Thương nhớ Gò Công
quê hương thân yêu của tôi
Giòng
sông nước vẫn chảy êm đềm, thực ra đây chỉ là một con kênh nhỏ, chi nhánh của
con kênh Sa Li Sết Ti, kênh bắt đầu từ mũi tàu của bến đò Gò Công, chảy ngang
qua trường Nữ tiểu học, trường Nam tiểu học, dinh ông phó, kênh cặp theo lộ đá
đến cống bên hông nhà Ông Thôn Khoa thì uốn khúc bắt đầu từ nhà chú năm Quăn,
người đi trên lộ đá sẽ không còn nhìn thấy con kênh nữa, dòng nước từ đây lượn
lờ chảy sau dãy nhà cho tới chân cầu Huyện.( Khoảng trước năm 1956, tại giao
điểm ngả ba đường Tổng Đốc Phương ( VC đổi thành đường Hai Bà Trưng) và đường
Tổng Thứ( VC đổi thành đường Nguyễn Huệ), có một cây cầu, sườn bằng sắt, mặt lót ván bắc ngang qua con kênh,
tên gọi là Cầu Huyện, sau vì cầu xuống cấp nên sở Trường tTền cho phá bỏ, đặt
cống lấp đất thành con lộ)
Ngày còn bé,
dưới mắt tôi, con kênh thật rộng, viên đá tôi ném đi chưa qua nửa dòng kênh, từ
trường Bà Phước trở lên bến đò, hai bên bờ kênh có cẩn đá, từ dinh Ông phó tỉnh
trưởng trở về Cầu Huyện, hai bên bờ là đất, cây lát, cóc kèn, ô rô…mọc từ bờ
vươn ra trên thước tây.Những người sống ở đây cố cựu đều còn nhớ, trước cửa mặt
sau nhà Ông Chủ Chí, trước mặt nhà ông Thân Bính, bờ sông có cẩn gạch, có bậc
tam cấp xây bằng đá, dùng cho ghe chài cặp bến dễ dàng trong mùa thu lúa, trong
lòng kênh có mọc nhiều cây bần( thủy liễu), có nhiều cây tàng lá xanh mướt,
thân cây cở ôm tay. Từ bờ ranh nhà ông Đốc Phủ Tường phía bên kia bờ chảy qua
nhà bác tám Hải, Thầy Năm Cần, bờ sông được chủ nhà trồng dừa nước, vừa thu huê
lợi từ lá( thuở nhà dân còn lợp bằng lá dừa nước)và cũng để giữ bờ khỏi sạt lỡ
Tôi
lớn lên tại xóm Cầu Huyện( thực ra khu nhà tôi thuộc đầu xóm Cầu Huyện, chánh
xóm phải từ đầu nghĩa trang Triều Châu, sau nầy ( khoảng 1957) nghĩa trang được
phá bỏ, chỉ có một số ít ngôi mộ được thân nhân lấy cốt, còn lại san bằng xây
lên hai dãy phố, dân quen gọi là khu Kiến Ốc Cục chạy dài tới đầu cầu Huyện) từ
năm 1948…
Tôi
chào đời tại làng Tân Niên Trung( Giồng Sơn Quy) Bà Mụ Thích là người đở đẻ cho
mẹ tôi. Ông Nội tôi gốc người Yên Luông Đông, làm nghề dạy học, sau mấy năm dạy
tại nhiều trường của nhiều làng, Ông tôi về dạy tại trường Tân Niên Trung, cất
nhà gần khu nhà việc, gần hồ nước, nghỉ hưu ra làm làng, được dân tín nhiệm,
tỉnh trường Pháp( Ông Grimal) bổ làm Hương Cả sau lên Đại Hương Cả, cho đến khi
Việt Minh bắt đầu nổi dậy; Ông thấy có nhiều bất ổn trong cuộc sống, nên quyết
định dời nhà vào sống tại tỉnh Gò Công, Ông xin miếng đất cạnh nhà thờ của Ông
đốc phủ Nguyễn văn Hải( Vị Tỉnh Trường người Việt đầu tiên của tỉnh Gò Công) để cất nhà, trước nhà là một con lộ trải đá
xanh, bên kia lộ là giòng kênh( con lộ
nầy trải đá lồi lõm cho tới năm 2005 mới được nới rộng và tráng nhựa).
Đây
là xóm Cầu Huyện, thời niên thiếu tôi đã sống và lớn lên ở đây, tôi quen thuộc
từng ngôi nhà, từng khóm hoa bụi cây, con đường từ nhà dẫn tới chợ Gò Công(
khoảng dưới 200 thước) rất thân quen với tôi từ ngày còn thơ ấu, tôi học trường
Bà Phước, tôi học trường Nhà Đèn, tôi học trường Quan, Tôi học trường Trung Học
tôi đều đi trên lộ đá nầy, con lộ đá trải dài tới ngả ba trường Bà Phước là bắt
đầu con lộ tráng nhựa, hai bên bờ lộ đá là hai bờ đê, một bên chạy suốt trước
các cổng nhà, một bờ đê mướt cỏ xanh chạy cặp bờ sông, trước nhà ông Huyện Đạt
tới nhà Ông Chủ Chí, cạnh lộ trước rào nhà có một con mương rộng khoảng thước
tây; một lối đi mòn vô tình hình thành trên bờ đê sông bởi dấu chân của người
qua lại, trong số đó có tôi,.năm tôi học trường Bà Phước( Trước đây Gò Công
chưa có trường mẫu giáo, quý bà sơ mở ra trường tư nầy để cho con em chưa tới
tuổi nhập trường công có dịp làm quen với chữ nghĩa.), có mẹ, có chị đưa đón,
tôi còn nhớ mỗi lần chị thứ năm của tôi rước tôi về, chị thường dẫn tôi xuống
tam cấp bờ sông trước trường để rửa chân( điều nầy ba tôi rất cấm kỵ) thay vì
đi thẳng về nhà, chị lại dẫn rẽ về hướng biển Tân Thành( đường Nguyễn Thái Học,
VC đổi lại là đường Thủ Khoa Huân), quẹo trái ngang cổng nhà máy xay lúa của
Thầy Tư Ngô( Dương Tấn Ngô).bên kia lộ nhà máy là một thửa ruộng, chị bắt đầu
dẫn tôi lội ruộng, nước lấp sấp tới mắt cá chân,đi dọc suốt ngang qua nhà Ông
Chủ Chí, nhà Ông Chìn Thơ, Tỉnh đòan Bảo An, gần tới nhà Chú Sáng chị mới dẫn
tôi lên bờ lộ me( Đường Phan Châu Trinh)để về nhà, một lối đi rất thích thú đối
với tôi thời bấy giờ, chị cũng không quên dẫn tôi đến miệng cống trước nhà
Trung Úy Tròn để tẩy sạch vết bùn dơ và cũng ân cần dặn tôi khi về nhà đừng cho
mẹ biết.
Tôi
vào học lớp năm( lớp chót) với Thầy ba Nguyễn văn Thắng tại trường nhà đèn(
Thầy Thắng là con Ông cả Trượng, với ngôi mộ xây chạm trổ công phu nằm phía
phải hướng Sài Gòn về Gò Công, khi xe sắp vào tỉnh) Buổi sáng thường đi học
chung với chị thứ tư, chị đang học lớp tiếp liên với Cô Trần Thị Lài tại trường
nữ tiểu học Gò Công, chị ôm cặp da đi trước,tôi lẻo đẻo bước theo sau, vừa đi,
chị vừa dạy tôi đọc tiếng Pháp.Lundi là thứ hai,mardi là thứ ba, chị dạy tôi
đọc thứ, đọc tháng, đọc số, chị tôi đọc trước, tôi lặp lại dù trong bụng không
thích mà miệng vẫn phát âm như máy, khi chị thứ tư của tôi thi đậu vào trường
Gia Long, tôi đi học chung với chị thứ năm và thứ sáu, tôi học lớp chót thì chị
thứ năm và sáu cùng học lớp nhì, chị năm học lớp nhì với Cô Xuân Nguyệt( sau
nầy là bà Đ/Tá Tiên, tỉnh trưởng Gia Định) chị sáu học với cô Bùi Nguyệt Chương
là em gái của hai anh .em song sinh Bùi Khắc Khương và khắc Vi
Đó
là những ký ức mà tôi còn giữ được thời thơ ấu, tôi là con út nên được sự chăm
sóc cẩn thận của gia đình, không được ra bờ sông một mình, tuy vậy, tới năm tôi
học lớp ba, lớp nhì,lớp nhất, tôi vẫn lén ra bờ sông với mấy đứa cháu nội Ông
Thôn Khoa để bắt con vọp, con còng, con nha, con ba khía, nước sông ròng sát
đáy trơ lại bên chân bờ những lùm cây ô rô, dây cóc kèn và những đám lát xanh
um, lớp sình cạnh bờ là hang ổ của còng, nằm dưới mặt sình là những con vọp, cứ
xôm 5 ngón tay xuống sình đôi ba lần là đụng một con, buổi trưa tôi bắt chừng
năm, mười con lén đem về bỏ vào lu nước ao để sau nhà, trong những lu nước nầy
mẹ tôi vẫn thường mua vài con vọp bán ngoài chợ về thả vô lu để lóng nước cho trong,
đôi lần mẹ tôi xúc lu, người lấy làm ngạc nhiên vì thấy số con vọp nhiều ra,
sau mẹ tôi biết, nhưng có lẽ thấy tôi chơi chung với đám cháu Ông Ba Khoa nên
bà cũng an tâm không rầy.
