Dở, hay, thành, bại… cũng là không

Nhưng ôi ! Người chẳng là cây cỏ

Khối óc, con tim nặng trĩu lòng

Dám chắc ngày mai trời lại sáng

Vườn nhà lựu thắm lại lên bông

 

Trùng Quang 2000

 

 

Ngắm trăng nhớ bạn Quỳnh Dao

 

Trăng vẫn là trăng của chúng ta

Mỗi tuần mười sáu tại quê nhà

Diễm kiều khung biếc treo gương ngọc

Thanh nhã đài hương tỏa ánh ngà

Ngấn bạc hàng hàng gieo biển sóng

Tia vàng lớp lớp đọng ngàn hoa

Ðêm nay sương lạnh ngùi thương nhớ

Sầu ngập tình thơ nét bút nhòa .

 

Trùng Quang 1990

 

Trăng sáng tình quê

            ( bát cú thiên hoàn thuận nghịch)

 

Nhớ ánh diệu huyền soi bước ta

Nhớ gương hiền dịu ngự muôn nhà

Hòa sương thu biếc nơi lều cỏ

Ẩn khói xuân xanh chốn tháp ngà

Ngọc rắc vườn thơ Quỳnh trắng nụ

Son tô xứ mộng Cúc vàng hoa

Hương quan dài giấc mơ canh vắng

Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa

 

Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa

Bao mùa lá đổ mấy mùa hoa

Bến quê trăng lạc sương mờ trắng

Quán khách đèn chong tuyết úa ngà

Hỏi bóng còn tròn in đáy nước

Và tơ vẫn mảnh lướt bên nhà ?

Gió đàn vang mãi cung phiêu hận

Dằng dặc đêm trường ta với ta

 

Dằng dặc đêm trường ta với ta

Ngẩn ngơ nghĩa nước với ân nhà

Thôn xưa xán lạn khung mây gió

Lối cũ thanh tao nét ngọc ngà

Cám cảnh ly hương sầu kết trái

Chờ tin phục quốc bút lên hoa

Thái bình một dải chung dòng biếc

Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa

 

Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa

Gốc đào đã trổ mấy lần hoa

Gió sương còn vững trang thơ gấm

Sắt thép nào nghiêng cán bút ngà

Úa cánh sao khuya thuyền cách bến

Tím phương trời lạ khách xa nhà

Lòng mang nặng mối hờn ly quốc

Gió hắt hiu sầu theo bước ta

 

Gió hắt hiu sầu theo bước ta

Dẫu coi bốn bể cũng như nhà

Vương tơ tằm nhớ cành dâu biếc

Tung cánh chim thương cội trúc ngà

Man mác bầu không mây dựng lũy

Dạt dào gương nước sóng sôi hoa

Mười phương chín hướng đầy nhung nhớ

Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa

 

Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa

Vườn hương lan huệ lộng màu hoa

Chọn câu hiếu nghĩa làm khuôn mẫu

Giữ nếp thanh cao thế ngọc ngà

Cách núi chia sông chung xót nước

Rời Nam lià Bắc những thương nhà

Giờ đây bao nẻo đường chia ngả

Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?

 

Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?

Vương vương giao cảm đến muôn nhà

Trang thơ son mộng thêm màu thắm

Vườn hạnh trăng mơ tỏ ánh ngà

Trời biển tâm tình trao cánh nhạn

Ðông Tây thương nhớ mượn tờ hoa

Tinh cầu dù xẻ làm đôi nữa

Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa

 

Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa

Giữa trời thuần khiết một khung hoa

Những mong nhạc trổi nơi ngàn tiá

Hằng ước thơ bay chốn đỉnh ngà

Chưa đủ cang tràng xây dựng nước

Thời mang tâm não điểm tô nhà

Mai kia gió chuyển sang chiều mới

Trăng lại cười duyên với chúng ta

 

Trùng Quang 1985

 

NPNA  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 17/May/2008 lúc 11:34pm

CHUNG ÐỜI TRONG LẠC LOÀI

 

Chim én bay về đâu

Ngập ngừng đôi cánh nhỏ

Rừng rũ lá phai màu

Vườn xưa vàng úa cỏ

 

Người con gái cúi đầu

Nghe linh hồn bỏ ngỏ

Chữ tình chết đã lâu

Vực sầu đêm trăn trở

 

Ðôi bàn tay gầy guộc

Ðôi mắt vờn hư hao

Ðôi chân đà bỏ cuộc

Tim óc mềm hư hao

 

Ta nhen nhúm mà chi

Bếp lửa hóa tro tàn

Khơi dậy nào ích gì

Hay vẫn lạnh tro than

 

Về đâu cõi hư không

Về đâu chốn thiên đường

Về đâu mái tóc bồng

Nay bạc đầu phong sương

 

Cam đời trong gổ mục

Chung đời trong lạc loài

Bơi trong dòng nước đục

Ðau quằn cả đôi vai

 

Ta như bờ cát lở

Trước đợt sóng bạo tàn

Loài hoa rừng than thở

Với gió núi đồi hoang

 

Bên hàng rào tinh tú

Ðịa cầu bớt nghiêng chao

Xuân lòng ta mấy nụ

Rơi rớt tựa chiêm bao

 

Dường như là ảo ảnh

Nghe lao đao nửa vời

Ngập hồn ta theo nắng

Nắng ủ sầu lên ngôi …    

 
                        NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 18/May/2008 lúc 10:39pm

BIẾT ÐẾN BAO GIỜ

 

Mùa đông tuyết lạnh ở phương này

Nhớ nước thương nhà mắt lệ cay

Nghĩ đến song thân nơi cát bụi

Có ai hiểu thấu...nỗi đau này !

 

Cũng đành lạnh lẽo như băng giá

Bao tháng năm dài đẫm gió sương

Mái tóc xanh xưa giờ điểm bạc

Xứ người lau lệ khóc quê hương...

 

Chúng ta, tất cả người vong quốc

Thảm họa, cơ trời lạc bốn phương

Từng mảnh hồn đau lìa tổ ấm

Gian nan, phiêu bạt...lẽ vô thường

 

Bạn bè, thân quyến giờ xa lắc

Biết đến bao giờ...trở lại thăm

Từ buổi chia tay rời đất Mẹ

Tuyết sương phủ mộ mẹ cha nằm !

 

Non sông thăm thẳm nghìn xa cách

Bao mối tình thâm phải cách chia

Nhớ mái nhà xưa qua lối nhỏ

Khói lam bàng bạc giữa sương khuya...

 

Bây giờ lặng lẽ thân ly khách

Xuân đến nghe lòng đẫm gió mưa

Bao kẻ trắng đêm tràn nỗi nhớ

Ðau lòng dân Việt...thảm thương chưa !!!

 

Hãy pha nỗi nhớ vào men rượu

Cố nén trong tim giọt lệ khô

Thầm ước như là ta đã được

Chào Xuân quê Mẹ...thỏa mong chờ !...

 

 

NPNA 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 20/May/2008 lúc 6:06pm

GIẤC MỘNG ÐÊM TRĂNG

 

Ðã từ lâu em vẫn thầm ao ước

Một tình yêu nhè nhẹ đến như mơ

Dắt dìu em sống lại những vần thơ

Trải được tiếng tơ lòng riêng câm lặng …

 

Như gió đùa trăng, như mây vờn nắng

Chú Cuội muôn đời ngồi dưới gốc đa

Ôm khối tình si dạo mãi khúc ca

Mơ giấc mộng Hằng Nga trên cung quảng

 

Em cũng có nỗi buồn theo năm tháng

Tuổi xuân trôi như những giọt châu rơi

Trong mơ hồ từng điệp khúc chơi vơi

Chiêm bao trở giấc ru đời hóa thân

 

Ở trong em ray rứt những mùa xuân

Bước phiêu lãng giẫm mòn thân lữ thứ

Anh chợt đến … cho tình em bất tử

Từ hôm nay vơi nửa cuộc tình sầu !

 

Em đã thấy nét hiền hòa trung hậu

Se lòng em sau phút gặp đầu tiên

Hãy cho em chia sớt những lụy phiền

Anh có muốn … hoa tình yêu nở rộ

 

Bất ngờ thay phút giây mình tao ngộ

Tình rộn ràng như đợi cả trăm năm

Mong ước sao tình sáng tựa trăng rằm

Soi bước nhỏ … dìu em vào cõi mộng …

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 21/May/2008 lúc 1:40pm

GIẤC NGỦ TRÊN ÐỒI XANH

                                     Tâm bút  : Nguyễn Phan Ngọc An

 

Ba mươi năm lưu lạc xứ người, sự thành đạt của người Việt lưu vong tương đối cũng khá nhiều nhưng cũng không phôi pha được những nỗi mất mát chia xa – Các nhà tranh đấu, các chính trị gia, các danh nhân, các nhạc sĩ, ca sĩ … lần lượt theo con tạo xoay vần giã từ trần lụy ! Nhưng dường như suốt ba mươi năm lưu vong những người sống nhiều về tâm hồn thường ra đi quá sớm chẳng hạn như thành phần ca nhạc sĩ - Người viết bài này với một khung cảnh nhỏ hẹp thôi vì tự biết khả năng của mình – Tôi viết về một người nhạc sĩ đã ra đi, người đó chính là ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh.

Vừa định viết thì mở trang net lại thấy tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền lâm chung, tôi và N/S Nguyễn Hiền rất thân tình, ông đã từng tổ chức cho tôi nhiều buổi sinh hoạt văn học tại miền Nam Cali, nói đến ông ai cũng thấy ngay rằng ông là một người nhạc sĩ đức độ khiêm cung hiền hòa trong xử thế. Có một lần khi ông đến nhà vợ chồng Tùng vào một buổi sáng sớm để gặp tôi bàn về việc ra mắt sách của tôi ngày chủ nhật tới mà ông là người tổ chức - Vừa bước vào nhà ông thấy Tùng với mái tóc trắng phau, ông vội vã cúi gập người xuống và chào “ lạy cụ ạ” – Lúc đó, Tùng lính quýnh cũng vội vã cúi người xuống và thưa “ lạy cụ ạ” – Tôi và Kim Nguyên vợ của Tùng cười vỡ cả bụng khi thấy hai người chào nhau như thế bởi vì Tùng chỉ khoảng 50 tuổi nhưng mái tóc trắng phau như tuyết tuy nước da vẫn hồng hào và nhìn kỷ vẫn còn phong độ. Thế là tôi phải đứng ra giới thiệu hai người với nhau và nói rõ với nhạc sĩ rằng Tùng chưa thành ông cụ .

Tôi còn một kỷ niệm nữa với N/S Nguyễn Hiền là khi ông tổ chức sinh nhật thứ 75 vào năm 2001 tôi đã đi xe đò xuống tham dự ngày sinh nhật của ông và ở lại hôm sau trở về San Jose, ít ra là chỗ thân tình lắm tôi mới lặn lội như thế … Tôi đã lên tặng ông bà Nguyễn Hiền một bó hoa thật lớn trong đêm sinh nhật và đọc bài thơ tôi viết tặng nhạc sĩ  ngày sinh nhật :

 

ÐIỂM HOA CHO ÐỜI

Nơi đây đang cuối mùa đông

Hoa xuân đua nở trong lòng tha nhân

Nắng xuân thêm ấm bội phần

Hương xuân thoang thoảng như gần bên ta

Chúc mừng nhạc sĩ tài hoa

Vắt tim nặn óc điểm hoa cho đời

Cung trầm cung bổng chơi vơi

Bút hoa sáng tạo rạng ngời non sông

Cao niên người vẫn tươi hồng

Rải hoa bác ái tưới trồng thiện căn

Văn chương lỗi lạc trời ban

Nguyễn Hiền tô nét son vàng sử xanh

Chúc người trọn giấc mộng lành

Trăm năm tuổi thọ toại thành ước mơ

Gửi lòng ngưỡng mộ vào thơ

Danh thơm sáng mãi bên bờ tự do.

 

( Kính tặng Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền sinh nhật 75)

Phần đông trong chúng ta mỗi độ xuân về không ai không thuộc bản nhạc bất tử của nhạc sĩ Nguyễn Hiền “ Anh Cho Em Mùa Xuân”, bản nhạc này đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam mấy thập niên qua và tết đến là tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Hiền như nở rộ giữa mùa xuân mới.

Tôi rất buồn khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền ra đi và lại càng buồn hơn nữa khi nhớ đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đã ra đi cách đây mấy tháng – Vì thế tôi có bài viết này để kỷ niệm cùng hai nhạc sĩ mà tôi thân tình nhất.

Ngày tôi gặp lại anh chị Nhật Trường cách nay 12 năm tại cửa hàng băng nhạc cuả anh - Trước 1975 tôi đã từng gặp và ái mộ khi anh lên sân khấu trình diễn, còn Mỹ Lan tôi đã từng ở chung một chung cư Kỳ Ðồng với nàng khi còn ở Việt  Nam và hàng ngày vẫn nhìn nàng chưng diện đi hát các tụ điểm ca nhạc, thời bấy giờ Mỹ Lan đang nổi bật với hai bản nhạc “ Lá Còn xanh” và “ Tình Yêu Trên Những Giếng Dầu” – Tôi đã quen Mỹ Lan ở ngoài hiền hậu dễ thương, khi lên sân khấu nàng trẻ trung và nhí nhảnh, nàng vừa hát vừa nhảy làm say mê khán giả bởi dáng dấp cao ráo vừa hát vừa nhảy lại vừa cười với nụ cười duyên dáng xinh đẹp – Thú thật lúc đó tôi rất mê Mỹ Lan qua những show mà nàng trình diễn.

Năm 1996 tôi có dịp xuống miền Nam Cali và đã đến thăm anh chị Nhật Trường - Mỹ Lan – Chúng tôi đã chụp chung với nhau những tấm hình lưu niệm có cả nhà danh hoạ Vũ Hối và nhà văn Trầm Mộng Bằng tức Lâm Thùy Giang cùng đến thăm anh chị Nhật Trường hôm đó – Chúng tôi không thể quên món Bún Bò Huế sát cạnh tiệm mà anh chị Nhật Trường đã đãi chúng tôi – Tôi cũng đã đến nhà anh chị thăm bác gái khi bác từ Việt Nam sang chơi lúc ấy Mỹ Lan đang mang bầu bé Chí - Những kỷ niệm thân thương nầy đã dấy lên trong ký ức tôi ngay từ hôm được tin Ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh vừa mất !

Ca nhạc sĩ Nhật Trường tên thật là Trần Thiện Thanh, bút hiệu TTT, Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn và Nhật Trường.

Anh sinh tại Phan Thiết năm 1941 – Anh vào Sài Gòn sinh sống nghề soạn nhạc và ca hát năm 1958 trong bước đầu đầy khó khăn và gian nan. Thời gian chịu đựng qua đi, anh sáng rực và trở thành một tên tuổi nổi bật trong làng âm nhạc Việt Nam thời đó. Mỗi khi anh lên sân khấu là tiếng vỗ tay như pháo tết, anh hùng dũng hiên ngang trong bộ quân phục, anh đa tình lãng tử trong bộ veston màu nhạt, có đôi khi anh vô cùng tài tử trong bộ quần áo nghệ sĩ phong trần nhưng trông rất đẹp trai, thời ấy anh là thần tượng của giới trẻ, là mơ ước của các nàng nữ sinh, các người đẹp - Ở anh nhìn thấy một nét rắn rỏi pha đôi chút khắc khổ của đàn ông, đó là điểm đã làm anh nổi bật trong giới âm nhạc mềm và lã lướt kia - Cuối năm 1960 anh cùng Hùng Cường, Chế Linh thường mặc quân phục trình diễn trên sân khấu với những bài ca về lính do Trần Thiện Thanh sáng tác, thời ấy là thời nhạc lính bắt đầu sống dậy mạnh mẽ trong dòng nhạc của anh mặc dù anh còn rất trẻ, và khán giả rất say mê những buổi trình diễn có Nhật Trường - Một lần vào dịp tết, tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ , anh đã hát liên tục 4 bài nhạc viết về lính của anh theo yêu cầu của đông đảo khán giả tham dự - Ðầu năm 1961 anh lập ra ban tứ ca gồm Nhật Trường và ba giọng ca nữ phụ họa là Như Thủy, Vân Quỳnh và Diễm Chi, các nàng này chuyên hát phong trào du ca của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Miên Ðức Thắng, Nguyễn Ðức Quang, Bùi Công Thuấn và Trần Thiện Thanh … Anh là ca sĩ chính trong các bài trình diễn, ba cô chỉ hát phụ họa bài hát thôi – Sau đó một thời gian Nhật Trường thực hiện một nhạc cảnh rất sống động diễn xuất chung với nữ ca sĩ Thanh Lan về khí thế một anh hùng mũ đỏ Ðại Úy Dù Nguyễn Văn Ðương vừa nằm xuống cho quê hương rất ngoạn mục và xúc động toàn bộ người tham dự tại sân khấu cũng như sau này lên thành phim ảnh - Thời đó tôi cũng rất say mê cặp hát chung Nhật Trường & Thanh Lan này lắm, anh có một chất giọng trầm ấm trữ tình và rất sang, chị Thanh Lan thì trong trẻo nhí nhảnh và mượt mà trau chuốt mỗi lời ca mà lại xinh đẹp nữa nên cặp ca sĩ này thời đó rất ăn khách trong làng âm nhạc VN.

Có lần Nhật Trường tâm sự với bạn bè rằng lúc nhỏ anh rất mê được ca hát, nhưng cha mẹ anh nghe ca hát là la rầy  không đồng ý còn bảo là “xướng ca vô loại” nên cấm ngặt anh – Anh buồn vì ước mơ không toại nguyện nên đêm khuya không ngủ và đợi mẹ cha đã yên giấc điệp anh ngồi hát nghêu ngao một mình suốt mấy giờ liền những bài ca đã thuộc nằm lòng của các nhạc sĩ nổi tiếng thời đó, nên khi xuống Sài Gòn bắt đầu cho sự nghiệp ước mơ anh chọn ngay bút hiệu Nhật Trường để nhớ về những ngày dài vời vợi chờ đêm đến để được nghêu ngao ca hát một mình.

Nhật Trường gia nhập vào sự nghiệp ca hát chỉ một thời gian rất ngắn đã nổi tiếng khắp nơi trên các tụ điểm ca nhạc, đài phát thanh và trên làn sóng tivi màn ảnh … Do đó anh tiến bước tới soạn nhạc và anh đã thành công vô cùng với những nhạc phẩm viết về lính, viết cho lính, viết cho tình yêu, cho tang thương của đất nước, của chiến tranh nhưng hoàn toàn không ủy mị, mà kiên cường hùng tráng và quật khởi trong từng lời nhạc của anh.  Anh chính là một điểm son đã mang lại niềm tin và hào hùng cho người chiến binh thời đó ! Năm 1973 anh thực hiện cuốn c***ette “ Chiến Tranh Và Hòa Bình” đã được giới yêu nhạc yêu tiếng hát của anh ủng hộ thật nồng nhiệt, và đầu năm 1975 anh đang dự định tiếp tục xuất bản cuốn c***ette thứ hai với tựa đề “ Biển Sương Mù” nhưng không còn kịp nữa, tháng 4 đen đã vùi chôn bao mơ ước của anh rồi !

Năm 1975, nước mất, anh buồn và mất hẳn sinh khí để ca hát và soạn nhạc, anh bỏ đi xa và sống lặng lẽ như một thân xác không hồn, anh thương đất nước, thương người lính, thương chính cuộc đời mình từ nay phải chịu đau đớn như những lằn roi quất vào da thịt không nguôi, người chiến sĩ tâm lý chiến có một nội tâm sâu thẳm nên đã ẩn dật bao nhiêu năm dài không xuất hiện cho đến khi gặp lại anh tại xứ người, nét khắc khổ đã tô đậm lên sắc diện anh, ôi một thời trẻ trung hoa mộng đã bỏ anh rồi, người ca nhạc sĩ lừng danh bây giờ phải tìm cách mưu sinh vật lộn với cuộc sống mới, những thương đau trong tâm hồn đã khiến anh hững hờ với âm nhạc tuy rằng thỉnh thoảng anh vẫn cố gắng viết nhạc và cố gắng hát để nghe dòng lệ tuôn trào theo với lời ca nghèn nghẹn trong tâm hồn. Anh gặp Mỹ Lan tại xứ người, nàng cũng ly hương mang niềm đau mất nước, cả hai chung một tâm trạng, chung một nỗi niềm đã khiến dòng nhạc hào hùng của anh sống dậy mãnh liệt và anh đã cùng Mỹ Lan, người bạn đường duy nhất đi cùng trời cuối đất trên đất nước tha hương mang lời ca tiếng hát để nói lên chí khí quật cường, niềm tin vững chãi và tình thương bao la trong tận cùng trái tim anh đã gởi vào những bài nhạc mới mà anh đã cố công viết soạn cho đời, cho thế hệ mai sau.

Nhưng anh đã ra đi không bao giờ trở lại, dẫu biết rằng sinh ký tử quy nhưng thật đau buồn và thương tiếc bởi anh đi trong lúc còn quá trẻ, trên 60 là lúc chín mùi nhất cho sự nghiệp một con người, chắc chắn trong anh còn mang nhiều hoài bão cho quê hương cho dân tộc Việt Nam đang phải lưu vong xứ người - Chắc chắn trong anh đang hy vọng một ngày trở về nơi chôn nhau cắt rún để viết tiếp những dòng nhạc oai hùng cho lịch sử ngàn sau.

Giờ đây anh đã về một nơi xa thẳm, không có loài người để xẻ chia niềm tâm sự, vợ đẹp con xinh anh bỏ lại dương trần và Mỹ Lan, bé Chí sẽ tiếp tục sự nghiệp dở dang của anh, nàng và bé Chí con trai anh đã khiến bao người rơi lệ ngậm ngùi tiếc thương anh qua những lần diễn xuất khắp nơi trên hải ngoại, anh hãy ngủ yên một giấc ngủ nhẹ nhàng và tin rằng bé Chí sau này sẽ nối nghiệp anh và tên tuổi của anh sẽ sống mãi trong lòng nhân loại dù trải qua bao thế kỷ về sau.

Anh đã sáng tác gần 200 bản nhạc vừa cho lính, cho tình yêu và cho quê hương trong thời gian gần 20 năm chinh chiến điêu linh tại đất nước mình, khi ra hải ngoại anh buồn nhiều và mất hẳn nhụy khí viết nhạc nên chỉ sáng tác thêm một số ít bản nhạc mới hào hùng mà thôi, chúng ta không thể để những dòng nhạc bất tử của Trần Thiện Thanh vào quên lãng nên tôi ghi lại nơi đây tên những bản nhạc mà tôi được biết, mong rằng có thiếu sót xin quý độc giả thông cảm cho bởi trong tôi niềm quý mến ái mộ Ca nhạc sĩ Nhật Trường dâng cao từ mấy chục năm qua vì mấy ai vừa là ca sĩ nổi tiếng vừa là nhạc sĩ nổi danh lại hiền hòa đức độ như Nhật Trường Trần Thiện Thanh.

Ai Nói Với Em Ðêm Nay - Anh Không Chết Ðâu Anh – Anh Về Với Em – Anh Nhớ Về Thăm Em – Bà Tư Bán Hàng – Bà Mẹ Trồng Rau – Bóng Nắng - Biển Mặn - Bảy Ngày Ðợi Mong – Bà Mẹ Trị Thiên - Bắc Ðẩu – Bay Lên Cao Ði Anh - Bảy Thế Kỷ Tình Yêu - Biển Sương Mù - Chuyện Hẹn Hò - Chiều Trên Phá Tam Giang - Chiếc Áo Bà Ba - Chuyện Tình Người Ðan Áo – Chân trời Tím - Chờ Ðông – Cho Anh Xin Số Nhà - Chuyện Một Người Ði - Chuyện Tình TTKH – Con Ðường Buồn Chung Thân - Chị Ba Hàng Xanh - Chuyện Lứa Ðôi – Cho Người Vào Cuộc Chiến - Ðồn Vắng Chiều Xuân – Ðám Cưới Ðầu Xuân - Ðộc Hành – Ðôi Ngã Ðôi Ta - Gặp Nhau làm Ngơ – Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh – Giây Phút Giã Từ - Hàn Mặc Tử - Hoa Học Trò – Hoa Trinh Nữ - Hai Sắc Hoa Ti Gôn – Hãy Hứa Yêu Em – Hoa Chiều – Hoa Biển - Hiện Diện Của Em – Khi Người Yêu Tôi Khóc - Không Bao Giờ Ngăn Cách – Không Bao Giờ Quên Anh – Lâu Ðài Tình Ái - Lời Tình Viết Vội - Lời Cho Người Yêu Nhỏ - Lộc Non - Lời Tình Trong Khói Súng – Màu Mũ Anh, Màu Áo Em - Mộng Thường - Một Ðời Yêu Em – Mùa Ðông Của Anh – Mai Lệ Xuân - Một Lần Cuối - Một Lần Dang Dở - Mùa Xuân Lá Khô - Mười Sáu Trăng Tròn - Một lần Bay Thấp Ó Ðen - Người Ở Lại Charlie - Người Xa Người - Người Yêu Của Lính - Nỗi Lòng Thanh Trúc - Người Chết Trở Về - Ngày Ðầu Một Năm - Người Lính Tượng Ðài – Phút Giao Mùa – Phép Nhiệm Mầu – Quá Phụ Ngây Thơ – Rừng Lá Thấp - Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hành Khúc - Tuyết Trắng – Tình Ca Của Lính – Tình Thiên Thu – Trên Ðỉnh Mùa Ðông – Tình Thư Của Lính – Trong Lần Tái Ngộ - Tình Ðầu Tình Cuối - Tạ Từ Trong Ðêm – Tâm Sự Người Lính Trẻ - Thạch Sanh ( Truyện ca) – Tìm Một Vì Sao Nhỏ - Tình Có Như Không – Tình Yêu Thứ Nhất - Trời Chưa Muốn Sáng - Từ Ðó Em Buồn - Từ Nửa Vòng Trái Ðất - Tưởng Người Chết Ði – Tình Yêu Ngộ Nghĩnh - Vết Ðạn Thù Trên Tường Vôi Trắng - Vợ Thằng Ðậu – Xin Em Ðừng Hỏi – Yêu – Yêu Người Như Thế Ðó – Yêu Mơ Và Ghen …

Anh còn nhiều bản nhạc lắm nhưng tôi không thể nào nhớ nổi, một người ca nhạc sĩ đa tài như anh nếu số phần không ngắn ngủi anh sẽ còn viết cho nhân loại bao nhiêu bản nhạc giá trị ở cuối đời anh – Tôi thật xót xa cho một tài hoa bạc mệnh nên đã viết tặng anh hai bài thơ cho lần tiễn biệt thiên thu bằng cả cõi lòng thương tiếc :

 

 

THƯƠNG TIẾC  CA NHẠC SĨ 

NHẬT TRƯỜNG TRẦN THIỆN THANH

 

Được tin ca sĩ Nhật Trường

Hóa thân vào cõi thiên đường nghìn thu

Tài hoa vùi giữa sương mù

“ NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH” phù du gió ngàn

Xót xa “ ĐỒN VẮNG CHIỀU XUÂN”

Lắng nghe “ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG” gọi về

Cùng “ NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE”

Một vùng “ TUYẾT TRẮNG” chôn “TÌNH THIÊN THU”

“RỪNG LÁ THẤP”  giữa mây ngàn

Một “ CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG” xây thành

Và “ ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH”

“ KHÔNG BAO GIỜ NGĂN CÁCH” tình anh với nàng

Rộn ràng “ ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN”

Dịu dàng “ CHIẾC ÁO BÀ BA” thiên thần

Bây giờ “ MÙA ĐÔNG CỦA ANH”

“ TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH TRẺ” của Trần Thiện Thanh

 

Từ đây giọng hát trữ tình

Và bao dòng nhạc lưu danh thế trần

Một tâm huyết với giang san

Trời cao đoạt mệnh đã lầm đây chăng ?

Bàng hoàng giọt lệ rơi nhanh

Tiếc thương một kiếp tài danh sáng ngời !

 

 

NÉT SON VÀNG TRẦN THIỆN THANH

 

Ngày không tốt là ngày 13 thứ sáu

Tước đoạt trần gian sinh mạng một danh tài

Ngậm ngùi thương chí dũng một đời trai

Hoài bão chưa tròn thân vùi cát bụi !

 

“ PHÚT GIAO MÙA” “ XIN EM ĐỪNG HỎI”

“ NGUỜI XA NGƯỜI” rồi “ HÀN MẶC TỬ” ơi !

“ HOA BIỂN” thay anh “ LỜI TÌNH VIẾT VỘI”

“ CHUYỆN HẸN HÒ” xin “ HÃY HỨA YÊU EM”

“ ĐÔI NGÃ ĐÔI TA” “ TỪ ĐÓ EM BUỒN”

“ BẢY THẾ KỶ TÌNH YÊU” đùa “BÓNG NẮNG”

“ MỘT ĐỜI YÊU EM” trùng dương “ BIỂN MẶN”

“ TÌNH CÓ NHƯ KHÔNG” trăn trở “ CHỜ ĐÔNG”

“ BẢY NGÀY ĐỢI MONG” trên “BIỂN MÙ SƯƠNG”

“ CHÂN TRỜI TÍM” “ ĐỘC HÀNH” thân cô lữ

“ HOA CHIỀU” phôi pha lìa xa “ BẮC ĐẨU”

“ TƯỞNG NGƯỜI CHẾT ĐI” nhưng sống mãi muôn đời

 

Mượn lời thơ buồn tiễn anh lần cuối

Sống oai hùng chết để lại thanh danh

Nhật Trường mất đi bao người tiếc nuối

Nét son vàng muôn thuở Trần Thiện Thanh …

 

Nguyễn Phan Ngọc An -  San Jose

 

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 23/May/2008 lúc 11:00pm

NHỚ TRĂNG XƯA

 

Ðêm nay ta đứng ngoài hiên lạnh

Chợt thấy vầng trăng, trăng mới lên

Trăng rọi phương người sao lạnh lẽo

Mang mang một nỗi nhớ không tên

 

Trăng trải mười phương, ta đứng đây

Quê hương nỗi nhớ vẫn vơi đầy

Bao giờ tìm lại trăng phương cũ

Rũ hết phong trần … với đắng cay

 

Thuở ấy, người đem thơ tặng ta

Trong thơ ướt đẫm ánh trăng ngà

Thơ người trong sáng như vầng nguyệt

Nhưng có ngờ đâu …lại cách xa

 

Mảnh tình xin gửi lại trăng xưa

Chẳng trách tình sao quá hững hờ

Dẫm gót sương khuya mòn lối nhỏ

Tháng ngày còn lại … mấy vần thơ …

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 24/May/2008 lúc 1:39pm

GIẤC PHÙ DU

 

Em biết đời em vẫn thế thôi

Trăm cay ngàn đắng trải qua rồi

Xót xa thêm nữa, em nào ngại

Hãy mỉa mai đi …cứ nặng lời

 

Em chẳng buồn đâu, chẳng giận đâu

Như làn nước chảy giữa dòng sâu

Như chòm mây bạc tan trong gió

Vì đã quen rồi … chuyện khổ đau

 

Em biết rằng, anh vẫn dối em

Tiếng lòng thuở ấy dễ gì quên

Bao nhiêu hình ảnh người xưa đó

Khó nhạt phai mờ … trong mắt anh

 

Em hiểu lòng anh quá rộn ràng

Lần đầu cảm nhận thú yêu chăng

Vòng tay kỷ niệm hằn lên áo

Giấc mộng trăm năm lại phũ phàng !

 

Phải thế không anh - phải thế không ?

