
Vietnam Veterans Memorial Qua cách nhìn của Thuật Phong Thủy.
Quảng Đức
Khoảng giữa năm 1964, Bộ mặt Nha Trang, thành phố biển cát miền Trung
Việt Nam vốn êm đềm, hiền hòa thơ mộng, bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi sự
xuất hiện cùng một lúc của các đơn vị đủ các binh chủng Hải Lục Không
Quân Hoa Kỳ. Chỉ cần một thời gian rất ngắn, người dân đã quen mắt với
những màu áo trận bốn túi hoa rừng của Green Beret luôn cả thói quen
thích pha trộn Whisky với Coke của những người lính đơn vị này. Dọc
theo các con lộ chính, Snack Bars đồng loạt mọc lên như nấm. Cạnh bộ
chỉ huy Sư Đoàn Dù 101st là Tent City ngay tại Bình Tân thu hút hàng
chục ngàn dân địa phương phục vụ văn nghệ giải trí thâu đêm suốt sáng.
Hàng PX và dollars đỏ MPC đổ xô ra chợ. Bia lon, Whisky và thuốc lá các
loại được người chiến binh Hoa Kỳ lén lút tuôn ra, để rồi đổ hết vào
các Snack Bars đổi lấy mấy ly Saigontea màu trà nhạt. Những tháng ngày
đầu trên đất Việt, người lính chiến Hoa Kỳ đã phải trao đổi thuốc lá,
Whisky toàn đồ thiệt để đổi lấy Whisky giả Saigontea với một giá cắt cổ
thấu trời. Nhưng đâu phải chỉ riêng thành phố biển ? Hầu hết các bộ mặt
của các thành phố Sai gon, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa
Đéc..... dần đến các miền quê hẻo lánh và rồi ngay tại các điểm chốt
nóng nhất của cuộc chiến tranh tàn khốc trên bốn vùng chiến thuật cũng
hoàn toàn thay đổi. Sinh viên Huế, Saigon, Đà Lạt, Vạn Hạnh, Cần Thơ
xuống đường, lúc thì đòi tự trị, lúc thì đòi Mỹ cút về nước. Giữa thành
phố SaiGòn, xe Mỹ bị đốt là chuyện rất thường. Trong khi đó thì mồ hôi
và máu của Lính Việt Nam Cộng Hòa đổ xuống từng giây trên từng tấc đất
của mọi miền đất nước. Người chiến binh Hoa kỳ cũng chẳng may mắn gì
hơn. Họ phải chiến đấu bên cạnh người lính Việt Nam Cộng Hòa, đằng
trước là hỏa lực khủng khiếp của cả một thế giới Cộng Sản Nga Tàu, sau
lưng là những áp lực nặng nề của quá nhiều mưu toan chính trị. Thây
người ngã xuống như sung rụng.
Sau biến cố 75, dân Việt quả mới sáng mắt sáng lòng, nhất là từng lớp
sinh viên miền Nam rường cột tương lai của đất nước. Sinh viên nào hăng
say, xông xáo, lăn xả nhiều nhất vào dây thép gai, chịu dùi cui nện vào
người và lựu đạn cay xé tròng con mắt đều được lần lượt đưa vào hết
trại tập trung cải tạo học tập mút mùa. Mấy thằng chuyên đứng đằng sau
xúi dục sinh viên xuống đường trở thành những cán bộ đảng viên Cộng Sản
ưu tú, nồng cốt, ăn trên ngồi tróc. Cuộc đời đêm ngày đen trắng đổi
thay. Người lính chiến Cộng Hòa ngã xuống cho quê hương Mẹ Việt Nam
thân yêu, thì ngay trên đất Mẹ cũng không một tấc đất cắm dùi, nói chi
đến Đài Tưởng Niệm để thương để nhớ ? Bao nhiêu triệu người lính VNCH
đã ngã xuống ? Sẽ không bao giờ có được một con số thống kê có thể hoàn
toàn tin cậy. Và, bao nhiêu người lính chiến Hải Lục Không Quân Hoa Kỳ
hy sinh trên đất Việt Nam ? 58.156 người ? Trong đó, bao nhiêu người đã
vĩnh viễn hy sinh? Bao nhiêu người vẫn còn ghi nhận mất tích ? Và bao
nhiêu người vẫn còn sống lây lất trong các trại kín của Cộng Sản ?