Xóm
Cầu Huyện của tôi bắt đầu từ nhà Ông Chủ Chí nằm ở ngả ba đường Nguyễn Thái Học
đường đi xuống biển Tân Thành, bên kia đường là tường rào trường Bà Phước (
tường xây cao 2 mét quét vôi trắng) ( Ngả ba nầy cho tới khoảng năm 1956 thành
ra ngả tư vì một con lộ được đấp ngang qua dinh ông Phó, biến khúc sông trước
trường Bà Phước thành hồ nuôi cá Phi) Con lộ trải đá mang tên Tổng Đốc Phương,
từ ngả ba nầy ngược lên chợ mang tên Trưng Nữ Vương, kế tiếp là nhà Ông Quản
Phát , phố Thầy Đồng( giáo sư Pháp văn Trường Khái Trí) có ba căn, thầy ở căn
bìa, hai căn bên cạnh là hai gia đình người Tàu gốc Lào, phía sau dãy phố nầy
là nhà Ông Chín Thơ, cửa chánh hướng ra ruộng , một con đường nhỏ thẳng góc với
đường Tổng Đốc Phương, có tên là đường Cả Thuận đây là một con đường ngắn trải
đất đá đỏ chạy cặp hông khuôn viên nhà Ông Chín Thơ , chỉ có mấy nhà là một dãy
phố công chức có 3 căn, căn đầu là nhà Ông Phán Lạc, kế Ông Phán Danh ( sau 2
vị nầy đều lên Huyện), Thầy Lang( thuế vu , nhà ông Ba Bắc( tôi không nhớ tên,
vì Ông là người Bắc nên cả xóm mọi người đều gọi như thế, thời đó Gò Công người
Bắc đếm chưa hết 5 ngón tay )nhà trong cùng là nhà thầy Sáu Báu .Lẽ ra con
đường nầy ăn thông với con lộ cặp mặt
ruộng phía trước nhà ông Chín Thơ , nhưng vì ngôi nhà của Ông Nguyễn Minh Hiếu
là con trai của Ông Chủ Chí , thời tây bị trưng dụng làm căn cứ quân sự, đệ
nhất Cộng Hòa làm doanh trại Tỉnh Đoàn Bảo An và vì nhu cầu cần thiết cho khu
vực quân sự, nên khúc lộ nầy bị rào bít lại .Đầu ngả ba là nhà Ông Huyện Lạc,
kế tiếp là nhà ông Phán Mai Lang Đờn, rồi tới Ông Huyện Đạt, bên hông rào nhà
Ông Mười Đạt là một con đường trải đá, con đường nầy người dịa phương vẫn quen
gọi là Lộ Me, mặc dù đường có tên là Phan Châu Trinh và dọc hai bên đường giờ
đây chẳng còn dâu tích một cây me nào . Khi xưa đất Gò công còn nhiều vũng sình,
nước phèn và mặn, nên Tây cai trị cho đào ao Trường Đua lấy nước ngọt cho dân
xài, thực ra nước ao nầy cũng không được ngọt mấy , chỉ lờ lợ khá hơn nước
sông, đất đào ao được dùng để lấp những vùng trủng thấp, cũng như dùng để đấp
nền những cao ốc, dinh thự, như nền dinh tỉnh trưởng, Pháo đài quân sự( sau là
trường Nam tiểu học), để tiện việc vận chuyển khối đất khổng lồ nầy, con đường
Lộ Me được đấp trước, khi con đường thành hình chưa có tên Lộ Me, sau đó những
cây me được trồng hai bên đường, vừa để lấy trái vừa có tàn che mát …Cũng từ
cảnh trí nầy mà dân dã gọi là đường lộ me, và xóm nhà dân ở đây cũng có cùng
tên là Xóm Lộ Me…Trước năm 1954, con đường nầy vắng vẻ, một bên là ruộng( điền
sản của Ông Chủ Chí) một bên là nhà dân thưa thớt , cạnh ngã ba nầy là nhà ông
thân Bính , kế là nhà Ông cả Thuận, nhà Ông Thôn Trưởng Nguyễn tấn Khoa là cuối
xóm Cầu Huyện( Xóm Cầu huyện trên)vườn rào nhà Ông Thôn Khoa giáp ranh một cống
nước, bên kia rạch nước là nghĩa địa Triều Châu, đó là xóm cầu Huyện, nơi tôi
sống và lớn lên suốt một khoảng thời thơ ấu…
Nghĩa
địa nằm pbên phải con đường, gồm mồ mả lộn xộn, cây hoang, cỏ dại mọc chen lấn
trông cảnh vật âm u mang vẽ tha ma hoang địa…bên kia đường cũng có vài ngôi mả,
đặc biệt con kênh tới đây uốn khúc cong về hướng Bắc, nên bờ trái đường rất
rộng ( vì hình thể của con kênh, tôi nghĩ là nghĩa địa có trước khi con kênh
đươc đào).Đầu nghĩa địa phía trước bờ sông là nhà của chú năm Quăn( tóc của Ông
quăn xoắn, có lẽ Ông lai Miên)Chuyên nuôi, bán gà đá độ( gà cựa)và cá lia thia
đá, Nhà Ông cũng còn là một trường gà và trường cá, tội nghiệp chữ “trường” ở
đây hết sức, Trường là nơi đào luyện uốn nắn con người, nơi để cho con người
học hỏi theo một chuyên môn nào đó, trường ở đây lại chỉ nơi cờ bạc, đá gà, đá
cá, Ông Năm Quăn có người con trai mà giới lính tráng cũng như thanh niên Gò
Công thường biết tên đó là ba Hóa, nhà anh ở Xóm Cỏ chuyên nuôi” em út”…(Khoảng
giữa thập niên 60)
Qua
khỏi nghĩa địa là quán của bác Tám Kỷ, bán bánh kẹo cho trẻ con trong xóm, bên
trái sát bờ sông đầu dưới nghĩa địa là nhà mấy người Tàu làm nghề cải muối chỡ
bán trên Chợ Lớn, Có nhà tôi còn nhớ tên là nhà Ông Tào Báu, có một cái chòi lá
dựng dưới góc một cây keo già cạnh mặt đường là nhà của ông bà Bảy Điếc( Ông
lãng tai rất nặng).Ông là người xứ khác, bị án lưu đày, phát vãng tới đây, sinh
sống bằng nghề làm mướn.Từ đây xuống tới Cầu Huyện non trăm thước nữa, nhà cửa
san sát, dân sống bằng nghề mua gánh bán bưng, lao động chân tay, cầu Huyện nằm
ngay ngả tư gần cuối đường Tổng Đốc Phương, bắc ngang kênh đi về hướng làng Tân
Niên Tây, Vàm Láng…
Trở
lại ngôi nhà đầu tiên của xóm tôi là nhà của Ông Chủ Chí, nhà trở mặt về hướng
Nam( hướng nhà lý tưởng của khoa địa lý vì hứng ngọn gió mát)ngó ra mặt ruộng(
giữa thập niên 50, ruộng bị lấn chiếm cất nhà vì nhu cầu phát triển dân sinh)
mặt hậu day ra bờ sông, nhà nầy nằm trong một khuôn viên rất rộng, được bao bọc
xung quanh bằng tường rào, nền tường rào được xây bằng đá ong cao khoảng thước
tây, trên là hàng rào làm bằng cây vuông, to hơn cổ tay, từ chân tường lên đến
ngọn cao hơn hai thước, ông Chủ Chí là con ông cả Thuận( Ông Thuận nhà cuối xóm
là Đại Hương Cả Thuận), tên Cả Thuận được đặt tên đường bên hướng đông nhà ông(
Giữa thập niên 60, con đường nầy bị dân lấn chiếm cất nhà, ngôi nhà đầu tiên
cất trên con đường nầy có mặt tiền ngó ra bờ sông là nhà của Thiếu Tá Cảnh(
Truyền Tin). Thuở sinh tiền Ông Chủ Chí được đề cử lên chức Cả, Ông Chí ngại
đồng chức với cha nên từ chối không nhận. Trong xã hội trọng lễ giáo Khổng Mạnh
ngày xưa, người dân thường sống rất có tôn ti trật tự, dù nhiều khi cũng rất vô
lý, tên tuổi đặt cho con cũng phải nhìn trước ngó sau, ngoài người trong họ,
còn phải nhìn ngó chòm xóm, các vị chức sắc trong địa phương , cũng có người vì
cái tên mà tứ chối cái chức, như Ông Hai Giái, ba của chú ba Nô chích thuốc
dạo, ( đặt tên xấu cho người khuất mặt đừng quở)…Ông đi lính cho Tây lên tới
cai( Hạ Sĩ) khi sắp thăng chức đội thì ông xin giải ngũ, có lẽ ông sợ cả đời
phải đội hoài…
Ông
Chủ Chí có một người con trai tên là Nguyễn Minh Hiếu, ngôi nhà của Ông Hiếu bị
Tây trưng dụng làm đồn lính , thời Đệ nhất Cộng Hòa là Tỉnh Đoàn Bảo An, thời