Chờ ai gỡ rối chuyện tơ lòng

Thế gian há dễ tìm tri kỷ

Ngã rẽ tâm tình, cách núi sông

 

Vương vấn nhau chi, chuyện đã rồi

Xem như thuyền mộng giữa dòng khơi

Ngàn trùng thăm thẳm mờ nhân ảnh

Thương cánh chim bay … lạc cuối trời …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 25/May/2008 lúc 3:09pm

MÙA XUÂN NHỚ BIỂN DẠT DÀO

 

Ðêm trở giấc lặng người trong cô quạnh

Xuân lại về buốt giá một niềm đau

Ðược gì đâu mỏi mòn nơi xứ lạnh

Vẫn nhớ thương miền biển sóng dạt dào

 

Người lưu lạc ta một đời dong ruổi

Thân ly hương đâu ấm nỗi đoạn trường

Ta một kiếp làm người thơ không tuổi

Nhưng thời gian tàn ác chẳng chịu nhường

 

Ta bây giờ sầu lên từng sợi tóc

Bạc mắt môi và trắng cả tương lai

Ta bây giờ hay buồn và hay khóc

Thương Mẹ Cha lòng luống những ai hoài

 

Nhớ khi xưa tung tăng vườn dậu tím

Nhà của ta sát bên cạnh nhà người

Mẹ của ta và Mẹ người thân lắm

Từng chắt chiu cho rạng mặt với đời

 

Ta với người Mẹ Cha giờ đâu nữa

Từng lời thơ là dòng lệ tuôn rơi

Kỷ niệm xưa từ bao năm chất chứa

Giờ bung ra như sóng vỗ trừng khơi …

 

Ta nhớ quá mẹ hiền bên bếp lửa

Bữa cơm chiều phe phẩy quạt cho ta

Xứ của mình nhà luôn luôn mở cửa

Nhưng dường như cái nóng chẳng buông tha !

 

Nhưng ta vẫn một lòng yêu xứ biển

Tình đậm đà như cá một dòng sông

Tiếng reo vui khi hoàng hôn ẩn hiện

Thuyền bập bềnh lướt sóng giữa trời trong

 

Ta bây giờ chỉ muốn về quê cũ

Sống an nhàn bên nấm mộ Mẹ Cha

Săn sóc con ta mùa mưa nước lũ

Sưởi nắng hồng tươi tốt những giàn hoa …

 

Ước mơ đó bao giờ ta thực hiện

Sẽ một đời ấp ủ mãi không thôi

Và tuổi trẻ từng đêm về hiện diện

Trên mái đầu đã bạc trắng như vôi …  

 
NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 27/May/2008 lúc 6:56pm

LẦN CON VỀ

 

Tay cầm tấm vé, dạ xôn xao

Thêm lần nữa con về thăm quê Mẹ

Mà bóng Mẹ thì lững lờ hư ảo

Nghe tim mình từng phút quặn đau !

 

Lần nầy con về, không để vui chơi

Cha của con bóng hạc xế chiều

Tuổi 88 thân Cha mòn mỏi

Từng bước Cha đi khập khểnh hắt hiu buồn

Ðôi mắt mờ, mây bạc trắng giăng giăng

Hoàng hôn đổ …màu tóc Cha bạc trắng

Thương làm sao dáng thân thương thầm lặng

Lần nầy con về, Cha lặng lẽ xót xa

Trong đôi mắt như có điều nhắn gửi

Con của Cha, nay tuổi đã về chiều

Cha hy vọng trong chuỗi ngày còn lại

Ðược thấy con có hạnh phúc, có tình yêu

Chẳng lẽ con của Cha bóng lẻ đìu hiu

Ðã miệt mài hơn hai mươi năm chẵn …

 

Kiếp phù sinh tuy dài nhưng rất ngắn

Thoáng giật mình Cha đã sắp quy tiên

Mà con thì cứ đơn độc triền miên

Cha không thể yên lòng quy cõi Phật !

 

Cha thương con, Cha nói điều rất thật

Bởi tuổi xuân nồng thắm được bao nhiêu

Nhưng riêng con, tâm đã thấm nhuần nhiều

Con chẳng muốn… vương vòng hệ lụy !

 

Lời Phật dạy :

Yêu là bể khổ …tình là dây oan

Và tâm con luôn hướng cõi niết bàn

Mong hướng thiện, mong làm điều phước thiện

 

Lần nầy con về … lo chữ hiếu

Kim tỉnh con xây, yên chỗ Cha nằm

Mong cuối đời Cha Mẹ được gần nhau

Hầu nhang khói sớm hôm gần gủi

 

Nghĩ điều này lòng con thêm buồn tủi

Cha của con, một nhân dáng oai phong

Vùng ký ức, một anh hùng lẫm liệt

Thời du học, Cha miệt mài kinh sử

Ðức, Nhựt, Pháp, Anh chữ nghĩa tinh thông

Kiếp con người sắc sắc không không

Biết lần nữa con về … còn được gặp ?

Mắt lòa, chân khập khểnh

Ðưa vòng tay gầy guộc khẳng khiu

Ôm hôn con … con gái tôi yêu !

 

Từng giọt lệ rơi rơi …

Nhòa dòng thơ đang viết

Hình ảnh chập chờn, Cha đứng tiễn con đi

Mong ước sao, lần tới nữa, con về

Bước khập khểnh, Cha dang tay … chờ đón

 

NPNA

  



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Phanthuy
Ngày gởi: 27/May/2008 lúc 9:25pm
Ngọc An thân mến ,
Đọc những bài viết của NA từ đầu thấy đây đúng là một văn nhân thi sĩ đây.  Bạn sáng tác rất nhiều và đề tài thì phong phú. PT định hỏi thăm vài lần nhưng đều bận việc. Nay đọc những bài viết về NS Trần Thiện Thanh, PT rất thích vì Nhật Trường TTT là ca sĩ , nhạc sĩ PT mến mộ lúc PT còn rất trẻ . Cám ơn NA. Nhân tiện xin làm quen với NA và xin được chia sẻ những tình cảm sâu đậm với những bài thơ viết về Mẹ , đặc biệt là bài : Lời buồn bên mộ vắng và Bơ vơ. Đọc 2 bài ấy PT nhớ Mẹ quá , cảm động rưng rưng dường như là Ngọc An viết dùm mình vậy. Xin cám ơn. Chị hay anh Ngọc An đây??
 


-------------
PhanThuy-CA


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/May/2008 lúc 1:34am

Anh Phan Thuy thân mến-

Ngọc An là nữ, anh chưa xem tấm hình của NA ở trang Ðêm Sông Ba của Thy Lan Thảo sao- Sau phần hai bài thơ là đến hình NA đó- Cảm ơn anh đã chia xẻ nhiệt tình với những dòng thơ dòng văn chân thật của NA xuất phát từ con tim mình- Rồi đây NA sẽ còn mong anh chia xẻ tiếp tục những nỗi niềm vì cuộc đời NA xem ra bất hạnh hơn người- Thơ NA là con người của NA đó- Hân hạnh đọc những dòng chữ thân mến của anh gửi đến NA- NA hồi âm thư anh ở trang này, hy vọng anh sẽ đọc như đã từng đọc thơ và văn cuả NA- Chân thành chúc trang web GO CONG phát triển- Thân chúc anh Phan Thuy cung quy quyen van an va thanh cong moi mat-
Than ai- NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/May/2008 lúc 1:41am

          NỖI LÒNG CHIẾN BINH

 

 

Ngồi đây mà nhớ Sài Gòn

Hỏi thăm chốn cũ có còn như xưa

Phải chăng sớm nắng chiều mưa

Tóc râu sợi bạc vẫn chưa ấm lòng

Liễu kia tóc rũ ven sông

Phải chăng em mãi miết trông người về

Anh buồn muôn dặm sơn khê

Trăng buồn khép mắt cho tê tái lòng

Làm sao thỏa chí tang bồng

Anh hùng chiến bại đau lòng buông xuôi

Súng gươm từ đó ngậm ngùi

Bảng danh từ đó chôn vùi tuổi tên

Ai ngờ vận nước đảo điên

Ai hay thảm cảnh triền miên dân lành

Chiến binh gục mặt cam đành

Mất rồi Tổ Quốc lưu danh một thời

Gông cùm lao lý tả tơi

Cúi đầu chấp nhận số trời dành cho …

 

Ba mươi năm tủi hận

Mang kiếp người lưu vong

Xa rồi quê hương Mẹ

Tóc bạc, đời long đong

Khăn buồn lau ngấn lệ

Trời buồn giọt mưa tuôn

Thu buồn rơi rụng lá

Sông buồn ngập phù sa

Núi buồn con thác đổ

Lệ đá buồn rưng rưng !

 

Chiến binh vùng vẫy sa trường

Giờ đây ôm hận trên đường mưu sinh

Vẫy tay chào, hẹn bình minh

Quê hương ngời sáng … chiến binh quay về …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/May/2008 lúc 1:48am

CÁNH NHẠN SẦU ÐÔNG

 

Thuở xưa mơ ước làm thi sĩ

Trau chuốt vần thơ gửi gió trăng

Gió nhẹ mang thơ đi khắp chốn

Nguyệt soi thơ tỏa tận cung hằng

Những điệu ru tình vang nhẹ nhẹ

Yêu thương dàn trải vận mang mang

Hoa nở mùa xuân chưa đủ thắm

Sen khoe nắng hạ sắc mơ màng

Rụng lá thu vàng luân vũ khúc

Sầu đông mây trắng vẫn lang thang

Người ở phương nào trông cánh nhạn

Ta về cố lý ngắm trăng tan

Thơ đẫm màu trăng thơm kỷ niệm

Hương gây mùi nhớ buổi thu tàn

Vắng bóng người về thơ lạc vận

Trăm con sóng vỗ nhịp trường giang

Thơ đợi người về, xuân chẳng đợi

Rong chơi ngày tháng…lạc mây ngàn…

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 29/May/2008 lúc 11:38am

YÊU THẦM

 

Tình dấu trong tim…tình không dám tỏ

Dẫu từng đêm ao ước được tao phùng

Hơn nửa đời, biết yêu là sẽ khổ

Nhưng người ơi, sao ngăn được tim mình !

 

Không gặp mặt từng giây nghe khắc khoải

Thế nhưng khi gặp gỡ lại làm ngơ

Thà chỉ riêng ta niềm đau ôm mãi

Mộng sẽ không tròn…tình phải bơ vơ…

 

Ðôi mắt đa tình, nhìn ta thắm thiết

Một lần thôi…se sắt cả tâm can

Một lần thôi…để ta vừa chợt biết

Chữ tình yêu sống dậy giữa hồn hoang

 

Ta ngụp lặn giữa biển đời sóng gió

Trái tim yêu đã lạnh với thời gian

Người từ đâu…như vầng trăng sáng tỏ

Cho ngọn lửa lòng, bừng dậy hoang mang

 

Ta sợ tình yêu…người ơi, có biết

Sâu thẳm trong hồn mơ ước chung đôi

Như tự cõi nào, nghiệp duyên tiền kiếp

Gặp một lần, lưu luyến mãi không thôi !

 

Ta sẽ tìm quên trong niềm câm lặng

Bởi yêu thầm đâu dám tỏ người ơi

Xin gửi tình ta theo mây trời lãng đãng

Theo vết bụi hồng…theo gió chơi vơi …

 

NPNA

 

                              

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 30/May/2008 lúc 10:55am
 
 
          "CÁNH NHẠN SẦU ĐÔNG"
 
 
           Nếu không ôm mộng làm thi sĩ
           Tình sẽ không vờn theo gió trăng
           Đời chắc không vương nhiều khổ lụy
           Hồn chẳng chơi vơi bóng nguyệt hằng
           Nhạc tình đâu thấm vào da thịt
           Hồng nhan nhẹ tuếch túi đa mang
           Ong bướm dập dìu, hoa chẳng động
           Yêu thương như một giấc mơ màng
           Đông xám, Xuân hồng, trời bất tận
           Thu vàng, Hạ trắng, đất thênh thang
           Không vẫy tay chào sầu tiễn biệt
           Không lau dòng lệ khóc ly tan
           Một dửng dưng đời, hoa với mộng
           Một buồn rưng rức, đếm canh tàn
           Đoạn trường là số nên Kiều đã
           Toan bề tuẫn tiết Tiền Đường giang
           Đã vậy, thôi thì, thôi thế nhé
           Sông núi, ô hay, vẫn bạt ngàn!
          
 


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 30/May/2008 lúc 1:33pm

Thân ái chào nhà thơ Ðông Quyên.

Rất vui khi nhận được bài thơ họa của thi sĩ- NA không biết là anh hay chị để tiện xưng hô cho đúng- Sorry vậy nhé và thành thật cảm ơn bạn đã chia xẻ bài thơ Cánh Nhạn Sầu Ðông cũng như chia xẻ nỗi niềm với NA- Thân chúc thi sĩ cùng gia quyến tràn đầy ân phước trong mùa lễ Cha sắp đến- Thân kính- NPNA
 
Thân thương tặng thi sĩ Ðông Quyên và quý anh chị bài thơ cho ngày lễ Father's Day sắp đến :
 

FATHER’S DAY

 

Mùa hạ bắt đầu

Ngày lễ Cha đã đến

Những đứa con lưu lạc

Thấy lòng như chim châm muối xát

Phía trời Âu muốn xuyên thủng quả địa cầu

Tìm trong ấy …

Bóng người Cha ẩn hiện

Như núi non cao tựa Thái Sơn

Cả một đời Cha ngậm nuốt tủi hờn

Cũng chỉ vì giang sơn nước Việt

Cả một đời Cha anh hùng tiết liệt

Gấm vóc này dành để lại đàn con

Ngày con còn bé nhỏ

Ðến lúc con trưởng thành

Công Cha nghĩa Mẹ sánh bằng non cao

Gì hơn chín chữ cù lao

Ân sâu chẳng trả lòng nào đặng yên

Trong tâm chuốt mãi ưu phiền

Mẹ Cha giờ đã về miền thiên thu

Biển xa dày đặc sương mù

Chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ ngoài khơi

Chỉ nghe gió hú trên đồi

Cô đơn chiếc bóng lòng thôi thúc sầu

Mẹ Cha giờ ở nơi đâu

Phù du cõi tạm bể dâu cõi trần

Ngày Từ Phụ nhớ Cha thêm

Nỗi niềm ly xứ … từng đêm lệ tràn !

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 30/May/2008 lúc 1:39pm

GIỌT NƯỚC MẮT EM

 

Em đã khóc một chiều bên gối mộng

Mưa ngoài kia như nặng hạt ru mềm

Gió xôn xao như cất tiếng chào đêm

Chia nỗi nhớ … mây giăng sầu u ám

 

Em đã khóc bầu trời nghiêng sắc xám

Bão điên cuồng như dừng bước phiêu du

Hoa phong lan thẹn mặt với sương mù

Sao bắc đẩu cũng sa dòng lệ nhỏ

 

Em hãy khóc cho thành nghiêng quách đổ

Giọt sầu em là bão tố đời anh

Lệ em rơi là mầm mống xây thành

Cơn thác nổi trong tim anh từ đó …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 30/May/2008 lúc 6:09pm
 
 
        "GIỌT NƯỚC MẮT EM"
 
 
       Hãy để anh lau, em, giòng nước mắt
       Bằng đôi môi khô cứng bởi phong trần
       Dù biết rằng sau những cuộc phong vân
       Là buốt nhớ rã rời trong tuyệt vọng
 
       Để anh uống nỗi buồn đang lạc lỏng
       Trôi lênh đênh trên đầu thác cuối gềnh
       Trả nhau về khoảng vắng đó mông mênh
       Con phố lạ, chưa vết bầm kỷ niệm
 
       Khóc chi em, để niềm đau phong kín,
       Giữ trong tim, đối mặt với đời thường
       Kiếp phù sinh  là dâu bể tang thương
       Làm sao đủ lệ sầu tan nỗi khổ    


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 31/May/2008 lúc 12:00pm
Cảm ơn thi sĩ Ðông Quyên nhiều lắm nha - Anh làm thơ hay quá- Mong sẽ được đọc thêm nữa thơ của anh gửi trong trang này- NA đã có trong nhiều trang web nhưng sao trang GO CONG này nhiều thân thương quá, nhiều kỷ niệm khó quên cho tâm hồn NA- Thân mến chúc anh nhiều may mắn và nhiều hạnh phúc nha- Thân ái- NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: loiquan
Ngày gởi: 31/May/2008 lúc 7:17pm
.
Mời ghé thăm Gò Công ở đây nữa
 
  http://edu.net.vn/forums/t/43481.aspx?PageIndex=1 - http://edu.net.vn/forums/t/43481.aspx?PageIndex=1
 
GÒ CÔNG
 
(Gò công.edu.net.vn = Gò công bang)
 

 


-------------
Cù lao Lợi Quan thương nhớ


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 2:34am
Xin cảm ơn LOI QUAN cũng không rõ nam hay nữ đây đã gửi cho NA xem trang Web quá nhiều bài vỡ giá trị này- NA phải phục quý vị thôi- Ðúng là nơi hội ngộ lý tưởng của NA rồi đó- NA cũng rất vui khi đọc thơ thi sĩ Ðông Quyên tặng, cũng không biết anh hay chị để xưng hô đây...Thơ cũng ướt át ghê, mong có ngày gặp quý vị thân thương của GO CÔNG-
Thân kính- NPNA
 
 
Gửi bài thơ tâm cảm đến quý tao nhân.
 
 

NHỮNG MẢNH ÐỜI

THA PHƯƠNG

 

 

Xin cảm kích lời hay ý đẹp

Trao về ta tặng phẩm tình thơ

Câu nhân nghĩa hòa trong màu mực

Chia sớt cho đời những áng thơ

 

Bốn biển cùng chung một nhịp cầu

Bước chân viễn khách đến gần nhau

Bên phương trời lạ mây giăng phủ

Những mảnh hồn hoang nhuốm giọt sầu

 

Trơ trơ mặt đá màu rêu phủ

Lặng lẽ bờ xa cát mịt mù

Nắng nhuộm khung trời mây trắng xóa

Một màu tê tái gót phiêu du

 

Nắng ngã chiều nghiêng cây xác xơ

Trời than đất thở người bơ vơ

Ðâu đây những mảnh hồn đơn độc

Chia sớt cho đời những áng thơ

 

Họ đã miệt mài giữa bóng đêm

Trở canh sương rụng trắng bên thềm

Ðếm từng nhịp đập trong tim óc

Ðể thấy đêm dài thức trắng đêm

 

Sống kiếp ly hương họ nghĩ gì

Trở trăn, trăn trở mối sầu bi

Sương pha mái tóc nào hay biết

Hy vọng hòa chung khúc biệt ly

 

Gởi tấm lòng lên những ý thơ

Tô hương điểm sắc xóa mây mờ

Ðiểm trang xuân thắm cùng nhân loại

Một tấm tình chung trước cuộc cờ …

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 11:11am
       
 
              FATHER' DAY
 
 
            "Ai ai phụ mẫu
             Sinh ngã cù lao
             Phụ hề sinh ngã..."
             Trời vào hạ
             Sen trắng đơm bông
             Từ đất lạ
             Giọt đắng cay nhòa nhoẹt trong lòng
             Thương núi, nhớ sông
             Đẵm máu hồng Cha chảy xuống
             Nam nhi hào khí cang vân cuồn cuộn
             Thêm sáng màu cờ, thêm thắm sử xanh
             Ơn giữ nước, công giữ thành
             Chuyển cho con dòng máu liệt oanh
             Để rồi lặng lẽ một mình Cha đi
             Mười tuổi thôi, con biết gì
             Quê hương, Tổ quốc mà suy ngẫm đời
             Năm tháng buồn, năm tháng trôi
             Thay Cha, Mẹ day làm người thế gian
             Hai lần đầu quấn khăn tang
             Hai lần tử biệt, nối hàng lệ rơi
             Cha đâu rồi! Mẹ đâu rồi!
             Còn chăng là những ngậm ngùi xót xa
             Lão Lai Tử, tuổi đã già
             Vẫn còn bên Mẹ hát ca, làm trò
             Còn mình sao lại bơ vơ!
 


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 11:52am
Thưa thi sĩ Ðông Quyên- Thì ra bạn cũng mồ côi cha mẹ như NA- Buồn lắm thay cho những kẻ mồ côi hơi sớm- Trong tim đau chỉ biết gửi lên trang thơ mộc mạc để được người cảm thông chia xẻ- Thế là đủ vui rồi bạn ạ- Xin lỗi cho biết là nam hay nữ đây- Sau này dưới bài thơ tác giả nên ghi thêm Mr. hoặc  Madame nhé- Thân kính- NPNA
 

THÁNG SÁU TA

BUỒN TIM TÁI TÊ

 

Năm nào tháng sáu ta rong chơi

Ánh nắng chiều nghiêng dưới mặt trời

Ðuổi bướm vờn quanh hàng dậu tím

Thả diều theo ngọn gió chơi vơi

 

Lần lữa bao mùa xuân nở hoa

Mấy đông trở giấc đọng sương pha

Thả trôi mơ mộng vào hư ảo

Ôm chuổi ngày buồn lẫn xót xa

 

Tháng sáu nào mưa bão ngút ngàn

Tiễn người chiến sĩ vượt quan san

Ðưa người yêu mến về lòng đất

Ta đã một thời lệ chứa chan

 

Tháng sáu này ta đếm tủi hờn

Cha vào huyệt lạnh với cô đơn

Hôm nào bên cửa cha còn đứng

Vẫy vẫy tay chào để tiễn con

 

Tháng sáu con buồn tim tái tê

Còn đâu cha đứng đón con về

Âm dương cách biệt rồi cha nhỉ

Vĩnh viễn ôm sầu trong giấc mê

 

Con thấy cha từ trong bóng đêm

Bạc phơ mái tóc ngủ êm đềm

Ngàn năm giấc ngủ vào miên viễn

Cay đắng nghẹn ngào chua xót thêm

 

Từ đây cho đến cuối đời con

Một bóng đơn côi giữa xứ người

Con khóc khi đời dâng bão tố

Con cười … nhưng giọt lệ đầy vơi !

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 12:18pm
 
 
          NHỮNG MẢNH ĐỜI
 
               THA PHƯƠNG
 
 
        Trước cuộc cờ, tình chung một tấm
        Đăm đẵm mắt vời vọng cố hương
        Nơi đã lớn lên từng tấm mẵn
        Nợ áo cơm, sách vở, học đường
 
        Bị cuốn vào sông đời lạ lẵm
        Bâng khuâng trôi, tối lớn khuya ròng
        Sóng đẩy xô, tủi buồn ướt đẵm
        Ai biết đâu nơi chốn để dừng
 
        Trăng xẻ nửa, hạ tuần thức muộn
        Bóng nghiêng nghiêng rụng xuống nhà ai
        Bên góc rừng, bờ cây lặng ngủ
        Ô hay mình, sao vẫn ngồi đây
 
        Ai "gởi lòng lên những ý thơ"
        Nghe tim se thắt, mắt hoen mờ?
        Có nghe tiếng gọi hồn sông núi
        Theo gió bay về nẻo ước mơ?


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 12:37pm

CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG

 

Có những niềm riêng không nói được

Cho hồn trăn trở nỗi đau thầm

Sương rơi buốt giá chân trời cũ

Hai nẻo sầu, hai cõi lặng câm

 

Có những niềm riêng để nhớ nhung

Dư âm vang vọng đến muôn trùng

Cuốn theo chiều gió về phương ấy

Vương mãi lệ sầu, ai biết không

 

Có những niềm riêng thức trắng đêm

Lặng nghe dòng máu chảy về tim

Xót xa thân phận người cô phụ

Chia cách rồi năm tháng ấm êm

 

Có những niềm riêng dạ tái tê

Nỗi đau chiếm trọn lúc đêm về

Trong tâm như vẫn còn thao thức

Giọt đắng cay nồng cơn tỉnh mê

 

Có những niềm riêng để hận sâu

Một đời xin nhớ mãi về sau

Phải chăng tiền kiếp không tu trọn

Ðể bể luân hồi vướng khổ đau !

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 1:14pm
 
 
         BUỒN TIM TÊ TÁI
 
 
     Ánh nắng chiều nghiêng dưới mặt trời
     Một thời kỷ niệm rất xa xôi
     Một thời quê cũ thanh bình ấy
     Thăm thẵm xa, trôi lạc mất rồi
 
     Ôm chuỗi ngày buồn lẫn xót xa
     Kiếp người vui được mấy đâu mà
     Tứ đại giai không, lòng thanh thản
     Kìa ai trong thế giới ta bà
 
     Đưa người yêu mến về lòng đất
     Có nghĩa là cha mất thật rồi
     Có nghĩa là con đời sẽ khổ
     Và từ hôm đó: con mồ côi
 
     Cha vào huyệt lạnh với cô đơn
     Ném xuống cổ quan viên sỏi buồn
     Con không biết để làm chi nữa
     Bé ta ơi, lệ vẫn trào tuông
 
     Âm dương cách biệt rồi cha nhỉ
     Ngơ ngác hương trầm bay sáng nay
     Khói tỏa man man sầu vạn kỷ
     Khẩn nguyện cha ngon giấc ngủ dài
 
     Ngàn năm giấc ngủ vào miên viễn
     Cha đã về ngôi - thưa phụ vương
     Cho con lần nữa dâng thơ tiễn
     Dù tóc bây giờ đã điểm sương
 
     Con cười nhưng giọt lệ đầy vơi
     Vì trái tin yêu rụng xuống rồi
     Bão đời đã đẫy con xa xứ
     Nên phải đơn côi giữa xứ người
     
 


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 10:30pm

EM VỀ TỪ CHỐN NHIỀU MƯA

 

Nơi ấy mưa nhiều, anh biết không

Ðường chiều nước lũ trải mênh mông

Em đi trên xác hoa tàn rụng

Cô đọng hồn em ngọn sóng lòng …

 

Em nhớ em thương em đợi mong

Bão to vần vũ trận cuồng phong

Gió lay cành đổ cây nghiêng ngả

Nước lở tràn bờ những khúc sông

 

Mưa như thách thức với trần gian

Như khóc như van lệ ngút ngàn

Thương xót quê hương thời khói lửa

Núi sông dân Việt thuở lầm than …

 

Giọt nguồn tưới mát những mầm xanh

Cây trái quê em nặng trĩu cành

Ðồng ruộng bao la vàng lúa chín

Nhịp chày giã gạo suốt thâu canh

 

Mạch nước dâng tràn trong huyết quản

Ðàn con của Mẹ sống hiên ngang

Nhiễu nhương non nước hồi nghiêng ngửa

Giữ vững lòng son … dẫu lạc đàn

 

Nơi ấy mưa nhiều, đây hạn hán

Núi trơ, gió lạnh tình khô khan

Xót xa cho kiếp đời lưu lạc

Nhớ giọt mưa nguồn … lệ chứa chan …

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 01/Jun/2008 lúc 10:32pm

BIỂN VẮNG TIẾNG THÌ THẦM

 

gió chiều mang thác lũ

từng đợt sóng gầm gừ

xé toang màn sương phủ

phiến đá vẫn vô tư

 

người con gái lặng im

tóc bay lồng trong gió

xao xác cánh hoa tim

chuổi sầu riêng còn đó

 

biển vắng tiếng thì thầm

cội thông già im lặng

xa rồi tình trăm năm

còn đây bờ môi mặn …

 

lá còn đâu ấp ủ

cây mùa đông trơ cành

biết tìm đâu người cũ

giữa tinh cầu mong manh

 

vẫn giọt nắng thủy tinh

xuôi thuyền xa bến đổ

lữ khách vẫn vô tình

đạp vỡ lá vàng khô !

 

người con gái đợi chờ

đã chín mùa đông phong

chín mùa hoa mai nở

xuân sắc nhạt môi hồng

 

còn gì nữa người ơi

biển tương tư rã rời

vết tình in trên cát

sóng xô bờ cuốn trôi …

 

giấu tình buồn trong mắt

quay quắt nụ tình xa

ôm đỉnh sầu héo hắt

từ giã tuổi ngọc ngà !

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 8:21am
 
 
          CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG
 
 
          Nếu đã là riêng thì nín lặng
          Để cho mây gió nói thay mình
          Mặc đớn đau, u sầu gậm nhấm
          Bước nghêng ngang trong cõi yên bình
 
          Nếu đã là riêng, đừng tiếc nhớ
          Dù cho mưa bão thổi ngang qua
          Trôi nỗi bèo dâu, đời tạm bợ
          Sao để lòng vương vấn thiết tha
 
          Nếu đã là riêng thì khép lại
          Đừng cho trăng sáng rọi đêm nay
          Đừng để tình thơ tràn trên giấy
          Kẽo hồn đắm đuối ngất ngây say
 
          Nếu đã là riêng, đừng thổn thức
          Đừng cho nước mắt ướt hoa tươi
          Đừng cho đá cuội rơi lòng vực
          Trời vẫn xanh và mây cứ trôi!
          


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 12:54pm
Thưa hai anh Lộ Công 15 va thi sĩ Ðông Quyên-
Hôm rồi, NA viết gửi anh ghi là Công Lộ- cho xin lỗi về tội nói ngược nha- Mỗi con người trời cho một số phận, như NA không may nên phải mượn giấy bút trải tâm tư và vui lắm khi được chia xẻ đọc cho rồi lại còn đáp họa thơ- Mới vào trang này được hơn một tháng mà NA thấy gần gũi thân thương như mấy năm rồi... chắc là "tha hương ngộ cố nhân"
Mến chúc hai vị yên bình hạnh phúc vì ÐQ cũng không biết là nam hay nữ, còn Lộ Công 15 chắc là nam- Mong rằng NA đoán đúng, còn ÐQ xin chịu thua...
Tình thân- NPNA
 
 

CON VẪN MUỐN

 

Lạy Thượng Ðế

Giúp hồn con bình thản

Ðừng buồn vương trong kiếp sống tha hương

Ðừng rưng rưng những giọt lệ tủi hờn

Ðừng nuối tiếc khoảng xuân thời đã mất

 

Dù tim con, nỗi buồn đau chất ngất

Mắt môi mờ theo ngấn lệ thời gian

Tóc pha sương với ngày tháng mỏi mòn

Con vẫn muốn …

Con vẫn còn rất trẻ

 

Ðể con được một lần con sống lại

Thuở xuân xanh, mắt biếc với môi hồng

Ước mơ dào dạt trong lòng

Tình quân lý tưởng mặn nồng đón đưa

 

Thượng Ðế ơi …

Con chỉ là một linh hồn bé nhỏ

Sợ buồn đau, sợ ghét bỏ của thế gian

Sợ cả đơn côi tiếp nối phũ phàng

Con sợ lắm, bởi bao lần gục khóc !