Những dấu chữ Thập trước mỗi một tên người chạm sâu vào đá hoa cương
trên hai bức tường chữ V giao nhau của VietNam Veterans Memorial tại
công viên The National Mall, lâu lâu vẫn phải khắc đậm thêm cho đầy
thành quả trám, để xác quyết tên người đã vĩnh viễn hy sinh.
Chứng tỏ rằng cho đến bây giờ, cũng đã gần 30 năm rồi, con số vẫn chưa
hoàn toàn dứt khoát. Nhưng dù sao thì vong linh của những chiến sĩ trận
vong Hoa Kỳ đã từng chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Việt Nam
cũng còn đỡ tủi. Là vì, ít ra, cuối cùng họ cũng đươc được người dân
Hoa kỳ ưu ái dựng cho họ một đài Tưởng Niệm trên Công Viên The National
Mall ngay tâm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, mặc dù phải trải qua quá nhiều
tranh cãi. Bắt đầu từ tháng 4 năm 1979, khi người cựu chiến binh Jan
Scruggs cùng hai người bạn Robert Doubek và John Wheeler tiên phong
đứng ra xin thiết lập quỹ xây dựng Đài Tưởng Niệm các chiến sĩ Hoa Kỳ
đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Dự án được hỗ trợ tích cực của
Thượng Nghị Sĩ Charles Mathias Jr Tiểu bang Maryland và được Quốc Hội
chấp thuận vào ngày 30 tháng 4 năm 1980. Có tất cả 1421 đồ án dự thi và
được trên 650 ngàn người ủng hộ đóng góp trên 9 triệu Mỹ Kim. Đồ án
được chọn là của cô Maya Ying Lin, người Mỹ gốc Trung Hoa, sinh viên
khoa Kiến Trúc trường Đại Học Yale, tuổi đời mới vừa tròn 21. Hoàn toàn
ngược khác, Maya Ying Lin đã can đảm bức phá lệ thường.
Chúng ta tìm được những gì ở Thủ Đô Washington DC? Thị Trường Tự do
Magazine tháng 12 năm 1993, tác giả Lãng Nhân, người Kiến Trúc Sư vùng
Burke, Virginia nhận định: “Đây có lẽ là công trình kiến trúc đã tạo ra
nhiều cuộc cãi vã và tranh luận nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ, cũng tựa
như cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Theo thông lệ và quy ước cổ điển của
kiến trúc Tây Phương, các đài kỷ niệm thường phải hội đủ một số yếu tố
căn bản như sau: Vị trí nằm cao trên khỏi mặt đất, đá cẩm thạch
(marble) hay đá vôi (limestone) màu trắng, nhiều cột Hy Lạp, cột cờ,
tượng danh nhân, các tác phẩm điêu khắc v v. . . . . .
Vietnam Veterans Memorial hoàn toàn không có những yếu tố đó. Nó chỉ là
hai bức tường bằng đá hoa cương (granite) màu đen mang tên những người
Mỹ đã tử trận hay mất tích, được khắc bằng chử trắng. Hai bức tường này
giao nhau để tạo thành hình chữ V và nằm thấp hoàn toàn dưới mặt đất.
Bắt đầu từ hai bên đầu tường phía ngoài và dọc theo một đường bộ ở chân
tường, du khách từ từ đi xuống dốc về phía hai bức tường giao nhau và
cũng là chỗ sâu nhất dưới mặt đất. Đây là một quan niệm rất độc đáo và
mới lạ về cách vẽ đài kỷ niệm. . . Muốn đến thăm những người đã mất, ta
cần đi xuống dưới lòng đất.
