Nghe Lòng Xa Đưa
Tác Giả : Hoa
HạTrìu mến trao về các bạn,
Khoá 14-CSĐD SàiGòn
xxx xx
Trưa Chủ Nhật nằm lười trong chăn mà không ngủ được.
Đọc lại những dòng lưu bút mình nghe buồn lạ lùng. Bây giờ ra trường mình về
chung một tỉnh, tao bên trường còn mầy thì dưới bệnh viện TKN. Vẫn còn gặp nhau
thấy nhau hằng ngày, nhưng cũng từ bây giờ mầy đã thật sự bỏ tụi tao với những
tháng ngày rong chơi còn lại, vì hôm nay là đám hỏi của mầy và Anh L. Sẽ không
còn nữa những chiều như chiều hôm nào hai đứa nằm tâm sự với nhau, mầy nhất định
đòi coi thư của anh Đ: "Ảnh viết gì mà mầy cứ đọc hoài vậy, đưa tao coi coi."
"Buồn ghê".
Ừ, buồn ghê. Một đứa nói rồi đứa kia cũng nói. Hai
đứa rũ nhau đi long rong trên phố, và lang thang trong nỗi buồn phiền lo lắng
cho kỳ thi ra trường. Hôm ấy, trời mưa nho nhỏ há Cúc. Vậy mà không đứa nào chịu
vô trú mưa.
- Có lẽ mình đi chơi ví nhau lần nầy là lần cuối. Mai mốt xa
rồi đâu có được đi với nhau như vầy nữa há Phượng?
Câu nói nghe sao mà buồn
!!
Nội trú đêm 13- 07- 1973
Phượng Yêu,
Mình gọi Phượng
là "Phượng yêu" Cũng như Phạm Duy đã gọi, Ph nhé, gọi một cách thương yêu đậm
đà, vì còn gì để thương, để mến hơn trong đời con gái bằng người tình, bằng bạn
bè phải không Ph?
Bây giờ chúng mình đã không còn cảm thấy viết lưu bút
là một việc khách sáo nữa, mà là một tình thiêng liêng nào đó. Mình muốn kéo dài
thời gian bây giờ để gìn giữ, để tranh giành tất cả những nét đẹp, nét hồn
nhiên, cũng như những tình thân của tụi mình.
Phượng yêu,
Mình
không duyên mà có nợ, nên ba năm dài qua bao lần thay đổi chổ ở mà vẫn kề cận
bên nhau. Mình thương Phượng, mình ghét Phượng... đủ thứ hết đó, mà mình cũng
nhớ Phượng không bao giờ quên! Phượng đọc dùm mình những lá thư ngõ ý, mình xem
dùm Phượng những lá thư nhớ thương. Tình xa tình gần, tình nào tụi mình cũng
biết với nhau. Rồi tính ý của mỗi đứa trong phòng, giận nhau, cải nhau, rồi
thương nhau...cải cũng thật dữ dội, mà cười thì cũng thật dòn giã. Chúng mình
tha thứ, xí xoá cho nhau hết, không thèm để bụng để dạ gì cả.
Xa Phượng,
mình sẽ nhớ "nét buồn như liễu, dáng gầy như Mai" thế mà thức khuya thật là
suya, uống cà phê thật là gồ. Đôi khi mình nhìn dáng Phượng... liêu trai như
trong chuyện thần thoại ngày xưa vậy đó. Tóm lại Ph có nhiều cái để nhớ quá thì
làm sao quên đây? Nhớ Phượng thì nhớ: Nguyệt, Loan, Thanh, Chẩn. Nhớ cái phòng
vô duyên chứa toàn là những vị khó ưa nhất. Đứa lè phè, đứa kỹ lưỡng, đứa đạo
mạo. Ngày mai thi, tối vẫn còn ngồi làm thơ, đọc tiểu thuyết, viết nhật ký hoặc
đi chơi phố... ngần ấy khó thương gặp nhau nên trở thành dễ thương vô cùng. Ngày
mai trên đường đời dễ gì mình cười thật tươi, thật to như bây giờ phải không
Phượng?
Phượng thương yêu,
Ngày tháng cứ rũ áo đi hoài, nên mình
buồn là buồn, ngày tháng cứ mãi đi thì mình làm sao còn có quyền cùng bạn bè
rong chơi, mai mốt bị người ta đóng khung lại chắc là khổ lắm Phượng hở? Rồi
Noel năm tới, chắc không làm sao có bên nhau để cùng cười bò ra như Noel năm
ngoái.. nhớ gì không Phượng?