 

Một trái tim … một khối óc

Buồn rơi rồi trên mái tóc còn xanh

Ðường thêu hoa, dệt mộng đã không thành

Duyên với nợ, công danh đành lở dở

 

Chân bước vội trên đường tình bở ngở

Hỏi đôi lời sỏi đá cũng làm ngơ

Ðể trái tim thơ lầm lạc dại khờ

Ngày xuất giá… mắt môi mờ ngấn lệ …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 2:22pm

CẢM THÔNG

 

Vời trông vũ trụ khôn cùng

Ngàn sao lấp lánh soi cùng thế gian

Ta chợt thấy trong ngàn tinh tú

Một tao nhân vui thú thanh nhàn

Bút hoa người vẽ tơ vàng

Như trong huyền thoại chuyện nàng liêu trai

Ta lỡ kiếp trang đài phiền muộn

Lắm gian nan trong cuộc phong trần

Dòng thơ mộc mạc đôi vần

Xin tao nhân hãy một lần cảm thông

Ôi ngà ngọc má hồng đâu nữa

Ba mươi năm tựa cửa buồn trông

Thời gian chồng chất, chất chồng

Môi son đã nhạt, má hồng đã phai

Sao tâm vẫn ai hoài tiếc nuối

Mộng và đời trong buổi hoàng hôn

Ai mang son trẻ vào hồn

Dòng thơ huyền diệu cho lòng đơm hoa

Lời tha thiết chan hòa ý sống

Thơ tao nhân cảm động hồn ta

Mai này năm tháng trôi qua

Lời thơ không dễ … nhạt nhòa trong tim

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: thylanthao
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 6:19pm
Ai mà nhìn phớt qua thấy giống Ngọc An vậy cà... Bộ cha nầy có máy chụp xuyên bang??Hình nầy tui cũng chưa thấy
http://i27.tinypic.com/2z8dt89.jpg


-------------
Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 8:00pm
Phải phục Thảo huynh thôi- Ở đâu mà có thêm tấm hình này vậy? NA nhớ là buổi này tổ chức ở Sacramento, nếu buổi đó không có anh tham dự thì chắc chắn có nội tuyến rổi, mà nội tuyến kiểu này tác giả càng vui và thấy hân hạnh nữa... Còn tấm nào nữa anh Thảo cho lên nha- Phải cảm ơn anh thật nhiều, anh giới thiệu vào Go Cong, một trang web rất dễ thương và rất nhiều tao nhân mặc khách yêu thơ, lịch sự và trang trọng lại đầy tình ly hương... Sao không trả lời cho NA biết là có giận hay không khi NA vào phá rối trang Ðêm Sông Ba của anh? Nếu không giận còn vào phá nữa...hi..hi...
Chúc mừng anh Thảo ra mắt sách mới thành công, NA cũng định in 2 cuốn thơ và truyện nhưng mậu lúi vì túi hết tiền, phải để đến cuối năm thôi- Thân chúc anh nhiều vui khỏe và sáng tác dồi dào-
Tình thân- NPNA
 
 

VÒ VÕ CANH SƯƠNG

 

Hai con chim nhỏ trên cành liễu

Hót điệu ân tình quá dễ thương

Em đứng một mình bên cửa vắng

Tay buồn gỡ rối sợi tơ vương…

 

Ước gì anh có bên em nhỉ

Ðể ngắm nắng vàng giữa sáng nay

Chim cũng có đôi, tình đến thế

Sao em đơn lẻ, tháng năm dài !

 

Quê hương xa quá vòng tay với

Từ độ sương mờ phủ núi sông

Em lạc trên dòng trôi nổi ấy

Giạt xuôi thân phận mãi long đong…

 

Nhiều đêm thức trắng buồn da diết

Trăn trở bên lòng nỗi nhớ thương

Dáng Mẹ hình Cha mà quặn thắt

Một mình vò võ giữa canh sương

 

Rồi em nhớ lại bao ngày tháng

Thuở tuổi xuân hồng bên Mẹ Cha

Làn khói chiều vương trên mái ấm

Trăng nghiêng soi bóng dưới giàn hoa

 

Vũng Tàu nhớ lắm, quê hương cũ

Sóng biển trước sau mãi dạt dào

Cồn đá rêu phong hàng liễu rũ

Cát vàng in dấu…một ngày nao !

 

Bây giờ em lại bơ vơ quá

Sống giữa đất trời, lạ nước non

Vuốt mặt nghe lòng sao thổn thức

Lệ nhòa má phấn…nhạt môi son…

 

NPNA

  

 
 


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: loiquan
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 8:55pm
~::Trích Dẫn nguyên văn từ Ngoc An

Xin cảm ơn LOI QUAN cũng không rõ nam hay nữ đây đã gửi cho NA xem trang Web quá nhiều bài vỡ giá trị này- NA phải phục quý vị thôi- Ðúng là nơi hội ngộ lý tưởng của NA rồi đó- NA cũng rất vui khi đọc thơ thi sĩ Ðông Quyên tặng, cũng không biết anh hay chị để xưng hô đây...Thơ cũng ướt át ghê, mong có ngày gặp quý vị thân thương của GO CÔNG-
Thân kính- NPNA
 
 
Gửi bài thơ tâm cảm đến quý tao nhân.
 
 

NHỮNG MẢNH ÐỜI

THA PHƯƠNG

 

 

Xin cảm kích lời hay ý đẹp

Trao về ta tặng phẩm tình thơ

Câu nhân nghĩa hòa trong màu mực

Chia sớt cho đời những áng thơ

 

Bốn biển cùng chung một nhịp cầu

Bước chân viễn khách đến gần nhau

Bên phương trời lạ mây giăng phủ

Những mảnh hồn hoang nhuốm giọt sầu

 

Trơ trơ mặt đá màu rêu phủ

Lặng lẽ bờ xa cát mịt mù

Nắng nhuộm khung trời mây trắng xóa

Một màu tê tái gót phiêu du

 

Nắng ngã chiều nghiêng cây xác xơ

Trời than đất thở người bơ vơ

Ðâu đây những mảnh hồn đơn độc

Chia sớt cho đời những áng thơ

 

Họ đã miệt mài giữa bóng đêm

Trở canh sương rụng trắng bên thềm

Ðếm từng nhịp đập trong tim óc

Ðể thấy đêm dài thức trắng đêm

 

Sống kiếp ly hương họ nghĩ gì

Trở trăn, trăn trở mối sầu bi

Sương pha mái tóc nào hay biết

Hy vọng hòa chung khúc biệt ly

 

Gởi tấm lòng lên những ý thơ

Tô hương điểm sắc xóa mây mờ

Ðiểm trang xuân thắm cùng nhân loại

Một tấm tình chung trước cuộc cờ …

 

NPNA

 

 

 

Mr loiquan tui ở tận cù lao Lợi Quan của xứ Gò Công.

Trước mần nghề xoa đầu trẻ, về hưu đã lâu, sau này nhờ có cái internet nên được gặp đồng hương đó đây. Nay được biết thêm chị Ngọc An mần thơ hay, thiệt là hay và chị đã dành cho Thân hữu Gò Công nhiều tình thân ái. Ôi ! dzui quá tay !.

          Phần tui, nhờ cháu nó chỉ chỗ tui mới lọ mọ ghé dzô trang web Gò Công quốc nội và từ đó mới biết thêm cái website Thân hữu Gò Công hải ngoại này. Vậy là tuổi già tui(và nhiều đồng hương khác) đã có 2 chỗ Gò Công để ghé chơi, nghĩ lại cũng thích lắm.

 

Cánh chim Ngọc An từ Vũng Tàu về đậu đất lành Gò Công cũng là niềm vui cỡ bự. Ở đây, bây tui vốn rất quý Chị Phan Thủy (đúng ra là phục cả mấy chị em, con và dâu của chị ấy nữa) nay lại có thêm chị Ngọc An, vậy là nhóm nữ Gò Công internet chắc chắn càng thêm rạng rỡ.

 

Xin hé một tin bí mật với nữ sĩ Ngọc An nha: ngừoi post bài “Duy Văn” nhận xét thơ Ngọc An chính là thủ phạm tạo ra trang web Gò Công quốc nội đó !. Bây tui gọi ổng là Phù thủy Gò Công bởi vì ổng không phải dân Gò Công mà sành về xứ này quá mạng; người Huế nhưng hỏng biết duyên sao đó mà ổng quý Gò Công lắm. Nói dzầy để chị Ngọc An Vũng Tàu càng thương mến Gò Công nhiều hơn nữa.

Cảm ơn nhà thơ Thy Lan Thảo đã mời được thi sĩ Ngọc An ghé đất Gò Công.

 

Thật là thân hữu Gò Công

Ấy gò Khổng tước mênh mông tình người

Văn nhân thi hữu muôn nơi

Đất lành chim đậu giữ tươi chữ tình



-------------
Cù lao Lợi Quan thương nhớ


Người gởi: tiju_phan
Ngày gởi: 02/Jun/2008 lúc 8:58pm

- Chào chị Nguyễn Phan Ngọc An,

Tuấn thì rất dốt văn thơ lúc nhỏ tới lớn cha dẫn đi học nghề vẽ kiến trúc ở trường vẽ Gia Định; lại được cái diễm phúc nối nghiệp của Cha mình. nghe Hp nói về chị gốc bên ngoại họ Phan có thể cho Tuấn email để liên lạc chăng? Hiện nay Tuấn cũng tiếp tục hành trình làm gia phả tìm lại cội nguồn của tổ tiên Nam-tiến, Tuấn cũng có cái blog tên internet : http://www.360.yahoo.com/nqtuan2910 - http://www.360.yahoo.com/nqtuan2910 hoặc chị Ngọc An vào thẳng forum này ở mục "Làm quen nhắn tin" vào NHẮN TIN ANH LỘ CÔNG MƯỚI LĂM, chi click vào thì có hàng loạt tông chi mà Tuấn đã làm theo bút tích
của Cha Tuấn đó, địa chỉ mail mailto:nqtuan2910@yahoo.com.vn - nqtuan2910@yahoo.com.vn
Chúc sức khoẻ Chị nhé. hẹn gặp lại
PHAN QUOC TUẤN và NGUYỄN QUỐC TUẤN là một


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 03/Jun/2008 lúc 9:22am

 Kính chào thân ái anh Loi Quan và anh Tuan-

Cảm ơn tình cảm các anh thăm hỏi người lính mới này- Ðược biết Loi Quan là nam để dễ xưng hô- hân hạnh được quen biết chú Loi Quan nha- Kính- NPNA
 
Cảm ơn anh Tuấn với mỹ ý dòng tộc- Nhưng NA chỉ đùa chứ không có chi tiết xác thực vì mẹ cha chết lâu rôi- mẹ mất 20 năm, cha mất 10 năm mà thời gian đó NA lại ở phương trời viễn xứ- NA đã vào "Nhắn tin lộ công mười lăm" đọc và xem hình ảnh rồi- Anh Tuấn tốn thì giờ lắm phải không- thấy hình của anh nữa...NA tham gia rất nhiều trang web nhưng thích go cong nhất dù là lính mới to te- Thân ái- NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 03/Jun/2008 lúc 9:25am

GIỌT NẮNG QUÊ HƯƠNG

 

Mùa hè ở Mỹ nắng chang chang

Ngọn cỏ cành cây cũng héo vàng

Xơ xác bên đàng hoa rũ cánh

Chán chường đàn bướm chẳng bay sang

 

Mùa hè lý tưởng chút nào đâu

Nóng nực như điên nhức cả đầu

Nóng nực bực mình hay nổi cáu

Tại trời nào phải tại em đâu

 

Anh về bên ấy cho em nhắn

Em nhớ em thương giọt nắng vàng

Trải giữa làng quê hương mộc mạc

Ấm tình cô lữ ấm xuân sang

 

Anh về bên ấy cho em gửi

Ðôi cánh tay em với nụ cười

Rực rỡ bên trời hồng sức sống

Vòng tay ôm trọn bóng quê hương

 

Anh về bên ấy cho em nhớ

Những lũy tre xanh vạt lúa vàng

Vi vút thông reo chiều gió lộng

Nhớ mùa phượng vĩ lúc hè sang

 

Anh về bên ấy nhớ dùm em

Ðón gió quê hương với nắng vàng

Ôm cả bầu trời trong ánh mắt

Mang về đất khách tặng cho em

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 03/Jun/2008 lúc 9:33am

MOÄT NGAØY MUØA THU

                            Buùt kyù : Nguyeãn Phan Ngoïc An

 

Cöù moãi naêm ñeán ngaøy 11 thaùng 9, ngaøy tang thöông cuûa nöôùc Myõ, laø loøng naøng ñau xoùt khoân nguoâi, ngöôøi yeâu cuûa naøng cuõng giaõ töø naøng ra ñi vónh vieãn sau ngaøy ñaïi naïn cuûa Hoa Kyø maáy hoâm, cho neân ñoái vôùi naøng ngaøy 11/9 laø chöùng tích muoân ñôøi, ngaøy kyû nieäm cho cuoäc tình ñaõ maát…

Cho duø qua bao xoay vaàn, thay ñoåi cuûa thaùng naêm, loøng naøng vaãn nhôù vaãn thöông hình boùng cuõ, coù ai hieåu thaáu taän traùi tim mình baèng chính mình… Sau khi chaøng naèm xuoáng, naøng ñaõ töï nhuû chaïy troán taát caû moïi caûm tình xung quanh, haõy soáng nhöõng thaùng naêm coøn laïi cho chaøng duø trong nhöùc buoát coâ ñôn ! vì naøng hieåu ra raèng naøng ñaõ döï phaàn, naøng laø moät trong nhieàu nguyeân nhaân ñöa chaøng tôùi coõi nghìn thu vónh bieät !

Hôn ba naêm, naøng soáng aâm thaàm laëng leõ keå töø ngaøy chaøng boû ra ñi, nhöõng cuoäc vui, nhöõng buoåi hoïp ñaøn, vaên chöông thi phuù, ít ai thaáy naøng tham döï nhö tröôùc…

Moät taâm khuùc cho ngöôøi tình ñaõ khuaát, naøng nghó theá vaø vieát trang thieân nhaät kyù naøy cho chaøng, duø bieát raèng chaøng khoâng coøn hieän höõu treân theá gian naøy nöõa, nhöng taâm linh chaøng seõ ñoïc vaø hieåu cho naøng, tha thöù cho naøng…

Ngaøy ñoù, moät ngaøy raát xa xoâi vôùi kyù öùc ñang ngaäp traøn kyû nieäm…Moät chieàu thô nhaïc ra maét taäp thô cuûa thi só Vuõ Baêng Ñình ñeán töø moät tieåu bang xa, ñang chöông trình nhoän nhòp thi ngaâm thì chaøng ñeán vôùi hai ngöôøi baïn, vôùi daùng daáp cao lôùn, traùn roäng, maùi toùc gôïn quaên, nöôùc da traéng, chaøng laø hieän thaân cuûa nhöõng maãu ngöôøi trí thöùc, baûnh trai…Nhìn chaøng giaây phuùt loøng naøng ñaõ thaáy caûm meán moät maãu ngöôøi yeâu lyù töôûng, nhöng ñoù chæ laø thoaùng qua, naøng vaãn giöõ cho mình söï nghieâm trang xa laï khi Huøng vaø Vaên giôùi thieäu chaøng vôùi naøng ñeå quen bieát…

Ngaøy 2/8/1997, naøng khoâng bao giôø queân ngaøy kyû nieäm naøy, chaøng leân buïc ngaâm thô, gioïng chaøng sang saûng traøn ñaày söùc soáng, moät gioïng Baéc Haø Noäi tröõ tình, tha thieát nhö taâm tình chaøng ñang trao gôûi vaøo thô…Chieàu ñoù, thay vì ñi döï moät party cuûa tröôøng, naøng ñaõ vui loøng theo lôøi môøi cuûa chaøng vaø hai baïn, naøng ñi döï moät ñaùm cöôùi cuûa baïn thaân chaøng. Boán ngöôøi treân moät chieác xe, chaøng luoân mieäng noùi cöôøi vui veû, aâm vang suoát caû ñoaïn ñöôøng daøi, naøng ñaõ nhaän thöùc ñöôïc nôi chaøng veû hoàn nhieân yeâu ñôøi, döôøng nhö cuoäc soáng chaøng khoâng coù ñieàu gì khoå taâm lo nghó ?...

Chaøng laøm MC chöông trình ñaùm cöôùi, chaøng noùi chaøng cöôøi, chaøng keå chuyeän tieáu laâm trong nhöõng giôø phuùt chôø khaùch ñeán ñoâng ñuû, con ngöôøi chaøng troâng baët thieäp laï luøng – Taøn tieäc, chaøng vaø hai baïn ñöa naøng veà laïi choã laáy xe cuûa naøng, chaøng xin soá phone cuûa naøng vaø caàm tay naøng hoân töø giaõ.

Saùng hoâm sau, chaøng goïi heïn naøng taïi nhaø haøng gaàn nôi naøng cö nguï, chaøng ñaõ mua saün moät chai daàu thôm Chanel 555 loaïi ñaét tieàn ñem taëng naøng vaø noùi “ Toâi taëng coâ vì thích ñöôïc taëng, chöù khoâng troâng mong ñöôïc laøm quen vôùi coâ, vì thaân toâi thaáp heøn, ñaâu daùm öôùc mô laøm quen nöõ só” chaøng cöôøi raát töï nhieân nhöng haøm chöùa moät söï thaân thieän chaân thaønh maø naøng ñaõ caûm nhaän ñöôïc ! naøng chöa heà gaëp ai taëng quaø cho baïn gaùi maø laïi coù nhöõng ngoân töø laï luøng, baát caàn ñôøi nhö theá, naøng cuõng cöôøi vui traû lôøi “ Toâi thaät chöa thaáy ai laï luøng nhö anh, troâng anh thaät löïu ñaïn, nhöng toâi thích caùi tính tình löïu ñaïn cuûa anh” chaøng cöôøi ha haû queân caû ngöôøi xung quanh ñang nhìn chaøng…ôû chaøng toaùt ra söï kieâu kyø, baát caàn vaø boäc phaùt nhöng vaãn khoâng thieáu söï traân troïng vaø teá nhò vôùi naøng cuõng nhö vôùi baïn beø – Naøng thích nhöõng ngöôøi ñaøn oâng coù caù tính nhö theá vaø sau hai thaùng tìm hieåu caën keû veà ñôøi tö, bieát chaøng ñang soáng ñoäc thaân, laøm vieäc cho moät haõng ñieän, naøng ñaõ chaáp nhaän tình caûm vaø chaøng ñaõ khoâng ngaàn ngaïi  ñöa naøng ñeán nhaø gaëp caùc chò gaùi cuûa chaøng…

 

Ngaøy thaùng troâi qua, nhöõng buoåi vaên chöông thi phuù, nhöõng cuoäc hoäi hoïp, nhöõng party ñeàu coù maët chaøng vaø naøng – naøng ñaõ khaùm phaù ra chaøng laø moät taâm hoàn thô, chaøng vieát toaøn thô tình laõng maïn, thöông ñau, bò phuï baïc ! coù nhöõng baøi thô chaøng vieát khaù laâu vaøo thaäp nieân 60, 70 chaøng vaãn coøn löu giöõ, thì ra hai taâm hoàn ñoàng ñieäu, naøng ñaõ giôùi thieäu chaøng vaøo caùc hoäi thô vaø baïn höõu cuûa naøng.

Töø ñoù, chaøng ñaõ coù moät buùt hieäu, teân thaät cuûa chaøng chæ duøng trong haõng xöôûng vaø gia ñình chaøng maø thoâi…taát caû baïn beø vaên chöông thi phuù chæ bieát chaøng qua moät töø ngöõ dòu daøng “ Yeân Bình”, buùt hieäu maø naøng ñaõ thaân yeâu ñaët cho chaøng trong moät khaéc chaøng côõi môû taâm tình veà nhöõng ñoaïn tröôøng cay ñaéng cuûa ñôøi chaøng, naøng öôùc ao cho nhöõng baát haïnh phoâi pha vaø cho taâm hoàn chaøng laéng ñoïng neân choïn teân ngoït ngaøo ñoù ñaët cho chaøng – Chaøng ñaõ traân troïng noùi raèng “ chæ khi naøo anh cheát ñi, chöù anh coøn soáng laø caùi teân YB laø cuûa anh, khoâng bao giôø thay ñoåi” !

Trong cuoäc soáng ñaày bon chen, löøa loïc, chaøng vaãn khoâng maøng lôïi danh, tieàn baïc, chaøng ñi laøm ngaøy thöôøng, cuoái tuaàn môøi naøng ñi xem phim, ñi baùt phoá, chaøng khoâng tieác vôùi naøng moät moùn gì naøng thích, khoâng coù tieàn maët chaøng caø theû, chaøng vaãn thöôøng noùi “ soáng maø keo kieät, cheát coù mang theo ñöôïc khoâng”, chaøng ngheøo nhöng haøo phoùng, naøng thaáy theá caøng thöông vaø khoâng bao giôø phaûi ñeå toán keùm cho chaøng quaù ñaùng – moät laàn naøng döï ñònh ñi New York ra maét saùch, chæ môùi baøn laø chaøng ñaõ ra dòch vuï caø theû mua veù maùy bay cho naøng maø khoâng cho naøng hay – Sau ñoù vì coâng vieäc haõng xöôûng beà boän, naøng huûy boû chöông trình ñi New York, theá laø chaøng maát toi 500 myõ kim…chaøng khoâng tieác cuõng khoâng buoàn maø chæ cöôøi heà heà coi nhö thaùng ñoù kî tuoåi khoâng ñau beänh thì phaûi maát tieàn, theá thoâi !

Hai ngöôøi thöông yeâu nhau chaân thaønh, baïn beø thöôøng khen taëng ñeïp ñoâi moãi khi chaøng vaø naøng xuaát hieän moät nôi naøo, thaät theá, vôùi daùng daáp raát ñeïp, aên maëc chaûi chuoát caån thaän, chaøng laø maãu ngöôøi chöng dieän raát baét maét ñaøn baø phuï nöõ, nhöng chaøng ñaõ noùi vôùi naøng nhieàu laàn “ khoâng ai baèng em caû, anh raát haõnh dieän khi ñöôïc ñi chung vôùi em” naøng cuõng thaáy lôøi noùi chaøng raát thaät qua cöû chæ chaøng daønh cho naøng trong nhöõng buoåi tieäc ñoâng ngöôøi, naøng cuõng coù caùi kieâu kyø rieâng cuûa naøng, cho neân ai cuõng thaáy roõ hai ngöôøi laø moät caëp tình nhaân raát ñeïp ñoâi vaø moïi ngöôøi vaãn chôø ñôïi ñöôïc moät ngaøy uoáng ly röôïu chuùc möøng…

 

Naøng veà queâ höông thaêm cha moät thaùng, khoâng ngaøy naøo chaøng khoâng goïi phone veà hoûi han moïi vieäc, ñeán noãi cuoái thaùng nhaän caùi “ bill” hôn 500 ñoàng tieàn goïi VN – Chaøng raát chu ñaùo trong moïi sinh hoaït, ngaøy leã, ngaøy teát, ngaøy sinh nhaät, ngaøy Valentine , ngaøy Mother’s day khoâng bao giôø chaøng queân taëng quaø cho naøng duø laø moùn quaø ñaét giaù hay laø moät ñoaù hoàng töôi…Söï traân quyù chaøng ñaõ daønh cho naøng raát saâu ñaäm trong traùi tim raïn vôõ cuûa chaøng :

Chæ moät ngaøy thoâi, khoâng gaëp em

Ñaõ nghe saàu laéng taän trong tim

Bao naêm toâi soáng ñôøi caây coû

Chæ moät ngaøy thoâi…vaïn noãi nieàm…

Vieát thieân nhaät kyù naøy loøng naøng chuøng xuoáng, kyû nieäm moái tình nhö môùi hoâm qua, naøng khoâng queân töø moät cöû chæ nhoû cuûa chaøng töø thöông yeâu hay giaän hôøn traùch cöù…Chaøng thì muoán phoâ tröông cho moïi ngöôøi bieát taän töôøng tình caûm cuûa chaøng daønh cho naøng, naøng thì traùi laïi, deø daët kín ñaùo, tröôùc maët moïi ngöôøi chæ giôùi thieäu laø baïn thaân, naøng cuõng coù caùi lyù cuûa naøng, moät laàn ñoå vôõ ñaõ cho naøng kinh nghieäm trong cuoäc soáng löùa ñoâi, phaûi tìm hieåu thaät kyõ baûn chaát ngöôøi baïn ñôøi, lôõ laàm laàn nöõa laø heát cuoäc ñôøi…vì leõ ñoù, naøng chöa bao giôø coâng nhaän ñieàu gì khaùc hôn laø baïn thaân, quaù laém laø baïn trai maø thoâi – Chaøng vaãn bieát naøng khoâng deã gì chaáp nhaän cuoäc soáng chung khi chaøng chæ hai baøn tay traéng cho duø chaøng daønh cho naøng caû moät khoái tình yeâu chaân thaät taän con tim :

Hôn nöûa ñôøi möa gioù

Hôn nöûa ñôøi laàm lôõ

Toâi coøn coù gì ñaâu ?

Maùi toùc ñaõ hai maøu

Linh hoàn ñang raïn vôõ

Nhöng phaûi chaêng ?

Tim toâi coøn maùu ñoû

Neân ñaõ yeâu em nhö ñôïi töï nghìn xöa

Neân ñaõ yeâu em…laéng ñoïng lôøi thô

Baèng loøng khoâng em ?

Toâi xin quyø ñoâi chaân ñaõ moûi

Daâng cho em maûnh ñôøi coøn laïi

Duø coù …muoän maøng…

Chaøng ñaõ ñöa naøng ñi thaêm nhieàu danh lam thaéng caûnh cuûa hai mieàn Nam Baéc California, roãi ngaøy naøo laø laáy xe chôû naøng ñi khaép moïi nôi, ñeán nhaø baïn thaân ôû Okland, San Francisco, Sacramento toå chöùc aên uoáng, tieäc tuøng, chaøng khoâng bao giôø ñeå baïn beø thieät thoøi, chaøng luoân boû tieàn ra theát ñaõi… Chaøng ñöa naøng ñi Canada, Siattle vaø vaøi nôi trong nöôùc Myõ, ñeán ñaâu chaøng cuõng baët thieäp laøm quen deã daøng vôùi moïi ngöôøi xung quanh, chaøng coù nhieàu ñöùc tính toát, cöông tröïc, thaúng thaén, giuùp ñôõ moïi ngöôøi nhöng traùi laïi chaøng coù vaøi tính xaáu nhö huùt thuoác, moät tuaàn phaûi nhaäu vôùi beø baïn moät hay hai laàn, tính quaù ngay thaúng cuûa chaøng ñoâi khi deã maát loøng ngöôøi, nhöng neáu ai hieåu chaøng seõ thaáy roõ chaøng ñuùng laø baäc nam nhi khoâng yeáu heøn nhu nhöôïc, khoâng sôï haõi moät aùp löïc naøo, khoâng bao giôø bieát luoàn cuùi nònh bôï moät ai…

Chaøng giaän naøng nhieàu phen vì khi quen chaøng, naøng vaãn coøn vaøi ba ngöôøi theo ñuoåi, naøng luoân traùnh neù khoâng theå hieän tình yeâu thöông ñoái vôùi chaøng tröôùc thieân haï, coù leõ naøng khoâng thaáy haõnh dieän khi ñi song ñoâi vôùi chaøng ? ï Chaøng nghó theá vaø töùc giaän chia tay naøng – töôûng naøng seõ chaïy ñi tìm kieám chaøng, naøng im laëng vaø chaáp nhaän chia tay. Thaät taâm naøng raát thöông yeâu chaøng nhöng coù leõ do naøng khoù tính, naøng muoán ngöôøi mình yeâu phaûi toaøn bích, naøng muoán chaøng laø maãu ngöôøi ít noùi, khieâm nhöôøng, naøng muoán chaøng khoâng laø ngöôøi aên chôi, huùt thuoác, uoáng röôïu…

 

Hai naêm chia tay, chaøng vaø naøng vaãn thöôøng xuyeân goïi phone thaêm nhau, an uûi vaø nhaéc nhôû giöõ gìn söùc khôûe, thænh thoaûng naøng naáu moùn gì ngon vaãn mang ñeán cho chaøng duøng, hoï xem nhau nhö baïn thaân, nhieàu luùc maùy computer cuûa naøng truïc traëc, naøng goïi laø chaøng ñeán ngay duø ñang beà boän coâng vieäc nhaø hay sôû laøm, chaøng seõ xin haõng veà ñi Baùc Só  laø xong ngay.

Moät ngaøy noï, chaøng goïi ñieän thoaïi baûo naøng chôø chaøng xuoáng nhaø môøi naøng ñi aên, hai ngöôøi cuøng ñi chung moät chieác xe cuûa chaøng. Xe khoâng vaøo tieäm aên maø laïi chaïy thaúng ñeán Macy’s.- Naøng ngaïc nhieân “ ÔÛ Macy’s coù gì maø aên, sao laïi vaøo ñoù?” Chaøng khoâng noùi khoâng raèng, chæ cöôøi vaø im laëng chaïy vaøo parking ñaäu xe.

Chaøng naém tay naøng hoûi nhoû : Em coù nhôù hoâm nay laø ngaøy gì khoâng ?

Naøng giaät mình : OÂ, hoâm nay laø ngaøy 25 thaùng 7 – Ngaøy sinh nhaät cuûa em.

Chaøng beïo vaøo maù naøng : Em thaät hö, ngaøy sinh nhaät cuõng khoâng nhôù nöõa, vaøo ñaây anh mua quaø Birthday taëng em… Vaø chaøng mua moät chai daàu thôm Red Door hieäu Elizabeth Arden  loaïi lôùn taëng naøng. Chieàu hoâm aáy chaøng khoâng ñi laøm, khai beänh vaø chôû naøng ñi chôi bieån San Francisco. Treân ñöôøng ñi chaøng hoûi : Em baây giôø ra sao ? Anh khoâng ñöôïc dieãm phuùc saên soùc cho em nhöõng luùc em ñau oám nhö ngaøy naøo, anh buoàn laém, nhöng ñònh meänh buoäc theá, em cheâ anh thì ñaønh phaûi xa nhau, tuy loøng anh luùc naøo cuõng höôùng veà em caû…Chaøng noùi caâu ñoù xong thì thôû daøi, naøng chôït nhôù laïi chuyeän ñaõ qua khoaûng hai naêm veà tröôùc. Naøng ñau naëng, hai chaân bò söng ñoû töø ñaàu goái, naøng khoâng ñi ñöôïc, haøng ngaøy chaøng ñeán saên soùc cho naøng, lo cho naøng aên uoáng, thaäm chí lo luoân vieäc veä sinh caù nhaân cho naøng, chaøng coõng naøng ñöa ra xe ñi beänh vieän, ñeán beänh vieän chaøng laïi coõng naøng vaøo beänh vieän, moät thaùng trôøi nhö theá, bao nhieâu laø vaát vaû chaøng vaãn cöôøi vui haân hoan khi ñöôïc saên soùc naøng… Naøng nhìn vaøo maét chaøng luùc aáy ñang u saàu nhö coù moät maøn maây buoàn giaêng phuû, maét naøng cuõng long lanh ñoâi doøng leä, taïi sao hai ñöùa vaãn thöông nhau maø phaûi xa nhau ? naøng nghó thaàm, phaûi chaêng vì caùi toâi hai ngöôøi quaù lôùn, vì töï aùi, vì töï troïng chaáp nhaän xa nhau ñeå traùi tim hai ngöôøi cuøng nhöùc buoát !