Quả thực đứng trước hai bức tường này, ta sẽ có cảm giác rất kỳ lạ mà
ta không tìm được khi đến thăm các đài kỷ niệm khác: Ta hoàn toàn không
nghe những tiếng động của bao nhiêu xe cộ đang chạy ồn ào trên đại lộ
Constitution Avenue gần đó, vì những khối đất bao bọc chung quanh đài
kỷ niệm đã cản hết tiếng động. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối và hùng hồn,
bao phủ cả người sống và người đã mất. . . . “Nhưng, qua cách nhìn của
thuật Phong Thủy, Vietnam Veterans Memorial không chỉ có sự im lặng
tuyệt đối và hùng hồn mà còn là một bài học thực tế của sự hài hòa của
Hình và Khí, của Ngũ Hành sinh và khắc, của Lưỡng nghi và Thái Cực.
Thái Cực khi chưa phân thì hoàn toàn là một khối được xem như vũ trụ
toàn bộ, thể hiện bằng một vòng tròn khép kín. Trong quá trình vận
động, Thái cực phân ra hai nghi là Nghi Âm và Nghi Dương hay còn là Khí
Dương biểu thị bằng một nét liền, lẽ và Khí Âm biểu thị bằng nét đứt,
chẵn. Hai Khí Âm Dương hoàn toàn không tách rời nhau mà chuyển hóa, tác
động qua lại, lên xuống, đầy vơi, sáng tối thể hiện quá trình tuần hoàn
của Vũ Trụ: Thành Thịnh Suy Hủy hay Sinh Trưởng Thâu Tàng, tạo thành
bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Tính của Dương là Phù, là Động, là đi lên.
Tính của Âm là Trầm, là Thuận, là đi xuống. Âm Dương hai Khí một động,
một tĩnh, giao cảm biến hóa khôn cùng, tác động toàn khắp tạo thành
Hình Thể của núi đồi, bình nguyên, sông ngòi, biển cả. Hình và Khí thì
hoàn toàn không thể tách rời được nhau nhưng lại hoàn toàn khác biệt.
Khí thì dựa vào Tượng để thành Hình mà Hình thì để thể hiện Khí, vì vậy
muốn biết Khí thì buộc phải dựa vào Hình. Thử quan sát núi non trùng
điệp ở Phương Bắc và bình nguyên rộng lớn trải dài ở Phương Nam. Phương
Bắc lạnh lẽo, Âm khí thì nhiều. Phương Nam nắng ấm, Dương Khí cùng
khắp. Âm thì lạnh, tĩnh. Dương thì nóng, động. Khí Âm thì trầm, khí
Dương thì Phù.
Càng về Phương Bắc, Âm khí càng lớn thì núi non càng hùng vĩ. Càng về
Phương Nam, Dương khí càng nhiều thì núi non càng hiếm, đất đai bằng
phẳng. Khí Âm thì nhu, trầm nhưng Hình thì cương cường bạo liệt. Khí
Dương thì cương, phù nhưng Hình thì nhu mì bằng phẳng. Khí cũng chính
là Nước vì Nước là mạch máu của Long. Nhưng để phân biệt rõ thì Khí là
Sinh Lực của Địa Thế mà mắt thường không thể thấy được, ngược lại Sinh
Lực của Địa Thế mà có thể thấy được thì đó chính là Nước vậy. Trời
thuộc Dương cho nên Hình thì Động mà Khí thì Tĩnh. Đất thuộc Âm cho nên
Hình thì Tĩnh mà Khí thì Động. Dịch lấy Âm Dương hai Khí làm trọng.
Trong Âm phải có Dương, trong dương phải có Âm. Cô Âm hay Độc Dương thì
không thể tồn tại. Thuật Phong Thủy thì coi trọng Hình Thể.