Phượng yêu,
Mình gọi Phượng yêu lần
cuối trong trang sách nầy để dừng lại niềm lưu luyến nơi đây. Nhất định ngày nào
mình sẽ còn gặp nhau nhé Phượng. nhất định mình sẽ còn thương nhau như bây giờ
nhé Phượng.
Thật thương, thật nhớ
Nguyễn Thị Thu Cúc
61 Cách
Mạng Kiên Giang
(Trích trong Lưu Bút của Hoa Hạ )
Nguyệt
ơi,
Cái phòng vô duyên chứa toàn những vị khó thuơng nhất đã có bốn đứa
bị người ta đóng khung lại rồi, chỉ còn hai đứa mình thôi. Vậy mà tuần nầy mầy
cũng bỏ tao mà về Sài Gòn thăm người ấy há. "Tao thương tụi bây lắm nhưng tao
thương người ấy nhiều hơn" phải không? Thôi kệ, Chủ Nhật nầy "anh ba chị ba" đi
chơi vui nghen. Cho gửi lời thăm mấy đứa bạn ở Chợ Quán, thăm Sài Gòn với những
con đường có lá me bay, thăm đường Duy Tân, thăm quán Da La có hát bài Hạ Trắng,
rồi vô hẻm Casino ăn dùm hai tô bún rêu nữa nghen Nguyệt. Cười gì.mày ?
Chủ Nhật nầy còn lại mỗi một mình, tao sẽ chui vô cái vỏ êm ái dễ thương
của nhớ lại. Kỹ niệm của tháng ngày nội trú trường Sài Gòn đã qua nhanh. Kỹ niệm
tuy đơn sơ nhưng là kỹ niệm hồng và lòng mình thì sao cứ hoài buồn nho nhỏ. Nổi
buồn thì gần gũi mà niềm vui thì theo sóng trôi tít mù xa...
Có phải tình yêu
đó không?
Sao nghe một thoáng nhớ mong một người...
Quê hương nầy
bao nhiêu người đã ra đi , họ từ giả thôn làng yêu dấu với những mãnh ruộng lúa
xanh lúa vàng kẻ dắt cha già người bồng con dại dắt díu nhau đi dưới cơn mưa
đạn..không kịp quay nhìn lần cuối mái tranh đang bốc khói..Chờ anh em nhé ba
tháng quân trường anh lại về với em , nhưng sáu tháng chưa về , một năm trôi qua
mà bóng chàng biền biệt.
x x x
Thanh, Chẩn, Cúc, Loan ơi
!
Bị người ta đóng khung lại có buồn nhiều chưa hở? Có buồn lắm không khi
mình sống trong ngôi nhà lạ, có Ba Má mới, và những người chung quanh sẽ nhìn
mình với ánh mắt ngỡ ngàng, là lạ chứ không thân thương như nhà mình. Hèn gì đứa
con gái nào khi lạy xuất giá cũng khóc hết trơn, và rồi đây tên mình sẽ thay
bằng một cái tên khác. Cái tên thân thương (hay xa lạ) như cả quãng đời còn lại
của mình...!!
Bỗng dưng mình lại thở dài. Bỗng dưng mà lại nhớ người
xưa! Giá mà bây giờ trời lại đổ mưa thì thích quá
Ai nói con gái học ban
B sẽ khô khan tình cảm? Ai bảo học về Y học sẽ chai lì trước mọi khổ đau? hơn ba
năm học nghề DD vậy mà lần nào "đưa bệnh nhân sang ngang" mình cũng khóc. Vẫn thích cái
thú đi trong mưa - mưa nho nhỏ - biết cái buồn của lá chết và thích thức khuya
một mình, vì mình nghĩ là chỉ có ban đêm mới cho mình những ý nghĩ chân thành và
mình sẽ sống trọn vẹn cho mình mà không có những phiền toái vây quanh. Đi làm.
Đi kiếm tiền. Mình sẽ không còn là mình mà là cái máy biết xã giao.
Chiến
tranh, sự sống, thời cuộc đắt đỏ đã làm cho con gái bây giờ cũng phải đương đầu
với xã hội. Biết bao gia đình vợ chồng ngày 8 tiếng xa nhau - không kể những lúc
ông xã đi "nhậu" với bạn -. Biết bao gia đình con cái ngày tám giờ không ai săn
sóc! Lớn lên sẽ dễ đi vào thói hư tật xấu.