Chieàu hoâm ñoù, tröôùc phuùt chia tay chaøng khoâng hoân naøng nhö nhöõng ngaøy thaùng coøn yeâu thöông nhau, chaøng nghieâm nghò baét tay naøng vaø chuùc naøng tìm ñöôïc ngöôøi xöùng ñaùng hôn chaøng roài laëng leõ laùi xe ñi vôùi ñoâi maét buoàn dòu vôïi ! Caàm moùn quaø sinh nhaät treân tay naøng khoâng ngaên ñöôïc gioït leä, xa nhau khoâng ai lo cho chaøng mieáng aên thöùc uoáng, chaøng gaày oám ñi nhieàu, nhöng chaøng vaãn khoâng queân ngaøy sinh nhaät cuûa naøng…

Moät caûm nhaän cuûa voâ thöùc baùo cho naøng bieát khoâng coù ngaøy ñoaøn vieân cuøng chaøng qua nhöõng baøi thô mang ñaày hình aûnh cuûa söï troái traên, cuûa ngöôøi saép xa lìa traàn theá, moät laàn naøng ñi veà Vieät Nam, naøng ñaõ bieát khoâng coøn chaøng ñeå ñöa naøng ra phi tröôøng nöõa, naøng nhôø hai ngöôøi anh thaân quen trong laøng vaên thi phuù ñöa naøng ñeán phi tröôøng. Khi haønh lyù ñaõ leân xe thì töø ñaâu chaøng xuaát hieän, naøng phaân vaân khoâng bieát tính leõ naøo trong giaây phuùt nhöng roài lyù trí buoäc naøng phaûi cho xe chaïy, chaøng chaïy theo sau ñeán taän phi tröôøng, khi haønh lyù cuûa naøng ñaõ gôûi xong saép söûa chaøo hai ngöôøi anh ñöa tieãn thì chaøng böôùc vaøo, caû ba ngöôøi cuøng tieãn chaân naøng ñeán cöûa cuoái caùch ly. Chaøng noùi nhanh vaø thaät nhoû “ Anh chôø em ñeán troïn ñôøi” roài chaøng öùa leä böôùc nhanh ñi trong doøng ngöôøi chen chuùc xoâ boà, naøng nhìn theo ñeán khi chaøng khuaát daïng, taän coõi loøng naøng daâng leân nieàm löu luyeán voâ bôø, khoâng bieát roài…ngaøy mai seõ ra sao ? Chaøng vaãn khoâng theå queân naøng khi naøng ñaõ thaúng thaén chaáp nhaän chia tay chaøng vaø baøi thô môùi tuaàn tröôùc chaøng gôûi tôùi, noù theo naøng treân chuyeán bay, noù laø nieàm xao ñoäng khieán naøng queân aên boû nguû, naøng nhö coù moät linh tính cöïc maïnh veà taâm linh, naøng veà thaêm gia ñình maø loøng daï khoâng yeân, khoaûng ñöôøng daøi treân phi cô ñaõ cho naøng thuoäc loøng baøi thô chaøng gôûi cho naøng trong baøi thô nhö coù ñieàm chaúng laønh :

“ Tình trong tim chaúng theå nhoøa, thì thoâi vaäy nheù toâi xa buïi hoàng, coøn chi ñaâu nöõa maø mong, coøn gì ñaâu nöõa ñaønh xong moät ñôøi, thoaùng trong mô coù nhôù ngöôøi, xin em göûi gioù cho toâi moät lôøi, thinh khoâng toâi seõ móm cöôøi, ngaøn naêm maây traéng cuoái trôøi maây bay”

Laù thö naøy ñaõ haønh haï naøng hôn hai tuaàn taïi queâ nhaø, naøng buoàn vaø ray röùt khoân nguoâi, naøng chaû thieát tha gì moùn ngon vaät laï, khoâng böôùc ra khoûi nhaø, khoâng maøng chi beø baïn tôùi thaêm…roài moät ñeâm khuya khi naøng ñang traèn troïc, ñieän thoaïi reo vang, naøng nhaác leân nghe “ Xin cho toâi gaëp coâ N gaáp, toâi töø Myõ goïi veà”naøng hoài hoäp laï thöôøng, tieáng ngöôøi ñaøn baø trong phone nghe raát laï, naøng chöa kòp traû lôøi thì ñaàu giaây kia ñaõ noùi tieáp “ xin vui loøng cho toâi gaëp coâ N gaáp, toâi coù chuyeän raát quan troïng” naøng voäi noùi “ toâi ñaây, thöa baø coù chuyeän gì caàn ñeán toâi ?” Ñaàu giaây ñieän thoaïi noùi gaáp gaùp “ N haû, em coù theå veà Myõ ngay khoâng, chò Thanh ñaây, H ngaøy mai moå tim, noù nhaén em veà Myõ gaáp”. Chò gaùi cuûa chaøng noùi trong phone, naøng ruïng rôøi tay chaân vì bieát moå tim raát nguy hieåm, maát maïng nhö chôi… Naøng voäi vaøng ñoåi veù veà gaáp nhöng khoâng coù choã ñaønh chôø ñeán 2 tuaàn sau môùi coù choã cho naøng veà Myõ. Boán hoâm sau, nöûa ñeâm phone reo, gioïng chaøng cöù töôûng nhö tieáng noùi töø oan hoàn voïng veà, theàu thaøo hoån heån “ em ôi, anh H ñaây, moå tim xong roài, anh thoaùt cheát roài, mong em veà gaáp”, duø bieát trong tình traïng caáp baùch theá naøo naøng cuõng khoâng theå veà Myõ ngay ñöôïc, hôn moät tuaàn sau ñoù naøng leân phi tröôøng vaø veà vôùi chaøng, mong ñöôïc saên soùc chaøng vôùi caû nieàm thöông yeâu coøn chaát naëng trong taâm.

Chaøng vöøa moå tim ñöôïc gaàn 2 tuaàn, nghe naøng veà voäi mang hai naïng khaäp kheånh böôùc ra saân ñoùn, da chaøng xanh meùt, taùi nhôït… Mieäng cöôøi meùo xeäch nhöng trong maét traøn nieàm vui, chaøng noùi gioïng thaät yeáu ôùt “ Möøng quaù, anh möøng quaù, em ñaõ veà vôùi anh”, chaøng di chuyeån treân hai naïng raát khoù khaên, troâng maø toäi nghieäp chaøng quaù ! Ngaøy naøo oai phong, baây giôø theâ thaûm nhö theá…

Hai naêm xa nhau vì caùi toâi, vì töï aùi, baây giôø ngöôøi yeâu cuûa naøng ra noâng noãi nhö vaäy, traùi tim naøng se saét laïi, phaûi lo laéng cho chaøng ñeå buø ñaép nhöõng khoå ñau xöa, naøng saên soùc ngöôøi yeâu töøng ly töøng tí, khoâng cho chaøng aên nhöõng thöù coù theå laøm cöông muû veát thöông, loàng ngöïc chaøng bò cöa ñoâi, veát thöông raát naëng khoâng giöõ gìn kyõ löôõng cheát nhö chôi !

Chaøng thì coi thöôøng tính maïng mình, môùi moå tim chöa troïn 3 tuaàn ñaõ ñi döï ñaùm cöôùi con gaùi anh chi Nhaïc Só Lynh Phöông, ñi naïng maø daønh naøng laùi xe, leân saân khaáu vôùi hai chieác naïng ñeå giôùi thieäu nhöõng baïn thaân vaên thi höõu vaø ngöôøi yeâu chaøng tham döï. Naøng xoùt xa khi nghe gioïng chaøng run run vaø yeáu ôùt haün khoâng gioáng nhö nhöõng ngaøy naøo chaøng sang saûng treân saân khaáu vôùi vai troø ñieàu hôïp chöông trình. Naøng nhôù raát roõ veà chaøng, veà tình yeâu chaøng ñaõ daønh cho naøng, baát cöù moät buoåi naøo duø vaên chöông thi phuù hay ñaùm cöôùi chaøng luoân coi naøng laø ñeà taøi quan troïng, luoân nhaéc ñeán naøng, giôùi thieäu naøng vaø ñoïc thô taëng naøng treân saân khaáu. Chaøng traân troïng naøng nhö theá, tình yeâu chaøng trao troïn cho naøng neân hai naêm taïm xa nhau chaøng thöïc teá vaãn khoâng thaáy quen ai, duy coù moät laàn vì töùc giaän naøng chaøng quen moät ngöôøi ñaøn baø töông ñoái khaù ñeïp, nhöng chæ sau moät thôøi gian ngaén chaøng chia tay, chaøng coù taâm söï treân phone vôùi naøng “ Anh chæ toân troïng ngöôøi chaân chính, ñaøng hoaøng, anh khoù loøng chaáp nhaän nhöõng ngöôøi ñaøn baø khoâng ñoan chính, quan heä böøa baõi, neân anh ñaõ chaøo chia tay coâ ta”…

Ngaøy thaùng laïi troâi qua laïêng leõ, hai ngöôøi vaãn soáng coâ ñôn trong nhöùc buoát, nhöng trong loøng aám aùp vì thöôøng xuyeân goïi phone thaêm hoûi söùc khoûe, thænh thoaûng môøi nhau ñi aên, laùi xe ñi voøng voøng thung luõng hoa vaøng. Chaøng thöôøng ñuøa vôùi naøng “ Cuoäc ñôøi anh chaúng coøn yù nghóa gì nöõa, ngöôøi ta sôï cheát chöù anh thì mong cheát ñi cho khoûe taám thaân”, naøng thöông xoùt voâ vaøn nhöng chæ aâm thaàm caâm laëng vì giöõa hai ngöôøi khoaûng caùch tình yeâu ñaõ bò thôøi gian ngaên ñoâi, hai naêm laø moät böùc töôøng voâ hình khieán caû hai luoân bò maëc caûm neân khoâng ngöôøi naøo coù theå haï mình, ngöôøi naøo cuõng phaûi laøm ra veõ ta ñaây cao thöôïng, ta ñaây baát caàn !

 

Yeân Bình ! Trong luùc ñang vieát nhöõng doøng taâm khuùc naøy gôûi ñeán anh, gôûi veà nôi xa thaúm muoân truøng, “ngaøn naêm maây traéng” nhö anh ñaõ ñeå laïi cho em thì em gaëp Ñoã Bình, baïn thaân cuûa anh töø Phaùp qua, Ñoã Bình ñaõ laøm em xuùc ñoäng ñeán rôi nöôùc maét, anh aáy noùi raèng “ Thôøi gian Yeân Bình qua Phaùp, trong buoåi toå chöùc hoïp maët ñoùn Yeân Bình treân 300 ngöôøi, Yeân Bình cöù luoân mieäng nhaéc NA, luoân mieäng giôùi thieäu veà nhöõng taùc phaåm cuûa naøng maø chaøng mang theo qua Phaùp, cöû chæ traân troïng thöông yeâu tuyeät vôøi naøy ñaõ khieán Ñoã Bình khoâng theå naøo khoâng xuùc caûm vaø khoâng theå queân ñöôïc moät taám chaân tình quaù ñeïp cuûa ñoâi baïn thaân”. Naøng ngoài laëng yeân, hình dung laïi ngöôøi xöa, nöôùc maét röng röng, taâm tö naëng tróu, anh coù coøn ñaâu cho em taï loãi, naøo phaûi em cheâ anh khoâng xöùng ñaùng maø khoâng daùm giôùi thieäu laø ngöôøi yeâu hay ngöôøi tình, hoaëc coâng khai tröôùc moïi ngöôøi. Chaúng qua vì laø ngöôøi ñaøn baø ñaõ moät laàn gaõy ñoå tình duyeân, em chaáp nhaän soáng coâ ñôn ñaõ 20 naêm qua, traùi tim nguoäi laïnh maát roài, lôøi tình ñoâi khi nghe nhö moät bieán coá thöông ñau, duø em hieåu anh raát yeâu em, anh raát xöùng ñaùng vôùi em nhöng em vaãn chöa hoaøn toaøn tin töôûng, anh vaãn coøn nhöõng caù tính maø em mang aán töôïng khoâng phai nhoøa töø ngöôøi choàng cuõ cuûa em : Uoáng röôïu, huùt thuoác … Anh tha thöù cho em khi xaùc thaân anh ñaõ vui cuøng maây gioù maø em coøn nhaéc ñeán chuyeän xöa, laøm ngöôøi khoâng ai toaøn bích caû nhöng vôùi em thì khoù loøng haïnh phuùc vôùi ngöôøi choàng uoáng röôïu, huùt thuoác hôi nhieàu …

 

Nhöõng ngaøy thaùng chaêm soùc, côm nöôùc cho chaøng qua côn moå tim nguy kòch, chaøng ñaõ taïm khoûe nhöng cöù thöôøng yû laïi söùc mình luoân töï laùi xe khoâng giöõ söï an laønh cho veát thöông xeû ñoâi loàng ngöïc, naøng thaáy ñaõ gaàn 3 thaùng saên soùc chaøng, naøng caàn phaûi ñi xa moät chuyeán, naøng laøm vaên hoïc maø khi baïn höõu phöông xa toå chöùc cho naøng, naøng khoâng theå boû cuoäc, theá laø naøng xin pheùp chaøng ñi moät thaùng vì ra maét saùch cuûa naøng hai nôi, luoân tieän thaêm chò daâu vaø caùc chaùu. Chaøng moät mình ôû nhaø tung hoaønh, môøi baïn ñeán nhaäu, uoáng toaøn röôïu ñaét tieàn, khoâng theøm uoáng bia, nhöõng moùn nhaäu thì toaøn laø laïc xöôûng, gaø chieân vaø caùc moùn ñaày nhöõng chaát beùo … Uoáng röôïu, huùt thuoác, laùi xe, aên nhieàu chaát beùo, nhöõng thöù aáy laøm tim chaøng theâm moät laàn thaét ngheïn, baø chò caû hoaûng sôï chôû chaøng trôû laïi beänh vieän O’ Conor, nôi maø ba thaùng tröôùc chaøng ñaõ moå tim taïi ñaây. Baùc só sau khi khaùm nghieäm laïi ñaõ baûo chaøng thöù naêm ñeán moå laïi laàn hai, chaøng veà nhaø goïi phone keâu naøng veà gaáp, luùc ñoù laø thôì ñieåm gay go nhaát, hai toøa cao oác thöông maïi cuûa Hoa Kyø bò khuûng boá oanh taïc döõ doäi, ngöôøi cheát, caûnh maùu löûa chan hoøa caû moät thaønh phoá lôùn, haøng ngaøy naøng chaïy ra phi tröôøng mong tìm chuyeán bay trôû veà vôùi chaøng nhöng ñeàu thaát voïng, chieàu toái nhìn treân maøn aûnh caûnh ñieâu linh taøn phaù cheát choùc cuûa haøng vaïn ngöôøi daân voâ toäi maø nöôùc maét chan hoøa :

Caûnh tang thöông daâu beå

Loøng naøng cuõng naùt tan

Hai thaùp cao suïp ñoå

Ngöôøi cheát seáp thaønh haøng

Ngöôøi yeâu mieàn Taây Baéc

Em daï thaét taâm can

Ñaát baèng ñang daäy soùng

Bieán coá ngaäp gian san

Ñöôøng bay ngöng hoaït ñoäng

Laøm sao veà hôõi chaøng !

 

Ñeâm hoâm ñoù chaøng goïi phone baûo laø Baùc Só hoaõn ca moå laïi thöù hai, nhaén naøng coá gaéng veà ñöa chaøng ñeán beänh vieän. May maén cho naøng hoâm sau ñöôøng bay baét ñaàu laøm vieäc laïi trong tö theá duyeät xeùt thaät kyõ nhöõng haønh khaùch leân taøu, coù maáy ngöôøi haønh khaùch bò giöõ laïi khi vöøa böôùc qua phoøng caùch ly vì nhìn toång quaùt gioáng boïn ngöôøi khuûng boá, da ñen, raâu xoàm xoaøm, maét laùo lieân nhìn chaèm chaèm vaøo keû khaùc – Moïi ngöôøi haønh khaùch cöù ñöa maét daùo daùc nhìn heát ngöôøi naøy sang ngöôøi noï, ai cuõng moät taâm traïng lo aâu neáu chaúng may coù boïn khuûng boá len loûi laøm haønh khaùch leân maùy bay thì tai hoïa ñeán côõ naøo …Thaät laø moät chuyeán ñi hoài hoäp, lo laéng hieän roõ töøng neùt maët hieän dieän.

 

Naøng veà ñeán phi tröôøng SJ luùc 8 giôø toái, chaøng vaø anh trai naøng ñi ñoùn, anh trai naøng mang theo moät chai röôïu taây loaïi haûo haïng taëng cho chaøng, chaøng cöôøi vui nhaän vaø noùi “ Sao anh bieát yù em theá, em raát thích loaïi röôïu naøy nhöng seõ ñeå daønh khi naøo khoûe maïnh môùi uoáng”.

Chæ moät ñeâm taâm söï sau cuøng, hoâm sau ñöa chaøng vaøo beänh vieän moå laïi tim khoâng ngôø chaøng ñaõ ra ñi vónh vieãn ! Chò chaøng vaø naøng ñöa chaøng ñeán beänh vieän, chaøng thay ñoà beänh nhaân vaø ñöa quaàn aùo, giaøy cuûa chaøng cho naøng vaø baûo “ Em ñeå ngoaøi sau coáp xe ñöôïc roài, sau 7 tieáng ñoàng hoà anh tænh daäy roài thay quaàn aùo veà nhaø cho tieän, ñöøng ñem voâ nhaø caát maát coâng”. Luùc chieác xe ñaåy chaøng leân baøn moå, chò gaùi chaøng vaø naøng phaûi ra ngoaøi, naøng nhìn theo chieác xe maø loøng chua xoùt, luùc naõy ñoâi maét chaøng nhìn theo ngöôøi chò gaùi buoàn vôøi vôïi, naøng ñoïc ñöôïc trong ñoâi maét aáy moät vieãn aûnh chia ly ! Naøng ñi gaàn xe hôn nhöng chaøng khoâng nhìn naøng maø chæ nhìn ngöôøi chò gaùi vôùi ñoâi maét nhö theá …

Leân baøn moå töø 7 : 30 saùng, ñeán 11:30 khuya vaãn baët tin, khoâng ai cho naøng bieát veà tình traïng cuûa chaøng, bao thaân nhaân ñaõ laàn löôït nhaän ngöôøi nhaø chæ coøn naøng vaø ngöôøi chò cuûa chaøng trô troïi giöõa ñeâm khuya vôùi taâm tö cheát ñieáng. Moät y taù böôùc ra noùi gaáp gaùp baèng tieáng Anh “ beänh nhaân nguy kòch, haõy vaøo nhìn maët laàn cuoái cuøng”. Hai chò em chaïy voäi theo khoùc oøa leân, chaøng chæ coøn laø caùi xaùc khoâng hoàn, toaøn thaân laïnh giaù, maùy ño tim chæ chaïy caàm chöøng theo nhòp cuûa maùy trôï tim, naøng sôø muõi, chaøng khoâng coøn thôû nöõa, thoâi roài… muoân thuôû bieät ly ! Naøng khoùc ngaát ! Cuoäc ñôøi naøng laïi theâm moät laàn ñöa tieãn ngöôøi yeâu veà vôùi nghìn truøng ! Naêm xöa naøng khoâng tröïc dieän caùi cheát cuûa ngöôøi tình ñaàu, baây giôø naøng ñöùng ñaây nhìn chaøng naèm ñoù, khoâng coøn noùi vôùi nhau moät lôøi naøo nöõa, thaân xaùc kia ñaõ trôû veà caùt buïi … maõi muoân ñôøi chaúng coøn gaëp nhau treân coõi döông gian, chaøng ra ñi quaù sôùm vôùi tuoåi 56 ñang traøn treà söùc soáng vaø tình yeâu, chaøng ra ñi ñeå laïi bao tieác thöông cho ngöôøi thaân vaø baèng höõu !!!

“ Anh coù nghe khoâng, lôøi em tha thieát

Ñaéng cay naøo hôn khuùc nhaïc chia ly

Buoàn naøo hôn keû ôû tieãn ngöôøi ñi

Ñeå vónh vieãn khoâng bao giôø töông hoäi !”

Chaøng ñaõ ra ñi vónh vieãn sau ngaøy ñaïi naïn Hoa Kyø 9/11/2001, ngaøy ñöa tieãn chaøng raát ñoâng baèng höõu ñeán tieãn chaøng laàn cuoái, thaân xaùc chaøng hoûa thieâu trôû veà caùt buïi, nhöõng baøi thô tieãn, nhöõng taâm tình phuùt cuoái ñaõ laøm rôi leä bao ngöôøi, chaøng naèm yeân laëng nhö laéng nghe vôùi ñoâi maét nhaém nghieàn chaáp nhaän giaõ töø traàn tuïc, rôøi xa kieáp soáng cuûa loaøi ngöôøi, nôï aùo côm chaøng traû laïi nhaân gian …ra ñi vôùi hai baøn tay traéng !

 

Ñaõ 5 naêm Yeân Bình veà vôùi thieân nhieân , vôùi coû caây hoa laù, haøi coát chaøng ñöôïc thaân nhaân mang veà Vieät Nam cho coâ con gaùi thôø phöôïng, chaøng ñaâu ngôø con gaùi chaøng vaãn bình yeân maø chaøng laïi sôùm ra ñi ? Caên beänh nan y dai daúng cuûa ngöôøi con gaùi ñaàu loøng ñaõ khieán chaøng ñau ñôùn trieàn mieân lo cho sinh maïng cuûa con mình nhieàu thaùng naêm maát aên, maát nguû, naøo ngôø … Yeân Bình ! Teân cuûa anh vaãn laø Leâ Xuaân Haøm, vaø buùt hieäu Yeân Bình kia ñaõ theo anh vónh vieãn.

Trôøi laâm raâm söông muø, muøa thu buoàn voâ haïn, thi nhaân thöôøng hoaøi caûm vôùi muøa thu vaø thi nhaân cuõng töø giaõ muøa thu ! Beân vaàng traêng aûm ñaïm ñeâm nay, moät ngöôøi ñang khoùc cho moät ngöôøi, naøng möôïn aùnh traêng thu vieát göûi chaøng trang taâm khuùc cuûa taâm tö, roài mai ñaây ñôøi troâi daït veà ñaâu naøng cuõng thaáy aám loøng vì naøng bieát cuoäc ñôøi nhö aùng phuø vaân, haõy trao taëng nhau nhöõng gì cao ñeïp nhaát cuûa taâm hoàn maø ta coù ñöôïc …

 

NPNA   

 

 

 

 

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 03/Jun/2008 lúc 9:47am
 
 
          Quê nhà không nắng mà như nắng
          Bởi nắng nầy nóng hơn nắng kia
          Nếu không sao có bao người đã
          Xa vắng nhiều năm chẳng chịu dìa?
 
          Đem trời quê cũ tặng em xa?
          Không gian thơm ngát đã phai nhòa
          Bụi đỏ hắt vào đôi mắt đỏ
          Nên vườn không trái, cũng không hoa
 
           Thôi ráng đợi chờ thêm chút nữa
           Biết đâu trời đất sẽ thương tình
           Đưa gió tự do về khắp nẽo
           Để luồng nắng ấm sẽ hồi sinh
 
           Ta sẽ cùng nhau về quê hương
           Thăm cánh đồng xanh, thăm phố phường
           Thăm chỗ Mẹ Cha nằm an nghỉ
            Dạt dào điệu gió ngậm yêu thương
          


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 03/Jun/2008 lúc 5:57pm
Cảm ơn thi sĩ tặng bài thơ
Mặc gió quê hương lắm bụi mờ
Mặc nắng đốt thiêu làn tóc rối
Ta mơ ai dám cấm ta mơ... hi...hi...
 
 
 
 

BIẾT ÐẾN BAO GIỜ

 

Mùa đông tuyết lạnh ở phương này

Nhớ nước thương nhà mắt lệ cay

Nghĩ đến song thân nơi cát bụi

Có ai hiểu thấu...nỗi đau này !

 

Cũng đành lạnh lẽo như băng giá

Bao tháng năm dài đẫm gió sương

Mái tóc xanh xưa giờ điểm bạc

Xứ người lau lệ khóc quê hương...

 

Chúng ta, tất cả người vong quốc

Thảm họa, cơ trời lạc bốn phương

Từng mảnh hồn đau lìa tổ ấm

Gian nan, phiêu bạt...lẽ vô thường

 

Bạn bè, thân quyến giờ xa lắc

Biết đến bao giờ...trở lại thăm

Từ buổi chia tay rời đất Mẹ

Tuyết sương phủ mộ mẹ cha nằm !

 

Non sông thăm thẳm nghìn xa cách

Bao mối tình thâm phải cách chia

Nhớ mái nhà xưa qua lối nhỏ

Khói lam bàng bạc giữa sương khuya...

 

Bây giờ lặng lẽ thân ly khách

Xuân đến nghe lòng đẫm gió mưa

Bao kẻ trắng đêm tràn nỗi nhớ

Ðau lòng dân Việt...thảm thương chưa !!!

 

Hãy pha nỗi nhớ vào men rượu

Cố nén trong tim giọt lệ khô

Thầm ước như là ta đã được

Chào Xuân quê Mẹ...thỏa mong chờ !...

 

 

NPNA 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: đông quyên
Ngày gởi: 04/Jun/2008 lúc 7:13am
 
 
           Cơn mơ dài ra bao nhiêu năm
           Như liêu trai ru người xa xăm
           Bụi đỏ vẫn mờ con mắt đỏ
           Nam Kha ơi, đêm sầu âm thầm


-------------
bx


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 04/Jun/2008 lúc 11:35am

BÀI THƠ KỶ NIỆM

 

Con xin Bố bài thơ làm kỷ niệm

Một trăm câu…cuộc sống một trăm năm

Ta mĩm cười lặng lẽ ngước nhìn An

Người phụ nữ yêu thơ và thích nhac…

 

Ta vốn sống một cuộc đời đạm bạc

An nhận ta làm Bố của văn thơ

Ta nghe qua mà lòng thật không ngờ

Giữa nước mỹ, giữa văn minh nguyên tử

 

Phải nhà cửa, phải tiện nghi đã chứ

An biết không, thơ chẳng thể nuôi thân

Còn ai nghèo hơn mấy gã thi nhân

Là duyên nghiệp từ ngàn xưa đã vậy…

 

Nhưng chắc hẵn nàng thơ thừa biết đấy

Thờ Phật Trời nào có lợi gì đâu

Trời không cho không đãi chuyện sang giàu

Chỉ cần giúp một niềm tin để sống

 

Ðể phấn đấu, để luôn luôn hy vọng

Nếu cõi trần chẳng có một bông hoa

Nếu ngày xuân không có nắng chan hòa

Nếu tuổi trẻ không thấy lòng rung động

 

Ngắm tà áo ai bay bay trước cổng

Nếu cuộc đời chẳng còn có giai nhân

Không thi ca, âm nhạc, chỉ còn ăn

Thì cuộc sống có gì là thú vị ?

 

Sống như thế, còn có chi mộng mị

Như muông chim, ta chẳng muốn làm người

Khi chúng ta còn biết khóc biết cười

Khi nhắc đến Việt Nam còn nhỏ lệ !

 

Thấy nghèo khổ cứ cúi đầu mặc kệ

Thấy bất công cứ ngoảnh mặt làm thinh

Trước điêu ngoa cứ không chịu, bất bình

Cứ tồn tại, ù lì như gỗ đá …

 

Khi tất cả chỉ còn là băng giá

Ta không còn đến cả những cơn mơ

Lũ chúng ta vì thế phải làm thơ

Khi no đủ, người phải cần biết đẹp

 

Khi ta đói, bát cơm đầy bụng lép

Ðã no rồi, ta phải thích ăn ngon

Ðọc ca dao, ta bỗng thấy bồn chồn

Nghe câu hát bỗng thấy lòng náo nức…

 

Khi thế giới còn bất công áp bức

Những nhân văn, giai phẩm vẫn không lùi

Từ ngàn xưa mây trắng lững lờ trôi

Vẫn còn kẻ lòng không nguôi thắc mắc

 

Muốn hiểu biết, muốn tìm ra sự thật

Nếu như không khoa học chẳng còn đâu

An sinh ra, khôn lớn ở Vũng Tàu

Quê hương ấy có núi dài bể cả…

 

Khi đứng ngắm làn sóng xô nghiêng ngã

Khi đêm rằm trăng chiếu sáng mông mênh

Khi bên sân hưởng làn gió thanh bình

An bỗng thấy lòng mình nôn nả quá !

 

Sống như thế là sống người văn hóa

Phải không An, con gái của thi ca

An nhận ta, ta cảm động lắm mà

An biết đấy, ta tuy nhiều tuổi đó …

 

Nhưng những buổi đêm nằm nghe lá đổ

Nghe côn trùng rỉ rả khóc canh thâu

Ta bỗng dưng nhỏ lệ chẳng vì đâu

Ðầu đã bạc, nhưng tấm lòng vẫn trẻ…

 

Vẫn nhớ tiếng sáo diều đêm vắng vẻ

Cùng bạn bè chạy giữa cánh đồng khô

Ðọc Nguyễn Tuân thèm chén rượu giang hồ

Ðọc Nguyễn Trãi thương người, bừng lửa giận

 

Nước đã mất, muốn phục thù rửa hận

Ôi, thi ca, nghệ thuật…cánh thiên thần

Tà áo ta đã sạm bụi phong trần

Vẫn mê mãi ngâm thơ Tương Tiến Tửu

 

Ôi, những buổi hứng trăng đầy vạt áo

Ôm vai nhau, hát khúc hát vong tình

Lúc soi gương mình tưởng chẳng là mình

An thôi học lập gia đình khá sớm …

 

Khi mắt biếc lòng xuân vừa mới chớm

Chồng sĩ quan đâu có mấy khi về

Ngày tan hàng lòng ai chẳng tái tê !

Chồng tù tội, An bơ vơ tay trắng

 

Cứ như thế mà một mình cáng đáng

Nuôi bốn con khôn lớn, một thân cò

Hầu mẹ cha, lại hiếu thảo không ngờ

Chồng được thả, tưởng gia đình vui vẻ …

 

Nhưng cuộc sống đâu dễ dàng như thế

Vượt biên đi, chồng vợ cũng chia ly

An không than, không trách một điều gì

Cứ cúi xuống cắn răng mà chịu đựng

 

Dù bão tố, con người thơ vẫn vững

Vẫn cười đùa, bình thản vẫn làm thơ

Quả thi ca có sức mạnh không ngờ

Mài nghiên bút sống cuộc đời lương thiện…

 

Nhưng An ạ - An biết câu quyền biến

An phải lo phải liệu những ngày già

Trong tầm tay, hạnh phúc chẳng đâu xa

An sẽ gặp những người yêu văn nghệ

 

Họ tha thiết được cùng An san sẻ

Những đau thương bất hạnh đã vương mang

Bố chúc cho An trọn giấc mộng vàng

Vòng tay nhỏ ôm choàng chân hạnh phúc …

 

Bố chỉ biết làm thơ và bố chúc

Con gái thơ…hoa nở giữa mùa xuân

Con gái thơ…thêm duyên dáng bội phần

Trăm câu đó, con bằng lòng…An nhé

 

HÀ THƯỢNG NHÂN

Thân tặng Nguyễn Phan Ngọc An 1995

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 04/Jun/2008 lúc 5:21pm

TƯỞNG ÐÂU ÐÓ

THÂN BỒNG BỀNH PHIÊU LÃNG

 

 

Nửa cuộc đời tôi đi tìm mộng mị

Ðem tuổi xuân xanh treo giữa lưng trời

Tung cánh chim bay lướt sóng trùng khơi

Nơi hải đảo, nơi cù lao phong thủy…

 

Tưởng nơi đó là thiên đường tri kỷ

Thêm sắc hương tô vẻ đẹp hằng nga

Mơ với trăng và mộng với ngàn hoa

Say với bướm dập dìu muôn cánh lượn

 

Tôi nào hay đặt niềm tin lạc hướng

Cho phù dung mau chớm nở vội tàn

Ðể thuyền tình tôi lỡ chuyến đò ngang

Tôi tiếc nuối, muôn vạn lần tiếc nuối

 

Sóng lòng tôi đang ngổn ngang trăm mối

Ðường tơ nào con nhện đã giăng dây

Bao nhiêu năm hồn chịu cảnh lưu đày

Cho ngã rẽ tình yêu vào tăm tối …

 

Tôi nào biết đường tình muôn vạn lối

Bước lạc loài trong vũng tối bình yên

Hãy quên đi những giây phút lụy phiền

Gom nhặt lại chuyện thần tiên mơ ước

 

Giữa đại dương ta bắc cầu Ô Thước

Tay đan tay ngây ngất dáng kiêu sa

Em thơ ngây trong tha thướt lụa là

Trời tháng bảy hồng thêm vầng nhật nguyệt

 

Cho nhau đi những ân tình tha thiết

Ðêm trũng sâu trong hoang vắng dị thường

Ðợi chờ ai, hỡi thiếu phụ Nam Xương

Lòng trăm mối như thủy triều thác đổ

 

Tượng đá kia nghìn năm trong bể khổ

Âm thanh nào nức nở chín tầng mây

Cội nguồn xưa muôn thuở vẫn còn đây

Biển vẫn mãi ngàn năm con sóng dữ…

 

Bờ đá cao xoáy mòn thân lữ thứ

Hạt cát buồn thao thức đợi hoàng hôn

Nửa cuộc đời còn lại giữa càn khôn

Như lá úa cuối thu buồn rơi rụng !