Đệ nhị Cộng Hòa là hậu cứ của Tiểu Đoàn 882 Địa phương Quân, ngay trên cửa chánh
vào nhà, phía bên trong còn chạm nổi ba chữ Nguyễn Minh Hiếu .Ông Hiếu có bằng
cử nhân Luật ( học hàm thụ bên Pháp) Nhưng vì giọng nói của Ông như bị dị tật
rất khó nghe nên ông chỉ là luật gia chứ không hành nghề luật sư, ông làm việc
ở Sài Gòn. Ông chỉ có ba người con, người con cả là chị hai Nguyễn thị Nghĩa,
tuổi Tý ( 1924)từng là á khôi trong kỳ kẹt mết tổ chức tại Gò Công thời còn Tây
. Người thứ ba là Nguyễn Minh Phương , tức Ách Phương, từng đóng đồn ở làng
Bình Xuân, thời đệ nhất Cộng Hòa trong một lần đụng độ với Việt Cộng, anh bị
bắt dẫn đi mất tích . Người thứ bảy là chị Nguyễn Thị Mẫn dạy học tại làng Tân
Niên Trung. Giữa thập niên 1950, vào mỗi buổi sáng, khách bộ hành đi trên đoạn
đường nầy đều nhìn thấy một bà cụ, đầu tóc bạc phơ, ngồi câu cá bên bờ kênh,
mặt ngó về phía dinh ông Phó, đó là bà Chủ Chí. Trong khuôn viên nhà nầy có rất
nhiều chậu kiểng xưa, trồng cây cảnh đẹp, nhiều cây thiên tuế cao hơn thước,
trong vườn trồng nhiều cây ăn trái như xoài, gốc thân xoài phải vòng tay hai
người lớn ôm mới giáp, chuối thân mập,
cao, quày nào cũng trên 7 nải , ngoài đường trông vào thấy cảnh kín cổng cao
tường, âm u nhàn dật…Nhà có cổng chánh ngó ra hướng nam, hai cánh gổ rộng trên
bốn thước, cổng sau ngó ra bờ kênh gồm một cánh cửa gổ xây nằm trong bờ tường
đá ong kín chắc…
Ông
Quản Huỳnh Đình Phát là con trai của Ông Cai Tổng Thới, gốc người Chợ Giồng Ông Huê ( xã Vĩnh Lợi) xuất thân nhà
giàu, kiến họ Hùynh Đình nổi tiếng giàu có ở Gò Công, Ông vốn thích súng đạn từ
niên thiếu, lớn lên ra làm làng, lãnh chức Hương Quản trong ban hội tề làng
Thành Phố ( Sau đổi tên xã Long Thuận, Gò Công ). Ông chỉ huy một trung đội
lính làng, sau đổi là Dân Vệ, Thời Cộng Hòa đệ nhị gọi là lính Nghĩa Quân, Ông
có biệt tài mở đường và hành quân lùng địch. Đơn vị ông từ xe( Dodge) tới súng
ống đều do ông ngọai giao xin hoặc bỏ tiền túi ra mua nên hỏa lực trang bị khá
mạnh, có cả đại, trung liên, súng phóng lựu…Khả năng chỉ huy như một sĩ quan bộ
binh, hầu hết các cấp lãnh đạo tỉnh Gò Công đều rất tín cẩn vào khả năng của
Ông, nhất là thời Đại Úy Nguyên, quận trưởng Quận Gò Công, vị chỉ huy quân sự
đầu tiên ngồi ghế quận trưởng thay quận Vỹ bị Việt Cộng phục kích giết chết tại
cầu Đúc( dưới), thời Đệ nhất Cộng Hòa Quận Gò Công thuộc tỉnh Định Tường.
Một
lần ở trại tù Nam Hà( khoảng tháng 4 năm 83) tôi vào khu F dùng cơm với tướng Cao
gốc người Gò Công, tướng Cao ăn chung với tướng Bá, quý vị tướng lãnh thấy tôi
còn trẻ mà tới năm thứ 8 còn ở tù nên tới hỏi thăm, biết tôi là dân Gò Công,
tướng Lạc và tướng Di đều có hỏi thăm về gia đình Ông Quản Phát . Ông Lạc quay
sang nói với tường Nghi:
Mông
Sừ Phát là một ông quản, chỉ huy một trung đội lính dân vệ, nhưng khi phối họp
hành quân với bộ binh , ông chỉ huy đi một cánh mhư cấp tiểu đoàn.
Ông
Phát xuất thân từ một gia đình giàu có, với diền sản phụ ấm, gia đình ông có
thể sống sung túc suốt đời mà không phải làm gì cả , nhưng có lẽ trời sinh ra
ông có dị ứng với Cộng sản, tính ông lại thích mạo hiễm phiêu lưu nên tình
nguyện giữ chức hương quản .Ông rất thích tốc độ khi lái xe, đây là một khuyết
điểm nhỏ của ông, ngoài ra ông không có làm điều gì mích lòng người dân cả .
Ông có khá đông con, đầu lòng là hai ả tố nga, Lan ( Phấn) là chị, Phương là cô
em, còn lại là sáu bảy trai gì đó, đặc biệt mấy người con của ông rất hiếu
thảo, Lan làm thư ký tỉnh, Phương dạy học trường trung học Hòa Bình, Bá là sĩ
quan Sư Đoàn 7 tốt nghiệp khóa 9/68 Thủ Đức, Diệp là lính dân vệ trong trung
đội của ông, sau 75 Phi là cầu thủ xuất sắc của đội Cảng Sài Gòn( Thời Kim
Hoàng( Hoàng đế) đứng thủ môn).
Bởi
lái xe quá nhanh nên có hai lần gây tai nạn chết người, một lần từ Tân Trung về,
gặp một người quen ông cho quá giang, khi quẹo cua gắt , ông hành khách nầy lọt
xuống đường chết ( thân phụ Đại Úy Hương), một lần mùng 3 tết ông đưa thằng con
đóng ở căn cứ Đồng Tâm dù về chơi trở lên Mỹ Tho, ông rủ thêm thằng rể đi cho
có bạn , xe ông đụng vô gốc cây bên đường , ông con rể chết( thầy giáo Nguyễn
Văn Ba), con trai bị thương, ông chẳng sao cả, người ta nói mạng ông rất lớn,
bị VC bắn lén, giựt mìn hoài mà chẳng hề hấn gì, thuở nhỏ ông từng bị trâu
chém. Vít lên trời, rồi cũng chẳng sao, có lần chính tôi tình cờ chứng kiến ,
chiếc xe dodge của ông đụng cây cột đèn trước nhà ông cả Thuận , chiếc xe chẳng
hề hấn gì , cây cột đèn thì ngã vắt qua rào vào sân nhà, tôi thấy mặt ông có vẽ
đổi sắc, sau nầy lớn lên tôi mới biết, thuở nhỏ ở Chợ Giồng, ông là học trò của
thầy giáo Đậu ( con trai ông cả Thuận) , Ông Phát có tính trọng thầy , ông đổi
sắc mặt vì sợ phiền lòng thầy học cũ, ngày tôi rời Gò Công ra đi, cây trụ đèn
vẫn còn đó, có chân đế to hơn các trụ đèn khác ( nhưng nhỏ hơn trụ đèn trước
nhà ông Huyện Đạt) là do ông Phát bỏ tiền ra sửa đền( $2000 thời N . D. Diệm,
lúc lương tân binh $900/tháng).Ông hành quân liên tục mà chưa hề bị thương, bọn
VC rất oán ông mà không trừ ông được.Sau 75 ông bị bắt đi tù qua 3 trại tù :
khám đường Gò Công, Trại Mỹ Phước Tây, trại Chùa Phật Đá( Quận Cai Lậy)gở đâu
cũng hơn 5 cuốn lịch. Thả về ông nuôi thỏ, chim hoàng yến, sống tạm qua ngày
dưới sự kiểm soát của đám cú vọ Công An, ông mượn cớ cắt cỏ cho thỏ để nhân
tiện ghé nhà thăm viếng huynh đệ đồng chí hướng , Ông bị tai biến mạch máu não
hơn 6 năm trời, được sự phụng dưỡng tuy khó khăn nhưng vô cùng hiếu thảo của
thầy giáo Oanh là con trai thứ của ông, đây là khoảng thời gian dài nằm một chỗ
đau buồn của ông, trong cảnh túng quẩn của gia đình, ông chứng kiến cái chết
bất ngờ của người con trai lớn, Trung Úy Huỳnh Đình Bá, chỉ cảm mạo sơ sài mà
qua đời, mấy tháng sau người bạn đời của ông, một người đàn bà có dáng dấp sang
trọng quý phái, tận tụy cả đời cho chồng cho con lại vĩnh biệt cõi đời.Ngày 28-6-98
vào lúc 9 giờ 55 phút Ông Phát qua đời, tang lễ cử hành trang trọng, di quan về
làng Hòa Nghị, an táng trên đất nhà, một điều rất đặc biệt là những người khiên
quan tài của ông đều là những người lính cũ trong trung đội mà ông chỉ huy ngày
trước, điều nầy đủ nói lên cách cư xử của ông đối với thuộc cấp ngày xưa.