Thấy thương cho mấy đứa con
nít của Việt Nam chiến chinh ghê há Cúc? Cười gì mầy, mình nói vậy không phải
sao? Bây giờ chiến trận ở đâu đang khốc liệt? Vùng 1, vùng 2, hay vùng 3 nơi nào
đang giao tranh?Ai bắn với ai? Bàn tay nào viên đạn nào ngày đó đã làm cho em xa
anh mãi mãi ? Đông ơi ! Bây giờ súng cũng tiếp tục nổ - mìn nổ - pháo kích -
nhiều đứa trẻ kinh hoàng và tỉnh dậy.. ngơ ngác lẫn đau đớn khi thấy mình mất đi
một phần của thân thể ? Anh ơi em sẽ không bao giờ quên hình ảnh bé gái thật dễ
thương , đẹp như thiên thần con của một sĩ quan Không Quân ...em bị mảnh đạn
văng vô mắt.. Ba em ôm con vào lòng mà nước mắt người lính chảy dài không cần
che đậy. Quai hàm bành ra răng nghiến chặt như cố nuốt uất hận trong lòng...Tội
nghiệp em quá...!! Trong phòng cấp cứu mà em cứ nửa tỉnh nửa mê..Mẹ Mẹ ơi..!!
Con uống càphê sửa đá.. cà phê phin cho Bố...con muốn....em còn ước muốn gì nữa
không em? Khi mai kia..băng mắt được tháo ra, biết có phép mầu nào trả cho em
những mầu sắc tươi vui của cuộc đời.hay vĩnh viễn đối với em chỉ còn là một mầu
cà phê phin đen đặc mà Bố em thường uống...Ai là người sẽ trả lại cho em ánh
sáng huyền diệu của cuộc đời? Và còn bao nhiêu bức tranh xinh đẹp của thiên
nhiên Việt Nam mà em chưa được thấy?
Lẽ ra những đôi môi xinh xắn của
tuổi thơ nầy chỉ biết học đánh vần, đọc những lời ghi nhớ công cha nghĩa mẹ chứ
đâu phải để chạy theo người ngoại quốc la to những tiếng vô nghĩa "OK Salem??"
Lẽ ra đôi mắt nai tơ ấy chỉ biết nhìn tập sách hay ghi nhớ khung cảnh thân yêu
của trường học, của gia đình vào mỗi tối đoàn viên chứ đâu phải nhìn những chiếc
áo quan phủ ba thước lá Quốc Kỳ đi qua phố chợ! Và bốn phép tính cộng trừ nhân
chia là để dạy cho chúng học thêm điều hay, bỏ đi thói xấu, mỗi ngày một thương
mến người thân, giúp đở kẻ khốn cùng chứ không phải lớn lên dùng bốn phép toán
mà tính số đạn đã bắn đi, số người nằm xuống, và vẽ biểu đồ tổn thất hai bên...
Buồn quá phải không chị Loan? phải không những đứa bạn có người yêu là
lính?
Buồn quá phải không chị Loan và phải không những đứa bạn có
người yêu là Lính? để không còn những chiều đi phố với người yêu mà
Đếm
lá rừng như đếm nổi cô đơn ,
rải Poncho ngủ ngồi trên khu chiến
Ôi
chiến tranh.Chiến tranh đã làm vở tan đi biết bao hình ảnh đẹp, làm vở tan đi
biết bao mối tình thơ mộng của hai kẻ yêu nhau. Mình nghe thương làm sao hình
ảnh người vợ lính bồng con đứng đợi chồng về trong trại gia binh với nụ cười
thật rạng rỡ. Nụ cười xoá tan nhọc nhằn hiểm nguy nơi trận chiến khi thấy hình
bóng thân yêu từ chiếc GMC nhẩy vội, đi bước chân dài đón lấy con thơ...hay mĩm
cười thơm nhẹ lên má người vợ trẻ đang khóc vui mừng..Người vợ lính đứng đón
chồng về từ chiến trận bằng nụ cười hay nước mắt đây? Làm sao biết được ! Hạnh
phúc nầy chị phó thác cho Trời.