Núi non cương mãnh thì Dụng là Dương nhưng cái Thể là Âm. Bình nguyên
rộng khắp nhu mì thì Dụng là Âm nhưng cái Thể là Dương. Có thể nhìn kỹ
bàn tay sấp ngửa để hình dung. Bàn tay sấp thuộc Âm nhưng hình thì gồ
ghề, dáng cương mãnh, hiển lộ rõ ràng, không chút ẩn giấu. Bàn tay ngửa
thuộc Dương nhưng Hình thì bằng phẳng, nhu mì, mềm mại. Tạ Giác Trai
trong Đảo Trượng Thi giải thích: “Hai chữ Âm Dương rất khó làm rõ. Mấy
ai hay biết cái tính của tạo hóa trong đó ! Âm nhũ giống như dương vật
của người Nam. Dương oa giống như sản môn của người Nữ. Nếu giống như
Âm nhũ của người Nam thì không được làm tổn thương phần đầu. Nếu giống
như Dương oa của người Nữ thì không được làm hỏng hai môi.” Một không
thể sinh ra sự vật mà cần phải có hai. Hình thể và Khí của Long mạch
chạy đến như sóng kiếm, như bàn tay úp thì gọi là Cô Âm, nếu như bàn
tay ngửa thì gọi là Độc Dương. Âm Dương cần giao, hợp nếu không thì y
như người Nam không vợ, người Nữ không chồng thì làm sao mà sinh sôi
nẩy nở ?Cùng một cách nhìn khác của Thuật Phong Thủy thì Cao là Âm,
Thấp là Dương. Địa thế cao vút là Âm. Bằng phẳng tròn trịa là Dương.
Phủ xuống là Âm. Ngưỡng diện là Dương. Vật có mũi nhọn là Âm. Vật có
chỗ lõm xuống là Dương. Biết như thế để hiểu tại sao Thuật Phong Thủy
hễ mỗi khi gặp địa thế núi non hùng vĩ cương cường tính Âm thì lấy chỗ
bằng phẳng tính Dương làm trọng.
Ở đồng bằng, đất đai bằng phẳng tính Dương thì lấy ở chỗ nhô cao tính
Âm làm trọng. Câu hỏi đặt ra phải chăng cô sinh viên Maya Ying Lin của
Khoa Tiến Trúc trường Yale tuổi đời mới vừa 21 mà đã đủ huệ để có thể
hội nhận sâu sắc, biết hợp phối Trường Phái Lý pháp Phúc Kiến đơn thuần
dựa vào Ngũ hành Bát quái với Hình pháp của Trường Phái Giang Tây
chuyên dùng Hình và Khí ? Công viên The National Mall bao bọc bởi các
công thự đồ sộ được kiến trúc và trang trí theo mẫu mã của Hy Lạp hùng
tráng cổ xưa thì không phải là Âm bao Dương hay là kiểu đất mà thuật
Phong Thủy gọi là Âm lai Dương thụ? Hai bức tường chữ V giao nhau của
Vietnam Veterans Memorial tạo thành hai mũi Hỏa hành nhọn hoắc như sóng
kiếm thì chính là tượng hình của Âm khí, lại được xây thấp hơn mặt đất
tạo thành một thế ngưỡng diện của Dương khí thì không phải Dương lai Âm
thụ là gì? Màu đen tuyền Dương Thủy của đá hoa cương mặt quay về hướng
Đông Nam, Tốn cung Âm Mộc. Âm thì tìm Dương, Dương thì tìm Âm . Ngũ
hành thì Thủy Mộc tương sinh thì quả Maya Ying Lin đã thấu triệt tinh
hoa của khoa Phong Thủy mới có đủ khả năng và can đảm bức phá qua cách
sắp xếp bố cục của công trình. Đạo lý bất biến, vĩnh hằng của Thuật
Phong Thủy là Âm Dương hỗ tương, Vận Khí điều hòa thì cát lợi mới hoàn
toàn giao hội. Âm Dương thì rỏ đã hỗ tương nhưng Vận Khí chưa hẳn điều
hòa là bởi hai bức tường giao thành chữ V của VietNam Veterans
Memorial.