Tôi
biết đến Thầy Đồng qua sự nhắc nhở của ba tôi, ba tôi là học trò của thầy lúc
học tiểu học, lúc tôi còn học tiểu học, thầy Đồng dạy pháp văn cho trường trung
học Khai Trí, mỗi ngày tôi thường đi ngang qua nhà thầy, căn phố bìa thầy đang
ở thuộc chủ quyền của ông Chín Thơ, nhà ông Chín Thơ quay mặt cùng hướng với
nhà ông Chủ Chí, mặt sau tiếp giáp với mặt hậu của ba căn phố nầy, buổi sáng
cũng như buổi chiều, ông thầy thường dọn một bàn trà bên hông nhà, thầy Đồng
thường cùng với ông Chín Thơ, ông Huyện Đạo ngồi uống trà đàm đạo nhìn khách
qua đường, nhiều buổi chiều có cả bác Sĩ Huân, tôi còn nhớ thầy Đồng có đôi
chân mày rậm và dài( mày rô) . Ông cũng một thời tham gia kháng chiến chống Pháp
cùng thời với bác sĩ Huân và thầy Giáo Phi Líp ( Cột chèo với Thầy Năm Tri)
.Tôi không biết rõ ông có mấy người con, nhưng lúc tôi biết thì ông sống với 3
người con gái,Cô Năm, Cô bảy Quyên ( Nguyên) và cô Chín Duyên, cô Năm, cô Bảy
có con, chồng của 2 cô nầy hình như đang họat động cho Việt Cộng, cô Chín Duyên
là giáo viên dạy trường nữ tiểu học Gò Công, Cô có vóc người thon gọn thuộc
lọai liễu yếu đào tơ, người có nhan sắc mà nhiều nơi dạm ngỏ cô đều từ chối,
Thì ra cô có người yêu đang tập kết .Đến cuối năm 72, khi phái đoàn Bắc Việt
vào đàm phán đóng tại Tân Sơn Nhứt, cô thoát ly theo sống với người yêu cũ là
thành viên của phái đoàn nầy. Sau ngày sập tiệm, cô và chồng có trở về, Cô có
qua nhà cám ơn Ông Quản Phát biết cô mà không làm khó dễ( Quốc gia thua CS ở
chỗ tình cảm nầy đây) .hai căn kế bên là của gia đình người Tàu, có nếp sống
tương đối nghèo, vì gia đình đông con mà họ chỉ buôn bán nhỏ ở chợ .Nhà Ông
Chín Thơ và ba căn phố nầy nằm trong khuôn viên rộng bằng nhà Ông Chủ Chí, mặt
tiền ngó ra ruộng, mặt hậu day ra bờ kênh, bên hướng tây giáp vườn nhà ông Chủ
Chí và Ông Quản Phát, hướng đông chạy dọc suốt con đường cả Thuận. Băng qua đường Cả Thuận là dãy phố
công Chức, nhà Ông Phán Lạc ở căn đầu, cạnh bên là ông Phán Danh ( Ngôi mộ đẹp
nhất trong đất thánh Tây có tượng thiên thần là mộ của bà Phán Danh dân Gò Công
thường gọi là bà Mụ Chi )rồi tới nhà Ông
Ba Bắc. Khi Ông Phán Danh ( gần hưu lên chức Huyện)cất nhà riêng, một villa
dường lộ me, căn phố nầy gia đình Thầy Lang ( phòng Thuế) dọn lại ở , dãy phố
nầy có mặt tiền ngó qua hông nhà Ông Phán Đờn.Ông Phán danh có 2 người con
trai,người thứ hai là Võ Minh Khải, tên tân là Micheal ( Thiếu tá hành chánh
quân y) người kế là Võ Minh Trị, tên tây là Nicolas ( có thời là Trung tá quận
trưởng quận 6 Sài Gòn)
Ông
Nguyễn văn Lạc xuất thân trường Ch***eloup Laubat, phủ toàn quyền mở kỳ thi
chọn thư ký Ông dự thi và đổ hạng tư, Ông Vương Hồng Sển hình như đậu đầu,đầu
tiên bổ về làm việc ở khám lớn Sài Gòn, sau đổi về làm việc ở tòa bố Gò Công
lên đến chức Phán( secretaire principal) sau được thăng Huyện.Ông là người có
học nhưng không được đắc dụng nên thường lấy rượu giải sầu, nếu tình cờ đi
ngang nhà đúng buổi cơm chiều sẽ thấy ông ngồi bàn uống lave, ăn cơm cùng vợ
con, con ông đông, tính tình hiền đều hiếu học.Tôi còn nhớ Anh Nguyễn Vĩnh Hồng
tốt nghiệp y khoa, bác sĩ làm việc ở Phan Rang, Anh Nguyễn Vĩnh Châu tốt nghiệp
sư phạm dạy học tại Gò Công, Anh Vĩnh Tấn, cựu học sinh khóa 2 , kỷ sư công
chánh , trước 75 là phó ty công chánh Mỹ Tho, chị Tư Công là giáo viên dãy
trường nữ Gò Công, Chị Nhẫn tốt nghiệp đại học khoa học, dạy trường trung học
Gò công, chị Quyên là giáo viên sư phạm , hai chị em đều là cựu học sinh nội
trú trường Gia Long…còn mấy người nhỏ tuổi hơn tôi là Son, Tài, Phước.Gần hưu
ông được thăng chức Huyện.Từ giã quan trường, ông trả nhà lại cho chính phủ về
mua lại ngôi trường Huỳnh Phước làm tư gia…
Kế
là nhà Ông Phán Đờn, tôi không rõ xuất thân của ông lắm, tôi chỉ biết ông lên
Phán và Huyện đều sau ông Lạc, đi làm bằng chiếc xe đạp sườn ngang màu đen, đạp
xe rất chậm, trông dáng dấp ông hiền lành, qua đời vì bệnh già tại nhà, ông có
nhiều con, người thứ hai là Anh Hai Ry, Anh Hai thuộc người trong gia đình giàu
có ở Tăng Hòa, tôi không rõ lý do gì lại là con nuôi của Ông Phán, anh là chủ
xe đò Thanh Long, lúc bến xe còn nằm phía đông mặt chợ, ngó mặt ra bờ kênh , xe
anh bị hư thắng hay sao mà cấm đầu xuống kênh, hai bánh sau còn trên bờ, con
nít Gò Công thường hát diễu( dĩ nhiên là có tôi) …Xe Thanh Long- chạy vòng
vòng- lọt xuống sông.Anh Hai Ry có người con trai lớn là Th/tá Châu, anh là
lính không quân, lái tàu bay phục vụ tại phi trường Biên Hòa, dân trong ngành
gọi anh là Châu Cháy( Anh có hỗn danh nầy là vì một mình anh làm cháy hai tàu
bay).Anh rất giỏi về kỳ thuật máy móc, một mình anh có thề tháo ráp một chiếc
xe hơi dễ dàng, lúc tôi chuyển về trại tù Nam Hà, tôi gặp Anh Châu ở đây, Anh
được cán bộ trại Nam Hà cho anh coi xếp máy phát điện trại.Anh được hưởng nhiều
sự ưu tiên hơn tù bình thương khác, em trai của anh là Khanh, bạn học với tôi
thời tiểu học, người thứ ba là Anh Ba Jack( Mai Lang Huệ).Lúc tôi còn đi học
anh mang chức Ách, người thứ tư là Mai Lang Tấn, có thời làm trưởng phòng hành
chánh tòa bố Gò Công, nhiều giấy tờ bản sao bằng cấp của tôi còn chữ ký thị
thực của anh, người vợ thứ của anh có lúc làm trưởng ty thuế vụ Gò Công , người
thứ năm, trung tá Mai Lang Luông chiếm nhiều huy chương về bắn súng tại Á Vận
Hội, kế là Anh Mai Lang Đức, bạn cùng thời với người anh thứ ba của tôi, Anh
mang cấp thượng sĩ hải quân, người con trai út, Anh Mai Lang Xuân, lúc tôi mới
vào trung học thì anh là cầu thủ của đội tuyển Gò Công, tôi nhớ anh đứng vị trí
tiếp ứng trái, sau nầy lớn lên, tôi không còn gặp lại anh nên không biết anh có
vào quân ngũ hay không, bên gái có chị Mai thị Hạnh, cựu nữ sinh Gia Long, sau
là nữ hộ sinh quốc gia, Chị Mai Kim Liên lập gia đình với thầy giáo Đống văn
Chương, Chị Mai Kim Lan có chồng người Tân Phước, Ông Nghĩa nỗi tiếng đẹp trai
của xã nầy, chồng của chị Liên và Lan đều qua đời trong tuổi trung niên, sau 75
có mấy người cháu nội Ông Đờn họat động trong nhóm phục quốc Gò Công , sau bị
bắt, bị tra tấn tàn nhẩn và bị tội tù cũng nhiều năm
Nhà
cạnh là nhà Ông Huyện Đạt, ông làm việc ở sở trường tiền Gò Công, nhà của ông ở
trong một khuôn viên rất rộng, xung quanh rào kẽm gai, trồng chen cây kim quýt
kiểng làm hàng rào , có hoa ti gôn leo quanh che kín, nhà ông xây theo một mô
hình lạ và đẹp mắt do chính ông vẽ kiểu, nền nhà là một hồ nước cao khoảng
thước tây, nhà thoáng mát rộng rãi,có hai cổng vào, một cổng ngó ra bờ kinh,
một ngỏ ngó ra đường xóm lộ me đều xây bằng đá cao trên hai thước, có hai cánh
cổng gổ trông rất chắc chắn.Ông có người con trai tên Mỹ Điền từng làm việc
trong văn phòng của HCM, sau ngày sập tiệm có về thăm Gò Công và nghỉ hưu ở Sài
Gòn, người thứ ba là cố giáo Hớn, dạy học tại trường nữ tiểu học Gò Công, chồng
là thầy Nguyễn Văn Huệ( Văn Công Huệ) gốc người Trà Vinh, nỗi tiếng là hiền đức
và là giáo viên dạy giỏi của trường nam tiểu học Gò Công, tôi là học trò của
thầy năm học lớp nhì, Sau 75 thầy được con trai bảo lảnh sang Pháp và mất bên
đó, cô thứ tư tôi không biết tên, cô có hai dòng con, có Tỷ trạc tuổi tôi, có
Anh Kỳ lớn hơn tôi vài tuổi và nhiều chị trạc tuổi các chị tôi, người thứ sáu
tên Châu, trước 75 là thông tín viên của các báo ngọai quốc ở Sài Gòn, vẫn
thường xuyên lên Sài Gòn bằng chiếc xe Vespa, Sau 75, Quang, con trai chú Sáu
có một cây k54, Công An biết được, vây nhà bắt cả hai cha con, Chú Sáu bị tra
tấn tàn nhẩn, nhà bị tịch biên, sau khi ra tù chú sống vất vưởng ở Gò Công và
bệnh chết âm thầm ở đâu đó….Người thứ bảy tên Ngự, trước dạy học ở Gò Công, học
trò cô có người thành đạt, nổi tiếng là giáo sư giỏi của trường Trung Học Gò
Công là Cô Trần Thành Mỹ, Cô Bảy chỉ dạy ở Gò Công có mấy năm thì đổi về Sài
Gòn.
