Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 134 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Jul/2021 lúc 8:07am

Người lính Cứu Hỏa tí hon

 BM

Tại thành phố Calgary, Bang Alberta, CANADA, một người mẹ trẻ 26 tuổi đau khổ nhìn đứa con trai mới 6 tuổi, thật dễ thương và cũng rất tội nghiệp đang chết lần mòn vì chứng bệnh ung thư máu ở giai đoạn cuối cùng. Trên cõi đời này, chắc không có danh từ nào đau thương ngậm ngùi cho bằng hai chữ “cuối cùng”.

 

Mặc dù  tâm tư rối bời tan nát nhưng người phụ nữ trẻ vẫn quyết tâm phải làm một cái gì đó cho đứa con bất hạnh của nàng trước khi cháu ra đi. Như muôn ngàn cha mẹ khác, nàng mong con mình lớn lên và thành đạt những ước vọng trong đời nhưng giờ đây thì mơ ước kia đã tan thành mây khói vì chứng bệnh ung thư oan nghiệt. Tuy thế nàng vẫn muốn cho giấc mơ của con mình thành sự thực. 

 

Cầm lấy tay con, nàng âu yếm hỏi:

 

- Billy, có bao giờ con mơ ước và mong muốn khi lớn lên con sẽ làm gì hay không?


BM


- Mẹ ơi! Con luôn ôm mộng trở thành người lính cứu hỏa.

 

Người mẹ trẻ nhìn con mỉm cười:

 

- Được rồi con. Hy vọng chúng ta có thể làm cho mơ ước của con thành sự thật.

 

Ngay sau đó, nàng tới sở cứu hỏa địa phương gần nhà ở Calgary để gặp chàng lính cứu hỏa Bob, người có trái tim bao la như Bang Alberta, CANADA. Nàng trình bày ước muốn cuối cùng của con trai mình và hy vọng là Billy sẽ được ngồi trên xe cứu hỏa đi một vòng thành phố.


Bob trả lời ngay:


BM


- Được chứ! Chúng tôi sẽ làm hơn thế nữa. Vậy bà cứ chuẩn bị cho cháu nó sẵn sáng lúc 7:00 giờ sáng Thứ Tư, chúng tôi sẽ giúp cháu trở thành người lính cứu hỏa danh dự trong suốt một ngày. Cháu sẽ sinh hoạt trong trạm cứu hỏa, ăn uống chung với chúng tôi, đi công tác khi có kêu gọi cấp cứu. Ngoài ra, nếu bà cho chúng tôi biết kích thước của cháu, chúng tôi sẽ may cho cháu một bộ đồng phục lính cứu hỏa thực sự với nón đồng có huy hiệu Sở Cứu Hỏa Calgary, cộng thêm những sọc vàng chói trên đồng phục và đôi giày cao su. Hãng sản xuất đồ trang bị cũng gần đây để chúng tôi kịp đặt hàng.

 

Ba ngày sau, Bob đến đón Billy, trang phục đầy đủ cho cậu và hộ tống cậu từ nhà thương ra tới xe cứu hỏa ngay chỗ khóa cài và thang leo.

 

Billy ngồi đàng sau và phụ điều khiển xe về trạm cứu hỏa. Trong ngày đó có ba lần gọi cấp cứu và cậu đều được tháp tùng trong cả ba. Cậu ngồi trên xe cứu hỏa, xe hồng thập tự và cả xe của sếp cứu hỏa. Cậu còn được thâu hình trên Bản Tin Địa Phương.


BM


Mơ ước đã thành hiện thực với tất cả tình yêu thương và sự ân cần của những người chung quanh đã như ánh hào quang soi sáng làm cậu sung sướng xúc động tới độ đã kéo dài cuộc sống thêm 3 tháng, hơn sự dự liệu của tất cả các bác sĩ.


Nhưng con người không ai vượt qua được định mệnh, một đêm buồn nọ, Billy bắt đầu hấp hối và bà y tá trưởng, người luôn tin tưởng theo ý niệm là tại lúc vĩnh biệt, không một ai đáng chết trong cô đơn nên bà bắt đầu gọi thân nhân cậu bé xấu số vào nhà thương gấp. Sau đó bà sực nhớ lại cái ngày mà Billy sống trọn vẹn vai trò người lính cứu hỏa nên bà vội vả gọi Giám đốc Sở Cứu Hỏa hỏi xem họ có thể gởi ngay một nhân viên trong đồng phục tới nhà thương với Billy trong khi cậu đang hấp hối. Vị giám đốc trả lời ngay:


- Chúng tôi sẽ làm tốt hơn thế nữa. Chúng tôi sẽ có mặt tại nhà thương trong vòng năm phút. Nhưng xin bà giúp chúng tôi một việc. Đó là khi bà nghe tiếng còi hụ và đèn chớp thì xin bà thông báo trên hệ thống phóng thanh là không có cháy nhà gì hết. Đó chỉ là sở cứu hỏa tới gặp một trong những nhân viên tuyệt vời nhất một lần cuối cùng nữa thôi. Và cũng xin bà mở rộng cửa sổ căn phòng của Billy.


https://baomai.blogspot.com/


Độ năm phút sau, một chiếc xe cứu hỏa trang bị khóa cài thang leo tới nhà thương và cầu thang được bắt lên một cánh cửa sổ đang mở rộng trên lầu 3. Rồi thì 16 lính cứu hỏa lần lượt leo lên thang vào phòng của Billy. Với sự đồng ý của mẹ cậu, họ lần lượt ôm cậu vào lòng thật lâu trong ngậm ngùi và nói với cậu rằng họ yêu thương cậu vô vàn.

 

Qua hơi thở hấp hối, Billy mệt mỏi nhìn vị giám đốc nói:

 

- Thưa ông giám đốc! Cháu đã thực sự là người lính cứu hỏa rồi phải không?

 

Vị giám đốc dịu dàng trả lời:

 

- Đúng vậy Billy! Cháu quả là lính cứu hỏa và Chúa Giêsu đang cầm tay cháu đó.

 

 Nghe tới đây, Billy mỉm cười nói:


BM


- Cháu biết rồi. Ngài đã cầm tay cháu suốt ngày nay và có các thiên thần đang ca hát.


 Thế rồi Billy nhắm đôi mắt lại…một lần cuối cùng, mang hình ảnh người lính cứu hỏa tí hon đi về Miền Hoan Lạc…

 

 BM



 

Nguyễn Trân

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jul/2021 lúc 7:45am


TÌNH CHA





Nghe tin con dâu sinh được đứa con trai đầu lòng anh Tư chạy một mạch từ Thủ Đức về Saigon sẵn ghé Bệnh viện Từ Dũ luôn .Vì vui mừng quá nên anh vẫn để nguyên bộ đồ có dòng chữ Grab phía sau lưng chạy thẳng tới bệnh viện. Gởi xe xong rồi anh đọc tin nhắn của thằng con tìm số phòng con dâu mới sinh.