 

Mưa rả rích từng cơn, kinh nhật tụng

Tiếng dương cầm cao vút giữa hư không

Nghe bơ vơ lạc lỏng chốn bụi hồng

Tưởng đâu đó, thân bồng bềnh phiêu lãng…

 

NPNA

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 04/Jun/2008 lúc 10:12pm

ANH CHO TÔI VẠN MÙA XUÂN

                                   

Hỡi anh ! Người cựu chiến binh

Nửa phần thân thể hy sinh cho đời

Nửa phần còn lại tả tơi

Sống như dở chết …bên trời quê hương

Cho tôi gởi trọn tình thương

Hòa niềm cảm phục vương vương trong lòng

Đêm đêm bên ngọn đèn hồng

Có vơi được chút bão lòng không anh ?

Tôi… người thơ, rất chân thành

Xin vài giây phút cùng anh tâm tình

Hết đêm dài…đến bình minh

Người ta còn có hành trình ước mơ

Người ta còn đợi thời cơ

Công danh, sự nghiệp bên bờ vinh quang

Còn anh…một tấm thân tàn !

Hiến dâng tổ quốc một phần chân tay

Sống lây lất kiếp đọa đày

Mỗi mùa xuân đến …đắng cay ngập hồn

Lệ lòng từng đợt trào tuôn

Cắn răng nén chặt tủi hờn xác thân !

Quý trọng anh… đến vô ngần

Xin cùng chia xẻ mùa xuân với người

Xin dâng anh, đóa hồng tươi

Tình yêu tôi đó…hãy cười hân hoan

Xá chi cuộc sống hồng trần

Anh cao cả…  gấp… bội phần thế nhân

Anh cho tôi vạn mùa xuân

Mùa xuân trong mắt …mùa xuân trong hồn

Tình yêu anh, mãi trường tồn

Dẫu bao nghìn kiếp, vẫn còn… yêu anh

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 05/Jun/2008 lúc 10:08am

CHỊ TÔI

       ( Họa thơ VNTVNÐ – Paris)

 

Tôi có chị tuổi Dần mạng nữ

Sớm lià trần mệnh số không may

Sanh con mới được hai ngày

Người chồng tác tệ gái trai ngoài đường

 

Chồng của chị thuộc phường đểu ác

Người miền Nam lại bạc như vôi

Ngày xưa anh chị thành đôi

Lúc anh làm lính nổi trôi mọi miền

 

Chút tình cảm nối liền duyên nợ

Lên xe hoa làm vợ họ Trần

Thương cho chị số vô phần

Ba lần sinh nở một thân một mình

 

Chồng của chị bẩm sinh bê bết

Cứ tối ngày lê lết rượu chè

Lại thêm cái tật cà kê

Vợ nhà xinh đẹp lại mê vợ người

 

Chị tần tảo ngược xuôi cơ cực

Ðôi tay đầy sinh lực nuôi con

Tưởng đâu duyên phận vuông tròn

Lần sanh thứ bốn vì chồng mạng vong

 

Ðêm thao thức chờ chồng mòn mỏi

Sau hè nhà heo đói kêu vang

Chồng về trời đã sang băng

Cằn nhằn vài tiếng chồng văng tục liền

 

Chị té xấp nằm trên đất lạnh

Sanh hai hôm trong cảnh cô đơn

Thương con chị nén tủi hờn

Những mong qua khỏi những cơn đói lòng

 

Con nhỏ dại chẳng mong giúp mẹ

Chồng bê tha theo kẻ dâm loàn

Ðói lòng tức giận đa đoan

Chị tôi hồn xuống suối vàng bơ vơ

 

Bỏ con thơ mới vừa tuần tuổi

Sau năm hôm nuối chút hơi tàn

Chị đi chẳng tiếng thở than

Miên man trong chốn bình an kiếp người

 

Khi xác chị còn tươi long đất

Cha mẹ tôi chồng chất não phiền

Ba hôm hồn đã nào yên

Chồng chị xin phép tục huyền một khi

 

Ngay đêm đó thầm thì ân ái

Chuyện nhuốc nhơ tổn hại thần linh

Chị tôi hiện bất thình lình

Bẻ tay dâm phụ dứt tình dâm phu

 

Thơ của anh bài thơ con chữ

Thơ của tôi nghẹn ứ tim gan

Chị tôi một kiếp phũ phàng

Chị anh vẫn mãi đoan trang với đời

 

Tôi xúc cảm bài thơ anh viết

Tặng chị anh gối chiếc phòng không

Nhưng vui vì có người chồng

Trọn ân trọn nghĩa dẫu không trọn đời

 

Bài thơ tôi chẳng nên lời

Chị tôi đâu nữa … lệ rơi đầm đìa …

 

NPNA

( cảm tác bài thơ Chị Tôi của nhà thơ VNTVNÐ – Paris)

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 05/Jun/2008 lúc 11:26pm

DUYÊN THƠ

 

Réo rắt cung tơ nhạc bỗng trầm

Ru hồn mặc khách với tao nhân

Lời thơ dìu dặt bay trong gió

Gửi đến muôn lòng những vọng âm …

 

Bể dâu trong cuộc thăng trầm

Xa quê, mất Mẹ âm thầm thơ đau

Trong ta chất một biển sầu

Tình riêng, tình nước giọt châu tuôn dòng

Thương người tát cạn biển đông

Thương ta một kiếp má hồng phôi pha

Vắt tim, máu, lệ trong ta

Góp thêm một chút hương hoa cho đời

Tiếng lòng gửi khắp muôn nơi

Duyên thơ gửi khắp chân trời yêu thương …

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 05/Jun/2008 lúc 11:29pm

BỜ TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG

 

Chiếc du thuyền bềnh bồng trên biển lớn

Tựa vào nhau cùng ngắm cảnh chiều tà

Quê hương mình, anh bảo : phía trời xa

Hơn vạn dặm Thái Bình Dương sóng gợn …

 

Em sực nhớ : Vũng Tàu ngày mới lớn

Bãi cát vàng in vạn dấu chân ai

Khi chiều qua có những chiếc lâu đài

Xây bằng cát … dã tràng theo sóng vỗ

 

Anh có nhớ rặng dừa xưa ấp ủ

Cặp nhân tình vai sánh tựa đôi đầu

Nguyện trăm năm lòng chung thủy yêu nhau

Dù biển cạn, non mòn thề chẳng đổi

 

Rồi chinh chiến bao cuộc đời trôi nổi

Nghìn chuyện tình dang dở với đau thương

Bao điêu linh thống khổ chốn vô thường

Vẫn ao ước kiếp này bên nhau mãi

 

Chiều buông xuống, bóng đêm trùm đại hải

Quê hương mình chốn ấy tận trời đông

Nghe đâu đây nhạc khúc nước xuôi dòng

Và dĩ vãng hiện về trên lối mộng …

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 06/Jun/2008 lúc 2:23pm

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!!!

                                    Người đạp xe ba gác

                        Riêng tặng các bạn cùng cảnh ngộ.


 

Sau nhiều lần bạn bè thúc đẩy, bảo tôi phải viết lại câu chuyên  thật của mình để các anh em được chia sẽ về cuộc sống của những người tù sau nhiều năm trong ngục tù CS được trở về, vì vậy tôi ước mong đây là câu chuyện vui nhưng đầy nước mắt, một câu chuyện cay đắng cuộc đời, một câu chuyện  để nhớ về người mẹ đã suốt đời tận tuỵ lo cho đàn con, mà giờ nầy tôi đã không còn được nhìn lại mẹ nữa, một đau buồn nhất của những người con trong mùa Vu Lan.

         Tôi cũng như biết bao nhiêu anh em đã trải qua sau nhiều năm tháng trong các trại tù (tập trung cải tạo). Một buổi sáng sắp hàng để chuẩn bị đi lao động, tôi được đọc tên trong danh sách ra về, còn có nổi vui mừng nào hơn sau 7 năm xa cách cha mẹ, vợ con.

        Tôi được ra khỏi hàng và trở về trại để thu dọn tư trang  ra về. Khác với những lần trước, vì những lần đó, những anh em được kêu tên, chúng tôi dự đoán các anh  em đó được thả về, nhưng cán bộ thì không bao giờ nói là được về mà chỉ cho chúng tôi biết rằng các anh  em đó được điều đi một nơi khác mà thôi.

             Trở về trại trong niềm suy nghĩ miên man, đã lâu rồi, chuyện ra về coi như đã quên lãng, vì sự chờ đợi đã mỏi mòn mà không đến, nay thì không chờ đợi nữa, chúng tôi đã chán nản, và không còn tin tưởng ngày về nữa thì chuyện được về lại đến với chúng tôi.

              Cả trại B trại cải tạo Xuyên Mộc hôm đó được kêu tên để về khoảng trên dưới 10 người, tôi được may mắn nằm trong số đó. Sắp xếp đồ đạc để ra về, tôi thấy không cần đem theo gì cả, tôi để lại hết cho các bạn cùng ăn uống chung với tôi trong thời gian nầy.Nhóm  chúng tôi gồm có Huỳnh Bửu Long (Hải Quân), Nguyễn Văn Yến( Pháo Binh), Trương Công Nhựt Ðại đội trưởng Địa Phương Quân Tiểu khu Phước Tuy và Tôi Pháo Binh Sư Đoàn 18, Bốn anh em chúng tôi đã sống chung với nhau từ ở Phước Long và về đến trại nầy cả mấy năm nay.Tôi sẽ để lại những món đồ dùng nầy cho các bạn, có một điều rất buồn là sống chung với nhau cả bảy năm trường, mà hôm nay ngày về tôi đã  không được dù là chỉ một cái bắt tay với các bạn. Tôi chỉ đem về duy nhất một bộ đồ mặc trong mình  và một bộ nữa để làm kỷ niệm. Bộ đồ mặc trong người tương đối lành lặn nhất, cũng cả hai ba miếng vá, còn bộ đồ mà tôi mang về để làm kỷ niệm thì ít nhất cũng cả chục miếng vá, những miếng vá nầy là những lớp bao cát, chỉ cũng là chỉ bao cát, vá lớp bao cát nầy chồng chất lên lớp bao cát khác, và cứ như vậy các lớp bao cát chồng chất lên nhau. Tôi đem về sau khi mẹ tôi nhìn bộ đồ đó mẹ tôi đã khóc. Mẹ tôi nói rằng: “Con của tôi bây giờ khổ sở đến thế nầy sao? Tội cho con tôi ngày nào đi về xe  cộ đón đưa, áo quần ủi hồ thẳng nếp, mà giờ nầy mặc tòan đồ rách, vá bằng bao cát?”.Tôi chỉ biết ôm mẹ tôi như ngày nào tôi còn bé thơ, và để cho những giọt  nước mắt tuôn trào. . .

            Từ Xa Ác (địa danh của trại tù chúng tôi) tôi được nhận 12 đồng để làm lộ phí đi về, một số anh  em được cán bộ trại trả lại tiền gởi, vì tất cả chúng tôi không được giữ tiền bạc gì cả, mà phải gởi cho cán bộ, khi cần thì xin phép lấy để gởi mua thuốc lào hay đường tán. Riêng tôi từ ngày vào các trại đến giờ, gia đình có quá nhiều khó khăn, tôi chẳng bao giờ có tiền nên không bận tâm đến việc nhận tiền lại.

            Đáng lẽ chúng tôi phải đợi xe molotova chở ra Long khánh để lên xe , và từ đó mạnh ai tìm đường về nhà nấy, nhưng kinh nghiệm của những lần trước, có anh  em  đã chờ để được lên xe, và cuối cùng trại đã hủy bỏ và vẫn còn ở lại cho đến bây giờ, vì vậy khi nhận được giấy ra trại rồi, chúng tôi ba giò bốn cẳng rời khỏi trại ngay bằng đường bộ, tôi không còn nhớ rõ nữa, không nhớ là khoảng cách bao xa, nhưng  từ sáng hôm đó, tốp chúng tôi chia ra làm 2, 3 tốp khác nhau và cùng nhau rời trại sau khi đã cẩn thận bọc giấy ra trại trong túi.

            Chúng tôi miệt mài đi không nghĩ, đi vào trong những chỗ rừng rậm mà không dám đi trên con lộ chánh, vì sợ sẽ bị hủy bỏ lệnh ra trại và xe chở lại như những lần trước. Thế rồi chúng tôi cũng ra được đến Long Khánh Xuân Lộc.  Điạ danh nầy lại cũng là một kỷ niệm khó  quên của tôi. Năm 1969 tôi rời khỏi trường Pháo Binh Dục Mỹ, với cái lon quai chảo (Chuẩn Úy), trở về đơn vị pháo binh đầu tiên là tiểu đoàn 183 pháo binh tân lập, khoảng giữa tháng 5 năm 1975 tập trung tại đây, đi hết gần 13 trại tập trung, và cuối cùng hôm nay sau gần 7 năm tôi lại cũng từ đây để đi về nhà, một sự trùng hợp thật đáng nhớ.

      Sau 7 năm trời  bây giờ nhìn lại Long Khánh tất cả đều xa lạ đối với tôi, mặc dầu trước đây tôi đã ở Long Khánh từ khi mới thuyên chuyển về cho đến ngày trời sập. Tôi đã cùng các bạn Pháo binh của Tiểu đoàn 181 Pháo binh thuộc sư đoàn 18 Bộ binh ăn uống ở các quán  Ba Thừa, và các quán nhậu xung quanh chợ Long Khánh. Giờ nầy tôi không còn nhận được các nơi mà một thời tôi đã từng đi qua. Long khánh bây giờ tiêu điều, phố xá loang lỗ vết đạn còn in sâu trên tường như để nhắc lại biết bao nhiêu trận chiến đã xẩy ra ở đây vào những ngày tháng cuối cùng của năm 1975. Tôi và người bạn đi vào quán nước giải khát ngay chợ để mua một ly nước uống cho bù lại những tháng ngày qua trước khi mổi đứa chia tay nhau ai về nhà nấy. Trong túi tôi chỉ vỏn vẹn có 12 đồng không còn một xu lẻ nào khác ngoài số tiền đó. Tôi không biết có đủ tiền để đi về nhà không nhưng tới đâu thì kệ nó, tôi thèm được uống một ly nước đá lạnh mà 7 năm trời qua tôi không hề được biết cục nước đá là gì? Tôi hỏi thăm giá cả và biết được tôi sẽ phải trả 2 đồng  để uống ly nước đá nầy. Dù sao thì cũng đã lỡ rồi, chẳng lẽ đã vào quán rồi tôi lại bước ra hay sao? Kêu ly nước đá chanh, tôi ngụm từng ngụm nhỏ, để tận hưởng từng giọt nước đá lạnh chạy dài xuống cổ, ôi sao nó ngon đến như thế, bảy năm trời tôi chưa từng được hưởng cái giây phút sung sướng như thế nầy.Thấy ở ngoài hiên tiệm có người bán thuốc lá, tôi thèm được hít một hơi thuốc thật dài cho bù lại những năm tháng dài rít những bi thuốc lào cái sắn, nghĩ vậy tôi bèn  tặng cho mình một điếu thuốc. tôi hỏi cô chủ bán thuốc có bán thuốc lẻ không? Cô trả lời, anh hút thuốc Samit nhé, một đồng một điếu. Tôi gật đầu và được cô chủ quán đưa cho một điếu thuốc Samit. Đường đường cũng là sĩ quan Quân lực VNCH, chưa bao giờ tôi lại đi mua thuốc lẻ như bây giờ. Sau khi cầm điếu thuốc trong tay, tôi hỏi cô chủ bán thuốc để mượn hộp quẹt, thì cô ta nhìn tôi bằng cặp mắt kinh ngạc, cô nhìn tôi như người mới ở một hành tinh nào đó vừa xuống quả địa cầu nầy vậy. Rồi cô ta chỉ ngay cho tôi cây nhang đang được đốt cắm trên quày bán thuốc, cô ta nói: làm gì có hộp quẹt mà ông mượn, mồi thuốc vào cây nhang đó!. Ôi sao người dân bây giờ nghèo đến thế nầy ư? Mới có bảy năm trời mà cuộc sống của người dân đến mức độ nầy sao?. Tôi không ngờ sau khi chúng tôi tập trung vào trại, thì người dân ở ngoài cuộc sống cũng khốn khổ không kém. Mồi xong điếu thốc tôi trở vào quán và bắt đầu hít những hơi thuốc thật dài cho bù lại những ngày qua tôi ước ao có được một điếu thuốc thẳng (đây là danh từ của những tên cai tù thường nói với chúng tôi) Không hiểu vì thuốc Samit nặng hay vì đã quá lâu tôi không được hút thuốc nữa, sau khi hít một hơi thật dài, tôi thấy mình lâng lâng như đi vào một thế giới nào đó, thì ra tôi đã say, tôi gục đầu xuống bàn, và thiếp đi độ chừng mười phút rồi tỉnh lại, vài người trong quán họ nhìn tôi bằng cặp mắt khác thường, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, nhưng phải biết nói gì để họ hiểu tôi đây. Họ hỏi tôi từ đâu đến, tôi có bị trúng gió hay không? Và còn biết bao nhiêu câu hỏi khác nữa v.v… Thấy mình khó nói dối và nhất là bộ đồ mặc trong mình cũng chứng minh cho họ được biết mình là một thằng tù mới được thả về, nghĩ vậy tôi không còn giấu giếm gì nữa và tự nhận mình là một tên “tù cải tạo” vừa được tha về.

Những người có mặt ở đó họ nhìn tôi nửa tin nửa  ngờ, họ hỏi tôi sao đến bây giờ anh mới được về? tôi trả lời vừa cười vừa như mếu máo muốn khóc. Dạ vì tôi học không tiến bộ cho nên mãi đến hôm nay mới được cho về. Tôi từ trại Xa Ác và đã đi bộ hơn nửa ngày mới về được đến đây. Vì mệt và thèm được ngụm một ngụm nước đá cho nên tôi vào quán để mua ly nước uống cho đở mệt trước khi đón xe về Bà Rịa. Mọi người nhìn tôi một cách thương hại! Một số người có mặt trong quán tỏ ra có cảm tình với tôi ngay, họ mời tôi uống thêm một ly nước nữa và họ sẽ  không tính tiền cả hai  ly nước nầy nhưng tôi từ chối vì thấy đã đủ và không muốn làm họ chú ý nữa, vì vậy tôi cảm ơn chủ quán và bước ra đường để trở lại bến xe về Bà Rịa.

     Tôi hỏi những người đã ngồi trên xe và được biết chiếc xe nầy sẽ chạy về Bà Rịa. Tôi mừng trong lòng và tự nghĩ chỉ vài giờ sau tôi có mặt ở nhà, nào Cha, nào Mẹ, nào các em tôi, các con tôi sẽ mừng biết chừng nào v.v… bây giờ nghĩ đến việc trả tiền xe mới là điều mà tôi lo sợ. tôi hỏi về Bà Rịa bao nhiêu tiền, người lơ xe trả lời 20 đồng?nghe đến đó tôi như người bị điện giựt, làm sao tôi có đủ 20 đồng để trả cho họ đây, tôi cũng không hiểu sao hình như mọi người họ đang nhìn tôi, có lẽ tôi có cái gì khác thường ? Ồ tôi đã nghĩ ra rồi, thì ra tôi mặc bộ đồ không giống ai cho nên đa gây sự chú ý với họ. Thôi mặc kệ, tôi cứ nói thiệt biết đâu họ cảm thông và bớt cho tôi tiền xe, vì tôi chỉ còn có 12 đồng mà thôi, nghĩ vậy tôi bèn nói với anh lơ xe:” Anh cảm thông cho tôi, tôi mới ra trại, về đến Bà Rịa, tôi sẽ về nhà xin tiền và sẽ tìm anh để trả tiền cho đủ, vì hiện tại tôi chỉ có 12 đồng mà thôi. Anh lơ xe nói với tôi: “lúc nầy ông nào cũng nói mới ra trai hết, làm sao mà chúng tôi tin cho nổi”,  tôi đau nhói cả tim, bảy năm trời tôi ở trong các trại tù, chúng tôi có biết gì ở bên ngoài đâu, làm sao mà có người họ lại giả dạng tù cải tạo như chúng tôi để làm gì? tôi chỉ còn biết năn nỉ mà thôi, tôi nói: Nếu anh không tin tôi sẽ đưa giấy ra trại cho anh xem, nói xong tôi liền móc trong túi ra, trước khi móc được nó ra tôi  đã phải tháo nắp miệng túi cẩn thận để lôi tờ giấy ra trại trình cho anh lơ xe, tôi cứ nghĩ tôi sẽ trình tờ giấy nầy khi tôi về đến địa phương chứ nào nghờ lại phải trình cho anh lơ xe nầy. Tôi đưa cho anh ta, nhưng anh ta không thèm coi cái tờ giấy mà tôi đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu ngày đêm mới có được tấm giấy nầy, tôi lại xếp lại cẩn thận và bỏ vào túi rồi gài miệng túi lại hẳn hoi trước khi tôi có những đề nghị với anh ta, tôi nói : anh cầm 12 đồng nầy, và một bộ đồ nầy, bộ đồ mà 7 năm qua tôi đã giữ nó như là một bảo bật mà hôm nay tôi đã phải đem nó đi cầm , vì tôi không có một món đố nào đáng giá,  ngày mai tôi sẽ ra tìm xe anh và chuộc lại. Anh ta nói bộ đồ của anh không đáng một đồng bạc, bộ đồ rách như vậy tôi cầm để làm gì? Tôi đau nhói nơi tim, trời ơi, có ai hiểu được bộ đồ nầy tôi đã đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, từng miếng vá là từng kỹ niệm của các trại tù mà tôi đã trải qua, nếu tôi có tiền, thì có lẽ không có một số tiền nào có thể đánh đổi được nó, bộ đồ mà tôi đang cầm trên tay. Bộ đồ nầy không đáng một đồng bạc! tôi tự lập lại câu nói đó trong lòng và thấy buồn vô hạn, phải, anh nói đúng, nó không đáng một đồng bạc đối với anh, nhưng nó là vô giá đối với tôi, đối với những thằng tù như tôi anh có biết không? Bây giờ đâu phải là chỗ tôi và anh tranh cải, lý luận. Vì vậy tôi nói: Thôi được, anh cứ cho tôi đi được đến đâu hay đến đó, đến chỗ nào anh thấy hết tiền thì cho tôi xuống ở đó và tôi sẽ đi bộ về nhà vậy. Ý kiến nầy của tôi có vẽ thực tiễn và anh lơ xe đã cho tôi được ngồi trên xe đò (xe chạy bằng than) để về Bà Rịa.

       Cuộc đời  của tôi có những chuyện thật bất ngờ, cũng con đường nầy cách đây 7 năm ngày 20 tháng 4 năm 1975, tôi đã di chuyển đơn vị rời khỏi Long Khánh cũng bằng con đường nầy, lúc đó tôi di chuyển trong lúc những tiếng pháo nổ chát chúa sau lưng, tôi là người chỉ huy đoàn xe và cho lệnh chạy, nhưng bây giờ tôi lại phải xin xỏ, năn nỉ để được leo lên xe !!! Tôi nhìn lại hai bên đường giờ đã thay đổi rất nhiều, trước đây là đồng ruộng  thì bây giờ lại có những túp lều mọc lên , những luống khoai, những gốc mì đã được trồng vào những chỗ trống ở giữa những gốc cây cao su v.v.  tóm lại họ đã tận dụng không để một khoảnh đất trống nào.  

       Người lơ xe cho tôi xuống  ngay đầu đường  góc ngả ba bệnh viện cũ, anh cũng tử tế chỉ nhận 12 đồng và không lấy bộ quần áo cũ của tôi, tôi xuống xe  và bắt đầu đi bộ về nhà. Tôi muốn giành cho ba tôi, mẹ tôi, các em tôi, và các con tôi  một ngạc nhiên khi tôi bước chân vào nhà.

       Từ ngày tôi đi đến giờ tôi không được biết vợ và các con tôi ở đâu nữa, vì vậy khi tôi bước chân vào nhà, tôi không được nhìn thấy những đứa con tôi, mẹ tôi đang nấu nướng ở dưới bếp, tôi chạy xuống ôm mẹ tôi, mẹ tôi vô cùng sung sướng, bà không ngờ tôi lại về vừa đúng lúc gia đình chuẩn bị đi thăm tôi. Tôi đã ôm mẹ tôi thật lâu để bù lại những tháng ngày tôi đã không được gần gủi mẹ tôi, đây là những giây phút mà tôi cảm thấy sung sướng nhất trong cuộc đời của mình kể từ khi còn chập chửng biết đi cho đến ngày tôi khôn lớn, mẹ ơi ! viết những dòng chữ nầy mà giờ đây con đâu còn được gặp mẹ nữa, cả đời tận tụy cho các con, ngày mẹ ra đi con đã không được kề cận mẹ, giờ con hiểu được tình mẫu tử như thế nào thì con đã không còn mẹ nữa. Hãy tha lỗi cho con mẹ nhé, nếu như con có làm gì cho mẹ không vui?

     Tối hôm đó, mẹ con quây quần, các em tôi kể lại những gì đã xẩy ra từ khi tôi vắng nhà, đặc biệt là tối hôm đó tôi không được gặp Ba tôi, vì người đang còn ở trên rẩy. Hôm sau tôi trở laị Bình Giả, nơi nầy Ba tôi một mình ở trong rừng cao su trồng trọt, cuộc sống của Ba tôi thật đáng thương, ông một mình làm rẩy, vừa nấu ăn, nào bắp, đậu, gạo, khoai, Ba tôi đã bỏ chung tất cả vào nồi, dùng các cành cây nhỏ làm củi để đun, Ba tôi đã ăn uống thiếu thốn và đã sống như vậy kể từ ngày tôi vào tù.

     Không có giấy mực nào tả hết nổi thống khổ của gia đình tôi kể từ khi tôi vắng nhà, tối hôm đó tôi ở lại rẩy với Ba tôi, hai cha con nằm trên tấm vạc tre  làm giường ngủ, không có  tấm vải trải lên phên tre nữa, tối nóng quá Ba tôi đã dùng miếng bìa carton làm quạt cho tôi, ôi tình cha con là như thế đó, biết đến bao giờ  tôi có dịp để đền ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha?

     Hai ngày sau tôi quyết định  phải bắt tay đi tìm việc để phụ giúp vào gánh nặng gia đình mà một mình em tôi đã phải gánh vác hơn 7 năm qua. Tôi ỷ vào một số kinh nghiệm trong nhiều năm tháng trải qua ở các trại tù, vì vậy tôi bèn chọn con đường vào rừng chặt tre, vác củi. Theo chân vài người quen cho biết chúng tôi sẽ di vào rừng Bình Giả để chặt tre đem về bán, sáng hôm sau tôi theo đoàn người chuyên nghiệp chặt tre để cùng đi làm với họ, đạp xe đạp lên tận Bình Giả, rồi từ đó để xe ở nhà người quen và bắt đầu phóng vào rừng, từ đó đi vào rừng cũng cả 3, 4 cây số, chúng tôi lựa những cây lồ ô suông và dài, chặt những cây lồ ô nầy cũng hết sức khó khăn, tôi mãi mê chặt cho đến lúc gọi nhau đi ra, tôi đã bó khoảng 10 cây nhưng nặng quá không vác nổi, lại phải bỏ bớt vài cây, và khi vác được lên vai rồi, tôi không biết làm sao mà tôi có thể ra được chỗ gởi xe đạp nữa, nặng và dài, trong rừng cây cối và dây leo chằng chịt, thật là khó khăn mới đem được bó lồ ô ra đến chỗ gởi xe.  Đến đây tưởng đã yên thân, nhưng nào có dễ dàng đâu, từ đây đạp xe với bó lồ ô nầy đem về nhà còn biết bao nhiêu là chông gai nữa, tay nghề chưa quen, không đủ sức khỏe như những dân làm tre chuyên nghiệp, họ đem xe ra đường và leo lên đạp ngon lành, còn tôi ì à ì ạch mãi mới đem được chiếc xe và bó lồ ô ra đường, chưa hết đâu, ra tới đường rồi  tôi cột bó lồ ô dọc theo xe đạp, ghi đông bị cứng không bẻ qua bẻ lại được nữa, bây giờ lại là một đại nạn nữa, v.v… còn nhiều và thật nhiều nữa  những khó khăn khác nữa tôi mới đem được bó lồ ô về đến nhà. Người ta thì đạp còn tôi thì phải đẩy như vậy trên suốt đọan đường từ Bình giả về đến Bà Rịa.  Tối hôm đó tôi về đến nhà cũng gần 10 giờ đêm và quyết định bỏ job, ngày mai không đi làm công việc chặt lồ ô  nữa. Bây giờ còn việc đem bán cũng khó khăn không kém, sáng sớm hôm sau tôi vác bó lồ ô ra chợ Bà Riạ để bán, tôi vác lại vựa chỗ tập trung mua sĩ lồ ô, họ chê nào là lồ ô không đẹp, cây không được thẳng, và còn nhiều chê bai khác nữa, tôi buồn qúa vừa buồn vừa thấy tức giận, biết bao nhiêu công sức tôi mới đem được vác lồ ồ nấy về đây, thế mà khi đi bán cũng gặp nhiều phiền phức và bực bội, họ chỉ trả cho tôi có 3 đồng bạc, trong khi nếu tôi mua thì họ bán cho tôi 2 đồng một cây. Tôi không bán và vác đi vòng vòng ở các sạp và rao bán, có mấy chỗ họ đồng ý mua và trả cho tôi 10 đồng, tôi nghĩ 10 đồng cũng không đáng công tôi đi nguyên một ngày từ sáu giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới về đến nhà, nhưng không bán thì để làm gì, cũng còn hơn chỗ vựa chỉ mua có 3 đồng. Tôi cầm 10 đồng bạc trong tay mà nước mắt như đang chạy dài xuống má, tôi nghĩ tới câu: “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”quả đúng như vậy, ngày mai tôi sẽ lên Phước Hòa, Ông Trịnh để đi hái củi. Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy thật sớm, đạp xe lên Láng Cát Ông Trịnh để cùng đi với vài người bạn họ thường xuống chợ Bà Rịa mua vải ở cửa hàng của em gái tôi,  đến nơi tôi gởi xe đạp ở nhà của người bạn, rồi cũng như đi chặt tre, tôi và vài anh bạn đi vào rừng đốn củi, tôi chặt một khúc củi tương đối tốt và vác ra đường, sau đó tôi đã đem khúc củi nầy về đến nhà người bạn và từ đó tôi sẽ chở xe đạp về nhà, cũng như lần trước, sau khi cột khúc củi vào xe rồi, tôi cũng không thể đạp được và cũng phải thồ xe đạp và khúc củi về nhà mà thôi. Tương đối đở vất vả hơn đi chặt tre, nhưng tôi cũng phải mất hơn ngày trời và về đến nhà cũng 7 giơ tối. Phải cưa ra và chẻ nhỏ và đóng thành thước rồi mới bán được. Tính chung cũng chỉ kiếm được không tới 7 đồng một ngày, rồi tôi thấy không ổn, vì vất vả và chẳng được bao nhiêu vì vậy nghề nầy rồi cũng phải bỏ, trong lúc tôi đang chán nản, vì thấy kiếm đồng tiền khó quá, sáng sớm hôm sau, tôi ra gặp Tám Kỳ, anh nầy trước đây bán nước đá  trong trường Châu Văn Tiếp của chúng tôi, bây giờ ông ta  đã trở thành chủ vựa nước đá tại chợ Bà Rịa. Tôi kể hoàn cảnh của mình cho ông ta nghe, sau đó ông đồng ý mướn tôi  làm công việc bốc và khuân nước đá, mỗi ngày trả cho tôi 6 đồng. Tôi làm từ 6 giờ sáng, đến 6 giờ chiều thì về, nhưng  giờ giấc không nhứt định như vậy, có nhiều hôm xe  Phước Tỉnh lên lấy đá, ông cho cô con gái đạp xe đạp vào gọi tôi, tôi ra và làm nhiều hôm đến 12 giờ khuya mới xong việc và ra về, ba bốn ngày liên tiếp như vậy, ngày nào tôi cũng phải ra đục đá cào trấu ra hết để lòi các cây đá ra, và dùng dao răng cưa để chặt vào các đường nối của các cây đá, sau khi đã tách được cây đá riêng ra rồi, kế tiếp là vác cây đá đó ra xe cho khách hàng,công việc liên tục như vậy cho đến người khách cuối cùng mới được ra về, có hôm đang lo cho chiếc xe nầy thì xe khác lại đến và tôi lại phải lo cho xe đó nữa, vì vậy có hôm mãi đến gần 1 giờ sáng tôi mới xong việc và ra về, chỉ có 6 đồng mà tôi thấy mình bị bóc lột sức lao động quá nhiều, vì vậy làm được không đầy một tuần lễ tôi đã xin nghỉ việc. Thời may có Danh trước đây là Trung sĩ Nhất của Pháo Đội của tôi,  Danh đang hành nghề xe ba bánh, Danh nghe tin tôi về nên lại thăm tôi và Danh đề nghị tôi nên đạp xe ba bánh, Danh sẽ kiếm mối cho tôi, Thầy trò gặp nhau trong hoàn cảnh thật đáng thương nên rất thương nhau và thông cảm hoàn cảnh của tôi, sau đó Danh đã hướng dẫn tôi đạp xe ba bánh. Gần sát nhà tôi có chiếc xe ba bánh để không của bà Bảy Hường, tôi bạo dạn qua gặp bà ta và đề nghị mướn chiếc xe của bà, bà đồng ý cho tôi mướn 6 đồng một ngày, tôi phải chịu sửa chửa tất cả những gì nếu bị hư hao, tôi đồng ý.