Đầu
ngả ba là nhà của ông Hương Thân Nguyễn văn Bính, đây là ngôi nhà thờ của gia
đình Ông Đốc Phủ Nguyễn văn Hải , Ông Thân Bính là con của Ông Đốc Phủ Nguyên,
gọi Ông Phủ Hải bằng Chú , ngôi nhà nầy nền cao non thước, ba căn hai chái rất
rộng, nhà trên nối nhà dưới bằng một nhà cầu ( nhà kiểu chữ Công }Cửa ngỏ nhà
xây tường ba mươi, hai cánh cổng bằng gổ ghép dầy khoảng nửa tấc có mái lợp
ngói, cửa ngỏ nầy cũng là nơi trú nắng mưa cho khách bộ hành, cũng là tụ điểm
cho học trò trên đường đi học về, tụ lại đây đánh đáo, bắn kè, ban đêm là chỗ
hẹn hò lý tưởng cho những cặp tình nhân, hay đệ tử của thần Lưu Linh khi quá
sỉn.Bờ sông trước nhà có cẩn đá, có xây bậc tam cấp để ghe chài chỡ lúa thu của
tá điền cặp bến dễ dàng, nhà nầy chỉ có hai vợ chồng cho tới gần tuổi bốn mươi
mới sinh một gái, để tránh rổi rảnh, bà Hương cho học trò ở trọ cho nhà đở
trống vắng.Thập niên 50, học trò trai ở nhà dưới, gái ở nhà trên, lửa với rơm
không thể ở gần được, nên sau nầy bà chỉ nhận học trò nữ, cô Nguyễn Thị Nhung
là con gái duy nhất của Ông bà Hương, cô học Đại Học Khoa Học, về dạy vạn vật
trường trung học Gò Công.
Ông
Cả Thuận nguyên gốc người Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre,nội tổ của Ông, đậu tú tài tại
khóa thi Gia Định, theo nghĩa quân Thiên Hộ Dương,nghĩa quân thế yếu thất bại
bị Tây ruồng bắt, trốn lánh trôi dạt về lập nghiệp ở làng Yên Luông Đông sống
bằng nghề dạy học.Ông Cả dạy học nhiều nơi, cuối cùng dạy tại trường làng Tân
Niên Trung, Ông cất nhà định cư tại đây sau 26 năm làm nghề gõ đầu trẻ, Ông hưu
trí ra làm làng, giữ chức Hương Cả, sau lên Đại Hương Cả( miền Bắc gọi là Ông
Cổ).Ông vốn người thông thái, giỏi chữ Hán, thông chữ Nôm, nói đọc, viết được
chữ Pháp, các thú ăn chơi Ông đều rành rẽ, chánh tỉnh thời đó là Ông Grimald
rất quý mến Ông, thường đánh xe ra tận nhà thăm Cả, tánh Cả không màng lợi
danh; Chánh tỉnh đề nghị tặng mề đay, Ông từ chối tự cho mình không có công trạng,
Chánh tỉnh đề nghị cho con trai cả làm thông ngôn, Ông cũng cám ơn mà không
nhận, Ông chỉ muốn con trai nối nghiệp dạy học của Ông Bà. Thời Nhật qua, họ
cũng đóng bản doanh ở nhà việc cạnh nhà Ông, Cả có thể giao tiếp được với họ
bằng bút đàm, giúp đở phiên dịch cứu gỡ nhiều trường hợp oan ức cho dân.Lính
Nhật cũng rất nể Ông, Ông rành điển tích sách vở, nên rất thiện nghệ cầm chầu
hát bộ( bội).Bầu gánh rất nể nang Ông vì Ông thưởng phạt rất phân minh, đào kép
không dám hát cương trật điển, biết rượu, biết thuốc nhưng không ghiền, chỉ
uống nước trà thay nước lạnh, vợ bé vợ mọn Cả rành sáu câu, con cái cũng đôi ba
dòng, dòng chính thất chỉ có một Mông sừ Đậu, học hết bậc sơ học, Cả xin cho
con dạy học tại làng Vĩnh Lợi vì cưng con sợ phải lên Sài Gòn học tiếp mà xa
nhà, Cả cũng có hai người con gái ở dòng chính thất nầy, một người thứ tư và
một người thứ tám…Còn những người khác phát bệnh chết lúc còn thơ.Năm 1948 vì
dị ứng với giặc cờ đỏ, Cả dời nhà vô Gò Công , xin cất nhà trên miếng đất cạnh
nhà thờ Ông Đốc Phủ Hải do con trai của ông đốc phủ là Ông Cai Tổng Tân làm
giấy cho phép cất nhà trên đất của Ông làm chủ quyền; ngôi nhà chữ đinh được dỡ
từ Tân Trung đem vào cất lại .
Thầy
Ba Đậu ra dạy mấy năm phải thi vô chánh ngạch, Đốc học Tây, Ông Be A Nô đòi
tiền hối lộ, Cả không chịu chi, cho con ở nhà nghỉ dạy đi học lấy giấy phép về
mở dépot de pharmacie ở bến xe ngưa( Phòng khách nhà bác Hai Bỉnh, ba của Thiếu
tá không Quân Lư Kim Sơn) để kiếm sống qua ngày. Khi Pharmacie đầu tiên ở Gò
Công của dược sư Cổ Trung Nguơn ra đời cũng tại bến xe ngựa nầy( khoảng năm
1955) mang tên đường Từ Dũ, theo luật hiện hành lúc bây giờ, tất cả các depot
nếu muốn tiếp tục họat động, phải mở cách xa pharmacie 500mét, các dépot thời
đó( Của Thầy Mên, Thầy Mười Bé…)đều nằm trong vòng chưa tới 500mét nên đều được
lệnh đóng cửa. Thầy Ba dẹp tiệm về mở cây xăng hiệu con ngựa bay ( mà trước đây
Gò Công chỉ có một cây xăng độc quyền hiệu con sò của chú Sáu Bùi văn Bửu ) tại
mủi tàu, cạnh bến xe và bến tàu Gò Công, một vị trí rất đắc địa, nhưng vì không
quen mua bán trong cảnh đời tráo trở, với lại vốn liếng không nhiều nên khó bề
bán thiếu chịu, Thiếu Úy Giác thuộc giáo phái Cao Đài mượn xăng Ông nhiều lần ,
Ông vẫn tưởng mượn là phải trả nên đi đòi, Thiếu Úy bực mình nhưng vẫn phải
trả, trả bằng xăng đựng trong thùng phuy quân đội, trả xong thiếu úy đi tố Ông
chủ mua xăng nhà binh, Ông giáo bị câu lưu 6 tháng nhốt ở khám Chí Hòa, ra tòa
nhờ luật sư Phan Kiến Khương biện hộ Ông được tha bổng về, Ông sang lại cây
xăng với giá thật rẻ cho Dương An để trang trải nợ nần …từ đó Ông về nghỉ hưu
non.Ông giáo có 6 người con, hai trai bốn gái, người thứ ba là giáo sư văn
chương và pháp văn của trường Trung Học Công Lập và bán Công Gò Công mà dân địa
phương thường gọi là thầy Ba Ton ( Hình như những người có tên thứ đều có hỗn
danh đi kèm, Tôi có người bạn học chung lớp nhất tên Nguyễn văn Ba…Nựng, sau
khi đi tù về có tên mới là Ba …Bọ Chét ( khóa 4/69 TĐ)Bạn chung thời Trung học
có Nguyễn văn Ba…Lém( khóa 3/68 TĐ) Võ văn Ba…Trụi ( khóa 23 VB).Anh Ba tốt
nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm khóa1 ban 3 năm,Chị thứ hai lớn lên thời giặc
giả nên chỉ học xong tiểu học ở nhà phụ việc gia đình Người thứ tư là chị Tuyết
Nga, cựu Học sinh nội trú Gia Long, làm cán sự xã hội cho cơ quan truyền giáo
Tin Lành Gia Định, người thứ năm là chị Ánh Nguyệt học trung học dỡ dang theo
chồng phục vụ sư đòan 23BB, người thứ sáu là chị Nguyễn Thị Lang tốt nghiệp Sư
Phạm Cấp Tốc Sài Gòn dạy trường tiểu học Ngả năm Bình Hòa sau tiếp tục học đậu
cử nhân giáo khoa Việt( Đại Học VK/SG)chuyển về dạy việt văn Trường Trung Học
Gò Công. Người con trai út là sĩ quan tiểu đoàn 50CTCT đóng tại số 1Bis Phan
Đình Phùng Sài Gòn, đã từng lảnh án lưu đày khổ sai hơn 8 năm qua các trại tù
Cộng Sản từ Nam
ra Bắc…
Thập
niên 50, lúc anh Ba còn là học sinh trường pétrus Ký, mỗi kỳ hè đến, anh quy tụ
một số bạn bè cùng trường gốc người Gò Công như Anh Paul Đen Trần Anh Kiệt),
Anh Paul Mắm, Anh Bảy Lê Tấn Châu, Chị Mai Thị Hạnh , Anh Truyền ở tăng Hòa,
Anh Hậu ở bến xe ngựa, về nhà mở lớp dạy hè miển phí gọi là lớp hướng dẫn, tôi
còn nhớ học sinh đa số đều đang theo học trường Gia long, một số ít là học sinh
trường Khai Trí, mỗi năm học sinh càng đông nên phải mượn nhà thờ của Bác Sĩ
Trần Công Đăng , lớp học được kéo dài bốn năm năm gì đó cho tới khi các anh
thực sự ra trường mới dẹp lớp, tôi còn nhớ một trong những người từng theo học
lớp hướng dẫn nầy là ba anh chị em ruột : Anh Nguyễn văn Ngôn( khóa 19 VB), em
là chị Nguyễn Tường Tâm , Nguyễn Tường Vân hiện là bác Sĩ ở Toronto.