Vừa bước vào phòng thì đã thấy anh chị sui gia nhà gái đến đó tự bao giờ. Thấy anh sui trai bước vào anh sui gái đứng dậy định bắt tay nhưng thấy bộ dạng anh sui trai không được sạch sẽ cho lắm cho nên hơi khựng lại. Anh Tư thấy vậy vội lau bàn tay vô chiếc áo gió rồi chìa ra bắt tay anh sui gái. Ông kia thấy bộ dạng anh Tư như thế nên ngó lơ, anh Tư rút tay lại lòng thấy buồn rười rượi. Vài câu hỏi bâng quơ để phá tan bầu không khí yên tĩnh:

- Thưa chị sui cháu sinh hồi mấy giờ vậy chị ?

- Dạ hồi khuya đó anh sui , mà sao giờ này không thấy thằng Toàn đâu anh?

- Dạ chắc cháu trên đường tới , nó mới nhắn tin là tôi tới ngay đó chị.

- À sẵn có anh sui ở đây , vợ chồng tôi xin cho con gái và cháu tôi được về nhà nghỉ dưỡng để tôi chăm sóc cháu .

- Dạ được vậy thì tốt quá. Tôi cám ơn anh chị sui nhiều lắm .

- À mà đầy tháng nếu anh rảnh thì ghé nhà tôi dự tiệc .

- Dạ để tôi sấp xếp đến dự với anh chị

- Lẽ ra thì đầy tháng phải tổ chức bên nhà anh nhưng mà bên đó chật chội quá nên thôi qua nhà bên tôi làm rộng rãi hơn.

Nãy giờ anh sui gái im lặng bây giờ mới lên tiếng :

- Anh sui à , chuyện sau này học hành hay ăn ở của cháu anh cứ để bên tôi lo.

- Dạ anh nói sao thì tôi nghe vậy nhưng mà cũng phải để chúng tôi lo một chút phụ anh .

- Không cần đâu , tôi sẽ mua cho nó cây đàn Piano để nó học sau này đỡ cực tấm thân .

Anh Tư nghe nói chạnh lòng nhìn lại bộ dạng mình thì tủi thân nên im lặng, không biết là anh sui gái nói có ý gì , đúng lúc thằng con anh bước vào. Nó gật đầu chào cha mẹ vợ rồi nắm tay anh Tư kéo ra ngoài cửa :

- Trời ơi sao ba không thay đồ ?

- Bị vì ba mừng quá đó con , ba biết rồi thôi con vô thăm vợ con đi .

Thằng con anh bước vô mà mặt mày bí xị không được vui , anh Tư thấy vậy nên cáo từ :

- Thôi xin phép anh chị sui tôi về đây , vô thăm thấy con dâu và cháu nội được mẹ tròn con vuông là tôi mừng lắm rồi.

Nói xong anh Tư bước ra mà không ai đưa tiễn , thằng con anh lo ôm đứa con nựng nịu không ngó ngàng gì tới anh , lòng anh buồn không thể tả .Đôi mắt đỏ hoe , nước mắt lưng tròng anh cảm thấy bị xúc phạm. Nghèo là một cái tội sao ?

Nghe tiếng khóc của đứa bé sinh linh bé bỏng thằng con anh ôm nó vào lòng hôn hít hôn để , lúc đó cái cảm giác tình phụ tử thiêng liêng trỗi dậy , nó nghĩ ngay đến cha nó hồi nãy lầm lũi chào mọi người ra về mà không ai đưa tiễn nó cảm thấy có lỗi, nó đưa con cho vợ rồi tất tả chạy ra ngoài.

Tại bãi gởi xe khi anh Tư vừa dắt xe ra khỏi cổng thì thằng con anh từ trong bệnh viện chạy ra ôm chầm lấy anh giọng nghẹn ngào :

- Con xin lỗi ba ...con sai rồi ...con hứa sẽ đưa vợ con về nhà mình ba ạ !!!

Hai cha con ôm nhau giữa trời nắng chan chan ngoài sân bệnh viện.


Đinh Văn Sơn
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Jul/2021 lúc 12:57pm

Tình Yêu Đích Thực


Tình%20yêu%20đích%20thực%20là%20gì?%20Chỉ%20cần%20xem%20video.%20Âm%20nhạc%20dễ%20chịu.%20Yêu%20bài%20thánh%20%20ca%20-%20YouTube

Cô không ngờ mình lại gặp một người mẹ chồng dễ sợ như vậy, từ khi kết hôn bà chưa từng xem trọng cô, ngày nào cũng nói những lời khó nghe. Cô chỉ biết khóc.

Người khác khuyên cô rằng  mẹ chồng cô về hưu rảnh rỗi không có việc gì làm, cô cứ sinh một thằng bé kháu khỉnh, bà ấy trông cháu thì sẽ không phàn nàn cô nữa.

Mẹ chồng gây áp lực cho cô, bà cứ luôn hỏi cô khi nào thì sinh cháu, kết hôn đã mấy năm rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì cả. Mẹ chồng còn nói những câu khó nghe hơn: “Nuôi con gà còn có thể đẻ trứng, lấy một cô vợ về mà chẳng chịu sinh cháu, thế thì thà nuôi một con gà mái còn hơn”.

Chồng cô khuyên mẹ mình: “Mẹ, mẹ nói gì vậy ạ, bọn con bận công việc, tạm thời chưa muốn sinh con”.

Bà mẹ lại nói: “Đã 30 tuổi đầu rồi còn bận đến khi nào đây!”

Thật ra không phải là hai vợ chồng cô không muốn sinh con, họ rất muốn có con, nhưng không biết vì sao mãi mà cô vẫn chưa mang thai. Nay đã qua 30 tuổi rồi, không thể dùng lý do bận công việc không muốn sinh con nữa.

Mẹ chồng cô nói: “Đến bệnh viện nào lớn mà khám đi, khéo lại bị bệnh gì đấy!”

Bà không nói là nghi ngờ ai có bệnh, nhưng cô biết chắc chắn là đang nghi ngờ cô. Cô cũng có hơi nghi ngờ bản thân mình có bệnh gì đó, chồng cô khỏe mạnh như thế, không có vẻ gì là có bệnh cả.

Kết quả kiểm tra ngoài dự kiến, thì ra là do anh bị bệnh. Khi biết được điều này, cô đã gào khóc lớn, rất nhiều năm qua, cô đã chịu biết bao nhiêu tủi nhục, cô oán giận đánh vào lưng anh:“Đều là tại anh, mẹ anh còn mắng tôi, lời gì khó nghe cũng đều nói ra hết cả!”

Anh lặng lẽ rơi nước mắt, không nói câu nào.

Về đến nhà, cô đẩy cửa vào nhà trước, mẹ chồng nói: “Sao lại khóc lóc thế kia? Ai nợ cô tiền hả? Ôi dào, tôi hiểu rồi, khám ra là cô có bệnh rồi chứ gì?”

Bình thường vì nghi ngờ việc không có con là do mình nên cô thấy tự ti trước mặt mẹ chồng, khi bà nói những lời khó nghe, cô chưa từng dám đáp trả, nhưng lần này cô lại hét lớn: “Ai có bệnh chứ, có mẹ bị bệnh ấy!”. Nói xong cô đẩy cửa đi vào phòng ngủ.

Mẹ chồng ngây ra, bà hỏi con trai vừa đi vào sau: “Chuyện gì đây?”

Anh nói: “Mẹ, có kết quả kiểm tra rồi, là do con ạ”.