Hai bức tường vô tình hoặc cố ý cũng đã tạo thành làn sóng nguyên khí
tấn kích hay thường gọi là hiệu ứng mũi nhọn: Một từ Càn phương đâm
thẳng vào tâm của Washington Monument, một từ Cấn phương đâm thẳng vào
Lincohn Memorial. Hai mũi tấn kích cương cường bạo liệt hoàn toàn không
được Maya Ying Lin chế hóa. Khắc phạm mà không được chế hóa thì lâu
ngày sẽ trở nên hung hiểm. Thuật Phong Thủy căn bản đi sâu vào sự chọn
lựa không ngoài bốn chữ Sinh Khắc Chế Hóa. Pháp độ chọn lựa Chế hay Hóa
để có thể trung hòa những khắc phạm thì lại tùy thuộc vào mức độ Tinh
Chuyên của mỗi người. Tinh thì Maya Ying Lin có đủ nhưng Chuyên thì có
thể bị giới hạn bởi bề dài của tuổi đời và bề dày của kinh nghiệm. Bởi
vì Thiên Mệnh là chỉ khí mạch tự nhiên sinh thành nhưng Thần Công là
chỉ xảo diệu của sự chế ngự. Thời gian đã đủ dài. Công việc chế ngự
những khắc phạm bây giờ không chỉ riêng của Maya Ying Lin hay hậu duệ
của Washington hoặc hậu duệ của Lincoln mà của toàn dân Hoa Kỳ.
Washington Monument được người Việt nôm na gọi là tháp bút. Mỗi sáng
nắng lên, bóng tháp ngã dài như cây bút lông chấm vào nguồn mực của
giòng Potomac động trên những Nghiên Reflecting pool, Rainbow pool hay
hoặc hồ Tidal Basin. Rõ ràng White House, chỗ cư ngụ và làm việc của
người đại diện cho toàn dân Hoa Kỳ trở thành linh địa nhờ: Phương Nam
có Bút, Phương Đoài có nghiên. Bút đã bị tấn kích khắc phạm của Hỏa
hành không chóng thì chầy, Bút sẽ không còn linh nghiệm thì làm gì còn
được cái thế Trạng Nguyên Bút chỉa lên mây để con cháu đời sau khoa
bảng ? Càn khởi đầu của muôn vật, là Trời, là Vua, là Cha. Tách ra về
phần hình thể gọi là Trời. Về phần chủ tể gọi là Đế. Về phần công dụng
gọi là Quỷ Thần. Về phần diệu dụng gọi là Thần. Cung này bị khắc hãm
thì Quỷ Thần cũng hết linh và dân chúng cũng khó tìm cho ra được một vị
Tổng Thống anh minh cho đặng. Còn Lincoln Memorial ? Hiệu ứng mũi nhọn
từ Cấn Phương thì đến bao giờ mới tác hại đến những người con trai út?
Cái đầu thì bị khắc chế, cái đuôi thì bị xung hãm, chỉ còn khúc giữa
không đầu không đuôi thì cũng phải e rằng nước Mỹ mai hậu chắc phải
đành chịu cảnh lao đao? Nhưng, dù sao thì phước đức dân Mỹ vẫn còn, vận
nước Mỹ vẫn hưng thịnh là nhờ địa thế Thủ Đô Washington DC được giòng
Potomac ôm vòng uốn lượn thắm thiết hữu tình lại thêm giòng Anacostia
từ Tây Bắc dồn xuống. Hai giòng giao kết tại thủy khẩu Mùi phương như
hai cánh tay giang rộng ôm ấp địa hình hành Mộc của thế Tam hợp Hợi Mão
Mùi.
Lại từ Vietnam Veterans Memorial nhìn thẳng góc với giòng Potomac sẽ
thấy giòng chảy như đang uốn lượn về hướng Đông Nam Thìn Tỵ rồi mới
chuyển uốn giao hội với giòng Anacostia tại Thủy khẩu Mùi Phương của
Thủ Đô DC. Tam hợp Thân Tí Thìn hội thành Thủy Cục. Đại địa hành Mộc
gặp Thủy tương sinh thì Mộc tướng vượng mà Thủy thì sẽ bị tiết khí sinh
xuất. Thủy đã bị sinh xuất tiết khí cho nên đã gần hai mươi năm rồi mà
những khắc phạm của hai bức tường chữ V vẫn chưa đủ lực để có thể gây
ra tác hại. Nước Mỹ quả thật vẫn còn có quá nhiều cơ may!
Quảng Đức.