Ông
Thôn Trưởng Nguyễn tấn Khoa , đây là một ngôi nhà cao cẳng bằng gổ, có kiến
trúc rất đẹp , tọa lạc trên một khu đất rộng rãi , Ngôi nhà nầy ông mua lại của
bà Ba Thức , người đàn bà có chồng Pháp giàu có ngày xưa, nhà có hai cửa ngỏ
trụ xi măng đúc hình khối chữ nhựt có mặt diện gần một thước vuông , nối liền
hai cửa ngỏ là một hàng rào có chân đế đúc bằng đá xanh, trên chân đế là sắt
dầy khỏang nửa phân rộng ba phân uốn hình hoa văn rất đẹp , phía trên rào sắt
là hàng rào bông giấy được cắt xén cẩn thận, mỗi khung sắt là một màu bông giấy
khác nhau . màu đỏ, màu tím, màu gạch tôm …, sân hai mặt nhà phía bắc và phía
tây được trán xi măng thành hình chữ T rộng rãi cho một chiếc xe hơi chạy ,
trước con đường trán xi măng là một sân đất , có hồ cá xây nổi trên mặt đất cao
khoảng một mét, xây hòn non bộ, thả cá lia thia tàu, sau có thầy phong thủy
khuyên ông bỏ đi hòn non bộ. Cũng giống như nhà Ông Thân Bính , trước sân nhà
có xây hồ cá với đường kính khoảng hai mét rưởi, giữa có hòn non bộ, sau cũng
đập bỏ đi đổ đất vào trồng hoa kiểng, sân đất trồng nhản, xoài, một ít hoa lài
sát chân rào, sân tráng xi măn và quanh nhà để hàng trăm chậu kiểng, tây, ta,
hoa, lá, đủ sắc đủ màu, nhà có thuê ba bốn người phụ việc, các anh nầy đạp xích
lô ( xích lô nhà) chở người nhà đi chợ ( về sau Anh Thành nghỉ làm ở đây về
sống bằng nghề đạp xích lô), để chăm sóc vườn tược, để kéo lúa đi xay gạo, hai
ba người đàn bà phụ bếp, sai vặt với một bà vú. Nhà Ông Thôn thường xuyên đãi
tiệc, khách khứa thuộc hàng chức quyền tronh tỉnh, bà Thôn thuộc kiến họ Đổ,
gốc người Bình Ân cũng là một kiến họ có điền sản ở Gò Công .
Ông
Thôn có ba người con trai, chú Hai Nguyễn tấn Kỳ, chủ xe đò Kỳ Quan chạy lộ
trình Gò Công Sài Gòn, Chú Ba Nguyễn tấn Nam, Chú Năm Nguyễn Tấn Lựu làm việc ở
Sài Gòn, Chú Năm trong khai sinh chánh lục bộ ghi nhầm tên Lóc, ba người gái là
Cô Sáu Bưởi chủ tiệm may y phục Việt Tân nằm trong dãy phố 12 căn , Cô tám Hoa
( khai sinh tên Ngọt) , Cô chin Nguyễn thị Nở trước học dược, sau bỏ qua cao
đẳng sư phạm ra trường dạy Lý Hóa trường Trưng Vương cho tới ngày sập tiệm.
Ông
Thôn có ba nhánh cháu nội đều học tại Sài Gòn, nghỉ hè thường về đây, là học
sinh của các trường Ch***e Loup và P.Trus Ký Sài Gòn, mỗi lần lễ lạc hay nghỉ
hè bạn bè của các anh thường tụ lại đây rất đông đa số là cầu thủ Gò Công như
Anh Tam Lang, Anh Châu Chuột, Anh Xiếu, Anh Quý nhà thờ, Cháu ông Thôn có anh
Trọng là thủ môn của hội Gò Công sau nầy là Thiếu tá Nguyễn tấn Trọng lái Si
Núc, bị VC bắn rớt bị bắt và được trao trả tù binh tại Tây Ninh, Anh Nguyễn tấn
Tâm đứng góc trái (hàng tiền đạo, Mai lang Xuân trái tiếp ứng) sau nầy là cán
sự phụ tá phòng thí nghiệm, Anh đền nợ nước trong trận Mậu Thân 2 tại Đức Hòa
trong màu áo Biệt Động Quân, Anh Nguyễn tấn Quan trước học y khoa nửa chừng gia
nhập quân đội về ngành quân y, Anh được thăng cấp Đại Úy sau trận An Lộc trong
màu áo Biệt Động Quân , Nguyễn tấn Kỉnh là hiệu trưởng trường Ông Kho thuộc
quận Ngả Năm sau là Nghị Viên tỉnh Sóc Trăng.
Đây
là xóm cầu Huyện trong ký ức của tôi , xóm nhà của đầu thập niên 60 trở về
trước, sau nầy với giòng thời gian, ảnh hưởng theo cuộc thăng trầm của đất
nước, xóm cầu Huyện ngày nay đã có quá nhiều thay đổi, con kênh nối liền từ con
kênh Sa Li Sết Ty bắt đầu từ mũi tàu bến đò Gò Công, chạy uốn vòng ngang qua Cầu
Huyện đã tạo thành một thế đất rất vượng phát theo khoa địa lý đối với xóm nầy,
trên con rạch có 2 cây cầu bắt ngang , cầu Quan từ bên hông hướng tây Bon ga Lô
bắt ngang kênh nối đường bên hông pháo đài ( sau nầy là trường Nam tiểu học mà
dân dã thường gọi là trường Quan) .Trước đây tại vị thế của cây cầu Tây Ban Nha
có một cây cầu bắt tạm qua gọi là cầu Ông Phủ( Phải chăng vì cầu bắt nối đường
lộ me với đường trước nhà Ông Đốc Phủ Tường nên có tên là cầu ông Phủ….. Những
người biết chuyện nầy đã hóa ra người thiên cổ gần trăm năm nay) Cầu Huyện bắt
ngang kênh nối liền đường Tổng Thứ với con lộ xuôi hướng Bình Ân , Tân Niên Tây,
từ hướng chợ đi xuống là nhà của một cựu chiến binh đời Tây , Ông cất nhà một
nửa trên đất, một nửa trên nước, phía sau nhà có một cái “Gió”( Để bắt tôm cá)
trông rất đẹp mắt, Ông là người miền Bắc( Lúc đó Gò Công người gốc Bắc chỉ đếm
chưa đủ đầu ngón tay).Ông có mấy người con gái, có Cô Liểu trạc tuổi tôi.Bên
kia đường là bờ đê với một con lộ đá đỏ , lúc đó con đường cùn nầy chỉ có mấy
nhà , một ngôi nhà thật lớn cất theo kiểu nhà quan, đó là nhà của Ông Cai Tổng
Thới, thân sinh của Ông Quản Phát, sau nầy miếng đất trống ngay đầu cầu, cậu
Mười Miền từ Bình Xuân tản cư vào cất một ngôi nhà nhỏ chuyên bán vật liệu xây
cất nặng, sau làm ăn phát tài ông cất một nhà lầu đúc thật khang trang với 2
mặt tiền ngó ra 2 con lộ…bên kia cầu , sát bờ kênh, một bên là nhà cô Tư Ngà,
có đứa em trai tên Trần Công Điệp bạn học cùng thời trung học với tôi, Điệp
cũng là đứa bạn học đầu tiên ăn đạn VC, sau năm học đệ tứ, Điệp thi rớt Trung
Học, Điệp từ giã trường, trên đường lên Sài Gòn tình nguyện nhập ngũ, đường bị
VC dấp mô, tất cả xe đang di chuyển đều phải dừng lại, Điệp nóng lòng đi nên
xuống xe đi phá mô, Điệp bị du kích núp trong xóm bắn sẻ chết, đối diện với nhà
Điệp bên kia đường cũng sát bờ kinh là nhà của Thầy Tư Nhơn, Thầy Tư là y tá
của bệnh viện Gò Công, Ông có mấy người con, Trai là Huỳnh Đình Nhi tử trận
trong sắc phục cảnh sát, Gấm là chị và Hoa là em, Hoa cũng là bạn học cùng lớp
với tôi.