Bà không tin, bắt anh phải cho xem kết quả kiểm tra.

Anh nói: “Mẹ xem cũng có hiểu gì đâu ạ”.

Bà lại nói: “Thì mẹ tìm người nào hiểu xem hộ!”

Anh nói: “Chuyện này có gì hay sao mà còn để cho người khác biết chứ ạ! Con xé và ném vào nhà vệ sinh ở bệnh viện rồi”.

Bà khóc lóc, nói dù phải tốn bao nhiêu tiền cũng phải chữa được.

Anh nói rằng bác sĩ đã nói rồi, bệnh này cả thế giới cũng không chữa được.

Thế nhưng bà mẹ không cam lòng, đi hỏi thăm những nơi chữa vô sinh bằng Đông y, rồi đi lấy thuốc, bắt anh uống những chén thuốc đắng nghét, vậy mà vợ anh vẫn chẳng có động tĩnh gì. Bà mẹ chồng cuối cùng cũng từ bỏ.

Có lần, cô nói với chồng mình muốn ly hôn. Anh không đồng ý và nói: “Anh bị bệnh này, sẽ không có ai chịu lấy anh cả, em nhẫn tâm bỏ anh như vậy sao, hay là chúng ta nhận con nuôi đi”.

Cô cũng nói với anh, cô yêu anh, nếu thật sự phải ly hôn, cô cũng không nỡ, đó chỉ là lời cô nói khi tức giận thôi. Họ nhận nuôi một bé trai, bà mẹ chồng rất cố gắng giúp họ trông con. Thái độ của mẹ chồng đối với cô cũng thay đổi 180 độ, mỗi ngày khi cô tan sở, mẹ chồng đều hỏi han, khi cô bị bệnh, bà bê trà rót nước.

Dần dần, cô không còn oán giận mẹ chồng nữa, con trai họ cũng rất thông minh, ngoan ngoãn, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Đôi khi cô nghĩ như thế này cũng rất tốt, nếu chồng cô không bị vô sinh, mẹ chồng chắc hẳn vẫn còn khó chịu với cô như ban đầu. Nếu vậy thì cô sẽ rất khó lựa chọn, ly hôn thì cô không nỡ, không ly hôn thì cô không chịu nổi tính khí của mẹ chồng.

Đã nhiều năm trôi qua, con trai họ đã lên đại học, mẹ chồng cũng đã qua đời rồi. Một ngày nọ, cô dọn dẹp tủ và phát hiện những tờ kết quả kiểm tra đã ố vàng trong một tập hồ sơ cũ, cô mở ra xem, mặt biến sắc, cô lập tức cầm đi hỏi chồng.

Anh nói:“Đúng vậy, anh đã nói dối, khi đó kết quả là em bị bệnh”.

Cô kinh ngạc hỏi anh tại sao lại làm như vậy.

Anh nói: “Em thể hiện thái độ tự tin trước mặt mẹ anh là vì em cho rằng người bị vô sinh là anh, nếu anh nói sự thật với em thì em sẽ không còn mặt mũi nào nữa, mẹ anh là người thông minh, bà sẽ nhìn ra được. Anh uống những chén thuốc đắng nghét đó là để giả vờ người bị bệnh thật sự là anh!”.

Thì ra là vậy! Cô ôm chầm lấy anh, không nói nên lời, nước mắt cô tuôn rơi như mưa…

Yêu không phải chỉ là những gì nói ra ngoài miệng, tình yêu hy sinh thầm lặng mới là tình yêu đích thực!


Thanh Trúc biên dịch



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Jul/2021 lúc 1:06pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Jul/2021 lúc 11:45am

  Người đi tìm “bụi đỏ”










Cũng như nhiều người, tôi mê tình khúc Ngày xưa Hoàng thị do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của Phạm Thiên Thư từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường trung học ở miền Nam trước 1975. Và cùng với những bản tình ca Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu, Em lễ chùa này, Ngày xưa Hoàng thị... thơ Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc đã trở thành một sự cộng hưởng nghệ thuật lạ lùng ở miền Nam trong thập niên bảy mươi. Sự cộng hưởng nhiệm mầu ấy không chỉ là sự hoà hợp diệu kỳ của cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc mà còn ở sự chiếm lĩnh thế giới tâm linh của bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Lời thơ ấy, âm nhạc ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi với biết bao người trong cuộc đời mà nhiều khi chỉ một dấu chân bé nhỏ của ai đó thuở nào cũng hằn sâu trong tâm thức để rồi suốt đời tìm kiếm mỗi khi nhớ về những buổi “tan trường”

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng...
(Ngày xưa Hoàng thị)
Thật vậy, tình yêu bao giờ cũng chứa trong nó sự huyền diệu của khát vọng kiếm tìm. Cái đẹp của tình yêu vì thế cũng là cái đẹp của sự đam mê khám phá và tìm kiếm. Phạm Thiên Thư cũng thế!? Ông cũng đã yêu, đã sống, đã hạnh phúc và khổ đau giữa cõi đời và cõi yêu. Vì thế tình yêu trong thơ ông bao giờ cũng gắn với những hoài niệm nhiều khi rất cụ thể. Đó là một chùm hoa “ép từ hạ cũ”, là một “đường mưa nho nhỏ” ngày em tan trường, là “Chúng mình ngày nọ / ngó mây lang thang”, là “con đường sầu đông / em đi guốc tía”, là “em nhớ gì không / cái chiều hạ nọ”... Chính những kỷ niệm tưởng như bình thường mà rất thiêng liêng này là nguyên nhân tạo nên nỗi khát vọng kiếm tìm trong tâm hồn thi sĩ.

Tình yêu bao giờ cũng dệt bằng kỷ niệm. Kỷ niệm là phép màu tạo nên sự bất tử của tình yêu. Thế nên, khi yêu nhau người ta yêu bằng kỷ niệm và lúc xa nhau người ta cũng nhớ nhau qua kỷ niệm. Vì vậy, sự tìm kiếm trong tình yêu cũng là sự kiếm tìm thế giới của kỷ niệm, của nhớ mong. Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là tình yêu của sự kiếm tìm kỷ niệm với những nỗi nhớ mong nhiều khi đến nao lòng

Rồi em về đâu
Nhớ chi con cầu
Riêng ta ngồi mãi
Dưới tàng hoa ngâu
(Qua cầu)
“Rồi em về đâu”, một câu hỏi như một lời tự vấn. Đó cũng là nỗi xót xa khi nhận ra sự hiện hữu của tình yêu ngày nào chỉ còn là những giấc mơ trong hoài niệm của bến bờ hư tưởng

Bây giờ hoa cũ
Rụng hoài trong mơ
(Giàn mơ)
Tình yêu luôn đồng hành với nỗi nhớ. Và nỗi nhớ bao giờ cũng chứa trong đó những chiêm bao nên sự kiếm tìm trong tình yêu cũng chính là sự kiếm tìm những giấc chiêm bao diệu kỳ mà Tế Hanh có lần đã thảng thốt, bàng hoàng:

Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua
(Chiêm bao - Tế Hanh)
Phải chăng khi sự hiện hữu của tình yêu chỉ còn là những hoài niệm thì con người cũng chỉ biết tìm tình yêu trong mộng mị vô thường. Cứ thế, thực và mộng, nhớ và quên, hạnh phúc và khổ đau, mãi vận chuyển như kiếp luân hồi.