Được một số những người quen cho biết, khoảng 1, hay 2 giờ sáng, ra chỗ vựa  cá thì không có sức mà chở, vì lúc đó cá lên, người ta mua bán tấp nập, họ sẽ kêu xe ba bánh chở không kịp. Biết được tin nầy tôi rất mừng, vì vậy sáng sớm hôm sau mới hơn 12 giờ khuya, tôi ghé qua nhà thím Bảy Hường và xin phép lấy xe sớm, khi mở cửa cho tôi đưa xe ra thím còn căn dặn thêm như sau: “ Cậu phải cẩn thận đừng để mất xe, nếu bị mất cậu không có tiền để đền cho tôi đâu, mỗi ngày cậu phải đem xe trả cho tôi, chừng nào chạy thì qua lấy”. Tất cả những điều kiện nào của chủ xe ba bánh tôi đều đồng ý hết, vì nếu không đồng ý thì tôi sẽ không được mướn xe.

       Lần đầu tiên trong đời tôi đạp xe ba bánh, chiếc xe không mà tôi cảm thấy quá nặng rồi, tôi nghĩ đến nếu có người ngồi trên xe thì có lẽ không cách gì tôi đạp nổi.Dù sao thì cũng phải ráng, mình  không còn con đường nào khác hơn để mà chọn lựa nữa. Tôi bắt đầu đạp  xe ra ngõ, rồi bắt đầu đạp xuống chợ cá, vì như những người thông thạo cho biết, mối cá chở không kịp, họ đã bắt đầu làm việc từ 1 giờ sáng, vì vậy tôi phải gấp rút đến đó, kẻo không kịp.

       Chiếc xe không, không có một bóng dáng người nào ngồi ở trên đó, vậy mà tôi đã đạp hộc xì dầu, nào là mồ hôi mẹ, mồ hôi con đã bắt đầu rượt đuổi nhau, tôi nghĩ đến công việc kế tiếp phải làm, dầu sao tôi cũng là thằng” đạp xe ba bánh:.Tôi cảm thấy buồn buồn cho số phận mình, tôi phải làm gì để sống khi hai bàn tay không có lấy một đồng, còn biết bao nhiêu cay đắng và gian nan đang chờ đón tôi, nào là tôi chưa có quyền công dân, còn đang bi quản chế, mỗi tuần lễ phải lại công an khu vực trình diện và khai báo công việc trong tuần v.v…

          Cuối cùng tôi cũng đến được chu chợ cá trong chợ, trời mưa lầy lội, vô đến khu vực nầy là cả một vấn đề, tôi đậu chiếc xe ba bánh của mình ngay hàng xôi ở cuối dãy, các anh  em ba bánh đang làm việc tấp nập, họ khiêng những sọt cá nặng nề cho lên xe ba bánh và chạy đi, tôi cũng chẳng biết họ chạy đi  đâu nữa, cứ thế xe nầy ra thì xe khác lại vào để chở, có khoảng 4 chiếc xe thay nhau chở cá, riêng tôi đậu xe từ nảy đến giờ chả có ma nào gọi tôi cả, tôi cứ tiếp tục đậu tại chỗ và mong sẽ có người gọi, nhưng chẳng ai thèm gọi tôi cả, vừa đói và vừa buồn, tôi mua một đồng xôi bắp ăn cho đỡ đói, chưa làm được đồng bạc nào mà đã phải mất hết một đồng rồi, tôi ngồi bắt chân chéo quảy trên chiếc xe ba bánh, vừa ăn xôi vừa nghĩ chuyện đời, cũng tại nơi đây, những năm về trước tôi đã từng về đây trên chiếc xe Jeep, có tài xế hẳn hòi, mà giờ nầy tôi lại ngồi trên chiếc xe ba bánh để chở khách kiếm từng đồng v.v..

     Tôi đang miên man nghĩ ngợi thì bổng có tiếng gọi: ba bánh, ba bánh, tôi mừng quá tưởng là sẽ có được mánh lớn rôì, tôi bèn trả lời: dạ chị gọi tôi, người đàn bà thoạt nhìn tôi thấy có vẽ quen quen nhưng không dám hỏi, tôi đẩy xe ba bánh  khỏi khu chợ cá và đẩy xe lên đường để bắt đầu chuyến xe đầu tiên trong đời, anh chị nầy rất rành đi xe ba bánh vì vậy khi bước lên xe tôi thấy người chồng ngồi lên thành xe, còn hai chị thì ngồi ngay lên cây gác ngang.Ba người nấy muốn đi vào ngả ba bệnh viện Bà Rịa, họ hỏi tôi bao nhiêu một người, tôi trả lời, mỗi người một đồng. Khi cả ba người ngồi lên xe rồi, tôi vừa đẩy xe vừa phóng lên đạp, nhưng khổ nổi cho tôi, chiếc xe cứ muốn nhổng về phía trước, vì các người nầy ngồi phía trước quá nặng, vì vậy chiếc yên xe ba bánh muốn nhổng về phía trước hoài,  tôi phải dùng cánh tay mặt để cố đè cho yên xe xuống, cố gắng lắm tôi mới lên được yên xe và bắt đầu đạp. Đường đá lổm chổm, tôi đạp được chỉ vài thước mà tôi cảm thấy quá vất vả, tôi không biết có đủ sức để đưa ba người nầy đến ngả ba bệnh viện hay không? đạp được độ vài chục thước, ra tới đầu đường Bạch Đằng, tôi quẹo trái trên đường nầy, đường tương đối bằng phẳng vì vậy tôi cảm thấy yên tâm và tin rằng mình sẽ đưa các người nầy đến nơi mà họ đã yêu cầu, ch ạy được một khoảng độ 200 thước tới khúc quẹo về nhà Bảo sanh Hữu Phước, trời quá tối, đèn điện thì chỉ sáng lờ mờ, ngọn đèn đường chỉ sáng được tim đèn, đường thỉ lồi lỏm tôi đạp thấy có vẻ nặng, thình lình bánh xe trước của chiếc xe ba bánh của tôi xụp ngay vào ổ gà, chiếc xe lật úp về phía trước, quăng tôi và ba người ngồi trên xe xuống vệ đường, chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi bị quăng nằm trong bụi rậm bên vệ đường, còn ba người khách của tôi chẳng biết họ ở đâu nữa, lúc đó tôi chỉ nghe giọng nói của người đàn bà: “Trời ơi! Tôi có bầu” Tôi không còn biết trời trăng mây nước gì nữa, lùm cùm bò dậy, đở chiếc xe bị lật úp lên, miệng không ngớt “xin lỗi”. Người đàn bà gọi tôi lúc nẩy văng mất chiếc dép đâu đó, tìm mãi không được. Bà ta đứng dậy và trách móc tôi thậm tệ. Tôi biết lỗi của mình và nín lặng, chỉ mong sao cho họ lên xe để tôi chở đến nơi họ yêu cầu và tôi đề nghị không lấy tiền, nhưng rủi cho tôi họ không chịu lên xe đi nữa, và tiếp tục đi bộ, họ bảo tôi, ông kiếm cho tôi chiếc dép chứ không có dép làm sao mà tôi đi Bình Giả được. Trời tối quá tôi tìm hoài mà cũng không thấy, cuối cùng tôi  bèn đưa đôi dép của tôi cho chị ấy, và năn nỉ các chị lên xe tôi chở đến ngả ba bệnh viện mà không lấy tiền, chẳng ai chịu lên xe cả, tôi năn nỉ cách mấy họ cũng không chịu đi nữa, tôi cảm thấy vừa xấu hổ và hối hận vì việc vừa xẩy ra, tôi tiếp tục đạp xe lẻo đẻo theo sau và năn nỉ, nhưng tất cả đều vô ích, họ đã quyết định đi bộ, tôi tiếp tục đạp theo đến đầu đường Thành Thái nhưng họ vẫn không chịu lên xe, tôi bèn quay xe lại và trở về chợ Mới Bà Rịa. Cuốc xe đầu tiên sau ngày đi tù về, không được đồng nào mà còn mất cả đôi dép, bây giờ đạp xe mà không có đôi dép tôi mới thấy đau chân kinh khủng, không có tiền để mua dép khác, tôi quay về nhà, lấy đôi dép chiếc đực, chiếc cái xỏ tạm để tiếp tục đi đạp xe ba bánh.

      Từ một giờ đêm đến giờ là 7 giờ sáng mà tôi chưa được đồng nào dính túi. Tôi trở ra chợ Mới, đậu xe theo các anh em đạp ba bánh  ngay bên góc chợ. Lúc đó mẹ tôi đi ngang qua, vì mẹ tôi đi chợ về, mẹ tôi nhìn tôi rồi tôi thấy mẹ tôi quẹt nước mắt, mẹ tôi nói với người đàn bà cùng đi chợ với mẹ tôi như sau: “Tội cho con tôi quá, vừa đi cải tạo về, vợ con không còn, ngày nào con tôi đi xe Jeep mà bây giờ phải đạp xe ba bánh”.  Tôi nói với mẹ tôi, mẹ lên xe con chở mẹ về, nhưng mẹ tôi sợ tôi mệt nên bà không chịu lên xe và tiếp tục đi bộ về nhà. Tôi nhìn mẹ tôi mà lòng buồn xót xa vô hạn, con không ngờ giờ nầy gia đình mình lại lâm vào cảnh khó khăn như vậy. Con biết làm gì ra tiền để mẹ bớt khổ đây. Nhìn mẹ đi chợ tay xách giỏ mà lòng tôi đau vô hạn, tôi không dám nghĩ đến bảy năm qua trong lúc tôi vắng nhà, gia đình tôi khổ sở đến chừng nào.Tối hôm đó, em gái tôi hỏi tôi, con Tý nó kể có ông nào đạp xe ba bánh chở nó và đã cho vợ chồng nó té văng vào buị, có phải anh không? Tôi cười và nói, tao chứ còn ai nữa,  Lúc bấy giờ là năm 1982, mẹ tôi lúc đó đã 72 tuổi nhưng mẹ vẫn mạnh khoẻ và không đau yếu gì, khác với tôi một trời một vực, tôi giờ chỉ hơn 60 nhưng cứ nay đau mai ốm hoài, phương tiện vật chất thật đầy đủ, nhưng không hiểu sao tôi lại thường bị bệnh, nhất là chứng phong thấp làm cho tôi vô cùng đau đớn, có khi nằm cả tuần không đi đứng gì được.Trong lúc tôi lầm lũi đạp ba bánh, Các bạn tôi, có người có được chiếc xe Honda kéo rờ mọc,  (Xe Honda có kéo  móc hậu phía sau). Tôi cũng có những mong ước như mọi người, và mong ước của tôi lúc bấy giờ là mong sao mình có được chiếc xe lôi như  các bạn tôi, ngoài ra tôi không dám mơ một ước mơ nào to lớn hơn. Một cuốc ba bánh thứ hai cũng làm cho tôi nhớ cho đến bây giờ, sáng hôm đó tôi ra đầu chợ Mới Bà Rịa cũng như những lần trước, đậu xe ngay chỗ những người bán cám, thường thường những cuốc xe nầy chở về Phước Hòa, và những người chủ vựa cám thường gọi xe Lambretta để chở, tôi cũng không hiểu tại sao, hôm đó mấy chủ vựa bán cám gọi tôi và một người bạn xe ba bánh khác để chở cám đi xuống bến ghe Phước Hòa. Họ hỏi tôi có muốn chở không, tôi trả lời không một chút do dự, chở chứ sao không, thế là  chủ vựa đồng ý cho hai chúng tôi chở, mỗi xe là hai bao cám, mới nghe thì thật tưởng bình thường, nhưng không bình thường chút nào cả, hai bao cám của họ , mỗi bao là hai bao tạ chỉ xanh nối với nhau thật dài, bao cám dài hơn cả hai thước và họ bỏ cám vào và dùng cây để dọng cho thật chặt, bao cám nặng hơn 200 Kgs. Mấy người  vựa bán cám và mấy bạn cùng đạp xe ba bánh phụ khiêng các bao cám nầy lên xe cho tôi, họ đồng ý trả cho tôi 35 đồng Việt Nam, tôi nghĩ rằng cuốc nầy hơn cả ngày mà tôi chạy từ trước đến giờ, hăm hở để thực hiện cuốc xe nầy, trong thâm tâm tôi nghĩ, chỉ một cuốc xe mà còn hơn cả ngày làm việc thì còn gì sung sướng hơn. Sau gần 2 tháng  trong nghề chạy xe ba bánh, bây giờ tôi cũng tạm có chút bản lĩnh, cũng được nhiều khách hàng mến mộ và cũng có khách liên tục, không bù cho những lúc đầu mới vào nghề, chẳng có ma nào kêu đi đâu cả, nghĩ cũng buồn cho những người mới vào nghề, tôi bắt đầu đẩy  xe ra đường và trực chỉ về hướng Sàigòn, khi đẩy xe vừa ra khỏi vựa cám độ vài thước, đẩy không nổi tôi phải lên phía trước để kéo thì xe mới di chuyển được, tôi nghĩ có lẽ vì đọạn đường ngắn và có dốc cho nên xe chưa có trớn nên đạp không được, hy vọng ra đường chánh thì có lẽ không trở ngại, nghĩ thế tôi tiếp tục kéo xe về hướng đường đi Sàigòn, còn người bạn cùng đạp xe ba bánh về Phước Hòa với tôi thì nó đã đi từ hồi nào rồi. Tôi kéo xe ra đến đường vẫn không đạp nổi vì xe quá nặng, tôi tiếp tục kéo như vậy được một đoạn rồi phóng lên xe đạp, nhưng xe vẫn không di chuyển nổi vì 2 bao cám quá nặng, cuối cùng tôi thấy vô phương, không có cách gì đạp nổi cả, vì vậy tôi tiếp tục kéo, 12 giờ hơn mà tôi vẫn chưa tới được Phước Hoà, đoạn đường khỏang 10 cây số mà tôi cứ ngỡ là cả mấy chục cây số lận. Đi hoài vẫn không thấy tới, tôi mệt lả cả người, tôi không ngờ nó chông gai đến như vậy, bây giờ thì mọi chuyện đã lỡ rồi, tôi chỉ còn nước cố gắng chở cho đến nơi vì mình đã nhận tiền công rồi. Đoạn đường mỗi lúc một dài thêm, từ lúc đưa 2 bao cám lên xe đến giờ tôi không đạp được môt bước nào mà chỉ kéo. Có những đọan đường tôi kéo mà xe hầu như muốn chạy ngược lại vì đoạn đường quá dốc, từ 9 giờ sáng đó là giờ xuất phát của tôi mà bây giờ hơn 12 giờ rồi tôi vẫn chưa tới địa điểm khoảng cách độ 10 cây số.  Cuối cùng rồi với  sức người “sỏi đá cũng thành cơm”, tôi cũng đã đến được bến ghe Phước Hòa, nhờ những người ở trên ghe phụ xuống, tôi đã hoàn thành công việc mà lúc đầu tôi nghĩ sẽ rất dễ dàng. Thưởng cho mình một ly nước đá lạnh,  từng giọt nước mát ngấm dần vào cổ để bù lại nhũng giờ phút vất vả vừa qua. Tôi về đến nhà khoảng hơn  4 giờ chiều và cho mình được nghỉ luôn ngày hôm đó.

            Trên đây là kỹ niệm của tôi trong những ngày đi tù về , gởi đến những người bạn cùng cảnh ngộ để cùng chia sẻ với nhau trong cuộc sống “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

            Qua được đến Mã Lại, tôi lại tình cờ gặp lại được bà chủ vựa cám cũng đi vượt biên bà đến sau tôi vài tuần, tôi thuộc PB 967 (Pulau Bidong), lúc đó tôi được văn phòng Trại giao cho chức vụ Trưởng Khối Xã hội Đảo Bi Ðông vào cuối  năm 1983. Bà chủ vựa cám lên gặp tôi để nhận quần áo từ khối xã hội, chị đã nhận ra tôi “thằng đạp xe ba bánh” chở hàng cho chị, chị nhìn tôi bằng cặp mắt kính phục, tôi cũng cảm ơn chị đã giúp tôi trong những ngày tháng vừa qua.

            Viết đến đây tôi nghe trên đài phát thanh thông báo Mùa Vu Lan, bông hồng trắng cho những người không còn mẹ, tôi buồn và nhớ mẹ tôi vô cùng, Mẹ ơi! Con của Mẹ giờ nầy không còn đạp xe ba bánh như ngày nào, con của Mẹ có một cuộc sống tương đối , không còn phải vất vả như những ngày còn ở quê nhà, mới vừa ra tù cải tạo,  nhưng lúc nào con  của Mẹ cũng  vẫn nhớ về Mẹ, con thầm ước ao được chở Mẹ trên chiếc xe ba bánh nghèo nàn như ngày nào, nhưng làm sao có được., vì bây giờ làm sao tôi có thể tìm lại được những hình ảnh thân thương đó nữa, xin Ba Mẹ hãy phò hộ cho chúng con, ba anh  em chúng con đang sống bơ vơ trên đất người, mùa Vu Lan thiếu cả Mẹ lẫn Cha.

                             John Nguyen - Miền Bắc California 2008



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 07/Jun/2008 lúc 7:28pm

TÌNH DA VÀNG

 

Ta ngồi đây, hồn mơ về quê cũ

Bóng dừa xanh rũ lá dưới trăng mơ

Tiếng vạc ăn đêm vọng ánh sao mờ

Thuyền ai lướt nhẹ nhàng bên sông vắng…

 

Những bác nông phu dãi dầu mưa nắng

Ðổ mồ hôi trên những luống cày sâu

Bao gian nan sương tuyết phủ mái đầu

Vẫn tha thiết ngọt ngào tình quê Mẹ

 

Một biển màu xanh thẳm những rặng tre

Bờ cát trắng phơi mình trong nắng hạ

Hình ảnh mục đồng thấp thoáng từ xa

Cỡi trâu, thổi sáo lê la về làng …

 

Núi vẫn đứng trơ trơ cùng năm tháng

Ðợi chờ người phiêu bạt giữa năm châu

Biển trùng dương mong nối lại nhịp cầu

Ðón lữ khách về chung bầu sữa Mẹ

 

Vành khuyên cất giọng oanh vàng thỏ thẻ

Như ru ta trong giấc ngủ thần tiên

Nhớ bàn tay săn sóc của Mẹ hiền

Quạt nồng, ấm, lạnh khi đông trở giấc …

 

Rồi những sớm mưa phùn bay lất phất

Chẳng ngại ngùng rét mướt bên nương dâu

Chẳng nệ hà cuốc bẫm dưới đồng sâu

Ðem công sức tưới cho màu đất mới

 

Dáng xinh xinh, tuổi xuân hồng phơi phới

Thôn nữ yêu đời dệt mộng bên hoa

Tiếng chày khua giã gạo dưới trăng tà

Trên ruộng lúa, vang câu hò đưa đẩy …

 

Hò ơi …

Trăng buồn trăng khuất trong mây

Sao buồn sao rụng rơi đầy tim em

Em buồn em gửi cánh chim

Mang thư hồng đến nơi miền xa xôi

Em như ngọn gió trên đồi

Như con sóng vỗ chơi vơi giữa dòng

Em như liễu rũ ven sông

Lặng im pho tượng chờ trông bóng người

Anh như ngọc ẩn sáng ngời

Ðể cho nhung nhớ, một trời nhớ nhung

Ước gì ta được cùng chung

Lên non xuống biển vẫy vùng bên nhau

Tay trong tay, nối nhịp cầu

Thuyền yêu ta chở…một bầu trăng thơ…

 

Hỡi quê hương, ta nào có đâu ngờ

Trời Nam biển Bắc đôi bờ chia xa

Máu lửa ngập trời, bão dậy can qua

Hồn sông núi đành ngậm hờn nuốt tủi

Lệ đá rơi trải dài trên thân núi

Biển ngậm ngùi ôm xác những hồn oan

Ta đớn đau cho thân kiếp da vàng

Lạc loài mãi giữa… thiên đàng trầm luân…

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 07/Jun/2008 lúc 7:32pm

TRONG HỒI ỨC SA MÙ

 

Công cha mẹ sánh dày hơn non biển

Phận làm con phải báo đáp cho tròn

Lời thầy dạy con luôn luôn ghi nhớ

Tạc trong tâm lời giáo huấn sắt son

 

Nhớ năm xưa thời gian còn thơ ấu

Làng quê con tắm mát khói lam chiều

Một nhà sư bỗng từ đâu xuất hiện

Nét uy nghi như Hạng Võ đương triều

 

Ðường bôn ba thầy truyền kinh giảng đạo

Ðem phép màu mong cảm hóa chúng sinh

Nhìn thế sự lòng thầy đau quặn thắt

Biết làm sao hóa giải kiếp linh đinh

 

Con đã thấy hằn trong đôi mắt ấy

Vẻ đăm chiêu lộng giữa những lời kinh

Nhìn một lượt tín đồ đang vọng ngưỡng

Thầy mĩm cười, tim rạng ánh bình minh

 

Theo kiếp sống lăn mình trong gió bão

Dối trá, lọc lừa vận nước nổi trôi

Vẫn còn đây bao tấm lòng hướng thiện

Thì lo gì … bờ giác chẳng xa xôi

 

Thuyền bát nhã cặp bến sông tế độ

Mau lên con, kẻo trể bước nhàn du

Tu là tâm thoát xa vùng khổ lụy

Nắng rạng ngời trên mỗi bước con đi

 

Kiếp nhân sinh trầm mình trong bể ái

Lặn hụp trong vùng nước đục sông mê

Hãy nghe thầy các con ơi chớ ngại

Gắng công tu, thầy dẫn dắt đường về

 

Rồi từ đó con theo thầy học đạo

Mỗi lời kinh sen nở ngát hồn con

Chắp đôi tay con âm thầm cầu nguyện

Thầy giúp con đường tu được vuông tròn

 

Con ngờ đâu đèn hoa giăng lối nhỏ

Xác pháo hồng đưa tiễn bước con đi

Con xa thầy lòng con buồn vô hạn

Lời thầy khuyên tâm con mãi khắc ghi

 

Thầy nơi đâu trên bước đường luân lạc

Chiến tranh dài trên khắp nẻo quê hương

Vì gian nan vì chén cơm manh áo

Và kiếp tằm con vướng nỗi đau thương

 

Lời kinh cầu con lãng quên từ đấy

Ðời con buồn như những giọt sương mù

Rồi một sớm tim con dường vỡ vụn

Mẹ thân yêu đã vĩnh biệt nghìn thu

 

Tâm hồn con rã rời như xác lá

Từ bây giờ bóng mẹ có còn đâu

Và lãng đãng mây trời không định hướng

Biết về đâu …con biết phải về đâu

 

Tránh một kiếp để dồn bao nhiêu kiếp

Thân con đây thêm tội nghiệp dẫy đầy

Ðường tình ái con vương nhiều khổ lụy

Bể trần ai tan tác những hao gầy

 

Mừng lắm thay – hôm nay con gặp lại

Người thầy xưa hằng tôn kính biết bao

Da thay sắc với tháng năm dầu dãi

Dáng gầy nhiều, lòng đệ tử xót đau

 

Thời gian là bóng câu qua cửa sổ

Biết làm sao che dấu được hư hao

Cũng như con, mới hôm nào nhỏ dại

Ôi cuộc đời như một giấc chiêm bao

 

Công cha mẹ con khắc trong tâm não

Và ơn thầy con tạc dạ ghi sâu

Lời thầy dạy muôn đời con vẫn nhớ

Mong thầy con tuổi thọ được dài lâu …

 

NPNA

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/Jun/2008 lúc 1:18pm

BÀI THƠ CUỐI TUẦN

 

Cuối tuần rồi lại cuối tuần

Thời gian cứ thế xoay vần vần xoay

Ta còn nhau buổi hôm nay

Trao tình thơ với ngàn mây lưng trời

Xuôi niềm tâm sự đầy vơi

Hỏi trong trần thế ai người tri âm ?

Tất lòng riêng những âm thầm

Gửi cùng tri kỷ đôi dòng tâm tư …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 08/Jun/2008 lúc 1:25pm

CAO NGUYÊN TÌNH XANH

 

Về lại Cali nghe lòng trống trải

Nhớ cao nguyên với những tối mưa phùn

Bốn năm rồi, hôm nay ta trở lại

Nói làm sao cho xiết nỗi vui mừng

 

Bạn đón ta bằng bó hoa thân ái

Ðêm cao nguyên thắm đượm những chân tình

Lối mòn xưa trên đồi cao lộng gió

Lá vàng rơi từng chiếc đón bình minh

 

Cuối thu buồn tình xanh như trở giấc

Ðường dặm dài thăm thẳm những đồi thông

Phố Olympia lặng chìm trong gió bấc

Người phương xa sao tình nghĩa mặn nồng

 

Phía chân trời núi Rainier sừng sững

Ðường Rainier sương sớm đượm ngàn hoa

Hoa lòng ai … hỡi văn nhân tao nhã

Dệt vần thơ xin tặng bạn đường xa

 

Nhắp chén men cay tạ lòng tri kỷ

Gửi tình xanh nồng ấm của Cali

Vẫy tay chào mà hồn như để lại

Cao nguyên ơi ! vương vấn mãi người đi …

 

NPNA

 

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 09/Jun/2008 lúc 10:40am

BÊN NỬA VẦNG TRĂNG

 

Ta về trong buổi chiều nghiêng nắng

Thấp thoáng bên sông dáng liễu mềm

Lã lướt đưa tình theo gió lượn

Con thuyền chao nhịp sóng ru êm

 

Ta về để thấy dáng Hằng Nga

Bên nửa vầng trăng vẫn mặn mà

Suối tóc vờn bay đôi mắt biếc

Lòng như rạo rực giấc mơ hoa

 

Ta về thấy lại nét quê hương

Ẩn hiện đồi xa ngập phủ sương

Bãi cát, thông reo bờ sóng vỗ

Ðôi nhân tình hò hẹn yêu đương …

 

Ta về nhìn kẻ đi qua phố

Rộn rịp chen chân bước dập dìu

Ta cũng thấy lòng như ấm lại

Bao năm rồi giá lạnh cô liêu

 

Ta về gặp lại các con yêu

Ðứa đã sầu cao đứa khổ nhiều

Lặng lẽ cho hồn thêm nhức buốt

Thương đời xanh tóc biết bao nhiêu …

 

Ta về ngắm lại dòng sông cũ

Thuyền lững lờ trôi mặt nước buồn

Ðôi mắt say mơ lời ước hẹn

Xa rồi … chỉ thấy giọt sầu tuôn …

 

NPNA

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 11/Jun/2008 lúc 9:46pm

BÊN KIA BIỂN LỚN

ba mươi năm qua

dấu vết đau thương

còn lại những gì

chứng tích quê hương ?

trên bước nổi trôi

tha nhân vất vưởng

dồn nén trong tâm

bao nỗi đoạn trường !

đứng lặng trong đêm

lòng ta mơ ước

vượt bờ đại dương

về với dòng sông …

 

dòng sông năm xưa

chiếc thuyền xuôi mái

giữa đêm trăng thề

chở nặng tình ai ?

 

cuối tháng tư đen

đao binh rực lửa

một nửa vùi thây

một nửa chạy dài

một nửa cam lòng

ở lại quê hương

ôi ! còn một nửa

chôn thân biển cả !!!

 

các con của mẹ

một đời tơi tả

xác ở trời tây

hồn để quê nhà

mắt đã vội mờ

tóc chấm sương pha

 

bao giờ về với quê tôi

ôn sâu kỷ niệm sống đời bình yên …

 

NPNA

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 11/Jun/2008 lúc 9:50pm

CHUNG ÐỜI TRONG LẠC LOÀI

 

Chim én bay về đâu

Ngập ngừng đôi cánh nhỏ

Rừng rũ lá phai màu

Vườn xưa vàng úa cỏ

 

Người con gái cúi đầu

Nghe linh hồn bỏ ngỏ

Chữ tình chết đã lâu

Vực sầu đêm trăm trở

 

Ðôi bàn tay gầy guộc

Ðôi mắt vờn hư hao

Ðôi chân đà bỏ cuộc

Tim óc mềm hư hao

 

Ta nhen nhúm mà chi

Bếp lửa hóa tro tàn

Khơi dậy nào ích gì

Hay vẫn lạnh tro than

 

Về đâu cõi hư không

Về đâu chốn thiên đường

Về đâu mái tóc bồng

Nay bạc đầu phong sương

 

Cam đời trong gổ mục

Chung đời trong lạc loài

Bơi trong dòng nước đục

Ðau quằn cả đôi vai

 

Ta như bờ cát lở

Trước đợt sóng bạo tàn

Loài hoa rừng than thở

Với gió núi đồi hoang

 

Bên hàng rào tinh tú

Ðịa cầu bớt nghiêng chao

Xuân lòng ta mấy nụ

Rơi rớt tựa chiêm bao

 

Dường như là ảo ảnh

Nghe lao đao nửa vời

Ngập hồn ta theo nắng

Nắng ủ sầu lên ngôi …    

 
                        NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 14/Jun/2008 lúc 8:11am

  

BÀI THƠ MÙA HẠ

 

Xuân đã qua rồi theo chuyển luân

Hạ mang đầy nắng, gió bâng khuâng

Trời cao bàng bạc vương mây trắng

Những cụm hoa vàng, thảm cỏ xanh

 

Thung lũng hoa vàng bao tháng năm

Ðơn côi vời vợi chốn xa xăm

Ði về giữa sáng chiều sương phủ

Bóng dáng chim hồng vẫn biệt tăm

 

Ước hẹn ai về nơi bến trăng

Hồn thơ mộng cũ tít cung hằng

Tình thơ hư huyển buồn sương khói

Ðẹp mãi cho đời bớt giá băng

 

Hạ nắng, rừng xa vui tuyết tan

Lưng đồi suối lạnh, nước lang thang

Thông xanh đứng thẳng reo trong gió

Ðỉnh núi mờ xa vẫn trắng ngần …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Hoang_Ngoc_Hung
Ngày gởi: 14/Jun/2008 lúc 6:59pm

(Chuyển từ VNI sang Unicode để bà con dễ thưởng thức hơn)

 
Tùy bút: Nguyễn Phan Ngọc An
 

 

                           MƯA ĐÁ GIỮA ĐỜI

 

Chiều xuống chậm, những hàng cây cao vút đứng im lìm trơ trọi hai bên lối đi, ánh nắng vàng vọt còn sót lại trên đồi cây, ngọn cỏ như reo vui theo từng nhịp bước chân nàng… Con đường về nhà vắng lặng, Trâm bước vội vàng như sợ màn đêm chụp phủ không gian, nàng sẽ vất vả biết chừng nào vì nàng biết đường về nhà còn xa, ít ra cũng phải đến gần cây số nữa ! Nàng lo cho các con bơ vơ ở nhà, những chuyến hàng trôi chảy, suông sẻ thì Trâm về nhà sớm để lo cho các con buổi cơm chiều, chuyến hàng này gặp rủi ro, bị thuế vụ tịch thu, tổng số tiền vốn của thuốc lá ngoại 555 và thuốc tây cũng không dưới 80 triệu ! Trâm thấy bước chân nặng nề đi không muốn nổi khi nghĩ tới số tiền bị mất kia, hoàn cảnh khó khăn nàng tạo được số vốn đi buôn hàng chuyến này cũng không phải dễ dàng, Trâm đã phải xin mẹ bán đi 10 lượng vàng và chiếc xe PC 50 của nàng.