Con
kinh với dòng nước hiền hòa lặng lờ chảy, thủy triều lên nước ngập be bờ, ròng
thì sát đáy, đám lát trơ gốc trên bải sình, thường những buổi chiều nước ròng,
lòng kinh có rất nhiều người đi mò tôm, nôm cá, đa số là cư dân gần lò cải muối.Tôi
nhìn thấy sự hiền hòa của con kênh đã ảnh hưởng đến tánh tình của người dân ngụ
cư trên xóm Cầu Huyện, đường binh nghiệp không được vượng phát bằng đường giáo
dục, từ nhà Ông Chủ Chí xuống đến nhà Ông Thôn Khoa chỉ có khoảng mười ngôi nhà
mà đã có trên hai mươi người làm nghề dạy học, gia đình nào cũng có con em học
đại học, nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng êm xuôi như giòng nước chảy,
con kinh không còn thông giòng như trước nữa, Trước đời Tỉnh trưởng( Thời đó
gọi là Ông Chánh tên gọi tắt Chánh Tham Biện)Kiên và Ông Chánh Trực cây Cầu
Quan bị phá bỏ trở thành con lộ nối liền con đường bên hông Bon ga Lô chạy
thẳng tới cửa dinh tỉnh, đường có lót cống nên dòng nước vẫn chảy thông, sau đó
một con lộ khác thành hình, nối liền con đường bên hông hướng đông nhà Lãnh
Binh Tấn, qua con đường bên hông Pháo Đài chạy ra tới Cầu Tàu, con kinh bị cắt
hai lần nhưng nước vẫn còn thông nhờ hệ thống cống, cho tới thời đệ nhất Cộng
Hòa, một con đường mới lại hình thành, con đường lộ đá nối liền con đường bên
hông trường Bà, đâm chệnh vô dinh Phó Tỉnh, lại một lần nữa con kinh mang thêm
một vết thương, nhưng giòng nước vẫn thông giòng, ba con đường mới nầy tạo nên
cảnh trí mới cho Gò Công, một hồ tắm có cẩn đá bốn hướng, chung quanh hồ là hệ
thống công viên rất đẹp, có băng đá với đầy đủ hoa kiểng, có những bải cỏ cắt
xén công phu, bốn mùa đều được chăm sóc cẩn thận, lối đi trong công viên trải
đá sỏi trắng, hồ tắm có xây hai cầu nhày bằng gổ, có nhà bằng gổ để thay quần
áo.Trước trường Bà Phước là hồ thả bông súng, thả cá Phi nuôi, có nhà thủy tạ,
có mấy cây dừa, cây liểu rũ bóng xuống mặt hồ, khi hòang hôn xuống, nhiều trai
thanh gái lịch ngồi băng đá hóng gió, tuyệt nhiên không thấy cảnh trêu ghẹo
nhau, cũng như không nghe thấy những lời nói tục tằng hay xã rác bừa bải, các
trụ đèn đều có treo giỏ rác bằng lưới kẽm, đó là thời thái bình của đất Gò Công
dưới thời ông Chánh Trực ( Gốc Người Bình Dương), thời mà giặc cờ đỏ chưa lộ
mặt dã man, công trình làm đẹp châu thành là do công Ông Chánh Trực và Ông
Chánh Kiên.
Thời đệ nhị Cộng Hòa, con đường
Phan Chu Trinh dược nối thẳng qua kinh bằng một cây cầu gổ, kinh phí do phái
đoàn y tế Tây Ban Nha cấp; Số tiền cho xây cầu khang trang rộng rải nhưng khi
tiền đến tay VN thì bị…bốc hơi cầu xây bằng gổ vừa đủ một chiếc xe ba bánh chạy
… cầu chỉ hiện diện mấy năm thì gãy hư, con đường đất dược đắp lên.. dân tới
bây giờ vẫn quen gọi Cầu Tây ban Nha. Cho đến sau nầy, khoảng giữa thập niên
60, giặc cờ đỏ nổi lên giết chốc khủng bố, dân chúng trong các làng xa không
còn chịu đựng nỗi nữa, tìm lên tình sống, bờ kinh từ trước nhà Ông Huyện Lạc
trở xuống tới dãy phố Kiến ốc Cục đều bị dân cấm dùi cất nhà sàn tràn lan dày
bít bờ sông, con đường ngắn mang tên Cả Thuận cũng không tránh khỏi số phận, bị
xóa tên trên bản đồ Gò Công, mà ngay đầu ngã ba nầy là nhà của Đại Úy Cảnh( lúc
Sập tiệm mang Thiếu tá) Con kinh bị ức hiếp tơi bời, chỉ còn lại một giòng nước
nhỏ đen sì, xú ám như con mương nghẻn. Dưới con mắt nhà phong thủy thì cảnh
quang bị tàn phá nặng nề, những gia đình cố cựu của xóm Cầu Huyện đã có một đời
sống xuống dốc trông thấy, Ông Thôn Khoa bán nhà bỏ xứ lên Sài Gòn sống, nhất
là sau năm 75, sự xuống dốc quá nhanh đã làm cho người trong xóm không khỏi
ngậm ngùi… Để cuộc sống trở lại bình thường như trước, con kinh thì nhà đã lỡ
cất, chỉ còn cách là mở rộng con lộ đá Tổng Đốc Phương, tráng nhựa rộng rãi cho
xe lưu thông hai chiều, lưu lượng của giòng xe cũng giống như lưu lượng của con
kinh trước kia… ba mươi năm sau ngày sập tiệm, con đường Tổng Đốc Phương được
mở rộng, xóm nhà cố cựu bị lấn hơn nửa sân trước nhà không nhận được dù chỉ một
xu tiền bồi thường,
Bây
giờ trên đất tạm dung nầy khi thả hồn về xóm Cầu Huyện thì hình ảnh của xóm Cầu
Huyện của đầu thập niên 60 lại hiện ra trong trí, hình ảnh rất rõ ràng và sinh
động, cũng con kinh uốn khúc lững lờ chảy ôm sát con đê mướt cỏ xanh, với chưa
tới mười ngôi nhà nằm trong những khuôn viên rạch ròi, mang nét cổ kính mặt day
ra hướng bờ kinh, thuở nhỏ trên đường đi học về tôi rất e dè trước đám chó nhà
Ông Quản Phát, bầy ngổng nhà Ông Phán Danh, sơ ý đi lẻ loi là bị ngổng mài cổ
sát đất rượt đuổi, bờ đê trước nhà Ông Huyện Đạt khá rộng, thỉnh thoảng tôi có
nhìn thấy một cặp rắn to hơn cổ tay người lớn, dài hơn thước tây, rượt nhau đùa
giỡn, đầu rắn ngẫng cao khỏi mặt đất cở hai tấc, những tháng ngày giáp tết, gió
chướng thổi, bụi đường cuộn lên từng chặp, những vạt áo dài tha thướt của các
cô nữ sinh như khêu vũ trên thảm cỏ xanh và cũng rất đặc biệt trên bờ đê nầy
thường có một loài hoa dại vẫn thường trổ vào dịp cuối năm, hoa mang tên rất
bình dân: Hoa Tép Mở, lá cây hơi nhám,to cở lá muồng, hoa kết từng chùm, mới nở
hoa có màu xanh lá mạ, to hơn hoa điên điển mà bé hơn hoa so đũa, một thời gian
sau ngã sang màu vàng của mở heo vừa thắng mới xong, cắt hoa chưng bình hoa tươi
được mấy tháng, nhiều nhà bình dân vẫn dùng hoa nầy để chưng tết, sau nầy lớn
lên tôi không còn thấy loài hoa nầy mọc trên đê nữa. Cũng trên khoảng bờ đê
nầy, thuở nhỏ tôi thường hay ngồi trước trụ xi măn cổng nhà Ông Huyện Đạt để
xem tập lính, có khoảng hai trung đội tân binh tập ắc ê ở đây, dân gọi là lính
gạc ( lính gác các dinh thự) Tôi còn nhớ có hai huấn luyện viên, một mang Cai
và một mang Đội, Thầy Đội gương mặt sáng sủa trông hiền lành, ít rầy phạt lính,
Thầy Cai gương mặt khắc khổ, rất thường hằm hè quát tháo rầy la lính, thầy Cai
tôi không nhớ tên, còn thầy Đội là Chú Sáu Hải , con Ông Bộ Giáp, nhà giáp ranh
nhà ông Thôn Khoa, đối diện nhà Cô Hai Mạo, trước ngày sập tiệm chú Hải mang
cấp Thiếu tá, những lúc tình hình biến động, có một hai tiểu đội lính nằm chốt
ở nhà Ông Thân Bính( có lẽ là lính gạc, lính bảo An dưới quyền chỉ huy của
Trung úy Ngô văn Thi, Lúc tôi thi mãn khóa ở Quang Trung, Thiếu tá Ngô văn Thi
từ trường Thủ Đức xuống làm chánh chủ khảo môn Vũ Khí), lại có một lần thời đệ
nhất Cộng Hòa, một lô cốt xây bằng gạch được xây trước nhà Ông Cả Thuận, lô cốt
nầy làm cho con đường buổi tối thêm phần lạnh lẽo, lô cốt được dựng lên trên
một vị trí không thích hợp nên mấy tuần sau được dời xuống phía sau nhà Ông
Thôn Khoa trên đầu nghĩa trang.