Đợi em dài một luân hồi
Thêm vài giờ nữa mình ngồi có sao
Đợi em như đợi chiêm bao
Biết đâu chiêm mộng có vào đêm nay
(Đợi chờ)
Chính vì vậy, bước vào cõi yêu trong thơ Phạm Thiên Thư, ta luôn bắt gặp nỗi ám ảnh của một con người đi tìm “bụi đỏ” mà ai đó đã vô tình mang đi. “Bụi đỏ” chính là dấu tích của tình yêu đã xa mờ trong quá vãng. Nhưng cũng là hạt bụi của phận người trong cõi phù sinh mà một thi sĩ đồng thời là một tu sĩ Phật giáo như Phạm Thiên Thư đã cảm nhận từ trong vô thức của mình.

Mốt mai em nhớ bao giờ
Bãi dâu vẫn mộ cho dù sắc không
(Động hoa vàng)
Vì Vậy, nỗi ám ảnh “bụi đỏ” đó không chỉ hiện hữu ở bài thơ Ngày xưa Hoàng thị mà còn bàng bạc trong nhiều bài thơ khác của Phạm Thiên Thư như một vết hằn trong tâm thức. Để rồi vết hằn ấy trở thành nỗi đau trong tâm cảm thi nhân.

Vì:

Thôi còn gì đâu
dặm trường bụi đỏ
(Tái ngộ)
Mặc dù vậy thi nhân vẫn yêu đến vô cùng hạt bụi ngày ấy, tuy giờ đã quá xa xăm với một tình yêu miên viễn, một tình yêu lặng lẽ, vô ưu và độ lượng. Một tình yêu mà ở đó không có những vụ lợi tầm thường, chỉ có tiếng gọi thổn thức từ trái tim lặng lẽ

Anh lặng nghe bằng tim
Thấm từ lời mật đó
Anh thành con còng nhỏ
yêu hạt bụi vô cùng
(Giọt mật)
Thơ tình của Phạm Thiên Thư là thơ được dệt thành từ những mộng mị vô thường. Nói như Joseph Huỳnh Văn: “Có phải những ngày sầu đưa, những sắc vàng nhạt, những động hoa vàng là cõi thơ của Phạm Thiên Thư? Xa thì từ muôn thuở, muôn nơi, mà gần thì ở chính ngay lòng thi sĩ; cho nên tuy thân thiết, lời thơ vẫn mang cái vẻ ngậm ngùi xa vắng’’. Bởi, cái khát vọng trong tình yêu của thi nhân thật giản dị, chân thành và trong sáng đến hồn nhiên như một giấc mơ.

Bây giờ ta đã gặp nhau
Thì xin đừng để nghìn sau ngậm ngùi
(Chiêm bao)
Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã để cho Kim - Kiều thốt lên một điều dự cảm mà mỗi khi đọc lên ta luôn thấy se lòng:

Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Có lẽ, chính vì sự dự cảm duyên phận bẽ bàng ấy mà dẫu trải qua mười lăm năm lưu lạc truân chuyên, Kiều vẫn không quên Kim Trọng. Và chàng Kim dù sống an phận với Thuý Vân vẫn không nguôi thương nhớ Kiều, vẫn mãi đi tìm cho được người tình ngày ấy của mình.

Phải chăng khát vọng kiếm tìm là một yếu tính của tình yêu. Và khi nào còn khát vọng tìm kiếm thì tình yêu vẫn còn nguyên giá trị; vẫn mãi mãi là một tiếng gọi thao thiết trong cõi tâm linh của mỗi con người. Đó cũng là điều ta bắt gặp trong thơ Phạm Thiên Thư, một con người suốt đời đi tìm “bụi đỏ” khiến chúng ta không khỏi thấy se lòng. Để rồi cũng như thi nhân ta cứ mãi:

Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời.
Tình ơi!... Tình ơi!...
(Ngày xưa Hoàng thị)


Trần Hoài Anh
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Jul/2021 lúc 3:23pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Jul/2021 lúc 11:35am

"Đáo Bỉ Ngạn"


Người khách cuối ngày vẫn chưa chịu về dù ông đã từ chối cuộc viếng thăm bằng im lặng. Hắn tới "xin ý kiến anh" nhưng thật ra để thăm dò ông còn bao lâu mới chết. Mặt hắn phủ đầy bóng mây buồn bã nhưng không che giấu được tia nắng nhảy nhót trong đáy mắt khi sắp được thay ông làm giám đốc.

- Mẹ thằng Nhất! 
Ông gọi vợ bằng cái giọng của đứa trẻ buồn ị gọi mẹ khiến hắn phải ngừng lải nhải, lải nhải, đứng dậy:
- Em về! Gắng anh nhé!
Vợ ông tất tả lấy bô nhưng ông mệt nhọc khoát tay bảo đừng và nhắm mắt lại.

Lượng khách đến thăm ông giảm dần theo thời gian. Ban đầu đông như hội. Sau lác đác. Có người ông tiếp bằng nụ cười héo hắt. Có người ông nhắm mắt lại. Ông nói ít, hầu như chỉ trả lời có - không. Cái nhìn trống rỗng. Bước chân ai ra cửa cũng nhẹ nhõm vì không phải mình sắp chết. Ngay cả bà vợ tận tụy của ông giờ cũng đã quen với chuyện ông sắp ra đi, và những đứa con đến thăm đã hồn nhiên nói cười như thể việc ấy chẳng can dự gì đến cuộc sống chúng nó.

Khi mở mắt ra, ông bực mình thấy một vị khách ngồi trên chiếc ghế bên giường. Lão ta trông lạ hoắc, vào khi nào không hay.
- Mẹ thằng Nhất!
- Gì thế mình? 
- Mời khách ra!
- Có ai đâu? - Bà ngạc nhiên.
- Đui à? 
- Có ai đâu? - Bà lặp lại.
Lão ta vẫn ngồi trên ghế, giương mắt nhìn ông. Một gương mặt lạ lẫm, không gian hoạt, đớn hèn khúm núm hay vênh vang tự đắc như những khuôn mặt ông thường gặp mà bình lặng đến phẳng lì.
- Ông là ai?
Im lặng.
Kẻ im lặng là kẻ yếu hoặc mạnh.
Vợ ông hoảng hốt khi thấy ông không bình thường. 
- Mình nói với ai thế? 
- Không có ai trong phòng thật sao? 
- Thật.
Ông quay mặt vào tường. Một luồng khí lạnh phả ra làm lưng ông lạnh buốt. Ông quay ra. Lão vẫn ngồi đó .
 - Ông là ai? - Ông hoảng hốt.
- Bạn.
- Tôi không biết ông.
- Ta đồng hành với ngươi từ khi sinh ra. Có khi gần đến nỗi giơ tay là chạm...                                                       
- Ông là...?
- Không dám gọi tên ta ư? Có khởi đầu là có kết thúc. Không kết thúc mới là bi kịch. Mọi người sinh ra để biết nỗi kinh hoàng khốc liệt này - ai cũng phải chết. Chịu khó thôi!