Mình yêu thật nhiều hình ảnh người con
gái bên ngọn đèn dầu đan áo cho chồng cho con. Từng mũi chỉ là một lời thương
nhớ, tình nồng như nắng Hạ, mặc áo vào là mang cả một mùa Hè trên vai. Bởi vậy
Cúc ơi tao không thích con gái phải va chạm với cuộc đời. Vì nhọc nhằn nơi công
sở hay xưởng máy sẽ làm cơ giới hoá nụ cười, và làm cháy khô đi tia nhìn dịu
dàng mà trời sẳn dành cho nữ giới. Rồi những bửa cơm vội vàng, những giờ phút
nghĩ ngơi ngắn ngủi lời tâm sự đã làm chết dần đi bao hạnh phúc gia đình. Phải
Không Chẩn? Phải Không Thanh? Thật khổ. Vậy thì đến giờ lạy xuất giá tụi bây hãy
khóc cho thật nhiều đi.Rồi sau đó hãy cười cho thật tươi, thật dòn như tụi mình
đã từng có những trận cười dòn dã bên nhau vậy nghen để mà giữ được cái hạnh
phúc với người mình lựa chọn. Tụi bây nghĩ coi, mình là gái đi làm dù gì cũng
được xã hội nương tay nhiều rồi mà cũng còn có lúc chán nản..thì nói gì các đấng
nam nhi? Xã hội chẳng nương tay với họ. Huống hồ gì các anh những người mang
nghiệp làm lính thì sao? Súng đạn vô tình, định mệnh tàn nhẫn, hạnh phúc gia
đình chỉ là tia nắng mong manh... Bất hạnh nầy người trai thời chiến có tránh
khỏi được không? Hạnh phúc nầy người vợ lính có lựa chọn được không?
Chiều
xuống rồi. Mình mở cửa nhìn ra ngoài sân. Ngôi trường Điều Dưỡng nằm nhỏ nhoi
trong khuôn viên bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa và bây giờ còn mùa Xuân mà chiều Tây
Đô dường như có lá vàng rơi. Thật buồn. Mình đã một lần từ giã tỉnh lẻ với ngôi
trường Trung Học Công Lập xinh như hòn sỏi trắng của miền biển mặn Gò Công, bây
giờ lại thêm một lần gọi trường Sài Gòn là trường xưa...mình nghe lòng chùng
xuống và sắt se buồn. Bỗng thèm một lần về Sài Gòn ghê. Về thăm trường cũ với
các cô các bạn nội trú ngày xưa để được ở nội trú khu B, sáng Chủ Nhật nằm trên
giường nghe nhạc yêu cầu nhìn mây lảng đảng trôi trên khung cửa sổ, để được ngồi
vào chiếc bàn cũ, chiếc bàn thân quen đến phát khóc khi xa rời những đêm thức
trắng với caphê đen, bên chồng cours dày hơn tuổi mà viết mà ghi mà nuối tiếc
lẫn chút ngạc nhiên là mình ra trường đã hơn bốn tháng rồi ! Mình có đọc ở đâu
đó câu "niềm vui thì in trên cát, còn nổi buồn thì ghi trên đá của đỉnh núi
cao", vậy là đâu phải chỉ có một mình Phượng buồn, mà ít ra cũng còn một người
buồn thâm niên...buồn ghi trên đá nữa mà...thì mình có thường hay thở dài thì
cũng đâu có gì đáng để ngạc nhiên.
Ơ..cái ông Ba Phải nầy chẳng phải chút
nào... (ông ấy thứ Ba tên Phải ) .khi không cắt điện của người ta. "Mấy cô bên
trường xài điện bên trường, điện nầy của bệnh viện.."
Trời đất, bệnh
viện hay trường gì cũng nằm trong khuôn viên bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa chứ nào có
xa xôi gì. Bệnh viện mà không có trường lấy đâu đào tạo nhân viên? Trường mà
không có bệnh viện lấy chỗ đâu cho sinh viên thực tập? Vậy mà ổng còn phân biệt
bên nầy bên kia cho bây giờ tối thui làm phải đốt đèn cầy. Nhìn ngọn đèn cầy
lung linh chao động, lại nhớ đến nhỏ Thanh, nhớ đến những giai đoạn tình mà nó
chia lung tung cho tụi mình nghe ngày xưa. Thanh ơi bây giờ mầy đang làm gì?