Cũng
trên con kênh nầy, đã có một vài sự việc xảy ra đáng ghi nhớ.Thời Gò Công còn ở
cấp quận thuộc tỉnh Định Tường( Tỉnh trưởng là Thiếu Tá Lâm Quang Thơ) ngư dân
Vàm Láng đánh lưới bắt được một con trông giống như con vít hay con ba ba, rất
lớn, trực kính khoảng hai thước, đầu to cở quả dừa, chính quyền địa phương cho
thả con Vít xuống hồ tắm cho dân chúng xem, tôi còn nhớ con vít lội liên tục
quanh hồ, trông rất hiền lành, bơi khá nhanh nhờ cặp vi quạt nước khá dài, Vít
không ăn chi cả, dù đã thử thả rau cải, vịt con.Vít cứ thong thả bơi quanh hồ,
đầu chạm vào bờ đá cẩn hồ bị rách da tươm máu, có nhiều thanh niên dạn dĩ đã
bơi theo vít, có người lại trèo lên lưng Vít để cỡi, Vít cũng không phản đối,
được mấy hôm, chính quyền cho dời Vít sang hồ cá trước trường Bà, góc hướng
cạnh đông bắc( gần dinh Ông Phó) đóng cột che thiếc lại thành một hình vuông,
định bán vé thu tiền khách hiếu kỳ, công trình đang dở dang thì Vít chết, lúc
Vít chết khiêng lên bờ tôi có lại xem, xác Vít được lật ngữa lên, người lớn chỉ
chỏ mấy nét lằn ngoằn dưới bụng Vít bảo là mấy chữ Hớn, dư luận cho rằng Vít là
thần là thánh nên không muốn dính liếu vào tiền bạc, thân xác nầy đâu phải là
món đồ chơi mà làm trò vui cho thiên hạ, Vít từ giã cõi đời ô trọc để về cõi
vĩnh hằng…
Cũng
trên hồ tắm nầy, thời Trung Đoàn 12 thuộc Sư Đoàn 7 còn đóng tại nhà thương cao
cẳng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ giữ chức Trung Đoàn Trưởng, đến mùa Giáng Sinh hồ
trở nên rực rỡ, bởi Ông cho lính làm một hang đá nổi trên mặt nước, bè nổi to
cở 1/5 mặt hồ, mấy cây liểu phía sau cầu nhày, được kết đèn giặng sao thật to,
không khí Gò Công trở nên nhộn nhịp trong những ngày mừng Chúa( Ông Duệ lại là
một Phật Tử)
Những
đêm tối thứ bảy, con đường cặp bờ kinh rộn rã bước chân người đi, bởi thường
cuối tuần nào cũng vậy, nếu phòng thông tin không chiếu phim thì Tiểu Đoàn 518,
thuở đó tiểu đoàn đóng trước nhà thương, trong sân nhà bác Năm Chì,Tiểu đoàn
trưởng lúc bấy giờ là Đại úy Đổ văn Tâm sau nầy Ông Tâm về bộ chỉ huy chiến
dịch Hòang Diệu của Trung tá Dương văn Minh, trong một đêm ngũ gần cầu Chữ y ,
phòng ngũ mở quạt máy sáng dậy đại úy Tâm chết tự hồi nào.( lúc đó Tiều Đòan
521 đóng tại Tăng Hòa) Tiểu đoàn có ban văn nghệ mà hai nghệ sĩ gây ấn tượng
sâu đậm với dân Gò Công là nghệ sĩ Phi Thoàn và Phúc Nguyên( Khi tôi vào lính
Phi Thoàn mang cấp Trung Sĩ nhất trong Biệt Đoàn văn Nghệ Trung Ương).
Cũng
trên con đường Cầu Huyện nầy đã từng in bước biết bao nhiêu là người đẹp, theo
thứ tự thời gian tôi được biết: Mai Kim Liên, Mai Kim Lan.Nguyễn thị Hồng Hạnh,
Võ thị Hồng Sương, Nguyễn Thị Lang,Phùng thị Mười, Chị em Lệ Hoa Lệ Hường, Bùi
Oanh Yến, Chị em Bạch Cúc Bạch Mai Bạch Lan., Ngô thị Oanh, Huỳnh thị Phương,
chị em Nhung Hồng, Võ thị Phích, chị em Thu Cúc Thu Hường, và còn nhiều nhiều
người đẹp khác mà tôi không biết tên, dưới con mắt tôi( năm tôi học đệ nhất)có
lẽ Thu Hường là cô bé thùy mị và duyên dáng nhất.Mỹ nhân tự cổ…với thời gian,
những người đẹp mà tôi kể tên bây giờ gặp lại trông chắc ngộ lắm, còn mấy người
giữ được nét đẹp ngày xưa?, tôi chỉ tưởng tượng, răng cỏ thì đơn giản, miệng
nói đả đớt ngồi ôm cháu nội, ngọai nựng nịu, hay khi trái gió trở trời kéo vạt
áo lau mũi mặc kệ vú thò ra…Cũng cầu mong cho tôi đừng gặp lại để hình bóng mỹ
nhân vẫn tồn tại trong bộ nhớ của tôi,
Thịnh
rồi suy, không có gì trường tồn mãi trong cõi đời nầy, trong bước đời tôi, tôi
luôn gặp cảnh tái ông thất mã, lận đận khoa trường tôi vào lính, gia đình tôi
có nhiều đời sống bằng nghề dạy học, chẳng có quen ai trong quân đội, tôi ra
trường được chọn về ngành Chiến Tranh Chính Trị, đóng cạnh đài phát thanh quân
đội, bà con quen biết khen nhà có phước, giặc cờ đỏ cưỡng chiếm miền Nam, tôi
vào tù từ Nam ra Bắc, gỡ hơn tám cuốn lịch, bà con lại cho tôi có số rủi,từ tù
về sống dưới chế độ Cộng sản, nhìn thấy người dân, bạn bè lần lượt vượt biên,
người tới được miền đất hứa, gửi tiền về nuôi người ở lại ấm no, có nhiều gia
đình được tin thân nhân bỏ xác trên biển Đông mà không dám khóc vì sợ Công
An.Chương trình H.O ra đời, chỉ cứu xét trường hợp ở tù CS trên 3 năm, thế là
tôi chính thức đi Mỵ bằng phi cơ, khỏi phải tốn tiền đi chui, khỏi lo đem thân
nuôi cá…bà con trong họ lại nói tôi có phước.
Tôi
viết lại những dòng trên đây là vì lòng tôi nhớ quá, ngôi nhà của tôi nằm trong
xóm Cầu Huyện, trong ngôi nhà đó bây giờ chỉ còn hai chị của tôi, hủ hỉ sống
tuổi già bên nhau.ba tôi bỏ cuộc đời ngày tôi còn ở trại tù Hà Tây, mẹ tôi cũng
vừa mới theo ba tôi trong những ngày cuối thế kỷ 20.Những người thương tôi đã
lần lượt ra đi, chỉ còn lại có hai chị, đã săn sóc tôi từ những ngày còn thơ
bé, lo lắng cho tôi trong những ngày đi lính, tiếp tế thăm nuôi tôi trong suốt
hơn tám năm tù, nuôi dưỡng tôi trong ngày tháng sau tù…Bây giờ ngồi đây viết
lại những dòng chữ nầy với niềm ước mơ nhỏ nhoi sẽ được về thăm lại ngôi nhà
xưa, thăm lại những người thân, tôi tưởng tượng, đôi mắt của Ba của Mẹ tôi
trong ảnh trên bàn thờ chắc sẽ lóe sáng lên niềm vui mừng rỡ…tôi nhìn lại con
đường và những ngôi nhà kỷ niệm với chòm xóm cũ, người còn sống thân quen chắc
chẳng còn được bao nhiêu, thế hệ trẻ sẽ nhìn tôi như một người xa lạ, cây trụ
đèn mà ngày xưa Ông Quản Phát đụng gãy nay cũng không còn vết tích…Một niềm an
ủi là tôi còn biết rõ thân thế tôi…
Cái
gì qua rồi mới thấy tiếc
Viết tại Kỳ Đà Dộng những ngày
cuối thu…
Thủylanvy
|