Lão quét cái nhìn lạnh như nước đá lên người ông khiến ông đông cứng trong sợ hãi. Vẫn biết cái chết sẽ ập đến với mọi cuộc đời nhưng khi người khác chết, điều ấy ở ngoài ông, mơ hồ xa xôi. Giờ đến lượt ta - ông nhắm mắt lại.

Khi mở mắt, ông vẫn còn sống mà lão đã đi. Ghế trống trơn. Ông không nhìn thấy gương mặt trơ lì cảm xúc của lão nữa. Nhưng thấy nó - cơn đau lì lợm, dai dẳng, quen thuộc. Nó đang thong thả dạo bước trong xương thịt ông. Giữa nó và lão, ai dễ chịu hơn?

***

- Đêm bà có nghe thấy gì không?
- Thỉnh thoảng ông rên.
- Tôi mơ chuột gặm ngón chân mình và giọng ai đó hát đều đều bên tai.
- Hát gì?
- Một bài vè tôi nghe ở Đồng Tháp mấy mươi năm trước: "Cái đồ gặm nhấm. Cắn hủy cắn hoài. Mặt dạn mày dày. Cắn hoài cắn hủy...".
- Tại tâm ông bất an đó thôi!

Giấc ngủ ông giờ cũng bệnh, đầy ác mộng. Chân dài thơm phức, ngực vun như núi hễ kéo vào lòng là da thịt nõn nường mọc lông mọc lá. Sơn hào hải vị hễ bỏ vào mồm biến thành đất cát. Những tòa nhà lẩy bẩy như âm binh không đủ ngày tháng đổ ập xuống người ông... Không ngủ, càng khổ. Tiếng chuông gọi hồn của lão cứ rõ mồn một dọc hành lang bệnh viện. Gọi ai hôm nay. Gọi ai ngày mai?

Giờ thì ông đã nhận ra lão qua những hồi chuông báo tử vọng từ xa thẳm. Có lúc chuông rung khi tiếng cười chưa dứt, cái chết xé gió mang hình nụ cười, không kịp đớn đau, kinh ngạc. Có khi cái chết đến từ mọi phía, dữ dằn gớm ghiếc, chuông gióng giả từng tràng át cả tiếng con chim sắt xé nát bầu trời, tiếng bom nổ, cây đổ, đất đá rào rào... Diện mạo cái chết khác nhau nhưng chuông gọi hồn bao giờ cũng thế. Mồn một và đĩnh đạc. Suốt ngày ông nghe văng vẳng tiếng chuông. Từ quá khứ vọng về. Hiện tại vọng đến. Nhét bông vào tai vẫn nghe.

- Tôi muốn về nhà - ông thều thào. 
Vợ ông chưng hửng. Rồi chiều. Vả lại, bệnh viện ung bướu trong nước và cả bệnh viện Thái Lan đều đã lắc đầu trước lá gan mục nát. Từ khi thấy lão, ông biết cuộc chiến đấu với thần chết đã vô vọng. Tiền và sự tiến bộ của khoa học vẫn không cản được bước chân lạnh lùng của lão. Về thôi!

Kẻ đón ông cuồng nhiệt đến ứa nước mắt ngay từ ngõ là con Vàng. Nó rên ư ử như giận dỗi vì sao ông đi lâu thế, rối rít chạy theo cáng, chui tọt xuống giường, đánh đuổi cũng không chịu ra.

Lão cũng có mặt. Áo choàng đen tối hơn huyệt mộ. Cái bị bắt hồn phồng to. 
"Người này thế mà đi trước ngươi!". Lão ngó người em họ hồng hào khỏe mạnh mới trên bốn mươi.
"Còn gã này cũng theo ngươi - vì nhậu!"- lão chỉ tay trưởng phòng kế hoạch vừa ló mặt.
Lão vuốt con Vàng bằng bàn tay xương xẩu khiến hắn như bị điện giật sủa ổng lên: "Không thể sống thiếu chủ!".

Căn phòng lạnh và tối hẳn khi có lão. Nắng vàng vọt. Gió lẩy bẩy. Nỗi sợ hãi làm tóc tai ông dựng đứng. Không, ông không muốn chết. Ông có trong tay mọi thứ - quyền lực, tiền bạc, những mảnh đất đẹp như mơ "ăn" từ các dự án, những em chân dài xinh như mộng...

"Ta đi rước năm thằng nhóc chán sống đèo nhau trên một xe. Sinh tử như hơi thở vào ra của vũ trụ nên lúc nào ta cũng có việc". Lão vụt ra như làn khói còn ông nhìn tay trưởng phòng kế hoạch đang nói huyên thuyên, hình dung hình hài béo tốt ấy rồi sẽ dán vào giường như mình. Cuối cùng lão chộp được tất. Có ai thoát đâu! Lão đến để kết thúc mọi cuộc đời, chỉ sớm hay muộn. Sợ cũng vô ích. Nhưng còn mẩu thời gian bé tẹo này, nó vẫn là của ông, không phải của lão. Ông sẽ mút nó như mút viên kẹo cuối cùng.  
Đúng là lão đã đi. Ông cảm thấy đỡ buốt giá. Nghe tiếng thở của con chó dưới gầm giường. Tiếng lá rơi ngoài cửa sổ. Có nhẹ nhàng không nhỉ lá ơi!
Xôn xao một đỗi rồi lặng im. Vợ ông đút cho ông vài muỗng sữa Ensure nhưng ông đẩy ra. 
- Tôi muốn ăn bánh nậm bà làm!
Người vợ ngẩn người vì kinh ngạc. Ở bệnh viện về mấy hôm nay ông không ăn được, chỉ uống sữa hoặc truyền dịch, làm sao ăn được bánh nậm? Cũng dễ đã trên hai mươi năm, ông không ăn món ruột của bà. Các món bánh lá, bánh canh ấy đã nuôi sống gia đình những năm khó khăn nhất rồi bị lãng quên không thương tiếc khi cuộc sống thay đổi. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Cứ cho ổng ăn, ông ngửi những gì ổng thích còn hơn sau này cúng ruồi.

Bà tất tả đi chợ mua lá, bột gạo, tôm tươi, chuẩn bị tỉ mỉ từng chút như để tặng ông món quà cuối cùng. Đích thân bà chấy tôm, làm chả, dáo bột, gói bánh, sống lại một quãng đời cũ, vừa làm vừa chặm nước mắt. Bà biết ông sắp ra đi. Những kẻ sắp chết thường rất lạ lùng.

Mùi bánh lá hấp chín nhẹ nhàng đưa vào tận phòng người bệnh khiến ông ứa nước bọt. Đã lâu lắm rồi mới ngửi lại mùi hương thanh đạm rưng rưng của quá khứ. Xa xăm như từ kiếp trước, tiếng rao lanh lảnh của bà dội vào tim ông: "Bánh canh, bánh lọc, bánh nậm nóng hổi đây...!".