Từ ngày tập tểnh đi buôn hàng chuyến, Trâm cùng Hoa, cô bạn thân thiết ở Phước Hải, là goá phụ có hai con, chồng sĩ quan tử trận chiến trường Bình Long, Hoa về sống với mẹ cha nơi vùng biển quê nhà, Hoa cũng như Trâm chưa hề biết bán buôn nhưng nhờ lanh lẹ tháo vát cả hai đi thử vài chuyến, thấy trót lọt có lời nên chuyến này dồn hết tiền vốn vào mua nhiều hàng, không ngờ tai họa ấp đến bất ngờ cho cả hai, mấy chuyến trước mình cho thằng lơ xe 50 ngàn, chuyến này lơ đãng quên cho tiền nó, có lẽ vì thế mà nó phản thùng mình ! Càng nghĩ càng tức cho mình không chu đáo để ra nông nỗi thế này, Hoa đã khóc thật nhiều chiều nay và mắng Trâm đủ lời cay đắng…

Về đến nhà Trâm thấy các con chưa ăn cơm tối, ngồi ngoài hiên nhà chờ mẹ, nàng xót xa trong lòng ! Mọi lần nàng về là quà bánh cho các con, hôm nay không quà, không còn đồng xu dính túi, Trâm như muốn chết cho xong, những ngày tới nàng phải làm sao đây ? Trâm không ăn cơm nổi nữa, nàng vào phòng nằm vật trên giường thở dài từng chập, từng chập…não nề !

Mẹ thấy nàng không đi buôn bán hai ngày liền, đoán gặp chuyện không may, mẹ gặng hỏi và khuyên Trâm đừng đi hàng chuyến nữa, Mẹ cho một số vốn buôn bán tại chỗ. Nhân dịp chợ nhà đang sửa sang, nàng đăng ký một sập bán vải đủ loại hàng nhập, hàng nội địa…Nhờ vào duyên buôn bán, Trâm mau chóng phát đạt, hàng ngày nàng bán đến 12 giờ trưa là đã thâu được mấy thùng hàng vải nhập từ Mỹ về hoặc vải của cửa hàng nhà nước xuất ra. Trâm mang về Chợ Lớn bỏ mối bán sỉrồi tự chọn những mặt hàng nhập thật lạ về bán lẻ trên sập của nàng – Hàng vải mua vào thì Trâm không kén chọn, bất cứ màu sắc dị kỳ, rằn ri, lập thể, cứ các chị chợ trời đưa chủ hàng vào là Trâm đưa tiền cò ngay không cần coi hàng như thế nào, hàng càng lạ lùng nàng bán càng độc quyền và giá cao vì không ai có… Bởi vậy nàng có hàng liên tục để mỗi ngày mỗi mang hàng lên Chợ Lớn bỏ sỉ và mua hàng mới về bán. Những bạn hàng xung quanh thấy Trâm luôn có hàng lạ và bán rất chạy, lời gấp đôi vì không ai có, họ nhắn các cô đi bỏ hàng mua cho họ, ba hôm sau mới có hàng bỏ cho họ thì Trâm đã đổi mặt hàng khác, còn họ thì cả chục sập giống hàng nhau bán chẳng được lời, đôi lúc ế hàng loạt…

Thường thì Trâm sau khi lấy hàng xong, nàng đi xe Lam tại Chợ Lớn ra bến xe dù Hàng Xanh về nhà- Hôm đó Trâm ngồi ngoài cùng của chiếc xe Lam, hai giỏ vải lớn kẹp dưới chân, xe vừa lăn bánh, một tên gian dựt ngay sợi dây chuyền trên cổ Trâm, Trâm la lên nhưng ông tài xế cứ chạy thẳng không ngừng lại. Trâm đành mất sợi dây chuyền 5 chỉ mới mua hôm sinh nhật nàng ! Một lần Trâm lấy hàng xong, trời còn nắng nàng ghé mấy quán cóc bên lề đường Hàm Nghi ăn tô bún, nàng lật đật đứng dậy giữ chặt hai giỏ hàng dưới chân vì xung quanh Trâm có ba thằng lưu manh bám sát để chuẩn bị dựt đồ. Một thằng dựt chiếc nón kết trên đầu Trâm, một thằng xấn tới dựt phăng sợi dây chuyền rồi thảy chuyền qua thằng kia chạy mất…dây chuyền đứt rớt lại cái mặt trái tim cẩm thạch, thằng khác thò tay xuống nhặt. Trâm nhanh tay chụp lại mặt cẩm thạch, trống ngực đánh loạn xạ, tay chân  thì run lập cập, miệng la lớn “ quân lưu manh, tụi bay không biết tao là ai hay sao hả ? công an đâu, bắt cũ côn đồ nó dám đụng tới bà, chúng nó muốn chết chắc” nàng nói bạo mồm để trấn an mình và để hù họa lũ côn đồ may ra chúng nó sợ, tưởng nàng là thân nhân của “cốm” mà bỏ đi, nàng gói vội mặt cẩm thạch vào miếng giấy, thằng còn lại bước tới “ chị để em gói hộ cho” Trâm nghiến răng “ đừng dỡ trò nữa con ạ, tao sẽ kêu công an bắt hết lũ bây ngay bây giờ” vừa nói nàng vừa nhanh chân kéo hai giỏ vải lên xích lô máy chạy thoát ra vùng hiểm địa, thế là Trâm lại mất thêm sợi dây chuyền thứ hai…

Hai tuần sau đó, trong lúc bán hàng tại sập, khách bu quanh, người thì bảo lấy loại này cho xem, người thì bảo lấy loại kia cho xem, bà kia thì đòi cho được khúc vải móc trên hàng dây trên cao, Trâm đứng lên lấy vải, tức thì tên đứng gần giỏ tiền sớt ngay cái bóp tiền dày cộm của Trâm định trưa đi lấy hàng, Trâm mất cả hồn viá không bán buôn gì được nữa và không còn tiền để đi lấy hàng Chợ Lớn như mọi lần…Không hiểu sao Trâm không bao giờ được bình yên, chỉ mấy ngày sau lại bị mất của nữa, có lẽ bọn gian để ý thấy nàng bán chỉ một mình không người phụ, hàng vải thì nhiều nên chúng lưu ý nàng. Buổi sáng mới dọn hàng xong, một đám người ghé sập đứng bu quanh, Trâm cảnh giác tối đa, bỗng thằng nhỏ chừng 10 tuổi bảo “cô làm rớt tiền kià” Trâm vội cúi xuống lượm tờ giấy 5000$ thì đám người đứng đàng trước mặt sập vải đã cưỡm đi của nàng gần 10 sấp vải nhập – Trâm tức tối khi rõ ra hành động thằng bé là chim mồi hy sinh 5000$ để đồng bọn vớt được mấy trăm ngàn chia nhau – tâm hồn Trâm rã rời, của cải mất như cơm bữa, buôn bán khôn ngoan lời nhiều nhưng mất mát thì vô số kể ! Có một lần gom tiền đi lấy hàng, lên đến Sài Gòn  Trâm chuyển qua xe Lam vào Chợ Lớn. Ngồi trên xe có khoảng 6 người, ai cũng lom lom nhìn Trâm, nàng lo sợ vội lấy chiếc nón có vành lớn đang đội trên đầu xuống che miệng giỏ đựng tiền mua hàng, bà ngồi cạnh nàng tự nhiên hát nho nhỏ rồi đẩy dần chiếc nón lá của bà xê dịch che kín chiếc giỏ lớn đựng bóp tiền của Trâm, hai tay Trâm vẫn đè lên chiếc nón của mình và nón lá của bà đã ụp lên hai bàn tay Trâm – Bỗng Trâm thấy cái giỏ nhúc nhích, Trâm gạt phăng chiếc nón lá ra thì thấy tay bà rút vội từ trong giỏ Trâm ra, Trâm trừng mắt nhìn bà, bà nhìn lại Trâm bằng đôi mắt sắc lẹm rồi chửi “ đồ ngu” xong bà nhảy xuống xe dông mất, lần đó Trâm chưa mất tiền nhưng cứ thắc mắc sao bà ta không lấy được tiền của mình mà lại chửi mình ngu, lẩn quẩn không tìm ra câu giải đáp, Trâm vội vã lấy hàng rồi ra xe về – vẫn phải đi xe Lam vì nàng mang hai giỏ hàng lớn, ngồi trên xe đã có sẵn 5 người đàn ông lẫn đàn bà, họ đẩy cho nàng ngồi gần người đàn ông ôm khư khư một mâm gì trước bụng, khi xe chuyển bánh được khoảng 5 phút, người đàn ông mở mâm ra rồi lắc bầu cua, tài sỉu gì đó Trâm không rành, mấy người trên xe Lam ai cũng bỏ tiền ra đánh, kẻ ăn người thua, họ cố tình gài bẫy Trâm, xúi Trâm bỏ tiền ra đánh , Trâm từ nào giờ không có máu cờ bạc nhưng không hiểu sao cũng móc tiền ra đánh, người thì cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ không kềm chế được. Một lúc thì hết tiền, người đàn bà kế bên cũng hết tiền tháo đồng hồ ra đánh, bà ta cũng xúi Trâm tháo đồng hồ ra đánh, nhưng bỗng Trâm hoàn hồn tỉnh táo lại và kêu bác tài “ xuống, xuống, tôi xuống đây” rồi kéo vội hai giỏ hàng nhanh xuống, đứng chờ xe xích lô máy đến để đi tiếp vì thật ra chưa đến bến xe, Trâm sợ lũ quỷ ma này quá nên tìm cách xuống xe mà thôi ! Ai dè khi Trâm xuống là bọn mánh mung kia cũng xuống hết, đi tản mác hai bên lộ…thì ra một lũ lưu manh chuyên gạt người, Trâm vội vàng kêu ngay chiếc xe xích lô máy vừa trờ tới mà không cần hỏi giá cả, chỉ mong tránh thật mau lũ người ghê gớm này, may mắn nàng còn số tiền lẻ nhét trong túi quần Jean nên có tiền trả xe xích lô máy và tiền xe về nhà…

Một lần Trâm lấy hàng về, thường thường Trâm ăn mặc rất chải chuốt, nếu không thấy hai giỏ hàng vải ít ai biết nàng đi buôn, nàng mặc Jean, áo thun, đeo kiếng râm model – Khi chiếc xe đò nàng ngồi rời khỏi bến được 20 phút, khoảng chổ gần ra Thủ Đức, bỗng nhiên xe dừng cấp bách vì đàng trước hai tên lạ mang súng mặc quân phục rằn ri đứng chận xe lại. Mọi người trên xe đã biết việc sẽ xãy ra, vì thời gian đó khách đi xe bị cướp bóc rất nhiều, Trâm cũng biết lũ này sẽ lên xe cướp của, tiền hành khách , trên xe khoảng trên 50 hành khách ngồi im thin thít, mặc cho chúng đến từng người một bảo có bao nhiêu tiền đem ra ủng hộ thương binh, ai cũng riu ríu trút hết tiền trong túi hoặc trong bóp đưa cho họ. Trâm thì không, nàng rất ghét bọn cướp cạn này nên dửng dưng khi chúng đến trước mặt bảo “tiền đâu” Trâm trả lời “ không có tiền”, tên cao gầy đánh thẳng vào mắt Trâm văng bể cặp mắt kiếng râm vì chắc nó thấy Trâm xấc đeo kính trước mặt nó, chưa yên,  nó nói lần nữa, Trâm vẫn trả lời “ không còn tiền” người hành khách ngồi bên run rẫy nhắc Trâm “ chị đưa tiền đi, không thì chết cả lũ đó”, Trâm trừng mắt nhìn tên cướp cạn, quyết không đưa tiền, không hiểu sao lúc đó nàng không sợ gì cả, chỉ có thù ghét chúng mà thôi…thằng cao gầy đưa mũi súng dí ngay vào trán Trâm định bóp cò, bác tài xế chạy lại năn nỉ van xin, nó chưa buông súng xuống thì thằng mập lùn kia đã móc trái lựu đạn ra toan ném vào Trâm…Tình thế quá găng Trâm đành phải móc chiếc bóp ra đưa hết tiền còn lại cho nó, hai thằng mới chịu xuống xe để cho xe chạy. Nghĩ lại mà ớn óc nổi da gà, suýt chút nữa đi chầu diêm dương mà chẳng rõ bao nhiêu người cùng đi vì súng bắn có thể chết lây nhưng lựu đạn là chắc chắn tiêu hao nhân mạng không ít. Về tới nhà Trâm mới biết mình còn sống, nàng có tính gan lì bướng bỉnh đâu sợ điều gì, ngay khi còn sống chung với ông xã, nàng đã từng mang súng loại thật nhỏ lận trong lưng lên phi cơ đi ra chỗ ông xã đóng quân – Không phải nàng mang súng theo để hăm dọa chồng mà nàng làm như thế là vì lệnh của ông chồng nhờ nàng mang đến cho chàng cây súng chiến lợi phẩm chàng đã thu được từ tay quân giặc – Lúc ấy chiến tranh lan tràn, đi phi cơ bị kiểm soát gắt gao, Trâm đã bị xét hai trạm phi cơ dừng, tưởng đã bị lộ… Bây giờ gặp việc tai ương này, Trâm nhớ lại chuyện xưa mà rùng mình, quân đội mà xét được súng trong người Trâm thì chắc chắn Trâm bị bắt và không chừng bị bắn nữa là khác, làm sao không bị tình nghi là nữ cán bộ Cộng Sản ! Nhớ lại mà toát mồ hôi lạnh, tại Trâm mang trong người dòng máu liều không biết của cha hay của mẹ, mà mấy phen tưởng tiêu tán đường rồi !

Cách bảy tám năm về trước, Trâm không nhớ rõ lắm, chỉ biết là thời kỳ Cộng Hòa, đất nước chưa bị Cộng Sản chiếm, Trâm đi xe đò từ tỉnh Bình Tuy về…dọc đường gặp mấy anh Cộng Sản, thời đó Trâm chưa từng biết Việt Cộng ra sao, nàng run bắn cả người, trên xe hầu hết là đàn bà con nít, đàn ông chỉ vài người – Mấy ông VC đuổi mọi người xuống xe, leo lên xe xét đồ đạc và xét hành lý cá nhân của mỗi người, khi xét đến Trâm, họ có vẻ nghi ngờ nàng là thân nhân của Cộng Hòa, xốc tận đáy giỏ và họ đã nhìn thấy 2 bộ đồ trận của chồng nàng còn mang nguyên bảng tên thêu trên nắp túi, ông xã của Trâm có cái tên thật lạ lùng mà có lẽ không bao giờ có ai trùng tên được, bởi vậy nhiều người nghe tên cứ tưởng người ngoại quốc hay người Nùng, ít ai nghĩ là người Việt Nam…Họ lừ mắt nhìn Trâm và đã chắc chắn nàng là kẻ thù rồi, họ đọc tên trên túi áo thì đã biết ngay là tên ác ôn Mỹ ngụy mà chúng đã treo chiếc đầu 500.000$ nếu ai bắt sống được ! Trâm chết điếng khi bị phát giác 2 bộ đồ lính của chồng, nàng không còn biết phải làm sao thoát hiểm nguy, tên VC đưa súng dí vào mặt nàng nói “ chồng bà là nợ máu của nhân dân, bà phải gọi chồng bà về quy hồi với cách mạng, nếu không tôi bắn chết bà” rồi hắn cho xe chạy, giữ lại một mình Trâm ! Hắn nói tiếp “ chúng tôi phải kỷ luật bà, cho bà thấy cái sai trái phản động của chồng bà”…Ba tên VC đang loay quay người xách giỏ của Trâm, người thì quản thúc Trâm, người thì chĩa súng sau lưng Trâm, bỗng một chiếc xe GMC trờ tới, trên xe toàn là lính, chiếc xe từ từ chạy tới gần, khi đã nhận rõ là kẻ địch, ba tên VC bỏ chạy, đạn của quân đội bắn theo sau, Trâm một phen thoát chết vào tay VC – Nàng đứng tại chỗ không nhúc nhích vì nếu chạy biết đâu sẽ trúng đạn, nàng dơ hai tay lên trời kêu cứu và bước từng bước chậm đến gần chiếc xe GMC, họ đỡ nàng lên xe, thế là Trâm đã được cứu sống, trên đường xe chạy nàng cho các anh chiến sĩ biết nguyên nhân họ bắt nàng và kết luận “ người về từ cõi chết” !

Ngày qua ngày, cuộc sống của Trâm không may mắn như mọi người, có lẽ kiếp trước nàng gieo quá nhiều ác nghiệp nên kiếp này chẳng đặng bình an suông sẻ, về buôn bán thì Trâm rất giỏi, nhưng họa tai thì nàng lãnh quá nhiều, một lần nọ nàng đang ngồi bán trên sập vải, khách mua hàng là một người đàn bà trạc tuổi 50, bà mua liền 3 xấp vải nhập không cần trả giá, kiểu cách là dân sộp giàu có để làm quen nàng, hôm sau bà lại đến ngồi tại sập lân la chuyện trò, bàn việc mua bán vải lấy từ nhà kho xuất ra, lúc ấy vải của nhà nước xuất ra toàn là vải teteron trắng và màu, vải quần tây màu xanh dương, Trâm đã từng mua thường xuyên của cửa hàng đem về Chợ Lớn bỏ sĩ nhưng không được mua nhiều, nay bà này nói nghe hấp dẫn quá, y như bà là vợ cán bộ lớn không bằng…Trâm dọn hàng về sớm thu gom tất cả tiền mặt và bán thêm 3 cây vàng lá để đủ số yêu cầu bà ta đã nói mua hàng vải xuất khẩu. Trên đường đến cơ sở mua hàng, Trâm luôn luôn lo lắng không yên trong dạ, nhưng thôi một liều ba bảy cũng liều, bệnh liều đã ngự trị tim óc nàng từ tấm bé, đến cửa cơ sở bà ta bảo Trâm đưa tiền để bà vào làm thủ tục mua vì chỉ có bà mới được quyền mua và đường dây của bà nên Trâm vào sẽ mua không được, họ sợ bể không dám bán…Đành vậy, Trâm ở ngoài xe chờ. Độ một tiếng sau bà trở ra bảo là “ngày mai mới có hàng, chị em mình về chiều mai ra lấy hàng”. Chiều hôm sau bà đến sập vải gọi Trâm đi, lòng Trâm đang như lên cơn lửa bỏng, gặp bà Trâm mừng quá, vội giao hàng cho đứa cháu gái đi ngay với bà, bà không đưa nàng đến chỗ mua vải của cửa hàng mà lại đưa nàng đến một nơi khác bảo là nhà bà vợ Trung Tá Thủy Sản, Trâm ngạc nhiên thì bà đã nói :

-          Số tiền mua vải chị đã bán sĩ liền, lời được hơn hai triệu, chị bỏ vào mua vi cá luôn rồi, đây là nhà bà Trung Tá Toàn bán vi cá cho mình đây.

-          Vi cá gì…Trâm tức mình gằn giọng – Sao chị không cho tôi biết gì cả, tôi chỉ cần mua vải vì đó là nghề của tôi, còn vi cá tôi không hề biết, lỡ đồ dỏm thì làm sao ?

-          Không có đâu em, chỗ này quen lớn, không bán đồ dỏm cho mình đâu, em tin chị đi…Bà ta trả lời và vuốt vuốt vai Trâm cho nàng yên tâm.

Nói xong bà dẫn Trâm vào trong sân nhà bà Toàn, bà chỉ tay vào một đống bao bố chất đầy trên sân cũng khoảng mười mấy bao 50 kg – bà vào trong nói gì với chủ nhà và trở ra nói với Trâm :

-          Hàng vi cá của mình đó, em kêu xe chở đi.

Trâm nghe mùi hôi nồng nặc xung quanh những cái bao tải, nàng đến gần vạch ra xem, thấy toàn là cá vửa, cá hư, hôi rình…Trâm hỏi bà mà muốn nghẹn :

-          Vi cá gì mà chị nói vi cá, toàn là cá thúi, cá hư chị có thấy không ? thôi chị gạt tôi rồi ! Trâm nói mà nghẹn ngào muốn khóc !

-          Không đâu em, vi cá mắc lắm, làm sao có nhiều, chị cho nhét bên trong làm nhưn,  bên ngoài ngụy trang cá thúi mới qua mắt bọn thuế vụ công an được chứ, bà trả lời thật nhanh với nàng – em kêu xe chở gấp đi về Sài Gòn bán ngay bây giờ.

Trâm cứng họng, bán tín bán nghi nhưng cũng phải kêu xe chở vì vốn liếng nàng hiểu ra là toàn bộ của nàng, nàng lại phải trả tiền xe chở là 120.000 về Sài Gòn. Đi được khoảng hai cây số thì trời đã chạng vạng tối, bà lại bảo :

-          Trời tối rồi không thể mang lên Sài Gòn ban đêm, không có bạn hàng mua đâu, em chở về nhà em đi, sáng mai mình chở về Sài Gòn mới bán được…

Trâm tức giận nhưng biết không làm gì được bà ta, đành cho hàng xuống nhà mình, chất chật cả khuôn sân, bà đi về Bến Súc ngủ và nói ngày mai sẽ tới sớm cùng đi…

Độ 10 giờ đêm Công An tuần tra đi ngang thấy các bao chất trong sân, gõ cửa hạch hỏi: Thứ gì trong đó? Trâm nhanh nhẩu “ cá khô thúi chứ thứ gì, bà chị ở Phước Hải mang gởi sáng chở đi bán cho heo ăn” Tên Công An nói “ không biết là cái gì, phải đóng thuế thôi chị ạ ! 50 ngàn và đây là biên bản đóng thuế của chị”, thế là Trâm lại mất thêm 50 ngàn cho thuế má, chao ơi là khổ !

Sáng ra nàng dậy thật sớm vì lo lắng suy nghĩ cả đêm thao thức không ngủ được, ra sân nhìn vào các bao tải, ôi thôi, dòi ở trong bao bò ra ngoài nhun nhúc thấy rợn người, Trâm đang quýnh quáng thì bà đến, Trâm túm cổ áo bà làm dữ :

-          Bà gạt tôi, mau trả tiền lại cho tôi, cả thảy tôi đưa cho bà là 38 triệu, nếu bà không trả tôi kêu Công An bắt bà ngay lập tức.

-          Khoan đã em, chị nói là hàng vi cá thật mà, chở lên Sài Gòn em sẽ thấy, bị vì cá hư nên có dòi thôi, chị đâu có gạt em – bà khẩn khoản nói với vẻ mặt khổ sở…

-          Lấy gì làm tin đây – Trâm nói nhanh – Căn cước của bà đâu, đưa đây làm tin, mau lên ! Bà chần chờ chưa chịu đưa căn cước, Trâm buộc bà phải ghi vào tờ giấy nợ số tiền 38 triệu bà nợ Trâm và giữ căn cước của bà.

Lại kêu xe chở về Sài Gòn và lại là Trâm trả tiền vì  lúc nào bà cũng nói không còn tiền vì đã bỏ ra mua hàng chung với Trâm, thế là Trâm lại móc túi ra trả tiền 3 chiếc ba bánh chở ra lộ cái là 45 ngàn, bà nói hàng lậu không thể chở ra bến xe…Trâm hoàn toàn bị động mọi sự việc, nàng tức giận mình ngu muội nghe lời con mẹ trời đánh này, phóng lao phải theo lao, nàng phải bỏ buổi chợ bán vải để đi bán cá thúi với hy vọng vi cá nằm ẩn bên trong làm nhưn ! Trâm ăn mặc sang trọng vậy mà phải phụ bà và mấy thằng lơ khiêng các bao tải đưa lên mui xe cấp bách vì sợ thuế vụ công an đến. Những giọt nước hôi rình, thúi quắc rớt xuống mặt Trâm,  tóc Trâm và quần áo của Trâm…nàng nghe như mình mẩy thúi oang một mùi muốn ói, không dám ngồi lên ghế sợ người kế bên chửi đành đứng tuốt đàng sau đít xe mà nghe người như nhảy tưng tưng từng khúc đường ổ gà lồi lõm !

Lại thêm 120 ngàn tiền hai người và 13 bao cá, cũng là Trâm thôi, ngao ngán nàng thở dài chán nản – Đến Hàng Xanh lại một phen thuê 3 xe xích lô máy chở vào Chợ Lớn “ chúng tôi tính rẻ là 60 ngàn” lại 60 ngàn, Trâm lẩm bẩm móc tiền đưa mà nghe trong bụng cồn cào vừa ngẩn ngơ vừa đói bụng, đêm qua nàng tức con mẹ phù thủy này thành ra no cành hông không ăn cơm tối, cái mặt con mẹ giống phù thủy thật, lại thêm cái cổ nổi cục bứu to tướng ở giữa cổ, chắc là hậu quả của cuộc sống lừa đảo gạt người đây ? Trâm nghĩ vậy nhưng lại an ủi mình, hãy rán chờ đợi kết quả, chỉ hai mươi phút nữa thôi sẽ rõ bộ mặt thật của bà ta ?

Vào đến Chợ Lớn bà te te đi nói chuyện nhỏ to với mấy mụ bán cá, bỏ mặc Trâm giữ hàng, khi họ đổ cá ra thì chẳng thấy một con vi cá nào cả, Trâm chết điếng, biết làm sao đây ? chạy vội lại nắm áo bà ta, Trâm la lớn” bớ công an, bắt con mẹ cướp của lừa đảo, bớ công an” bà nhanh nhẩu tháo sợi dây chuyền thật to khoảng 10 lượng mà Trâm vẫn thấy bà đeo trên cổ từ khi quen biết bà, bà gói vội vào mảnh giấy đã có sẵn đưa cho Trâm và nói “ đừng kêu công an em, chị đưa tạm cho em sợi dây chuyền 10 lượng này em giữ làm tin, về nhà chị mang tiền qua trả lại cho em”, bà đưa vội vào tay Trâm rồi chạy biến vào chỗ đông người mất dạng. Trâm hoảng hốt khi trên tay sợi dây chuyền nhẹ tưng như cầm cục kẹo thật nhỏ, “trời ơi…đại gian ác, đưa đồ giả, trời ơi…đại gian ác” nàng tung mình chạy theo nhưng bà ta đã biến mất, không còn cách nào khác nàng ra chỗ mấy mụ mua cá lấy lại chút tiền còm cá thúi thì mấy mụ trả lời “ bà Huệ lấy tiền xong rồi” ôi trời ơi, bà ta lấy trước tiền cá thúi, mưu mô chưa từng thấy trong xã hội loài người, Trâm nặng nề bước đi ra khỏi khu chợ hôi thúi, lặng lẽ buồn cho số phận không may, miệng lầm bầm “ đại nạn, đại nạn”.

Một tuần sau rồi một tháng sau cũng chẳng thấy bà ta trở lại sập vải của nàng, Trâm tức lồng lộn lên chỉ muốn tìm cho ra bà mà xẻ thành trăm mảnh mới hả cơn hận thù chất chứa trong lòng nàng, nàng đi báo với Công An Huyện và trình cho họ tờ giấy nợ cùng căn cước của bà ta mà nàng đang giữ. Ngay trưa hôm sau Công An hình sự theo Trâm đến Bến Súc, nơi bà ta hay đi qua lại – Công An và Trâm đã phát hiện ra bà và bắt đem về trại giam, khi bắt bà họ xét trong giỏ xách thấy một tấm hình của Trâm lúc bà rủ sang nhà bà chơi rồi bà chụp lén tại vườn cây trái sau hè nhà, một chai gì nhỏ có nước màu vàng ở bên trong giống như chai dầu thơm, một chùm chỉ đủ màu sắc…Trâm thầm nghĩ, có lẽ đây là bùa ngãi gì mà bà ta đã ân sũng dành cho nàng vì có tấm hình mặt mũi của nàng, tha hồ mà lung lạc nàng…

Bà bị giam được hơn tuần lễ thì Trâm có giấy mời lên đồn Công An hình sự chỗ giam bà để giải quyết, người trưởng Công An mời Trâm ngồi rồi nói rằng “ Tôi nghĩ đây là chuyện cá nhân với nhau, nếu chị không muốn dàn xếp ổn thỏa với nhau mà cần nhờ đến pháp luật thì yêu cầu chị đưa giấy chứng minh của bà Huệ để chúng tôi làm việc” Trâm không cần suy nghĩ đưa ngay tấm căn cước của mụ ta cho ông công an, ông ta cầm xong hẹn Trâm thứ hai tuần sau trở lại gặp ông ta – Trâm được biết người trưởng Công An hình sự này tên là Đức.

Thứ hai tuần sau Trâm đến gặp Đức, ngồi đợi mãi cũng không thấy bà Huệ xuất hiện để làm việc với công an – Trâm đòi phải cho gặp mặt bà ta, ông Đức trả lời :

-          Bà ấy xin tôi về thăm nhà, ba hôm trở lại, có lẽ ngày mai bà ấy mới có mặt, vì đi mới hai hôm.

-          Thưa ông, nếu vậy ngày mai tôi đến, mong ông xử lý đúng với luật pháp và lương tâm , xin ông trả lại tôi giấy chứng minh của bà Huệ và tờ giấy nợ, mai tôi sẽ cầm lên làm việc…Trâm nói với Đức, trưởng Công An hình sự của Huyện.

-          Bà ấy mượn tôi giấy chứng minh để đi đường, nên tôi đã cho bà ấy mượn, chị thông cảm vậy, ngày mai chị lấy cũng được, Đức trả lời Trâm như thế !

-          Trời ơi, ở tù cha sao vậy ông, ở tù mà còn đi phép, còn được lấy lại giấy tờ tùy thân ! tôi nói cho ông biết, nếu vụ này không xử lý nghiêm minh, bao che tội phạm, tôi sẽ thưa luôn cả ông đó…Trâm nói với sắc mặt giận dữ, đùng đùng bước ra khỏi đồn hình sự mà nghe trong lòng bất mãn tên Đức đến cùng độ…

Ngày mai Trâm đến, tên Đức tránh mặt không tiếp nàng, cho người phụ tá tiếp và bảo là ông Đức bị bệnh – Trâm thừa hiểu những gì bí ẩn bên trong, nàng bỏ về và đưa đơn thưa nội vụ lên Tòa Án tỉnh.