Không biết khoá sau thi lại mầy có qua được không? Tội nghiệp mầy ai kêu học
trường nầy mà còn có bồ là Bác Sĩ ! Nhớ đến Thanh mình lại nhớ năm thứ 1 lần học
thi môn nghệ thuật Điều Dưỡng - đói bụng mà hết mì gói rồi...hai đứa rũ nhau đi
ăn phở bò viên..chờ lâu quá ngõ sau, quá 12 giờ khuya, khi các sinh viên trực
cas chiều về hết đã khoá lại.. hai đứa leo rào vô chứ biết sao giờ ! Lần đó leo
cổng rào Chợ Rẫy, đứa nầy vịn cổng đở áo blouse cho đứa kia qua. Mầy leo rào Chợ
Rẫy khi đi ăn khuya có tao vịn cổng vén áo cho mầy .. Giai đoạn bốn tình yêu hai
người mầy leo..sao chỉ có mình mầy chịu khổ ! Thanh ơi, tao thương mầy lắm! Kỳ
thi mãn khoá phòng mình chỉ có mình mầy ở lại...rồi mầy học ôn bài với ai? Ai
đưa tay đưa chân cho mầy tập băng cho đẹp ở mấy chổ khó khăn như khuỷu tay, đầu
gối hay băng mắt băng cằm? Ngày đó mầy còn cười cười nói nịnh tao "Chỉ có con
nhỏ nầy là dễ chịu nhất, mượn nó học băng chỗ nào cũng được hi hi.." "Quỷ sứ chổ
nào có chổ, đập mầy bây giờ, tao chứ có phải cái hình nộm đâu...."
Và
khói lửa đạn bom đâu chỉ có ở chiến trường , trường học cũng bị pháo. Bệnh viện
cũng chẳng yên. Cô Điều Dưỡng Thái Thị Nguyên đã tử thương trong phiên trực đêm
18 rạng ngày 19 tháng 8 năm 1974 tại trại Nam bệnh viện Tây Ninh - quê hương của
mầy mà Thanh.. Rồi mầy có làm sao không? Hôm trước về quê gặp Hà Cao, tao có hỏi
thăm nghe Hà nói mầy cũng đậu rồi, và về quê. Bây giờ bệnh viện Tây Ninh bị pháo
kích, tao cầu mong cho mầy được an lành.
Khóc Thái Thị Nguyên
Thái Thị Nguyên đi chẳng thốt lời
Bệnh nhân, đồng nghiệp khóc thương
ôi !
Hai vai gồng gánh tình đời đạo
Một bước đeo mang nghĩa đất trời
Mười mấy năm lo Điều Dưỡng trọn
Nửa phiên đêm trực lửa tên rơi
!
Tuyên dương: Chức sắc chính quyền dự
Khấn nguyện: Thiên đường kiếp
thảnh thơi
Tồn Căn 24 /8 / 1974
Bốc bốc xa đưa tiếng hú ình
!!
Nhà thương bị pháo mọi người kinh
Một cô y tá đền nợ nước
Năm bệnh
phòng Nam đổ máu mình
Nhà sập trại hư giường chỏng gọng
Tường xuyên, mái
thủng ,ghế nằm nghinh
Canh hai hoả tiển rơi hai quả
Thảm hoạ đầy ôi nổi
bất bình.
Tồn Căn 19 / 8 /1974
Trích tạp chí ĐD SỐ 2/74 của BYT
)
xxxxx
Cúc thân thương,
Mầy kêu tao đi dự đám hỏi của mầy
mà tao không đi được, đừng buồn tao nghen. Tao cũng buồn lắm nên tao muốn viết
cho mầy thật là nhiều. Nhưng biết viết gì để ghi lại tưởng tượng của tao trong
"ngày vui đôi trẻ" đây? Tao thấy mầy yểu điệu trong chiếc áo dài xanh thạch mát
mắt hay mầu hoàng yến kiêu sa...mầy đẹp lắm nên anh L ảnh ghen ngày ghen đêm..
rõ khổ !! Chắc cái khung đóng mầy lại phải bằng sắt 8. Thôi thì tao cũng chúc
mầy rán mà nằm im trong đó cho yên thân nhen. Đừng có đi lung tung như đêm noel
72 với tao mà ốm đòn nhen nhỏ.
Rồi vài tháng sau thì lên xe bông vìa nhà
chồng thế là xong Tao chúc hai đứa bây cơm lành canh ngọt. Tánh mầy cũng dữ lắm
đó! Hiền hiền chút cho chồng con nhờ nhen. Và lời cuối cho mầy là "Cầu mong cho
mầy trăm năm hạnh phúc và sau nầy đứa con đầu lòng mang tên L.C sẽ thật bụ bẫm
dễ thương".
Thật nhiều thương mến
Viết lại từ Tạp chí ĐD số 2 /năm
1974 của Bộ YT Sài Gòn
Hoa Hạ