Lúc ấy lão đến.
Lão tò mò nhìn chiếc mẹt tre mới toanh còn thơm mùi đồng nội. Trên mẹt để đĩa bánh lá sắp theo hình rẽ quạt, châu đầu vào quả ớt đỏ tỉa hoa. Đầu mỗi chiếc bánh đội một miếng chả tôm hồng nhạt cắt theo hình trăng khuyết trông như chiếc vương miện. Chén nước mắm vàng nhạt trong vắt điểm mấy lát ớt đỏ thắm. Đúng kiểu quà Huế, thanh đạm mà tinh tế. Bà đỡ ông ngồi tựa vào gối, mở lòng lá bánh nóng hôi hổi, xắn đút cho ông từng mẩu nhỏ như đút cho em bé. 
- Ăn cái cho biết! Không ai qua mặt bà ấy về món này - Ông buột miệng mời. 
- Mình nói với ai thế?
- Với tôi.
Lão nhón một miếng chả tôm hình trăng khuyết bỏ vào cái mồm tối thui không răng, say mê nhóp nhép.
Thấy lão ăn ngon lành, ông thều thào:
- Chả...
 Kệ, thích cứ chiều. Bác sĩ bảo không còn hy vọng nữa. Bà tự nhủ rồi xắn đút cho ông mẩu chả tôm nhỏ. Ông ngậm trong miệng nhưng mùi cuộc sống vẫn không đánh dạt vị ốm đau nhàn nhạt. Đắng nghét.
Lão vừa đi. Ông nôn thốc nôn tháo.

***

Ông đối mặt với cái chết đang nhích lại gần với vẻ tò mò. Ông từng chứng kiến nhiều cái chết - nóng hổi, tươi rói, dịu dàng, bạo liệt... Với ông, lão sẽ múa lưỡi hái như thế nào?
Một người bạn năm xưa tới thăm, khuyên ông tập thở bụng. Phình bụng hít vô. Thóp bụng thở ra. Gác mọi phiền não, chỉ kiểm soát hơi thở vào ra để biết mình đang sống. Khi cơn đau quen thuộc bên sườn trỗi dậy, lì lợm, bướng bỉnh, ông làm theo bạn, chuyên chú vào nhịp thở. Hớp một ngụm không khí, đẩy vào tận ngóc ngách, đối đầu với cái đau và có khi đánh dạt được cả nó. Đúng là gần chết mới biết thở. Gần chết mới nhận ra cái đẹp lạ lùng của trần gian mà mình sắp xa lìa. Cây bàng bên bờ tường đối diện cửa sổ phòng ông ở đấy từ lâu mà tâm hồn hoang mạc của ông có bao giờ nhìn thấy? Giờ nằm đợi chết mới có dịp ngắm. Sắc vàng nâu trầm tĩnh chuyển qua đỏ lộng lẫy như trút hết sinh lực đẹp lần cuối rồi nhẹ nhàng lìa cành để nhường cho chồi biếc, mầm non. Kết thúc cái này là để bắt đầu cái khác... Không kết thúc mới là bi kịch. Lão đã bảo thế.

Cái chết xâm chiếm ông từng ngày, nhưng cũng theo từng ngày, một mầm sống khác lại quẫy cựa, trồi lên. Dường như có một thằng bé chui ra từ hình hài mục ruỗng của ông, đái lên trái tim khô của ông làm nó ướt đẫm. Hắn dẫm lên tâm hồn băng giá của ông khiến băng tan chảy thành buồn thương, xấu hổ. Hắn nhìn mọi thứ bằng cặp mắt ngạc nhiên và lạ lẫm. Hắn nhảy nhót và hát: "Ta bị nhốt quá lâu. Trong tấm thân máu lộn mỡ. Trong cái đầu ma quái. Đầy mưu ma chước quỷ. Trời xanh trong thế này ư? Hoa đẹp thế này ư?...".

Ông khước từ mọi thăm viếng, quà cáp. Chiến đấu với đớn đau bằng sự dũng cảm và trầm tĩnh. Trên gương mặt in dấu thần chết, đôi mắt lại sống, da diết thiết tha. Sự bình thản của ông làm bầu không khí nặng nề của ốm đau chết chóc vơi nhẹ. Ngôi biệt thự mang dáng dấp một mái nhà bình yên. Không tiếng đóng sập cửa xe, tiếng giày nện quyền uy, tiếng quát tháo, tiếng thì thầm xin xỏ, biếu xén. Cổng đóng. Chuông điện tắt. Cây cỏ im lặng xanh. Con Vàng gần như túc trực trong phòng. Hơi thở của nó hòa với hơi thở người bệnh, và ông lắng nghe với sự thương cảm.

Gần chết ông mới hiểu tấm lòng của một con chó. Hắt hủi, quát tháo mà vẫn lăn xả vào thương. Gần chết mới biết dịu dàng với người vợ hiền tận tụy. Dịu dàng đến nỗi bà khóc một cách âm thầm. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Bà không còn nhận ra ông trong những ngày này. Ai đó đã nhập vào người chồng độc đoán của bà, người mà mỗi cái liếc mắt, quát tháo, ra lệnh đều thể hiện quyền lực tối thượng của một chủ nhân ông. Người đã chê bà già rồi, không xứng đầu ấp tay gối, không xứng cùng đi, không cùng chia sẻ... Người ấy hôm nay lại cầm tay bà, dịu dàng săm soi bàn tay đầy vết chai sần, lổm ngổm gân xanh. Cái nhìn day dứt, ấm áp...

- Sao bà không sai bọn nó, tự làm chi cho khổ?
- Người khác làm sao tôi yên tâm. Chỉ tôi mới thành thuộc những gì ông thích. 
- Bà có oán tôi không? 
- Tôi chỉ ước mình đau thay ông. Đàn bà chịu đựng giỏi hơn đàn ông.
- Người ta chỉ được sống một lần, sai không làm lại được. 
- Cũng có thể chết và sống lại trong từng khoảnh khắc, ông à! Lúc này ông cũng đang sống lại đó thôi. Ông như ông ngày xưa, của tôi... 
Người đàn ông mạnh mẽ, quyền uy giờ bất lực, yếu ớt như một đứa trẻ và hoàn toàn của bà. Bà bón cho ông từng giọt sống, vỗ về ông khi đau, lau mình mẩy ông nhẹ nhàng như lau em bé - tẩn mẩn từng vết sẹo, từng nốt ruồi, nốt ghẻ thân thuộc.
- Có bà bên tôi, cái chết bớt đáng sợ hơn. Da tôi vàng thêm nhưng hồn tôi thì xanh lại, phải không? 
- Có. Xanh ngắt - Bà  nhìn sắc da vàng nghệ, ứa nước mắt.
- Bà lại khóc! Đừng khóc! Những phút quý giá này đừng dành cho nước mắt... Này, bà mua cho tôi một con chó cái...
- Làm gì? 
- Để con Vàng có bạn, khuây khỏa. Có những con chó chủ chết nó nhịn ăn chết theo bà à! Nó thương tôi lắm đó!
Nghe nhắc tên, con Vàng đang nằm dưới chân đứng dậy vẫy đuôi kêu ư ử...

***

Lão tạt qua, ngạc nhiên thấy ông có vẻ nhẹ nhõm, bình tĩnh. Lão bảo: "Tốt. Chết cũng phải học. Quẳng hết. Về tay trắng. Giờ ngươi như đứa trẻ tập đi, phải tự bước, không ai bước thay. Đừng sợ ngã. Không ngã nữa. Chỉ bay, nếu nhẹ như hạt bụi".