Mãi gần một năm sau nội vụ mới được xét xử – Khi ra đối chất trước Tòa Án Tỉnh nàng mới biết không phải một mình Trâm là nguyên đơn mà còn hai người nữa, đó là bà Trung Tá Toàn và bà mẹ của cô Oanh, người ở chung trại giam với bà Huệ về tội vượt biên bị bắt – Trâm vẫn là người đứng đầu nguyên đơn vì nàng bị mất số tiền lớn hơn những người kia – Trong lúc chờ giờ xử lý Trâm hỏi thăm hai người đàn bà kia mới hay tự sự đáng sợ của bà Huệ – Bà ta gạt luôn tiền cá khô của bà Toàn nhiều chuyến lên đến 15 triệu, tệ hại hơn là khi bà ta ở trong tù, ông Đức cho đi phép đã hối lộ của bà ta 3 chỉ vàng, bà ta hẹn đi phép về sẽ giao cho ông Đức, bởi thế ông sẵn sàng giúp cho bà cả chứng minh đi cho dễ dàng thuận lợi – Trước khi đi phép bà dụ dỗ cô Oanh cùng chung phòng giam rằng “ ngày mai chị được về phép một tuần thăm nhà, chị sẽ mua quà vào cho em…mà này chị thấy em có chiếc áo thêu con rồng đẹp quá, em cho chị mượn mặc ít hôm xí xọn đi Sài Gòn thăm bà con được không ? còn nhà em ở đường nào, cho chị địa chỉ chị ghé thăm biết tin tức gia đình em luôn thể”…

Oanh tưởng bà ta có lòng tốt, biên địa chỉ số nhà và tên cha mẹ, cho bà mượn luôn chiếc áo màu tím thêu con rồng vàng trước ngực, nào ngờ đâu bà lợi dụng chiếc áo và địa chỉ do Oanh biên, bà đã đến gia đình làm tiền cha mẹ Oanh. Bà nói bà là vợ của ông Thiếu úy Đức trưởng ban hình sự huyện, đến để lo cho cô Oanh về theo ý của chồng và ý cô Oanh, bà đòi nhận trước 5 chỉ vàng, số còn lại sẽ đến lấy sau khi cô Oanh đã được về…và đây là chiếc áo của cô Oanh, mang về làm tín hiệu cho hai bác, đây là chữ cô Oanh viết để hai bác làm tin  - Ông bà cả tin vì thấy có lý nên mất trắng 5 chỉ vàng – Trâm nghe hai người đàn bà kể mà rụng rời cả tay chân, đúng là “ lường gạt có bằng cấp”. Đúng lúc ấy lệnh Toà Án bắt đầu xử lý, bà Huệ đã ra đứng trước vành móng ngựa, Toà tuyên án Hình Sự, lừa đảo phải giải quyết thỏa đáng…Đến giờ nghỉ án 10 phút, ba người nguyên đơn tỉnh bơ ngồi im với hy vọng tràn trề, bà Huệ rút vào trong chạy chọt thế nào mà sau khi trở lại việc xử lý đã đảo ngược, Tòa tuyên bố “ đây là việc buôn bán làm ăn cá nhân bị thua lỗ, không thuộc diện hình sự…nếu ai muốn bãi nại thì thôi, còn ai muốn tiếp tục thì đóng lệ phí cho Tòa Án 200 ngàn và gởi đơn qua hồ sơ dân sự”. Nghe tuyên bố quá bất ngờ, Trâm tái mặt chửi thầm “ cả một lũ ăn hối lộ, thật không ngờ” rồi không cần biết sự việc tiếp tục ra sao, nàng đứng dậy lớn tiếng trước mặt quan toà “ Công lý pháp luật của các ông như vậy đó hả ! Toàn bọn tham nhũng ăn hối lộ thối tha, tôi chẳng còn gì để tin vào công lý và pháp luật của các ông nữa” nói xong Trâm dừng lại xem phản ứng lũ quan toà, họ im lặng và dường như xấu hổ, Trâm không sợ vì nàng không có tội gì, ai dám làm gì nàng, nàng sẽ đưa nội vụ lên trung ương, không lẽ cả một chế độ không còn lấy một người đại diện công lý nghiêm minh, sáng suốt…

 

Trời cuối thu xứ người sao u ám lạ thường, ngồi viết lại những trận mưa đá trong đời mình, Trâm nghe lòng như dâng lên nỗi nghẹn ngào ! Quê hương ta, nơi cho ta cuộc sống, nơi cho ta tình người mà cũng cho ta bao kỷ niệm thương đau, một đời ta dù lưu lạc mấy phương trời, chắc chắn ta cũng không bao giờ quên được những chứng tích đau thương đã xãy ra cho chính mình, Trâm viết ra sự thật mà chính nàng là nạn nhân, bởi vì như lão si thĩ Hà Thượng Nhân đã nói “ Viết văn, làm thơ trước hết là phải có tài…đành thế, nhưng có điều khó khăn hơn tài năng…là đừng bao giờ dễ dãi với chính mình nghĩa là chỉ viết những gì mà nếu không viết ra thì mình không yên ổn được, tức là phải có những tâm sự, những cảnh ngộ thật cần phải nói ra, cần phải viết lại…Sự thành công chỉ đến với một tấm lòng chân thật và một sự say mê không giả tạo…” Những lời quý hóa kia đã khiến tâm hồn Trâm thấy được niềm an ủi vô biên và Trâm như cảm nhận được sự chia xẻ từ những tâm hồn yêu văn chương, yêu nguồn cội quê hương, tự nhiên nàng thấy nhẹ nhàng như vừa ký gởi được một tâm sự nặng nề bấy lâu chất chứa…những hình ảnh quê mẹ thân yêu cứ như đang ẩn hiện trước mắt nàng, những khóm trúc, cây dừa, dòng sông quê hương, căn nhà ấm cúng thuở nao với làn khói chiều êm ả, những cánh đồng bao la lúa chín vàng sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí…nhưng còn…khối tình bao la sông núi Việt, Trâm biết làm gì đây…để trả ơn cha mẹ, núi sông, mộng ước lớn với vòng tay nhỏ bé, Trâm thở dài buồn bã…Đời con người ai cũng có những ước mơ nhưng mấy ai thực hiện được, mấy ai đạt được hoài bão trong cuộc đời phù du tạm bợ này. Dưới ánh nắng nồng ấm xứ người Trâm thấy trong lòng ấm áp vì nơi đây, một đất nước văn minh, tự do, phú cường, một đất  nước có tấm tình bao la nhân ái đã cho dân tộc nàng và bản thân nàng có cuộc sống ấm no hạnh phúc để chờ đợi một ngày thanh bình trên quê hương mẹ – Trâm như nhìn thấy những vạt nắng vàng rưc rỡ nhảy múa reo vui trước mắt nàng …

 

NPNA  San Jose California

 

 



-------------
hoangngochung@ymail.com


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 15/Jun/2008 lúc 8:33am
Kính thầy Hoàng Ngọc Hùng-
Xin phép cho em gọi bằng thầy như các anh chị Gò Công nhé- Thầy Hùng ơi, NA có một số tùy bút bằng font chữ VNI- lúc trước NA còn có Viet Uni chuyển sang unicode được, vừa qua máy bị virus nên mất bộ phận VietUni- Hiện nay Không biết làm sao để chuyển sang unicode trong document mà gửi bài đi các trang web- Thầy có thể giúp em không? Xin thầy hồi âm- NA cảm ơn thầy Hùng nhiều lắm đã chuyển bài này qua unicode dùm NA.
Kính thầy- NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 15/Jun/2008 lúc 9:13am

CHUYỆN TÌNH CUỐI THẾ KỶ

 

Quen nhau, yêu nhau rồi xa nhau

Ðó là định luật của tạo hóa

Hay là có duyên không có nợ

Hoặc là em, hoặc là anh

Không đồng quan điểm sống

Xin trả lại anh

Con đường chung lối mộng

Của chuyện tình cuối thế kỷ hai mươi

Chuyện tình yêu em khóc anh cười

Hai tư tưởng hai chiều trái ngược

Những ngày qua

Chưa một lần đính ước

Dù bên anh sao lòng vẫn xót xa

Em đơn độc

Vì anh không là người em mơ ước

Ðể hồn hoang khi bóng xế chiều tà

Trả lại anh

Những điều ta lầm tưởng đó là chân lý

Có gì đâu khi đã tỏ tường nhau

Chẳng còn gì cho hy vọng ngày sau

Cuối thế kỷ thì tình ta cũng cuối

Ðể chúng ta được bình yên dong ruổi

Bước phiêu lưu theo chí hướng riêng ta

Tình là thế

Xin anh đừng đeo đuổi

Chán chường thay

Tình không tuổi đam mê

Ngỡ ngàng thay tình ta chẳng lối về

Vì hai kẻ hai tâm hồn khác biệt

Ta tha thiết một tình yêu bất diệt

Ta không cần thứ ngôn ngữ dị nhân

Ta xa người cho ta được yên thân

Trong hoài vọng một người tình lý tưởng

Cuối thế kỷ tình yêu xoay chiều hướng

Người hiểu rồi …xin giã biệt từ đây …

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Hoang_Ngoc_Hung
Ngày gởi: 15/Jun/2008 lúc 10:45am
~::Trích Dẫn nguyên văn từ Ngoc An

Kính thầy Hoàng Ngọc Hùng-
Xin phép cho em gọi bằng thầy như các anh chị Gò Công nhé- Thầy Hùng ơi, NA có một số tùy bút bằng font chữ VNI- lúc trước NA còn có Viet Uni chuyển sang unicode được, vừa qua máy bị virus nên mất bộ phận VietUni- Hiện nay Không biết làm sao để chuyển sang unicode trong document mà gửi bài đi các trang web- Thầy có thể giúp em không? Xin thầy hồi âm- NA cảm ơn thầy Hùng nhiều lắm đã chuyển bài này qua unicode dùm NA.
Kính thầy- NPNA
 
Cô ghé đây  http://www.unikey.org/index.php?langset=vie - http://www.unikey.org/index.php?langset=vie
Xem thêm chi tiết và http://www.unikey.org/forum/viewtopic.php?t=1541 - download UniKey 4.0 Beta tại đây .
tha hồ chuyển mã


-------------
hoangngochung@ymail.com


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 16/Jun/2008 lúc 6:55pm
Cảm ơn thầy Hùng- NA đã chuyển được rồi, vừa nhờ thầy vừa nhờ Thy Lan Thảo- Thân kính chào thầy và chúc thầy cùng quý quyến vạn an.
Thân kính- NPNA


-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 16/Jun/2008 lúc 6:56pm

ÐÊM HUYỀN THOẠI

 

Ðêm này nữa là bao đêm rồi nhỉ

Gợi niềm riêng thao thức suốt tàn canh

Thương ngày xanh, thương tuổi hạc mong manh

Nỗi u uất bạc mái đầu son trẻ

 

Trăng nghiêng bóng mái tây lầu vắng vẻ

Cửa sầu đơn lấp kín mộng trùng phùng

Lệ lòng ai mờ nhạt dấu chân dung

Cho nỗi nhớ bắc cầu thiên định ý

 

Còn có ai bên ta là tri kỷ

Chia men nồng hòa khúc nhạc tri âm

Còn có ai lau dòng lệ âm thầm

Chia trăn trở hai phương trời cách biệt

 

Mạch sầu dâng, dòng suy tư da diết

Bóng người xa mờ mịt nẻo tương lai

Tuổi thơ ngây chất nặng nỗi u hoài

Phương trời cũ, ấm lòng con không nhỉ

 

Rồi một mai dặm dài xa vạn lý

Nhớ thương con mẹ biết phải làm sao

Buổi phân ly lòng mẹ luống nghẹn ngào

Con nông nỗi, mẹ ôm sầu bất tận

 

Sẽ có lúc con gục đầu ân hận

Quyết định vội vàng tan mộng ngày xanh

Bẽ bàng con ơi … ảo vọng không thành

Cả vũ trụ không có chi tồn tại

 

Mẹ ngồi đây giữa bóng đêm huyền thoại

Nghe cô đơn vây bủa tuổi về chiều

Chị em con nơi quê cũ đìu hiu

Con ơi … mẹ thấy chín chiều ruột đau !

 

Nguyễn Phan Ngọc An

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 16/Jun/2008 lúc 6:58pm

CON ÐƯỜNG TUỔI NGỌC

 

Chiều trở lại trên con đường tuổi ngọc

Tôi mơ về một dĩ vãng mờ xa

Hình ảnh ngôi trường, tà áo thướt tha

Hàng phượng vĩ ven đường tươi nắng ấm

 

Trong hoài niệm hiện về từ xa thẳm

Của một thời thơ dại sống hồn nhiên

Bên thầy cô,  bên sách vở, bạn hiền

Tôi có cả mưa xuân và nắng hạ

 

Ngồi ưu tư nhìn mênh mông biển cả

Giữa bầu trời mây lặng lẽ bay qua

Mười sáu năm tôi xa cách quê nhà

Nhớ tha thiết về khung trời kỷ niệm

 

Quê tôi với những giấc mơ huyền diễm

Ðẹp làm sao môi mắt thuở thanh xuân

Vũng Tàu xưa bên bãi cát trắng ngần

Ôi nhớ quá bước chân thời tuổi ngọc

 

Ðời nghiệt ngã khiến từng đêm trằn trọc

Mộng mơ về dĩ vãng để lòng đau

Trời Cali phong kín một thu sầu

Thương biết mấy khung trời yêu dấu cũ

 

NPNA

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 17/Jun/2008 lúc 10:24pm

TA GỌI TÊN NGƯỜI

 

Ta gọi tên người trong khát khao

Ðành ôm ly hận vẫy tay chào

Tiễn tình lần cuối vào miên viễn

Ðể xót xa lòng … tim nhói đau

 

Ta gọi tên người trong nhớ thương

Từ đây tình đã rẽ đôi đường

Dương gian ta mãi sầu cô lữ

Nơi đó người buồn theo khói sương

 

Ta gọi tên người, đêm trọn đêm

Nhìn mưa rơi rụng trắng bên thềm

Sương khuya nhỏ giọt buồn tơi tả

Bão dậy trong lòng thêm nhớ thêm

 

Ta gọi tên người, giọt lệ rơi

Xa xôi cách biệt mấy phương trời

Bao giờ gặp nữa tình nhân hỡi

Cát bụi chôn vùi năm tháng trôi

 

Ta gọi tên người, hỡi cố nhân

Buồn chi xa lánh chuyện phong trần

Từ nay đâu nữa vòng tay ấm

Vắng bóng, im lời giữa thế gian

 

Ta gọi tên ai mãi kiếp này

Nửa đời thi sĩ trắng đôi tay

Nửa đời còn lại vào lòng đất

Vất vưởng bên trời mây trắng bay

 

NGÀN NĂM MÂY TRẮNG viết cho ta

U uẩn từng lời yêu thiết tha

Từng chữ, từng câu như báo trước

Một ngày vĩnh biệt sẽ không xa …

 

Ta gọi tên ai giữa đất trời

Nghẹn ngào dòng lệ mặn bờ môi

Chẳng còn gặp nữa người yêu dấu

Dâng nén hương lòng tưởng nhớ thôi !

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 17/Jun/2008 lúc 10:28pm

ÐÊM TỊCH LIÊU

 

Cô đơn và buồn

Nào có khác chi nhau

Người quạnh quẽ, kẻ châu rơi

Cũng bắt nguồn từ những giọt sầu

Cô đọng lại từ muôn kiếp trước

Khi sinh ra …

tiếng chào đời là tiếng khóc

Bể trầm luân hay hồn thiêng non nước

Chốn thiên đàng hay địa ngục trần gian

Lắm kẻ sang giàu, lắm kẻ gian nan

Áo không đủ ấm thân tằm tả tơi

Sáng chiều lê lết khắp nơi

Vĩa hè góc phố cho đời đoái thương

Hột cơm chén gạo bên đường

Cũng là tiến kiếp vô thường tái lai

Chẳng danh vọng, chẳng ngày mai

Tạo vay kiếp trước trả ngay kiếp này

Sông mê, bến khổ là đây

Cơ trời trói buộc sợi dây vô hình

Bóng đêm vây phủ bình minh

Hiện thân mãn kiếp phù sinh mịt mù

Chọn đường tu, gắng công tu

Tiết đông chẳng lạnh tiết thu chẳng buồn

Chẳng còn đếm giọt sầu tuôn

Thân tâm an lạc, hồi chuông nhiệm mầu

Phật gọi ta, thức tỉnh mau

Vương vòng hệ lụy nát nhàu gương son

Hồi tâm hướng thiện vẹn tròn

Cho dù đêm tối … chẳng còn tịch liêu

 

NPNA

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 20/Jun/2008 lúc 5:41pm

KHÚC TỰ TÌNH

 

Có lẽ ta như chiếc lá vàng

Ðêm nằm đối mộng khóc dung nhan

Tỉ tê tiếng dế ngoài hiên lạnh

Khơi nhịp sầu lên khúc dịu dàng

 

Có lẽ ta như những sợi rong

Trôi xuôi theo dòng nước mênh mông

Về đâu từng nhánh thời gian rụng

Cho mảnh hồn ta nhuốm lạnh lùng

 

Có lẽ ta như những giọt sương

Một ngày xuống muộn nắng hoàng hôn

Vỡ tan phút chốc trên cành lá

Ôm giấc cô miên … nỗi chán chường

 

Có lẽ ta như gốc liễu khô

Bên đường cô quạnh đứng bơ vơ

Lắng nghe hơi gió mùa thu lại

Dĩ vãng còn đâu để đợi chờ ?

 

Nhưng bỗng giờ đây, ta có anh

Một tình yêu nhỏ mới vừa nhen

Ôi … tình yêu ấy như hòn lửa

Thắp sáng tim ta những nỗi niềm

 

Ta đã đi qua nửa cuộc đời

Giờ đây còn lại phút đơn côi

Xin đem một nửa đời còn lại

Chia xẻ cùng ai … những ngậm ngùi …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 21/Jun/2008 lúc 12:37pm

ÐỐI BÓNG TÌNH NHÂN

 

Dòng kỷ niệm tìm người qua nét chữ

Lời tâm tình để lại những vần thơ

Dưới trăng khuya em thao thức đợi chờ

Trông về hướng rừng xa đồi tuyết phủ

 

Em muốn nhắc đến chuyện tình xưa cũ

Thuyền trôi xuôi nhưng nước cuốn ngược dòng

Bến tình em là bể khổ mênh mông

Nên lần lữa qua bốn mùa lá rụng …

 

Em muốn nói lời yêu trong tuyệt vọng

Muộn màng rồi, đôi ngả đã phân ly

Ray rứt riêng em, dòng lệ trào mi

Di ảnh đó nhìn em như hờn giận !

 

Người ở đó, vùng trời xa vô tận

Dõi mắt nhìn nhưng biết chỉ hoài công

Lạnh mùa đông đâu bằng lạnh trong lòng

Lần vĩnh biệt… ngàn thu không gặp lại

 

Dù cách trở hay ngút ngàn quan tái

Hãy tìm nghe lời tha thiết ân cần

Xin một lần được đối bóng tình nhân

Dù một thoáng tao phùng trong giấc mộng …

 

NPNA

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 21/Jun/2008 lúc 12:40pm

CUỐI CUỘC PHÂN LY

 

Ta đã có nỗi buồn không trọn vẹn

Và niềm vui không biết để làm chi

Một thoáng tới rồi đi, không ước hẹn

Tóc bạc nhiều sau cuối cuộc phân ly !

 

Anh có hiểu … nơi tôi nhiều cảm nhận

Lạnh lùng tan trong mắt ấy vô tình

Thượng đế bắt tôi duyên phần lận đận

Tìm mãi trong tim chẳng một bóng hình …

 

Xin hãy ngủ yên … hỡi người trong mộng

Và quên đi cơn bão dậy chiều nay

Ở trong tôi là một trời ảo vọng

Ðã hết rồi theo gió thoảng mây bay

 

Ðừng nói yêu tôi với lời tha thiết

Trả tôi về đeo đuổi mộng cô miên

Tôi biết thế nên từ nay giã biệt

Chỉ mình tôi … ôm ấp những lụy phiền !

 

Tình lá cái chi chi mà mỏi mệt

Ba mươi năm tình có cũng như không

Chỉ phút giây tình đi vào cõi chết

Tình bay rồi theo cơn gió chiều đông

 

Thôi nhé anh, đừng xây thêm ảo mộng

Vì người thơ muôn thuở chỉ yêu thơ

Ðường vào yêu sẽ gặp nhiều bão sóng

Quên đi anh ! Tình một thoáng … trong mơ

 

NPNA

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: lo cong
Ngày gởi: 21/Jun/2008 lúc 1:03pm
 
Chị Ngoc An ơi,
 
Thơ chị làm hay quá. Đọc nó "thắm thía" làm sao. May là tôi đọc trong lúc ngoài trời nắng ấm. Chứ ngoài trời mà tuyết rơi lả tả chắc Chết quá chị ơi.
 
Dầu sao đi nữa, xin chị cứ tiếp tục đăng tiếp nha.
Cám ơn, cám ơn.
 
15.
 
 


-------------
Lộ Công Mười Lăm


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 22/Jun/2008 lúc 11:46am

Anh Lo Cong thân mến.

Rất vui khi anh đọc thơ mà nghe "thắm thía", thơ mà làm anh chết thì mình sẽ mang tội lớn đó nha- Nhân đây NA tặng anh bài thơ này để hiểu cho thơ NA viết từ trái tim chân thật :
 

MÀU THỜI GIAN

 

Người làm thơ để giải sầu thế sự

Em làm thơ vắt cả máu tim mình

Ðem niềm đau từ thuở tuổi sơ sinh

Gửi hết cả đời mình theo giấy mực

 

Em đã viết với những điều rất thực

Với những ước mơ sâu kín của riêng mình

Với tình yêu trong trắng thuở nguyên trinh

Thuyền định mệnh đã vô tình đưa đẩy

 

Hồn nhi nữ đã bao lần sóng dậy

Cung đàn yêu đã trẩy khúc thương đau

Mơ mộng nhiều để hạnh phúc tan mau

Duyên ngắn ngủi để lòng sầu trĩu nặng

 

Ba mươi năm với niềm đau bất hạnh

Biết sớt chia hay than thở cùng ai

Ðể một mai có thác xuống tuyền đài

Mang bể khổ bi ai lòng đất lạnh

 

Trải tâm tư mong được đời chia xẻ

Dù một phần trong muôn một khổ đau

Cũng thấy tâm như vơi bớt biển sầu

Xin gửi chút niềm đau cùng độc giả

 

NGUYỄN PHAN NGỌC AN

 

 

 

 

 



-------------
Người Viet Nam


Người gởi: Ngoc An
Ngày gởi: 22/Jun/2008 lúc 12:00pm

TRANG NHẬT KÝ MÀU XANH

 

Hơn nửa kiếp người

con về trong vô thức

chốn ta bà vẫn đục đua chen

ánh sáng từ bi. diệu pháp nhiệm mầu

mẹ một thuở đã dày công chỉ dạy

mẹ của tôi, người mẹ hiền yêu quý

tựa ngọn pha lê không thể mờ lu

tôi lên ba, mẹ đã chọn đường tu

ngày hai buổi cơm chay niệm phật

mặc thế nhân cứ tranh đua giành giật

khi chiến trường chan máu lệ đao binh

đôi tay mẹ mỏi, đôi vai nặng oằn

thân cò lặn lội nuôi đàn con thơ

mẹ vẫn bôn ba khi tôi lên tám

lửa đạn thù đang gieo rắc lầm than

mỗi ngày qua mỗi dòng lệ tuôn tràn

chồng chất mãi những vành khăn tang trắng

 

Quê hương tôi đó anh

đau thương và hận tủi

không một ngày bình yên

những bà mẹ lưng còng

những góa phụ xuân xanh

những trẻ thơ vô tội

gục trên xác người thân

vườn địa đàng vắng lạnh

tội lỗi chất non cao

cửa thiên đàng rộng mở

chen chúc đưa nhau vào

trước mặt chông gai

sau lưng nỗi khổ

năm con khờ một thân mẹ cưu mang

cha xa xôi trên bước quan san

mẹ nguyện xin một ngày tái ngộ …

 

Mười hai tuổi nhân duyên phật độ

tôi theo thầy tam bảo tụng thường xuyên

áo phật tử màu lam tôi gìn giữ

nguyện trong lòng khất sĩ một niềm tin

mẹ mừng tôi đã thuộc

tam bảo kinh thầy truyền

mẹ dịu dàng hiền đức

thầy nhân ái bao dung

quanh tôi những tấm lòng vàng

khai minh trí tuệ đạo quang sáng ngời

màu lam bay khắp vòm trời

câu kinh mẫn cảm tuyệt vời làm sao

thong dong trí huệ dạt dào

khói hương cõi phật nao nao dáng trần …

 

Mười lăm tuổi theo thầy giảng đạo

mẹ và tôi chí quyết lòng thành

theo gương phật pháp tu hành

những mong đạo quả viên thành cố chuyên

cổng vô lượng, cõi vô biên

đưa người thoát cảnh lụy phiền thân tâm !

 

Rồi một sớm, gánh đường tu không trọn

quỳ lạy thầy tôi từ giã chơn duyên

nước mắt mẹ …ôi nước mắt mẹ hiền

đã thấm ướt rồi cuốn kinh tam bảo

tôi lạy mẹ, lạy thầy bao năm chỉ giáo

chân bước đi mà quay quắt lòng đau

từ bây giờ và mãi mãi về sau

cửa từ bi rộng mở

nhưng chân bước thẹn thùng

lối về xưa bỡ ngỡ

mây mù sương giăng ngang …

 

Còn đâu bi, trí, dũng

câu thầy dạy hàng ngày

còn đâu kinh nhật tụng

cùng mẹ nguyện từng đêm

quanh sân ngập xác hoa vàng

đưa người mười bảy sang ngang bến đò

nguyệt cầm khi tỏ khi mờ

pháo hồng còn vướng vần thơ tạ từ

lời kinh con vẫn đọc hằng ngày

“thân con đây tội nghiệp dẫy đầy”

trời cao còn phải chịu cơn sấm sét

làm kiếp người sao tránh khỏi rủi may

duyên ba sinh do con tạo vần xoay

tôi đã khóc trong ngày vui hôn lễ …

 

Khi tôi hiểu thì ôi thôi đã trễ

lỡ nhúng chàm đâu dễ rút chân ra

rồi miệng đời rồi tai tiếng gần xa

chút danh hảo, tay níu cành bất hạnh !

 

Rồi ngày lại ngày qua

chiến tranh dài bất tận

bao sầu khổ đời hoa

trong kiếp người lận đận

thế cờ không thể đổi

dưới bàn tay bạo tàn

kiếp phù sinh ngắn ngủi

phận má hồng cưu mang …

 

Tam bảo kinh sau thời gian quên lãng

bụi đường trần cũng lấm cả hàn y

nguyện trong tâm vì đạo cả chuyên trì

mong phật độ con quay về bi, trí, dũng

nợ ba sinh đã trả xong

căn duyên còn vướng bận

dù con thơ đã lớn

tim óc rối tơ vò

vừa làm mẹ, làm cha

giữa biển người bao la

thân đảo điên trăm bề

tưởng bao lần vấp ngã …

lời đường mật bướm hoa …

 

Tất cả rồi cũng qua

nhờ ý chí nghị lực

dù cảnh đời phong ba

dù gian nan cơ cực

thân liễu bồ xông pha

nuôi con đến trưởng thành

chí, tài con có đủ

một ngày một nên danh

chẳng thẹn với lương tâm

dẫu biết đời vị kỷ

lừa lọc những sai lầm

vun trồng căn thiện mỹ

biết ai có căn tu

biết ai bạn ai thù

trên chiếc thuyền bát nhã

đảo tiên chẳng còn xa …

 

Mẹ ôm tôi vào lòng

phật ở trong tâm ta

đâu cần phải ở chùa

đâu cần phải xuống tóc

đâu phải mặc nâu sòng

mới gọi là chân tu …

 

Rồi Mậu Thân rồi mùa hè đỏ lửa

chiến tranh dài trên mảnh đất thân yêu

từng mái đầu xanh ngã gục đã nhiều

đêm di hận, anh gánh dầu vượt biển

sông núi Việt thêm một lần đưa tiễn

những linh hồn trôi giạt giữa đại dương

những chiến binh bỏ xác giữa sa trường

dòng lệ mẹ đã dâng trào bất tận

núi đá cao gục đầu bên suối lạnh

biển quặn đau vùi dập những oan khiên

mắt quầng thâm bởi chất chứa lụy phiền

con lạc mẹ, vợ xa chồng từ đó …

 

Rồi năm tháng dần trôi trong khốn khó

một thân cò tôi lặn lội ruỗi dong

hết miền tây rồi lại đến miền đông

hăm lăm tuổi vai gánh gồng bổn phận

thương cha tôi tuổi già thêm lận đận

một mình cha với nương rẫy ngô khoai

không ngại ngùng hay lo sợ chê bai

cha vững dạ cho yên thân ẩn dật …

 

Còn mẹ tôi

ngày hai buổi người dãi dầu tất bật

mua bán, bán mua bất kể nhọc nhằn

nhìn mẹ già tôi càng thấy bâng khuâng

thương thân mẹ khác nào thân tôi vậy

bốn con thơ một mình tôi nuôi dạy

giữa cuộc đời lừa lọc lẫn gian manh

sương nắng nhuộm vàng trên mái tóc xanh

đã lần lữa bao mùa thu lá đổ

tôi vẫn sống với chuỗi ngày gian khổ

hành trang buồn bên mộng ước phù du …

 

Giữa đêm khuya tiếng cầu kinh nhật tụng

mẹ nguyện cầu phật độ kẻ lên đường

hai con khờ theo cậu vượt trùng dương

giữa đêm gió bão nghiêng cây đổ cành …

 

Sáu năm sau, một đêm trời trở lạnh

tai họa cuộc đời đổ xuống thân tôi

mẹ thương yêu đã vĩnh viễn lià đời

chẳng một tiếng trối trăn khi từ biệt

tôi mất mẹ tôi vô vàn thương tiếc

óc tim buồn bỏ ngỏ nẻo trời hoang

thời gian trôi với thân xác võ vàng

đường độc hành đôi chân đã mỏi !

 

Giữa âm u giọt nắng chiều len lỏi

bước phiêu du nơi đất lạ trời xa

mong niềm vui và buồn cũ phôi pha

nơi xứ lạnh tuyết rơi từng thế kỷ

trời viễn xứ cũng đôi vầng nhật nguyệt

cũng bốn mùa xuân hạ với thu đông

biển thênh thang và đồi núi chập chùng

ngàn tinh tú trên bầu trời lồng lộng

nhưng sao lòng trăn trở

ray rứt nhớ quê hương

cha già tóc bạc như sương

mẹ hiền trong cõi vô thường xót xa

thương con vất vả quê nhà

địa cầu ngăn trở sơn hà đôi nơi

nhìn chung cũng một bầu trời

mà sao ngàn dặm trùng khơi mịt mù

xạc xào lá rụng chiều thu

lá kia cằn cỗi giã từ thân cây

mai sau thân xác hao gầy

trở về cát bụi đổi thay kiếp người

ngồi đây mà ngắm sao rơi

chạnh lòng ta nhớ về nơi quê nhà

bao năm lưu lạc trời xa

bồi hồi trong dạ thương cha vô vàn

sương khuya khắc lụn canh tàn

thân già chiếc bóng ngỡ ngàng thâu canh !

 

Lần thứ tư con về thăm quê mẹ

Đau lòng thay cha ngã bệnh hai hôm

quỳ bên cha lòng lo sợ bồn chồn

con linh tính điều không may sẽ đến …

 

Tin cha mất giữa pháo hoa tiệc cưới

đại tang buồn trùm lấp bước vu quy

thương nàng dâu lệ đẫm ướt bờ mi

thương anh ruột nghẹn ngào không nói được

lời chúc con lên xe hoa đính ước

mà lòng anh đang nức nở từng cơn

còn riêng ta ôi ngậm đắng tủi hờn

không thể thốt nên câu mừng hai cháu

trời trên cao chín từng mây có thấu

đảo điên này ai giày xéo tim ai

đau thương kia ôi nặng trĩu từng ngày

cha yên giấc ngàn thu trong cô quạnh

anh em con không tròn câu hiếu hạnh

chữ sinh thành chưa đền đáp mảy may

mong hồn linh cha vất vưởng đâu đây

hộ trì con cháu những ngày lưu vong …

 

Từ đây là kẻ mồ côi

mẹ cha lần lượt về nơi suối vàng

kiếp tằm, một kiếp đa đoan

sầu dâng ai nỡ đong tràn mắt môi

chữ đau vương mãi thân tôi

xót xa ai biết đầy vơi trong lòng

bao giờ tôi trả nợ xong

thong dong một cõi mây hồng thênh thang …

 

NPNA



-------------
Người Viet Nam



Print Page | Close Window

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a - http://www.webwizforums.com
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide - http://www.webwizguide.info