Và ông đã bay trong những cơn mê. Tấm thân nặng nề khi quẳng hết hỉ nộ ái ố, thoát khỏi những trò chơi khốc liệt của cuộc đời, nhẹ như phù vân. Ông bay vào những đám mây xốp màu sáng bạc, màu của hư vô bát ngát. Tắm gội linh hồn thanh sạch bằng tiếng ngân dài bay bổng của sơn ca, giọng rừng nguyên thủy mang theo tiếng suối reo, thác đổ của chích chòe lửa. Bay qua tán rừng xanh lục, nơi ông gửi lại một chặng đời trong trẻo tươi xanh khi lòng còn tinh khôi chưa lốm đốm u sần của tham vọng gian dối. Tuổi trẻ ông nhìn ông xa lạ còn đồng đội không nhận ra ông. Họ nằm lại giữa màu xanh và tiếng chim, linh hồn nhẹ như mây, làm sao nhận ra cái lão bụng phệ ăn đất và sắt thép này là anh chàng thủ kho xanh rớt ngày nào sẵn sàng ăn sắn nhường cơm cho đồng đội?

Ông bay qua nơi mình tạo ra dâu bể - khách sạn, nhà hàng, quán nhậu mọc như nấm sau mưa trên dải đất trước kia là thôn xóm, ruộng vườn yên ả. Những ngọn lúa, ngọn rau bị vùi dưới lớp xi măng cốt thép ngóc dậy nhìn theo. Bay qua hội chợ phù hoa - phòng VIP, rượu ngoại, cờ bạc, chân dài như ngọn lửa dịu êm thiêu đốt nhân cách và làm mục nát lá gan mình.

Ông đảo lại lần cuối trên tòa nhà ba tầng, công ty xây dựng và phát triển nhà ở. Phòng giám đốc, hắn ta đang ngồi. Hắn có ngồi tù thay ông, kẻ hạ cánh an toàn xuống cái chết? Ông cố tìm trong lô xô, bé tẹo dưới kia những mảnh đất mình "ăn" qua các dự án nhưng tất cả như những mảnh ghép hình trong thành phố đồ chơi. Người ông chợt sà xuống như diều đứt dây và ông nghe  lão quát: "Về thôi!".

Ông rơi vùn vụt xuống hố thẳm không đáy, muốn mở miệng kêu mà không kêu được. Thân xác này không còn của ông nữa. Nó đã bị cái chết xâm chiếm. Ông nghe vẳng vẳng tiếng khóc gào, tiếng tụng niệm. Thấy mình bị nhấc bổng lên và tiếng lão dõng dạc hô to: "Đáo bỉ ngạn !"(*)

***

Theo ước nguyện sau cùng của người đã khuất, di chúc mở ra có sự chứng kiến của gia đình và đại diện chính quyền. Trong đó có đoạn:
"Đến cuối đời tôi mới nhận ra lương tâm là quyền lực lớn nhất. 
Dưới quyền lực ấy, tôi xin để lại cho vợ và hai con những gì do sức lực, trí tuệ mình làm ra trong mấy mươi năm gồm...
Xin trả lại những gì do mưu ma chước quỷ tôi chiếm đoạt được gồm...
Xin tha thứ cho tôi...".
Vừa qua giỗ đầu, thằng Nhất bảo:
- Mẹ bán nhà chia cho tôi! Nhà này tôi cũng có phần.
- Bán rồi ở đâu? 
- Ra nghĩa địa mà hỏi ổng. Trâu chết để da, người ta chết để của. Tự dưng đem khai ra rồi đem trả. Ngu! Cha mẹ ngu thì con khổ! Tui còn sống là còn oán ổng. Vì ổng mà con cái xuống đời! Người ta ăn đầy ra đó có ai tự nguyện trả đâu! Miếng đất ở ngã tư giờ phải mấy tỉ, nếu xây khách sạn ba sao tui đâu có thành thằng ma - cà - bông! Còn miếng ở khu trung tâm, xây nhà hàng cho con Thanh làm chủ, hắn đâu có đi làm cực khổ mà lương chỉ hơn triệu bạc. Cha mẹ ngu con mới khổ!... Ngu! Ngu! Đại ngu!
Cứ rượu vào là cậu quý tử đem chuyện ấy ra nhấm nháp, liên miên...

Bà nuốt nước mắt ngước nhìn trời. Bà tin đám mây trắng nhẹ thênh bay ngang qua nhà là ông. Hình hài tan rã, tham sân gửi lại, chỉ còn linh hồn lãng du theo mây trắng.

Từ khi ông mất, bà bỗng sinh chứng nhìn mây, nói với mây, khóc với mây. Chuyện con cái xâu xé nhau của cải. Chuyện chúng đã quen làm cậu ấm cô chiêu, tiêu xài như nước, gì cũng có người lo sẵn, giờ không tự đi được.

"Bay đi ông ơi! Đừng nhìn! Đừng nghe!", nhưng giọt nước mắt vô hình vẫn nhỏ trúng tâm hồn bà. Bà thì thào: "Ông khóc đó ư?".

***

Năm sau ngôi nhà vườn tuyệt đẹp biến thành quán Hương Huế chuyên bán bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, bánh canh. Khách ngồi dưới bóng cây râm mát, ăn những món dân dã nóng hổi, trình bày tinh tế đẹp mắt. Bánh nậm xếp theo hình quạt, mười cái một dĩa. Mở lòng mỏng mảnh, phơi dạ trắng ngần, điểm nhụy tôm hồng, chấm nước chấm ngọt thanh, ăn kèm chả tôm cắt hình thoi, xếp thành đóa hoa vàng, đưa đũa lên, cứ tần ngần vì quá đẹp. Dĩa bánh ướt nhụy tôm cũng mười cái, uốn cong thành mười cánh hoa. Bánh bèo chén để trên mẹt tre, rắc nhụy hồng, điểm tóp mỡ giòn, ăn bằng chèo tre vót mảnh... Bắt mắt nhất là tô bánh canh Nam Phổ. Tô nhỏ để vừa say, chưa ngán, hòa quyện tinh tế sắc màu và hương vị. Rẻ, ngon, đẹp mắt, lịch sự, khách vô ra quán nườm nượp, làm không kịp bán.

Cuối ngày, khi xong việc, bà lại thắp lên bàn thờ ông một cây nhang, thì thầm kể chuyện: "Hôm nay thằng Nhất có phụ tôi đôi chút ở quán! Nó hết đòi bán nhà rồi! Tôi đang tập cho nó đi. Khi nào nó bước đi vững vàng rồi, tôi sẽ về với ông, ông ơi...!". 
Tàn hương uốn cong như lời đáp. Đốm lửa như mắt người, lung linh đỏ, đỏ lung linh...


Quế Hương



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Jul/2021 lúc 11:36am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Jul/2021 lúc 12:29pm

Người%20Phương%20Nam:%20Thằng%20Ăn%20Hại%20-%20Vũ%20Thế%20Thành


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Jul/2021 lúc 12:30pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Jul/2021 lúc 1:36pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 31/Jul/2021 lúc 1:09pm
Về Mái Nhà Xưa    <<<<<<


Cuộc%20sống%20trong%20ngôi%20nhà%20có%2011%20người%20con%20-%20Bản%20vùng%20cao%20-%20YouTube


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 31/Jul/2021 lúc 1:12pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23665
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Aug/2021 lúc 6:17am

Năm Điều Đàn Ông Quan Tâm Nhất Và Sáu Điểm Mà Người Đàn Ông Cần

Trong hôn nhân, tìm được người mình yêu không bằng tìm được người có thể bao dung mình. Chuyện vợ chồng nếu như việc gì cũng phải rạch ròi đen trắng, một cộng một ắt phải bằng hai... như thế thì khó bề chung sống. (Ảnh: Shutterstock).


Đàn ông luôn có những điều mong muốn được người phụ nữ của mình đặc biệt quan tâm và thấu hiểu, nhưng rất nhiều phụ nữ lại bỏ qua.

Năm điều đàn ông quan tâm nhất

1. Đàn ông cần sự tôn trọng

Nhiều phụ nữ luôn muốn tỏ ra uy quyền đối với người đàn ông của mình, không giữ thể diện cho họ. Tuy nhiên, cuộc khảo sát trong cuốn sách bán chạy nhất: "Đàn ông cần tôn trọng, Phụ nữ cần tình yêu", khi được hỏi lựa chọn "Không ai trên thế giới này yêu bạn" hoặc "Không ai tôn trọng bạn". Hơn 70% đàn ông chọn không cần tình yêu. 

Vì vậy, muốn bắt giữ được trái tim đàn ông, hãy học cách trân trọng đàn ông, những lời khen ngợi và động viên sẽ khơi dậy sự tự tin và tinh thần chiến đấu của họ.


2. Đàn ông cần sự ấm áp

Đàn ông tôn trọng những phẩm chất lý trí, điềm tĩnh và mạnh mẽ, nhưng trong thâm tâm họ mong chờ một bến đỗ ấm áp, nơi họ có thể trú ngụ và phục hồi sức khỏe khi mệt mỏi, có thể được an ủi khi bị thương.

Vì vậy, đàn ông rất cần tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc của mẹ. Do đó, đàn bà khôn biết khi nào đàn ông cần được chăm sóc, và kịp thời trao cho anh ấy cái ôm, sự công nhận và an ủi để anh ấy có sức mạnh bước tiếp.


3. Đàn ông muốn được quan tâm. 

Cảm xúc của đàn ông đặc biệt "ngờ nghệch" khi yêu. Suy nghĩ hàng ngày của họ cũng rất đơn giản và trực tiếp đến mức thô thiển. Ít người đủ tinh tế để cảm nhận được ngay lập tức sự thay đổi cảm xúc của người khác. Họ không chỉ khó quan tâm đến người khác mà cón khó chăm sóc bản thân. 

Do đó, dù là bạn bè hay người yêu, bạn cũng nên quan tâm nhiều hơn đến đàn ông.


4. Đàn ông cần không gian

Nhiều người đàn ông lao vào phòng khi đi làm về, đắm chìm trong báo chí, tivi và không nói chuyện với gia đình. Cuốn sách bán chạy nhất "Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim" cho biết, đàn ông cần một "hang động" để chui vào để không bị quấy rầy khi họ căng thẳng.

Do đó, hãy cho họ không gian vào lúc này và đừng tiếp tục cằn nhằn.


5. Đàn ông mong được khoan dung

Dù là người yêu hay bạn bè, đàn ông đều mong người xung quanh có thể ủng hộ mình, bao dung mình vào những ngày đặc biệt. Chẳng hạn như mất đồ, làm ăn thua lỗ, uống nhiều rượu...

Chuyên gia tâm lý bậc thầy người Mỹ Minuqing từng nói: "Trong cuộc hôn nhân 40 năm, ai cũng từng 200 lần nghĩ đến chuyện ly hôn ... Còn xoay xở được hay không là tùy thuộc vào cách vượt qua những khó khăn này".

Giống như tình bạn và hôn nhân của đàn ông, mọi khó khăn đều cần được giải quyết bằng sự bao dung và thấu hiểu. Hiểu được điều này, thì dù đang yêu hay đang kết bạn, bạn đều có thể có mục tiêu và có được một mối quan hệ tốt.

Tất cả những gì đàn ông cần là 6 điểm này

  1. Sự công nhận

Đàn ông muốn chinh phục cả thế giới nên điều đàn ông cần nhất là được công nhận và chấp thuận. Mặc dù những gì anh ấy đã làm có thể là vô nghĩa.

Cú đánh sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của một người đàn ông và khiến anh ta cảm thấy cô đơn và bất lực.

  1. Sự ấm áp

Đôi lúc, đàn ông cũng rất "mong manh" và cần sự ấm áp. Mệt mỏi và kiệt sức, họ như một con mèo lười, trốn vào một góc và phơi mình dưới nắng để sưởi ấm.

Đừng mù quáng nghĩ rằng đàn ông là phái mạnh nên lúc nào họ cũng luôn luôn mạnh mẽ. Thật ra, cũng giống như phụ nữ, đàn ông cần sự ấm áp, quan tâm và những lời nói ngọt ngào.

  1. Sự chu đáo

Đàn ông thích xem phim, bóng đá, xem NBA, vì thế giới tình cảm của đàn ông ngay thẳng và đơn giản, chứ không "trăm mối tơ vương" như phụ nữ.

Đôi khi đàn ông có thể mệt mỏi và buồn phiền. Đàn ông cũng cần được quan tâm và thấu hiểu.

  1. Đời sống

Bất kể một người đàn ông có thành tích hay thành công đến đâu, thì tất cả họ cũng đều giống nhau ở một điểm: ngày ba bữa cơm không rời miệng, trà không rời tay.

Một người đàn ông không phải là không khí, anh ta cần sự sống. Không cần biết anh ta đang nghĩ gì, không cần biết anh ta đang làm gì, chắc chắn một điều, anh ta cần ăn no căng bụng thì mới có thể tồn tại được.

  1. Tha thứ

Phụ nữ đối xử với lỗi lầm của đàn ông nên bao dung như một người mẹ, giáo dục họ và cho họ biết lỗi lầm của họ để họ có thể cải thiện, thay vì đẩy đàn ông xuống vực sâu, để họ ngày càng đi xa hơn, không thể tự giải thoát.

Đàn ông là cánh diều, đàn bà là sợi dây. Đừng để cánh diều đứt dây và không tìm được đường về nhà. Bao dung với đàn ông cũng là bao dung với chính mình và bao dung với thế giới.

  1. Thấu hiểu

Đừng ép đàn ông phải đi mua sắm với phụ nữ. Đây là sai lầm chết người mà phụ nữ rất dễ mắc phải.

Đừng nghĩ rằng một người đàn ông đi mua sắm với mình là một dấu hiệu của tình yêu. Đàn ông không có hứng thú với những phụ kiện sặc sỡ đó. Đi mua sắm với phụ nữ là một cực hình chứ không phải là sự hưởng thụ. Đàn ông phải đi mua sắm với phụ nữ: chỉ một chữ thôi - khổ.

st.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 134 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.359 seconds.